Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/09/2017

Miến Điện : Arakan, hai trăm năm xung đột cộng đồng

Laurence Defranoux

Các cuộc truy bức của chính quyền trung ương Miến Điện đối với người Rohingya không thể thu gọn qua lăng kính của một cuộc xung đột giữa người Phật Giáo và người Hồi Giáo. Trong các vấn đề tranh chấp đất đai và sắc tộc này còn có cả những lợi ích kinh tế mới.

arakan2

Người Rohingya Miến Điện lội sông vượt biên giới sang Bangladesh tị nạn tại trại Cox's Bazar, ngày 19/09/2017. Reuters/Cathal McNaughton

Cả thế giới những ngày qua dồn sự chú ý đến cuộc khủng hoảng sắc tộc tại bang Arakan miền tây Miến Điện, nơi đang diễn ra thảm cảnh những người thiểu số theo Hồi Giáo bị truy bức phải chạy tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh.

Để hiểu thêm về cuộc xung đột cộng đồng sắc tộc này chúng tôi xin giới thiệu bài viết mang tựa đề "Tại Arakan, hai thế kỷ xung đột cộng đồng" đăng trên nhật báo Libération số ra ngày 19/09/2017 của tác giả Laurence Defranoux.

Tại sao nạn nhân là người Rohingya ?

Chỉ trong vòng một tháng, 400 nghìn người đã bị đẩy vào một cuộc di cư chạy trốn bạo lực. Cuộc trấn áp này có liên quan đến lịch sử của vùng đất Arakan (chính quyền quân sự cũ Miến Điện gọi đây là bang Rakhine). Trong khi đó, người Hồi Giáo ở nhiều vùng khác của Miến Điện vẫn sống không mấy phải lo ngại gì.

Những cuộc thanh lọc sắc tộc xảy ra trong những tuần qua chỉ là một mảng trong nhiều thế kỷ truy bức sắc tộc và tôn giáo ở đất nước này, tuy nhiên trong đó người ta có thể tìm thấy cả những động cơ kinh tế khi chính quyền đang có những dự án công nghiệp ở vùng đất nóng này.

Để hiểu được căn nguyên của vấn đề, cần phải ngược dòng thời gian về hai thế kỷ trước. Đó là vào năm 1826, người Anh sáp nhập Arakan vào thuộc địa Miến Điện của họ. Arakan là một dải đất màu mỡ bên bờ vịnh Bengale. Một bộ phận dân gồm những người Phật Giáo và người Hồi Giáo đã sống ở đó ít nhất từ thế kỷ thứ 15. Họ đã sống lưu vong tại đây khi quê hương của họ bị vương quốc láng giềng xâm chiếm.

Nhà nghiên cứu nhân chủng học có văn phòng tại Rangoon, ông Maxime Boutry giải thích : "Trên vùng đất hoang hóa đó, chính quyền thực dân đã đưa những di dân từ Bengale đến định cư phát triển canh tác lúa. Những người Arakan trở về thì đất đai của họ đã bị chiếm. Đất đai chính là nguồn gốc của hiềm khích giữa hai cộng đồng dân cư".

Trên toàn đất nước, người Anh đưa về hàng trăm nghìn người gốc Ấn Độ. Tâm lý chống thực dân khi đó đổ lên đầu những người nhập cư theo đạo Hindu và Hồi, những người đã làm giàu bằng buôn bán và cho vay nặng lãi.

Năm 1930 và 1937, nhiều cuộc truy sát nhằm vào người gốc Ấn đã diễn ra tại Rangoon. Năm 1942, khi người Nhật chiếm Miến Điện, những hậu duệ của người gốc Ấn Độ vẫn trung thành với người Anh, trong khi đó người Arakan ngả theo người Nhật.

Bà Alexandra de Mersan thuộc Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông của Pháp (Inalco), người đã nghiên cứu về Arakan từ năm 1998, giải thích : "Cuối cuộc chiến tranh, Miến Điện muốn thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc và người nước ngoài. Các làn sóng đòi độc lập đầu tiên do các sư sãi khởi xướng tập hợp thành phong trào Phật giáo vì độc lập dân tộc. Người Hồi Giáo ở Arakan đòi được công nhận như là một cộng đồng thiểu số tôn giáo, thế nhưng họ bị từ chối".

Một phong trào độc lập có tên gọi "Rohingya" đòi sáp phần phía bắc Arakan vào phía đông Pakistan đã dấy lên nhưng không thành công. Người Miến Điện về sau gọi những người thiểu số này bằng cái tên " Bengalis".

Vùng đất nghèo đói kém phát triển

Năm 1971, một làn sóng di cư bùng lên do cuộc chiến tranh đòi độc lập của Bangladesh lại càng củng cố thêm định kiến cho rằng người Hồi Giáo ở Arakan là "những người nước ngoài bất hợp pháp" và thế là một chiến dịch bạo lực xua đuổi họ nổi lên lên hồi năm 1978.

Đến năm 1982, Miến Điện ra đạo luật về quyền công dân, đòi hỏi các nhóm sắc tộc phải chứng minh được sự hiện diện của họ trên lãnh thổ trước thời thuộc địa. Thế là những người "Bengalis" bị truất quyền công dân. Họ không được tham gia các công việc hành chính và một số tài sản còn bị tịch thu.

