Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/07/2023

Vụ "Chuyến bay giải cứu" : Nhưng bất cập và số tiền trấn lột của dân

Quốc Phương

Sơ thẩm vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ : càng xử càng bộc lộ bất cập của chế độ

Quốc Phương, RFA, 21/07/2023

Phiên tòa sơ thẩm vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ càng xét xử càng bộc lộ các bất cập của chế độ. Qua đó cho thấy những "ổ tội phạm trầm trọng" nằm trong chính các ngành thực thi và bảo vệ pháp luật ở Việt Nam, mà cụ thể là ngành công an. Nạn tham nhũng quan chức ‘cùng cực’ trong chế độ, tuy nhiên phiên tòa chỉ mang tính ‘trình diễn’, mà không có chỉ dấu cho thấy công lý sẽ đụng tới quan chức ở tầng cao nhất trong ban lãnh đạo của đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm trong việc giao quyền lực nhà nước cho các cá nhân, tập thể quan chức, bộ ngành thực hiện các chuyến bay này. Đó là các ý kiến từ giới quan sát trong và ngoài Việt Nam nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do trong dịp này.

sotham1

Tòa xử 54 người trong vụ "chuyến bay giải cứu" bắt đầu từ ngày 11/7/2023 - AFP

Trước hết, các ý kiến quan sát dành sự chú ý và bình luận về diễn biến tại tòa án liên quan một bộ phận của nhóm tội phạm là cựu quan chức trong ngành công an, mà được cho là có những lời khai trái ngược, cực kỳ mâu thuẫn nhau trước Hội đồng Xét xử.

Hôm 21/7/2023, truyền thông chính thống Việt Nam loan tin tòa đã cho công bố bằng chứng hình ảnh qua video về việc một bị cáo chính trong nhóm cựu quan chức Bộ Công an đã có hành vi được cho là ‘nhận tiền hối lộ’ để ‘chạy án thế nào’. Báo Thanh Niên, hôm thứ Sáu cho hay "Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, tiếp tục khẳng định đã đưa tiền cho bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên của Bộ Công an, để "chạy án", nhưng ông Hưng vẫn không thừa nhận;" và cũng vẫn theo báo này, tuy "cơ quan tố tụng xác định ông Tuấn chuyển 800.000 USD (hơn 18 tỉ đồng) cho bị cáo Hưng và xác định bị cáo Hưng lừa đảo chiếm đoạt số tiền này. Số còn lại khoảng 43 tỉ đồng chưa được làm rõ ở đâu, ai đang giữ" (1).

Bình luận về việc mâu thuẫn trong lời khai giữa các bị cáo cựu quan chức ngành Công an thuộc Bộ công an và công an Thành phố Hà Nội này, đặc biệt về vấn đề dường như Hội đồng Xét xử đang gặp khó khăn trong việc ‘xác lập chứng cứ’ để khép tôi và tuyên án với các bị can cựu công an này, trước hết, từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, cựu Hội thẩm nhân dân với kinh nghiệm làm việc cả chục năm ở tòa án cấp địa phương trước đây, nhà báo Võ Văn Tạo bình luận với RFA tiếng Việt :

"Ông Tuấn và ông Hưng mâu thuẫn nhau về lời khai, việc ấy cũng là thực tế thôi, chuyện ấy không phải quá hi hữu đối với những vụ án như thế này, chỉ có (điều có) những người mà người ta gọi là ‘lọc lõi’ trong nghề điều tra như là ông Hưng, song tôi cho rằng ông này lọc lõi nhưng không phải là khôn ngoan. Bởi vì các bằng chứng khác đã phơi bày rồi, bản thân chối, không nhận gì cả, thì chính ông Hưng ‘tưởng bở’ rằng cứ từ chối, khước từ, không nhận tội là không sao, nhưng tòa người ta vẫn xét xử, và tôi cho rằng việc đó (mâu thuẫn) là cũng chấp nhận được, chứ không đến nỗi gì là vô lý.

Nhưng tôi cho rằng ông Tuấn không thể nào mà ‘không ăn gì’ trong vụ này, thậm chí ‘ăn một khoản’ cũng kha khá lớn, chứ không ít, chứ không phải là vì ‘thương đồng đội’, hay là ‘thương em gái’, mà ‘làm vô tư, không hưởng thù lao’ trong vụ này. Tôi tin rằng ông Tuấn ‘có phần’ trong vụ này. Tôi cho rằng ông Tuấn cao thủ hơn ông Hưng, ông biết rằng không thể nào chối tội được, nên ông tỏ ra thái độ ‘mềm mỏng, chân thành’; khôn ngoan hơn ông Hưng. Ông Hưng, tôi cho rằng ông ấy tưởng rằng ông ấy khôn, nhưng xử lý như thế không khôn ngoan đối với cá nhân của ông ấy".

Theo vị cựu Hội thẩm nhân dân Võ Văn Tạo, trong khi tất cả các nhân chứng, vật chứng, những lời khai thác được cho là ‘đều chứng minh’ rằng cựu điều tra viên, Bộ Công an Hoàng Văn Hưng ‘có tội’, bị cáo này liên tục bác bỏ nên sẽ không được tình tiết ‘giảm nhẹ’, còn bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã tỏ ra ‘khôn ngoan hơn’ vì biết ‘không thể che dấu’ được hành vi phạm tội, nên có thể sẽ được hưởng lợi từ tâm lý của những người xét xử, mà theo ông Tạo thì "thường hay nghiêng về những người có vẻ thành khẩn" trước tòa. Còn theo truyền thông Việt Nam hôm 21/7, ông Nguyễn Anh Tuấn được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam đề nghị xét giảm một năm, và sau khi bị cáo này đề nghị gia đình nộp tiền để ‘khắc phục’, đã được đề nghị trả hoàn trả lại tiền, vàng, tài sản có số lượng lớn, báo Tiền Phong online cho biết chi tiết :

"Sau phần luận tội, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội đã tác động gia đình nộp khắc phục toàn bộ hậu quả với số tiền 1,85 triệu USD, do đó, Viện kiểm sát đề nghị giảm án cho bị cáo này. Còn ông Tuấn đề nghị được trả lại 210.000 USD, 146 miếng vàng" (2).

Tòa quyết tìm công lý ‘đến cùng’ hay tùy thuộc vào Đảng quyết định ?

Bình luận liệu tòa có thể làm sáng tỏ được thêm các hành vi phạm tội trong vụ việc hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ này và không để xảy ra việc lọt người, lọt tội hay không, ông Võ Văn Tạo nói :

"Không thể biết được, cái này có thể do quyết tâm điều tra đến cùng của cơ quan điều tra đối với hai ông này, đặc biệt là đối với ông Tuấn. Vì vụ án này rất là lớn, đụng chạm đến nhiều bị cáo và có rất nhiều tình tiết phức tạp, nên người ta khó lòng có thể làm cho công tác điều tra, truy tố có thể hoàn bị được, cho nên còn tùy vào quan điểm của cơ quan điều tra, của tòa án để mà người ta tiếp tục truy vấn đến cùng, hay là chỉ đến thế, cho rằng cơ bản như thế là tạm được và họ chấp nhận như thế thôi".

Từ góc nhìn trên quan điểm cá nhân của mình, Luật sư Lê Quốc Quân từ Hoa Kỳ nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Mâu thuẫn ở trong lời khai là một điều thường xuyên xảy ra và nó xảy ra rất nhiều, bởi vì tất cả các tội phạm đều có tính gọi là muốn bảo vệ cho chính mình, cho nên sử dụng tất cả những lời khai có lợi cho chính cá nhân của mình mà thôi. Ngược lại, phía bên kia cũng tận dụng tất cả những lời khai, ví dụ chỉ có một sự thật thôi, nhưng luôn luôn được nhìn từ hai góc độ khác nhau, các cá nhân luôn nhìn các góc độ khác nhau và đưa ra những lời khai có lợi cho mình và dẫn đến mâu thuẫn là chuyện bình thường.

Nhưng ở Việt Nam, thay vì mâu thuẫn đó được đi tìm một cách xác thực bằng các phương tiện, công cụ, các lý luận, tư duy, về cả mặt tâm lý, lẫn cả mặt thực chứng, thể chất, về mặt tâm lý học nữa…, thì ở Việt Nam là chỉ đạo. Ở Việt Nam, quan điểm của người ta là chỉ đạo: chỉ đạo đánh án như thế này, là người ta đánh án như thế này, chỉ đạo làm cho nó phình to ra là nó phình to, và chỉ đạo làm cho nó nhỏ lại là nhỏ lại, chỉ đạo phải ‘diệt’ người này, thì lấy hết những lời khai của người nọ để ‘diệt’ người này. Tất cả phiên tòa này, kể cả những ai đó nói là đấu nhau rất gay gắt trước tòa, nhưng đó chẳng qua cũng là chấp nhận hay không và nhìn nhận nó dưới góc độ nào là hoàn toàn do tòa. Tòa có thể biết đấy, nhưng tòa ‘làm ngơ’, tòa không bao giờ đi đến cùng để tìm công lý cả. Nó không phải là một cuộc chạy đua để tìm kiếm công lý và tranh luận giữa hai bên dựa vào chứng cứ hay dựa vào lời khai. Báo chí nói như vậy thôi, nhưng mâu thuẫn như vậy ai cũng biết, rõ ràng sờ sờ tất tật, nhưng mà người ta vẫn làm theo chỉ đạo. Người ta hoàn toàn nhìn nhận nó dưới góc độ là đảng muốn nhìn nó như thế nào, muốn ‘diệt’ ai, muốn tôn vinh ai, muốn tha ai, hay là muốn bắt ai".

