Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/11/2017

Chính trị Hoa Kỳ và tinh thần

Lê Mạnh Hùng

Lúc gần đây tại Hoa Kỳ đã nổ ra một loạt những câu chuyện về tình dục. Hay nói đúng hơn là nhưng câu chuyện về sách nhiễu tình dục. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng đều bẩn thỉu và có khuynh huớng cho người ta thấy những gì tệ nhất trong bản tính con nguời.

hoaky1

Roy Moore, 70 tuổi, đang ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ tại Thượng Viện Liên Bang đại diện cho tiểu bang Alabama.

Hãy lấy các tin loan ra từ Alabama mấy tuần nay. Đây là một câu chuyện điển hình. Một nguời đàn ông lớn tuổi bị nhiều phụ nữ tố cáo là đã sách nhiễu tình dục họ khi họ còn là những cô gái còn thơ. Một trong những người tố cáo nói rằng lúc đó bà chỉ có 14 tuổi.

Roy Moore nay 70 tuổi và đang ra tranh cử ghế thượng nghị sĩ tại Thượng Viện Liên Bang đại diện cho tiểu bang Alabama. Một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy rằng ông ta có nhiều cơ hội thắng.

Có một bài báo đăng trên tạp chí New Yorker rằng ông Moore còn bị cấm không cho đến một trung tâm thương mại địa phương vì ông có khuynh hướng hay quầy rầy các cô gái vị thành niên tại đó. Phải làm một cái gì tệ lắm mới có thể bị cấm như vậy.

Đến nay thì đã có một loạt những câu chuyện tương tự như vậy tố cáo những nhân vật khác nhau, phần lớn là có danh vọng. Chúng ta có thể hy vọng rằng chúng góp phần làm thay đổi cái văn hóa coi phụ nữ như là công cụ tình dục giúp cho những phụ nữ nào làm trong những ngành hoạt động nào mà những người đàn ông trong đó không nổi tiếng và vì vậy ít có cơ hội những hành động của họ bị khui ra ; và đặc biệt là cho những chị em nào mà vì vấn đề tài chánh không có thể cưỡng lại những đòi hỏi của những cấp trên của họ.

Thế nhưng câu chuyện của ông Roy Moore tại Alabama lại cho ta thấy một khía cạnh khác của xã hội Mỹ không dính líu gì đến tình dục hoặc sách nhiểu. Đó là sự xuất hiện của tinh thần "bộ lạc" trong chính trị.

Trong mấy ngày qua, ông Moore đã bị lên án bởi nhiều nhân vật cao cấp đảng Cộng Hòa tại Washington DC và nói rằng ông cần phải rút lui ra khỏi cuộc tuyển cử. Thế nhưng phản ứng tại Alabama thì khác hẳn. Tại đây một số viên chức Cộng Hòa và chính trị gia Cộng Hòa địa phương đã đứng ra biện hộ cho ông Moore.

Ed Henry, một dân biểu Cộng Hòa địa phương đã khuyến dụ rằng những phụ nữ tố cáo ông Moore cần phải bị truy tố vì đã không lên tiếng nói lên chuyện này từ trước và để cho một kẻ bị tố cáo là sách nhiểu tình dục tiêu dao tại ngoại. Quả thật là khôi hài hết chỗ nói. Và Jerry Pow, chủ tịch đảng bộ đảng Cộng Hòa tại quận Bibb County, Alabama cho biết ông sẽ bỏ phiếu cho ông Roy Moore dù rằng những lời tố cáo này là đúng và dù rằng ông Moore đã làm một hành động phạm tội đối với một trẻ em vị thành niên.

Điều làm cho nguời ta ngạc nhiên nhất là lý do mà ông Pow đưa ra. Ông nói ông bỏ phiếu cho Moore vì ông ta không thể nào bỏ phiếu cho một người Dân Chủ trong cuộc bầu cử này. Ông Jerry Pow tin rằng bất kỳ một nguời Dân Chủ nào cũng tệ hơn một người Cộng Hòa dù rằng đó là một nguời Cộng Hòa sách nhiễu tình dục gái vị thành niên và sau đó nói đối chuyện đó.

Đây là một bước vượt xa hơn nhiều lãnh vục "tin giả". Đây là một hành động lấy sự thật ném vào sọt rác và rồi hãnh diện có nhận định riêng của mình hoàn toàn dựa trên thiên kiến.

Và ở mức nào đó, tinh thần "bộ lạc" này đến từ trên đỉnh cao nhất : ta có thể thấy rằng Tổng Thống Trump đã nổi bật trong việc im lặng không nói gì đến vấn đề của ông Roy Moore, nhưng lại "tweet" những lời chỉ trích gay gắt ứng cử viên Dân Chủ Al Franken.

Bà thống đốc tiểu bang Alabama cũng đưa thêm ý kiến của mình nói rằng bà tin những lời tố cáo của các phụ nữ đối với ông Moore là đúng, nhưng cũng vẫn bỏ phiếu cho ông Moore để bảo đảm rằng sẽ có thêm một người Cộng Hòa tại Thượng Viện.

Điều đáng buồn là theo những nhà nghiên cứu đây không phải là vấn đề riêng của những nguời Cộng Hòa tại Alabama mà của tất cả chúng ta.

Năm 2010, một công trình nghiên cứu bởi hai nhà tâm lý học Brendan Nyhan và Jason Reifler đã chứng minh rằng thiên kiến thắng dự thật trong việc tạo ra quan điểm của người ta. Và họ còn biện luận rằng càng kiểm soát các sự kiện chỉ làm cho nguời ta ôm chặt thêm những thiên kiến của mình.

Khi có người nào đưa cho ta những bằng chứng đi ngược lại với những gì chúng ta tin là đúng, chúng ta cảm thấy bị đe dọa và chúng ta lại càng cố chấp trong tin tưởng của mình. Đó có vẻ là những gì xảy ra trong những tuần qua tại Alabama.

Trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump các nhà chính trị học nay khám phá ra rằng cử tri không ngu đần gì. Thật sự họ cũng biết rõ khi một nhà chính trị nói láo. Nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đối với những cảm nghĩ của họ về ông/bà ta. Và tình trạng này càng ngày càng trở nên cực đoan hơn vì chính trị không chỉ trở nên phân cực mà trở thành "bộ lạc hóa". Nguời ta tự họp thành những bộ lạc và chiến đấu chống lại những bộ lạc khác để bảo vệ cho bộ lạc của mình.

Điều đó có nghĩa là tấn công không ngừng phe đối lập và từ chối không thay đổi ý kiến của mình ngay cả trước những sự thật khó chịu như là khả năng một người mình ủng hộ có thể là một kẻ sách nhiễu trẻ vị thành niên.

Điều đáng buồn hơn nữa là tình trạng "bộ lạc hóa" này sẽ làm xói mòn nền tảng của một chế độ dân chủ. 

Lê Mạnh Hùng

Nguồn : Người Việt, 23/11/2017

Quay lại trang chủ
Read 827 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)