Luật sư Võ An Đôn 'bị tước thẻ phải làm nông mưu sinh' (BBC, 27/11/2017)
Luật sư Võ An Đôn nói với BBC hôm 27/11 rằng ông "sẽ tiếp tục làm nông một khi bị tước thẻ hành nghề" trong lúc báo Việt Nam dẫn lời giới chức nói "xóa tên luật sư Đôn khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vì ông này lợi dụng quyền tự do ngôn luận".
Luật sư Võ An Đôn nói : "Như vậy, tôi chỉ còn cách tiếp tục làm ruộng, vườn ở nhà để mưu sinh, ai nhờ tư vấn pháp luật thì giúp".
Báo Tuổi Trẻ hôm 26/11 dẫn lời một đại diện ẩn danh của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên cho biết tổ chức này "đã bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật xóa tên luật sư Võ An Đôn khỏi Đoàn luật sư tỉnh".
Một số vụ tiêu biểu mà luật sư Võ An Đôn nhận bào chữa
"Theo vị này, ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam. Dù đoàn đã mời làm việc nhiều lần, nhắc nhở nhưng ông Đôn không thừa nhận, không khắc phục sai phạm", tờ báo viết.
'Nguyên nhân sâu xa'
Trả lời BBC hôm 27/11, luật sư Võ An Đôn nói : "Tôi chưa nhận được quyết định chính thức về việc này".
"Tuy vậy, tôi nghĩ Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên làm theo chỉ đạo của cấp trên và lấy cớ này nọ thôi".
"Nguyên nhân sâu xa là vì tôi bào chữa cho người nghèo và các tù nhân lương tâm".
"Cũng có thể hiểu là họ làm vậy để ngăn tôi tham dự phiên phúc thẩm xử blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) hôm 30/11".
"Bà Quỳnh muốn tôi tham gia bào chữa cho bà cùng một số luật sư khác".
Cũng đang có tranh cãi về phát ngôn của ông Đôn trên mạng xã hội rằng : "Mẹ Nấm tiết lộ cho chúng tôi biết một thông tin quan trọng : luật sư Hà Huy Sơn [người cùng bào chữa cho Mẹ Nấm] vào trại giam thăm Mẹ Nấm, đã chuyển thông điệp từ phía cơ quan an ninh rằng "Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều" (Hai luật sư miền nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành)".
Trong cuộc phỏng vấn với BBC, ông Đôn nói thêm :
"Việc xóa tên tôi khỏi Đoàn luật sư tỉnh đồng nghĩa với việc sẽ tiến tới việc Bộ Tư pháp thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi".
"Tôi dự định sẽ khiếu nại quyết định này, nhưng do văn bản có hiệu lực thi hành ngay từ hôm 26/11 nên tôi hiện không thể hành nghề".
"Như vậy, tôi chỉ còn cách tiếp tục làm ruộng, vườn ở nhà để mưu sinh, ai nhờ tư vấn pháp luật thì giúp".
Ông cũng cho hay, từ năm 2014, Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên từng vài lần đề nghị tước thẻ hành nghề luật sư của ông sau khi ông nhận bào chữa cho nạn nhân Ngô Thanh Kiều bị công an dùng nhục hình đánh chết.
BBC gọi điện và email cho luật sư Nguyễn Hương Quê, chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên nhưng chưa nhận được phản hồi.
*************************
Luật sư Võ An Đôn bị khai trừ trước phiên tòa phúc thẩm Blogger Mẹ Nấm (Người Việt, 26/11/2017)
Giới luật sư Việt Nam hôm 26 tháng Mười Một xôn xao trước tin Luật sư Võ An Đôn bị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên khỏi danh sách đoàn luật sư của tỉnh này.
Luật sư Võ An Đôn và thân chủ, dân oan Cấn Thị Thêu (hiện vẫn đang trong tù). (Hình : Facebook Đôn An Võ)
Luật sư Nguyễn Khả Thành, người xác nhận tin này, cho hay, quyết định của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên có hiệu lực kể từ ngày ký (hôm 26 tháng Mười Một, với tỷ lệ phiếu thuận là 66,66%. Điều đó có nghĩa là ông Đôn không thể xuất hiện với tư cách một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm trong phiên tòa phúc thẩm 30 tháng Mười Một tại Tòa án nhân dân Nha Trang. Ông Thành nói : "Có người vui cũng có kẻ buồn. Có lẽ Luật sư Đôn đã dự báo trước chuyện này".
Báo Pháp Luật hôm 26 tháng Mười Một tường thuật : "Theo Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, lý do kỷ luật là ông Võ An Đôn đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt ; nói xấu giới luật sư, các cơ quan tố tụng, đảng, nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đặc biệt xấu đến uy tín của đảng, nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và giới luật sư Việt Nam. Dù Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đã nhiều lần họp nhắc nhở nhưng ông Đôn không thừa nhận sai phạm, không khắc phục".
Tên tuổi của Luật sư Võ An Đôn được biết đến qua những vụ bào chữa cho bà Cấn Thị Thêu, một trong những dân oan Dương Nội và các nhà hoạt động khác bị cáo buộc Điều 88, 258…
Ông cũng là một trong các luật sư được cấp phép bào chữa cho bà Như Quỳnh trong phiên sơ thẩm và phúc thẩm.
Hồi tháng Tám, ông từng cho biết mình bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên đe dọa kỷ luật và tước thẻ hành nghề do những phát ngôn trên mạng xã hội và trả lời báo đài nước ngoài "nhưng vì lương tâm nên vẫn phải phát biểu".
Vài ngày trước khi bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, ông Đôn gây tranh cãi trên mạng xã hội khi cho biết : "Hôm tôi vào Trạm Giam Công An tỉnh Khánh Hòa thăm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Mẹ Nấm tiết lộ : Luật sư Hà Huy Sơn (người cũng được cấp phép bào chữa cho bà Quỳnh) vào trại giam thăm và chuyển thông điệp từ phía Cơ Quan An Ninh rằng ‘Nếu tại phiên tòa phúc thẩm Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều’ (Hai luật sư miền Nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành). Tôi đã khuyên Mẹ Nấm : ‘Nếu em cho rằng mình vô tội thì một mực kêu oan từ đầu đến cuối ; nếu em nhận tội thì xem như công việc đấu tranh của em vô nghĩa ; đây là lời khuyên của anh, còn việc em nhận tội hay không là do em tự quyết định’. Mẹ Nấm trả lời : ‘Dù em có bị phạt tù 15 năm hay 20 năm thì em cũng không nhận tội’".
Hồi tháng trước, ông Đôn viết trên trang cá nhân : "Tôi nói ra sự thật với tấm lòng mong muốn cho nghề luật sư ở Việt Nam được tốt đẹp hơn, để công lý và công bằng đến với mọi người. Sau khi tôi viết nhiều bài về đề tài luật sư chạy án, đồng nghiệp ở khắp nơi ném đá dữ dội, họ chửi, họ nguyền rủa, họ nói tôi là kẻ phản bội, nói xấu luật sư và sẽ bị Đoàn Luật sư tỉnh nhà đưa ra kỷ luật. Tôi biết trước việc này sẽ xảy ra nhưng phải nói, vì nếu tôi không nói thì lương tâm tôi cắn rứt không chịu được. Nếu tôi bị kỷ luật rút thẻ luật sư thì tôi vẫn không hối hận việc mình đã nói. Đoàn Luật sư phải hiểu rõ nói thật thì khác nói xấu : nói thật là nói ra những điều có thật mọi người đều biết, còn nói xấu là chuyện không nói có !" (T.K.).
Ít nhất hai người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một vụ nổ xảy ra ở thành phố cảng Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, giới chức địa phương cho hay.
Báo nhà nước cho biết chưa có "con số chính xác" về thương vong
Vụ nổ xảy ra tại một nhà máy vào khoảng 9 :00 hôm 26/11 giờ địa phương tại quận Giang Bắc của thành phố, khiến một số tòa nhà gần đó sụp đổ.
Báo nhà nước ghi nhận ít nhất 30 người được đưa tới bệnh viện trong lúc hoạt động cứu hộ diễn ra.
Đoạn phim tại hiện trường cho thấy lực lượng cứu hộ đưa những nạn nhân ra khỏi khu vực đổ nát.
Vụ nổ phá hủy các xe hơi và tòa nhà lân cận
Báo Trung Quốc cho hay ít nhất hai người bị thương trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát cho biết một cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định nguyên nhân của vụ nổ.
Thành phố này có cảng vận chuyển quốc tế lớn và nổi tiếng với ngành công nghiệp sản xuất xe hơi, và là nơi đặt trụ sở Geely - hãng xe Trung Quốc sở hữu thương hiệu Volvo.
Bản đồ địa điểm Ninh Ba
Báo Trung Quốc cho biết vụ nổ xảy ra trong một khu vực công nghiệp, và các tòa chung cư gần đó bị thiệt hại nhưng các tòa nhà này không có người ở do sắp bị dỡ bỏ.
Nguồn tin địa phương cho thấy bình ga có thể là nguyên nhân gây nổ.
Có ghi nhận cửa sổ các cửa hàng cách khu vực của vụ nổ khoảng 1km bị vỡ vụn.
Một cựu nữ binh sĩ Bắc Hàn kể rằng cuộc sống cho phụ nữ trong quân đội Bắc Hàn gian khổ đến mức rất nhiều người tắt kinh.
Một nữ binh sĩ Bắc Hàn tại bờ sông Áp Lục (2014)
Bà cho biết tình trạng hãm hiếp cũng xảy ra thường xuyên với những đồng đội của bà.
Trong suốt 10 năm, bà Lee So-yeon ngủ ở ngăn dưới của chiếc giường tầng, trong một căn phòng bà chia sẻ với hơn 20 phụ nữ khác. Mỗi người được giao một cái tủ nhỏ để đựng quân phục. Trên nóc tủ, họ giữ hai bức ảnh đóng khung. Một bức là ảnh của lãnh tụ Bắc Hàn Kim Il-sung, còn bức thứ hai là của người con trai ông, Kim Jong-il, nay đã quá cố.
Rời Bắc Hàn đã gần mười năm nay, bà So-yeon vẫn nhớ như in mùi của doanh trại bê tông nơi bà từng ở.
"Chúng tôi đổ mồ hôi nhiều.
Cái đệm chúng tôi nằm làm từ vỏ trấu. Vậy nên mùi của cơ thể thấm vào đệm. Đệm không phải làm bằng bông. Vì nó làm bằng vỏ trấu, mùi mồ hôi và các mùi khác thấm vào đấy. Không lấy gì làm dễ chịu".
Một trong những lý do của tình trạng này là thiếu chỗ tắm giặt.
"Là phụ nữ, một trong những điều khổ nhất cho chúng tôi là không được tắm rửa đàng hoàng", bà Lee So-yeon nói.
"Vì không có nước nóng. Họ nối vòi nước vào dòng suối và chúng tôi dùng nước chảy trực tiếp từ suối ra. Đôi khi chúng tôi có cả ếch nhái hay rắn chảy qua vòi".
Là con gái của một giáo sư đại học, bà So-yeon, nay 41 tuổi, lớn lên ở phía bắc của Bắc Hàn. Trong gia đình bà, nhiều phụ nữ đã vào quân ngũ, và khi nạn đói tàn phá đất nước vào những năm 1990, bà xung phong đi bộ đội - chỉ với suy nghĩ sẽ được đảm bảo có một bữa ăn hàng ngày. Hàng ngàn phụ nữ trẻ khác cũng xin nhập ngũ vì lý do tương tự.
"Nạn đói kéo theo một giai đoạn hết sức khó khăn cho phụ nữ ở Bắc Hàn", bà Jieun Baek, tác giả cuốn sách North Korea's Hidden Revolution (tạm dịch "Cuộc cách mạng Ẩn giấu của Bắc Hàn"). "Nhiều phụ nữ phải gia nhập lực lượng lao động và nhiều người phải chịu đối xử tàn tệ, đặc biệt là quấy rối và bạo lực tình dục".
