Vladivostok, Nga, 16 tháng Bảy, 2021 : Tái đắc cử, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Nga hôm nay cho một cuộc họp đầu tiên của khối G3 với Tổng thống Vladimir Putin của Nga và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc để phân chia khu vực ảnh hưởng ở Âu Châu và Á Châu.
Trong khi đó, NATO lay lắc, chỉ còn cái bóng của thời oanh liệt cũ, với Hoa Kỳ chỉ còn là một thành viên trên danh nghĩa vì Quốc hội không cho ông Trump rút ra khỏi khối. Nhật Bản mới loan báo chương trình vũ khí hạt nhân sau khi Hoa Kỳ rút khỏi bán đảo Triều Tiên sau một hòa ước chấm dứt Chiến tranh Cao Ly, mặc dầu Bắc Hàn vẫn duy trì khả năng vũ khí hạt nhân. Phần còn lại của Á Châu vội vàng tìm cách để chiều lòng Trung Quốc, bá quyền mới trong vùng.
Mọi sự khởi đầu với một loạt hội nghị thượng đỉnh vào tháng Sáu và tháng Bảy, 2018, và hội nghị G7, hội nghị NATO, và cuộc gặp gỡ của ông Trump với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un cùng lãnh tụ Nga, Putin, đã bắt đầu sự tan rã của ổn định toàn cầu và vị thế của Hoa Kỳ trên trường thế giới.
Một câu chuyện khoa học giả tưởng kiểu 1984 chăng ? Đó là điều chúng ta hy vọng nhưng nó cũng có triển vọng thành sự thật.
Chính sách ngoại giao thường chuyển biến chậm chạp với hậu quả phải nhiều năm hay nhiều thập niên mới thấy rõ. Khi Anh Quốc theo đuổi chính sách “appeasement - nhượng bộ” hồi thập niên 1930 cho phép Hitler bành trướng lãnh thổ không có một sự cản trở nào, chủ xướng bởi Thủ tướng Neville Chamberlain, nó nay bị coi là một trong những lý do tạo nên Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng cũng đừng quên là chính sách này lúc đó được rất nhiều hưởng ứng từ dân chúng, và có vẻ là thực tế.
Chính sách bành trướng của Hitler đã khá rõ vào năm 1936 khi lực lượng Đức Quốc Xã chiếm Rhineland. Hai năm sau, vào tháng Ba, 1938, Hitler chiếm và sát nhập Áo. Ở hội nghị Munich vào tháng Chín năm đó, ông Chamberlain có vẻ đã tránh được chiến tranh bằng cách đồng ý cho Đức chiếm đóng Sudetenland, khu vực nói tiếng Nga của Tiệp Khắc. Thỏa thuận này rồi được gọi là Thỏa Thuận Munich. Về Anh, Hiệp Ước Munich được chào đón ăn mừng. Ông Chamberlain tuyên bố mang lại “Hòa bình cho thời đại chúng ta.” Nhưng Hitler không ngừng ở đó, tháng Ba, 1939, Đức chiếm nốt phần còn lại của Tiệp Khắc. Sáu tháng sau, Đức xâm lăng Ba Lan và sau cùng Anh phải lâm chiến.
Phải mất hơn ba năm sau thì hậu quả của chính sách nhượng bộ của ông Chamberlain mới thấy rõ.
Chỉ nội trong tháng vừa qua, Tổng thống Donald Trump nhiều lần làm suy yếu các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ và làm thân với những nhà độc tài mà chủ đích là tấn công vào các quyền lợi của Hoa Kỳ. Nếu cái đà này tiếp tục, có thể chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của sự phá hoại hệ thống địa lý chính trị được dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến và hoàn chỉnh sau trong Chiến Tranh Lạnh, và một tương lai bất ổn và đen tối.
Biến cố thực sự dồn dập. Sau khi bắt đầu một cuộc chiến mậu dịch với các đồng minh dân chủ thân thiết nhất của Hoa Kỳ, Tổng thống Trump là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên từ chối ký vào một thông cáo chung của khối G-7 ở hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Sáu ở Canada. Sau đó ông gọi Thủ tướng Justin Trudeau của Canada là “bất lương và hèn yếu.” Canada và Âu Châu đã trả đũa với những thuế quan của chính mình, Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp nói là các nền dân chủ G7 phải duy trì nguyên tắc dân chủ dầu cho có Hoa Kỳ hay không, và ngoại trưởng Đức kêu gọi một chiến thuật của Âu Châu để chống lại các chính sách của tổng thống Mỹ.
Đi thẳng từ sự đổ vỡ ở G7, Tổng thống Trump bay đến Singapore trong cuộc họp đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ và một lãnh tụ của Bắc Hàn với không có một sự nhượng bộ nào từ phía Bắc Hàn. Trong cuộc gặp gỡ riêng giữa hai người, ông Trump đơn phương đồng ý đình chỉ các cuộc tập trận hỗn hợp Hoa Kỳ-Nam Hàn – vốn đã là đòi hỏi lâu nay của Bắc Hàn và Trung Quốc – mà không hỏi ý kiến đồng minh Nam Hàn, và không được một cái gì trao đổi cả. Việc này xảy ra sau khi có tin là tổng thống đang tìm cách rút quân ra khỏi Nam Hàn. Trong khi tổng thống không đòi được một thành quả gì ngoài những tấm hình với một trong những nhà độc tài tàn bạo nhất thế giới, tổng thống đã có vẻ thán phục ông Kim Jong-un, nhận xét một cách hơi ghen tức “Khi ông ta nói nhân dân của ông ta ngồi thẳng lên chú ý… Tôi muốn dân của tôi cũng làm như vậy”.
Tuần rồi, tổng thống tiếp tục từ bỏ vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ với NATO, nói “NATO có ích lợi gì đâu…” và được nói đã đe dọa rút Hoa Kỳ ra khỏi NATO nếu các quốc gia khác không chi thêm tiền. Trên đài Fox, tổng thống đã bác bỏ điều quan trọng nhất của NATO, điều 5 của hiến chương vốn khẳng định tấn công một quốc gia thành viên là tất công toàn thể liên minh.
Khi một phát thanh viên của Fox News hỏi liệu Hoa Kỳ có đem quân đi bảo vệ Montenegro, hội viên mới nhất của NATO hay không, ông bảo không. NATO có thể còn tồn tại nhưng điều quan trọng nhất của liên minh, sự hiểu ngầm là liên minh sẽ chống trả nếu một đồng minh bị tấn công, đã bị bác bỏ. Tổng thống Putin không dám tiến lên chiếm lại ba quốc gia vùng Baltic mà ông vẫn coi là của Nga, cũng như ông coi Ukraine và bán đảo Crimea là của Nga, chỉ vì ông ngại điều 5 của NATO.
Trên con đường báo tố đó tổng thống tới Anh nơi ông đã gặp một những cuộc biểu tình phản đối mạnh mẽ. Đúng như lối hành xử của ông, trước khi gặp Thủ tướng Theresa May, ông cho thâu một cuộc phỏng vấn với báo The Sun, chỉ trích người chủ nhà đang đón tiếp ông về chính sách Brexit trong khi bà đang gặp khó khăn trong nội bộ đảng Bảo Thủ. Ông cũng lập lại luận điệu kỳ thị sắc tộc nói là di dân dã “thay đổi văn hóa, tôi nghĩ đó là một điều rất tiêu cực cho Âu Châu”. Thủ tướng May, bực mình, đã công khai trả lời “Chúng tôi có một lịch sử đáng tự hào chào đón những người muốn đến đất nước chúng tôi”. Một nhà bình luận Anh hỏi “Không hiểu tổ tiên của tổng thống là gì nếu không phải là di dân. Hay chỉ tại vì tổng thống là di dân da trắng nên chuyện đó là tốt”. Vào lúc này, liên hệ Anh Mỹ chả còn có gì là đặc biệt nữa.
Rồi tổng thống gặp ông Vladimir Putin. Trong một cuộc họp báo mà đến cả những nhà báo lão luyện, phóng viên Tòa Bạch Ốc của các cơ quan truyền thông, đã phải sửng sốt nhìn nhau, tổng thống nói ông tin vào ông Putin hơn là vào các cơ quan tình báo Hoa Kỳ. Trước đó, ông đã đòi cho phép Nga trở lại tham gia vào khối G7 và ông đã từng đồng ý với ông Putin là Crimea là của Nga. Chưa kể là trước khi gặp ông Putin, ông đã bảo liên hệ xấu giữa Hoa Kỳ và Nga là lỗi của các chính phủ Hoa Kỳ tiền nhiệm và cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller mà ông gọi là một cuộc “săn phù thủy gian lận”.
Và tất cả chỉ trong hơn một tháng.
Từ Âu Châu sang Á Châu, tổng thống đã phá hủy những liên minh với các quốc gia dân chủ, trong khi làm bạn với các nhà độc tài. Ông gửi ra những chỉ dấu cho các đồng minh của Hoa Kỳ là họ không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ được nữa, và rằng Hoa Kỳ sẽ không cản trở nếu Trung Quốc hay Nga chiếm những gì họ muốn. Tổng thống đã khẳng định một cách rõ ràng ông nghĩ gì khi ông gọi Liên Hiệp Âu Châu là “kẻ thù” – dầu cho sau đó ông thêm kẻ thù kinh tế – trong khi ông Putin là “một kẻ cạnh tranh tốt”.
Cố Thủ tướng Chamberlain theo đuổi chính sách dung nhượng (appeasement) với Hitler vì ông nghĩ Hitler cũng là một người tử tế như mình và vì dân chúng Anh đã quá chán chiến tranh. Tổng thống Trump theo đuổi chính sách làm thân với những kẻ độc tài vì ông thán phục những lãnh tụ mạnh và chê các lãnh tụ dân chủ là “yếu ớt”.
Nhưng dầu cho vì lý do nào chăng nữa, con đường đi đến tương lai rồi đây chắc chắn sẽ bạo động hơn, đen tối hơn, và sẽ là do sự điều khiển của khối G3 trong đó Hoa Kỳ có lẽ là cường quốc yếu nhất.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 22/07/2018
(theo The Guardian)
Cách đây hơn 70 năm, một đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, qua những hành động ngoại giao khéo léo đã hướng dẫn một Liên Hiệp Quốc non trẻ đến một hành động quả cảm, chấp nhận một Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, khiến lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhân quyền là nguyên tắc căn bản cho việc điều hành chính trị thế giới.
Cho đến nay, chưa có một đệ nhất phu nhân nào vượt qua được danh tiếng và hình ảnh của Đệ nhất Eleanor Roosevelt, phu nhân của Tổng thống Franklin Roosevelt. Ảnh Soha
Ngày nay hẳn không ai còn nhớ nhưng vào tháng Hai, 1946, đối diện với sự vi phạm trắng trợn nhân quyền của con người trong Đệ Nhị Thế Chiến, Liên Hiệp Quốc thành lập một Ủy Hội Nhân Quyền.
Tổng thống Harry S. Truman cử cựu Đệ Nhất Phu Nhân Eleanor Roosevelt làm đại diện cho Hoa Kỳ. Bà mang lại cho ủy hội một quyết tâm vững chãi cho nhân phẩm con người và lòng trắc ẩn, kinh nghiệm lâu năm trong chính trị và vận động, và sự quan tâm mới của bà cho những người tị nạn sau thế chiến. Bà được bầu làm chủ tịch hội đồng.
