Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 02 février 2019 19:52

Hoa Kỳ rút lui khỏi thế giới ?

Hoa Kỳ là cường quốc mạnh nhất của thế giới từ năm 1945, khi vai trò đó Luân Đôn đã hầu như trao cho Washington sau Đệ Nhất Thế Chiến, sau cùng rơi hoàn toàn vào tay Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

hoaky1

Không quân Mỹ ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. (Hình minh họa : Daniel Mihailescu/AFP/Getty Images)

Kể từ năm 1991, khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất của thế giới, một thế lực mà không cường quốc nào khác có thể thách thức được.

Trong suốt 26 năm – gần một thế hệ – Hoa Kỳ đã có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất chấp sự suy thoái của một số những khu vực quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ có thể bao trùm thế giới với những cuộc triển khai lực lượng khi Ngũ Giác Đài chia hành tinh của chúng ta thành "những bộ chỉ huy theo địa lý" để chính thức hóa sự chế ngự của Hoa Kỳ.

Cũng phải nói là có nhiều nơi trên địa cầu này người ta vui mừng chào đón sự chế ngự của Hoa Kỳ. Tuy Hoa Kỳ không hoàn toàn là bất vụ lợi, Hoa Kỳ đã là một thế lực tích cực trên trường quốc tế so với bất cứ thế lực nào khác. Ngay cả những người không ưa gì sự chế ngự của Hoa Kỳ, khó thấy có ai muốn bị Bắc Kinh và các lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Trung Hoa chế ngự.

Nhưng từ năm 2017, những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cho thấy sự chế ngự của Hoa Kỳ, vốn đã từ từ đi xuống, đã đến hồi mà Hoa Kỳ không còn chế ngự hay không muốn chế ngự thế giới nữa. Một thời đại mới đang hình thành, tuy vẫn còn quá sớm nên chưa biết rồi sẽ ra sao.

Là tổng tư lệnh của một lực lượng vẫn còn chế ngự thế giới, trong năm đầu tiên ở Văn Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump đã nổi giận và bực tức trên Twitter hầu như mỗi ngày, với không có ảnh hưởng gì ngoại trừ việc làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ rối trí về chuyện gì đang thực sự xảy ra ở Washington. Trên thực tế, Hoa Kỳ có hai chính sách ngoại giao và quốc phòng : những điều mà tổng thống nói và những điều mà các quan chức trong bộ máy an ninh quốc gia làm. Sự tách rời giữa những tuyên bố của tổng thống, hầu hết toán loạn, và chính sách thực sự với thế giới gia tăng trong suốt năm 2017.

Chả trách Bắc Hàn không sợ, mặc dầu một năm tổng thống xỉ vả Bình Nhưỡng. Triều đại Kim tiếp tục diệu võ dương oai khả năng hạt nhân, bắn hỏa tiễn trên Thái Bình Dương để chứng tỏ sức mạnh của họ, và những đòi hỏi của Washington buộc họ phải ngưng chả có ảnh hưởng gì cả.

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói là Bắc Hàn sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc hạt nhân, cái quốc gia khó chịu đó quả là rõ ràng có vũ khí hạt nhân rồi. Chính sách ngoại giao không dựa trên thực tế này có thể kết thúc rất tệ hại cho tất cả mọi người – ngay cả một cuộc chiến quy ước ở bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là nhiều triệu dân tị nạn và thương vong – là chuyện hiển nhiên và trở thành một trong những chữ nếu lớn nhất cho năm sau. Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ở Singapore năm 2018 thực ra không giải quyết được gì cả ngoại trừ việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục sở hữu khả năng hạt nhân.

Cũng phải nói là Tổng thống Trump thừa hưởng một Hoa Kỳ mà sức mạnh bắt đầu suy yếu. Những vị tiền nhiệm của ông đã gây nhiều thiệt hại cho uy thế đó trước khi ông Trump quyết định tấn công thêm. Sự can thiệp với ý định tốt của Tổng thống Bill Clinton vào vùng Balkan đã tạo ảo tưởng là Hoa Kỳ biết "xây dựng quốc gia" từ những xã hội đổ vỡ mà không tốn kém bao nhiêu.

Phản ứng quá mức của Tổng thống George W. Bush đối với đại vùng Trung Đông đã tạo nên một vùng rối loạn đầy vấn đề, và trao Iraq cho Iran trong khi để cho Saudi Arabia hoành hành trong vùng thuộc Hồi Giáo Sunni. Ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hoa Kỳ liên quan đến những cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan thật to lớn. Đa số thế giới sẵn sàng chấp nhận sự chế ngự của Hoa Kỳ nếu hữu hiệu. Nhưng sự thất bại ở hai mặt trận này cho thấy là Hoa Kỳ đã mất khả năng hữu hiệu.

Tổng thống Barack Obama cũng chả làm gì tốt hơn. Đối phó với một Iraq kinh hồn mà ông thừa hưởng, ông đã chỉ tìm cách bỏ chạy. Chưa kể cố gắng không đủ ở Afghanistan, cố gắng nửa vời của ông ở Libya, lật đổ chế độ Gadhafi nhưng không có gì thay thế, rồi sự thất bại của ông trước lằn đỏ mà ông đã đặt ra ở Syria, một hành động dẫn đến Hoa Kỳ trao vấn đề Syria cho Nga. Sự ngần ngại của ông trước sự hung hăng của ông Vladimir Putin ở Ukraine đã thúc đẩy thêm cho ông này ngày càng dấn tới. Một phần nào sự ngần ngại của ông Obama đối đầu với Nga đã khuyến khích sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Putin và những kẻ xấu khác đã nhận được thông điệp là Hoa Kỳ của Tổng thống Obama sẽ không chống lại những kẻ gây rối. Sự bận tâm của ông trước đe dọa của Trung Quốc đã làm ông ngần ngại can thiệp vào những nơi khác.

Ngược lại, nếu ông Obama không muốn can thiệp thì ông Trump đi đường khác, với những lời tuyên bố hung hăng về sức mạnh của Hoa Kỳ và sẵn sàng độc hành, bất cứ lúc nào Washington muốn, bất chấp hệ quả.

Cái chính sách ngoại giao bất chấp thế giới của ông Trump có rất nhiều thí dụ. Từ việc đơn phương công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel đến việc coi thường các đồng minh trong liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, thế giới sửng sốt nhìn một Hoa Kỳ không còn tin cậy được nữa. Khi người lúc đó là đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, công khai đe dọa các thành viên phải bỏ phiếu chống lại một nghị quyết ở Đại Hội Đồng lên án việc Hoa Kỳ dời tòa đại sứ về Jerusalem, Hoa Kỳ đã thất bại nặng nề. Kết quả là hầu như toàn thể thế giới bỏ phiếu chống lại Hoa Kỳ, với hầu như toàn thể đồng minh trong Liên Minh NATO.

Tổng thống Trump thích nói về "sức mạnh" của Hoa Kỳ và ông thích tweet về quân đội, mặc dầu ông chưa từng một ngày trong quân ngũ. Nhưng quả là ngày nay sự chế ngự của Hoa Kỳ chỉ còn trên lãnh vực quân sự. Với một xã hội chia rẽ, chính trị đảng phái, và suy thoái trong sản xuất công nghiệp, Hoa Kỳ chỉ còn quân đội là nền tảng cho uy quyền.

Nhưng mặc dầu tổng thống ưa khoe khoang về quân đội, những năm dài chiến tranh du kích ở Afghanistan đã xói mòn khả năng của quân đội Hoa Kỳ. Trong nhiều năm đổ nhiều ngàn tỷ đô la ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ đã không có tiền và thời giờ để canh tân và tinh thần ngày càng suy yếu.

Không quân ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. Hải quân trong khi đó bị bỏ rơi vì những cuộc chiến trên bộ. Khi tính đến sự việc là hải quân Hoa Kỳ đã là người bảo đảm cho tự do hải hành trên toàn thế giới từ năm 1945, bảo vệ cho mậu dịch quốc tế và là chủ lực của quyền lực Hoa Kỳ, sự suy yếu của hải quân là một điều đáng lo. Ngay cả lục quân cũng không khá gì hơn. Nhiều năm thiếu đầu tư cho pháo binh và chiến tranh điện tử đã đe dọa sức mạnh của bộ binh.

Nhưng trên hết là chính sách độc hành của Tổng thống Trump vốn đang xói mòn hệ thống toàn cầu mà Hoa Kỳ đã dày công dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến. Sức mạnh của Hoa Kỳ vốn không phải chỉ là sức mạnh của nòng súng mà còn là sức mạnh của một cường quốc dân chủ tự tin và sẵn sàng chia sẻ. Khi Hoa Kỳ trở thành ích kỷ thì sức mạnh đó cũng khó duy trì. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 02/02/2019

Published in Diễn đàn

Đó là câu hỏi đã làm tôi vô cùng thắc mắc. Với một con số nhỏ bé chỉ có hơn 8.000 người, không nằm trong nhóm những người mà Tổng Thống Donald Trump coi như là kẻ thù của nhân dân Hoa Kỳ và do đó phải trục xuất bằng mọi giá như người Hồi Giáo. Dĩ nhiên người Việt cũng là người da màu, và có lẽ chỉ với điều đó là cũng đủ họ bị liệt vào loại những kẻ cần bị đuổi ra khỏi Hoa Kỳ nếu có thể có cớ.

taisao1

Anh Tùng Nguyễn tư vấn cho một trường hợp người vợ mang thai nhưng chồng bị bắt vì nằm trong diện trục xuất. (Hình : Thịnh Nguyễn/Người Việt)

Những tin tức mới nhất cho biết là tuần này chính phủ Trump sẽ gặp đại diện của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để thúc đẩy việc trục xuất những người gốc Việt vốn đã đến Hoa Kỳ như là những người tị nạn Cộng Sản trước năm 1995. Những luật gia chỉ trích nói là sự thúc đẩy để tăng cường trục xuất đi ngược lại không những là một sự thất hứa quốc tế của Hoa Kỳ, mà còn chứng tỏ là chính phủ không tin vào khả năng và chức năng của hệ thống nhà tù của Hoa Kỳ.

Nhiều những người trong nhóm này đã đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ thơ, bị kết án cách đây nhiều thập niên, và chỉ bị tù rất ít hay là không bị tù nhưng vẫn đối diện trục xuất. Luật sư Tania Phạm, một luật sư đại diện cho những người gốc Việt là nạn nhân của cố gắng này, giải thích : "Trong nhiều trường hợp – họ chỉ phạm tội có một lần và đó là cách đây nhiều thập niên. Họ đã hối cải và hoàn lương. Đây là thí dụ là hệ thống nhà tù đã cải tạo được họ. Họ đã chứng minh được là họ có thể sống lương thiện sau khi được trả tự do".

Đó là những người như Tùng Nguyễn. Tùng đến Hoa Kỳ năm 1991 mới 13 tuổi. Bố mẹ Tùng đã nhận một cô bé con lai nên toàn gia đình được nhận di dân theo Đạo Luật Amerasian Homecoming Act. Nhưng với bố mẹ làm việc đầu tắt mặt tối chỉ đủ để kiếm sống, Tùng thường bị bỏ ở nhà một mình và gặp khó khăn hội nhập. Trả lời tờ Washington Post từ Santa Ana, Tùng giải thích : "Tôi còn trẻ. Tôi không nói được tiếng Anh và ở trường tôi bị bắt nạt, thành ra tôi đi chơi với những người giống mình, nó cho tôi một cảm tưởng có chỗ nương tựa". Điều đó có nghĩa là đi chơi với nhưng thiếu niên gốc Việt trong các băng đảng.

Năm 1994, khi mới 16 tuổi, Tùng dính líu đến một vụ đâm chết người, vì một cuộc cãi vã về "tôn trọng". Tùng cầm con dao nhưng không đâm người ; nhưng Tùng bị xử như là một người lớn và kết án 25 năm tù. Sau khi Tùng ở tù được 18 năm, Thống đốc Jerry Brown cứu xét lại nội vụ và trả tự do vì "cải tạo vượt bực".