Có tin được những người đào tẩu ?
Các tác giả Juliette Morillot và Jieun Baek nói rằng lời kể của bà Lee So-yeon là khớp với lời kể của những người khác mà họ được nghe. Tuy vậy họ cảnh báo cần phải thận trọng với những người đào tẩu.
"Có nhu cầu rất lớn để nắm bắt thông tin từ Bắc Hàn", bà Baek nói. "Điều này gần như khuyến khích những người đào tẩu phóng đại câu chuyện khi kể với truyền thông, đặc biệt nếu họ được trả hậu hĩnh. Nhiều người đào tẩu không muốn phát biểu với truyền thông chỉ trích mạnh "những người đào tẩu chuyên nghiệp". Chúng ta cần lưu ý điều này".
Thông tin từ các nguồn chính thức của Bắc Hàn thì thường mang tính chất tuyên truyền thuần túy.
Bà Lee So-yeon không được trả tiền cho cuộc phỏng vấn với BBC.
Lúc đầu, phấn khích vì tinh thần yêu nước và sứ mệnh tập thể, cô gái Lee So-yeon 17 tuổi yêu thích cuộc sống trong quân đội. Cô rất thích cái máy sấy tóc được phát, mặc dù cô hiếm khi dùng nó vì mất điện thường xuyên.
Lịch sinh hoạt hàng ngày cho nam và nữ gần như giống nhau. Phụ nữ thường có thời gian tập luyện thể chất ngắn hơn một chút - nhưng họ được yêu cầu làm những công việc thường nhật như lau dọn và nấu nướng, những công việc mà các binh sĩ nam không phải làm.
"Bắc Hàn là một xã hội trọng nam truyền thống và vai trò truyền thống của nam và nữ vẫn tiếp tục", bà Juliette Morillot, tác giả cuốn 'Bắc Hàn qua 100 câu hỏi' được xuất bản bằng tiếng Pháp, nói. "Phụ nữ vẫn được coi là ttukong unjeongsu, hay "người lái vung nồi" và có nghĩa 'chỗ của họ là ở trong bếp".
Chương trình huấn luyện vất vả và chế độ ăn uống thất thường ảnh hưởng đến cơ thể của bà Lee So-yeon và các đồng đội.
"Sau sáu tháng đến một năm thực hiện nghĩa vụ, chúng tôi không có kinh nguyệt nữa do thiếu dinh dưỡng và môi trường căng thẳng", bà nói.
"Các nữ binh sĩ nói họ mừng là họ không bị hành kinh nữa. Họ nói họ thấy mừng vì tình hình đã tệ rồi sẽ còn tệ hơn nếu họ có kinh nguyệt".
Những ai đào tẩu
Có khoảng 70% những người đào tẩu Bắc Hàn là nữ - con số mà một số người cho là do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đối với phụ nữ.
Quá nửa số người này trong độ tuổi 20 và 30, một phần là do người trẻ tuổi có thể bơi qua sông và chịu đựng chặng đường gian khổ tốt hơn.
Bà So-yeon nói trong thời gian bà đi bộ đội, quân đội Bắc Hàn không cung cấp băng vệ sinh, và bà cùng các nữ đồng đội không có sự lựa chọn nào ngoài việc tái sử dụng băng vệ sinh.
"Cho đến ngày nay, phụ nữ vẫn dùng băng vệ sinh bằng vải bông truyền thống", bà Juliette Morillot cho biết. "Phụ nữ phải giặt băng vệ sinh hàng ngày mà lại không để đàn ông không nhìn thấy. Họ phải dậy sớm để giặt chúng".
Bà Morrillot vừa trở về sau một chuyến đi Bắc Hàn và có nói chuyện với một vài nữ binh sĩ. Bà xác nhận rằng họ thường mất kỳ kinh nguyệt.
"Một trong những cô gái tôi hỏi chuyện, mới 20 tuổi, kể cho tôi cô phải huấn luyện nhiều đến nỗi cô bị tắt kinh trong hai năm liền", bà nói.
Một nữ quân nhân Bắc Hàn -SIPA PRESS/REX/SHUTTERSTOCK
Mặc dù bà Lee So-yeon tình nguyện tham gia quân đội hồi những năm 1990, đến năm 2015, nhà nước tuyên bố tất cả phụ nữ ở Bắc Hàn phải đi nghĩa vụ quân sự 7 năm khi 18 tuổi.
Đồng thời, chính phủ Bắc Hàn cũng có một động thái bất thường - tuyên bố họ sẽ phát một loại băng vệ sinh cao cấp có tên Daedong cho hầu hết các đơn vị nữ.
"Đây có thể là một cách chuộc lại tình hình tồi tệ trước đây", bà Jieun Baek nói. "Tuyên bố này có lẽ là để sửa sai điều được nhiều người biết là điều kiện cho phụ nữ trong quân đội trước đây rất tệ. Cũng có thể đây là cách động viên tinh thần để nhiều phụ nữ nghĩ "Chúng ta sẽ được chăm sóc [trong quân đội]".
Gần đây, vài đơn vị không quân nữ cũng được phát mỹ phẩm cao cấp mang nhãn hiệu Sản phẩm Bình Nhưỡng, sau khi ông Kim Jong-un kêu gọi mỹ phẩm Bắc Hàn cạnh tranh với các nhãn hiệu quốc tế như Lancome, Chanel và Christian Dior hồi năm 2016.
Tuy vậy, các nữ binh sĩ đóng quân ở vùng nông thôn không phải lúc nào cũng có toa lét riêng để dùng. Một số người kể với bà Morillot họ thường phải đi vệ sinh trước mặt nam giới, khiến họ cảm thấy vô cùng dễ tổn thương.
Nghĩa vụ quân sự ở Bắc Hàn
Phụ nữ Bắc Hàn phải đi nghĩa vụ quân sự ít nhất là bảy năm, còn nam giới 10 năm. Đây là quy định nghĩa vụ quân sự bắt buộc lâu nhất thế giới.
Ước tính có khoảng 40% phụ nữ trong độ tuổi 18 đến 25 trong quân ngũ. Con số này được trông đợi là sẽ tăng, vì nghĩa vụ quân sự mới trở thành bắt buộc cho phụ nữ cách đây hai năm.
Chính phủ Bắc Hàn nói khoảng 15% ngân quỹ nhà nước được chi cho quân đội, nhưng các viện nghiên cứu cho rằng con số này có thể lên tới 40%.
Những học sinh có năng khiếu đặc biệt, chẳng hạn về thể thao hay âm nhạc, có thể được miễn nghĩa vụ quân sự.
Quấy rối tình dục là chuyện phổ biến, cả hai tác giả Baek và Morillot đều nói.
Bà Morillot nói khi bà đề cập đến chuyện cưỡng hiếp trong quân đội với các nữ binh sĩ, "hầu hết các cô đều nói chuyện đó xảy ra với người khác". Không ai trong họ nói chuyện này đã xảy ra với mình.
Bà Lee So-yeon cũng nói bà không bị hãm hiếp trong quân đội từ năm 1992 đến 2001, nhưng nhiều đồng đội của bà bị.
"Người chỉ huy đại đội ở trong phòng ông ta tại đơn vị của chúng tôi sau khi đã hết giờ huấn luyện. Ông ta hãm hiếp các nữ binh sĩ dưới quyền. Chuyện này diễn ra và lặp đi lặp lại mà không chấm dứt".
Quân đội Bắc Hàn nói họ xử lý nghiêm chuyện lạm dụng tình dục, và những người phạm tội hiếp dâm phải chịu án tù tới bảy năm.
"Nhưng hầu hết không có ai chịu đứng ra làm chứng. Vì thế đàn ông thường không bị trừng phạt", bà Juliette Morillot nói.
Đội nữ quân nhân Bắc Hàn -Reuters
Bà Morillot nói thêm việc không ai lên tiếng về lạm dụng tình dục trong quân đội xuất phát từ "tư tưởng gia trưởng trong xã hội Bắc Hàn". Cũng vì tư tưởng này mà phụ nữ trong quân đội phải làm các việc vặt hàng ngày.
Phụ nữ xuất thân từ gia đình nghèo được tuyển dụng vào các lữ đoàn xây dựng, và được xếp cho ở tại các doanh trại hay lán nhỏ. Đây là những phụ nữ đặc biệt không an toàn, bà nói.
"Bạo lực gia đình vẫn được chấp nhận rộng rãi, và không được báo cáo, nên tình trạng cũng tương tự trong quân đội. Nhưng tôi phải nhấn mạnh là bạn cũng thấy văn hóa (quấy rối tình dục) tương tự trong quân đội Nam Hàn".
Bà Lee So-yeon, người làm trung sĩ trong một đơn vị tín hiệu đóng ở gần biên giới Nam Hàn, cuối cùng rời quân đội ở tuổi 28. Bà thấy nhẹ người là có thời gian dành cho gia đình, nhưng cũng cảm thấy bà không dễ thích nghi với cuộc sống ngoài quân đội, và gặp nhiều khó khăn về tài chính.
Đến năm 2008, bà quyết định chạy trốn sang Nam Hàn.
Lần đầu chạy trốn, bà bị bắt tại biên giới Trung Quốc và đưa đi tù một năm.
Đến lần thứ hai, không lâu sau khi ra tù, bà bơi qua sông Đồ Môn và vào Trung Quốc. Tại đó, ở biên giới, bà hẹn gặp với một người môi giới và người này thu xếp đưa bà vào Nam Hàn từ Trung Quốc.
Có vẻ có 'dấu hiệu lạ' qua các diễn biết xảy ra với các vụ án Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê, so với 'thông lệ' những gì thường thấy từ trước trong các vụ án lớn, một khách mời nói với BBC Tiếng Việt hôm thứ Bảy.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên truyền hình Việt Nam vài tháng trước, hôm 04/8/2017, và cho hay ông đã tự nguyện về Việt Nam 'đầu thú'.
Hôm 25/11/2017, blogger, nhà báo tự do Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng khi nêu bình luận về hai vụ án trên, nói với Bàn tròn điểm tin tức tuần này của BBC từ Đà Nẵng :
"Có những dấu hiệu lạ qua hai vụ án lớn này, vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Trầm Bê, thường thường trước đây, qua từng giai đoạn, ví dụ điều tra, đến khi kết thúc điều tra là báo chí đã vào cuộc rồi.
"Để dọn đường cho cơ quan điều tra kết thúc điều tra, dọn đường cho công việc truy tố của Viện Kiểm sát và đặc biệt là dọn đường cho công tác xét xử phiên tòa.
"Ban bí thư và tuyên huấn đều làm công tác dọn đường trước qua báo chí, nhưng điều đặc biệt qua hai vụ án này, đến bây giờ, từ khi bắt ông Trầm Bê, đặc biệt là từ khi 'lôi' ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về đây, ông Trịnh Xuân Thanh đã khai gì ?
"Đã lấy được tư liệu, cơ quan điều tra đã 'móc' được gì từ miệng ông Trịnh Xuân Thanh, từ miệng ông Trầm Bê, thì hầu như đến bây giờ chúng ta không biết gì cả. Đấy là một điều rất khó hiểu...
"Đây là những dấu hiệu rất lạ, nên tôi đang lo một điều là phải chăng những vụ án này sẽ rơi vào tình trạng đầu voi, đuôi chuột.
"Những gì dư luận chúng ta nghĩ lâu nay, ví dụ như vụ Trầm Bê, là bắt ông Trầm Bê và khởi tố và xét xử vụ án Trầm Bê trước vành móng ngựa có ai nữa không ?".