Bà thúc đẩy việc soạn thảo Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền, đích thân viết một phần, và giúp làm sao cho ngôn ngữ trực tiếp, rõ ràng, và tập trung vào nhân phẩm con người. Bà cũng tốn nhiều thời giờ vận động các lãnh tụ Hoa Kỳ và quốc tế, lập luận chống lại những đối thủ và tìm cách thúc đẩy sự hăng say từ những người bạn.
Nhờ cố gắng vượt bực của bà, vào ngày 10 tháng Mười Hai, 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đồng chấp thuận một nghị quyết ủng hộ Bản Tuyên Ngôn Phổ Cập về Nhân Quyền. Trong bài diễn văn trước Đại Hội Đồng, bà nói :
"Chúng ta đang đứng ở đây ở ngưỡng cửa của một biến cố to lớn trong cuộc đời của Liên Hiệp Quốc và trong cuộc đời của toàn nhân loại. Bản tuyên ngôn này có thể trở thành bản Magna Carta quốc tế (vốn được coi là hiến pháp đầu tiên trong đó quyền của quân vương nằm dưới quyền của người dân) cho mọi con người ở mọi nơi. Chúng tôi hy vọng tuyên bố của Đại Hội Đồng sẽ là một biến cố có thể so sánh với bản tuyên ngôn năm 1789 (bản tuyên ngôn về Quyền Công Dân của Pháp), việc thông qua Tu Chính Án Thứ Nhất tức là các luật lệ về quyền của nhân dân Hoa Kỳ, và sự công nhận của những tuyên ngôn ở các thời đại khác nhau ở các quốc gia khác nhau".
Và trong cuộc tranh đấu để dành nhân quyền, nhiều triệu người đã dành được tự do nhiều hơn, có trường học tốt hơn, có hệ thống y tế đáng tin cậy hơn, và có nhiều cơ hội để một người có thể trở thành bất cứ gì mình mơ ước.
Ấy vậy mà hôm nay, cao ủy trưởng nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra’ad al Hussein than thở mới hôm tháng rồi :
"Nhân quyền đang bị trấn áp trên toàn thế giới – không còn là một ưu tiên : nó trở thành một đứa con ghẻ bị bỏ rơi. Chính nghĩa của các nguyên tắc nhân quyền đang bị tấn công. Việc thi hành những tiêu chuẩn nhân quyền nay đang lùi bước".
Các chính phủ từ Miến Điện đến Syria, từ Hungary đến Ai Cập, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Philippines qua Việt Nam, đang chà đạp lên những quyền đã khó khăn mới đạt được và như ông Kenneth Roth, tổng quản trị của Human Rights Watch nhận xét : "Các cường quốc Tây phương đã không làm nổi việc bênh vực cho nhân quyền".
Và với các nhà cầm quyền theo chủ thuyết dân túy, những nhà cai trị độc tài tăng cường kiểm soát quyền lực bằng cách làm yếu đi chế độ pháp trị vốn là nền tảng mà không có nó thì nhân quyền khó tồn tại, họ sẽ chiến thắng trừ phi những người tôn trọng nhân quyền phải bênh vực giá trị của mình hăng say hơn nữa.
Mà thực vậy, trong một số trường hợp chính các nhà cầm quyền ngay cả ở các quốc gia dân chủ đang bất kể những tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã lên án cả chính phủ Hoa Kỳ lẫn chính phủ các quốc gia Âu Châu cho cách họ quay lưng lại hay bỏ tù người tị nạn và di dân kinh tế.
Đã có thời, những quan ngại nhân quyền có thể dẫn đến can thiệp quân sự : Liên minh NATO đã can thiệp ở Kosovo năm 1998 để đe dọa một đợt thanh trừng sắc tộc bởi chính phủ Serbia. Và họ có thể tạo công lý : đó là năm mà Tòa Hình Sự Quốc Tế được thành lập để cáo buộc và trừng phạt những tội đối với nhân loại mà thế giới không kịp cản trở.
Hai mươi năm sau, hình ảnh khác hẳn. Quân đội Miến Điện trục xuất 700.000 người Rohingya ra khỏi quê hương của họ năm ngoái, nhưng không có đến một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An lên án sự tàn nhẫn này và không có một vụ khởi tố nào từ Tòa Hình Sự Quốc Tế, chứ đừng nói đến hành động bảo vệ cho thiểu số dân theo Hồi giáo. Trung Quốc đã chặn mọi sáng kiến ngoại giao.
Cũng vậy, những hành vi tàn nhẫn của chính phủ Syria trong cuộc nội chiến dã man đã hoàn toàn không bị trừng phạt và không bị Liên Hiệp Quốc lên án, vì Nga bảo vệ Tổng thống Bashar al-Assad khỏi chỉ trích và khởi tố.
Và sự tấn công bất kể của lực lượng do Saudi Arabia cầm đầu chống lại phe nổi dậy ở Yemen đã giết biết bao nhiêu thường dân vô tộc, cũng chẳng thấy được nhắc nhở đến, bởi vì Saudi Arabia là đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Ở Philippines, ở Việt Nam, ở Jerusalem, nhà cầm quyền đã hành động bất chấp những tiêu chuẩn căn bản về nhân quyền và sinh mạng của những người dân đã bị vi phạm mà không ai thèm hỏi han.
Sự thiếu hành động của các chính phủ đã đi song song với sự chai cứng trong phản ứng của người dân. Một cuộc thăm dò mới đây 11.000 người ở 12 quốc gia của một tổ chức phi chính phủ cho thấy 61% nói họ quá tải khủng hoảng, và chỉ có 36% nghĩ là bảo vệ trẻ em và 24% nghĩ là bảo vệ phụ nữ là một ưu tiên cấp bách về nhân quyền.
Vì những quyền lợi chiến lược, Hoa Kỳ đã có lúc bảo vệ những nhà độc tài vì họ là đồng minh trong một cuộc chiến khác. Nhưng ít nhất trên nguyên tắc, chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ vai trò là kẻ tranh đấu và bênh vực cho nhân quyền. Chả thế mà hằng năm Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có một bản phúc trình về nhân quyền trên thế giới.
Nhưng Tổng thống Donald Trump, vốn hôm tuần rồi rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, có vẻ ít để ý đến nhân quyền nhất. Cho đến nay, ông vẫn chưa bổ nhiệm một phụ tá ngoại trưởng phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động. Trong lời nói, trong những tweet, ông thường dành những chỉ trích tệ hại nhất cho những lãnh tụ dân chủ Tây phương trong khi ca ngợi những nhà độc tài.
Sau khi họp thượng đỉnh với ông Kim Jong-un của Bắc Hàn, ông đã gạt sang một bên thành tích nhân quyền tệ hại của Bắc Hàn bảo nó "thô bạo" nhưng không tệ hơn nhiều nước khác. Gặp gỡ hôm tháng Mười Một với Tổng thống Rodrigo Duterte, người mà cuộc chiến chống ma túy đã khiến nhiều ngàn người bị giết không xét xử, tổng thống nói đến "một liên hệ vĩ đại" với ông Duterte và không hề nhắc đến vấn đề nhân quyền.
Ở trong nước, chính sách di dân của tổng thống đi ngược lại với luật lệ quốc tế ở nhiều điểm, đặc biệt là tuyên ngôn của ông là "Hoa Kỳ sẽ không là một nơi chứa người tị nạn", mặc dầu Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý, theo Phụ Đính năm 1967 của Công Ước Về Dân Tị Nạn năm 1951, cho nương thân những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp.
Cường quốc số một của thế giới, Hoa Kỳ, như vậy "đã tự vắng mặt" bởi vì còn quá bận tâm đến những nghị trình mị dân, bởi vì đã bị mất uy tín và quyền lợi trong việc thúc đẩy nhân quyền trên phần còn lại của thế giới.
Nhưng như ông Roth của Human Rights Watch khẳng định : "Chúng ta phải nhắc nhở mọi người là khi để cho chính quyền chọn ai có quyền hôm nay, nó có thể là một nhóm thiểu số là nạn nhân, nhưng ngày mai nó có thể là bạn".
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 23/06/2018
Đó là kết luận của hai chuyên gia về Internet khi bàn về cuộc điều trần ở Quốc hội của Tổng giám đốc Mark Zuckerberg của Facebook.
Kẻ gian có thể đột nhập và chiếm đoạt một số lượng khổng lồ dữ kiện của những người sử dụng nếu không được bảo vệ
Hai chuyên gia đó là bà Renee DiResta, người đứng đầu về chính sách của tổ chức Data for Democracy và ông Jonathon Morgan, tổng giám đốc của New Knowledge, một công ty kỹ thuật mà nhiệm vụ là bảo vệ các nhãn hiệu chống lại những thông tin sai lầm ; ông cũng là sáng lập viên của tổ chức Data for Democracy.
Cuộc điều trần của ông Mark Zuckerberg ở lưỡng viện Quốc hội là cao điểm của một vụ scandal vốn bao trùm công ty kể từ khi một cựu viên chức của Cambridge Analytica, một công ty tư vấn chính trị, tiết lộ là qua Facebook, công ty này đã đột nhập và chiếm đoạt được một số lượng khổng lồ trong số các người sử dụng Facebook và từ đó sử dụng những dữ liệu này để giúp ảnh hưởng cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ và cuộc trưng cầu dân ý Brexit ở Anh.
Nhưng theo hai chuyên gia của Data for Democracy, đây mới là bước khởi đầu chứ không phải là kết thúc. Trước những tiết lộ về việc lạm dụng các diễn đàn của họ, và bị đe dọa những luật lệ kiểm soát không những ở Âu Châu mà còn ngay tại Hoa Kỳ nữa, Facebook và các công ty truyền thông xã hội khác đang cố gắng chống lại những điểm yếu trong chính sách cũng như sản phẩm của họ.
Facebook, theo ông Zuckerberg giải thích trong cuộc điều trần, đang có những thay đổi về cách người ta có thể lấy dữ liệu qua API, một digital interface (một tiếp diện digital) qua đó những người thứ ba có thể giao tiếp và lấy dữ liệu từ diễn đàn : xác nhận ID của những người mua quảng cáo và xác nhận chủ nhân của những trang với nhiều độc giả. Nhưng mặc cho có những thay đổi này, không có điều gì mà một diễn đàn có thể làm để giải quyết nạn tin sai, quá khích hóa qua Internet, những lý thuyết âm mưu hay tin dỏm. Chiến tranh tin học nay là thực tế mới mà chúng ta phải đối diện.
Ông Zuckerberg đã than thở, "Không thể hoàn toàn giải quyết vấn đề an ninh. Nó là một cuộc chạy đua vũ trang. Tôi tin tưởng là chúng tôi đã có tiến bộ đối với các đối thủ đó, nhưng họ rất lão luyện".
An ninh mạng quả là một cuộc chạy đua vũ trang, nhưng là một cuộc đua mà các công ty truyền thông xã hội có vẻ đang thua. Cuộc điều tra phát xuất từ việc Nga thao túng cuộc bầu cử năm 2016 không phải là lần đầu tiên mà Facebook và những diễn đàn truyền thông xã hội đã không thấy những chỉ dấu quan trọng, hay đã phải cố gắng có những thay đổi phản ứng trễ trước sự nổi giận của quần chúng.
Hết lần này sang lần khác, những diễn đàn này đã bị sử dụng để thao túng cuộc đối thoại trong cộng đồng - từ ISIS tràn ngập Internet với tuyên truyền cho khủng bố đến những nhóm chơi game online sách nhiễu các nhà báo. Những diễn đàn laissez-faire dễ dãi này không có đủ khả năng đến đối phó với những hành vi thao túng ở một mức độ có hệ thống. Công chúng nói chung chú ý đến tin tức về một tài tử chẳng hạn trong một giây lát, nhưng chu kỳ tin tức nay di chuyển rất nhanh. Tuy tường thuật về một cuộc chạm súng được loan tải rồi quên đi, cuộc chiến này nay là thực tế của cuộc sống hiện đại. Và mọi sự bắt đầu từ cách chúng ta chia sẻ thông tin đã hoàn toàn thay đổi.
