‘Cộng đồng chung vận mệnh’, Biển Đông, Cửu Long, và nhân tố thứ 3
Tùng Phong, VOA, 13/12/2023
Trong chuyến tuần du phương Nam của Hoàng đế Đỏ có xuất hiện một nhân vật phụ rất đáng quan tâm : Thủ tướng Cambodia Hun Manet.
Giới chức Trung Quốc dường như có vẻ rất coi trọng văn hóa truyền thống và hay trích dẫn các tác phẩm kinh điển của các nhà văn hóa, đạo đức nổi tiếng trong các văn bản ngoại giao của họ. Ông Tập không phải ngoại lệ.
Từ diễn ngôn mơ hồ
Báo chí Việt Nam và Trung Quốc trong những ngày qua tràn ngập tin bài về chuyến công du của ông Tập Cận Bình tới thăm Việt Nam với những lời lẽ hoa mỹ, đậm màu sắc văn hóa cộng sản.
Tờ Hoàn Cầu viết"Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ môi hở răng lạnh, là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chí hướng, cùng con đường, có chung vận mệnh, là cộng đồng cùng tương lai... Phía Việt Nam, 800 tờ báo đồng loạt đăng tải tin tức, hình ảnh về nghi lễ đón tiếp trang trọng nhất dành cho Chủ tịch Trung Quốc cùng phu nhân, với 21 phát đại bác, tiệc trà, quốc yến và36 văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết... Tờ báo Nhân Dân, tờ báo đảng có địa vị chính trị lớn nhất trong hệ thống tuyên giáo hôm 12/12 có đăng nguyên văn bài viết của ông Tập Cận Bình về "tình hữu nghị Việt Trung" trong đó có nhiều diễn ngôn và nội dung đáng quan tâm.
"...Năm nay là 10 năm kể từ khi tôi đề xuất khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến cùng nhau xây dựng "Vành đai và Con đường" và chính sách ngoại giao láng giềng "Thân, Thành, Huệ, Dung". Để xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ Châu Á... Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt.
....
Phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau, tăng cường nền tảng hợp tác thực chất chocộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam... hai bên cần phát huy đầy đủ ưu thế vị trí địa lý gần gũi và ngành nghề bổ sung cho nhau, đẩy nhanh hợp tác và kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai", không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như kết nối giao thông, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng sạch, khoáng sản then chốt, v.v, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại càng nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước.
..."Bán anh em xa, mua láng giềng gần", gốc rễ, huyết mạch, sức mạnh của quan hệ Trung-Việt đều bắt nguồn từ nhân dân. Chúng ta nên tăng cường hợp tác giao lưu hữu nghị, phát huy đầy đủ hiệu quả của các cơ chế giao lưu tương ứng giữa cơ quan truyền thông Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, văn hóa và du lịch, nhà xuất bản, cơ quan điện ảnh, truyền hình và phát thanh của hai nước, làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo tiếng Trung, giáo dục nghề nghiệp, thể dục thể thao, y tế, v.v.
Kiểm soát thỏa đáng bất đồng, mở rộng nềntảng nhận thức chung cho cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Hai bên nên thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước,kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, cùng tìm giải pháp hai bên đều có thể chấp nhận được...
...
Lịch sử đã nhiều lần khẳng định, một quốc gia, một khu vực muốn chấn hưng thì phải tiến lên theo logic của tiến trình lịch sử và phát triển theo xu thế của thời đại. Tương lai của Châu Á nằm trong tay người dân Châu Á chúng ta... ; chỉ có kiên trì hợp tác cùng thắng, cùng bàn bạc, cùng xây dựng và chia sẻ thành quả của "Vành đai và Con đường"...
"Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh. Bách sự đắc kỳ đạo giả thành" (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm sự được thành công khi tìm được đạo lý của mình). Bất cứ thế giới có những thay đổi như thế nào, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con đường chính nghĩa. Trung Quốc đang thúc đẩy toàn diện xây dựng cường quốc, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, sẽ không ngừng thúc đẩy phát triển chất lượng cao, kiên trì mở cửa đối ngoại với trình độ cao, đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới...
(Trích bài viết của ông Tập đăng trên báo Nhân dân ngày 12/12/2023)
Có thể thấy, trong bài viết của ông Tập và nhiều phát biểu của giới chức Trung Quốc đã nhắc lại cụm từ "cộng đồng cùng chung vận mệnh", "cộng đồng cùng chia sẻ tương lai" với tần suất đặc biệt. Diễn ngôn mang tính biểu tượng mơ hồ được Trung Quốc rất chú trọng, nhấn mạnh nhưng đối tác thì không rõ nó bao hàm nội dung cụ thể là gì. Nhiều học giả và giới ngoại giao quốc tế muốn phân tích về nội hàm cụm từ có phần khó hiểu này.
