Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/05/2024

Đảo chính tại Việt Nam ?

Đặng Đình Mạnh

Trong vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng bị tê liệt từ một môi trường chính trị vốn thường hãnh diện về sự ổn định.

daochinh1

 Ông Tô Lâm đón ông Nguyễn Phú Trọng đến dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương năm 2022. (Hình minh họa : VOV)

Giữa cơn rối ren chính trị của chế độ, nếu chỉ nhìn vào sự hạ bệ cá nhân các tên tuổi Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Võ Đức Đam, Hoàng Trung Hải, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và sắp tới đây là Trương Thị Mai, vì những nghi vấn tham nhũng, trục lợi cá nhân… thì chúng ta chưa nhìn thấy hết sự tầm vóc sự việc. Chúng không đơn giản chỉ là việc chống tham nhũng qua công cuộc "đốt lò" mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động và rêu rao trong nhiều năm qua với mục tiêu chỉnh đốn Đảng.

Hãy nhìn rộng ra, trong vỏn vẹn chưa đầy hai tháng, rằng tất cả quyền lực nhà nước cao nhất từ một Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, một Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng… và trên tất cả, quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng… đều rơi vào sự tê liệt từ một môi trường chính trị vốn thường hãnh diện về sự ổn định mới thấy tầm vóc nghiêm trọng của sự việc.

Gọi đúng tên, đó chính là sự đảo chính ở Việt Nam !

Không cần quá hiểu biết về chính trị, thì công chúng cũng sẽ dễ dàng nhìn ra thấy bàn tay cầm trịch cuộc đảo chính của ông Tô Lâm, đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công An.

Theo thang bậc trong đảng, ông Tô Lâm chỉ đứng ở vị thế thứ năm sau tứ trụ. Nhưng sau khi ra tay đảo chính, hạ bệ hai trong số bốn trụ, thì tuy chưa từng một ngày thay đổi chức vụ, nhưng ông Tô Lâm hầu như đang nắm giữ vị thế số một, trên cả ông Nguyễn Phú Trọng đang bị cách ly với xã hội bên ngoài với danh nghĩa bệnh tật do tuổi già.

Nhân vật còn lại là ông Phạm Minh Chính, tuy vẫn nằm trong số tứ trụ quyền lực, nhưng tin tức truy nã hàng ngày đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người được đồn đãi là người tình tội phạm của ông đã trở thành lưỡi gươm Damoclet treo lơ lửng trên đầu để kìm chế mọi tham vọng quyền lực cá nhân của ông, nếu có. Cho nên, người ta chợt thấy ông Thủ tướng họ Phạm trở nên kiệm lời, nhu mì và "biết điều" hơn mức cần thiết.

Lúc này, để quan sát mọi động thái của chính quyền, công chúng hướng về tòa nhà Bộ Công An, nơi đặt văn phòng bộ trưởng tại phố Phạm Văn Đồng chứ không còn hướng về tòa nhà Trung Ương Đảng nơi đặt văn phòng tổng bí thư đang cửa đóng then gài im ỉm tại phố Hùng Vương theo truyền thống nữa.

Chúng ta không thể tự hỏi, sau khi hạ bệ một loạt các quan chức lãnh đạo cao cấp tham tàn, thì ông Tô Lâm sẽ làm gì ? Phải chăng đơn thuần ông ấy chỉ thay đổi chủ nhân chiếc ghế Tổng Bí thư bằng chính mình để thỏa mãn cơn tham vọng quyền lực cá nhân ? Hoặc ông ấy sẽ quyết định thay đổi số phận của cả dân tộc này bằng một cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc, hay thoát ly vĩnh viễn chế độ cộng sản độc tài để trở thành một Putin độc tài phiên bản Việt ?

Hãy nhìn vào một chi tiết mà ít người trong chúng ta để ý trong cuộc đảo chính của ông ấy, để chúng ta có thể đoán chừng về những bước đi sắp tới của ông Tô Lâm. Đó là trường hợp hạ bệ ông Vương Đình Huệ.