Cựu phóng viên báo 'Công an Quảng Nam - Đà Nẵng' và báo 'Đại Đoàn kết' nhiều năm về trước, ông Trương Duy Nhất cũng đặt dấu hỏi liên quan đến ông Trầm Bê và vụ án Trầm Bê, hay vụ án Trịnh Xuân Thanh, liệu còn có 'trách nhiệm gì' của những quan chức hay cựu quan chức lãnh đạo cao cấp nào đó trong chính quyền hiện nay, hoặc nhiệm kỳ trước hay không.
Trợ thủ là ai ?
Ông Trầm Bê (trái), cựu lãnh đạo Ngân hàng Sacombank, bị bắt hôm 01/8/2017, truyền thông Việt Nam cho hay ông đã bị bắt cùng 15 người trong một vụ án.
Nêu quan điểm tiếp tại Bàn tròn điểm tin tức tuần hôm 25/11 của BBC Việt ngữ, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn nói :
"Thực ra tôi hơi nghiêng về cảm giác lo ngại của nhà báo Trương Duy Nhất là chiến dịch này có thể thành 'đầu voi đuôi chuột' mà nếu 'đầu voi đuôi chuột', thì sẽ chẳng có ai mà đưa ra nữa, không có nhân vật nào thêm để đưa ra nữa.
"Đúng như nhà báo Trương Duy Nhất phân tích, từ khi ông Trầm Bê bị bắt, không có thêm thông tin gì cả, khi bắt ông Phạm Công Danh, khi bắt ông Hà Văn Thắm, thì còn bắt thêm hàng loạt, bắt ông Nguyễn Xuân Sơn ở Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, ông Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại Dương, ông Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây dựng.
"Sau đó là một dây các lãnh đạo của ngân hàng đó, rồi các trưởng, phó phòng ở các ngân hàng đó, kể cả chi nhánh, nghĩa là mỗi vụ án như vậy còn kéo thêm từ 30 tới 40 người bị bắt.
"Ông Trầm Bê thì rất đặc biệt, bắt từ đầu tháng 8/2017 cho tới giờ là gần bốn tháng rồi, nhưng chưa thấy bắt thêm ai cả.
"Và tôi không nghĩ là vụ việc ông Trầm Bê chỉ liên quan một mình ông, mà chắc chắn là ông phải có trợ thủ của ông, thế thì bây giờ trợ thủ của ông đâu ? Và tại sao không có thông tin nào về Trầm Bê ?
"Thôi thì không có thông tin thì đó là chuyện của công an, vì công an có quyền giữ bảo mật đối với báo chí về chuyện này, nhưng tại sao bắt ông Trầm Bê lại không bắt thêm ai ? Đó là một dấu hỏi rất lớn", Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam nói.
Đầu voi đuôi chuột, giơ cao đánh khẽ ?
Và ông Phạm Chí Dũng nói thêm :
"Dấu hỏi thứ hai liên quan chuyện 'đầu voi đuôi chuột' mà chúng tôi vừa đề cập, rõ ràng là trong năm 2017, chiến dịch được cho là chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa đâu vào đâu cả.
"Trường hợp một ông đã bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị mà lại không cách luôn chức Ủy viên Trung ương Đảng, trong khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận định trong báo cáo của mình là 'rất nghiêm trọng', ông vẫn là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thuộc Ban chấp hành Trung ương, tại sao để đó ?
"Và tại sao đến Hội nghị Trung ương 6 lại không có vấn đề của ông đó và tại sao trước và sau Hội nghị Trung ương 6 thì khẩu khí chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng khác hẳn so với trước đó vốn quyết liệt, thậm chí nói như một triết lý mới, khẩu khí mới nói ra như một sự xuất thần : 'lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy'.
"Thế nhưng mà sau đó lại nói là 'mở đường cho người ta tiến', đó là khẩu khí của ông Nguyễn Phú Trọng cũng trong các cuộc họp, như vậy nhiều dư luận cho rằng ông dịu hẳn đi và dường như, thậm chí một số lãnh đạo bây giờ cũng phải nhận xét 'trung ương thì nóng, nhưng địa phương thì nguội', thế thì chống tham nhũng cái nỗi gì ?
"Mà nếu không chống tham nhũng được như vậy, thì chỉ 'giơ cao đánh khẽ' thôi và cuối cùng mọi chuyện sẽ trở về 'đầu voi đuôi chuột', có nghĩa là nếu như vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đưa ra xử đúng thời hạn, đúng thời điểm vào tháng Giêng và tháng Hai năm sau, năm 2018, thì có lẽ là chỉ xử phần ngọn mà thôi", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng.
Truyền thông Việt Nam trong tháng 10/2017 đưa tin về các hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tường trình một số phát biểu của ông, theo đó, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời nói :
"Có vụ án mấy năm không xử được vì liên quan đến nhiều thứ khác, cần có thời gian. Nhiều vụ làm nhanh, nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ rành rành không thể chối được nữa thì mới nhận tội... Thông thường anh nào cũng kêu oan, anh nào cũng kêu nặng quá, nhưng dân thì bảo vẫn còn nhẹ, phải làm quyết liệt hơn nữa".
Vẫn theo truyền thông Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết : "Những vụ việc được xử lý trong thời gian qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục khẩu phục. Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm ơn, các đồng chí bị kỷ luật nói rằng thi hành kỷ luật tôi rất đúng... Việc xử lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành và tốt nhất là tự giác thấy mà sửa đi..".
"Đấu tranh là để là để giữ ổn định, phát triển ; đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ đi. Xử lý sao cho người ta giác ngộ, để thu hồi tài sản không để mất mát.
"Để tất cả mọi người thấy được vết xe đổ ấy. Thế mới là thành công, không để gây bất mãn cho xã hội", ông Nguyễn Phú Trọng được báo chí chính thống của Việt Nam dẫn lời nhấn mạnh.
Hôm 25/11/2017, truyền thông chính thức từ Việt Nam đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án này cùng vụ việc tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 và đầu quí một năm 2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.
"Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 tháng 1/2018 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật", báo Tiền Phong cho hay.
"Theo đó, vụ án Trịnh Xuân Thanh gồm hai vụ có liên quan :
"Thứ nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
"Thứ hai là vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác".
Bình luận về động thái này, từ Sài Gòn, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, nói :
"Với việc công khai công bố việc xử án Trịnh Xuân Thanh, nói theo một số đánh giá trước đây trong nội bộ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội.
"Và như vậy không biết mối quan hệ đối với nhà nước Đức của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào? Bởi vì chúng ta biết cho tới nay, thứ nhất vào tháng 10/2017, Đức đã tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam, vào tháng 11, Đức hủy bỏ quyền miễn trừ cán bộ ngoại giao Việt Nam trong việc đi công tác ở Đức.
"Có nghĩa là tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam đều phải xin visa nếu muốn đến Đức, thay vì trước đó không cần phải xin visa. Và cũng có một động thái là Châu Âu trong tháng 11 đã rút thẻ vàng đối với hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu và còn có thể còn các vụ việc khác nữa.
"Tôi tự hỏi là với việc công bố vụ án Trịnh Xuân Thanh thì ông Nguyễn Phú Trọng đang suy nghĩ gì ? Và ông có tiếp tục chấp nhận những hậu quả rất có thể xảy ra trong thời gian tới hay không ?
"Và theo những thông tin mà tôi biết được trong thời gian gần đây, thì cho tới nay Việt Nam hoàn toàn vẫn chưa có một động thái nào để thỏa mãn và đáp ứng những điều kiện, những yêu cầu và những đòi hỏi của phía Đức liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh", ông Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn điểm tin tức cuối tuần của BBC Tiếng Việt.
Quan hệ Việt - Đức từng ở mức được cho là 'nồng ấm' trước khi xảy ra vụ 'bắt cóc' Trịnh Xuân Thanh vi phạm nghiêm trọng chủ quyền CHLB Đức cũng như luật pháp Đức và EU.
Chạy đua với Đức và Châu Âu ?
"Thực ra việc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố ngày hôm nay về việc phải đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào năm 2018, tức là khoảng tháng 2, tôi thấy có lẽ đây là việc mà ông ấy đang cố chạy đua với phía Đức và Châu Âu.
"Phía Đức họ đang truy nã đối tượng, người chủ mưu để đưa vụ việc này ra ánh sáng và càng ngày phía Đức càng có những bằng chứng cụ thể và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng Việt Nam tại Đức cũng như các doanh nghiệp.
"Ví dụ vừa rồi một số lịch làm việc của các thống đốc của các bang của Đức đã được định trước sẽ về Việt Nam để làm việc về kết nối đầu tư, về hỗ trợ hợp tác phát triển, nhưng tất cả đều bị đình chỉ lại. Tức là họ đã phải từ chối những lịch đó, bởi vì họ phải đợi những quyết định của chính phủ liên bang trong thời gian tới.
"Điểm nữa là những hoạt động của cơ quan đại diện là Đại sứ quán Việt Nam hiện nay ở Đức là rất khó khăn và gần như là bị đóng băng đối với phía Đức vì gần như không một cơ quan nào ở Đức tiếp vị Đại sứ ở đây nữa. Bởi vì họ biết trong quá trình điều tra họ cũng phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ cơ quan tổng công tố liên bang của Đức".
Và ông Lê Trung Khoa nói thêm : "Hiện nay quả thực Việt Nam trong hoàn cảnh này đang gặp những khó khăn rất lớn về công tác đối ngoại với Châu Âu và đặc biệt với Đức thông qua việc Viện công tố Liên bang Đức đã nói rằng đây là vụ bắt cóc và họ có đầy đủ bằng chứng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề đối với kinh tế Việt Nam đặc biệt là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang rất mong đợi sau khi hiệp định TPP đã bị Mỹ rút ra.
"Ông Nguyễn Phú Trọng trong phần nhiệm kỳ này đã cố gắng làm việc là đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, nhưng phía Đức vẫn luôn luôn yêu cầu và đòi hỏi là ông Trịnh Xuân Thanh phải được xét xử dưới một định chế pháp luật luật là nhà nước pháp quyền và có sự giám sát, tham dự của các phóng viên cũng như của quan sát quốc tế.
"Điều này thực ra là khó hơn việc trao trả ông Trịnh Xuân Thanh", vị khách mời Bàn tròn điểm tin cuối tuần từ Berlin phát biểu, trên quan điểm riêng.
Hôm 15/11, báo mạng VietnamNet từ Việt Nam cũng tường trình về động thái mới của nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam, tờ báo viết :
"Hôm nay, tại Hà Nội, Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo".
Về 'phương hướng sắp tới', tờ báo mạng này cho biết thêm một số chi tiết :
"Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018.
"Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật, các vụ án :
- Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ;
- Vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác ;
- "Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm) ;
- Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 Ngân hàng", vẫn theo tường thuật của tờ báo mạng từ Việt Nam
Năm 2000, chỉ có 0,2% người Việt có Internet, nhưng 17 năm sau, hơn 53% dân số có thể truy cập mạng thường xuyên.
Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đã tăng lên hơn 50 triệu người, theo Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU)
Facebook và YouTube là mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam với 51% người dùng Internet sử dụng hai mạng xã hội này.
Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong danh sách những nước có người dùng đông nhất trên Facebook, theo báo cáo của We are Social, một công ty chuyên về chiến lược tiếp thị và quảng cáo điện tử.
Chính vì vậy ngay cả những con người tiên phong mở lối khai sáng Internet tới Việt Nam còn không thể 'tưởng tượng nổi' sự phát triển bùng nổ và khuyếch đại của mạng lưới toàn cầu này.
Những ngày đầu 'gian nan' của Internet Việt Nam
Ông Thái Duy Hòa, một trong nhóm những người giúp thiết lập mạng NetNam cho BBC biết khai sinh của NetNam chỉ là một dịch vụ mạng thuộc Viện Công nghệ Thông tin.
"Lúc đó Việt Nam chưa có kết nối internet với quốc tế, Netnam cung cấp hai dịch vụ là dịch vụ email từ Việt Nam ra quốc tế và ngược lại, thứ hai là tạo ra các diễn đàn.