Từ khi đó, Tùng đã trở thành một trong những thiện nguyện viên giúp đỡ những thanh niên trong cộng đồng. Năm 2014, Tùng lập gia đình. Năm nay, Sáng Hội Open Society đã trao tặng Tùng Soros Justice Fellowship, vinh danh "một nhân vật nổi trội" đã cố gắng cải thiện hệ thống công lý hình sự Hoa Kỳ. Tùng nói : "Tôi không muốn có con vì tôi không thể sống nổi nếu bất cứ một ngày nào đó, họ đến và đem tôi đi. Đây là cuộc đời của tôi ; đây là nhà tôi".

Cựu Đại sứ Ted Osius của Hoa Kỳ ở Hà Nội gọi tân chính sách này là "đáng khinh bỉ" và kỳ thị sắc tộc. Ông nói : "Theo tôi, thật là bi thảm và hoàn toàn không xứng đáng với Hoa Kỳ. Rằng chúng tôi đối xử với người ta như thế này, đây là những người đã vào phe với chúng ta trong cuộc chiến và con cháu của các quân nhân của chúng ta".

Đại sứ Osius muốn nói đến những người như Robert Huỳnh. Huỳnh là con trai của một quân nhân Hoa Kỳ, tuy chưa bao giờ gặp cha. Mẹ Huỳnh người Việt. Năm 1984, chín năm sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam, cậu bé Huỳnh mới 14 tuổi đến Louisville với mẹ, anh và chị em cùng mẹ khác cha theo chương trình Amerasian. Ngày nay, 48 tuổi, với một con trai và hai cháu trai, Huỳnh đang có triển vọng bị trục xuất về Việt Nam.

Huỳnh có tiền án. Thời đôi mươi, Huỳnh bị gần ba năm tù vì buôn lậu ectasy. Mới đây Huỳnh bị một năm treo bằng vì say rượu lái xe và bị một án treo nữa vì tổ chức một phòng chơi slot machine lậu với cô bạn ở Texas. Huỳnh công nhận đã có lỗi lầm nhưng đã chịu án và đang tìm cách xây dựng lại cuộc đời. Nay anh có triển vọng mất hết. Trả lời tờ Post từ Houston, Huỳnh nói : "Mẹ tôi năm nay đã 83 tuổi, và tôi muốn gần bà khi bà qua đời. Tôi không có ai thân thích ở Việt Nam. Đời tôi là ở Hoa Kỳ".

Như chúng ta biết, tất cả những thuyền nhân, di dân Việt Nam khi đến Hoa Kỳ được phát thẻ xanh, nhưng một số khá nhiều – như Huỳnh – thiếu giáo dục, thiếu khả năng ngôn ngữ, hay trợ giúp pháp lý để xin nhập tich. Nay họ phải trả cái giá rất đắt.

Chính phủ Trump, trong một chính sách của Cố vấn Stephen Miller đã tìm cách diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa chính phủ của Tổng thống George W. Bush và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam – theo đó những người Việt đến Hoa Kỳ trước khi hai quốc gia thiết lập bang giao năm 1995 sẽ "không bị phải trả về". Nay Tòa Bạch Ốc bảo là không miễn trục xuất cho những người không phải là công dân đã can án.

Những người chỉ trích cáo buộc chính phủ Trump là đã bội ước thỏa thuận năm 2008. Bộ Ngoại giao bác bỏ, dẫn một lời trong thỏa thuận chỉ ra là hai bên tôn trọng lập trường pháp lý của nhau đối với những người đến trước năm 1995. Bộ Ngoại giao nói : "Lập trường của Hoa Kỳ là mỗi quốc gia có một trách nhiệm pháp lý quốc tế nhận những công dân mà một quốc gia khác muốn đưa đi, đuổi đi hay trục xuất". Bộ cũng từ chối nói đến trường hợp đặc thù của Việt Nam. Ông Brendan Raedy của cơ quan ICE thì nói là việc trục xuất tập trung vào "những cá nhân có hại cho an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an toàn biên giới".

Nhưng những người gốc Việt này nào có phải là "những cá nhân có hại cho an ninh quốc gia, an toàn công cộng và an ninh biên giới". Hơn thế, Hà Nội không muốn nhận những người này vì họ không coi những người này là công dân của họ. Đây là những công dân của Việt Nam Cộng Hòa, công dân của một quốc gia không còn nữa.

Vả lại như cựu Đại sứ Ted Osius giải thích : "Đa số những người đang bị nhắm vào để trục xuất – một số vì những tội vặt – là những người tị nạn chiến tranh đã về phe với Hoa Kỳ. Và họ nay bị phải ‘trở về’ nhiều thập niên sau cho một quốc gia cai trị bởi một chế độ cộng sản mà họ chưa bao giờ chịu hòa giải".

Đã có 11 người trong số này bị trục xuất về Việt Nam, nơi họ bị công an theo dõi và nghi ngờ vì họ là con dân "ngụy". Họ không làm sao có được hộ khẩu để có thể có giấy "chứng minh nhân dân" cho một cuộc sống bình thường.

Huỳnh sau cùng đã đoàn tụ được với gia đình Mỹ của mình năm 2016 sau khi thử DNA đã khiến anh tìm thấy người cha James A. Falls. Tin nửa vui nửa buồn. Huỳnh khám phá ra là người cha mà anh suốt đời mơ ước đã chết trong một tai nạn xe hơi năm anh mới 4 tuổi. Nhưng đã gặp một người anh và một người em gái cùng cha khác mẹ và hai bà em của bố hiện nay sống gần anh ở Houston. Anh nói hai bà cô rất thương anh và không thể tưởng tượng là phải rời bỏ toàn gia đình mình vào lúc này.

Ông Tom Malinowsky, thứ trưởng ngoại giao phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động dưới thời chính phủ Obama, có lẽ đã nói lên sự phi lý của hành động của chính phủ, ông nói : "Trong nhiều năm, Hoa Kỳ là quốc gia đã giúp những người này bỏ trốn sự đàn áp của cộng sản ở Việt Nam. Nay, chúng ta đang buộc những họ phải trở lại với cuộc sống đó và yêu cầu chính quyền ở Việt Nam đồng lõa với việc đó".

Và tôi vẫn không hiểu nổi tại sao chính phủ Hoa Kỳ, mà còn biết bao ưu tiên trong vấn đề di dân, kể cả nhiều triệu người di dân bất hợp pháp, lại phải tốn công tìm đủ mọi cách để trục xuất chỉ vỏn vẹn có hơn 8.000 người vốn thực sự không bao giờ có ý định làm hại nước Mỹ. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 15/12/2018

Published in Diễn đàn

Mọi sự trên đời này đều có thể xảy ra, kể cả một Tổng thống Hoa Kỳ đang tìm cách lật đổ một Thủ tướng Anh. Tổng thống đây là Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng dĩ nhiên là Thủ tướng Theresa May. Và nếu Tổng thống không cố tình làm vậy thì những điều ông đang làm cũng có tác dụng như vậy.

trumpmay1

Tổng thống Donald Trump (trái) gặp Thủ tướng Anh Theresa May tại Hội Nghị G20 ở Argentina hôm 30 tháng Mười Một, 2018. (Hình : Amilcar Orfali/Getty Images)

Trước hết, ba lần rồi – mà hai lần trong tuần qua, và một lần khi ông đến thăm chính thức Anh Quốc hội tháng Bảy – Tổng thống Trump đã bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May. Và ông đã bác bỏ một cách thật trắng trợn. Ngay khi Thủ tướng vừa ký kết được thỏa thuận Brexit với Liên Hiệp Âu Châu, Tổng thống tuyên bố : "Thỏa thuận Brexit này có lợi cho Liên Hiệp Âu Châu".

Như vậy tức là chỉ có hai tuần trước ngày Quốc hội Anh bỏ phiếu về thỏa thuận ly dị, Tổng thống đã trao cho những kẻ thù của Thủ tướng một khẩu súng đã lên cò. Khổ một nỗi, cho đến nay, phong trào Brexit chưa có được một người nào đủ sức để nổ súng. Nhưng nếu Thủ tướng thất bại, hãy tin chắc đi, người đầu tiên khoe công của mình cho sự thất bại đó sẽ là Tổng thống. Ông sẽ lên Twitter và bảo bà May : "Told you so !"

Điều còn độc địa hơn là điều Tổng thống nói đúng một nửa. Tuần qua ông nói là thỏa thuận của bà Thủ tướng có nghĩa là Anh Quốc không thể có được một cuộc điều đình mậu dịch với Hoa Kỳ – vốn là phần thưởng lớn nhất theo những người vận động cho Brexit. Tổng thống Barack Obama cũng đã khuyến cáo điều đó khi ông lên tiếng kêu gọi ủng hộ cho phe Remain, không xa cách vụ bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu dân ý năm 2016.

Vấn đề là điều khoản của thỏa thuận mà Thủ tướng đạt được, không thể có một điều đình nghiêm chỉnh với các quốc gia ngoại liên hiệp trước năm 2021, mà vào lúc đó thì Anh Quốc trên nguyên tắc đã phải đạt được một thỏa thuận mậu dịch hậu ly dị với Brussels. Và đó sẽ là vào lúc khởi đầu của một nhiệm kỳ Tổng thống mới. Và ngay cả lúc đó, không có bảo đảm gì là Anh quốc sẽ cắt đứt mọi liên hệ với thị trường chung Âu Châu. Mà thực sự ra những đòi hỏi kinh tế khiến chuyện đó cần xảy ra. Âu Châu nhận gần nửa xuất cảng của Anh Quốc. Chỉ có một phần năm đi Hoa Kỳ.

Nhưng Tổng thống còn có những nguyên nhân sâu xa hơn cho sự thiếu thân thiện của ông đối với lãnh tụ của một trong những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Nó không thực sự chỉ có tính cá nhân – tuy có lẽ khó tìm ra một lãnh tụ thế giới nào mà Tổng thống có ít thiện cảm hơn Thủ tướng. Bản năng thù nghịch của ông đến với hai hình thức. Trước hết sự thù nghịch này có tính chủ thuyết. Những người bạn Anh của Tổng thống có vẻ đều là kẻ thù của Thủ tướng.

Trong số này người thân nhất có lẽ phải là ông Nigel Farage, một trong những người đã gây dựng lên phong trào Leave. Ông cũng là chính trị gia ngoại quốc đầu tiên được gặp Tổng thống ngay sau khi ông đắc cử. Ở Anh này người ta không quên tấm hình hai ông tươi cười trong cái thang máy thếp vàng của Tổng thống. Họ thường xuyên nói chuyện với nhau. Lập trường của Tổng thống về mọi sự liên quan đến Brexit là từ ông Farage.

Điều lý thú về ông Farage là ông được nói là "một người được chú ý" trong cuộc điều tra của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller về liên hệ giữa ban vận động của Tổng thống và Nga. Nhưng ngay cả sự việc này chưa cho thấy rõ vai trò của ông Farage. Nếu nói đến sự trùng hợp giữa ảnh hưởng của Nga trong chiến dịch vận động Leave của Anh Quốc và chiến thắng của Tổng thống, ông Farage có vẻ là sự trùng hợp chính.

Dầu cho đó là liên hệ với ông Julian Assange, người sáng lập ra WikiLeaks mà ông Farage viếng thăm hồi đầu năm 2017 ; ông Roger Stone, một trong những bộ hạ chính trị lâu đời nhất của Tổng thống ; ông Paul Manafort, cựu trưởng ban vận động của Tổng thống ; hay ông Steve Bannon, chiến lược gia trưởng của Tổng thống – ông Farage đã là móc chốt tối quan trọng. Và tất cả các nhân vật này đều bị công tố viên đặc biệt điều tra.

Điều mỉa mai là trong khi ông Farage đang âm mưu để đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, ông lại đang kiếm tiền làm dân biểu Âu Châu. Mai đây, một khi Anh đã hoàn toàn ly dị với Âu châu, ông sẽ thất nghiệp, có lẽ lúc đó ông sẽ sang Hoa Kỳ để làm cố vấn cho Tổng thống.

Rồi còn có ông Arron Banks, ông Brexit giàu có, vốn đã tháp tùng ông Farage ở tòa tháp Trump hồi năm 2016. Ông Banks đang bị điều tra hình sự về việc liệu ông có vi phạm luật bầu cử với một tặng dữ lên đến khoảng 8 triệu bảng Anh cho chiến dịch Leave.EU.