Trong bài viết gửi đăng báo Nhân Dân của ông Tập, có trích dẫn một câu cổ ngữ, từ sách Thuyết Uyển của Lưu Hướng (劉向 ; 77 trước công nguyên - 6 trước công nguyên), đời Hán "萬物得其本者生,百事得其道者成 – Vạn vật đắc kỳ Bản giả sinh. Bách sự đắc kỳ Đạo giả thành. Nghĩa là : Vạn vật bảo tồn được bản chất thì sinh trưởng. Trăm sự đạt được Đạo (tuân theo Qui luật) thì mới có thành tựu. Câu dịch nghĩa trong báo Nhân Dân đã không dịch sát ý và gây khó hiểu. Ý của ông Tập muốn nhấn mạnh ở đây là Trung Quốc sẽ luôn theo "con đường chính nghĩa", xây dựng trở thành cường quốc, phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại. Còn các nước như Việt Nam tham gia vào "cộng đồng chia sẻ tương lai" – có nghĩa là "tuân theo qui luật, theo Đạo" thì mới có thành tựu và cơ hội phát triển được.
Giới chức Trung Quốc dường như có vẻ rất coi trọng văn hóa truyền thống và hay trích dẫn các tác phẩm kinh điển của các nhà văn hóa, đạo đức nổi tiếng trong các văn bản ngoại giao của họ. Tuy vậy, trên thực tế, đường lối và chính sách thi hành của Trung Quốc lại triệt để tuân theo sách lược của những mưu lược gia như Tôn Tử, Bạch Khởi, Tư Mã Ý... – những bậc thày trước Machiavelli hàng ngàn năm. "Binh bất yếm trá", "lộng giả thành chân", "tá đao sát nhân", "tằm thực"...những thủ đoạn chính trị được các hậu nhân ở xứ "đèn lồng đỏ treo cao" nằm lòng từ khi còn đeo huy hiệu đoàn.
Đến nội hàm thực tế
Thực ra, diễn ngôn "Cộng đồng cùng chung vận mệnh" hay "Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai" không phải là mới. Khi những nhà lãnh đạo Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bằng hội nghị Thành Đô thì câu khẩu hiệu"Sơn thủy tương liên. Lý tưởng tương thông. Văn hóa tương đồng. Vận mệnh tương quan" đã bao gồm cả cụm từ "Vận mệnh tương quan" rồi. Chỉ có điều, mối quan hệ của Việt Nam - Trung Quốc chưa bao giờ bằng phẳng và dễ đoán, nóng lạnh thất thường giống như khí hậu gió mùa của miền Bắc Việt Nam.
Mỗi năm, hàng trăm tàu thuyền ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh, kiểm ngư và dân quân biển Trung Quốc xua đuổi, cướp phá ngư lưới cụ và hải sản. Đơn cử trường hợp gần đây, 28/08/2023,tàu cá QNg 90495 TS từ đảo Phú Lâm về bãi Xà Cừ thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Trung Quốc số hiệu 4201 truy đuổi và sử dụng vòi rồng phun nước vào tàu. Vụ tấn công làm cháy hỏng các thiết bị điện tử trên tàu QNg 90495 TS, 1 ngư dân bị gãy tay phải, 1 ngư dân bị thương vùng đầu. Ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa... thường xuyên phải chịu đựng sự khủng bố tàn bạo từ các lực lượng kiểm ngư, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Còn phía giới chức Việt Nam chỉ duy nhất có Hội nghề cá và bộ đội biên phòng làm công tác thống kê, ghi chép số lượng thương vong sau các đợt tàu thuyền ngư dân bị tấn công mà thôi.
Các dự án khảo sát và khai thác tài nguyên dầu khí trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam luôn bị Bắc Kinh gây áp lực, buộc phải hủy bỏ. Dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng cầm trịch chính trường Việt Nam, Hà Nội đã liên tục nhượng bộ Bắc Kinh ở Biển Đông.Dự án liên doanh với Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã bị hủy bỏ trước áp lực của Bắc Kinh năm 2020 khiến Hà Nội phải đền bù 1 tỷ 200 triệu USD cho đối tác liên doanh.
