Hồi tôi còn ở tù, hay nói theo giọng của chế độ Hà Nội là đi "học tập cải tạo", có một trong những anh cai tù thích thuyết giảng về chính trị. Mở miệng ra là anh nói đến "con sen đầm quốc tế". Chúng tôi bấm bụng cười nhưng tuy anh công an dốt nát nói lầm, quả thật vai trò "sen đầm" vô cùng quan trọng.
Trước sự "thờ ơ" của Tổng Thống Trump, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un tha hồ "làm mưa làm gió" bằng các vụ bắn thử hỏa tiễn gần đây. (Hình : AP Photo)
Suốt từ Đệ Nhị Thế chiến, trải qua hết Cuộc Chiến Tranh Lạnh, thế giới đã có một điều chắc chắn, một sự an tâm vì sự có mặt của Hoa Kỳ.
Sau Chiến Tranh Lạnh là giai đoạn ổn định và phồn thịnh nhất khi thế giới sống trong điều mà một số sử gia gọi là Pax Americana (Hòa Bình Hoa Kỳ). Ngay cả đến những quốc gia có thời mạt hạng như Việt Nam hay Trung Quốc cũng dần dà phát triển, một phần nào dưới sự che chở của sức mạnh Hoa Kỳ.
Điều tâm niệm của các nhà lãnh đạo ngành an ninh quốc phòng Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn đó là "niềm tin". Cái ý tưởng là nếu Hoa Kỳ muốn duy trì vai trò của siêu cường quan trọng nhất và là cảnh sát thế giới, thì những hứa hẹn quốc tế của Hoa Kỳ phải rõ ràng và đáng tin cậy. Đó chính là vai trò "sen đầm" (phiên âm từ chữ gendarme tiếng Pháp) của Hoa Kỳ. Không có sự tín nhiệm đó, họ lý luận, sẽ khiến cho bạn bè và kẻ thù rối trí. Và rối trí sẽ dẫn đến tính toán sai, nâng nguy cơ chiến tranh.
Cái điều họ sợ đó nay đã thành sự thật, với nhiều đụng độ vùng bùng lên khắp thế giới, trước hậu cảnh của một chính sách ngoại giao lung tung và do đó khó tiên đoán của Hoa Kỳ, cầm đầu bởi Tổng thống Donald Trump, vị tổng thống mà chính sách được truyền đi bằng những cái tweets thiếu tự chế, phản ứng hung hăng, miệt thị các đồng minh, ca ngợi độc tài và thay cố vấn cũng như quan chức như thay áo.
Cứ lấy thử một thí dụ như tình hình Iran chẳng hạn. Đã có được một giai đoạn chính phủ Trump có vẻ theo đuổi một chính sách rõ ràng tuy đầy nguy hiểm. Chính phủ Hoa Kỳ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân của các cường quốc thế giới với Iran, và còn có vẻ sẵn sàng chấp nhận nguy cơ của đối đầu quân sự.
Nhưng hồi tháng Sáu vừa qua, tổng thống đột ngột hủy một cuộc không kích dự trù vào Iran vốn có mục đích là để trừng phạt Iran cho việc đã bắn hạ một phi cơ drone điều khiển từ xa của Hoa Kỳ. Quyết định đó có di sản là một sự bất định và có thể đã khuyến khích Iran có những hành động phiêu lưu mạo hiểm hơn nữa, qua việc bắt ba tàu chở dầu ở Eo Biển Hormuz trong mấy tuần qua.
Tuần này chúng ta cũng thấy sự bùng nổ nguy hiểm ở Cashmir với Ấn Độ hủy bỏ quy chế đặc biệt cho vùng duy nhất mà đa số dân theo Hồi giáo ở Ấn Độ, chọc giận Pakistan. Một lần nữa, chuyện này xảy ra trước hậu cảnh là những chỉ dấu lẫn lộn từ phía Tòa Bạch Ốc. Hồi tháng Bảy, tổng thống nói là Ấn Độ đã yêu cầu ông hòa giải với Pakistan về Kashmir, một tuyên bố mà ngay lập tức bị Ấn bác bỏ.
Và rồi còn có nguyên một lô những vấn đề phức tạp liên quan đến Trung Quốc. Chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngày càng đánh tiếng nói đến một sự can thiệp quân sự vào Hồng Kông, để đàn áp nhiều tháng biểu tình tập thể lớn chưa từng thấy. Một chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay theo truyền thống sẽ bày tỏ ủng hộ cho ao ước của các công dân Hồng Kông và yêu cầu Bắc Kinh tự chế.
Nhưng Tổng thống Trump đã gọi nhưng cuộc biểu tình phản đối là "riot", mà theo Bắc Kinh có nghĩa là bạo loạn, và có vẻ nói là Trung Quốc nên để cho phép giải quyết vấn đề như họ muốn. Một lời tuyên bố mà các quan sát viên nói chả khác gì bật đèn xanh cho Trung Quốc đàn áp.
Sự rối loạn còn gia tăng hơn nữa bởi sự việc là, ở một mặt trận khác, Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực đối đầu với Trung Quốc. Tuần rồi, tổng thống ra lệnh sẽ gia tăng thuế quan trên số 300 tỷ USD còn lại của các hàng xuất cảng Hoa Lục sang Hoa Kỳ. Và tân bộ trưởng quốc phòng của tổng thống nói đến chuyện triển khai hỏa tiễn tầm trung đến các trên lãnh thổ trong vùng.
Những đồng minh Hoa Kỳ, mà trước đây sẵn sàng nhận chứa những hỏa tiễn này như Nhật Bản hay Úc, nay đang lo lắng. Nhất là với một tổng thống khó tiên đoán, họ sẽ còn ngần ngại hơn nữa về việc chứa những hỏa tiễn này. Úc, vốn lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh, đã nói sẽ không nhận.
Nhưng có lẽ không nơi nào mà sự khó tiên đoán về chính sách của Hoa Kỳ tạo ảnh hưởng lớn bằng ở Nam Hàn, nơi mà những hỏa tiễn và vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn đã có tiềm năng là một đe dọa, trong khi đó sự nới rộng và hợp tác hoạt động của Moscow và Bắc Kinh đã làm cho đồng minh Nam Hàn của Hoa Kỳ hoảng sợ.
Những câu hỏi về quyết tâm của tổng thống cho vùng Đông Bắc Châu Á ngày càng đáng kể từ khi Moscow và Bắc Kinh thực hiện một cuộc đi tuần đường dài ở Á Châu hồi tháng Bảy. Vụ đi tuần này, vốn đã khiến cả Nam Hàn lẫn Nhật cho phi cơ lên nghênh cản. Đoàn phi cơ của Trung Quốc và Nga đã bị không quân Nam Hàn bắn khuyến cáo, làm nổi bật sự leo thang trong khi đang có gia tăng hoạt động quân sự.
Tổng thống Trump, đang từ coi ông Kim Jong Un của Bắc Hàn là kẻ thù số chính, và đe dọa máu lửa – cho đến gặp gỡ "bạn" của ông ba lần và trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bước qua biên giới sang Bắc Hàn, dầu chỉ là trong giây lát. Mối thân hữu giữa hai lãnh tụ, mà danh từ mới được chế của tiếng Anh gọi là bromance, đang bắt đầu gây khó khăn cho đồng minh trong vùng. Tổng thống nay công khai gây sự với các nhân vật lãnh đạo trong ngành quốc phòng của mình về việc ông Kim tiếp tục thử hỏa tiễn.
Trong khi đó, cuộc tranh chấp giữa Nam Hàn và Nhật Bản, hai đồng minh cột trụ của Hoa Kỳ ở Đông Á mà nguồn gốc là việc bồi thường cho các nạn nhân từ thời Nhật Bản cai trị Hàn Quốc. Nhưng không thấy tổng thống nhắc nhở gì cả. Ngoại trưởng Mike Pompeo tìm cách giảng hòa những có vẻ làm cho tình hình nặng thêm nữa.
Một nước Mỹ không tiên đoán trước được tạo nên một khó xử mới cho các cường quốc khác - mà chính sách ngày càng được đưa ra dựa trên những đoán mò là chuyện sẽ xảy ra như thế nào. Sự bất định bắt đầu ở Tòa Bạch Ốc lan nhanh ra khắp thế giới, tạo nên bấn ổn ở nhiều điểm nóng nhiều ngàn dặm cách Washington. Nhưng những gì xảy ra ở những nơi đó sẽ có ảnh hưởng đến Hoa Kỳ.
Thế giới đã mất lực lượng cảnh sát và nay mạnh ai nấy lo thân mình. Đó là quyết định của nhiều lãnh tụ thế giới hiện nay.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 11/08/2019
Một trong những vấn đề của những đài truyền hình tin tức 24/24 là làm sao trám cho đầy thời giờ.
Xe thiết giáp của quân đội Mỹ chuẩn bị tham gia cuộc diễn hành "có nhiều yếu tố quân sự hơn bình thường". (Hình : Getty Images)
Không một hệ thống thông tin nào, ngay cả thế giới vụ đại BBC, cũng có thể có đủ tường thuật của các phóng viên ở khắp nơi để trám vào cho đầy 24 giờ một ngày. Vì thế các đài truyền hình tin tức này, ngoài những cuộc phỏng vấn, thường mời các nhà bình luận vào để cho đỡ tẻ nhạt. Tuy thường họ cũng chỉ có một số những nhân vật quen thuộc tùy theo đề tài, nhưng cũng có đôi khi họ tìm được một nhà bình luận lý thú.
Hôm lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4 tháng Bảy vừa qua, đài BBC đã có một nhà bình luận khá đặc biệt. Vì Tổng thống Donald Trump đã chọn đưa thêm những yếu tố quân sự vào ngày Lễ Độc Lập, đài BBC đã mời một vị sử gia chuyên về quân sử. Ông chỉ ra là truyền thống phi quân sự của Hoa Kỳ khi các cha già dân tộc Hoa Kỳ như Tổng thống Thomas Jefferson chẳng hạn lên án "sự độc tài của Vua George III đã áp đặt một quân đội chuyên nghiệp lên trên 13 lãnh địa" với một lời lên án "Nhà vua đã tìm cách làm cho Quân đội độc lập và đứng cao hơn Quyền lực Dân sự".
Trong khi theo dõi những đoạn video về ngày Lễ Độc Lập của Tổng thống Trump, ông sử gia nọ đã nhận xét "Đó không phải là một cuộc duyệt binh mà tổng thống muốn, đó là một cuộc diễn hành mà người Mỹ vẫn làm trong những ngày lễ, chỉ có nhiều yếu tố quân sự hơn bình thường một chút". Ông đã dùng chữ "military parade" và "normal parade". Thật tiếc tiếng Anh không có sự phân biệt của tiếng Việt chúng ta vì "duyệt binh" thật là khác hẳn với "diễn hành".
Rồi ông thêm "The Americans are martial, but not militaristic". Chúng tôi xin tạm dịch là "Người Mỹ thượng vũ nhưng không hiếu chiến".
Thật chí lý lắm thay. Quả thật vậy, người Mỹ "trọng võ" nhưng không "hiếu chiến". Mà điều đó còn đúng hơn nữa với quân đội Hoa Kỳ.
Chả thế mà địa chỉ Military.com, địa chỉ dành cho các quân nhân để chỉ cho họ những quyền lợi mà họ được hưởng, đã viết hôm 20 tháng Sáu một bài với tựa đề "Tổng thống Trump sau cùng đã có được cuộc duyệt binh vào ngày 4 tháng Bảy".
Theo bài này, Bộ trưởng Nội vụ David Bernhard, vốn đứng đầu Tổ chức Dịch vụ Công viên Quốc gia, cho biết là cuộc parade ngày Lễ Độc Lập dọc theo đại lộ Constitution từ 7th Street đến 17th Street NW sẽ có ban nhạc diễn hành, ban nhạc fife and drum cổ truyền, xe hoa, các đơn vị quân đội, những bong bóng, các toán biểu diễn ngựa và đồng diễn và hơn nữa…".
Phác họa lúc đầu đó của ông Bernhard sau thêm một số đơn vị đại diện cho các binh chủng, hai thiết vận xa được chở tới để dàn hai bên khán đài, và trên đầu có những chuyến bay qua của các phi cơ quân sự kể cả đội biểu diễn nổi tiếng Blue Angels của Hải quân.
Nhưng Military.com còn nhắc lại là "Theo lịch sử mà nói, các tổng thống trước đây hoặc là tổ chức ở Tòa Bạch Ốc, hay đi ra khỏi thủ đô cho ngày 4 tháng Bảy, theo một thống kê dài của Cơ quan Dịch vụ Công viên.