Từ Cộng hòa liên bang Đức, cũng trên quan điểm riêng của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận với RFA :

"Theo tôi hiểu, bị cáo Hoàng Văn Hưng này hoàn toàn dựa vào bản lĩnh nghề nghiệp của ông ta, ông từng là một điều tra viên rất sành sỏi, rồi ông ta lên đến chức Trưởng phòng 5 của Cục An ninh Điều tra, thì không phải là người non nớt gì về kinh nghiệm cả, cho nên việc ông ta tự tin rằng với những lời khai của ông ta, và với những gì ông ta che đậy hành vi phạm tội của mình, thì ông ta hoàn toàn không hề hấn gì, nhưng cuối cùng Viện Kiểm sát vẫn luận tội và vẫn đưa ra cho ông ta mức án rất cao so với ‘tội lừa đảo’, mức hình phạt cao nhất dành cho ‘tội lừa đảo’ là chung thân, mà ông ta bị đề nghị mức án từ 19-20 năm, tôi cho rằng ông ta đã bị mức án gần kịch khung rồi. Ông ta đã bị mức hình phạt khá cao như vậy, thì cho dù ông ta đã thực hiện tất cả những biện pháp nghiệp vụ, với tất cả những kinh nghiệm trong suốt nghề nghiệp điều tra viên của mình, để chứng minh rằng ông ta không có hành vi phạm tội, không có nhận tiền từ ông Nguyễn Anh Tuấn, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không đem lại lợi ích gì cho ông ta cả, mà ông ta sẽ phải đối diện với một tội danh thứ hai nữa ở trong giai đoạn hai của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ này".

Các bị cáo ‘ăn năn’, ‘xin lỗi Đảng, Nhà nước’, ‘xin khoan hồng’ có gì lạ ?

Cũng theo truyền thông Việt Nam, trong số nhiều bị cáo tỏ ra ‘ăn năn, hối lỗi’, ‘xin lỗi’ Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam và đề nghị nhận được sự khoan hồng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trước Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, cựu trợ lý của một Phó Thủ tướng thường trực của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Linh được cho là đã tìm kiếm sự chú ý của Hội đồng xét xử với mình, khi trình bày trước tòa rằng :

"Những sai phạm này, bản thân bị cáo đã nhận thức được từ rất sớm, rất ân hận và ăn năn hối cải, thành khẩn trước cơ quan điều tra… Bị cáo gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Văn phòng Chính phủ vì sai phạm của mình".

Còn về phần mình, cũng trình bày lời nói cuối cùng trước tòa như 19 bị cáo khác hôm thứ Sáu, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nói :

"Bị cáo là con trai duy nhất trong gia đình, hoàn cảnh bị cáo như thế này, một mình vợ phải gánh vác cuộc sống 2 bên, chăm sóc 2 con nhỏ".

Vẫn theo truyền thông chính thống Việt Nam, bị cáo bị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị án Chung thân này còn ‘khóc’ và trình bày thêm trước tòa hoàn cảnh cá nhân của mình, rằng : "Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét gia cảnh hiện nay, khi bố đẻ ở chiến trường Tây nguyên trở về đã ngoài 70 tuổi, mẹ đẻ bị tâm thần nhiều năm, bố vợ cũng là thương binh, mẹ vợ thì ung thư phải phẫu thuật".

Bình luận về những diễn biến này, từ Nha Trang, nhà báo, cựu Hội thẩm nhân dân Võ Văn Tạo nói :

"Các tình tiết gây buồn cười thì nhiều, kể cả lập luận của các luật sư cũng như lập luận của các bị cáo, thế nhưng họ trình bày là việc của họ, còn việc phán xử là do Hội đồng xét xử, chuyện ấy tôi thấy cũng xảy ra nhiều trong các vụ án khác, chứ không chỉ riêng ở vụ án này".

Nhìn lại vụ án và phiên xử nhiều ngày qua và cho tới ngày 21/7, các nhà quan sát diễn biến phiên tòa và thời sự chính trị Việt Nam nhân dịp này đưa ra tiếp một số bình luận trên quan điểm riêng của mình với Đài Á Châu Tự Do, mà trước hết, từ Hoa Kỳ, Luật sư Lê Quốc Quân bình luận về vấn đề ‘chạy án’ như trong vụ liên quan tới một số cựu quan chức ngành Công an Việt Nam ở trên, trong vụ án, ông nói :

"Nội bộ của ngành tư pháp của Việt Nam, nói thẳng ra câu chuyện, đó hoàn toàn là một ổ tham nhũng, từ cơ quan Công an, cơ quan Viện Kiểm sát, cơ quan Tòa án là những ổ tham nhũng, một tội phạm nào đó xảy ra, tôi gọi là tội phạm hình sự đi, các tội phạm như ma túy hay là trộm cắp vặt đến tất cả các thứ là đều phải chi tiền cả, và khi người ta chi tiền, người ta nói thẳng là bao nhiêu tiền, thì được giảm bao nhiêu án, một năm tính ra là mấy triệu bạc đó mà giảm đi, và điều này Công an biết, Tòa án biết, Viện Kiểm sát biết, một khi có tội phạm xảy ra, như một tội phạm hình sự xảy ra, là bố mẹ (gia đình) phải đi lo, mà đi lo thì phải lo cả ba cơ quan : lo từ cơ quan điều tra để sao nó bóp lại, xong bóp lại một chút rồi, lại lo đến cơ quan Viện Kiểm sát để Viện Kiểm sát truy tố ít đi, rồi truy tố tội như thế, thì Tòa lại co lại nữa. Cho nên bản thân nó chính là một ổ tham nhũng mà rất khó để có thể ‘khui ra’ được. Người ta có thể ‘cắt ngay’, ngay cả khi tại tòa lời khai đã khai ra rồi, khi cần người ta cắt ngay. Điều đó ai cũng biết, nhưng vấn đề là người ta chưa bao giờ minh bạch ra trước tòa và chưa bao giờ được công khai cho mọi người biết điều đó, nhân dân biết một cách là nó thối nát đến như vậy, mà ở đây như tôi nói là (vấn để) chỉ đạo tới đâu, còn họ làm cả một hệ thống, một chuỗi của nó".

‘Muốn công bằng, phải xử các quan chức cấp cao hơn liên can’

Cho rằng nạn tham nhũng với quan chức ở Việt Nam khó có thể hạn chế được vì có lý do môi trường xuất phát từ nguyên nhân ‘thể chế’, Luật sư Quân nói tiếp :

"Tôi nghĩ ở Việt Nam rất khó làm một người tử tế, bởi vì tổ chức đã sinh ra họ (quan chức tham nhũng) chính là một tổ chức ‘bất lương’, như chính ông Nguyễn Tấn Dũng (cựu Thủ tướng Chính phủ) nói rằng ‘về hưu để làm người tử tế’, nhưng không làm người tử tế được, bởi vì tất cả các quan chức được đào tạo trong một môi trường mà họ phải là Đảng viên, họ sinh hoạt ở trong chi bộ đó, họ lớn lên, trở thành công chức ở đó, chính môi trường ‘bất lương’ và cơ chế ‘sự dữ’ như vậy, thì bản thân những người tốt, hay những người tử tế không thể lọt vào trong đó được".

Từ góc nhìn của mình, nhìn lại các chuyến bay được gọi là ‘giải cứu’ trong vụ án đang được xét xử để thấy rõ hơn tính chất của vụ án và vai trò, trách nhiệm của nhà nước, chính phủ Việt Nam, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà quan sát, bình luận thời sự Việt Nam Lê Văn Sinh nói với RFA :

"Tôi muốn nói về các ‘chuyến bay giải cứu’ để cứu vớt những người Việt Nam đang bị nạn dịch Covid ở nước ngoài, nếu thực sự là ‘chuyến bay giải cứu’ thì tôi hiểu đó phải là chuyến bay được nhà nước thực hiện, vì nhà nước giao cho các hãng hàng không của nhà nước Việt Nam, đặc biệt là hãng hàng không của Việt Nam, hãng Vietnam Airlines, đồng thời là một số hãng hàng không tư nhân… Nhưng nhà nước phải chi tiền, nếu đủ sức lực thì nhà nước chi hoàn toàn. Nếu không đủ tài lực thì nhà nước chi một phần, phần còn lại đồng bào Việt Nam ở trên khắp vùng miền ở trên thế giới được hưởng chế độ của nhà nước, được tài trợ của nhà nước, đóng góp để đưa họ về Việt Nam tránh dịch, thì đó mới gọi là ‘chuyến bay giải cứu.

