Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

15/11/2017

'Cô Ba Sài Gòn' và nạn vi phạm bản quyền ở Việt Nam

BBC tiếng Việt

Tình trạng vi phạm bản quyền đang gây thiệt hại rất lớn cho ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, theo một nữ doanh nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh.

coba2

Đạo diễn phim Kong Đảo đầu lâu cũng từng đối mặt vấn đề vi phạm bản quyền phim tại Việt Nam.

Việc vi phạm bản quyền phim ảnh như vậy gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho nhà sản xuất mà còn cho hãng phát hành phim, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) nói với BBC hôm 14/11.

Việc quay lén, sang in băng đĩa lậu là điều diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam trong thời gian qua.

Mới đây nhất là vụ vi phạm bản quyền đối với phim Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, bị một khán giả quay lén ngay trong rạp tại Thành phố Vũng Tàu rồi phát trực tiếp trên Facebook.

"Các hãng phim ở Việt Nam chủ yếu là hãng tư nhân sản xuất phim. Doanh thu rất quan trọng để hãng trả cho nhà sản xuất, để nhà sản xuất tái đầu tư phim của mình," bà Ngô Thị Bích Hạnh nói.

"Nếu bị ăn cắp bản quyền dẫn đến doanh thu ít thì chỉ sản xuất được phim đơn giản, tốn ít chi phí".

"Nền công nghiệp sáng tạo sẽ không thể phát triển tại bất kỳ quốc gia nào để xảy ra tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng".

Ngày 15/11, đại diện của Ngô Thanh Vân, BHD và công an có kế hoạch làm việc với người đã đưa video livestream lên Facebook để 'tìm hướng giải quyết và xử lý', bà Hạnh cho BBC biết.

Đạo diễn, diễn viên Charlie Nguyễn, diễn viên Kiều Minh Tuấn và nghệ sĩ Hồng Vân đã từng rất bức xúc khi phim Em chưa 18 và Xóm trọ 3D bị quay lén rồi đưa lên mạng.

Phim Kong : Đảo đầu lâu của đạo diễn Mỹ Jordan Vogt-Roberts với 70% bối cảnh tại Việt Nam cũng bị các trang mạng phát tán tràn lan chỉ sau vài ngày chiếu.

Vi phạm bản quyền 'nghiêm trọng và đáng buồn'

Bà Ngô Thị Bích Hạnh nhấn mạnh vi phạm bản quyền ở Việt Nam là 'nghiêm trọng và đáng buồn' và góp phần 'giết chết ngành công nghiệp sáng tạo của đất nước'.

"Nhiều bạn trẻ coi hành động đó là bình thường nhưng đó là ăn cắp sản phẩm trí tuệ," bà Hạnh nói.

Được biết ê-kíp sản làm phim của Ngô Thanh Vân đã liên hệ với đại diện Facebook tại Việt Nam và đoạn video clip quay lén nội dung phim được gỡ xuống.

Trên Facebook cá nhân, Ngô Thanh Vân bày tỏ sự thất vọng, chán nản và nói 'đây có thể là bộ phim cuối cùng tôi sản xuất.' Đây là lần thứ liên tiếp hai thành quả lao động của cả một tập thể sản xuất phim bị 'ăn cắp trắng trợn', nhà sản xuất phim nói.

Biện pháp hạn chế

Đánh giá về tình trạng vi phạm bản quyền và vi phạm sở hữu trí tuệ, luật sư Phùng Thanh Sơn từ Công ty Thế giới Luật pháp nói chủ yếu là do 'nhận thức, hiểu biết của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế'.

Việc này "không hoàn toàn do lỗ hổng của pháp luật hay do việc thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ chưa nghiêm", Luật sư Sơn nói với BBC.

Tuy nhiên, Luật sư Sơn nhìn nhận một thực tế rằng công nghệ kỹ thuật phát triển khiến giới chức có thể lúng túng trong việc xử lý vi phạm, bởi các hình thức vi phạm sở hữu trí tuệ hiện đã "vượt ra khỏi các quy định hiện tại".

"Điển hình là hành vi livestream khi phim đang chiếu chỉ mới xuất hiện khi mạng xã hội có tính năng livestream". ông nói. "Do đó, nhà nước cần cập nhật thực tiễn cuộc sống để sớm có văn bản hướng dẫn cho phù hợp".

Nếu dựa trên luật hiện hành, theo Luật sư Sơn, thì hành vi livestream khi phim đang chiếu "là một hình thức phân phối tác phẩm đến công chúng".

Nếu việc phân phối không được sự cho phép của tác giả thì đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả, có thể bị xử lý hình sự theo Điều 170a Bộ luật Hình sự, là điều luật có khung hình phạt tối đa là 3 năm, hoặc phạt tiền tối đa là 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng cần có những biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn để mọi người có trách nhiệm với các tác phẩm điện ảnh nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật nói chung.

"Một bộ phim là sản phẩm trí tuệ của rất nhiều người, tốn rất nhiều tiền đầu tư và thời gian thực hiện có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm," bà Hạnh nói.

Trong vụ Cô Ba Sài Gòn, video clip bị phát đi dưới hình thức livestream đã thu hút hơn 5,3 nghìn lượt xem chỉ sau 30 phút phát trên mạng. Với mức vé trung bình 60.000 đồng, nhà sản xuất ước tính thiệt hại hơn 342 triệu đồng.

Quay lại trang chủ
Read 648 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)