Từ đầu năm đến nay, thế giới sôi nổi vì chiến tranh thương mại bùng nổ kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khai hỏa bằng cách tăng thuế quan trên một số hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang qua mùa hè. Không ít người Việt trong và ngoài nước hồ hỡi vì cuộc chiến này nhắm vào mục tiêu chính của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Một số người đi xa hơn nữa. Họ tin rằng Hoa Kỳ sẽ đánh xập Trung Quốc, xem Tổng thống Trump là vị cứu tinh của dân tộc Việt Nam. Sự thật xem ra không đơn giản như vậy.
Thuế nhập cảng được sử dụng trong nhiều trường hợp tranh chấp thương mại trong quá khứ, nhưng thông thường không đạt được mục tiêu hoạch định lúc đầu.
Thuế quan là gi ?
Thuế quan là tariff trong tiếng Anh. Thuế quan cũng có thể là thuế xuất cảng hay thuế nhập cảng. Tariff cũng có hai nghĩa : export duty hay import duty. Cho nên một số người không hiểu tariff là gì cho đến khi được biết đó chính là import sales tax hay là thuế nhập cảng.
Vâng, tariff chính là thuế đánh vào hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Đối với cuộc chiến thương mại hiện nay, Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất đối với Hoa Kỳ vì nhập siêu của Hoa Kỳ quá cao và kéo dài nhiều năm đối với Trung Quốc. Ai phải trả thuế này ? Xin thưa ngay, không phải là Trung Quốc, mà chính tất cả những người tiêu thụ dù theo Cộng Hòa, Dân Chủ hay độc lập, bất kể giầu nghèo. Thuế mua bán (sales tax), người bán thu thuế từ người mua giùm cho chinh phủ. Còn trong trường hợp thuế nhập cảng (import sales tax) chính phủ trực tiếp thu thuế qua một cơ quan Quan Thuế.
Ảnh hưởng của thuế quan
Mục đích của thuế nhập cảng là tăng giá hàng nhập cảng để làm cho hàng Mỹ hấp dẫn hơn. Tổng thống Trump muốn bảo vệ những công ty sản xuất tại Hoa Kỳ đang cạnh tranh khó khăn với hàng nhập cảng thường là vì chi phi sản xuất cao. Ông cũng muốn các công ty và người tiêu thụ Hoa Kỳ mua ít hàng Trung Quốc và dùng nhiều hàng sản xuất tại Mỹ và những quốc gia thân thiện hơn.
Thuế nhập cảng làm cho giá hàng nhập cảng tăng lên. Theo luật cung cầu, số hàng nhập cảng sẽ giảm, số hàng sản xuất trong nước sẽ tăng lên, nhưng người tiêu thụ sẽ mua ít hơn. Thí dụ một chiếc máy giặt của Hoa Kỳ trị giá 500 Mỹ kim trong khi một máy giặt của Nam Hàn trị giá 400 Mỹ kim. Trong trường hợp này các công ty Hoa Kỳ phải giảm chi phí và lợi nhuận hoặc tăng chất lượng để cạnh tranh. Với giá nhập cảng là 20% bắt đầu áp dụng vào tháng 1 vừa qua, máy giặt của Nam Hàn vào thị trường Mỹ sẽ là 480 Mỹ kim. Những công ty Hoa Kỳ sẽ sản xuất nhiều máy giặt hơn vì bán được giá cao hơn và không bị cạnh tranh mạnh như trước. Số máy giặt của Nam Hàn sẽ giảm vì người tiêu thụ mua ít hơn do giá tăng gần bằng hàng Mỹ.
Ai bị thiệt thòi trong trường hợp này : người tiêu thụ. Thay vì chỉ phải trả 400 Mỹ kim, nay người tiêu thụ phải trả thêm 80 Mỹ kim. Tiếp đến là những công ty sản xuất máy giặt như Samsung, LG vì hàng bán được ít hơn nhưng thiệt hại không bằng người tiêu thụ ở Mỹ. Ai hưởng lợi : Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ và những công ty sản xuất máy giặt Hoa Kỳ như Whirlpool, GE, Amana và Hotpoint. Tiền thuế nhập khẩu 80 Mỹ kim sẽ được bỏ vào ngân sách quốc gia. Như thế, một mặt Tổng thống Trump giảm thuế để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ để phát triển kinh tế, mặt khác lại thâu thuế nhập cảng từ dân Mỹ. Tổng thống Trump và Quốc Hội có toàn quyền xử dụng tiền thuế này.
