Bao giờ "văn hóa từ chức" kêu gọi lâu nay thành hình ?
RFA, 20/05/2024
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng hôm 18/5/2024 đã thay mặt Bộ Chính trị, ký ban hành quy định 144 về ‘chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới’.
Quốc hội Việt Nam họp ở Hà Nội hôm 20/5/2024. AFP Photo
Theo quy định 144, ngoài nhấn mạnh việc đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc… còn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải trong sạch, không tham nhũng… còn nhấn mạnh việc cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín…
Vấn đề này đã được các lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam nói lâu nay, trong thực tế có ai thực hiện ? Hay chỉ là bị ép từ chức để hạ cánh an toàn, tránh bị truy tố ? Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc hôm 20/5/2024, nhận định với RFA :
"Trên thực tế chúng ta đều thấy tất cả những quan chức hàng đầu của chế độ, ví dụ như là hai ông Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, rồi bà Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiêm Thường trực Ban Bí thư… là những người nắm quyền lực hàng đầu của chế độ… thì khi họ từ chức, ì các thông báo của Ban chấp hành Trung ương đều nói những người này là vi phạm những điều đảng viên không được làm, rồi để cấp dưới vi phạm pháp luật tới mức bị truy tố và những người này cũng có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước…"
Theo ông Đài, tất cả những người vừa nói trước đó đều được Ủy ban Kiểm tra Trung ương mời lên làm việc và yêu cầu những người này phải viết đơn từ chức, chứ không phải tự nguyện. Ông Đài nói tiếp :
"Trong lịch sử của chế độ cộng sản từ khoảng một hai thập kỷ trở lại đây, chưa có bất kỳ một quan chức nào tự nguyện từ chức theo đúng cái gọi là văn hóa từ chức. Vì thế từ chức không tồn tại trong chế độ độc tài. Trong chế độ độc tài, tất cả những người tham gia vào hệ thống chính trị đó cái ham muốn cao nhất của họ là là quyền lực chính trị và những lợi ích có được từ quyền lực chính trị".
Cho nên Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, không dễ dàng gì những người đảng viên buông bỏ quyền lực. Ông Đài cho biết thêm :
"Họ chỉ buông bỏ quyền lực với một trong hai trường hợp. Một là họ bị điều tra truy tố xét xử bởi các cơ quan tư pháp. Thứ hai là họ bị những cơ quan cấp trên buộc phải từ chức, bởi vì vi phạm những điều lệ của đảng".
Trước đây, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 3/10/2022, đã đồng ý để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành. Đây được cho là ba trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, về khuyến khích người bị kỷ luật từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Ba người vừa nêu là Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ; Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Nếu không tự nguyện xin từ chức thì bị miễn nhiệm... Vậy sao có thể coi là văn hóa từ chức ?
Trở lại với yêu cầu cán bộ, đảng viên cần thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín… của Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam - Nguyễn Phú Trọng, ông Trần Anh Quân, một người hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 20/5/2024 khi trao đổi với RFA cho rằng :
"Yêu cầu đảng viên thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín như vậy là ông Trọng nói mà không biết ngượng miệng. Bởi vì bản thân ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ đã quá già yếu, đi không nổi, phải có người dìu, chứng tỏ về mặt sức khỏe thì ông không đủ sức làm việc rồi mà không chịu từ chức là ông Trọng quá tham quyền cố vị".
Ngoài ra theo ông Quân, sau 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, đảng cộng sản của ông Trọng bây giờ tham nhũng từ lớn tới nhỏ, từ trung ương tới địa phương, cho thấy ông Trọng không đủ năng lực lãnh đạo đảng. Ông Quân nói tiếp :
"Chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu, thì ông Nguyễn Phú Trọng cũng cần phải từ chức để chịu trách nhiệm của người đứng đầu đảng. Nếu ông Trọng không từ chức thì ông ta quá vô liêm sỉ, dám đứng ra dạy đảng viên thực hiện văn hóa từ chức trong khi bản thân mình thì vi phạm điều lệ đảng, ngồi ghế Tổng bí thư tới ba nhiệm kỳ, để đảng cộng sản chia rẽ, đấu đá thanh trừng tan nát mà vẫn chai mặt ngồi lỳ không bỏ ghế".
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Một người làm trong cơ quan nhà nước ở Hà Nội không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết những thực tế khi ông làm việc :
"Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất".
Theo người này, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.
Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho rằng, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.
Nguồn : RFA, 20/05/224
****************************
Người dân trước thực trạng cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật ?
RFA, 20/05/2024
Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí lãnh đạo trong tứ trụ đã phải rời khỏi chức vụ do vi phạm kỷ luật. Cụ thể là ông Nguyễn Xuân Phúc vào đầu năm 2023 đã thôi giữ các chức vụ trong đảng như Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, cũng như hai chức vụ trong chính quyền là Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. Ông bị cho là chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có hai phó thủ tướng và ba bộ trưởng có vi phạm và khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao, thậm chí lãnh đạo trong tứ trụ đã phải rời khỏi chức vụ do vi phạm kỷ luật.
Hơn một năm sau, tháng 3/2024, Quốc hội Việt Nam chính thức miễn nhiệm chức Chủ tịch nước đối với ông Võ Văn Thưởng bởi trước đó ông Thưởng đã nộp đơn từ chức trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, sau một năm 18 ngày giữ chức vụ này. Theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Những vi phạm, khuyết điểm của ông Võ Văn Thưởng đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, Nhà nước và cá nhân.
Một tháng sau, đến lượt ông Vương Đình Huệ từ chức. Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chính thức ra thông báo rằng, những vi phạm, khuyết điểm của ông Vương Đình Huệ đã gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân.
Mới đây, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến phát biểu rằng, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đau xót khi một số cán bộ cấp cao đã vi phạm những điều đảng viên không được làm, mất uy tín, không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách được Đảng và Nhân dân giao phó.
Ông Trần Anh Quân, một nhà hoạt động xã hội ở Sài Gòn, nêu quan điểm của ông :
"Theo tôi, ông Chiến phải nói rõ, Nhân dân ở đây là Nhân dân nào ? Ông Chiến khảo sát như thế nào mà nói là người dân đau xót ? Còn nếu không đưa ra được bằng chứng khảo sát thì rõ ràng ông Chiến đang nói láo trước Quốc hội và đang thể hiện sự trơ trẽn trước người dân.
Thực tế, tôi thấy người dân rất phẫn nộ khi những cán bộ cấp cao như chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội bị phát hiện tham nhũng, và người dân cũng rất hả hê khi lãnh đạo cao cấp bị kỷ luật, mất chức hay vào tù. Không có nhân dân nào đau xót cả. Nếu có đau xót thì chỉ có đảng viên và người nhà của họ đau xót mà thôi.
Có thể ông Chiến đang ngầm chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng vì ông Trọng đã bi phạm điều lệ Đảng khi tham quyền cố vị ngồi ghế Tổng bí thư tới ba nhiệm kỳ. Có lẽ ông Chiến đang chửi xéo ông Trọng".
Cuối năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chính thức thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đảng Khóa XIII ; phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Ông Phạm Bình Minh bị cho phải chịu trách nhiệm trong vụ tham nhũng qua các chuyến bay giải cứu vào mùa dịch Covid-19 ; còn ông Vũ Đức Đam là vụ bộ xét nghiệm n-CoV-2 của Công ty cổ phần Việt Á.
Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét cho thôi các chức vụ, nghỉ công tác đối với bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính Trị, Thường trực ban Bí Thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Lý do được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu ra, là bà Mai đã có một số vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ; ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cá nhân.
Một số người dân mà RFA hỏi chuyện đều cho rằng, họ không đau xót mà còn vui mừng khi thải hồi các loại cán bộ từ cấp thấp đến cấp cao là những con sâu mọt hại nước, hại dân. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn thì cho rằng :
"Người dân và dư luận trong nước cũng như công luận quốc tế cũng thấy là chưa thỏa đáng, là bởi không biết rõ những người này vi phạm về việc gì, đã vi phạm điều gì trong 19 điều Bộ chính trị đưa ra cách nay mấy năm mà đảng viên không được làm ? Không có gì cụ thể cả, trong khi người dân thì cho rằng, đã vi phạm luật pháp đến mức phải từ chức thì về mặt luật pháp cũng phải bình đẳng như những công dân khác là phải chịu xử lý về mặt hình sự chứ không thể nào ‘hạ cánh an toàn’ được. Được nghỉ hưu với số tài sản không rõ là bao nhiêu thì nhân dân không thấy đau xót mà chỉ thấy chưa thỏa đáng".
Một nhà quan sát chính trị ở Hà Nội nói với RFA :
"Các tổ chức đảng có rất nhiều trung tâm để nghiên cứu dư luận dưới sự chỉ đạo của ban tuyên giáo trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh. Dư luận xã hội họ tập trung là khen chế độ, khen đảng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm hồi còn làm chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từng nói không có ai chửi đảng mà.
Nhưng thực tế ngoài xã hội, mỗi khi có cán bộ bị kỷ luật hay vào tù thì nhân dân vỗ tay. Nghe ông nào chết thì dân nói khui bia… như thế có đau xót không ? Bây giờ, việc lãnh đạo đứng trước vành móng ngựa hay vào tù trở thành trò cười cho bàn dân thiên hạ. Đó là lỗi hệ thống.
Theo nhà quan sát này, nếu muốn biết Nhân dân có đau xót hay không thì yêu cầu Bộ chính trị, Ban chấp hành trung ương hãy công bố tội của từng người bị cho thôi tất cả các chức vụ, bị khai trừ đảng, chứ không thể nói chung chung là có khuyết điểm. Ông kết luận :
"Bây giờ ‘hạ cánh an toàn’ rồi tiêu xài 10 đời không hết tài sản do tham ô thì hết sức bất công với Nhân dân. Làm sao mà Nhân dân đau xót cho được. Dân chỉ thấy đau xót vì ở Việt Nam có hai loại luật : luật cho quan và luật cho dân".
Việc hàng loạt quan chức cao cấp vi phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mà chỉ từ chức là xong, đã gây bất bình trong công chúng. Dư luận vẫn chưa quên câu nói từ năm 2017 của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ khi nói về vụ Đồng Tâm : "Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Nguồn : RFA, 20/05/2024
Ở Việt Nam, Đảng có toàn quyền quản lý về cán bộ trong bộ máy từ Quốc hội cho đến Chính phủ. Điều đó có nghĩa khi Đảng có ý kiến ai đó nên "hồi hưu" đi, thì người ấy phải hiểu là hãy viết đơn "từ chức" cho đúng thủ tục.
Các ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thanh Long sở dĩ được Đảng phê duyệt nguyện vọng từ chức, vì đơn giản đây là quy định của Đảng.
Mệnh lệnh của Đảng không chịu sự điều chỉnh của luật pháp ?
"Thủ tục" đó không tìm thấy trong hệ thống văn bản pháp quy của Chính phủ và Quốc hội, mà thuộc về một văn bản được đánh ký hiệu 41-QĐ/TW, quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, do Bộ Chính trị ban hành ngày 03/11/2021.
Về "thẩm quyền", Điều 4 của Quy định 41-QĐ/TW cho biết, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định thì có thẩm quyền xem xét cho cán bộ miễn nhiệm, từ chức.
Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ theo Quy định này.
Lưỡi gươm Damocles đang lơ lửng
Ở Quy định 41-QĐ/TW có hai điều khoản cho thấy rất có thể trong thời gian tới các vị quan chức đã rời ghế hồi đầu tháng Một năm nay, sẽ còn đối mặt với những cáo buộc về sai phạm liên quan :
Điều 6. Căn cứ xem xét từ chức
Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau :
1. Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
2. Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
3. Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
4. Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
Điều 7. Căn cứ xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu
Việc xem xét miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực ; căn cứ vào một trong các trường hợp sau :
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng".
Còn nguyên đó chuyện mặc cả chính trị trong tương lai
Từ các quy định trên cho thấy hoàn toàn phù hợp khi Văn phòng Trung ương Đảng phát hành thông cáo báo chí hôm 17/1/2023 về ông Nguyễn Xuân Phúc :
"Đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng ; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu".
Trong lịch sử Đảng, ghi nhận ngay sau Đại hội XIII của Đảng, ngày 5/4/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ, và ngay sau đó bầu làm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026, trở thành Thủ tướng đầu tiên được bầu làm Chủ tịch nước kể từ năm 1945.
Và ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là Chủ tịch nước đầu tiên của nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải "từ chức" khi chưa được nửa nhiệm kỳ.
Định Tường
Nguồn : VNTB, 30/01/2023
Hai ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không chủ động từ chức
VOA, 09/01/2023
Khi được báo giới hỏi có phải hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và VũĐức Đam đã từ chức hay không, tổng thư ký của quốc hội Việt Nam trả lời hôm 9/1 rằng hai ông này bị miễn nhiệm, có thể hiểu là họ không chủđộng từ chức.
Hai ông Nguyễn Xuân Phúc (Chủ tịch nước) và Phạm Minh Chính (Thủ tướng chính phủ) cảm ơn hai ông Vũ Đức Đam và Phạm Bình Minh hôm 9/1/2023.
Như VOA đã đưa tin, hồi cuối tháng 12/2022, Bộ Chính trị đầy quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam tước bỏ vị trí ủy viên Bộ Chính trị của ông Phạm Bình Minh, 63 tuổi, và vị trí ủy viên Trung ương Đảng của ông Vũ Đức Đam, 59 tuổi. Sau đó, hôm 5/1/2023, quốc hội miễn nhiệm hai ông khỏi chức phó thủ tướng.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói trong một cuộc họp báo hôm 9/1, được báo chí Việt Nam tường thuật lại, rằng nghị quyết của quốc hội về hai ông Minh, Đam nêu rõ họ bị "miễn nhiệm".
Vẫn vị tổng thư ký giải thích thêm về quy trình miễn nhiệm trong hệ thống chính trị ở Việt Nam. Đó là cán bộ đảng viên, nhất là ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư có trách nhiệm nêu gương, theo đó, nếu có vấn đề sức khỏe không đảm bảo, hay uy tín giảm sút thì xin thôi và cấp có thẩm quyền khi đó sẽ xem xét miễn nhiệm nhiệm vụ được giao của cán bộ.
Cũng tại cuộc họp báo, một quan chức khác của quốc hội, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay, Quốc hội thực hiện miễn nhiệm ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam "trên cơ sở nguyện vọng cá nhân", nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Việc hai ông Minh, Đam bị loại bỏ khỏi chức vụ diễn ra cùng lúc chính quyền của đảng cộng sản đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Cho đến lúc này, cả hai ông đều chưa bị khởi tố và chưa bị bắt.
