Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2017

Thượng đỉnh G-20

Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần này, lãnh đạo các nền kinh tế dẫn đầu thế giới có hội nghị cấp cao gọi là "Thượng đỉnh G-20" tại thành phố Hamburg của Cộng hòa Liên bang Đức với các nguyên thủ then chốt như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Liên hiệp Âu Châu và Anh, Đức, Pháp v.v… Trong bối cảnh đầy bất trắc về an ninh và chính trị, dường như lãnh vực kinh tế lại có vẻ khả quan hơn.

summit1

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Xi Jinping tại Berlin, Đức, ngày 5 tháng 7 năm 2017. AFP photo

Nguyên Lam : Thưa ông, chúng ta đang bước qua nửa thứ hai của năm 2017 có quá nhiều biến động nên hội nghị cấp cao của nhóm G-20 kỳ này tại Hamburg của Đức có thể là cơ hội cho lãnh đạo các nền kinh tế dẫn đầu thế giới rà soát lại tình hình hợp tác và tạo điều kiện tốt đẹp hơn cho kinh tế toàn cầu. Vì vậy, tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ theo dõi biến cố ấy để phần nào dự đoán ra tương lai ngắn hạn trước mắt, ông nghĩ sao về việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật năm 2017 có nhiều biến động trên thế giới nên khi lãnh đạo của 19 nền kinh tế có sản lượng cao nhất cùng với Liên hiệp Âu Châu hội họp thì ai cũng tin rằng Thượng đỉnh G-20 này sẽ đề cập trước tiên đến các hồ sơ an ninh và chính trị trong khi tình hình kinh tế nói chung lại có vẻ khả quan hơn trong nhiều quốc gia. Sự thật lại khác hẳn.

Trước hết, về các hồ sơ ngoài kinh tế, người ta nên chú ý tới các vấn đề sau đây. Thứ nhất là sự căng thẳng tại Đông Á với mâu thuẫn gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về vụ Bắc Hàn, Đài Loan và vùng Biển Đông Nam Á khiến việc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ được chú ý. Thứ hai là mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga về cục diện Đông Âu khiến chúng ta nên theo dõi một thượng đỉnh khác được tiến hành trước đó tại Ba Lan. Đấy là khi Tổng thống Hoa Kỳ sẽ hội kiến từ hôm Thứ Năm mùng sáu này với lãnh đạo của 13 nước Liên Âu vây quanh ba vùng biển Baltic, Adriatic và Hắc hải. Người ta gọi đó là "Thượng đỉnh Ba Biển" và là cơ hội cho Hoa Kỳ khẳng định ý chí bảo vệ các nước Đông Âu trước sức ép của Nga. Từ đó, người ta mới chú ý đến cuộc họp tay đôi của Tổng thống Mỹ với Tổng thống Vladimir Putin của Nga về trách nhiệm của nước Nga và về Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO cùng mối ưu lo của các thành viên Âu Châu trong Minh ước này. Sau cùng thì người ta mới theo dõi quan hệ của Hoa Kỳ với cột trụ kinh tế Liên Âu là nước Đức, khi Đức sắp có bầu cử vào Tháng Chín tới. Nói chung, các nước đều e ngại mâu thuẫn về an ninh và chính trị nên lầm tưởng là tình hình kinh tế toàn cầu sẽ khả quan hơn trong thời gian tới, nhưng sự thật lại chưa hẳn như vậy.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thú thật là không ngờ quan hệ giữa các cường quốc lại có quá nhiều mâu thuẫn từ Đông Á tới Đông Âu như vậy, cho nên việc truyền thông cần theo dõi các hội nghị tuần này tại Âu Châu. Nhưng thưa ông Nghĩa, vì sao ông lại cho rằng tình hình kinh tế toàn cầu lại chưa hẳn khả quan như các nước dự đoán ? Ông thấy những gì là đáng ngại ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên về bối cảnh chung thì các ngân hàng trung ương mạnh nhất thế giới đều thấy tình hình kinh tế có khả quan hơn, với áp lực lạm phát suy giảm nên đều nghĩ tới việc tăng dần lãi suất hoặc ít ra thì tiết giảm việc bơm tiền kích thích kinh tế.

Thứ hai, mạnh nhất trong các định chế tiền tệ quốc gia là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ còn tin rằng một vụ khủng hoảng tài chính như đã thấy năm 2008 sẽ khó xảy ra trong thời gian tới, nhất là khi việc thẩm định khả năng ứng phó với khủng hoảng của 34 ngân hàng thương mại Mỹ kết luận rằng hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ nay đã có mức an toàn hơn mươi năm trước.