Năm 1791, Tổng thống George Washington đọc bài diễn văn ở Lancaster, Pennsylvania và rồi sau đó đi bộ quanh thành phố, Cơ quan Công viên ghi nhận.
Tổng thống Dwight Eisenhower trải ngày 4 tháng Bảy năm 1953 ở Trại David, ở Maryland, nơi nghỉ ngơi của tổng thống và đi chơi golf ở sân gần đó, Cơ quan Công viên viết.
Năm 2008, Tổng thống George W. Bush đã chủ trì một nghi lễ tuyên thệ công dân ở Tòa Bạch Oc cho 72 công dân mới của Hoa Kỳ đến từ 30 quốc gia.
Năm 2010, Tổng thống Barack Obama chủ trì một bữa barbecue ở sân cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc cho 1.200 quân nhân và gia đình".
Military.com đã tỏ khá rõ lập trường của họ về Ngày Lễ Độc Lập nên được ăn mừng như thế nào.
Quân đội Hoa Kỳ cũng không có truyền thống đi duyệt binh. Dĩ nhiên trong suốt lịch sử Hoa Kỳ đã có những cuộc duyệt binh nhưng theo địa chỉ của viện nghiên cứu Smithsonian.com thì lần cuối Hoa Kỳ có một cuộc duyệt binh là năm 1991 khi hơn 8.000 quân nhân diễn hành dọc theo đại lộ Constitution trong cuộc duyệt binh chiến thắng chào đón chấm dứt Chiến Tranh Vùng Vịnh. Đã có chiến đấu cơ tàng hình bay qua trong khi xe tăng và hỏa tiễn Patriot lăn bánh trên đường phố thủ đô.
Viện Smithsonian ghi nhận phê bình nói số chỉ có 200,000 đến xem không đáng với cái giá 12 triệu cho cuộc duyệt binh đó. Nhưng đêm đó khi cuộc đốt pháo bông xảy ra thì số người đến xem lên đến 800,000 người.
Phản ứng với cuộc duyệt binh đó lẫn lộn. Một số chỉ trích nói là phí phạm và chỉ có mục đích đề cao cho Tổng thống George H.W. Bush. Nhưng một cựu quân nhân Việt Nam được trích lời nói "Tôi đã hứa với chính mình cách đây 20 năm là nếu bao giờ có một cuộc chiến nữa -ngay cả nếu tôi là người duy nhất tham gia – sẽ có một cuộc parade".
Theo các sử gia thì những cuộc duyệt binh hay diễn hành lớn của quân đội chỉ xảy ra sau các cuộc chiến lớn, một sự ăn mừng chiến thắng. Sau Đệ Nhị Thế Chiến chẳng hạn, những quân nhân chiến thắng ở Âu Châu và Á Châu trở về đã xuống tàu và đi vào các thành phố lớn để được sự chào đón của nhân dân trong bầu không khí ăn mừng với dân chúng xông vào đoàn quân nhân vẫn còn mặc đồ trận ôm hôn bày tỏ sự vui mừng. Và chính vì thế không có duyệt binh chiến thắng cho các cuộc Chiến Tranh Triều Tiên hay Việt Nam, hay ngay cả duyệt binh vinh danh các chiến sĩ tham gia chiến tranh Iraq hay Afghanistan.
Truyền thống ở Pháp thật khác hẳn. Cuộc duyệt binh ngày phá ngục Bastille, ngày Quốc Khánh của nền Cộng Hòa Pháp đã có từ năm 1880 và đã được tổ chức mỗi buổi sáng vào ngày 14 tháng Bảy. Cuộc duyệt binh đi theo đại lộ Elysées từ Khải Hoàn Môn đến Quảng trường Place de la Concorde nơi tổng thống nước Cộng hòa Pháp và chính phủ của ông cùng các đại sứ đứng chờ để "duyệt binh". Phải nói cuộc duyệt binh ngày 14 tháng Bảy đã là cuộc duyệt binh được tổ chức liên tục lâu đời nhất và do đó thực sự là cha đẻ của mọi cuộc duyệt binh ngay cả đến cuộc duyệt binh nổi tiếng ở Quảng Trường Đỏ của Liên Xô mà ngày nay Nga vẫn duy trì, hay cuộc duyệt binh của Bắc Hàn mà hồi trước các quan sát viên thường theo dõi để xem họ có vũ khí mới hay không.
Cuộc duyệt binh đi theo đại lộ Elysées từ Khải Hoàn Môn đến Quảng trường Place de la Concorde nơi tổng thống nước Cộng hòa Pháp và chính phủ của ông cùng các đại sứ đứng chờ để "duyệt binh".
Hầu hết các nền dân chủ Tây phương không có một truyền thống nào tương tự như của Pháp.
Anh Quốc, vốn là một nền quân chủ lập hiến lâu đời và có nhiều truyền thống, hàng năm có tổ chức một cuộc duyệt binh nhỏ vào ngày sinh nhật của nhà vua. Truyền thống này đã có từ 260 năm nay. Hiện nay nghi thức này, được gọi là Trooping the Colour, được tổ chức hàng năm vào tháng 6 ở quảng trường của đội ngự lâm quân kỵ binh. Năm nay 1400 quân nhân, 200 con ngựa, và 400 nhạc sĩ tham gia nghi thức chúc tụng nữ hoàng và sau đó khi nữ hoàng đã trở về Điện Buckingham, toàn gia đình hoàng gia ra lan can để chứng kiến không quân bay qua vẽ màu cờ bằng khói màu trên bầu trời London. Thực sự nó chỉ là một sự ăn mừng sinh nhật.
Dầu sao chăng nữa, cả cuộc duyệt binh kiểu Ngày Phá ngục Bastille của Pháp đến cuộc duyệt binh Trooping the Colour của Anh cũng đều không thích hợp với Hoa Kỳ.
Khi Tổng thống Bush bố tổ chức duyệt binh ăn mừng chiến thắng, dân chúng hờ hững, trong khi hàng năm dân chúng Pháp náo nức đi xem duyệt binh. Thành ra, có thể cuộc duyệt binh kiêm diễn hành của Tổng thống Trump cho ngày Lễ Độc Lập Hoa Kỳ không hẳn giống như cuộc duyệt binh của Pháp ở Paris, nhưng nó hoàn toàn Hoa Kỳ.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 07/07/2019
Tổng thống Donald Trump đã xông vào lại thế giới của ngoại giao quốc tế hôm Thứ Sáu vừa qua với sự khiêu khích điển hình, tạo mất thăng bằng cho những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ, kể cả nước chủ nhà, trong khi ông tìm cách đạt ưu thế trong một loạt những tranh chấp về kinh tế và an ninh vốn sẽ có những hậu quả khôn lường.
Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. (Hình : Getty Images)
Suốt ngày Thứ Sáu, tổng thống đã mở ra một loạt những cuộc họp mà cái giá sẽ rất cao với các lãnh tụ đến dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, sau khi đặt câu hỏi về nền tảng của liên hệ của Hoa Kỳ với hai nước bạn quan trọng nhất, Nhật Bản và Đức, đã tấn công vào một "đối tác" thứ ba, Ấn Độ.
Thủ tướng Nhật Bản, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh, vẫn còn chới với sáng hôm Thứ Sáu trước cuộc tấn công của tổng thống về hiệp ước phòng thủ hỗ tương vốn đã là nền tảng của liên hệ giữa Washington và Tokyo từ gần bảy thập niên nay.
Còn lãnh tụ Đức đã ngày càng quen thuộc và đã nhún vai trước những tấn công của tổng thống Trump về điều mà ông bảo là Đức lợi dụng ô dù an ninh của Hoa Kỳ trong khi Ấn Độ thì đang cố gắng tìm cách giải quyết lời than phiền của tổng thống về chính sách mậu dịch của mình mà không khiêu khích ông đi vào một cuộc chiến leo thang thuế quan như ông đang làm với Trung Cộng.
Sự lựa chọn mục tiêu có vẻ dính trực tiếp với các cuộc họp của tổng thống dự trù cho ngày Thứ Sáu.
Ông đã ngồi xuống nói chuyện với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, nước chủ nhà cho hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, rồi gặp chung Thủ tướng Abe với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Rồi gặp riêng ông Modi. Sau đó ông ngồi xuống với Thủ tướng Angela Merkel của Đức.
Ngược lại, tổng thống có vẻ không có gì để chỉ trích trước khi đến Osaka vị lãnh tụ thứ tư trong những cuộc gặp gỡ vào ngày Thứ Sáu, Tổng thống Vladimir V. Putin của Nga, người mà chính phủ đã tổ chức một chiến dịch có hệ thống để can thiệp vào cuộc bầu cử Hoa Kỳ năm 2016 và đang bắt hai công dân Hoa Kỳ trong một điều bị coi như là cáo buộc ngụy tạo. Ông Trump đã có một cuộc họp vui vẻ với ông Putin, còn đùa nói với ông Putin "Làm ơn đừng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020".
Ông cũng không có điều gì tiêu cực để nói về người ăn sáng với ông vào ngày Thứ Bảy, Thái Tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, vốn mới bị Liên Hiệp Quốc cáo buộc là kẻ chắc đã điều khiển vụ giết và phân thây một nhà báo Saudi đang là thường trú nhân ở Hoa Kỳ.
Trong việc dành chỉ trích cho các quốc gia bạn của Hoa Kỳ, tổng thống đã lập lại cách hành xử mà ông đã dùng ở Anh hôm đầu Tháng Sáu. Khi một nhà báo nhắc đến những chỉ trích trước đây của ông về Quận Chúa Sussex, ông Trump bảo ông không biết là "cô ấy xấu", rồi chối ngay là ông đã từng nói như vậy, mặc dầu tờ báo đã phỏng vấn tổng thống đưa ra đoạn thu băng ông nói đúng điều đó.
Ông cũng gọi đô trưởng Sadiq Khan của thành phố mà ông viếng thăm là "stone cold loser" và chê ông Khan là một trong những đô trưởng tệ hại nhất của London.
Riêng với nước chủ nhà Nhật Bản, ông đã tấn công vào thỏa thuận quốc phòng hỗ tương giữa Nhật và Hoa Kỳ, vốn đã là nền tảng cho liên hệ giữa hai quốc gia từ những năm đầu tiên sau Thế Chiến Thứ Hai. Sau khi Thông Tấn Xã Bloomberg tường thuật là ông đã bàn thảo riêng với các phụ tá về việc rút lui khỏi thỏa thuận này, không cần được hỏi, ông đã nêu lên vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với Fox Business Network, hôm Thứ Tư.
Ông nói : "Chúng ta có một hiệp ước với Nhật Bản. Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ đánh Thế Chiến Thư Ba. Chúng ta sẽ vào và chúng ta sẽ bảo vệ họ và chúng ta sẽ chiến đấu với mạng sống của chúng ta và gia tài của chúng ta. Chúng ta sẽ đánh bất kể chi phí, đúng không ? Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải làm gì giúp chúng ta cả. Họ có thể ngồi xem trên truyền hình Sony về cuộc tấn công".
Giáo Sư Gary J. Bates, giáo sư chính trị và bang giao quốc tế của Viện Ðại Học Princeton và là một chuyên gia về Đông Á, trong một bài đóng góp trên tờ New York Times, viết :
"Lời nhận xét của ông Trump chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết chiến thuật và lịch sử mà sẽ khiến một người như vậy không được một chỗ nhỏ ở Bộ Ngoại Giao. Tuy tổng thống ngầm ý nói hiệp ước này có ưu tiên cho Nhật Bản, nó thực sự là do chính Hoa Kỳ áp đặt. Sau khi Đế Quốc Nhật đầu hàng Đồng Minh vào Tháng Tám năm 1945, chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến, đất nước Nhật bị đặt dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ bởi Tướng Douglas MacArthur vô cùng độc đoán. Để bảo đảm là Nhật Bản không là một đe dọa trong tương lai, Hoa Kỳ đã viết một hiến pháp chủ hòa trong đó Nhật Bản không được quyền có quân đội. Khi cuộc chiếm đóng chấm dứt vào Tháng Tư năm 1952, Nhật Bản đã từ bỏ chủ nghĩa quân phiệt và nhiệt thành theo đuổi chủ nghĩa chủ hòa và một chế độ dân chủ. Trong Điều 9 của bản Hiến Pháp mà được soạn nguy thủy bằng tiếng Anh ở tổng hành dinh của tướng MacArthur, Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và hứa không bao giờ duy trì các lực lượng bộ binh, thủy quân và không quân".
