Quan chức cộng sản và nhân dân
Khi thông tin chính thức ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời lúc 10g05 phút ngày 21/09 được công bố, có lẽ chỉ trừ báo chí truyền thông nhà nước phải làm nhiệm vụ tuyên truyền, viết những bài "thương vay khóc mướn" về một trong "tứ trụ triều đình Hà Nội" vừa mới ra đi này, còn lại cả ngày hôm đó và hôm sau, trên mạng xã hội facebook chỉ tràn ngập những status biểu lộ sự vui mừng, hả hê, châm biếm, diễu cợt. Và ở ngoài đời, nhiều người Việt Nam kể rằng thái độ của dân chúng cũng rất thờ ơ, thậm chí có những người cũng không ngần ngại nói huỵch toẹt kiểu như "Mong sao cả đám quan chức ăn tàn phá hại chết hết cho rảnh".
"Mong sao cả đám quan chức ăn tàn phá hại chết hết cho rảnh"
Ông Trần Đại Quang không phải là trường hợp duy nhất bị người dân bày tỏ sự thờ ơ hay hả hê khi qua đời. Trước cái chết của một nhân viên công an/cảnh sát cho tới nhiều quan chức, lãnh đạo khác ở nước này, người dân đều có những phản ứng như vậy.
Khác với một số chế độ độc tài, quyền lực tập trung vào tay một nhân vật duy nhất, kể cả ở Nga hay Trung Quốc bây giờ, quyền lực của Putin hay Tập Cận Bình cũng hết sức lớn, ở Việt Nam quyền lực lẫn trách nhiệm chia cho "tứ trụ", rộng hơn là 19 người trong Bộ Chính trị. Trong nhiều năm qua Việt Nam không có một khuôn mặt nào thật sự nổi trội và nắm hết mọi quyền lực trong tay, như thời Hồ Chí Minh hay Lê Duẩn. Thi thoảng, trong từng giai đoạn, một người nào đó khuynh loát được nội bộ, nắm được nhiều quyền lực hơn do phe cánh mạnh hơn, như ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có một thời "làm mưa làm gió" và bây giờ, theo như nhiều người nhận xét, quyền lực đang nằm chủ yếu trong tay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính vì vậy, người dân không thật sự biết được ai có năng lực hơn ai, ai phải chịu trách nhiệm trực tiếp về từng chủ trương, chính sách hại dân hại nước nào. Mọi bức bối, phẫn nộ đành chia đều !
Nên có thể nói, bây giờ ai trong "tứ trụ" hay Bộ Chính trị hay các "Thái thượng hoàng" Lê Đức Anh, Đỗ Mười ra đi thì dân cũng phản ứng như nhau. Lòng dân đã quá chán ngán cái chế độ này.
Đừng bảo dân ác mồm ác miệng. Đừng bảo nghĩa tử là nghĩa tận v.v và v.v. Phải hỏi tại sao lãnh đạo chết mà dân lại mừng, lại hả hê ? Vả lại đối với dân đen bây giờ, vũ khí duy nhất của họ chỉ là tiếng cười và sự châm biếm, khi nào họ không cười, không châm biếm nữa mà họ đùng đùng nổi giận, đứng lên xuống đường thì lúc đó mới là lúc cái chế độ này tắt thở !
Nhưng nói thật, với tất cả tội ác mà đảng cộng sản đã gây ra cho đất nước này và dân tộc này thì nhân vật nào còn được chết trên giường bệnh hay chết vì tuổi già là còn phúc ! Sau này lại đến lúc những nhân vật còn sống phải ra tòa trả lời về những tội ác đã làm nữa kia ! Còn những ai chết rồi cũng chưa xong đâu, mai mốt lịch sử sẽ ghi lại từng người, ai cam tâm làm lính đánh thuê cho ngoại bang, ai đẩy đất nước vào mấy cuộc chiến tranh rồ dại, ai bán nước, ai dâng đất cho Tàu... rành rành còn đó, sách sử nghìn đời ghi chép lại.
Quan chức, chính khách cộng sản đối với nhau
Ở Việt Nam, từ đời riêng cho tới tình trạng sức khỏe, lý do bệnh tật của các quan chức lãnh đạo cấp cao luôn luôn là một bí mật đối với dân chúng. Người dân chỉ được biết những gì mà nhà nước cho biết. Ngay cả ngày chết cũng nhiều khi bị ém lại chờ ý kiến, quyết định của Bộ Chính trị rồi mới công bố, như trường hợp ông Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt hay ông Nguyễn Bá Thanh… Nhưng từ khi có mạng internet, có báo chí "lề trái", dù nhà nước đã ra sức bưng bít nhưng những thông tin rò rỉ, những câu chuyện "thâm cung bí sử" phía sau hậu trường chính trị, trong đó có cả chuyện sức khỏe, bệnh tật của các quan lớn cứ bị rò rỉ, lan truyền trên các trang mạng xã hội và trong dân chúng.
Như ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương từ năm 2012-2015, trước đó là Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng từ năm 2003-2013, toàn bộ quá trình bệnh tật, lý do bệnh tật cho tới thực sự chết khi nào đều bị nhà nước này giấu giếm, quanh co. Trong lúc trên mạng xã hội những hình ảnh ông nằm trên giường bệnh điều trị ở nước ngoài với cái đầu cạo trọc, làn da xám ngoét, dấu hiệu của người đang xạ trị bệnh ung thư, hình ảnh chuyến bay từ Mỹ được cho là đưa ông về Việt Nam (nhưng không ai thấy mặt ông) cùng với những "tin đồn" về chuyện ông bị các đồng chí đầu độc bằng chất phóng xạ cứ lan truyền không kiểm soát nổi.
Thậm chí dân tình còn đồn rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã bị bệnh viện Mỹ trả về vì không còn có thể cứu chữa được, nhưng báo chí nhà nước thì vẫn tiếp tục đưa tin ông về và đang điều trị tại Đà Nẵng, các quan chức vẫn vào thăm, ông còn nói "Tau khỏe mà, có chi mô", nhưng cũng không có một hình ảnh nào của ông, kéo dài hàng tháng, trước khi nhà nước chính thức công bố ông Nguyễn Bá Thanh qua đời !
Trường hợp ông Trần Đại Quang cũng vậy. Từ năm ngoái dân tình đã đồn đãi về tình trạng sức khỏe của ông. Khi ông phải đi Nhật chữa bệnh lần 1, lần 2, nhà báo Huy Đức đã thông báo trên facebook của mình trong lúc báo chí nhà nước vẫn im lặng. Trong những ngày cuối đời, khi thần sắc ông đã rất kém, ông vẫn phải đóng tròn vai trò của mình là xuất hiện chỗ này chỗ kia, lịch làm việc dày đặc. Một ngày trước khi ông mất, ngày 20/09, nhà báo Huy Đức nhận xét trên facebook :
"Sức khỏe của Chủ tịch nước
Với hình ảnh của Chủ tịch nước xuất hiện trên VTV tối qua và diễn biến chiều nay (20/9/2018), tôi nghĩ, TTX nên bắt đầu phát đi những bản tin đầu tiên về sức khỏe của Đại tướng Trần Đại Quang. Lãnh đạo cũng không tránh khỏi quy luật sinh - lão - bệnh... Người dân có quyền được biết và ông cũng nên được đối xử như một con người, ốm thì phải được nghỉ ngơi chữa bệnh".
Và hôm sau thì ông Trần Đại Quang qua đời. Có lẽ chuyện phải làm việc cho đến tận phút cuối cùng là một trong những lý do khiến ông phải đi sớm như tác giả Đinh Ngọc Thu viết trong bài "Vì sao Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời ?" đăng trên trang Tiếng Dân.
Trong một chế độ dối trá, cả đến cái chết cũng phải được đảng, được các đồng chí của mình cho phép. Đó là chưa nói nguyên nhân, lý do thực sự vì sao một số ông lại phải ra đi, có phải do bị các đồng chí của mình hãm hại trong cuộc tranh giành quyền lực như dân tình đồn đãi hay không. Chỉ khi nào có một thể chế minh bạch, được vận hành bởi luật pháp, cộng thêm sự giám sát của báo chí và tiếng nói của nhân dân thật sự có trọng lượng, thì lúc đó những cuộc tranh giành đấu đá, hãm hại nhau trong bóng tối mới khó có cơ may xảy ra...
Cọp chết để da, người ta chết để tiếng
Nhớ lại gần đây khi Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008, người từng bị giam cầm ở Hà Nội thời Chiến tranh Việt Nam, đã qua đời sau một thời gian dài điều trị chứng ung thư não ác tính, không chỉ người Mỹ, mà rất nhiều lãnh đạo, chính khách trên thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng. Đặc biệt nhiều người Việt đang sống tại Việt Nam, tại Mỹ và nhiều nơi khác cũng bày tỏ sự thương tiếc khi ông qua đời, vì những nỗ lực của ông trong quá trình gác bỏ hận thù, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, cũng như chương trình HO mà ông là tác giả, đã giúp đưa hơn 500 000 sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa và thân nhân của họ được định cư trên đất Mỹ.
Tổ tiên người Việt có câu : "Cọp chết để da, người ta chết để tiếng", có thể là tiếng "tốt" hay tiếng "xấu" tùy theo cách sống và hành động khi chưa lìa đời.
Còn đối với người dân Mỹ, ông không chỉ là một anh hùng chiến tranh mà còn là một con người yêu nước thực sự, đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ những giá trị của nước Mỹ, dù trên chiến trường hay trong lòng nước Mỹ. Một chính khách trung thực, có lương tri, có đạo đức, luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên đảng phái, sẵn sàng lên tiếng bào vệ đối thủ chính trị hay chỉ trích những việc làm, sai trái của Tổng thống đương nhiệm cho dù là người cùng đảng Cộng Hòa. Nói về ông, người ta nói về một nhân cách lớn, một con người quân tử, chính trực, một người yêu nước. Những tính từ đẹp nhất để nói về một con người-một quân nhân và một chính khách.
Không biết khi thấy những phản ứng đối nghịch rất rõ của người Việt Nam dành cho một "cựu thù" và cho một quan chức lãnh đạo của chính nước mình như vậy, những con người đang ngồi trên những vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam có suy nghĩ gì hay không ?
Có lẽ họ cũng biết, nhưng họ vẫn chọn con đường coi như không thấy không biết, một phần vì vẫn còn quá ảo tưởng vào sức mạnh của chế độ, tưởng như chế độ này cứ thế tồn tại mãi nhờ vào bạo lực và sự sợ hãi, một phần do không ai trong số họ đủ tâm, đủ tầm, đủ sức để làm bất cứ một sự thay đổi nào. Họ sợ hãi mọi sự thay đổi. Họ chọn lựa cách dễ dàng là bảo vệ đến cùng những gì đang có.
Cũng như từ trước đến nay, đảng và nhà nước cộng sản luôn luôn lựa chọn con đường dễ dàng nhất, có lợi nhất cho mình, bất chấp lợi ích của đất nước, dân tộc, bất chấp những xoay chuyển của thời cuộc khách quan, dòng chảy của lịch sử… Hậu quả là cả đất nước này, dân tộc này phải đi trên con đường khó khăn nhất, chậm chạp nhất và tổn thất nhất để giành lại Tự Do, Dân Chủ, Hạnh Phúc.
Nhưng hậu quả ấy còn đến với chính đảng và nhà nước cộng sản khi chọn lựa đàn áp nhân dân để bảo vệ chế độ đến cùng thay vì tự thức tỉnh và thay đổi, đó là chính họ đã đóng cửa con đường quay về trong hòa bình với nhân dân. Bạo lực, thù hận do đó khó mà tránh khỏi.
Khi còn sống
Ông Trần Đại Quang chết đã 3 ngày, nhưng trên mạng xã hội dân vẫn tiếp tục diễu cợt hoặc phẫn nộ chửi. Trước hết vì những gì ông đã làm khi còn sống, trong đó có những "thành tích" thời ông còn trong ngành công an, chức vụ cao nhất là Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam nhiệm kỳ 2011-2016, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương và Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên từ 2011 đến 2016. "Thành tích" nhiều người nhắc nhất là vụ dẹp loạn ở Tây Nguyên năm 2004. Lúc đó ông Trần Đại Quang là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an.
Vụ dẹp loạn ở Tây Nguyên nhắc đến ở đây là vụ biểu tình xảy ra vào tháng 4/2004 của đồng bào dân tộc thiểu số, với quy mô lớn gần 10.000 người tham gia, đồng loạt ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, Tây Nguyên nhằm đòi lập Nhà nước Đề Ga tự trị, đòi đất, đòi tự do tôn giáo do Quỹ người Thượng của Ksor Kok đứng đầu. Cuộc biểu tình đã bị nhà cầm quyền đàn áp dữ dội. Do bị ém nhẹm, không ai có thể biết chính xác bao nhiêu người đã bị bắt, bị giết… nhưng con số thương vong chắc chắn là rất lớn, hàng trăm, hàng ngàn người, và rất nhiều đồng bào Tây Nguyên đã phải tháo chạy qua Campuchia, qua Thái Lan xin tỵ nạn chính trị.
Điều thứ hai mà nhiều người hay nói nữa là những "thành tích" chà đạp về nhận quyền, đàn áp người yêu nước của giới công an dưới trướng Bộ trưởng công an Trần Đại Quang, cũng như khi ông Quang lên làm Chủ tịch nước. Chỉ riêng người thường bị bạo hành đến chết khi đang trong lúc điều tra, tạm giữ đã là hàng trăm người. "Ba năm có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ" (Thanh Niên). 226 người chết từ tháng 10/2011 - 9/2014 (3 năm), chủ yếu vì bệnh lý và tự sát, là báo cáo của Bộ Công an, con số thật chắc chắn phải cao hơn và cũng không thể chỉ vì bệnh lý hay tự sát. Có bao nhiêu trường hợp người thân của nạn nhân kể lại, ngày hôm trước chồng, cha, anh… của họ còn khỏe mạnh, bình thường, tâm lý, hoàn cảnh gia đìnhh bình thường không có điều gì phải uất ức, tự nhiên bị bắt lên đồn, ngày hôm sau đã nghe công an báo là chết do bệnh tật hoặc tự sát !
Từ khi lên làm Chủ tịch nước, với xuất thân và kinh nghiệm của ông Trần Đại Quang, Việt Nam ngày càng trở thành một quốc gia "công an trị", hành xử với dân một cách hà khắc, sắt máu. Cuối cùng, chính ông Trần Đại Quang là người đã ký thông qua và ban hành Dự Luật An ninh mạng, copy từ Trung Quốc, để bị miệng người dân.
Còn vô số "thành tích" nữa nhưng chỉ sơ sơ như thế này đã cho thấy ông Trần Đại Quang đã gây bao tội ác cho dân cho nước.
Và sau khi đã chết
Nhưng điều khiến người dân càng có cớ để cười cợt hoặc phẫn nộ là những gì đang diễn ra sau khi ông Trần Đại Quang qua đời.
Thứ nhất là lễ cầu siêu "khủng" với đầy đủ chức sắc cao nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, tăng ni phật tự các tu viện Thành phố Hồ Chí Minh, tăng ni sinh Học viện phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh v.v… Có đến cả trăm sư, tăng !
Dân chửi vì các quan chức cộng sản Việt Nam từ trên xuống dưới, mở miệng ra thì ca ngợi chủ nghĩa Mác Lê vô thần nhưng trong đời sống thì mê tín dị đoan kinh khủng. Càng quyền cao chức trọng, càng lắm tiền thì càng mê tín, càng siêng đi chùa khấn vái, bỏ cả đống tiền vào cầu an, cúng chùa… Có vẻ như chính họ, dù ngồi trên đống tiền và nắm bao nhiêu quyền lực trong tay nhưng trong tâm vẫn không bình an, thanh thản nổi nên mới siêng đi chùa, cúng vái đến thế. Đến khi chết lại cầu siêu linh đình ! Nhiều người độc miệng bảo ác thế kia, hại dân hại nước thế kia Phật nào chứng cho, cầu thế nào cho siêu thoát nổi.
