Khi mọi chú ý đổ dồn vào cựu Tổng thống Donald Trump với khả năng ông sắp tuyên bố ra tái ứng cử và cuộc khám xét dinh thự Mar-a-Lago, con đường giành lại quyền kiểm soát Quốc hội của đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ trở nên chông gai hơn, các chiến lược gia trong đảng thừa nhận.
Dân biểu Kevin McCarthy, lãnh đạo khối Cộng hòa ở Hạ viện, đang hướng đến giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Dân chủ
Đảng Cộng hòa đang hướng tới giành lại cả Hạ viện, Thượng viện trong kỳ bầu cử vào tháng 11 tới sau khi đã mất cả hai viện và Nhà Trắng vào tay đảng Dân chủ hồi năm 2020 và họ đang có lợi thế với tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden đang ở mức thấp cùng nỗi lo lạm phát và kinh tế suy thoái đang bao phủ người dân.
Tuy nhiên, những ồn ào xung quanh ông Trump khiến ông trở thành chủ đề nổi bật trên truyền thông trong thời gian qua đang có nguy cơ đẩy đảng Cộng hòa ngày càng xa mục tiêu này.
‘Đừng để bị phân tâm bởi Trump’
Dân biểu Tom Emmer của bang Minnesota, người phụ trách chiến lược tranh cử của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, đã có lời khuyên sau đây dành cho các ứng viên và các dân biểu đương nhiệm của đảng ở các bang chiến trường quan trọng : ‘Đừng để bị phân tán vào ông Donald Trump, và thay vào đó hãy tập trung vào các vấn đề mà đảng Cộng hòa xem là nổi trội nhất đối với cử tri’.
Hướng dẫn này cho thấy sự ngầm hiểu giữa các lãnh đạo đảng Cộng hòa rằng cựu Tổng thống Trump có thể làm chệch hướng thông điệp giữa nhiệm kỳ của Đảng. Nó cũng cho thấy sự chuyển hướng chiến lược vốn đã được vận dụng trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, khi mà việc tán thành ông Trump – hay ít nhất là không xa lánh ông và khối cử tri của ông – được coi là cần thiết để chiến thắng.
Phát ngôn nhân của Dân biểu Emmer cho biết Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng hòa (NRCC) đã khuyên các ứng viên của đảng tập trung vào các vấn đề quan trọng đối với cử tri, như lạm phát, tội phạm và biên giới, và nhấn mạnh rằng ông Trump không có tên trong lá phiếu vào mùa thu này và do đó ông Trump không phải là trọng tâm trong các cuộc thảo luận chiến lược của đảng.
"Các ứng viên nắm rõ nhất về địa hạt của họ", Michael McAdams, giám đốc truyền thông NRCC, nói. "Các cuộc thăm dò công khai và riêng tư cho thấy bầu cử giữa kỳ sẽ là cuộc trưng cầu dân ý về chương trình nghị sự thất bại của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ, vốn khiến cử tri phải trả mức giá kỷ lục, đối phó với tội phạm bạo lực tăng vọt và tầng lớp trung lưu đối mặt khả năng tăng thuế hàng tỷ đô la".
Dân biểu Cộng hòa Don Bacon của bang Nebraska, vốn đang đối mặt cuộc đua tái tranh cử gay gắt ở một hạt mà ông Biden từng thắng, tán thành chiến lược này. Ông được CNN dẫn lời nói : "Tom Emmer, và tôi nghĩ Kevin McCarthy và Steve Scalise (hai lãnh đạo Cộng hòa ở Hạ viện), đều nói rằng chúng ta nên tập trung vào các vấn đề - và họ đã làm đúng".
"Trọng tâm của chúng ta nên là năm 2022. Nếu đó là năm 2024 (bầu cử tổng thống, mà ông Trump đã tỏ ý muốn ra tranh cử), thì chúng ta sẽ bị tổn thương… Chúng ta cần tập trung giành chiến thắng trong tháng 11, và tôi nghĩ bất cứ điều gì khiến chúng ta xao nhãng, nó có thể khiến chúng ta bị mất đi một số chiến thắng", ông Bacon nói thêm.
‘Khó tranh thủ cử tri độc lập’
Nhưng khuyến nghị của Emmer có thể ngày càng khó mà làm theo, nhất là nếu ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống trước bầu cử giữa nhiệm kỳ - điều mà các lãnh đạo Cộng hòa, bao gồm Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy, đang hết sức tránh.
Trong khi đó, việc FBI mới đây đã khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump để tìm các tài liệu mật đã tiếp thêm năng lượng cho khối cử tri Cộng hòa, giúp họ tăng tốc gây quỹ và tập hợp đảng về phía Trump. Nhưng nó cũng đặt ra vấn đề nan giải cho một số nhà lập pháp Cộng hòa, vốn đang vật lộn với việc đề cập về Trump trở lại như thế nào ở các địa hạt chiến trường, nơi mà tranh thủ lá phiếu của các cử tri ôn hòa và ngoại ô là rất quan trọng để giành chiến thắng.
"Điều số 1 mà (ông Trump) muốn, và nước Mỹ muốn, là đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng", lãnh đạo thiểu số ở Hạ viện Kevn McCarthy được CNN dẫn lời nói. "Vấn đề thực sự là, cuộc sống của quý vị có tốt hơn so với hai năm trước không ? Giá xe có mắc hơn không ? Giá xăng dầu có mắc hơn ? Chi phí ăn uống có tốn kém hơn không ?"
Mặc dù tán thành ông Trump chứng tỏ là chiến lược có lợi trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, nhiều ứng viên Cộng hòa ở các địa hạt chiến trường nói với CNN rằng họ cố gắng tránh nói về Trump trong lúc tranh cử vì họ muốn tranh thủ các cử tri ôn hòa và cử tri lừng chừng ở ngoại ô, vốn ác cảm với Trump nhưng không hài lòng với cách xử lý nền kinh tế của Biden.
Một dân biểu Cộng hòa nói ông chỉ nhắc đến cựu tổng thống khi được hỏi trực tiếp, một người khác nói họ cố gắng tập trung vào làm nổi bật các chính sách và thành tựu lập pháp của Trump, và dân biểu thứ ba nói họ cố gắng không bị kéo vào mớ hỗn độn của ông Trump.
Đảng Cộng hòa đang đánh cược vào tỷ lệ ủng hộ thấp của ông Biden, xu thế lịch sử và giá cả hàng hóa và giá xăng dầu vẫn còn cao - mặc dù đang giảm – để giành lại thế đa số. Tại Hạ viện, đảng Cộng hòa chỉ cần giành thêm năm ghế là đủ để kiểm soát Hạ viện.
Nhưng ông Trump – vốn đang bị bao trùm trong các cuộc điều tra hình sự, dân sự và điều tra của Quốc hội – vẫn là thế lực chi phối trong đảng vốn đe dọa làm lu mờ các trọng tâm và mục tiêu chính sách ưa thích của đảng Cộng hòa. Và sau cuộc khám xét của FBI, ngay cả một số người xa lánh ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng cảm thấy họ phải công khai bảo vệ ông do họ nhận thấy việc khám xét đó đã huy động khối cử tri nòng cốt như thế nào.
Phe Dân chủ mừng ?
Trên khắp Điện Capitol, cũng có lo ngại về việc gắn kết chiến dịch tranh cử quá chặt chẽ vào ông Trump. Lãnh đạo Khối Thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell – người đã cắt đứt với Trump sau vụ bạo loạn ngày 6/1– trong tuần này đã bày tỏ thất vọng với một số ứng cử viên được Trump hậu thuẫn, vốn đang vật lộn trong chiến dịch tranh cử cho bầu cử giữa kỳ, đồng thời cảnh báo cuộc chiến giành quyền kiểm soát Thượng viện sẽ ‘cực kỳ sít sao’.
"Tôi nghĩ có nhiều khả năng Hạ viện bị đảo chiều hơn Thượng viện", ông McConnell nói tại một sự kiện ở bang Kentucky. "Các cuộc đua vào Thượng viện khác với Hạ viện. Chúng diễn ra ở phạm vi toàn bang", ông nói thêm. "Kết quả bầu cử phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng ứng viên".
Trong khi đó, đảng Dân chủ trên thực tế đang khao khát viễn cảnh ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống sớm. Họ đã đoàn kết xung quanh thông điệp bầu cử giữa nhiệm khắc họa tất cả ứng viên Cộng hòa là những kẻ cực đoan ‘cực kỳ MAGA’, những người trung thành mù quáng với ông Trump.
"Chúng ta sẽ nhắc nhở các cử tri rằng trong khi chúng ta tranh đấu để giảm giá cả và xây dựng nền kinh tế có lợi cho tất cả mọi người dân, các ứng viên MAGA của đảng Cộng hòa chỉ chăm chăm tấn công vào quyền tự do của phụ nữ", Ủy ban Chiến dịch tranh cử Quốc hội đảng Dân chủ cho biết trong một bản ghi nhớ gần đây. "Số liệu và cử tri thuộc mọi thành phần đều cho thấy rõ rằng đảng Dân chủ đang đứng về phía người dân Mỹ về vấn đề này. Lập trường của chúng ta giúp chúng ta đến gần hơn với việc giữ vững thế đa số ở Hạ viện vào tháng 11".
‘Ảnh hưởng quá lớn’
Trao đổi với VOA, ông Tyler Diệp, vốn từng là cựu dân biểu tiểu bang California của đảng Cộng hòa, và hiện là ủy viên Đặc khu Vệ sinh Midway City, thừa nhận ông Trump vẫn là ‘tiếng nói mạnh nhất trong đảng Cộng hòa’ với bằng chứng là thất bại mới đây của bà Liz Cheney, người chỉ trích ông Trump mạnh mẽ, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại bang Wyoming.
"Cho dù ai có nói gì đi nữa và cho dù có bao nhiêu chuyện rối ren của vị Tổng thống thứ 45 đang diễn ra trước mắt chúng ta, thì đối với những cử tri nòng cốt trong đảng Cộng hòa, những người theo trường phái MAGA, ông Donald Trump vẫn là lãnh tụ của họ và không ai có thể lung lay được lòng tin của họ đối với lãnh đạo của họ", ông Diệp nói.
Về vấn đề sự trở lại của ông Trump và các ứng viên MAGA được ông hậu thuẫn trong bầu cử giữa kỳ sắp tới, ông Diệp nói là ‘điều tốt cho đảng Dân chủ’. Ông chỉ ra trong 2-3 tuần qua tin tức về ông Trump, chẳng hạn như ông bị khám nhà, giám đốc tài chính của Trump Organization nhận tội gian lận thuế, những lùm xùm về gian lận bầu cử của ông Trump ở bang Georgia, tràn ngập truyền thông Mỹ.
"Nếu trước đây người dân chỉ tập trung vào những chính sách kinh tế không tốt của đảng Dân chủ, chẳng hạn như giá cả và lạm phát tăng, thì giờ đây họ lại chú ý đến ảnh hưởng của Trump và những vấn đề pháp lý của Trump", ông lý giải.
Theo nhận định của ông thì những ứng viên được Trump hậu thuẫn dù có thắng trong vòng đấu nội bộ của đảng nhưng khi ra đến kỳ bầu cử ‘sẽ gặp rất nhiều khó khăn’.
"Những ứng cử viên quá cực đoan dù có thắng sơ bộ nhưng không có nghĩa là họ là ứng viên lý tưởng để giành lại ghế cho đảng Cộng hòa", ông nói và giải thích rằng họ sẽ khó có khả năng lấy được phiếu của khối cử tri độc lập và lừng chừng.
Trong tình hình đó, đảng Cộng hòa nếu muốn thắng thì phải để cho cử tri quyết định không phải dựa trên việc họ thích hay không thích ông Trump mà dựa trên thành tích cầm quyền của ông Biden trong hai năm qua, người từng làm dân biểu tiểu bang này nói với VOA.
"Nếu sự đánh giá là về sự thành bại của ông Biden thì đảng Cộng hòa sẽ thắng, còn nếu sự đánh giá hay chọn lựa của cử tri là giữa Biden hay Trump thì nhiều cử tri độc lập dù không hài lòng với biểu hiện của ông Biden nhưng một số lượng lớn họ vẫn chọn ông Biden", ông phân tích.
Do đó, từ giờ đến kỳ bầu cử tháng 11, đảng Cộng hòa phải làm sao để ông Trump lui về hậu trường và không để cho ông tuyên bố ra tái tranh cử tổng thống, cũng theo lời ông Diệp.