Có lẽ rồi khi các sử gia nhìn lại năm 2016, họ sẽ nhận thấy rõ hơn chúng ta hôm nay về sự liên hệ xuyên Đại Tây Dương – và có thể âm mưu – giữa hai ban vận động dân túy.

Đồng minh Anh nữa của Tổng thống là ông Boris Johnson, người mà Tổng thống đã vi phạm lễ độ ngoại giao hồi tháng Bảy khi ông nói là ông Johnson sẽ là "một Thủ tướng Anh vĩ đại". Đa số dân chúng Anh không đồng ý với Tổng thống. Dầu sao chăng nữa, niềm tin của Tổng thống là vào những người chủ trương dân túy như ông. Thủ tướng không thuộc loại đó. Thực vậy, hầu hết sự khinh miệt của Tổng thống là nhắm vào các lãnh tụ dân chủ, đặc biệt là các lãnh tụ dân chủ Âu Châu.

Và đó cũng là lý do nữa cho thái độ của Tổng thống, tinh thần trọng thương. Âu Châu quá lớn để có thể bị bắt nạt. Nền kinh tế của Âu Châu lớn hơn nền kinh tế Hoa Kỳ nếu kết hợp thành một khối. Hy vọng tốt nhất của Tổng thống để phá hoại sự chống đối của Âu Châu cho những tiêu chuẩn mậu dịch mới của Hoa Kỳ là có được một thỏa thuận riêng với Anh. Điều này sẽ chỉ có thể xảy ra nếu Anh Quốc rút hẳn ra khỏi khu vực ảnh hưởng của Âu Châu.

Những hàng tít lớn đều nói về thuế quan. Nhưng điều đình mậu dịch hiện nay tập trung vào sự hội tụ của các luật lệ. Những điều như gà có chất chlor (gà Mỹ), thực phẩm cải biến Gène (nông sản Mỹ), hủy giới hạn mua dược phẩm của Cơ Quan Y Tế Quốc Gia NHS (để Big Pharma Mỹ có thể chen vào bán hàng cho khách hàng mua dược phẩm lớn nhất thế giới, tổ chức y tế quốc gia của Anh), sẽ nằm trong những điều quan trọng trong điều đình mậu dịch Mỹ Trung.

Phải nói là Tổng thống biết ông đang làm gì. Chỉ có một Anh Quốc ly dị khỏi Âu Châu mà không có một thỏa thuận mới đủ tuyệt vọng để cố bám víu lấy Hoa Kỳ và chấp nhận những điều khoản tối kỵ đó. "America First" hoạt động tốt nhất khi các quốc gia khác đi một mình. Lúc đó, như kẻ bẻ từng chiếc đũa, Tổng thống có thể tha hồ đặt điều kiện. 

Lê Phan

Người Việt, 01/12/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 24 novembre 2018 20:43

Tổng thống và thái tử

Hoa Kỳ đã có thời là tiếng nói lương tâm của nhân loại, và tiếng nói lương tâm đó đã có ảnh hưởng quan trọng cho hòa bình thế giới và uy tín của Hoa Kỳ.

tongthong1

Tổng thống Donald Trump (phải) trò chuyện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong lần gặp tại Washington, DC, hôm 20 tháng Ba, 2018. (Hình : Kevin Dietsch-Pool/Getty Images)

Trong chuyến viếng thăm Tây Berlin năm 1987, Tổng thống Ronald Reagan, sau khi đã kêu gọi lãnh tụ Liên Xô Mikhail Gorbachev hãy "Hủy bỏ bức tường" Berlin, tiếp "Đứng ở Khải Hoàn Môn Brandenburg này, mỗi người là một người Đức, chia rẽ khỏi đồng hương của họ. Mỗi người là một người Berlin, bị buộc phải nhìn vào vết thương (của bức tường Berlin) này". Và ông lên tiếng kêu gọi ông Gorbachev hãy tham gia thương thảo nghiêm chỉnh để tài giảm vũ khí với Hoa Kỳ. Ông Gorbachev không phá hủy bức tường Berlin nhưng tháng Mười Hai năm đó, hai ông gặp nhau lần nữa và ký kết Hiệp Ước Vũ Lực Hạt Nhân Tầm Trung, hủy bỏ nguyên một loại hỏa tiễn hạt nhân ở Âu Châu.

Hôm thứ Ba, 20 tháng Mười Một vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, nhưng tiếc thay tiếng nói của ông không phải là tiếng nói của lương tâm nhân loại nhưng là của thế lực của đồng tiền.

Trong một tuyên bố vừa đáng kinh ngạc vừa tàn nhẫn, tổng thống đã tha thứ hết cho Saudi Arabia và thái tử nước này.

Ông thản nhiên bác bỏ một thẩm định của tình báo Hoa Kỳ cũng như những bằng cớ đầy thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho thấy là nhà cầm quyền trên thực tế của vương quốc, Thái tử Mohammed bin Salman, đã ra lệnh cho xử tử nhà báo đối lập bên trong tòa Tổng lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul hôm 2 tháng Mười, 2018.

Tạp chí The New Yorker buồn rầu nhận xét : "Tổng thống Hoa Kỳ nghe như một luật sự biện hộ – hay một lobbyist – cho vương quốc dầu khí hơn là một người bảo vệ cho những giá trị Hoa Kỳ".

Trong tuyên bố hai trang, tổng thống nói : "Nó có thể là thái tử biết về biến cố bi thảm này – có thể ông biết và có thể ông không biết !" Ông lên án vụ ám sát ông Khashoggi là "một tội ác kinh khủng và không chấp nhận được," nhưng rồi nói là Saudi Arabia quá quan trọng trong vai trò quốc gia mua vũ khí của Hoa Kỳ, quá quan trọng là một quốc gia xuất cảng dầu hỏa, và một đồng minh "trong cuộc chiến quan trọng chống lại Iran" để có hành động trừng phạt.

Mặc dầu hành vi tội ác đó tổng thống khẳng định : "Hoa Kỳ quyết định tiếp tục là một partner trung thành với Saudi Arabia để bảo đảm quyền lợi của đất nước chúng ta". Và ông kết luận : "Thật đơn giản, nó được gọi là America First".

Thản nhiên mạ lỵ nhà báo đã chết thảm, tổng thống lập lại luận điệu của Thái tử Mohammad bin Salman, mà ở vùng Trung Đông người ta quen gọi là MbS, nói ông Khashoggi là một người "phản quốc" và là thành viên của tổ chức quá khích Huynh đệ Hồi giáo.

Luận điệu này khó tin đến nỗi mà ngày hôm sau chính quyền vương quốc chính thức bác bỏ nói là họ không có bằng cớ ông có liên hệ với Huynh đệ. Thực sự, trước khi phải đi lưu vong vì chống đối chính sách của thái tử, ông Khashoggi đã nhiều lần là cố vấn cho hoàng gia. Một nhà bình luận ở Trung Đông đã chỉ ra là nếu ông Khashoggi quả đã là một kẻ phản quốc, ông đã ở yên ở Hoa Kỳ nơi ông là một thường trú nhân và an toàn, không tìm về Thổ Nhĩ Kỳ và càng không thản nhiên đi vào tòa Tổng lãnh sự để ít nhất cũng có thể bị bắt.

Tổng thống đã biện minh cho việc lờ đi cái chết của ông Khashoggi, từ chối cả nghe cuốn băng thâu lại khi ông bị giết, nói đó là âm thanh của "đau khổ," bằng những lý do kinh tế. Ông nhắc đến việc vương quốc đã hứa hẹn đầu tư 450 tỷ USD vào Hoa Kỳ, kể cả 110 tỷ USD để mua vũ khí Hoa Kỳ sản xuất.

Theo những kiểm chứng độc lập, không có gì hỗ trợ cho con số 450 tỷ USD của tổng thống, còn về những hợp đồng mua vũ khí 110 tỷ USD thực ra là tập hợp của một lô những thỏa thuận nhỏ từ thời Tổng thống Barack Obama và một số chưa được ký kết, một số chỉ còn trong bàn thảo mơ hồi.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm tháng rồi công nhận Saudi Arabia, thực sự, chỉ mới có những hợp đồng mua 14,5 tỷ USD vũ khí và phi cơ. Những thỏa thuận khác chỉ là những văn bản ghi nhớ vốn bao gồm một thập niên nữa chứ không phải ngay bây giờ. Trung tâm nghiên cứu Center for International Policy thêm là nhiều công việc tạo nên bởi bán vũ khí cho Saudi Arabia là ở chính Saudi chứ không phải ở Hoa Kỳ.

Tổng thống cũng biện minh là Saudi có thể làm cho giá dầu tăng vọt lên 150 USD một thùng và cảm ơn Saudi đã giữ cho giá dầu thô xuống. Thực ra Saudi đã làm hết sức, kể cả đồng ý với các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Xuất cảng Dầu hỏa OPEC để giảm sản lượng nhằm tăng giá dầu thô. Giá dầu thô giảm gần đây không phải là nhờ Saudi mà là nhờ cuộc chiến mậu dịch của tổng thống với Trung Quốc khiến cho lo sợ về nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại và nhu cầu dầu thô sẽ giảm.

Bảo vệ thái tử, tổng thống cũng lý luận là cần thiết cho việc theo đuổi mục tiêu chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông, đặc biệt việc phong tỏa Iran, mà tổng thống đổ cho đã tạo nên cuộc chiến ở Yemen. Thực ra, chính hành động liều lĩnh của MbS khi lên làm bộ trưởng quốc phòng đưa quân sang Yemen đã khiến một cuộc chiến cục bộ trở thành một cuộc chiến gián tiếp giữa các cường quốc vùng, gây đau khổ cho người dân Yemen và một cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn chỉ giúp tạo môi trường cho các nhóm quá khích như al-Qaeda và Islamic State có chỗ hoạt động.

Thực sự, Hoa Kỳ không lệ thuộc vào Saudi Arabia. Cường quốc duy nhất của thế giới không phải là dễ để bị một quốc gia như Saudi bắt địa. Không những Hoa Kỳ không có lý do gì để sợ Saudi Arabia mà phải nói ngược lại thái tử và toàn gia đình dòng họ Saud trông cậy vào sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ để tồn tại. Điều này đúng không phải bây giờ mà ngay từ khi vương quốc hình thành. Chính vì Hoa Kỳ ủng hộ cho Ibn Saud, vị vua sáng lập ra vương quốc Saudi Arabia ngày nay, mà vương quốc có thể tồn tại trong những giai đoạn tranh chấp lúc đầu.

Tiến sĩ William Hartung, giám đốc về vũ khí của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (Center for International Policy), trong một bản phúc trình cho biết chi tiết về "Sự cực kỳ lệ thuộc" vào Hoa Kỳ của Saudi. Ông viết : "Quân đội Saudi trông cậy vào vũ khí của Hoa Kỳ, các bộ phận và bảo trì của Hoa Kỳ để giúp họ thực hiện và tiếp tục cuộc chiến ở Yemen và sẽ không thể tiếp tục cuộc chiến này lâu sau đó nếu sự trợ giúp này bị rút lại".

Chính vì sự hoàn toàn lệ thuộc vào vũ khí Hoa Kỳ khiến lập luận của tổng thống là nếu Hoa Kỳ không bênh vực việc giết người của Saudi Arabia, dầu cho có phải là do lệnh của Thái tử MbS hay ai chăng nữa, thì Saudi sẽ bỏ đi mua vũ khí của Trung Quốc, của Nga, là hoàn toàn vô nghĩa lý. Toàn thể hạ tầng cơ sở quân sự của Saudi, từ quân cụ đến chương trình điện toán đến huấn luyện đều xây dựng trên hệ thống của Hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu. Thay thế toàn thể sẽ là một sự đảo lộn kinh hồn tốn nhiều trăm tỷ đô la và rất nhiều năm. Và ngay cả nếu thái tử MbS có thể có tiền để làm việc đó, ông cũng sẽ chỉ có kỹ thuật lạc hậu hơn và chế độ của họ bấp bênh hơn. Thái tử cũng sẽ phải đối diện với giảm thiểu trực tiếp bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ cho chế độ.

Điều làm những lý do tổng thống đưa ra là sai tuy vậy không phải là vì nó không đúng sự thực hay không hợp lý mà là vì nó khẳng định là nếu một nhà độc tài trên thế giới cho đi giết người trên thế giới nhưng họ có nhiều tiền thì tổng thống Hoa Kỳ có thể tha thứ cho việc giết người đó.