Có nhiều nhận định của giới quan sát cho rằng ông Phạm Bình Minh dính líu đến các chuyến bay giải cứu đầy tai tiếng. Đến nay, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố, bắt giam gần 40 người thuộc các bộ ngoại giao, công an, y tế, giao thông-vận tải, và cán bộ các tỉnh thành trong vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19.
Về phần ông Vũ Đức Đam, giới quan sát cho rằng ông có liên quan đến một số vụ việc tiêu cực hoặc sai lầm trong công tác chống dịch Covid-19. Khi còn là phó thủ tướng, ông Đam cũng nắm chức Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 8/2021.
Nguồn : VOA, 09/01/2023
***************************
Khi nào từ chức có thể trở thành hoạt động bình thường tại Việt Nam ?
RFA, 09/01/2023
Cần xây dựng cơ chế để từ chức trở thành hoạt động bình thường, Đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho báo chí nhà nước thông tin vừa nêu hôm 9/1/2023.
Từ trái sang : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chụp ảnh chung trước khi bắt đầu phiên khai mạc khóa 15 vừa được bầu Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 20/7/2021. AFP PHOTO
Theo ông Sơn, vấn đề từ chức trên thế giới rất bình thường, nhưng ở Việt Nam lại bất thường và cần biến điều bất thường này trở thành điều bình thường, để cán bộ ý thức hơn về trách nhiệm của mình trong công việc.
Liệu đề xuất của Đại biểu quốc hội Bùi Hoài Sơn có khả thi ? Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại từ năm 1991 đến năm 1997, khi trao đổi với RFA hôm 9/1/2023, nhận định :
"Cái này đối với Việt Nam mới, không giống như các quốc gia khác, người ta thấy rằng làm không được thì người ta từ chức, người ta thấy không xứng đáng thì người ta từ chức. Nhưng ở Việt Nam vấn đề từ chức chưa thấy rõ lắm chưa thấy nó ở trong tiềm thức của người Việt Nam, của cán bộ, nhất là cán bộ càng cao càng bám chức vụ, không mấy người nghĩ đến chuyện từ chức… không xảy ra đâu. Cho nên theo tôi, nếu để tạo văn hóa khi làm không được việc thì từ chức, nếu ban hành văn bản như vậy thì tôi nghĩ hiệu quả không biết có cao hay không ? Hay là ban hành để ban hành, còn người ta không từ chức mà lại bám chức vụ thì sao ?"
Cho nên theo ông Triết, bây giờ chưa phải lúc xây dựng văn hóa từ chức. Muốn vậy, phải nghiên cứu tạo ra nhiều điều kiện khác, thì khi đó mới có tác dụng. Tuy nhiên ông Triết nói tiếp :
"Nhưng tôi nghĩ cái đó có tác dụng đối với những người thật sự trong lòng họ có đầu óc phục vụ cho nhân dân, cho đất nước".
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 11 năm 2022 thông qua truyền thông Nhà nước kêu gọi cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút thì nên tự nguyện xin từ chức.
Bộ Chính trị dẫn chứng một cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Ninh Bình sau khi bị cảnh cáo vì vi phạm đã chủ động xin từ chức. Hay trường hợp Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng được cho là đã có hành động tương tự.
Vấn đề từ chức vào đầu năm 2023 lại được truyền thông Nhà nước nêu lên khi miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đến ngày 9/1/2023, Quốc hội Việt Nam cho báo chí biết biện pháp miễn nhiệm hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân của hai ông này. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng hai ông phải ra đi vì liên can đến hai vụ tham nhũng lớn là "các chuyến bay giải cứu" và "bộ xét nghiệm Covid-19" trong thời gian xảy ra đại dịch.
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 9/1, nhận định :
"Trên tất cả các phương tiện truyền thông thì hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều cho biết họ được nghỉ theo nguyện vọng cá nhân, chứ không có bất cứ một tờ báo nào hay đài truyền hình nào dùng chữ từ chức. Tính cho đến hôm nay cả hai ông Minh và Đam không hề thấy công bố khuyết điểm, sai phạm gì cả. Mượn lời của ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hà Nội, thì hai ông đang sống rất trong veo, không sợ gì hết thì tại sao lại đi sinh nghỉ việc ? Là một người dân, tôi rất muốn biết nguyện vọng cá nhân của họ là gì ? Chứ còn không có từ chức gì ở đây hết".
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ chức là một khái niệm rất nhân bản, thể hiện tính con người và danh dự phẩm giá trong tư cách công bộc khi đối diện trước dân với những hậu quả tồi tệ, thảm khốc nào đó… thì người chính trị gia cảm thấy hổ thẹn, mà để giữ lại thanh danh trong sự nghiệp chính trị của mình thì họ mời báo đài tuyên bố từ chức, xin lỗi trước dân… Như vậy theo ông Già mới gọi là từ chức, còn đằng này ông Minh và ông Đam mấy ngày nay không có một lời nào, không có gì trực tiếp từ họ thì sao gọi là từ chức được ? Ông Già cho rằng khái niệm từ chức đối với Việt Nam không có giá trị bởi vì :
"Thứ nhất, không có tam quyền phân lập. Thứ hai, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của nhà cầm quyền không theo một chuẩn mực nào của thế giới, từ lúc họ chọn lọc, thỏa hiệp, bổ nhiệm… cho tới khi họ kỷ luật, thậm chí khởi tố, kết án… thì người dân chúng tôi không biết gì. Nói tóm lại việc từ chức báo chí đưa lên, thì tôi cho rằng đó là một sự nhập nhằng trong cách sử dụng từ ngữ để đánh tráo về một nội dung… đó là thanh trừng chính trị trong nội bộ của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam".
Nói tóm lại theo ông Già, từ chức là một khái niệm văn minh mà Việt Nam không có đủ điều kiện để thực hiện một cách đứng đắn với tư cách là một nhà nước được Liên Hiệp Quốc công nhận và có bang giao với hàng trăm quốc gia khác.
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hoá ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Nguồn : RFA, 09/01/2023
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra vào ngày 3/10/2022, đã đồng ý để ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành. Đây được cho là ba trường hợp đầu tiên thực hiện Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, trong có việc khuyến khích người bị kỷ luật từ chức.
Ảnh minh họa từ trái sang : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính chụp ảnh chung trước khi bắt đầu phiên khai mạc khóa 15 vừa được bầu Quốc hội khóa I tại Hà Nội ngày 20/7/2021. AFP Photo
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho rằng, ba trường hợp vừa nêu sẽ là tiền lệ hình thành văn hóa từ chức.
Theo Thông báo Kết luận số 20, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm theo quy định.
Nếu không tự nguyện xin từ chức thì bị miễn nhiệm Vậy sao có thể coi là văn hóa từ chức ?
Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí nhận định với RFA hôm 5/10 :
"Có một lần Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã phát biểu gợi ý muốn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, tức là Việt Nam chưa có văn hóa từ chức. Nếu mà xem xét cụ thể từng trường hợp thì hầu hết đều có nguyên nhân không phải vì lòng tự trọng, cảm thấy xấu hổ vì không hoàn thành nhiệm vụ, hay là do không xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân… mà đều là những lý do như bị ép phải từ chức, hoặc không còn quyền lợi gì nữa ở vị trí đó, hoặc nếu không từ chức thì sẽ bị xử lý ở mức độ nặng. Điển hình như ba vị vừa bị kỷ luật ở trung ương vừa rồi, báo chí cũng có đăng tin một ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ xin nghỉ hưu sớm trước một tháng so với tuổi…"
Ông Vũ Minh Trí cho biết từ trước đến nay ông chưa từng thấy trường hợp nào từ chức vì lòng tự trọng, mà đều là bị ép buộc hoặc lý do chẳng đặng đừng.
