Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình giờ đây là giành được lòng tin của người dân Trung Quốc, theo một nhà báo của BBC Thế giới vụ.

tap1

Áp phích hình Chủ tịch Tập Cận Bình trên một đường phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trả lời Bàn tròn Thứ Năm hôm 22/3/2018, nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu) nói ông Tập muốn nhấn mạnh với người dân Trung Quốc họ phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng nếu họ muốn Trung Quốc tiến lên.

Bà cũng mô tả về những thay đổi lớn trong cơ cấu các bộ ngành và hai mục tiêu lớn mà ông Tập và lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra vào năm 2021 và 2049.

"Ngoài việc sửa đổi hiến pháp để xóa giới hạn hai nhiệm kỳ cho chức chủ tịch nước, rất nhiều bộ ngành và các cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc được tái cấu trúc," nhà báo Ngô Ngọc Văn bình luận.

"Giờ đây khi ông Tập đã đảm bảo có được quyền lãnh đạo thêm nhiều năm nữa, mối quan tâm lớn của ông là làm cho Đảng và người dân Trung Quốc tin tưởng rằng Đảng cộng sản là lực lượng phù hợp để dẫn dắt đất nước vào giai đoạn tiếp theo của công cuộc xã hội chủ nghĩa và hiện đại hóa.

"Ưu tiên của ông Tập sẽ là muốn hàng ngũ lãnh đạo cao cấp và đảng viên nhấn mạnh với người dân rằng nếu các bạn muốn Trung Quốc tiến lên, các bạn phải tin tưởng chúng tôi, tin tưởng sự lãnh đạo và Đảng của chúng tôi".

tap2

Lễ bế mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm 20/3

Bà Ngô Ngọc Văn cũng mô tả hai mục tiêu quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo đảng CS Trung Quốc đề ra.

Thứ nhất, vào năm 2021, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sảnTrung Quốc, Trung Quốc sẽ là quốc gia thịnh vượng với hầu hết người dân có được một mức sống cao.

Thứ hai, vào năm 2049, dịp kỷ niệm 100 năm ra đời Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa - tự tin, hòa hợp và có người dân hạnh phúc.

"Đây là hai mục tiêu đầy tham vọng và nhiều thách thức. Những mục tiêu này phản ánh những gì mà ông Tập Cận Bình đã nói - giấc mơ Trung hoa và sự hồi sinh của dân tộc Trung Quốc.

Ông muốn người dân Trung Quốc phấn đấu theo các mục tiêu này và muốn họ tin rằng chỉ có Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của ông mới có thể đi tiếp theo hướng đó".

Nhà báo Ngô Ngọc Văn cho rằng ông Tập tự tin ông đã thu hút được sự hậu thuẫn đồng thuận bên trong Đảng và quốc hội, và ông tự tin thực hành quyền lực của mình và dẫn dắt Đảng Cộng sản để đạt được hai mục tiêu nói trên.

tap3

Đài truyền hình trung ương CCTV sẽ sáp nhập thành cơ quan mới

Bình luận về ý nghĩa và của quyết địnhthành lập siêu ủy ban chống tham nhũng và siêu cơ quan tuyên truyền của ông Tập Cận Bình, bà Ngô Ngọc Văn cho rằng những thay đổi này là phương tiện giúp ông Tập đạt được mục tiêu chiến lược.

"Những thay đổi về cơ cấu và trách nhiệm ở các bộ ngành là ngoài sức tưởng tượng. Nhiều bộ sáp nhập thành những bộ lớn hơn," bà nói.

"Có một số bộ mới được ra đời. Chẳng hạn, có thể là học tập từ phương Tây, Trung Quốc sẽ có một bộ phụ trách về phát triển và viện trợ quốc tế. "

"Hôm qua chúng tôi được tin họ sẽ sáp nhập CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc và Phát thanh quốc gia Trung Quốc thành một siêu cơ quan truyền thông mới, Voice of China (Tiếng nói Trung Quốc). "

"Từ nay người dân ở trong nước và nước ngoài sẽ nghe thông tin tuyên truyền chính thức của Trung Quốc qua Tiếng nói Trung Quốc. Điều này gửi ra một dấu hiệu rất mạnh. Tất cả các cơ quan truyền thông giờ đây sẽ phục vụ một mục đích là cho người dân Trung Quốc và cả thế giới biết về tham vọng của ông Tập Cận Bình, về giấc mơ Trung Hoa".

Tất cả những thay đổi như vậy sẽ giúp ông Tập thực hiện chiến lược to lớn của mình, nếu không sẽ chỉ có mục tiêu mà không có phương tiện".

tap4

Nhà báo Ngô Ngọc Văn (Yuwen Wu, trái) của BBC World Service trao đổi tại chương trình Bàn tròn thứ Năm hôm 22/3/2018

Kinh nghiệm cho Việt Nam ?

Khi được hỏi liệu Đảng cộng sản Việt Nam học hỏi được gì từ kinh nghiệm lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nhà báo Bà Ngô Ngọc Văn nói điều này tùy thuộc lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam muốn đạt được điều gì.

"Nếu họ muốn nắm quyền trong một thời gian dài, hiển nhiên họ cần một lãnh đạo rất mạnh. Nhìn vào ông Tập Cận Bình, ta có thể thấy từ khi ông lên lãnh đạo, ông là người tự tin, có chiến lược và đưa những người ông tin cậy và làm được việc ở quanh ông.

Bà Ngô Ngọc Văn nói chiến dịch chống tham nhũng là một phần rất quan trọng trong chiến lược của ông Tập, bỏ đi những nhân tố xấu trong Đảng để người dân có thêm niềm tin vào đảng cầm quyền.

"Ông Tập Cận Bình đã ra quyết định cứng rắn. Nhiều người Trung Quốc nói "nếu không chống tham nhũng thì đảng sẽ chết". Ông Tập không muốn đảng cộng sản chết, ông muốn đảng là tổ chức cầm quyền chính danh ở Trung Quốc," bà Ngô Ngọc Văn bình luận.

"Trong vòng 4 đến 5 năm qua, ông Tập đã mạnh tay chống tham nhũng. Quan chức có cao cấp đến đâu ông cũng hạ được họ. Ông còn hạ bệ những quan chức hàng đầu trong quân đội mà trước đây không ai dám đụng tới.

tap5

Ông Tập Cận Bình và các tướng quân đội, công an Trung Quốc hôm 12/03 ở Bắc Kinh

"Về một góc độ nhất định, ông đã khôi phục được một phần uy tín của đảng. Nếu không có đau đớn thì không có thành quả".

"Ông Tập đã quyết tâm chống tham nhũng và trong quá trình đó cũng loại bỏ được một số đối thủ của mình. Giờ đây ông có thể nói với người dân : "Tôi biết các bạn không hài lòng về tình trạnh tham nhũng, chúng tôi đã ra tay, hãy tin chúng tôi". Đó là thông điệp của ông Tập. "

"Ở Việt Nam, tôi biết có chiến dịch nhắm vào các quan chức cao cấp. Vậy có lẽ họ đã học được điều gì từ Trung Quốc ?

"Có thể họ nghĩ rằng nếu muốn tăng tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ thực sự phải giải quyết vấn đề mà người dân đã quá chán nản," nhà báo Yuwen Wu, người có hàng chục năm làm việc tại BBC Hoa ngữ và Thế giới vụ BBC nói với Bàn tròn thứ Năm.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 25/03/2018

Published in Diễn đàn

Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) hôm thứ ba ngày 20/3 ra thông báo khẳng định việc Philippines rút khỏi ICC sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến trình điều tra tội phạm đối với Tổng thống Rodrigo Duterte liên quan đến chiến dịch chống ma túy tại Philippines.

duterte1

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại cuộc họp báo ở thành phố Davao, Philippines hôm 9/2/2018. AFP

Hồi tháng trước, công tố viên của ICC là Fatou Bensouda đã bắt đầu một cuộc điều tra ban đầu liên quan đến một khiếu nại của một luật sư người Philippines về những vụ giết người phi pháp trong chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte.

Tổng thống Duterte tuần trước đã tuyên bố Philippines sẽ rút khỏi ICC. Việc rút khỏi ICC của Philippines sẽ có hiệu lực một năm sau tuyên bố.