Ông Diệp cũng có lời khuyên cho các ứng cử viên gốc Việt ra tranh cử trong kỳ bầu cử giữa kỳ khi họ đối mặt với số lượng đông đảo cử tri ủng hộ ông Trump trong cộng đồng gốc Việt là : ‘không nhắc, không nói đến ông Trump và né những câu hỏi liên quan đến ông Trump’.
"Họ chỉ trích Trump cũng không được, nhưng nói theo Trump thì rất kẹt với các khối cử tri khác", ông phân tích.
Nguồn : VOA, 26/08/2022
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : ''Sự khích lệ'' đối với các nền dân chủ
Chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay vẫn là kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Nhiều báo dành trang nhất cho đề tài này.
Lãnh đạo phe Dân Chủ, bà Nancy Pelosi, sau khi có kết quả bầu cử giữa kỳ, Washington, 06/11/2018. ReutersS/Jonathan Ernst
Theo Le Monde "Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn".
Le Monde ra sạp từ chiều hôm qua, chạy tít lớn : "Bầu cử giữa kỳ, hai nước Mỹ đối lập. Chiến thắng rõ ràng của phe Dân Chủ ở Hạ Viện, phe cộng Hòa củng cố vị trí ở Thượng Viện". Tờ báo thiên hữu Le Figaro nhận định : "Trump có thế mạnh cho năm 2020". Chính quyền Trump đã vượt qua thử thách bầu cử giữa kỳ. Sự thắng lợi của phe cộng Hòa ở Thượng Viện cho phép ông Trump hy vọng có được nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.
Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nhận định : "Trump sẽ phải lãnh đạo với một Quốc Hội bị chia rẽ. Còn nhật báo thiên tả Libération ca ngợi chiến thắng của các nữ ứng viên phe Dân Chủ : "Đối mặt với Trump : Những người phụ nữ chinh phục chiến thắng".
Xã luận của báo Le Monde "Sự ăn sâu bám rễ của trường phái Trump" nói về hai bài học rút ra từ kỳ bầu cử giữa kỳ Mỹ : Bài học thứ nhất là nền dân chủ không thể bị hủy diệt. Sự tham gia của 114 triệu cử tri Mỹ không chỉ cho thấy sự tham gia tích cực của người dân trong bối cảnh chính trị Mỹ bị phân cực mạnh mẽ, mà còn là dấu hiệu cho thấy người dân vẫn còn tin tưởng vào nền dân chủ. Bài học thứ hai là sự chia rẽ sâu sắc rất đặc trưng cho xã hội Mỹ vẫn còn dai dẳng.
Tổng thống Trump đã thành công trong việc đưa Tòa tối cao ngả sang cánh hữu, nay với sự củng cố của của phe Cộng Hòa ở Thượng Viện có thể bắt đầu chiến dịch tái tranh cử cho năm 2020. Trường phái Trump đang bám rễ vào chính trường Mỹ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một con đường trải đầy hoa hồng sẽ chờ đón tổng thống Donald Trump trong hai năm tới. Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ sẽ khiến mọi chuyện phức tạp, rắc rối hơn.
Báo cánh tả Libération cũng có cùng quan điểm với Le Monde về điểm trên và nhấn mạnh việc phe Dân Chủ nắm được Hạ Viện là một thất bại của tổng thống Mỹ Donald Trump và ông sẽ gặp nhiều khó khăn trong hai năm tới. Cũng theo Libération, chiến thắng của đảng Dân Chủ lần này là "sự khích lệ trở lại" đối với các nền dân chủ trên toàn thế giới. Trái với điều mọi người thường lo sợ, làn sóng chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao khắp nơi trên thế giới có thể không phải là không thể chống đỡ nổi.
Quyền lực của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại
Ở trang Quốc tế, báo Le Figaro quan tâm đặc biệt đến chính sách đối ngoại của Mỹ sau kỳ bầu cử giữa kỳ. Trong bài viết "Nhà Trắng chế ngự về đối ngoại", Le Figaro nhận định là ở các nền dân chủ phương Tây, các giai đoạn "sống chung" về chính trị luôn là bài trắc nghiệm về khả năng nguyên thủ một quốc gia thỏa hiệp được với phe đối lập.
Trong lịch sử Mỹ gần đây, các kỳ bầu cử giữa kỳ đều khiến chính quyền phải thay đổi phần nào chính sách đối ngoại. Chẳng hạn, hồi năm 2006, chiến thắng của phe Dân Chủ đã khiến tổng thống George Bush thay đổi sách lược ở Iraq và tạo thuận lợi để có quan hệ hòa dịu hơn với Iran. Năm 2010, chiến thắng của phe Cộng Hòa lại khiến tổng thống Obama ủng hộ chiến dịch can thiệp quân sự ở Lybia do Pháp và Anh cầm đầu. Bốn năm sau, sự thất bại của phe Dân Chủ lại thúc đẩy Obama chú ý hơn tới thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Năm nay, ngay sau kỳ bầu cử giữa kỳ, phe Dân Chủ hy vọng chiến thắng ở Hạ Viện sẽ giúp họ gây được sức ép với chính quyền Trump trên một số hồ sơ đối ngoại, chẳng hạn cuộc điều tra về sự can dự của Nga vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016, chính sách của Washington với Saudi Arabia, hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, Le Figaro nhấn mạnh là khả năng thành công của phe Dân Chủ trong các hồ sơ trên là rất thấp. Tại Mỹ, tổng thống là người dẫn dắt chính sách ngoại giao, và Thượng Viện cũng có quyền hành hơn Hạ Viện trong những vấn đề này, nhất là về việc phê chuẩn các hiệp ước.
Brazil : Bolsonaro - Sự trả giá do im lặng
Vẫn liên quan tới bầu cử, báo Libération nhìn lại kết quả bầu cử tổng thống Brazil mới đây. Trong bài viết "Bolsonaro hay sự trả giá do im lặng", Libération nhận định chiến thắng của ứng cử viên cực hữu Bolsonaro ở Brazil là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết về quá khứ và sự truyền tải thông tin sai lệch mà chỉ có giáo dục lịch sử thì không đủ để sửa chữa.
Việc đa phần dân chúng Brazil ăn mừng phấn khởi trước chiến thắng của ứng viên cực hữu Bolsonaro cho thấy rõ điều đó. Họ không có suy nghĩ dù là nhỏ nhất về quá khứ 20 năm dưới thời độc tài quân sự ở Brazil. Theo Libération, luật ân xá được thông qua năm 1979 chịu trách nhiệm phần nào về việc này : không kiện cáo, không xét xử về chế độ độc tài quân sự trước đây. Khác với Argentina và Chile, trong một thời gian dài, Brazil đã chọn con đường im lặng. Giới trẻ ra đời ra cuối thế kỷ XX rất mơ hồ, thậm chí không biết gì về những chế độ đã tàn phá Châu Mỹ Latinh trong những năm 60-70.
Sự tuyên truyền của chế độ quân sự đã khiến người ta chỉ còn nhớ đó là một thời kỳ trật tự và ổn định. Thời gian xa cách, những khó khăn hiện tại cùng với sự phóng đại của truyền thông đã khiến nhiều người lý tưởng hóa giai đoạn nói trên. Sự thiếu tính phê bình trong giáo dục về những giai đoạn độc tài mà Brazil đã trải qua trong thế kỷ XX cũng khiến dân chúng "ân xá" cho chế độ độc tài quân sự.
Những thế hệ trẻ sau này may mắn không phải sống dưới thời phát xít hay chế độ độc tài, nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ không được "tiêm phòng" để ngừa "một đại dịch mới". Giáo dục lịch sử giữ vai trò quan trọng nhằm bù đắp sự thiếu hụt về "hệ miễn dịch" của giới trẻ. Tuy nhiên, Libération cũng nhấn mạnh là giáo dục không thể giải quyết hết mọi việc. Quá khứ không bao giờ lặp lại cùng một kiểu. Sách vở cũng không dạy chúng ta điều gì là các chế độ độc tài sẽ ra sao trong một thế giới kỹ thuật số và trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Nhưng trong một thế giới được toàn cầu hóa, kinh nghiệm của người này này sẽ giúp người khác biết định hướng. Thông tin không chỉ giúp giới trẻ biết cách so sánh hay phân tích phê bình, mà còn có thể dạy họ biết cách tự bảo vệ để chống đỡ tốt hơn các thể chế độc tài. Quen nói về mọi thứ trên Internet, các thế hệ sống ở thời đại công nghệ số nên nhanh chóng tìm hiểu thế nào là sự bấp bênh trong một chế độ độc tài.
Pháp : Những gương mặt nghèo đói mới
Trong lĩnh vực xã hội Pháp, báo Công giáo La Croix và báo kinh tế Les Echos quan tâm tới tình trạng đói nghèo nhân dịp tổ chức Cứu Tế Công Giáo (Secours catholique) công bố báo cáo thường niên về đói nghèo. Trong bài viết "Các khuôn mặt nghèo đói ngày càng đa dạng", báo La Croix cho biết ngoài các gia đình, nhất là các gia đình di dân nước ngoài, Cứu Tế Công Giáo ghi nhận thêm nhiều đối tượng người nghèo mới, nhất là người có tuổi.
Có nhiều lý do đẩy người ta vào cảnh đói nghèo hoặc khó thoát khỏi tình cảnh này : sự tan vỡ trong gia đình, những khó khăn khác thường phát sinh trong cuộc sống, sự cắt giảm tiền trợ cấp xã hội …
Báo cáo của tổ chức Cứu Tế Công Giáo cũng chú ý tới tình trạng nhiều người trên 50 tuổi rơi vào tình trạng bấp bênh. Họ là những người có sự nghiệp không suôn sẻ, và trợ cấp hưu trí rất thấp. Ngoài ra, còn phải kể tới những người ngấp nghé ngưỡng nghèo : thu nhập không đủ thấp để xếp vào diện người nghèo, nhưng cũng không đủ chi tiêu trong cuộc sống, nhất là do chi phí cho nhà ở, chất đốt, giao thông… tăng quá cao.
Báo kinh tế Les Echos ghi nhận : "Đói nghèo lan tỏa khiến tổ chức Cứu Tế Công Giáo lo ngại". Les Echos quan tâm tới tình trạng ngày càng có nhiều người không thuộc diện nghèo, không được hưởng trợ cấp xã hội cho người nghèo, nhưng phải nhờ tới sự trợ giúp tổ chức Cứu Tế Công Giáo. Những người nước ngoài nói tiếng Pháp không thạo, không có chỗ ở ổn định, những người cha không có con ở cùng và không được hưởng tiền hỗ trợ của Quỹ Trợ Cấp Gia Đình CAF cũng là những người dễ bị ảnh hưởng nhất.
Pháp : người nhập cư ngày càng có trình độ học vấn cao
Vẫn liên quan đến nước Pháp nhưng về người nhập cư, trong bài viết "Những người nhập cư ngày càng có trình độ cao", báo kinh tế Les Echos trích một nghiên cứu của Viện Thống Kê Pháp INSEE theo đó, một phần ba số người trong độ tuổi lao động nhập cư vào Pháp sau năm 1998 có bằng đại học.
Theo nghiên cứu mà INSEE công bố hôm qua 07/11/2018, năm 2015, trên toàn nước Pháp có hơn 6 triệu người nhập cư, tương đương 9,3% dân số Pháp. Nếu chỉ tính số người trong độ tuổi lao động, tỉ lệ này là 10%. Nhóm dân nhập cư trong độ tuổi lao động tới từ Nam Âu là những người sống ở Pháp lâu nhất (hai phần ba tới Pháp trước năm 1998), tiếp theo là Bắc Phi.
45% số người nước ngoài nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là nhằm đoàn tụ với gia đình. Hai lý do chính khác là tìm việc làm (25%) và học hành (16%).
Sự thay đổi lớn trong 15 năm qua là có tới 58% người nhập cư vào Pháp trong độ tuổi lao động là phái nữ. Số phụ nữ tới Pháp để học hành cũng nhiều như nam giới. Nhưng thay đổi lớn nhất là trình độ học vấn và nghề nghiệp. Chỉ có 42% số người nước ngoài trong độ tuổi lao động có trình độ thấp. Trong số những người sang Pháp sau năm 1998, một phần ba đã tốt nghiệp đại học. Trước năm 1998, tỉ lệ này chỉ là 21%.