Liệu việc ép từ chức có giúp cán bộ bị kỷ luật ‘hạ cánh an toàn’ ? Ông Vũ Minh Trí nhận định :
"Cũng chưa chắc là hạ cánh an toàn, bởi vì có thể những việc xử lý này sẽ vẫn còn tiếp tục. Cũng giống như là ông Đinh La Thăng chẳng hạn, khi thôi làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để về Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ là một bước đệm để chuẩn bị đi tù. Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, về làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cũng là một bước đệm để đi tù".
Cựu Trung tá Quân đội Vũ Minh Trí cho rằng đây là sự chấp hành không nghiêm về mặt pháp luật. Theo ông Trí, nếu đã có khuyết điểm mà gợi ý từ chức như thế có nghĩa là vi phạm, mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng cũng đã kết luận là nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước… Ông Trí nêu ví dụ :
"Thậm chí có người rất nghiêm trọng như ông Nguyễn Thành Phong, thế mà lại gợi ý từ chức, đáng ra là phải cách chức. Nếu mà tội trạng của ông Nguyễn Thành Phong nghiêm trọng đến mức thế thì khung hình phạt là thế nào, phải truy tố điều tra, đem ra xét xử… như vậy mới là nghiêm. Ví dụ như vừa rồi có trường hợp ông Phạm Xuân Thăng Bí thư tỉnh ủy Hải Dương bị bắt rất nhanh, khi vẫn còn đương chức. Nếu làm như thế thì mới thật sự nghiêm minh về mặt pháp luật".
Ba trường hợp thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa nêu là các ông : Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ; Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Huỳnh Tấn Việt - Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương.
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 29/11/2021 cho rằng, văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi mặt trong đời sống cũng như trong Đảng. Theo ông Dĩnh, vì ngoài năng lực chuyên môn về chính trị, tổ chức thì vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo, lối sống, cách ứng xử của cán bộ, công chức và cả ‘văn hóa từ chức’.
Khi trả lời RFA hôm 5/10/2022 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định :
"Ngay cả chuyện đẩy người bị kỷ luật vào cái thế không thể không từ chức và nói rằng đó là khởi đầu của văn hóa từ chức, cho thấy cái văn hóa đó nó tệ hại đến đâu. Tức là khi ta nói đến văn hóa từ chức là ta nói đến người từ chức đó họ hoàn toàn tự nguyện, họ cảm thấy có lỗi và họ cảm thấy việc họ tiếp tục giữ chức vụ đó có thể về phương diện pháp luật chưa ai làm gì, nhưng tự lương tâm của họ không cho phép… Chừng nào như thế mới nên gọi là văn hóa từ chức".
Chứ còn nằm trong tư thế nếu không từ chức thì bị đuổi việc, thì theo ông Dũng làm sao gọi là văn hóa từ chức được, mà nếu cứ cố mà gọi thì cho thấy cái văn hóa từ chức đang được cổ võ đó tệ hại quá mức. Ông nói tiếp :
"Cũng đã có trường hợp một số người họ từ chức không phải vì bị kỷ luật gì, nhưng số người như thế quá ít. Vì thế mà người ta kêu gào phải làm sao những cán bộ bất xứng với chức vụ phải tự nguyện từ chức. Sự kêu gào như thế chứng tỏ sự bất lực, chứng tỏ hiện nay cái việc họ tự nguyện từ chức hiếm hoi đến mức người như thế như một loài thú sắp bị tuyệt chủng, rất hiếm ở chính trường Việt Nam".
Văn hóa từ chức nói cách khác là một văn hóa ứng xử dựa trên lương tri, khi một người lãnh đạo thấy mình có khuyết điểm, hay không còn xứng đáng đảm nhận vị trí lãnh đạo thì họ sẽ từ chức. Việc này cho thấy sự hiểu biết về bổn phận, và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ.
Một bác sĩ ở Hà Nội (giấu tên) cho biết những thực tế khi ông làm việc từng chứng kiến :
"Ở Việt Nam hiện nay, trong giới quan chức mà những chỗ tôi làm việc, chỗ tôi tiếp xúc, thì chẳng ai người ta có văn hóa từ chức cả. Bởi vì người ta bám quyền lực thì người ta có thu nhập, có lợi nhuận, có các mối quan hệ vật chất và phi vật chất".
Theo bác sĩ này, Việt Nam xưa nay chưa có văn hóa từ chức, theo ông, các quan chức lên đến một chức nào đó là bám cái ghế đến cùng, đến suốt đời. Chỉ khi nào kỷ luật nặng lắm, bị cấp trên bãi nhiệm, phạm tội hình sự thì mới bị cách chức.
Ông Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2021, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này trước đây cho biết, hệ thống giá trị xã hội hiện nay chưa tôn trọng việc từ chức, vì cho rằng từ chức là bị cách chức. Trong khi theo ông Quốc, từ chức là vì một khuyết điểm hoặc là tội nặng nào đó, mà người đó không còn con đường nào khác cả. Ông giải thích tiếp :
"Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội. Thứ hai nữa là cái sức ép để buộc người đó từ chức như một lựa chọn tối ưu để mà họ rời bỏ chức vụ, cũng có nghĩa là giải thoát cho xã hội những vấn nạn mà người đó chịu trách nhiệm".
Theo ông Dương Trung Quốc, yếu tố từ chức chưa đi vào hiện thực, chưa đi vào tập quán chính trị xã hội, và cần đòi hỏi thời gian. Theo ông Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác là cái chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khi trả lời báo chí Nhà nước hôm 29/11 cho rằng, văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với mọi mặt trong đời sống cũng như trong Đảng. Theo ông Dĩnh vì, ngoài năng lực chuyên môn về chính trị, tổ chức thì vấn đề văn hóa cũng rất quan trọng. Trong đó có cả văn hóa lãnh đạo, lối sống, cách ứng xử của cán bộ, công chức và cả ‘văn hóa từ chức’.
AFP PHOTO
Trả lời RFA từ Nha Trang hôm 29/11, nhà báo Võ Văn Tạo nhận định :
"Hiện nay các cơ quan của Đảng và Nhà nước Việt Nam họ rộ lên phong trào xây dựng ‘văn hóa từ chức’. Cụm từ ‘văn hóa từ chức’ cũng hơi lạ lẫm một chút, nó mới xuất hiện trên báo chí Nhà nước Việt Nam vài năm nay. Nhưng theo tôi hiểu thì dùng từ văn hóa cho cụm từ đó thì cũng không thật sự hợp lắm... Muốn người có chức có quyền mà từ chức thì mình phải xây dựng làm sao để thứ nhất là họ tự giác, họ nghĩ danh dự của bản thân họ là cao hơn tất cả, lòng tự trọng để khi họ không hoàn thành nhiệm vụ hay bị công chúng chê trách nhiều quá thì họ tự giác xin từ chứ c".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, ý của nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Tiến Dĩnh và một số lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam là hy vọng việc từ chức này là một bước đột phá để họ nâng cao chất lượng đội ngũ quan chức của họ... nhưng nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, mong muốn đó khó khả thi. Ông Tạo phân tích :
"Thứ nhất, tại sao quan chức nước ngoài hay từ chức khi dính bê bối, hay không hoàn thành nhiệm vụ gì đấy ? Vì những nước có đa nguyên đa đảng, tự do báo chí, tự do ngôn luận... mà quan chức cầm quyền làm không tốt thì ngoài danh dự, nếu họ không từ chức thì sẽ ảnh hưởng đến cả đảng của họ. Khi có sự cạnh tranh thì đảng cầm quyền có quan chức bê bối mà không từ chức thì họ sợ dân sẽ không bầu cho đảng đó nữa. Lý do thứ hai, quan chức nước ngoài không có quyền lợi cá nhân như quan chức xứ sở độc tài như Việt Nam hiện nay. Ví dụ khi có chức vụ từ xã trở lên huyện, thành phố... chưa nói đến trung ương thì b ổng lộc khủng khiếp, chưa nói đến thu nhập đen từ hối lộ. Họ tiếc bổng lộc nên không muốn từ chức, như vụ Thứ trưởng Phạm Qúy Ngọ chỉ một lần nhận hối lộ của bà Trương Mỹ Lan đã là 500 ngàn USD, hay vụ AVG ông nào ông nấy đều nhận mấy triệu đô".