Khi Facebook chào đời năm 2004, chỉ có 63% người Mỹ thường xuyên sử dụng Internet, và những người đó thường nói là Internet giúp họ tiếp cận một số những lập trường chính trị đa dạng hơn. Hiện nay, năm 2018, gần 90% người Mỹ sử dụng Internet và đa số người Mỹ nhận được tin tức từ truyền thông xã hội. Ngày hôm nay, những feeds tin đã được cá nhân hóa, điều khiển bởi những toán thuật, sản xuất ra những "bong bóng lọc" vốn tăng cường thêm những thiên vị chính trị của người sử dụng thay vì đưa cho họ nhiều lập trường khác nhau. Một thế hệ học sinh và sinh viên đã thay thế gặp gỡ nhau bằng gặp gỡ online. Truyền thông digital đã trở thành cách chúng ta trao đổi và tìm hiểu thế giới, ngay cả khi chúng ta thấy có những sai lầm hệ thống trong môi trường thông tin của chúng ta.
Trong những câu trả lời, ông Zuckerberg đã nói với Quốc hội là công ty đang có những thay đổi để giải quyết "tin dỏm, can thiệp ngoại quốc vào bầu cử và những nội dung thù hận". Trong khi thật đáng kích lệ là Facebook sau cùng công nhận đe dọa nghiêm trọng mà diễn đàn của họ đang đối diện, vấn đề của hệ sinh thái thông tin của chúng ta vượt trên chính trị và chính sách.
Một bản phúc trình của một ủy ban Hạ Viện đã cho biết chi tiết về những nhà tuyên truyền Nga đã tìm cách làm mất niềm tin vào kỹ nghệ năng lượng Hoa Kỳ. Ba nhà kinh tế ở Anh mới đây tiết lộ phương cách mà truyền thông xã hội có thể làm giảm giá cổ phiếu, và những trolls trên Internet còn tìm cách thao túng và ảnh hưởng cả đến việc phê bình phim ảnh. Và như ông Zuckerberg chỉ ra, ngay cả khi Facebook có những bước để tự bảo vệ chống lại những loại tấn công như thế này "những người ở Nga mà công việc là tìm cách lợi dụng hệ thống của chúng ta và các hệ thống Internet khác. Họ sẽ ngày càng giỏi hơn và chúng ta cũng cần phải đầu tư để giỏi hơn họ nữa".
Tuần này là phiên của Facebook, nhưng những cuộc điều trần trước đã có sự hiện diện của Twitter và Google. Với mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta lên mạng, chúng ta đã nhượng cuộc sống hằng ngày của mình cho một hoàn cảnh bị chế ngự bởi một số rất nhỏ những công ty to lớn, mạnh mẽ mà lại hầu như không bị kiểm soát tí nào cả. Thông tin bịa đặt dễ dàng di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Như Thượng nghị sĩ John Kennedy của Louisiana đã nhận xét thật đích đáng, "Miền đất hứa tin học của chúng ta nay chúng ta mới khám phá, là một bãi mìn".
Muốn giải trừ mìn từ bãi mìn đó đòi hỏi sự đóng góp tích cực ở mọi cấp, giữa các ban ngành chính phủ, giữa chính phủ và truyền thông, giữa chính phủ và doanh nghiệp, và giữa chính phủ và nhân dân. Nhưng điều quan trọng nhất là một sự chấp nhận là trong trận chiến này, chính trị đảng phái, tự ái cá nhân và bè phái không có chỗ đứng. Nếu không chúng ta chưa đánh mà đã bại trong cuộc chiến tin học, bởi nó là cuộc chiến xảy ra ngay bên trong xã hội của chúng ta.
Riêng mỗi cá nhân, có lẽ có một điều chúng ta nên tự lưu ý, đó là trên đời này không có gì miễn phí hết, và khi một sự việc khó tin thì nó không thể nào có thực trừ phi chúng ta cố tình nhắm mắt làm ngơ tin theo.
Đại học Cambridge và một tổ hợp truyền thông Hòa Lan vừa mới tạo ra một trò chơi mang tên Bad News nhằm giúp tạo cho chúng ta một thứ chủng ngừa đối với tin dỏm. Trò chơi có mục đích cho chúng ta thấy kỹ thuật tạo tin dỏm và nó không khó gì cả.
Một phóng viên của tờ Financial Times đã thử và kể lại, "Chỉ vài phút sau khi bắt đầu trò chơi, tôi đã tạo một địa chỉ dỏm của Tổng thống Donald Trump và tweet về chiến tranh với Bắc Hàn và chọn một cái tên cho địa chỉ dỏm của tôi : Honest Truth Online. Tôi được một phần thưởng cho mạo danh - một trong sáu chiến thuật của trò chơi - nhưng tôi vẫn chưa có bao nhiêu người theo và mức tin tưởng vào địa chỉ của tôi thấp. Tiếp tục trò chơi, tôi được cho lựa chọn : lợi dụng sợ hãi hay tức giận ? Viết một tin dỏm hay tạo một meme ? Troll những tổ chức quốc tế hay chọn một cá nhân ? Tôi cũng được cho biết sức mạnh của việc dùng bots để bành trướng ảnh hưởng. Khi tôi mua 4,000 bots, thông điệp của tôi lan nhanh và mức khả tin tăng. Vào cuối cuộc chơi tôi có điểm cao".
Chúng ta không thể sống cuộc sống hiện đại mà không có Google, Facebook, Twitter và vô số những diễn đàn khác, nhưng nếu chúng ta không học cách chế ngự những phương tiện này thì những gì quan trọng nhất cho chúng ta, từ nền dân chủ đến công bằng xã hội sẽ tan vỡ.
Không thể để cho chiến bại trong cuộc chiến tin học bởi nếu thất bại là mất hết.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 14/04/2017
Trong bài diễn văn về tình trạng liên bang đọc hôm tối thứ Ba, 30 tháng Giêng, Tổng Thống Donald Trump đã nhận là nhờ ông mà Hoa Kỳ đã có thành tích mạnh mẽ về tạo công ăn việc, lương bổng tăng, và mức thất nghiệp thấp nhất trong nhiều năm.
Bà Janet Yellen, Chủ tịch Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ từ .
Trong khi đó, Tiến sĩ Janet Yellen, người thực sự chịu trách nhiệm cho những thành quả này, đang chuẩn bị rời bỏ chức vụ là chủ tịch của Hội đồng Dự trữ lên bang, tức là thống đốc Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ.
Hôm thứ Tư vừa qua, bà chủ trì phiên họp cuối của Ủy ban Chính sách của Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, và hôm thứ Sáu, 2 tháng Hai, là ngày cuối của bà ở Ngân hàng FED (Federal Reserve System).
Sáng thứ Hai tới, ông Jay Powell – một nhân vật Cộng Hòa, một giám đốc ngân hàng đầu tư, và đương kim thành viên của Hội Đồng Fed – sẽ tuyên thệ nhậm chức lên thay thế bà.
Trong một thế giới công bằng hơn, bà Yellen đáng lẽ phải được mời tiếp thêm nhiệm kỳ bốn năm thứ nhì, như hầu hết các người tiền nhiệm thuộc nam giới của bà. Nhưng vào cuối năm ngoái, ông Trump đã quyết định thay thế bà.
Sau khi đã trải qua 14 năm ở Fed, và là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo ngân hàng trong suốt lịch sử 105 năm, bà Yellen – một giáo sư kinh tế học nổi tiếng thông minh với bằng tiến sĩ kinh tế của Đại Học Yale – ra đi với một thành tích đáng kính nể.
Khi nhận chức vụ chủ tịch, bà nhanh chóng chứng tỏ nắm vững những phương cách khéo léo về truyền thông và chính trị cần thiết để điều hành một định chế như Fed. Trong các bài diễn văn và ở các cuộc họp báo, bà giải thích sự suy nghĩ của Fed rõ ràng và cẩn thận, tìm đủ mọi cách để không sử dụng những danh từ chuyên môn vốn được các kinh tế gia thường dùng.
Các bạn đồng nghiệp thích bà nhưng họ cũng kính nể bà, và bà cũng đã được lòng một số những nhân vật quan trọng bên Cộng Hòa ở Quốc Hội. Nhờ vậy mà những kêu gọi mới đây, từ một số nơi của đảng Cộng Hòa, đòi tổ chức một cuộc kiểm toán Ngân Hàng Fed có tính xoi mói, đã bị bác bỏ.
Bà cũng chơi được cả với ông Trump, vốn cùng là người New York.
Bà Yellen lớn lên ở Brooklyn. Hồi tháng Mười Một năm ngoái, khi ông Trump loan báo là ông sẽ chỉ định ông Powell thay vì giữ bà Yellen một nhiệm kỳ thứ nhì, ông đã tuyên bố "Bà là một người phụ nữ tuyệt vời vốn đã làm một công tác thật rất tốt".
Lời tuyên bố đặt câu hỏi tại sao ông ta không giữ bà Yellen lại. Nó được rộng rãi giả định là chính trị đảng phái đóng một vai quan trọng: Bà Yellen là một người Dân Chủ, và Tổng Thống Barack Obama chỉ định bà năm 2013. Nhưng cũng còn có một lý do có thể khác. Ông Trump có thể tin là với Tiến sĩ Yellen không còn tại chức, nó sẽ dễ dàng hơn cho ông "nhận vơ" một số những thành quả của bà.
Những thành quả này bao gồm việc trông nom cho một giai đoạn lịch sử tạo công ăn việc làm. Nhà bình luận Heather Long chỉ ra là "Dưới bà Yellen, mức thất nghiệp của Hoa Kỳ đã giảm xuống nhất trong tất cả các vị lãnh đạo Fed trong thời hiện đại".
Vào tháng Hai, 2014, khi bà Yellen nhậm chức, mức thất nghiệp là 6,7% ; ngày nay mức thất nghiệp là 4,1%. Và gần ba phần tư sự giảm mức thất nghiệp này đến trước khi ông Trump nhậm chức.
Cũng phải ghi nhận thêm là, khi bà Yellen nhậm chức, hầu hết các kinh tế gia tin là một mức thất nghiệp dưới 5%, hay khoảng đó sẽ dẫn đến lạm phát. Những cuốn sách dạy kinh tế nói là nếu thất nghiệp xuống dưới một mức nào đó, giá cả sẽ tăng. Để chặn một vòng xoắn leo thang lạm phát, Fed phải can thiệp vào và tăng lãi xuất nhanh chóng – và một hành động như vậy sẽ có nguy cơ dẫn đến suy thoái.
Tiến sĩ Yellen đã không chấp nhận lập trường máy móc này. Dẫn sự việc là nhiều triệu người đã không đi kiếm việc nữa trong và sau cuộc đại khủng hoảng năm 2007-2009. Bà lý luận là mức thất nghiệp là một thước đo không đủ cho tình trạng của thị trường lao động, và rằng có những thước đo khác, như là mức độ tham gia thị trường lao động, cũng cần phải được tính đến.
Còn gây tranh cãi hơn nữa, bà còn lý luận là có thể có những lợi ích quan trọng nếu Fed điều hành "một nền kinh tế áp lực cao", trong đó mức thất nghiệp được giữ thấp và chủ nhân khó tìm người. Trong tình trạng đó, bà Yellen dự đoán, trong một bài diễn văn hồi năm 2016, là các công nhân vốn đã bỏ thị trường lao động sẽ bị lôi cuốn trở lại, các công ty sẽ có khuyến khích để đầu tư, nhu cầu nói chung của nền kinh tế sẽ cao hơn, và tăng trưởng lương cũng như năng suất – vốn đã mãi không tăng – sẽ tăng.
