Muôn kiểu ngây thơ, trơ tráo trước tòa
Trần Cảnh Chân, VNTB, 20/07/2023
Nhờ vào những lời khai tráo trở, trơ trẽn này mà người dân được sáng mắt sáng lòng hơn với cái gọi là đạo đức cách mạng…
Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tự bào chữa bằng cách đọc 2 câu thơ trong Truyện Kiều : "Trót vì tay đã nhúng chàm
Ai rồi còn biết khôn làm sao đây".
Mỗi phiên tòa xét xử đảng viên đảng cộng sản lại thấy thêm những chiêu trò trơ trẽn lố bịch để mong chạy tội, giảm án. Từ Trịnh Xuân Thăng khóc lóc : "Cháu muốn gửi lời xin lỗi đến bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mong bác tha lỗi cho cháu, coi cháu như người con, người cháu trong gia đình", rồi òa khóc nức nở. Tới Nguyễn Đức Chung lôi ra 85 bằng khen, giấy chứng nhận gia đình có công với cách mạng.
Thậm chí cựu phó ban kế toán Công ty AIC, Lê Thị Hương nhờ có con đạt thành tích cao trong kỳ thi toán quốc tế đã được tòa cấp phúc thẩm giảm án từ tù giam thành án treo. Ngoài ra còn rất nhiều những trường hợp tội phạm là quan chức được giảm án vì các lý do nực cười như "gia đình có công với cách mạng", có giấy chứng nhận tâm thần, hoặc từng dùng tiền phạm pháp làm từ thiện.
Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu" những ngày qua cũng xuất hiện những lời tự bào chữa ngây thơ một cách trơ trẽn của những người luôn rao giảng về đạo đức cách mạng, những cán bộ có bằng cao cấp lý luận chính trị, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh.
Lẩy Kiều trước tòa. Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tự bào chữa bằng cách đọc 2 câu thơ trong Truyện Kiều "Trót vì tay đã nhúng chàm/Dại rồi còn biết khôn làm sao đây". Ngoài ra đảng viên này còn thể hiện rằng mình rất lo cho đời sống người trong lúc nhận 5 tỷ đồng tiền hối lộ. "Mỗi lần gặp bị cáo Hằng (Nguyễn Thị Thanh Hằng, phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky), bị cáo đều dặn cần phải thực hiện tốt việc chăm lo cho đời sống công dân. Khi công dân về đến nơi phải có nơi cư trú, hỏi xem quê quán ở đâu, ăn ở thế nào. Khi công dân về gặp khó khăn thì cơ sở khách sạn không được nhận tiền, không được nâng giá, chèn ép", bị cáo Tân tự bào chữa.
Phạm tội "vì rất thương". Phó giám đốc Công an Hà Nội, thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn khai môi giới hối lộ hơn 2,6 triệu USD vì tình thương với người em gái kết nghĩa (Nguyễn Thị Thanh Hằng) vướng lao lý. Trong 41 phút trả lời xét hỏi thiếu tướng Tuấn có hơn 10 lần nói "rất thương" Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh (BlueSky) nên thiết kế cho gặp Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an.
Khóc nức nở xin thoát án tử hình để "còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm". Trong hơn 10 phút trình bày phần tự bào chữa, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) ba lần xin được tuyên dưới mức án tử hình để "vẫn còn cơ hội sửa chữa lỗi lầm". Kiên khẳng định rằng "anh chị đưa bao nhiêu tiền thì nhận bấy nhiêu chứ không có sự ép bức nào". Trong khi đó, nhiều bị cáo trong nhóm đưa hối lộ khai họ bị Kiên đe dọa, quát tháo, ép đưa tiền nếu không sẽ không được cấp phép các chuyến bay giải cứu. Kiên là quan chức cộng sản bị Viện kiểm soát đề xuất mức án nặng nhất (tử hình) với cáo buộc là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu với 253 lần trong 9 tháng, tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng từ 18 cá nhân và 62 đoàn khách lẻ.
Rất đau đớn khi là người tử tế đàng hoàng mà tin vào lời nói khéo léo người khác để nhận tiền. Phó chủ tịch UBND Hà Nội, Chữ Xuân Dũng thừa nhận sai phạm và kể lại những đóng góp của bản thân cho công tác chống dịch của Hà Nội để mong được giảm án. Ông Dũng nói : "bị cáo đã tin vào lời nói khéo léo của Ngọc Anh để nhận tiền. Nếu gác lại các đồng tiền phạm tội sang một bên thì vẫn là tình người, con người mình. Kể cả phạm tội, mình vẫn cần trung thực, là người tử tế, đàng hoàng, không nên nói xấu người khác".