Bà Trương Mỹ Lan mà nhà báo Võ Văn Tạo nhắc đến là một nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà đã bị cáo buộc hối lộ khoảng 500 ngàn USD cho Thượng tướng Phạm Qúy Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an để ‘lót tay’ cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn vụ AVG thì liên quan đến ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ Trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ ba triệu 900 ngàn đô la Mỹ trong thương vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần Công ty nghe nhìn Toàn Cầu AVG do ông Phạm Nhật Vũ làm Chủ tịch. Trong vụ này, ông Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã nhận từ ông Vũ 200.000 đô.
Trở lại với phát biểu của ông Nguyễn Tiến Dĩnh hôm 29/11, ông này còn cho biết, có nhiều trường hợp khi đề cập đến việc từ chức, những lãnh đạo vướng vi phạm đều nói họ còn phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ do Đảng phân công. Điều đó có nghĩa là họ có lý do để tiếp tục duy trì vị trí của mình, không từ bỏ quyền lực sẵn có.
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp :
"Tôi không hiểu vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại quy định tuyệt đối chấp hành cấp trên phân công nhiệm vụ. Họ coi chuyện đó quan trọng lắm, nếu anh từ chức là anh chống đối, không chấp hành sự phân công... Công tác tổ chức trong Đảng cộng sảnVN khắt khe trong chuyện đấy lắm nên người ta ngại từ chức. Bây giờ ra quy định số 41 về khi nào từ chức, khi nào miễn nhiệm thì tôi cho rằng đó cũng là bước tiến nhưng không lớn. Vì họ đã bị ngấm sâu vào máu, bổng lộc không bỏ được. Tất nhiên khi ra quy định nào thì những người vì hoàn cảnh cá nhân hay danh dự mà xin từ chức được cởi một bước, những người này không bị đánh giá là kém ý thức kỷ luật nữa... Vì dưới chế độ này, một người bị đánh giá kém ý thức kỷ luật thì con cháu cũng khó ngóc đầu lên được.... Đấy là những lý do để người ta ngại từ chức".
Vài năm gần đây, nhiều biệt phủ của quan chức cán bộ bị báo chí phanh phui như biệt phủ Yên Bái của Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường - ông Phạm Sỹ Quý, hay biệt phủ song sinh của ông Nguyễn Đức Vượng bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam, và biệt phủ bằng gỗ của ông Khổng Trung-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị... Dư luận đặt câu hỏi, tiền đâu để họ xây biệt phủ như vậy ?
Hay nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ quan chức cấp cao có lối sống thiếu gương mẫu như vụ việc vợ Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh được xe công ra tận sân bay đón. Sự vụ ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bị thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng với lý do được đưa ra vì ông Cảnh ngoại tình, vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm luật hôn nhân và gia đình. Và mới đây nhất là nghi vấn hiếp dâm cấp dưới của một vị bí thư huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh cũng khiến dư luận đặt vấn đề về qui định"lối sống gương m ẫu" trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đã bị "phá sản".
Ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, khi trả lời RFA cho rằng :
"Các quy định đối với đảng viên thời gian vừa qua thực hiện chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Cho nên bây giờ có quy định mới để cụ thể hóa vấn đề này, bởi vì để mỗi cá nhân tự mình soi lại chính bản thân mình xem có những khuyết điểm gì, hoặc có những yếu kém, sai phạm gì chưa được mà tổ chức hay người ngoài góp ý, thì chính bản thân mình phải kiểm tra và soi xét".
Sử gia Dương Trung Quốc, nguyên Đại biểu Quốc hội, khi trả lời RFA từ Hà Nội cho rằng, ‘từ chức’ nhìn bề ngoài đúng là sự tự nguyện, nhưng bản chất là gần như một sự bắt buộc. Bởi vì, theo ông Dương Trung Quốc, điều quan trọng nhất mà Việt Nam chưa có, là thiếu một nền hệ thống giá trị xã hội. Ông Dương Trung Quốc nêu lại chuyện các vị quan ngày xưa, tính liêm sỉ rất lớn, chỉ vì những lý do gia đình, hay sự gánh vác, người ta lượng sức mình và sẽ từ chức, việc này dựa trên một nền tảng giáo dục xưa. Ông nói :
"Nói cách khác, chính cái sức ép của xã hội, sức ép của các giá trị ấy, mà người ta chấp nhận từ chức. Ai cũng biết từ chức là từ bỏ quyền lực, từ bỏ kể cả lợi ích nữa. Nhưng họ lựa chọn giữa hai giá trị ấy trong mặt bằng giá trị xã hội, thì họ thấy từ chức vẫn hơn. Và hành vi từ chức ấy nó cũng có một giá trị xã hội để người ta chia sẻ, thậm chí người ta tôn trọng. Nhưng rõ ràng điều đó không đúng trong một xã hội hiện đại".
Ông Dương Trung Quốc nói thêm, ở những quốc gia khác từ chức là một tập quán vì cũng phải chịu sức ép xã hội rất lớn. Thậm chí người trong cuộc có muốn tồn tại cũng không được vì sẽ có những cơ chế khác, buộc phải từ chức. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, đôi khi muốn từ chức cũng không được :
"Các quan chức thì gắn liền với quyền lực và lợi ích, mà lợi ích không phải của cá nhân, đôi khi cái mà chúng ta gọi là lợi ích nhóm, lợi ích của một nhóm người. Và khi anh muốn từ chức cũng không từ chức nổi nữa cơ, vì nó ràng buộc lẫn nhau. Vì thế tôi cho rằng điều quan trọng hiện nay là cần ra được một cái giá trị xã hội, mà giá trị xã hội thông qua dư luận xã hội, giáo dục xã hội".
Theo ông Dương Trung Quốc, quan trọng nhất là ý thức của những vị quan chức của Việt Nam, họ phải quan tâm đến dư luận xã hội. Nói cách khác, theo ông Dương Trung Quốc, đó là chuẩn mực về nghiêm chỉnh cần có trong mỗi một con người, nhất là những quan chức càng cao cấp, càng cần phải có chuẩn mực đó.
Võ Văn Tạo
Nguồn : RFA, 29/11/2021
Chuyện "từ chức" của các chính trị gia hoặc thậm chí nguyên thủ quốc gia là rất đỗi bình thưởng tại các quốc gia dân chủ tiến bộ. Khi một quan chức bị cáo buộc tắc trách, bị tố cáo tham nhũng, có những phát biểu không hợp lòng dân, hoặc cảm thấy năng lực kém cỏi… thì xin lỗi và từ chức là hành động được mong đợi.