Những người trong nhóm đầu thành lập NetNam cùng giáo sư Rob Hurle của Đại học Quốc gia Úc
Ông Hòa cho biết thời điểm đầu có khoảng vài trăm người dùng, hầu hết là người nước ngoài hoặc người Việt làm cho các công ty nước ngoài có nhu cầu kết nối quốc tế.
Ông Hòa kể đến sự giúp đỡ của Giáo sư Rob Hurle và trường Đại học Quốc gia Úc, nơi đã hỗ trợ giúp đỡ về phần mềm, thiết bị hỗ trợ.
"Khi đó Việt Nam bị cấm vận, thông tin phải chuyển sang server ở Úc rồi Úc mới gửi ra thế giới",
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, người từng được bình chọn là một trong 10 nhân vật ảnh hưởng nhất Internet Việt Nam, kể lại cho BBC biết về những ngày đầu của Internet :
"Về mặt kỹ thuật đã được thử nghiệm từ đầu năm 90, khi tôi làm chủ tịch Hội tin học từ 95-97 thì có cùng anh Mai Liêm Trực, và anh Chu Hảo, là đại diện cơ quan nhà nước, tôi đại diện cho một hội của những người làm tin học Việt Nam.
"Ba chúng tôi có gặp nhau nhiều lần, ngồi đối thoại với bên công an nhiều lần. Các anh Mai Liêm Trực và anh Chu Hảo gánh trọng trách nặng nề là đi thuyết phục chính phủ. Bản thân tôi mang máy tính thuyết phục ông Nguyễn Đức Bình, người phụ trách văn hóa tư tưởng Đảng Cộng sản Việt Nam năm 96-97.
"Tất cả giới chuyên môn lúc đó, cũng như các quan chức liên quan như Trực và Hảo cũng như Đặng Hữu Bộ trưởng Khoa học Công nghệ thời đấy mọi người hiểu rất là kĩ mạng Internet là mạng thông tin nói chung là một hạ tầng cơ sở rất là quan trọng cho một quốc gia, nhất là một quốc gia đang phát triển và hội nhập vào quốc tế. Không có một mạng cao tốc về mặt thông tin như thế thì ko thể phát triển hội nhập kinh tế được.
"Chúng tôi có nhiều buổi làm việc với quan chức của Bộ Công an thì phải thuyết phục các ông ấy rất là khéo là đây là một mạng hạ tầng cơ sở rất quan trọng. Không thể vì một số kẻ phạm pháp và không cho hàng trăm triệu người sử dụng mạng giao thông như vậy.
"Và Internet đã chính thức mở cửa ở Việt Nam vào ngày 19/11/1997".
Báo VnExpress hôm 22/11 dẫn lời ông Mai Liêm Trực, nói :
"Khi Chính phủ lắng nghe đề xuất đầu tiên, nhiều lo ngại được đề cập như nguy cơ lộ bí mật Nhà nước hay liệu có quản được thông tin độc hại không. Những lo ngại đó hoàn toàn chính đáng. Chúng ta đã hy sinh, mất mát quá lớn trong chiến tranh nên phải thận trọng. Nhưng không kết nối Internet thì Việt Nam không thể hội nhập", tiến sĩ Mai Liêm Trực nhấn mạnh.
"Nhiều công nghệ đã xuất hiện muộn tại Việt Nam như điện thoại chậm 50 năm, truyền hình chậm 30 năm so với thế giới. Tôi cảm thấy mừng vì Việt Nam đã không chậm chân trước con tàu Internet, bởi nếu lúc đó chúng ta không mạnh dạn mở cửa với lý do an ninh, nhạy cảm... thì giờ sẽ cảm thấy có lỗi với dân vì đã cản trở sự phát triển của đất nước".
Internet giúp mạng xã hội như Facebook trở thành phương tiện truyền đạt thông tin ở Việt Nam
Internet ngày đó-bây giờ "khác một trời một vực"
Nhìn nhận lại sự ảnh hưởng của Internet đối với xã hội, kinh tế, chính trị Việt Nam, ông Quang A nói : "Thực sự sự phát triển của Internet nói riêng và của cái ngành truyền thông điện tử nói chung, tôi làm trong lĩnh vực đấy, học và làm về vấn đề đó nhưng cũng bị choáng ngợp bơi sự phát triển này".
Ông nói cách người Việt sử dụng Internet ngày đó và bây giờ "khác một trời một vực".
"Hồi đó, thông dụng nhất là email, bắt đầu một vài trang thông tin chủ yếu là giới thiệu sản phẩm, cũng bắt đầu có trang web nhưng rất sơ sài, mạng xã hội còn chưa có gì gì cả. Tất cả Whatsapp, Facebook, YouTube và bản thân Google cũng mới độ 10 tuổi trở lại đây thôi.
"Internet là một sự phát triển mới hoàn toàn, nhất là với sự xuất hiện của mạng truyền thông xã hội, thì bây giờ ai cũng có thể trở thành một nhà đài, nhà báo, như thế cái rào cản để tham gia vào truyền thông đã bị hạ thấp rất nhiều.
"Nó thách thức các phương tiện truyền thông và buộc các quan chức, cơ quan nhà nước phải minh bạch hơn, có trách nhiệm giải trình hơn. Ông nói dối người ta phát hiện ra ngày. Không như trước đây, khi không có thông tin kiểm tra… giờ trong một phút người ta có thể biết ông nói đúng không đúng, nguồn tin là sai, lập tức người ta phản ánh lại.
"Đó là một đóng góp rất là lớn của Internet, giúp người dân thực sự làm chủ, có tiếng nói, bắt các quan chức nhà nước phải có trách nhiệm giải trình với họ. Đây là một phần thiết yếu cho sự phát triển dân chủ.
"Tôi lấy ví dụ là các bác tài xế dùng tiền lẻ một cách hợp pháp để phản đối các trạm thu phí BOT ở tận đồng bằng sông Cửu Long nhưng bà con ngoài Ninh Bình biết được, nhìn được và học ngay được và họ cũng làm tương tự rồi Đồng Nai cũng như vậy", ông Quang A nói thêm.
Internet 'con dao hai lưỡi'
"Tôi nghĩ những ai nghĩ rằng Internet sẽ đóng góp lớn trong quá trình chuyển hóa dân chủ thì hơi ngộ nhận. Nó là một công cụ rất tốt giúp cho việc truyền bá kiến thức, tổ chức kêu gọi thảo luận. Nhưng việc cuối cùng là hành động của con người, chỉ có chém gió thì không có ý nghĩa gì cả".
"Và bản thân chính quyền cũng sử dụng Internet để giám sát những người dùng Internet khác, để tìm hiểu hoạt động của các nhà hoạt động dân chủ… bằng biện pháp thô bạo bắt giữ, cản trở, phá sóng, chặn mạng.
"Nếu người ta đánh giá sự tự do của Internet từ 20, 10 năm trước đến này thì có thể thấy nó tự do, nhưng đánh giá theo tiêu chuẩn của Freedom House chẳng hạn, như việc Việt Nam có bật tường lửa không, có chặn những người viết trên mạng, có bỏ tù blogger không thì Việt Nam đứng hàng đội sổ là đúng.
"Hiện bây giờ người ta đang ráo riết bàn về luật an ninh mạng, đang tìm cách xiết lại. Nhưng đối với giới trẻ Việt Nam, dựng tường lửa chặn trang này trang kia, giới trẻ biết thì 5 phút dùng proxy này browser kia là vượt tường lửa ngon ơ. Một trò mèo vờn chuột mà mèo luôn rất khó bắt được chuột.
"[Việc cấm Internet ở Việt Nam] là một điều rất là khó. Họ làm ko khéo thì họ lại cản trở sự phát triển hội nhập của đất nước", ông Quang A nhận định.
'Đột phá'
Còn ông Hòa thì nhận định việc Việt Nam mở cửa cho Internet là "một bước đột phá".
"Ngày xưa sợ là không quản lý được thì cấm. Nhưng sau đó thay đổi, phải đi theo hướng mở, mở rồi đi theo quản lý. Theo tôi nó đã giúp được rất nhiều, người trẻ có thể tìm kiếm thông tin học hành, mua bán trao đổi thông tin, kết nối bạn bè cộng đồng.
"Đây là một biến đổi lớn nhất, tích cực nhất cho xã hội Việt Nam từ trước đến giờ", ông Hòa kết luận.
Nguồn : BBC, 22/11/2017
**********************
Việt Nam : Tự do Internet dậm chân tại chỗ ? (BBC, 16/11/2017)
Sau đúng 20 năm mở cửa cho Internet, cánh cửa tự do thông tin mạng vẫn đóng chặt ở Việt Nam, theo báo cáo của Freedom House.
Ngày càng nhiều người Việt được tiếp cận với Internet, nhưng sự tự do truyền tải thông tin ngày càng thu hẹp.
Freedom House, tổ chức đánh giá dân chủ do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, xếp hạng Việt Nam 76/100 trên mức thang tự do Internet.
Trên thang 0-100, với 0 tự do nhất, và 100 ít tự do nhất, Việt Nam vẫn nằm trong những nước "không có tự do Internet" cùng với Trung Quốc và Nga, theo báo cáo công bố hôm 14/11 của tổ chức này.
Ngày 19/11 tới đây sẽ đánh dấu 20 năm Việt Nam bắt đầu hòa nhập mạng Internet toàn cầu, theo Thông tấn xã Việt Nam.
Đến nay đã có hơn 50 triệu người dùng mạng Internet, chiếm 53% tổng dân số. Số người dùng mạng tăng nhiều trong nhiều năm qua, nhưng theo báo cáo của các tổ chức phi chính phủ quốc tế, thì sự tự do truyền tải thông tin trên mạng tại Việt Nam lại ngày càng thu hẹp.
Trong khu vực, Việt Nam đứng cuối bảng, chỉ đứng trên Trung Quốc.
Theo báo cáo của Freedom House, tự do Internet ở Việt Nam vào năm 2017 được phản ánh qua tình trạng gia tăng bắt giữ và đàn áp các nhà blogger và nhà hoạt động dân chủ.
Việt Nam đã thả tự do cho 14 blogger và nhà hoạt động khi chịu áp lực từ chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Obama trong năm 2014 và 2015 lúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2016 xảy ra thêm nhiều cuộc bắt giữ và năm 2017 chứng kiến một cuộc trấn áp mạnh mẽ lên các nhà bất đồng chính kiến.
'Chặn mạng, kiểm soát và thao túng thông tin'
Phúc trình của Freedom House đưa ra những dẫn chứng cụ thể về việc giới chức Việt Nam ngăn chặn luồng thông tin bất lợi cho chính quyền hay giới tài phiệt bằng cách chặn mạng, kiểm soát nội dung và thao túng thông tin bằng 'dư luận viên'.
Bản phúc trình của Freedom House nhắc tới vụ đụng độ giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền Hà Nội diễn ra căng thẳng, với việc hôm 19/4 sóng điện thoại và 3G hoàn toàn không hoạt động trong vài giờ đồng hồ ở thôn Hoành, nơi hơn 30 cán bộ công an bị tạm giữ.
Bản phúc trình cũng dẫn chứng vụ ngược đãi động vật và người lao động ở Safari Phú Quốc của Vingroup. Trang Facebook đăng các thông tin liên quan bị đóng tài khoản tạm thời và người quản trị trang sau đó nói 'phải dừng việc đăng thông tin vì lý do an toàn'.
Freedom House cũng nhấn mạnh vào sự tồn tại của một lực lượng được gọi là 'dư luận viên' giúp chính quyền 'thao túng thông tin trên mạng xã hội'.
Thanh niên Việt Nam tham gia một khóa học miễn phí về cách sử dụng Internet tại Hà Nội vào 17/7/2001
Cụ thể là từ 2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tuyên bố thành phố có một đội ngũ 'dư luận viên' 900 người, được 'giao nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền tư tưởng cho Đảng'.