Còn đây là các chuyến bay do các hãng, các công ty tư nhân lập ra và người ta phải chạy chọt tới năm cửa ải của năm Bộ khác nhau để xin chữ ký, để xin quyết định để được bay về. Và chúng ta thấy tình hình là các nạn nhân người Việt ở nước ngoài đều bị ‘chặt chém’, tới mức gần hai nghìn tù nhân hết hạn tù ở Malaysia…, ngay cả tù nhân là những người bị giam tại Malaysia vì các tội như đánh cá (trái phép), hay tội lao động (chui) ở đất nước họ hay là những cô gái bán hoa do phạm tội ấy mà bị tù, mà vào thời điểm đó các quốc gia như Malaysia có quyết định đưa những người hết hạn tù hoặc cho tù nhân ra sớm để về nước, tránh dịch, mà người ta còn thu, mà theo báo chí Việt Nam đưa tin là Sứ quán Việt Nam ở Malaysia thu những người có hộ chiếu là 22 triệu VNĐ, những người không có hộ chiếu là 25 triệu đồng, tức là mỗi một người là trên 1.000 đôla Mỹ để có được cái vé bay về, thì đó đâu phải là ‘giải cứu’. Vì thế mới có tình trạng hàng loạt quan chức của năm bộ ngành của nhà nước bị dính vào chuyện tham nhũng, hối lộ, rồi chạy án, rồi môi giới hối lộ và nhận hối lộ. Và tôi nghĩ chữ ‘giải cứu’ là không đúng trong hiện thực của xã hội Việt Nam, vào thời điểm mà người Việt Nam bị hoạn nạn dịch giã ở nước ngoài".

Còn từ Berlin, Cộng hòa liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nói :

"Đây là một phạm vi rộng lớn của việc những quan chức ở các Bộ, trong đó có cả các doanh nghiệp, mà là doanh nghiệp ‘cánh hẩu’ của các vị đó phạm tội. Chẳng hạn như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, rồi các doanh nghiệp, các công ty, tóm lại là như thế, tôi nghĩ rằng nếu muốn công bằng thực sự trong vụ án này, những người ở mức cao, cấp cao không thể không liên quan.

Và họ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, họ phải được xử đúng tội, đúng người. Nếu mà dừng lại ở đây, rõ ràng đấy chỉ là đưa ra một số người để mà cho qua vụ án này mà thôi", nhà bình luận chia sẻ trên quan điểm cá nhân với Đài Á Châu Tự Do.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 21/07/2023

***************************

Tòa đã ‘không đếm xỉa’ gì đến quyền lợi của người dân, lại tỏ ra ‘yếu kém’ về mặt chứng lý

Quốc Phương, RFA, 20/07/2023

Vụ án 'Chuyến bay giải cứu' đang diễn ra ở Hà Nội cho dù có được tòa án tại Việt Nam mở sang giai đoạn hai hay giai đoạn nào khác đi nữa, có thể các nạn nhân bị mất tiền trong các chuyến bay sẽ không được được cứu xét đền bù, vì mục đích của phiên tòa ưu tiên việc tuyên truyền cho chiến dịch chống tham nhũng được gọi là ‘đốt lò’ do Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam tiến hành. Bên cạnh đó, phiên tòa tiếp tục bộ lộ sự yếu kém của nền tư pháp Việt Nam trong khâu ‘xác định chứng cứ’ từ điều tra, đi đến kết tội trước tòa. Đó là nhận xét của một số nhà quan sát về phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án tham nhũng lớn thuộc diện được Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương theo dõi và chỉ đạo.

chuyenbay01

Phiên tòa xử 54 bị cáo tại Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" hôm 11/7/2023 - TTXVN/AFP

"Các nạn nhân là những người dân phải nộp tiền oan vì giá vé cắt cổ sẽ không phải là những ưu tiên, mà sẽ bị loại ra khỏi mục đích của vụ án này, nhà nước không quan tâm đền bù cho người dân, đến ngày hôm nay Hội đồng Xét xử không hề nhắc nhở gì đến chuyện đó cả, cơ quan điều tra cũng vậy, không ai đếm xỉa gì đến quyền lợi của người dân" - từ tỉnh Khánh Hòa, hôm 20/7/2023, nhà báo Võ Văn Tạo, cựu Hội thẩm viên nhân dân từng có mười năm kinh nghiệm cộng tác với các cơ quan tư pháp, xét xử ở thành phố Nha Trang nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.

Vụ án "chuyến bay giải cứu" liên quan đến chương trình đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng Việt Nam đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. 

Tuy nhiên, những người được "giải cứu" đã phải trả tiền vé cao gấp nhiều lần giá vé thông thường để được đưa về nước. Số tiền này được dùng để hối lộ các quan chức. Số tiền đưa hối lộ được xác định là hơn 226 tỷ đồng.

‘Giữ cho chế độ không sụp đổ, rách đâu vá đấy’

Giải thích thêm về nhận định của mình, ông Võ Văn Tạo nói :

"Mục đích của chính quyền là muốn làm theo ý của họ, chứ họ đâu có muốn đáp ứng lòng dân, cho nên chuyện người dân có được bồi thường hay không đã không được đề cập và tôi nghĩ rằng khía cạnh đó cũng bị lãng quên, không ai giải quyết. Trong cuộc vận động làm trong sạch đảng theo lời kêu gọi của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người ta gọi chiến dịch này nôm na là ‘đốt lò’, ông nói thẳng mục tiêu của ông là ‘để giữ niềm tin của người dân đối với đảng’, và quan trọng là nếu để tham nhũng nhiều quá, thì chế độ sụp đổ, tức là đảng cộng sản mất quyền lãnh đạo, mục tiêu của họ là như thế chứ không phải là đem lại công bằng cho người dân.

Cho nên vụ án này đưa ra, vì họ cho rằng nạn tham nhũng hoành hành quá lộ liễu, nên người dân sẽ không tin nữa. Niềm tin của người dân đối với Đcộng sản Việt Nam bị suy suyển nghiêm trọng sẽ dẫn đến hậu quả rất xấu với xã hội, nên họ đưa ra xét xử với mục tiêu như thế, có tính chất là ‘rách đâu vá đấy’, chứ không phải cơ bản".

Dự đoán về khả năng, kết quả của giai đoạn hai hoặc các giai đoạn tiếp theo của xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, nhà báo Võ Văn Tạo nói :

"Cũng trên tinh thần đó thôi, cũng không hơn gì, không tiến bộ gì, không có thay đổi cơ bản là đem lại mục tiêu phục vụ đời sống quốc kế, dân sinh, mà chỉ phục vụ cho Đcộng sản Việt Nam, cho cái gọi là ‘uy tín’ của họ đối với quần chúng, nhân dân; ví dụ sẽ thêm một vài bị cáo, một vài tình tiết về tham nhũng v.v… gì đó, còn chắc chắn tôi nghĩ rằng chủ trương của trên, của đảng cầm quyền là không bồi thường cho người dân".

‘Chứng cứ, khâu yếu kém kinh niên của ngành tư pháp’

Hôm 20/7, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, nhà báo, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh, người từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công An Việt Nam, nêu quan điểm trên trang Facebook cá nhân của ông, bình luận một vấn đề mà lâu nay vẫn được cho là một khâu yếu kém kinh điển và kinh niên của nền tư pháp Việt Nam, từ khâu điều tra, xét hỏi, cho đến đưa ra xét xử tại tòa, điều được thể hiện qua nhiều phiên tòa, mà phiên tòa sơ thẩm đang xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ trong tháng 7/2023 là một ví dụ, blogger - nhà báo độc lập này viết :

"Nhìn lại các vụ án có tình tiết nhận hối lộ trước đây, Dương Chí Dũng, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Duy Linh, đều tương tự vụ này ở một điểm. Đó là đều hoàn toàn không có chứng cứ - trực tiếp - chuyện nhận tiền. Cơ quan pháp luật chỉ căn cứ vào lời khai bị can và vài thông tin, hình ảnh tương đối mơ hồ. Nhưng có một điểm khác là các bị can đều... "thành khẩn nhận tội", nên dễ cho cơ quan pháp luật lập luận, coi đó là đủ để chứng minh hành vi phạm tội - dù vẫn chỉ là lời khai thôi. Nay thì, một biến cố khác hẳn xảy ra : bị cáo chính bác bỏ hoàn toàn cáo buộc, lại còn có lập luận quá "nhà nghề", "trên cơ" cả Viện kiểm sát, Tòa án. Như vậy, không thể "diễn" tiếp màn buộc tội như mấy vụ trước được… Một trong những chứng cứ chứng minh cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng nhận tiền là hình ảnh do camera ghi được lúc bị cáo nhận vali do cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội gửi đến. Thế nhưng bên trong vali đựng tiền hay chỉ có rượu như lời của Hưng khai ?".