Thứ ba, người ta thấy đồng Mỹ kim hết tăng giá trong sáu tháng đầu năm nay nên điều ấy sẽ có lợi cho xuất khẩu của Hoa Kỳ và giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển lỡ vay quá nhiều đô la Mỹ, thí dụ như trường hợp Việt Nam. Nhưng thật ra tình hình chưa được khả quan và đồng bộ như vậy nên người ta mới tự chuẩn bị cho những kịch bản bất ngờ sau này, nhất là khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS, được coi như ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương vừa cảnh báo hôm Chủ Nhật 25 vừa rồi là những biến động chính trị dồn dập có thể gây hậu quả bất lợi cho kinh tế toàn cầu. Bản thân tôi thì theo dõi kỹ sự phân tích chính xác của định chế này.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với cách nhận định của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa khi ông trình bày bối cảnh rồi xoay ngược vấn đề nhằm cảnh báo chuyện bất ngờ. Thưa ông, đâu là những kịch bản bất ngờ mà ông vừa nhắc tới ?

GERMANY-CHINA-POLITICS-DIPLOMACY-G20

Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay Chủ tịch Siemens Joe Kaeser (trái) tại Berlin vào ngày 5 tháng 7 năm 2017. AFP photo

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin khởi sự từ Hoa Kỳ trước. Năm 2006, dân Mỹ cũng hồ hởi như thế mà không ngờ lại gặp khủng hoảng khi trái bóng thị trường gia cư địa ốc bị bể chứ không xì và dẫn tới vụ khủng hoảng 2008. Nếu đối chiếu lời phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương thời ấy là ông Ben Bernanke với bà Chủ tịch Janet Yellen thời nay, ta thấy sự lạc quan tương tự nên cần đề phòng phản ứng bầy đàn khi thấy giá nhà tại Mỹ nay cũng tăng quá mạnh.

Thứ hai, về việc đồng đô la Mỹ hết tăng mà còn có thể bị mất giá so với nhiều ngoại tệ mạnh thì ta còn nên nghĩ tới một nguyên nhân khác là tình trạng ách tắc chính trị tại Hoa Kỳ khiến nhiều đề nghị cải cách ngân sách và thuế khóa của Chính quyền Donald Trump bị đình hoãn hoặc gặp trở ngại nên chỉ còn một đòn bẩy kích thích kinh tế là xuất khẩu để giảm thâm hụt cán cân thương mại nhờ đô la rẻ hơn.

Nhưng nếu chiều hướng sút giảm hối suất của Mỹ kim so với các ngoại tệ khác đã kéo dài sáu năm trong một chu kỳ thường là bảy năm thì mình chẳng nên quên là kinh tế Mỹ cũng có thể bị suy trầm nhẹ vào năm tới sau tám năm liền chưa bị suy trầm, là điều chúng ta có trình bày kỳ trước. Và lần này có khi một trong nhiều yếu tố tác động lại có thể đến từ kinh tế Trung Quốc. Nếu kinh tế Mỹ bị suy trầm nhẹ thì hậu quả chưa đến nỗi tai hại cho Hoa Kỳ bằng cho nhiều quốc gia khác, nhất là cho Trung Quốc và Đức.

Nguyên Lam : Nói về nước Đức thì dư luận báo chí thường quan tâm đến lập trường tương phản của bà Thủ tướng Angela Merkel với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Riêng ông thì còn thấy cái gì khác mà chúng ta nên chú ý ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ta nên thấy ra một nghịch lý quan trọng hơn nữa. Đó là cột trụ kinh tế của cả khối Liên Âu là Đức lại có một nhược điểm quan trọng là quá lệ thuộc vào xuất khẩu, trước hết là vào sức mua của các nước khác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên Âu hay Vương quốc Anh, mà sức mua đó lại có thể giảm. Nhìn sâu xa hơn, kinh tế của cường quốc này không thể kiểm soát được nhiều động lực phát triển của mình, như tình hình Liên Âu, việc Vương quốc Anh đàm phán việc triệt thoái là Brexit và nhất là sự thăng giáng hay sa sút của kinh tế Hoa Kỳ.

Tuần qua, ba trung tâm nghiên cứu Đức là Viện IFO, German Institute for Economic Research và Ngân hàng Trung ương đều công bố dự báo lạc quan về viễn ảnh giữa năm của kinh tế Đức nhờ sức tiêu thụ nội địa gia tăng nhưng sự thật thì kinh tế Đức vẫn tùy thuộc vào sức nhập khẩu của các nền kinh tế khác. Chính là trong bối cảnh ấy, quan hệ kinh tế và chính trị giữa Hoa Kỳ với Đức là điều nên theo dõi trong thượng đỉnh G-20 của tuần này.