Không đủ nhận thức được hành vi. Có 37 lần nhận tổng cộng 21,5 tỷ tiền hối lộ, nhưng thứ trưởng Bộ ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định trước tòa rằng luôn luôn lo lắng cho tính mạng người dân, "không có mưu đồ, không đòi hỏi" mà do "không nhận thức được" việc nhận tiền là vi phạm. Khi bị tạm giam, thứ trưởng bộ ngoại giao được công an giải thích và phải đọc hai quyển sách luật mới có thể nhận thức được sai phạm.
Phiên tòa vẫn chưa kết thúc, sẽ còn rất nhiều những lời khai ngây ngô một cách vô số tội. Thậm chí một số bình luận trên mạng xã hội còn khẳng định những tên tội phạm cấp cao này sẽ trưng bằng khen, lý lịch gia đình cách mạng và làm nhiều thủ đoạn khác được giảm án. Và sẽ còn nhiều quan chức khác tiếp tục ra tòa và những phiên tòa này chỉ giải quyết được phần ngọn khi cái gốc "đạo đức cách mạng" thì vẫn còn đó.
Nhưng nhờ vào những lời khai tráo trở, trơ trẽn này mà người dân được sáng mắt sáng lòng hơn với cái gọi là đạo đức cách mạng thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở một góc nhìn tích cực thì sự tráo trở này cũng là một cách "khai dân trí" trong bối cảnh nhà cầm quyền đang quyết liệt đàn áp các nhà bất đồng chính kiến hiện nay.
Trần Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 20/07/2023
************************
Nguyên tắc suy đoán vô tội ở vụ đại án "chuyến bay giải cứu"
Lynn Huỳnh, VNTB, 20/07/2023
Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, khai nhận của bị cáo Trần Văn Dự ở phiên tòa sơ thẩm là chấp nhận.
Bị cáo Trần Văn Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh – thừa nhận hành vi nhận tiền theo nội dung cáo trạng nhưng cho rằng mình nhận hối lộ chỉ "là vô tình".
Nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế như Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.
Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013 tại khoản 1, Điều 31 như sau : "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật".
Nguyên tắc này bao gồm 05 nội dung sau :
Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Toà án là cơ quan duy nhất có quyền xét xử và kết tội một người, không một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào có thể phán quyết một người phạm tội, kể cả cơ quan điều tra, truy tố.
Hai là, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án. Mọi quyền con người của người bị buộc tội phải được tôn trọng ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn, người bị buộc tội chỉ bị hạn chế một phần quyền con người trong giới hạn luật định.
Ba là, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Các cơ quan điều tra trong quá trình thu thập các tài liệu, chứng cứ phải khách quan và đúng pháp luật. Nghiêm cấm các hình thức bức cung, nhục hình, "mớm cung"… và các phương pháp thu thập tài liệu, chứng cứ trái pháp luật.
Bốn là, việc kết tội một người phải dựa trên những chứng cứ xác thực đã được kiểm tra, xác minh công khai tại phiên toà và không còn bất cứ sự nghi ngờ nào. Mọi sự nghi ngờ không chứng minh được theo trình tự, thủ tục luật định phải được xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.
Khi không đủ căn cứ chứng minh tội phạm theo trình tự, thủ tục luật định thì phải kết luận người bị buộc tội không có tội, các quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải được khôi phục theo quy định của pháp luật.
Năm là, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội, người bị buộc tội có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh. Người bị buộc tội không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình và có quyền giữ im lặng, không trả lời các câu hỏi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Trở lại với bị cáo Trần Văn Dự.
Bị cáo cho biết mình được Bộ Công an giao thẩm quyền ký văn bản trả lời chấp thuận hay không chấp thuận Bộ Ngoại giao trong Tổ công tác 5 Bộ, do đó có đủ thẩm quyền tương đương với cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.
"Tôi có thể ký bất cứ lúc nào, thẩm quyền lúc đó ngang với anh Tô Anh Dũng nhưng qua hồ sơ tài liệu chứng minh, không có doanh nghiệp nào đến đặt vấn đề với tôi về việc tạo điều kiện cấp phép chuyến bay hoặc chia sẻ lợi nhuận cho tôi" – cựu Phó Cục trưởng A08 nói.