Trước khi bị hạ bệ, ông Vương Đình Huệ có chuyến thăm và làm việc khá dài ngày đến Trung Quốc (ngày 07 đến 12/04/2024). Trong chuyến đi, ông gặp gỡ các quan chức chính trị hàng đầu của Trung Quốc, từ người có thẩm quyền cao nhất là ông Tập Cận Bình đến người đồng cấp… Theo truyền thống quan hệ hai quốc gia, những chuyến đi Bắc Kinh như vậy, đều là cơ hội giúp củng cố vị thế cá nhân như ông Vương Đình Huệ trong bàn cờ nhân sự sắp tới. Chắc chắn, ông ấy sẽ có vai trò đáng kể trong đảng, thậm chí, kế thừa ghế tổng bí thư quyền lực số 1.

Thế nhưng, ngay khi bước chân về nước vào tối ngày 12/04/2024, thì trợ lý thân tín của ông là ông Phạm Thái Hà bị bắt giữ ngay chân máy bay. Ít ngày sau, ngày 26/04/2024, ông Vương Đình Huệ bị ép phải chính thức rời chức vụ Chủ tịch Quốc hội ngay tại hội trường Diên Hồng trong tòa nhà quốc hội.

Rõ ràng, động thái bắt giữ trợ lý, sau đó, thẳng tay hạ bệ quan chức cao cấp, người vừa được chính quyền Bắc Kinh tổ chức đón tiếp trọng thể, ký kết nhiều văn kiện quan trọng trong quan hệ song phương… là một hành vi bỉ bôi, như cái hắt nước vào mặt không hề dễ chịu với chính quyền Bắc Kinh.

Ông Tô Lâm thừa biết ý nghĩa một động thái như vậy mang ý nghĩa gì với chính quyền Bắc Kinh, mặc dù vậy, ông vẫn thực hiện (?!). Điều đó, khiến cho chúng ta không khỏi thắc mắc về động cơ gì đã có thể đủ mạnh đến mức độ thúc đẩy ông ấy có động thái như xúc phạm đến "thiên triều" như vậy ? Chưa kể rằng, việc quyết định số phận thành viên của tứ trụ không hoàn toàn thuộc thẩm quyền trọn vẹn của Đảng cộng sản Việt Nam nếu chưa có sự tham vấn ý kiến từ Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong khi đó, với trường hợp hạ bệ ông Vương Đình Huệ, thì có vẻ chỉ cần quyết định của ông Tô Lâm là đủ, không chỉ bất chấp Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam mà còn bất chấp ý kiến phía Trung Quốc.

Giải thích được điều đó, giúp chúng ta đoán chừng được bước đi kế tiếp của ông Tô Lâm, tác giả cuộc đảo chính.

Bản thân ông Tô Lâm không phải là người trong sạch, đầy vi phạm tày trời theo cách lộ liễu nhất, như tổ chức bắt cóc quốc tế, sinh hoạt cá nhân xa hoa tai tiếng, lũng đoạn công tác lập pháp quốc hội qua các thủ tục về hộ chiếu, căn cước… Thế nhưng, ông ấy lại đang làm hài lòng công chúng khi thẳng tay vạch mặt, hạ bệ hàng loạt lãnh đạo cao cấp tham tàn như là những tên tội phạm. Bằng cách "chuộc tội" đó, có vẻ như ông Tô Lâm đang từng bước muốn "quay đầu là bờ". Tuy vậy, công chúng vẫn trông đợi ông ấy làm hơn những điều như thế, vì lẽ, lúc này không ai trong số 100 triệu người Việt có cơ hội, khả năng làm thay đổi xứ sở tốt hơn ông ấy.

DC, ngày 09/05/2024

Đặng Đình Mạnh

Nguồn : VNTB, 11/09/2024

Ghi chú :

Mọi cuộc đảo chính thường được định nghĩa thông qua phương thức bất hợp hiến để chiếm giữ chính quyền. Điều đó có thể đúng với những chính quyền hợp pháp. Thế nhưng, với một chính quyền luôn luôn bị nghi vấn về tính chính danh khi không được thành lập bằng bầu cử tự do như ở Việt Nam, thì cách buộc chính khách "thôi chức" hàng loạt như ông Tô Lâm đang thực hiện để chiếm giữ quyền lực, nó cũng có thể được xem là một cuộc đảo chính.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đặng Đình Mạnh
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)