Tuyên bố mới của ICC cho biết tòa rất tiếc về việc Philippines rút khỏi ICC, nhưng ICC vẫn có quyền pháp lý đối với những vụ án tại một nước đã từng là thành viên của ICC ngay cả sau khi nước này rút khỏi ICC.

Theo thống kê của cảnh sát quốc gia Philippines, đã có hơn 4.000 người tình nghi có liên quan đến ma túy bị giết trong chiến dịch của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền cho rằng con số người bị giết có thể cao hơn.

Published in Châu Á

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán, trẻ em được nhận tiền "lì xì" trong các phong bao đỏ để lấy may trong năm mới.

lixi1

Phong bao lì xì màu đỏ được coi là tượng trưng cho thịnh vượng và giàu có

Nhưng năm nay, trường hợp một phụ nữ Trung Quốc kiện cha mẹ cô vì họ đã giữ khoản lì xì 58.000 nhân dân tệ (tương đương 9.200 USD) khiến nhiều người đặt câu hỏi : tiền trong bao lì xì thuộc về ai - cha mẹ hay con cái ?

Chuyện gì xảy ra ?

Đầu tuần này, một sinh viên đại học từ tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã thắng trong vụ kiện cha mẹ mình, người mà cô nói đã "biển thủ" tiền lì xì của cô, truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Cô nói họ đã giữ một phần trong tổng số 58.000 nhân dân tệ tiền lì xì cô nhận được trong nhiều năm qua.

Nữ sinh viên này, được gọi là Juan, nói cô phải tìm đến hành động pháp lý sau khi cha mẹ đã ly dị từ chối trả tiền học phí đại học cho cô.

Tòa tuyên bố cô thắng và buộc cha mẹ cô phải trả cô 1.500 nhân dân tệ mỗi tháng cho đến khi cô tốt nghiệp đại học.

lixi2

Một cặp vợ chồng tặng phong bì đỏ cho trẻ em

Vậy ai nên giữ tiền lì xì ?

Mọi người có ý kiến trái chiều.

Có người nói cha mẹ phải được giữ tiền lì xì như một khoản đền lại những gì họ đã cho con cái và chi phí nuôi con nói chung.

"Cha mẹ tôi giữ tiền lì xì vì họ cũng phải chi tiền để mừng tuổi người khác", Angeline Ang-Pang, hiện sống ở Singapore, nói với BBC. "Chị tôi và tôi không có vấn đề gì về chuyện đó vì cha mẹ tôi luôn giải thích rằng tiền không phải dễ mà kiếm được".

Một người Singapore khác cũng có quan điểm tương tự.

"Cha mẹ tôi bảo họ giữ tiền lì xì là để trang trải cho 'chi phì' phát "hồng bào" của họ", anh Pengli nói. "Nghe cũng có lý vì ý nghĩa của chuyện lì xì không phải là tiền mà là cử chỉ cho".

Ashley Chan, một phụ nữ 27 tuổi ở Hong Kong, nói với BBC cô cũng nghĩ rằng cha mẹ phải là người giữ tiền lì xì.

"Họ trả tiền cho tôi ăn học, cho tôi tiền tiêu vặt và về cơ bản trả cho tất cả khi tôi còn nhỏ".

lixi3

Một người bán túi lì xì ở Hà Nội

Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Có người cho rằng tiền lì xì là thuộc về người mà phong bao đỏ được tặng cho - con cái.

"Tiền lì xì được tặng cho con cái, nên nó là của con cái", một người sử dụng mạng Weibo của Trung Quốc viết.

"Tôi năm nay 24 tuổi và tôi giữ tiền từ cất cả các bao lì xì. Cha mẹ tôi không được một đồng nào", một người khác viết.

"Bố mẹ tôi gửi tiền lì xì của tôi vào tài khoản ngân hàng cho tôi và tôi được nhận lại sau này", anh Justin Ng, 28 tuổi ở Singapore nói.

Một phụ huynh mà BBC hỏi chuyện cũng đồng tình. Bà nói bà cho rằng con cái có quyền được hưởng tiền lì xì.

"Tôi giữ tiền hộ cho con tôi và đưa lại cho chúng trong tương lai", bà Rose Lim cho biết. "Tôi nghĩ trẻ em phải được quyền giữ tiền. Nếu không có trẻ em, sẽ chẳng có tiền lì xì nào hết".

Published in Văn hóa

Nhạc trổi lên ầm ĩ qua loa phóng thanh, vũ công nhảy múa theo nhịp và khán giả huýt sáo hòa theo. Ở một số khu vực của Trung Quốc, đó là những hình ảnh bạn sẽ thấy trong đám tang.

dam1

Chính quyền Trung Quốc đang tìm cách cấm những cảnh có tính cách 'khiêu dâm' ở đám tang

Đầu năm nay, Trung Quốc đã tăng cường việc hạn chế giới vũ nữ biểu diễn tại đám tang, đám cưới và đền thờ, gọi việc làm này là "khiêu dâm và khiếm nhã".

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà chức trách đã cố gắng dẹp đi tập tục này, nhưng có vẻ đây là một lề thói có khả năng phục hồi.

Tại sao lại mang vũ công đến đám tang ?

Có giả thuyết cho rằng các vũ nữ thoát y được sử dụng tại tang lễ để thu hút được đông hơn người tham dự, vì một tang lễ lớn, có nhiều người đến, được xem như là một điều danh dự cho người quá cố.

Giả thuyết khác nói rằng tập tục này có thể liên quan đến việc "thờ phượng việc sinh sản".

Huang Jianxing, giáo sư Đại học Sư phạm Phúc Kiến, nói với báo giới trên tờ Global Times rằng "Ở một số nền văn hóa địa phương, khiêu vũ với các yếu tố khiêu dâm có thể được dùng để truyền đạt mong muốn của người quá cố việc muốn được chúc lành với 'con đàn cháu đống'.

dam2

Ở một số nền văn hóa địa phương, khiêu vũ với các yếu tố khiêu dâm có thể được dùng để truyền đạt mong muốn của người quá cố việc muốn được chúc lành với 'con đàn cháu đống'ang

Giả thuyết thực tiễn là việc thuê các vũ nữ thoát y có thể được xem như một dấu hiệu của sự giàu có.

Theo tờ Global Times thì "các gia đình nông thôn Trung Quốc có khuynh hướng phô trương sự giàu có của họ bằng cách chi những món tiền cao bằng mấy lần thu nhập hàng năm cho các diễn viên, ca sĩ, diễn viên hài và vũ công thoát y để an ủi những người quá cố và giải trí cho những người thương khóc".

Tập tục này có phổ biến không ?

Đây là một tập tục thường thấy ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, nhưng thật ra phổ biến hơn ở Đài Loan-nơi mà nó xuất phát.

Chuyên gia nhân chủng học Marc Moskowitz của Đại học Nam Carolina nói với BBC : "Việc mang vũ thoát y đến tang lễ lần đầu tiên đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dân chúng ở Đài Loan vào năm 1980"

"Thói quen này đã trở nên phổ biến ở Đài Loan nhưng ở Trung Quốc, vì bị chính phủ hạn chế khắt khe hơn, nên nhiều người thậm chí chưa bao giờ nghe đến điều này".

Nhưng ngay cả ở Đài Loan, thường thói quen này không được thấy ở các thành phố lớn.

Ông Moskowitz nói : "Vì thoát y tại tang lễ nằm trong một khu vực xám giữa hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, nó ít phổ biến hơn ở các trung tâm đô thị, mặc dù người ta thường thấy hiện tường này ở vùng ngoại ô của hầu hết các thành phố.

Năm ngoái, đám tang của một người Đài Loan có đến 50 vũ công nhẩy múa trên chiếc xe jeep ở thành phố miền nam Chiayi.

Đó là tang lễ của một nhà chính trị gia địa phương, người mà, theo lời gia đình, đã nói với họ rằng ông muốn có một đám tang đầy màu sắc "qua giấc mơ".

Tại sao phải đàn áp ?

Cuộc đàn áp mới đây hầu như không gây ngạc nhiên. Đây chỉ là một sự kiện mới nhất trong một loạt các chiến dịch kéo dài nhiều năm của chính phủ Trung Quốc để mong kết thúc việc thực có vũ thoát y tại các tang lễ.