"Trong hiệp ước an ninh năm 1951 mà tổng thống có vẻ chê bai, Hoa Kỳ, trong một vị thế chế ngự đối với Nhật Bản, đã muốn gì được nấy. Nhật Bản cho phép Hoa Kỳ đặc quyền đặt quân đội trên đất Nhật, biển Nhật và không phận của Nhật Bản, mà Hoa Kỳ có thể sử dụng để đối phó với Liên Xô. Trong hiệp ước sửa đổi năm 1960, Hoa Kỳ hứa sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu họ bị tấn công. Trong suốt Chiến Tranh Lạnh, Nhật Bản dân chủ đã trở thành liên minh cột trụ của Hoa Kỳ ở Châu Á, một tiền đồn chống lại cộng sản ở Trung Quốc và Liên Xô".
Một nhà bình luận trong vùng đã đặt câu hỏi là nếu điều đình lại hiệp ước phòng thủ hỗ tương, liệu Hoa Kỳ có đồng ý cho Nhật Bản đóng quân trên đất mình để "bảo vệ" Hoa Kỳ khi bị tấn công hay không bởi đó chính là điều kiện của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản để Nhật được bảo vệ.
Giáo Sư Bates viết tiếp : "Hơn thế, ông Trump đã sỉ nhục nước chủ nhà qua việc bỏ qua những gì Nhật Bản đã làm sau khi Hoa Kỳ bị tấn công vào ngày 11/09/2001. Nhân dân Nhật công khai chia sẻ mối đau đớn của đồng minh Hoa Kỳ sau cuộc tấn công khủng bố, mà trong đó một số công dân Nhật cũng thiệt mạng. Thủ tướng bảo thủ và rất ủng hộ Hoa Kỳ Junichiro Koizumi, đã nhân vụ thảm sát này như là một cơ hội để sửa lại Điều 9 của Hiến Pháp và khuyến khích đất nước mình hãy gánh trách nhiệm quốc tế. Chinh phủ ông thúc đẩy qua quốc hội một đạo luật chống khủng bố vốn cho phép Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản cung cấp hỗ trợ cho chiến dịch của Hoa Kỳ ở Afghanistan, tuy rằng – vì Hiến Pháp chủ hòa – không chiến đấu hay trực tiếp lâm chiến".
"Khi Tổng thống George W. Bush tấn công Iraq năm 2003, ông Koizumi là người ủng hộ ông mạnh mẽ nhất trong các lãnh tụ quốc tế. Tuy Hiến Pháp Nhật cấm tham gia cuộc chiến hay đóng góp quân sự, chính phủ Koizumi thông qua một đạo luật đặc biệt cho phép Lực lượng Phòng Vệ giúp đỡ trong các sứ vụ hỗ trợ cho Iraq hậu chiến. Nhiều trăm binh sĩ bộ binh Nhật Bản đã cung cấp nước uống và dịch vụ y tế, sửa đường và xây nhà. Người ta có thể trách ông Koizumi, như nhiều người Nhật đã nói, đã ủng hộ cho cuộc chiến tốn kém và vô ích của ông Bush –nhưng thật khó mà bảo là Nhật Bản, như Tổng thống Trump mới tuyên bố, đã không sát cánh với Hoa Kỳ".
Điều còn đau đớn hơn nữa cho Thủ tướng Shinzo Abe, một người vốn đã bỏ nhiều công sức để tạo một liên hệ với Tổng thống Trump và đang cố giúp tìm một giải pháp cho vấn đề Iran, là vì ông ngoại của ông Abe, Thủ tướng Nobusuke Kishi, đã là người bị ép ký bản hiệp ước phòng thủ hỗ tương năm 1960. Hẳn ông Abe đã có lúc nghĩ thầm là ước gì ông ngoại đừng ký thỏa thuận đó.
Giáo Bates kết luận "Không hiểu tổng thống muốn hy vọng đạt được gì với thái độ thù nghịch đó với một đồng minh quan trọng mà ông cần ở Châu Á ? Ông có lẽ sẽ không xé hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Nhưng khi đặt câu hỏi về liên minh với Nhật Bản, ông đã khuyến khích Bắc Hàn và một Trung Quốc đang lên, thử thách mối liên hệ đó. Lời nói của ông đã làm suy yếu liên minh cần thiết này một cách vô lý và đồng thời làm suy yếu sự ổn định trong vùng".
Điều còn mỉa mai hơn nữa, như một nhà ngoại giao Đông Á đã chỉ ra, "Tổng thống đã quên mất là nếu Hoa Kỳ có lâm chiến ở các nơi khác trên thế giới thì Nhật Bản có thể chỉ tìm cách trợ giúp nhưng khi Hoa Kỳ lâm chiến ở Châu Á thì muốn hay không muốn Nhật Bản sẽ là quốc gia đứng mũi chịu sào chứ nào phải là Hoa Kỳ".
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 29/06/2019
Nhiều người tin là sự thật mang lại quyền lực. Nếu một số lãnh tụ, hay tôn giáo, hay chủ thuyết, nói sai sự thật, họ sẽ thua những đối thủ minh bạch và chân thực hơn. Thành ra, trung thành với sự thật là chiến lược hay nhất để dành được quyền lực.
Chúng ta vừa là cư dân thông minh nhất cũng như dễ tin nhất của địa cầu. Trong hình, một robot AI (artificial intelligence, trí tuệ nhân tạo) có khuôn mặt như con người tại triển lãm ở London, Anh, hôm 15 tháng Năm, 2019. (Hình minh họa : Ben Stansall/AFP/Getty Images)
Nhưng sử gia Yuval Noah Harari lại nói : Đáng tiếc ! Đó chỉ là một huyền thoại để an ủi chúng ta ! Giữa sự thật và quyền lực có một liên hệ phức tạp hơn nhiều. Vì trong xã hội con người, quyền lực có hai ý nghĩa khác hẳn nhau.
Một bên, quyền lực có nghĩa là có khả năng điều động nhằm những mục tiêu thực tế : đi săn thú vật, xây dựng cầu cống, điều trị bệnh tật, chế bom nguyên tử. Loại quyền lực này có liên hệ mật thiết với sự thật. Nếu nhà cầm quyền tin vào một lý thuyết vật lý sai thì quốc gia đó không thể làm được bom hạt nhân.
Nhưng mặt khác, quyền lực cũng có nghĩa là một khả năng thao túng niềm tin của người khác, và do đó có thể làm cho rất nhiều người hợp tác có hiệu quả. Chế ra những quả bom nguyên tử đòi hỏi không những sự hiểu biết về vật lý học, nhưng còn phải phối hợp công sức của rất nhiều người.
Giáo Sư Harari xác định, địa cầu đã bị "loài người thông minh" (Homo Sapiens) chinh phục. Con người thông minh hơn là loài khỉ hay loài voi, vì chúng ta là động vật có vú duy nhất có thể hợp tác với nhau trong những tập thể rất lớn. Một sự hợp tác rộng lớn đòi hỏi phải cùng tin vào những "sự tích" chung. Nhưng những sự tích này không nhất thiết phải là sự thật. Bạn có thể kết hợp nhiều triệu người vào những việc chung vì làm cho họ tin vào một câu chuyện hoàn toàn không có thực, như về một vị Thượng Đế (của mình), một ông thần (của mình), một chủng tộc (siêu đẳng) hay là về một hệ thống kinh tế (tối hảo).
Mà quả thật vậy, những huyền thoại các dân tộc kể về nguồn gốc của mình đều khó có thực. Dân Việt chúng ta tin mình là con Rồng cháu Tiên. Dân tộc Đông Timor tin mình là con cháu loài cá sấu. Dân tộc Nhật Bản tin mình là con cháu của Nữ Thần Mặt Trời.
Bản chất hai mặt của quyền lực và sự thật dẫn đến hệ quả là con người chúng ta biết nhiều về sự thật hơn bất cứ một động vật nào khác, nhưng chúng ta cũng tin vào rất nhiều những điều vô lý hơn nữa. Chúng ta là cư dân thông minh nhất đồng thời nhẹ dạ cả tin nhất trên địa cầu.
Những con thỏ không biết đến công thức E=MC2 (của Einstein), hay biết rằng vũ trụ đã đã ra đời được khoảng 13.8 tỷ năm, và rằng DNA được cấu tạo bằng các chất cytosine, guanine, adenine và thymine. Ngược lại, những con thỏ cũng không tin vào những huyền thoại hoang đường, những chủ thuyết vô lý đã từng mê hoặc biết bao nhiêu con người trong bao nhiêu ngàn năm. Không một con thỏ nào sẽ sẵn sàng đâm một cái phi cơ vào khu World Trade Center chỉ vì hy vọng được thưởng 72 trinh nữ thỏ trên thiên đường.
Khi nói đến chuyện đoàn kết một số người quanh một sự tích chung, kẻ nói chuyện hoang đường có ba điều lợi so với người nói sự thật. thứ nhất, trong khi sự thật là phổ cập chung của cả loài người, thì chuyện hư cấu thường có tính địa phương, riêng rẽ. Thành ra nếu chúng ta muốn phân biệt bộ lạc của mình với những sắc dân khác, kể một câu chuyện giả tưởng để tự xác định bộ lạc mình sẽ có hiệu quả hơn so với một câu chuyện thật.
Giả thử chúng ta dạy cho bộ lạc mình tin rằng "mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây". Một huyền thoại bộ lạc nói như thế sẽ không có ích lợi tí nào cả. Bởi vì nếu tôi gặp một người lạ trong rừng và người đó bảo tôi là mặt trời mọc ở hướng Đông, thì người đó có thể là một thành viên trung tín của bộ lạc chúng tôi, nhưng cũng có thể đó là một người ngoại quốc thông minh, đã thấy cùng một kết luận về thực tế mà nó không dính gì đến bộ lạc của tôi cả. Thành ra, tốt hơn cả là cứ dạy cho những người trong bộ lạc rằng "mặt trời là mắt của một con ếch khổng lồ mà mỗi ngày nó nhảy băng qua bầu trời !" Bởi vì rất ít người bên ngoài – dầu cho thông minh cách mấy chăng nữa – có thể biết được điều này, mà chỉ trong bộ lạc mình dạy thôi.
Nếu lòng trung thành chính trị với một lãnh tụ được biểu lộ qua niềm tin vào một chuyện thật, thì ai cũng có vẻ như trung thành, mặc dù họ không theo lãnh tụ đó. Nhưng lòng tin vào những chuyện nực cười, phi lý, đòi hỏi phải tin tưởng mà không cần suy nghĩ, thì lại có thể biểu lộ lòng trung thành rõ rệt ! Nếu bạn chỉ tin vào lãnh tụ của mình khi nào ông hay bà đó nói sự thật, thì việc đó có chứng tỏ được lòng trung nào riêng với ông, bà đó đâu ? Ngược lại, nếu bạn tin vào lãnh tụ của mình ngay cả khi ông hay bà đó nói chuyện phi lý, như xây lâu đài trong không khí, thì đó là một lòng trung thành rất cao ! Một lãnh tụ có thể đôi khi cố tình nói chuyện vô lý để phân biệt ai là kẻ trung thành so với ai là chỉ hùa theo. Như một bạo chúa bên Tàu đời xưa, ông ta chỉ một con chó nói đó là con hươu. Những ông quan gật đầu đồng ý là người trung thành, ai lắc đầu là phản động !
Vả lại sự thật thường rất khó được nhiều người tin. Thành ra nếu các lãnh tụ nhất định chỉ nói sự thật thì sẽ có rất ít người theo. Một ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ mà nói cho công chúng Hoa Kỳ về sự thật, chỉ có sự thật và không có gì khác ngoài sự thật về lịch sử Hoa Kỳ, bảo đảm 100% sẽ thất cử. Điều này cũng đúng trong tất cả các quốc gia khác trên thế giới.
Những người Trung Quốc mỗi năm vẫn lên án vụ thảm sát Nam Kinh của Nhật Bản,liệu có bao nhiêu người cũng nhớ đến những vụ thảm sát mà họ đã gây ra tại các dân tộc mà họ đã chinh phục, hay những gì mà họ đang làm với người Uighur, hay như vụ thảm sát mà đảng Cộng Sản đã làm ở Thiên An Môn ? Ít nhất người Nhật không tìm cách tiêu diệt cả dân tộc Hán như người Trung Quốc làm ở Tây Tạng, Tân Cương. Tôn trọng sự thật không dung nhượng là một thái độ tinh thần đáng quý, nhưng nó không phải là một sách lược chính trị đưa đến thắng lợi.