Con số 1,2 tỷ USD là một khoản tiền rất lớn mà Petrovietnam phải trả dần trong 3 năm nhưng đó không đơn thuần là tổn thất kinh tế trong tình cảnh khó khăn như dân gian ví von "chó cắn áo rách", mà đồng nghĩa với việc Việt Nam đã đánh mất chủ quyền trên thực tế những vùng biển giàu tài nguyên, tạo ra hiện trạng cực kỳ nguy hiểm cho toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Trước đó, các đối tác như BP, ConnocoPhillips cũng đã rút lui vàExxonMobil cũng nản lòng trước sự bạc nhược và chậm trễ của Hà Nội. Ngay cả những dự án liên doanh với Nga, Nhật Bản giờ đây cũng bị Trung Quốc quấy nhiễu.
Trong một bối cảnh tệ hại như thế, ông Nguyễn Phú Trọng luôn nhắc nhở phải đảm bảo "đại cục" và "nếu đụng độ trên biển, chúng ta có ngồi đây được không ?". Có lẽ, chính vì sự kiên định đó, ông đã được đích thân chủ tịch Tập trao tặng tấm huân chương Hữu nghị bằng vàng, rất to, ngay tại Đại lễ đường nhân dân vào tháng 10/2022. Nhìn cách thức hai nhà lãnh đạo này đón tiếp nhau thật nồng hậu, không rõ cảm xúc của hàng ngàn ngư dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định... là nạn nhân thê thảm của hải quân, hải cảnh Trung Quốc nghĩ gì ?
36 văn bản thỏa thuận hợp tác có gì ?
Trong 36 văn bản thỏa thuận hợp tác vừa ký kết giữa hai bên, thực chất có thể chia ra làm 2 nhóm nội dung :
Một là "phần cứng" : bao gồm các thỏa thuận đầu tư tập trung vào mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và mạng lưới thông tin phục vụ cho hợp phần"Hai hành lang, một vành đai kinh tế Bắc Bộ",kết nối với hệ thống BRI ; Dự án hợp tác khai thác"Khoáng sản then chốt". Trong đó, dự án đường sắt Hà Khẩu – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ là trọng tâm, quan trọng nhất. Người viết sẽ có bài nói rõ về vai trò tác động của đường sắt Côn Minh -Hà Khẩu - Hải Phòng cũng như vị trí địa lý đặc biệt của cảng Hải Phòng và khu vực ven biển Quảng Yên, Quảng Ninh đối Bắc Bộ và tỉnh Vân Nam ra sao.
Theo ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho báo giới Việt Nam biết "Phía Trung Quốc sẵn sàng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi giúp Việt Nam thực hiện nâng cấp và cải tạo tuyến đường sắt từ Quảng Tây qua Đồng Đăng đến Hà Nội, cũng như đẩy nhanh quy hoạch tuyến đường sắt từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Hải Phòng". Các bản đồ liên hệ cho thấy, theo qui hoạch sẽ có hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1,435m, được điện khí hóa là Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và Hải Phòng – Móng Cái.
Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 60 tỷ USD năm 2022. Con số này đã tăng đột biến trong những năm thương chiến Mỹ - Trung gia tăng. Rõ ràng, một tuyến đường sắt chiến lược sẽ càng khiến cho hàng hóa Trung Quốc có được lợi thế vượt trội về logictics. Trong tương lai không xa, hệ thống đường sắt, đường bộ hiện đại của "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Bắc Bộ" sẽ trở thành những siêu lộ giúp cho kinh tế Vân Nam cất cánh và Hải Phòng trở thành hải cảng có qui mô bậc nhất Đông Nam Á. Tất nhiên, "không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả" và các nhà lãnh đạo Việt Nam có đủ bản lãnh để chơi ván cờ này ra sao thì còn là câu hỏi và cả sự ngờ vực lớn.
Hai là "phần mềm", đã được ông Tập Cận Bình mô tả rất rõ ràng trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân và được cụ thể hóa qua các thỏa thuận hợp tác về tuyên giáo, xuất bản, truyền thông... :
"Bán anh em xa, mua láng giềng gần"...Kiểm soát thỏa đáng bất đồng, mở rộng nền tảng nhận thức chung cho cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Hai bên nên thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, cùng tìm giải pháp hai bên đều có thể chấp nhận được...
Việc mới đâyBộ giáo dục đào tạo Việt Nam bỏ tiếng Anh là môn thi bắt buộc từ 2025 và sau đó nhanh chóng có những văn bản chỉ đạođưa tiếng Trung vào môn học chính khóa từ lớp 3 có lẽ là câu trả lời rõ ràng nhất cho lộ trình"...làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo tiếng Trung, giáo dục nghề nghiệp, thể dục thể thao, y tế, v.v.