Thứ hai là chuyện xây mộ. Báo chí nhà nước đưa tin ông Trần Đại Quang sẽ được an tang tại quê nhà ở Ninh Bình.
Báo VnExpress viết : "Khu đất xây lăng mộ được chọn rộng khoảng 2-3 ha nằm trên cánh đồng ở xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), phía trước là ngôi làng gắn với tuổi thơ của Chủ tịch nước. Vị trí này cũng nằm sát quốc lộ 10, tuyến tránh thị trấn Phát Diệm, giao thông khá thuận tiện.
Khu đất trước đây là cánh đồng lúa của người dân nhưng đã được hợp thửa sau đó san ủi, đổ đất đá làm nền và trồng cây xanh từ mấy năm trước. Giáp với khu nghĩa trang này có một dòng sông nông giang nhỏ, nước trong xanh. Hai bờ sông (dài khoảng hơn 500 m) đã được kè đá hộc và làm ba cây cầu đá kiên cố bắc qua. Các tuyến đường gom bao quanh khu đất đều trải nhựa, lát vỉa hè bằng đá xanh". ("Khu an táng cố Chủ tịch nước được gấp rút hoàn thiện").
Chi tiết rộng khoảng 2-3 ha này sau đó đã bị bỏ đi nhưng nhiều người đã kịp chụp hình lại đưa lên facebook. Cứ thử nghĩ, ở một xứ sở đất chật người đông, ngành nông nghiệp, trong đó trồng lúa xuất khẩu gạo vẫn là ngành đem lại bao nhiêu ngoại tệ hàng năm cho một ngân sách ít ỏi, cứ một người chết mà chiếm bao nhiêu đất nông nghiệp thế này, thì bao nhiêu quan chức to mà chết thì lấy mất bao nhiêu đất ? Chưa kể, dân mạng cũng đã kịp chụp hình khu đất và chỗ dự định an tang rất hoành tráng, chả khác nào một vị vua của ông Trần Đại Quang. Trong khi bao nhiêu Tổng thống, Thủ tướng các nước Âu-Mỹ. giàu có hơn Việt Nam gấp nhiều lần mà ngôi mộ lại vô cùng giản dị !
Cũng trong bài báo nói trên cho biết : "Ba ngày nay, trên công trường - nơi được chọn an táng Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn có hàng trăm công nhân làm việc hối hả. "Các tốp thợ làm không kể ngày đêm suốt từ chiều 21/9", một người dân địa phương nói"…Trên Dân Việt, còn có bức ảnh người dân đang lao động, với tiền cảnh là một bà cụ già đang còng lưng quét rác và câu chú thích : "Dưới thời tiết nắng gắt, nhiều người dân tiến hành quét dọn vệ sinh những khu vực đã hoàn thành thi công" ("Gấp rút chuẩn bị cho Lễ Quốc tang Chủ tịch nước ở quê nhà Ninh Bình"). Thật đúng là một người chết làm khổ bao nhiêu người, khi sống tội đã nặng, nay chết gia đình người thân càng làm cho người chết tội nặng hơn !
Nếu ông Trần Đại Quang trước khi chết mà với chức vụ, quyền hạn của mình, làm được một việc tốt cuối cùng như ký giấy thả một số tù nhân lương tâm đang phải chịu những bản án phi lý, phi nhân, bị đày đọa trong lao tù cộng sản, thả luôn một số tù bị kết án oan sai, ví dụ như vụ Hồ Duy Hải, thì khi chết dân đã không chửi nhiều, mà có khi còn hy vọng siêu thoát được !
Nỗi niềm xa gần…
Làm quan chức, chính khách của một chế độ độc tài, khi sống đã ăn cướp của dân ngập họng mà khi chết lại còn làm đám ma đình đám, xây lăng mộ hoành tráng là dại. Chẳng có chế độ nào tồn tại mãi với thời gian, nhất là một chế độ đã có quá nhiều sai lầm, gây quá nhiều tội ác cho đất nước, dân tộc như chế độ này, biết sợ đường xa thì hỏa táng rải tro ngoài biển, xây lăng mộ làm gì để sau này dân họ thù họ đào mả lên. Lại còn cái trò đặt tên đường, dựng tượng đài, càng dại. Xem tượng Lenin, Stalin...bây giờ bao nhiêu nước người ta giựt đổ kia. Tính ra Fidel Castro còn khôn, biết nghĩ đến cái ngày chế độ cộng sản sụp đổ ở Cuba nên không cho đặt tên đường, dựng tượng gì cả !
Đối với một người bình thường, khi chết đi di sản để lại cho con cháu quý nhất không phải là tiền của mà là tấm gương về cả cuộc đời mình đã sống như thế nào, và cái tiếng tốt để lại cho con cháu. Đối với xã hội thì mình đã đóng góp được gì. Còn đối với một chính khách, quan chức thuộc hàng lãnh đạo, khi chết đi quan trọng nhất là họ đã làm được gì cho dân cho nước, di sản họ để lại cho đất nước, dân tộc là gì. Và cuộc đời của họ đã luôn luôn tận hiến cho dân cho nước, luôn luôn đặt quyền lợi của dân của nước lên trên hết. Nếu làm được như vậy con cháu họ sẽ vô cùng sung sướng, tự hào, nhân dân sẽ mãi mãi tôn thờ, lịch sử vinh danh đời đời.
Tiếc thay kể từ khi đảng cộng sản ra đời cho đến nay, trải qua bao nhiêu thế hệ lãnh đạo, rồi quan chức cao cấp, chả có một ai đáng để dân thờ, ngược lại, lịch sử rồi sẽ điểm danh từng người đã có những việc làm, những quyết định sai lầm, hại dân phản quốc ra sao. Và cái di sản mà đảng cộng sản nói chung và các thế hệ lãnh đạo đảng nói riêng để lại sau hơn 7 thập niên là một cái di sản kinh hoàng : Đất nước lạc hậu, thua xa lắc các nước trong khu vực chứ khoan nói đến thế giới, tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, rừng bị tàn phá, lãnh thổ lãnh hải bị co hẹp lại, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, một xã hội bị hủy hoại đến tận gốc rễ về mặt đạo đức lương tri, người dân thì vẫn chưa được hưởng Tự Do, Độc Lập, Hạnh Phúc, quyền con người vẫn bị hạn chế, chà đạp… Chưa kể một đống nợ khổng lồ và nằm trong vòng kiềm tỏa, khống chế quá sâu, quá chặt của Trung Quốc !
Dân gian đã từng nói :
Thương dân dân lập đền thờ
Hại dân dân đái ngập mồ thối xương…
Đúng là một đời người chết rồi cũng chưa hết chuyện, với một quan chức, chính khách lại càng chưa… 50, 100 năm sau xét lại vẫn chưa là muộn !
Song Chi
Nguồn : RFA, 23/09/2018 (songchi's blog)
Chính trường Mỹ giã biệt Thượng nghị sĩ John McCain, Thế giới vĩnh biệt nữ hoàng nhạc soul Aretha Franklin ; Vẫn tại Hoa Kỳ, còn có hai sự kiện khác thu hút sự chú ý của công luận thế giới đó là vụ hai cộng sự thân cận của tổng thống Mỹ - Paul Manafort và Michael Cohen - đã nhận tội, gây khó khăn cho tổng thống Mỹ và cuối cùng, hơn 350 linh mục tại Mỹ bị tố ấu dâm. Đây là những chủ đề chính mục Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Một công dân Mỹ đến đặt hoa và cờ trước đài tưởng niệm thượng nghị sĩ John McCain ở Hanoï, ngày 26/08/2018. Reuters/Kham
Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa John McCain, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh u não, đã từ giã cõi trần tại bang Arizona hôm 25/08/2018. Là một chính khách có uy tín và thế lực, ông rất được giới chính trị gia Mỹ nể trọng, ngay từ trong chính đảng Cộng Hòa cho đến cả đảng Dân Chủ.
Với các đức tính cương trực, kỷ luật, trọng danh dự, yêu tổ quốc, trung thành, ông đã chiếm được tình cảm ngưỡng mộ, kiêng nể, không chỉ trong chính giới Mỹ, mà cả ở nhiều nước cựu thù với Mỹ.
Theo thông tín viên Frédéric Noir, tại Việt Nam, nơi ông từng tham chiến, từng bị bắt làm tù binh và giam cầm trong vòng hơn năm năm (1967-1973), sự ra đi của ông đã gây nhiều xúc động. Bởi vì, chính ông là người đã kiến tạo hòa bình, thúc đẩy quá trình hòa giải tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
"Tại Việt Nam, tin ông John McCain qua đời được tất cả các báo đưa lên trang nhất. Cựu phi công trong chiến tranh Việt Nam được coi là người kiến tạo hòa bình. Ông là một trong những chính trị gia duy nhất, cùng với cựu tổng thống Bill Clinton và cựu ngoại trưởng John Kerry, đã làm hết sức mình để đạt được việc bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù.
Ở Hà Nội, bên bờ hồ Trúc Bạch, nơi mà John McCain bị lực lượng Bắc Việt Nam bắt, sau khi máy bay của ông bị trúng tên lửa và ông phải nhẩy dù, cách nay 51 năm, có nhiều người dân trong những ngày qua, đã đến đặt hoa dưới chân bức tượng được dựng lên để kỷ niệm sự kiện bắt sống phi công Mỹ này.
Bản thân ông McCain đã tới xem bức tượng. Kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, cựu chiến binh John McCain đã trở thành chính trị gia và ông đã nhiều lần tới thăm Việt Nam. Lần đầu tiên là vào năm 1985, tức là 10 năm trước khi Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong một lần tới thăm Việt Nam, ông đã gặp lại cựu giám đốc nhà tù Hỏa Lò, vốn nổi tiếng với cái tên Hilton Hà Nội. Ông McCain cho biết là đã bị tra tấn khi bị giam cầm tại đây. Cựu giám đốc nhà tù Hỏa Lò đã bác bỏ những cáo buộc này, nhưng bùi ngùi nhắc lại những cuộc tranh luận kéo dài với cựu tù binh nổi tiếng này về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam ca ngợi vai trò của John McCain trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải giữa hai nước".
Aretha Franklin, nữ hoàng nhạc soul, sống mãi với thời đại
Không chỉ có chính trường Mỹ đau buồn vì sự mất mát một cột trụ, mà làng nhạc Mỹ trước đó 10 ngày cũng phải vĩnh biệt một thần tượng âm nhạc, Aretha Franklin. Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh ung thư, bà đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16/8. Với 21 lần đoạt giải Grammy, trong đó có ba giải thưởng đặc biệt vinh danh thành tựu sự nghiệp, Aretha Franklin xứng đáng được mệnh danh là "nữ hoàng nhạc soul".
Aretha Franklin xứng đáng là "nữ hoàng nhạc soul".
Đặc phái viên Eric de Salve cho biết thứ Sáu 31/08/2018, tại Detroit, người hâm mộ đến tiễn biệt lần cuối thần tượng của mình. Tham dự tang lễ của bà còn có sự góp mặt của nam danh ca Stevie Wonder et cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton.
"Trong ba ngày qua, đông đảo người dân Detroit đã tới nghiêng mình trước linh cữu Aretha Franklin để vĩnh biệt bà. Có thể nói cả thành phố này đã tưởng niệm bà, nơi mà nữ ca sĩ rất gắn bó.
Hôm thứ Năm, linh cữu của bà được quàn tại nhà thờ New Bethel nhỏ bé, nơi mà cha của bà đã là mục sư quản nhiệm. Cũng chính tại nhà thờ này mà Aretha Franklin đã hát những bài Phúc Âm (Gospel) đầu tiên, hàng trăm người ở khu vực nghèo khó này đã hát vang những bài Phúc Âm khi đón linh cữu của bà.
Đó là thời điểm rất xúc động đối với cộng đồng cư dân tại đây, bởi vì nhiều người trong số họ đã biết nữ ca sĩ nổi tiếng này. Lúc sinh thời, Aretha Franklin, mỗi năm quay lại đây ít nhất là một lần, để hát tại nhà thờ, tổ chức phát súp cho người nghèo.
Những người hâm mộ bà, đa phần là người Mỹ gốc Châu Phi, lại một lần nữa ca ngợi bà, đó là sự giản dị, dấn thân đấu tranh bảo vệ các quyền của phụ nữ và các quyền công dân.
Đêm thứ Năm, kết thúc ba ngày để tang là một buổi hòa nhạc rất lớn để tưởng nhớ bà. Lễ an táng kéo dài từ 5 đến 7 tiếng, với sự hiện diện của nhiều nhân vật nổi tiếng như cựu tổng thống Bill Clinton, ca sĩ Stevie Wonder".
P. Manafort và M. Cohen làm D. Trump "ăn ngủ không yên"
Chính trường Mỹ tuy trầm lặng vì sự ra đi của cố Thượng nghị sĩ John McCain, nhưng cũng không thiếu những đợt sóng ngầm. Bởi vì, vào ngày 21/08/2018, tổng thống Donald Trump liên tiếp hứng chịu hai cú sốc tư pháp lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến uy tín của ông. Hai cựu cộng sự thân cận của ông đã nhận tội và quy kết tổng thống.
Michael Cohen (trái) và Paul Manafort (phải) làm Donald Trump (giữa) ăn ngủ không yên
Người thứ nhất là Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống. Ông bị kết tội gian lận thuế và ngân hàng đối với 8 trên tổng số 18 tội danh mà ông bị cáo buộc.
Người thứ hai là ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Trump. Người này thừa nhận trước tòa là đã phạm vào 8 tội danh mà ông bị cáo buộc : 6 tội về gian lận thuế và ngân hàng cùng với 2 tội về tài trợ bất hợp pháp cho chiến dịch vận động tranh cử. Đáng chú ý là vị cựu luật sư khẳng định trước tòa là đã vi phạm pháp luật theo yêu cầu của "ứng viên tổng thống" lúc đó, tức là ông Donald Trump.
Trả lời câu hỏi của ban Tiếng Việt đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, nhà báo Phạm Trần từ Washington cho rằng vụ việc chưa kết thúc, cuộc điều tra vẫn còn tiếp diễn :
"Tất cả những chuyện này trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục. Thứ nhất, căn cứ vào những điều họ đã nhận tội trong thời gian vừa qua trước tòa án, tư pháp Mỹ sẽ xử án hai ông này. Thứ hai, cuộc điều tra này còn được tiếp tục. Và cuộc điều tra này vẫn sẽ có liên hệ đến hai ông này. Đó là diễn tiến cho đến giờ này, và có thể còn có những biến cố khác nữa.
Nhưng người ta vẫn tiếp tục cuộc điều tra về vấn đề ông Donald Trump, về ban vận động tranh cử của Donald Trump có liên hệ gì với sự phá hoại của nước Nga, và vấn đề sử dụng tiền tranh cử như thế nào để mà trả cho hai người phụ nữ đó, có vi phạm luật hay không.
Nếu có vi phạm, thì ông Trump sẽ nguy hiểm. Đối với ông Paul Manafort, là người phụ trách cuộc vận động tranh cử cho ông Donald Trump trong giai đoạn đầu, có liên hệ tới nước Nga như thế nào… tất cả những chuyện này vẫn được tiếp tục điều tra".