Đội ngũ này đã thành lập 18 trang web và hơn 400 tài khoản để giám sát và định hướng thảo luận trên mạng về mọi chủ đề từ chính sách đối ngoại đến tranh chấp đất đai.
Chưa kể Việt Nam vẫn không ngừng gây áp lực lên hai mạng xã hội phổ biến nhất thế giới là Facebook và Youtube. Theo Freedom House, chính quyền yêu cầu các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam ngừng quảng cáo trên hai trang mạng xã hội trên.
Theo truyền thông Việt Nam, giới chức cũng yêu cầu Youtube tháo gỡ hàng ngàn clip nhưng Google, công ty mẹ của Youtube nói họ chỉ mới nhận được khoảng 50 yêu cầu gỡ bỏ, và từ 2009 đến tháng 12/2016 chỉ có 5 yêu cầu từ chính quyền Việt Nam.
Freedom House cũng đề cập đến phần mềm FinFisher hoạt động trên 25 quốc gia, bao gồm Việt Nam, như một cách để thâm nhập và theo dõi hợp pháp. FinFisher có thể giám sát các cuộc trao đổi, thu thập danh bạ, tin nhắn và email mà không cần sự cho phép của chủ tài khoản.
Việt Nam 'thúc đẩy mạng xã hội của doanh nghiệp Việt'
Trong báo cáo trả lời với với 4 nội dung chính trước phiên chất vấn gửi đại biểu Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn nói Bộ Thông tin và Truyền thông muốn "thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp".
Người ủng hộ blogger/luật sư Nguyễn Hữu Vinh yêu cầu trả tự do cho ông trước phiên tòa xét xử ông vào tháng 3/2016.
Theo Vietnamnet, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông nói "các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài".
Ông Trương Minh Tuấn đề nghị ra các giải pháp, hầu hết là cải thiện hệ thống pháp lý và công cụ quản lý để giám sát lượng thông tin trên mạng.
Ngoài ra, ông nói muốn thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ.
Hiện tại Việt Nam có mạng xã hội Zalo, thuộc sở hữu của tập đoàn Việt NamG. Theo trang báo Zing.vn, cũng thuộc VNG, đến tháng 8/2017, đã có khoảng 80 triệu người dùng Zalo trên toàn thế giới.
Trước đó, có một điều khoản trong Dự luật An ninh mạng trên gây tranh cãi trên mạng xã hội, với lo ngại Facebook và Youtube 'có thể bị đóng cửa ở Việt Nam'.
Khoản 4, Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng có ra quy định các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, internet... phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu ở Việt Nam.
Tuy nhiên trong phiên thảo luận Quốc hội hôm 13/10, có đại biểu cho rằng việc bắt buộc Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam 'là không khả thi'.
Bộ trưởng công an, Thượng tướng Tô Lâm nói "nếu vì đảm bảo an ninh, không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rất lạc hậu, không thể 'chơi được với ai' hay hội nhập với thế giới".
Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều thống nhất trong việc gia tăng quản lý, giám sát thông tin trên mạng vì 'an ninh quốc gia'.
****************
Skype bị gỡ khỏi kho ứng dụng tại Trung Quốc (BBC, 22/11/2017)
Ứng dụng Skype bị xóa khỏi app store ở Trung Quốc, kể cả trên điện thoại của Apple và và máy hệ Android.
Skype hiện không thể tải xuống từ kho ứng dụng trên máy điện thoại Android và iOS ở Trung Quốc
Apple cho biết đây là một trong số vài ứng dụng bị gỡ bỏ sau khi Bắc Kinh tuyên bố các app này không tuân thủ luật pháp trong nước.
Hãng Microsoft, sở hữu Skype, nói với BBC rằng ứng dụng "tạm thời bị gỡ bỏ" và công ty đang "làm việc để khôi phục lại ứng dụng càng sớm càng tốt".
Skype hiện cũng không thể tải xuống từ kho ứng dụng trên máy điện thoại chạy Android ở Trung Quốc.
Truyền thông nước này ghi nhận Skype bị gián đoạn từ hồi tháng Mười.
Thông cáo của Apple viết : "Chúng tôi được Bộ Công an Trung Quốc thông báo rằng một số giao thức điện đàm qua Internet này không tuân thủ pháp luật của nước sở tại".
"Do đó các ứng dụng này bị gỡ khỏi kho ứng dụng ở Trung Quốc".
Trung Quốc chặn WhatsApp trước khi khai mạc Đại hội Đảng
'Kiểm soát ý kiến của người dân'
Trong khi đó, người phát ngôn của Microsoft cho biết : "App Skype trên iOS đã tạm thời bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng ở Trung Quốc... Chúng tôi tin rằng Skype đem lại những lợi ích cho người dùng trên toàn thế giới thông qua việc giao tiếp và hợp tác nhờ app này".
Công ty từ chối bình luận về thời điểm ứng dụng Skype lần đầu tiên bị gỡ bỏ.
Nhân viên BBC ở Trung Quốc đã kiểm tra và thấy Skype không thể tải xuống từ các kho ứng dụng của cả Apple và Apple hôm 22/11.
Apple hứng chịu chỉ trích mỗi khi có ứng dụng bị gỡ khỏi app store Trung Quốc.
Hồi tháng Bảy, Apple đã gỡ bỏ hơn 60 ứng dụng dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) giúp người dùng vượt tường lửa Internet vì họ "bắt buộc phải loại bỏ các ứng dụng này" theo quy định của Trung Quốc.
Luật pháp được xem là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiểm soát ý kiến của người dân và loại bỏ tư tưởng chống chính phủ trên Internet. Việc này khiến dấy lên quan ngại cho các công ty nước ngoài đang cố gắng mở rộng thị phần người dùng ở Trung Quốc.
Hồi tháng 9, dịch vụ WhatsApp bị chặn ở Trung Quốc trong lúc chính phủ nước này tăng cường an ninh trước khi Đại hội Đảng Cộng sản khai mạc.
Những người dùng WhatsApp gặp trục trặc với ứng dụng này.
Đôi lúc, nó bị chặn triệt để và người dùng chỉ có thể truy cập khi vượt tường lửa.
WhatsApp là sản phẩm duy nhất của Facebook được phép hoạt động ở Trung Quốc đại lục.
Bộ tem biển đảo Việt Nam do bưu chính Pháp vừa giới thiệu tại Paris ngày 22/11/2017.Ảnh: RFI Tiếng Việt
Bộ tem « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » (Splendeurs de la mer du Vietnam)do Bưu chính Pháp phát hành đã chính thức ra mắt tối 22/11/2017, tại trụ sở của Unesco Paris. Sự kiện được văn phòng Tinh Hoa Việt (Elite Culturelle du Vietnam) kết hợp với Hội Hữu Nghị Pháp-Việt (Association d’Amitié Franco-Vietnamienne) và Bưu chính Pháp tổ chức nhằm giới thiệu với công chúng Pháp giá trị về vẻ đẹp của biển đảo, chủ quyền lãnh hải, những kho tàng vô giá của Việt Nam.
Bộ tem 5 chiếc gồm hình ảnh về vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Đá Đĩa (Phú Yên), đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và đảo Song Tử Tây (Khánh Hòa).
Tham gia sự kiện ra mắt bộ tem và giới thiệu bộ sưu tập áo dài « Xanh mầu hy vọng » về biển đảo Việt Nam của nhà thiết kế, hoa hậu Ngọc Hân, có khoảng 200 khách mời, trong đó có đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn, chủ tịch Hội Hữu Nghị Pháp-Việt Gérard Daviot, bà Dư Thu Trang, giám đốc công ty Tinh Hoa Việt, ông Benjamin Combes, phụ trách các hoạt động quốc tế của Bưu chính Pháp cùng với nhiều quan chức thành phố Paris.
Đại diện cho Bưu chính Pháp, ông Benjamin Combes giới thiệu về bộ tem mới : « Loạt tem đầu tiên về phong cảnh Việt Nam được giới thiệu tối nay với năm hình ảnh tuyệt đẹp - tôi đã rất cân nhắc từ ngữ của mình - phản ánh vẻ đẹp biển đảo Việt Nam. Những chiếc tem này sẽ chu du khắp nước Pháp, trong nhiều năm sắp tới. « Biển Đảo Việt Nam, vẻ đẹp bất tận » của một đất nước thanh bình còn nhiều chủ đề mà chúng tôi sẽ thực hiện, tiếp tục đồng hành với các bạn trong dự án tương lai ».
Ông Gérard Daviot, chủ tịch hội Hội Hữu Nghị Pháp-Việt, nhấn mạnh đến tình trạng trái đất nóng lên đang đe dọa nhiều phong cảnh tại Việt Nam được Unesco công nhận là di sản tự nhiên, cũng như những vấn đề lớn mà Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt. Theo ông, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Cộng Hòa Pháp, cùng tham gia hành động :
« Nếu như ý tưởng hôm nay đóng góp được vào hành động, chúng tôi đã thực hiện được thách thức giới thiệu rộng rãi hơn đất nước Việt Nam và cho phép ngày càng có nhiều đồng hương Pháp của chúng tôi quan tâm hơn đến Việt Nam và sẽ chọn làm điểm đến trong chuyến du lịch sắp tới của họ ».
Mugabe từ chức, kết thúc bốn thập kỷ nắm quyền (VOA, 21/11/2017)
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe từ chức hôm thứ Ba 21/11, một tuần sau khi quân đội và các đồng minh chính trị của ông hành động chống lại ông, kết thúc chế độ cai trị kéo dài bốn thập kỷ của người từng được xem như một anh hùng độc lập trở thành một lãnh tụ đầy quyền lực tiêu biểu ở Châu Phi.
Harare khi biết tin thời đại của ông Mugabe đã kết thúc.
Theo Reuters, một tuần sau khi quân đội tiếp quản chính quyền và trục xuất ông Mugabe ra khỏi đảng cầm quyền ZANU-PF, ông Mugabe từ chức sau khi quốc hội bắt đầu thủ tục luận tội ông, một hình thức để hợp thức hóa quyết định phế truất ông.
Dân chúng nhảy múa và bấm còi xe reo mừng trên các đường phố của thủ đô Harare khi biết tin thời đại của ông Mugabe đã kết thúc. Ông là người đã lãnh đạo Zimbabwe từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1980.
******************
Bóng dáng Trung Quốc trong khủng hoảng Zimbabwe (RFI, 20/11/2017)
Thứ Tư ngày 15/11/2017 quân đội Zimbabwe đã thực hiện một hành động mà hầu hết giới quan sát xem đấy như là một cuộc đảo chính chống lại tổng thống Robert Mugabe. Bất chấp tối hậu thư của đảng cầm quyền gia hạn cho đến đúng 12 giờ trưa hôm nay, nhưng Robert Mugabe không cho thấy ý định từ nhiệm trong bài diễn văn ngày hôm qua. Trong khi đó, chuyến thăm Trung Quốc của tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe một tuần trước khi xảy ra đảo chính đang đặt ra những nghi vấn về vai trò của Trung Quốc trong vụ này.
Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phát biểu trên đài truyền hình, ngày 19/11/2017. Reuters/Philimon Bulawayo
Theo báo mạng Les Yeux du Monde (Nhãn quan Thế giới), trên thực tế, Bắc Kinh có rất nhiều lợi ích về kinh tế và tài chính tại Zimbabwe. Quan hệ song phương giữa hai nước đã có từ những năm 1980 và được thắt chặt hơn nữa trong những năm 1990. Nếu như với phương Tây, tổng thống Robert Mugabe là nhân vật không được hoan nghênh (persona non grata) vì những lý do nhân quyền, thì Trung Quốc lại không ngần ngại giang tay ủng hộ chế độ chuyên chế của tổng thống Zimbabwe.
Cùng với năm tháng Zimbabwe trở thành đối tác chính và có một vị thế địa chính trị quan trọng trong quá trình Trung Quốc chinh phục châu Phi. Trung Quốc đầu tư như thác đổ vào Zimbabwe trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và khai thác khoáng sản. Nhân dân tệ của Trung Quốc trở thành đồng tiền chính thức của Zimbabwe.
