Tập Cận Bình – Hoàng đế không ngai Trung Quốc
Ai sẽ là vua nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?
Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung quốc, kiêm chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã quốc hội "nghị gật" hôm thứ Bảy 17/3/2018 đồng lòng tái bổ nhiệm làm chủ tịch nước mà không có giới hạn nhiệm kỳ. Nói cách khác, Toàn bộ 2.970 thành viên tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã chuẩn thuận tái bổ nhiệm ông Tập làm chủ tịch của Trung Quốc. Trước đó, cơ quan lập pháp này đã sửa đổi hiến pháp, bãi bỏ hạn chế về hai nhiệm kỳ đối với chức chủ tịch nước, mở đường cho ông Tập có thể nắm quyền "trọn đời" như một hoàng đế không ngai của nước Tàu.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng Tập là hoàng đế không ngai, vì mặc dù dưới danh xưng của một chế độ xã hội chủ nghĩa là "Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", song vị thế và quyền uy của ông không khác mà còn to lớn hơn nhiều, so với một vị hoàng đế trong chế độ quân chủ chuyên chế xa xưa ở nước Tàu nói riêng, các nước ở thời chế độ quân chủ cực thịnh trên thế giới nói chung. Bởi vì kiểu chế độ chuyên chế hay độc tài toàn trị cộng sản là một tổng hợp tính chuyên chế rút ra từ kinh nghiệm thống trị của các chế độ quân chủ, phong kiến và phát xít. Do đó tính độc tài hơn hẳn các chế độ độc tài các kiểu trước đây về mức độ, cường độ, chất lượng, và phạm vi tác hại, di hại nghiêm trọng, toàn diện và lâu dài đối với nhân dân, dân tộc, xã hội và đất nước.
Thật vậy, ông Tập năm nay 64 tuổi, được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ ông Mao Trạch Đông, người khai sinh ra nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từng được xưng tụng là "lãnh tụ vĩ đại và tối cao" ; "Người cầm lái vĩ đại". Rồi đây Ông Tập rất có thể cũng sẽ được xưng tụng là "lãnh tụ vĩ đại" và thần thánh hóa như "lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch" với cuốn "Sách Đỏ" (Red Book) được tôn sùng như Thánh kinh, ghi những lời dạy của Mao Chủ Tịch mà đương thời nhân dân cả nước phải học tập và vận dụng giải quyết những khó khăn trong thực tế. Tỷ như có tài liệu đọc được, nói một công nhân trước một sự cố kỹ thuật, đã vận dụng tư tưởng Mao Chủ Tịch thì giải quyết được ngay. Một phụ nữ sinh nở khó khăn, vận dụng tư tưởng Mao Chủ Tịch là sinh đẻ được "mẹ tròn con vuông".
Tại sao trước biến chuyển trên, người ta tự hỏi "Tập Cận Bình, Hoàng Đế không ngai Trung Quốc - Ai sẽ là vua nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?". Bởi kinh nghiệm thực tế cho thấy điều gì xảy ra ở Trung Quốc trước, thì sau đó cũng thường xảy ra tại Việt Nam.
Chẳng hạn trên bình diện chính trị, kinh tế : Sau khi Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa Liên Xô sụp đổ, kéo theo sự tiêu vong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, chỉ con trơ lại năm nước cộng sản bơ vơ giữa ngã ba đường là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên và Cuba.