Nhà báo Robin Wright của tạp chí The New Yorker viết : "Khi tôi đọc lời tuyên bố của tổng thống, tôi phân vân không biết Khashoggi – một đồng nghiệp và một bạn tốt vốn đã được giáo dục ở Hoa Kỳ, đã có ba con là công dân Hoa Kỳ, và đi lưu vong ở Washington vì ông tin đó là chỗ an toàn nhất trên thế giới cho ông – sẽ nghĩ gì. Tôi đoán là ông ta sẽ kinh sợ và rất buồn".

Ông ta buồn cũng phải bởi Hoa Kỳ không còn là "một thành phố sáng chói trên một đỉnh đồi mà ngọn hải đăng sẽ hướng dẫn những người yêu tự do ở khắp nơi khác," như Tổng thống Ronald Reagan đã từng tuyên bố. 

Lê Phan

Người Việt, 24/11/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 17 novembre 2018 10:55

Tổng thống đi Tây

Trong mưa tầm tã, hơn sáu chục lãnh tụ thế giới – tổng thống và thủ tướng, vua và hoàng tử, từ một phần ba số quốc gia toàn cầu – đã cùng nhau đi dưới những cái dù đen trong mưa trên Đại Lộ Champs-Élysées ở Paris hôm Chủ Nhật, 11 tháng Mười Một vừa qua. Họ đã tụ tập để kỷ niệm 100 năm ngày ký kết Hiệp Định Đình Chiến vốn chấm dứt Đệ Nhất Thế Chiến và để bày tỏ đoàn kết toàn cầu.

tongthong1

Tổng thống Donald Trump tại nghĩa trang và đài kỷ niệm quân đội Mỹ Suresnes, cách thủ đô Paris chừng năm dặm về phía Tây, trước khi trở về Washington, hôm 11 tháng Mười Một, 2018. (Hình : Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Nhưng cuộc tuần hành có tính biểu tượng đó thiếu sự có mặt của một người, tổng thống Hoa Kỳ, người mà đáng lẽ là lãnh tụ của thế giới. Ông đã đến dự nghi thức ở ngôi mộ người lính vô danh chôn ở ngay dưới Khải Hoàn Môn trong sự ấm áp và khô ráo của cái xe limousine. Tòa Bạch Ốc nói sợ an ninh. Đe dọa duy nhất mà người ta thấy là một nhà tranh đấu không vũ trang topless phản kháng chạy qua gần đoàn limousine của tổng thống, và trên ngực của cô là hàng chữ "Fake News" và bị cảnh sát chặn.

Ngày hôm trước tổng thống cũng làm đúng như vậy, hủy bỏ chuyến đi để vinh danh hơn 2.000 quân nhân Hoa Kỳ được chôn cất ở Nghĩa trang Hoa Kỳ Aisne-Marne, khoảng 50 mile cách trung tâm Paris. Cũng xin nhắc lại là tổng cộng có 50.000 quân nhân Hoa Kỳ tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến.

Phản ứng rất nhanh và trên ngay chính phương tiện mà tổng thống thích. Sir Nicholas Soames, cháu gọi bằng ông của cố Thủ Tướng Winston Churchill và một dân biểu bảo thủ của Quốc Hội Anh, tweet : "Họ chết mặt hướng về kẻ thù và cái @realDonaldTrump thảm hại hoàn toàn không đủ khả năng không thể bỏ qua thời tiết để đến nghiêng mình trước những người đã hy sinh". Rồi ông thêm "ông ta không đáng đại diện cho đất nước vĩ đại này".

Sử gia Michael Beschloss, chuyên nghiên cứu về các tổng thống, tweet tấm hình Tổng thống John F. Kennedy và Tổng thống Charles de Gaulle đội mưa (không có ai che dù) ở Paris khi họ vinh danh những tử sĩ hồi năm 1961. Có vô số những lời chế nhạo trên Twitter, kể cả của một người từ @votevets, hỏi không hiểu quyết định đó có dính gì đến mái tóc của tổng thống hay không.

Cũng ngày hôm đó, mặc dầu trời mưa, hai lãnh tụ Pháp và Đức đã đến thăm Compiègne – cũng 50 mile cách thủ đô Paris – nơi mà thỏa thuận đình chiến được ký trong một toa xe lửa cách đây một thế kỷ.

tongthong2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức đã cùng đến thăm khu kỷ niệm Thỏa thuận đình chiến Thế Chiến Thứ Nhất tại Compiègne ngày 11/11/2018 - Ảnh France 24

Tổng thống đã cùng tùy tùng bay hơn 4.000 mile cho một cuộc tưởng niệm nhưng có vẻ không chú ý gì đến việc này cả. Ông ăn trưa với các vị nguyên thủ và đưa ra một lời tuyên bố ngắn ngủi ở một nghĩa trang Hoa Kỳ khác. Ngoài ra, đây là một chuyến đi vô bổ.

Tổng thống cũng không đến dự khóa khai mạc của Diễn đàn Hòa bình Paris – tạo ra để nuôi dưỡng những hành động tập thể toàn cầu – vốn được sự tham dự của tất cả những lãnh tụ còn lại, sau nghi thức kỷ niệm hôm Chủ Nhật. Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, chủ nhà và cũng là chủ trì hội nghị, nói : "Liệu hôm nay có phải là một biểu tượng cho hòa bình bền vững hay là giây phút cuối của đoàn kết trước khi thế giới rơi vào vòng xáo trộn hơn nữa ?" Và ông trả lời với thách thức đối với các vị quốc trưởng khác : "Nó hoàn toàn trông cậy vào chúng ta".

Đề tài chính của diễn đàn là nhu cầu có một cộng đồng để ngăn ngừa Thế Chiến Thứ Ba. Thủ Tướng Angela Merkel của Đức hỏi : "Nếu cô lập không phải là giải pháp cách đây một trăm năm, làm sao nó có thể là giải pháp hôm nay, trong một thế giới kết nối ?" Khi bà lên tiếng tổng thống đã đáp phi cơ Air Force One, trên đường trở về Washington.

Ông Ivo Daalder, đồng tác giả của một cuốn sách mang cái tên "Ngai vàng bỏ trống : Sự từ ngôi lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ", tổng thống "không thấy Hoa Kỳ như là một quốc gia lãnh đạo những quốc gia khác hướng về một mục tiêu chung".

Một cựu đại sứ Hoa Kỳ ở NATO than thở với tạp chí The New Yorker : "Việc quá lộ liễu vào cuối tuần ở Paris, nơi mà một tổng thống Mỹ nào khác (từ cố Tổng thống Wilson đến Tổng thống Obama) sẽ đọc bài diễn văn chính, định nghĩa vấn đề, đưa ra giải pháp, thay vì một ông Macron cố gắng tìm cách lấp đầy cái hố trống khổng lồ đó".

Liên hệ của tổng thống với các đối tác hải ngoại ngày càng sụp đổ. Cái hố giữa Hoa Kỳ và Âu Châu – nơi nhiều trăm ngàn người Mỹ đã chết để bảo vệ – có lẽ chưa bao giờ sâu đến thế. Cái hố rất rộng về những vấn đề sinh tử (biến đổi khi hậu) đến đe dọa toàn cầu (Nga) và chiến tranh và hòa bình. Kể từ khi tổng thống nhậm chức, Âu Châu đã có những cuộc thảo luận về việc tạo nên một quân đội và những định chế tài chánh ở ngoài vòng kiểm soát của Hoa Kỳ.

Ngay cả "tình bạn thắm thiết" (bromance) với ông Macron cũng đã kết thúc. Tuần rồi, tổng thống Pháp nói Âu Châu cần một quân đội vùng, bởi vì không còn có thể trông cậy vào Hoa Kỳ như là một partner nữa. Trên Twitter, tổng thống bảo "vô cùng sỉ nhục". Hai bên đã cố làm hòa ở Paris. Nhưng trong bài diễn văn nhân ngày Đình Chiến, lãnh tụ Pháp công khai lên án nghị trình America First của tổng thống.

Ông Macron nói với các lãnh tụ thế giới : "Chủ nghĩa dân tộc hay quốc gia là một sự phản bội lòng ái quốc. Bằng cách nói ‘quyền lợi của tôi đi trước – ai cần những người khác dâu ?’ chúng ta đã xóa bỏ điều mà một quốc gia coi trọng nhất, cho nó sự sống, cho nó sự vinh dự, và điều quan trọng nhất : giá trị đạo đức của nó". Ông Macron khuyến cáo đến một con quái vật cổ xưa trở lại và đang tung ra xáo trộn. Khi ông lên tiếng đến đó, Tổng thống Trump nhăn mặt.

Lãnh tụ duy nhất của thế giới mà tổng thống có vẻ có liên hệ ở nghi thức kỷ niệm là với Tổng thống Vladimir Putin của Nga, vốn cũng xuất hiện trễ. Khi tổng thống đến tham gia nghi lễ hai ông cười với nhau và ông Putin đưa tay chào thành công.

Mặc dầu ông không thích nhưng tổng thống cần có khai phá về chính sách ngoại giao vì những sáng kiến ngoại giao lớn nhất của ông hoặc là bị mắc kẹt hoặc là đang sụp đổ. Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki với ông Putin, hồi tháng Bảy, đã không cho thấy kết quả gì về kiểm soát vũ khí, Ukraine, hay Syria.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông do ông Jared Kushner soạn thảo vẫn tiếp tục bị trì hoãn. Kể từ cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng Sáu, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un đã không cung cấp thống kê về số vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học hay số hỏa tiễn đạn đạo – chứ đừng nói đến chuyên bàn về cách và nơi chúng bị phá hủy.

Cuộc họp dự trù hôm tuần rồi giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và Ngoại trưởng Bắc Hàn Kim Yong-chol, đã bị hủy đột ngột – và nay sẽ chờ đến sang năm. Đầu tháng này, Bắc Hàn đe dọa sẽ tái tục "xây dựng lực lượng hạt nhân" nếu cấm vận Hoa Kỳ không được sớm hủy bỏ.

Tổng thống cũng bỏ lỡ những cơ hội ngoại giao. Ông từ chối tham dự hai hội nghị thượng đỉnh ở Á Châu, nơi tối cần thiết trước sự gia tăng hung hăng của Trung Cộng và sáng kiến về Bắc Hàn. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu Thái Bình Dương – 21 thành viên dọc theo vùng lòng chảo Thái Bình Dương – chiếm đến 40% GDP của thế giới.

Diễn đàn APEC năm nay họp ở Papua Tân Guinea. Một hội nghị thượng đỉnh nhỏ hơn của Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á, đã họp ở Singapore. Những lãnh tụ thế giới khác, kể cả ông Putin lẫn ông Tập Cận Bình đều đến dự một hay cả hai hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống đã giao cho Phó Tổng thống Mike Pence đại diện.

Thử thách tới của tổng thống để xem ông có lấy được một thành công ngoại giao nào hay không là cuộc họp thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn nhất thế giới – dự trù ở Buenos Aires vào 30 tháng Mười Một. Ông dự trù sẽ gặp cả ông Putin lẫn ông Tập.

Sử gia Daalder giải thích : "Chính qua những hội nghị song phương, nơi mục đích của ông là chiến thắng, sẽ là chú tâm của ông. Có nhiều việc cho ông làm lắm, ngay c".

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 17/11/2018

Published in Diễn đàn

Hẳn chúng ta ai cũng đã nghe nói đến một đoàn nhiều ngàn di dân và người xin tị nạn đang từ từ đi bộ từ Trung Mỹ đến Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump đã biến cuộc hành trình của họ trở thành tin tức hàng đầu, cả quyết họ là một đe dọa cho an ninh quốc gia.

caravan1

Đoàn di dân "caravan" với hàng ngàn người bên ngoài thị trấn Arriaga, tiểu bang Chiapas, Mexico, hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Mười, 2018, chuẩn bị tiến vào Hoa Kỳ. (Hình: AP Photo/Rebecca Blackwell)

Và để chứng tỏ lý luận của mình, ông đã đưa ra khuyến cáo thường xuyên mà ông vẫn đưa ra để khuyến cáo người Mỹ: Hãy nhìn vào cái mà ông gọi là "total mess" mà di dân đã tạo ra cho Âu Châu.