Ngoài ra, cũng xin nói là ta còn nên theo dõi một hồ sơ kia là tương lai của Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 11 nước sau khi Hoa Kỳ triệt thoái từ đầu năm nay. Tôi cho là các nước còn lại, nhất là Nhật Bản, cũng khuyến khích các quốc gia khác xúc tiến kế hoạch và nhìn từ quan điểm về an ninh của Nhật, có thể là Thủ tướng Shinzo Abe sẽ kín đáo thúc đẩy sự tham gia của Nam Hàn và có khi cả Đài Loan nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Việt Nam không nên quên hồ sơ này và quyền lợi kinh tế của mình với nhiều đối tác khác.

Nguyên Lam : Thưa ông, trong khung cảnh đó tình hình Việt Nam sẽ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm nay, tới phiên nước Đức tổ chức Thượng đỉnh G-20 và Thủ tướng Angela Merkel của Đức có mời Thủ tướng của Hà Nội tham dự mặc dù Việt Nam chưa được ở trong nhóm 19 quốc gia có nền kinh tế giàu mạnh nhất. Sau đó, Thủ tướng Hà Nội sẽ thăm Vương quốc Hà Lan. Đây là cơ hội cho lãnh đạo Việt Nam nhìn rộng ra ngoài và phát triển quan hệ với nhiều nước khác, nhưng chẳng thể quên được sự phê phán của thiên hạ khi Hà Nội tuyên án 10 năm tù một phụ nữ đấu tranh bất bạo động là Mẹ Nấm. Đây là điều xấu hổ mà các nước dân chủ văn minh khó chấp nhận được. Dù báo chí Hà Nội chẳng nói ra, tôi cho rằng Thủ tướng của Hà Nội sẽ được lãnh đạo các nước nhắc nhở điều kỳ cục đó.

Tuy nhiên, về kinh tế thì vấn đề của Việt Nam lại nằm ở nhà khi công quỹ cạn kiệt và đi vay quá khả năng làm nhiều dự án xây dựng hạ tầng bị đình hoãn và nhà nước nhìn vào khối vàng hay ngoại tệ của dân như giải pháp ! Tôi thiển nghĩ ưu tiên của nhà cầm quyền Việt Nam là nên nhìn vào hệ thống doanh nghiệp nhà nước quá lớn và kém hiệu năng nên gây tốn kém oan uổng cho nền kinh tế. Vì vậy, họ nên thúc đẩy và thực hiện tiến trình giải tư, tư nhân hóa hay cổ phần hóa một cách thực tế và minh bạch để phần nào thu hồi lại cho công quỹ một khối tài nguyên bị lạm dụng với quá nhiều tham ô lãng phí. Cho tới nay, Hà Nội mới chỉ nói mà không làm trong khi các khó khăn cứ chồng chất và nhiều doanh nghiệp bị nguy cơ vỡ nợ.

Nguyên Lam : Việt Nam có dễ thở hơn không trong giả thuyết là đồng đô la Mỹ sẽ còn sụt giá từ nay đến cuối năm ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng không vì nhiều lý do. Mỹ kim có thể sụt giá nếu so với nhiều ngoại tệ mạnh khác chứ điều ấy chẳng có nghĩa là gánh nặng hoàn trái hay trả nợ của Việt Nam sẽ giảm mạnh. Thứ hai, gánh nợ công hay là công trái của Việt Nam thật ra cao hơn con số chính thức vì phải bao gồm cả các khoản vay nợ của các doanh nghiệp nhà nước do nhà nước đứng ra bảo lãnh từ chục năm trước. Nó có thể cao gấp 10 lần khối dự trữ ngoại tệ của Việt Nam và hơn gấp đôi khả năng sản xuất của kinh tế trong một năm. Gánh nợ quá lớn này sẽ còn đè nặng đến tương lai kinh tế Việt Nam và ngoài nạn phá sản dây chuyền thì ta không nên quên kịch bản suy trầm của kinh tế Hoa Kỳ rồi của nhiều nước khác vào năm tới. Đấy là viễn ảnh thực sự không lạc quan cho Việt Nam, ngoài nhiều vấn đề rất đáng quan ngại khác ở bên trong.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam, RFA

Nguồn : RFA, 05/07/2017

Quay lại trang chủ
Read 1221 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)