Các kinh tế gia thì bảo lập luận này đã trở lại với những lập luận của thời thập niên 1960 bởi một thế hệ các kinh tế gia theo trường phái Keynes. Với sự thăng tiến của trường phái tân cổ điển thì lập luận này không còn hợp thời trang nữa. Nhưng như bà Yellen đã nhận thấy, nó có thể giữ chìa khóa cho việc vượt ra khỏi các chiều hướng tăng trưởng chậm, đầu tư ở mức thấp, và lương bổng không tăng.
Kinh nghiệm của tám năm qua cho thấy là cần phải có một sự sụt giảm mức thất nghiệp đáng kể cho lợi tức trung điểm của các gia đình hồi phục sự mất mát mà họ đã chịu trong cuộc suy thoái. Chỉ khi thất nghiệp xuống đến dưới mức trước kia được coi là an toàn thì lương mới tăng hơn lạm phát. Bà Yellen đã chào đón phát triển này và tìm cách khuyến khích thay vì là làm thui chột tăng trưởng quá sớm. Ngay cả bây giờ, gần chín năm hậu cuộc hồi phục năm 2009, lãi suất của Fed mới chỉ có 1,5%. Với lạm phát cũng ở mức 1,5 (theo cách đo mà Fed lựa chọn) – dưới mức chính thức của Fed là 2%.
Nó cũng có thể lý luận là – và đã được lý luận như vậy – là với mức lạm phát thấp như vậy, Fed không có lý do tăng lãi suất, ngay cả từ từ. Tuy nhiên ngược lại người ta cũng có thể lý luận là chính sách của Fed đã dẫn đến một cuộc tăng trưởng kinh hồn của thị trường chứng khoán mà nay đang có vẻ trở thành một cái bong bóng. Biết cả hai sự chỉ trích này, bà Yellen đã rút lui kích thích kinh tế từng bước một.
Nhờ Tổng Thống Trump và bên Cộng Hòa, Fed nay đối diện với một thách thức mới, trong hình thức thêm một kích thích cho nền kinh tế bằng cắt giảm thuế nhưng là cắt giảm ngay tức thời rồi từ từ rút. Liệu Fed có nên theo đuổi lập trường hiện nay và tìm cách thích ứng với kích thích này hay không ? Hay là nên tăng lãi xuất nhanh hơn.
Bà Yellen nay không còn phải đưa ra câu trả lời cho bài toán đó nữa. Cái bài toán nhức đầu đó nay sẽ là của ông Powell, người hẳn biết là bất cứ chỉ một dấu hiệu nào là Fed có một lập trường diều hâu hơn là sẽ bị tấn công bởi những tràng pháo kích Twitter từ tổng thống – kể cả sự có thể gây xáo trộn cho thị trường chứng khoán nữa.
Bà Yellen đáng được thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng bà thực sự đã ra đi thật đúng lúc.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 03/02/2018
Chỉ một ngày sau khi ông bộ trưởng tài chánh của mình tìm cách đẩy đồng đô la xuống giá, Tổng thống Donald Trump đã vội vàng tìm cách đẩy đồng đô la lên với tuyên bố là tối hậu ông thích đồng đô la mạnh. Nhờ vậy sự đổ dốc của đồng đô la tạm thời ngưng.
"Đồng đô la sẽ ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn và cuối cùng tôi muốn thấy một đồng đô la mạnh" (Donald Trump) - Ảnh Illustration CNNmoney Thinkstock
Trong một cuộc phỏng vấn với đài CNBC, tổng thống nói : "Đồng đô la sẽ ngày càng mạnh hơn và mạnh hơn và cuối cùng tôi muốn thấy một đồng đô la mạnh".
Ngay sau khi lời tuyên bố của tổng thống, đồng đô la giảm sự sụt giảm so với các đồng tiền quan trọng khác. Tổng thống cũng nói ông tin là lời nhận xét của Bộ trưởng Steve Mnuchin đã bị trích dẫn ngoài nội dung của nó, và với nền kinh tế Hoa Kỳ đang rất mạnh, thành ra không ai nên nói chuyện về đồng đô la.
Tổng thống nói trong cuộc phỏng vấn ngay sau khi ông đến Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ : "Nó phải là như vậy, nó phải là dựa trên sức mạnh của quốc gia. Chúng ta đang rất tốt cơ mà".
Trong khi đó, một ngày sau khi đẩy đồng đô la tuột dốc với một lời tuyên bố ủng hộ đồng đô la yếu, ông Mnuchin cũng đổi giọng, tìm cách làm giảm nhẹ những nhận xét của ông hôm Thứ Tư, 24 tháng Giêng, về một đồng đô la yếu là "tốt cho chúng tôi khi liên hệ đến mậu dịch và cơ hội", nói là lời nói của ông "thăng bằng và trước sau như một".
Lời tuyên bố đó đã được thị trường coi là đi ra khỏi truyền thống của chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và đã dẫn đến những lời khuyến cáo nhiều khi rất rõ ràng từ các bộ trưởng tài chánh đến các nhân vật trong tài chánh Châu Âu là tổng thống đến Davos để thúc đẩy cho nghị trình "America First" của ông.
Ông Mnuchin nói với báo chí : "Tôi nghĩ lời nhận xét của tôi về đồng đô la thực sự rất rõ hôm qua. Tôi nghĩ nó thực sự thăng bằng và đúng với những gì tôi đã nói trước đó, là chúng tôi không quan ngại đồng đô la ở đâu trong ngắn hạn". Quả là ông bộ trưởng có cái lưỡi không xương.
Thực sự phải nói tình trạng của đồng đô la hiện nay thật khó hiểu.
Trong một hoàn cảnh bình thường, không Trump, các nhà đầu tư luôn giả định là khi một quốc gia có một nền kinh tế đang lên và tăng lãi suất, đồng tiền của quốc gia đó phải tăng mạnh chứ. Và hiện nay, Hoa Kỳ có vẻ có cả hai.
Vào lúc khởi sự của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nâng dự báo cho tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ từ 2,3 lên 2,7%. Trong khi đó tiền lời cho công trái 10 năm của Hoa Kỳ vượt trên 2,6% và Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Fed) đã nâng lãi suất năm lần trong nhiệm kỳ của Tiến sĩ Janet Yellen.
Nhưng nay, ngược với mọi logic, đồng đô la đang sụt giá. Một chỉ số theo dõi đồng đô la đối với sáu đồng tiền quốc tế khác cho thấy đồng đô la giảm 10% trong năm 2017, năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Và tuần này đồng đô la lại giảm hơn nữa, xuống thêm 2,6% sau tuyên bố của ông Mnuchin. Tuy ông Mnuchin tìm cách sửa lại những lời nói của ông đã làm các nhà mại bản giật mình, bởi vì tất cả các vị bộ trưởng tài chánh Hoa Kỳ thường cả quyết là họ muốn thấy đồng đô la mạnh.
Và, không kể những chi ly của ngôn ngữ, lý do tại sao lời tuyên bố của ông Mnuchin đã khiến mọi người rùng mình là vì nó đã củng cố cho một sự lo ngại ngấm ngầm đã ngày càng gia tăng trong mấy tuần lễ nay.
Sự lo ngại này một phần xuất hiện bởi không ai thực sự hiểu tại sao đồng đô la lại xuống giá. Một số các quan sát viên tìm cách giải thích bằng cách chỉ ra sự gia tăng mới đây cho thâm thủng mậu dịch. Nhưng đó là một viện dẫn không thuyết phục, bởi thâm thủng là chuyện dài của thời đại đâu có phải chuyện mới hôm qua.
Chính sách tiền tệ cũng là một lý do có thể khác : một số nhà đầu tư nghi là Fed có lẽ đã trở thành bồ câu hơn năm nay. Nhưng giải thích đó cũng có vẻ quá yếu. Nói cho cùng, tương đối mà nói thì Fed hiện nay thực sự là diều hâu hơn là bất cứ một ngân hàng trung ương nào khác.
Một thủ phạm có lẽ đúng hơn chính là tổng thống, hay nói cho thật rõ, sự bất ổn sâu xa đã lan tràn bởi lập trường toàn cầu của Hoa Kỳ.
Davos năm nay bao phủ bởi một cảm tưởng lạc quan ngắn hạn về kinh tế. Nhưng dưới cái bề mặt vui vẻ đó cũng có một làn sóng ngầm lo sợ về những nguy cơ trung hạn của gia tăng bảo hộ mậu dịch, một phần bùng nổ vì lập trường chính sách "America First" của tổng thống.
Ông Mnuchin đã cả quyết là những quan ngại đó quá mức. Ông nói với tờ Financial Times : "Chúng tôi không dùng chữ bảo hộ mậu dịch".
Nhưng trong khi đó, ông Wilbur Ross, Bộ trưởng thương mại của Hoa Kỳ, đã dùng một thứ ngôn ngữ hết sức hung hăng để giải thích kế hoạch của Hoa Kỳ tự bảo vệ quyền lợi của mình trên trường quốc tế. Ông nói đến binh sĩ kinh tế Hoa Kỳ đang ra canh rào cản. Và luận điệu đó đã thổi phồng lên những đồn đoán là, tốt nhất thì Washington nay đang lặng lẽ sử dụng đồng tiền yếu để hỗ trợ cho việc thúc đẩy nhanh hơn tăng trưởng kinh tế.
Hơn thế, nó cũng tung ra những quan ngại là, tệ nhất, lập trường của Hoa Kỳ sẽ châm ngòi cho một loạt các cuộc chiến mậu dịch trong những năm tháng tới đây. Và ngay cả nếu sự sợ hãi này là quá mức, quả thật là chính phủ Trump rất không minh bạch về vai trò của Hoa Kỳ như là viên cảnh sát quốc tế. Điều này làm cho các nhà mại bản đặt câu hỏi là liệu Hoa Kỳ còn muốn đóng vai chủ chốt cho trật tự tài chánh toàn cầu hay không.
Ngân hàng trung ương Đức Deutsche Bank trong một bức thư gửi thân chủ tuần này viết : "(Hoa Kỳ) chỉ có thể được giao phó cho việc quản trị đồng tiền bản vị của thế giới nếu quan tâm đến thế giới. Hoa Kỳ đã đơn phương tuyên bố là họ không quan tâm nữa và điều đó sẽ phải trả giá".
Tổng thống Trump là một người vốn là một lãnh tụ không thích dùng chữ "yếu". Đối với ông điều làm ông tự hào là Hoa Kỳ lôi cuốn tiền vốn của thế giới. Nếu có ai trong số các cố vấn kinh tế của ông giải thích cho tổng thống là chính sách của ông thực sự có thể làm hại đến vị thế của Hoa Kỳ làm chủ đồng tiền bản vị của thế giới, thì chắc chắn là ông sẽ hốt hoảng.
Nhưng ngày nào mà những ngôn từ "America First" cứ tiếp tục vang dội từ Washington, và ở Davos, các nhà đầu tư sẽ chú mắt vào đồng đô la.