Những người Âu Châu không hiểu tổng thống nói gì. Nhưng cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi tổng thống nghĩ Âu Châu là một vùng đại nạn. Ông đã từng cáo buộc Luân Đôn như là "một bãi chiến trường," nói là một người bạn bí mật của ông tên là Jim không đi đến thủ đô nước Pháp nữa vì "Paris không còn là Paris nữa," và nói đến những biến cố kinh khủng ở Thụy Điển vốn chưa từng xảy ra.

Một số người Pháp hỏi là nếu tổng thống "sợ Paris" đến thế thì tại sao tổng thống nhận lời mời đến dự cuộc duyệt binh ngày 14 tháng Bảy của Tổng thống Emmanuel Macron. Còn dân Luân Đôn thì hỏi "bãi chiến trường nào vậy" khi mà Luân Đôn là một trong những nơi tiếp đón nhiều du khách nhất thế giới với năm 2017 thành phố tiếp đón 19,1 triệu du khách quốc tế. So với thủ đô Washington DC, vốn năm 2017 chỉ có 2 triệu du khách quốc tế đến thăm và ngay cả New York cũng chỉ có 13,1 triệu khách quốc tế đến thăm.

Nhưng tổng thống đã có thành kiến với Âu Châu và nay khi cuộc bầu cử giữa kỳ gần kề, tổng thống lại nhắc lại hình ảnh kinh khủng của di dân ở Âu Châu để biện minh cho những biện pháp nghiêm ngặt ở Hoa Kỳ.

Thực sự thì mức độ của tình hình dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico chưa bao giờ đến mức của vấn đề mà Âu Châu đối diện năm 2015 và 2016. Chỉ xin đơn cử một vài con số. Năm 2015 có hơn 1,3 triệu đơn xin tị nạn chính trị ở Âu Châu so với chỉ có 331.700 đơn ở Hoa Kỳ.

Vả lại hầu hết sự xáo trộn về di dân không phải là về di dân mà là về sự tranh cãi bên trong Liên Hiệp Âu Châu giữa các quốc gia vì có quốc gia cảm thấy gánh nặng chấp nhận và trông nom cho di dân không được chia sẻ công bằng – và rằng chính sách biên giới của liên hiệp không đủ để đối phó với vấn đề. Là một quốc gia thống nhất, Hoa Kỳ sẽ không bao giờ phải đối phó với những chia rẽ như vậy.

Cũng là một sự hiển nhiên là Âu Châu không sụp đổ trong một thứ xáo trộn và rối loạn mà chúng ta sẽ nghĩ nếu chỉ đọc các tweet của tổng thống. Ở Đức, nơi nhiều trăm ngàn di dân và người tị nạn đã tràn vào trong làn sóng đến Âu Châu năm 2015, thống kê chính thức cho thấy là số tội phạm giảm 10% trong năm đó.

Trong khi dân tị nạn và di dân có thể là một gánh nặng ngắn hạn cho ngân quỹ của các quốc gia Âu Châu, cũng có bằng cớ là về lâu về dài di dân có thể đóng góp. Thực vậy, ở Thụy Điển, họ có vẻ đang giúp làm nền kinh tế tăng trưởng.

Kinh tế gia Lars Christensen nói với Bloomberg Businessweek vào mùa Hè năm nay : "Những người tị nạn và di dân đến vào thời điểm đúng nhất", bởi vì Thụy Điển đang thiếu công nhân. Nhờ số di dân này là nền kinh tế Thụy Điển tăng trưởng 3% so với tốc độ trung bình của Âu Châu là 2%.

Chính trị cũng cho thấy một hình ảnh pha trộn không đơn giản. Trên toàn lục địa, những đảng mỵ dân chống di dân đã tìm cách lợi dụng. Một số đã đạt được thành công trong bầu cử – đáng kể nhất là Liên Minh Phương Bắc, đảng đang là một phần của chính phủ liên hiệp ở Ý. Sự thành công của UKIP trong việc thúc đẩy lá phiếu Brexit cũng là một thí dụ thứ nhì. Một số đã thúc đẩy các đảng dòng chính hãy có những lập trường cứng rắn hơn để giữ phiếu bài di dân của cử tri.

Nhưng đó cũng không hẳn là một chiến lược tốt. Đảng Liên đoàn Xã hội Ki-tô Giáo gọi tắt là CSU, đảng đàn em của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Angela Merkel ở Bavaria, đã chọn một chính sách cứng rắn về di dân để chống lại đảng cực hữu và duy trì vị thế mà đảng đã chế ngự ở Bavaria từ nhiều năm nay. Thay vì vậy, trong cuộc bầu cử địa phương hôm 14 tháng Mười, cử tri bỏ chạy. Trong khi cánh cực hữu AfD thắng khá, nhưng đảng ủng hộ di dân, đảng Xanh còn thắng hơn nữa, dành vị thế thứ nhì.

Lãnh tụ đảng Xanh Tarek Al-Wazir ở bang Hesse giải thích : "Chúng tôi là đảng duy nhất đã không bị thúc đẩy trở thành khùng điện vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu".

Nhưng có lẽ tổng thống tin là một lập trường cứng rắn về di dân vẫn tiếp tục là một vấn đề ăn khách ở Hoa Kỳ. Tạp chí online Politico nói là tổng thống và toán thăm dò dư luận của ông tin là những dữ liệu cho thấy biên giới và di dân vẫn còn nhiều âm hưởng đối với cử tri, đặc biệt là trong các cuộc bầu khít khao. Politico viết: "Những người đã nói chuyện với ông về việc này nói ông thề là sẽ đưa ra đề tài đoàn người dầu ở đâu và lúc nào, ngay cả khi ông không bị nhắc nhở bởi những người khác".

Trong tờ The Atlantic, nhà bình luận bảo thủ David Frum viết : "Đối với Tổng thống Trump, đoàn người này tiêu biểu cho một cơ hội chính trị. Đây là loại vấn đề kích thích những người Mỹ bảo thủ – và cho ông được quyền trở thành người bênh vực tức giận và hung hăng cho họ".

Có một điều giống nhau giữa những di dân đến Âu Châu và Hoa Kỳ ngày nay – nhưng có lẽ lại là điều mà tổng thống không muốn nhắc đến.

Ông Nick Miroff của tờ Washington Post viết : "Thời đại của di dân hàng loạt của những công nhân lao động người Mexico đổ vào California và vùng sa mạc của Arizona đã qua rồi" kết thúc từ những chính sách khắt khe hơn và tăng cường phòng vệ biên giới.

Đó là những người tìm đến để làm những công việc như hái rau trái, cắt cỏ, làm vườn. Họ không thực sự là di dân hay dân tị nạn. Nhiều khi họ sang Hoa Kỳ một thời gian rồi trở về quê với một số vốn. Thay vì vậy, những di dân đang đến Hoa Kỳ ngày càng giống những người đến Âu Châu trong những năm gần đây: Những người xin tị nạn, mang theo với họ "những câu chuyện về tra tấn, bị tuyển vào các băng đảng tội ác, bị tống tiền bởi cảnh sát tham nhũng".

Như Âu Châu đã học được, đối phó với những người xin tị nạn vốn có những câu chuyện có thể tin được về bị đàn áp là một tiến trình phức tạp – không những chỉ vì những lý do đạo lý, mà còn về hành chánh nữa. Số những vụ đang chờ ở các tòa án di dân Hoa Kỳ nay lên trên 750.000 hồ sơ và ông Miroff giải thích là những người nộp đơn phải chờ lâu mới có hẹn ra tòa.

Kể cũng mỉa mai là định kiến của tổng thống về di dân bất hợp pháp có thể giúp tạo nên những vấn đề mà nay đang làm ông nổi giận. Việc ông đã làm ồn lên về một đoàn người nhỏ hơn hồi tháng Ba có vẻ đã giúp thúc đẩy đoàn người lớn hơn đang tiến về Hoa Kỳ, trong khi chính sách chia cách gia đình không đủ để làm người ta sợ hãi.

Điệu này rồi Hoa Kỳ có thể gặp một cuộc khủng hoảng di dân kiểu Âu Châu mà tổng thống đã vô tình tạo nên.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 27/10/2018

Published in Diễn đàn

Nhà báo Jamal Khashoggi bị giết tại tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2 Tháng Mười, là một tấm thảm kịch và có nhiều điều bí hiểm. Nó cũng sẽ đánh một đòn nặng lên chính sách của Hoa Kỳ ở Trung Đông.

sda1

Một người biểu tình ăn mặc như Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, và một người khác ăn mặc như Tổng thống Mỹ Donald Trump, biểu tình bên ngoài Tòa Bạch Ốc hôm 19 Tháng Mười, 2018, sau sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi tại tòa lãnh sự Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 2 Tháng Mười. (Hình : Win McNamee/Getty Images)

Nếu chính phủ Trump có thể nói có một chính sách về vùng Trung Đông thì nó tập trung vào Saudi Arabia và nhất là vào Thái tử Mohammed bin Salman, một nhân vật tính tình đồng bóng – hay MbS, như ông thường được biết ở Trung Đông.

Thái tử Saudi đáng lẽ là người mà có thể kết hợp một liên minh chống lại Iran, làm hòa với Israel, đối đầu với giới tu sĩ ở ngay chính nước mình, và giúp tiêu diệt ISIS ở tại Saudi và ở ngoại quốc. Bản thân ông sẽ cởi mở xã hội Saudi và chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế – đặc biệt đưa những hợp đồng béo bở cho các công ty Hoa Kỳ trong khi thực hiện những mục tiêu đầy tham vọng đó.

Sự quan trọng của Saudi Arabia đối với Tổng thống Donald Trump đã được nhấn mạnh khi lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ đi công du từ khi nhậm chức ông đã chọn đến Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia. MbS nhanh chóng trở thành bạn chí thân với Jared Kushner, con rể của tổng thống. Cả hai đều trạc tuổi ba mươi và cùng nhau họ âm mưu sắp đặt lại địa lý chính trị vùng Trung Đông.

Nhưng cuộc tấn công lấy cảm tình của Thái tử MbS vượt ra khỏi gia đình ông Trump. Thái tử đã từng tiếp đón những nhà báo bị mê hoặc vì lập trường canh tân của ông. Ông gửi những text tán dóc với những nhân vật quan trọng ở Washington. Trong một lần đến thăm Hoa Kỳ, MbS thân mật với những người có thể nói là hoàng gia của Hoa Kỳ – những Bill Gates, Mark Zuckerberg và Rupert Murdoch.

Tuy nhiên, ngay cả một số những người trong fan club của MbS cũng phải ngần ngại. Một quan sát viên Tây phương chuyên về Saudi Arabia nhận xét với tờ Financial Times "Câu hỏi của tôi luôn là đặt ông ta vào chỗ nào trong một quang phổ từ Lý Quang Diệu đến Saddam Hussein". Nói cách khác, liệu MbS có nên được coi là một nhà dựng nước đầy viễn kiến tuy độc đoán như ông Lý Quang Diệu hay là một kẻ độc tài không kiểm soát được như ông Saddam Hussein.

Những người lý luận là lãnh tụ trẻ tuổi của Saudi, trên hết, là nguy hiểm có nhiều bằng cớ đáng ngại để chứng minh : Một cuộc chiến tiếp tục leo thang ở Yemen vốn đã tạo một thảm họa nhân đạo mà không biết bao giờ kết thúc ; một cuộc tranh chấp không cần thiết với nước láng giềng Qatar, dẫn đến một cuộc phong tỏa do Saudi lãnh đạo nhưng không đạt được kết quả ; cầm tù một thời gian thủ tướng của một quốc gia khác, thủ tướng Lebanon, để bắt ông ta từ chức nhưng cũng thất bại ; một vụ tống tiền nhiều nhà kinh doanh giàu có nhất Saudi Arabia ; và bỏ tù nhà báo và các nhà tranh đấu cho nhân quyền – kể cả một số như ông Khashoggi, đã bỏ trốn ra ngoại quốc.

Mặc dầu vậy, bất chấp mọi sự, cho đến nay, nói chung các tòa đại sứ Tây phương vẫn lạc quan về MbS, nói là căn bản ông ta "là một việc tốt" nếu hơi quá hung hăng. Quyết định của thái tử cho phép phụ nữ lái xe có lẽ là một đòn tuyệt vời trong việc ảnh hưởng dư luận thế giới.