33% số người nhập cư trong độ tuổi lao động đánh giá công việc đầu tiên họ làm ở Pháp kém hơn so với trình độ, kinh nghiệm và năng lực của họ. 33% số người được hỏi cho biết trình độ, khả năng của họ cao hơn so với yêu cầu công việc hiện tại.
Thùy Dương
Chính sách đối ngoại của Trump sẽ thay đổi thế nào sau bầu cử ? (VOA, 09/11/2018)
Đảng Dân chủ sẽ sử dụng thế đa số của họ ở Hạ viện để đảo ngược những gì mà họ cho là sự bỏ mặc của Đảng Cộng hòa đối với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump và thúc đẩy các chính sách hà khắc hơn đối với Nga, Saudi Arabia và Bắc Triều Tiên.
Dân biểu Eliot Engel sẽ lãnh đạo Ủy bao Đối ngoại Hạ viện
Dân biểu Eliot Engel, ứng viên Dân chủ sẽ lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói rằng họ sẽ tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội để sử dụng hành động quân sự ở những nơi như Iraq và Syria. Những trên những hồ sơ nóng bỏng như Trung Quốc và Iran, ông thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để thay đổi nguyên trạng.
Là đảng kiểm soát Hạ viện, Đảng Dân chủ sẽ quyết định đạo luật nào sẽ được Hạ viện xem xét và sẽ có vai trò lớn hơn trong việc định hình chính sách chi tiêu và soạn thảo các dự luật.
"Tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ xét lại một số vấn đề bởi vì nó được chính quyền Trump đưa ra, nhưng tôi nghĩ rằng chúng tôi có nghĩa vụ xem xét các chính sách và thực hiện giám sát", ông Engel nói.
Nga và can thiệp bầu cử
Đảng Dân chủ đang lên kế hoạch điều tra về Nga, chẳng hạn như về những mối quan hệ làm ăn có thể và xung đột lợi ích giữa ông Trump và Nga.
Từ góc độ chính sách, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát sẽ thúc đẩy trừng phạt Nga vì can thiệp vào bầu cử Mỹ và các hoạt động như sáp nhập lãnh thổ của Ukraine và sự can dự vào nội chiến ở Syria.
Hạ viện sẽ thúc đẩy thêm lệnh cấm vận. Họ cũng có thể áp lực ông Trump thực thị tất cả các lệnh trừng phạt trong một đạo luật mà ông miễn cưỡng ký thành luật hồi tháng Tám năm 2017.
Các vị dân biểu Dân chủ cũng quyết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nỗ lực có được thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh hồi mùa hè rồi của Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà Trắng cho đến nay vẫn chỉ công bố ít chi tiết về cuộc gặp này.
"Thật lố bịch khi có một cuộc gặp thượng đỉnh như thế giữa hai nhà lãnh đạo mà Quốc hội vẫn còn mù tịt về nó", ông Engel nói.
Ông còn nói rằng vấn đề Nga can thiệp bầu cử ‘vẫn chưa hề được giải quyết’.
Bắc Triều Tiên
Phe Dân chủ nói họ quyết tâm có được thêm thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và lo lắng rằng ông Trump rất háo hức có được ‘thỏa thuận tuyệt vời’ mà ông nhượng bộ cho ông Kim quá nhiều.
Ông Engel dự định triệu tập các quan chức chính quyền ra điều trần về tình trạng của các cuộc đàm phán. Tuy nhiên phe Dân chủ cũng sẽ cẩn thận để không bị xem là can thiệp vào ngoại giao và nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến hạt nhân.
"Tôi nghĩ cần phải có sự đối thoại với họ. Nhưng chúng ta không mơ mộng hão huyền rằng họ sẽ có thay đổi nào đó đột phá", ông Engel nhận định.
Trung Quốc
Dân chủ kiểm soát Hạ viện dự đoán là sẽ không đem lại thay đổi nào lớn trong chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ. Họ sẽ tổ chức thêm nhiều cuộc điều trần và yêu cầu được báo cáo nhiều hơn, nhưng thái độ của hai đảng lâu nay vẫn là e ngại Trung Quốc và điều đó sẽ không thay đổi.
Các dân biểu Dân chủ hàng đầu, chẳng hạn như ông Adam Schiff, người sẽ lên lãnh đạo Ủy ban Tình báo Hạ viện, đã cùng với các đồng nghiệp Cộng hòa ủng hộ các biện pháp trấn áp Trung Quốc, chẳng hạn như đạo luật xem các công ty công nghệ ZTE và Huawei là đe dọa an ninh mạng hàng đầu.
Tuy nhiên, ông Engel thừa nhận Mỹ cần Trung Quốc như là một đối tác, nhất là trong vấn đề đối phó với Bắc Triều Tiên. "Tôi nghĩ chúng ta cần cẩn thận không đả kích", Engel nói.
Chiến tranh thương mại
Cũng giống như Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ cũng bị chia rẽ về cuộc chiến thương mại của ông Trump. Một số người cho rằng thương mại tự do giúp đem lại công ăn việc làm trong khi một số thành viên khác của đảng Dân chủ muốn bảo vệ công nhân trong những ngành nghề như thép và chế tạo.
Mặc dù Tổng thống Trump có quyền hạn đáng kể trong lĩnh vực thương mại, phe Dân chủ nói rằng họ muốn ông Trump phải giải trình nhiều hơn, trong đó có mức tăng thuế quan quá cao đánh vào Trung Quốc vốn ảnh hưởng đến nông dân và các bang chế tạo, nhất là ở vùng Trung Tây. Ngay cả khi họ không áp lực ông Trump quá mức về thương mại thì Đảng Dân chủ sẽ yêu cầu ông đảm bảo rằng các thỏa thuận thương mại phải có các chuẩn mực lao động và môi trường.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Đảng Dân chủ bất bình trước việc ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà cựu Tổng thống Barack Obama đạt được hồi năm 2015. Nhưng họ không thể làm gì được gì khi nào Đảng Cộng hòa còn nắm giữ Nhà Trắng.
Engel nằm trong số các đảng viên Dân chủ phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng ông nói rằng ông Trump nên làm việc với các đồng minh quan trọng như các nước Châu Âu. "Tôi nghĩ điều mà chúng ta nên làm là sửa chữa lại những thiệt hại trong quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh mà ông Trump đã gây ra", ông nói.
******************
Mỹ tăng cường trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea (VOA, 09/11/2018)
Hoa Kỳ hôm 8/11 đã áo đặt lệnh cấm vận lên hai công dân Ukraine, một người Nga và chín thực thể ở Ukraine và Nga do liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và các vi phạm nhân quyền có liên quan, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ
Một trong những thực thể bị cấm vận - Limited Liability Company Southern Project – có liên hệ với Ngân hàng Rossiya và doanh nhân Nga Yuri Kovulchuk, Bộ Tài chính cho biết trong một thông cáo.
"Bộ Tài chính vẫn giữ lập trường trừng phạt các thực thể được Nga hậu thuẫn muốn hưởng lợi từ việc Nga chiếm đóng và sáp nhập bán đảo Crimea một cách bất hợp pháp", ông Sigal Mandelker, Thứ trưởng Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính cho biết trong một thông cáo.
Các lệnh trừng phạt này nhằm để trừng phạt hơn nữa Moscow cho hành động sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi năm 2014 và ủng hộ của họ đối với các phần tử ly khai thân Nga ở đông Ukraine.
Những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc ông là mềm mỏng với Nga và có nỗ lực phi đảng phái ở Quốc hội để áp đặt thêm lệnh cấm vận đối với Nga, trong đó có trừng phạt hành vi can thiệp bầu cử Mỹ của Nga hồi năm 2016.
Trong số những người bị liệt vào danh sách đen có Andriy Sushko, một sỹ quan của Cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Bộ Tài chính cho biết người này chịu trách nhiệm cho vụ bắt cóc một nhà hoạt động Tatar ở Crimea hồi năm 2017, người này sau đó bị tra tấn ở nơi giam giữ.
Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các công ty mà Bộ Tài chính Mỹ cho rằng được hưởng lợi từ việc sáp nhập Crimea. Trong số đó có Mriya Resort and Spa, một dự án đầu tư khách sạn được hậu thuẫn bởi ngân hàng lớn nhất nước Nga là Sberbank nằm ở thành phố Yalta thuộc bờ biển phía nam của Crimea.
Cũng được đưa vào danh sách đen là Bộ An ninh Quốc gia của nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
********************
Thất bại ở Hạ Viện, chính sách đối ngoại của Mỹ không thay đổi (RFI, 08/11/2018)
Việc đa số ở Hạ Viện Mỹ về tay đảng Dân Chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 06/11 vừa qua không làm thay đổi chính sách đối ngoại mà tổng thống Donald Trump đang tiến hành, từ quan hệ với Trung Quốc và Nga, chiến tranh thương mại đến hồ sơ hạt nhân Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ngày 07/11/2018 - Reuters/Kevin Lamarque
Kể từ tháng Giêng 2019, tổng thống Donald Trump bắt buộc phải thỏa thuận với Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số và phải chấp nhận giai đoạn "chung sống" về mặt chính trị. Thông thường, việc phải chia sẻ quyền lực dẫn tới việc Washington thay đổi phần nào chính sách đối ngoại. Đây là kinh nghiệm mà hai đời tổng thống Mỹ trước đây là George W. Bush và Barack Obama đã trải qua sau các cuộc bầu cử giữa kỳ hồi 2006 và 2010.
Donald Trump, từ khi lên cầm quyền, chính sách đối ngoại của nhà tỷ phú địa ốc này đã làm thế giới chới với. Không ít quốc gia, đứng đầu là các nước tây Âu, thầm mong quan hệ với Washington sẽ lắng dịu lại. Bắc Kinh, thấm mệt vì chiến tranh thương mại Mỹ -Trung theo dõi sát kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Tại Moskva, Putin có lẽ cũng đã quan tâm tới lá phiếu của cử tri Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Nhưng phần lớn các nhà quan sát đều đưa ra một nhận xét chung là Donald Trump tiếp tục con đường mà ông đã vạch ra cho dù đa số tại Hạ Viện đã thuộc về đảng Dân Chủ, cho dù phe này có nhiều bất đồng với hành pháp trên nhiều hồ sơ như là hạt nhân Bắc Triều Tiên, quan hệ giữa Washington và Riyad ...
Về hạt nhân Bắc Triều Tiên chẳng hạn, đảng Dân Chủ hoài nghi về thực tâm từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong quan hệ với Nga, đảng này kiên quyết đòi làm sáng tỏ sự thật về nghi án Moskva đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cách nay hai năm, giúp ông Trump đắc cử.
Nhưng trên tất cả các hồ sơ nhậy cảm về quan hệ giữa siêu cường số 1 với phần còn lại của thế giới, khả năng can thiệp của đảng Dân Chủ khá hạn hẹp. Bởi về mặt kỹ thuật, tại Mỹ chính sách đối ngoại thuộc thẩm quyền của tổng thống, và trong lĩnh vực ngoại giao, quyền hạn của Thượng Viện lớn hơn so với của Hạ Viện. Với kết quả bầu cử vừa qua phe Cộng Hòa của tổng thống Trump đã củng cố vị thế tại Thượng Viện.
Nói cách khác, dù có bất đồng với Donald Trump vì ông rút Mỹ ra khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, nhưng Hạ Viện Hoa Kỳ không có khả năng làm đảo ngược tình thế.
Đi sâu hơn về nội dung hồ sơ nóng bỏng nhất hiện nay là chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, không chỉ có nội bộ đảng Cộng Hòa mà bên Dân Chủ cũng bị chia rẽ về cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Trả lời hãng tin Anh, Reuters, dân biểu Eliot Angel, người có nhiều khả năng đứng đầu Ủy Ban Đối ngoại tại Hạ Viện Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, nhìn nhận Washington cần thận trọng với Bắc Kinh. Một tiếng nói có trọng lượng khác của đảng Dân Chủ là ông Adam Schiff còn đi xa hơn khi cho rằng ông có cùng quan điểm với bên đảng Cộng Hòa và cần đưa ra các biện pháp trừng phạt Bắc Kinh và xem Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh Mỹ.
Như vậy, sẽ là không tưởng nếu hy vọng rằng đa số mới ở Hạ Viện Mỹ có thể thúc đẩy bình thường hóa quan hệ kinh tế và mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Hơn nữa, thương mại cũng là một hồ sơ mà tổng thống Hoa Kỳ có thể can thiệp mà không cần có đồng thuận của Hạ Viện.