Từ Nha Trang, cựu Hội thẩm nhân dân, nhà báo Võ Văn Tạo bình luận :

"Tôi cho rằng đấy là một trong những cái yếu cơ bản của công tác điều tra, xét xử mà thông qua vụ án này đã chứng minh. Bằng chứng quan trọng nhất, có thể gọi một cách khác là ‘bằng chứng trung tâm’ có thể bị thiếu… Do công tác điều tra của cơ quan công an, cũng như công tác truy tố của Viện Kiểm sát còn nhiều khiếm khuyết, cho nên một số khiếm khuyết như được liệt kê ra, so với nguyên tắc làm việc minh bạch và đầy đủ chứng lý v.v…, thì trong những vụ án vừa qua ở Việt Nam như là vụ Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Duy Linh, Dương Chí Dũng v.v… đó, những yếu kém vẫn bộc lộ ra như thế và tôi cho rằng sắp tới Việt Nam cần phải cải tiến để làm sao trong những bản án đưa ra thật là thuyết phục, ‘tâm phục khẩu phục’, đối với cả bị cáo cũng như là trong công chúng, vì công lý.

Còn trong vụ án này, chỉ có một tình tiết quan trọng nhất và chỉ có hai đối tượng là hai bị cáo là ông Nguyễn Anh Tuấn (cựu điều tra viên Bộ Công an) và ông Hoàng Văn Hưng (cựu Phó giám đốc Công an Thành phố Hà Nội), nếu quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam muốn làm cho ra nhẽ sự thật, tôi nghĩ rằng công tác điều tra, xét xử sẽ tỉ mỉ hơn, chính xác hơn".

Từ Washington D.C., Luật sư Lê Quốc Quân đưa ra bình luận với RFA cũng về khía cạnh, vấn đề này :

"Ở Việt Nam, thông thường câu chuyện chẳng hạn bằng ‘con bò’, xong đó cơ quan điều tra mới tìm kiếm những chứng cứ mà nó chắc chắn, đảm bảo, co xuống hồ sơ là bằng ‘con heo’, sau đó đưa ra tòa xét xử, người ta lại tiếp tục ‘co lại nữa’ để có thể chỉ bằng ‘con gà’ thôi, để diệt ‘con gà’ này. Cho nên, nếu thách thức để đòi đưa ra những chứng cứ rõ ràng, trực tiếp và đảm bảo đúng, là một điều cực kỳ khó cho cơ quan công tố, bởi vì các cơ quan công tố ở Việt Nam thường thiếu tất cả những phương tiện, thiết bị, điều kiện và thậm chí là thiếu hiểu biết, để nhân danh nhà nước truy tố các tội phạm.

Họ chỉ có một điều thổi phồng từ ‘con ễnh ương’ trở thành ‘con gà’, rồi ‘con heo’, xong trở thành ‘con bò’ là đối với các vụ án về chính trị, những vụ án về ‘tuyên truyền chống nhà nước’. Còn đối với các vụ án hình sự, thông thường sự thật là mười mươi, nó được co lại và được xử rất ít Nhưng cái ‘mười mươi’ đó cũng là cái mà người ta nhìn nhận bằng cảm tính thôi, còn các công cụ để đo đạc, chứng minh được nó, thì Việt Nam rất thiếu hụt. Cho nên việc ông Hoàng Văn Hưng thách thức, là một thách thức rất thực tế, rất rõ ràng. Ông thách thức cơ quan công tố đưa ra các bằng chứng, tôi nghĩ rằng điều này cũng rất dễ hiểu".

Theo Luật sư Lê Quốc Quân, nếu phiên tòa được tiến hành công khai ở nhiều nội dung, thì sẽ đem lại lợi ích học hỏi, tiến bộ cho nhiều bên, ông nói tiếp :

"Nếu phiên tòa này được công khai trình diễn, tranh luận, mổ xẻ, được tranh luận gay gắt chiếu theo tất cả các điều, thì tất cả các bên đều lớn lên. Từ cơ quan công tố thay mặt nhà nước cũng phải lớn lên rất nhiều, mới đối lại được với các luật sư. Ngược lại, phía bên tòa án cũng phải nhìn thẳng vào các chứng cứ một cách chi tiết, và căn cứ vào pháp lý thì mới mà không dựa vào cảm tính, hoặc dựa vào những sự hiểu biết mơ hồ của chính các thẩm phán, hoàn toàn mơ hồ theo nghĩa người ta biết điều đó, nhưng trình bày ra là rất khó khăn".

Còn đối với cựu Hội thẩm viên nhân dân, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, trở lại với dự đoán của ông rằng nếu giai đoạn hai của dự án xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ có được mở ra, thì chính quyền cũng sẽ vẫn đặt các nạn nhân thực sự của hơn 1.000 ‘chuyến bay giải cứu’ ra ngoài các ưu tiên xem xét bồi thường của Tòa án và có thể thậm chí không được Hội đồng xét xử đề cập, ông Tạo đưa ra thêm bình luận :

"Đó là sự khác biệt giữa một quốc gia do nhà nước cộng sản độc quyền lãnh đạo cai trị, với một quốc gia có dân chủ, tự do, có tự do ngôn luận, tự do báo chí v.v…. Sự khác nhau hoàn toàn và nói cho cùng đó là sự khác biệt giữa một chính thể với một đảng độc quyền quản lý cai trị đất nước, với một đất nước mà lá phiếu của người dân quyết định tất cả, từ Tổng thống cho đến những viên chức hạng bét đều phải làm việc có trách nhiệm với người dân, và nếu không đáp ứng, thì sẽ bị phế truất".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 20/07/2023

***********************

Sơ thẩm vụ 'chuyến bay giải cứu' : Hàng trăm ngàn nạn nhân thực sự bị 'bỏ qua'

Quốc Phương, RFA, 19/07/2023

Hàng trăm ngàn nạn nhân của vụ án "Chuyến bay giải cứu" đã bị "bỏ qua" trong phiên xử sơ thẩm đang diễn ra tại Hà Nội.

chuyenbay02

Công dân Việt Nam được đưa về nước trên một chuyến bay giải cứu từ Vũ Hán, Trung Quốc về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh hôm 10/2/2020 - AFP

 Nhiều lỗ hổng, thiếu sót

Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đang tiến hành xét xử 54 bị cáo trong vụ án tham nhũng liên quan đến các chuyến bay giải cứu đưa hàng trăm ngàn công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian đại dịch Covid-19.

Từ Washington D.C., Hoa Kỳ, luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 19/7, rằng các nạn nhân thực sự bị ảnh hưởng bởi vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, với số lượng lên tới hàng trăm ngàn người, đã không được xét đến trong phiên sơ thẩm đang diễn ra ở Hà Nội, trong khi ‘hai nạn nhân’ có cơ hội xuất hiện trước tòa lại chính là các ‘bị cáo’ có hành vi phạm tội.

 "Xem phiên tòa mới thấy có nhiều lỗ hổng, nhiều thiếu sót, đề cập vấn đề của nạn nhân, hiện tại như phiên tòa này nêu ra chỉ có hai ‘nạn nhân’, hai người này đều tên là Hằng, mà bản thân hai bà này đều là những kẻ ‘tội phạm’ cả, mà lấy tiền của hai bà Hằng này cũng là tiền mà chính những người tội phạm này do phạm tội mà có" - Luật sư Lê Quốc Quân nói.

Vẫn theo luật sư Quân, hơn 200.000 nạn nhân của vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ cả ở trong và ngoài Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để khởi kiện Chính phủ Việt Nam để đòi công lý và được bồi thường thiệt hại, các nạn nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoàn toàn có thể yêu cầu các tổ chức luật sư và chính phủ nước ngoài hỗ trợ về tư pháp hay bảo hộ công dân cho họ, khi có nhu cầu tiến hành một hành động pháp lý đòi lại tiền bạc và đền bù lợi ích đã bị gây thiệt hại. Ông nói tiếp :

"Cần phải tiến hành khởi kiện Chính phủ Việt Nam và các nạn nhân này phải làm một đơn kiện tập thể. Khi kiện, có nhiều điều, có thể khởi kiện dân sự, khởi kiện hành chính và có thể khởi kiện hình sự.

Nhưng đẩy lên trên cao, tôi thấy rằng có khả năng tiến hành các vấn đề về hình sự, nếu các nạn nhân phân loại được rõ và người ta phân loại được đầy đủ, bởi vì hàng trăm ngàn nạn nhân như vậy là hàng trăm ngàn tình tiết khác nhau về việc họ bị móc túi như thế nào. Các luật sư có thể dựa vào đó để xem xét là hành vi nào phụ thuộc vào chuyện dân sự, hành vi nào là hành chính, và hành vi nào là hình sự".

Có thể kiện tập thể Chính phủ ?