Không ai để ý đến việc là tuy phụ nữ nay được lái xe nhưng họ vẫn không được đi làm chứ đừng nói đến tham gia chính trường. Cũng không ai để ý khi chỉ vài ngày sau khi cho phụ nữ được lái xe, ông cho bắt bỏ tù tất cả những nhà tranh đấu cho nữ quyền. Trong khi đó, liên minh ngầm của ông với Israel trong việc ngăn chặn Iran cũng đã hết sức quan trọng trong việc giữ cho ông được Tòa Bạch Ốc mến chuộng.

Nhưng vụ có vẻ là sát hại ông Khashoggi đã thay đổi khá nhiều thái độ của Tây phương đối với MbS. Mặc dầu vô cùng tinh vi và hiểu biết khi thao túng những người tạo dư luận ở Hoa Kỳ và Âu Châu, thái tử rõ ràng không hiểu ảnh hưởng tiềm tàng của một hành động tàn bạo và trơ tráo đến thế.

Khác với những gia đình Yemen đã là nạn nhân của những cuộc không kích và bom đạn của Saudi, ông Khashoggi là một nhà bình luận cho tờ Washington Post. Truyền thông Hoa Kỳ nay đã hết sức bất mãn và Quốc Hội đang đe dọa cấm vận Saudi Arabia. Ngay cả tổng thống cũng có lúc hứa hẹn hậu quả "trầm trọng" nếu Saudi quả đã được chứng minh có tội.

Ảnh hưởng của vụ này đã thấy rõ khi đến Bộ Trưởng Tài Chánh Hoa Kỳ Steven Mnuchin và Bộ Trưởng Ngoại Thương Anh Quốc Liam Fox đã quyết định rút lui khỏi hội nghị thượng đỉnh mang cái tên Sáng Kiến Đầu Tư Tương Lai, vốn đã được tuyên truyền sẽ là một thứ diễn dàn Davos trong sa mạc. Hơn thế, ông Mnuchin đã tweet là ông đã có quyết định đó sau khi tham khảo ý kiến với Tổng thống Trump và Ngoại Trưởng Mike Pompeo.

Tuy vậy, ngay cả nếu chính phủ Hoa Kỳ nay không còn ảo tưởng về MbS nữa, cuối cùng thì họ cũng không thay đổi bao nhiêu trong chính sách. Các viên chức Tây phương biết rõ tầm quan trọng kinh tế và chiến lược của Saudi Arabia. Vương quốc là quốc gia xuất cảng dầu thô lớn nhất thế giới và quốc gia nhập cảng vũ khí nhiều nhất thế giới.

Với giá dầu thô đã bắt đầu tăng vì tái lập cấm vận với Iran, vai trò của Saudi như là một nhà sản xuất tối hậu có thể tăng cường đủ để đáp ứng cho giá đừng tăng vọt lại càng quan trọng hơn. Tổng thống Trump, một người bị ám ảnh về xuất cảng, đã nói rõ là ông rất ngần ngại trong việc nhường thị trường vũ khí của Saudi cho Nga hay Trung Quốc – và ông không phải là người duy nhất có quan ngại này, tuy ông thường hay nói huỵch toẹt.

Không có một liên hệ tốt với Saudi Arabia thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Trung Đông sẽ còn sụt giảm hơn nữa. Và khác với Hoa Kỳ, Nga nay có thể khoe khoang là họ có một liên hệ vững chãi với Iran, Saudi Arabia, Israel, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự đóng góp tích cực của Nga vào cuộc chiến ở Syria có nghĩa là nay họ có một vai trò lớn hơn trong các hòa đàm ở Syria vốn sẽ ấn định thăng bằng quyền lực trong vùng.

Hoa Kỳ, vốn có thời là kẻ chi phối vùng Trung Đông, nay có một số liên hệ giới hạn hơn là Nga. Hoa Kỳ, qua việc rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đã cắt đứt mọi liên hệ với Iran, và liên hệ của Hoa Kỳ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục khó khăn – mặc dầu Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tự do cho Mục sư Andrew Brunson, một mục sư người Mỹ đã bị giữ từ hai năm nay vì cáo buộc tình báo. Nếu Hoa Kỳ nay thực hiện đe dọa sẽ trừng phạt "nghiêm khắc" Saudi Arabia, hành động này sẽ gây thù oán với các quốc gia vùng Vịnh, và có thể dẫn đến sự việc là Hoa Kỳ sẽ không còn một đồng minh thân thiết nào trong vùng – trừ Israel.

Vì những lý do đó, chắc là chính phủ Trump sẽ làm đủ cách để giới hạn những ảnh hưởng xấu ngoại giao của vụ Khashoggi – và ngay cả Quốc hội có lẽ cũng sẽ thận trọng trong việc trừng phạt. Với thực tế khó nuốt của realpolitik, thật khó mà kết tội họ.

Nhưng cái ý tưởng là Hoa Kỳ có thể xây dựng một đại chiến lược cho một vùng lúc nào cũng như một thùng thuốc súng dựa trên một nhân vật điên cuồng như MbS nên được từ bỏ đi là vừa. Machiavelli chả đã nói "Đừng đặt niềm tin vào các ông hoàng", đặc biệt là các ông hoàng Ả Rập. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 20/10/2018

Published in Diễn đàn

Trong khi Hoa Kỳ đang tập trung một cách cận thị vào việc chuẩn thuận một thẩm phán cho tòa án tối cao, chính phủ Donald Trump bị cáo buộc đang làm khách bàng quan cho tình trạng vô luật lệ trên toàn thế giới.

Sự biến mất của chủ tịch tổ chức điều phối cảnh sát quốc tế Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, mà sau cùng được nhà cầm quyền Trung Cộng công nhận đã cầm giữ.

tongthong1

Tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông. (Hình : Mark Wilson/Getty Images)

Trong khi đó ngày càng có thêm những bằng cớ cho thấy sự liên hệ của Moscow đối với vụ đầu độc bằng hóa chất ở Salisbury bên Anh.

Rồi đến vụ án mạng kinh khủng của ông Jamal Khashoggi, nhà báo Saudi Arabia đã mất tích mà nhà chức trách ở Thổ Nhĩ Kỳ nghi đã bị một toán công an bên trong tòa tổng lãnh sự của vương quốc ở Istanbul thủ tiêu và chặt thành nhiều mảnh.

Tất cả những sự kiện này đều chỉ cho chúng ta đến một thế giới rối loạn, vô trật tự : của một sự đang thụt lùi về một giai đoạn biến động ; một thời đại mới của những chính quyền độc tài cá nhân trị và sự thối lui của luật pháp quốc tế.

Cũng phải thêm đó là thế giới trước thế chiến, thời đại của những giai đoạn ngoại giao tàu chiến (gun boat diplomacy) khi một quốc gia đem quân tới buộc một quốc gia khác phải tuân thủ ý muốn của mình. Nhưng sau Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ đã coi mình trở thành kẻ bảo vệ cho tiêu chuẩn, một sự lãnh đạo đạo đức qua làm gương, cảnh sát cho một thế giới để bảo vệ cho những hành vi xấu không được dung túng.

Dĩ nhiên đó là một lý tưởng mà không quốc gia nào có thể đạt được, nhưng dầu sao chăng nữa, thế giới vẫn coi Hoa Kỳ là ngọn hải đăng, là thánh đường lý tưởng trên đỉnh đồi. Việt Nam cộng sản thường tức tối nói đến Hoa Kỳ như là "một sen-đầm quốc tế", nhưng chính nhờ có người "sen đầm" – nói trại của chữ gendarme – mà thế giới đã có mấy thập niên ổn định và Hoa Kỳ đã trở thành cường quốc số một của thế giới, không phải chỉ nhờ vũ lực mà còn vì một sức mạnh đạo đức và tâm linh.

Nhưng mấy tuần lễ vừa qua đã đẩy thế giới đến một sự thức tỉnh là Tổng thống Donald Trump không muốn đóng vai trò đó nữa. Nó cũng cho chúng ta thấy là chủ thuyết ái quốc của ông đang có nguy cơ bị những quốc gia khác diễn dịch như là chủ thuyết cho tự do hành động, muốn làm gì thì làm.

Phải chăng trong cái đỏ, trắng, và xanh của chính sách America First, những quốc gia khác đã thấy một sự bật đèn xanh cho họ hành động mà không sợ phải trả giá.

Hôm thứ Tư, 10 tháng Mười, tổng thống Trump diễn tả vụ mất tích của ông Jamal Khashoggi là "rất nghiêm trọng" và nói chính phủ của ông đã nêu vấn đề này "ở cấp cao nhất" với Riyadh. Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, và con rể kiêm cố vấn cho vùng Trung Đông Jared Kushner, đã điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, người hiện nay cầm đầu Saudi Arabia trên thực tế. Những kế hoạch cũng được dự trù cho ý trung nhân của nhà báo, cô Hatice Cengiz được tiếp kiến ở Tòa Bạch Ốc.

Nhưng tổng thống đã ngưng lại không lên án hay chỉ trích Saudi Arabia, ngay cả khi tờ Washington Post tường thuật là tình báo Hoa Kỳ đã có được những thông tin liên lạc giữa các viên chức Saudi âm mưu vụ bắt cóc ông Khashoggi, một nhà bình luận của tờ Post và là một nhà chỉ trích nổi tiếng chính quyền Saudi Arabia. Trong khi tổng thống thường tweet đủ thứ, vụ mất tích của ông Khashoggi đã vắng bóng trên địa chỉ Twitter của ông, vốn là phương tiện mà ông thích nhất để bày tỏ tức giận.

Ông đã không nhắc nhở gì đến những chuyện này ở trong các cuộc vận động tranh cử, một diễn đàn mà ông thường sử dụng để bày tỏ những cảm giác thầm kín nhất của ông. Tuy ông cười hôm tối thứ ba khi những người ủng hộ ông ở Iowa đưa ra lời hô "Lock Her Up" với Thượng nghị sĩ Diane Feinstein, người đứng đầu bên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tư pháp Thượng viện, ông không đả động gì đến sự mất tích của nhà báo.

Rõ ràng là Tòa Bạch Ốc muốn tránh chuyện vội vàng kết án và nói là họ đang "đòi hỏi" trả lời từ Riyadh. Nhưng cũng có thể là sự né tránh này của tổng thống chỉ là để che giấu việc tránh không muốn khiển trách các đồng minh Saudi chăng ? Cho một vị tổng thống vốn chưa bao giờ tỏ ra ngần ngại, nó dễ dàng được coi như là cố tình trì hoãn và một sự từ chối trách nhiệm lãnh đạo truyền thống của Hoa Kỳ.

Ngay cả các nhân vật Cộng hòa của tổng thống ở Điện Capitol còn lên án nặng nề hơn. Thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, nói là "sẽ chắc chắn có hậu quả" nếu nó thực sự là do phía Saudi thực hiện. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, bạn đánh golf với tổng thống và một người đã mạnh mẽ bênh vực thẩm phán Kavanaugh, nói nó sẽ "tai hại" cho liên hệ Saudi-Hoa Kỳ. Không có một khuyến cáo công khai nào như vậy đến từ Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Trump đã làm bạn với thái tử, và đã vô cùng cương quyết trong sự ủng hộ của ông cho hàng lãnh đạo ở Saudi. Chuyến công du quốc tế đầu tiên của ông là đến Saudi Arabia, nơi ông đã tham dự vào một nghi thức hầu như là thần bí trong đó ông đã đặt tay lên một quả cầu rực sáng. Chính phủ Trump đã ủng hộ chương trình bỏ bom do Saudi lãnh đạo ở Yemen, một phần trong cuộc chiến gián tiếp của Riyadh với Tehran.

Hồi tháng Mười Một năm ngoái, tổng thống đã ủng hộ một cuộc thanh trừng trong các hoàng tử, nhà kinh doanh và bộ trưởng dưới chiêu bài của một cuộc chiến chống tham nhũng. Ông cũng đã chấp thuận một chương trình bán vũ khí 1 tỷ USD cho vương quốc. Ngay thứ Tư vừa qua, tổng thống đã nhắc lại sự cảm phục của ông cho thái tử 33 tuổi, gọi ông là "một người tốt". Ông tiếp tục nói về thái tử với một sự tự hào hầu như là của một người cha.