Nhìn đến một hồ sơ nhậy cảm khác đối với công luận Mỹ là chính sách nhập cư : xây một bức tường trên đường biên giới giữa Mỹ và Mêhicô vẫn là một dự án ám ảnh ông Trump. Theo lời giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Mỹ thuộc trường London School of Economics, ông Peter Trubowitz, thất bại của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện có nguy cơ thúc đẩy tổng thống Donald Trump lại càng quyết liệt hơn nữa về chính sách di dân.
Trả lời Reuters, một nhà ngoại giao xin được dấu tên không loại trừ khả năng trong nửa cuối nhiệm kỳ, chính sách ngoại giao của tổng thống Mỹ thứ 45 còn thô bạo hơn nữa. Đương đầu với quốc tế có thể là một trong những chiêu bài của Donald Trump để chuẩn bị ra tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2020.
Thanh Hà
*******************
Đảng Dân Chủ Mỹ chiếm Hạ Viện, Tổng thống Trump phải "sống chung" chính trị (RFI, 07/11/2018)
Sau khi có các kết quả sơ bộ cho thấy là đảng Dân Chủ Mỹ chắc chắn chiếm được đa số tuyệt đối tại Hạ Viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào hôm qua, 06/11/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi điện thoại chúc mừng bà Nancy Pelosi, lãnh đạo nhóm thiểu số Dân Chủ tại Hạ Viện mãn nhiệm, và rất có thể là chủ tịch Hạ Viện Mỹ sắp tới đây. Theo văn phòng của bà Pelosi, ông Trump đã nhắc đến khái niệm "đồng thuận lưỡng đảng" mà bà Pelosi đã gợi lên trước đó trong tuyên bố mừng chiến thắng.
Lãnh đạo phe Dân Chủ, bà Nancy Pelosi hoan nghênh thắng lợi của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 06/11/2018. Reuters/Al Drago
Lời nhắc nhở của tổng thống Mỹ nêu bật cục diện chính trị mới vừa mở ra tại Hoa Kỳ, với vị tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa bị buộc phải "sống chung" với Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ đối lập, với tất cả những phiền toái tiềm tàng.
Theo giới phân tích chính trị, nếu trong hai năm vừa qua, tổng thống Donald Trump gần như là có thể tự do tung hoành, do việc đảng của ông kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ. Nay với đảng Dân Chủ nắm đa số tuyệt đối tại Hạ Viện, hành pháp Mỹ sẽ gặp phải nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy các chương trình kinh tế, xã hội.
Theo hãng tin Anh Reuters, Hạ Viện trong tay đảng Dân Chủ có khả năng buộc tổng thống Trump phải công bố thu nhập, điều mà ông vẫn từ chối cho đến nay, cũng như cho mở điều tra về các xung đột lợi ích tiềm tàng giữa Donald Trump tổng thống và Donald Trump doanh nhân.
Ngoài ra, Hạ Viện cũng có thể thúc đẩy tiến độ các cuộc điều tra về nghi án thông đồng giữa Nga với ê-kíp tranh cử của ông Trump trước đây, một cuộc điều tra đang được công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành.
Trên phương diện chính sách trong nước, nạn nhân rõ rệt nhất của cục diện chính trị mới tại Mỹ, là dự án xây bức tường dọc biên giới với Mexico mà ông từng cam kết khi vận động tranh cử. Vốn đã gặp trở ngại ngay khi đảng Cộng Hòa còn thống trị cả hai viện Quốc hội, đề án này chắc chắn sẽ bị gác qua một bên trong hai năm tới đây.
Chủ trương cải tổ thuế, cũng như chính sách bị cho là "tự cô lập" của ông trong lãnh vực thương mại cũng có nguy cơ bị xét lại.
Đó là chưa kể đến khả năng – dù rất xa vời – là ông có thể bị Hạ Viện tiến hành thủ tục truất phế, nếu bị xét rằng cố tình cản trở công việc của ngành tư pháp, hoặc thực sự có thông đồng với Nga khi vận động tranh cử vào năm 2016. Theo luật lệ hiện hành tại Mỹ, chỉ cần đa số dân biểu tại Hạ Viện đồng ý là thủ tục truất phế có thể được tiến hành. Thế nhưng, để truất phế được tổng thống, cần phải được hai phần ba thượng nghị sĩ tán đồng, điều hiện nằm ngoài tầm với của đảng Dân Chủ.
Nhìn chung, trước một Hạ Viện sẵn sàng bác bỏ các đề nghị của ông, tổng thống Mỹ sẽ bị buộc phải tìm kiếm những thỏa hiệp, điều mà ông luôn luôn từ chối từ ngày bước vào Nhà Trắng đến nay.
Theo giới quan sát, với cá tính cứng rắn, ông Donald Trump rất có thể sẽ tiếp tục làm theo ý mình, điều hành công việc bằng sắc lệnh như ông vẫn thường làm cho đến nay, không cần tìm kiếm đồng thuận ở Quốc hội.
Với một chủ tịch Hạ Viện cũng nổi tiếng là sắt thép như bà Nancy Pelosi, triển vọng "chung sống" chính trị tại Mỹ rất có thể là sẽ nhiều sóng gió hơn là hòa bình.
Trọng Nghĩa
Mỹ : Bài học của cuộc bầu cử giữa kỳ
"Midterms" giờ sự thật của Donald Trump, Mỹ trừng phạt Iran,Trung Quốc làm quốc tế thất vọng, Pháp truy nã ba chỉ huy mật vụ tình báo Syria phạm tội ác chiến tranh, chính phủ Pháp tăng thuế xăng dầu làm dân la gào phản đối là những chủ đề quốc tế, quốc nội trên báo Pháp hôm nay.
Cảnh cử tri Mỹ xếp hàng bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ. Ảnh tại Deerfield Beach, Florida, ngày 06/11/ 2018. Reuters/Joe Skipper
Dân Mỹ đánh giá tổng thống Trump qua bầu cử giữa nhiệm kỳ
Giờ sự thật, dân Mỹ đánh giá tổng thống Trump qua bầu cử giữa nhiệm kỳ mang ý nghĩa một cuộc trưng cầu dân ý, tựa của Le Figaro và nhận định của Les Echos.
Được ăn cả ngã về không, La Croix cho rằng cử tri Mỹ sẽ quyết định có cho chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục chính sách gây tranh cãi trong nước hay không ? Nhật báo thiên tả Libération nhận định tổng thống Trump đối đầu với một cuộc bầu phiếu mà đảng Dân chủ có thể lấy lại thế chủ động. Cũng như các đồng nghiệp, Le Monde lo ngại nước Mỹ của Donald Trump bị chia rẽ nhiều hơn do những tuyên bố cực đoan của ông.
Trong bài xã luận "Một cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều bài học", Le Monde suy đoán vào buổi tối ngày 06/11/2018, nước Mỹ chắn chắn sẽ có các yếu tố để trả lời câu hỏi của đa phần cử tri, nhất là của phe Dân chủ : Phải chăng chuyện đắc cử của Donald Trump, cách nay hai năm, là một "sự cố lịch sử". Cử tri Dân chủ quá tin vào chiến thắng của Hillary Clinton nên nhiều người ngồi nhà chờ kết quả ? Hay thật sự Hoa Kỳ đã chuyển hướng và Donald Trump đại diện cho xu hướng dân tộc chủ nghĩa ích kỷ, chỉ lo tư lợi bằng mọi giá. Chưa bao giờ mà một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ lại huy động đông đảo người tham gia và với nhiệt tâm nhiệt tình như lần này.
Châu Âu cũng chờ đợi kết quả để đo lường hố sâu chia rẽ giữa đồng minh hai bờ Đại Tây Dương, vào lúc sắp đến ngày kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, một sự kiện lịch sử có sự tham gia của Mỹ, lần đầu tiên can thiệp vào tình hình thế giới.
Một cách khách quan, công bằng, Le Monde lưu ý độc giả là tổng thống Barack Obama, trong suốt hai nhiệm kỳ, cũng chẳng xem trọng Châu Âu. Điều đáng trách ở Donald Trump là ông phê phán rất mạnh nhưng lại không phác họa ra được một dự án nào khác thay thế, quên cả lịch sử chung mà hai lục địa cùng chia sẻ mà lễ tưởng niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất trong vài hôm nữa đây, tại Paris, sẽ nhắc nhở ông Trump.
Quyết định của lá phiếu ngày 06/11 cũng giúp cho những ai lo âu vì khắp nơi làn sóng dân tộc chủ nghĩa, hẹp hòi, bất chấp sự thật, chỉ biết có mình, trỗi dậy, có câu trả lời về tình trạng của nền dân chủ Mỹ. Nền dân chủ Mỹ, tuy có suy nhược, nhưng các định chế đối trọng quyền lực, dựa trên nền tảng tôn trọng người khác, vẫn vững chắc, làm gương cho các quốc gia thiếu niềm tin không bị trôi dạt như thuyền không lái.
Bài học cuối cùng là dành cho phe Dân chủ tại Mỹ, một cơ hội để tìm một con đường khác, đối nghịch với con đường của Donald Trump liên quan đến vấn đề san sẻ lợi nhuận vật chất, bảo vệ môi trường mà theo quan điểm của tổng thống đương nhiệm dường như ông có thể xây hàng rào ngăn chận thiên tai, biến đổi khí hậu tràn vào nước Mỹ. Nếu tổng thống Donald Trump bị thua thì đó là dịp để xem xét lại các thách thức và giải pháp cho thế giới. Trong chiều hướng này, theo kết luận của Le Monde, tỷ lệ đi bầu đông đảo là một tín hiệu khích lệ.
Lệnh trừng phạt Iran đợt II
Lệnh trừng phạt Iran, đợt hai đánh vào dầu hỏa và ngân hàng liệu có bóp nghẹt được Iran ?
Theo tuyên bố của tổng thống Hassan Rohani, Iran sẽ lách né một cách "hãnh diện" tựa của Le Figaro. Hôm thứ Hai, chính quyền Mỹ cho phép 8 khách hàng truyền thống của Iran là Ấn Độ, Trung Quốc cùng với sáu đồng minh thân thiết là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp tiếp tục mua dầu hỏa của Tehran. Do vậy, theo nhật báo cánh hữu, Iran sẽ gặp khó khăn nhưng tác hại trong trung hạn của đợt cấm vận thứ hai khó mà dự đoán được.
Trái lại, trong mục quan điểm "Iran sẽ ra sao ?", nhật báo kinh tế Les Echos khá bi quan : Châu Âu bất lực.Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh vững chắc. Cho nên tổng thống Hassan Rohani, thuộc phe ôn hoà, rất khó ngồi đến hết nhiệm kỳ.
Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường
Tại Châu Á, Trung Quốc một đối thủ khác của Donald Trump trả đũa áp lực thương mại của Mỹ bằng tuyên bố "mở cửa thị trường". Hư thực ra sao ?
Theo tường thuật của đặc phái viên của Le Figaro tại Thượng Hải, không có biểu tượng nào bằng tại Hội Chợ Thương Mại Thượng Hải được khai mạc long trọng, với 3.000 công ty nước ngoài tham dự, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự cho mình là "nhà vô địch bảo vệ tự do mậu dịch đa phương" đối đầu với tổng thống Mỹ Donald Trump "kẻ bảo hộ thị trường". Chủ tịch Trung Quốc còn loan báo một loạt biện pháp giảm thuế quan và hứa sẽ "cố gắng" nhập khẩu thêm hàng ngàn tỷ đô la hàng hóa trong tương lai. Tuy nhiên, Le Figaro cho biết diễn văn của Tập Cận Bình chỉ được giới đầu tư quốc tế đón tiếp một cách dè dặt bởi vì những gì lãnh đạo Trung Quốc cam kết cách nay năm năm chưa thấy đến.
Cùng nhận định, Les Echos cho biết là giới doanh nhân, ngoại giao rất thất vọng vì cứ phải chật vật vì tình trạng nhiêu khê cản trở đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể là cuối tuần qua, Liên Hiệp Châu Âu lại hối thúc Bắc Kinh phải ban hành "các biện pháp cụ thể và có hệ thống" mở cửa thị trường, không chỉ giới hạn ở chuyện giảm thuế quan, với một tuyên bố rõ ràng và một lịch trình áp dụng nhân Hội Chợ Thượng Hải. Thế nhưng, thay vì loan báo chính sách cải cách mới, ông Tập Cận Bình chỉ "hứa và bảo đảm" giảm hàng rào quan thuế và gia tăng tiêu dùng hàng nước ngoài, nhập khẩu 30.000 tỷ đô la hàng hóa "trong 15 năm tới".
Trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu tác hại đến nền kinh tế Trung Quốc, giới đầu tư rất mong chờ có thay đổi trong chính sách của Bắc Kinh nhưng cuối cùng thất vọng vì không có gì mới. Theo nhận định của chuyên gia chiến lược kinh tế Sue Trinh của Hồng Kông, Tập Cận Bình chỉ "lặp đi lặp lại chính sách kinh tế quy hoạch mà chúng ta thường nghe trong mấy tháng qua".
Paris truy nã các quan chức Syria vì "tội ác chiến tranh".
Lệnh truy nã nhắm vào ba chỉ huy tình báo Syria. Le Monde và Libération đồng loạt đưa tin.
Ba nhân vật này là Ali Mammuk, giám đốc An ninh quốc gia Syria, Jamil Hassan, chỉ huy trưởng tình báo Không quân và Abbel Mahmoud, tình báo phi trường quân sự Mezzeh có biệt danh là "quần đảo tra tấn", bị một thẩm phán điều tra Pháp phát lệnh truy nã. Phải nói ngay, theo Le Monde, sự kiện này là một bước chiến thắng của các hiệp hội nhân quyền vì từ 2011 đến nay, khi phong trào dân chủ nổi dậy và bị đàn áp, các nỗ lực vận động quốc tế trừng phạt những kẻ ra lệnh đều bị vô hiệu hóa. Thứ nhất vì Syria không công nhận tòa án hình sự quốc tế CPI, thứ hai là ở Hội Đồng Bảo An, Nga luôn sử dụng quyền phủ quyết bảo vệ chế độ Syria.
Qua thông tin của Le Monde và Libération, độc giả được biết thêm là nhờ vào một tài liệu khai tử chính thức của Damascus mà các nhà điều tra tìm ra tông tích hai bố con người Syria quốc tịch Pháp, Mazen Dadbagh 57 tuổi, kỹ sư và con trai là Patrick, 20 tuổi, là sinh viên văn khoa năm thứ hai ở Damas mất tích cách nay 5 năm. Hai nạn nhân bị mật vụ Syria bắt vào năm 2013, cùng chết vì "bệnh tim", ghi trong giấy khai tử. Trong quá trình điều tra, cảnh sát Pháp đã xem xét hơn 50.000 tấm ảnh nạn nhân chết vì tra tấn mà một nhà nhiếp ảnh của mật vụ Syria, biệt danh là Cesar, đào tị mang theo.
Một chi tiết quan trọng là Jamil Hassan, kẻ có tiếng là hung thần, đã từng tuyên bố với báo chí Anh năm 2016, lẽ ra chính phủ Syria phải đàn áp thẳng tay phong trào dân chủ ngay từ trong trứng nước. Nhân vật này và giám đốc an ninh quân đội Syria Ali Mammuk cũng đang bị tòa án Đức truy nã.
Dân Pháp phản đối chính phủ Pháp tăng thuế xăng dầu
Cuối cùng, vào lúc một bộ phận dân chúng đe dọa phong chính tỏa các thành phố vào ngày 17/11 để phản đối phủ Pháp tăng thuế xăng dầu gây khó khăn cho cuộc sống, báo Pháp đua nhau đề nghị giải pháp.
Les Echos quy trách nhiệm cho đảng Xã hội, lúc cầm quyền đã "đẻ" ra thuế chống ô nhiễm còn chính phủ hiện nay thì ra quyết định không đúng lúc và không đo lường được phản ứng tâm lý của dân. La Croix không phê phán ai, nhưng đề nghị các công ty quản lý xa lộ đóng góp bằng cách giảm tiền phí lưu thông. Le Figaro đề ra một loạt biện pháp như giảm thuế cho nhân viên sử dụng xe tiền xăng dầu đắt đỏ hoặc bớt thuế cho công ty phụ cấp cho nhân viên. Nhưng triệt để hơn hết là làm một cuộc "cách mạng bỏ xăng dầu".
Tú Anh
Ngày 6 tháng 11, Hoa Kỳ có cuộc bầu cử giữa hai kỳ bầu Tổng thống, hay còn gọi là "Bầu Cử Giữa Kỳ" (Midterm Elections). Người Mỹ gốc Việt đã có những tham gia rất tích cực vào kỳ bầu cử này. Cho đến hôm nay, vài ngày trước ngày bầu cử chính thức, người Mỹ gốc Việt cũng chia sẻ nhiều sôi động với các náo loạn của dòng chính, ngay cả chia rẽ với tinh thần đảng phái cực đoan trong cộng đồng mình.
Dù theo đảng nào hay ủng hộ ứng viên nào, người Việt đều chia sẻ giá trị Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Dân Quyền của Hoa Kỳ - Hình minh họa.
Mong rằng sự đóng góp đầy nhiệt tình của chúng ta sẽ không đẩy cộng đồng Mỹ gốc Việt vào sự phân hoá đáng ngại giữa hai chính đảng Hoa Kỳ, rơi vào sự kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, hiềm khích đầy bạo lực không nên có. Dù theo đảng nào hay ủng hộ ứng viên nào, người Việt chúng ta đều chia sẻ giá trị Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Dân Quyền của Hoa Kỳ, và chung hoài bão muốn bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trước sự xâm lăng của Trung Quốc.
Voice of Vietnamese Americans xin mời quý đồng hương cùng duyệt qua bức tranh chung, mong rằng qua kỳ bầu cử này người Mỹ gốc Việt sẽ chứng tỏ cho chính khách Hoa Kỳ và thế giới thấy được sự trưởng thành, lớn mạnh của người Mỹ gốc Việt và sẽ tôn trọng tiếng nói của chúng ta hơn khi quyết định các chính sách ảnh hưởng đến người Việt.
I. Cộng đồng Mỹ gốc Việt, dân số và lá phiếu
Cho đến nay, trong các giống dân Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương, cử tri gốc Việt đi bầu hăng hái nhất, đến 77%. Tuy nhiên, tiếng nói của chúng ta lại chưa được hiệu quả lắm, nhất là với những chính sách đối ngoại như nhân quyền, hay đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Migration Policy Institute, người Việt tập trung tại các tiểu bang California (39%), Texas (13%), Washington State (4%) và Florida (4%). Tại các tiểu bang này chúng ta sớm có một số đại diện dân cử người Mỹ gốc Việt tại địa phương. Nhưng năm nay, số ứng viên tăng lên gấp bội, và gồm cả những tiểu bang miền Đông như Massachusetts, Viriginia, hay miền Nam như Georgia.
Theo tài liệu của Census Bureau cho đến năm 2016, thì chúng ta có khoảng 2 triệu người (2.067.000) tập trung tại các khu vực như California (Orange County, San Francisco, San Jose, Sacramento, San Diego), Texas (Houston, Dallas – Fort Worth, Austin), Massachusetts (Boston), New Jersey, New York (New York City), Philadelphia, Virginia – Maryland – Washington D.C, Washington State (Seattle), Louisiana (New Orleans), Oregon (Portland), Oklahoma (Oklahoma City), Arizona (Phoenix), Nevada (Las Vegas), Georgia (Atlanta). Tại mỗi thành phố vừa nêu, có trên 10.000 ngàn người Việt cư ngụ. Đây là con số đáng kể nếu chúng ta đi bầu.
Theo nghiên cửu của Pew vào tháng 9/2017, thì 75% người Mỹ gốc Việt đã là công dân, và có thể đi bỏ phiếu. Đó là một con số đáng kể, nếu tất cả chúng ta khi có quốc tịch đều ghi danh cử tri và đi bầu.
Cuộc bầu cử giữa kỳ thường cho thấy mức ủng hộ của người dân đối với vị Tổng thống đương nhiệm sau hai năm tại vị. Tổng thống Trump là vị lãnh đạo không theo các tiêu chuẩn chính thống, đã tạo nhiều phân hoá trong toàn quốc trên nhiều phương diện, và có điểm tín nhiệm thấp nhất so với các vị Tổng thống trước. Riêng với dân Mỹ gốc Việt, đài VOA ngày 26/10 đưa tin là 64% dân Việt tín nhiệm ông Trump, vì nghĩ rằng ông có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Nhiều người thích thú khi thấy ông Trump đánh thuế lên hàng Trung Quốc, và làm cho kinh tế Trung Quốc chao đảo, tuy Trung Quốc vẫn gia tăng áp lực lên Việt Nam và tiếp tục quân sự hoá Biển Đông.
Ngày 2/11, ông Trump tweeted rằng "các cuộc thảo luận thương mại với Trung Quốc đang diễn tiến tốt đẹp". Trong cùng ngày, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc khẳng định "Trung Quốc có chủ quyền tại Biển Đông" khi thăm New York. Đáp lại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chỉ "nhắc khéo" đến thỏa thuận chế tài Bình Nhưỡmg ! Điều này khiến người Mỹ gốc Việt cũng cần thận trọng, xin nhớ rằng Hoa Kỳ phải đặt quyền lợi quốc gia của họ lên trên hết.
Trong bài đăng trên VOA ngày 26/10, phóng viên An Hải cũng nêu lên là "thế hệ thứ nhất ủng hộ Cộng Hòa", còn "thế hệ thứ hai ủng hộ Dân Chủ".
2. Giới trẻ tích cực ra tranh cử
Rất đông người Mỹ gốc Việt trẻ tuổi đã tham dự cuộc biểu tình ngày 21/01/2017, một ngày ngay sau khi ông Trump đăng quang, tại Hoa Thịnh Đốn, trên các thành phố lớn toàn quốc, và trên toàn thế giới. Họ cho là ông không có đạo đức, coi thường phụ nữ, chế nhạo người tàn tật, kỳ thị người gia màu, và không đủ kinh nghiệm cũng như thiếu tư cách để lãnh đạo quốc gia. Nhiều phụ nữ trẻ Mỹ gốc Việt đã chọn con đường tích cực là ra tranh cử trong các vai trò lập pháp tại tiểu bang hay liên bang, để có thể sử dụng hệ thống tam quyền phân lập trong guồng máy chính trị Hoa Kỳ hầu bảo vệ các giá trị nhân bản của Hiến pháp Hoa Kỳ, trong đó có nhân quyền, dân quyền, và bình quyền về giới tính.
Tại Virginia, bà Kathy Trần, một phụ nữ Việt tỵ nạn vừa sinh con gái ngày 20/01/2017, đã quyết định tranh cử vào ghế Dân biểu tiểu bang Virginia để : "Bảo vệ tương lai cho con gái tôi và duy trì môi trường, nhân quyền, dân quyền cho người dân Virginia". Kathy Trần (Dân Chủ) đã thắng cử ngoạn mục, thay thế ông Dave Albo (Cộng Hòa), người từng giữ ghế này suốt 24 năm.
Kathy Trần phản đối việc Tổng thống Trump rút ra khỏi Paris Climate Agreement, đòi hủy Luật Bảo hiểm y tế vừa túi tiền, cắt ngân sách cho các chương trình bảo vệ sức khỏe phụ nữ, chuyển ngân quỹ giáo dục công lập sang cho các trường tư thục, và có các đạo luật hành chánh vi phạm quyền của người di dân và người da màu.
Nhiều người trẻ khác cũng ra tranh cử vào các ghế lập pháp liên bang, như Bác sĩ Mai Khanh Trần (Dân Chủ - địa hạt 39, California), anh Ethan Phạm (Dân Chủ -đia hạt 8, Texas), anh Daniel Nguyễn (Cộng Hòa - địa hạt 22, Texas), bà Stephanie Ngọc-Dung Đặng Murphy (Dân Chủ - Dân biểu liên bang từ Florida địa hạt 7).
Quốc hội Tiểu bang có lẽ gần gũi hơn, và năm nay có khá nhiều ứng viên Mỹ gốc Việt tranh cử, từ California (Thượng nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn (Cộng Hòa) tái tranh cử ; ứng viên Tyler Diệp (Cộng Hòa) tranh cử vào ghế General Assembly), đến Massachusetts (Luật sư Trâm Nguyễn- Dân Chủ - tranh cử vào ghế Dân biểu tiểu bang từ địa hạt 18th Essex), và tại tiểu bang Washington (Bác sĩ Savio Phạm - Cộng Hòa, Bác sĩ Joe Nguyễn - Dân Chủ - tranh cử vào Thượng viện tiểu bang, Dược sĩ Mỹ-Linh Thái – Dân Chủ - tranh cử vào ghế dân biểu liên bang).
