Chuyện Đại tá Jack Usrey, làm việc tại Bộ Tư lệnh lực lượng Địa phương quân của bang Tennessee, dừng xe, bước ra ngoài giữa lúc trời đang mưa tầm tã, rồi đứng nghiêm, vung tay chào một người ông ta không hề quen biết đang trên đường đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà VOA Việt ngữ đăng hồi cuối tuần trước đã nhận được hơn 10.000 “like”,chưa kể câu chuyện này đã được hơn 2.100 facebooker giới thiệu lại trên facebook của họ.
Các thanh niên mặc áo phông màu đỏ, phía trước có in hình búa liềm, sao vàng và đằng sau áo có in chữ “Đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc”, kèm theo các chữ cái viết hoa DLV mà nhiều người cho là chữ viết tắt của "dư luận viên".
Tuy chuyện xảy ra ở Mỹ song phần lớn ý kiến trong số 380 bình luận về câu chuyện này trên facebook của VOA Việt ngữ lại xoay quanh tương quan giữa giáo dục với đạo đức ở… Việt Nam. Những so sánh giữa xưa với nay làm bật ra một vấn đề mới : Nỗ lực hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam rõ ràng đã ngược hướng với việc gìn giữ, vun bồi các giá trị nhân bản.
***
Bình luận về tấm ảnh vừa kể, facebooker Jennifer Dominique bảo rằng, chuyện dừng lại, ngả mũ chào khi gặp đám tang – gây ngạc nhiên và xúc động cho nhiều người Việt đương thời – vốn là điều bình thường ở miền Nam Việt Nam giai đoạn trước tháng 4 năm 1975. Chẳng riêng học sinh mà công chức, quân nhân, cảnh sát cũng được yêu cầu làm như vậy.
Cả trăm facebooker cùng xác nhận chuyện này, cùng thắc mắc là tại sao hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa gạt bỏ hành động nhân văn ấy cũng như nhiều hành động nhân văn khác (nhường chỗ, giúp đỡ người tàn tật, người già, phụ nữ, trẻ em,…) để đến bây giờ, khi gặp đám tang, chẳng những không chào, người Việt đương đại còn bấm kèn, bóp còi giành đường, theo facebooker Dinh Quang, nếu có ai đó đứng lại thì chỉ là để xem, để hỏi nên chọn số nào cho chuyện “đánh đề”.
Những hành động như vậy dường như chẳng phải từng chỉ có ở miền Nam, miền Bắc Việt cũng thế. Facebooker Mai Đoàn bảo rằng, bạn sinh sau, đẻ muộn nhưng nhiều lần được nghe các cụ ngoài đó kể rằng, trước cách mạng tháng 8, dân chúng miền Bắc cũng hành xử tương tự. Facebooker Toan Minh Nguyen, xác nhận, từng được nghe thầy chủ nhiệm lớp 12 kể là thầy có nghe các vị cao niên ở Hà Nội bảo, ngày xưa, mỗi khi gặp đám tang, tất cả mọi người đều dừng lại, lột mũ, đứng chờ cho đến khi đám tang ấy đi qua hẳn.
Tấm ảnh chụp Đại tá Jack Usrey trở thành “tin nóng” trên VOA Việt ngữ vì nó phục sinh ký ức của nhiều người lớn tuổi về những điều tốt đẹp nay không còn nữa. Sự tiếc nuối đủ mạnh để vài facebooker như Trương Sanh Thái bới tìm sách giáo khoa cách nay năm, bảy thập niên, chụp lại, giới thiệu thêm về “đức dục” (giáo dục đạo đức), “thường thức công dân” của hệ thống giáo dục cách nay vài thập niên với những facebooker trẻ. Bài “Cử chỉ, ngôn ngữ khi gặp đám ma” chỉ vài chục chữ (Khi gặp đám ma, ta phải đứng nghiêm chỉnh, ngả mũ, nón chào người quá cố. Ta không được chỉ trỏ, cười nói lớn tiếng khi đám ma đi qua) kèm tranh minh họa nhưng làm nhiều facebooker khác bận tâm. Facebooker Hồ Thụy Mỹ Hạnh đề nghị facebooker Trương Sanh Thái giới thiệu thêm về các bài học ngày xưa để cô dạy lại học sinh của mình. Facebooker Góc Sân Khỏang Trời thì đề nghị giới thiệu thêm “để chúng cháu học”.