Theo luật sư Lê Quốc Quân, 200.000 nạn nhân có thể ‘tiến hành một vụ kiện tập thể chống lại Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’, mà cụ thể là ‘kiện’Thủ tướng chính phủ’, theo ‘một chùm tội danh’ liên quan đến tài sản như: thứ nhất là tội "Cướp tài sản" quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự (BLHS) của Việt Nam, thứ hai là tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 Bộ luật hình sự, thứ ba là tội "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" theo Điều 172 Bộ luật hình sự, thứ tư là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ luật hình sự ; và thứ năm là tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật hình sự.

Vẫn theo ý kiến cá nhân của ông Quân, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ‘ra quyết định’ thành lập "Tổ công tác năm bộ" gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng…, để tiến hành ‘việc tiếp nhận hồ sơ, phê duyệt và cấp phép’ cho các doanh nghiệp tổ chức các chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Theo đó, 54 bị cáo, trong vụ án mà tòa án Việt Nam đang xét xử, đã được ‘sử dụng quyền lực’, ‘nhân danh quyền lực nhà nước’ để thực hiện các hành vi ‘gian dối, lừa gạt, ép buộc’, thậm chí dùng ‘vũ lực’ - theo góc độ ‘quyền lực Nhà nước’ để ‘chiếm đoạt tài sản’ của đồng bào trong đại dịch. Do đó, theo luật sư Quân, chỉ khi khởi kiện và, nếu bị truy tố bởi những Điều khoản trên thì ‘mới có nạn nhân và những nạn nhân mới được bồi thường’.

Giải thích kỳ vọng đằng sau các điều khoản được nêu ra ở trên nhắm tới mục đích gì, luật sư Lê Quốc Quân nói với RFA :

"Kịch bản mong ước cuối cùng mà tôi nói lên tất cả những điều khoản này là để rằng tòa án nếu khôn ngoan, bây giờ phải giữ lại các khoản tiền bởi vì những tiền này là tiền của những người tội phạm mà có. Những tiền này bị xử theo ‘đưa hối lộ’ và ‘nhận hối lộ’, thì người ta không truy nguyên nguồn gốc của tiền, nên thông thường sẽ bị nộp vào công quỹ, mà sung vào công quỹ thì rõ ràng tiền của hơn 200.000 nạn nhân này đã bị cướp đi, bị chiếm đoạt. Sau đó nhà nước lại bằng một phiên tòa, ra một phán quyết để lấy tiền đó sung công quỹ, như vậy theo tôi nghĩ xét về mặt tư duy logics là sai, trái với nguyên tắc công bằng của con người.

Cho nên đầu tiên, mong ước khá khiêm tốn, tức là người ta lấy được số tiền đó, người ta lập một quỹ giữ riêng số tiền đó đã, để sau này, nếu như có kiện tập thể, nếu như có những nạn nhân được xác định, thì ít nhất cũng giữ lại (tiền) cho họ ở đó… và tòa án tốt nhất nên lập một quỹ để giữ lại tiền cho người dân là các nạn nhân đích thực của vụ án này".

Tính khả thi và khởi kiện thế nào ?

Bàn về tính khả thi của đề xuất vụ kiện tập thể này, luật sư Lê Quốc Quân nói tiếp :

"Điều khả thi nhất là có một vài văn phòng luật sư của người nước ngoài tập hợp các nạn nhân, hoặc các nạn nhân ủy quyền cho họ thay mặt trong việc này, và họ tiến hành khởi kiện. Và họ khởi kiện bằng rất nhiều cách, với hơn 200.000 nạn nhân thì sẽ có hơn 200.000 loại hành vi, người ta sẽ phân loại các hành vi đó ra và người ta tiến hành một cách khôn ngoan nào đó, để mục đích cuối cùng là thu về lợi ích cho các nạn nhân…

Xét về mặt bản chất, có thể khởi kiện chính phủ cũng được, Thủ tướng Chính phủ cũng được và thậm chí cả Đảng Cộng sản hay là người đứng đầu của Đảng Cộng sản chính là Tổng Bí thư. Bởi vì các cá nhân đã được sử dụng sai quyền lực nhà nước vào những thời điểm họ nhân danh nhà nước, thì chịu trách nhiệm tối cao vẫn phải là những người đã tạo nên cơ chế đó, sinh ra những văn bản pháp luật để điều hành những chuyện đó, cụ thể là những văn bản để cho phép trao quyền lực nhà nước cho những con người này".

Đề cập khả năng các nạn nhân của các ‘chuyến bay giải cứu’ mà có hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài thì có thể tham gia các vụ kiện ra sao, và làm thế nào để được hỗ trợ về mặt pháp lý, nếu có một ‘vụ kiện tập thể’ nhắm tới chính phủ Việt Nam như chính ý kiến của luật sư Quân đã nêu, ông nói :

"Về mặt khởi kiện, các cá nhân hoàn toàn có quyền khởi kiện chính phủ bình thường, đặc biệt về vấn đề dân sự, họ thấy thiệt hại, họ có thể làm đơn kiện. Về mặt tư pháp, bảo hộ công dân, người ta (các nước) có quyền giúp đỡ, nhưng theo tôi vấn đề này là vấn đề dân sự, cho nên, nên thông qua các văn phòng luật sư, các văn phòng luật sư ở nước ngoài sẽ tổng hợp những ý kiến đó, hoặc là sẽ vận động để có các chính phủ hỗ trợ họ trong quá trình họ thực thi công việc đó.

Các văn phòng luật sư có tính chất dân sự, họ đưa ra và họ tiến hành khởi kiện. Một công dân của bất cứ quốc gia nào cũng có thể khởi kiện về mặt dân sự một chính phủ khác; đặc biệt với các cơ quan ngoại giao mà đại diện cho nhà nước, đại diện cho chính phủ nước đó mà đã làm đối với chính họ, họ bị thiệt hại, thì họ có quyền làm một đơn kiện và các luật sư sẽ là những người tập hợp lại những thông tin, những số liệu đó và người ta sẽ thay mặt cho các nạn nhân để tiến hành khởi kiện.

Và họ có thể vận dụng rất nhiều phương thức khác nhau, trong đó có việc tác động đến các chính phủ, để các chính phủ nước ngoài đó bảo hộ công dân, hỗ trợ công dân, tư vấn pháp lý cho công dân và làm các việc khác phù hợp với luật pháp quốc tế, để đòi được quyền lợi cho chính công dân của mình".

Cuối cùng, liên quan trường hợp những công dân Việt Nam nhưng có song tịch ở nước ngoài mà là nạn nhân trong vụ việc, về việc họ có thể tham gia các hành động pháp lý ra sao, ông Quân nói :

"Là người có song tịch, thì hoàn toàn có quyền lựa chọn quốc tịch mà mình đứng tên, cho nên trong trường hợp song tịch, theo quan điểm của tôi, tôi tư vấn là người ta nên lựa chọn quốc tịch nước ngoài và thông qua các văn phòng luật sư ở nước ngoài với tư cách là đại diện của công dân ở nước ngoài, để tiến hành việc khởi kiện này…

Đối với nước ngoài, người ta thấy rõ ràng đây là cả một cỗ máy mà sinh ra một ổ tham nhũng từ cấp rất là cao, để bóc lột nhân dân, và để gọi là móc túi của nhân dân trong những thời điểm cùng quẫn và khó khăn nhất của người dân, lợi dụng bệnh dịch, lợi dụng về thiên tai, như thế, thì người ta nhìn thấy quá tồi tệ".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 19/07/2023

***********************

Tiền từ dân, sao Tòa xử bảo nộp Nhà nước ?

RFA, 19/07/2023

Vì sao số tiền tham nhũng trong vụ "chuyến bay giải cứu" khởi phát từ túi người dân, các doanh nghiệp và quan chức chia chác cho nhau mà tòa xử nói nộp lại cho nhà nước, để xét như một tình tiết giảm nhẹ tội ?

chuyenbay03

Phiên tòa xử 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" ở Hà Nội hôm 11/7/2023

Tiền của dân, sao trả Nhà nước ?

54 bị cáo là các quan chức cấp cao trong vụ án "chuyến bay giải cứu" đã bị Viện kiểm sát đề nghị mức án hôm 17/7, trong đó có một người bị đề nghị tử hình.

Trước khi tòa nghị án, chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa để xem xét chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo.

Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ hội đồng xét xử cho biết việc "cập nhật" số tiền khắc phục hậu quả để cơ quan công tố có căn cứ đề xuất mức đề nghị phù hợp.