Bộ Văn hóaTrung Quốc đã cho rằng các buổi biểu diễn như vậy "không văn minh" và thông báo rằng bất cứ ai thuê một vũ nữ thoát y đến để thu hút người tham dự đám tang sẽ bị "trừng phạt nghiêm trọng".Tiến sĩ Moskowitz nói : "Chính phủ Trung Quốc hình dung bản thân mình là một người cha, cần hướng dẫn con dân của mình".Họ lo lắng về việc khoả thân tại những nơi công cộng và ảnh hưởng có thể có đối với xã hội, đặc biệt là khi trẻ em thường nhìn thấy những chương trình này.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Moskowitz nói thêm rằng có thể sẽ không dễ dàng để dẹp bỏ tục lệ này".Thực tế là thói quen này vẫn tiếp tục phát triển, mặc dù các luật lệ chống lại nó, cho thấy đây là một lề thói có khả năng phục hồi mạnh như thế nào.'' Tiến sĩ Moskowitz nói thêm :

Năm 2006, lãnh đạo của năm đoàn vũ trang tại tỉnh Jiangsu phía đông đã bị bắt giam sau khi hàng trăm người tham dự tang lễ của một nông dân chứng kiến ​​những cảnh thoát y nẩy lửa.

Vào năm 2015, các ngôi làng ở Hà Bắc và tỉnh Giang Tô đã trở thành tiêu đề trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc khi người ta khám phá ra rằng nhiều vũ nữ đã được mời đến sân khấu để biểu diễn nhưng "màn trình diễn khiêu dâm" trong đám tang. Chính phủ một lần nữa đã phạt các nhà tổ chức và người biểu diễn.

Chiến dịch mới của Bộ Văn hóasẽ nhằm vào các tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô và Hà Bắc. Chính phủ cũng đã thiết lập một đường dây nóng cho công chúng báo cáo bất kỳ "tang lễ không đúng đắn" nào để đổi lấy tiền thưởng.

Không rõ là tập tục này rồi có hoàn toàn biến mất, nhưng rõ ràng là chính phủ Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngừng cố gắng cho đến khi điều đó xảy ra.

Nguồn : BBC, 24/02/2018

Published in Văn hóa

Một bài xã luận của tác giả Benn Steil trên tờ Foreign Affairs gần đây, đặt câu hỏi không biết chính sách "Nước Mỹ trên hết" có phải là cách tranh giành quyền lực hay nhất.

america1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết"

Tác giả Benn Steil mở đầu bài viết của mình bằng cách nhắc lại sự kiện đã xẩy ra cách đây hơn 70 năm :

'Ảnh hưởng toàn cầu'

Một nhân viên Bộ ngoại giao Hoa Kỳ từng viết :

"Hoa Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng mà thế giới đang có quan điểm trái với những giả định về chính sách đối ngoại của chúng ta". "Thay vào việc thống nhất các cường quốc là sự hoàn toàn chia rẽ". Ngoại trưởng Hoa Kỳ kết luận rằng người Nga đã" làm mọi thứ có thể tạo ra được sự đổ vỡ hoàn toàn. "Tổng thống kêu gọi hành động đơn phương để chống lại những kẻ thù của Hoa Kỳ. Ông nói với Quốc Hội : "Việc chúng ta chùn bước trong vai trò lãnh đạo của mình chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của quốc gia này ".

Những lời trên đã được lần lượt nói lên vào năm 1947, bởi ông Chip Bohlen, một chuyên gia về Nga, Ngoại trưởng George C. Marshall, và Tổng Thống Harry S. Truman.

Những lời này ngày nay đang được chính phủ mới thành lập của Hoa Kỳ lập lại, báo trước một kỷ nguyên của cuộc cạnh tranh quyền lực to lớn, trong đó các kẻ đối nghịch cạnh tranh để giành lấy ảnh hưởng toàn cầu.

Chiến lược gia về An ninh Quốc gia của Trump tuyên bố : "Sau khi bị bác bỏ như một hiện tượng của một thế kỷ trước", cuộc chiến quyền lực lớn đã trở lại ". Tuy nhiên, chiến lược của Truman và Trump hoàn toàn khác nhau.

Phân tích nguồn gốc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong vòng hơn bảy thập niên qua, Benn Steil viết :

Cách đây 71 năm, sau Thế Chiến II, cuộc cạnh tranh quyền lực nguy hiểm mới đã khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ chấp nhận nhu cầu phải can thiệp với các nước trên thế giới để bảo vệ an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ. Trọng tâm của chiến lược này là kết thân với các nước đồng minh ở Tây Âu và Châu Á mạnh mẽ, độc lập, có nền dân chủ và có khả năng chống lại các mối đe dọa cũng như cám dỗ của một chính thể độc tài. Từ đó Hoa Kỳ có thể bảo vệ lợi ích kinh tế và an ninh của mình, mà không cần dựa vào sức mạnh quân đội.

Tầm nhìn đó đã được duy trì trong suốt Chiến tranh Lạnh và sau đó, qua nhiều chính quyền tiếp nối của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa - cho đến nay. Benn Steil kết luận.

america2

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ George Bush ký thỏa thuận Nafta năm 1992

'Những nhà quốc tế'

Benn Steil vạch ra :

Nhưng chính quyền của Trump hiện đang tranh cãi với chính nó về ý nghĩa của khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" và tính nhất quán với tầm nhìn đó, và kết quả của tranh cãi này sẽ quyết định là chính sách cấp tiến thời hậu chiến sẽ sống sót, hay một cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt sẽ xẩy ra, trong đó Hoa Kỳ sẽ chỉ đơn thuần là một trong nhiều cường quốc muốn giành lợi thế cho mình.

Sự mỉa mai châm biếm là ngay lúc chính quyền Donald Trump tuyên bố bắt đầu kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh quyền lực lớn, nó lại đe dọa loại bỏ những công cụ đã giúp Hoa Kỳ giành chiến thắng trong cuộc giằng co trước đó.

Trong khoảng thời gian ngắn vài năm sau Thế Chiến thứ II, Hoa Kỳ đã tạo ra những cơ chế lớn cho đến giờ vẫn còn xác định trật tự thế giới ngày nay - một trật tự đã đưa đến cho Hoa Kỳ một nền hòa bình và thịnh vượng. Liên Hiệp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và những người tiền nhiệm của Tổ chức Thương mại Thế giới và Liên minh Châu Âu đều được Hoa Kỳ đưa ra trong khoảng thời gian từ 1945 đến 1949.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nghĩ rằng các tổ chức này là mối đe dọa với chủ quyền của Hoa Kỳ. Với ông, WTO là "thảm hoạ... Chúng ta sẽ phải đàm phán lại hoặc chúng ta sẽ phải rút lui". Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), theo Donald Trump, là lỗi thời, và là những sai lầm lịch sử tội tệ nhất. Về Liên Hiệp Âu Châu (EU), ông Trump tuyên bố, "đã được hình thành, một phần, để đánh bại Hoa Kỳ về mặt thương mại... Tôi không thực sự quan tâm là Châu Âu có liên hiệp hay tách rời".

"Lý luận của ông là ông có thể làm giảm thâm hụt thương mại - vốn liên quan mất thiết đến sự tăng trưởng của Hoa Kỳ - bằng cách thương thảo lại các thoả thuận thương mại song phương với các đối tác nhỏ hơn.

america3

Tổng thống Donald Trump nói : "WTO là thảm họa. Chúng ta sẽ phải đàm phán lại hoặc chúng ta sẽ phải rút lui"

'Thỏa hiệp'

Những người trong chính quyền muốn giữ gìn trật tự quốc tế hiện tại, như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn, đã được cả bạn và thù gán cho cái nhãn là "những nhà quốc tế".