Bang Rakhine có 3 triệu dân, trong đó 1/3 là người Hồi Giáo có nguồn gốc lịch sử di cư khác nhau. Đây cũng là bang chậm phát triển nhất Miến Điện. Năm 1991-1992, làn sóng bạo lực mới lại bùng lên khiến hàng trăm nghìn người Rohingya bỏ nhà cửa chạy nạn.

Cộng đồng quốc tế đã quan tâm đến số phận của họ, và đã đến cứu trợ. Người Arakan theo Phật Giáo cũng sống khổ sở đói nghèo không kém, vì thế mà họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Chuyên gia Alexandra de Mersan nhận xét : "Áp lực của quốc tế là chính đáng, nhưng các tổ chức phi chính phủ đã gây thiệt hại nhiều vì tuyên truyền thái quá. Tình cảnh của người Rohingya là rất khó khăn, nhưng họ không phải là những người duy nhất không có quyền gì ở Miến Điện và cũng không phải là những người duy nhất đấu tranh chống lại chính phủ".

Sau vụ quân Taliban phá hủy bức tượng phật cổ nổi tiếng ở Bamiyan và loạt khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, truyền thông do chính quyền quân sự kiểm soát, đã đưa tràn ngập những hình ảnh gắn Hồi Giáo với khủng bố.

Arakan vẫn luôn là vùng đấy nghèo đói. Những chuyện về các đứa trẻ sinh ra từ một cặp vợ chồng theo đạo Hồi và đạo Phật buộc phải theo Hồi Giáo và chuyện không thể cải đạo sang Phật Giáo tại Miến Điện đã nuôi dưỡng suy nghĩ sai lệch cho rằng đất nước họ đang bị "Hồi Giáo hóa". Thực tế, người Hồi Giáo chỉ chiếm 4,7% trong số 62 triệu dân Miên Điện.

Năm 1995, chính quyền ban hành quy định về chỉ tiêu hôn nhân sắc tộc. Người Rohingya không thể kết hôn mà không có phép và mỗi cặp vợ chồng chỉ được quyền có 2 con.

Việc Miến Điện chuyển tiếp sang chế độ dân chủ năm 2011 cũng không chấm dứt được sự kỳ thị đó. Theo chuyên gia Maxime Boutry, " giới quân sự chắc chắn thấy thấy ở đó cách chia để trị như trong các cuộc xung đột trong các bang miền bắc Shan và Kachin. Chính quyền dân sự thì lại bất lực với những cử tri đa số là người Phật Giáo", những người đã ủng hộ họ.

Cái bóng của Bắc Kinh

Trong khi đó, Bắc Kinh xích lại gần với chính quyền mới vì họ quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Arakan. Nhiều dự án công nghiệp đã được khởi công, trong đó có công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Kyaukpyi. Các khu đất bị quân đội tịch thu dưới chế độ độc tài giờ được đem cho các nhà thầu nước ngoài và Miến Điện thuê. Những người đang sống trên những mảnh đất đó bị cưỡng chế trục xuất mà hầu hết không được đền bù gì.

Năm 2012, vụ cưỡng hiếp một thiếu nữ trong cộng đồng người Phật Giáo lại làm dấy lên chiến dịch thanh lọc sắc tộc và cuộc di cư mới của người Rohingya. Những đứa trẻ Rohingya sinh ra không được cấp giấy chứng sinh. Các nghề như bác sĩ, kỹ sư, hay quyền học đại học giờ bị cấm đối với người Hồi Giáo ở Arakan. Họ buộc phải sống trong các khu làng hay khu trại biệt lập, không công ăn việc làm.

Năm 2015, Quốc Hội Miến Điện tiếp tục ra thêm luật thắt chặt các quyền của người Rohingya. Bên cạnh đó, chính quyền trung ương liên tiếp mở các dự án với Bắc Kinh, trong đó có công trình cảng Kyaukphyu, có trị giá đầu tư 7,3 tỷ đô la. Đây là một điểm quan trọng trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Theo nhà xã hội học Saskia Sassen, tác giả cuốn sách "Trục xuất : Tính thô bạo và phức tạp trong kinh tế toàn cầu" nhận định : " Tiếp cận vịnh Bengale và Ấn Độ Dương giờ là lợi ích cốt yếu của Trung Quốc. Điều này sẽ làm thay đổi sâu sắc mọi chuyện. Giới quân nhân Miến Điện từ lâu nay vẫn tham gia vào các vụ làm ăn vơ vét đất đai. Họ kiếm chác được nhiều với việc loại bỏ người Rohingya".

Những mỏ titan, aluminum đã được tìm thấy ở huyện Maungdaw, nơi người Rohingya sinh sống. Khi các đồn cảnh sát bị quân nổi dậy tấn công hồi tháng 8, trấn áp bạo lực đổ xuống người dân cùng với sự đồng tình của Bắc Kinh. Tuần trước, Trung Quốc đã cam đoan vẫn dành cho Naypyidaw sự ủng hộ.

Như ở Kyauphyu năm 2012, các khu làng bị đốt trụi để người dân không thể trở lại và để xóa sạch mọi dấu vết về quyền lợi của tổ tiên họ trên mảnh đất của người Rohingya.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 19/09/2017

(Theo báo Libération điện tử, 19/09/2017)

Quay lại trang chủ
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)