Thí dụ về máy giặt trên đây không phải là một thí dụ tốt vì nó là một sản phẩm đã hoàn tất (finished goods). Thuế nhập cảng của Tổng thống Trump nhắm vào sản phẩm trung gian (intermediate goods) và bộ phận rời (parts). Những công ty nhỏ và trung bình ở Mỹ dùng sản phẩm trung gian và bộ phận rời để sản xuất sản phẩm hoàn tất. Thuế nhập cảng làm cho giá sản phẩm trung gian tăng. Các công ty sản xuất Hoa Kỳ có bốn lựa chọn chính : (1) Giảm những chi phí sản xuất khác ; (2) Tăng giá sản phẩm hoàn tất ; (3) Chấp nhận giảm lợi nhuận ; và (4) Thuyên chuyển công ty ra nước ngoài để tránh thuế nhập cảng.
Một số công ty Mỹ sản xuất đinh và máy cắt cỏ đang buộc phải sa thải một số công nhân. Kể từ khi thuế quan 25% do Tổng thống Trump áp đặt trên thép có hiệu quả, số thương vụ của công ty làm đinh Mid Continental Nail Corporation tại Poplar, Missouri với 500 nhân công đã giảm một nửa. Công ty đang phải sa thải người kể từ tháng 6 và có thể sẽ phải đóng cửa. Đó là giải pháp (1).
Giải pháp (2) sẽ làm cho lạm phát tăng và mức tiêu thụ giảm. Giải pháp (3) không thực tiễn. Giải pháp (4) phản lại mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế của ông Trump nhưng là lựa chọn của Harley-Davidson. Công ty này quyết định chuyển bộ phận sản xuất xe mô tô bán cho Âu Châu ra nước ngoài. Nếu không, giá bán sẽ tăng 2,200 Mỹ kim vì thuế nhập cảng của Âu châu.
Vào tháng 1 năm nay chính quyền Trump áp đặt thuế 30-50% trên solar panel và máy giặt. Hai tháng sau chính quyền Trump đã áp đặt thuế nhập cảng 10% trên nhôm và 25% trên thép. Đợt áp đặt thuế quan này xem ra để thi hành lời hứa của ông Trump lúc tranh cử.
Theo National Review, nếu Tổng thống Trump có thể cứu được tất cả khoảng 140.000 việc làm trong khu công nghệ thép, ông ấy sẽ gây rủi do cho 5 triệu việc làm trong những công nghệ xử dụng thép vì giá thép và nhôm của Hoa Kỳ cao hơn giá thế giới lần lượt 20% và khoảng 7-10%. Không biết bao nhiêu sản phẩm của Hoa Kỳ một phần làm bằng nhôm và thép, từ lon Coca Cola, xe Chevrolet đến Boeing 787. Những công ty sản xuất thép và nhôm của Hoa Kỳ sẽ hưởng lợi vì thuế nhập cảng và những công ty sử dụng thép và nhôm cùng với giới tiêu thụ sẽ bị thiệt thời. Nếu Hoa Kỳ bán được ít sản phẩm dùng nhôm và thép, cán cân thương mại của Hoa Kỳ thiếu hụt thêm chứ không giảm.
Lịch sử tranh chấp thuế quan
Thuế nhập cảng được sử dụng trong nhiều trường hợp tranh chấp thương mại trong quá khứ, nhưng thông thường không đạt được mục tiêu hoạch định lúc đầu.
Tổng thống Herbert Hoover (Cộng Hòa) cho áp dụng luật thuế quan Smoot-Hawley Tariff vào 1930 do Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Reed Smoot và Dân Biểu Cộng Hòa Willis C. Hawley bảo trợ. Đạo luật này tăng thuế trên hơn 20.000 hàng nhập cảng. Đạo luật này và thuế nhập cảng trả đũa của nhiều quốc gia khác làm giảm một nửa trị giá hàng xuất cảng và nhập cảng của Hoa Kỳ và góp phần đáng kể vào cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Thế Giới.
Tổng thống Lyndon B. Johnson (Dân Chủ) áp đặt thuế quan 25% trên xe tải (truck) nhỏ vào 1964 để phản ứng lại thuế quan của Pháp và Tây Đức áp đặt vào gà của Hoa Kỳ sau một thời gian thương thuyết kéo dài 1961-1964 không có kết quả. Do đó có từ "chicken war" và "chicken tax". Thứ thuế này hiện nay vẫn còn có hiệu lực. Giáo sư Robert Z. Lawrence của Đại Học Harvard cho rằng thuế gà đã làm hại kỹ nghệ xe hơi của Hoa Kỳ vì nó đã không bị cạnh tranh.