Tại Westminster, Orange County, nơi người Việt chiếm 1/5 dân số, có đến 6 ứng viên Mỹ gốc Việt tranh cử ghế Nghị viên Hội đồng Thành phố : Khải Đào, Tài Đỗ ; Chi Charlie Nguyen, Frances The-Thuy Nguyen, Samantha Bao Anh Nguyen, Andy Quach. Đó là chưa kể chúng ta đã có Thị trưởng Tạ Đức Trí, Nghị viên thành phố Nguyễn Tâm cũng đang tái tranh cử.
Tại Texas, chúng ta có Dân biểu tiểu bang Hubert Võ (Dân Chủ) đại diện địa hạt 149 từng được tín nhiệm suốt 5 nhiệm kỳ ; Commissioner Andy Nguyễn ở Taran County rất được lòng cử tri, cũng tái tranh cử. Đặc biệt có anh Danny Nguyễn (Cộng Hòa) tranh cử kỳ sơ bộ vào ghế Dân biểu liên bang từ Texas địa hạt 22, nhưng không vào chung kết. Chính tại địa hạt 22 này, chúng ta có Nathan Trương, một người Mỹ gốc Việt mới 26 tuổi, đang vận động cho ứng viên Sri Preston Kulkarni (Dân Chủ) và tạo nhiều tiếng vang.
Chúng ta cũng đã có một số người thắng cử các cuộc bầu cử đặc biệt và đã thắng vẻ vang, như Cô Bee Nguyễn (Dân Chủ), Dân biểu tiểu bang Georgia địa hạt 89 ; Dean Tran (Cộng Hòa) – Thượng nghị sĩ tiểu bang Massachusetts qua cuộc bầu cử đặc biệt vào tháng 12, 2017.
Theo dõi các ứng viên Mỹ gốc Việt, chúng ta thấy tuy khác đảng phái, họ cùng chia sẻ những điểm chung sau đây :
1. Là người Việt tỵ nạn cộng sản, sang Hoa Kỳ khi còn nhỏ tuổi
2. Hiểu được sự khó khăn của cha mẹ, gia đình trong bước đầu của người di dân.
3. Ngoài khả năng vượt trội, họ còn có lý tưởng muốn đóng góp và tạổ
4. Vẫn còn mang trong người dòng máu Việt, tâm thức Việt, nhưng đã hòa nhập với đời sống Hoa Kỳ, giá trịnhân bản của Hoa Kỳ, với đầu óc rộng mở để phục vụ xứ sở này.
Sự dấn thân của người Mỹ gốc Việt vào guồng máy Lập pháp và Hành pháp của Hoa Kỳ từ địa phương, đến tiểu bang, liên bang, là nguồn hứng khởi cho cử tri Mỹ gốc Việt. Những ứng viên này thuộc cả đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, và đều có khả năng cùng tâm huyết vượt trội.
Nhìn chung, các ứng viên đều chủ trương tranh đấu để nói lên tiếng nói của khối dân thiểu số Mỹ gốc Việt, Mỹ gốc Châu Á - Thái Bình Dương, mong đạt đến sự đối xử bình đẳng không kỳ thị cho mọi giống dân. Các ứng viên tuy khác đảng phái, nhưng cùng quan tâm đến vấn đề y tế, di dân, giáo dục, nghề nghiệp, giao thương,và gần đây nhất là chuyện sử dụng sung, và quyền có quốc tịch Hoa Kỳ.
Khi tranh cử vào dòng chính, các ứng viên khó có cơ hội đề cập đến các vần đề người Việt quan tâm, như nhân quyền cho Việt Nam, hay tranh chấp trên Biển Đông. Cử tri Mỹ gốc Việt chúng ta cần lưu ý mọi ứng viên về các quan tâm này, đưa vào trong nội dung của "giá trị nhân bản của Hoa Kỳ, và quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ".
Voice of Vietnamese Americans có dịp tổ chức buổi "Nói Chuyện với ứng cử viên vào Hạ Viện Hoa Kỳ từ Virginia Địa hạt 8", giữa ứng viên Don Beyer (Dân Chủ)- dân biểu đương nhiệm, và ứng viên Thomas Oh (Cộng Hòa), người Mỹ gốc Đại Hàn. Khi câu hỏi đưa ra về nhân quyền, TPP, và tranh chấp trên Biển Đông, thì ông Don Beyer (Dân Chủ) lại đứng về phía người Việt và người Đông Nam Á đòi Trung Quốc phải tôn trọng luật quốc tế, trong khi ông Thomas Oh trả lời không biết nhiều về các vấn đề này.
3. Vai trò của cử tri :
Là cử tri, chúng ta cũng cần tham dự các buổi nói chuyện với ứng viên, và chia sẻ với họ các điều chúng ta quan tâm. Như vậy, lá phiếu của người Mỹ gốc Việt sẽ có ý nghĩa hơn.
Tiếng Nói Người Mỹ Gốc Việt đề nghị chúng ta bỏ phiếu theo tiêu chuẩn : Nhiên (bảo vệ môi trường, khí hậu) – Nhân (bảo vệ nhân quyền) – Dân (bảo vệ dân quyền) để song đôi với quan tâm của đồng bào tại Việt Nam trong lúc vẫn đặt nặng giá trị của Hoa Kỳ.
Chúng ta rât may mắn có một thế hệ trẻ tài giỏi, nhiêt huyết, dấn thân. Hãy cùng nhau hỗ trợ họ để cùng đi tới. Voice of Vietnamese Americans hoan hô tất cả những ai đã dấn thân phục vụ cộng đồng.
Xin cử tri Mỹ gốc Việt hãy đi bầu thật đông năm nay, ngày 6 tháng 11, 2018.
Genie Nguyễn Thị Ngọc Giao
Voice of Vietnamese Amerians
Nguồn : VOA, 05/11/2018
Trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 1/11/2018, Tổng thống Trump dọa bắn vào đoàn di dân từ Trung Mỹ đang đi bộ lên biên giới Hoa Kỳ - Mễ Tây Cơ. Ông nói nguyên văn như sau : "Chúng ta sẽ không cam chịu điều này. Di dân muốn ném đá vào quân đội của chúng ta, quân đội của chúng ta sẽ đánh lại. Tôi đã nói với quân đội rằng hãy xem đá là súng. Khi họ ném đá như họ đã từng làm với quân đội và cảnh sát Mễ Tây Cơ, hãy xem đó là súng". May mắn là ngày hôm sau ông Trump đã nói lại rằng nếu di dân ném đá vào quân đội Hoa Kỳ hay nhân viên tuần tra biên giới, họ sẽ không bị bắn, nhưng họ "sẽ bị giam giữ một thời gian dài".
Tổng thống Donald Trump nói "Di dân muốn ném đá vào quân đội của chúng ta, quân đội của chúng ta sẽ đánh lại. Tôi đã nói với quân đội rằng hãy xem đá là súng".
Câu chuyện trên đây chỉ là việc thay đổi ý kiến chớp nhoáng trong vòng 24 giờ của Tổng thống Trump, hậu quả của vấn đề phát ngôn bừa bãi. Tội trạng xem ra nặng nề hơn đối với những trường hợp nói sai sự thực (false or misleading claim), bịa đặt (fabricated stories) hay nói dối (lies).
Báo Washington Post, một trong những tờ báo lớn và uy tín nhất ở Hoa Kỳ, vào ngày 2/11/2018 viết rằng Tổng thống Trump đã nói 6,420 điều sai lầm hoặc không đúng sự thật (false or misleading claims) trong 649 ngày, nghĩa là trung bình khoảng 10 điều sai trái mỗi ngày. Phân tích kỹ hơn người ta thấy ông Trump ngày cáng nói không đúng sự thật nhiều hơn. Cũng theo báo Washington Post, trong chín tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump nói sai lệch (misleading) trung bình 5 điều mỗi ngày. Trong bẩy tuần lễ gần đây trước ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ, ông tuyên bố sai lệch trung bình 30 điều mỗi ngày.
Tổng thống Trump có khuynh hướng bẻ quẹo dữ kiện (twist data) và bịa đặt (fabricate) những câu chuyện nhất là tại những buổi tập hợp tranh cử. Ông từng bịa đặt rằng Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal (Dân chủ, Connecticut) tự cho mình là anh hùng trong trận đánh ở Đà Nẵng, Việt Nam và đặt cho ông này cái tên mới "Richard Da Nang". Sự thật, ông Blumenthal không hề tuyên bố như vậy và không tham gia một trận đánh nào ở Đà Nẵng.
Ông nói sai 120 lần rằng ông đã thực hiện một việc giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, 80 lần rằng kinh tế Hoa Kỳ hiện nay tốt nhất trong lịch sự và bức tường biên giới (border wall) đã đang được xây cất. Sự thực là Quốc hội mới chuẩn chi 1,6 tỉ Mỹ kim để xây hàng rào (fence). Chưa có một ngân khoản nào được chấp thuận để xây tường biên giới như ông Trump thường xuyên đề cập tới.
Trong một cuộc phỏng vấn của báo Wall Street Journal, Tổng thống Trump nói rằng ngoại trừ thuế nhập cảng nhỏ nhoi ông áp đặt trên thép, không có thuế nhập cảng nào khác. Để phản biện, Wall Street Journal đã in một danh sách những hàng nhập cảng vào Hoa Kỳ đã bị trả thuế tổng cộng là 305 tỉ Mỹ kim.
Càng gần đến ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ, Tổng thống Trump càng tấn công Đảng Dân Chủ mạnh hơn và càng thiếu chính xác (inaccurate) trong những tuần vừa qua. Vào ngày 4/10/2018 ông Trump tuyên bố :
"Họ [Đảng Dân Chủ] muốn xóa bỏ những thành quả của chúng ta và đẩy đất nước của chúng ta vào cơn ác mộng của sự tê liệt, nghèo khổ, hỗn loạn và một cách thẳng thắn là tội ác, bởi vì đó là hậu quả tất yếu. Đảng Dân Chủ là xã hội chủ nghĩa cực đoan, Venezuela và mở cửa biên giới. Đảng này bây giờ được gọi là, đối với tôi - quý vị chưa bao giờ nghe đến trước đây, một Đảng Tội Ác (Party of Crime). Đó là một Đảng Tội Ác, chính là như thế. Và [chúng ta] sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa này sẽ tàn phá đất nước của chúng ta".
New York Times, một tờ báo có ảnh hưởng lớn, nổi tiếng khác ở Hoa Kỳ, mới đây trong một bài xã luận báo động rằng thói quen nói dối của tổng thống là một bệnh truyền nhiễm (Presidential Lying Is Contagious). Nó đã lan rộng trong chánh quyền của Tổng thống Trump. Ông Brock Long, Giám đốc Federal Emergency Management Agency (FEMA) được New York Times đem ra làm thí dụ đầu tiên. Trong một lần nói chuyện với báo chí về trận bão Florence, báo chí đã hỏi ông ta về trận bão Maria tàn phá Puerto Rico vào năm ngoái khiến 2.975 người thiệt mạng theo con số thống kê chính thức, dựa vào cuộc điều tra của một nhóm chuyên gia thuộc George Washington University, được mướn để làm việc này một cách độc lập. Nhưng Tổng thống Trump cho rằng con số này do Đảng Dân Chủ chế ra để làm cho ông bẽ mặt. Ông Brock Long bênh vực Tổng thống Trump, bác bỏ phương pháp điều tra của George Washington University và cho rằng có sự gian lận về con số. Ông Long giải thích rằng con số có thể gồm cả những người chết vì bệnh đau tim do sự buồn phiền, leo lên sửa mái nhà rồi rớt xuống, đèn đường hư chưa sửa kịp gây ra tai nạn lưu thông, v.v.
Ông Brock Long bị điều tra vì sử dụng tài nguyên bao gồm nhân viên, xe của nhà nước bất hợp pháp trong khi di chuyển giữa Washington và nhà riêng ở North Carolina. Ông Long có thể không bị phạt hình sự, không bị mất việc, nhưng phải bồi hoàn chi phí liên quan đến việc sử dụng xe của chính phủ bất hợp pháp.
New York Times cũng nhắc đến trường hợp Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, một người được Tổng thống Trump sử dụng để hướng dẫn sai lệch quần chúng về nhiều vấn đề từ việc trả tiền cho tài tử điện ảnh tình dục Stormy Daniels cho đến cuộc họp tại Trump Tower giữa Donald Trump, Jr. và những người Nga.
