Sau đám tang của Trần Đại Quang và sau khi ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ chính thức ngồi vào cái ghế chủ tịch nước do người vừa chết để lại, điều gì sẽ xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng vào năm 2015 và đã trở thành thủ tướng vào đầu năm 2016.
Một trong những cơ sở mang tính tham khảo cho khuynh hướng trên có thể đến từ bài ‘Nhất thể hóa’ ngày 30/09/2018 của blogger ‘lề đảng’ Huy Đức.
Bài viết trên, sau khi định hướng "Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam" và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người" mà được rất nhiều người cho rằng đó là một thủ pháp PR gián tiếp cho Nguyễn Phú Trọng, đã có một đoạn đáng chú ý :
"Trong khi đó, Thủ tướng chỉ nên là một nhà kỹ trị. Vai trò của Thủ tướng là thiết lập được một nền hành chính công chuyên nghiệp và đưa ra được các công cụ hành pháp kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội. Không nên làm Thủ tướng mất thời gian vào các cuộc họp bàn chuyện bắt bớ hay các buổi tiếp tân hình thức.
Tuy nhiên, nếu các chính sách của ông và nội các kinh tế có dấu hiệu phục vụ cho lợi ích nhóm thì ông và các thành viên mà ông chọn có thể phải đối diện với các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hay thậm chí bị bắt bớ. Vì, cơ quan điều tra có một vị trí độc lập hơn với nội các".
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm.
Với bài ‘Nhất thể hóa’, có thể cho rằng đây là lần đầu tiên Huy Đức công khai ‘dằn mặt’ thủ tướng, tuy không nói rõ ra cái tên Nguyễn Xuân Phúc, cũng như đã không nêu tên Nguyễn Phú Trọng trong bài viết này.
Đó là một dấu hiệu hơi đáng ngạc nhiên và mới mẻ.
Bởi sau đại hội 12, có tin cho biết Huy Đức không chỉ là ‘người của Trọng’ mà còn ‘đầu quân’ cho một phe cánh chính trị và lợi ích mới là Trương Hòa Bình (được cho phía sau là Trương Tấn Sang) và có thể cả Nguyễn Xuân Phúc.
Cho đến nay, điều chắc chắn hơn cả là blogger Huy Đức vẫn kiên trì giữ vai trò thầm lặng ‘người của Trọng’, từ sau bài ‘Bộ Tứ’ ngay trước đại hội 12 năm 2015 để định hướng dư luận ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, cho tới bài ‘Nhất thể hóa’ gián tiếp đề cập Trọng và tiếp tục định hướng dư luận ủng hộ Trọng làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư.
Nhưng nếu nội dung đề cập của Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ về thủ tướng (Nguyễn Xuân Phúc) là mang chủ ý rõ rệt, đây là lần đầu tiên ‘cây bút tín hiệu’ này tiết lộ về một khoảng cách đang lớn dần, thậm chí có thể biến thành một cái hố phân cách giữa hai nhân vật trong ‘Tam trụ’ : Trọng và Phúc.
Lối viết răn đe của Huy Đức dành cho thủ tướng (Phúc) trong bài ‘Nhất thể hóa’ là không thể lầm lẫn. Hẳn đã phải xảy ra một số mâu thuẫn đủ trầm trọng nào đó trong thời gian qua, có thể từ giữa năm 2017 đến nay giữa Trọng và Phúc mà sẽ khiến tương lai của mối quan hệ này, sau khi Nguyễn Phú Trọng chính thức trở thành chủ tịch nước, sẽ khó bề êm dịu như giai đoạn từ năm 2015 - khi xuất hiện hiện tượng Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc âm thầm ‘đầu quân’ cho phe Trọng, cho đến giữa năm 2017 là khoảng thời gian mà vẫn còn những biểu hiện cho thấy ‘cơm tương đối lành tương đối canh ngọt’ giữa hai quan chức này.