Tuy nhiên, những người sáng lập ra chiến lược quyền lực mềm đến từ can thiệp ngoại giao là những người như Bộ Trưởng Ngoại Giao George C. Marshall, người kế nhiệm ông là Dean Acheson là những người thực sự thực tế một cách cứng đầu. Chính George Marshall là người lập ra chiến lược quân sự của Thế Chiến II. Những người này hầu như không hy sinh tài sản và chủ quyền của Hoa Kỳ để lợi dụng các lợi ích nước ngoài ; mà họ tham gia vào một sứ mệnh đầy tham vọng để tìm ra một trật tự thế giới do người Mỹ lãnh đạo, dựa trên cơ sở luân lý của những chính phủ dân chủ và trao đổi kinh tế tự do.

Chiến lược an ninh quốc gia của chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tòa Bạch Ốc là một sự pha trộn không thoải mái về quan điểm của Marshall, Acheson, cũng như Truman với tầm nhìn mà Tổng Thống Trump đã quảng bá khi vận động tranh cử. Nó chứa, một mặt, nhiều tham chiếu đến tầm quan trọng của các liên minh và ăn mừng sự thành công trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong thế kỷ XX - bao gồm cả việc tạo ra Kế hoạch Marshall và NATO.

Mặt khác, Tổng thống Donald Trump nói rằng "đặt nước Mỹ trên hết là nghĩa vụ của chính phủ và là nền tảng cho sự lãnh đạo (thế giới) của Hoa Kỳ" và than thở về những việc các nước khác đã "khai thác các tổ chức quốc tế mà chúng tôi giúp xây dựng". Điều này phản ánh điều mà tác giả Benn Steil gọi là sự "tâm thần phân liệt" trong một nội các đang kêu gào được điều trị.

Tác giả Benn Steil kết luận :

"Trật tự toàn cầu hiện nay được xây dựng dựa trên sự hiểu biết rằng có các đồng minh - trái ngược với việc có thuộc địa hoặc các nước chư hầu - đòi hỏi nhất thiết phải có sự thỏa hiệp với các quốc gia có chủ quyền khác. Hoa Kỳ giờ đây phải quyết định liệu sự thỏa hiệp như vậy có đáng được duy trì để đạt được trật tự thế giới đang có hay không, hoặc chỉ cần cạnh tranh với Trung Quốc và Nga để dành lấy ảnh hưởng của các quốc gia và các khối khác.

Lựa chọn một cách khôn ngoan ngày nay có nghĩa là bạn đã hiểu cách thức và lý do tại sao Hoa Kỳ đã chọn chiến lược mềm dẻo từ trước đến giờ".

Published in Quốc tế
lundi, 12 février 2018 21:02

Cai nghiện điện tử bằng Vovinam

Việt Nam hiện có khoảng một nửa dân số kết nối với internet, và con số này còn tiếp tục tăng lên. Rất nhiều các bạn trẻ bị nghiện các trò chơi điện tử.

Việc này dẫn đến sự ra đời của trường nội trú thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển VOVINAM và Thể thao (IVS), nơi tiếp nhận những người cần cai nghiện trò chơi điện tử, hay có vấn đề với rượu, ma tuý, và cả các trường hợp bỏ học, trốn nhà.

Nằm tại Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm đón nhận chừng 300 học viên ở độ tuổi thanh thiếu niên.

Không lâu trước đây, những học viên tại nơi này còn mê mẩn những trận chiến ở thế giới ảo.

Giờ họ đang ở đây để cai nghiện trò chơi điện tử.

Một trong những môn học tại trường là Vovinam, môn võ của Việt Nam ra đời vào khoảng những năm 1930.

Nguồn : BBC, 12/02/2018

Published in Video

Miến Điện : Binh lính, cảnh sát sẽ bị trừng phạt vì giết người Rohingya (RFI, 11/02/2018)

Một phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện hôm nay 11/02/2018 tuyên bố chính quyền sẽ trừng phạt 10 thành viên của lực lượng an ninh liên quan tới việc sát hại người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, nhưng cho biết việc này không liên quan tới tiết lộ điều tra của Reuters ngày 09/02.

MYANMAR-BANGLADESH-KILLINGS-UNREST

Ảnh minh họa : Một trại ở vùng Maungdaw, bang Rakhine, để đón người Rohingya hồi hương. Ảnh ngày 24/01/2018. Reuters/Stringer

Reuters hôm thứ Sáu tuần trước đã công bố các chi tiết cuộc điều tra, cho thấy các sự kiện dẫn đến vụ thảm sát và chôn vùi trong một hố chôn tập thể 10 người Rohingya ở làng Inn Din, thuộc bang Rakhine.

Theo Reuters, phát ngôn viên Zaw Htay của chính phủ Miến Điện khẳng định cuộc điều tra của nước này đã được tiến hành trước khi tin tức của Reuters được công bố ; 7 binh sĩ, 3 cảnh sát và 6 thường dân tham gia vụ thảm sát trên sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tới thăm Miến Điện vì hồ sơ Rohingya

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay 11/02 đã có buổi làm việc với đồng nhiệm Miến Điện tại Naypyidaw về hồ sơ cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya.

Trong một thông cáo được đăng tải trên Facebook, bộ Ngoại Giao Miến Điện cho biết hai vị ngoại trưởng đã trao đổi thẳng thắn và trên tinh thần hữu nghị về các sự kiện tại bang Rakhine và cả về việc hồi hương người Rohingya.

Hôm qua 10/02, ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã sang Bangladesh. Tại đó, ông đã gặp gỡ người tị nạn Rohingya và thăm khu trại tị nạn, nơi đón tiếp khoảng 500.000 người Rohingya Miến Điện, để hiểu thêm về tình cảnh khốn khổ của họ.

Thùy Dương

*****************

Reuters công bố cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya (BBC, 10/02/2018)

Reuters vừa tiết lộ chi tiết cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya, được thực hiện bởi quân đội và dân làng - sự thật phía sau vụ bắt giữ hai nhà báo của Reuters ở Myanmar.

rohingya1

Đây là những người đàn ông mà phóng viên Reuters đang tiến hành điều tra về cái chết của họ

Wa Lone và Kyaw Seo Oo hiện đang chờ xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Bí mật của Myanmar.

Reuters khẳng định họ phát hiện bằng chứng cho thấy 10 người Rohingya đã bị giết bất hợp pháp ở bang Rakhine năm 2017.

Reuters hi vọng điều này sẽ chỉ ra rằng hai nhà báo hành động vì mối quan tâm công chúng.

Tổng biên tập của Reuters, Stephen J Adler, nói : "Khi Wa Lone và Kyaw Soe Oo mới bị bắt, mối quan tâm chính của chúng tôi là sự an toàn của họ. Khi nắm được tình trạng pháp lý của họ, chúng tôi, cùng với việc tham khảo ý kiến của Wa Lone và Kyaw Soe Oo và họ hàng của họ, quyết định rằng trách nhiệm của chúng tôi là công bố sự việc đã xảy ra trong làng Inn Din.

rohingya2

Kyaw Soe Oo (ở giữa bên trái) and Wa Lone (giữa, phải) bị bắt tháng 12/2017

"Chúng tôi tiết lộ cuộc điều tra mang tính đột phá này bởi vì nó nằm trong mối quan tâm của công chúng toàn cầu".

BBC không có nguồn tin độc lập để xác minh tất cả các chi tiết về những cáo buộc giết người do việc tiếp cận với khu vực này bị hạn chế - nhưng nó được đưa ra sau một loạt các cáo buộc về các vụ thảm sát tại Rakhine hồi năm ngoái dựa trên lời khai của nhân chứng.

Cuộc khủng hoảng chủ yếu ở bang Rakhine miền tây bắc Myanmar của người Phật giáo đã gây ra những phản ứng toàn cầu vào cuối năm ngoái khi hàng trăm nghìn người Hồi giáo chạy khỏi một cuộc đàn áp quân sự chết chóc.

Quân đội nói rằng họ giao chiến với binh lính Rohingya ở Rakhine, nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng hàng ngàn thường dân đã bị giết.

Điều gì đã xảy ra với các nhà báo ?

Wa Lone và Kyaw Soe Oo là hai nhà báo Myanmar với những bài báo gây tiếng vang. Họ bị bắt ngày 12/12 sau khi gặp gỡ và nhận tài liệu từ cảnh sát.

Các nhà chức trách nói rằng họ bị "bắt vì sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến bang Rakhine và các lực lượng an ninh" và rằng họ có được thông tin này "một cách bất hợp pháp với ý định chia sẻ nó với truyền thông nước ngoài".

