Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/07/2018

“Nhân đạo xã hội chủ nghĩa” là gì ?

Trần Thành

Luật Thi hành án hình sự, Điều 4. Nguyên tắc thi hành án hình sự : “1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 2. Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. 3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa ; tôn trọng nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án”.

nhandao1

Tù nhân chính trị ở miền Bắc được giam ở miền Nam và ngược lại. Nguồn ảnh : nhttam

Nhân đạo kiểu xã hội chủ nghĩa (!?)

Trên giảng đường trường luật, sinh viên được giải thích mang tính lý thuyết như sau : Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa của luật hình sự Việt Nam thể hiện ở việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt không gây đau đớn về thể xác của người phạm tội.

Khi diễn giải mở rộng, các giảng viên sẽ bình luận theo hướng, “chủ nghĩa Mac-Lenin tuyên bố, yêu cầu thực hiện tính nhân đạo đối với con người : Tất cả vì con người, vì lợi ích của con người. Vì nhân đạo là phạm trù đạo đức thừa nhận và tôn trọng danh dự, nhân phẩm con người, nên Việt Nam chúng ta, một đất nước xã hội chủ nghĩa luôn lấy tính nhân đạo của chủ nghĩa Mac-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nòng cốt, đề cao vai trò của con người, trong đó người lao động được ưu tiên hơn cả. Thiết lập mối quan hệ thiện ý, nhân từ trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống xã hội. Đặc biệt hơn nữa là tính nhân đạo được đưa vào hệ thống pháp luật nói chung và trong bộ luật hình sự Việt Nam nói riêng” (1).

Cần phải hiểu thế nào là “nhân đạo xã hội chủ nghĩa” đối với “người chấp hành án” (một mỹ từ trong hệ thống văn bản thay cho “người ở tù”) trong thi hành án hình sự ?

Điều 4.1 “Nguyên tắc thi hành án” ghi : Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, “nhân đạo xã hội chủ nghĩa” cần được hiểu ra sao khi mục sư Nguyễn Trung Tôn án tù 12 năm, bản thân đang mang bệnh tật, gia đình ở Thanh Hóa với mẹ già hơn 90 tuổi mù loà, con gái mắc bệnh từ nhỏ, lại còn một con trai nhỏ, người vợ bệnh cột sống đang làm lụng nuôi con, nuôi mẹ, nuôi chồng tù ; thế mà, nhà cầm quyền nhẫn tâm chuyển mục sư Tôn vào tận Đắc Lắc để thi hành án.

Nhà báo Trương Minh Đức quê tận miệt Kiên Giang của đồng bằng sông Cửu Long, bị đày ra tận trại 6 Nghệ An. Còn luật gia Nguyễn Bắc Truyển, nhà ở quận 4, Sài Gòn thì phải thi hành án ở vùng núi thuộc tỉnh Quảng Nam, xứ miền Trung.

Đày ải người tù và cả thân nhân “người chấp hành án”

Tìm hiểu trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan thi hành án hình sự, người viết không tìm thấy một quy định nào về chuyện “người chấp hành án” nếu quê miền Nam thì phải ở tù tận ngoài Bắc, hay may mắn hơn là có thể vùng trung du xứ Quảng. Ngược lại, “người chấp hành án” là dân miền Bắc thì phải vào Tây nguyên, hay miền Nam để thi hành án.

Khí hậu vùng miền, khó khăn đi lại và tốn kém tiền bạc trong thăm nuôi hàng tháng của thân nhân là điều dễ thấy nhất trong thi hành án kiểu tù Nam ra Bắc, tù Bắc xuôi Nam này.

Có lẽ ngoài lý do muốn đày ải người tù thì không còn duyên cớ nào khác. Bởi ở đề án “tha tù trước thời hạn” của Bộ Công an có đoạn viết rằng (tóm tắt) : “Để thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước trong phòng chống tội phạm nói chung và xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật nói riêng, việc tha tù trước thời hạn tức là anh vẫn đang chấp hành án, nhưng không phải chấp hành án trong tù mà chấp hành án tại nơi cư trú.

Vấn đề ở đây là thay đổi hình thức chấp hành án. Khi không phải chấp hành án trong tù, phạm nhân về phải khai báo với chính quyền địa phương, phải chịu sự quản lý của địa phương, không được rời khỏi nơi cư trú hoặc muốn ra khỏi nơi cư trú phải xin phép, đồng thời phải có mặt khi chính quyền yêu cầu, phải viết bản kiểm điểm sau ba tháng và chịu sự giám sát, theo dõi của người được phân công”.

Theo dõi danh sách các nhà tù hiện có ở Việt Nam, người ta sẽ thấy rằng tỉnh, thành nào cũng có nhiều nhà tù. Ở thủ đô Hà Nội có trại giam Thanh Xuân, trại giam Suối Hai, trại tạm giam số 1, số 2 và số 3. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, có nhà tù Chí Hòa, trại B34, trại T30. Cần Thơ có trại Long Tuyền. Đà Nẵng có trại Hòa Sơn. Hải Phòng có trại Xuân Nguyên, trại Trần Phú. Ở An Giang có trại Định Thành. Bà Rịa - Vũng Tàu có trại Xuyên Mộc…

Nôm na, nếu thực sự có “nhân đạo xã hội chủ nghĩa”, thì “người chấp hành án” Nguyễn Bắc Truyển phải được thi hành án ở trại B34 hoặc T30 thuộc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trương Minh Đức có hộ khẩu và nhà cửa tại quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh nên ông có thể thi hành án ở các trại giam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tương tự, mục sư Nguyễn Trung Tôn có thể thi hành án tại một trong các nhà tù sau đây ở tỉnh Thanh Hóa : Trại số 5, trại Thanh Cẩm, trại Thanh Lâm, trại Thanh Phong.

“Người chấp hành án” với thân phận tù đày đã đành, song thân nhân người tù trong các trường hợp nói trên đã bị hành hạ bằng khoảng cách địa lý, thời gian, tiền bạc và sức khỏe cho mỗi bận ‘đi thăm nuôi’. Đó không thể gọi là “nhân đạo xã hội chủ nghĩa”.

Một vài con số

Nguyễn Bắc Truyển, bị giam tại trại An Điềm, Quảng Nam, cách nguyên quán Sài Gòn 833 km. Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, bị giam tại trại Gia Trung, tỉnh Gia Lai, cách nguyên quán Thanh Hóa 984 km. Trương Minh Đức, bị giam tại Trại 6 Nghệ An, cách Sài Gòn 1378 km.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị giam tại Trại 5 Thanh Hoá, cách Khánh Hòa 1197 km. Hoàng Bình, bị giam tại Trại An Điềm, Quảng Nam, cách Nghệ An 676 km. Trần Huỳnh Duy Thức, bị giam tại Trại 6 Nghệ An, cách Sài Gòn 1378 km. Nguyễn Đặng Minh Mẫn, bị giam tại Trại 5 Thanh Hóa, cách Trà Vinh 1636 km. Trần Thị Nga, bị giam tại Trại Gia Trung, Gia Lai, cách nguyên quán Hà Nam 1077 km.

Trần Thanh

Nguồn VNTB, 16/07/2018

  1. http ://bit.ly/2mdXmIu
Quay lại trang chủ
Read 954 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)