Tổng thống Richard Nixon (Cộng Hòa) đã cho thi hành một số biện pháp kinh tế tai hại của ông để chống lại lạm phát và cán cân chi phó thiếu hụt vào 1971. Một trong những biện pháp được áp dụng là tăng thuế nhập cảng 10% trên tất cả những hàng nhập cảng. ông Nixon giải thích "Tôi cho thi hành thêm một biện pháp để bảo vệ đồng dollar, để cải thiện cán cân chi phó, và để tạo thêm việc làm cho người Mỹ. Hôm nay tôi tạm áp đặt 10% thuế trên những hàng nhập cảng vào Mỹ… Hàng hóa của Mỹ sẽ không bị thiệt thòi vì hối suất ngoại tệ bất công". Tuy nhiên biện pháp này đã một phần làm cho nền kinh tế trì trệ vào suốt thập niên 1970.
Tổng thống Ronald Reagan (Cộng Hòa) vào 1984 dùng lý do chống phá giá (anti-dumping) để áp lực 18 nước sản xuất thép tình nguyệt giảm xuất khẩu thép vào Mỹ và dành một thị phần (market share) trong thị trường Mỹ cho những công ty Mỹ. Biện pháp này nhẹ hơn là áp đặt thuế nhập cảng hay hạn ngạch (quota). Chính sách của Tổng thống Reagan hoàn toàn thất bại. Vì hạn chế nhập cảng thép, nên số lượng thép không đủ cho nhu cầu, giá thép trong nước Mỹ tăng vọt, gây thiệt hại cho những công ty Mỹ cần dùng thép và làm mất 52,000 việc làm.
Tổng thống George W. Bush (Cộng Hòa) đã từng áp đặt thuế nhập cảng từ 8-30% trên thép vào đầu năm 2002 để cứu nguy kỹ nghệ thép của Hoa Kỳ. Đến cuối năm 2003 đã phải ngưng áp dụng vì làm mất việc làm và giảm tổng sản phẩm nội địa (GDP). Nếu kế hoạch của Tổng thống Bush đã thành công, 15 năm sau Tổng thống Trump đã không phải áp đặt thuế nhập cảng thép một lần nữa.
Vào giữa thập niên 1950, có trên 90 công ty Hoa Kỳ chế tạo máy truyền hình. Vào 1995 công ty làm máy truyền hình Hoa Kỳ cuối cùng Zenith bán cho đại công ty Nam Hàn LG Electronics. Những công ty Hoa Kỳ đã gập phải cạnh tranh gắt gao từ những công ty Âu Châu, một số được trợ cấp bởi chính phủ, và những công ty Á châu với chi phí sản xuất thấp. Ngoài ra, phần lớn những công ty Nhật lắp ráp máy truyền hình ngay trên đất Mỹ như Sony, Sharp, Matsushita và Toshiba. Những biện pháp bảo vệ công nghệ TV Hoa Kỳ đã thất bại khiến cho công nghệ này hoàn toàn biến mất ở Mỹ.
Thương chiến với Trung Quốc qua thuế quan
Đây là một trong những cuộc chiến thương mại to lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, liên hệ đến một số lượng hàng hóa trao đổi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trị giá 635 tỉ Mỹ kim.
Trong hai tháng vừa qua chính quyền Trump đã áp đặt 25% thuế nhập cảng quy mô hơn trên số hàng Trung Quốc trị giá 50 tỉ Mỹ Kim trong hai đợt khác nhau. Việc áp đặt 10% thuế nhập cảng trên một lượng hàng Trung Quốc trị giá 200 tỉ Mỹ kim đã được chấp thuận và dự trù được thi hành trong vài tuần lễ tới trước khi có bầu cử giữa nhiệm kỳ vào đầu tháng 11 sắp tới.
Theo Giáo sư Mark Wu của Đại Học Harvard, Trung Quốc đã chấp nhận một số nhượng bộ như mở rộng thêm khu vự dịch vụ, giảm bởi điều kiện đầu tư và mua thêm nông phẩm và sản phẩm năng lượng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hoa Kỳ còn e ngại về điều kiện chuyển giao kỹ thuật và chính sách công nghệ cao mà Trung Quốc cần cho kế hoạch Made In China 2025 Initiative để biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ cao.