Nhưng kể từ cuộc bắt giữ, có những ý kiến cho rằng hai nhà báo đang tiến hành một cuộc điều tra rất nhạy cảm.

Reuters quyết định công bố chi tiết cuộc điều tra nhằm ủng hộ khẳng định của mình rằng hai nhà báo đang thực hiện một phóng sự được công chúng toàn cầu quan tâm.

Chúng ta biết gì về cuộc điều tra ?

rohingya3

Cảnh báo : Bài báo này bao gồm một bức ảnh chụp những người bị giết. Bức ảnh có thể khiến một số độc giả cảm thấy đau lòng. HANDOUT

Cuộc điều tra tập trung vào hiện trạng ngôi làng Inn Din ở phía bắc Rakhine ngày 2/9/2017.

Reuters cho biết hai nhà báo đang thu thập bằng chứng về cuộc hành quyết 10 người đàn ông dựa trên các cuộc phỏng vấn dân làng là người Phật giáo, nhân viên an ninh và các bức ảnh. Cơ quan này nói đã xâu chuỗi những gì xảy ra với những người đàn ông này.

Theo Reuters, nhóm nam giới người Rohingya bị biệt riêng ra sau khi ngôi làng của họ bị tấn công.

Những người đàn ông là Phật tử trong làng được lệnh đào một ngôi mộ và 10 người đàn ông bị giết, ít nhất hai người bị đánh tới chết, số còn lại bị quân lính bắn chết.

Reuters tuyên bố đây là lần đầu tiên quân lính dính líu tới các chứng cứ bằng hình ảnh và chứng cứ do nhân viên an ninh cung cấp. Họ cũng tuyên bố có lời chứng từ dân làng.

Sau khi hai nhà báo bị bắt giữ, quân đội Myanmar đã tiến hành điều tra riêng về vụ việc. Cuộc điều tra khẳng định điều mà hai nhà báo đã phát hiện - rằng đã có một cuộc hành quyết.

rohingya4

Làng Inn Dinn qua ống kính của phóng viên BBC, chỉ còn những thanh gỗ trơ trụi và tro tàn

Tuy nhiên, quân đội mô tả 10 người này như "những kẻ khủng bố người Bangladesh" và nói rằng họ bị hành quyết vì họ không thể được đưa đi khi binh lính người Rohingya tấn công vào các đồn cảnh sát.

Reuters tuyên bố hai nhà báo không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có 10 người này liên quan đến chủ nghĩa khủng bố - với một số nhân chứng nói rằng những người này đã được biệt riêng ra khỏi đám đông.

Reuters cho biết hai nhà báo đã nói chuyện với một số nhân chứng trong làng Inn Din, cảnh sát và người thân của những người đàn ông bị giết - hiện đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Một người đàn ông thừa nhận đã giết chết một người Hồi giáo Rohingya, hãng thông tấn này nói.

Published in Châu Á

"Việc xây dựng cáp treo ở hang Én chỉ cách hang Sơn Đoòng hơn ba cây số có thể là đường dẫn để đưa tới các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái của Sơn Đoòng", một chuyên gia địa chất nói với BBC.

cap1

Sơn Đoòng được UNESCO công nhận là hang động lớn nhất thế giới

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Minh Toàn, giảng viên cao cấp Khoa Địa chất, trường Đại học Mỏ Địa chất, Hà Nội, trao đổi với BBC qua điện thoại từ Hà Nội ngày 2/1 :

"Vấn đề quan trọng là đánh giá tác động của môi trường. Nếu xây cáp treo ở vị trí như thế [hang Én] dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới hang Sơn Đoòng".

"Chúng ta đã nhìn thấy bài học từ du lịch Fansipan, cái được thì ít nhưng cái mất rất nhiều".

"Điều nghiêm trọng hơn trong trường hợp của Sơn Đoòng là địa thế của khu vực này khác hẳn Fansipan".

"Ở đỉnh Fansipan, một phần do khí hậu khắc nghiệt, người ta chỉ có thể leo lên đấy ngắm cảnh chứ không khai thác gì được. Nhưng ở Sơn Đoòng hoàn toàn có thể triển khai các hoạt động khai thác, dẫn tới các hoạt động phá hoại môi tường khác".

"Tôi không ủng hộ việc này. Phát triển du lịch như vậy chỉ mang lại chút lợi nhuận trước mắt cho địa phương nhưng để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau".

"Cần tôn trọng thiên nhiên. Cần phải hỏi ý kiến của cộng đồng khoa học quốc tế. Sơn Đoòng là di sản văn hóa thế giới chứ không phải chỉ là tài sản của Việt Nam".

Tranh cãi dự án cáp treo vào hang Én

Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC phủ nhận tin xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng nhưng im lặng trước thông tin xây cáp treo vào Hang Én cách Sơn Đoòng chỉ 3,5 km và đều nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong email gửi BBC, FLC không trả lời các câu hỏi của BBC về dự án cáp treo vào hang Én, nhưng gửi link một bài viết cũ trên website của công ty liên quan đến dự án cáp treo vào Sơn Đoòng.

Thông tin này được FLC đăng tải ngày 26/1 trong bối cảnh truyền thông và mạng xã hội Việt Nam phản ứng trước thông tin tập đoàn này tiếp tục dự án xây cáp treo vào hang Sơn Đoòng.

Theo đó, FLC cho hay họ "không có bất cứ hoạt động khảo sát, xây dựng nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng" từ trước đến nay.

FLC nói thêm tập đoàn "chỉ cân nhắc" các dự án du lịch quanh Sơn Đoòng được "chính phủ, chính quyền địa phương thông qua" và "phải nhận được sự chấp thuận từ Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO)".

BBC liên lạc với ông Hồ Khanh, người được ghi danh là có công trong việc tìm ra hang Sơn Đoòng năm 1990, để tìm hiểu thông tin về dự án cáp treo tại Hang Én.

Tuy nhiên ông Khanh, hiện đang quản lý dịch vụ homestay tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, kinh doanh các dịch vụ khám phá Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, từ chối bình luận.

cap2

Sơn Đoòng - cảnh đẹp gây sửng sốt khán giả khi Đài truyền hình ABC phát trực tiếp giới thiệu di sản này với nước Mỹ - Ảnh : THUẬN THẮNG

Thông tin của Quảng Bình

Trong khi đó, giới chức Quảng Bình nói tập đoàn FLC thực hiện việc khảo sát làm cáp treo vào Hang Én thời điểm cuối năm 2016, theo lời ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được báo Tuổi trẻ trích lời ngày 26/1.

"Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình".

"Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5km".

"Đến tháng 8/2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình cũng đã đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO".

Ý kiến UNESCO

Trong khi đó, UNESCO, trong một văn bản đưa ra từ tháng 7/2017, có vẻ nói 'không' cho mọi dự án cáp treo tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Trong mục b, trang 77 có ghi UNESCO "đề nghị chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo" [tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng].

Được biết, văn bản này được UNESCO đưa ra trong cuộc họp tại Krakow, Ba Lan bàn thảo việc bảo vệ các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

"Khẳng định của Chính phủ Việt Nam rằng dự án cáp treo Sơn Đoòng, nằm trong vùng di sản được bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ chỉ được thực hiện dựa trên sự chấp thuận của Ủy ban [Di sản thế giới] được ghi nhận", theo báo cáo này của UNESCO.

"Tuy nhiên, thực tế việc UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu tại khu vực này chỉ ra rằng dự án vẫn đang được xem xét".

"Cần lưu ý rằng cáp treo sẽ tạo điều kiện tiếp cận với di sản và vì vậy có thể tăng số lượng khách du lịch cùng những tác động tiêu cực lên môi trường nhạy cảm của hang, và cũng dẫn tới tăng áp lực từ các hoạt động bất hợp pháp. Hơn thế nữa, hoạt động du lịch hang động hiện nay vốn đang tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thể sẽ giảm nếu nhu cầu hướng dẫn viên và người vận chuyển giảm".