Trung Quốc, sau khi Mao nằm xuống, vội thích dụng bằng con đường "đổi mới" theo chủ trương của lãnh tụ thức thời Đặng Tiểu Bình "mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là mèo đó bắt được chuột". Thế là về mặt kinh tế, Trung Quốc vội "đổi mới", mở toang cửa làm ăn với Đế quốc Mỹ và các nước tư bản "đang giãy mà không chết" để thoát hiểm. Nhưng vẫn không đổi mới chính trị để duy trì chế độ độc tài toàn trị với vai trò độc tôn, độc quyền thống trị cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Một thời gian sau, người ta thấy tại Việt Nam sau 10 năm triệt để xây dựng chủ nghĩa xã hội thất bại thảm hại (1975-1985), vội theo gương Liên Xô (lúc đó chưa sụp đổ) nhất là Trung Quốc, Đảng cộng sản Việt Nam bắt chước làm "Đổi mới" để cứu nguy chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhưng sau 10 năm "Đổi mới" (1985-1995) đã thất bại, Đảng cộng sản Việt Nam vội bám cái phao "dỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao" của Hoa Kỳ để "mở cửa" đón cựu thù "Đế quốc Mỹ" và các nước tư bản vào Việt Nam làm ăn theo "kinh tế thị trường", nhưng lại thòng thêm cái đuôi "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" cho đỡ mất mặt với nhân dân. Nói chung Đảng cộng sản Việt Nam đã làm y chang những gì Trung Quốc đã làm về mặt kinh tế và chính trị.
Chẳng hạn, về mặt chống tham nhũng : Tại Trung Quốc, người đứng dầu đảng và nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng bằng kịch bản "đã hổ, diệt ruồi" để loại trừ các phe phái, tập trung quyền lực để đi đến vị thế như một Hoàng đế không ngai như hôm nay. Sau đó một thời gian, tại Việt Nam dưới thời trị vì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đích thân ông Trọng phát động mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, với diễn tiến các bước thực hiện theo đúng kịch bản "đả hổ, diệt ruồi" của Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dầu chiến dịch chống tham nhũng "đốt lò" của ông Tổng Trọng mới khởi sự quyết liệt trong thời gian gần đây, những đã tạo được thành tích bước đầu đưa được một số "hổ, beo, ruồi" vào "lò đốt" tham nhũng.
Tuy còn nhiều khó khăn và bất trắc, nhưng nhiều người cho rằng ông Trọng có thể thành công, không phải là diệt được hết tham nhũng (vì chỉ là diện và không thể), mà là sẽ diệt được các nhóm lợi ích khác (mới là điểm), tập trung được quyền lực trong tay để trở thành "Vua không ngai" nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; như Tập Cân Bình, Hoàng đế không ngai nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Vì sao ? Nếu ông Trọng không diệt hết các nhóm lợi ích khác (hình thái phong kiến mới, mỗi nhóm có một lãnh chúa) thì không thể trung ương tập quyền vào tay nhà vua Nguyễn Phú Trọng và quần thần ở triều đình Hà Nội (như chế độ quân chủ chuyên chế mạnh). Thời kỳ các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy cát cứ các địa phương như các lãnh chúa thời phong kiến đã qua rồi.
Vì thực tế có nhiều dấu hiệu cho thấy vua không ngai Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam và nhóm lợi ích của ông đã và đang tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Hoàng đế không ngai Trung Quốc Tập Cận Bình, của đảng và chính quyền Trung Quốc. Vì vậy, ông Tổng Trọng mới dám mạnh tay chẳng sợ ai, chẳng sợ gì ? Do đó người ta suy đoán là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dầu đã ở tuổi 74, nhưng sẽ không chỉ làm Tổng bí thư nửa nhiệm kỳ hiện nay như dự trù, hay hết nhiệm kỳ này mà sẽ là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước vô thời hạn, giống như Hoàng đế không ngai Trung Quốc Tập Cận Bình. Bởi vì, ông Trọng là người phát động và chủ động công cuộc chống tham nhũng mới bắt đầu, cần thêm nhiều thời gian để hoàn tất, nên ông Trọng là người bất khả thay thế. Trừ khi Ông Trọng bị chết bất đắc kỳ tử vì một nguyên nhân nào đó, bằng không sẽ không "đồng chí" nào, dù chí cốt cũng không làm thay ông được.
Tất nhiên để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thành đạt tham vọng làm vua không ngai, rồi đây Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ của Tổng bí thư. Quốc hội của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phải sửa đổi Hiến pháp để Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm Chủ tịch nước giống như Hoàng đế không ngai Tập Cận Bình của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Điều này không khó, vì "Luật là Đảng", "Đảng là luật". Một khi Đảng muốn là "Thiên triều" muốn. Nhân dân phải nghe, rõ chưa ?
Houston, ngày 20/03/2018
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 22/03/2018