Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2018

Cuộc chiến chống tham nhũng và tương lai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Kính Hòa

Cuối năm 2017 vụ án Tổng công ty dầu khí Việt Nam đã gây sự chú ý lớn trong và ngoài nước, khi nhân vật từng đứng đầu tổng công ty này, ông Đinh La Thăng, từng là một trong 19 Ủy viên Bộ chính trị có quyền nhất nước, bị bỏ tù với mức án 13 năm.

chong0

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng, người có quyền lực chính trị nhất Việt Nam trong mấy mươi năm qua. Ảnh chụp tháng 6/2017.  AFP

Tuy nhiên không khí yên lặng lại bao trùm đầu năm 2018, khi không thấy báo chí của nhà nước nhắc nhiều đến các vụ án tham nhũng vẫn còn đang được xét xử, hoặc những quan tâm của dư luận về những bê bối có thể liên quan đến tham nhũng.

Cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ra sao, và tương lai quyền lực của ông như thế nào ?

Chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục hay không ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát chính trị nội bộ Việt Nam sống ở Sài Gòn cho rằng đây có thể chỉ là khoảng yên lặng trước một cơn bão, như trước đây trong hai tháng 10 và 11, năm 2017, người ta cũng đã từng không nhắc nhiều đến ông Đinh La Thăng để rồi sau đó ông bị kêu án tù giam vào cuối năm. Ngoài ra ông Dũng còn đưa ra lời nói của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng hiện nay, ông Trọng nói vào dịp trước Tết nguyên đán rằng trong trong lúc Tết thì không nên làm cho không khí nặng nề.

Ông Phạm Chí Dũng đưa ra một số vụ án có thể được đem ra xử trong thời gian ngắn sắp tới đây :

"Sẽ có những động thái liên quan đến những mặt trận khác, chẳng hạn như "Vũ nhôm", 12 đến 13 dự án trùm mền ngàn tỉ liên quan đến cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và cũng có thể liên quan đến vụ đất Kiên Giang liên quan đến bí thư ở đó là Nguyễn Thanh Nghị, con ông Nguyễn Tấn Dũng. Mà nói gì thì nói thì năm 2018 được đảng nói là sẽ đưa ra 21 vụ đại án để xử".

21 vụ đại án mà ông Phạm Chí Dũng đề cập đã được báo chí Việt Nam nhắc tới vào ngày 22/1/2018, khi ông Nguyễn Phú Trọng điều khiển cuộc họp của Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương. Trong 21 vụ án đó sẽ có vụ án ông Đinh La Thăng liên quan đến ngân hàng Đại Dương, được dự kiến đem ra xét xử vào ngày 19/3/2018.

Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng cho biết đã có những thông tin là nhiều nhân viên viện kiểm sát đã về hưu được huy động trở lại làm việc, vì sắp tới sẽ có một khối lượng lớn công việc liên quan đến điều tra.

Việc xét xử ông Đinh La Thăng, nhân vật cao cấp nhất của Đảng cộng sản bị công khai xử tù trong lịch sử của đảng này đã đem lại những nhận xét tích cực cho Việt Nam. Vào ngày 22/2/2018, tổ chức Minh bạch quốc tế có trụ sở tại Đức đã tăng hai điểm cho Việt Nam về tính minh bạch trong việc điều hành đất nước.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, làm việc tại Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam ở Đại học quốc gia Hà Nội, viết trên tạp chí chính trị Châu Á Diplomat thì bằng việc phát động chiến dịch chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng giành được sự ủng hộ lớn trong và ngoài đảng cộng sản, được xem như là một người liêm khiết, không tham nhũng.

Quyền lực của đương kim Tổng bí thư

Mặt khác, cũng theo ông Giang, ông Nguyễn Phú Trọng đã trở thành nhân vật chính trị nhiều quyền lực nhất trong lịch sử chính trị Việt Nam đương đại, nắm việc kiểm soát cả ba bộ phân có thực quyền nhất đất nước là Đảng cộng sản, công an, và quân đội.