Mỹ : Hơn 350 linh mục bị tố phạm tội ấu dâm, lịch sử tái diễn
Một sự kiện khác cũng gây chấn động tại Mỹ, ngày thứ Ba 14/08/2018, tư pháp Mỹ cho công bố kết quả một cuộc điều tra, kéo dài trong vòng hai năm, cáo buộc hơn 350 linh mục phạm tội ấu dâm đối với khoảng 1.000 trẻ tại bang Pennsylvania.
Giáo hoàng Francis coi những linh mục phạm tội ấu dâm là những kẻ phạm tội ác
Theo báo cáo này, hầu hết tất cả những vị linh mục trên đều được Giáo hội che chở. Tuy những người có liên quan sẽ không bị đưa ra xét xử do đã hết thời hạn thụ lý, khởi tố, nhưng trong một cử chỉ hiếm hoi, hai ngày sau khi điều tra được công bố, giáo hoàng Francis đã có phản ứng mạnh mẽ lên án vụ này.
Trả lời phỏng vấn đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, ông Antoine-Marie Izoard, cựu giám đốc trang mạng I. Media tại Roma, và hiện là giám đốc tờ Gia đình Công giáo, lấy làm tiếc rằng lịch sử tái diễn, gợi nhắc lại vụ bê bối giáo hội Mỹ trong những năm 2000.
"Lại thêm một vụ bê bối nữa. Tại Hoa Kỳ, những vụ bê bối như thế này đã từng xẩy ra trong những năm 2000, như ở Boston và một số số giáo phận khác. Giáo hoàng thời đó là John Paul đệ nhị không muốn biết đến, nhưng cuối cùng, ngài cũng phải nghe thấy.
Cộng sự thân cận nhất của ngài vào thời đó là hồng y Joseph Ratzinger, người sau này trở thành giáo hoàng. Hồng y Ratzinger đã nói đó là một vụ bê bối tầm cỡ thế giới, bê bối về sự nhất quán của Vatican, một giáo hội luôn khẳng định ủng hộ, bênh vực người yếu kém nhất và chính ngài Ratzinger đã tuyên bố không châm chước, bao che cho bất kỳ ai.
Nay lại có thêm một vụ bê bối mới và chính giáo hoàng Francis phải cắt bỏ ung nhọt này. Nếu không, mọi người không tin và nghi ngờ sự nhất quán trong các thông điệp của Vatican.
Do vậy, giáo hoàng Francis tuyên bố cần phải cắt bỏ ung nhọt này, kêu gọi mọi người tố cáo những kẻ phạm tội ác. Điều đáng chú ý là ngài coi những linh mục phạm tội ấu dâm là những kẻ phạm tội ác, đồng thời, ngài còn tố cáo những hành động bao che cho các tội ác đó. Ngài chỉ rõ trách nhiệm của một số giáo phận trên thế giới, tố cáo việc bao che bảo vệ tầng lớp chức sắc trong giáo hội, tố cáo việc bưng bít, co cụm, khép kín. Đó là điều không thể chấp nhận được".
Minh Anh
Thượng nghị sĩ John McCain, người qua đời hôm 25/8 ở tuổi 81 do ung thư não, là một trong những người Mỹ được chính quyền Việt Nam đánh giá cao.
Mai Trần, một người Mỹ gốc Việt, khóc bên bức di ảnh nghị sĩ McCain tại lễ viếng tại Tòa Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội, 27 tháng Tám. (Reuters)
Cùng các cựu binh Cuộc chiến Việt Nam và cựu Thượng nghị sĩ như John Kerry và Chuck Hagel (ông Hagel sau còn là Bộ trưởng quốc phòng và ông Kerry là Bộ trưởng ngoại giao), ông McCain đã góp phần "bắc cầu qua dòng sông đau khổ" ngăn cách hai cựu thù như lời một cựu tù nhân khác và cũng là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam Douglas Pete Peterson đã nói.
Ông McCain cũng từng hai lần ra tranh cử tổng thống bất thành và có lẽ những người "bạn" của ông ở Việt Nam từng mong ông thắng cử. Nhưng dù ủng hộ bình thường hóa quan hệ và rồi nâng cấp quan hệ với Việt Nam, ông McCain cũng không ngại ngần gì mà không nói thẳng những gì ông nghĩ về những người cộng sản.
Trong dịp tiến tới kỷ niệm 25 năm Cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông McCain nói "những kẻ không xứng đáng" đã thắng cuộc. Báo Los Angeles Times dẫn lời ông hồi năm 2000 : "Tôi nghĩ họ [chính quyền Hà Nội] đã mất hàng triệu người ưu tú vốn bỏ đi bằng thuyền, mất hàng ngàn người do họ [chính quyền cộng sản] hành hình và hàng trăm ngàn người trong các trại cải tạo".
Vô số thuyền nhân Việt Nam thiệt mạng trên biển trong khi rời bỏ đất nước bết bát về kinh tế và ngột ngạt về chính trị trong những năm cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80. Thậm chí ngay cả những người từng được coi là cộng sản trung kiên về sau này cũng bỏ đi. Một trong những người như thế là Đại tá Bùi Tín, người cũng mới qua đời ở Paris, nơi ông tới công cán với tư cách Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân hồi năm 1990 và không bao giờ trở về. Trước khi mất vài tháng, ông nói :
"Tôi xưa kia tôi cũng đã lên án Việt Nam Cộng Hòa và bây giờ tôi cũng phải phản tỉnh là sai – đó là một chế độ tiến bộ hơn miền Bắc. Thống nhất ở Đức là anh tiến bộ thống nhất với anh [lạc hậu] nên cái anh tiến bộ bao trùm và nước Đức lên. Ở Việt Nam cái anh lạc hậu lại thắng anh tiến bộ, một chế độ hơn. Chế độ miền Nam rõ ràng là hơn chứ - có dân chủ, có nền tư pháp độc lập, tam quyền phân lập, có luật sư, tòa án, không có tù nhân chính trị dễ dãi như miền Bắc".
Trên thực tế ông John McCain không chỉ nói thẳng, nói thật với những người cộng sản Việt Nam. Ông cũng bất đồng với Tổng thống Donald Trump tới mức gia đình ông sẽ không mời đương kim tổng thống tới tang lễ của ông trong khi nhiều cựu tổng thống trong đó có ông Barack Obama sẽ tới dự. Điều này cũng cho thấy sự khác nhau một trời một vực giữa không gian tự do của cá nhân, ngay cả của người đã khuất, và không gian của chính quyền ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Một ngày sau khi ông John McCain qua đời, nhà văn và cựu tù chính trị Vũ Thư Hiên, tác giả cuốn Đêm Giữa Ban Ngày, đăng lại bài của con trai Trung tướng Trần Độ thuật lại quang cảnh đám tang ông Trần Độ hồi năm 2002 :
"Sáng 14/8/2002, gia đình, họ hàng, thân bằng quyến thuộc của Cha tôi đã có mặt rất sớm ở nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Cảm nhận đầu tiên là vấn đề an ninh : không hiểu sao công an, bộ đội, người đứng chỉ trỏ… rất đông. Cảm nhận tiếp theo là : không khí rất căng thẳng như có gì đó chống đối nhau. Cảm nhận nữa là : tại sao việc kiểm soát vòng hoa tang, băng tang, các bức trướng… lại nghiêm ngặt đến vậy ?
"Nhiều vòng hoa phải thay băng tang hoặc sửa câu chữ, nhiều bức trướng bị thu giữ…Tôi và mọi người tang phục chỉnh tề bước vào nhà tang lễ. Đập thẳng vào mắt tôi là dòng chữ "Lễ tang ông Trần Độ" trên một tấm bảng lớn phủ kín dòng chữ "Vô cùng thương tiếc…" lâu nay vẫn gắn trên tường. Đi tới bàn ghi sổ tang tôi thấy trên 5 bàn có 5 tập giấy trắng khổ A4. Tôi hỏi cán bộ Ban lễ tang : Sổ tang đâu ? Anh ta nói : Sau đám tang sẽ đóng thành sổ. Tôi nói : Đã thống nhất sổ tang là sổ tang, ban tổ chức không có gia đình sẽ đưa tới. Một lúc sau, 5 quyển sổ tang đã đóng được đưa vào thay cho 5 tập giấy rời.
"Đám tang được cử hành, các đoàn, các nhóm, các cá nhân lần lượt vào viếng. Băng tang hầu hết không có chữ "vô cùng thương tiếc" hoặc "Trung tướng Trần Độ".
Trong khi đó sau khi ông John McCain nằm xuống, chính quyền Việt Nam tỏ ra văn minh hơn hẳn đối với người đã tố cáo chính quyền cộng sản "tra tấn" ông ở Hoả Lò và thậm chí gọi những người đánh đập ông và đồng đội là "những tên mọi vàng" mà ông sẽ ghét bỏ tới cuối đời. Trang tin VTC dẫn lời Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh viết trong sổ tang của Đại sứ quán Hoa Kỳ : "Đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngài Thượng nghị sĩ John McCain luôn là biểu tượng cho thế hệ nghị sĩ – cựu binh chiến tranh Việt Nam, là người đi đầu và có nhiều đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ.
"Chúng tôi luôn trân trọng những nỗ lực của ngài Thượng nghị sĩ trong việc xây dựng và phát triển quan hệ Việt Nam và Mỹ trong những thập kỷ qua".
VTC cũng viết thêm : "Với lòng tiếc thương vô hạn, Phó Thủ tướng mong ngài Thượng nghị sĩ an nghỉ và mong gia đình sớm vượt qua nỗi mất mát lớn lao này".
Chỉ còn hai năm nữa sẽ tới kỷ niệm 45 năm ngày Cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Hơn bốn thập niên đã qua đi nhưng Việt Nam thống nhất mà ông John McCain đã góp phần nâng cấp quan hệ với cựu thù Hoa Kỳ vẫn chưa tìm được lối thoát trong cải tổ chính trị dù đã có những thành công nhất định về cải cách kinh tế. Thế hệ cựu binh với lý tưởng tự do và lý tưởng cộng sản ở các phía đang lần lượt nằm xuống và chưa thấy tín hiệu nào cho thấy họ sẽ sớm thấy một ngọn hải đăng về tự do dân chủ ở dải đất đã thấm đẫm máu của hàng triệu người trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 28/08/2018
Năm 2000, Nghị sĩ John McCain muốn được đảng Cộng Hòa đưa ra tranh cử tổng thống. Ông bị George W. Bush đánh bại. Năm 2008, ông McCain được toại nguyện nhưng lại thua Barack Obama. Ông thua một phần cũng vì di sản của ông Bush : Kinh tế Mỹ đang rơi vào cơn "Đại Suy Thoái" và dân Mỹ bắt đầu chán cuộc chiến tranh Iraq bắt đầu 5 năm trước đó.
Người dân Mỹ mang hoa và di ảnh Nghị sĩ John McCain đặt trước văn phòng của ông ở Phoenix, Arizona, hôm 26 tháng Tám, 2018, bày tỏ lòng tiếc thương, một ngày sau khi John McCain qua đời. (Hình : Getty Images)
Nhưng trong tang lễ của cố nghị sĩ McCain, hai đối thủ cũ George W. Bush và Barack Obama được mời tới đọc điếu văn. Họ sẽ bày tỏ lòng kính trọng đối với một con người đặt danh dự và nghĩa vụ lên trên quyền lợi cá nhân mình, trong thời chiến cũng như thời bình.
George W. Bush không quên rằng John McCain đã bỏ qua những đòn tranh cử (nhiều khi không hoàn toàn trong sáng), mà ủng hộ hầu hết các quyết định quan trọng nhất của vị tổng thống cùng đảng trong hai nhiệm kỳ.
Barack Obama chịu ơn John McCain ngay trong lúc hai bên đang giành nhau Tòa Bạch Ốc. Trong một cuộc tập họp vận động tranh cử, có người tới ủng hộ McCain đã nói rằng ông Obama theo đạo Hồi và không sanh ở nước Mỹ. McCain không làm ngơ để cho lời lăng mạ đó tiếp tục được truyền đi. Ông lên tiếng cải chính mạnh mẽ ; nói rằng mặc dù ông và Obama bất đồng chính kiến nhưng Obama vẫn là một con người đàng hoàng đáng kính trọng !
Trong một thời gian mà chính trường nước Mỹ tràn ngập những bản "tuýt" trong 140 chữ chứa đầy những lời lăng mạ và vu khống, người ta có thể nhìn vào tấm gương John McCain để nhớ lại "một nước Mỹ khác !" Ông John McCain yêu nước Mỹ cổ truyền đó. Ông từng nói đã khám phá ra tình yêu nước của mình khi bị giam trong nhà tù ở một nước khác.
Trong một bài tưởng nhớ McCain, nhà báo David Brooks đã nhắc đến lời Javier Gomá Lanzón, một triết gia Tây Ban Nha, nói rằng việc giáo dục về đạo đức hầu hết là do sức mạnh của những tấm gương trong đời sống. Cuộc đời McCain là một tấm gương đáng quý cho thanh niên nước Mỹ cũng như các nước khác.
Khi đi lính, ông đã bị thương nặng trong một tai nạn cháy trên hàng không mẫu hạm ; nhưng lúc bình phục ông vẫn xung phong bay đi chiến đấu. Sau hơn 20 phi vụ bay vào vùng trời quân địch ở Hà Nội, ông bị hỏa tiễn Nga bắn hạ, chịu tra tấn, hành hạ. Khi cai ngục tính thả ông khi biết ông là con của vị đô đốc chỉ huy hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương, John McCain đã từ chối.
Ông tôn trọng quyền bình đẳng giữa những đồng ngũ cùng bị tù, theo quy tắc ai đau yếu hơn hoặc làm tù binh sớm hơn phải được thả trước. Ông cũng không cho quân địch một cơ hội lợi dụng danh nghĩa gia đình mình để tuyên truyền. Gia đình McCain đã tham gia quân đội từ cuộc khởi nghĩa giành độc lập của nước Mỹ. Ông nội và cha ông đều đã được phong hải quân đô đốc. Khi từ chối ân huệ của quân địch, ông biết rằng sẽ bị trả thù ; những trận đánh đập, tra tấn lại tiếp tục. Khí phách đó làm gương cho mọi thanh thiếu niên bất cứ thời đại nào, ở nước nào.
Trong cuộc đời chính trị, John McCain thường theo chủ trương của đảng Cộng Hòa, nhưng do lòng tin vào các nguyên tắc bảo thủ nguyên thủy như Nghị sĩ Barry Goldwater mà ông kế nhiệm ở Arizona năm 1986, chứ không để tinh thần giáo điều và óc bè đảng chi phối.
Khi chạy đua với Tổng Thống George W. Bush năm 2000, ông vẫn khăng khăng giữ lập trường chống việc trợ cấp cho các trại chủ trồng bắp ở Iowa, vì chính phủ can thiệp vào giá cả, trái với quy tắc tự do kinh doanh và phí phạm ngân sách. Ông biết lập trường bảo thủ ròng đó, dù biết rằng có thể mất phiếu của cử tri Iowa, là xứ trồng bắp mà cũng là nơi bỏ phiếu bầu sơ bộ sớm nhất.
Ở trong Thượng Viện Mỹ, ông thường đồng ý với đảng mình, như khi ông bỏ phiếu bác bỏ dự luật cải cách y tế sau này thường gọi là ObamaCare. Nhưng đến khi đảng Cộng Hòa muốn xóa bỏ đạo luật đó, năm 2017, thì McCain lại bỏ phiếu chống. Vì các cử tri nghèo của ông ở Arizona sẽ bị mất nhiều quyền lợi y tế nhờ đạo luật đó, sau 5 năm thi hành ; mà xóa luật đó đi thì họ sẽ mất mà không có gì thay thế.