Theo đó, năm quan chức nộp lại tiền nhiều nhất trong vụ "chuyến bay giải cứu" bao gồm : Cựu Phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn (nhận hối lộ 61,7 tỷ, nộp khắc phục 35,4 tỷ, mức án đề nghị 6-7 năm tù) ; Cựu Phó phòng cục quản lý xuất nhập cảnh Vũ Anh Tuấn (nhận hối lộ 27,3 tỷ, nộp khắc phục 20 tỷ, mức án đề nghị 19-20 năm tù) ; Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (nhận hối lộ 21,5 tỷ, nộp khắc phục 16,2 tỷ, mức án đề nghị 12-13 năm tù) ; Cựu Thư ký Bộ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên (nhận hối lộ 42,6 tỷ, nộp khắc phục 15 tỷ, mức án đề nghị tử hình) ; Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái (nhận hối lộ 10,4 tỷ, nộp khắc phục 5 tỷ, mức án đề nghị 5-6 năm tù).

chuyenbay04

Năm quan chức nộp lại tiền nhiều nhất. Ảnh : RFA edited

Trong vụ án này, dòng tiền khởi nguồn từ túi dân giao cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức các chuyến bay về nước. Rồi các công ty này hối lộ, chia chác với các quan chức. Giờ các quan bị bắt thì số tiền đó nộp lại cho nhà nước chứ không phải là những người chịu thiệt hại trực tiếp. Bởi vậy, có ý kiến trong dư luận cho rằng việc cán bộ nộp lại tiền "khắc phục hậu quả" cho nhà nước là không hợp lý.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, một người dân Hà Nội, nêu quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng : "Tiền ăn cướp của Dân, chứ không phải là ăn cắp từ ngân sách hay đảng phí, không trả cho bị hại, mà lại bị bắt nộp lại cho đảng nhà nước, để mong nhẹ án thì sao gọi là "khắc phục hậu quả" nhỉ ? Như vậy là chạy án chứ nhỉ ?"

Ông Hoàng Hùng, admin Facebook page "Tôi và sứ quán" cho biết đây cũng là bức xúc của nhiều nạn nhân đã phản ánh với ông :

"Thực ra là thiệt hại là người dân chứ không phải là nhà nước cũng không phải là các doanh nghiệp. Người dân họ phải bỏ tiền ra mua vé bị đội giá rất là cao, như thế thì số tiền thu hồi phải được trả lại cho người bị hại chứ không thể nào sung vào công quỹ được.

Hiện bây giờ, vấn đề là giải quyết chia số tiền đó như thế nào. Bây giờ bắt người dân phải làm đơn đi kiện dân sự là bất hợp lý".

Cơ sở pháp lý

Về mặt pháp lý, ông H, một luật gia ở Hà Nội theo dõi sát diễn biến vụ án này phân tích với RFA rằng tòa đang xét xử về các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa và nhận hối lộ. Đây là tội hình sự, và nó tách biệt với vụ án dân sự giữa nạn nhân và doanh nghiệp :

"Đây là vụ án về các tội liên quan đến tham nhũng và chức vụ, tức là quan hệ pháp luật trong vụ án này là giữa các bị cáo và nhà nước vì vậy không xét đến thiệt hại của người dân trong các chuyến bay. Cái này gọi là "nộp lại tài sản đã hưởng lợi bất chính, do phạm tội mà có".

Một luật sư không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn nói với RFA rằng trong vụ án này, những người "được giải cứu" về nước với chi phí cao có thể yêu cầu đòi các doanh nghiệp bồi thường :

"Trong trường hợp này thì họ có thể khởi kiện những công ty lữ hành du lịch hoặc những người đã nhận tiền của họ.

Trong bộ luật dân sự Việt Nam có quy định về chuyện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng".

Theo Bộ luật dân sự 2015, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra khi một bên cố ý hoặc vô ý gây hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác :

"Ta thấy rõ ràng ở đây, khi người dân bay về Việt Nam vào thời điểm dịch với giá vé đáng ra chỉ khoảng 2.000 đô thôi, nhưng mà những công ty lữ hành hút máu nên giá vé phải chi trả có thể lên đến 6.000 đô. Số tiền chênh lệch đó họ hoàn toàn có thể đòi được.

Đây là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là chịu trách nhiệm trong lĩnh vực hình sự, một bên khác là chịu trách nhiệm trong lĩnh vực dân sự. Phải phân biệt ra hai loại trách nhiệm đó thì mọi người mới rõ ràng được".

Theo ông Hoàng Hùng, nếu như yêu cầu từng người dân "đơn phương độc mã" đi đòi quyền lợi chính đáng của họ thì rất là khó. Bởi nếu đi khiếu kiện thì thời gian và chi phí cho việc kiện tụng rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền mà họ sẽ lấy lại được. Thay vào đó, ông đề nghị :

"Người đấu tranh cho chính nghĩa hay cho thượng tôn pháp luật rất là ít. Bởi vì họ biết rằng sự đòi hỏi của họ là vô vọng cho nên nhiều người cũng tặc lưỡi bỏ qua.

Danh sách nhập cảnh trong các chuyến bay giải cứu viện vẫn còn, tại sao không lấy số tiền đó chia cho những người dân.

Bây giờ phải bắt người dân làm xác nhận là số tiền đó họ đưa cho ai thì rất là khó. Theo tôi chỉ có chia đồng đều cho tất cả những nạn nhân, những công dân đã nhập cảnh trong thời gian bay chuyến bay giải cứu là hợp lý nhất".

Tòa xét xử vụ đại án "chuyến bay giải cứu" bắt đầu từ ngày 11/7. 54 người bị khởi tố về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ… Đến ngày 17/7, Viện kiểm sát (Viện Kiểm sát) đã tuyên bố mức án đề nghị đối với các bị cáo này, đồng thời đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mở rộng giai đoạn hai của vụ án.

Theo mạng báo Vietnamnet, giai đoạn hai sẽ làm rõ dấu hiệu của tội che giấu tội phạm, dấu hiệu của tội rửa tiền… Hiện tòa chưa đề cập đến chuyện bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trực tiếp của vụ án này.

Nguồn : RFA, 19/07/2023

***************************

Tòa xử như ‘mua bán’, thua kém ‘nghiêm minh’ so với thời Phong kiến

Quốc Phương, RFA, 18/07/2023

Phiên tòa xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ cho thấy tòa án của Việt Nam xét xử như ‘mua bán’, về độ nghiêm minh còn kém xa so với thời Phong kiến, ý kiến từ giới quan sát vụ án nói với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 18/7/2023.

chuyenbay04

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế khai báo trước tòa. Nhân dân Online

Thu tiền "chuộc tội"

Nhiều báo chính thống của Việt Nam vẫn đang tiếp tục cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến phiên xét xử sơ thẩm đại án "Chuyến bay giải cứu". Trong đó, có nhiều bài viết về gia đình các bị cáo, đặc biệt với trường hợp bị cáo là cựu ‘thư ký’ cho một Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Phạm Trung Kiên, đã nộp bổ sung tiền được gọi là ‘khắc phục’ nhằm được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị.

Hay tương tự là việc gia đình Phó Chủ tịch Tỉnh Quảng Nam đã nộp ‘tiền khắc phục hậu quả’, bản thân bị cáo là con trong gia đình có cha mẹ đẻ ‘là thương binh’, ‘có bằng khen của Chính phủ về chống Covid’ v.v… và đề nghị được tòa cho hưởng khoan hồng, bên cạnh nhiều trường hợp khác cũng được cho là đã được gia đình, thân nhân "khẩn trương" nộp tiền khắc phục trước, và ngay trong khi phiên xử đang diễn ra.

Một trường hợp khác là cựu phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, ‘người từ tháng 4 đến 12/2021, đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly’ và ‘được các công ty lữ hành nhờ cấp công văn với mức ‘lại quả’ 1-2 triệu đồng/khách’, theo cáo buộc, cũng đã nộp tiền ‘khắc phục hậu quả’, thừa nhận ‘sai phạm’ nhưng mong được Hội đồng Xét xử thông cảm về bối cảnh phạm tội và sự ‘ăn năn’, vẫn theo truyền thông Việt Nam hôm 18/7.

Bình luận từ Hà Nội về hình thức xử án được cho là ‘tạm dừng bánh xe công lý, để thu tiền chuộc tội này’, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) nói với RFA tiếng Việt :

"Lẽ ra xử tiếp, tòa dừng lại để cho thân nhân các gia đình bị cáo ‘khắc phục hậu quả’, tức là nộp lại tiền nong, tôi thấy đó là điều lạ. Tại sao lại có thể nộp tiền để ‘khắc phục hậu quả’, để làm nhẹ tội mà tòa lại phải dừng lại trong quá trình xử ?

Vậy sức mạnh của nhà nước nằm ở đâu với những cá nhân biển thủ tiền công quỹ hoặc tiền của các doanh nghiệp, mà đó cũng là tiền của dân, mà đến mức độ là họ phải ‘tự nguyện’ nạp lại tiền, mà không có biện pháp nào để khắc chế, hoặc để ngăn chặn hoặc cưỡng chế những tài sản của họ ?"