Một số có thể nói rằng việc tin vào những chuyện giả tưởng được cái lợi là giúp đoàn kết xã hội trong ngắn hạn, nhưng cái hại dài hạn sẽ lớn hơn. Khi một dân tộc có thói quen tin vào những chuyện hoang tưởng phi lý và những chuyện nói láo tùy tiện, thói quen này sẽ ngày càng lan ra những lãnh vực khác. Hậu quả là thói quen nói láo sẽ lan sang ngày càng nhiều khu vực, vì thế họ sẽ có những quyết định kinh tế sai lầm, chọn những chiến lược quân sự vô bổ, và không phát triển hữu hiệu về kỹ thuật.
Nhưng thực ra con người phức tạp hơn thế nữa. Câu chuyện trên thường không hay xảy ra. Bởi vì ngay cả những người cuồng tín đến mức nào chăng nữa cũng có khả năng tách biệt, để họ có thể tin vào những chuyện vô lý ở một số lãnh vực, trong khi vẫn tiếp tục hành xử một cách duy lý trong những lãnh vực khác.
Lê Phan
theo New York Times
Nguồn : Người Việt, 15/06/2019
"Veni, vidi, tweeti" (Ta đến, ta thấy, ta tweet), đó là tóm tắt mà tờ New Yorker nói Tổng thống Donald Trump hẳn nghĩ về chuyến đi đến thăm Anh Quốc của ông.
Nữ Hoàng Elizabeth II và Tổng thống Donald Trump trong buổi vinh danh các cựu chiến binh từng sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy và hy sinh mạng sống mình 75 năm trước đây, vào ngày đổ bộ lên bờ biển Normandy ở Pháp, vốn thường được gọi là ngày D-Day, hôm Thứ Tư, 5 Tháng Sáu. (Hình : Chris Jackson-WPA Pool/Getty Images)
Mà nếu ông có nghĩ như vậy thì cũng phải thôi vì trong khuôn khổ của một chuyến đi của một tổng thống Hoa Kỳ, chuyến đi Anh và Âu Châu của tổng thống tương đối ít ồn ào và êm thắm. Đoàn hộ tống của ông nghe đâu chỉ có 1.000 người.
Air Force One đã chọn hạ cánh xuống phi trường Stansted ở phía Đông Bắc thủ đô Luân Đôn, hay đúng hơn tôi phải nói là kinh đô Luân Đôn vì đây vẫn còn là một vương quốc và danh xưng chính thức của đất nước này là Vương Quốc Thống Nhất (United Kingdom). Đối với dân Anh và nhiều trăm ngàn du khách Âu Châu thích đi phi cơ rẻ tiền thì đây là một cửa ngõ không mấy hào nhoáng cho Âu Châu. Nếu qúy vị muốn kiếm vé đi Bologna vào lúc 6 giờ 30 phút sáng mà chỉ mất có $30, Stansted là phi trường của qúy vị. Nhưng tổng thống không chọn đến Stansted vì lý do đây là một phi trường cho các hãng hàng không rẻ tiền mà là vì vấn đề an ninh. Stansted ít bị chú ý hơn và cũng tương đối ít khách hơn nên an ninh dễ bảo đảm hơn.
Luân Đôn là một thành phố cổ kính. Thành phố do người La Mã lập nên khi đế quốc của họ còn cai trị thế giới. Hồi đó thành phố này mang cái tên là Londonium. Trong thành phố còn rải rác những di tích của người La Mã. Không xa nơi tổng thống gặp Thủ tướng Theresa May còn có một Roman Bath, một phòng tắm công cộng mà người La Mã nổi tiếng ưa thích. Ngay cả triều đại đang cầm quyền cũng dẫn dòng họ đến thời Quận Công Normandie, mà sau này là Vua William the Conqueror đến chinh phục đất nước này. Tòa thành Tower mà ông xây dựng vẫn còn đứng vững mặc dầu đã 1.000 năm.
Nhưng thành phố hiện có một ông đô trưởng khá trẻ, ông Sadiq Khan, năm nay chưa đầy tứ tuần. Khổ một nỗi tổng thống không ưa ông đô trưởng của thành phố chủ nhà. Chưa đến nơi ông đã có một cuộc đấu khẩu bằng tweet với ông Khan mà tổng thống bảo là "stone cold loser". Thú thật tôi không hiểu tổng thống muốn nói gì. Tạp chí New Yorker bảo hẳn là để đối nghịch với tổng thống vốn là "red hot winner" chăng. Tổng thống nổi giận vì ông Khan đã phản đối không phải sự hiện diện của tổng thống mà cách đón rước. Hoàn cảnh nước Anh đang cần bạn sau khi đòi ly dị với bạn cũ khiến chuyện mời đón bạn mới là chuyện cũng được đi nhưng trải thảm đỏ như vậy cũng hơi khó chịu.
Cũng tại vấn đề an ninh tổng thống đã không được thưởng thức một trong những khoản ngoạn mục nhất của một vị quốc khách của nữ hoàng. Họ được đưa vào thành phố trên xe tứ mã sơn son thếp vàng ngồi kế bên nữ hoàng để tới Điện Buckingham nơi một căn apartment đặc biệt đã được dọn dẹp để họ có thể là khách qúy của nữ hoàng. Nhưng sở bảo vệ yếu nhân Secret Service bảo không được.
Xe tứ mã này, tuy không lộ thiên nhưng toàn bằng gỗ, thật là một mục tiêu tốt cho khủng bố, nhất là con đường đi qua công viên Thánh James cây cối um tùm, thêm khó khăn cho việc bảo vệ. Thôi thì tổng thống hẳn cũng an ủi vì cựu Tổng thống Barack Obama, người mà ông vẫn cả quyết là không phải dân Mỹ, cũng đã chọn sự an toàn của "Con Quái Vật-the Beast", cái tên của chiếc Cadillac One vốn chở tổng thống đi khắp nơi.
Tổng thống cũng không ở lại trong một apartment ở Điện Buckingham mà phải ở trong tư dinh của ông đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn. Có người xấu bụng bảo là không hiểu hoàng gia tại sao đúng lúc này lại đi canh tân khu dành cho các quốc khách. Những người bênh hoàng gia thì chỉ ra là chuyến công du của tổng thống đã trì hoãn nhiều lần bỗng được vội vàng tổ chức vì Thủ tướng Theresa May sắp phải từ chức, nên hoàng gia không biết trước kịp để thúc hối sửa chữa cho xong khu apartment cho quốc khách.
Dầu sao chăng nữa tổng thống cũng an ủi vì Winfield House là tòa tư thất lớn thứ nhì ở Luân Đôn. Hơn thế Winfield House là hoàn toàn Mỹ, do chính một nữ triệu phú người Mỹ dựng lên, nên tổng thống khỏi sợ bị lây nhiễm những thứ ngoại lai. Vả lại ở Winfield House hẳn là tổng thống khỏi phải sợ những bữa cơm thiếu món khoái khẩu.
Dân chúng Anh thường bảo nhau là có một hoàng gia có nhiều cái lợi vì hoàng gia đã được huấn luyện từ nhỏ để giữ lễ nghi và tự chế. Bởi thế, tuy báo chí cố tìm cách bới móc nhưng mặc dầu tổng thống được thâu băng gọi Quận chúa Sussex là "nasty", Hoàng tử Harry đã không để lộ một tí gì giận hờn khi gặp tổng thống cả. Quận chúa có thể còn thiếu kinh nghiệm nhưng may quá bà có lý do, Hoàng tử nhí Archie mới vừa đầy tháng nên bà còn nghỉ hộ sản.
Mặc dầu đã có một số bày tỏ lo ngại là tổng thống có thể, trong cơn thịnh nộ, đưa ra thêm những lời phê bình hay tweet thiếu lễ độ, nhưng dân chúng Anh đã không lo cho nữ hoàng. Bởi đây là một người được huấn luyện để làm vua, và nhiệm vụ chính của nhà vua là tiếp khách cho quốc gia. Bà không thiếu kinh nghiệm.
Chỉ hai năm sau khi lên ngôi bà đã phải tiếp đón Hoàng Đế Haile Selassie của Ethiopia. Những vị khách qúy mà bà đã nhân danh Vương quốc Thống nhất chào đón gồm Vua Faisal của Iraq, Tổng thống Charles de Gaulle, và hai nhà độc tài Mobutu Sese Seko của Zaire, Suharto của Indonesia, và ngay cả đến Tổng thống Nicolae Ceausescu của Romania.
Một vài vị trong số này, như ông Ceausescu chẳng hạn sau này đã bị dân chúng lật đổ và xử tử, nhưng khi ở Luân Đôn, họ đều đã được chinh phục bởi những nụ cười hiền hòa, câu chuyện vô thưởng vô phạt, và theo một số trong các nhà ngoại giao Anh, vũ khí bí mật của nữ hoàng, Bữa Quốc Yến. Họ giải thích, một điều nữ hoàng biết chắc là, đối diện với một dàn chào như vũ khí những dao muỗng nĩa, ngay cả các nhà độc tài cũng phải đầu hàng. Ông này bảo "Khi phải chọn xem cái dao cá nào là dao cá đúng và toán xử tử thì ông Ceausescu sẽ chọn tử hình".
Ấy là chưa kể, tham dự quốc yến thì các ông phải mặc áo đuôi tôm. Một chính trị gia đã từng có kinh nghiệm giải thích là khi đã mặc vào cái bộ đồ đó thì vấn đề không phải là có thể trình diễn, hay khoe khoang mà vấn đề là bạn có thở nổi không. Nhất là với một người có dáng dấp như tổng thống. Ông Obama có cái hên là ông thon nhỏ nên đỡ bị thắt cột hơn. Thành ra chúng ta phải thông cảm khi tổng thống đã phải trải qua nào là đứng lên đọc bài diễn văn, rồi còn nâng ly chúc sức khỏe nữ hoàng, nhất là khi ông lại không uống rượu để cho nó đỡ cảm thấy cái gò bó của bộ đồ đuôi tôm, trong đó tệ nhất là cái mà Ăng lê gọi là waistcoat tức là cái gilet cứng ngắc đè trước ngực như cái áo giáp vậy.
Trong số những người chọn vắng mặt có ông Jeremy Corbyn, người mà tước vụ chính thức là Leader of Her Majesty’s Opposition, tức là Lãnh tụ Đối lập của Nữ hoàng. Người chê thì bảo ông Corbyn tẩy chay bữa tiệc là trẻ con nhưng người khen thì bảo ông ta giữ nguyên tắc. Dầu sao chăng nữa, nhờ không đi dự dạ tiệc nên sáng sớm hôm sau ông đã có thể đi biểu tình chống tổng thống. Tổng thống bèn lên tweet chê ông Corbyn là "tiêu cực". Một nhà ngoại giao tham dự bữa tiệc nhận xét với nhà ngoại giao kế bên là tổng thống đáng lẽ không nên làm vậy bởi nhỡ vài tháng tới người hôm nay là Lãnh tụ Đối lập của nữ hoàng có thể là thủ tướng Anh thì hơi phiền. Ông kia bảo không sao, tổng thống dễ quên lắm. Cứ như ông Boris Johnson ngày nào khi còn ở chức vụ của ông Đô trưởng Khan đã từng bảo không thèm mời tổng thống đến Luân Đôn ấy vậy mà nay là bạn thân của tổng thống rồi đấy.
Ấy là chưa kể hoàng gia đã sẵn sàng tiếp đón không những tổng thống mà nguyên cả hai cậu con trai và ba cô con gái của tổng thống nữa. Chả thế mà họ đã chụp hình ngay sau dự đại yến để gửi tặng nữ hoàng cảm ơn.
Nhưng rồi tổng thống đã chào nữ hoàng ra đi rồi. "Veni, vidi, tweeti" – Ta đến, ta thấy, ta không cần chinh phục chỉ cần tweet thôi. Dân chúng Anh thở phào nhẹ nhõm, ít nhất sẽ không bị đứng tim vì nhỡ tổng thống nghĩ lại đòi đem cái Tổ chức Y tế Quốc gia – National Health Service (NHS) qúy hóa của mình thay thế bằng hệ thống y tế của Hoa Kỳ thì khổ quá.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 09/06/2019
Thủ tướng Theresa May sẽ đi vào lịch sử như là thủ tướng mà giai đoạn cầm quyền bị Brexit chế ngự, và sau cùng bị thất bại vì Brexit.
Thủ tướng Theresa May tuyên bố sẽ từ chức vào Thứ Sáu, 7 tháng Sáu, 2019. (Hình : Leon Neal/Getty Images)
Thời gian của bà ở Dinh thủ tướng số 10 đường Downing, nay được chờ đợi sẽ kết thúc chỉ vừa ba năm, hơi lâu hơn một tí thời gian của vị tiền nhiệm xấu số ngay sau giai đoạn hậu Thế Chiến, ông Anthony Eden, bị sự tham gia tai hại của Anh Quốc vào cuộc xâm lăng Ai Cập hạ bệ, để lấy lại Kênh Đào Suez và bị Mỹ buộc phải bỏ cuộc.