Đúng, có thể những con số mà tổng thống gọi là "MAGA" (Make America Great Again) của thị trường chứng khoán chiếm hết các tít lớn. Nhưng có lẽ chính đồng đô la mới là con chim yến trong mỏ than ; một chỉ dấu cho sự băn khoăn đang theo chân giới lãnh đạo quốc tế, ngay cả trong bầu không khí lạc quan đến mây xanh ở Davos.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 27/01/2018
Tại sao cử tri Hoa Kỳ – ít nhất là một số trong đó – lại hứng thú với ý tưởng thêm một nhân vật của kỹ nghệ giải trí lên làm tổng thống Hoa Kỳ ?
Silvio Berlusconi và Donald Trump - Ảnh minh họa
Đứng bên này bờ Đại Tây Dương, người Âu Châu chỉ nhớ đến tấm bi hài kịch của nước Ý khi ông Silvio Berlusconi, một tỷ phú truyền thông, không hiểu làm sao lên làm được đến thủ tướng Ý, mà lại còn là vị thủ tướng tại chức lâu năm nhất trong thời hậu chiến ở Ý. Nhưng Âu Châu vẫn thường coi Ý như một thứ ngoại lệ.
Ở một khía cạnh nào đó, ông Berlusconi rất giống Tổng thống Donald Trump, và cũng như tổng thống, ông từ chối bán cổ phần của mình trong Mediaset, hệ thống truyền thông mà ông làm chủ và ông đã hứa sẽ bán nếu đắc cử. Có dư luận còn bảo ông tham chánh để tránh khỏi bị đi tù, và khi hết tham chánh ông quả đã phải đi tù về tội trốn thuế.
Nhưng ở nhiều khía cạnh khác, ông không giống tổng thống. Ông gian xảo hơn và cũng hữu hiệu hơn. Vả lại ông chỉ là một nhà kinh doanh chứ chưa từng làm tài tử. Hơn thế, chính trị dân chủ Ý trẻ trung, mới thực sự hình thành từ Đệ Nhị Thế Chiến, và cũng vì vậy dễ khuynh đảo hơn.
Nhưng Hoa Kỳ, một trong những nền dân chủ cổ nhất của thời hiện đại, đã bầu lên một vị tổng thống vốn đã phá hủy một tiêu chuẩn là tất cả các vị tổng thống Hoa Kỳ đều phải có, đó là kinh nghiệm đã từng giữ những chức vụ trong quân ngũ hay trong chính trị.
Ngay cả đến Tổng thống Ronald Reagan cũng từng có kinh nghiệm làm thống đốc tiểu bang California. Một Tổng thống Trump chưa đủ hay sao mà nay một số người dân chủ đang mơ tưởng tới ứng cử viên Oprah Winfrey.
Bà Winfrey giàu có, nổi danh và được yêu mến, và hôm chủ nhật trước, bà đã đọc một bài diễn văn hùng hồn vốn đã châm ngọn lửa cho hy vọng và ước mơ trong một số cử tri Dân Chủ như là ngọn lửa cháy rừng vậy.
Một phần của việc này có thể là vì Tổng thống Trump đã phá lệ là một ứng cử viên tổng thống có thể thắng mà không có kinh nghiệm chính trị hay chỉ huy quân sự. Bà Winfrey lại là một nhân vật độc đáo với một số fan có thể nói là như một số tín đồ.
Và ý tưởng một ứng cử viên và tổng thống Winfrey nay đã mọc mầm trong đầu của nhiều người kể cả một số những nhà bình luận. Ông Bill Kristol, bình luận gia của tờ New York Times, nhận xét "Oprah : về kinh tế khá hơn Bernie Sanders, hiểu nước Mỹ trung bình hơn Elizabeth Warren, ít nhạy cảm hơn Joe Biden, dễ chịu hơn Andrew Cuomo, và có nhiều hấp lực hơn John Hickenlooper". Rồi ông kết luận với #ImWithHer.
Thực sự tôi không mấy quen thuộc với bà Winfrey. Trong những năm bà nổi tiếng, tôi hoặc là còn mắc kẹt trong nước, hoặc là còn đang bận rộn với những điều khác hơn là một người chủ trì một chương trình Talk Show ở Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng đồng ý với ông Thomas Chatterson Williams viết trong tờ New York Times : Tổng thống Winfrey là một ý kiến dở.
Ý tưởng là chức vụ tổng thống của cường quốc đứng đầu trên thế giới có thể trở thành món phần thưởng của những nhân vật nổi tiếng không có một chút kinh nghiệm cai trị hay chính trị – mặc dầu có thể có cùng lập trương chính trị với mình – là một điều vô cùng nguy hiểm.
Nếu năm đầu tiên của Tổng thống Trump có dạy cho chúng ta điều gì thì đó là kinh nghiệm, kiến thức, giáo dục, và hiểu biết chính trị vô cùng quan trọng. Cai trị không phải là vận động tranh cử. Cai trị cũng không phải là kinh doanh giỏi. Và có lẽ, quan trọng hơn, những nhân vật này không làm một quốc trưởng tốt. Chức vụ tổng thống không phải là một chương trình reality tv hay một talk show.
Nếu bà Winfrey có ra ứng cử thì chắc chính là vì sự thành công của tổng thống. Ông đã là người đi tiên phong trong các nhân vật nổi bật, các celebrities, một người đã chứng minh được là một nhãn hiệu có thể tạo một hấp lực ngoài việc lôi cuốn khán giả.
Ông cũng chứng tỏ cho thấy rất nhiều những khuyến cáo về sự rối loạn vốn là kết quả của một tổng thống không có chuẩn bị cho chức vụ nay đã là quá đúng. Có thể và tôi thực sự hy vọng là đến năm 2020, dân chúng Hoa Kỳ đã quá chán việc cứ phải thức giấc với những tin tức nảy lửa phát xuất từ những cái tweet của một vị tổng thống không ý thức được rằng lời nói của một vị tổng thống Hoa Kỳ được cả thế giới chú ý vì đó sẽ là chính sách của đại cường Hoa Kỳ. Có thể họ muốn một ai ít kích động hơn để họ có thể quên đi chính trị và ngoại giao tweet cho vài ngày hay vài tuần hay cả vài tháng nữa.
Chức vụ tổng thống Hoa Kỳ là một trong những chức vụ khó khăn nhất trên thế giới của chúng ta ngày nay. Giáo sư Chris Edelson, một giáo sư chính trị học của Viện đại học American University, giải thích "Ngay cả những người có kinh nghiệm cũng gặp khó khăn".
Cũng thật khó có thể đoán được là thực sự bao nhiêu cử tri muốn thấy triển vọng của một Tổng thống Winfrey theo Giáo sư Edelson. Hiện nay những người thích bà rất nhiều, nhưng đó không phải là tất cả. Theo cuộc thăm dò của viện nghiên cứu dư luận Gallup, bà Hillary Clinton vẫn là người phụ nữ được ngưỡng mộ nhất Hoa Kỳ. Và khi bà Winfrey tuyên bố ra ứng cử thì con số ủng hộ có thể đi xuống.
Kể từ khi nào Hoa Kỳ đã trở thành một quốc gia nơi mà sự nổi tiếng trở thành điều kiện tiên quyết cho chức vụ cao nhất nước. Những chuyện khó xảy ra đó nay đã trở thành hiện thực. Sự pha trộn của nổi tiếng và quyền lực – như ở Ý – đã là hoàn toàn mới với Hoa Kỳ.
Có lẽ vấn đề nay là một số người Mỹ coi cơ chế đảng phái như là xấu xa, hay không hữu hiệu, hay khó tiếp cận, Giáo sư chính trị học Steven White của trường Maxwell School of Citizenship của Viện đại học Syracuse ở New York giải thích. Ông thêm : "Họ coi sự nổi tiếng như là một cái gì có thể tạo nên một khai phá".
Cũng có thể là truyền hình và truyền thông xã hội đã khiến cử tri ít chú ý hơn đến chính sách của một tổng thống và tập trung nhiều hơn vào khía cạnh trình diễn. Dưới trào của Tổng thống Trump, Tòa Bạch Ốc quả là nhiều kịch tính và có tính trình diễn hơn nhiều. Cứ nhớ đến những nghi thức mà ông bày ra khi ăn mừng thông qua được đạo luật thuế".
Tiến sĩ White bảo "Cũng có thể là một số nhiều người nay coi tổng thống như là một phát ngôn nhân cho quốc gia, và lập trường cũng như những giá trị của nó. Họ có thể coi Oprah là người có thể có một lập trường có thể kích thích họ".
Nhưng như tờ Christian Science Monitor chỉ ra là bà Winfrey có thể thực sự gặp khó khăn hơn trong việc được đảng Dân Chủ đề cử hơn là người ta dự tính. Các lãnh tụ đảng Dân Chủ có nhiều quyền kiểm soát tiến trình chọn ứng cử viên hơn bên Cộng Hòa, vì cái gọi là "siêu đại biểu", vốn thường là những viên chức dân cử. Họ có thể nghĩ là một chính trị gia thực sự, tuy "boring", nhưng sẽ là một đối thủ tốt cho ông Trump hơn là lại một nhân vật nổi tiếng và không có kinh nghiệm nữa.
Các công dân của phần còn lại của thế giới, tuy không có quyền bỏ phiếu ở Hoa Kỳ nhưng nếu được hỏi ý kiến thì chắc hẳn sẽ khuyên những người bạn Mỹ của mình : một tổng thống không có kinh nghiệm, không có khả năng, đã quá đủ rồi, xin đừng trở lại vết xe đổ nữa. Ấy là nếu từ giờ đến năm 2020 không có chuyện gì xảy ra.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 13/01/2018
Là một người đã từng sống trong một thời gian mười mấy năm trời dưới sự cai trị của một chế độ độc tài, tôi thường thỉnh thoảng tự nhắc mình, nhất là trong năm 2017, rằng dầu cho dân chủ có những nhược điểm gì chăng nữa nhưng nó vẫn là một thể chế siêu việt.
Dân chủ có những nhược điểm gì chăng nữa nhưng nó vẫn là một thể chế siêu việt.
Năm 2017 quả thật là một năm "try men’s soul" như nhà văn Thomas Paine đã viết.
Sự thử thách này đặc biệt gay go cho những người tin tưởng vào lý tưởng dân chủ khi một trong những nền dân chủ cổ xưa nhất của Âu Châu, nền dân chủ Anh, quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý rút khỏi Liên Hiệp Âu Châu. Người ta đã nói nhiều đến luận điệu của những kẻ mỵ dân như ông Boris Johnson và ông Nigel Farage, vốn hứa hẹn với những người dân bất mãn một thời hoàng kim cũ khi Anh Quốc còn là bá chủ một đế quốc.
Họ nói đến một nước Anh "độc lập" khỏi Brussels sẽ tha hồ mở cửa làm ăn với thế giới. Họ nói đến sức mạnh của Khối Thịnh Vượng Chung Anh sẽ giúp Anh thành công bên ngoài Liên Hiệp Âu Châu. Sự thực phũ phàng của một đảo quốc nhỏ bé nằm kế bên một lục địa không được người ta nghe, và giờ đây thì quá trễ rồi.
Sự thử thách này càng gay go hơn nữa khi nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới, lãnh tụ của thế giới tự do, bầu lên một vị tổng thống như Tổng Thống Donald Trump, một người từ chối chấp nhận sự thật, bác bỏ những nguyên tắc mà Hoa Kỳ đại diện cho trên thế giới này.
Điều còn khó khăn hơn nữa là chuyện này xảy ra không lâu sau khi mà chúng ta tưởng là nền dân chủ đã chiến thắng toàn diện. Năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ và chủ nghĩa Cộng Sản ở Âu Châu sụp đổ theo, tôi còn ở Việt Nam, và tuy không được chứng kiến những hình ảnh đó trên truyền hình nhưng nghe lời kể hăng say của các phóng viên trên các đài phát thanh quốc tế, nhìn những tấm hình từ những tờ báo ngoại quốc đi thuê, những người sống trong các chế độ độc tài cộng sản lúc đó như tôi lần đầu tiên cảm thấy có ánh sáng ở cuối đường hầm.
