Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/08/2017

Cuộc chiến về bảo hiểm y tế ở Mỹ

Lữ Giang

Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục theo đuổi một hệ thống bảo hiểm y tế tư khắc nghiệt, trong đó những doanh nghiệp có mục đích vụ lợi (for-profit organization) tìm cách kiếm được càng nhiều lời càng tốt ; sức khỏe của toàn dân, nhất là những người nghèo, đều bi coi là loại thứ yếu.

Résultat de recherche d'images pour "World Health Organization*"

Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization) đã xếp chương trình y tế của Mỹ vào hạng thấp so với các quốc gia tiên tiến khác về khả năng chữa khỏi các bệnh hiểm nghèo, có năm xuống tới hạng thứ 37, sau cả Saudi Arabia, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Chi Lê, v.v. Pháp đứng vào hạng đầu, Ý đứng hạng 2, Singapore hạng 6, Úc hạng 9, Nga hạng 130, Trung Quốc hạng 144, Việt Nam hạng 160, còn Miến Điện đứng hạng chót (190). Như vậy nền y tế của Mỹ còn có nhiều vấn đề phải cải tổ.

Những cải tiến qua thời gian

Phải đến năm 1935, sau nhiều cuộc đấu tranh căm go, ngày 14/8/1935 chính phủ Hoa Kỳ mới đưa ra được Đạo Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act), thiết lập một hệ thống phúc lợi dành cho những người cao niên. Cũng phải qua nhiều cuộc tranh cãi căm go, đến ngày 30/7/1965 chính phủ mới ban hành được Các Tu Chính Án Luật An Sinh Xã Hội (Social Security Act Amendments) thiết lập hai chương trình Medicare và Medicaid về bảo hiểm y tế cho những người trên 65 tuổi và những người nghèo.

Trong cuộc tranh cử năm 1992, ông Clinton đã đặt nặng chương trình cải tổ y tế như là một đề tài chính để tranh cử. Sau khi đắc cử, năm 1993, Tổng thống Chinton đã đưa ra một kế hoạch cải tổ y tế, đòi hỏi mọi công dân Mỹ và thường trú nhân phải ghi danh vào một kế hoạch y tế. Chi phí khởi sự dành cho kế hoạch này từ năm 1993 là 13,5 tỷ USD sẽ tăng đến 38,3 tỷ USD vào năm 2003. Kế hoạch này đã bị nhóm tư bản tài chính Mỹ đánh bại qua chính đảng Dân Chủ vào tháng 9 năm 1994.

Mặc đầu đạo luật cải tổ y tế mà Tổng thống Obama ban hành ngày 23/3/2010 chưa khả quan lắm nếu so với các chương trình y tế hiện nay tại các quốc gia tiên tiến khác như Canada, Pháp, Đức, Anh, Nhật hay Thụy Sĩ, nhưng nó cũng sẽ giải quyết được nhiều khó khăn về y tế mà nhiều người đang gặp phải. Nó sẽ được cải tiến dần sau một thời gian áp dụng. Nhưng như chúng tôi đã trình bày trong bài “Trump vướng Vòng Kim Cô của Putin ?”, vào tháng 11/2013, khi Mạc tư khoa chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Mạc tư khoa, Donald Trump đã ký một hợp đồng kinh doanh chính thức với nhà tài phiệt thân Putin là Aras Agalarov để xây một hệ thống Trump Tower tại thủ đô Mạc tư khoa. Trong khi đó, Tập đoàn dầu khí ExxonMobil đã ký dự án đầu tư khai thác dầu mỏ với công ty Rosneft của Nga. Tuy nhiên, sau biến cố Ucraina, ngày 1/8/2014, Mỹ và các nước Liên Âu đã ban hành lệnh cấm vận Nga, khiến việc đầu tư bất động sản của Donald Trump và khai thác dầu mỏ của ExxonMobil bị đình chỉ. Nga và ExxonMobil liền tìm cách vận động đưa Donald Trump lên làm tổng thống để lật lại thế cờ. Sau khi thắng cử, chủ trương của Trump là phá sạch “di sản” của Obama để trả thù, không cần biết đúng hay sai.

Điều may mắn là đa số các nhà chính trị Mỹ là những người có kiến thức và lương tri, họ không lấy phe nhóm tả hay hữu, cấp tiến hay thủ cựu, Dân Chủ hay Cộng Hòa… làm tiêu chuẩn hành động. Họ không trung thành với bất cứ lãnh tụ nào, chỉ trung thành với Hiến Pháp và luật pháp, và đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, nên đã ngăn chận được nhũng sự phá hoại của Donald Trump.

Sự tàn phá đã bị ngăn chặn

Sau khi Donald Trump nhận chức Tổng thống, có hai biện pháp cấp bách mà các nhà chiến lược Mỹ thấy cần hành động ngay để tránh những sự chia rẽ trong nội bộ và nguy hại đến an ninh quốc gia, đó là chủ trương hủy bỏ đạo luật Obamacare để trả thù Obama và hủy bỏ cấm vận cho Nga để gia đình Trump có thể trở lại kinh doanh ở Nga.