Nhưng như ông Eden về Suez, giai đoạn cầm quyền của bà May sẽ vĩnh viễn được tóm tắt chỉ có một chữ Brexit và về cách mà bà đã để cho Anh Quốc lạc vào một cuộc khủng hoảng chính trị vượt xa tầm mức của cuộc phiêu lưu hồi năm 1956.
Không có bao nhiêu chính trị gia muốn vị thế của bà May khi họ trông thấy bà chật vật với Brexit. Công tác chấm dứt liên hệ kéo dài 46 năm với Liên Hiệp Châu Âu (EU) hẳn đã làm nản chí bất cứ một lãnh tụ nào, một phần không nhỏ vì cuộc trưng cầu dân ý cho biết dân chúng bỏ phiếu để ra khỏi Châu Âu mà không biết tương lai giữa Liên Hiệp Châu Âu với Anh sẽ ra sao ?
Nhưng Thủ tướng May đã làm cho công việc này của bà thêm bội phần khó khăn ngay từ lúc đầu khi không tham khảo ý kiến rộng rãi về một thỏa thuận nào có thể thực sự đạt được với EU và được sự đồng ý của Hạ Viện. Thay vì vậy, dựa trên một nhóm cố vấn nhỏ, bà đã đặt ra những lằn đỏ ngay từ giai đoạn đầu khi mới lên cầm quyền để định nghĩa một chính sách Brexit cứng rắn mà sau cùng đã chứng tỏ không duy trì nổi. Sau đó, khi bà sau cùng chấp nhận phải dung hòa với Châu Âu những làm vậy thì bà lại làm bùng lên sự chống đối của phe Brexit.
Chuyện không phải lúc nào cũng bi quan. Những ngày đầu tiên khi bà mới nhậm chức có vẻ đầy hứa hẹn. Theo sau việc ông David Cameron, sau khi đưa đất nước vào một thế kẹt khi cho phép trưng cầu dân ý chỉ vì muốn làm im tiếng đám chủ trương Brexit trong nội bộ đảng ông, lại tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lỏng lẻo và thiếu chi tiết đến nỗi không ai biết tương lai ra sao, bà May là người cuối cùng còn lại trong cuộc tranh giành trong nội bộ đảng với các đối thủ chính của bà – các ông Boris Johnson, Michael Gove, và bà Andrea Leadsom – đã có vẻ tự mình hại mình.
Tuy là một người chủ trương ở lại với Châu Âu, bà đã dành được sự ủng hộ của đảng mình với cả quyết "Brexit means Brexit" và rằng không có chuyện không thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý dầu cho khít khao. Bước vào ngưỡng cửa của dinh thủ tướng, bà đã hấp dẫn phe trung dung trong đảng với viễn tượng "một quốc gia có lợi cho mọi người".
Nhưng vì ảnh hưởng của cố vấn thân cận nhất, ông Nick Timothy, luận điệu đoàn kết sớm bị bỏ sang một bên trong khi bà tìm cách củng cố ủng hộ từ đám Brexiter ồn ào trong số các dân biểu Bảo Thủ. Bước nghiêm trọng nhất – mà một số nói là bước dẫn đến thất bại – đã bắt đầu tại đại hội đảng Bảo Thủ ở Birmingham hồi tháng 10/2016. Bà May tuyên bố là Vương Quốc Thống Nhất Anh sẽ rời khỏi thị trường chung Châu Âu và sẽ không tham gia và tuân thủ Tòa Án Châu Âu nữa. Những lời tuyên bố của bà được đám cuồng tín trong đảng hoan nghênh. Nhưng các công chức cao cấp, vốn là nòng cốt của chính phủ, sửng sốt trước sự cắt đứt nghiêm trọng với Châu Âu mà tuyên bố này ngầm ý.
Lời hứa của bà, cũng trong bài diễn văn đó, khởi động tiến trình của Điều 50 ra khỏi Châu Âu vào cuối Tháng Ba, 2017, cũng quan trọng không kém. Một lần nữa, dĩ nhiên là đám Brexit thích thú vô cùng. Một viên chức cao cấp trong ngành công vụ nhắc nhở "Nhưng thật điên cuồng vứt đi mọi vũ khí. Nó được đưa ra để lấy những lời hoan hô mà không suy nghĩ đến hậu quả về cách mà Liên Hiệp sẽ phản ứng và cách mà họ sẽ thiết lập việc điều đình với Châu Âu".
Chín tháng sau đó là tuần trăng mật cho thủ tướng. Trong một bài diễn văn ở Lancaster House, bà May chuẩn bị cho điều mà một công chức cao cấp gọi là Brexit cứng như kim cương". Ngày hôm sau, phe báo chí Brexit hết lời ca tụng. Tờ Daily Mail, trong một so sánh đầy sùng bái, gọi bà là "thép cứng của một Thiết Phu nhân mới".
Nhưng trong khi đó ở thế giới bên ngoài các chính trị gia và doanh nhân hoảng sợ. Các doanh gia Anh, vốn lâu nay ủng hộ nhiệt thành cho đảng Bảo Thủ, bị lờ đi khi họ khuyến cáo nguy cơ kinh tế của chính sách cứng rắn đó. Đại sứ Anh Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, ông Ivan Rogers, một trong những nhà ngoại giao hiểu biết nhất về Châu Âu của Anh và sẽ vô cùng quan trọng trong cuộc điều đình với Châu Âu, từ chức, khuyến cáo là bà May đang đi sai đường.
Nhưng khi bà May, trước sự ngạc nhiên của mọi người, giải tán Quốc Hội tổ chức bầu cử lại vào tháng 6/2017, là khi mà bà hết may mắn.
Thủ tướng May thừa hưởng một đa số nhỏ từ Thủ tướng David Cameron và tin là bà cần một đa số lớn hơn để thúc đẩy Brexit qua Hạ Viện. Những cuộc tranh cử làm nổi bật sự thiếu khả năng vận động của bà. Bà cứng như gỗ, cử chỉ như một robot ở các cuộc vận động tranh cử và bà hoàn toàn không có khả năng trả lời phỏng vấn.
Tệ nhất là khi bà bỏ một trong những lời hứa trong hiến chương của đảng cải tổ sự chăm sóc cho những người già vốn được rộng rãi lên án là "thuế tử thần". Mặc dầu rõ ràng đã nuốt lời, bà cả quyết không có gì thay đổi, trước những nhà báo ngơ ngác. Câu ‘Nothing change’ đã được dùng để chế giễu bà.
Vấn đề chồng chất khi cuộc điều đình chính thức với Châu Âu bắt đầu ngay sau cuộc tổng tuyển cử. Liên Hiệp Châu Âu nhắc lại là chiến thuật của bà May là vô ích. Anh Quốc, EU nói, sẽ phải chấp thuận một sự chia tay ‘kiểu Canada’ đột ngột và toàn diện hay là "kiểu Na Uy" nhưng còn nhiều liên hệ. Nhà điều đình chính của Châu Âu, ông Michel Barnier, khẳng định không có đường nào ở chính giữa.
Bà May lúc đó mới thay đổi kế hoạch. Bà hiểu là nếu bà đi theo con đường Canada, Anh Quốc sẽ phải tái lập biên giới thực sự với Châu Âu vốn sẽ gây thiệt hại cho kỹ nghệ sản xuất và tiến trình hòa bình Ái Nhĩ lan.
Việc này dẫn đến suốt phần còn lại nhiệm kỳ tạo "một thỏa thuận đặc biệt riêng" vốn sẽ thấy Anh Quốc ra khỏi khối thị trường chung Châu Âu trong khi không hiểu có phép thần thánh gì để duy trì những quyền lợi của một quốc gia hội viên.
Trong khi điều đình và những cố gắng để đạt được một thỏa thuận đã khiến bà May phải chấp nhận những nhượng bộ mà trước đó bà đã bảo sẽ không bao giờ nhượng bộ. Bà công nhận hứa hẹn sẽ trả cho EU tiền ly dị lên đến 39 tỷ bảng Anh. Khi bà trình bày thỏa thuận đó cho nội các, hai bộ trưởng từ chức sau khi bà công nhận là Anh Quốc sẽ tuân thủ các luật lệ về thuế quan của Châu Âu. Nhưng sự lùi bước lớn nhất là về Ireland. Tháng 12/2017, bà May ký một thỏa thuận chính thức với EU bảo đảm là sẽ không bao giờ có một biên giới thực sự với rào cản và đồn canh giữa Ái Nhĩ Lan và Anh Quốc sau Brexit.
Các cố vấn bảo là bà không hiểu hậu quả của hứa hẹn vào thời điểm đó. Và nó trở thành vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong thỏa thuận của bà. Bởi vì duy trì một biên giới mà không có biên giới có nghĩa là Anh Quốc sẽ công nhận thuế quan chung với Châu Âu cho đến khi có một thỏa thuận mậu dịch toàn diện. Bà May cả quyết điều kiện "chặn hậu" sẽ là tạm thời. Nhưng phe cứng rắn trong đảng lên án là "nô lệ" và là một thu xếp mà Anh sẽ không bao giờ ra khỏi.
Thủ tướng sau cùng đạt được một thỏa thuận với Châu Âu, nhưng ba lần bị Quốc Hội bác. Vấn đề của Thủ tướng May phát xuất từ bản tính của bà. Bản năng thận trọng, bà thường bị cô lập, không có bạn. Nhưng bà đã không phải là thủ tướng đầu tiên mất việc vì vấn đề Châu Âu. Các thủ tướng Bảo Thủ tiền nhiệm của bà – từ bà Margaret Thatcher, ông John Major, ông David Cameron – đều đã bị ngã ngựa vì vấn đề Châu Âu.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 25/05/2019
Liên Hiệp Châu Âu sắp tổ chức một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới, cuộc bầu cử Quốc Hội Châu Âu.
Triển lãm tại trung tâm nghệ thuật Bozar ở Brussels, Bỉ, về cuộc khủng hoảng di dân ở Châu Âu. (Hình : John Thys/AFP/Getty Images)
Với Anh Quốc đang còn chân trong chân ngoài, những phong trào bài Châu Âu vẫn còn đang gia tăng ủng hộ ở các quốc gia thuộc Đông Âu cũ, trong khi bên kia bờ Đại Tây Dương, lần đầu tiên Châu Âu đối diện với một chính phủ Hoa Kỳ không thân thiện, giấc mơ một Châu Âu thống nhất, hòa bình, dân chủ và tiến bộ, đang lâm nguy. Nhưng một số công dân Châu Âu đang tìm cách tạo đối thoại qua một cuộc tranh luận đối diện ở ngay thủ đô Brussels.
Hầu hết trong số khoảng trên 500 người tham dự đã đi xe hay bay hơn 500 mile để đến dự – vài chục người đã đi hơn 1.000 mile – sau khi họ được cặp đôi qua Internet với bạn tranh luận từ các quốc gia khác để tham dự một cuộc bàn luận về tương lai của Châu Âu.
Cuộc gặp gỡ này, mang cái tên Europe Talks, là đứa con tinh thần của các chủ bút của tờ nhật báo Die Zeit, một tờ báo bảo thủ trung dung lâu đời ở Đức, vốn đã nảy sinh ý kiến này trong khi đang đánh ping pong ngay trong phòng tin. (Xin mở ngoặc trong cố gắng giúp sức khỏe của các nhà báo, vốn nổi tiếng có cuộc sống thiếu lành mạnh, có cơ hội vận động, tòa soạn đã đặt một cái bàn ping pong ngay trong phòng tin.) Mục đích của họ rất đơn giản nhưng đầy tham vọng : làm sao cho người ta bước ra khỏi cái "bong bóng filter" vốn loại bỏ mọi điều hay mọi người không đồng ý ra khỏi ý thức của mình, và liên lạc – trực diện – với những công dân Châu Âu có một quan điểm chính trị khác mình.
Tổng chủ bút của tờ Die Zeit, ông Jochen Wegner, kể lại là cuộc thí nghiệm đầu tiên của họ là trong nội bộ nước Đức, nói tiếp, "Chúng tôi nghĩ chắc chỉ có 100 hay 200 người ghi tên, nhưng 12,000 người ghi tên" và họ đến từ khắp nước Đức. Họ bèn quyết định lập lại cuộc đối thoại này nhưng trên toàn Châu Âu. Ông thêm "Điều đang xảy ra hôm nay chưa từng xảy ra trong lịch sử Châu Âu".