Sau đó, trong những năm đầu của thập niên 1990 khi tôi đã được ra sống trong một thế giới tự do, các nền dân chủ nở hoa ở Đông Âu. Rồi thì chế độ kỳ thị chủng tộc apartheid sụp đổ ở Nam Phi. Ngay cả ở vùng Trung Đông, thỏa thuận Oslo có vẻ như đã mang lại hòa bình cho vùng này. Nhưng không phải ở đâu mọi sự cũng tốt đẹp. Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn đã bị đàn áp tàn nhẫn. Vị lãnh tụ tưởng là thức thời Đặng Tiểu Bình chính là kẻ ra lệnh cho đàn áp.
Nhưng rồi những ngày mà một sử gia đã quá lạc quan gọi là "chấm dứt của lịch sử" đó đã qua đi, mọi sự bắt đầu xuống dốc. Chủ nghĩa bộ tộc và độc tài nay có vẻ lại hồi sinh và đang trên đường đi lên trong khi các nền dân chủ đang đi vào suy thoái. Ở Hoa Lục, sau những ngày khó khăn sau cuộc đàn áp Thiên An Môn nền kinh tế hồi phục, các quốc gia Tây phương đã quên đi và hủy bỏ cấm vận mở cửa cho giao thương. Ở Nga, những năm rối loạn của ông Boris Yeltsin đã được thay thế bằng một chính quyền độc tài và mỵ dân của ông Vladimir Putin.
Nhưng đáng buồn nhất là ở Hoa Kỳ nơi những nền tảng của chế độ dân chủ, một thái độ bao dung, một chấp nhận đối lập không phải là kẻ thù, đã bị bỏ quên bởi chính tổng thống. Ngay ở các khuôn viên đại học, theo một cuộc thăm dò của Brookings/UCLA, 50% sinh viên tin là những bài diễn văn "gây gổ" đáng bị la hét không cho nói lên và 20% tin là phải bị đàn áp.
Trong các nền dân chủ, người ta thường có một khuôn mẫu tử tế bên trong đó người ta bàn thảo, tranh luận, nhưng không hiểu sao bây giờ khuôn mẫu đó không còn nữa. Có lẽ những người dân của các quốc gia dân chủ Tây phương đã được hưởng những giá trị của nền dân chủ cấp tiến quá lâu rồi nên không thấy giá trị của nó nữa, và đã quên mất không lo bảo vệ nó nữa. Nhà bình luận David Brooks của tờ New York Times nói là "Chúng ta đã trở thành những người dân chủ qua thói quen mà không còn bảo vệ hệ thống của chúng ta một cách thành khẩn nữa."
Và ông đề nghị trở lại với những nhà tư tưởng đã nói lên những lý do tại sao mà chế độ dân chủ vĩ đại. Nhà tư tưởng đầu tiên mà ông nói đến là nhà văn Thomas Mann, tiểu thuyết gia xuất chúng đã bỏ chạy Đức Quốc Xã sang Hoa Kỳ. Năm 1938, ông trình bày một loạt các bài thuyết trình chống lại các chủ nghĩa phát xít, Cộng Sản và America First. Cũng xin nhắc lại thời đó chủ thuyết America First là của những người chủ trương theo chế độ phát xít và da trắng độc tôn của Đức Quốc Xã.
Thomas Mann lý luận là dân chủ bắt đầu với một sự thật vĩ đại: nhân phẩm vô tận của cá nhân mỗi một người đàn ông cũng như đàn bà. Người được tạo dựng theo hình tượng của thượng đế. Khác với súc vật, người chịu trách nhiệm đạo đức. Đúng, con người có những hành động còn tàn nhẫn hơn cả thú vật – chính ông Mann vừa trốn thoát khỏi Nazi – nhưng con người là động vật duy nhất có thể hiểu và tìm công lý, tự do và sự thật. Cái ba ngôi này là "một phức hợp không phân chia được, mang đầy tính thâm linh và một sức mạnh nguyên thủy."
Ông viết "Con người là thiên nhiên rơi vào tội lỗi, nhưng nó không phải là một sự té ngã, nhưng cũng có thể tích cực như là một sự hướng thượng vì lương tâm cao hơn là sự thơ ngây." Chế độ dân chủ, ông viết tiếp, là chế độ duy nhất xây dựng trên sự tôn trọng phẩm chất vô tận của từng cá nhân người đàn ông và đàn bà, dựa trên sự cố gắng đạo đức của mỗi người cho tự do, công lý và sự thật. Thật là một sai lầm lớn khi nghĩ đến và dạy dân chủ như là một thủ tục hay một chế độ chính trị, hay như là nguyên tắc của sự cai trị của đa số.
Theo nhà văn, nói là một "sở hữu tinh thần và đạo đức." Nó không phải chỉ là luật lệ, nó là một lối sống. Nó khuyến khích mọi người hãy làm hết khả năng của mình – duy trì là chúng ta có một trách nhiệm đạo đức để làm vậy. Nó khuyến khích người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, láng giềng đi tìm cộng đồng, nhà tâm lý đi tìm cảm thức, nhà khoa học đi tìm sự thật.
Các chế độ vương quyền sản xuất ra nhiều bức tranh vĩ đại, nhưng các nền dân chủ dạy công dân đem nghệ thuật đi vào hành động, đem bản năng sáng tạo của mình vào việc xây dựng nên thế giới xung quanh. Ông nói "Dân chủ là một tư tưởng; nhưng nó là một tư tưởng liên hệ đến cuộc sống và hành động." Các công dân một nước dân chủ không chỉ mơ tưởng, họ là những nhà tư tưởng ngồi ở các hội đồng thành phố. Ông dẫn lời triết gia Bergson "Hành động như là những người biết suy nghĩ, suy nghĩ như là người hành động."
Trong thời của ông, cũng như thời của chúng ta ngày nay, dân chủ có nhiều kẻ thù và triển vọng thật gay go. Mann lý luận là kẻ thù của dân chủ không phải chỉ là chủ nghĩa phát xít với súng đạn. Họ là bất cứ ai cố tình làm suy giảm những nơi công cộng – những kẻ tuyên truyền và mỵ dân. Ông nói những người này "Khinh bỉ quần chúng… trong khi họ tự cho mình là phát ngôn của những lập trường thô tục." Họ cung cấp bánh mì và trò giải trí, tweet và sỉ nhục, những không có cái gì khác trừ một "chân trời của thỏ đế" – họ chỉ thấy sự cố gắng bẩn thỉu cho tiền bạc, quyền lực và sự chú ý.
Những kẻ độc tài và mỵ dân khắc phục hành động bằng bắt nạt và khuất phục tư tưởng bằng kích thích tâm lý đám đông. Ông viết "Đây là sự khinh bỉ lý trí, từ bỏ và vi phạm sự thật để thay bằng quyền lực và quyền lợi của nhà nước, sự kêu gọi những bản năng thấp hèn, cho cái gọi là ‘cảm tính,’ thả ngu xuẩn và cái ác ra khỏi kỷ luật của lý trí và thông minh."
Mann tin tưởng vào chiến thắng tối hậu của dân chủ bởi ông tin vào khả năng tự hồi sinh của dân chủ. Làm mới có nghĩa là cải tổ. Ông kêu gọi cải tổ kinh tế và chính trị, và dẫn lời của một dân biểu Pháp "sẽ tạo nên một trật tự giá trị mới, đặt đồng tiền vào phục vụ sản xuất, sản xuất phục vụ nhân loại, và nhân loại phục vụ cho một lý tưởng khiến cuộc sống có ý nghĩa."
Cái đóng góp chính của nhà văn là nhắc nhở cho chúng ta là dân chủ không phải chỉ là chính trị; nó là về sự tranh đấu hàng ngày của cá nhân để tốt đẹp hơn, cao thượng hơn và chống lại những cái rẻ tiền và bề ngoài.
Những gì Mann nói có lẽ quá xa vời nên xin kết luận bằng lời của cựu Tổng Thống Barack Obama. Khi Hoàng Tử Harry hỏi ông thế ông có tin tưởng vào nền dân chủ Hoa Kỳ hay không thì ông bảo hãy nhìn vào cái gương của ông. Chỉ có một nền dân chủ mới bầu lên một người hai màu da mang cái tên là Barack Hussein Obama.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 30/12/2017
Trong cuộc tranh luận về một thỏa thuận hòa bình nào đó giữa Israel và Palestine, không có đề tài gì có thể tạo nên nhiều phản ứng bằng vấn đề tương lai của Jerusalem. Liệu thánh địa này sẽ là thủ đô chỉ của người Israel hay là chia sẻ với người Palestine ?
Liệu thánh địa Jerusalem sẽ là thủ đô chỉ của người Israel hay chia sẻ với người Palestine ?
Ấy vậy mà bây giờ, khi không có hòa đàm thực sự diễn ra, Tổng thống Donald Trump đã chiều ước muốn của Israel và làm người Palestine điên người khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đồng thời dời tòa đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv về đó. Qua đó vứt bỏ nhiều thập niên cố gắng ngoại giao của Hoa Kỳ.
Tổng thống cả quyết rằng ông quyết tâm đạt được một hòa bình "tối hậu" cho vùng Trung Đông, khi mà những vị tổng thống tiền nhiệm chưa đạt được. Nhưng quyết định của ông đẩy cán cân nghiêng về phía Israel trong vấn đề tối quan trọng này.
Chắc chắc thỏa thuận hòa bình ngày càng khó đạt được hơn, bởi vì điều ông làm khiến cho người Palestine nghi ngờ sự lương thiện và công bằng của Hoa Kỳ như là một kẻ trung gian trong việc điều đình, nâng căng thẳng trong vùng và có thể thúc đẩy bạo động.
Mặc dầu chính phủ Israel đã được đặt ở Jerusalem từ khi thành lập năm 1948, Hoa Kỳ, như tất cả phần còn lại của thế giới, không công nhận toàn thành phố này là lãnh thổ của Israel, ngay cả sau cuộc chiến tranh sáu ngày năm 1967, khi Israel đuổi Jordan ra khỏi Đông Jerusalem và chiếm đóng khu vực này. Trong thỏa hiệp Oslo, Israel đã hứa sẽ điều đình về tương lai của Jerusalem như là một phần của một thỏa thuận hòa bình. Họ hẳn đã giả định là trong bất cứ một thỏa thuận nào thì thành phố vẫn là thủ đô của họ.
Người Palestine chờ đợi sẽ được đặt thủ đô của họ ở Đông Jerusalem và có quyền thăm viếng các thánh địa của Hồi giáo ở đó. Đông Jerusalem chỉ có người Ả Rập ở năm 1967, nhưng Israel đã tiếp tục xây dựng những khu định cư ở đó, đưa khoảng 200.000 công dân của họ vào sống trong khu của dân số Ả Rập và làm cho thêm phức tạp bất cứ một thỏa thuận hòa bình nào. Nó cũng là một bằng cớ khiến người Palestine không tin tưởng vào một thỏa thuận với Israel bởi hành động vừa đánh trống vừa ăn cắp này.
Tổng thống Trump thường khoe khoang ông là một người rất giỏi thu xếp điều đình, nhưng những người giỏi điều đình thường không nhượng bộ trước khi cuộc điều đình bắt đầu, như tổng thống đã làm ở đây.
