Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2018

Thấy gì từ việc Nguyễn Thiện Nhân thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ?

Phạm Chí Dũng

Trong não trạng và thói quen lâu năm hầu như chưa có gì thay đổi, không một quan chức cao cấp và cả trung cấp nào muốn đến thăm hỏi hoặc chào xã giao một "đối tượng" sắp bị giải tỏa, nhất là đối tượng đó thuộc loại "nhạy cảm".

thuthiem1

Hiện tượng lạ : ông Nguyễn Thiện Nhân chúc các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm "giữ vững đức tin"
Ảnh : Tuổi Trẻ

Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã từ nhiều năm qua nằm trong danh sách "đối tượng giải tỏa", cho dù cơ sở Công giáo này đã có lịch sử tồn tại đến 170 năm và được khá nhiều tổ chức quốc tế về tôn giáo lẫn chính trị và môi trường quan tâm chia sẻ. 

Vì thế, cuộc đến thăm ngày 10/2/2018 của Nguyễn Thiện Nhân – một ủy viên bộ chính trị và là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm – có thể xem là hiện tượng "lạ".

Nguyễn Thiện Nhân lại là người thuộc trường phái "chính trị gia co thủ", vốn hết sức thận trọng với các giao tiếp "nhạy cảm chính trị" và càng tránh xa những hoạt động bề nổi chẳng có lợi gì cho mình.

"Tiếp quản" di sản của cựu bí thư thành ủy Đinh La Thăng từ tháng 5/2017, nhưng Nguyễn Thiện Nhân đã có vẻ rút được "bài học kinh nghiệm sâu sắc" từ ông Thăng. So với thói ồn ào khoa trương lẫn chơi nổi của Đinh La Thăng, Nguyễn Thiện Nhân tỏ ra lặng lẽ và kín đáo hơn nhiều. Một trong những tiêu chí so sánh giữa hai nhân vật cao cấp này là tần suất xuất hiện trên mặt báo nhà nước của Nguyễn Thiện Nhân là ít hơn hẳn Đinh La Thăng.

Chí ít, việc một nhân vật thận trọng và thủ thế cao độ như Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào những này cận tết nguyên đán 2018 cho thấy cơ sở Công giáo này đã tạm thoát khỏi "danh sách tử thần" và do đó tạm an toàn. Kết luận sơ bộ này phù hợp với tình hình êm ắng tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm từ giữa năm 2017 đến nay, sau những can thiệp nhất định của Tổng lãnh sự quán Canada và trước đó là một chuyến viếng thăm chia sẻ của Hồng y Reinhard Marx, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm hồi đầu năm 2016.

Trong chiến dịch giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đặc biệt mang tính "lấy thịt đè người" vào năm 2015, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và quận 2 đã chỉ cử những quan chức cấp thấp đến Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm để vừa chiêu dụ vừa đe dọa các sơ. Sau đó là một lực lượng đông đảo lên đến vài trăm người vừa công an vừa dân phòng cùng các hội đoàn nhà nước đã bao vây cơ sở Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm như một thủ đoạn tạo áp lực nặng nề về tâm lý để khiến các sơ hoặc phải tự nguyện rời bỏ mảnh đất rộng nhiều hecta có giá thị trường đến hàng trăm triệu đồng mỗi mét vuông này, hoặc phải chấp nhận một đơn giá bồi thường đất đai rẻ mạt của chính quyền.

Cũng vào năm 2015, nghe nói chính quyền ở Sài Gòn đã "cân lên đặt xuống" giữa chùa Liên Trì và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xem "cái nào giải tỏa trắng dễ hơn."

Cuối cùng, Đinh La Thăng đã hạ lệnh cho "phá chùa". Chùa Liên Trì đã bị quân của ông Thăng ủi sạch chỉ trong một buổi sáng.

thuthiem2

Ông Lê Thanh Hải trao tặng Huy hiệu biểu dương của thành phố cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vạn Thịnh Phát - Ảnh minh họa

Rõ là tiền vẫn trên hết. Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm tọa lạc tại một vị trí sát sông Sài Gòn, nhìn thẳng sang khu trung tâm quận 1, quá đủ để khêu gợi con mắt thèm thuồng của những đại gia và quan chức "2 Đ" (đất và đô la), và hứa hẹn không biết bao nhiêu lợi lộc nếu ai đó "chiếm" được. Diện tích này lại lọt thỏm trong quy hoạch của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền luôn lấy cớ quy hoạch để giải tỏa đất tôn giáo.

Khi còn là bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải là nhân vật bị đồn đoán có mối liên đới không hề trừu tượng với dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Theo kế hoạch, khu vực này sau khi giải tỏa và xây dựng sẽ được bán đất cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước với giá cao hơn nhiều lần so với mức bồi thường đối với người dân bản địa.

Nhiều thông tin cho biết chính quyền quận 2 (đứng đằng sau là chính quyền thành phố mà người "đại diện" chính là Phó bí thư thường trực thành ủy Tất Thành Cang) cùng những tổ hợp nhóm lợi ích sẽ hưởng một nguồn lợi trực tiếp và khổng lồ từ việc giải tỏa Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Trước hành động đập phá cơ sở giáo dục của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào tháng Mười, 2015, có dư luận cho rằng một động cơ có thể là trước khi chính thức rời cương vị lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và sau đó không loại trừ khả năng sẽ "về vườn," cựu Bí thư Lê Thanh Hải muốn tỏ rõ một "trách nhiệm cuối cùng" để lấy về "đất sạch" cho các đối tác đầu tư của ông ta.

Nhưng do số phận chính trị của cựu Bí thư Hải đã trở nên chơi vơi sau đại hội 12, số phận của các dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng chơi vơi không kém.

Gần đây, xuất hiện những đồn đoán về việc "Trung ương đánh Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát". Nếu đúng với đồn đoán có vẻ có cơ sở này, "thế và lực" của ông Lê Thanh Hải đã gần như "chìm" hẳn, và số phận của ông ta lẫn Vạn Thịnh Phát sẽ được chung quyết nội trong năm 2018 này. 

Trong khi đó, không phải tất cả nhưng phần lớn dàn lãnh đạo mới của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, là những người chưa bị dư luận dị nghị nhiều về việc "dính" với các dự án Thủ Thiêm của giới quan chức. Không một ai muốn bị biến thành kẻ đổ vỏ cho người khác ăn ốc.

Ít nhất, chuyến thăm của Nguyễn Thiện Nhân tại Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào những ngày cận tết nguyên đán 2018 đã cho thấy cơ sở tôn giáo này tạm an toàn, tương lai của Lê Thanh Hải là rất bấp bênh, còn chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh dường như muốn chứng tỏ với Vatican rằng họ không còn quá "sắc máu" trong cơ chế áp chế Công giáo.

Phạm Chí Dũng

Nguồn : CaliToday, 13/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 855 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)