Trong khi họ chờ cho chương trình chính thức bắt đầu, một cặp được chọn làm partner Juhani Tanayama từ Helsinki, Phần Lan đến ; và Yavor Ivanov từ Sophia, Bulgaria đến, nói chuyện một cách hăng say.
Họ đã được cặp đôi với nhau dựa trên những câu trả lời cho một số câu hỏi kể cả "Liên Hiệp Châu Âu có cải thiện cuộc sống của các công dân của họ không ? (90% đồng ý), "Liệu Liên Hiệp Châu Âu có nên tăng giá xăng để giúp bảo vệ môi trường không ?" (72% đồng ý), và "Có phải có quá nhiều di dân ở Châu Âu hay không ?" (76% không đồng ý).
Ông Wegner nói, "Chúng tôi cố nghĩ ra những câu hỏi gây chia rẽ, nhưng nó có vẻ không làm được điều đó".
Ông Ivanov, một chuyên gia kỹ thuật vốn tự nhận mình là say mê về Hỏa Tinh và đi xe đạp, đã leo lên máy bay đến Brussels vì ông muốn có mặt để nói về những vấn đề chung của Châu Âu. Ông nói, "Tôi rất vui sướng là Bulgaria là một phần của Liên Hiệp Châu Âu".
Bulgaria là một trong những nước nghèo nhất của Liên Hiệp, trong khi quê hương của ông Tanayama, Phần Lan, là một trong những nước giàu nhất. Họ không đồng ý về câu hỏi "Các quốc gia giàu hơn ở Châu Âu có nên giúp đỡ những quốc gia nghèo hơn hay không ?" (88% những người đến dự nói nên làm.)
Tuy Liên Hiệp Châu Âu nên đầu tư một số tiền vào giáo dục và hạ tầng cơ sở, những ngân khoản đó nên phải có điều kiện, ông Tanayama nói, rồi thêm là phải có hậu quả nếu một quốc gia sử dụng sai tiền của Liên Hiệp, và không tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Liên Hiệp.
Ông Ivanov muốn thấy có thêm tài trợ tài chánh cho các quốc gia nghèo hơn trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng công nhận là tài trợ của Liên hiệp đã gia tăng tham nhũng ở Bulgaria. Ông nói, "Chúng tôi đang xây dựng hạ tầng cơ sở với đồng tiền của Liên Hiệp, nhưng phẩm chất không tốt lắm vì một nửa số tiền đã đổ vào túi của các tay tài phiệt".
Ông Tanayama gật đầu đồng ý – ngay trước khi cuộc thảo luận chính thức bắt đầu họ đã đồng ý với nhau. Ông nói, "Điều quan trọng là tìm một chỗ đứng chung, một mẫu số chung".
Sau chương trình chào đón chính thức, cô Anne Helger, một kỹ sư, và ông Anno Muhlhoff, một cảnh sát viên, đều từ Cologne, Đức đến, bàn luận về cuộc gặp gỡ đầu tiên trong một quán cà phê. Cô Helgers nói, "Chúng tôi cảm thấy là cả hai chúng tôi đều có lập trường rất khác biệt về một số đề tài, thành ra tôi nói ‘Ờ, có một điều tôi bảo vệ rất mạnh mẽ. Tôi sống với một phụ nữ khác.’" Ông Muhlhoff không ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Nhưng ông Muhlhoff nói, hơi cảm động, vì cuộc thảo luận "đã làm giảm lập trường cứng rắn của tôi về vấn đề này – chính là vì tôi đặt lập luận của tôi theo một cách làm tổn thương Anne. Cô ấy tử tế nhận lời xin lỗi của tôi. Nó làm cho mọi sự trở thành thân cận hơn". Cô Helgers nói, "Đối với tôi, nay tôi nghĩ nhiều hơn về truyền thông. Tôi muốn thuyết phục toàn thế giới là những người như tôi, chúng tôi tuyệt vời lắm – nhưng ngay cả nghĩ chúng tôi không đến nỗi xấu cũng là một tiến bộ". Ông Muhlhoff vội chen vào "Tôi không bao giờ nghĩ cô là xấu".
Bên ngoài hành lang, các partner tranh luận đã bắt đầu chui vào những góc của Trung Tâm Mỹ Thuật, được gọi là BOZAR và là nơi được chọn cho cuộc thảo luận. Chủ trì cuộc ăn mừng cho Châu Âu dân chủ hôm nay, trung tâm này được xây dựng nên trong thời thập niên 1920 do những thế lực chắc chắn là không dân chủ : Nó được xây dựng hầu hết dưới hầm, để cho khỏi cản trở tầm nhìn của nhà vua từ tòa lâu đài nhìn xuống thành phố ở dưới chân.
Tựa vào quầy nhận quần áo trong một bồ đồ tây may mắc tiền và cặp mắt kiếng mà có lẽ được gọi là "rất Ý", ông Giulio Anichini của Rome, Ý, nói chuyện với cô Anastasia Weirich, ngồi xếp bằng trên quầy cho thấy đôi giày Doc Martens.
Cô Weirich đi xe từ Aachen, Đức, đến vào buổi sáng. Ông Anichini đón xe lửa Eurostar từ Luân Đôn, nơi ông làm việc. Nghề của họ giống nhau – họ đều là bác sĩ – nhưng họ bất đồng về điều được coi như là câu hỏi gây tranh cãi nhất của hội nghị "Liệu Châu Âu có nên có liên hệ thân cận hơn với Nga hay không ?" (53% đồng ý, 46% nói không).
Ông Ainichini nói, "Tôi không thích cuộc xâm lăng Crimea". Cô Weirich công nhận, "Và tôi không có một tầm nhìn khách quan". Công nhận cô từ Nga đến, cô tiếp, "Gia đình tôi vẫn còn sống ở đó – Tôi muốn có nhiều hợp tác hơn".
Khi cuộc tranh luận kết thúc, những người tham dự tiếp tục câu chuyện của họ, tràn ra đường phố để uống ly cà phê hay ly bia ngay bên ngoài nhà hàng BOZAR, vốn đã được một ngôi sao Michelin cho những món ăn rất dân chủ như bánh pie thịt heo và sự bác bỏ "những món ăn phức tạp một cách vô lý".
Ông Christian Schroller từ Hamburg, Đức, và ông Kurt Strand từ Copenhagen, Đan Mạch, đã bàn luận suốt buổi chiều, vừa mới khám phá là họ bất đồng ý kiến về câu hỏi "Liệu bạn có đồng ý từ bỏ passport quốc gia của bạn để có một passport Châu Âu không ?" (80% muốn có passport Châu Âu). Ông Schroller nói, "Tôi hết sức muốn bỏ đi cái cá tính Đức và có một công dân Châu Âu".
Ngay cả ở nước Anh Brexit, có nhiều người Anh giờ đây đang ao ước là họ có một passport Châu Âu để họ có thể từ bỏ Anh Quốc.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 18/05/2019
Cách đây 100 năm, vào ngày 4/5/1919, một toán sinh viên của Viện Đại học Bắc Kinh đã từ tòa nhà màu đỏ, lúc đó là thuộc viện đại học mà người Hoa thường gọi là Bắc Đại, viện đại học uy tín nhất nước, xuống đường tổ chức một cuộc biểu tình.
Một nhóm sinh viên giơ cao biểu ngữ phản đối sự thay đổi trong lãnh đạo nhóm Marxist do sinh viên điều hành tại đại học Peking University ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 28/12/2018. (Hình : Eva Xiao/AFP/Getty Images)
Sử gia Lê Mạnh Hùng, trong bộ sử quốc tế "Văn minh, con đường tiến tới Xã hội hiện đại", giải thích : "Sinh viên biểu tình phản đối quyết định của hội nghị Versailles cho phép Nhật thừa hưởng các tài sản và quyền lợi của Đức tại Sơn Đông. Rất nhiều sinh viên bị bắt trong các cuộc biểu tình bạo động sau đó. Đợt sóng phản đối lan sang tất cả các thành thị chính của Trung Quốc. Các thương gia đóng cửa hàng, ngân hàng ngưng hoạt động và công nhân đình công để áp lực chính phủ. Cuối cùng chính quyền bị buộc phải trả tự do cho các sinh viên bị bắt, cách chức một số quan chức bị coi là công cụ của Nhật Bản và từ chối không ký vào thỏa hiệp Versailles. Vụ bùng nổ này giúp phổ biến các tư tưởng của phong trào Tân Văn Hóa ra ngoài quần chúng, nay trở thành một phong trào toàn dân (hay ít nhất là tại tất cả các đô thị) và được biết dưới tên Ngũ Tứ Vận Động".
Một trăm năm sau Chủ tịch Tập Cận Bình đã lợi dụng biến cố này để đánh bóng chế độ độc tài đảng trị của ông. Qua hành động này, ông Tập đã cho chúng ta thấy một sự phô bày cố gắng của Đảng cộng sản để kiểm soát di sản của một phong trào vốn được coi như là mở đầu cho Trung Hoa hiện đại.
Ngũ Tứ Vận Động, một phong trào phản đối chống lại chủ nghĩa thực dân Tây phương đã làm bùng lên tinh thần ái quốc của nhân dân Trung Hoa, và giúp phổ biến một làn sóng những ý kiến bác bỏ các truyền thống và thế giới phân cấp cổ hủ.
Ngũ Tứ Vận Động không phải là một phong trào của Đảng cộng sản, nhưng là có sự đóng góp của họ và tất cả các nhóm tranh đấu quốc gia khác. Nó không những là một phong trào dân tộc ái quốc mà còn là một phong trào chống cường quyền đòi tự do dân chủ. Đảng cộng sản Trung Hoa đã lợi dụng tinh thần của phong trào này và biến nó thành Ngày Thanh Niên. Trong bài diễn văn đánh dấu 100 năm Ngũ Tứ Vận Động, ông Tập ca tụng tinh thần ái quốc của phong trào trong khi lờ đi những chủ đề bài độc tài của họ.
Tại Nhân dân Đại Sảnh đường, kế bên Quảng trường Thiên An Môn, cũng không xa ngôi nhà màu đỏ mà các sinh viên Bắc Đại đã khởi hành cách đây 100 năm để khởi xướng Ngũ Tứ Vận Động, ông Tập tuyên bố : "Lịch sử tiết lộ là lòng ái quốc chảy trong huyết quản của đất nước Trung Hoa từ thời cổ sơ. Những ai không có lòng ái quốc, vốn có thể đến mức đánh lừa hay phản bội tổ quốc, là một sự sỉ nhục không những trước mắt của đất nước mình mà còn của toàn thế giới nữa". Và rồi ông ra lệnh "Thanh niên Trung Quốc trong thời đại mới phải tuân lệnh đảng và theo sự theo sự hướng dẫn của đảng".
Nhưng này 4/5 cũng là một trong những ngày kỷ niệm đầy tính chính trị mà Đảng cộng sản phải tìm cách kiểm soát chặt chẽ – hay che đậy nó – trong năm nay. Đảng cộng sản có lý do để thận trọng : ngày kỷ niệm Ngũ Tứ Vận Động thường thúc đẩy những cuộc phản đối trong quá khứ, kể cả các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989 mà chỉ bị dập tắt trong một đêm thảm sát vào ngày 3 và 4/6 cũng năm đó.
Đảng cộng sản cũng đang đối phó với tăng trưởng chậm lại vốn đã làm cho họ lại còn sợ hãi với những nhắc nhở của một phong trào vận động đòi thay đổi của quần chúng. Các viên chức đã ra lệnh cho các trường học đề phòng bất cứ một bộc lộ bất mãn nào quanh ngày 4/5 và những ngày "tế nhị" khác. Đó là theo các thông cáo chính thức trên các website của nhà cầm quyền.
Giáo sư Quách Ư Hoa, một vị nữ giáo sư xã hội học của Viện Đại học Thanh Hoa, viện đại học thứ nhì của Hoa Lục, cho tờ New York Times biết : "Ngay từ khởi đầu niên học họ đã bảo chúng tôi năm nay không phải là một năm bình thường và rất tế nhị, thành ra đừng nói sai lập trường".
Phong trào Ngũ Tứ Vận Động năm 1919, khi các sinh viên Trung Quốc xuống đường tổ chức một cuộc biểu tình. Nay, đúng 100 năm sau, Trung Quốc sẽ có 8,3 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và sẽ có nhiều người không kiếm được việc làm. Chủ tịch Tập Cận Bình lo sợ, nên đã ngầm khuyến cáo : "Không ái quốc là ‘sỉ nhục’ và yêu nước là yêu đảng và yêu chủ nghĩa xã hội". (Hình minh họa : socialistalternative.org)
Năm nay nhiều triệu sinh viên Trung Quốc sẽ học lại bài học chính thức về Ngũ Tứ Vận Động, lột bỏ bất cứ một đề nghị nào là họ nên xuống đường. Trong các bài giảng và qua các bích chương, họ được bảo là Trung Quốc sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa.