Hiện nay Trung Quốc là nguồn nhập cảng lớn nhất đối với 23 tiểu bang Hoa Kỳ. Trung Quốc đã tăng thuế nhập cảng để chống lại nhiều sản phẩm của Hoa Kỳ để trả đũa. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc, nông dân là giới bị thiệt hại nhiều nhất. Nông dân là thành phần ủng hộ ông Trump trong cuộc tranh cử tổng thống vào 2016. Mặc dù Tổng thống Trump dành một ngân khoản 12 tỉ Mỹ kim để trợ giúp nông dân bị thiệt hại, nhưng nông dân vẫn tiếp tục gặp khó khăn. ông Han Jun, Phó Bộ Trưởng Canh Nông Trung Quốc, nhận xét rằng Trung Quốc có thể mua nông phẩm ở nhiều nơi khác một cách dễ dàng. Nông dân Hoa Kỳ có thể vĩnh viễn mất thị trường ở Trung Quốc. ông Han Jun nói tiếp rằng 12 tỉ Mỹ kim trợ cấp không đủ để bù đắp vào sự mất mát vì thuế nhập cảng.
Hoa Kỳ nhập siêu đáng kể đối với Trung Quốc.
Một ước tính của học giả Mercy Kuo, Chủ tịch của Washington State China Relations Council, cho thấy rằng Trung Quốc sẽ mất 200 tỉ Mỹ kim trị giá hàng xuất khẩu hàng năm, nhiều hãng xưởng sẽ bị phá sản, 4 triệu công nhân sẽ thất nghiệp và tình trạng xáo trộn lớn lao sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 năm. Hoa Kỳ sẽ mất 50 tỉ Mỹ kim trị giá xuất khẩu, 1/4 triệu công nhân sẽ mất việc và giá chính trị phải trả sẽ khắc nghiệt. Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng hồi phục hơn Trung Quốc vì kinh tế xây dựng trên cơ sở thị trường tự do, ít ra trong phạm vi nước Mỹ.
Nếu định nghĩa phe thiệt hại ít hơn sẽ là kẻ thắng cuộc thì đa số nghĩ đó là trường hợp của Hoa Kỳ. Sau khi cuộc chiến thương mại chấm dứt, mọi việc lắng dịu xuống Hoa Kỳ sẽ mạnh hơn về mặt kinh tế. Những nhà quan sát đang có mặt tại Trung Quốc nhận định rằng những chuyển động của thị trường cho thấy Trung Quốc đang lúng túng. Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ làm cho nỗi lo sợ ngày càng lớn hơn ở Trung Quốc. Một số viên chức chủ đạo của Trung Quốc e ngại rằng ban lãnh đạo đã có một tính toán sai lầm đáng kể.
Tuy nhiên cũng có những quan điểm bi quan. Cuộc chiến thương mại đang bùng nổ một cách không kiểm soát. Hậu quả là hệ thống buôn bán trên thế giới sẽ bị xáo trộn, lạm phát sẽ gia tăng như đã nói ở trên và kinh tế của Hoa Kỳ sẽ phát triển chậm lại. Bà Catharine Rampell, một bình luận gia của Washington Post, cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ có thể dùng những biện pháp cực đoan để trả thù Hoa Kỳ vì đã dồn Trung Quốc vào chân tường. Trước hết Trung Quốc có thể "kêu gọi" dân tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Hoa Kỳ. Điều này khá dễ dàng trong một nước độc tài. Những biện pháp kế tiếp gồm gia tăng điều kiện môi sinh và dùng luật chống độc quyền để gây khó khăn cho những công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc. Theo South China Morning Post, thương vụ của những nhà hàng với các món ăn nhanh như McDonald, Starbucks, KFC tại Trung Quốc bị giảm đôi chút vì tinh thần bài Mỹ gia tăng vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại.