Chia sẻ quan điểm này của ông Nguyễn Khắc Giang, ông Phạm Chí Dũng nói :

"Đang xuất hiện khuynh hướng là ca ngợi, tụng ca Nguyễn Phú Trọng, đưa lên thành một thần tượng chính trị, cho nên khả năng rất nhiều là không có khả năng Nguyễn Phú Trọng rời bỏ chức Tổng bí thư vào đại hội giữa nhiệm kỳ, nếu có cái đại hội đó. Và thậm chí cũng sẽ không có đại hội giữa nhiệm kỳ mà chỉ là những đại hội trung ương thôi. Ông Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là sẽ ngồi đến mãn nhiệm kỳ của khóa 12, nếu không muốn nói là cả khóa 13".

Sở dĩ ông Dũng nói như vậy là vì vào đầu năm 2016, lúc ấy ông Trọng đã 71 tuổi, được cho là vượt quá tuổi đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo đảng, cho nên đã có những lời đồn đãi là ông chỉ giữ phân nữa nhiệm kỳ tổng bí thư.

Ngay lúc này lại có thông tin là Đảng cộng sản Trung Quốc đang sửa hiến pháp để cho ông Tập Cận Bình có thể trở thành một nhà lãnh đạo suốt đời.

Vậy với tình hình hiện nay là ông Trọng là nhân vật duy nhất có quyền lực, và truyền thống lâu nay là Đảng cộng sản Việt Nam hay làm theo những mô hình của Đảng cộng sản Trung Quốc, liệu ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục cầm quyền sau năm 2021, và Việt Nam sẽ tiến tới mô hình Trung Quốc với quyền lực tập trung vào tay một người hay không ?

Ông Phạm Chí Dũng cho rằng còn sớm để có thể xảy ra điều đó :

"Chính trường Việt Nam khác Trung Quốc, là các mối tương quan quyền lực chưa ngã ngũ. Với quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay thì mặc dù đã về cơ bản nắm hết, nhưng đó là trên bề mặt thôi, còn chiều sâu thì ông cần ít nhất vài ba năm để gia cố để có thể giống như Tập Cận Bình bên Trung Quốc".

Ông Nguyễn Khắc Giang thì cho rằng Việt Nam đang dần chuyển sang chế độ một người cai trị như Trung Quốc, mặt dù theo truyền thống từ trước đến nay, sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam, với mô hình quyết định tập thể, có tính dân chủ tốt hơn Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tuy không loại trừ khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền sau năm 2021, nhà báo Phạm Chí Dũng đánh giá việc Việt Nam theo bước Trung Quốc một cách thận trọng :

"Cho tới nay thì ở Việt Nam chưa có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng sẽ theo chân Tập Cận Bình trong việc có nhiệm kỳ thứ ba Tổng bí thư. Chưa có dấu hiệu rõ ràng về chuyện này. Nhưng trước mắt đang có trào lưu và xu thế nhất thể hóa. Xu thế này sẽ không dừng lại ở cấp quận huyện mà sẽ đưa lên cấp tỉnh thành, chắc chắn sẽ lên cấp trung ương. Liệu nó sẽ xảy ra như kịch bản từng xảy ra ở Trung Quốc hay không ?".

Nhất thể hóa là nói về việc sát nhập bộ máy song trùng đảng – nhà nước trùng lắp lên nhau gây ra sự cồng kềnh và lãng phí.

Trả lời câu hỏi ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2021, ông Phạm Chí Dũng nói rất khó đoán định việc này vì hiện thời cái bóng quyền lực của ông Trọng là quá lớn, người ta thậm chí không nói đến ai sẽ là người kế nhiệm ông Trọng sắp tới đây, như người ta đã từng bàn đến ông Phạm Quang Nghị vào năm 2015, ông Đinh Thế Huynh và ông Trần Đại Quang trong năm 2017.

Một nhà nghiên cứu chính trị tại Việt Nam xin ẩn danh nói với chúng tôi rằng ông Nguyễn Phú Trọng không có khả năng ở lại nắm quyền sau năm 2021 vì đã lớn tuổi gây ra nhiều sự phản đối, và cũng theo nhà nghiên cứu này, người kế tiếp có khả năng cao nhất để giữ chức Tổng bí thư là ông Phạm Minh Chính, một đồng minh hiện nay của ông Trọng, từng làm việc ở ngành công an, và đã từng thí nghiệm thành công mô hình nhất thể hóa tại tỉnh Quảng Ninh, trước khi thăng tiến vào Bộ chính trị đảm nhận chức vụ Trưởng Ban tổ chức trung ương đảng.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 01/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)