Có thể nói cho đến lúc này Trung Quốc là nhà đầu tư và cung cấp ngoại tệ hàng đầu cho Zimbabwe. Do vậy, theo nhận định của thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bỏ rơi Zimbabwe :
"Việc dùng vũ lực gây sức ép xẩy ra chỉ vài ngày sau khi tướng Constantino Chiwenga, lãnh đạo quân đội Zimbabwe, công du Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi được hỏi phải chăng viên tướng này báo trước cho Bắc Kinh về sự thay đổi chính trị sắp tới ở Zimbabwe, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã trả lời ngắn gọn trước báo chí : Điều duy nhất mà tôi có thể nói với quý vị là chuyến viếng thăm đã diễn ra trong khuôn khổ bình thường của các trao đổi giữa hai nước về những vấn đề quân sự.
Bắc Kinh rất quan tâm đến sự ổn định của Zimbabwe, bởi vì không một nước nào đầu tư vào đây nhiều như Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc vào năm 2015 đã ký một hợp đồng trị giá hơn một tỷ euro để phát triển mở rộng nhà máy nhiệt điện lớn nhất ở Zimbabwe – được miêu tả là dự án hạ tầng cơ sở lớn nhất trong ba thập niên qua. Tiền của Trung Quốc đổ như nước vào quốc gia này, như xây một học viện quân sự mới, lắp đặt một siêu máy tính cho trường đại học, xây trụ sở Quốc Hội mới hay một trung tâm y tế hiện đại nhất.
Theo nhật báo chính thức Hoàn Cầu Thời Báo, thì sẽ không có gì thay đổi cả : Tình hữu nghị lâu đời giữa Trung Quốc và Zimbabwe sẽ vượt qua được những chao đảo nội bộ Zimbabwe".
Trên thực tế, Zimbabwe chẳng khác nào như là một phòng thí nghiệm cho chính sách can thiệp kinh tế của Trung Quốc. Nếu như Zimbabwe có thể đạt những tiến bộ trong lĩnh vực này, điều đó có thể khuyến khích các quốc gia châu Phi khác chuyển sang Trung Quốc và như vậy sẽ càng củng cố thêm uy lực địa chính trị của Trung Quốc vốn dĩ đã hiện diện ngày càng rõ tại châu Phi.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc dường như lo ngại một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài và mong muốn tìm kiếm một giải pháp ổn định. Trung Quốc có lẽ ủng hộ vị phó tổng thống vừa bị cách chức, Emmerson Mnangagwa, theo học về quân sự tại Trung Quốc, được quân đội Zimbabwe hậu thuẫn, vốn được coi là có nhiều khả năng thay thế tổng thống Mugabe hơn là bà Grace Mugabe, muốn kế vị chồng và khó bảo đảm cho các lợi ích của Bắc Kinh ở nước này.
*******************
Con đường Zimbabwe : Từ vựa lúa đến đói nghèo (BBC, 20/11/2017)
Dù Tổng thống Robert Mugabe còn cố ở lại hay bị đẩy đi, 'kỷ nguyên Mugabe' ở Zimbabwe với một loạt thí nghiệm kinh tế - xã hội đang khép lại.
Năm 2013 Zimbabwe có 1,6 triệu dân bị đói và phải nhận viện trợ từ Âu Mỹ
Là 'vựa lúa Châu Phi' với nền nông nghiệp khá hiện đại, Zimbabwe còn thừa hưởng ngôn ngữ và hệ thống pháp luật Anh, lại giành độc lập muộn (năm 1980) nên đã tránh được nhiều sai lầm của phe xã hội chủ nghĩa thời Chiến tranh Lạnh.
Nhưng sang Thế kỷ 21, đảng cầm quyền đã quay lại với những chính sách đáng ra cần phải tránh, và đẩy quốc gia này vào con đường tụt lùi.
Độc lập và chủ nghĩa xã hội
Đảng ZANU-PF là tên viết tắt của "Zimbabwe African National Union - Patriotic Front (Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe - Mặt trận Ái quốc), thuộc phe tả, và chính thức theo đuổi các mục tiêu :
- Chủ nghĩa xã hội Marxist
- Nền độc lập dân tộc Châu Phi
- Chống chủ nghĩa đế quốc
- Lấy nông thôn bao vây thành thị
Ra đời năm 1963, đảng này ngay từ ban đầu đã nhận sự ủng hộ từ Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.
Theo Elizabeth Schmidt trong cuốn "Foreign Intervention in Africa : From the Cold War to the War on Terror" thì cánh vũ trang của ZANU là Patriotic Front (PF), được Trung Quốc huấn luyện chiến tranh du kích, vận động quần chúng nông dân, tổ chức các cuộc tập kích xuyên biên giới, vùng giáp Zambia và Mozambique.
Học thuyết chiến tranh nhân dân của Mao cũng được ZANU áp dụng và họ được người sắc tộc nói tiếng Shona "đùm bọc" thời kháng chiến.
Về tổ chức, ZANU cũng có cơ cấu giống một đảng Marxist kiểu Mao : trên cùng là Bộ Chính trị, dưới là Ban Chấp hành Trung ương, và bên cạnh có Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh...
Cải cách ruộng đất
Cải cách ruộng đất ở Zimbabwe đã đem lại đất canh tác cho người da đen
Sau khi chính phủ phân biệt chủng tộc cuối cùng của người da trắng do Ian Smith (gốc Anh từ Nam Phi) tan rã năm 1979, ông Robert Mugabe lên làm thủ tướng.
Quốc gia Rhodesia đổi tên thành Zimbabwe trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa, "Châu Phi hóa".
Nhưng về kinh tế, ông Mugabe đã mời 200 nghìn điền chủ da trắng ở lại, và trì hoãn chính sách Cải cách ruộng đất để đảm bảo ổn định cho nền nông nghiệp.
Ian Smith, cựu thủ tướng da trắng cũng ở lại Zimbabwe và tiếp tục sống trong trang trại của mình.
Sang đầu thập niên 2000 vì nguy cơ thất cử, Mugabe xoay sang chính sách bài xích người gốc Âu.
Luật Cải cách ruộng đất được chính phủ ZANU-PF thông qua, mà trên thực tế sẽ là tước đoạt các nông trang hiện đại, phì nhiêu của người gốc Âu.
Những người không chịu bán rẻ lại ruộng đất, gia sản cho chính phủ thì bị các nhóm dân quân hoặc côn đồ đến cướp phá. Một số người gốc Âu bị giết chết.
Các nông trang được trao lại cho nông dân Zimbabwe mà đa số không nắm được nghề canh tác.
Điền chủ gốc Âu ở Zimabwe bị đuổi đi : Maria Stevens khóc chồng, David Stevens, người bị một đám côn đồ giết chết trong làn sóng bạo lực hồi năm 2000 chống lại các nhà nông da trắng
Chỉ trong vài năm, từ nước xuất khẩu lúa, thuốc lá, trái cây, Zimbabwe bị nạn đói đe dọa.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP của Zimbabwe sụt từ 6,75 tỷ USD năm 2001 xuống 4,4 tỷ năm 2008.
Chiến tranh Congo
Nhưng cách điều hành của chính quyền ZANU-PF không chỉ tác động xấu đến nông nghiệp.
Cùng lúc, cuộc chiến với Congo khiến ngân sách quốc gia kiệt quệ.
Zimbabwe không hề có biên giới chung với Congo, và hoàn toàn có thể đứng ngoài cuộc chiến giữa Congo, Rwanda, Uganda và Angola.
Nhưng ông Mugabe đã gửi quân sang Congo để "thỏa mãn tham vọng là lãnh tụ Châu Phi", và với quân đội Zimbabwe, chiến tranh là cơ hội kiếm chác.
Quả vậy, theo một điều tra của The Economist, quân đội Zimbabwe vào chiếm vào khai thác vùng có kim cương ở Nam Congo, trong khi Angola thì chiếm các mỏ dầu, còn Rwanda và Uganda thì đào coltan.
Các tướng tá và lãnh đạo Zimbabwe đã bỏ túi nhiều nhưng chi phí chiến tranh thì để ngân sách quốc gia gánh chịu.
Dư luận Zimbabwe bị che mắt vì chiến sự mà hàng nghìn quân nước này tham gia tại Congo trong 5 năm liền.
Sự việc chỉ vỡ lở khi tư lệnh quân đội, tướng Constantine Chiwenga bị các bà vợ của nhiều tướng tá yêu cầu điều tra tình trạng chồng của họ đi đánh nhau bên Congo đã mang về nhà vợ thứ nhì hoặc vợ thứ ba.
Cùng lúc, một ước tính nói ngân sách Zimbabwe chi ra chừng hàng tỷ USD cho chiến phí.
Có ý kiến như của nhà kinh tế John Robertson nói rằng rất có nhiều khả năng ngoài việc khai thác gỗ và kim cương, các khoản tiền đã "lưu lạc sang tài khoản ở ngân hàng Thụy Sỹ" mà giới cầm quyền Zimbabwe làm chủ.
Nhưng điều chắc chắn là các chỉ số tài chính Zimbabwe trở nên thê thảm : lạm phát phi mã, từ 59% năm 2000 lên 80 tỷ phần trăm vào cuối năm 2008.
Chính quyền Mugabe dùng các biện pháp hành chính phản kinh tế để cứu vãn : cấm tăng giá, bắt nhốt các nhà buôn tăng giá hàng hóa, và đặt việc dùng tiền đô la Mỹ, và đồng euro ra ngoài vòng pháp luật.
Điều này chỉ khiến hơn 30% trao đổi kinh tế Zimbabwe diễn ra "ngoài luồng", và buôn lậu tăng mạnh.
Zimbabwe đạt vị trí 175 trên 180 nước trong bảng tự do kinh doanh của Heritage Foundation.
Vào năm 2006, Zimbabwe đạt thêm một kỷ lục nữa : tuổi thọ thấp nhất thế giới.
Cùng lúc phần trăm người nhiễm HIV cao vào loại nhất thế giới : 14% dân số tuổi 15-49.
Đầu tư Trung Quốc và tương lai kinh tế
Hai ông Tập Cận Bình và Robert Mugabe nắm chặt tay nhau trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc sang Zimbabwe năm 2015
Sau Khủng hoảng tài chính 2008, chính quyền Mugabe đã nới lỏng nhiều chính sách kinh tế độc đoán.
Ngoại tệ được sử dụng trở lại.
Chính sách quốc hữu hóa và trao đất cho nông dân bản địa không có kiến thức canh tác được ngưng.
Trong 2500 nông trang lớn của người gốc Âu làm chủ, sau này chỉ còn lại vài trăm không bị mua rẻ hoặc tàn phá.
Nhưng vào năm 2013, Hiệp hội Nhà nông Zimbabwe của người gốc Âu đã đưa ra một kế hoạch tái thiết nông nghiệp trong hoàn cảnh chừng 1,6 triệu người tiếp tục bị đói.
Một số công ty, tập đoàn Nam Phi được quay trở lại đầu tư vào nông nghiệp.
Ngành xuất khẩu thuốc lá tìm thấy thị trường lớn là Trung Quốc.
Năm 2016, Zimbabwe bán được gần 600 triệu USD thuốc lá.
Trung Quốc cũng bỏ tiền vào ngành khai khoáng, bán lẻ và giao thông công chính.
Nước này hiện là nhà đầu tư số một ở Zimbabwe và cũng cung cấp phần lớn vũ khí cho quân đội Zimbabwe.
Một số khu nông trại từng có chủ da trắng bị trục xuất đi, rơi vào cảnh hoang tàn, nay do công ty Trung Quốc quản lý.
Ngoài vàng và platinum, Zimbabwe tiếp tục xuất khẩu kim cương : 961 nghìn carats năm 2016.