Đề cập một trường hợp xử lý quan lại tham nhũng trong thời Phong kiến của Việt Nam vào thế kỷ XV, nhà nghiên cứu sử học này nói :

"Ngay ở thời đầu nhà Lê, tức là thời ông Lê Thái Tông (1423-1442), một viên quan Chuyển vận sứ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng nhận có hai tấm lụa thôi, lập tức đã bị chém đầu, người con của ông ta vì thương bố, xin nhận chết thay cho bố, nhưng không được. Quan Chuyển vận sứ đó chỉ nhận có hai tấm lụa thôi, mà bị chém đầu ngay.

Tuy hình phạt có thể là hà khắc ở chế độ ấy, nhưng hình luật phải là nghiêm minh thì mới có thể răn đe được tội phạm. Còn hình luật mà không nghiêm minh, nặng tay với người này, mà nhẹ tay với người kia, nó chỉ làm cho xã hội thêm rối loạn".

Giống như mua bán, giễu cợt pháp luật’

Cũng bình luận về cách thức công lý tạm dừng, nhường bước cho chuộc tội bằng tiền đang diễn ra trong phiên xử vụ án "Chuyến bay giải cứu", từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo nêu quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do :

"Tôi chưa thấy ở đâu lại làm như vậy, nếu các bị cáo có ‘thành tâm’ nộp tiền khắc phục thì những tiền này phải trả lại cho dân, đó là thứ tiền mà nhân đại dịch, lại ‘hút máu’ của người ta như thế, thì phải trả lại cho dân về mức vé chênh lệch trong cái gọi là ‘chuyến bay giải cứu’, vì đó là cướp đoạt.

Thế nhưng việc đó phải làm trước, chứ không phải là trong phiên tòa thì dừng lại rồi nói với người ta là hãy nộp tiền, điều đó giống như một sự mua bán, cực kỳ hài hước, nó tạo ra một hình ảnh không chuyên nghiệp và giễu cợt pháp luật".

Bình luận về việc trên truyền thông chính thống ở Việt Nam, có báo khen ngợi việc chính quyền xét xử vụ án một cách ‘thượng tôn pháp luật’, ‘công bằng’ và ‘nghiêm minh’, cũng như chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng ngày một thành công và nâng cao uy tín, bà Võ Thị Hảo nói với RFA :

"Nếu xử đúng người, đúng tội từ cấp cao nhất tới cấp thấp nhất với tất cả những người liên quan vụ án này, thì mới gọi là nghiêm minh và thượng tôn pháp luật. Và quan trọng nhất trước đó, các cơ quan quản lý không thể không biết (vụ việc), vì nhất cử nhất động họ (chính quyền, an ninh) đều có giám sát và có theo dõi, và bây giờ thời đại công nghệ thông tin như thế này, họ giám sát và theo dõi nên phải biết, nhưng tại sao để cho tất cả (vụ việc) đã xảy ra rồi, thì mới đưa ra (công luận, điều tra, xét xử), cái đó không phải là thượng tôn pháp luật…

Tôi nghĩ rằng hai ông (cựu) Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam để xảy ra việc này, tất nhiên các ông phải chịu trách nhiệm rồi, và các ông đã được ‘đồng ý’ cho ‘thôi nhiệm vụ’, và họ đã xin ‘rút lui’ mặc dù với lý do cá nhân, tất nhiên tôi nghĩ rằng nếu các ông này có tham gia mà có ‘nhận tiền, nhận quà, hối lộ’ trong vụ này, thì các ông ấy còn phải ‘chịu trách nhiệm hình sự’ trước pháp luật, nếu có. Thế nhưng những người như là ông Bộ trưởng Công an ; hay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước đây ông Trọng đã cấp giấy khen cho bên Công ty Việt Á, tất cả những việc đó tại sao ông Nguyễn Phú Trọng không nhận trách nhiệm ? Và thông thường, nếu mà tự trọng, thì phải từ chức vì đã để xảy ra những vụ cực lớn trong thời gian ông tại vị, mặc dù ông đã có cổ động việc ‘đốt lò’, nhưng mà chứng tỏ là lỗi thể chế càng ngày càng bộc lộ kinh khủng dưới thời của ông Tổng bí thư Trọng".

Đánh giá nạn tham nhũng trong quan chức thuộc bộ máy của đảng và nhà nước ở Việt Nam và hiệu quả của công cuộc ‘đốt lò’ dưới thời ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Văn Sinh nói :

"Tôi chưa tìm được một từ nào để nói về đặc trưng tham nhũng ở Việt Nam, theo tôi ở Việt Nam, nếu tiếp tục ‘đốt lò’ như hiện nay, mà không có một cải cách, một biện pháp nào khác, thì công cuộc chống tham nhũng theo nhận thức của tôi sẽ không có hồi kết, bằng chứng là kể từ khi ‘đốt lò’ đến nay đã gần 10 năm rồi, mà tình trạng tham nhũng không hề giảm, mà nó lại diễn biến ngày càng tinh vi hơn, trắng trợn hơn…

Và ông Lê Văn Sinh nói tiếp :

"Cách mà Việt Nam chống tham nhũng tốt nhất là học những quốc gia dân chủ chống tham nhũng như thế nào. Điều đó là quá rõ ràng, chỉ có điều là các nhà lãnh đạo ở Việt Nam có muốn học bài học đó của họ hay là không mà thôi", nhà nghiên cứu nêu quan điểm riêng.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 18/07/2023

****************************

Đề xuất định tội vụ ‘chuyến bay giải cứu’ đáng thất vọng’ !

Quốc Phương, RFA, 17/07/2023

Đại án "chuyến bay giải cứu" đã bước sang tuần thứ hai xét xử sơ thẩm. Nhận định phiên tòa diễn ra mấy ngày qua, nhà quan sát thời sự và chính trị Việt nam cũng là luật gia nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/7 rằng những mức định tội được đề xuất của Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án là đáng ‘thất vọng’.

phientoa2

Toàn cảnh phiên tòa xử 54 người trong vụ "chuyến bay giải cứu" ở Hà Nội hôm 11/7/2023 -  VietNamNet

‘Không có tính răn đe, tiền phạm pháp nộp lại chẳng khác gì chạy án’

Vị luật sư và cũng là nhà quan sát thời sự-chính trị Việt Nam vừa đưa ra bình luận như trên với RFA là Luật sư Nguyễn Văn Đài. Ông nhận định tiếp :

"Từ khi bắt đầu phiên tòa, không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều người dân Việt Nam ở trong nước chờ đợi xem trong số 18 quan chức bị truy tố vì tội nhận hối lộ với hình phạt cao nhất là tử hình, sẽ có bao nhiêu quan chức sẽ bị rơi vào hình phạt này. Nhưng kết quả cuối cùng, chỉ có một cựu trợ lý của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên – tức là bị cáo Phạm Trung Kiên bị đề nghị hình phạt như vậy, thì đa phần người Việt Nam thất vọng với đề xuất của Viện Kiểm sát".

Mặc dù Luật sư Đài nói, cá nhân ông không ủng hộ hình phạt tử hình, nhưng qua vụ xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", ông cho rằng "không đem lại bất kỳ một kết quả nào mang tính chất răn đe đối với các quan chức ở trong hệ thống chính trị của cộng sản Việt Nam mà (phạm tội) tham nhũng".

Luật sư từ nước Đức giải thích quan điểm của mình :

"Bởi vì thứ nhất, mức hình phạt mà Viện Kiểm sát đề nghị đối với các quan chức tham nhũng trong vụ án này rất là thấp, cao nhất là cựu Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan chỉ có từ 18-19 năm tù thôi, trong khi trong quá trình điều tra thì đánh giá rằng bị cáo này ‘rất ngoan cố, chối tội quanh co, không thành khẩn khai báo’ gì cả, thế mà chị bị mức hình phạt đó. Trong khi đó, tại khoản 4 của điều 354 của Bộ Luật hình sự Việt Nam về tội nhận hối lộ, chỉ cần nhận một tỷ VND trở lên thôi, đã phải đối diện với hình phạt từ 20 năm chung thân hoặc là tử hình rồi, cho nên việc đề xuất mức án thấp như vậy không có tính chất răn đe.

"Vấn đề thứ hai là vấn đề tài sản, việc Hội đồng Xét xử phải cho ngừng phiên tòa để cho các bị cáo nộp những chứng cứ chứng minh rằng gia đình của họ đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả do hành vi nhận hối lộ gây ra, với mục đích là họ muốn giảm nhẹ hình phạt, tôi cho rằng việc này không đúng. Bởi vì không thể dùng những đồng tiền họ có được bằng hành vi phạm tội rồi sau đó nộp lại để được nhận một bản án thấp hơn, một hình phạt nhẹ hơn. Như thế không khác gì chạy án cả, tức là dùng tiền phạm tội để chạy án".

Theo quan điểm riêng của vị luật sư này, tất cả những khoản tiền mà các bị cáo phạm tội có được trong quá trình vụ án này phải bị tịch thu, sung công quỹ 100%, luật sư Đài nói thêm :

"Và chúng không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của họ, mà phải coi việc họ phải nộp phạt, tức là tòa án phải ra những phán quyết, bởi vì như trong khoản 5 của điều 354 của tội nhận hối lộ (Bộ luật hình sự) quy định rằng người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu VND và bị tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như thế, hình phạt này mới là hình phạt mà tất cả những kỷ tham nhũng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng rất lo sợ.