Bị cáo này cho hay chỉ có duy nhất 2 doanh nghiệp đến tặng tổng cộng 100 triệu đồng nhưng để tìm hiểu thêm thông tin về người Việt Nam về bằng giấy miễn thị thực, hoàn toàn không phải liên quan chuyến bay giải cứu. Bị cáo Dự cho hay do cán bộ cấp dưới của ông là Vũ Anh Tuấn – cựu phó trưởng phòng tham mưu, khi đưa tiền cho ông thường báo cáo là quà cảm ơn của doanh nghiệp sau khi họ tổ chức các chuyến bay có lời, không ai nói đây là tiền hối lộ.
"Đây là quà biếu, là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em. Không ai nói với tôi là hối lộ" – bị cáo Dự khẳng định trước tòa.
"Tôi không nhận của doanh nghiệp mà do Tuấn đưa cho tôi, tôi có thể trả lại. Vì trách nhiệm là người chỉ huy, trách nhiệm là người đồng hành với cán bộ cấp dưới nên tôi sẵn sàng chia sẻ những rủi do, những gì không đúng. Tôi xác định dù đây là tiền mình vô tình nhận hối lộ nhưng cũng là tôi "số đen", thì thôi trả lại cho nhà nước. Khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên tôi gọi điện cho vợ bảo chuẩn bị 3 tỉ đồng và nói anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về" – bị cáo Dự nói.
Căn cứ theo nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể chấp nhận các biện giải trên của cựu Phó Cục trưởng A08, và cũng từ đây có những vấn đề như sau đang đặt ra với thể chế chính trị độc quyền của đảng cộng sản Việt Nam :
Thứ nhất, "trong 37 năm công tác, bị cáo có 35 năm 6 tháng rất sạch, đến những tháng cuối thì bị vấy bẩn" – ông Trần Văn Dự cảm thán tại phiên tự bào chữa. Với một cán bộ liêm chính thì khó thể trong nếp nghĩ "là lộc doanh nghiệp tổ chức xong chuyến bay giải cứu, người ta có lòng nên người ta nghĩ đến anh em", bởi nói như vậy hóa ra chẳng khác nào xác nhận trục lợi lúc dịch giã là hiển nhiên.
Thứ hai, "cũng là tôi "số đen", thì thôi trả lại cho nhà nước. Khi bị bắt tạm giam, việc đầu tiên tôi gọi điện cho vợ bảo chuẩn bị 3 tỉ đồng và nói anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi về".
Như lời tự bào chữa đó, cho thấy chuyện tù tội với một số cựu quan chức nào đó ở Việt Nam, đúng như đồn đoán, đó chỉ là thời gian của "nghỉ dưỡng", vì ở đây chỉ là "vận rủi" so với những đồng liêu khác chưa… "bị lộ".
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 20/07/2023
***********************
Vụ chuyến bay giải cứu : 200.000 nạn nhân nên khởi kiện chính phủ
Lê Quốc Quân, VOA, 19/07/2023
Số tiền các nạn nhân bị truy thu lại một phần có thể bị sung công quỹ. Xét về mặt logic, các bị cáo ép lấy tiền của các nạn nhân, bây giờ Nhà nước lại đưa vào "công quỹ" là sai logic. Có thể xem đây cũng là một cách chiếm đoạt.
Một chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước. (Ảnh : CTV/Vietnam+)
Ngày 11/7/2023, tòa án nhân dân Hà Nội đã mở phiên xét xử đại án "chuyến bay giải cứu". Có 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo. Báo chí được tham dự và đưa tin khá thoải mái về các diễn biến phiên tòa.
Đến ngày 17/7, trước khi Viện kiểm sát công bố bản luận tội đối với các bị cáo, Hội đồngòaxét xử tạm dừng phiên tòa để các bị cáo "nộp thêm chứng từ khắc phục hậu quả".