Tinh thần phi đảng phái đó thể hiện rõ nhất khi ông cộng tác với các nghị sĩ cả hai đảng những lúc cần viết các đạo luật có ích lợi chung. Ông là đồng tác giả với Nghị sĩ Dân Chủ Russell Feingold, đưa ra dự luật cải tổ việc đóng góp vào quỹ tranh cử, để chống lại ảnh hưởng của đồng tiền trên đời sống chính trị.
Ông John McCain tích cực đóng vai giám sát của một đại biểu Quốc hội. Ông đã đặt nhiều câu hỏi cho Bộ Quốc phòng Mỹ về một bản hợp đồng với công ty Boeing, thuê hàng chục máy bay của Boeing để chở dầu cho Không Quân Mỹ. Ông thấy các điều kiện thuê mướn có vẻ làm lợi cho Boeing quá đáng. Cuối cùng ông tấn công thẳng vào Darlene Druyun, người phụ trách tiếp vận cho Không Quân. Các cuộc điều tra sau đó đã đưa bà Druyun ra tòa lãnh chín tháng tù với tội đã chấp thuận bản hợp đồng thuê với giá quá đắt, vì bà này muốn khi nghỉ hưu sẽ về làm việc cho công ty Boeing.
John McCain đã kết bạn được với các chính trị gia khác đảng, vì tinh thần công bình, tương kính khiến mọi người tôn trọng nhân cách của ông. Nghị sĩ Dân Chủ Russell Feingold công nhận rằng McCain có thể là một vị tổng thống rất giỏi. Sau khi hai người cùng đi vận động cho đạo luật cải cách tài chánh trong các cuộc bầu cử, họ đã trở thành bạn thân mặc dù vẫn bất đồng chính kiến. McCain chủ trương phải tăng ngân sách quốc phòng, bảo vệ một lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, còn Feingold muốn dành tiền cho các dự án xã hội.
Nghị sĩ Feingold mới kể vài kỷ niệm với McCain cho thấy con người hài hước trong ông. Một lần trong trụ sở Thượng Viện, hai người ngồi than với nhau về tình trạng các bạn đồng viện hai đảng cách biệt quá. Feingold nói, "Mai mốt anh làm tổng thống thì tôi sẽ cô đơn". McCain gạt đi : "Không ! Không ! Tôi sẽ mời anh vô nội các !" Cười một lát, McCain nói tiếp : "Nhưng anh không thể giữ Bộ Quốc phòng được !".
Đạo luật mang tên McCain-Feingold đã nổi tiếng. Một lần, ông McCain nói đùa : Nhiều cử tri Wisconsin cứ tưởng rằng McCain là tên tục của Nghị sĩ Feingold ! Năm 2006, John McCain cầm đầu một phái đoàn qua Iraq, đã mời Feingold tham dự. Trên chuyến máy bay về, mọi người bảo nhau tình hình xuống dốc ở đó và các kế hoạch đối phó của quân đội Mỹ. Feingold đã lên tiếng phê bình rằng các kế hoạch đó là vô vọng. Một vị thống đốc tiểu bang thuộc đảng Cộng Hòa khó chịu, hỏi McCain : "Mang cái anh này đi với mình làm cái gì vậy ?"McCain trả lời ngay : "Tôi mời Russ đi cùng bởi vì hắn là đứa trước sau như một. Trước hay sau, lúc nào hắn cũng sai hết !"
Một điều McCain cũng trước sau như một là ông đề cao tự do dân chủ và không những chống đối mà còn thù ghét các chế độ độc tài.
Năm 2005, khi qua Việt Nam nhân ngày 30 tháng Tư, ông đã tỏ ý tiếc rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam miền Bắc thắng trận là một kết thúc sai lầm. cộng sản Việt Nam đã đỏ mặt khi nghe nhận xét đó, sau khi họ đã được ông McCain giúp trong việc nối lại bang giao với Mỹ.
Ông McCain luôn tin tưởng rằng việc nước Mỹ tham chiến ở Việt Nam để chống cộng sản xâm lăng là chính đáng. Nhưng ông cũng tin rằng nếu được giao thương với nước Mỹ, kinh tế Việt Nam sẽ lên, người dân đủ sống hơn thì mới đòi các quyền tự do dân chủ.
Khi đến Việt Nam ông luôn tiếp xúc với những người tranh đấu cho nhân quyền, như Luật Sư Lê Quốc Quân mới kể lại. Ông không quên các quân nhân Việt Nam đã chiến đấu cùng một phía với ông, cho nên ông tích cực vận động cho các chương trình ODP cũng như HO.
Quý vị có thể đọc những lời viết về cố Nghị sĩ JohnMcCain của những người trong nước như Lê Quốc Quân, Hoàng Hưng, Huy Đức, được dẫn trên nhật báo Người Việt.
Trong số những người sẽ khiêng quan tài của ông John McCain khi hạ huyệt có những chính khách thuộc hai đảng và bạn bè, nhưng cũng có một người Nga mới 38 tuổi. Đó là một nhà báo đã chống đối chế độ độc tài tham nhũng của Vladimir Putin từ khi cựu gián điệp KGB này bắt đầu mị dân, đàn áp các tiếng nói độc lập.
Vladimir Kara-Murza đã làm cho báo Novye Izvestia từ năm 16 tuổi, rồi làm cho các đài truyền thanh, truyền hình, làm phái viên của báo Kommersant tại London, rồi làm phái viên ở Washington cho đài BBC. Ông đã sản xuất những phim tài liệu vạch rõ hình ảnh thật của xã hội Nga dưới chế độ Putin, trong đó có một phim mang tên nhà chính trị Nemtsov, người đã bị chết một cách mờ ám trước kỳ một bầu cử Quốc hội Nga. Ông bị cách chức sau khi làm trưởng văn phòng cho đài RTVi tại Washington trong chín năm. Năm 2012, ông là một trong những người vận động Quốc hội Mỹ làm đạo luật "Magnitsky", trừng phạt các lãnh tụ chính trị và đại gia Nga đã giúp Putin đàn áp đối lập. Kara-Murza là một người được John McCain giúp đỡ thành lập tổ chức "Open Russia".
McCain thù ghét các chế độ độc tài !
John McCain tin tưởng rằng nước Mỹ phải đóng một vai trò làm gương cho cả thế giới về những giá trị tiêu biểu của nước này : Dân chủ tự do ; Quyền làm người ; Quyền bình đẳng giữa mọi người cũng như giữa các dân tộc. Cuộc đời ông là một tấm gương trọng danh dự, bao dung, không mang thù hận cá nhân, đặt nghĩa vụ trên tư lợi.
Ông cũng có nhiều tật xấu, nhất là khi còn trẻ. Ở học viện hải quân, ông là một sinh viên sĩ quan bị thi hành kỷ luật nhiều nhất, ra trường hạng thứ năm tính từ dưới lên. Ông nóng tính, ham đánh bài, và còn nhiều nhược điểm khác. Nhưng giữa những khuyết điểm đó, không ai phủ nhận được là một ông mang nhân cách chính trực chói sáng. Chúng ta sẽ nghe những nhận xét về tư cách của John McCain từ miệng các đối thủ cũ của ông như George W. Bush và Barack Obama. Họ sẽ nói những lời thành thật tự đáy lòng.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 28/08/2018
Việt Nam tưởng nhớ Thượng nghị sĩ John McCain (RFA, 27/08/2018)
Các nhà lãnh đạo Việt Nam gồm ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào ngày 27 tháng 8 gửi lời chia buồn đến gia đình Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, cùng Quốc hội Hoa Kỳ. Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời vào ngày 25/8 tại nhà riêng ở tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, viếng Thượng nghị sĩ John McCain, Hà Nội 27/8/2018 - AFP
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh đến Tòa Đại sứ Mỹ tại Hà Nội để chia buồn và ghi sổ tang.
Ông Phạm Bình Minh ghi trong Sổ Tang đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội rằng Thượng nghị sĩ John McCain là người đi đầu, và đóng góp to lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh và bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia.
Vào sáng nay 27/8, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam bắt đầu mở sổ chia buồn tại tòa nhà Vườn Hồng, số 170 Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho những ai mong muốn có lời chia sẻ với gia đình Thượng nghị sĩ John McCain.
Theo ghi nhận của chúng tôi trong sáng 27/8, nhiều người dân đã tới ghi sổ chia buồn, tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã ghi sổ chia buồn Thượng nghị sĩ John McCain.
Một người dân phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về Thượng nghị sĩ John McCain như sau :
"Với mấy chục năm từ sau khi ông ấy tham gia chiến tranh Việt Nam, thì ông ấy đi từ đỉnh này đến đỉnh kia. Ông ấy biết lẽ phải của quốc tế, lẽ phải của thời đại ; nên ông ta ủng hộ lập lại quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Tôi cảm kích cái thay đổi ‘rất bản chất của ông ta".
Chiều 27/8, Đại sứ Daniel Kritenbrink đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain tại tấm bia bên hồ Trúc Bạch, phía tây Hà Nội. Tấm bia được dựng lên để đánh dấu sự kiện tên lửa đất đối không của Việt Nam bắn rơi máy bay Mỹ do thiếu tá không quân thuộc lực lượng hải quân Hoa Kỳ - John McCain điều khiển ngày 26/10/1967.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink cũng phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về Thượng nghị sĩ John McCain như sau :
Tôi nghĩ Thượng nghị sĩ John McCain là một nhà yêu nước, một chính khách lớn. Ông ta cũng là một chiến binh vĩ đại và đồng thời là một người yêu chuộng hòa bình. Lẽ đương nhiên ông ta phải trải qua những đau khổ trong chiến tranh. Nhưng rồi ông đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo chính của Hoa Kỳ giúp cho hai nước bình thường hóa và chuyển từ kẻ thù sang mối quan hệ đối tác và thân thiện hiện nay".
Hai ngày qua, nơi có Tấm bia tại Hồ Trúc Bạch ở Hà Nội cũng là nơi mà nhiều người dân Việt Nam cũng như du khách đến đặt hoa tưởng niệm ông John McCain.
Trước khi trở thành Thượng nghị sĩ, ông McCain là sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ. Máy bay ông bị bắn rợi tại Hà Nội vào năm 1967 trong Cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông bị giam tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời gian hơn 5 năm trước khi được trao trả về Mỹ năm 1973.
Trong Hồi ký của ông, ông có nói rằng trong thời gian ở tù ông đã nhiều lần bị hành hạ. Khi biết được ông là con trai một Đô đốc Hải quân Mỹ, Hà Nội đã thuyết phục ông chấp nhận đặc ân được phóng thích sớm nhưng ông đã từ chối và nói rằng ai bị bắt trước phải được thả trước.
Ông đã nhiều lần thăm viếng Việt Nam và cổ vũ mạnh mẽ cho quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
******************
Tưởng niệm và tiếc thương Thượng nghị sĩ John McCain ở Hà Nội (Người Việt, 27/08/2018)
Không chỉ có các bài viết trên mạng xã hội, nhiều người Việt Nam, đặc biệt tại Hà Nội, đã đến Tòa Đại Sứ Mỹ và tấm bia bên hồ Trúc Bạch bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng Thượng nghị sĩ John McCain, người qua đời hôm 25 Tháng Tám, thọ 81 tuổi.
Bà Mai Trần, một người Mỹ gốc Việt, bật khóc bên di ảnh cố Thượng nghị sĩ John McCain, tại lễ tưởng niệm ông do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Người Việt Nam tưởng nhớ đến John McCain, không chỉ vì ông là tù binh, một anh hùng chiến tranh Việt Nam mà nhất là nỗ lực giúp đỡ hàng ngàn người Việt Nam, các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa định cư tại Hoa Kỳ, ủng hộ một Việt Nam tự do dân chủ và xây dựng mối bang giao Mỹ-Việt sau 1975.
Ông Tôn Tuấn, một quân nhân Hoa Kỳ, chào trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : Nhac Nguyen/Getty Images)
Ông Phạm Minh Chúc, 81 tuổi, cựu chiến binh cộng sản Việt Nam, viết lời chia buồn trong lễ tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 27 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Edward Wade, một du khách Mỹ đến từ tiểu bang Arizona đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 26 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images)
Một thanh niên Việt Nam đặt hoa tưởng niệm Thượng nghị sĩ John McCain trước tấm bia tại hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, hôm 26 Tháng Tám 2018. (Hình : NHAC NGUYEN / AFP / Getty Images
************************
Mạng xã hội ở Việt Nam tràn ngập lời tốt đẹp về Thượng nghị sĩ John McCain (Người Việt, 27/08/2018)
Mạng xã hội ở Việt Nam mấy ngày nay tràn ngập những lời tốt đẹp về Thượng nghị sĩ (Thượng nghị sĩ) John McCain, nhân sự kiện ông vĩnh viễn ra đi hôm 25 Tháng Tám 2018, thọ 81 tuổi. Có thể nói chưa có một chính trị gia Mỹ nào được nhiều người Việt Nam tiếc thương như thế.
Hôm 27 Tháng Tám, 2018, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink cúi mình tưởng niệm Thượng nghị sĩ John Mc Cain trước tấm bia ghi nhớ nơi ông nhảy dù sau khi chiến đấu cơ bị bắn rơi năm 1967 tại hồ Trúc Bạch, Hà Nội. (Hình : Nhac Nguyen/Getty Images)
Nhiều người Hà Nội đã đặt vòng hoa viếng ông, cũng như viết lời chia buồn trên trang mạng của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Hà Nội, một số người khác đã đến bức tượng (tạc ông quỳ gối giơ tay đầu hàng) bên hồ Trúc Bạch, nơi ông nhảy dù rớt xuống hồ để tỏ lòng tưởng nhớ.
Lời chia buồn và những từ ngữ kính trọng dành cho ông John McCain không chỉ đến từ những người xuất thân trong thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà còn là những người sinh trưởng tại miền Bắc thời chiến tranh. Mỗi bài viết ngắn đó đều có hàng trăm lời nhận xét (comments) và chia sẻ.
Đó chính là tình cảm chân thành của người dân, đặc biệt khi báo chí trong nước dù có viết bài đề cao Thượng nghị sĩ John McCain nhưng không muốn đề cập đến việc ông đã nỗ lực vận động đưa hàng trăm ngàn người Việt sang Hoa Kỳ qua chương trình O.D.P và H.O.
Như vậy, nhân cách và sự cống hiến của ông John McCain đã góp phần đưa những người khác chiến tuyến trở nên gần nhau hơn, như cách mà ông John McCain đã nỗ lực thực hiện với việc bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Dưới đây là một số nhận xét về Thượng nghị sĩ John McCain trên mạng xã hội Facebook từ Việt Nam.
* John McCain và dấu nối giữa hai quốc gia
Thượng nghị sĩ John Mc Cain chụp hình cùng các viên chức Hoa Kỳ tại Hồ Gươm, Hà Nội. (Hình : Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội)
…John McCain được báo chí phương Tây nhận định là một anh hùng chiến tranh, một nhà hoạt động chính trị đầy tư duy độc lập trước các chính sách, và đoạn cuối đời, ông là một trong những nhà phê bình mạnh nhất các chính sách của Tổng thống Trump, dù ông là một đảng viên đảng Cộng Hòa.
Trong chiến tranh Việt Nam, ông là "giặc lái" – nói theo kiểu miền Bắc Việt Nam, khi nhận lệnh đánh bom, để đáp trả các cuộc xâm lược của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào nước Việt Nam Cộng Hòa, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phá vỡ các nghị ước hòa bình, đem quân vượt qua vĩ tuyến 17 vào miền Nam.
Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua 5 năm tù ở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và do vậy, kinh nghiệm ở tù của những người Cộng Sản của ông cũng dầy thêm, bao gồm 2 năm biệt giam và nhiều lần bị tra tấn.
John McCain cũng nhiều lần nhắc lại ký ức này nhưng thay vì đó là hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình khi trở thành một chính trị gia, là vận động cho nhân quyền của người Việt Nam, nơi mà ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời.
Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, Tổng thống Donald Trump nói ông không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua chiến tranh, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện.
Nước Mỹ có đến 58.000 quân nhân thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chắc chắn nước Mỹ coi đó là những anh hùng.
Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các danh sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học… Nhưng chắc chắn đó cũng là những anh hùng.
John McCain từng bị chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức cho hàng dài hội phụ nữ, đoàn viên… đứng phun nước bọt vào đầu, chửi mắng và lăng mạ khi bị bắn rớt máy bay và giải đi qua phố. Nhưng khi là một chính trị gia quyền lực, điều ông nghĩ đến là ủng hộ để làm sao thay đổi nhân quyền, luật pháp và chính thể ở Việt Nam, thì mới giúp được con người Việt Nam. Ông đổi nước bọt và sự sỉ nhục, tra tấn… bằng suy nghĩ giúp đổi thay Việt Nam, chỉ như vậy thôi, ông đã là một anh hùng.
Những ngày tháng cuối cùng của John McCain, còn là những hoạt động không ngừng để bảo trợ và mang nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, định cư với cuộc đời khác.
81 tuổi, ông ra đi với nhiều điều đáng nhớ, cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh
* Về sự ra đi của một người chính trực
Sự ra đi của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã được nói đến nhiều trong những ngày qua, với tất cả niềm mến tiếc và kính trọng. Nhiều người đã viết rồi, song mình vẫn cảm thấy viết về ông như một nhu cầu, một thôi thúc của trái tim.
Cuộc đời của John McCain cho chúng ta thấy rõ một điều, đó là tình yêu thương con người rất đỗi thiêng liêng, vượt ra ngoài mọi biên giới của đời sống. Từ một tù binh bị đọa đày chốn ngục tù, bị làm nhục đủ kiểu, McCain trở về cuộc sống bình thường, lòng không thù hận, góp phần hàn gắn những vết thương chiến tranh đã là kỷ niệm buồn của cả hai dân tộc. Ông tích cực tham gia vào quá trình kết nối hai đất nước từng ở hai chiến tuyến đối đầu nhau và một trong những điều quan trọng nhất ông đã làm là góp phần lớn vào việc cứu vớt tương lai của hàng trăm ngàn gia đình, hàng triệu trẻ em Việt Nam có nguy cơ sống vất vưởng và bị kỳ thị ngay trên quê hương của mình.
Chương trình HO cho phép xuất cảnh những công chức, quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng bị tù cải tạo từ 3 năm trở lên sau 30 Tháng Tư, 1975, đã tạo cơ hội đổi đời cho hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam, và nay là hàng triệu những người trẻ tuổi thuộc thế hệ con cháu họ đang có những chỗ đứng xứng đáng trong một xã hội văn minh và nhân bản. Tôi có những người bạn từng vượt biển trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, những người từng sống trong các trại cải tạo, là đối tượng của chương trình HO do McCain góp phần xây dựng, nay hầu hết con cháu họ đã là bác sĩ, nha sĩ, luật sư,… chí ít cũng là những người lao động lương thiện và có năng lực trong một xã hội Mỹ không kỳ thị, biết trân trọng những đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cộng đồng. Tôi cho rằng chính 5 năm nằm trong ngục thất Hỏa lò Hà Nội đã hun đúc cho McCain niềm thương cảm đó đối với những phận người không chung dòng máu với ông, nhưng sau 30 Tháng Tư, 1975, đã chung chịu số phận như ông trước đó.
Khi lắng lòng nghĩ về sự ra đi của một con người chính trực như Thượng nghị sĩ John McCain, tôi tâm đắc với câu của nhạc sĩ Tuấn Khanh (Khanh Nguyen) "anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện", có những kẻ thất bại, thậm chí ngã gục trên chiến trường, muôn đời sau vẫn xem họ là những anh hùng. Lịch sử của nước Mỹ cho chúng ta thấy rất rõ điều đó : sau cuộc nội chiến những năm 1861-1865, người lãnh đạo đạo quân thất trận phương Nam Robert E. Lee trở về trong sự kính trọng của những người thắng cuộc phương Bắc, những binh sĩ dưới quyền ông được an nghĩ vĩnh viễn trong nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi dành cho mọi người con yêu của đất nước, không phân biệt thành phần xuất thân trong xã hội.
Bức tường đá đen ngay thủ đô Washington ghi tạc danh sách 58,245 người con của đất nước Mỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến Việt Nam luôn là biểu tượng làm rung động tấm lòng hàng triệu người trong và ngoài nước Mỹ mỗi khí đứng chiêm ngưỡng cái vĩ đại của sự hy sinh vì đại cuộc. Ở đất nước chúng ta, một Trần Bình Trọng hiên ngang chửi vào mặt kẻ thù, "Ta thà làm qủy nước Nam, không thà làm vương đất Bắc rồi chịu chết, một Nguyễn Thái Học cất tiếng hô dõng dạc "Không thành công thì thành nhân" trước khi lên máy chém, và gần chúng ta hơn, trong những ngày tháng tư 1975 đáng nhớ của cả dân tộc, những Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng… đã chọn cái chết để thể hiện khí tiết và tinh thần trách nhiệm trước dân tộc, trước những binh sĩ dưới quyền họ. Dù thất trận, họ vẫn là biểu tượng tinh thần bất khuất của người chiến sĩ.
Thượng nghị sĩ John McCain đã nằm xuống trên một đất nước sẽ luôn vinh danh ông, trong lòng những người Việt Nam đang là công dân Mỹ đã nhờ có ông mà tìm được cuộc sống xứng đáng trong một xã hội công bằng và nhân bản, trong tâm tưởng của mọi người Việt nói chung, bởi vì dù xuất thân từ đâu, chúng ta vẫn luôn biết yêu lẽ công bằng và tình nhân ái giữa Người với Người.
An nghỉ nhé John, rất thương tiếc và kính trọng ông.
Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Nguyễn
* Chưa có chính trị gia nước ngoài nào tận tình với Hà Nội như ông
Cho dù, vào đúng ngày 29 Tháng Tư, 2000, John McCain đã gọi Bên Thắng Cuộc là "wrong guys", chưa có chính trị gia nước ngoài nào tận tình với Hà Nội như ông (và John Kerry). Không biết có ai cật vấn "động cơ" của ông ấy. Chỉ biết, bằng cách kéo Hà Nội lại gần với Washington hơn, ông đã giúp được rất nhiều cho cả những người Việt Nam Cộng Hòa và những thường dân Việt Nam (được coi là) Cộng Sản.
Nếu không xếp súng đạn và cả huân chương vào quá khứ thì ông đã ở mãi trong chiến tranh ; nếu cứ nuôi thù hận thì ông suốt đời chỉ có kẻ thù. Và, ông chỉ là "War Hero" chứ không thể trở thành một "Political Hero" như ông đã.
Rất may là nhiều chính trị gia và nhà ngoại giao Hà Nội cũng đã biết bước ra khỏi chiến tranh, đón nhận được một phần các nỗ lực của những cựu binh như ông, như John Kerry và cả Bob Kerrey… Cái cách mà John McCain & John Kerry giúp đỡ các nhà ngoại giao Hà Nội ở Washington, D.C., là như chăm sóc, giúp đỡ những đứa con. Không phải các ông đang dung dưỡng các nhà độc tài mà các ông đang kiên nhẫn để các nhà độc tài bớt độc tài và hành xử có trách nhiệm hơn với dân chúng.
[Tôi có mặt ở D.C. trong những ngày mà các nhà đàm phán Việt Nam đang căng thẳng với Mỹ từng câu chữ. Những bế tắc trong đàm phán thường không chỉ vì người Mỹ đòi hỏi các lợi ích kinh tế mà chủ yếu vì họ đòi các quyền lợi khác cho người dân Việt Nam. Tôi vài lần đùa với một người Việt Nam mà tôi cũng coi là "hero" – Trưởng đoàn đàm phán Hiệp Định Thương Mại Việt-Mỹ (BTA), ông Nguyễn Đình Lương – "Có những đòi hỏi của Mỹ mà nếu các anh thất bại ở bàn đàm phán thì người dân Việt Nam chiến thắng"].
Nhờ những nhân cách như John McCain mà Hà Nội đã dần hòa giải được với Washington. Trong khi, người Việt vẫn chưa có những nhân cách đủ lớn để giúp hai phía Việt Nam hòa giải. Không phải tự nhiên mà truyền thông Mỹ và mạng xã hội hôm nay tràn ngập những lời tốt đẹp khi nói về ông. Một người chỉ có thể trở thành anh hùng của dân khi không chỉ có lòng quả cảm mà còn phải có đủ tài năng và đạo đức, đạo đức của một con người.
Nhà báo Huy Đức
* Một vòng hoa viếng Thượng nghị sĩ John Mc Cain, người bạn của Việt Nam
Ông đã tham gia chiến tranh Việt Nam vì những éo le của lịch sử. Ông đã hành xử anh hùng trong tù. (Tôi đã có 6 tháng trong buồng giam ở Hỏa Lò Hà Nội mà ông và đồng đội từng ở). Ông đã đi đầu hòa giải với Việt Nam, tạo cơ hội cho 2 nước trở thành bạn. Ông đã bênh vực những người đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước (như bảo lãnh cho nhạc sĩ Việt Khang đi tị nạn).
Vì thế, tôi sẽ gửi một vòng hoa viếng đến tang lễ ông ngày mai. Tôi muốn mời những ai đang ở Việt Nam mà yêu mến ông góp tiền vào vòng hoa này. Vòng hoa mang tên chung : "Một nhóm người Việt từ Việt Nam".
Hoàng Hưng, cựu tù nhân lương tâm Hoả Lò 1982
* Ông là người bạn Mỹ có quan hệ lâu dài, có ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng và sự tự do của mình
…Tôi viết những dòng này như một gợi nhớ và tri ân vì đã có cơ duyên được gần gũi và trở thành bạn với ông.
Đối với tôi, ông là người bạn Mỹ có quan hệ lâu dài, có ảnh hưởng mạnh đến tư tưởng và sự tự do của mình. Đối với Việt Nam, ông xứng đáng có một vị trí trang trọng vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông cho quan hệ giữa hai nước.
Câu chuyện bắt đầu cách đây đúng 20 năm, khoảng Tháng Tám, năm 1998, tôi gặp vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam – cựu chiến binh Peter Peterson – tại nhà thờ Cửa Bắc. Chẳng bao lâu chúng tôi quen nhau và tôi tặng ngài cuốn sách "Việt Nam Cuộc Chiến" do dân sử Nguyễn Khắc Cần biên soạn. Đó là một cuốn sách bằng hình ảnh nói về cuộc chiến Việt Nam mà tôi góp phần chuyển ngữ sang tiếng Anh. Cuốn sách gợi lên một giai đoạn bi thương nhưng đầy kỷ niệm cho các cựu binh Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Được sự gợi ý của Đại sứ Peterson, tôi đã gửi tặng John McCain một cuốn sách vì có nhiều hình ảnh của ông trong khi bị bắt ở hồ Trúc Bạch và ở trong nhà tù Hỏa Lò. Do ông là con nhà nòi 3 đời phục vụ quân đội nên được Hà Nội lưu ý đặc biệt…
Sau khi nhận sách, ông gửi lời cám ơn và chúng tôi đã gặp nhau trong một lần ông sang Việt Nam. Ông kể cho tôi nghe về những vết thương thể lý và cả tinh thần nặng nề trong thời gian bị giam ở Việt Nam. Cánh tay phải của ông sau nhiều lần phẫu thuật vẫn không thể giơ cao quá đầu và hình ảnh tù binh bị "dong" qua các phố ở Hà Nội để người dân nguyền rủa là một xỉ nhục hơn bất cứ sự hành hạ thể xác nào. Những vết thương theo ông mãi mãi và vì vậy việc bình thường hóa thật sự cũng theo ông mãi đến ngày ông ra đi.
Tôi hiểu McCain có những day dứt nhưng ông biết vượt qua, như đã nhiều lần vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo nhất trong cuộc đời. Ông yêu nước Mỹ nồng nàn và phản chiến nhưng ông không hối hận về cuộc chiến đấu. Ông coi đó như là một nghĩa vụ cao cả mà với tư cách công dân trong một nước và là người con trong một gia đình truyền thống phục vụ quân đội, ông vinh dự được gánh vác. Ông lao xuống rất sâu khi ném bom nhà máy điện Yên Phụ để "bịt mắt Hà Nội" và vì vậy dính tên lửa trong phi vụ thứ 23 đánh ra Bắc Việt.
Ông cũng rất hiểu về Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Ông kể cho tôi về OSS và đội công tác Con Nai, về những cơ hội bị bỏ lỡ trong quá khứ và tương lai Việt Nam. Ông tin rằng Dân chủ là tất yếu và chỉ có như vậy Việt Nam mới phát triển và thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông hiểu rõ Hồ Chí Minh và có lần chỉ vào tôi và bảo "You are true Nghe An patriot, like him" rồi cười. Tôi cho đến giờ vẫn không hiểu đó đó là một câu khen hay là một câu chê.
Từ khi biết nhau, ông gợi ý tôi về việc nghiên cứu sâu về khoa học chính trị và nền Cộng Hòa. Khi tôi sang Mỹ học, có dịp được gặp ông tại Văn phòng thượng nghĩ sĩ. Ông cầm bức ảnh chụp ông khi lên máy bay trở về nước trong đợt trao trả tù binh vào Tháng Ba, 1973 rồi nói "một phần của tôi đã ở đó và luôn muốn quay lại". Trong thời gian ở Mỹ, có một vài lần được gặp ông cùng trao đổi về cuộc sống, con người và tương lai Việt Nam. Ông chỉ mong một điều là làm sao Việt Nam có tự do để trở nên thịnh vượng.
Năm 2007 khi tôi về nước và bị bắt với cáo buộc "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" vì đã quan hệ với 6 tổ chức đảng phái chống cộng. Ông, với tư cách là một thượng nghị sĩ thành viên đảng Cộng Hòa – Đương kim chủ tịch Viện Cộng Hòa Quốc Tế (IRI) và bà Ngoại Trưởng Madeleine Albright – Chủ tịch Viện Dân Chủ Quốc Gia (NDI) đã viết thư yêu cầu chính phủ Việt Nam tiến hành "các sắp xếp cần thiết để thả Luật Sư Lê Quốc Quân". Khi còn ngồi trong tù, thông qua cách nói của Thượng Tướng Nguyễn Văn Hưởng, tôi được biết ông là người mạnh mẽ đòi trả tự do cho tôi vì ông tin "Quân không làm điều gì sai với Việt Nam cả". Sau đó tôi được tự do mà không có một bản án nào.
Ngày ông ứng cử tổng thống, chạy đua cùng Tổng thống Obama, trong tôi có nhiều cảm xúc khác lạ. Là một người yêu dân chủ và đang rất hâm mộ Tổng thống Obama nhưng McCain là một điều gì đó gần gũi và rất quen thuộc với gia đình. Tôi công khai viết bài ủng hộ Tổng thống Obama nhưng khi biết McCain III thất cử lòng cũng bùi ngùi. Tôi cảm phục bài phát biểu chúc mừng của ông đối với Tổng thống Obama.