Từ giữa năm 2017 và trùng với thời điểm Trần Đại Quang bất thần bị ‘bệnh lạ’ mà đã ‘biến mất’ lần đầu tiên trong gần hết tháng Tám năm đó, người ta nhận ra Thủ tướng Phúc đã bắt đầu chiến dịch vận động cho chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021. Ngoài thành tích ‘GDP tăng trưởng vượt bậc’, ông Phúc đi nhiều địa phương và nơi nào cũng được ông ta xem là ‘đầu tàu’, cùng những từ ngữ đầy hoa mỹ mà đã khiến giới lãnh đạo những địa phương này ‘tự sướng’ đến mức có thể sẵn lòng bỏ phiếu cho ông Phúc trong một hội nghị trung ương ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 13’ và kể cả tại đại hội 13…
Cùng lúc, nhiều dư luận bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ‘nhóm sân sau’ của Thủ tướng Phúc - một câu chuyện rất tương đồng với các nhóm lợi ích sân sau của Nguyễn Tấn Dũng trong 9 năm trời ông ta làm thủ tướng. Tuy chưa đến mức thao túng chính phủ và ‘đớp hốt’ ghê gớm như các nhóm sân sau của Nguyễn Tấn Dũng, những nhóm kinh tài được cho là sân sau của Thủ tướng Phúc lại được cho là ‘rất nhiều triển vọng’ để trở thành nhóm lợi ích có sức ảnh hưởng lớn nhất đến chính phủ và cả đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai không xa.
Vượt trên các ứng cử viên khác, Thủ tướng Phúc là người bộc lộ tham vọng chính trị rõ hơn hết trong vài năm qua.
Trong khi đó, khác hẳn với vẻ xởi lởi có vẻ dễ chịu khi còn làm chủ tịch quốc hội, Nguyễn Phú Trọng ngày càng giống với một lãnh đạo quyền biến và không hề ‘lú’. Tính cách gia trưởng, khe khắt, ‘làm nhân sự’ đến khó tin và đa nghi đang là những đặc tính nổi trội của ông Trọng để khiến ông ta chẳng ưa gì thói tráo trở chính trị và những kẻ mượn danh nghĩa ‘đốt lò’ của ông ta để trục lợi cá nhân.
Vào tháng Tám năm 2018, hiện tượng đơn thư tố cáo nội bộ lại xuất hiện trên mạng xã hội. Một lần nữa sau hai lần nửa cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại được những tác giả vừa khuyết danh vừa nặc danh nhắc tới với vụ việc cũ ‘Sai phạm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây thất thu thuế hàng nghìn tỉ ở dự án Ciputra như thế nào ?’, nhưng tô điểm thêm bằng một vụ việc có vẻ mới hơn : ‘Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp tập đoàn Vinaconex cướp hàng nghìn tỉ đồng như thế nào ?’, với một số đánh giá chưa rõ cơ sở. Có dư luận cho rằng chính thủ tướng Phúc đã ‘ra tay’ trong vụ tố cáo nặc danh này, tuy chưa có cơ sở nào để kiểm chứng về tính đúng sai của nội dung thư tố cáo lẫn đối với luồng dư luận đó.
Ở một động thái trái ngược, cú khai hỏa mới nhất và độc đáo nhất được mạng xã hội đề cập là một bức thư của một người được cho là nhà giáo Nguyễn Cảnh Bình từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tố cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là chuyện ông Phúc để cho một số cấp dưới, đại gia và người thân trong gia đình ông Phúc thao túng chính trường và trục lợi cá nhân, đồng thời đang tổ chức một chiến dịch vừa chạy đua vừa tranh giành chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, với ‘liên danh’ Nguyễn Xuân Phúc - Trương Hòa Bình - Nguyễn Văn Bình để đối chọi với một ‘trục’ khác là Trần Quốc Vượng - Vương Đình Huệ…
Cho tới nay người ta vẫn chưa thấy ông Nguyễn Cảnh Bình lên tiếng phản bác về bức thư trên hay tố cáo kẻ nào đó đã mạo danh ông. Sự im lặng như thể công nhận ấy càng khiến dư luận tin rằng bức thư trên, tuy chưa biết những nội dung của nó đáng tin cậy đến đâu, nhưng có vẻ xuất phát từ ‘người thực việc thực’.
Sau đó, động thái ‘Quang chết’ - Trọng thế’ thình lình xảy ra vào hai tháng Chín và Mười năm 2018 có thể khiến một số ứng cử viên cho chức tổng bí thư, trong đó có Nguyễn Xuân Phúc, rơi vào tình trạng ‘đụng trần’, bị triệt tiêu động lực chạy đua làm tổng bí thư tại đại hội 13.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019 : không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Chính vào lúc này, trong dân gian đương đại đang dậy lên một lời sấm được cho là tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm 500 năm về trước "Bỉnh chúc vô minh, quang tự diệt ; trọng ngân bạc phúc, sản tất vong", như một cái gì đó đang ứng nghiệm với thời nay, dù có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Vế đầu tiên của lời sấm trên, thật kinh khủng, đã ứng nghiệm vào năm 2018. Còn vế sau thì thế nào ?
‘Trọng bạc Phúc’ chăng ?
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 08/10/2018