Kẻ chiến thắng lớn là Thủ Tướng Benjamin Netanyahu của Israel, người mà chính phủ cực đoan chưa bao giờ tỏ ra nghiêm chỉnh về hòa bình, ít nhất là về giải pháp hai quốc gia vốn là giải pháp duy nhất có thể khiến cho người Palestine ủng hộ.
Phản ứng cũng rất mạnh và nhanh chóng. Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine, người mà nhiều năm nay đã cố gắng thuyết phục dân mình hãy theo con đường điều đình để đạt độc lập, đã tuyên bố : "Những biện pháp này là thưởng cho Israel cho vi phạm các nghị quyết quốc tế và khuyến khích cho Israel tiếp tục chính sách chiếm đóng, định cư, phân biệt chủng tộc và thanh lọc sắc tộc".
Ông Abbas gọi hành động của ông Trump là "một cố tình làm hại đến tất cả những cố gắng để đạt hòa bình, và là một tuyên bố của sự rút lui của Hoa Kỳ ra khỏi việc đóng vai trò mà Hoa Kỳ đã làm từ nhiều thập niên nay như là một kẻ trung gian dàn xếp hòa bình".
Vua Abdullah II của Jordan, quốc gia Ả Rập duy nhất có liên hệ ngoại giao với Israel mà quyền bảo vệ của dòng họ ông đối với những thánh địa của Hồi giáo ở Jerusalem được Israel công nhận, đã lên án hành động này là phá hoại hòa bình Trung Đông.
Vua Salman của Saudi Arabia đã nói thẳng với ông Trump ngày hôm trước khi ông gọi điện thoại loan báo là một quyết định cuối cùng về Jerusalem trước khi có một thỏa thuận hòa bình sẽ làm hại các cuộc điều dình và gia tăng căng thẳng trong vùng.
Khuyến cáo đó từ Saudi Arabia phải được chờ đợi, vì Jerusalem là nơi có đền Al Aqsa, và vua Saudi mang tước danh bảo vệ của hai thánh địa khác của Hồi giáo là Mecca và Medina. Một sáng kiến hòa bình do Saudi bảo trợ của khối Ả Rập vẫn còn được đề nghị kêu gọi sự rút lui toàn thể của Isreal ra khỏi Đông Jerusalem như là một phần của một thỏa thuận cuối cùng. Nhưng có thể Saudi đang có những thay đổi ý kiến về vụ này. Thái Tử Mohammad Bin Salman vốn có liên hệ chặt chẽ với ông Jared Kushner, con rể và cố vấn Trung Đông của tổng thống, đang soạn thảo một kế hoạch hòa bình toàn diện mới.
Trong khi kế hoạch đó chưa được công khai, thái tử được biết đã phác họa đề nghị này với Tổng thống Abbas tháng rồi. Thỏa thuận này nghiêng về phía Isreal hơn là bất cứ một đề nghị nào được chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ.
Palestine sẽ có một chủ quyền giới hạn trên một quốc gia vốn chỉ bao gồm những vùng không nối liền nhau ở Tây Ngạn. Hầu hết những khu định cư của Israel ở vùng Tây Ngạn, mà hầu hết thế giới coi là bất hợp pháp, sẽ được duy trì. Palestine sẽ không có được Đông Jerusalem làm thủ đô, và sẽ không có quyền trở về cho những người tị nạn Palestine và con cháu họ.
Trong ước muốn đối đầu với kẻ thù Iran, ông hoàng Saudi đã thảo ra một kế hoạch hòa bình hoàn toàn không tưởng. Không một lãnh tụ Palestine nào có thể chấp nhận một kế hoạch như vậy mà vẫn còn được sự ủng hộ của dân chúng họ, và Tòa Bạch Ốc và Saudi Arabia đều chối nói là họ không có ý định nào như thế cả.
Một số các nhà phân tích nghi ngờ là tổng thống thực sự muốn có một thỏa thuận hòa bình và nói bất cứ một đề nghị nào có thể chỉ là một tấm màn chính trị để cho Israel và người Ả Rập theo Hồi giáo Sunni, có thời là kẻ thù, có thể gia tăng việc đoàn kết sắp xảy ra chống lại Iran. Nhưng nếu quả đó là mục tiêu mà tổng thống muốn đạt thì quyết định về Jerusalem đã làm cho mục tiêu đó khó đạt hơn nữa.
Có một nhóm mà tổng thống rõ ràng đang theo đuổi đó là những kẻ ủng hộ nòng cốt của ông gồm các nhóm Kitô Giáo cực đoan và những nhóm ủng hộ Israel. Những người tiền nhiệm của ông đã có những lời hứa trong khi vận động tranh cử là sẽ dời tòa đại sứ Hoa kỳ về Jerusalem. Nhưng một khi vào Tòa Bạch Ốc, họ chọn ưu tiên cho chính sách đối nội thay vì ngoại giao hòa bình tế nhị, và họ đã để lời hứa đó sang một bên.
Tổng thống đã nói là quyết định của ông không ấn định trước tương lai của Đông Jerusalem hay những câu hỏi căn bản về biên giới của một quốc gia Palestine. Nhưng đồng thời ông cũng không nói gì đến thế căn bản của cuộc điều đình về hòa bình là những vấn đề gì nếu không có vấn để Jerusalem.
Có người bảo nếu ông muốn tỏ ra công bình thì tuyên bố là ông sẽ đặt một tòa đại diện của Hoa Kỳ ở Ramallah để chứng tỏ là ông không bỏ rơi người Palestine. Nhưng hành động như vậy thì ông lại làm cho những người ủng hộ cực đoan của ông nổi giận bởi thực sự họ không muốn có một quốc gia Palestine.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 09/12/2017
Trong một đoạn video được phổ biến online hôm tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Vladimir Putin của Nga và các cố vấn của ông ngồi đối diện với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Chủ tịch nước Trung Quốc ngồi một mình, chờ toán phụ tá của ông tới. Với một cái tặc lưỡi đầy thán phục và kiểu Bố Già Godfather, ông Putin nắm hai nắm tay lại và nói hai chữ "odin boyets". Hai chữ đó tiếng Nga có nghĩa là "chiến sĩ đơn độc", hay "người hùng cô đơn".
Tập Cận Bình là một "odin boyets" - Ảnh minh họa (AFP)
Ông Putin có lẽ không ngờ là ông đúng đến mức nào. Theo sau đại hội của họ, Đảng Cộng sản Trung Quốc cho ông Tập một vị thế chỉ có thể thua ông Mao Trạch Đông mà thôi. Ông Tập nay đứng một mình trên đỉnh quyền lực của đảng ông và của Trung Quốc.
Những quan sát viên bên ngoài, kể cả Tổng thống Donald Trump, vốn sẽ sang Trung Quốc vào tháng tới, có vẻ hết sức thán phục khả năng của ông Tập thu thập tước hiệu và danh xưng, kể cả chính thức đưa tên mình vào điều lệ đảng.
Trong một cái tweet hôm Thứ Tư, ông Trump chúc mừng chủ tịch Trung Quốc về sự "vinh thăng phi thường" và sau đó nói với Fox News : "Nay một số có thể gọi ông ấy là Vua Trung Quốc".
Rõ ràng là ông Tập có được một năm thật tốt, mở đầu với bài diễn văn hôm tháng Giêng của ông ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới ở Davos, Thụy Sĩ. Ở đó, ông tìm cách diễn tả Trung Quốc như là một công dân trách nhiệm của thế giới quyết tâm chống lại nạn hâm nóng toàn cầu và bảo vệ một hệ thống mậu dịch quốc tế mở. Vài ngày sau, Tổng thống Trump đăng quang, chào đón chính sách "America First" trong bài diễn văn nhậm chức.
Kể từ bài diễn văn ở Davos, ông Tập chủ trì trên ba tam cá nguyệt của tăng trưởng kinh tế mạnh, thanh trừng vài chục đối thủ chính trị tiềm tàng về những cáo buộc tham nhũng. Trong tuần qua, đại hội đảng lần thứ 19, mà như ông Trump nhận xét, có thể diễn tả tốt hơn là một sự đăng quang, chỉ là chiến thắng mới nhất của một năm đầy phép lạ hay như tờ Financial Times nói "annus mirabilis".
Nhưng giữa tất cả những ồn ào về "lãnh tụ quyền hành nhất kể từ Mao", có lẽ cũng nên nhớ lại Davos 2016.
Nay thì chuyện đó có vẻ như là từ một thế kỷ trước, nhưng vào tháng Giêng, 2016, thị trường cổ phiếu và tiền tệ của Trung Quốc đang hỗn loạn, dự trữ ngoại tệ đang sụt giảm ở mức $100 tỷ một tháng, và đã có một sự im lặng như tờ từ trung ương. Chỉ có hai viên chức cấp thấp của Trung Quốc được gửi đến Davos.
Rồi có ba diễn biến hoàn toàn tình cờ xảy ra. Một phần do những cú sốc thị trường từ Trung Quốc, bà Janet Yellen, chủ tịch Fed, quyết định trì hoãn việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ, vốn giúp giải tỏa áp lực xuất huyết đang tăng ở Trung Quốc. Khi bà Yellen đến Thượng Hải hồi tháng Hai, 2016 cho hội nghị G20, có thể nói là lúc đó bà, chứ không phải ông Tập, mới là người có uy quyền nhất Trung Quốc.
Vài tháng sau, Anh quyết định rút lui khỏi Liên Hiệp Âu Châu, và tháng Mười Một, ông Trump tạo cú sốc cho thế giới với sự thắng thế trong các cử tri đoàn Hoa Kỳ. Ở bất cứ một quốc gia dân chủ nào khác ngoài Hoa Kỳ thì ông không thắng nổi vì ông thua phiếu bầu trực tiếp từ dân chúng. Những nhà phân tích và đầu tư vốn đang âu lo về khả năng của các nhà làm chính sách Trung Quốc đột nhiên có những quan ngại lớn hơn từ các nơi khác.
Kết quả là, số rất nhiều người đưa ra những dự đoán đường thẳng cho các chiều hướng kinh tế toàn cầu vốn đã được coi như là thần thánh vào đầu năm 2016 trông ra có vẻ chả có gì đúng cả. Việc đó cũng có thể xảy ra cho những ai nay tiên đoán về sự thăng tiến và thăng tiến mãi của ông Tập khi ông đi vào năm thứ sáu nắm quyền.
Đối nghịch với ông Tập là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình, người kiến tạo ra chiến lược "cải tổ và mở cửa" cho Trung Quốc, cai trị đảng Cộng Sản và nhân dân Trung Quốc trong 42 năm và 17 năm. Họ là những nhà cách mạng dày chiến công, và dầu tốt hay xấu, uốn nắn những người khác theo ý chí cứng rắn của các nhà cách mạng như họ. Ông Tập không có những đối thủ bao quanh có đủ khả năng như vậy.
Ông Đặng Tiểu Bình đặc biệt không cần một danh xưng hay một tu chính điều lệ đảng nào để bày tỏ quyền lực. Năm 1992, khi đã từ bỏ cả chức vụ "chủ tịch hội chơi cờ Bridge Trung Quốc", ông đơn phương một mình thúc đẩy một quyết tâm tái tục cải tổ vốn đã đưa Trung Quốc trên con đường trở thành cường quốc mậu dịch lớn nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới. Ông đâu có cần ai nêu danh gì đâu. Lúc đó ông rút ra khỏi ngay cả khu lãnh tụ ở Trung Nam Hải, về ở một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh, ấy vậy mà bất cứ một điều gì các "lãnh tụ" cũng phải hỏi ý kiến ông. Tên tuổi và những lý thuyết phát triển của ông chỉ được đưa vào điều lệ đảng sau khi ông qua đời, bởi vì những đàn em yếu kém hơn mà ông đã truyền lại sự nghiệp.