Một trong những yếu tố nổi bật của chính sách ngoại giao của tổng thống đã là việc ông miệt thị những đồng minh thân cận nhất và chào đón những lãnh tụ nào nịnh bợ ông, bất chấp thành tích nhân quyền của họ.

Hiện nay, ngoại trưởng Mike Pompeo đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thứ nhì với nhà độc tài Kim Jong-un. Và tuy là nhà độc tài này đã bị cáo buộc những hành vi tàn bạo trong đó có dùng súng phòng không để xử tử và bắt giam đến 130.000 người Bắc Hàn trong các trại tập trung, tổng thống đã nói với một cuộc meeting bầu cử ở West Virginia hôm tuần trước là ông đã "cảm thấy yêu mến" lãnh tụ Bắc Hàn ở Hội nghị Thượng đỉnh Singapore. Không hiểu tổng thống có nhớ đây cũng chính là người đã ra lệnh cho nhân viên ám sát người anh cùng cha khác mẹ bằng vũ khí hóa học.

Tổng thống cũng ca tụng tổng thống độc tài Abdel Fattah al-Sissi, người đã đàn áp không nương tay mùa Xuân Ả Rập ở Ai Cập, diễn tả ông là "một người tuyệt vời". Ông cũng ca tụng ông Rodrigo Dutertes, tổng thống Philippines, cho "một công việc khó tin về vấn đề ma túy", mặc dầu cái gọi là cuộc chiến chống ma túy, theo Human Rights Watch, đã giết chết 12,000 người mà nhà cầm quyền bảo là những kẻ buôn ma túy và người sử dụng ma túy, nhưng rất nhiều là vô tội.

Ông cũng cho ông Recep Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ "điểm rất cao", mặc dầu ông Erdogan đang làm hết sức để phá hủy nền dân chủ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và dĩ nhiên không thể không nhắc đến sự việc là ông từ chối chỉ trích ông Vladimir Putin. Có lẽ chúng ta phải quay trở lại những ngày mà tổng thống mới nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn với ông Bill Reilly của Fox News, khi ông Reilly nói "Putin là một kẻ sát nhân", tổng thống bèn gân cổ lên cãi : "Có rất nhiều kẻ sát nhân. Chúng ta có rất nhiều kẻ sát nhân. Bộ anh tưởng là đất nước của chúng ta vô tội lắm hả?"

Ngoài chuyện vô lý khi đề nghị một sự cân bằng đạo đức giữa cái trò côn đồ của điện Kremlin với hành động của nhiều chính phủ Hoa Kỳ, lời nói của ông đã đưa ra một chỉ dấu chấm dứt một sự khác biệt của Hoa Kỳ, ý tưởng là Hoa Kỳ phải bắt các quốc gia khác tuân theo một tiêu chuẩn đạo đức cao hơn và chính Hoa Kỳ là biểu tượng cho tiêu chuẩn cao quý đó.

Sự ra đi của bà Nikki Haley cũng là một điều đáng ghi nhận. Khi bà rút khỏi chức vụ đại sứ Liên Hiệp Quốc vào cuối năm nay, chính phủ sẽ mất đi một trong những người bênh vực công khai nhất cho các tiêu chuẩn quốc tế.

Không phải bất cứ tội ác quốc tế nào cũng không bị trừng phạt. Hai lần tổng thống đã ra lệnh cho không kích giới hạn vào chính quyền Assad để trả đũa cho việc họ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nhưng tổng thống cũng thường ngần ngại sử dụng những biện pháp trừng phạt với các kẻ vi phạm luật lệ quốc tế. Trong cuốn "Fear", ông Bob Woodward nói là tổng thống đã nổi giận khi các phụ tá thúc đẩy ông trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và tình nghi gián điệp để trả đũa cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Salisbury. Ông muốn một phản ứng giới hạn hơn.

Nó cũng không giúp gì cho đạo đức thế giới khi tổng thống đã tấn công mãnh liệt vào những cơ quan truyền thông đứng đắn nhất của Hoa Kỳ, gọi họ là "kẻ thù của nhân dân". Tờ Washington Post và tờ New York Times là tệ nhất. Cũng vậy, sự tấn công vào báo chí tự do được diễn dịch trên toàn thế giới bởi những nhà độc tài là họ tha hồ đàn áp đối lập.

Thời gian gần đây Hoa Kỳ còn tấn công Tòa Án Hình Sự Quốc tế. Ông John Bolton đã khuyến cáo tòa là nếu họ điều tra Hoa Kỳ hay Israel thì chính phủ sẽ cấm các thẩm phán và công tố viên của tòa vào Hoa Kỳ, chiếm dụng ngân quỹ của họ và đưa họ ra trước tòa án Hoa Kỳ.

Và ngay cả ngành tư pháp Hoa Kỳ nữa. Thật là đáng ngạc nhiên khi thấy lễ tuyên thệ nhậm chức của Thẩm Phán Brett Kavanaugh ở Tòa Bạch Ốc đã trở thành một cuộc meeting chính trị của đảng Cộng Hòa. Chả trách vài vị thẩm phán đã tỏ ra ngượng ngùng trước sự công khai chính trị hóa một tòa án trên nguyên tắc phải đứng trên chính trị.

Và tuần này tổng thống nói đến những kẻ "evil", một chữ mà những vị tiền nhiệm của ông, như Tổng thống Ronald Reagan dùng để chỉ đế quốc Liên Xô, hay Tổng thống George W. Bush gọi Bắc Hàn. Nhưng không phải ông nói đến những kẻ độc hại cho thế giới mà là về những người đã cáo buộc người mà ông đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.

Thế ra ngày nay, những lời nguyền rủa mạnh mẽ nhất của tổng thống Hoa Kỳ là dành cho những người mà ông coi là kẻ thù trong nước. Thật đáng buồn Hoa Kỳ không có khái niệm "Đối lập trung thành" bởi vì cái đà này có ngày tổng thống cảm thấy đối lập đáng bỏ tù hết.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 13/10/2018

Published in Diễn đàn

Một trong những lợi thế của ông Donald Trump, nhất là đối với nhóm người ủng hộ nồng nhiệt ông, là ảo tưởng rằng ông đến từ một loại đặc biệt trong hàng ngũ nhà giàu Hoa Kỳ.

giau1

Theo tờ Times, cậu Donald Trump đã thừa hưởng từ phụ thân, cụ Fred Trump, một số tiền tương đương với 400 triệu USD. (Hình : Lương Thái Linh/AFP/Getty Images)

Một lần, theo bình luận gia Edward Luce trên tờ Financial Times, ông được một người ngoại quốc hỏi, thế "white trash" có nghĩa là gì, tổng thống đã trả lời "Họ giống hệt như tôi. Chỉ có điều họ nghèo".

Chúng tôi không dám định nghĩa chữ "white trash", nhưng hẳn nó không dùng để tả những công tử nhà giàu như tổng thống. Bởi quả thật, trên lãnh vực tài chánh, tổng thống chia sẻ những bản chất căn bản của các công tử nhà giàu.

Cuộc điều tra thật là cặn kẽ của tờ New York Times đã phá hủy mọi điều gì có thể giúp cho cái ảo tưởng mà tổng thống tạo ra cho những người ủng hộ rằng ông là một người tự lập.

Theo tờ Times, cậu Donald Trump đã thừa hưởng từ phụ thân, cụ Fred Trump, một số tiền tương đương với 400 triệu USD tính theo đồng tiền hiện nay. Hơn thế ông đã sử dụng mọi mánh khóe – kể cả một số được nói là gian lận, nhưng luật sư của ông bác bỏ – để tránh đóng thuế trên số tiền gia tài đó.

Thực ra chỉ có cái lối ăn nói của tổng thống là làm cho ông khác thường, bởi vì đó không phải là lối ăn nói của một công tử con nhà giàu tốt nghiệp từ những trường đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ. Nhưng trên lãnh vực tài sản, ông thực đáng làm tổng thống cho thời đại.

Tạp chí Forbes, trong danh sách 400 người giàu nhất Hoa Kỳ, vốn mới được phổ biến tuần này, đặt mức tối thiểu là 2,1 tỷ USD. Tổng thống đứng hạng 259 với tài sản 3,1 tỷ USD. Khoảng một phần ba những nhân vật có tên trong danh sách những người giàu nhất này, cũng như tổng thống, thừa hưởng gia tài của mình. Nhiều những nhà siêu tỷ phú cau mày khi tổng thống mở miệng. Nhưng cô Ivanka Trump và ông rể Jared Kushner đã hoàn toàn thoải mái trong giới nhà giàu ở New York.

Hoa Kỳ, mặc dầu chê bai những quốc gia như Anh Quốc là bị hệ thống tiền bạc và quyền thế đè nặng, có một hệ thống cũng có khác bao nhiêu hệ thống của Anh Quốc. Trường học cho những "công tử" như Thẩm Phán Brett Kavanaugh chẳng hạn có khác gì các trường tư như Eton hay Harrow của Anh. Hoa Kỳ cũng có một hệ thống bảo trợ cho nhau qua các trust gia đình và gia tài. Và chính phủ Trump đã phục vụ tốt cho quyền lợi của giai cấp của mình. Điều tạo sự chú ý trong luật thuế hồi tháng Mười Hai của tổng thống là điều khoản cắt thuế doanh nghiệp. Những nhà giàu còn có thêm lý do để ăn mừng. Đạo luật tăng gấp đôi trần cho số tiền trên đó mới phải trả thuế thừa tự.

Các ông bà nhà giàu nay có thể "che chở" cho các cô cậu khỏi phải trả một xu thuế nào trong 22 triệu đầu mà họ được thừa hưởng. Trần trước đã cao rồi, ngay cả theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Vào đầu thế kỷ này chỉ có 2% các gia tài Hoa Kỳ trả thuế thừa tự. Nay con số đó xuống chỉ còn có 1%. Đó là theo Ủy Ban Hỗn Hợp Về Thuế Vụ.

Thế là những cậu Trump tương lai sẽ không cần phải có những cố gắng để che giấu số gia tài kếch xù mà bố mẹ để lại cho. Hẳn có lẽ tổng thống còn nhớ những khó khăn thời thơ ấu, phải lén lút che giấu nên đã lo liệu trước cho con cháu. Nhiều nhà giàu ở Hoa Kỳ có thể than thở về những giá trị và tiêu chuẩn xã hội của tổng thống. Nhưng thật khó có thể kiếm được ai trong đám họ chống lại luật thuế của ông.

Dĩ nhiên khi ông còn vận động tranh cử, những điều ông nói đã gây lo ngại. Ông là nhân vật đầu tiên ra ứng cử đại diện cho đảng Cộng hòa hứa sẽ đóng lại những "lỗ hổng được gọi là carried interest hay carried", vốn cho phép các quỹ đầu tư mạo hiểm hedge fund và quỹ private equity trả thuế cho những lợi nhuận của họ thấp xa hơn mức thuế lợi tức bình thường. Ông cũng là người duy nhất hứa hẹn sẽ dùng tiền thuế của nhân dân để tiêu vào hạ tầng cơ sở.

Đáng lẽ họ khỏi lo bởi vì tổng thống nói vậy mà không phải vậy. Luật thuế của tổng thống đã để cho những hedge fund hoàn toàn không bị đụng tới. Và nay thì chả thấy ông nhắc nhở gì đến hạ tầng cơ sở, dầu là chỉ nói cho vui.

Người ta có thể hy vọng chuyện đó sẽ thay đổi nếu đảng Dân chủ chiếm được kiểm soát Quốc Hội vào tháng Mười Một. Nhưng triển vọng tổng thống và bên Dân chủ có thể đồng ý để có một thỏa thuận thật là khó xảy ra. Nếu họ thắng, một trong những điều đầu tiên bên Dân chủ làm sẽ là đưa trát đòi những tờ khai thuế của tổng thống. Tờ Times đã làm họ thêm tò mò.