Sau vụ chìm phà Sewol, Thủ tướng Chung Hong-won đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc và đệ đơn từ chức ngày 27/04/2014. REUTERS/Song Eun-seok/News1
Tháng 8/1974, Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, Richard Nixon, đã chấp nhận từ chức để tránh phải hầu tòa trong vụ Watergate, được cho là bê bối chính trị lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Richard Nixon phát biểu trong bài tuyên bố từ chức :
"Là một Tổng thống, tôi phải đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Hoa Kỳ cần một Tổng thống và một quốc hội toàn thời gian, cụ thể tại thời điểm này với những vấn đề mà chúng ta đang đối mặt trong và ngoài nước…Chính vì thế, tôi sẽ từ chức Tổng thống có hiệu lực từ trưa mai…".
Tháng 4/2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won, đã cúi đầu xin lỗi nhân dân Hàn Quốc sau vụ chìm phà Sewol :
"Lúc này đây, điều đúng đắn mà tôi cần làm chính là nhận trách nhiệm cho những gì đã qua và xin từ chức. Tôi chỉ hi vọng nhận được sự tha thứ của người dân Hàn Quốc và gia đình của các nạn nhân trên phà Sewol. Xin hãy hiểu cho tôi vì đã không hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến phút cuối cùng".
Tháng 7/2017, Tomomi Inada, nữ Bộ trưởng quốc phòng và người từng có triển vọng trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản, tuyên bố từ chức và trả lại lương tháng, sau scandal liên quan tới nghi vấn che đậy thông tin về hoạt động của lực lượng phòng vệ quốc gia.
Tháng 2/2018, Thủ tướng Ethiopia, Hailemariam Desalegn, cũng nộp thư xin từ chức sau làn sóng biểu tình chống chính phủ :
"Sự bất ổn và khủng hoảng chính trị đã dẫn tới thiệt hại nhân mạng và sự di tản của rất nhiều người. Tôi xem việc từ chức của mình như là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực thực hiện những cải cách sẽ mang đến nền dân chủ và hòa bình lâu dài".
Tháng 3/2018, Tổng thống Mauritus (một quốc đảo khá đẹp và giàu có ở Châu Phi), Ameenah Gurib-Fakim, tuyên bố sẽ từ chức sau khi bị cáo buộc sử dụng một thẻ tín dụng (credit card) của một tổ chức phi chính phủ quốc tế để mua quần áo và trang sức. Thủ tướng Pravind Jugnauth thông cáo báo chí :
"Tổng thống Ameenah Gurib-Fakim đã nói với tôi, bà sẽ từ chức. Lợi ích của đất nước luôn đặt trên hết và tôi tự hào hình ảnh của Mauritus như là mô hình kiểu mẫu của nền dân chủ sống động trên thế giới".
Từ chức còn là cách thức mà các nhà lãnh đạo sử dụng để thể hiện sự phản đối, bất phục tùng đối với chính quyền. Chẳng hạn như tháng 8/2017, toàn thể 18 thành viên Hội đồng Cố vấn Tổng thống về Nghệ thuật đã đồng loạt từ chức để phản đối quan điểm của Tổng thống Donald J. Trump về vụ biểu tình bạo lực gây chết người tại Charlottesville, VA.
Đảng cộng sản Việt Nam hãy từ chức !
Đã hơn 70 năm đảng cộng sản chiếm đóng đất nước bằng vũ lực và mị dân, Việt Nam ngày càng tụt hậu và suy thoái cả về yếu tố con người lẫn tài nguyên. Mọi lĩnh vực đều sa sút và thất bại : kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, an ninh quốc phòng, cơ sở hạ tầng giao thông và môi trường.
Một thí dụ điển hình : sau những khám phá liên tiếp về môi trường bị hủy hoại ở Việt Nam, ông Trần Hồng Hà vẫn được nhiều lần cử làm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường... và môi trường ở Việt Nam tệ hại hơn bao giờ hết
Giáo dục, y tế là và an ninh là những lĩnh vực tối quan trọng, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân cũng như góp phần vào sự thịnh vượng và hạnh phúc của một quốc gia. Hãy thử điểm vài"thành tích kinh khủng" để thấy chúng ta lụn bại và bất hạnh đến dường nào.
- Giáo dục : Các cô giáo được lệnh đi "tiếp khách". Nam học sinh đâm thầy giáo trọng thương. Thầy giáo đấm học sinh vào mặt. Cô giáo bắt học trò uống nước lau bảng. Nhà trường chạy đua thành tích. Sinh viên phải học "bù đầu bù cổ" nhưng chưa chắc có việc làm sau khi tốt khiệp.
Sau hơn 70 năm dưới sự lãnh đạo độc tài của đảng cộng sản, nền giáo dục Việt Nam thụt lùi rõ rệt và không thể sánh kịp với giáo dục Châu Á. Có lẽ muốn chấm dứt sự nhục nhã, ê chề này, Bộ giáo dục còn muốn tạo ra một "bảng xếp hạng riêng cho đại học Việt Nam". Điều này chứng tỏ được sự ngu dốt đến độ điên khùng và bệnh hoạn của những người trong Bộ giáo dục Việt Nam. Chẳng khác nào người đi thi đấu các giải danh tiếng, nhưng toàn thua cuộc, nên về nhà tự lập tiêu chuẩn, tự đấu, rồi tự tuyên bố mình chiến thắng.
- Y tế : thuốc giả tràn lan (thuốc ung thư làm từ than tre, thuốc ung thư giả) trong khi Bộ y tế độc quyền cấp phép, kiểm tra và lưu hành thuốc. Các bệnh nhân nghèo "thấp cổ bé miệng" nhận được dịch vụ chăm sóc y tế kém cỏi từ các bệnh viện công. Kết quả là vô số cái chết thương tâm đến từ sự tắc trách và vô đạo đức này.
- An ninh : trộm cướp hoành hành mỗi giờ và nạn tôn sùng bạo lực lên ngôi ở mọi ngõ ngách, trước sự tắc trách của lực lượng công an, khiến người dân cảm thấy bất an và chán nản. Sự tồn tại của lực lượng an ninh Việt Nam chỉ là để phục vụ sự tồn vong của chế độ đảng trị, vì thế sự an toàn của người dân không phải là mối quan tâm. Phần lớn người dân chọn vũ lực để giải quyết những xung đột, thay vì nhờ đến công an, là những người đại diện cho pháp luật, giúp họ chống lại sự bất công và ngăn ngừa tội ác. Một đất nước mà người dân phải tự học cách bảo vệ mình trước những bất công và tội ác, thì nhà nước và lực lượng an ninh tồn tại để làm gì ? Có xứng đáng để tồn tại hay không ?
Chưa dừng ở đó, bộ máy quan chức cồng kềnh, tham nhũngvà vô dụng của đảng cộng sản đã và đang phá nát tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại con người. Từ 1975 – 1990 : Việt Nam mất 2,8 triệu ha rừng, bình quân 140.000 ha/năm. Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường của các công ty được sự bảo kê của quan chức cộng sản, ngày càng nghiêm trọng. Tại miền Trung, Formosa vẫn âm thầm hủy hoại môi trường biển và thiên nhiên.