Trong số 54 bị cáo thì có 21 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" ; 23 bị cáo tội "Đưa hối lộ", 4 bị cáo tội "Môi giới hối lộ" ; 4 bị cáo "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và 2 bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Có 18 bị cáo bị truy tố theo Khoản 4, Điều 354 của Bộ luật hình sự Việt Nam với khung hình phạt ở mức cao nhất là tử hình nhưng khi luận tội, đại diện Viện Kiểm sát chỉ đề nghị một án tử hình và các mức án từ 2-20 năm, rất nhẹ, vì theo luật hình sự thì chỉ cần nhận hối lộ lên đến 1 tỷ đồng là đã đối mặt với"20 năm, chung thân hoặc tử hình".
Hai quan to nhất bị truy tố là cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, bị đề nghị mức án 12-13 năm tù, Cựu phó giám đốc công an Thành phố Hà Nội : Nguyễn Anh Tuấn, bị đề nghị mức án 6-7 năm tù. Trước đó, 2 phó thủ thướng là Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh đã bị kỷ luật buộc rời khỏi chức vụ mà không chịu một trách nhiệm hình sự nào.
Theo quy định của pháp luật thì kẻ có quyền lực đứng sau chỉ đạo luôn luôn phải là đối tượng bị truy tố với mức hình phạt cao nhất, bởi những kẻ đó là người được hưởng quyền lợi cao nhất, phải chịu trách nhiệm cao nhất. Nhưngán tử hình duy nhất chỉ được nêu ra cho ông Kiên vốn chỉ là một chuyên viên được điều chuyển "mồm" từ chuyên viên của Vụ Trang thiết bị sang để "giúp việc" cho thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên. Thứ trưởng Tuyên hiện vô can.
Đảng cộng sản hoạt động trên cơ sở "tập thể" và có chi bộ, đảng bộ của mình, cho nên không thể nói một ai đó có thể "ăn mảnh" được. Tất cả phải có đường dây và phải có sự đồng ý, dù công khai hay ngầm, của đảng. Một người "giúp việc" không thể tách mình ăn riêng.
Phiên tòa chỉ có 2 nạn nhân chính là kẻ phạm tội
Trong vụ án này chỉ có 2 người bị truy tố ở tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là cựu điều tra viên Bộ công An – Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn, công ty Thái Hòa. Ông Hưng bị cáo buộc chiếm đoạt của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng 2,65 triệu USD và ông Tuấn chiếm đoạt của bà Phạm Bích Hằng 5,6 tỷ. Nạn nhân mất tiền ở đây chính là 2 bà Thanh Hằng và Bích Hằng, họ là những người đã "đi hối lộ" và tài sản hối lộ là do phạm tội mà có, hoặc sẽ có.
Thông thường các bản án về tội lừa đảo thì số tiền lừa đảo sẽ được tuyên trao trả lại cho các nạn nhân. Nhưng tất cả các bên đều biết tiền đó sẽ đến từ những người được "giải cứu", thậm chí họ còn "bổ đầu" số tiền trên lên từng người. Nạn nhân thực sự là hơn 200.000 người chứ không phải chỉ có 2 người vốn là 2 tội phạm.
Số tiền các nạn nhân bị truy thu lại một phần có thể bị sung công quỹ. Xét về mặt logic, các bị cáo ép lấy tiền của các nạn nhân, bây giờ Nhà nước lại đưa vào "công quỹ" là sai logic. Có thể xem đây cũng là một cách chiếm đoạt.
Cần khởi kiện Chính phủ Việt Nam
Những công dân đã bị "móc túi" có thể tập trung lại để làm một đơn kiện tập thể lên Chính phủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các thủ tục dân sự, hành chính và cả hình sự.
Về dân sự thì có thể dựa vào điều 186 của Bộ Luật tố tụng dân sự để tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp đòi lại tiền mình đã bị thiệt hại, phải chi trả không đúng với bản chất của sự việc, có thể trong hoặc ngoài hợp đồng.
Đối với tố cáo hình sự thì cần nhắm vào thủ tướng chính phủ để đảm bảo đúng nguyên tắc cá nhân hóatrách nhiệm hình sự. Cần tố cáo về "Các tội xâm phạm sở hữu" nằm tại Chương XVI của Bộ luật hình sự, với ít nhất một loạt tội danh như "Công nhiên chiếm đoạt tài sản", theo Điều 172 ; tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", theo Điều 174 Bộ luật hình sự và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự.
