Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/07/2018

Từ không minh bạch đến cận cảnh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Phạm Chí Dũng

Lại ‘lấy mỡ nó rán nó !’

Tại kỳ họp Quốc Hội vào Tháng Năm, 2018, trong khi Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phát động chủ trương kèm phương án “huy động 500 tấn vàng trong dân,” thì bộ trưởng “Bộ Bóp Cổ” (một hỗn danh của Bộ Tài chính được dân gian đặt) – ông Đinh Tiến Dũng – cũng “kiến tạo” một giải pháp “lấy mỡ nó rán nó :” phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ 22 ngàn tỷ đồng với Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thay vì phải có trách nhiệm trả lãi và nợ bằng tiền mặt.

bhxh1

Công nhân ở Việt Nam khi thất nghiệp hay về hưu chỉ trông chờ vào “Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội». (Hình : Getty Images)

Trong bối cảnh ngân sách cạn kiệt, một nguy cơ đang lớn dần và có thể biến thành thảm họa là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có thể “nhìm trộm” vào Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bải hiểm y tế, như đã lăm le 500 tấn vàng cất giấu trong dân.

Không giống như con số 500 tấn vàng quá khó để cắp về, hai thứ quỹ Bảo hiểm xã hội và Bải hiểm y tế – những quỹ an sinh lấy từ gần 1/3 quỹ lương của hơn 75 triệu người – lại luôn chực chờ dưới bàn tay sẵn sàng tung hứng trò ảo thuật của nhà nước.

Dù tỉ lệ đóng Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam thuộc diện cao nhất thế giới – lên đến 32,5% mức tiền lương tháng, nhưng tuyệt đại đa số người đóng Bảo hiểm xã hội đến nay không được biết gì về việc quản lý và vận hành của nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội. Việc sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội để đầu tư cụ thể ra sao không ai biết được, lãi hay lỗ, hiệu quả hay không chỉ duy mình cơ quan Bảo hiểm xã hội biết.

Những tờ báo viết về công nhân như Người Lao Động và Lao Động đã phải kêu lên rằng điều này thật vô lý, đây là tiền của người dân đóng, họ có quyền được biết nó đang được sử dụng như thế nào, có an toàn hay không bởi nếu xảy ra rủi ro thì chính người dân nhận hậu quả chứ không phải những người đang quản lý nó.

Vào năm 2014, khi đã không còn “bảo mật” được nữa, Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam mới buộc lòng phải công bố bí mật có đến 24.000 tỷ đồng nằm trong diện “thất thoát” do việc đóng quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên và đủ để chi trả cho hơn 620.000 người già về hưu trong 1 năm.

Không công khai !

Cho tới nay, Quỹ Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam vẫn không công khai báo cáo tài chính hàng năm.

Hàng năm, chỉ có những con số chung nhất từ báo cáo của chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn tính đến hết năm 2016, nguồn thu của Bảo hiểm xã hội từ khoảng 24,5% lực lượng lao động. Số thu Bảo hiểm xã hội ước 174.422 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo kiểm toán, các hoạt động liên quan tới quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, phần lớn số tiền của quỹ này được cho nhà nước vay, thông qua việc cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu chính phủ… Cụ thể, tính đến hết năm 2015, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho vay hơn 435.000 tỷ đồng, trong đó, cho Ngân sách Nhà nước vay 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% dư nợ đầu tư, tăng 0,31% so với năm 2014. Tiếp đến là cho các ngân hàng vay hơn 59.000 tỷ đồng ; 45.500 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ ; 6.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án thủy điện Lai Châu vay…

Nhưng lại không một báo cáo nào của chính phủ và các cơ quan chức năng dám nói về sự thật cơ quan Bảo hiểm xã hội dùng tiền này đầu tư vào công ty Cho thuê Tài chính II, và đã mất trắng hơn 1.000 tỷ đồng !

‘Giấy lộn !’

Vào lúc này, khi nêu phương án phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ 22 ngàn tỷ đồng với Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thay vì phải có trách nhiệm trả lãi và nợ bằng tiền mặt, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng “trong dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016-2017 chưa bố trí để xử lý khoản nợ trên, với nguyên nhân hàng năm Quỹ Bảo hiểm xã hội đều có kết dư, nếu ngân sách chuyển 22.090 tỷ đồng vào thì quỹ cũng sử dụng để mua trái phiếu chính phủ».

Nhưng về thực chất, căn bệnh ung thư di căn của bội chi ngân sách đã khiến “Bộ Bóp Cổ” không những phải ra sức “bóp dân” mà còn phải dè sẻn từng khoản chi.