Ông Tập tuy vậy chỉ là một trong những lãnh tụ cộng sản đã lợi dụng Ngũ Tứ Vận Động để thích ứng với nghị trình của ông. Nhiều thế hệ sinh viên đã được học những bài trình bày cuộc phản đối năm 1919 như là tiền đề cho sự thành lập của Đảng cộng sản năm 1921 và chiến thắng không bao giờ cản trở nổi của họ. Các lãnh tụ đảng từ Mao Trạch Đông, mà cái thời Ngũ Tứ vẫn còn là một thủ thư ở thư viện tỉnh, đã lợi dụng phong trào để chiêu dụ hay khuyến cáo sinh viên và trí thức.
Giáo sư Jeffrey Wasserstrom, giáo sư sử ở Viện Đại học California, Irvine, đã chỉ ra : "Ngay cả chế độ độc tài cũng phải có một câu chuyện họ kể cho nhân dân về lý do tại sao họ đáng được cai trị". Và câu chuyện đòi tôn trọng chủ quyền của các sinh viên năm 1919 hẳn có thể thích ứng với hứa hẹn "thời đại mới" của một cường quốc Trung Quốc" của ông Tập Cận Bình.
Năm 1919, đoàn sinh viên mặc quốc phục đã tìm cách trao đòi hỏi của họ cho các sứ vụ Tây phương ở Bắc Kinh và đốt một căn nhà của một người mà họ bảo đã đầu hàng Nhật Bản. Nhưng tuy phong trào lan khắp nước, chính phủ phải nhượng bộ, nhưng Sơn Đông vẫn nằm trong tay Nhật Bản.
Trong khi đó, đối với một số người Trung Hoa, cuộc phản đối năm 1919 tạo những ký ức mà đảng không muốn họ nhớ.
Ngũ Tứ Vận Động đi kèm phong trào Tân Văn Hóa trong đó sinh viên kêu gọi "Ông Khoa Học và ông Dân Chủ", đòi hỏi một xã hội tự do, không bị truyền thống kềm chế, đồng thời khám phá chủ nghĩa vô chính phủ, phong trào tự do phụ nữ, xã hội chủ nghĩa và cả cá nhân chủ nghĩa.
Di sản chống độc tài của Ngũ Tứ Vận Động đã giúp cho những người chỉ trích Đảng cộng sản. Năm 1989, kỷ niệm 70 năm của Ngũ Tứ Vận Động đã lôi cuốn nhiều trăm ngàn sinh viên và thanh niên xuống đường ở Quảng trường Thiên An Môn.
Và mặc dầu những cố gắng của nhà cầm quyền, di sản đó vẫn còn tồn tại. Trong nhiều tháng nay, công an bận rộn tổ chức một cuộc tổng phản công chống lại vài chục sinh viên Marxist ở Bắc Kinh vốn ủng hộ các công nhân bị bóc lột ở vùng Hoa Nam, một số dẫn Ngũ Tứ như đã gợi hứng cho họ. Các viên chức cũng tìm cách làm im tiếng Giáo sư Hứa Chương Nhuận, giáo sư luật của Viện Đại học Thanh Hoa, người mà hồi tháng 7/2018 đã tung ra một loạt những bài chỉ trích gay gắt Đảng cộng sản. Tháng 3/2019, Thanh Hoa ngưng chức và điều tra ông.
Hôm Chủ Nhật trước, công an theo dõi khi Giáo sư Hứa tụ tập khoảng vài chục bạn bè và người quen đến đặt vòng hoa trước một tấm bia kỷ niệm một nhà học giả khác đã quá cố của Thanh Hoa, Giáo sư Vương Quốc Duy, nổi tiếng về viết lịch sử Trung Hoa theo kiểu Tây phương. Giáo sư Hứa ca tụng Giáo sư Vương cho "tinh thần độc lập và tư do tư tưởng".
Nhà cầm quyền lo ngại về những sự chống đối này một phần chính là vì vấn đề kinh tế, theo tờ New York Times. Năm nay sẽ có 8,3 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Hoa Lục, lớn hơn bao giờ hết. Sẽ có nhiều người trong số họ không kiếm được việc làm thích hợp với kỳ vọng của họ hay có thể không kiếm được việc làm.
Và Đảng cộng sản biết rằng trí thức thất nghiệp là mầm móng của bất mãn. Đó chính là lý do tại sao trong bài diễn văn kỷ niệm Ngũ Tứ Vận Động, chủ tịch Tập đã ngầm khuyến cáo đối lập : "Không ái quốc là ‘sỉ nhục’ và yêu nước là yêu đảng và yêu chủ nghĩa xã hội".
Thế ra "tinh thần" 100 năm của Ngũ Tứ Vận Động, như tờ The Economist nhận xét, trông ra có khá nhiều lo sợ và nghi ngờ.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 04/05/2019
Narva, xin thưa, là một thị trấn nhỏ của Estonia ráp ranh với Nga, nhưng trước kia thuộc Liên Bang Xô Viết. Hầu hết dân Narva nói tiếng Nga. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Liên Minh NATO, câu chuyện Narva lại trở lại là một mối quan tâm cho những thành viên Âu Châu của liên minh.
Narva có thể trở thành tâm bão của một thách thức cho Liên Minh NATO. Trong hình, Narva ngày nay. (Hình : Hromadske International)
Narva nhỏ xíu, hầu hết người dân nói tiếng Nga, chỉ cách nước Nga của ông Vladimir Putin có một con sông mà mùa Đông đóng băng. Một tòa lâu đài xây từ thế kỷ thứ 13 chế ngự thành phố, trong khi một thành trì thời Trung Cổ đe dọa từ bên kia sông thuộc Nga. Vài bước nữa sẽ đưa du khách đến một tượng đài của cựu vô địch cờ tướng chess Paul Keres, vốn sinh ra ở Narva và sống ở đó suốt nhiều thập niên bị Nga chiếm đóng, nhưng luôn khẳng định sự thành công của ông là từ trường phái chess của Estonia.
Thị trấn này có thể trở thành tâm bão của một thách thức cho Liên Minh NATO – trong cái điều mà NATO gọi là "kịch bản Narva" – một kịch bản nếu xảy ra sẽ thử thách đến nền tảng của liên minh lâu đời và thành công nhất lịch sử hiện đại.
Theo "kịch bản Narva", NATO lo ngại là ông Putin có thể tìm cách cướp Narva và sát nhập thị trấn vào Nga.
Khi Estonia giành được độc lập sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Narva trở thành một thị trấn biên giới. Bảng tên đường viết bằng tiếng Estonia, mọi công việc chính thức được thực hiện bằng tiếng Estonia, và Estonia đòi bất cứ một ai muốn thành công dân phải biết nói tiếng Estonia.
Dân số Narva tuy vậy vẫn đại đa số nói tiếng Nga và là gốc Nga, để lại một số khá lớn không được quyền có công dân Estonia. Thay vì vậy, nhiều người trong số họ còn giữ công dân Nga hay cư dân vô tổ quốc sống ở Estonia, mang cái thông hành trắng xám của những người "ngoại quốc".
Tất cả những điều đó, các viên chức NATO sợ, sẽ khiến Narva trở thành một mục tiêu hàng đầu cho Nga và lãnh tụ Vladimir Putin. Theo "kịch bản Narva", NATO lo ngại là ông Putin có thể tìm cách cướp Narva và sát nhập thị trấn vào Nga. Một hành động như vậy sẽ là bắt chước cuộc xâm lăng của Nga ở Crimea, một lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm năm 2014 và cố gắng của họ tạo bất ổn trong vùng Ukraine nói tiếng Nga ở phía Đông.
Nhưng một cuộc lấn chiếm như vậy vào Estonia sẽ có hậu quả to lớn : Estonia là một thành viên của Liên Minh NATO. Một cuộc lấn chiếm như vậy sẽ là thử thách cho quyết tâm của NATO cho Điều 5 của Hiệp ước Washington thành lập liên minh, một điều khoản xác nhận nguyên tắc một vì tất cả, tất cả vì một, sẽ đòi hỏi tất cả 29 thành viên của NATO, kể cả Hoa Kỳ, đến để bảo vệ một quốc gia thành viên bị tấn công.
Điều 5 của hiến chương chỉ mới được tuyên bố có một lần, sau cuộc tấn công 11 tháng Chín vào Hoa Kỳ. Nếu nó được tuyên bố lần nữa, và lần này theo yêu cầu của Estonia, để chống lại sự xâm lăng của Nga, liệu toàn thể liên minh – quan trọng hơn hết, liệu Hoa Kỳ dưới quyền của Tổng thống Donald Trump – có đến cứu nguy cho Estonia hay không ?
Hồi đầu năm nay, tờ New York Times nói là tổng thống đã tính chuyện rút lui khỏi NATO, và tổng thống đã nhiều lần công khai đặt câu hỏi về sự hữu hiệu của liên minh. Và hôm 4 tháng Tư vừa qua, NATO kỷ niệm 70 tuổi ở Washington nhưng trong thầm lặng. Thay vì một lễ sinh nhật của những vị nguyên thủ, một sinh nhật thượng đỉnh, NATO chỉ có một lễ sinh nhật cấp ngoại trưởng. Nhìn vào sự việc đó, một lần nữa câu hỏi được nêu lên về quyết tâm của chính phủ Hoa Kỳ cho những quốc gia nhỏ bé như Estonia, và tạo lo sợ là nó sẽ làm cho ông Putin tưởng là được bật đèn xanh.
Năm 2014, khi Nga xâm lăng miền Đông Ukraine và nuốt Crimea, ông Putin đã diễn tả mình như là người bảo vệ cho thiểu số người Ukraine nói tiếng Nga. Ông Putin đã từng tuyên bố về giai đoạn hậu Liên Xô sụp đổ : "Nhiều triệu người Nga đã đi ngủ thuộc một quốc gia và tỉnh giấc ở ngoại quốc. Qua đêm, họ trở thành dân thiểu số trong những nước cựu cộng hòa Xô Viết".
Truyền thông và hệ thống tuyên truyền của Điện Kremli nói là tân chính phủ thân Tây phương ở Kiev là một mối đe dọa tức thời cho dân số nói tiếng Nga ở đông Ukraine. Sau cuộc xâm lăng, Crimea tổ chức một cái gọi là một cuộc trưng cầu dân ý mà theo đó được nói 95% dân chúng bỏ phiếu để trở thành một phần của Nga. Trên toàn vùng Đông Ukrane, những tay súng đòi ly khai được sự hỗ trợ của Nga đang tạo thiệt hại lớn và đe dọa chủ quyền của Ukraine.
Những viên chức quốc phòng Estonia ở thủ đô Tallinn đã gạt sang một bên ý kiến là Narva có thể trở thành Crimea. Estonia, họ nhắc nhở, là một thành viên của cả Liên Minh NATO lẫn Liên Hiệp Âu Châu. Estonia cũng không có những vấn đề tham nhũng ăn sâu vào chế độ như ở Ukraine, và tuy lợi tức trung bình của Narva là thấp nhất ở Estonia, nó vẫn còn gấp đôi mức ở Ivangorod, thành phố biên giới phía Nga ở bên kia sông.
Nhưng tuy các viên chức chính phủ Estonia bác bỏ quan ngại về tương lai của Narva, họ đang vội vàng tìm cách kết hợp Narva vào phần còn lại của Estonia. Nhưng một cuộc thăm dò dư luận toàn quốc thấy là gần 90% dân nói tiếng Estonia muốn tham gia NATO, chỉ có 32% những người nói tiếng Nga ủng hộ Estonia là một phần của liên minh.
Chính phủ Estonia hẳn đã thầm cầu nguyện để cho ông Putin đừng vin cớ bảo vệ cho những người nói tiếng Nga ở Narva để xâm lăng, như ông đã làm ở Crimea. Trong suốt một tháng hồi năm ngoái, Tổng thống Kersti Kaljulaid, đã có một bước chưa từng thấy, dời văn phòng của bà từ Tallinn về Narva. Để chống lại ảnh hưởng của truyền thông tiếng Nga, Estonia cũng đổ tiền vào tài trợ phát triển và sử dụng văn hóa và nghệ thuật để cải thiện cuộc sống ở Narva.