"Vì vậy, đề nghị Ủy ban [Di sản thế giới] nhắc lại mối quan ngại về dự án này và các ảnh hưởng tiềm ẩn... và yêu cầu chính phủ [Việt Nam] hủy bỏ vĩnh viễn các dự án phát triển cáp treo", theo văn bản khi đó của UNESCO.

Trả lời BBC qua email hôm 1/2, ông Michael Croft, trưởng đại diện UNESCO ở Hà Nội, nhắc rằng vấn đề này từng được nêu tại cuộc họp của Ủy ban Di sản Thế giới tại Krakow, Ba Lan tháng Bảy 2017.

Ông cho biết trả lời khi đó của Việt Nam "rất rõ ràng".

Đó là "không có ý định xây hệ thống cáp treo ở tại hang Sơn Đoòng, cũng như không cung cấp lối tiếp cận tới hang", ông Michael Croft nhắc lại quan điểm của đoàn Việt Nam tại cuộc họp.

Dư luận lo ngại

Thông tin xây cáp treo hang Én khiến dư luận tại Việt Nam lo ngại.

"Dù là Sơn Đoòng hay Hang Én thì đây đều là vùng lõi của Phong Nha-Kẻ Bàng, Di sản Thiên nhiên Thế giới. Và Việt Nam đã ký vào Công ước Bảo vệ Di sản Thế giới của UNESCO", theo thông tin từ trang Facebook của Hội bảo vệ Sơn Đoòng.

Một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khác, ông Trịnh Xuân Nguyên, đồng sáng lập Tổ chức phi chính phủ PanNature nói với BBC qua điện thoại từ Hà Nội : "Tôi không ủng hộ hoạt động khai thác trong các khu dự trữ sinh quyển".

"Các khu vực đã quy hoạch, đặc biệt là các khu dự trữ sinh quyển cần phải được bảo tồn đặc biệt".

"Chúng tôi không khuyến khích kiểu du lịch đại trà. Bài học về du lịch đại trà đã có ở nhiều địa phương, hầu như khi họ không còn giữ được các giá trị của thiên nhiên nữa".

"Khả năng phát triển, quản lý, giám sát tại các điểm du lịch đại trà cần phải xem xét. Các hoạt động phá hoại thiên nhiên nhiều hơn là gìn giữ được hệ sinh thái".

"Hiện tại tỉnh Quảng Bình về cơ bản làm khá tốt việc quản lý du lịch, có trách nhiệm trong bảo tồn thiên nhiên, di sản và kiểm soát lượng khách du lịch vào khu bảo tồn".

"Còn dự định mở cho các doanh nghiệp như FLC vào mở rộng hoạt động hoạt động du lịch, ví dụ như làm cáp treo thì là sai lầm lớn nếu để chuyện đó xảy ra".

"Nhìn chung việc các doanh nghiệp hiện nay cứ theo mốt cáp treo hiện nay là không hay ho lắm. Như vậy có thể khiến lượng khách du lịch kéo đến một điểm quá lớn, tác động không kiểm soát được về mặt lâu dài".

Báo Tuổi Trẻ ngày 1/2 dẫn lời đại diện Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch rằng Bộ này chưa nhận được hồ sơ cụ thể về phương án làm cáp treo vào hang Én.

Ông Nguyễn Viết Cường, trưởng phòng quản lý di tích Cục Di sản văn hóa, nói : "Từ giai đoạn khảo sát đến lập phương án phải được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và UNESCO có ý kiến thông qua mới được thực hiện".

"Nếu làm cáp treo mà ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã được UNESCO công nhận thì chúng tôi không thống nhất làm", ông Cường nói.

Published in Việt Nam

Phía sau những tấm ảnh Mậu Thân (BBC, 30/01/2018)

Phóng viên ảnh Eddie Adams đã chụp được một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất của cuộc chiến Việt Nam - ngay thời khắc của một vụ hành quyết giữa tâm điểm hỗn loạn của chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Bức ảnh này mang lại cho ông vinh quang và cả nỗi buồn, theo James Jeffrey.

Cảnh báo : Bài báo này đăng lại những bức ảnh của phóng viên ảnh Adams chụp lại khoảnh khắc bắn giết.

mauthan2

Chuỗi các bức ảnh của Eddie Adams cho thấy hành động đưa đến quyết định nổ súng đột ngột của tướng Loan

Khẩu súng ngắn giật mạnh trong cánh tay vươn thẳng của người đàn ông trong khi khuôn mặt của người tù binh biến dạng do lực từ viên đạn vừa ghim vào hộp sọ ông ta.

Ở bên trái khung hình, một người lính chứng kiến cảnh tượng dường như co rúm vì sốc.

Thật khó để không cảm thấy ghê tởm, tội lỗi khi nhìn vào khoảnh khắc của cái chết.

Các chuyên gia về đạn dược nói rằng tấm ảnh - được biết đến dưới tên 'Hành quyết ở Sài Gòn' - cho thấy một tích tắc khi viên đạn găm vào đầu người đàn ông.

Bức ảnh của Eddie Adams chụp khoảnh khắc chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn một tù binh Việt Cộng được coi là một trong những hình ảnh có tác động nhất của Chiến tranh Việt Nam.

mauthan1

Vào thời điểm đó, bức ảnh được in lại trên khắp thế giới và trở thành biểu tượng của sự tàn bạo và tình trạng hỗn loạn của chiến tranh.

Nó cũng củng cố niềm tin ngày càng gia tăng ở Mỹ về sự vô ích của cuộc chiến - rằng không thể chiến thắng.

Ben Wright, giám đốc truyền thông tại Trung tâm Tư liệu về Lịch sử Hoa Kỳ Dolph Briscoe, nói : "Có một cái gì đó trong bản chất của một bức ảnh tĩnh tác động sâu sắc đến người xem và đọng lại với họ".

Trung tâm này đặt tại Đại học Texas, Austin, là nơi lưu trữ các bức ảnh, tài liệu và thư từ của Adams.

"Các đoạn phim về cảnh nổ súng này, trong khi gây kinh ngạc, lại không gợi lên được cùng cảm giác về sự khẩn cấp và bi kịch ".

Nhưng bức ảnh đó đã không thể giải thích trọn vẹn cảnh tượng đường phố Sài Gòn vào ngày 1/2/1968, hai ngày sau khi lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng tiến hành chiến dịch Tết Mậu Thân. Nhiều thành phố miền Nam bị bất ngờ.

Cuộc chiến trên đường phố khiến Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt được một người nghi là chỉ huy một nhóm quân Việt Cộng, Nguyễn Văn Lém, còn gọi là Bảy Lốp, cạnh một mồ chôn tập thể hơn 30 thường dân.

Adams bắt đầu chụp những bức ảnh khi ông Lém bị dẫn giải tới xe jeep của ông Loan.

Tướng Loan đứng bên cạnh ông Lém trước khi chĩa súng vào đầu tù binh.

Adams sau đó nhớ lại, "Tôi nghĩ ông ta sẽ đe dọa hoặc khủng bố người này, vì vậy tôi đưa máy ảnh lên và chụp hình".

Ông Lém được cho là đã giết vợ và sáu đứa con của một đồng đội của ông Loan.

Vị tướng nổ súng.

"Nếu quý vị do dự, quý vị không thực hiện nhiệm vụ của mình, binh lính sẽ không theo quý vị", tướng Loan nói về hành động đột ngột của mình.

mauthan3

Bản quyền hình ảnhAP/BRISCOE CENTER FOR AMERICAN HISTORY

Theo Đại tá Tullius Acampora, người đã làm việc hai năm với vai trò là sỹ quan liên lạc của Quân đội Hoa Kỳ, ông Loan đóng vai trò rất quan trọng trong 72 giờ đầu của chiến dịch Tết Mậu Thân, chỉ huy quân đội ngăn chặn sự sụp đổ của Sài Gòn.

Adams cho biết ấn tượng ban đầu của ông về tướng Loan là một "kẻ giết người lạnh lùng, vô nhân tính". Nhưng sau khi đi cùng ông ta trên khắp đất nước, ông đã thay đổi cách nhìn.

"Ông ấy là sản phẩm của Việt Nam hiện đại, là sản phẩm thời của ông ấy", Adams nói trong một báo cáo từ Việt Nam.