Kể từ khi Hoa Kỳ bải bỏ cấm vận với Việt Nam, buôn bán giữa hai quôc gia đã tăng từ 223,4 triệu Mỹ kim vào 1994 lên đến 54,6 tỉ Mỹ kim vào 2017. Cán cân thương mại của Hoa Kỳ từ thặng dư 122,4 triệu Mỹ kim chuyển thành thiếu hụt 38,4 tỉ Mỹ kim trong vòng 23 năm. Mới đây, Việt Nam đã đặt mua võ khi của Hoa Kỳ trị giá 100 triệu Mỹ kim. Qua thương lượng, Hoa Kỳ có thể yêu cầu Việt Nam mua thêm võ khí nữa thay vì mua của Nga. Một cách tương tự Hoa Kỳ có thể thương lượng với Trung Quốc để giảm nhập siêu đã lên đến 375,6 tỉ Mỹ kim vào 2017
Phản ứng của giới chuyên môn và dân chúng
Một cuộc điều nghiên của Reuters cho thấy rằng 80% của 60 kinh tế gia tin rằng thuế nhập cảng áp đặt trên thép và nhôm sẽ có hại cho kinh tế của Hoa Kỳ. Những người còn lại cho rằng thuế nhập cảng có không có hoặc có rất ít ảnh hưởng.
Một số tổ chức chuyên môn ở Hoa Kỳ đã lên tiếng chống đối việc áp đặt thuế nhập cảng nói chung vì biện pháp có hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ và người tiêu thụ. Những tổ chức lớn tiếng là National Retail Federation và 45 hội đoàn thương mại.
AFL-CIO, một nghiệp đoàn lao động lớn nhất của Hoa Kỳ, là một trong những tổ chức ủng hộ chinh sách thuế nhập khẩu của ông Trump.
Vào tháng 3 năm nay, Quinnipiac University đã làm một cuộc thăm dò dư luận. Kết quả cho thấy là nếu thuế nhập cảng làm tăng giá sinh hoạt, đa số chống việc áp đặt thuế nhập cảng, chỉ có 29% dân Hoa Kỳ đồng ý.
Kết quả thăm dò dư luận của Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Hoa Kỳ (Center for American Political Studies) tại Đại Học Harvard và Harris Poll cho thấy rằng 43% cử tri cảm thấy rằng thuế nhập cảng làm mất việc làm, trong khi đó 38% cảm thấy rằng thuế nhập cảng bảo vệ việc làm.
ông Jimmie Musick, Chủ tịch của Hội Nông Dân Trồng Lúa Mì Quốc Gia (National Association of Wheat Growers) nói rằng kế hoạch trợ giúp của chính quyền chứng tỏ rằng chính quyền không nắm vững được những điều kiện khó khăn mà nông dân đang phải đối phó.
Kết luận
Trong 18 tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump đã áp dụng chính sách giảm thuế, bãi bỏ một số luật lệ gò bó đối với giới kinh doanh như ông đã hứa khi tranh cử. Kết quả là kinh tế tiếp tục phát triển ở mức độ 2,9% và tỉ lệ thất nghiệp từ 4,8% khi ông nhậm chức xuống còn 4% vào 26/07/2018.
Vào đầu năm nay, ông cho thi hành chính sách thương mại với biện pháp tăng thuế quan như ông cũng đã hứa khi tranh cử để làm hài long cử tri. Tuy nhiên thực tế cho thấy thuế quan cũng chỉ là thuế đánh vào người tiêu thụ. Chính sách thương mại này tạo ra sự bất ổn ngay trên nước Mỹ, làm nản chí những nhà đầu tư và giảm phát triển. Tổ chức Tax Foundation ước tính rằng 48,585 việc làm đã mất kể từ khi một số thuế quan được áp dụng. Đây mới chỉ là bắt đầu. Hoa Kỳ có thể mất thêm 277.825 việc làm do những thuế quan còn lại. Dự đoán này phù hợp với nhận định của học giả Mercy Kuo đã trình bầy ở trên. Ảnh hưởng của thuế quan có thể xóa đi những thành quả đạt được trong 18 tháng đầu của ông Trump.
Trung Quốc xem ra không nhượng bộ trước những đe dọa của ông Trump mặc dù không có nhiều chọn lựa. Điều này chứng tỏ Trung Quốc có thể đã nhìn thấy sách lược của ông Trump đang làm cả đôi bên thiệt hại rồi sẽ đi tới chỗ bế tắc như các đời tổng thống Cộng Hòa trước đây. Trung Quốc kiên nhẫn chờ đợi để chứng kiến giây phút đó. Cuộc chiến thương mại trở thành một đấu trường đo lường sức chịu đựng của đôi bên.
