Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/09/2017

Thuốc giả và văn hóa từ chức

Tường An

Chung quanh vụ việc công ty VN Pharma giả mạo giấy tờ nhập thuốc trị ung thư giả, đã có nhiều dư luận đòi bà bộ trưởng bộ y tế phải từ chức.

thuoc1

Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến.  AFP

Trách nhiệm của người đứng đầu

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ công ty cổ phần VN Pharma làm giả con dấu, buôn lậu 200.000 hộp thuốc trong đó có 9.300 hộp thuốc trị ung thư H capita 500 mg với chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn làm thuốc trị bệnh cho người. Thuốc giả có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người, Nhà báo Từ Thức, và cũng là một nhân viên làm việc lâu năm trong công ty dược phẩm ở Pháp cho biết quá trình kiểm tra thưốc trước khi được đưa vào sử dụng :

"Sau khi đã có giấy phép rồi thì cũng phải theo những điều kiện rất là khó khăn, chỉ sơ sót không đúng tiêu chuẩn, không đúng số lượng trong thành phần của thuốc đã là một lỗi quan trọng rồi, nhưng mà làm giả là một chuyện cực kỳ nghiêm trọng. Làm thuốc giả, bán thuốc giả hay đồng lõa với chuyện buôn bán thuốc giả coi như tội giết người, còn hơn cả tội giết người vì liên hệ tới một số nạn nhân rất lớn".

Việc để thuốc nhập lậu làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trách nhiệm cuối cùng vẫn là người đứng đầu ngành y tế : trong trường hợp này là bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhiều dư luận cũng yêu cầu bà Kim Tiến từ chức, có cả một trang fan page lập ra để lấy ý kiến về việc bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức. Luật sư Lê Trọng Quát, một cựu công chức trong chính phủ Pháp đồng tình :

"Bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đáng lẽ phải từ chức, cái đó quan trọng lắm. Sức khỏe của nhân dân, Tây họ gọi là "Santé publique" là một trong hai, ba điều quan trọng nhất của chính phủ mà phải thực hiện. Đây là sự an toàn, an ninh, sức khỏe của nhân dân. Cái đó rất quan trọng".

Về văn hóa từ chức cũng đã từng được Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đề cập đến thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi xảy ra những sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quốc gia. Gần đây, ông Dương Trung Quốc cũng đặt lại vấn đề này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo ông Dương Trung Quốc, tại Việt Nam khái niệm "từ chức" thường được coi như là "mất chức", ông nói :

"Các hiện tượng gần đây mà các bạn ở nước ngoài cũng theo dõi được về những lợi ích nhóm, việc mua quan bán chức tạo ra những lợi ích cá nhân trong cơ quan công quyền thì vấn đề từ chức nó không những chỉ là một sức ép mà cố gắng tạo thành một giá trị của xã hội. Có rất nhiều người trong lòng họ không muốn làm việc nữa vì có nhiều cái bức xúc, nhưng đôi khi họ cũng rất khó để tự xử vì người ta vẫn cảm giác đồng nhất cái "từ chức" với cái "mất chức", chứ tôi chưa nói đến chuyện mất đi quyền lợi, kể cả danh vị, danh nghĩa, danh dự thôi".

Ở các nước tự do dân chủ, việc từ chức thường để chứng tỏ trách nhiệm của mình. Năm 2013, Bộ y tế Saudi Arabia đã sa thải một số viên chức cao cấp khi một đứa bé bị nhiễm HIV do truyền máu. Tại Pháp, vào thập niên 90, một bệnh nhân đã bị nhiễm virus HIV khi truyền máu, các nhân viên liên hệ cũng đã bị trừng phạt, nhà báo Từ Thức kể lại :

"Sự thực thì lúc đó người ta không biết nhiều về virus Sida (HIV) hết đó nên xảy ra sự sơ xuất đó và chính phủ lúc đó không có một trách nhiệm gì trực tiếp hết vì việc đó là việc của nhà thương, của các bác sĩ. Nhưng, mặc dù vậy, Thủ tướng Pháp thời đó là ông Laurant Fabius và bộ trưởng y tế cũng bị đưa ra tòa. Về vụ thuốc giả, bà Kim Tiến có liên hệ rất là trực tiếp, Về phương diện luân lý thì đáng lẽ bà Bộ trưởng Kim Tiến đã phải từ chức từ lâu rồi. Bà phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Trước nhất là bà phải từ chức và không thể làm khác hơn được".

Văn hóa từ chức

Ở các nước khác, từ chức là một hình thức nhận trách nhiệm của mình, nhưng tại Việt Nam từ chức đồng nghĩa với hình phạt, ông Dương Trung Quốc nói :

"Người ta từ chức vì một lý do rất chính đáng nhưng người ta vẫn có cơ hội được thăng chức khi họ có đóng góp, công tội rất rõ ràng. Nhưng cơ chế ở Việt Nam anh mà đã từ chức thì rất khó có cơ hội ngóc lên được".

Theo nhà báo Từ Thức, văn hóa từ chức không phải một ngày, một buổi mà có được, mà nó bắt đầu từ sự ý thức trách nhiệm của mỗi con người.