Vào tháng Năm năm sau, bức ảnh này giúp Adams đoạt một giải Pulitzer.

Nhưng dù đạt được thành tựu vinh quang trong sự nghiệp báo chí và nhận được thư chúc mừng từ những người được giải Pulitzer, Tổng thống Richard Nixon và thậm chí từ học sinh khắp nước Mỹ, bức ảnh này luôn ám ảnh Adams.

Adams cho biết : "Tôi kiếm được tiền từ việc trưng ra cảnh một người giết chết một người khác", ông phát biểu trong một lễ trao giải. "Hai cuộc đời đã bị hủy hoại, và tôi được trả tiền cho nó. Tôi được gọi là anh hùng".

mauthan4

Eddie Adams cầm chiếc cúp trong lễ trao giải Pulitzer

Adams và tướng Loan vẫn giữ liên lạc, thậm chí trở thành bạn sau khi vị tướng này chạy khỏi Nam Việt Nam đến Mỹ khi cuộc chiến kết thúc.

Nhưng khi tướng Loan đến Hoa Kỳ, Sở Di trú và Nhập tịch muốn trục xuất ông, một động thái được cho là do ảnh hưởng của bức ảnh. Họ tiếp cận Adams để làm chứng chống lại tướng Loan, nhưng Adams thay vì thế lại ủng hộ ông.

Adams thậm chí xuất hiện trên truyền hình để giải thích hoàn cảnh ra đời của bức ảnh.

Quốc hội Mỹ cuối cùng dỡ bỏ lệnh trục xuất và cho thiếu tướng Loan ở lại nước Mỹ, mở một nhà hàng ở ngoại ô Washington phục vụ hamburger, pizza và đồ ăn Việt Nam.

Một bức hình cũ trên báo Washington Post cho thấy tướng Loan ngồi mỉm cười phía sau quầy của nhà hàng.

Nhưng rồi ông buộc phải nghỉ hưu khi tin tức về quá khứ của ông làm ảnh hưởng việc kinh doanh.

Adams nhớ lại vào lần cuối cùng đến thăm nhà hàng, ông thấy có những hình vẽ trên tường toilet (graffiti) chửi rủa về ông Loan.

Hal Buell, biên tập viên ảnh tại hãng AP, cho biết bức ảnh Hành quyết ở Sài Gòn vẫn còn nguyên giá trị sau 50 năm bởi "nói lên toàn bộ sự tàn bạo của chiến tranh trong một khung hình".

"Giống như tất cả các biểu tượng, nó tóm tắt những gì đã diễn ra trước đây, nắm bắt một khoảnh khắc hiện tại và, nếu chúng ta đủ thông minh, cho chúng ta biết về viễn cảnh tàn bạo mà tất cả các cuộc chiến đều báo trước".

Và Buell nói rằng trải nghiệm này đã dạy Adams về giới hạn của một bức ảnh đơn lẻ có thể kể trọn vẹn một câu chuyện.

Buell nói : "Eddie được dẫn lời rằng nhiếp ảnh là một vũ khí mạnh mẽ. Tính chất của nhiếp ảnh là mang tính chất chọn lọc. Nó thu hẹp một khoảnh khắc, tách khoảnh khắc đó ra khỏi những khoảnh khắc trước và sau mà có thể dẫn tới ý nghĩa thay đổi".

Trong sự nghiệp của mình, Adams đã giành được hơn 500 giải thưởng ảnh báo chí và từng chụp ảnh chân dung những nhân vật như Ronald Reagan, Fidel Castro và Malcolm X.

Nhưng bất chấp những thành tựu đó, khoảnh khắc của bức ảnh nêu trên sẽ luôn ở lại cùng Adams.

"Có hai người đã chết trong bức ảnh đó", Adams viết sau khi tướng Loan qua đời do ung thư vào năm 1998. "Ông tướng này giết một người Việt Cộng, còn tôi giết ông ta bằng máy ảnh của mình".

James Jeffrey

Bản tiếng Anh đăng trên BBCNews 

*******************

50 năm sau sự kiện Mậu Thân, bức ảnh của Eddie Adams lại được nhắc lại như một sự ăn năn (RFA, 29/01/2018)

mauthan3

Hãng ABC không quên nhắc đến bức ảnh của phóng viên Eddie Adams, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đột kích tàn khốc Mậu Thân của quân đội miền Bắc Việt Nam.

Có một cuộc chiến khác bùng nổ sau khi nhà báo Eddie Adams, đang làm việc cho hãng AP, bấm máy. Bức ảnh cho thấy tướng Nguyễn Ngọc Loan đang kề súng vào đầu của một tù binh cộng sản và bóp cò. Lúc đó là ngày đầu tháng Hai, năm 1968. Người Mỹ thì chưa bao giờ nhìn thấy sự tàn khốc của chiến tranh gần đến mức như vậy. Phe chống chiến tranh ở Hoa Kỳ thì coi đó là bằng chứng của việc nước Mỹ đang về phe cúa "kẻ ác". Bức ảnh đã làm nên tên tuổi của Eddie Adams bằng giải Pulitzer danh giá, nhưng đồng thời nó cũng là điềui ám ảnh ông ta suốt về sau.

Về sau, chính Eddie Adams đã phân trần rằng ông không có cơ hội để giải thích tại sao tướng Loan phải làm như vậy. "Bức ảnh đã không nói hết câu chuyện, nó không giải thích là tại sao lại có chuyện đó", Eddie Adams đã nói như vậy, sau nhiều năm.

Sự rầm rộ của truyền thông phương Tây mới thật sự là kết quả của cuộc chiến. Mặc dù phe quân đội cộng sản miền Bắc đã thất bại và tháo chạy, nhưng mặt trận thông tin phương Tây chống miền Nam Việt Nam Cộng Hòa đã chiến thắng. Ngay lúc đó, tờ Times đã bình chọn bức ảnh của Eddie Adams là một trong 100 bức ảnh gây ảnh hưởng nhất của thời đại.

Vào ngày thứ hai của cuộc chiến Tết Mậu Thân. Lực lượng Bắc Việt và quân du kích Việt Cộng đã tấn công các thị trấn và thành phố của miền Nam, bao gồm cả thủ đô, Sài Gòn, bất ngờ xé bỏ một hiệp ước tạm đình chiến vài ngày, vừa ký kết.

Cùng với một người phóng viên Việt Nam đang làm cho hãng NBC là ông Vo Suu, phóng viên Adams đã nhìn thấy cảnh tượng đó và ghi hình đúng lúc.

Sau này, Eddie Adams nhớ lại hình ảnh của tướng Loan, nói xong và bỏ đi "Họ đã giết nhiều người của tôi và cả người của anh". Đó là một cuộc phỏng vấn được thực hiện vào năm 1998 cho chương trình phỏng vấn về lịch sử của hãng AP.

Nhưng vào thời điểm trước đó thì đã muộn. Bức ảnh được tung ra và hoàn toàn là một cú sốc trên mọi mặt báo, truyền hình. Cuộc chiến Mậu Thân mặc dù chứng minh sự thất bại hoàn toàn của phe cộng sản nhưng lại là mồi lửa cho phía những người bi quan và thiên tả, và là lợi thế của miền Bắc cho đến khi họ thắng cuộc năm 1975.

Đó cũng là lúc mà Eddie Adams cảm thấy rằng tướng Loan đã bị làm nhục một cách không công bằng bởi đám đông công chúng – những người không được nhìn thấy sự thật đằng sau bức ảnh : Bảy Lốp, nhân vật bị hành quyết, đã tham gia sát hại cả gia đình người giúp việc của tướng Loan trước đó.

Adams nói : "Tôi không nói những gì ông ấy làm là đúng, nhưng ông ấy đã chiến đấu trong một cuộc chiến, và ông phải chống kẻ xấu. Đã có 2 con người bị hủy diệt ngày hôm đó – Lốp và Loan – tôi thì không muốn hủy hoại cuộc đời của ai. Đó không phải là việc của tôi".