Hoa Kỳ xem ra tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ còn nhượng bộ thêm vì cuộc chiến thương mại sẽ cản trợ kế hoạch cải tổ kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc. Ngược lại Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ ngày càng chịu nhiều áp lực nội bộ, không chịu đựng được tổn phí chính trị và kinh tế cao nếu cuộc xung đột kéo dài. Nhiều phân tách gia tin tưởng rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ với thời gian sẽ tìm ra lối thoát, khi cả đôi bên cuối cùng cảm thấy được sự mất mát to lớn.
Chống việc ăn cắp tài sản trí tuệ, thao túng đồng Yuan để trục lợi trong việc buôn bán, dựng hàng rào cản sản phẩm của Hoa Kỳ, lạm dụng buôn bán và nhập siêu quá lớn với Trung Quốc là những điều hợp lý và cần thiết Hoa Kỳ phải làm. Tuy nhiên kinh nghiệm và thực tế cho thấy biện pháp thuế quan xem ra không hiệu quả và còn phản tác dụng. Gây gỗ với cả đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ lại càng không phải cách để thực hiện những mục tiêu kể trên. Vào cuối tháng 8, Hoa Kỳ đã đón tiếp đại diện của Âu Châu và Nhật đến Washington để hoạch định một sách lược chung để đối phó với Trung Quốc là một dấu hiệu tốt. Chúng ta hi vọng rằng chánh quyền Trump sớm tập trung mọi nỗ lực vào giải quyết vấn đề Trung Quốc và chỉ Trung Quốc mà thôi. Chu kỳ áp đặt thuế quan cần được chấm dứt qua thương lượng trước khi đưa Hoa Kỳ và thế giới vào tình trạng kinh tế trì trệ.
Ở thời điểm này, xem ra Tổng thống Trump muốn đánh thẳng vào hệ thống sản xuất và chế biến để xuất khẩu của Trung Quốc, một đế quốc mới của Đại đế Tập Cận Bình lăm le muốn làm bá chủ thế giới. Trung Quốc nghi ngờ rằng Tổng thống Trump muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, chứ không chỉ nhắm vào việc giảm nhập siêu. Hiện nay hai quốc gia vẫn còn đang vừa đánh vừa đàm. Giai đoạn kế tiếp có thể là đánh tới cùng như Tổng thống Trump đã dọa rằng ông sẽ có thể áp đặt thuế trên tất cả số hàng của Trung Quốc xuất cảng qua Mỹ trị giá 505 tỉ Mỹ kim. Chiến tranh thương mai chuyển sang chiến tranh chính trị. Trong trường hợp này, Tổng thống Trump, với hỗ trợ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, cần phải thích rõ cho dân Hoa Kỳ và đòi hỏi sự hi sinh và đoàn kết của mọi giới.
(23/09/2018)
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : VOA, 27/09/2018
Tham khảo :
* Bob Bryan", Trump’s Trade War with China is Intensifying – Here’s What Tariffs are and How They Could Affect You", August 23, 2018.
* Steve Forbes, "Import Sales Taxes – AKA Tariffs – Don’t Make Us Richer. They Harm us", Forbes, August 31, 2018.
* Clyde H. Farnsworth, "Reagan Seeks Cut in Steel Imports Through Accords", The New York Times, September 19, 1984.
* Alex Hendrie & Kip Eldeberg, "Trump’s Tariffs are Taxes on Americans", Examiner, July 20, 2018.
* Jeffrey Kucik, "How Trump’s Trade War Affects Working-Class Americans", The Conversation, August 3, 2018.
* Louise Moon, "McDonald’s, Starbucks could Take a hiet in China as Trade War fuel anti-US sentiment", South China Morning Post, August 27, 2018.
* Nguyễn Quốc Khải, "Kinh Tế Hoa Kỳ từ Thời Obama Đến Trump và Cuộc Chiến Thương Mại Với Trung Quốc", Dân Luận, 18-9-2018.
* Mark J. Perry, "Washinh Machine Tariffs Started Trump’s Trade War", AEI, July 11, 2018.
* Sheldon L. Richman, "The Reagan Record on Trade : Rhetoric vs. Reality", Cato Institute Policy, May 30, 1988.
* Larry Rudlow, "Tariffs are Taxes", National Review, March 3, 2018.
* Emily Stewart, "Can the U.S.-China Trade War Be Stopped ?" Vox Media, July 8, 2018.
* Alex Tabarrok, "Supply and Demand Effects of Tariffs", May 2016.
* Renu Zaetsky, "Tariffs, Trade, and Time : Making America Pay Again", Tax Policy Center, July 3, 2018.