Tạp chí The Economist, trong một số gần đây, gọi ông Tập Cân Bình là "người quyền uy nhất địa cầu này". Tờ tạp chí nổi tiếng này nhắc lại là Tổng thống Trump đã nói ông Tập "có lẽ là người quyền thế nhất" Trung Quốc từ một thế kỷ nay. Nhưng theo họ, "ông Tập Cận Bình là lãnh tụ nhiều quyền uy nhất thế giới" ngày nay.
The Economist viết : "Tuy chắc chắn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đứng thứ nhì về tầm cỡ so với Hoa kỳ và quân đội của họ, tuy đã ngày càng có nhiều bắp thịt, không so sánh nổi. Nhưng sức mạnh kinh tế và súng ống đạn dược không phải là tất cả. Lãnh tụ của thế giới tự do (ý chỉ ông Trump) có một thái độ hẹp hòi tùy tiện đối với người ngoại quốc và có vẻ không có khả năng thi hành nghị trình của mình trong nước. Hoa Kỳ vẫn còn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng lãnh tụ của Hoa Kỳ yếu trong nước và ít hữu hiệu ở ngoại quốc hơn bất cứ người tiền nhiệm nào của ông, một phần không nhỏ bởi vì ông chê bai những giá trị và liên minh vốn đặt nền tảng cho ảnh hưởng của Hoa Kỳ".
Tờ báo tiếp : "Chủ tịch của quốc gia độc tài lớn nhất thế giới, ngược lại, đi một cách vênh váo ở ngoại quốc. Sự kiểm soát của ông tại Trung Quốc chặt chẽ hơn bất cứ lãnh tụ nào kể từ ông Mao. Và trong khi Trung Quốc của ông Mao rối loạn và nghèo thảm hại, Trung Quốc của ông Tập là một động cơ chế ngự cho tăng trưởng toàn cầu".
Có lẽ như The Economist nói, so với ông Trump hay ngay cả với ông Putin, ông Tập quả là "người quyền hành nhất". Nhưng người hùng cô đơn của Trung Quốc vẫn còn phải lâu lắm nữa mới có thể dám nhận là ngang hàng với ông Đặng chứ đừng nói đến ông Mao.
Lê Phan
Khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng đe dọa sẽ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà độc tài sung sướng chỉ ra là ông đã đúng. Nhà độc tài đó là ông Kim Jong-un của Bắc Hàn.
Kim Jong-un và Donald Trump - Ảnh minh họa
Nếu nghe tổng thống nói về lãnh tụ họ Kim của Bắc Hàn, chúng ta phải tưởng tượng đó là một nhân vật hí họa – một "người hỏa tiễn" đang theo đuổi một "sứ vụ tự tử". Nhưng nếu nhìn vào hành động của tổng thống Hoa Kỳ thì chúng ta khám phá ra là lãnh tụ Bắc Hàn không điên khùng như ông nhiều khi cố tình tạo cái cảm tưởng vậy.
Điều đó còn đúng hơn trước chính sách về Iran của tổng thống. Ông Trump có vẻ đang tính đến chuyện không xác nhận là Iran tuân thủ đúng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc của thế giới năm 2015. Nếu đặt mình vào địa vị ông Kim, hẳn chúng ta cũng phải kết luận là mình đúng hoàn toàn ngay từ đầu : Không thể tin Hoa Kỳ được, ngay cả khi Washington đặt bút ký tên vào một thỏa thuận quốc tế. Chả cũng Hoa Kỳ đã ký kết vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đó sao ? Nhưng rồi cũng Hoa Kỳ xé hiệp ước đó, thản nhiên bỏ rơi các đồng minh của mình.
Nhìn từ Bình Nhưỡng, cách duy nhất để chặn một cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ đã luôn luôn là phải đưa Bắc Hàn trở thành một cường quốc hạt nhân có đủ khả năng và sẵn sàng tấn công phủ đầu hay phản công vũ bão. Theo một số chuyên gia ở Á Châu, đó chính là lý do Bắc Kinh lập luận chống lại áp lực quá mức lên chế độ Bình Nhưỡng. Ông Kim, một viên chức ở Bắc Kinh giải thích, sẽ "chọn cái chết để chống cự" thay vì chịu thua Hoa Kỳ.
Và nay ông Kim cảm thấy mình được chứng minh là đúng, và tin tưởng là chương trình hạt nhân của ông, tiến xa hơn của Iran nhiều, sẽ là cái vé để bảo vệ cho sự sống còn của chế độ của ông.
Tổng thống Trump là người thường thích để cho người ta không biết ý định của ông là thế nào. Chả thế mà ông đã đưa ra một câu nói lửng lơ hồi cuối tuần rồi, "gió lặng trước cơn bão", một việc mà sau đó ông công nhận là ám chỉ Bắc Hàn. Không hiểu vì ảnh hưởng từ đâu, nhưng tổng thống có vẻ tin hoàn toàn là Iran vi phạm thỏa thuận lịch sử vốn đã giúp đình chỉ và lật ngược lại các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy giảm cấm vận. Mặc dầu Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency- IAEA), cơ quan mà nhiệm vụ là bảo đảm Iran phải tuân thủ, nói là không có bằng cớ gì là Iran không tuân thủ, mặc dầu tất cả các cường quốc còn lại đã ký kết vào thỏa thuận không đồng ý, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tin mình đúng.
Trong khi vụ Iran đang tiếp diễn, từ Bắc Hàn, ông Kim sẽ theo dõi kỹ. Nhưng số phận của Iran không phải là vấn đề duy nhất ông chú tâm theo dõi. Điều mà chính hệ thống tuyên truyền của ông đã nhiều lần nhắc nhở, đó là số phận của các lãnh tụ Trung Đông có thời ao ước có khả năng vũ khí hạt nhân. Ông biết rõ về họ lắm vì chế độ của ông từng hợp tác với họ. Những người ngần ngại trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân, hay bị buộc phải từ bỏ chương trình của họ, bị đánh bại và giết chết thảm thương.
Trước hết là chuyện ông Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq từng cho phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, và sinh học hồi thập niên 1980. Sau vụ phiêu lưu tấn công chiếm đóng Kuwait và thất bại trong cuộc chiến vùng Vịnh, Iraq bị buộc phải từ bỏ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt. Nhưng ông Saddam đã chơi một cái trò mèo vờn chuột với các thanh tra của IAEA, tạo thêm nghi ngờ là ông đã giấu một phần kho vũ khí của mình.Những nghi ngờ này cho Hoa Kỳ cái cớ tổ chức cuộc tấn công vào Iraq năm 2003. Kết quả là ông Saddam bị bắt, bị đưa ra xử và bị treo cổ.
Tuy vậy, những cuộc tìm kiếm rộng rãi sau cuộc chiến đã không tìm thấy vũ khí nào cả, dẫn đến việc một số quan sát viên đồn đoán là ông Saddam đã duy trì huyền thoại sở hữu vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt để tạo một bầu không khí sợ hãi giúp ông tiếp tục nắm quyền.
Rồi còn chuyện Đại tá Muammar Gaddafi, lãnh tụ Libya mà Tổng thống Ronald Reagan gọi là "con chó dại" của vùng Trung Đông. Năm 2003, sau khi điều đình với Hoa Kỳ và Anh, ông Gaddafi tuyên bố hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình. Quyết định đó đã mở đường cho việc Libya được thế giới công nhận. Chưa đầy một thập niên sau, khi cuộc cách mạng bùng nổ ở Libya, và ông Gaddafi đe dọa tấn công vào thành phố Benghazi ở miền Đông ly khai, một liên minh do NATO cầm đầu can thiệp và đẩy cán cân quyền lực về phía các phiến quân Libya. Ông Gaddafi bị các nhóm dân quân bắt và hạ sát.
Chúng ta không chờ đợi Tổng thống Trump có thể tự đặt mình vào địa vị của lãnh tụ Bắc Hàn để xem ông tính toán ra sao, nhưng những nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nhất là Ngoại trưởng Rex Tillerson, đã cố gắng để tìm một cách nào đó cho tình hình bớt căng thẳng. Bởi vì, cũng như Thượng nghị sĩ Bob Corker (Cộng Hòa-Tennessee), Chủ tịch Ủy ban ngoại giao thượng viện, ông Tillerson hiểu rằng trong khi một thỏa thuận ngoại giao với Bắc Hàn có thể không đạt được, cải thiện liên lạc với Bắc Hàn là tối cần thiết để giảm triển vọng một cuộc chiến tình cờ.
Ông Kim chắc sẽ có những vụ thử hạt nhân nữa. Mới tuần rồi, hai dân biểu Nga từ Bắc Hàn trở về nói là Bình Nhưỡng sắp thử một hỏa tiễn có tầm bắn đến California. Tháng rồi, ngoại trưởng Bắc Hàn đề nghị là chính phủ của ông có thể thử hỏa tiễn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương, một thử nghiệm hạt nhân trên không đầu tiên từ nhiều thập niên nay. Với sự bất định về chuyện không biết một thử nghiệm hạt nhân như vậy sẽ rớt xuống đâu, chính phủ Trump có thể cảm thấy là phải phản ứng bằng cách bắn hạ hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân.
Nhà bình luận Nicholas Kristof của tờ New York Times mới đây viết "Tôi đã tường thuật về Bắc Hàn kể từ thập niên 1980, và chuyến đi năm ngày (của ông đến Bình Nhưỡng) làm cho tôi cảm thấy lo sợ hơn bao giờ hết về nguy cơ một sự đối đầu sẽ mang lại thảm họa". Ông khuyên "hãy thương thảo không cần điều kiện, dầu chỉ là để bàn luận về chuyện thương thảo" nhằm ngăn cản "cuộc khủng hoảng leo thang".
Theo tạp chí The Atlantic, Hoa Kỳ quả có những ngả để thảo luận với Bình Nhưỡng, mà quan trọng nhất là ở New York, nơi Bắc Hàn có sứ bộ. Ngay sau khi lên làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã mở lại con đường đó, trong hy vọng là để có một mối liên lạc. Đó chính là điều ông nói với các nhà báo, về những con đường hai bên có thể tiếp xúc. Nhưng Tổng thống Donald Trump, khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn lần thứ nhì qua Nhật, đã bỏ cuộc. Ông công khai bảo rằng ông ngoại trưởng của ông đừng "tốn thời giờ vô ích".
Điều đáng ngại là những người như Thượng nghị sĩ Bob Corker hay Ngoại trưởng Rex Tillerson biết rõ vấn đề. Họ hẳn biết những nguồn tin tình báo hơn chúng ta về khả năng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Họ hẳn cũng biết là Bắc Hàn nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Chẳng bao lâu nữa, Bắc Hàn sẽ có khả năng bắn vào Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, dù có công nhận hay không, chỉ còn trông cậy vào phòng ngừa để ngăn cản chiến tranh. Và phòng ngừa chỉ có thể hữu hiệu khi hai bên có thể nói chuyện với nhau. Đó là lý do của hệ thống điện thoại đỏ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có một liên lạc nào tương tự, nhưng ông Tillerson đang cố gắng tạo một cái gì thay thế. Tổng thống Trump, vốn tiếp tục đe dọa chiến tranh, đang cố gắng hết sức để bảo đảm là ông Tillerson sẽ thất bại. Và đó là điều đã làm ông Bob Corker hoảng sợ. Có lẽ chúng ta cũng nên lo sợ đi là vừa.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 14/10/2017