Đáng lẽ ra ngoài hình phạt tù, không cần phải cao nhất là tử hình, chỉ cần từ 20 năm đến chung thân là đủ, nhưng hình phạt phụ kèm theo là phải tịch thu một phần cho đến toàn bộ tài sản mới là điểm có tính chất răn đe đối với các quan chức tham nhũng".

Truy tố tội ‘môi giới hối lộ’ đã là chuẩn xác và đầy đủ ?

Bình luận thêm về tội trạng của một bộ phận nhóm cựu quan chức công an là bị cáo tại vụ án, luật sư Đài nêu tiếp quan điểm cá nhân :

"Tổng số tiền, mà trong đó bốn bị cáo đã bị truy tố và xét xử gồm Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó TGĐ Công ty Bầu Trời Xanh), Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng, là 2,6 triệu đô la Mỹ, trong đó Viện Kiểm sát chỉ cáo buộc Hoàng Văn Hưng nhận 800.000 đôla thôi. Tức là toàn bộ số tiền gần hai triệu đô la, ông Nguyễn Anh Tuấn này giữ cho mình, như vậy, ông Nguyễn Anh Tuấn trên cương vị Phó Giám đốc, Thiếu tướng phụ trách cơ quan An ninh điều tra của Thành phố Hà Nội, ông ta phải chịu hai tội danh, một phần với 800.000 đô la, mà đã được cơ quan điều tra xác nhận chuyển cho ông Hoàng Văn Hưng, thì ông ta chịu trách nhiệm về tội môi giới hối lộ.

Còn lại, 1,8 triệu đô la Mỹ mà ông ta giữ cho phần riêng của ông ta, thì ông ta phải chịu một trong hai tội danh : một là tội lừa đảo, vì ông ta nói với Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn rằng ông ta dùng toàn bộ số tiền đó để chạy tội cho hai người đó, nhưng mà trên thực tế, ông ta chỉ dùng hết 800.000 đô la, còn lại 1,8 triệu đô la, là ông ta phạm tội ‘lừa đảo’ ; hoặc là phạm tội ‘nhận hối lộ’, bởi vì ông ta là người có chức vụ, quyền hạn, nhưng khoản tiền ấy, người ta không nhất thiết cứ phải phạm tội nhận hối lộ là có thể trực tiếp làm hoặc không làm".

Cũng theo luật sư Đài, ở trong tội ‘nhận hối lộ’ quy định tại bộ Luật Hình sự của Việt Nam, người nào nhận hối lộ để ‘làm hoặc không làm một việc, đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ’ thì phạm tội ‘nhận hối lộ’, nhưng vẫn theo ông, ở một phần khác của điều luật quy định tội ‘nhận hối lộ này’, luật Hình sự của Việt Nam đã có quy định rằng :

"Nhận tiền hối lộ để tác động đến một người mà có khả năng tác động để người đó làm hay không làm một việc đem lại lợi ích cho người đưa hối lộ, thì người đó vẫn phạm tội nhận hối lộ. Vì thế cho nên với khoản 1,8 triệu đô la Mỹ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu thêm một trong hai tội. Thứ nhất có thể quy ông ta ‘tội lừa đảo’ cũng được, bởi vì nếu ông ta nói rõ ràng với Nguyễn Thị Thanh Hằng rằng ‘tôi nhận của chị số tiền này, và chuyển toàn bộ cho anh Hưng để giúp cho chị, chứ tôi không xơ múi đồng nào ở đây cả’, thì ông ta sẽ phạm tội ‘lừa đảo’. Bởi vì ông ta đã dùng sai mục đích, đáng lẽ ông ta phải chuyển tất cả số tiền đó, nhưng ông ta chỉ chuyển có 800.000 đô la, thì đó là tội ‘lừa đảo’. Còn lại, truy tố ông ta tội ‘nhận hối lộ’ hoàn toàn có thể được".

Có cần bảo vệ an toàn cho ‘bị cáo’ có lời khai ‘nhạy cảm’ trước tòa ?

Trước thông tin từ giới quan sát phiên tòa từ Việt Nam cho hay, lúc bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Chính trị hậu cần, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an bất ngờ có lời khai ‘có tính nhạy cảm’ trước phiên tòa hôm 17/7/2023, việc truyền trực tiếp hình ảnh và âm thanh đồng thời từ phòng xử án ra khu vực theo dõi mà các phóng viên tác nghiệp đã bị gián đoạn trong một số phút. Về việc này, luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận :

"Chỉ khẳng định một điều là chắc chắn lời khai trong những phút đó, ông ta (ông Hưng-PV) đã đề cập tên rất nhiều quan chức cấp trên của ông ta, rồi những quan chức ở bên Viện Kiểm sát là cơ quan phối hợp với cơ quan An ninh Điều tra để giám sát vụ án này, và liên quan những khoản tiền mà ông ta nói liên quan những trường hợp bỏ lọt tội phạm. Cuối tuần trước ông ta đã nói như vậy, vậy có thể trong những phút ấy ông ta đưa ra những gì ông ta nắm được, thì diễn biến phiên tòa có thể phức tạp hơn. Chúng ta chờ đợi trong những ngày tới hay ngày mai (18/7) để xem phiên tòa có dừng lại để họ tiếp tục điều tra hay không, còn nếu phiên tòa không dừng lại, họ vẫn tiếp tục phần tranh luận, tôi cho rằng những lời khai trong vòng những phút ấy sẽ được chuyển sang giai đoạn hai của vụ án, hoặc người ta sẽ chuyển lên phiên tòa phúc thẩm, chứ không tiếp tục ở phiên tòa sơ thẩm này nữa".

Theo vị luật sư từ nước Đức, trong tất cả các quốc gia được cho là ‘độc tài’, trong một vụ án tham nhũng ‘liên quan cấp cao’ mà có những ‘lời khai bất lợi’ cho những quan chức mà ‘chưa bị lộ’, chắc chắn người khai ra những tình tiết đó ‘sẽ gặp nguy hiểm’, liên quan trường hợp lời khai của ông Hoàng Văn Hưng, mà có thể cần có thời gian để theo dõi thêm ở vụ án này.

Đề nghị điều tra trách nhiệm liên quan của Thứ trưởng Bộ Y tế đã đủ ?

Đề cập diễn biến liên quan việc bổ sung điều tra trách nhiệm một thành viên Ban lãnh đạo Bộ Y tế, được Hồi đồng xét xử vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’ công bố trong phiên tòa hôm 17/7/2023, và tiếp tục liên hệ với trường hợp có thể cần xem xét ở một Bộ khác, luật sư Đài bình luận :

"Nhưng trong quá trình luận tội của Viện Kiểm sát Tối cao tại phiên tòa này, họ chỉ đề nghị xem xét đến trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế thôi thì cũng chưa đủ. Hai ông Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã bị từ chức do liên quan vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ hay vụ ‘Test-kit Việt Á’ rồi, nhưng chưa có một Thứ trưởng nào của Bộ Công an phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Tôi cho rằng (nếu có) bỏ lọt ‘tội phạm’ là nó (có thể) ở ‘trường hợp’ này".

Trước câu hỏi đặt ra là liệu trong chế độ chính trị như ở Việt Nam hiện nay, khi chỉ có một đảng chính trị duy nhất là ĐCSVN được phép hoạt động và cầm quyền, thì liệu có thể chống tham nhũng hiệu quả, thành công trong bộ máy chính quyền, nhà nước được hay không, ông Đài nêu quan điểm :

"Quan điểm của tôi từ xưa đến này là muốn chống triệt để cần bốn yếu tố với thứ nhất là đa đảng, hai là tam quyền phân lập, ba là tự do báo chí, bốn là xã hội dân sự…, liệu hiện nay có thể chống tham nhũng hiệu quả thành công hay không, tôi cho rằng nếu như người đứng đầu khởi xướng chiến dịch đốt lò là ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo được các cơ quan tiến hành tố tụng từ điều tra, truy tố và xét xử thực hiện việc điều tra toàn bộ tài sản của các quan chức này có được, kể từ khi họ trở thành một quan chức của chế độ và trong quá trình truy tố và xét xử, phải xử với hình phạt nghiêm khắc, kết hợp với việc tịch thu toàn bộ tài sản (tham nhũng), tôi cho rằng nếu thực hiện được các hình phạt song song với nhau như thế, việc tham nhũng ở Việt Nam sẽ giảm ngay tức thì. Còn nếu không thực hiện điều đó, việc chống tham nhũng sẽ không bao giờ đem lại được hiệu quả" - luật sư Nguyễn Văn Đài nói với Đài Á Châu Tự Do từ thành phố Hanau, Cộng hòa liên bang Đức hôm 17/7/2023 trên quan điểm riêng.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 17/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, RFA tiếng Việt
Read 409 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)