Một facebooker tên là Ben Tran lưu ý, đừng ngộ nhận rằng dạy dỗ về “Đức dục”, “Thường thức công dân” như mọi người bàn luận chỉ có ở Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa. Pháp, Anh, Hoa Kỳ,… đều như thế cả ! Ben Tran nhấn mạnh, đó là tiêu chí chung về “văn minh của nhân loại”.
***
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, chương trình giáo dục sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 ở miền Nam Việt Nam đã vứt bỏ tất cả các tiêu chí mà facebooker Ben Tran gọi là “văn minh của nhân loại”.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, dân chúng Việt Nam được “giải phóng” một cách triệt để khỏi các “tàn tích của phong kiến, thực dân”. Tiêu chí “Tiên học lễ, hậu học văn” (học lễ nghĩa, đạo đức trước, sau đó mới học kiến thức) luôn nằm ở nơi trang trọng nhất tại tất cả các trường bị đục bỏ. Từ người lớn đến trẻ con bắt đầu được hướng vào việc rèn luyện để trở thành “con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Đến nay, các tiêu chí dùng để định tính cho “con người mới xã hội chủ nghĩa” vẫn thế. Riêng chuyện định danh thì có thay đổi một chút. Sau 40 năm, chữ “mới” không còn phù hợp, gần đây Đảng cộng sản Việt Nam sửa lại thành “con người xã hội chủ nghĩa”.
Theo tài liệu ôn tập môn “Tư tưởng Hồ Chí Minh” ở bậc đại học hiện nay, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam thì phải tạo ra “con người xã hội chủ nghĩa”.
“Con người xã hội chủ nghĩa” là cá nhân : Có tư tưởng xã hội chủ nghĩa (có ý thức làm chủ, có tinh thần tập thể, có tư tưởng mình vì mọi người, mọi người vì mình, có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết vươn lên hàng đầu, có tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội). Có đạo đức và lối sống xã hội chủ nghĩa (Trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Có tinh thần quốc tế trong sáng, có lối sống lành mạnh, trong sáng).
Cũng theo tài liệu vừa kể thì “chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa”. Khi chưa tiến tới chủ nghĩa xã hội thì những “con người xã hội chủ nghĩa” sẽ là “chủ thể của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Đây chính là lý do Đảng cộng sản Việt Nam đòi buộc các viên chức muốn trở thành lãnh đạo phải vừa là đảng viên (nhằm bảo đảm Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn là tổ chức lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối), vừa phải được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị để đủ khả năng chỉ huy “con người xã hội chủ nghĩa”, làm “chủ thể” cho “sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Tốt nghiệp khóa học “Cao cấp về lý luận chính trị” được xác định là điều kiện bắt buộc để được bổ nhiệm làm “cán bộ chủ chốt” từ cấp huyện trở lên.
Kể từ năm 1999, sau khi Ban Tổ chức và Ban Tư tưởng – Văn hóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Namcùng ký ban hành quy định số 12 QĐ/TC-TTV về việc xác định trình độ lý luận chính trị để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt cho toàn bộ hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương, vấn nạn viên chức sử dụng văn bằng giả càng ngày càng nghiêm trọng. Lý do rất đơn giản là theo qui định vừa kể, muốn được nhận vào học các khóa “Cao cấp về lý luận chính trị”, đương sự phải tốt nghiệp đại học. Không thuê làm – sử dụng văn bằng giả để vào “đại học” làm sao có cơ hội trở thành một trong những chỉ huy “con người xã hội chủ nghĩa”, giữ vai trò “chủ thể” của “sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Tuy chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chính trị chia thành ba cấp : Sơ, Trung, Cao song các viên chức chỉ muốn hoàn tất khóa học “Cao cấp về lý luận chính trị”. Do nhu cầu quá lớn, tháng 8 năm 2016, Thành ủy TP.HCM chính thức đề nghị Ban Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho phép đào tạo “Cao cấp về lý luận chính trị” tại chỗ nhưng ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không đồng ý, bởi “qui định về học chính trị rất ngặt nghèo, đảng viên chức vụ nào học trung cấp, chức vụ nào học cao cấp”. Ông Chính nhấn mạnh : “Cao cấp lý luận chính trị dành riêng cho đội ngũ lãnh đạo, không phải muốn học lúc nào cũng được”.