Ông Adams nói như vậy, vì bởi ông biết người lính đối diện với cuộc chiến phải như thế nào. Eddie Adam từng là cựu phóng viên thủy quân lục chiến Mỹ ở chiến trường Đại Hàn, và sau đó tham gia vào ngành phóng viên dân sự ở hãng AP, năm 1962

Tướng Loan qua đời năm 1998 tại Virginia, ông làm chủ một nhà hàng và sinh sống ở đó. Còn người vợ của ông Bảy Lốp nói với AP, vào năm 2000, rằng bà tin bức ảnh đó đã khiến người dân nước Mỹ chống lại cuộc chiến.

Eddie Adams mất năm 2004. Niềm tự hào nghề nghiệp mà ông có thể giới thiệu với mọi người là những bức ảnh năm 1977, về những người Việt đào thoát khỏi đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Những bức ảnh này của ông đã giúp thuyết phục Hoa Kỳ nhận hơn 200.000 người Việt đến tị nạn. Một trong những bức ảnh về đề tài đó cũng nằm trong danh sách 100 bức ảnh gây ảnh hưởng nhất, do Time bình chọn.

Tuấn Khanh

(Nguồn tư liệu : http://abcnews.go.com/US/wireStory/instant-vietnam-execution-photo-frame...)

Published in Việt Nam

Một người làm về bảo tồn động vật cho BBC biết rằng quy trình cấp phép để khai thác và mua bán vây cá mập ở Chile rất ngặt nghèo.

vay1

Vây cá mập khô được bán ở nhiều nước Châu Á với quảng cáo về tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe - Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Bà Nguyễn Trang, nhà bảo tồn động vật hoang dã bị buôn bán trái phép, đồng thời hiện là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Anh Quốc về bảo tồn động vật, trao đổi với BBC ngày 24/1 :

"Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, tôi đã gửi email cho Sea Shepherd Chile [một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn động vật biển thành lập tại Anh Quốc, có văn phòng tại Chile] về các điều luật liên quan đến cá mập".

"Trong email phản hồi, Sea Shepherd cho hay vây cá mập được mua bán hợp pháp tại Chile phải có giấy phép do Cục Thủy sản Chile cấp.

"Nghĩa là nếu phía Việt Nam cho rằng vây cá mập phơi trên mái Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile được mua tại chợ địa phương, họ cần đưa ra được giấy phép này để chứng minh".

Bà Nguyễn Trang giải thích : "Điều này là vì Chile có luật cấm đánh bắt cá mập chỉ để lấy vây (nghĩa là đánh bắt cá mập chỉ để chặt lấy vây, đa phần khi cá còn sống, rồi vứt xác xuống biển), tuy nhiên nước này cũng cho phép đánh bắt cá mập một cách bền vững".

"Tuy nhiên quy trình lấy giấy phép rất ngặt nghèo".

"Tức là ngư dân chỉ được phép đánh bắt với số lượng cho phép những loài cá mập không có trong sách đỏ trong vùng biển nước này. Ngoài ra, ngư dân phải đem cá mập bắt được lên cảng trong tình trạng còn nguyên cơ thể, vây, nội tạng. Cục Thủy sản Chile sau khi kiểm tra đủ điều kiện mới cấp giấy phép để hợp pháp việc lấy vây hoặc mua bán các vật phẩm từ con cá mập này".

"Những giấy phép này ghi lại nhận dạng cụ thể của từng vây (giống vân tay để định dạng nhân thân), do đó có thể sử dụng để đối chiếu vây được cấp phép hợp pháp với vây do mua bán hay tàng trữ trái phép".

'Chưa có luật bảo vệ cá mập tại Việt Nam'

vay2

Nhiều nước đã có luật cấm khai thác vây cá mập - ảnh chỉ có tính chất minh họa

Ở góc độ bảo tồn, bà Trang cho hay 'rất bất ngờ, buồn và bất bình' về sự việc.

"Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và bảo tồn trên thế giới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ cá mập khỏi nạn tuyệt chủng do hành vi săn bắt và lấy vây", chuyên gia bảo tồn nói với BBC.

"Việt Nam cũng có nhiều nỗ lực trong việc phòng chống nạn tiêu thụ và buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép. Năm 2016, Hoàng tử Anh William sang Việt Nam để thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã".

"Vụ việc phơi vây cá mập tại Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile có thể làm tiêu tan những nỗ lực nói trên".

Bà Trang cũng cho biết ở góc độ luật pháp, "Hiện tại trên thế giới chỉ có khoảng 30 nước có luật bảo vệ cá mập (cấp độ quốc gia)".

"Việt Nam chưa có luật nào về bảo vệ cá mập hay buôn bán, khai thác vây cá mập".

Tuy nhiên, Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về buôn bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đang bị nguy cấp (CITES) từ năm 1994", theo trang tin chính thức của CITES.

Cụ thể, cá mập lần đầu tiên được đưa vào phụ lục II của CITES từ năm 2003. "Các loài trong phụ lục II không bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng cần kiểm soát việc buôn bán để tránh ảnh hưởng tới sự sống còn của chúng", theo quy định trong công ước.

Năm 2016, có thêm 12 loài cá mập được đưa vào Phụ lục II của CITES.

"Mặc dù các loài thủy sản bị khai thác thương mại đã được đưa vào các Phụ lục CITES trong những năm qua, nhưng các danh sách gần đây đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho các bên tham gia trong việc bảo đảm rằng việc kinh doanh là hợp pháp, bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc", thông tin từ website của CITES cho hay.

Theo bà Trang, "trường hợp nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Chile mang vây cá mập ra khỏi Chile mà không có giấy phép của CITES thì phải chịu trách nhiệm theo điều khoản CITES".

'Tác dụng bồi bổ, chữa bệnh' ?

vay3

Một website quảng cáo bán vây cá mập tại Việt Nam

Chợ vi cá mập online tại Việt Nam có vẻ khá 'sầm uất' và không khó để đặt mua. Giá giao động từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng một kilogram vi cá mập tùy loại, từ 'còn nguyên vây', 'khô', 'tươi', đến ruốc vi cá.

BBC gọi điện đến số điện thoại trên website của một công ty ghi có trụ sở chính tại Phú Yên chiều 24/1 thì được nhân viên ở đây cho biết giá một kilogram vi cá mập khô làm sạch 'loại trung bình' là 25 triệu đồng.

Nhân viên cũng cho biết đây là 'vi cá mập Việt Nam.'

Vi cá mập cũng được quảng cáo tại nhiều website là "có đến 89% chất đạm, 01% đường bột, 0.22% lượng chất béo và cung cấp 384 calo ngoài ra còn có thêm chất khoáng trong 100g vi cá mập khô" và "có thể chữa các bệnh xương khớp, mắt, bồi bổ cơ thể".

Thậm chí còn có nơi quảng cáo vi và sụn cá mập như thần dược chữa ung thư.

vay4

Vi cá mập phơi ở Aceh, Indonesia hồi 2006 - hình chỉ có tính minh họa

Về khía cạnh sức khỏe, bà Trang cho biết "Hội nghiên cứu ung thư ở Vương Quốc Anh đã công bố nghiên cứu cho hay chúng không hề có khả năng chữa hay ngăn chặn ung thư".

"Cũng không có bằng chứng khoa học nào khẳng định ăn thịt, xương, sụn hay vây cá mập tốt cho sức khỏe".

"Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy cá mập, cá voi, cá heo và nhiều loài động vật biển khác nữa có nồng độ thủy ngân trong cơ thể rất cao. Con người nếu ăn phải thực phẩm có nồng độ thủy ngân cao có thể nguy hại tới sức khỏe".

vay5

Twitter của Cơ quan ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile đăng hình cuộc gặp với đoàn Việt Nam

Website chính của Tổ chức Cancer Research UK nêu rõ : "Một số người sử dụng sụn cá mập như một liệu pháp thay thế để điều trị ung thư. Điều này có nghĩa là họ sử dụng nó thay vì các biện pháp điều trị ung thư thông thường như hóa trị hoặc xạ trị".

"Việc này có thể rất có hại cho sức khoẻ của bạn và chúng tôi không khuyên bạn làm điều này".

Trong diễn biến liên quan, trang Twitter của Cơ quan ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản quốc gia Chile (Sernapesca) đăng hình hôm 23/1 cho hay bộ ngoại giao Chile đã gặp phái đoàn Việt Nam để bàn về vụ vây cá mập.

Published in Việt Nam