Diễn cảnh "Biển Đông dậy sóng, Cửu Long cạn dòng" và nhân tố thứ ba
Trong khi hai vị lãnh đạo cao nhất của hai đảng cầm quyền thể hiện tình hữu nghị nồng thắm, thưởng trà trong bầu không khí mùa đông giá buốt ở Hà Nội thì ngoài biển Đông, các chiến hạm Trung Quốc đang bao vây, tấn công những chiếc tàu hậu cần nhỏ bé của Philippines ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. Một chiêu "giết gà dọa khỉ" khá quen thuộc của những hậu nhân Tôn Tử. Có lẽ, ông Nguyễn Phú Trọng và giới chức Việt Nam đang cảm thấy may mắn vì "Nếu có đụng độ ngoài biển thì ta có ngồi đây uống trà được không !"
Chủ tịch Tập hẳn muốn đưa một thông điệp nhắc nhở những người cộng sản anh em rằng cho dù có là "đối tác chiến lược, toàn diện" với Hoa Kỳ và các nước trong liên minh QUAD nhưng nếu Hà Nội không ngoan ngoãn tuân phục và hợp tác tham gia vào "Cộng đồng cung chung vận mệnh" thì hãy cứ nhìn Philippines. Sóng biển Đông sẽ cuốn vào tận Ba Đình ngay tức khắc.
Trong chuyến tuần du phương Nam của Hoàng đế Đỏ có xuất hiện một nhân vật phụ rất đáng quan tâm : Thủ tướng Cambodia Hun Manet. Sự xuất hiện của vị nguyên thủ trẻ tuổi này trong bối cảnh giới chức Việt Nam bận rộn đón tiếp phái đoàn quan trọng từ thiên triều có vẻ như không đúng lúc. Tuy vậy, đó lại là sự "tình cờ đầy hữu ý". Cambodia đã gia tăng các hoạt động quân sự với Trung Quốc trong thời gian gần đây khiến Hoa Kỳ lo ngại. Việc thường xuyên các tàu khu trục hiện đại của PLA ra vào và sử dụng dịch vụ ở quân cảng Ream đã cho thấy Cambodia ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và việc cho quân đội Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự ở đây chỉ còn là vấn đề thời gian không xa.
Sự kiện Cambodia sắp chuẩn bị xúc tiến con kênh đào "đế chế Phù Nam" đang gióng lên hồi chuông báo tử cho đồng bằng sông Cửu Long. Cambodia đã không che dấu tham vọng phục hưng ánh vinh quang từ quá khứ của đế chế từng bao trùm khắp miền Nam bán đảo Đông Dương. Nếu nhìn kỹ ánh mắt và thần thái của vị quân vương trẻ Hun Manet, có lẽ những nhà lãnh đạo Việt Nam nếu có chút linh cảm chính trị, chắc sẽ phải "không rét mà run". Không rõ, ông Nguyễn Phú Trọng cảm thấy ngụm trà đáng giá cả lượng vàng ngon đến đâu nhưng những người dân Việt Nam có lương tri và trí tuệ đang cảm thấy đắng ngét và mặn chát vị máu.
Tùng Phong
Nguồn : VOA, 13/12/202
*************************
Việt Nam-Trung Quốc nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai"
Trọng Nghĩa, RFI, 13/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là "Cộng đồng chia sẻ tương lai", khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là "Cộng Đồng Chung Vận Mệnh".
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Văn phòng chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, ngày 13/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Trong bản tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc được báo chí Việt Nam công bố hôm nay, hai bên đã nhất trí "tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối Tác Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt Nam-Trung Quốc", đồng thời ''xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại".
Về cộng đồng chung mà hai bên đồng ý hướng tới, trong lúc phía Việt Nam gọi đó là "Cộng đồng chia sẻ tương lai", thì theo các bản tin trên Tân Hoa Xã, từ ngữ phía Trung Quốc dùng là "Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể", tức là "Cộng Đồng Chung Vận Mệnh".
Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, đây là một nhượng bộ ngoại giao từ phía Việt Nam, vốn cho đến gần đây vẫn tránh dùng khái niệm đó. Tuy nhiên lần này, Hà Nội đã đồng ý nhằm xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản lên hàng "Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện".