***
Vậy thì hoàn tất “Cao cấp về lý luận chính trị”, những cá nhân được lựa chọn để đào tạo, bồi dưỡng trở thành chỉ huy những “con người xã hội chủ nghĩa” có gì khác với con người cũ – mà giáo trình về Tư tưởng Hồ Chí Minh cho là cần phân biệt rạch ròi do “sống trong xã hội cũ, chưa giác ngộ con đường cách mạng theo lập trường giai cấp công nhân, chưa được làm chủ” ?
Rất khác !
Xin lấy ông Đào Duy Quát, một trong hai người tham gia ký – ban hành quyết định 12 QĐ/TC-TTV làm ví dụ. Về đời tư, ông Phó Ban Tư tưởng – Văn hóa này được xem như một con yêu râu xanh, sàm sỡ với tất cả phụ nữ bất kể già trẻ ở bất kỳ đâu. Về bản lĩnh, khả năng lý luận chính trị thì tháng 9 năm 2009, ông Quát từng làm dân chúng Việt Nam sôi sùng sục do báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam do ông làm Tổng Biên tập,dịch và giới thiệu sự kiện Trung Quốc tổ chức tập trận tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại đó.
Tuy đã nghỉ hưu nhưng bây giờ thỉnh thoảng, ông Quát vẫn xuất hiện trên Nhân Dân, Quân đội nhân dân để nhắc nhở về nguy cơ “suy thoái đạo đức”, “suy thoái nhận thức” !
Tiếc là ông Đào Duy Quát không phải là trường hợp cá biệt. Chuyện ông này, bà kia – những người giữ đủ loại chức vụ của đủ mọi ngành, mọi cấp, hành xử, ăn nói càn rỡ, dối trá,… giờ nhờ Internet, bung ra như nấm sau mưa. Chúng phổ biến tới mức nhiều facebooker phải nêu thắc mắc, hệ thống các trường, học viện chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đã dạy gì cho họ ?
Chưa học làm sao mà biết nhưng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đã được minh định là để biến họ trở thành các phần tử ưu tú nhất trong số những “con người xã hội chủ nghĩa” đang là “chủ thể của toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam.
Cuối năm ngoái, tâm sự với VietNamNet về Nghị quyết của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12, ông Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn – một trong những Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam, từng nhận định, đại khái là Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng con người. Thực trạng xã hội cho thấy rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đang hủy hoại con người - tài nguyên lớn nhất, quan trọng nhất. Đáng lo nhất là không có hướng nào để giải quyết vấn nạn này.
Tuy ông Thành tin rằng, vẫn có thể xây dựng được “con người mới xã hội chủ nghĩa” nhưng lối giải thích của ông Thành lại trái ngược hoàn toàn với việc định tính về “con người xã hội chủ nghĩa” của Đảng cộng sản Việt Nam. Theo ông Thành, cái gọi là “mới” phải mang đầy đủ “tính chất của người Việt Nam cũ là yêu thương con người, say mê lao động, có trách nhiệm với đất nước” !
Cũng tham gia luận bàn về con người cũ và “con người mới xã hội chủ nghĩa”, một facebooker nhận định, từ khi hạ quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta thủ tiêu nhiều thứ. Thế hệ ông bà, cha mẹ của chúng ta được dạy phải trân trọng tất cả mọi người, sống có trách nhiệm trong mọi việc. Còn thế hệ của chúng ta và con cháu thì được dạy dỗ, trưởng thành trong môi trường được khuyến khích gọi tất cả những người khác mình, mình không ưng là “thằng” là “con” và không cần phải bận tâm đến chuyện gì ngoài chủ nghĩa xã hội. Chuyện ông Trọng đã bát tuần vẫn bị gọi là “thằng Lú” chính là kết quả được hái lượm từ những gì mà ông ấy và các đồng chí của ông ấy đã gieo trồng.
Dù sao đó chỉ là nhận định của một cá nhân. Còn bạn ? Bạn cảm thấy thế nào về xã hội mà bạn đang sống, môi trường sống mà con cháu bạn sẽ trưởng thành ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/08/2017