Lần cuối gặp ông là năm Tháng Sáu năm ngoái (2017) khi ông sang Việt Nam. Lần này tôi quyết định đến gặp ông dù được chính quyền khuyến cáo là không được gặp. Tuy nhiên, tôi đã để lại một tin nhắn cho các nhân viên an ninh rằng : "Ông ấy là một người bạn trung nghĩa, của tôi và của Việt Nam, dù các ông có ngăn cản thì tôi vẫn cứ đi".
Sau khi tìm mọi cách trốn đi để có được cuộc gặp cuối cùng với ông, hôm sau tôi đã bị đánh và bị doạ giết cả gia đình. Tuy nhiên, tôi không bao giờ hối tiếc việc đó. Tôi thấy ông là tấm gương, ngay cả khi bệnh tình đã nặng, ông vẫn miệt mài vun đắp cho sự phát triển của Việt Nam, không chỉ với chính quyền, mà còn với những con người đối lập với chính quyền.
McCain III luôn tin rằng, một cuộc hòa giải đích thực sẽ rất mất thời gian, và trước tiên đó phải là một sự hòa giải thực sự trong tâm hồn người Việt, nơi tự do dân chủ được tôn trọng và tôi có quyền gặp ông bất cứ khi nào.
Giờ thì không còn cơ hội nữa, nhưng tôi sẽ rất nhớ và tôi tin rằng ông sẽ mãi phù hộ cho sự hòa giải được thành công. Xin Chúa đón nhận linh hồn ông về nơi vĩnh hằng. Rest-In-Peace, My Dear Friend.
Luật sư Lê Quốc Quân
Uyên Vũ (tổng hợp)
John McCain, người lính cương trực lạc vào chính trường
Về thời sự quốc tế, sự kiện được nhiều tờ báo dành các bài viết với nhiều trân trọng, xúc động là thượng nghị sỹ đảng Cộng Hòa Mỹ, John McCain vừa qua đời hôm 25/08 vì bệnh ung thư não, 4 ngày trước khi ông bước vào tuổi 82.
Thượng nghị sĩ John McCain tại Phoenix, bang Arizona (Hoa Kỳ), ngày 7/04/2015. Reuters/Nancy Wiechec
Nhắc đến John McCain, các báo đều đồng thanh gọi ông là "người hùng của chiến tranh Việt Nam", nơi ông đã trải qua hơn 5 năm là tù binh.
Nhật báo Le Figaro chạy tựa bài phóng sự : "McCain, người khẳng khái của Thượng Viện". Theo le Figaro thì "John Sidney McCain là một người lính bị lạc vào chính trị». Thế nhưng chính trị lại là địa hạt mà ông đã thành công và được trân trọng còn hơn cả quãng đời binh nghiệp khá ngắn ngủi.
Le Figaro nhận xét : "Không có tính kỷ luật và các đức tính của quân nhân - trọng danh dự, tình yêu tổ quốc, trung thành, phẩm giá - thượng nghị sĩ John McCain chắc chắn sẽ không trở thành một trong những trụ cột của Quốc hội Mỹ từ năm 1983, liên tục tái đắc cử để đại diện cho bang Arizona".
Le Figaro ghi nhận : Trong 6 nhiệm kỳ Quốc hội, 2 ở Hạ Viện và 4 ở Thượng Viện, John McCain đã có được bộ "sưu tập kẻ thù» không ai bằng. Được mệnh danh "thượng nghị sĩ hay nổi khùng", ông từng nổi tiếng vì đã lăng mạ nhiều đồng nghiệp và có lần dùng đến cả sức mạnh cơ bắp trong các cuộc tranh luận về những vấn đề như người nhập cư, quyền phá thai hay quyền tự do mang súng...
Con người khẳng khái này không ngần ngại đoạn tuyệt với gia đình chính trị của mình, chỉ vì những nguyên tắc mà ông theo đuổi bị vi phạm. Như về hồ sơ Iraq, ông McCain là người đầu tiên trong đảng Cộng Hòa phê phán chiến lược của chính quyền Mỹ, khi đó thuộc đảng Cộng hòa, và ông đấu tranh kịch liệt chống tệ tra tấn tù binh của CIA.
Về nhập cư, ông là người ủng hộ việc hợp thức hóa cho những người nhập cư lậu nhưng đã có công ăn việc làm và tôn trọng pháp luật Mỹ. Và từ 2 năm nay, ông trở thành một người chống kịch liệt tổng thống Donald Trump trên mọi phương diện.
Trong phần kết bài phóng sự, Le Figaro trích dẫn một đoạn trong cuốn sách cuối cùng của thượng nghị sĩ John McCain The Restless Wave (Con sóng không nghỉ) vừa xuất bản hồi tháng 5 năm nay. Ông McCain đã vĩnh biệt cuộc sống như thế này : "Tôi rất ghét vì phải rời khỏi cuộc đời. Nhưng tôi không có lý do gì để phàn nàn. Cuộc đời tôi đã là một cuộc phiêu lưu thiêng liêng. Tôi đã qua nhiều đam mê, thấy bao điều kỳ diệu, đã lao vào chiến tranh và rồi lại góp phần cho hòa bình. Tôi đã có được một chỗ nhỏ bé trong câu chuyện của nước Mỹ và lịch sử của thời đại mình".
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Donald Trump trở mặt, tổng thống Hàn Quốc lo âu
Chuyển qua thời sự Châu Á. Với bài : Hạt nhân Triều Tiên : Washington mất kiên nhẫn, Le Figaro trở lại sự việc cuối tuần qua, tổng thống Donald Trump đột ngột hủy chuyến đi của ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng dự kiến trong tuần này, để tiếp tục thảo luận về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Tờ báo ghi nhận đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ tỏ vẻ không hài lòng về hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên kể từ cuộc gặp thượng đỉnh với Kim Jong-un giữa tháng 6 vừa rồi.
Trục trặc ngoại giao này lại gây lo ngại đặc biệt cho tổng thống Hà Quốc Moon Jae-in, người đã đưa ra nhiều sáng kiến trong thời gian gần đây để cải thiện quan hệ với người anh em thù nghịch miền Bắc và để giải tỏa cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo Le Figaro, rõ ràng là do lo ngại, nên thứ Bảy vừa rồi, chính phủ Hàn Quốc đã kêu gọi ông Mike Pompeo duy trì "đối thoại" với Bình Nhưỡng. Nếu Donald Trump không thay đổi ý kiến thêm lần nữa, ông Moon Jae-in sẽ rơi vào sự lựa chọn lưỡng nan trước Kim Jong-un. Hoặc ông có thể ra điều kiện tăng cường hợp tác liên Triều với vấn đế giải trừ hạt nhân, điều này có thể phá hỏng các dự định của ông. Hoặc ông tiếp tục tiếp tục mở cửa không đổi chác ràng buộc gì với Bình Nhưỡng, điều này lại đi ngược lại với chiến lược của Mỹ.
Về phần ông Donald Trump, tổng thống Mỹ đã đi quá nhanh khi hồi tháng 6 tuyên bố đã hết mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên. Giờ đây ông quay sang đổ lỗi cho Trung Quốc. Nhưng theo Le Figaro, thật khó cho ông Trump khi vừa tuyên chiến thương mại với Bắc Kinh, nhưng lại đòi hỏi họ hỗ trợ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Quân Nga tham chiến giúp chế độ Assad
Chuyển qua nhật báo Le Monde. Trang quốc tế của tờ báo đề cập đến hồ sơ Syria với thông báo đáng chú ý : "Moskva đã đưa 63 nghìn lính để bảo vệ chế độ Bachar Al–Assad".
Le Monde cho hay, gần 3 năm sau khi khởi sự can thiệp quân sự tại Syria, Kremlin đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền cho hòa giải hòa hợp, chuyển tiếp chính trị ở Syria. Trong khi đó, với sự hậu thuẫn của quân đội Nga, chế độ Bachar Al-Assad đang chuẩn bị cuộc tấn công lớn vào vùng Idlib (Tây bắc Syria), nơi nhiều thường dân và quân nổi dậy bị truy đuổi khắp nước đang dồn về.
Bộ Quốc phòng Nga vừa có động thái chứng tỏ minh bạch. Trong một vidéo lần đầu công bố hôm 22/8 vừa rồi trên YouTube, Nga xác nhận từ đầu cuộc can thiệp quân sự hồi tháng 9/2015 đã có hơn 63.000 quân Nga chiến đấu ở chiến trường Syria. Trong đó có 434 tướng và 25.738 sĩ quan. Một con số khác được video nói trên tiết lộ : Không quân Nga đã tiến hành 39.000 cuộc xuất kích và tiêu diệt hơn "86.000 quân nổi dậy" và phá hủy 121.466 "mục tiêu quân khủng bố".
Thực tế, từ 3 năm qua, không quân Nga đã huy động một lực lượng lớn tham chiến ở Syria, gồm các máy bay ném bom Su-24, SU-34, trực thăng, máy bay ném bom chiến lược TU-22 và TU-160 cùng nhiều loại chiến đấu cơ đa chức năng như Su-35, Su-57 thế hệ mới nhất. Hồi tháng Hai năm nay, tướng Vladimir Chamanov, lãnh đạo Ủy ban quốc phòng của Quốc hội Nga, hoan hỉ thông báo quân đội đã cho thử nghiệm "hơn 200 loại vũ khí mới" trên chiến trường Syria, tuy cụ thể không cho biết rõ loại vũ khí nào đã được đem ra thử nghiệm.
Le Monde nhắc lại, hồi tháng 12/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố có 48.000 quân Nga tham chiến ở Syria. Tám tháng sau, quân số này đã được tăng lên, trong khoảng thời gian đó ông Putin đã có đôi lần thông báo rút quân khỏi chiến trường Syria. Con số bộ quốc phòng Nga vừa tiết lộ chưa phải là đầy đủ, chưa kể đến những cố vấn quân sự, đội quân đánh thuê chuyên nghiệp của tư nhân.
Về thiệt hại nhân mạng, vẫn theo nhật báo Pháp, chính thức thì đã có 92 quân nhân Nga thiệt mạng tại Syria kể từ đầu cuộc can thiệp. Trên thực tế con số đó có thể còn cao hơn nhiều, nhưng không bao giờ được Moskva xác nhận.
Còn những con số khác cũng khá ấn tượng, được công bố trong video nói trên, trong tổng số 86.000 quân nổi dậy bị quân đội Nga khẳng định đã tiêu diệt, có khoảng 4500 chiến binh đến từ Nga hay một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Tuy nhiên, báo chí Nga tránh đề cập đến chủ đề này mà chỉ tập trung vào thắng lợi quân sự, cũng như giờ đây họ đang tập trung tuyên truyền cho chiến dịch nhân đạo và hòa giải cho Syria.
Du khách Trung Quốc, công cụ ngoại giao mới của Bắc Kinh
Báo Le Monde đưa tin, theo số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Insee vừa công bố, năm 2018 này, số du khách nước ngoài đến Pháp chắc chắn sẽ vượt con số 90 triệu người, phá kỷ lục của năm trước.
Lĩnh vực chiếm 7% tỷ trọng thu nhập quốc dân của nước Pháp này đang có chiều hướng làm ăn phát đạt nhất từ trước tới nay, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi khủng bố, mất an ninh. Trong đó số du khách Trung Quốc chiếm khoảng 2,3 triệu người. Tiềm năng của du khách Trung Quốc đang rất lớn. Cũng như nhiều nước khác, Pháp đang cố gắng tìm kiếm cách thu hút số khách tiềm năng này.
Le Monde dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Du lịch Trung Quốc vừa công bố hôm 22/08 cho biết : Trong vòng 6 tháng đầu năm, đã có 71 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài, tức là tăng 15% so với năm 2017.
Hiện tại các điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc vẫn là Châu Á. Trước tiên là đặc khu hành chính Hồng Kông, Macau hay các nước trong vùng như Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Malaysia.
Có điểm đáng chú ý là Bắc Kinh đã nhìn thấy du khách của họ như là một thứ vũ khí ngoại giao lợi hại. Le Monde nhắc lại là từ tháng Ba đến tháng 11/2017, Trung Quốc đã cấm đưa du khách đến Hàn Quốc để đáp trả quyết định của Seoul cho triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa của Mỹ. Vụ này đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho ngành du lịch Hàn Quốc.
Le Monde kết luận : Du lịch rõ ràng đã trở thành tấm gương phản ánh các ưu tiên và tham vọng địa chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trang nhất báo Pháp
Lướt qua trang nhất các báo Pháp hôm nay thấy chủ chủ yếu là chuyện nội tình nước Pháp. Le Monde trang nhất "Du lịch : Vì sao Pháp phá kỷ lục". Le Figaro thì "Lo ngại bùng phát về bạo lực" trong xã hội Pháp.
Libération mổ xẻ phân tích một điều tra xã hội do Viavoice thực hiện cho thấy 66% dân Pháp cho rằng chính phủ đã không hành động đủ để chống tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Trong khi đó nhật báo Công giáo La Croix thì quan tâm đến vấn đề di dân tị nạn với hàng tựa trang nhất : "Người Rohingyas, không thể quay về", nhân 1 năm sau cuộc chạy nạn ồ ạt của gần một triệu người sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo để tránh các vụ đàn áp của quân đội Miến Điện…
Dù vẫn phải sống trong các trại tạm bợ bên biên giới Bangladesh, nhưng cơ hội họ trở về Miến Điện ngày càng mất dần do thái độ của chính quyền Miến Điện, cũng như không còn mấy ai muốn trở về.
Anh Vũ
John McCain và dấu nối giữa hai quốc gia (RFA, 26/08/2018)
Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời ở tuổi 81, sau những ngày đau đớn bởi căn bệnh ung thư não.
Ông là một nhân vật rất quen thuộc với nhiều người Việt Nam, kể cả trong chiến tranh Việt Nam cũng như sau chiến tranh.
Thượng nghị sĩ John McCain vừa qua đời ở tuổi 81, sau những ngày đau đớn bởi căn bệnh ung thư não.
John McCain được báo chí phương Tây nhận định là một anh hùng chiến tranh, một kẻ hoạt động chính trị đầy tư duy độc lập trước các chính sách, và đoạn cuối đời, ông là một trong những nhà phê bình mạnh nhất các chính sách của Tổng thống Trump, dù ông là một đảng viên đảng Cộng Hòa.
Trong chiến tranh Việt Nam, ông là "giặc lái" - nói theo kiểu miền Bắc Việt Nam, khi nhận lệnh đánh bom, để đáp trả các cuộc xâm lược của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào nước Việt Nam Cộng Hòa, khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phá vỡ các nghị ước hòa bình, đem quân vượt qua vĩ tuyến 17 vào miền Nam.
Cuối năm 1967, John McCain bị bắn hạ ở Việt Nam, và sau đó trải qua 5 năm tù ở miền Bắc. Vì là một trong những người thuộc gia đình có truyền thống tham gia quân đội, John McCain luôn nằm trong danh sách ưu tiên để trao đổi tù binh, nhưng ông từ chối đặc quyền này để nhường cho những tù binh Mỹ khác đang cần được chăm sóc. Và do vậy, kinh nghiệm ở tù của những người cộng sản của ông cũng dầy thêm, bao gồm 2 năm biệt giam và nhiều lần bị tra tấn.
John McCain cũng nhiều lần nhắc lại ký ức này nhưng thay vì đó là hận thù, ông đã dành nhiều thời gian của mình khi trở thành một chính trị gia, là vận động cho nhân quyền của người Việt Nam, nơi mà ông có nhiều kinh nghiệm hơn cả những chính trị gia Mỹ khác cùng thời.