1. Sự can thiệp của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ

Ngày 20/7/2017, Đức Giám mục Frank J. Dewane Giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ về Công lý và Phát triển Con người, đã gởi tới các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ một lá thư được công bố vào ngày 21/7/2017, kêu gọi Thượng viện giải quyết những vấn đề liên quan đến Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act - ACA) một cách kỹ lưỡng hơn chứ không phải bãi bỏ nó mà không có một biện pháp thay thế. Lá thư viết :

“Cả Đạo luật về chăm sóc sức khoẻ ở Hoa Kỳ của Hạ viện và ‘Better Care Reconciliation Act’ của Thượng viện đều có những thiếu sót nghiêm trọng và sẽ làm hại đến những người cần nhất theo những cách không thể chấp nhận được”.

“Trước những khó khăn của việc thông qua các đề xuất này, phản ứng thích hợp không phải là tạo ra một sự bất định lớn hơn, đặc biệt đối với những ai có thể chịu đựng được ít nhất, bằng cách hủy bỏ ACA mà không có biện pháp thay thế”.

Giám Mục Dewane nhắc lại lá thư hôm 18 tháng 1, trong đó các giám mục Hoa Kỳ đã “khuyến khích Quốc hội làm việc theo kiểu lưỡng đảng để bảo vệ những người dân Hoa Kỳ dễ bị tổn thương và gìn giữ những lợi ích quan trọng trong việc bảo hiểm và tiếp cận chăm sóc sức khoẻ”.

Đồng thời, “việc cải cách vẫn hết sức cần thiết để giải quyết những thiếu sót và những thách đố về mặt luân lý của ACA với sự bền vững lâu dài”,

2. Vấn để hủy bỏ Đạo luật Obamacare

Tối Chủ Nhật 23/7/2017 Tổng thống Donald Trump đã dùng Twitter để gây áp lực với các thành viên đảng Cộng Hòa phải hủy bỏ đạo luật Obamacre. Ông viết : "Nếu các thành viên đảng Cộng hòa không hủy bỏ và thay thế ObamaCare, thì hậu quả sẽ lớn hơn xa, so với những gì họ hiểu !" Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại.

Résultat de recherche d'images pour "anti trumpcare"

Biểu tình chống dự luật Trumpcare

Thất bại lần thứ nhất : Ngày 25/7/2017 Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu để thông qua dự luật thay thế Obamacare do thủ lãnh khối đa số Thượng viện Mitch McConnell đề nghị, sau hai lần hoãn vì không có đủ số phiếu ủng hộ.

Theo Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội Mỹ (Congressional Budget Office-CBO), nếu Obamacare bị xóa bỏ, khoảng 17 triệu người Mỹ sẽ mất bảo hiểm y tế năm tới, và 32 triệu sẽ rơi vào tình trạng tương tự vào năm 2026. Có 9 nghị sĩ Cộng hòa đã cùng phe Dân chủ bác bỏ dự luật này.

Thất bại lần thứ hai : Hôm 26/7/2017 với kết quả 45 phiếu thuận và 55 phiếu chống, Thượng Viện đã bác bỏ dự luật Trumpcare hủy bỏ hầu hết chương trình Obamacare được ban hành năm 2010, và sẽ có hai năm chuyển tiếp để các nhà lập pháp có thời giờ soạn thảo và thông qua luật mới.

CBO ước tính rằng nếu hủy bỏ Obamacare mà không có gì thay thế sẽ khiến hơn 30 triệu người dân Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe. Có 7 nghị sĩ Cộng hòa hợp cùng khối thiểu số Dân chủ bỏ phiếu bác bỏ dự luật này.

Thất bại lần thứ ba : Ngày 27/7/2017 một dự luật được gọi là “sửa đổi một phần nhỏ,” trong luật Obamacre được đưa ra thảo luận. CBO ước tính dự luật này nếu được chấp thuận sẽ làm 16 triệu người Mỹ mất bảo hiểm sức khỏe, còn bảo phí sẽ tăng 20%. Lúc 1h :30 sáng ngày 28/7/2017 Thượng Viện đã bác bỏ dự luật Trumpcare thứ ba với tỷ lệ 49 thuận và 51 chống. Thượng nghị sĩ Charles Schumer của bang New York nói : “Đã đến lúc lật sang trang mới…”

Dĩ nhiên, với tâm địa của một tay anh chị, Donald Trump sẽ không ngừng ở đây, ông ta sẽ tiếp tục tìm mọi cách lật lại thế cờ để trả thủ Obama và khỏi bị mất mặt.