Ông Larry Kudlow, Giám Đốc Hội Đồng Cố Vấn Kinh Tế Quốc Gia
Một vài nhân vật khác trong chánh quyền Trump được báo chí đưa lên bàn mổ bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur, Bộ trưởng An ninh quốc nội Kirstjen Nielsen, Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke, nhưng nổi bật hơn cả là trường hợp ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, vào cuối tháng 6, 2018 đã tuyên bố không đúng sự thật rằng "kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ, mang lại những khối lợi tức lớn lao từ thuế mới và làm giảm thiếu hụt ngân sách quốc gia nhanh chóng". Ông nói nguyên văn bằng tiếng Mỹ như sau :
"The deficit – which was one of the other criticisms [of the Republican tax law] – is coming down, and it’s coming down rapidly. It’s throwing up enormous amounts of new tax revenue".
Nhưng sự thực hoàn toàn trái ngược.
Kinh tế chỉ phát triển 2,3% trong năm 2017, 2,2% trong quý 1/2018, 4,2% trong quý 2/2018, và 3,5% trong quý 3/2018, không đạt được mức 5%-6% như mong đợi để bù đắp vào việc cắt giảm thuế. Ngân sách quốc gia của tài khóa 2018 (1/10/2017 – 30/09/2018) vừa kết thúc như sau. Chi : 4.108 tỉ Mỹ Kim. Thu : 3.329 tỉ Mỹ Kim. Thiếu hụt : 779 tỉ Mỹ kim. Quốc hội đã phải tài trợ 19% ngân sách 2018 bằng cách vay nợ.
Những con số thống kê chính thức của chính phủ và những nhà phân tách phi đảng phái tiên đoán rằng thiếu hụt ngân sách tiếp tục gia tăng trong ngắn hạn và dài hạn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (Congressional Budget Office – CBO) cho biết rằng "thiếu hụt ngân sách, so với kích thước của kinh tế, sẽ gia tăng đáng kể trong vài năm tới, ổn định trong một ít năm, sau đó sẽ gia tăng trong những năm còn lại của một giai đoạn 30 năm". Một cách cụ thể, CBO tiên đoán thiếu hụt ngân sách so với tổng sản phẩm nội địa (gross domestic product – GDP) sẽ tăng từ 3,9% vào năm 2018 lên tới 9,5% vào 2048.
CBO nhận định rằng Đạo luật Thuế 2017 (2017 Tax Law) sẽ làm thiếu hụt ngân sách tăng thêm 1,27 ngàn tỉ Mỹ kim trong một thập niên tới, bao gồm cả những ảnh hưởng tích cực của chính sách giảm thuế này đối với nền kinh tế. Vi thiếu hụt ngân sách, chính phủ sẽ phải vay để chi tiêu. Hậu quả trực tiếp là nợ công sẽ gia tăng. Nợ công hiện nay là 16 ngàn tỉ Mỹ kim hay là 127.000 Mỹ kim cho mỗi gia đình của nước Mỹ. Trong vòng 10 năm, món nợ này sẽ lớn bằng với GDP theo CBO.
Nếu trí nhớ của chúng ta không quá ngắn ngủi, khi tranh cử tổng thống, ông Trump tuyên bố sẽ xóa nợ quốc gia trong vòng tám năm (nghĩa là hai nhiệm kỳ tổng thống). Nhưng thực tế nợ quốc gia lớn hơn bao giờ hết. Nợ công nếu tiếp tục gia tăng sẽ làm giảm đầu tư, giảm phát triển kinh tế, áp đặt gánh nặng trên các thế hệ tương lai và gia tăng rủi ro khủng hoảng tài chánh.
Ông Erskine Bowles, đồng Chủ tịch Ủy hội Quốc gia về Trách nhiệm thuế khóa (National Commission on Fiscal Responsibility), một tổ chức nghên cứu kinh tế lưỡng đảng, từng nói rằng : "Tôi nghĩ, chỉ cần làm một con toán giản dị thôi, chúng ta thấy rõ ràng rằng đường hướng tài chánh hiện nay giản dị là sẽ không bền vững. Nếu tôi có thể đưa ra một trường hợp tương tự, tôi có thể nói rằng ngân sách thiếu hụt thật sự giống như những căn bệnh ung thư, và qua thời gian, chúng sẽ hủy diệt đất nước chúng ta từ bên trong".
Một trong những nguy hiểm nhất Hoa Kỳ có thể phải đối phó nếu nợ công của Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng là những nhà đầu tư mất tin tưởng vào tình trạng tài chánh của Hoa Kỳ. Họ sẽ đòi hỏi lãi suất cao để mua công phiếu của Hoa Kỳ hoặc đầu tư vào những nơi khác. Hoa Kỳ sẽ phải trả một giá đắt hơn để có thể tiếp tục vay nợ. Hoa Kỳ sẽ rơi vào vòng xoáy nợ (debt spiral).
Ngân sách quốc gia của năm 2017 cho thấy rằng Hoa Kỳ chi tiêu 23% vào an sinh xã hội (social security), 15% vào bảo hiểm y tế Medicare, 9% vào bảo hểm y tế cho người nghèo Medicaid, 15% vào những chương trình bắt buộc khác, 15% vào quốc phòng, 14% vào những chương trình phi quốc phòng và 7% vào tiền lời. Để giảm ngân sách thiếu hụt chỉ có hai cách là giảm chi tiêu và tăng thuế. Tổng thống Trump chủ trương giảm thuế. Vậy chỉ còn giảm chi tiêu vào các chương trình an sinh xã hội và y tế và tăng tuổi về hưu. Liêu những người ủng hộ Tổng thống Trump có bằng lòng hi sinh quyền lợi của họ hay không ?
Ông Marc Goldwein, Phó Chủ tịch của Ủy ban Trách nhiệm Ngân sách liên bang (Committee for a Responsible Federal Budget), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái, nhận định rằng "Thiếu hụt ngân sách sẽ không đi xuống mà sẽ đi lên".
Người dân Hoa Kỳ muốn có một chánh quyền tôn trọng sự thật, cho dân biết sự thật, chứ không muốn bị hướng dẫn một cách lêch lạc. Người dân không thể sống bằng bánh vẽ.
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : facebook, khai.nguyen, 05/11/2018
Tham khảo :
1. AFP, "Trump Threatens to Shoot Migrants Who Throw Stones at US Military", November 1, 2018.
2. Kimberly Amadeo, "Current U.S. Federal Budget Deficit – Four Reasons the U.S. Deficits is Out of Control", September 21, 2018.
3. AP, "The Latest : Trump Says Troops Won’t Shoot Migrants at Border", November 2, 2018.
4. Martin Neil Baily, "Trump’s Formula for Growing the U.S. Economy – What Will Work and What won’t", Brookings, February 16, 2018.
5. Ryan Bort, "Trump’s Closing Message : Racism, Violence, And Plenty of Lies", Rolling Stones, November 5, 2018.
6. CBS, "Federal Budget Deficits Hits 6-Year High in Donald Trump’s First Fiscal Year as President", October 15, 2018.
7. E.J. Dionne Jr. "Trump’s Lies. And Lies. And Lies", The Washington Post, July 25, 2018.
8. The Editorial Board, "President Lying Is Contagious", New York Times, September 23, 2018.
9. Chris Edwards, "Why Federal Debt is Damaging", Cato Institute, October 17, 2018.
10. John Harwood, "The Numbers Are In, And Trump’s Tax Cut Didn’t Reduce The Deficit – Despite His Many Promises", CNBC, October 16, 2018.
11. Glenn Kessler, Salvador Rizzo, Meg Kelly, "President Trump Has Made 6,420 False or Misleading Claims Over 649 Days", The Washington Post, November 2, 2018.
12. James McBride, Jonathan Masters, "The National Debt Dilemma", Council on Foreign Relations, May 31, 2018.
13. Jeff Stein, "Trump’s Top Economic Adviser Says Deficit ‘Is Coming Down Rapidly", Contradict Virtually All Available Data", The Washington Post, June 29, 2018.
14. Irwin M. Stelzer, "Trump’s Debt", The Weekly Standard, October 20, 2018.
15. Michael D. Tanner, "Budget Deficits Are Only Getting Bigger Under Trump", National Review, July 25, 2018.
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : facebook, khai.nguyen, 05/11/2018
Bầu cử giữa kỳ Mỹ : "Phép mầu giả trá của Donald Trump"
Trước bầu cử giữa kỳ Hoa Kỳ 06/11/2018, trên các tuần báo Pháp có nhiều bài về tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trang bìa tuần báo Courrier International, số 1461, đầu tháng 11 2018.Ảnh chụp màn hình
Courrier International chạy tựa "Một thế giới của những kẻ tàn bạo", "Trump, Bolsonaro, Ben Salmane , Salvini … Không gì có thể dừng họ lại", với hình ảnh đám đàn ông cởi trần lực lưỡng, hung tợn, mang vũ khí thô sơ đủ loại, ở giữa là tổng thống Mỹ.
"Trump phải chăng đã hết thời ?" là tựa trang nhất L’Obs.
Tuần báo L’Express có bài phân tích mang tựa đề "Phép mầu giả trá của Donald Trump", nhấn mạnh đến những mặt trái của nền kinh tế Mỹ, ẩn đằng sau tình trạng được coi là thịnh vượng hiếm có trong lịch sử Hoa Kỳ. L’Express mở đầu bài viết với cuộc sống gian truân của một công dân Mỹ. Dave Frasseto có hai con nhỏ, ông phải làm việc hàng tuần tổng cộng 68 giờ, thời gian toàn phần tại một khách sạn (48 giờ), và bán phần tại một nhà hàng (20 giờ), liên tục từ 6 năm nay, mới có đủ tiền nuôi sống gia đình. Gần 7.700 nhân viên của tập đoàn Mariott, trong đó có Dave Frasseto tham gia cuộc đình công toàn quốc kéo dài từ 22 ngày. Đây là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử của hãng.
Theo L'Express, không khí tại Mỹ rất căng thẳng. Chỉ riêng nửa đầu năm 2018, số lượng các xung đột xã hội nhiều gấp hai lần so với năm 2017.
Về mặt chính thức, trên giấy tờ, mọi thứ đều tốt đẹp tại vương quốc của tổng thống tỉ phú. Tăng trưởng dự báo gần 3% năm nay, một con số mà bất cứ lãnh đạo Châu Âu nào cũng mơ ước. Lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn tăng vọt. Tỉ lệ thất nghiệp rơi xuống 3,7%, mức thấp nhất kể từ năm 1969. Mức độ tin tưởng của các gia đình Mỹ là cao nhất từ năm 1975. Và, cho dù thị trường Wall Street có hắt hơi sổ mũi hồi tháng trước, nhưng chứng khoán Mỹ đã tăng gần 35% so với thời điểm Donald Trump đắc cử cách nay hai năm.
Kinh tế gia James K. Galbraith, nguyên cộng sự của ứng cử viên tổng thống sơ bộ đảng Dân chủ Bernie Sanders, cay đắng thừa nhận là tình hình kinh tế vĩ mô nước Mỹ, nếu xét về một mặt nhất định có thể coi là tiến triển tốt, ông Donald Trump đã thừa hưởng được nền tảng tăng trưởng vững chắc được khởi sự dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama.
Bản thân ông Donald Trump chỉ đóng vai trò "tiếp lửa", với chính sách giảm thuế, miễn thuế, với số tiền ước tính 160 tỉ đô la, và hàng loạt chương trình kích thích đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Thế nhưng, theo L'Express, chính sách chưa bao giờ "hào phóng" đến như vậy với các doanh nghiệp của chính quyền liên bang đã không thúc đẩy đầu tư mạnh mẽ.
Mua cổ phiếu bằng "quà tặng thuế", sinh viên nợ chồng chất...
Các doanh nghiệp Mỹ nhìn chung đã không sử dụng các khoản "quà tặng về thuế" của chính phủ để đầu tư, mà dùng để trả nợ, trả tiền cho các cổ đông và mua lại cổ phiếu, với tổng số tiền 384 tỉ đô la, riêng trong nửa đầu năm nay. Đây là lý do khiến giá cổ phiếu tăng vọt.
Về tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, nếu tính cả số người thất nghiệp không đăng ký và người lao động bán thời gian, tỉ lệ thất nghiệp sẽ phải lên đến 7,4%. Theo một cố vấn kinh tế của AFL-CIO, liên minh nghiệp đoàn hàng đầu nước Mỹ (Damon Silvers), "động lực của thị trường lao động Mỹ đã bị phá vỡ… và để tái lập đòi hỏi phải nhiều thời gian".