Thế ông Trump có phải là vị tổng thống xứng đáng cho Hoa Kỳ không ? Đứng về phương diện giá trị xã hội, câu trả lời dĩ nhiên là không. Khá nhiều người Mỹ đã chống lại ông Brett Kavanaugh, người mà tổng thống đề cử vào Tối cao Pháp viện, bởi vì sợ là ông sẽ xói mòn quyền phá thai, bảo vệ cho hôn nhân đồng tính, và những tiến bộ lịch sử khác. Lời hô hoán tức giận của ông Kavanaugh về cáo buộc tấn công tình dục đã biến ông thành biểu tượng của sự kiêu căng của đàn ông.

Nhưng lý lịch của ông điển hình của các công tử quyền quý ở Hoa Kỳ. Ông Kavanaugh khoe là ông đã "học cực lực" để vào được Yale và không được hưởng lợi của "bất cứ một liên hệ nào". Nhưng như đã nêu ở trên, ông đã học ở một trường tư ở Washington mà nhiệm vụ chính là làm sao đào tạo cho các cậu vào các trường Ivy League. Những cựu học sinh nổi tiếng khác của Georgetown Prep bao gồm ông Neil Gorsuch, thẩm phán Tối cao Pháp viện được ông Trump đề cử, và ông Jay Powel, thống đốc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ, ngân hàng Fed. Mà nào phải chỉ có một đời. Ông nội của ông Kavanaugh cũng theo học ở Yale.

Cũng như ông Trump, ông Kavanaugh không phải là tiêu biểu cho những điều mà xã hội thượng lưu Hoa Kỳ tôn trọng. Giới quyền quý Hoa Kỳ không thích những gì họ thấy. Nó làm sai lệch thế giới trong tầm nhìn của họ : dựa trên khả năng, công bằng và đúng đắn về chính trị.

Hai ông Trump và Kavanaugh đã trình bày những điều kỳ cục của mặt trái của giới thượng lưu Hoa Kỳ. Trong trường hợp ông Kavanaugh nó đã làm lộ cái mặt nạ của một người đàn ông muốn bắt chước Nữ thần Công lý. Trong trường hợp ông Trump nó là một tổng thống củng cố cơ cấu kinh tế duy trì cho giới quyền quý.

Tổng thống Trump biết là nhóm quyền quý ở Hoa Kỳ muốn "have their cake and eat it too", hay như các cụ ta nói "được ăn, được nói, được gói mang về". Ai mà chả không muốn như vậy. Chúng ta chả bao giờ có cơ hội nhưng nếu có trúng số độc đắc thì hẳn cũng thích những gì tổng thống làm cho khối quyền quý. Họ có thể chê bai ông nhưng họ không từ chối những món quà ông đã trao cho họ. Bởi chỉ có nhà giàu mới hiểu quyền lợi của nhà giàu để bảo vệ cho nhau. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 06/10/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 24 juillet 2018 20:48

Những lời của tổng thống

Câu chuyện của cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin ở Helsinki khởi đầu với một tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ. Tình trạng tệ hại của liên hệ Nga-Mỹ hiện nay, ông tweet, không phải là lỗi do chính phủ Nga chiếm đoạt Crimea, bắn hạ một chuyến bay hàng không dân sự, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ hay sử dụng những độc chất bị cấm để giết công dân của một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ ngay trên đất mình. Không, đó, theo tổng thống là lỗi của “sự ngu ngốc và đần đồn và nay, cuộc Săn Phù Thủy Gian Lận”.

loi1

Sẽ có những người có trách nhiệm lo ngại về những hứa hẹn mà tổng thống đã đưa ra. Ảnh minh họa

Cuộc gặp gỡ đó kết thúc với một cuộc họp báo chung vốn đã khiến cả thế giới sửng sốt, những nhà báo lão luyện của nền báo chí Hoa Kỳ, những thông tín viên Tòa Bạch Ốc, ngơ ngác sững sờ, và khiến Thượng nghị sĩ John McCain, một thượng nghị sĩ Cộng Hòa cùng đảng với tổng thống, diễn tả là “một trong những mà trình diễn xấu hổ nhất của một tổng thống Hoa Kỳ trong giai đoạn gần đây”.

Giữa cái tweet mở đầu và cuộc họp báo kết thúc là một khoảng trống. Chúng ta không biết trong gần hai tiếng đồng hồ hai ông gặp nhau với chỉ có thông dịch viên, họ nói với nhau về điều gì. Sẽ có những người có trách nhiệm lo ngại về những hứa hẹn mà tổng thống đã đưa ra. Sẽ có những nhân viên tình báo mất ngủ vì không biết những điều gì ông Putin đã nói ra để “dụ dỗ” tổng thống.

Nhưng ngoài điều đáng lo ngại đó, những gì xảy ra ở cuộc họp báo chỉ là xác nhận những điều mà Hoa Kỳ và thế giới đã biết về tổng thống Hoa Kỳ. Ông Trump nghĩ là thế giới hưởng lợi khi Hoa Kỳ và Nga có liên hệ thân thiết, và rằng “Hoa Kỳ đã ngu dốt” về điểm này. Ông coi phán xét của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ là Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 là một sự sỉ nhục cá nhân, một cáo buộc là ông đã cần phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài để đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ông sẵn sàng tin vào lời của một cựu điệp viên KGB (i.e. ông Putin) hơn là lập trường của CIA hay FBI về điểm này. Những người Mỹ nào đặt câu hỏi về sự việc này sẽ bị diễn tả bởi tổng thống của mình là kẻ thù của nhân dân. Cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller là “một thảm họa cho đất nước chúng ta.” Thật là chướng tai gai mắt khi thấy tổng thống nói những điều này đứng trên cùng một diễn dàn kế bên ông Putin, nhưng cũng phải xin đây là những điều ông đã nói rồi, rất nhiều lần. Đây không phải là một màn trình diễn. Ông thực sự tin vào những điều đó.

Tờ The Economist ghi nhận là có một đoạn vào cuối cuộc họp báo, mà theo tờ báo đáng được chép lại nguyên văn bởi nó cho chúng ta một thí dụ điển hình của lối suy nghĩ của tổng thống.

Phóng viên, Associated Press : Tổng thống Trump chỉ tay, anh trước. Vừa qua, Tổng thống Putin bác bỏ liên hệ gì với việc can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Mỗi cơ quan tình báo Hoa kỳ đã kết luận là Nga đã can thiệp. Câu hỏi đầu tiên cho ông, sir, là : ông tin ai ? Câu hỏi thứ nhì là : liệu ông nay, với toàn thế giới đang xem, nói với Tổng thống Putin, liệu ông có lên án chuyện đã xảy ra năm 2016 và liệu ông có muốn ông ta không bao giờ lập lại hành động đó nữa ?

Tổng thống Trump : Để tôi chỉ nói là chúng ta có hai ý nghĩ. Chúng ta có những nhóm đang tự hỏi tại sao FBI chưa bao giờ lấy máy chủ. Tại sao họ không lấy máy chủ ? Tại sao FBI được bảo rời khỏi văn phòng của Ủy Ban Quốc gia đảng Dân chủ ? Tôi đã nghĩ về điều dó. Tôi đã hỏi từ nhiều tháng và nhiều tháng và tôi đã tweet về nó và nêu nó trên truyền thông xã hội. Máy server đó đâu rồi ? Tôi muốn biết cái server đó ở đâu và cái server đó nói gì ? Với điều đó nói rồi, tất cả tôi chỉ có thể là hỏi những câu hỏi. Những người của tôi đến với tôi, Dan Coats [giám đốc tình báo quốc gia], đến với tôi và một vài người nữa và họ nói họ nghĩ là Nga. Tôi có Tổng thống Putin. Ông ta chỉ nói nó không phải là Nga. Tôi sẽ nói điều này : Tôi không thấy bất cứ lý do nào nó phải là vậy. Nhưng tôi thực sự muốn thấy cái server, nhưng tôi có, tôi tin tưởng vào cả hai phe. Tôi thực sự nghĩ là việc này sẽ tiếp tục một thời gian nhưng tôi không nghĩ là nó có thể tiếp tục mà không tìm xem chuyện gì xảy ra cho server. Chuyện gì xảy ra cho cái server của ông Pakistani làm cho Đảng Dân chủ ? Những cái servers dó đâu rồi ? Chúng biến mất. Chúng ở đâu ? Chuyện gì xảy ra cho emails của Hillary Clinton ? 33,000 emails biến mất, chỉ biến mất. Tôi nghĩ ở Nga chúng sẽ không biến mất dễ dàng như vậy. Tôi nghĩ đó là một sự sỉ nhục là chúng ta không thể có 33,000 emails của Hillary Clinton. Tôi có tin tưởng lứon vào những người tình báo của tôi nhưng tôi sẽ bảo với quý vị là Tổng thống Putin là rất mạnh và rất cương quyết trong việc bác bỏ hôm nay và ông đã đưa ra một đề nghị đáng kinh ngạc. Ông đề nghị cho những người làm việc về vụ này đến và làm việc với những nhà điều tra của họ, về cái vụ 12 người [ý ông nói đến các sĩ quan tình báo quân đội GRU của Nga đã bị chính bộ Tư Pháp cáo buộc]. Tôi nghĩ đó là một đề nghị đáng kinh ngạc. Ok ? Cảm ơn.

Thật khó mà có thể tuởng tuợng sự mỉa mai trong đề nghị của ông Putin mà tổng thống coi là “thật kinh ngạc đó.”

Nếu quý vị độc giả đang dụi mắt để xem có phải mình đọc lầm hay không, thì xin chuẩn bị kiên nhẫn thêm một chút bởi quý vị không đọc lầm và câu chuyện chưa hết.

Ngày thứ ba 17 vừa qua, một ngày sau cuộc họp báo đó, tổng thống tiếp tục câu chuyện :

Tổng thống Trump : Tôi chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo của chúng ta là việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 có xảy ra. Cũng có thể có những người khác nữa. Có rất nhiều người ở ngoải. Trong một câu quan trọng trong lời nói của tôi, tôi nói chữ sẽ thay vì sẽ không (would thay vì wouldn’t). Câu đó phải là ‘Tôi không thấy có lý do nào tại sao nó không phải là Nga.’ Một thứ hai lần phủ định. Thành ra quý vị có thể cho vào đó, và tôi nghĩ điều đó sẽ làm rõ mọi sự.”

Nếu quý vị tự hỏi là chuyện gì cái máy chủ của ban vận động của bà Clinton cũng như của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ dính líu gì đến chuyện tổng thống tin vào ông Putin hay tin vào cộng đồng tình báo Hoa Kỳ thì xin thưa nó là cái lối nói đánh lạc hướng của tổng thống. Một câu hỏi có thể trả lời bằng một câu đơn giản : “Tôi tin hay tôi không tin” đã thành một câu trường giang đại hải không ra đầu mà cũng chẳng ra đuôi gì cả.

Và ngay cả khi ông đính chính nói là “chấp nhận kết luận của cộng đồng tình báo” ông cũng vẫn phải thêm “Cũng có thể có những người khác nữa. Có rất nhiều người ở ngoải.”

Thật mỉa mai là tổng thống đã không thể chấp nhận được là công nhận Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử không có nghĩa là : thứ nhất, tổng thống và ban vận động của ông đồng lõa với Nga ; và thứ nhì, việc can thiệp của Nga không dính líu gì đến chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử. Có lẽ ở một khía cạnh nào đó, tổng thống không đủ tự tin để nghĩ là mình có thể thắng cử nên ông cương quyết không chấp nhận là có thể có một sự can thiệp của Nga.

Dầu sao chăng nữa chúng ta cũng đừng bị tổng thống đánh hỏa mù mà quên mất những chuyện quan trọng đang xảy ra mà hội nghị Helsinki rồi không có ý nghĩa gì cả. Cuộc điều tra của ông Mueller đã thu thập được chi tiết về các hoạt động của Quân báo GRU đến mức mà các hoạt động tương lai của họ bây giờ khó khăn hơn nhiều nếu không nói là khó xảy ra. Lần tới ông Putin như vậy có lẽ phải chọn những điệp viên khác. Điều cũng quan trọng không kém là nền kinh tế Nga yếu kém, và cấm vận của Hoa Kỳ sẽ không được Thượng viện sớm hủy bỏ, nếu không nói là sẽ còn có thêm những biện pháp trừng phạt mới.

Một số định chế của Hoa Kỳ không hoạt động đúng công việc của họ. Nhưng một số định chế đang lặng lẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.

Mừng lắm thay.

Lê Phan

(24/07/2018)

Published in Diễn đàn