Thất bại bi đát và hiển nhiên đến thế nhưng chuyện xin lỗi và từ chức của các bộ trưởng Việt Nam là rất hiếm hoi. Điều này cũng dễ hiểu bởi toàn bộ chức vụ là sự chỉ định độc quyền của đảng cộng sản. Phần lớn các chức vụ từ địa phương đến trung ương đều được mua bằng lòng trung thành của đầu gối và độ nặng của phong bì. Đối với đảng viên cộng sản, chức vụ không bao giờ đi kèm với chức trách. Nghĩa vụ cao nhất của một quan chức nhà nước không phải là mang tới lợi ích cho nhân dân, mà là mưu cầu quyền lợi cho bản thân và gia đình.
Dù là một công dân hay một chính trị gia thì một hành vi gây thiệt hại lợi ích dân tộc luôn luôn là sai trái. Một chính sách hủy hoại tài nguyên môi trường là tội ác với thế hệ trẻ của đất nước. Tham nhũng của công và tham nhũng quyền lực là phạm pháp và vô đạo đức.
Chỉ có những con người nhẫn tâm và ác độc mới bất chấp tham nhũng trên xương máu của nhân dân cũng như tàn phá tài nguyên đất nướcđể "vinh thân phì da". Con cháu của quý vị sẽ hãnh diện hay xấu hổ về sự bất lương này ? Tên tuổi của quý vị sẽ lưu mãi trong lịch sử như những người lãnh đạo độc ác hay đạo đức với chính dân tộc mình ?
Thay lời kết
Tập thể Đảng cộng sản Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự thất bại toàn diện của chế độ : đạo đức xã hội suy đồi, ngân sách quốc gia cạn kiệt, và sự lệ thuộc quá đáng vào Trung Quốc. Kéo dài sự tồn tại của đảng cộng sản là kéo dài nỗi bất hạnh của người dân, nhấn chìm tổ quốc trong lụn bại và làm gia tăng nguy cơ tan rã quốc gia.
Ngay cả Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng khóa XI, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương còn nhận ra được thực trạng thất bại toàn diện của chế độ :
"Cho đến nay, sau nhiều nghìn năm, với thời gian hòa bình xây dựng nhiều gấp bội so với chiến tranh, nhưng Việt Nam ta vẫn chưa là một quốc gia phát triển. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một dân tộc nào đó không phát triển được thì cũng khó mà giữ được nền độc lập lâu bền, đồng thời sẽ tiếp tục thua thiệt và tụt hậu, nguy cơ nghèo đói và khủng hoảng sẽ luôn thường trực".
"Tiếng khóc nức nở của các gia đình có con em bị thất lạc khiến tôi trằn trọc cả đêm" là lời chia sẽ của Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won trong bài phát biểu từ chức trước toàn dân. Người lãnh đạo có đạo đức sẽ biết nhói đau khi chứng kiến nỗi khốn khổ của người dân và luôn mong họ được sống trong công bằng và hạnh phúc. Chóp bu cộng sản lẽ nào cứ mãi nhắm mắt trước sự bất hạnh và bịt tai trước tiếng than khóc của dân tộc Việt Nam ?
Một quốc gia đúng nghĩa phải đảm bảo được an toàn cho người dân cũng như tương lai hạnh phúc và lợi ích chung của dân tộc. Nhà nước cộng sản Việt Nam quỳ gối cúi đầu trước Trung Quốc và thẳng tay đàn áp bất cứ ai dám tỏ thái độ khinh ghét Trung Quốc. Như vậy, đảng cộng sản đang phục vụ dân tộc Việt Nam hay nhà nước Trung Quốc ? Một nhà nước mặc kệ sự an toàn của người dân để họ phải tự bảo vệ chính mình, thì có xứng đáng để tồn tại hay không ? Nghĩ. Hãy nghĩ. Dù chỉ là một chút.
Sẽ không có một lối thoát nào tốt đẹp cho đất nước và dân tộc Việt Nam trong chế độ đảng trị bởi đảng cộng sản là nguồn gốc của mọi đổ vỡ, kém cỏi và lụn bại. Nó phải được thay thế bằng một chế độ tự do, dân chủ và đa nguyên, mà nền tảng của lòng yêu nước phải được quan niệm như tình yêu và sự gắn bó giữa người Việt Nam. Chóp bu đảng cộng sản hãy từ chức, giải thể đảng, mời gọi sự tham gia của các chính đảng đối lập, và tổ chức bầu cử tự do, minh bạch và công bằng vì tương lai hạnh phúc của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam. Dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng nhân quyền và tự do đích thực như bao dân tộc tiến bộ khác trên thế giới.
Tôi tin chắc rằng đâu đó trong nội bộ đảng cộng sản vẫn có người muốn đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi sự tồi dở và thối nát của chế độ. Hãy khéo léo liên kết lại với nhau và cùng nhau thực hiện mục tiêu chung là một Việt Nam dân chủ, công bằng và hạnh phúc. Đừng tiếp tục nhấn chìm dân tộc Việt Nam trong nghèo khổ, bất công và lụn bại nữa. Hãy gầy dựng lại tổ quốc, xây dựng lại ý niệm quốc gia và niềm tự hào làm người Việt Nam.
Mai V. Phạm
(22/05/2018)
Tham khảo :
Chung quanh vụ việc công ty VN Pharma giả mạo giấy tờ nhập thuốc trị ung thư giả, đã có nhiều dư luận đòi bà bộ trưởng bộ y tế phải từ chức.
Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến. AFP
Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ công ty cổ phần VN Pharma làm giả con dấu, buôn lậu 200.000 hộp thuốc trong đó có 9.300 hộp thuốc trị ung thư H capita 500 mg với chất lượng kém, không đủ tiêu chuẩn làm thuốc trị bệnh cho người. Thuốc giả có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người, Nhà báo Từ Thức, và cũng là một nhân viên làm việc lâu năm trong công ty dược phẩm ở Pháp cho biết quá trình kiểm tra thưốc trước khi được đưa vào sử dụng :
"Sau khi đã có giấy phép rồi thì cũng phải theo những điều kiện rất là khó khăn, chỉ sơ sót không đúng tiêu chuẩn, không đúng số lượng trong thành phần của thuốc đã là một lỗi quan trọng rồi, nhưng mà làm giả là một chuyện cực kỳ nghiêm trọng. Làm thuốc giả, bán thuốc giả hay đồng lõa với chuyện buôn bán thuốc giả coi như tội giết người, còn hơn cả tội giết người vì liên hệ tới một số nạn nhân rất lớn".
Việc để thuốc nhập lậu làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trách nhiệm cuối cùng vẫn là người đứng đầu ngành y tế : trong trường hợp này là bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Nhiều dư luận cũng yêu cầu bà Kim Tiến từ chức, có cả một trang fan page lập ra để lấy ý kiến về việc bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nên từ chức. Luật sư Lê Trọng Quát, một cựu công chức trong chính phủ Pháp đồng tình :
"Bà bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đáng lẽ phải từ chức, cái đó quan trọng lắm. Sức khỏe của nhân dân, Tây họ gọi là "Santé publique" là một trong hai, ba điều quan trọng nhất của chính phủ mà phải thực hiện. Đây là sự an toàn, an ninh, sức khỏe của nhân dân. Cái đó rất quan trọng".