Nhưng Zimbabwe tiếp tục là quốc gia nghèo và tham nhũng cao.
Doanh nhân Trung Quốc tại chợ bán buôn thuốc lá ở Harare, Zimbabwe
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) nói mỗi năm, quốc gia 16 triệu dân này mất đi 1 tỷ USD vì tham nhũng.
Cảnh sát, chính quyền địa phương và ngành giao thông là ba "khu vực tham nhũng" nặng nhất.
Nhưng tham nhũng quyền lực và các thương vụ làm ăn của quan chức cao cấp cũng là vấn đề nghiêm trọng.
Hiện Zimbabwe chưa rõ sẽ đi về hướng nào.
Nhưng bất cứ chính phủ nào lên cầm quyền thì việc phục hồi kinh tế quốc gia còn cần rất nhiều chính sách tốt.
Trong một kho tư liệu ảnh về Chiến tranh Việt Nam có bức hình lạ : voi trên tàu thủy ở Việt Nam.
Một con voi của Việt Minh đem hàng lên tàu Ba Lan Kilinski năm 1955
Chú thích của hình, mà nay thuộc AFP/Getty Images, chỉ ghi ngắn gọn :
"Ảnh công bố lần đầu 26/04/1955 : một quản tượng Việt Nam trên tàu hơi nước Ba Lan, Kilinski để vận chuyển quân đội cộng sản ra Bắc Kỳ (Tonkin)".
Câu chuyện tàu Jan Kilinski của Ba Lan, tham gia chiến dịch quốc tế chuyển người ở Việt Nam sau Hiệp định Geneva thì đã được nói đến nhiều.
Nhưng số phận của đàn voi hoặc một vài con voi thì còn ít được nhắc tới, ít ra là ở Việt Nam.
Tàu hàng thành tàu bệnh viện ?
Nhưng chuyện về tàu Kilinski còn được ghi lại trong lịch sử ngành y, từ một góc độ hoàn toàn khác.
Carl Bartecchi, trong 'A Doctor's Vietnam Journal' (Nhật ký Việt Nam của một bác sỹ) đã mô tả lại bệnh dịch hoành hành trên con tàu Ba Lan và các chuyến hải hành cực khổ vào Nam ra Bắc, tổng cộng 370 ngày.
Tàu Kilinski sang Việt Nam hai lần, năm 1955-56 và 1972
Tàu Kilinski đã thực hiện cả thảy 27 chuyến vào Nam ra Bắc, chuyên chở tới 85 ngàn bộ đội Việt Minh tập kết, theo quy định của Hiệp định Geneva.
Carl Bartecchi viết một phần vì nhiều người đã mắc các bệnh nhiệt đới và không ít còn bị thương nên tình trạng của họ còn khủng khiếp hơn khi bị say sóng.
Vấn đề y tế và các bệnh nhiệt đới trên tàu Kilinski được ghi nhận trong các tài liệu y tế, vì đây là một lần hiếm có khi thủy thủ đoàn toàn người Châu Âu tiếp xúc và phục vụ một số lượng rất đông đảo người Việt Nam, đa số từ bưng biền đi ra, liên tục trong nhiều tháng.
Thủy thủ đoàn và nhiều hành khách, mỗi chuyến tàu chở 3000 tới 4000 người, đã mắc bệnh tiêu chảy và trên con tàu không có ai là bác sỹ, theo tác giả Bartecchi.
Trước khi xem lại chuyện 'vườn thú', ta hãy tìm hiểu xem các nguồn của Ba Lan viết gì về chuyến tàu lịch sử này.
Trên trang Porta Mare của ngành hàng hải Ba Lan, có cuộc phỏng vấn với chính ông Miroslaw Jurdzinski, từ tàu Kilinski năm đó.
Ông Jurdzinski, người sau này thành giáo sư Đại học Bách khoa Gdansk và Học viện Hàng hải Gdynia, đã kể một số chi tiết thú vị.
Các vấn đề kỹ thuật
Theo ông, đây là tàu vận tải hơi nước do Mỹ sản xuất, loại Victory-C3, được một công ty hàng hải Ba Lan mua lại năm 1947.
Tháng 10/1954 : một đơn vị Việt Minh vào Hà Nội trên cầu Long Biên (khi đó còn có tên là cầu Paul Doumer)
Tàu do thuyền trưởng Romuald Cielewicz chỉ huy đã phải chỉnh sửa ở Trung Quốc để cải tạo thành tàu chở khách trước khi sang Việt Nam.
Trong 200 ngày trước khi bàn giao lại miền Nam cho quân Pháp, Việt Minh lập ra ba điểm tập kết ở Cà Mau, Vũng Tàu - ông Jurdzinski dùng từ cũ là Cap Saint Jacques - và Quy Nhơn.
Các điểm này đều có thủy triều cao, hoặc sát bờ là bãi sình lầy, gây khó khăn lớn cho việc vận chuyển xe cộ, vũ khí, hàng hóa, thương binh lên tàu.
Voi và thuyền được đem vào sử dụng cho việc chuyển quân và hàng ra tàu.
Trang của tỉnh Cà Mau viết Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn "lên tàu Kilinski ở cửa sông Ông Đốc, thuộc khu tập kết ở báo đảo Cà Mau nhưng nửa đêm bí mật xuống tàu ở lại".
Một tài liệu khác ở Ba lan nói có 12 voi gốc từ Campuchia (hoặc từ vùng giáp biên giới) đã được Việt Minh dùng thời kháng chiến có mặt tải hàng cho tàu Kilinski.
Nhưng một bài trên Tuổi Trẻ (10/2014) trích lời ông Đỗ Thái Bình kể lại về tàu Ba Lan và hai tàu Liên Xô trong chiến dịch tập kết thì bốn voi là voi Việt Nam :
"Đó là những con voi Tây Nguyên được thuần hóa, đã từng băng rừng vượt suối tải gạo, tải đạn, tải thương, tham gia những chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê (1952)".
Trên chuyến tàu cuối cùng thì cả đàn voi cũng ra Bắc luôn, theo ông Jurdzinski.
Trên suốt tuyến đường ra Bắc, chiếc tàu Ba Lan không hề có bản đồ và cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đều không có kênh thông tin hàng hải về thời tiết.
Vì thế, thủy thủ đoàn Ba Lan phải lắng nghe tin radio của Hoa Kỳ bên Philippines để tránh bão, theo ông Jurdzinski.
Liên Xô, Pháp, Ba Lan và Miến Điện
Lý do tàu Kilinski sang Việt Nam nhận một nhiệm vụ khác thường là vì chính phủ Hồ Chí Minh nhờ Liên Xô trợ giúp cho công tác tập kết quân nhân của họ.
Nhưng Liên Xô chỉ cử được hai tàu Arkhangelsk, Stavropol và yêu cầu Ba Lan giúp.
Con tàu mang tên vị anh hùng Ba Lan chống lại Nga năm 1794, Jan Kilinski, người có tượng ở khu Thành Cổ Warsaw, lại tham gia một chiến dịch do Moscow chỉ đạo.
Ngoài voi còn có không ít quân nhân Pháp, và trong số họ là người Pháp gốc Ba Lan, tham gia vận chuyển hàng hóa, người lên tàu.
Ông Jurdzinski kể rằng các cán bộ Việt Minh không đủ trình độ để thông báo các thông số kỹ thuật về hàng hóa lên tàu.
Phía Việt Minh cũng đưa cả súng đạn, xe cộ để mang ra Bắc và theo ông Jurdzinski, thật may mắn là các khối hàng "hết sức nguy hiểm" được chuyển đi an toàn qua cả các trận bão.
Các lính Pháp trẻ tuổi đã thực hiện nhiều chuyến chở bộ đội Việt Minh bằng thuyền đổ bộ từ bờ ra tàu Kilinski.
Cũng chính nhờ hỏi các lính Pháp gốc Ba Lan nên thủy thủ đoàn đã tổ chức tốt hơn các chuyến nhận người và hàng, cũng như tình trạng sức khoẻ của quân Việt Minh.
Hoạt động của tàu Kilinski chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn, gồm nhiều tàu của Pháp, Liên Xô, và có tàu Mỹ (USS Bayfield) và Anh (HMS Warrior) vận chuyển người Việt Nam.
Các sử liệu nói con số người dân di cư vào Nam đông gấp nhiều lần số quân nhân Việt Nam tập kết ra Bắc.
Trong một chuyến từ Bắc vào Nam, tàu Kilinski đã chở đồng bào di cư từ Thanh Hóa.
Trong thời gian ở Việt Nam, tàu Kilinski còn sang Miến Điện chuyển gạo về giúp chính quyền VNDCCH chống đói.
Thực chất vấn đề y tế
Khác với bức tranh khá đen tối mà Carl Bartecchi mô tả trong sách, dịch vụ y tế cho các chuyến tập kết được tổ chức đều, theo ông Miroslaw Jurdzinski.
Ngoài một bác sỹ Pháp tên là Furlonge, còn có bác sỹ Phạm Kinh (hoặc Kính - bản tiếng Ba Lan ghi là Pham Kihn), là người Việt Nam có mặt trên tàu.
Ông Jurdzinski cũng nói ở các bến đỗ luôn có các nhóm y bác sỹ Việt Nam lên tàu kiểm tra sức khoẻ, điều trị thương binh.
Nhưng bệnh tiêu chảy hoành hành là có thật.
Là người có kinh nghiệm y tế ở Antwerp, Bỉ, ông Jurdzinski đã lo kiểm tra sức khoẻ cho các bộ đội Việt Nam và thủy thủ Ba Lan.
Dù vậy, sau mấy tháng đi biển liên tục từ miền Nam ra Hòn Gai và quay lại hàng chục lần, trong thủy thủ đoàn tàu Ba Lan có tới 80% mắc bệnh nhiệt đới.
Có một thủy thủ người gốc Hy Lạp bị suy sụp tinh thần vì lao lực và tự tử không chết.
Món quà cho Ba Lan
Tàu Kilinski, theo lời ông Jurdzinski, đã để lại hai "di sản" bất ngờ cho Ba Lan.
Một là việc lập ra tại Gdansk trung tâm điều trị bệnh nhiệt đới đầu tiên ở Ba Lan, chỉ để chữa trị và nghiên cứu bệnh mà thủy thủ đoàn tàu Kilinski "mang về".
Theo ông Jurdzinski, khi biết vườn thú Oliwia, cần động vật quý hiếm, phía Việt Nam đã tặng cho họ bảy con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, hai con cáo, hai con chồn và một con voi.
Cả bầu đoàn voi khỉ chim chóc đó được các thủy thủ Ba Lan đã về 'quê mới' vào mùa hè năm 1956.
Chuyến đi cũng được báo chí Ba Lan ghi lại, với chuyện con voi gây khốn đốn cho các thủy thủ Ba Lan.
Số thân chuối tươi họ mang theo chỉ đủ cho voi ăn trong một tuần và đến Sri Lanka, tàu phải cử người lên bộ mua cỏ.
Nhưng voi không buồn ăn cỏ.
Đến Kênh đào Suez, người Ba Lan lại lên bờ tìm mua rất nhiều bắp cải.
Voi cũng không ăn bắp cải Ai Cập mà còn lấy vòi nhặt bắp cải ném vào thủy thủ.
Cuối cùng thì voi Việt Nam lại thích các món Ba Lan như khoai tây và củ cải đỏ và tàu đã phải 'nhập hàng' loại này khi vào Kênh Nord-Ostsee ở Đức để nuôi voi.
Về tới cảng Ba Lan, đoàn thú được đón tiếp linh đình và voi được 'nhập cảnh' với cái tên 'Partyzant' (Du kích).
Chiến tranh và đình chiến là câu chuyện lớn với hàng triệu người Việt Nam nhưng số phận chú voi 'sang Ba Lan định cư' cũng rất quan trọng với dân Gdansk.
