Bắc Kinh đang gia tăng tuyên truyền chủ quyền của Trung Quốc đối với phần lớn diện tích Biển Đông mà họ gọi là di sản tổ tiên họ để lại "từ thời cổ xưa".
Luật sư trưởng chính phủ Philippines, Jose Calida, trong ngày tòa trọng tài ra phán quyết có lợi cho Manila trong tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Tân Hoa Xã hôm Thứ Sáu 15/9/2017 đưa tin và những tờ báo chính thống khác cùng phụ họa nói rằng một loạt các tài liệu về nguyên tắc ngoại giao, hoạt động và thành quả ngoại giao của Trung Quốc trong 5 năm qua được trình bày bằng Anh ngữ đang được phổ biến rộng rãi trên Internet và chương trình truyền hình.
Trong đó, đa dạng với nhiều bản tường trình gồm cả giai thoại, lời tuyên bố của các lãnh tụ Trung Quốc được trích dẫn, dữ kiện và các con số.
Các tài liệu tuyên truyền mới bằng Anh ngữ mà Tân Hoa Xã đề cập, trích dẫn lời tuyên bố của chủ tịch Tập Cận Bình "các đảo trên biển Nam Hải – Việt Nam gọi là Biển Đông – là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời cổ xưa. Bổn phận bắt buộc của chính quyền là duy trì chủ quyền lãnh thổ, quyền hàng hải hợp pháp và các lợi ích của Trung Quốc". Tân Hoa Xã trích dẫn lời phát biểu trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình đọc tại Đại học quốc gia Singapore năm 2015.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp xuyên qua đàm phán và tham vấn với các quốc gia trực tiếp liên quan trên căn bản tôn trọng dữ kiện lịch sử và theo luật quốc tế". Tài liệu trên trích lời tuyên bố của ông Tập Cận Bình đọc tại Đại học quốc gia Singapore năm 2015.
"Trung Quốc sẽ phối hợp với các nước ASEAN để làm Biển Nam Hải thành biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác". Lời ông Tập Cận Bình trong tài liệu tuyên truyền Anh ngữ được Tân Hoa Xã trích dẫn khi ông đến tham dự lễ khai mạc Hội nghị ngoại trưởng lần thứ năm về các giải pháp xây dựng niềm tin và phối hợp tổ chức ở Bắc Kinh năm 2016.
"Chúng tôi ở Trung Quốc không sợ khi Mỹ hăm dọa hành động, cho dù Mỹ mang tất cả 10 hàng không mẫu hạm tới Biển Đông". Lời Đới Bỉnh Quốc, cựu thành viên Quốc vụ viện Trung quốc, nói trong một cuộc hội thảo của tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace hồi năm 2016, Tân Hoa Xã dẫn lại từ tài liệu tuyên truyền Anh ngữ.
Tháng Bảy 2016, Tòa trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền vẽ theo 9 đoạn tưởng tượng chiếm hơn 80% Biển Đông mà Trung Quốc dùng làm căn cứ để xác nhận với thế giới là vô giá trị. Phán quyết được đưa ra sau khi Phi Luật Tân kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phiên tòa cùng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Bắc Kinh lợi dụng các cơ hội khác nhau để tiếp tục tuyên truyền chủ quyền của họ đối với Biển Đông trong phạm vi "Lưỡi Bò" là của Trung Quốc từ ngàn xưa.
Mối quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em Việt Nam và Trung Quốc đột ngột căng thẳng khi Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long đến Hà Nội ngày 18/6/2017 và đột ngột bỏ về Bắc Kinh ngày hôm sau, sau khi nhắc lại với các lãnh tụ Việt Nam rằng Biển Đông là "của Trung Quốc từ thời cổ xưa". Báo chí quốc tế tiết lộ cho biết ông Phạm Trường Long, dịp này, còn đòi hỏi Việt Nam phải hủy bỏ cuộc thăm dò dầu khí đang diễn ra tại lô 136-3 thuộc khu vực bãi Tư Chính trên thềm lục địa Việt Nam phía đông nam Vũng Tàu khoảng 200 hải lý.