Các nạn nhân có thể dựa vàoQuyết định thành lập "Tổ công tác 5 bộ" cho phép tiến hành việc cấp phép các chuyến bay giải cứu đưa công dân. Cá nhân này đã được chính phủ trao cho "quyền lực" và họ đã "nhân danh quyền lực đã được chính phủ trao ban" để phân bổ tiền, chia theo dây, theo chuỗi. Bản thân Chính phủ, mà cụ thể là thủ tướng chính phủ phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng về việc các thành viên của mình tổ chức, thực hiện việc ăn tiền của các nạn nhân.
Sẽ rất khó có một kết quả như mong muốn nhưng chỉ khi các nạn nhân đã đi trên các chuyến bay đó tập hơp cùng nhau, làm đơn khiếu kiện tập thể và kiện chính phủ thì mới đủ áp lực để nhà nước xem xét giải quyết. Tòaán ở Việt Nam thường xử theo công luận, cho nên áp lực càng lớn thì đảng càng phải chỉ đạo để sao cho hài hòa.
Về việc nộp đơn kiện thì các nạn nhân nên uỷ quyền cho một số văn phòng luật sư ở nước ngoài tiến hành xem xét các đơn kiện. Do hàng trăm ngàn người thì có hàng ngàn trăm tình tiết bị "móc túi" khác nhau, cho nên các luật sư sẽ phải phân loại theo từng nhóm hành vi : khởi kiện dân sự, hành chính hay tố cáo hình sự, khởi kiện ở trong nước hay ngoài nước, khởi kiện chính phủ hay thủ tướng chính phủ.
Đồng thời các luật sư sẽ tìm kiếm ảnh hưởng của những quốc gia có công dân song tịch hoặc mang quốc tịch nước ngoài là nạn nhân của các chuyến bay giải cứu để tác động chính trị đến Nhà nước Việt nam nhằm tìm kiếm sự bồi thường cho công dân của mình.
Trước mắt, theo tôi để tránh hệ luỵ nguy hiểm xảy ra với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tòaán cần lập ngay một quỹ riêng để dành các khoản tiền truy thu được mà chưa vội sung công quỹ. Điều này cũng tránh khả năng bị dân nói là "cướp của kẻ đi cướp". Nếu Tòaquyết định sung công quỹ ngay, rất có thể sẽ dẫn đến những hệ luỵ lớn hơn cho nhà nước sau này.
Không thể tử tế trong một cơ chế bất lương
Xã hội nào cũng có người tốt người xấu, quốc gia nào cũng có tham nhũng. Thế nhưng, khi viết những dòng chữ này tôi cứ nhớ đến Chí Phèo với câu "ai cho tao làm người lương thiện". Dù chưa được gặp 2 phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh nhưng một thời thấy họ trên truyền thông, tôi cũng có lòng yêu quý họ. Tôi tự nghĩ họ như những giọt nước trong, đã hòatan vào trong lọ mực đen. Họ đã trở thành đen, trở thành tội phạm.
Hàng loạt các quan chức khác cũng vậy. Nếu muốn trở nên lương thiện, họ phải thoát ra khỏi cơ chế tội lỗi đã sản sinh và nuôi dưỡng họ. Không một ai có thể nắm được một chức vụ hành chính trung và cao cấp nếu không phải là đảng viên, không phải nằm trong "phe phái" thuộc "xâu chuỗi" nào đó, cùng ăn chia lợi ích với nhau.
Họ không thể trở nên một mình tử tế trong một tổ chức bất lương. Do học ngành luật, tôi cũng có nhiều bạn là thẩm phán. Họ tốt về mặt cá nhân nhưng cả hệ thống tòaán Việt Nam đang hành xử như một cái chợ và họ đã trở thành một mắt xích trong đó. Họ dùng quyền lực nhà nước để mặc cả, trao đổi và hưởng lợi. Đối với các vụ án hình sự nhỏ thì xử theo quyền lợi cá nhân. Đối với các vụ án chính trị, vụ án điểm thì xử theo chỉ đạo của tổ chức, của phe phái mình.