Về văn hóa từ chức cũng đã từng được Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đề cập đến thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi xảy ra những sai lầm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quốc gia. Gần đây, ông Dương Trung Quốc cũng đặt lại vấn đề này với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo ông Dương Trung Quốc, tại Việt Nam khái niệm "từ chức" thường được coi như là "mất chức", ông nói :
"Các hiện tượng gần đây mà các bạn ở nước ngoài cũng theo dõi được về những lợi ích nhóm, việc mua quan bán chức tạo ra những lợi ích cá nhân trong cơ quan công quyền thì vấn đề từ chức nó không những chỉ là một sức ép mà cố gắng tạo thành một giá trị của xã hội. Có rất nhiều người trong lòng họ không muốn làm việc nữa vì có nhiều cái bức xúc, nhưng đôi khi họ cũng rất khó để tự xử vì người ta vẫn cảm giác đồng nhất cái "từ chức" với cái "mất chức", chứ tôi chưa nói đến chuyện mất đi quyền lợi, kể cả danh vị, danh nghĩa, danh dự thôi".
Ở các nước tự do dân chủ, việc từ chức thường để chứng tỏ trách nhiệm của mình. Năm 2013, Bộ y tế Saudi Arabia đã sa thải một số viên chức cao cấp khi một đứa bé bị nhiễm HIV do truyền máu. Tại Pháp, vào thập niên 90, một bệnh nhân đã bị nhiễm virus HIV khi truyền máu, các nhân viên liên hệ cũng đã bị trừng phạt, nhà báo Từ Thức kể lại :
"Sự thực thì lúc đó người ta không biết nhiều về virus Sida (HIV) hết đó nên xảy ra sự sơ xuất đó và chính phủ lúc đó không có một trách nhiệm gì trực tiếp hết vì việc đó là việc của nhà thương, của các bác sĩ. Nhưng, mặc dù vậy, Thủ tướng Pháp thời đó là ông Laurant Fabius và bộ trưởng y tế cũng bị đưa ra tòa. Về vụ thuốc giả, bà Kim Tiến có liên hệ rất là trực tiếp, Về phương diện luân lý thì đáng lẽ bà Bộ trưởng Kim Tiến đã phải từ chức từ lâu rồi. Bà phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Trước nhất là bà phải từ chức và không thể làm khác hơn được".
Ở các nước khác, từ chức là một hình thức nhận trách nhiệm của mình, nhưng tại Việt Nam từ chức đồng nghĩa với hình phạt, ông Dương Trung Quốc nói :
"Người ta từ chức vì một lý do rất chính đáng nhưng người ta vẫn có cơ hội được thăng chức khi họ có đóng góp, công tội rất rõ ràng. Nhưng cơ chế ở Việt Nam anh mà đã từ chức thì rất khó có cơ hội ngóc lên được".
Theo nhà báo Từ Thức, văn hóa từ chức không phải một ngày, một buổi mà có được, mà nó bắt đầu từ sự ý thức trách nhiệm của mỗi con người.
"Văn hóa thì không thể nào nhập cảng được, đó là bổn phận của mỗi người. Thí dụ như ở Nhật Bổn, khi Bộ trưởng có lỗi, họ không những từ chức, họ còn ra trước đài truyền hình xin lỗi nhân dân, rồi họ từ chức. Đại Hàn chẳng hạn, xảy ra một tai nạn đắm đò, ông Phó hiệu trưởng cảm thấy có trách nhiệm trong vụ đó, ông ấy đã tự tử. Đó là chuyện xảy ra rất thường ở nước ngoài, ở những xứ mà họ còn có luân lý, họ còn có tinh thần trách nhiệm".
Mặc dù Việt Nam cũng là một trong những nước có những giá trị đạo đức lâu đời, thế nhưng ở cơ chế hiện tại, ý thức trách nhiệm hầu như không được coi trọng. Luật sư Lê Trọng Quát chia sẻ :
"Quan niệm từ chức thay đổi rất lớn tùy theo trình độ dân chủ và ý thức trách nhiệm của những người lãnh đạo trong quốc gia đó. Ý thức trách nhiệm đó đã cho thấy nhiều lần ở Nhật bản, Đại Hàn, Ở Âu Châu hì có những vụ từ chức nhưng ít hơn. Ngược lại, ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa bây giờ thì chuyện đó không bao giờ đặt ra cả. Ông Bộ trưởng hoặc ông Thủ tướng có làm bậy đi, thiệt hại cho quyền lợi nhân dân thì họ cũng lờ đi, không có ý thức trách nhiệm của mình".
Đây không phải là lần đầu tiên, bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bị đòi phải từ chức. Năm 2013, vụ bệnh viện thẩm mỹ Cát Tường làm chết người hoặc tiêm thuốc chích ngừa giả làm chết 3 trẻ sơ sinh năm 2014, đã nhiều ý kiến đòi bà Tiến từ chức. Nhưng bà vẫn né tránh, cho rằng không từ chức vì còn nhiều việc phải làm. Hoặc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không từ chức vì còn phải thực hiện nhiệm vụ Đảng giao cho. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng đó không thể là lý do để biện hộ :
"Có lẽ ở Việt Nam có nhiều lý do khiến từ "từ chức "không bình thường, thí dụ như một lập luận rất đơn giản, tưởng rất là hay, đây là "nhiệm vụ cách mạng", một người làm cách mạng phải đến hơi thờ cuối cùng, cấp trên cho nghĩ thì mới nghĩ, hoặc là cách chức thì mới được thôi".
Nếu phương pháp sự tự xử không được áp dụng thì theo ông Dương Trung Quốc, cần phải có biện pháp dứt khoát :
"…thì cách chức thôi ! Và tôi nhắc lại câu chuyện từ chức không phải còn lâu, tôi không nói lâu, nhưng nó phải có một quá trình, ngắn hay dài tùy theo quá trình vận động của Thủ tướng".
Nhà báo Từ Thức đồng tình :
"Ít nhất là chính phủ phải cách chức, không cách chức vĩnh viễn thì cũng cách chức tạm thời trong khi chờ đợi kết quả của cuộc điều tra. Nhưng ở Việt Nam không có cuộc điều tra nào hết, không có chuyện từ chức, không có chuyện cách chức, điều đó chứng tỏ những người lãnh đạo Việt Nam hoàn toàn vô trách nhiệm, coi sinh mạng người dân rẻ như bèo".
Văn hóa từ chức, thật ra không phải là một điều gì xa lạ trong xã hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc chia sẻ :
"Các bạn sống ở Pháp hay các nước khác, từ chức là chuyện rất bình thường. Ngay ở Việt Nam, từ chức đâu phải là chuyện mới mẻ, xa xưa các cụ nhà mình từ quan chẳng hạn, đôi khi vì những lý do, bây giờ thì rất bình thường nhưng ngày xưa thì rất là hệ trọng như về cư tang Cha mẹ chẳng hạn, về chăm sóc phụng dưỡng Cha Mẹ để làm tròn chữ hiếu. Cái tự xử là quan trọng lắm, để bảo vệ cái uy tín của mình. Các cụ hay dung chữu "liêm sĩ". Cái đó phải nói thật là thiếu".
Nếu ở Việt Nam ngày xưa, văn hóa từ chức đã là một chuyện bình thường, thế tại sao trong xã hội Việt Nam hiện tại, việc từ chức không thể được coi là một hình thức trách nhiệm để bảo vệ cái liêm sĩ của mình ?
Theo nhà báo Từ Thức, chính thể chế hiện tại đã làm mất đi cái liêm sĩ vốn có của người xưa :
"Cái tinh thần trách nhiệm, cái luân lý đó hoàn toàn mất ở Việt Nam. Bây giờ phải tạo một xã hội mới. Mà không thể nào có một xã hội mới nếu mà chế độ này còn tiếp tục, bởi vì cái xã hội đó là hậu quả của cái chế độ này từ mấy chục năm nay ở Việt Nam".
Tường An, thông tín viên RFA
Nguồn : RFA, 05/09/2017