Trong một lần xung đột quan điểm về chính trị, tổng thống Donald Trump nói ông không phải là anh hùng, mà chỉ là một phi công thất bại. Nhưng với nhiều người Việt đã kinh qua chiến tranh, anh hùng là tính cách chứ không phải là sự kiện.
Nước Mỹ có đến 58.000 quân nhân thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng chắc chắn nước Mỹ coi đó là những anh hùng.
Lịch sử Việt Nam cũng tràn ngập các danh sĩ, danh tướng thất bại trong sự nghiệp của mình như Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Lê Lai, Nguyễn Thái Học... Nhưng chắc chắn đó cũng là những anh hùng.
John McCain từng bị chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tổ chức cho hàng dài hội phụ nữ, đoàn viên... đứng phun nước bọt vào đầu, chửi mắng và lăng mạ khi bị bắn rớt máy bay và giải đi qua phố. Nhưng khi là một chính trị gia quyền lực, điều ông nghĩ đến là ủng hộ để làm sao thay đổi nhân quyền, luật pháp và chính thể ở Việt Nam, thì mới giúp được con người Việt Nam. Ông đổi nước bọt và sự sỉ nhục, tra tấn... bằng suy nghĩ giúp đổi thay Việt Nam, chỉ như vậy thôi, ông đã là một anh hùng.
Những ngày tháng cuối cùng của John McCain, còn là những hoạt động không ngừng để bảo trợ và mang nhạc sĩ Việt Khang đến Mỹ, định cư với cuộc đời khác.
81 tuổi, ông ra đi với nhiều điều đáng nhớ, cho cả hai quốc gia Mỹ và Việt Nam.
Tuấn Khanh (tuankhanh's blog)
*******************
Thượng nghị sĩ John McCain và những lần gặp gỡ giới tranh đấu tại Việt Nam (RFA, 26/08/2018)
Ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Bảo vệ người bảo vệ Nhân quyền, người từng gặp gỡ Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain tại Hà Nội nói rằng, ông tiếc thương trước sự ra đi của "người có nhiều mối thiện cảm với Việt Nam" và mong vị Thượng nghị sĩ này sẽ an nghỉ sau khoảng thời gian hoạt động chính trị không mệt mỏi.
Cuộc gặp của Thượng nghị sĩ với các nhà hoạt động xã hội và nhân quyền ở Hà Nội năm 2015 - Courtesy US Embassy in Hanoi
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain qua đời vào lúc 4 giờ 28 phút ngày 25/8/2018 tại nhà của mình ở tiểu bang Arizona, Hoa Kỳ - tiểu bang mà ông đại diện ở Thượng Viện, hưởng thọ 81 tuổi.
Cuộc gặp vào tháng 5 năm 2015
Thượng nghị sĩ John McCain từng viếng thăm Việt Nam rất nhiều lần và có ít nhất 2 lần gặp gỡ những nhà tranh đấu tại Hà Nội trong thời gian gần đây để tìm hiểu về tình trạng nhân quyền ở quốc gia độc đảng này.
Hồi tháng 5/2015, trong chuyến thăm 2 ngày đến Hà Nội ngoài cuộc gặp các nguyên thủ lúc bấy giờ như các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh và Trần Đại Quang, Thượng nghị sĩ John McCain và 2 vị Thượng nghị sĩ khác còn dành thời gian để gặp các nhà hoạt động như nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, luật gia Nguyễn Đình Hà, ông Nguyễn Chí Tuyến và luật sư Trần Thu Nam.
Luật gia Nguyễn Đình Hà thuật lại với Đài Á Châu Tự Do về cuộc gặp mà ông cho rằng "không có khoảng cách này".
"Cuộc gặp diễn ra trong không khí thân mật, cởi mở và chúng tôi nói chuyện với nhau như những người bạn và dường như không có khoảng cách nào.
Chúng tôi có thể trao đổi thẳn thắn với nhau về những gì chúng tôi quan tâm ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng ông ấy là người rất chú ý lắng nghe về những điều mọi người nói và rất quan tâm tới những vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam.
Đặc biệt vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông và nhân quyền ở Việt Nam thì ông rất quan tâm", ông Nguyễn Đình Hà trả lời qua điện thoại sau khi hay tin về sự ra đi của Thượng nghị sĩ John McCain.
Ông Hà cho biết thêm, Thượng nghị sĩ John McCain "khi nghe vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì ông thể hiện sự xúc động, đồng cảm với những gì người dân Việt đang phải trải qua".
Cuộc gặp gỡ cuối cùng
Lần cuối cùng và gần đây nhất là cuộc gặp vào tháng 6/2017 giữa các nhà hoạt động dân sự gồm ông Vũ Quốc Ngữ, cựu tù nhân lương tâm - luật sư Lê Quốc Quân và 2 nhà hoạt động khác không được nêu tên.
Luật sư Lê Quốc Quân trước cuộc gặp nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn đe dọa không được gặp vị đại diện từ Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn quyết chí đi vì "John Mccain là một người bạn của Việt Nam và là ân nhân của tôi nên tôi phải đi gặp với tư cách là một người bạn".
Vì cuộc gặp gỡ này, vị cựu tù nhân lương tâm này bị sách nhiễu và ngăn chặn không cho ra khỏi nhà nhiều ngày sau đó.
Trong cuộc gặp gỡ khoảng 1 tiếng với 3 vị Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ trong đó có ông John McCain, Giám đốc tổ chức Bảo vệ người bảo vệ Nhân quyền Vũ Quốc Ngữ cho hay, ông nêu lên vấn đề chính quyền tỉnh Nghệ An sử dụng loa phóng thanh với dải âm thanh rộng (LRAD) có thể gây điếc tai người để giải tán cuộc biểu tình của người dân Nghệ An sau khi bắt nhà hoạt động Hoàng Đức Bình.
Chiến dịch bắt bớ các nhà hoạt động mà khởi đầu là cuộc bắt giữ luật sư Nguyễn Văn Đài, cô Lê Thu Hà và blogger Mẹ Nấm cũng được ông Ngữ nêu ra tại đây.
"Tôi cũng đề đạt với ông John McCain là ông về truyền đạt ý kiến tới Quốc hội Mỹ là Việt Nam cần tôn trọng chính luật pháp của mình và những cam kết về nhân quyền đối với quốc tế", ông Ngữ cho hay.
Dư luận Việt Nam trước cái chết của Thượng nghị sĩ John McCain
Các tờ báo trong nước đều đưa các hàng tít lớn về sự qua đời của "anh hùng chiến tranh" Hoa Kỳ.
Mạng báo Thanh Niên với bài viết "Thượng nghị sĩ McCain với các mốc thời gian và phát biểu đáng nhớ" đã điểm lại các dấu mốc trong cuộc đời của ông bao gồm cả việc máy bay chiến đấu của ông bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội khi tham chiến ở Việt Nam và khoảng thời gian khi ông làm chính khách ở đất nước cờ hoa.
Báo Lao Động với tiêu đề "Thượng nghị sĩ John McCain và định mệnh mang tên Việt Nam" cho rằng, ông là một trong những người có đóng góp tích cực nhất vào quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt - Mỹ.
Hình chụp hôm 27/10/1967 : Một bác sĩ Việt Nam khám bệnh cho Thiếu tá Hải quân Hoa Kỳ John McCain AFP
Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook cá nhân : "Thượng nghị sĩ John McCain dù ở vị trí quân nhân hay chính khách luôn chứng tỏ đẳng cấp vượt trội của mình so với đối thủ đã giam cầm ngài ở Hỏa Lò, bởi tầm vóc văn minh và văn hóa mà ngài thụ hưởng và thừa hưởng.
Cuộc đời và cống hiến của ngài là bài ca đẹp về danh vị Con Người. Người Mỹ và người Việt sẽ mãi còn nhắc đến ngài, thưa Thượng nghị sĩ McCain !
Với tất cả lòng tôn kính, xin nghiêng mình tiễn biệt ngài !"
Luật sư Lê Quốc Quân đăng tấm ảnh chân dung ngài Thượng nghị sĩ và gọi ông là là "người bạn, người ân nhân" cùng hứa hẹn sẽ có bài viết chi tiết hơn về ông.
Tác giả cuốn sách Bên Thắng Cuộc, nhà báo Trương Huy San (Osin Huy Đức) trong bài viết ngắn của mình chiều tối 26/8 cũng dành cho ông những lời tốt đẹp :
"Nhờ những nhân cách như John McCain mà Hà Nội đã dần hòa giải được với Washington. Trong khi, người Việt vẫn chưa có những nhân cách đủ lớn để giúp hai phía Việt Nam hòa giải.
Không phải tự nhiên mà truyền thông Mỹ và mạng xã hội hôm nay tràn ngập những lời tốt đẹp khi nói về ông. Một người chỉ có thể trở thành anh hùng của dân khi không chỉ có lòng quả cảm mà còn phải có đủ tài năng và đạo đức, đạo đức của một con người".
Một người Việt đặt hoa tưởng nhớ Thượng nghị sĩ John McCain ở Hồ Trúc Bạch nơi máy bay của Thượng nghị sĩ John McCain bị bắn rơi ở Hà Nội năm 1967 AFP
Trong những chuyến viếng thăm và bài phát biểu của mình khi đến Việt Nam, John McCain đều thẳng thắn đề cập đến vấn đề nhân quyền như một giá trị mà ông luôn theo đuổi.
Thậm chí ông đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump sau chuyến đến Đà Nẵng để dự hội nghị APEC năm 2017 mà không hề đề cập gì đến vấn đề nhân quyền. "Tổng thống Hoa Kỳ có mặt tại Đà Nẵng và không nhắc tới nhân quyền - Buồn", ông viết trên Twitter.
Thượng nghị sĩ John McCain được xem là người có nhiều gắn bó với Việt Nam và đã từng tham chiến ở đất nước này. Máy bay của ông đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào năm 1967. Sau đó ông đã bị giam giữ suốt 5 năm rưỡi ở nhà tù Hoả Lò, nơi các cựu binh Mỹ thường gọi đùa là Hilton Hà Nội, cho đến khi được trao trả về cho phía Mỹ vào năm 1973.
Tờ New York Times trong bài viết hôm 25/8, sau khi Thượng Nghị sĩ qua đời cho biết, trong thời gian bị giam giữ ở Việt Nam, ông đã bị biệt giam hai năm và bị tra tấn liên tục. Với rất nhiều người Mỹ, ông là một người hùng trong chiến tranh, tờ New York Times viết.
Sau cái chết của "anh hùng nước Mỹ", Đại sứ quán nước này tại Hà Nội cho biết sẽ mở sổ chia buồn với ông từ ngày 27-29/8/2018. Cũng trong dịp này ông John Kerry, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ khởi động Chương trình McCain/Kerry.
"Mỗi năm một lãnh đạo trẻ của Việt Nam có sự cam kết với dịch vụ công sẽ thực hiện một chuyến tham quan học tập tới Hoa Kỳ, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc và thúc đẩy di sản tích cực của Thượng nghị sĩ McCain", trang Fanpage của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink ghi rõ.
*****************
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain qua đời ở tuổi 81 (BBC, 26/08/2018)
Thượng nghị sĩ John McCain, người anh hùng chiến tranh Việt Nam trở thành thượng nghị sĩ và ứng viên tổng thống, đã qua đời ở tuổi 81.
John McCain, người có nhiều "duyên nợ" với Việt Nam.
Ông McCain qua đời hôm thứ Bảy bên cạnh người nhà, theo thông cáo do văn phòng của ông phát đi.
Ông được chẩn đoán có một khối u não ác tính hồi tháng 7/2017 và đã trải qua một thời gian chữa trị.
Gia đình ông thông báo ông McCain, người rời Washington vào tháng 12/2017, đã quyết định ngừng điều trị vào thứ Sáu.
Trước đó, gia đình ông John McCain nói ông đã "thôi mong đợi mình sẽ bình phục".
'Sẽ luôn được tưởng nhớ'
Thông cáo do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát đi hôm 26/8 ghi : "Trong nhiều thập kỷ, ông McCain ủng hộ manh mẽ mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, dũng cảm tạo dựng bước đường để hai quốc gia chúng ta chuyển đổi từ kẻ thù thành đối tác. Ông sẽ luôn được tưởng nhớ".
"Để tôn vinh những đóng góp của Thượng nghĩ sĩ McCain và của cựu đồng nghiệp của ông tại Thượng viện Hoa Kỳ, cũng là cộng sự lâu năm của ông trong các vấn đề về Hoa Kỳ - Việt Nam, là ông John Kerry, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ khởi động Chương trình McCain/Kerry. Mỗi năm một lãnh đạo trẻ của Việt Nam có sự cam kết với dịch vụ công sẽ thực hiện một chuyến tham quan học tập tới Hoa Kỳ, qua đó làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc và thúc đẩy di sản tích cực của Thượng nghị sĩ McCain".
Đại sứ quán Hoa Kỳ thông báo họ sẽ mở sổ chia buồn trong các ngày 27-29/8, từ 10 :00 tới 17 :00 tại Tòa nhà Vườn Hồng, 170 Ngọc Khánh, Hà Nội.
Thượng nghị sĩ John McCain và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại văn phòng ông McCain ở Washington, Mỹ, năm 2015
Ông McCain, 81 tuổi, được chẩn đoán bị u não vào tháng 7/2017.
Ông rời Washington nhưng vẫn là một nhân vật chính trị có ảnh hưởng.
Gia đình ông nói trong một thông cáo gửi tới giới truyền thông Hoa Kỳ hôm 24/8 : "Năm ngoái, Thượng nghị sĩ John McCain đã chia sẻ về việc ông được chẩn đoán u não và tiên lượng xấu".
"Tiến triển của bệnh và tuổi tác ngày càng cao đã đưa ông tới quyết định này".
"Với ý chí mạnh mẽ vốn có, ông đã chọn ngừng điều trị y tế".
Ông McCain từng là Thượng nghị sĩ suốt sáu nhiệm kỳ, và là ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2008.
Ông được chẩn đoán ung thư não sau khi các bác sĩ phát hiện ra khối u trong quá trình phẫu thuật loại bỏ cục máu đông trên mắt trái của ông hồi tháng Bảy năm ngoái.
Có cha và ông đều là đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, ông McCain là một phi công chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam. Khi máy bay của ông bị bắn hạ, ông trở thành tù nhân chiến tranh ở Việt Nam trong năm năm.
Khi ở trong tù, ông đã chịu những trận tra tấn khiến ông bị tàn tật.
Mối quan hệ với Việt Nam
Thượng nghị sĩ John McCain (phải) trong chuyến thăm nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, năm 2009
Năm 2009, Thượng nghị sĩ John McCain từng trở lại thăm di tích nhà tù Hỏa Lò nơi giam giữ ông suốt 5 năm trong thời gian chiến tranh Việt Nam.
Ông xem những vật dụng trưng bày, trong đó có cả bộ quân phục ông mặc năm 1967 khi máy bay của ông rớt tại Hồ Trúc Bạch.
Trong chuyến thăm này, ông John McCain kêu gọi bước tiến mới trong quan hệ Mỹ-Việt và đề cập vấn đề nhân quyền.
"Chúng tôi muốn thấy sự gia tăng quan hệ quân sự giữa hai đất nước và khi trả lời các câu hỏi, tôi nhấn mạnh cùng với phát triển kinh tế phải có tiến triển chính trị và tăng cường tôn trọng nhân quyền".
Ông cũng nhắc đến vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh Hoa Kỳ "có mối quan tâm và lợi ích trong tự do hàng hải trong khu vực và giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các nơi khác".
Tiểu sử trên trang web của ông McCain nói thời gian trong tù, ông bị quản giáo đánh đập, bị biệt giam - các cáo buộc mà Việt Nam luôn bác bỏ.