Tuy lô 136-3 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) nhưng lại vướng cái vạch "Lưỡi Bò" vắt ngang qua. Sau đó, còn có tin Việt Nam đã phải yêu cầu nhà thầu Rapsol dừng cuộc thăm dò và rời khỏi khu vực vì Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Khi ASEAN họp tại Manila hồi tháng 8 vừa qua, phía Việt Nam đã đề nghị bản thoải hiệp khung cho Bộ quy tắc Ứng xử trên Biển Đông dự trù sẽ thảo luận các điều khoản nhằm tránh xung đột quân sự "phải có ràng buộc pháp lý" nhưng đã bị phe các nước ủng hộ lập trường Trung Quốc chống lại. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bỏ cuộc tiếp xúc riêng với ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề hội nghị, cho hiểu sự đáp trả đối với đề nghị của Việt Nam.
Từ sự giận dữ bỏ Hà Nội về nước của tướng Phạm Trường Long với lời đe dọa dùng võ lực đến việc Hà Nội đòi Bộ Quy Tắc Ứng Xử phải có rằng buộc pháp lý, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực của Việt Nam, nhân dịp cầm đầu phái đoàn tham dự "Hội chợ, Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN" tổ chức ở Nam Ninh, Trung Quốc, chiều 11/9/2017, đã gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Cao Lệ.
"Về vấn đề trên biển, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình ; nghiêm túc thực hiện "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển", thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển giữa hai nước sớm đạt tiến triển thực chất. Phó Thủ tướng đánh giá cao ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) ; cho rằng việc sớm hoàn tất COC sẽ góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực". Thông tấn xã Việt Nam thuật lại cuộc họp.
TTXVN cho hay tiếp là "Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng quan hệ với Việt Nam, nhất trí cùng Việt Nam duy trì tiếp xúc cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất, mở rộng giao lưu nhân văn, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, kiểm soát tốt bất đồng, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững".
Bản tin khá dài của TTXVN viết riêng về cuộc họp giữa hai ông Trương Hòa Bình và Trương Cao Lệ với những lời lẽ ca ngợi mối quan hệ "đồng chí anh em" trong khi Tân Hoa Xã chỉ có một câu viết ngắn gọn chung trong một bản tin mà ông Trương Cao Lệ đã gặp trưởng phái đoàn các nước ASEAN tham dự hội chợ triển lãm.
Ngày 31/8/2017, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo bày tỏ "quan ngại" và "đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, để nêu rõ lập trường của Việt Nam" về việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực cửa vịnh Bắc Bộ chỉ cách Đà Nẵng khoảng 75 hải lý như một sự thách thức. Việt Nam kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông".
Một tuần sau, phát ngôn viên lập lại lời tuyên bố và lần này "mạnh mẽ phản đối" nhưng Bắc Kinh vẫn tiến hành tập trận và cho phát ngôn viên ngoại giao tuyên bố "Khu vực tập trận là vùng biển thuộc pháp quyền của Trung Quốc. Trên căn bản luật nội bộ của Trung Quốc, luật quốc tế và thông lệ quốc tế, cuộc tập trận của Trung Quốc trong vùng biển liên quan là nằm ngoài vùng tranh chấp. Chúng tôi hy vọng các nước liên quan nhìn vấn đề ấy một cách bình tĩnh và hợp lý".
Nay Bắc Kinh mở rộng chiến dịch tuyên truyền chủ quyền Biển Đông ra thế giới, cổ võ cho lời tuyên bố biển đảo trên Biển Đông nằm trong phạm vi tuyên bố hình "Lưỡi Bò" là của họ "từ thời cổ xưa", bất chấp Việt Nam phản đối trên mặt ngoại giao.
Tuy Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đàm phán và tham vấn với các nước tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với họ nhưng khi Việt Nam nêu vấn đề chủ quyền quần đảo Hoàng Sa trong các cuộc đàm phán về biên giới giữa hai nước thì đều bị Bắc Kinh bác bỏ thẳng thừng.