3. Vấn đề hủy bỏ cấm vận cho Nga

Ngày 25/7/2017 Hạ Viện Mỹ biểu quyết dự luật mới gia tăng trừng phạt Nga với tỷ lệ 388/2. Qua ngày 27/7/2017, Thượng viện cũng đã thông qua dự luật này với tỉ lệ phiếu 98/2.

Dự luật này cho Quốc Hội thẩm quyền ngăn chặn tổng thống khi ông muốn bỏ cấm vận đối với Mạc tư khoa. Cả hai Đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã bắt tay nhau rất chặt chẽ trong dự luật này.

Tại sao Đảng Cộng hòa ghét Obamacare ?

Trước 30/4/1975, Việt Nam Cộng Hòa đã thừa hưởng một chế độ y tế toàn dân hay y tế phổ quát (universal health care) do Pháp để lại. Tất cả mọi người khi đến khám bệnh hay trị bệnh tại các bệnh viện công đều không phải trả tiền. Những người giàu có, có thể tìm đến các bệnh viện tư có tiện nghi hơn, như ở Sài Gòn có thể vào bệnh viện Grall, bệnh viện Saint Paul, bệnh viện Hoàn Mỹ… và trả bằng tiền túi. Tổ Chức Y Tế Thế Giới luôn khuyến khích các quốc gia tiến tới chế độ y tế toàn dân. Obamacre cũng là một nỗ lực tiến dần tới chế độ y tế đó, nhưng cứ bị ngăn chận. Tại sao ?

J. Price đã viết một bài dưới đầu đề “Tại sao Đảng Cộng hòa ghét Obamacare ?” đăng trên tờ The Economic ngày 11/12/2016 giải thích tại sao giới tài phiệt Mỹ đã gọi đạo luật cải cách y tế Obamacare là “đạo luật nguy hiểm nhất từng được thông qua” và coi nó “có tác động phá hoại tới các quyền tự do con người và cá nhân giống như Đạo luật Xử lý Nô lệ bỏ trốn”. Theo ông, sự thù ghét của Đảng Cộng hòa đối với Obamacare tồn tại vì các lý do tư tưởng, kinh tế và lịch sử.

Trước hết, họ coi đây là “một loại chính sách kinh tế mang tính tái phân phối thu nhập” và như vậy chính phủ đã trực tiếp quản lý thị trường y tế. Tiếp theo, họ cho rằng Obamacare không thực tế. Cuộc thăn dò của Gallup cho thấy rằng số lượng người dân không có bảo hiểm trong số những người da trắng thu nhập thấp, không có bằng đại học đã giảm từ 25% năm 2013 xuống còn 15% trong năm 2016. Mặt khác, phí bảo hiểm đã được dự kiến tăng lên vào năm 2017, với mức trung bình 22%. Nhiều công ty bảo hiểm đã bị thua lỗ bởi vì các khách hàng lớn tuổi và ốm đau nhiều hơn so với dự kiến.

Lý do sau cùng là phe cánh hữu coi Obamacare như là vòng mới nhất trong một cuộc chiến đa thế hệ chống lại chương trình y tế do nhà nước cung cấp. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ đứng đầu trong việc chống lại Obamacare đã gọi nó như là “thuốc xã hội hóa” (socialised medicine) để đánh chìm nó. Cái mác “thuốc xã hội hóa” đã từng được gắn với kế hoạch của Truman, nay lại được gắn với Obamacare.

Nhìn chung, đây chỉ là những lý do được viện dẫn để bảo vệ quyền kinh doanh rộng rãi về y tế của giới tài phiệt Mỹ.

Chế độ y tế toàn dân sẽ thành công

Giới tài phiệt Mỹ đã từng chống lại chế độ nô lệ và chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng khi tình hình thề giới và tình hình nước Mỹ thay đổi, họ đã đành phải nhượng bộ.

Trong lá thư gởi Thượng viện Hoa Kỳ nói trên, Đức Giám Mục Dewane đã nhắc lại những nguyên tắc mà ngài đã nêu lên khi thảo luận về luật Obamacare năm 2010 :

“Tất cả mọi người cần và phải có quyền được tiếp cận với việc chăm sóc sức khoẻ toàn diện và có chất lượng mà họ có thể có đủ khả năng, và điều này không nên phụ thuộc vào giai đoạn sống của họ, vào việc họ hoặc cha mẹ họ làm việc ở đâu, họ kiếm được bao nhiêu tiền, nơi họ sinh sống, hoặc họ đã được sinh ra từ đâu”.

“Hội đồng Giám mục tin rằng việc chăm sóc sức khoẻ cần phải thực sự phổ quát và cần phải thực sự có giá phải chăng”.

Chế độ y tế của một nước Mỹ vĩ đại không thể cứ bị Tổ Chức Y Tế Thế Giới xếp vào hạng thấp, sau cả San Marino, Malta, Monaco hay Oman... được, nhất là không thể thua chế độ y tế của Việt Nam Cộng Hòa trước 30/4/1975.

Ngày 3/8/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 841 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)