Nhắc nhở Việt Nam về dân chủ
Đoàn của ông McCain đã tiếp xúc với bốn nhà hoạt động xã hội dân sự ở trong nước
Năm 2014, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain từng nhắc nhở Việt Nam về dân chủ trong bài phát biểu trước báo giới tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam của ông và người đồng nhiệm Sheldon Whitehouse.
Ông đề cập đến khả năng Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam nhưng nhấn mạnh rằng việc này tùy thuộc rất lớn vào thành tích nhân quyền của Chính phủ Việt Nam.
Ông cũng nhắc lại thông điệp Năm Mới của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng 'dân chủ là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển' và rằng 'Đảng phải giương cao ngọn cờ dân chủ'.
"Chúng tôi mong là Việt Nam sẽ đưa những lời nói ấn tượng này thành hành động táo bạo chẳng hạn như thả tù nhân lương tâm, tạo không gian cho xã hội dân sự và cuối cùng là ghi rõ vào luật và chính sách rằng quyền lực nhà nước là giới hạn và những quyền con người phổ quát - quyền tự do phát biểu, hội họp, tín ngưỡng, xuất bản và tiếp cận thông tin - cần phải được đảm bảo cho mọi công dân".
Năm 2015, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cũng có chuyến thăm hai ngày 27/5-28/5 tới Việt Nam, nơi ông hội kiến Tổng bí thư ̣Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang.
Điều đáng chú ý là ông có cuộc tiếp xúc với đại diện phong trào dân sự của Việt Nam, gồm nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Chí Tuyến và Luật sư Trần Thu Nam.
Ông Nguyễn Chí Tuyến thời điểm đó nói với BBC rằng đoàn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đặt nhiều câu hỏi về tình hình phát triển dân chủ, nhân quyền ở trong nước.
"Ông McCain bày tỏ cảm kích về công việc của chúng tôi và hỏi nước Mỹ có thể giúp được điều gì ?".
Ông Tuyến nói ông và những nhà đấu tranh có mặt đã bày tỏ mong muốn làm sao để chính quyền Hà Nội phải tôn trọng luật pháp và công ước quốc tế.
Mối hiềm khích McCain-Trump
Ông McCain từng, đôi khi, chỉ trích gay gắt Tổng thống Donald Trump.
Mối quan hệ căng thẳng của họ bắt đầu vào năm 2015, khi ông McCain nói ông Trump - người sau đó thành ứng cử viên chức Tổng thống Mỹ - đã "kích động những kẻ điên cuồng" bằng những phát biểu gây tranh cãi về nhập cư.
Ông Trump đã phản pháo bằng cách nói rằng ông McCain chỉ được coi là một anh hùng vì ông là một tù nhân chiến tranh.
Mùa hè năm ngoái, ông McCain đã gây ấn tượng sâu sắc khi, dù vừa trải qua phẫu thuật, đã đi bỏ phiếu làm tiêu tan một dự luật của Trump nhằm bỏ quỹ Obamacare.
Ông McCain rời Capitol Hill tháng 12 năm ngoái để bắt đầu điều trị tại bệnh viện Mayo ở Phoenix, Arizona. Vào tháng Tư, ông lại trải qua phẫu thuật nhiễm trùng đường ruột.
Lẽ ra ông bước sang tuổi 82 vào ngày 29/8.
******************
Thượng nghị sĩ John McCain, người ủng hộ quan hệ với Việt Nam, qua đời (RFA, 25/08/2018)
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người ủng hộ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, vừa qua đời sau một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não, thọ 81 tuổi. Thông báo của văn phòng Thượng Nghị sĩ John McCain cho biết ông qua đời vào lúc 4 giờ 28 phút ngày 25/8/2018 tại nhà của mình ở tiểu bang Arizona, tiểu bang mà ông đại diện ở Thượng Viện.
Thượng Nghị sĩ John McCain trong cuộc họp báo với Thượng Nghị sĩ Sheldon Whitehouse ở Hà Nội hôm 8/8/2014 - AFP
Thượng nghị sĩ John McCain là người có nhiều gắn bó với Việt Nam. Ông đã từng tham chiến ở Việt Nam. Máy bay của ông đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào năm 1967. Sau đó ông đã bị giam giữ suốt 5 năm rưỡi ở nhà tù Hoả Lò, nơi các cựu binh Mỹ thường gọi đùa là Hilton Hà Nội, cho đến khi được trao trả về cho phía Mỹ vào năm 1973.
Khi tham chiến ở Việt Nam, ông bị thương ở tay và chân. Tờ New York Times trong bài viết hôm 25/8, sau khi Thượng Nghị sĩ qua đời cho biết, trong thời gian bị giam giữ ở Việt Nam, ông đã bị biệt giam hai năm và bị tra tấn liên tục. Với rất nhiều người Mỹ, ông là một người hùng trong chiến tranh, tờ New York Times viết. Ông trở về với cây nạng và phải qua nhiều điều trị sau đó nhưng cuối cùng vết thương ở tay đã khiến ông không thể nâng tay của mình lên quá đầu.
Vào ngày 26/10/2017, nhân kỷ niệm 50 năm ngày chiếc A-4 Skyhawk của ông bị bắn rơi ở Hà Nội, ông đã viết trên trang Facebook của mình :
"Vinh dự lớn lao của đời tôi là được đồng hành phụng sự với những anh hùng ở Việt Nam, những người Mỹ mà tình đồng đội, sự dũng cảm và kiên cường của họ trước những khó khăn to lớn đã động viên chúng tôi chống lại những kẻ bắt giữ và tìm được sức mạnh và hy vọng trong những giờ phút đen tối nhất".
Thượng Nghị sĩ John McCain cùng với Thượng nghị sĩ John Kerry, Jim Webb và Chuck Hagel là những người tích cực ủng hộ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Ông cũng đã từng nhiều lần đến thăm Việt Nam, mà lần gần đây nhất là vào tháng 6 năm 2017.
******************
Sĩ quan Liên Xô nói đã 'bắn hạ McCain' tại Hà Nội (BBC, 19/11/2008)
Quân nhân Liên Xô, người bắn hạ máy bay của phi công John McCain trên bầu trời Hà Nội năm 1967, nói ông vui vì ông McCain không trúng cử tổng thống Mỹ.
Theo báo Nga, ông Yury Trushyekin, năm nay 70 tuổi, không có nhiều cảm tình cho cựu phi công McCain.
Phi công McCain nhảy dù xuống được hồ Trúc Bạch và thoát chết
Dù tin tức về các quân nhân Nga tham chiến tại Việt Nam mới chỉ được nói đến gần đây, cuộc phỏng vấn của ông Trushyekin nhắc lại vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến Việt Nam.
Phi cơ ném bom của ông McCain bị bắn hạ hôm 26/10/1967 nhưng ông nhảy dù xuống được hồ Trúc Bạch.
Ông tố cáo bị tra tấn trong thời gian cầm tù ở Bắc Việt Nam tới mức nay không nhấc nổi một tay quá đầu.
Những người cộng sản Việt Nam hoàn toàn bác bỏ chuyện có tra tấn tù binh Mỹ.
'Căm thù người Nga'
Theo tin của RIA Novosti hôm 17/11, ông Yury Trushyekin nay nói :
"Thật tốt vì ông ta đã không lên làm tổng thống. Ngay cả khi bị giam ông ta nói rất căm thù người Nga và biết tên lửa của chúng tôi đã bắn rơi ông ta".
Ông Trushyekin được trích thuật trong cuộc phỏng vấn với báo MK v Pitere rằng nếu ông McCain lên làm tổng thống thì "Quan hệ Nga-Mỹ chắc chắn sẽ bị thiệt".
Dù Liên Xô, và Nga sau này không chính thức thừa nhận có quân tham chiến ở Việt Nam trong thập niên 60 và 70, ông Trushyekin, hiện ở trong một bệnh viện ở St. Petersburg không hề che giấu hoạt động của mình hồi tại Việt Nam :
"Tôi đến Việt Nam vào thời gian có các đơn vị hỗn hợp với người Việt".
Ông nói đơn vị tên lửa phòng không của ông đã bắn rơi phi cơ của ông McCain.
"Chúng tôi đã chuẩn bị rút khi còi báo động rú lên. Hai chiếc F-4 Con Ma của Mỹ bay đến. Giàn tên lửa sáu quả của chúng tôi chỉ có hai. Phía Việt Nam bắn trước nhưng trượt…chúng tôi bắn vào chiếc phi cơ bay qua phía trên cầu và trúng vào nó".
Phi công John McCain được tổng thống Nixon tiếp sau khi từ nhà tù Bắc Việt trở về
Theo những gì đã biết, ông McCain rơi xuống hồ và được người Việt Nam kéo lên.
Theo ông Yury Trushyekin, khi ấy "Tay ông ta đầy máu và người bị choáng".
"Thật may cho ông ta là đã giơ súng lên trời, nếu không đã bị người ta bắn chết ngay".
Theo lời kể của Trushyekin thì ông ta không chỉ có mặt lúc bắt McCain mà còn lấy được cả tấm thẻ bài của ông ta và đem về Liên Xô.
Người cựu sĩ quan Liên Xô nói chỉ mãi đến năm 1986 ông ta mới nhận ra John McCain khi ông này trúng cử thượng nghị sĩ bang Arizona.
Là ứng viên của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ John McCain, 72 tuổi đã thua ứng viên của đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Barack Obama trong cuộc chạy đua vào chức Tổng thống Hoa Kỳ năm nay.
Ông McCain nhớ về ‘giờ phút đen tối nhất’ ở Việt Nam (VOA, 30/10/2017)
Thượng nghị sĩ John McCain mới đánh dấu dịp kỷ niệm 50 năm ngày ông bị bắt tại Việt Nam, dẫn đến 5 năm làm tù binh và bị tra tấn trong nhà tù Hà Nội sau đó.
Thượng nghị sĩ John McCain: "Thật khó tin, ngày này 50 năm trước, chiếc A-4 Skyhawk của tôi đã bị bắn hạở miền Bắc Việt Nam".
Viết trên trang Facebook hôm 26/10, ông McCain bày tỏ : "Thật khó tin, ngày này 50 năm trước, chiếc A-4 Skyhawk của tôi đã bị bắn hạ ở miền Bắc Việt Nam".
Ông nói thêm : "Vinh dự lớn lao của đời tôi là được đồng hành phụng sự với những anh hùng ở Việt Nam, những người Mỹ mà tình đồng đội, sự dũng cảm và kiên cường của họ trước những khó khăn to lớn đã động viên chúng tôi chống lại những kẻ bắt giữ và tìm được sức mạnh và hy vọng ngay trong những giờ phút đen tối nhất".
Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa còn đăng kèm một đoạn video với các bản tin tư liệu, hình ảnh và phát biểu của những binh sĩ Mỹ khác đã bị bắt làm tù binh cùng với ông ở nơi mà họ gọi là "Hilton của Hà Nội". Ông John McCain bị bắt vào năm 1967 và bị tra tấn nhiều lần trong suốt hơn 5 năm bị giam giữ.
Một trong những bạn tù của ông, Đại tá Tom Moe, cho biết trong đoạn phim :
"Tôi đã gặp John McCain trong nhà tù ở Hà Nội khi tôi nhìn thấy ông qua một lỗ nhỏ trên cửa phòng giam, và tôi thấy sự can đảm và sức chịu đựng đáng kinh ngạc của ông ấy trong điều kiện khó tin nhất".
Đại tá Moe kể thêm : "Bản thân tôi quan sát ông ấy trải qua những tình cảnh này. Ông ấy kiên quyết chống lại kẻ thù, không những từ chối việc được phóng thích sớm mà còn giữ được lòng dũng cảm và sự phản kháng cho tới ngày chúng tôi trở về".
Hồi đầu năm nay, Thượng nghị sĩ McCain được chẩn đoán mắc bệnh u não.
Sự kiện Thượng nghị sĩ McCain kỷ niệm 50 năm ngày bị bắt diễn ra giữa bối cảnh vẫn có nhiều căng thẳng giữa ông và Tổng thống Donald Trump.
Trước đây, Tổng thống Hoa Kỳ từng viện dẫn vụ Thượng nghị sĩ McCain bị bắt tại Việt Nam với ngụ ý rằng đó là sự yếu kém.
"Ông ấy là một anh hùng trong chiến tranh bởi vì ông ấy bị bắt", ông Trump nói vào năm 2015. "Tôi thích những người không bị bắt".
Theo CNN, Tổng thống Donald Trump, người đã theo học tại Học viện Quân sự New York thời thanh niên, đã 5 lần hoãn đi nghĩa vụ quân sự trong thời Chiến tranh Việt Nam, trong đó có một lần được hoãn vì lý do sức khỏe sau khi ông được chẩn đoán bị gai ở xương chân.
Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa bất đồng với chính quyền Trump về nhiều vấn đề lớn.
Trong một bài phát biểu mới đây, ông McCain đưa ra cảnh báo về "chủ nghĩa dân tộc nửa vời và giả mạo" và nguy cơ Hoa Kỳ từ bỏ trách nhiệm lãnh đạo toàn cầu.
Tổng thống Trump đã cảnh báo ông McCain "phải cẩn thận" : "Tôi rất tốt đẹp. Tôi rất, rất tốt đẹp. Nhưng lúc nào đó tôi sẽ đáp trả, và mọi chuyện sẽ không đẹp đâu".
*************************
Thượng nghị sĩ John McCain tối thứ Hai 16/10 đã lên tiếng gay gắt chỉ trích những người mà ông không nêu tên, đã thúc đẩy khuynh hướng chính trị cô lập hóa, sau khi ông được trao phần thưởng dân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ vì một đời phụng sự, cống hiến và hy sinh cho đất nước.
Huân chương cho cựu chiến binh Việt Nam tham gia ‘Chiến dịch Đuôi gió’ (VOA, 25/10/2017)
Tổng thống Donald Trump vừa trao Huân chương danh dự cho một bác sĩ quân đội hồi hưu trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.
Tổng thống Donald Trump vừa trao Huân chương danh dự cho Cựu Đại úy quân đội Gary Rose, ngày 23/11/2017.
Cựu Đại úy quân đội Gary Rose lao vào lằn đạn kẻ thù, để giải cứu và chữa trị vết thương cho hàng chục đồng đội trong một chiến dịch đặc biệt của lực lượng bí mật vào tháng 11/1970 chống lại lực lượng Bắc Việt trong rừng nhiệt đới Hạ Lào gọi là "Chiến dịch Đuôi gió".
Sau buổi lễ, ông Rose cho biết giải thưởng này là huy chương tập thể dành cho tất cả những người tham gia chiến dịch.
Đại úy Gary Rose nói :
"Để tôn vinh tất cả những cá nhân mà bao nhiêu năm nay, quân đội thậm chí không thừa nhận ngay cả sự hiện diện của Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam, Nhóm Nghiên cứu và Quan sát Việt Nam, còn gọi là MACV-SOG, và tất cả những quân nhân đã chiến đấu trong thời gian đó, bây giờ họ kể lại câu chuyện của họ. Giờ đây, với giải thưởng này, tôi tin tưởng rằng họ đã được công nhận vì tinh thần phục vụ tuyệt vời của họ cho đất nước".
Cá nhân Đại úy Rose cũng bị thương trong thời gian đó.
Hành động ghi nhận công trạng đối ông Rose vào thứ Hai 23/10 diễn ra giữa lúc Tổng thống Trump bị liên lụy trong một vụ tranh cãi về một cú điện thoại chia buồn giữa ông và người góa phụ của một trung sĩ bị giết gần đây trong khi làm nhiệm vụ ở Nigeria.