"Văn hóa thì không thể nào nhập cảng được, đó là bổn phận của mỗi người. Thí dụ như ở Nhật Bổn, khi Bộ trưởng có lỗi, họ không những từ chức, họ còn ra trước đài truyền hình xin lỗi nhân dân, rồi họ từ chức. Đại Hàn chẳng hạn, xảy ra một tai nạn đắm đò, ông Phó hiệu trưởng cảm thấy có trách nhiệm trong vụ đó, ông ấy đã tự tử. Đó là chuyện xảy ra rất thường ở nước ngoài, ở những xứ mà họ còn có luân lý, họ còn có tinh thần trách nhiệm".

Mặc dù Việt Nam cũng là một trong những nước có những giá trị đạo đức lâu đời, thế nhưng ở cơ chế hiện tại, ý thức trách nhiệm hầu như không được coi trọng. Luật sư Lê Trọng Quát chia sẻ :

"Quan niệm từ chức thay đổi rất lớn tùy theo trình độ dân chủ và ý thức trách nhiệm của những người lãnh đạo trong quốc gia đó. Ý thức trách nhiệm đó đã cho thấy nhiều lần ở Nhật bản, Đại Hàn, Ở Âu Châu hì có những vụ từ chức nhưng ít hơn. Ngược lại, ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa bây giờ thì chuyện đó không bao giờ đặt ra cả. Ông Bộ trưởng hoặc ông Thủ tướng có làm bậy đi, thiệt hại cho quyền lợi nhân dân thì họ cũng lờ đi, không có ý thức trách nhiệm của mình".

Đây không phải là lần đầu tiên, bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị đòi phải từ chức. Năm 2013, vụ bệnh viện thẩm mỹ Cát Tường làm chết người hoặc tiêm thuốc chích ngừa giả làm chết 3 trẻ sơ sinh năm 2014, đã nhiều ý kiến đòi bà Tiến từ chức. Nhưng bà vẫn né tránh, cho rằng không từ chức vì còn nhiều việc phải làm. Hoặc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không từ chức vì còn phải thực hiện nhiệm vụ Đảng giao cho. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng đó không thể là lý do để biện hộ :

"Có lẽ ở Việt Nam có nhiều lý do khiến từ "từ chức "không bình thường, thí dụ như một lập luận rất đơn giản, tưởng rất là hay, đây là "nhiệm vụ cách mạng", một người làm cách mạng phải đến hơi thờ cuối cùng, cấp trên cho nghĩ thì mới nghĩ, hoặc là cách chức thì mới được thôi".

Nếu phương pháp sự tự xử không được áp dụng thì theo ông Dương Trung Quốc, cần phải có biện pháp dứt khoát :

"…thì cách chức thôi ! Và tôi nhắc lại câu chuyện từ chức không phải còn lâu, tôi không nói lâu, nhưng nó phải có một quá trình, ngắn hay dài tùy theo quá trình vận động của Thủ tướng".

Nhà báo Từ Thức đồng tình :

"Ít nhất là chính phủ phải cách chức, không cách chức vĩnh viễn thì cũng cách chức tạm thời trong khi chờ đợi kết quả của cuộc điều tra. Nhưng ở Việt Nam không có cuộc điều tra nào hết, không có chuyện từ chức, không có chuyện cách chức, điều đó chứng tỏ những người lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn vô trách nhiệm, coi sinh mạng người dân rẻ như bèo".

Văn hóa từ chức, thật ra không phải là một điều gì xa lạ trong xã hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc chia sẻ :

"Các bạn sống ở Pháp hay các nước khác, từ chức là chuyện rất bình thường. Ngay ở Việt Nam, từ chức đâu phải là chuyện mới mẻ, xa xưa các cụ nhà mình từ quan chẳng hạn, đôi khi vì những lý do, bây giờ thì rất bình thường nhưng ngày xưa thì rất là hệ trọng như về cư tang Cha mẹ chẳng hạn, về chăm sóc phụng dưỡng Cha Mẹ để làm tròn chữ hiếu. Cái tự xử là quan trọng lắm, để bảo vệ cái uy tín của mình. Các cụ hay dung chữu "liêm sĩ". Cái đó phải nói thật là thiếu".

Nếu ở Việt Nam ngày xưa, văn hóa từ chức đã là một chuyện bình thường, thế tại sao trong xã hội Việt Nam hiện tại, việc từ chức không thể được coi là một hình thức trách nhiệm để bảo vệ cái liêm sĩ của mình ?

Theo nhà báo Từ Thức, chính thể chế hiện tại đã làm mất đi cái liêm sĩ vốn có của người xưa :

"Cái tinh thần trách nhiệm, cái luân lý đó hoàn toàn mất ở Việt Nam. Bây giờ phải tạo một xã hội mới. Mà không thể nào có một xã hội mới nếu mà chế độ này còn tiếp tục, bởi vì cái xã hội đó là hậu quả của cái chế độ này từ mấy chục năm nay ở Việt Nam".

Tường An, thông tín viên RFA

Nguồn : RFA, 05/09/2017

Quay lại trang chủ
Read 978 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)