Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2018

Chiến lược bao vây Trung Quốc

Phạm Phú Khải

Tham vọng bá quyền của Trung Quốc ngày càng rõ ràng. Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình từ năm 2012, Trung Quốc không còn dấu tham vọng này như Đặng Tiểu Bình đã chủ trương một thời. Tập Cận Bình cũng không dấu tham vọng làm lãnh tụ không giới hạn nhiệm kỳ để đạt được các mục tiêu chiến lược trong cuộc chạy đua với Hoa Kỳ trong ba thập niên tới.

baovay0

"Thật là dễ để thắng cuộc đua nếu bạn là người duy nhất biết rằng cuộc đua đã bắt đầu".

Tiến sĩ Michael Pillsbury, người đã hơn bốn thập niên qua nghiên cứu kỹ lưỡng các chiến lược, chiến thuật của giới diều hâu Trung Quốc trong tác phẩm "Một trăm năm chạy đua", ví von rằng "thật là dễ để thắng cuộc đua nếu bạn là người duy nhất biết rằng cuộc đua đã bắt đầu". Tiến sĩ Pillsbury tin rằng Hoa Kỳ có thể uyển chuyển áp dụng vài khái niệm của thời Chiến Quốc để đánh bại Trung Quốc trong trò chơi của chính họ. Kiểu "Gậy ông đập lưng ông !". Pillsbury trình bày đề nghị này trong 12 bước sau đây.

Bước 1, là nhận diện vấn đề, nghĩa là nhu cầu phân biệt bề ngoài với hiện thực, chứ không nhầm lẫn sự tuyên truyền của họ. Nhận diện để nhìn ra được những trí trá của Trung Cộng qua các thông điệp họ muốn gửi, khác xa với những gì họ đã và đang làm trong thực tế.

Bước 2, là lưu trữ hồ sơ tất cả các món quà của mình cho Trung quốc. Mỗi năm, từ hơn bốn thập niên qua, bao nhiêu tiền thuế của dân Mỹ đã được dùng để ủng hộ cho đối thủ Trung Quốc, nhưng các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ không nắm rõ bao nhiêu tiền đã chi cho chỗ nào, và như thế không thể sử dụng như thế đòn bẫy và hiệu quả được.

Bước 3, là đo lường tính cạnh tranh. Nhiều câu chuyện trong thời Chiến Quốc bao gồm việc kỹ càng đo lường sự cân bằng quyền lực trước khi chiến lược được chọn. Đó cũng là nguyên tắc trong kinh doanh Mỹ là "Những gì được đo lường sẽ tiến bộ" (What you measure improves). Bài học rút ra rất sâu sắc : Bạn không thể cải tiến trừ phi bạn biết bạn cần cải tiến những gì.

Bước 4, hoạch định một chiến lược cạnh tranh. Cần phải cởi mở phóng khoáng để nhận định và hành động khi thấy chiến lược của mình cần thay đổi, và sử dụng các chiến thuật mới để đạt được kết quả mong muốn. Rất nhiều các cơ quan nghiên cứu khác nhau tại Hoa Kỳ đã đưa ra sáng kiến rất hay để gia tăng khả năng cạnh tranh và ưu thế vượt trội của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc trong thời gian tới.

Bước 5, tìm nền tảng chung trên đất nước Hoa Kỳ. Có nhiều xu hướng tuy có cùng mục đích vận động cải cách chính sách Hoa Kỳ đối với Trung Quốc nhưng họ thuộc nhiều phái khác nhau mà không nhất thiết coi nhau như đồng minh. Nhu cầu cấp bách là sự phối hợp giữa nhiều xu hướng này để thay đổi Trung Quốc.

Bước 6, là xây dựng liên minh Hoa Kỳ theo hàng dọc. Dù có biết chơi cờ vây hay không, chúng ta cũng hiểu được khi bị bao vây bởi một nhóm thù địch thì nó rất nguy hiểm. Mối lo tự nhiên của Trung Quốc là các quốc gia láng giềng của nó sẽ liên minh với nhau. Hoa Kỳ tuy mới biết trò chơi này như trước đây Hoa Kỳ đã bao vây và kiềm chế Liên Sô khá hiệu quả trong thời Chiến tranh Lạnh. Hoa Kỳ nên khuyến khích các quốc gia Mông Cổ, Nam Hàn, Nhật và Phi làm như thế.