L'Express nhấn mạnh là, nếu như cái "lâu đài bằng giấy" này sở dĩ vẫn còn đứng được, là "nhờ" ở các khoản nợ khổng lồ khó trả, đặc biệt là nợ của sinh viên, với tổng số tiền ước tính 1.500 tỉ đô la, hay tiền vay nợ để mua xe. Bên cạnh đó là nợ nần của chính quyền, mỗi ngày tăng thêm khoảng một tỉ đô la. Hiện tại, tổng thống Donald Trump vẫn tự tin là mọi sự đều yên ổn, nếu toàn thế giới vẫn tiếp tục tin tưởng vào vị thần đồng đô la, và "sẵn sàng nhắm mắt đầu tư cho nước Mỹ".
Tấn công các cột trụ của nền dân chủ, đổ dầu vào lửa...
L’Obs tuần này, dành nhiều bài cho nước Mỹ, trước hết nhấn mạnh đến cuộc tấn công của "thiên tài tai ác" Donald Trump nhắm vào "mọi cột trụ của nền dân chủ". Nhờ các kết quả tốt về kinh tế, ông ta vẫn rất được lòng nhóm cử tri vốn ủng hộ xưa nay, nhưng cuộc kháng cự chống lại Trump, trước bầu cử giữa kỳ, đang được tổ chức, đặc biệt là trong nữ giới. Một số chính trị gia trẻ đang nổi lên. L’Obs đặt câu hỏi : Như thế đã đủ làm Trump thất bại ?
Về phần mình, Le Point có bài xã luận "Vụ Pittsburgh, ngày 27/10/2018" (vụ thảm sát chống người Do Thái, chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ), lên án đường lối kích động bạo lực, gây chia rẽ của Donald Trump. Không những không đảm nhiệm được vai trò lãnh đạo tinh thần của nước Mỹ đang ngày càng chia rẽ, Donald Trump không ngừng "đổ dầu vào lửa", kích động hận thù. Donald Trump khẳng định có "những người rất tử tế" trong cuộc tuần hành của phong trào phát xít mới, chống người Do Thái ở Charlottesville, hay coi di dân là "đồ súc vật", gọi người Mêhicô là "những kẻ cưỡng hiếp", lên án các chính trị gia đối lập, các nhà báo là "kẻ thù của nhân dân"…
Le Point cũng có bài phóng sự cho thấy tổng thống Mỹ được đông đảo những người theo Tin Lành Phúc Âm ủng hộ cuồng nhiệt, nhiều mục sư sẵn sàng tha thứ cho gần như tất cả hành động xấu xa của ông Trump, kể cả trong quan hệ tình dục, điều mà họ vốn rất nhạy cảm. Thái độ nói trên bị chính một số mục sư Tin Lành lên án là đạo đức giả.
Nền dân chủ cũng có thể bị tiêu vong
Chủ đề chính của Courrier International tuần này là sự trỗi dậy của đủ loại lãnh đạo độc tài ở khắp mọi nơi trên thế giới, với tựa đề "Một thế giới của những kẻ tàn bạo". Ngoài tổng thống Mỹ là nhiều lãnh đạo độc tài khác.
Courrier International dẫn báo Anh The Times, so sánh tình hình thế giới hiện nay với "không khí" những năm 1930, thời điểm ra đời của các bạo chúa tương lai, như Hitler. Điểm chung của các lãnh đạo độc tài, từ Tập Cận Bình đến Putin, là xây dựng quyền lực dựa trên nỗi sợ hãi và mặc cảm của dân chúng.
Tổng thống Nga Putin truyền bá quan điểm bi kịch của dân tộc Nga hiện nay là "do Liên Xô sụp đổ, đất nước bị bán rẻ cho ngoại bang, cho giới tội phạm, lớp trẻ bị phương Tây làm hư hỏng". Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì tuyên truyền cho nỗi sợ Trung Quốc sẽ lâm vào số phận như Liên Xô trước đây, với sự sụp đổ của Đảng cộng sản, và sự tan rã của chính quyền trung ương. Đây là cái cớ mà Bắc Kinh đưa ra để đàn áp mọi tiếng nói đối lập.
Xã luận Courrier International với tựa đề "Chân trời dân chủ có thể bị vượt qua" đặc biệt nhấn mạnh đến đe dọa độc tài tiềm ẩn trong chính các xã hội phương Tây, ví dụ như nước Bỉ, nơi một phần tư cử tri trẻ không còn tin là "dân chủ là phương thức điều hành xã hội tốt nhất".
Hãy nhóm lại ngọn lửa của "các nhà Khai Sáng" !
Le Point tuần này có bài giới thiệu kèm theo cuộc phỏng vấn với nhà tâm lý học tri nhận, nhà ngôn ngữ học Steven Pinker người Canada, với tựa đề đầy khiêu khích : "Nhà tư tưởng khiến những người theo chủ nghĩa bi quan mất hết hy vọng".
"Nhóm lại ngọn lửa của các nhà Khai sáng" là thông điệp chính của tác giả cuốn "Sự chiến thắng của các nhà Khai sáng. Vì sao cần bảo vệ lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn".
Ngược lại với tâm trạng bi quan, yếm thế phổ biến ở nhiều nơi, giáo sư đại học Harvard đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khác. Đó là cho dù thế giới hiện nay của chúng ta tràn đầy các tai họa, mà truyền thông mô tả hàng ngày, nhân loại hiện đại đang được hưởng rất nhiều tiến bộ vô cùng to lớn, thành quả của các tư tưởng được khơi nguồn từ kỷ nguyên Khai sáng, tiền công nghiệp (với các triết gia như Hume, Montesquieu, Diderot, Adam Smith...). "Chủ nghĩa nhân văn thế tục, chủ thuyết nhân loại là một cộng đồng (cosmopolitisme), xã hội mở, chủ nghĩa tự do cổ điển/libéralisme classique (cổ vũ cho tự do dân sự, tự do chính trị, thể chế pháp quyền và kinh tế thị trường)" là các tư tưởng của thời kỳ Ánh sáng.
Theo tác giả, thay vì bị ám ảnh bởi nỗi sợ về một ngày tận thế được báo trước, dẫn đến hoảng sợ hoặc chủ nghĩa định mệnh, tốt hơn hết hãy nhìn thẳng vào các thách thức trong hiện tại, để tìm cách giải quyết. Các thách thức hàng đầu là "chủ nghĩa dân túy độc tài, vũ khí hạt nhân, và đặc biệt là khí thải khiến Trái đất bị hâm nóng". "Lý trí, khoa học và chủ nghĩa nhân văn" - di sản của kỷ nguyên Khai sáng - chính là "các công cụ quý giá nhất" cho phép nhân loại giải quyết các thách thức của thế kỷ 21, đồng thời bảo vệ được các thành quả lớn lao mà xã hội con người đã tạo dựng.
Về các thành quả mà một bộ phận đông đảo xã hội hiện tại được thừa hưởng, theo Steven Pinker, con người nhìn chung sống thọ hơn, an ninh hơn, tỉ lệ nghèo đói ước tính khoảng 10% so với 90% cách nay hai thế kỷ, hay hai phần ba dân số thế giới được sống trong các xã hội được coi là dân chủ, so với chỉ 1% hồi đầu thế kỷ 19 (theo Polity Project). Nhà tâm lý học nhấn mạnh là ngay cho dù các xã hội Trung Quốc và Nga hiện nay không thể gọi là xã hội dân chủ tự do, nhưng chắc chắn đã khác xa so với thời Mao và Stalin.
Bản dịch tiếng Pháp cuốn Enlightenment Now : The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress, của Steven Pinker do Nhà xuất bản Les Arènes ấn hành, dày 644 trang, sẽ ra mắt ngày 7/11 tới (Enlightenment Now rất được hưởng ứng tại Mỹ, Bille Gates gọi đây là cuốn sách mà ông hâm mộ nhất mọi thời đại).
Vẻ đẹp của thiên nhiên làm con người thức tỉnh
Trong lĩnh vực sinh thái, L’Obs giới thiệu với độc giả cuộc trò chuyện giữa hai nhà triết học, tác giả hai cuốn sách mới "Cái phần hoang dã của thế giới" (La part sauvage du monde) và "Trước vẻ đẹp của tự nhiên" (Devant la beauté de la nature), góp phần xua tan nhiều định kiến trong xã hội, thường đặt con người trong thế đối lập với thiên nhiên.
Triết gia Alexandre Lacroix, tác giả cuốn "Trước vẻ đẹp của tự nhiên", nhấn mạnh đến vai trò của thẩm mỹ trong việc xây dựng ý thức về môi trường. Ông nhận xét là đảng Xanh ở Đức đã dành được nhiều sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử Nghị viện Bayern mới đây là vì đã quyết định thay đổi cách tiếp cận : Ít nói về khí hậu hơn, mà nói nhiều về vẻ đẹp của thiên nhiên hơn.
Trong khi đó nữ triết gia Virginia Maris, tác giả cuốn "Cái phần hoang dã của thế giới", lưu ý là trong vấn đề môi trường, không nên buộc tội mọi người, và cần thông tin đầy đủ đến họ. Bởi vì những ai cảm thấy yêu thiên nhiên, cần đến thiên nhiên, thì chắc chắn sẽ có những hành xử khác đối với những gì mà mình trân trọng.
Hãy để cái hoang dã tồn tại !
Tác giả cuốn "Cái phần hoang dã của thế giới" so sánh nhân loại hiện nay với thời tiền sử. Khi giết đi những con ma mút lông xoăn cuối cùng, những con người thời tiền sử không ý thức được là họ đã làm tuyệt diệt một giống loài, sản phẩm của cả triệu năm tiến hóa. Theo nữ triết gia Virginia Maris, nhân loại chúng ta hiện nay không còn ở thời tiền sử, chúng ta hiểu rõ chính "lối sống của chúng ta là nguồn gốc dẫn đến chỗ đa dạng sinh học bị diệt vong ở mức độ chưa từng có. Nhưng chúng ta cũng có khả năng giới hạn mức độ thảm họa… Giới hạn mức độ thảm họa là một cơ hội để chúng ta thực hành đức khiêm nhường, và cũng là để sáng tạo nên những quan hệ mới giữa con người với các sinh vật không thuộc giống người".
Bà Virginia Maris ủng hộ mô hình đưa "thiên nhiên hoang dã" trở lại ngay tại các xứ sở quê hương của công nghiệp, bắt đầu được chú ý từ vài thập niên gần đây, qua các dự án công viên quốc gia, với nhiều khu vực "lõi" (hay rừng cấm), mà con người hoàn toàn không được phép đụng chạm đến. Bao quanh là các vùng rừng vành đai hạn chế tối đa các can thiệp. Vòng rộng hơn ở bên ngoài là nơi được phép có các hoạt động tôn trọng môi trường, như nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái…
Chạy trốn khỏi Tân Cương
Tuần báo Courrier International giới thiệu bài viết của một thanh niên Trung Quốc ẩn danh, phơi bày thực trạng thê thảm của người dân địa phương xứ Tân Cương. Sinh viên người Hoa nói trên từng theo học tiếng Duy Ngô Nhĩ, muốn định cư lâu dài tại miền viễn Tây, đã quyết định trốn khỏi Trung Quốc.
Trong bài viết này, tác giả mô tả kỹ lưỡng những kỳ thị muôn vẻ đối với người Duy Ngô Nhĩ, tình trạng khu vực này bị đặt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt về an ninh và áp lực Hán hóa ghê gớm. Bài viết được công bố vài ngày sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận sự tồn tại của các trại cải tạo giáo dục, giam giữ đến một triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bài được đăng tải trên The Initium (Duanchuanmei), một trang mạng thông tin độc lập của trí thức Trung Quốc, lập tại Hồng Kông, để tránh kiểm duyệt tại Hoa lục.
Một nhà nữ quyền ít được biết đến
Trong lĩnh vực văn hóa, L’Express đưa độc giả đến với một trong những nhà nữ quyền đầu tiên trên thế giới, nhà văn Anh George Eliot, vốn ít được công chúng Pháp chú ý, qua cuộc phỏng vấn nữ sử gia Pháp Mona Ozouf. Bà Ozouf vừa cho ra mắt cuốn "L’autre George. À la rencontre de George Eliot". Theo sử gia Pháp, các tác phẩm viết từ giữa thế kỷ 19 của nữ văn sĩ, như cuốn tiểu thuyết Middlemarch, vẫn còn bổ ích cho độc giả hiện nay, đối với những ai đang bị ám ảnh bởi một thế giới vô cùng bất trắc đang mở ra trước nhân loại đương đại.
Trọng Thành