Trong một cơ chế tù mù và đầy cạm bẫy, những tham vọng cá nhân luôn luôn trỗi dậy và sinh sôi. Đó chính là nguồn gốc của mọi loại tham nhũng. Bởi vậy, chỉ có một chính quyền thực sự dân chủ, tự do và có đối trọng quyền lực mới ngăn chặn được phần nào tham nhũng và đảm bảo việc tham nhũng bị truy đuổi đến tận cùng khi nó xảy ra.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 19/07/2023
***************************
Nắm dao đằng cán
Tuấn Khanh, RFA, 18/07/2023
Chuyện là ông Vũ Ngọc Minh, đại sứ Việt Nam tại Angola, khi nhận được lời đề nghị hỗ trợ đưa người Việt đi làm việc tại quốc gia ở Châu Phi này về nước vào giai đoạn cuối đại dịch 2022, đã nhanh chóng đưa ra 3 yêu cầu : nộp cho ông danh sách người về, và chỉ có ai được ông duyệt mới được lên máy bay. Điều thứ 3 thì nói sau.
Nghe qua, thấy như ông đại sứ này làm việc nhanh và công chính. Thế nhưng khi có danh sách, ông Minh nói ngay là phải chi mỗi người đi về là 3 triệu. Dựa vào điều 1 và điều 2, có nghĩa, ông Minh nắm dao đằng cán, ai có trong danh sách mà không nộp tiền, tức khỏi về.
Phía công ty thuê chuyến bay combo, sau đó đã chuyển vào tài khoản của ông Minh là 864 triệu đồng để được cho phép bay. Đến khi thấy sự vụ vỡ lở và đã có nhiều người bị điều tra, bắt giữ, ông Minh vội vã chuyển trả lại số tiền này, nhưng muộn.
Vũ Ngọc Minh là một cán bộ ngoại giao thế hệ mới của nhà nước : giỏi tiếng Anh và được nhiều bằng khen về thành tích, được tu nghiệp về ngoại giao tại Trường đại học John Hopkins của Mỹ... suốt trong 30 năm làm công việc luân chuyển từ Panama, Costa Rica, Úc, Đức... cho đến Angola, ông Minh chưa để lộ bất kỳ một tì vết nào đáng có để có thể bị chê trách. Có thể nói ông là một hình mẫu của một cán bộ ngoại giao làm việc giỏi, thận trọng và khôn khéo.
Trên trang thông tin về cán bộ của Bộ Ngoại giao, vẫn còn ghi về tiểu sử của ông đại sứ Vũ Ngọc Minh "Trong thời gian công tác, Đại sứ Vũ Ngọc Minh đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao vì những đóng góp đối với ngành ngoại giao, về công tác biên giới lãnh thổ cũng như bằng khen do các cơ quan khác trao tặng như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng…".
Ấy vậy mà, vị quan chức đầy hào quang ấy, vào lúc đất nước và con người Việt Nam nguy khốn, nhận thấy râm ran giới cán bộ quan chức chung quanh mình đang ra sức ăn dày, ông cũng nghiêm nghị hưởng ứng bằng cách đưa ra giá 3 triệu cho một công dân. Sự thoái hóa nhanh chóng của một con người ở giai đoạn cuối cuộc đời, dù đã có một thời gian rất dài được coi là chuẩn mực và tốt đẹp, có thể thấy trong trái tim của lớp người đó, phụng sự không phải vì trách nhiệm, dân tộc và tổ quốc, mà rất dễ dàng quay mặt vào quyền lợi riêng khi cơ hội đến, đặc biệt vào lúc thấy chung quanh mình cũng xuất hiện bầy đàn có tâm tư tương tự.
Không có thế lực thù địch nào, cũng không có diễn biến hòa bình nào có thể tác động được những con người đã qua đào luyện và hành động trung thành với một thể chế, hơn nửa cuộc đời như vậy. Chỉ có những hố đen trong trái tim của họ được che đậy bằng sự giả dối, vốn đã âm thầm không thuộc về trách nhiệm, dân tộc và tổ quốc.
Hãy thử tưởng tượng, nếu đất nước lâm nguy vì bị xâm lược, kẻ thù ngay trước cửa, những quan chức ở những vị trí cao và được tín nhiệm lâu năm như vậy, là những kẻ nắm dao đằng cán kiểm soát sinh mạng của quốc gia, đều cùng nhau vì quyền lợi riêng mà im lặng quay mặt với nhân dân, đất nước, thì mọi thứ sẽ ra sao ?
Ông Minh chỉ là một trong những kẻ hầu tòa để lộ những hố đen như vậy trong trái tim của mình, và chắc chắn còn nhiều kẻ khác nữa đang im lặng quan sát thời sự với hố đen thăm thẳm trong trái tim của họ, trên đất nước lúc này - những kẻ được quyền cầm dao mà không hề biết ngại.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 18/07/2023