Trang web thành phố đến nay rất còn tiếc rằng Con voi Du kích, "món quà oách nhất từ Việt Nam xa xôi cho sở thú Oliwia', đã không được 'nhập hộ khẩu' Gdansk.
Sau khi thủy thủ đoàn được Tổng bí thư Boleslaw Bierut đón tiếp long trọng để cảm ơn thì thủ đô Warsaw cũng rước luôn chú voi về để ở vườn thú trung ương.
Trang về lịch sử vườn thú Gdansk viết :
"Tiếu lâm thời đó nói voi Liên Xô là người cộng sản cao to nhất thế giới, voi Cuba là cậu em của nó, còn voi Việt Nam thì không được nói đến... vì ngay lập tức chúng tôi đã phải gửi nó lên Warsaw".
Vườn thứ Warsaw từng có voi Tuzinka nhưng bị quân phát-xít cướp đem về Đức hồi Thế Chiến 2.
Con voi Việt Nam đã góp mặt nâng cấp vườn thú thủ đô và thu hút nhiều trẻ em đến xem.
Nó qua đời hai năm sau đó và nay vẫn có một trang Wikipedia riêng bằng tiếng Ba Lan.
Tình trạng vi phạm bản quyền đang gây thiệt hại rất lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, theo một nữ doanh nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.
Đạo diễn phim Kong Đảo đầu lâu cũng từng đối mặt vấn đề vi phạm bản quyền phim tại Việt Nam.
Việc vi phạm bản quyền phim ảnh như vậy gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho nhà sản xuất mà còn cho hãng phát hành phim, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) nói với BBC hôm 14/11.
Việc quay lén, sang in băng đĩa lậu là điều diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua.
Mới đây nhất là vụ vi phạm bản quyền đối với phim Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, bị một khán giả quay lén ngay trong rạp tại Thành phố Vũng Tàu rồi phát trực tiếp trên Facebook.
"Các hãng phim ở Việt Nam chủ yếu là hãng tư nhân sản xuất phim. Doanh thu rất quan trọng để hãng trả cho nhà sản xuất, để nhà sản xuất tái đầu tư phim của mình," bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.
"Nếu bị ăn cắp bản quyền dẫn đến doanh thu ít thì chỉ sản xuất được phim đơn giản, tốn ít chi phí".
"Nền công nghiệp sáng tạo sẽ không thể phát triển tại bất kỳ quốc gia nào để xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng".
Ngày 15/11, đại diện của Ngô Thanh Vân, BHD và công an có kế hoạch làm việc với người đã đưa video livestream lên Facebook để 'tìm hướng giải quyết và xử lý', bà Hạnh cho BBC biết.
Đạo diễn, diễn viên Charlie Nguyễn, diễn viên Kiều Minh Tuấn và nghệ sĩ Hồng Vân đã từng rất bức xúc khi phim Em chưa 18 và Xóm trọ 3D bị quay lén rồi đưa lên mạng.
Phim Kong : Đảo đầu lâu của đạo diễn Mỹ Jordan Vogt-Roberts với 70% bối cảnh tại Việt Nam cũng bị các trang mạng phát tán tràn lan chỉ sau vài ngày chiếu.
Vi phạm bản quyền 'nghiêm trọng và đáng buồn'
Bà Ngô Thị Bích Hạnh nhấn mạnh vi phạm bản quyền ở Việt Nam là 'nghiêm trọng và đáng buồn' và góp phần 'giết chết ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước'.
"Nhiều bạn trẻ coi hành động đó là bình thường nhưng đó là ăn cắp sản phẩm trí tuệ," bà Hạnh nói.
Được biết ê-kíp sản làm phim của Ngô Thanh Vân đã liên hệ với đại diện Facebook tại Việt Nam và đoạn video clip quay lén nội dung phim được gỡ xuống.
Trên Facebook cá nhân, Ngô Thanh Vân bày tỏ sự thất vọng, chán nản và nói 'đây có thể là bộ phim cuối cùng tôi sản xuất.' Đây là lần thứ liên tiếp hai thành quả lao động của cả một tập thể sản xuất phim bị 'ăn cắp trắng trợn', nhà sản xuất phim nói.
Biện pháp hạn chế
Đánh giá về tình trạng vi phạm bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ, luật sư Phùng Thanh Sơn từ Công ty Thế giới Luật pháp nói chủ yếu là do 'nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế'.
Việc này "không hoàn toàn do lỗ hổng của pháp luật hay do việc thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ chưa nghiêm", Luật sư Sơn nói với BBC.
Tuy nhiên, Luật sư Sơn nhìn nhận một thực tế rằng công nghệ kỹ thuật phát triển khiến giới chức có thể lúng túng trong việc xử lý vi phạm, bởi các hình thức vi phạm sở hữu trí tuệ hiện đã "vượt ra khỏi các quy định hiện tại".
"Điển hình là hành vi livestream khi phim đang chiếu chỉ mới xuất hiện khi mạng xã hội có tính năng livestream". ông nói. "Do đó, nhà nước cần cập nhật thực tiễn cuộc sống để sớm có văn bản hướng dẫn cho phù hợp".
Nếu dựa trên luật hiện hành, theo Luật sư Sơn, thì hành vi livestream khi phim đang chiếu "là một hình thức phân phối tác phẩm đến công chúng".
Nếu việc phân phối không được sự cho phép của tác giả thì đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 170a Bộ luật Hình sự, là điều luật có khung hình phạt tối đa là 3 năm, hoặc phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng cần có những biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn để mọi người có trách nhiệm với các tác phẩm điện ảnh nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung.
"Một bộ phim là sản phẩm trí tuệ của rất nhiều người, tốn rất nhiều tiền đầu tư và thời gian thực hiện có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm," bà Hạnh nói.
Trong vụ Cô Ba Sài Gòn, video clip bị phát đi dưới hình thức livestream đã thu hút hơn 5,3 nghìn lượt xem chỉ sau 30 phút phát trên mạng. Với mức vé trung bình 60.000 đồng, nhà sản xuất ước tính thiệt hại hơn 342 triệu đồng.
Một nghị viên gốc Việt của hội đồng thành phố tại California, Mỹ nói với BBC rằng Dự luật nhập cư mới của Mỹ - RAISE Act, "ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người Việt".
Người biểu tình phản đối quyết định chấm dứt chương trình Daca của Tổng thống Donald Trump ở San Diego hôm 5/9
Dự luật tạm diễn giải là Cải cách Di trú Mỹ Vì Việc làm tốt, thay đổi luật về di trú theo diện bảo lãnh gia đình, dạng bảo lãnh "đa sắc tộc" và giới hạn dân tỵ nạn được nhận vào Mỹ.
Hôm 13/2, hai thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton và David Perdue đề xuất dự luật, cho biết họ trông đợi nó có thể giúp cắt giảm 40% lượng dân nhập cư tại Mỹ trong năm đầu được áp dụng và đến 50% trong năm thứ mười.
Dự luật đã được trình lên Thượng viện Mỹ hôm 13/2.
"Hiện tại, bình quân mỗi năm, nước Mỹ đón gần 1 triệu dân nhập cư, tương đương số dân của cả bang Montana, nhưng ước tính chỉ 1/15 dân nhập cư là có tay nghề cao, còn lại hầu hết ít hoặc không có tay nghề", ông Cotton nói.
Theo dữ liệu cuối tháng 11/2016 của Trung tâm Visa Quốc gia Mỹ, có hơn 200,000 người Việt đang chờ thủ tục bảo lãnh di trú vào Mỹ.
Số người đang chờ bảo lãnh
Ông Cotton cho biết thêm : "Trong trường hợp cha mẹ của công dân Mỹ già yếu cần được chăm sóc, Mỹ sẽ cung cấp một loại thị thực có thể gia hạn cho những người này, với điều kiện họ không được phép đi làm, hưởng phúc lợi xã hội, và mọi trợ giúp về tài chính và bảo hiểm sức khỏe phải do con cái là công dân Mỹ cung cấp".
Hôm 22/2, trả lời BBC từ bang California, ông Tâm Nguyễn, nghị viên hội đồng thành phố San Jose, cho biết "Luật này nếu thông qua sẽ chấm dứt tình trạng được gọi là 'Chain immigration' tức là chỉ cần một người qua Mỹ thì sau đó bảo lãnh vợ, con, gia đình sui gia, anh chị em, và sau đó đến lượt họ bảo lãnh gia đình kế tiếp".
"Chỉ sau ba tuần công bố, dự luật nhận được sự ủng hộ của một số tổ chức bảo thủ, còn phe cấp tiến thân thiện với người di dân thì chưa thấy chống đối nào đối với dự luật".
"Tuy nhiên, hậu quả của luật này sẽ làm thay đổi toàn diện tương lai di trú và coi như chấm dứt việc bảo lãnh cho thân nhân đại gia đình người Việt vào Mỹ", ông Tâm nói.
Nếu RAISE Act được thông qua, chỉ có 8,470 đơn của dạng bảo lãnh vợ,chồng, con cái dưới 21 sẽ được chấp nhận. Còn lại hơn 250.000 đơn sẽ bị hủy.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Tom Cotton (trái) và David Perdue (phải) tại buổi họp báo hôm 7/2
Con số 266.297 này chỉ tính số lượng đơn đã được Bộ Ngoại Giao Mỹ thông qua, còn một số lượng lớn đang ứ đọng ở Sở Di trú Hoa Kỳ (USCIS).
'Khả năng cao sẽ được thông qua'
RAISE Act phải được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua, và sẽ trở thành luật sau khi Tổng thống Trump ký thành luật.
Đảng Cộng hòa vốn ủng hộ chính sách hạn chế nhập cư đều đang chiếm số đông trong cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Ông Cotton nói trong cuộc họp báo rằng ông đã nói chuyện với Tổng thống Trump. Tuy không nói rõ ông Trump ủng hộ dự luật, nhưng ông cho rằng dự luật phù hợp với những ưu tiên trong chính sách về dân nhập cư của tổng thống.
Mặc dù có một số lượng lớn nghiên cứu minh chứng dân nhập cư giúp tăng trưởng kinh tế, nhưng ông Cotton hoàn toàn bác bỏ các nghiên cứu này trong buổi họp báo giới thiệu dự luật.
Nghị viên Tâm Nguyễn nói : "Do lưỡng viện Mỹ đang bị phe Cộng hòa kiểm soát tuyệt đối, khả năng dự luật được thông qua tương đối dễ dàng, giống như việc phê duyệt nội các của Tổng thống Trump, và mới đây là việc bổ nhiệm bà Betsy DeVos làm bộ trưởng giáo dục".
"Tôi thiết nghĩ tất cả cử tri Việt nên viết thư cho bà dân biểu Stephanie Murphy để vận động bảo vệ quyền lợi của các gia đình Việt Nam", ông Tâm Nguyễn nói với BBC.
Một luật sư người Mỹ gốc Việt từ Quận Cam, California cho rằng dự luật RAISE của Hoa Kỳ sẽ siết chặt nhập cư và nếu được thông qua, nó sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều người, trong đó có người Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Lân, văn phòng Luật Nguyễn Quốc Lân và cộng sự, nói với BBC Tiếng Việt rằng dự luật tuy có thể gặp phải phản đối mạnh mẽ của phe Dân chủ, nhưng có khả năng được thông qua.
Đây là nỗ lực không chỉ nhằm giảm thiểu người di dân bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, mà cả người di dân hợp pháp, và "gia tăng khả năng sống tự lập của những người di dân hợp pháp mà không trở thành gánh nặng cho của xã hội Hoa Kỳ", luật sư Lân nói.
Nếu chương trình này tổng quát thực hiện được, thì họ có thể giảm số lượng di dân toàn diện vào Hoa Kỳ từ một triệu xuống còn khoảng 500.000 người ngay trong năm đầu tiên".
Ông Nguyễn Quốc Lân cũng cho biết Hoa Kỳ sẽ xem xét lại cả mảng thị thực đầu tư và thị thực cho các chuyên gia vào quốc gia này.