Bước 7, là bảo vệ các nhà đối kháng chính trị tại Trung Quốc hiện nay. Ngoài các quốc gia đang là nạn nhân của Trung Quốc, các tổ chức xã hội dân sự, kể cả tôn giáo, đều muốn thay đổi Trung Quốc và họ rất cần liên minh nhau. Trung Quốc càng gia tăng đàn áp thì càng gia tăng sự đối kháng. Bởi vì những người như Václav Havel, Lech Walesa và Aleksandr Solzhenitsyn tại Đông Âu và Nga đã tác động mạnh mẽ lên tâm thức chung của dân tộc họ khi họ từ chối đầu hàng các chính sách kiểm duyệt thông tin, tuyên truyền, đàn áp tôn giáo, và nô lệ kinh tế.

Bước 8, là cứng rắn với các hành xử cạnh tranh bài Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện nay là nước chiếm hơn 90 phần trăm tổng cộng các hành động gián điệp trên mạng, đột nhập các cơ quan thương mại và chính phủ của Hoa Kỳ, ăn cắp các kỹ thuật mà nó không sáng chế được và ăn cắp sở hữu trí tuệ, làm Hoa Kỳ mất đến 300 tỷ Mỹ kim hàng năm. Hoa Kỳ cần nỗ lực bảo vệ các tài sản công nghệ của mình nếu muốn cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc.

Bước 9, là nhận diện và chỉ mặt những kẻ phá hoại môi trường. Nếu Hoa Kỳ kiềm chế các cơ sở thương mại của mình để bảo vệ môi trường trong khi Trung Quốc đi xuất cảng các hàng hoá của nó và các chất gây ô nhiễm ở tốc độ khủng khiếp thì Hoa Kỳ không thể cạnh tranh lại được.

Bước 10, là phơi bày tham nhũng và kiểm duyệt của Trung Quốc. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của chính quyền Trung Quốc là tự do truyền thông. Họ rất lo sợ nếu người dân biết về tham nhũng, tàn bạo và cả một lịch sử dối trá về Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ khác. Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho Wikipedia, Yahoo !, Facebook và những cơ quan truyền thông khác để họ không bị ăn hiếp bởi chính quyền Trung Quốc như đã bị trong thời gian qua.

Bước 11, là ủng hộ các nhà cải cách dân chủ tại Trung Quốc. Giới diều hâu Trung Quốc rất quan ngại lãnh đạo nhân dân của họ bị ảnh hưởng của lãnh đạo Tây phương về đa đảng và phát triển đến dân chủ trong khi Hoa Kỳ lại không có chính sách hay kế hoạch cụ thể nào để nhận diện và ủng hộ những thành phần cởi mở hơn tại Trung Quốc.

Bước 12, là theo dõi và ảnh hưởng các cuộc tranh luận giữa giới diều hâu và phe cải cách của Trung Quốc. Trong thời Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã đầu tư thời gian, kỹ nghệ và nhân sự vào hoạt động của các thành viên của Bộ Chính Trị Liên Sô, nhưng lại không có chính sách tương tự đối với Trung Quốc. Nếu tình báo Hoa Kỳ hiểu về Trung Quốc hơn vào thời điểm biến cố Thiên An Môn và thúc dục tổng thống George H Bush ủng hộ phe cải cách lúc đó thì lịch sử có lẽ đã khác nhiều.

Cách đây gần hai tháng, trong bài "Trật tự thế giới : Phiên bản nào ?", tôi đã tóm tắc 12 điểm trên và đặt câu hỏi liệu các chính quyền Hoa Kỳ hiện nay hay tương lai có tán thành và thực hiện bao nhiêu đề nghị này ! Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9 và của Phó Tổng thống Mike Pence tại Viện Nghiên cứu Hudson đầu tháng 10 đã trả lời phần nào câu hỏi tôi đưa ra. Ông Trump và ông Pence chắc đã đọc kỹ tác phẩm của Tiến sĩ Pillsbury và đã cùng với các chiến lược gia khác hoạch định chiến lược và kế hoạch đối phó với Trung Quốc trong hai năm qua. Họ đã và đang thực hiện bước 1 đến bước 4. Bắt đầu bằng áp chế thuế quan trong các tháng qua lên 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông Trump đe dọa sẽ tăng lên đến 500 tỷ đô la hàng hóa. Ông Trump tuyên bốrằng "Trung Quốc đã lấy mất 500 tỷ đô la mỗi năm từ đất nước chúng ta (Hoa Kỳ), và điều này cần chấm dứt". Ban tham mưu của ông bao gồm giáo sư Peter Navarro (tác giả Chết bởi Trung Quốc) và các chiến lược gia tinh vi trong Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh Quốc gia chắc chắn đã tính từng nước cờ và tính trước nhiều bước trước khi thi hành sách lược. Tùy theo nước cờ kế tiếp của Trung Quốc mà chính quyền Trump sẽ cân nhắc để phản ứng thích hợp và mưu lược nhất. Mỗi nước cờ là sự tính toán theo tinh thần uyển chuyển nhất có thể.