Các viên chức Estonia bày tỏ tin tưởng là nếu Nga quyết định xâm lăng, các đồng minh NATO, và đặc biệt Hoa Kỳ sẽ đến bảo vệ cho họ. Họ dẫn điều khoản phòng vệ hỗ tương của Hiệp Ước Washington, và thêm là Estonia không những gửi binh sĩ sang Afghanistan, những còn là một trong số rất ít các quốc gia trong liên minh chi ra 2% lợi tức quốc gia cho quốc phòng, một trong những điều ám ảnh Tổng thống Trump.
Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Estonia chỉ ra là Tổng thống Kaljulaid đã viếng thăm Washington hồi năm ngoái cho một cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Trump, và Estonia có liên lạc thường xuyên với Ngũ Giác Đài, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Phó tổng thống và Quốc hội.
Nhưng ông Kalev Stoicescu, vốn đã là đại sứ Estonia ở Washington từ năm 1997 đến 2000, không tin. Ông bảo với một nhà báo của tạp chí The Atlantic là ông Trump "làm mọi người ở Estonia lo sợ". Ông Trump đã bảo NATO là "lỗi thời" khi tranh cử và đã được nói "nổi cơn tam bành" trong Hội Nghị Thượng Đỉnh NATO hồi tháng Bảy năm ngoái. Chưa hết, ở Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Trump có vẻ đã bảo với các lãnh tụ thế giới là Crimea phải là một phần của Nga vì hầu hết dân chúng ở đó nói tiếng Nga.
Quốc hội Hoa Kỳ đã cố tìm cách giới hạn thiệt hại mà tổng thống đã gây nên cho liên minh, kể cả việc thông qua một nghị quyết lưỡng đảng xác nhận quyết tâm của Hoa Kỳ cho NATO. Để mừng sinh nhật 70 tuổi, Lưỡng viện Quốc hội đã mời ông tổng thư ký Liên Minh NATO đến đọc diễn văn trong một cử chỉ biểu tượng nữa khẳng định sự ủng hộ của Quốc hội. Các vị dân cử có thể tìm cách chặn tổng thống đơn phương rút khỏi liên minh. Hồi tháng Giêng, Hạ Viện đã bỏ phiếu 357 chống 32 để ủng hộ cho một nghị quyết như vậy. Thượng Viện tuy vậy chưa làm gì cả.
Nhưng sau cùng, dầu tổng thống có chính thức rút lui khỏi liên minh hay không, sự nghi ngờ của ông cho NATO cũng có hậu quả tức thời cho biên giới và cuộc sống ở những nơi như Narva. Lời nói và tweet của tổng thống có thể có những thiệt hại nghiêm trọng cho liên minh. Sự không rõ về quyết tâm của tổng thống cho NATO khiến tính toán sai về quân sự dễ xảy ra.
Nếu ông Putin thẩm định là dưới trào Tổng thống Trump, Hoa Kỳ sẽ không duy trì những hứa hẹn hiệp ước cho các đồng minh ở Âu Châu, NATO – và với nó, lời hứa của Hoa Kỳ – sẽ trở thành một lâu đài trên cát, và Narva có thể sẽ là nạn nhân đầu tiên.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 06/04/2019
Từng quốc gia một, các cơ quan thanh tra của thế giới – đau đớn nhất là Trung Quốc cầm đầu, nhanh chóng Liên Hiệp Âu Châu (EU) theo sau – cấm bay cho loại phi cơ 737 Max 8 của Boeing theo sau hai vụ rớt phi cơ tai hại.
Một chiếc máy bay Boeing 737 Max 8 thử nghiệm động cơ bên ngoài nhà máy của công ty Boeing vào ngày 11 tháng Ba, 2019, tại Renton, Washington. Cổ phiếu của Boeing đã giảm sau khi một chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines rớt hôm Chủ Nhật, 10 tháng Ba, khiến 157 người thiệt mạng là vụ tai nạn chết người thứ hai trong sáu tháng liên quan đến Boeing 737 Max 8. (Hình : Stephen Brashear/Getty Images)
Trước áp lực của Tổng Thống Donald Trump, cơ quan Quản Trị Hàng Không Hoa Kỳ FAA từ chối không chịu theo. Khi Canada, quốc gia quan trọng cuối cùng, đi theo, sự cô lập của Hoa Kỳ đã trở thành hoàn toàn. Lập trường của Tổng Thống Trump đã cho thấy một thí dụ độc đáo khi thế giới bác bỏ sự lãnh đạo của Hoa Kỳ về an toàn không hành. Sự thay đổi thái độ của ông là một giây phút đáng ghi nhớ về thực tại của một thế giới đang nhanh chóng thay đổi.
Không cần một hộp đen để có thể khám phá ra tại sao. Yếu tố lớn nhất cho sự suy giảm niềm tin toàn cầu là vì uy tín của các định chế của Hoa Kỳ. Ngân sách mà tổng thống đưa ra tuần này đã cắt giảm thêm nữa cho FAA mặc dầu sự việc là hệ thống kiểm soát không lưu của họ vẫn còn nhiều năm thua nhiều đối thủ của Hoa Kỳ.
Hơn nữa, FAA không có người cầm đầu. Tổng Thống Trump đã chỉ định phi công riêng của ông, ông John Dunkin – người phi công bay các phi cơ riêng của ông Trump, chứ không phải sĩ quan không quân cao cấp bay Air Force One – để cầm đầu cơ quan.
Khi Thượng Viện đã đồng lòng bật cười nói là ông này không có khả năng để cầm đầu một cơ quan với ngân sách lên đến $18 tỷ, cũng như chịu trách nhiệm cho an toàn không lưu trên toàn Hoa Kỳ, một trách nhiệm có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạnh nhân dân, tổng thống nổi nóng và từ đó không thấy đề cử ai khác. Thế là từ đó đến nay, FAA đã bay mà không có phi công trong hơn một năm nay rồi. Do đó cũng chả có gì lạ khi những partner của Hoa Kỳ mất niềm tin vào chiều hướng hoạt động của một trong những định chế đã từng được kính nể nhất thế giới.
Điều tương tự cũng có thể nói về ngoại giao của Hoa Kỳ. Hơn nửa nhiệm kỳ của Tổng Thống Trump rồi, nhưng một trong bảy chức vụ đại sứ Hoa Kỳ vẫn còn chưa được chỉ định, kể cả Nam Hàn, Saudi Arabia và Pakistan. Điều tương tự cũng có thể nói cho những chức vụ vẫn còn không có người trong các ban ngành quan trọng trong nước.
Mức độ suy sụp tinh thần đi đến nỗi mà ông William Burns, một cựu thứ trưởng ngoại giao, nói đến "một cuộc tài giảm vũ khí ngoại giao đơn phương" của Hoa Kỳ. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đang ngày càng thiếu tài nguyên – và niềm tin – để làm công việc kiên nhẫn thuyết phục các quốc gia khác đi theo với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Trong ngân sách đưa ra tuần rồi, tổng thống đề nghị cắt giảm 23% ngân sách vốn đã quá nhỏ nhoi của Bộ Ngoại Giao. Chả trách mà trong những cố gắng ngoại giao gần đây Hoa Kỳ đã thất bại. Hoa Kỳ đã không thuyết phục được một đồng minh nào để tham gia cùng với mình khi rút lui khỏi thỏa Thuận Hạt Nhân Iran, rút khỏi Hiệp Định Về Biến Đổi Khí Hậu Paris, hay yêu cầu những quốc gia khác giúp thay thế Hoa Kỳ ở Syria nơi mà sự rút lui sẽ có hậu quả khôn lường.
Số phận của tập đoàn Hoa Vi (Huawei), tập đoàn Telecom đầy vấn đề, là một trường hợp đang cần sớm giải quyết. Tổng thống đã yêu cầu các đồng minh theo gương Hoa Kỳ cấm Hoa Vi tham gia vào việc xây dựng hệ thống điện thoại di động 5G.
Cách đây vài năm chỉ cần những nghi ngờ có thể tin cậy được về sự thiếu vắng những bức tường giữa Hoa Vi và guồng máy an ninh tình báo của Bắc Kinh là đủ thuyết phục các đồng minh đồng ý ngay. Nhưng nay, nhiều quốc gia, kể cả Anh Quốc và Đức, đã bác bỏ những "chỉ thị" của tổng thống. Ông cũng chẳng giúp cho chính mình khi ông ngầm ý nói là ông sẽ rút yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ cho bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc điều hành của Hoa Vi, để đổi lại cho những nhượng bộ mậu dịch của Trung Quốc.
Qua hành động này, tổng thống có vẻ đã đưa ra chỉ dấu là tòa án Hoa Kỳ không còn độc lập khỏi những đồng bóng chính trị của tổng thống nữa. Đó là loại đề nghị mà trước kia người ta chỉ chờ đợi ở những người như một nhà lãnh đạo của Trung Quốc.
Nhưng có lẽ điều đáng chú ý nhất của vụ tranh cãi quanh Boeing 737 là thực tế của nền kinh tế toàn cầu, theo tờ Financial Times. Khi Trung Quốc và Liên Hiệp Âu Châu đồng ý với cùng một tiêu chuẩn thanh tra, Hoa Kỳ không có bao nhiêu lựa chọn ngoài việc đi theo. Cùng nhau, Trung Quốc và EU chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ chỉ chiếm có 1%. Đáng lẽ phải là ngược lại.
Theo Thỏa Thuận Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà chính phủ tiền nhiệm của tổng thống đã điều đình, Hoa Kỳ và các đồng minh dự định thành lập một tiêu chuẩn toàn cầu mà Trung Quốc phải theo. Thỏa thuận tương tự xuyên Đại Tây Dương nay đã bị bỏ rơi cũng có tham vọng tương tự.
Hành động đầu tiên của tổng thống khi nhậm chức là rút lui khỏi TPP. Thỏa thuận TPP bao gồm những loại luật lệ mà tổng thống nay đang đơn phương tìm cách thuyết phục Trung Quốc tuân thủ với ngay cả một cuộc chiến mậu dịch nhưng vẫn chưa thành công.
Cân bằng quyền lực mà nói, Hoa Kỳ vẫn còn là cường quốc số một của thế giới. Nhưng nó chỉ có hiệu lực trọn vẹn khi quyền lực đi đôi với lẽ phải. Sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong việc chấp thuận dược phẩm, kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường và nhiều thứ khác nữa đang thụt lùi sau những quốc gia khác. Mặc dầu Hoa Kỳ có những công ty hàng đầu về kỹ thuật, Âu Châu nay đang đưa ra những tiêu chuẩn về quyền riêng tư trên Internet, một chuyện mà cách đây chỉ vài năm không ai nghĩ có thể xảy ra.
Điều còn đáng buồn hơn nữa là tổng thống đã làm hại ngay cả uy tín của cơ quan FAA. Trong nhiều ngày sau vụ ở Ethiopia, ông quyền giám đốc FAA đã cố chống cự lại mọi áp lực và tiếp tục khẳng định niềm tin vào Boeing.
Dân Biểu Peter A. DeFazio của tiểu bang Oregon kể lại với tờ New York Times là khi ông bước ra khỏi cuộc điều trần sáng hôm thứ Tư, 13 tháng Ba, để nói chuyện với ông Daniel K. Elwell, quyền giám đốc FAA về Boeing 737, ông Elwell trấn an ông là không có gì để lo lắng cả. Chỉ vài giờ sau, tổng thống thông báo là phi cơ bị cấm bay.
Cả ông dân biểu lẫn một phi công của American Airlines, đại diện cho các phi công của hãng ở cơ quan An Toàn Giao Thông NTSB, đặt câu hỏi vậy quyết định cấm bay là của FAA hay là của tổng thống. Điều họ còn thắc mắc hơn nữa là tổng thống làm sao có khả năng chuyên môn của FAA để thẩm định về việc cấm bay.
Liệu tổng thống có thấy được những điều đáng lo cho kinh nghiệm tuần này của cơ quan FAA chăng ? Có lẽ không. Hằng ngày ông loan báo về sự khinh thường của ông đối với các chuyên gia. Mới tuần này chẳng hạn ông tweet là ấm nóng toàn cầu là "tin dỏm" và kỹ thuật hàng không hiện đại đã bị đánh giá quá cao. Ông tweet "Tôi không muốn Albert Einstein làm phi công cho tôi". Nghe ra có vẻ như ông cảm thấy là bản thân ông cũng có đủ khả năng để tự lái phi cơ cho mình.
Là tổng thống Hoa Kỳ, vẫn còn là cường quốc duy nhất của địa cầu, đó là đặc quyền của ông. Nhưng ông không nên ngạc nhiên khi những quốc gia khác từ chối không cho ông vào không phận của họ.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 16/03/2019