AP trích lời một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng nhượng bộ trên ngôn từ của Hà Nội "không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc lãnh đạo, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật gần đây". Theo chuyên gia này, đây là "một động thái được chờ đợi trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đã đích thân đến Hà Nội".
Theo ghi nhận của các nhà quan sát, khi chấp nhận cùng với Trung Quốc xây dựng một "Cộng đồng chia sẻ tương lai", Việt Nam đã nối gót một số quốc gia Đông Nam Á khác như Lào, Cam Bốt, Miến Điện, hay Thái Lan, Indonesia.
Nhân chuyến công du Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở Việt Nam về quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu vào hôm nay tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải phản đối mọi "nỗ lực gây rối ở Châu Á-Thái Bình Dương". Ông Tập không nhắc đến nước nào, nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tố cáo Mỹ là "kẻ gây rối tại vùng Châu Á" và không mấy thiện cảm với việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng qua Việt Nam.
Trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hơn 30 thỏa thuận, trong đó có kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay trong lãnh vực viễn thông. Tuy nhiên, theo Reuters, không có thỏa thuận nào được công bố về đất hiếm, mặc dù ông Tập Cận Bình từng kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản trọng yếu.
Trọng Nghĩa
***************************
Tập Cận Bình thăm Việt Nam kỳ này : tên gọi gì cho mối quan hệ ?
RFA, 13/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du Việt Nam trong hai ngày 12 và 13/12/2023. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Bản tuyên bố chung ; theo đó mối quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" của hai nước sẽ hướng tới xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại". Theo một số nhà nghiên cứu, sự thay đổi tên gọi này cho thấy nhiều điều thú vị đằng sau mối quan hệ của hai nước láng giềng này.
AP
Vì sao không còn tên gọi "chung vận mệnh" ?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, việc đổi tên gọi quan hệ của hai nước rất thú vị. Không phải là "cộng đồng chung vận mệnh" mà là "chung tương lai". Và họ không chỉ "chung tương lai" mà cái tên này có bổ ngữ rất dài phía sau : "có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại". Theo ông Nguyễn Thế Phương, cái bổ ngữ rất dài phía sau tên gọi này là một chỉ dấu quan trọng để thấy những điều Việt Nam muốn có từ mối quan hệ. Điều đó cho thấy Việt Nam chính là bên chủ động, cố gắng thay đổi tên gọi, làm cho bản chất quan hệ sẽ thay đổi so với quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, và quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cũng khác quan hệ với các cường quốc khác.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Trường Đại học Luật Tp. HCM nhận xét rằng trong chuyến thăm này của Tập Cận Bình tới Việt Nam, có một số vấn đề mà Việt Nam quan tâm sâu sát : trước hết là kinh tế thương mại, đó là cái Việt Nam rất cần ; thứ hai là một loạt sáng kiến của Trung Quốc.
Sáng kiến Cộng đồng chung vận mệnh là một sáng kiến lớn, trong đó có nhiều sáng kiến nhỏ, như BRI (vành đai con đường), Sáng kiến Văn minh toàn cầu, Sáng kiến an ninh toàn cầu... Khi "du hành" tới Việt Nam thì Trung Quốc đã phải đổi tên gọi "Sáng kiến" này thành "Cộng đồng chia sẻ tương lai". Theo ông Hoàng Việt, nếu dùng khái niệm "vận mệnh" thì Việt Nam có thể phản đối. Việt Nam có lẽ e ngại khái niệm này vì "vận mệnh" có khả năng dẫn tới cách diễn giải là "tôi sống thì anh sống, tôi chết thì anh chết". Trong đó khi đó, quan điểm của Việt Nam là "không chọn bên". Chiến lược của Việt Nam là "ngoại giao cây tre", tức phần gốc thì vững chắc, không đổi, nhưng phần thân và ngọn thì linh hoạt. Nếu nói hai nước "chung vận mệnh" thì sẽ bị diễn giải là Việt Nam chọn bên.
Sáng kiến Vành đai con đường là một bộ phận của Sáng kiến Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận định rằng tuyên bố của cả hai bên trước đây nói rất rõ là tiếp tục phát triển tuyến đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) và Hải Phòng, đồng thời thảo luận về tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Nghi thức đón tiếp : ai hơn ai ?
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng chuyến thăm của Tập Cận Bình thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản. Dù sao thì Mỹ và Nhật cũng đang là đối thủ của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Biden, nghi thức được giảm thiểu tối đa, không trải thảm đỏ, không bắn 21 phát đại bác. Nhưng với Trung Quốc thì các biểu tượng nghi thức rất quan trọng. Ngoài ra, khi Việt Nam thăm Trung Quốc thì Trung Quốc cũng đón rất trọng thị.