Ngoài ra, chính quyền Trump cũng cùng lúc nỗ lực thực hiện bước 6 "xây dựng liên minh Hoa Kỳ theo hàng dọc" và bước 8 "cứng rắn với các hành xử cạnh tranh bài Hoa Kỳ". Bài phát biểu của ông Trump và ông Pence đều mạnh mẽ lên án Trung Quốc và yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn hành động ăn cắp sở hữu trí tuệ và các hành động bắt buộc chuyển giao công nghệ. Cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Sài Gòn, Việt Nam và Singapore vào tuần này hay tuyên bố mạnh mẽ của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton vào cuối tuần qua rằng "hành vi của Bắc Kinh trong các lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự, chính trị cần phải được chỉnh đốn", đều nằm trong chiến lược xây dựng thế liên minh lớn của Hoa Kỳ hiện nay. Đây là thế cờ vây mà Hoa Kỳ đã áp dụng rất thành công trước đây, kể cả thời Chiến tranh Lạnh.

Nếu muốn Bắc Kinh dịch chuyển mục tiêu chiến lược của họ, nhất là mục tiêu trở thành bá chủ bằng mọi giá, điều mà làm chiến tranh khó thể tránh khỏi, chính quyền Hoa Kỳ hiện nay và tương lai cần đầu tư rất nhiều vào các bước 7, 11 và 12 cũng như bước 10, tự do thông tin. Nhưng đây là các nước cờ tương lai. Cuộc chiến này sẽ còn rất dài và các ưu tiên chiến lược cần phải được cân nhấc kỹ lưỡng để tạo tối đa bất ngờ hay hụt hẫng đối với lãnh đạo Bắc Kinh trong thời gian tới.

Một trong những nguyên do chính mà từ trước đến nay, tuy vẫn biết rất rõ các mưu xảo của lãnh đạo Bắc Kinh qua giới tình báo chuyên nghiệp của mình, nhưng vẫn chưa điểm mặt chỉ tên Trung Quốc, là vì lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ vẫn hy vọng rằng trước sau gì Trung Quốc cũng phải cải tổ chính trị, trước sau gì Trung Quốc cũng phải dân chủ hoá mà thôi. Niềm tin đó, dù là ảo tưởng vì những gì xảy ra trên thực tế hoàn toàn bác bỏ luận điểm này, lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn chưa muốn sử dụng biện pháp cứng rắn để đẩy Trung Quốc thành thù nghịch. Quan niệm nên duy trì mối quan hệ với Trung Quốc này là từ Richard Nixon và Henry Kisinger, người đã chủ trương bắt tay với Trung Quốc năm 1971, đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên George H Bush lúc biến cố Thiên An Môn xảy ra, nên Hoa Kỳ lúc đó không ngờ và không hành động gì cả. Tóm lại, lãnh đạo Hoa Kỳ vẫn chủ trương dù có mất mát một chút vẫn không sao, duy trì quan hệ với Trung Quốc là có lợi về lâu dài, còn áp lực mạnh mẽ quá sẽ biến Trung Quốc thành thù nghịch, sẽ mất đi những ảnh hưởng đã đầu tư bấy lâu nay.

Tiến sĩ Pillsbury phân tích chi tiết vấn đề này trong tác phẩm của ông. Tôi sẽ trình bày đề tài này trong bài tới.

Úc Châu, 17/10/2018

Phạm Phú Khải

Nguồn : VOA, 17/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 1073 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)