Đó cũng là bối cảnh mà chi ngân sách đã phải dùng đến hơn 70% cho mục chi thường xuyên – chủ yếu là chi lương cho đội ngũ công chức viên chức lên đến gần 3 triệu người, với ít nhất 30% trong số đó bị coi là “không làm gì cả những vẫn đều đều lãnh lương, và không những không giảm qua “tinh giản biên chế” mà còn phình to thêm đến 58.000 người.

Theo chiến thuật”Lấy mỡ nó rán nó” – một cách gọi của Thống Đốc Nguyễn Văn Bình và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tìm cách “huy động 500 tấn vàng trong dân” vào năm 2011, nếu vụ “phát hành trái phiếu 22.000 tỷ đồng” thành công, sẽ khiến ngân sách nuôi đảng và chính phủ được vay tiền thực của Quỹ Bảo hiểm xã hội, tức từ hàng triệu người đóng bảo hiểm này, nhưng đến khi trả lãi và nợ thì Bộ Tài Chính lại chỉ trả bằng… giấy.

Hoặc có thể gọi bằng từ “giấy lộn”.

Trong thực tế, “trái phiếu chính phủ” chỉ còn đôi chút giá trị ở trong nước, với điều kiện khi phát hành trái phiếu này, chính phủ phải “vừa ép vừa ấn” để các ngân hàng, doanh nghiệp và người đóng bảo hiểm xã hội phải nhận “giấy lộn”.

Với những gì đang diễn ra, nỗi lo của người đóng Bảo hiểm xã hội không chỉ là chuyện vỡ quỹ như cơ quan Bảo hiểm xã hội luôn dọa dẫm, mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu ?

Tình trạng hoạt động và bưng bít thông tin của Quỹ Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Quỹ Bảo hiểm xã hội nước này đã dùng tiền Bảo hiểm xã hội của người lao động để “chơi” chứng khoán. Trong đợt lao dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015 mà đã khiến không biết bao nhiêu người dân phải tự tử, Quỹ Bảo hiểm xã hội Trung Quốc đã bị thiệt hại rất lớn.

Vào năm 2015, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước của Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam lên đến 370.000 tỷ đồng. Nhưng ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản ?

Vỡ quỹ !

Nếu có một cuộc thanh tra hoặc điều tra Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chắc chắn rất nhiều lẩn khuất trong bóng tối và tệ tham nhũng sẽ bị lôi ra. Chắc chắn nhiều quan chức từ thấp lên cao của quỹ này sẽ phải ra tòa và đi tù.

Đòi hỏi minh bạch Quỹ Bảo hiểm xã hội là tất yếu. Đó cũng là một trong những điều kiện tiên quyết mà các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đòi hỏi, nếu chính thể việt nam còn muốn được “linh hoạt trở thành nền kinh tế thị tường” và do đó mới có thể vay mượn thêm ngoại tệ của nước ngoài nhằm bù đắp cho các lỗ hổng toang hoác của ngân sách cạn kiệt.

Nếu không cấp bách minh bạch và một khi hậu quả xấu xảy ra, sẽ rất nhiều người đóng bảo hiểm xã hội không nhận được đồng nào sau khi về hưu. Thậm chí cả nhiều cán bộ cách mạng lão thành một đời theo đảng cũng sẽ vô vọng khi bước chân vào văn phòng phát lương hưu trí…

Mọi chuyện đang biến diễn khá đồng điệu với thực trạng Liên Xô năm 1986, vào lúc quỹ bảo hiểm xã hội bị co hẹp. Chỉ bốn năm sau đó, cuộc chính biến do Gorbachev khởi xướng đã chính thức đánh dấu làn sóng bỏ đảng. Trong suốt giai đoạn hậu Gorbachev, 8 năm cầm quyền của Yelsin đã chỉ là nốc rượu vodka và duy trì sự trục lợi của các nhóm tài phiệt, trong khi giá trị lương hưu thực nhận của giới cựu chiến binh và người về hưu chỉ còn 1/2 – 1/3 giá trị mà họ nhận khi đồng rúp chưa bị trượt giá khủng khiếp. Và đó cũng là giai đoạn mà lớp người về hưu bỏ đảng ồ ạt khi niềm tin chính thể của họ bị tàn phá hầu như tuyệt đối.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến nhanh và không kém phần vững chắc về dĩ vãng của Liên Xô năm 1986. Vỡ quỹ lương hưu là một tương lai không hề “viển vông”. 

Phạm Chí Dũng

Nguồn Người Việt, 15/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)