Các biểu tượng trong nghi thức đón tiếp ông Tập Cận Bình do đó cũng là cách mà Trung Quốc và Việt Nam muốn chứng tỏ là Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng, hơn Mỹ. Tất nhiên, đó mới là xét về nghi thức, vì còn nhiều vấn đề khác.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đang muốn cân bằng lại ảnh hưởng ở Việt Nam, có những vấn đề ẩn giấu bên trong quan hệ hai nước, trong đó có tranh chấp Biển Đông. Nhất là gần đây thì xung đột giữa Trung Quốc và Philippines vẫn đang dâng cao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học Canberra, Úc, trao đổi với RFA rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình khẳng định một điều là trong các quan hệ của Việt Nam thì quan hệ với Trung Quốc là quan trọng nhất.
Mặt khác, tên gọi rất dài của mối quan hệ hai nước cũng truyền đi thông điệp là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mặc dù cũng là quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện", nhưng quan hệ với Trung Quốc là quan hệ cao nhất, hơn quan hệ với các "đối tác chiến lược toàn diện" khác.
Học sinh vẫy cờ Việt Nam và Trung Quốc tại lễ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Hà Nội hôm 12/12/2023. AP
36 hiệp định hợp tác
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh rằng khác với Mỹ, Trung Quốc lại là nước đặt nặng vấn đề biểu tượng, thể diện. Trung Quốc đã đạt mục tiêu là truyền đi thông điệp là vị thế của họ là cao nhất trong các mối quan hệ của Việt Nam. Việt Nam cũng cho Trung Quốc thoả mãn điều đó về mặt biểu tượng. Nhưng đằng sau những điều đó, chúng ta thấy hai bên phải nhân nhượng lẫn nhau.
Để Việt Nam chấp nhận tên gọi "chia sẻ tương lai" như vậy, Trung Quốc phải chấp nhận thả lỏng cho Việt Nam nhiều vấn đề khác, như hợp tác khai thác đất hiếm giữa Việt Nam và các nước đối thủ của Trung Quốc như Nhật Bản.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc cũng đã ký kết 36 văn bản thỏa thuận hợp tác. Hiện nay hai bên mới chỉ công bố tên gọi của 36 văn bản này, thông tin chi tiết của các văn bản vẫn chưa được công bố.
Hai nhà nghiên cứu Hoàng Việt và Nguyễn Thế Phương đều cho rằng 36 văn bản thỏa thuận hợp tác được nhắc đến trong Thông cáo chung là những thỏa thuận mà giới quan sát sẽ tập trung nghiên cứu thêm để hiểu sâu hơn về mối quan hệ hai nước trong thực chất.
Trong danh sách 36 thỏa thuận nói trên, các lĩnh vực hợp tác chủ yếu là kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng. Về cơ sở hạ tầng, đáng chú ý là dự án đường sắt kết nối biên giới Việt Nam - Trung Quốc, từ Lào Cai nối về Hải Phòng và Lào Cai nối sang Trung Quốc. Không thấy nói đến dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam dù gần đây dư luận Việt Nam quan tâm nhiều. Tuy vậy, trong 36 văn bản, có một Bản Ghi nhớ nói chung chung là hai bên sẽ "tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc".
Lĩnh vực an ninh - quốc phòng có đến bốn văn bản, tập trung vào phòng chống tội phạm, hợp tác trên biển và lĩnh vực tư pháp.
Ngoài ra, có một điều đáng chú ý là văn bản hợp tác giữa Bộ Tài nguyên Môi trường hai nước chỉ thấy nói tập trung vào trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ, không thấy thỏa thuận nào liên quan đến đất hiếm. Tuy nhiên, Thông cáo chung có nói đến khả năng hai bên "tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt", dù không nói rõ khoáng sản then chốt là gì. Điều này lặp lại một nội dung trong Thông cáo chung Việt Nam - Trung Quốc hồi tháng 6 năm 2023 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc có nói hai bên sẽ "tích cực tìm kiếm khả năng tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực khoáng sản then chốt". Điểm mới là Thông cáo chung ngày 13/12/2023 nhấn mạnh là hợp tác ở lĩnh vực khoáng sản then chốt sẽ tuân theo "nguyên tắc thị trường và tinh thần thực chất, bền vững".
Nguồn : RFA, 13/12/2023