Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 19 tháng Chín vừa qua, quỹ dầu hỏa của Na Uy, vốn là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, đạt được một con số kỷ lục là một ngàn tỷ tích sản, lần đầu tiên trong lịch sử của quỹ độc nhất vô nhị này.

quy1

Quỹ dầu hỏa của Na Uy đạt được một con số kỷ lục một ngàn tỷ USD tích sản

Thực sự cái gọi là Quỹ Dầu Hỏa Na Uy là một quỹ tiết kiệm quốc gia và với trị giá lên đến 1.000 tỷ USD cung cấp cho mỗi công dân Na Uy khoảng 188.000 USD. Quỹ đầu tư này là kết quả của một chính sách đặc biệt của Na Uy.

Số là hồi thập niên 1960, khi dầu hỏa được tìm thấy ở Bắc Hải, một sự việc qua đêm biến quốc gia nhỏ bé chỉ có trên 5 triệu dân bỗng nhiên có một lợi tức kếch xù. Thay vì chọn giải pháp để cho tư nhân đổ vào khai thác rồi đánh thuế để sử dụng vào công chi bình thường, Quốc Hội Na Uy quyết định chọn một giải pháp quốc doanh và tất cả những lợi tức thu được sẽ bỏ vào một quỹ hưu bổng chính phủ. Tuy gọi là Quỹ Hưu Bổng Chính phủ (Government Pension Fund) nhưng thực ra nó không phải là tiền đóng góp để về hưu mà là tiền do lợi nhuận dầu hỏa để dành cho thế hệ tương lai. Được đổi tên thành Quỹ Dầu Hỏa từ năm 1996, quỹ này, ngoài đóng góp vẫn còn tiếp tục của lợi nhuận từ kỹ nghệ dầu hỏa, dưới sự điều hành của Ngân Hàng trung ương Na Uy, đã đầu tư vào đủ thứ ngành.

Trong quốc gia chỉ có 5,2 triệu dân, quỹ dầu hỏa này đã thành công vượt bật, lớn nhanh hơn là các bộ trưởng tưởng tượng để trở thành nhà đầu tư lớn nhất thế giới, sở hữu trung bình 1,3% cổ phần của tất cả các công ty bán ra trên thị trường chứng khoán.

Tổng quản trị của quỹ này, ông Yngve Slyngstad, cũng phải công nhận : "Tôi không nghĩ là có ai nghĩ là quỹ sẽ có ngày đạt mức 1.000 tỷ USD khi mà lợi tức đầu tiên về dầu hỏa được chuyển sang cho quỹ vào Tháng Năm, 1996. Đạt được mức 1.000 tỷ USD là một cột mốc, và tăng trưởng trong trị giá thị trường của quỹ thật là đáng kinh ngạc".

Quỹ này được lập ra để quản lý tài sản dầu hỏa của Na Uy cho thế hệ tương lai bằng cách lấy hết lợi tức mà nhà nước nhận được từ dầu thô và đầu tư vào các tích sản ở ngoại quốc. Lúc đầu quỹ còn bảo thủ, chỉ đầu tư vào công khố phiếu, nhưng dần dà họ bắt đầu đi vào cổ phần, và nay, có đến 65% tích sản của quỹ là từ cổ phần. Với đồng tiền vẫn còn quá nhiều, hồi năm 2011 lần đầu tiên quỹ bỏ tiền đầu tư vào bất động sản. Nay quỹ có một tài sản tổng cộng 30 tỷ USD các bất động sản hầu hết là ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu.

Với đầu tư trải ra trong nhiều lãnh vực, với thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng, bất chấp bất ổn chính trị, lợi tức của quỹ ngày càng lớn. Ngoại trừ số tiền khoảng 27 tỷ USD, tức là xấp xỉ khoảng 4% chuyển sang cho chính phủ Na Uy để chi tiêu cho hiện tại, hầu hết những tài sản này được đầu tư dài hạn để nhân dân Na Uy, nhất là những thế hệ sau, vẫn còn được hưởng lợi ích từ những món tiền kếch xù mà thiên nhiên tặng cho dân tộc Na Uy, nhất là sau khi các giếng dầu cạn, và nguồn lợi tức này không còn nữa.

Điều đáng nói hơn nữa là Na Uy là quốc gia duy nhất trên thế giới mà đồng tiền do tài nguyên thiên nhiên tạo nên được bỏ vào một cái quỹ cho tương lai.

Nếu chúng ta hỏi là thế có quỹ nào hiện đang giữ lại những tài sản từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ cho thế hệ mai sau hay không thì câu trả lời là "không". Khác với Na Uy, vốn chọn con đường khai thác chính là do công ty dầu khí quốc gia, Hoa Kỳ trao việc khai thác những tài nguyên dầu khí này cho các công ty tư nhân. Thành ra, nếu quý vị có muốn được chia sẻ một phần nào tài nguyên năng lượng của Hoa Kỳ thì quý vị phải có tiền để đầu tư mua cổ phần của các tập đoàn dầu khí khổng lồ hay của các công ty năng lượng.

Huffpost Canada có đưa ra một so sánh giữa Na Uy và tỉnh bang Alberta, vốn cũng có một số tài sản tương tự về dầu thô, nhưng lối họ quản trị ngành kỹ nghệ này khác hẳn nhau. Tuy họ có hầu như cùng một dân số, Na Uy có 5,2 triệu dân trong khi Alberta có 4,1 triệu dân và nền kinh tế cũng có một kích cỡ giống nhau, Na Uy và Alberta chọn hai con đường khác hẳn nhau đối với kỹ nghệ dầu hỏa của mình.

Ở Alberta, vốn chọn con đường thị trường tự do, điều nhấn mạnh là làm sao tạo ra một hoàn cảnh hấp dẫn cho các công ty năng lượng vào đầu tư và làm ăn. Ở Na Uy, dù bị đánh thuế đến 78%, ngành và kỹ nghệ này bị công ty dầu hỏa quốc doanh Statoil chế ngự, quốc gia này thiết lập quỹ dầu thô để bảo vệ cho nền kinh tế khỏi bị lên xuống vì giá dầu và cũng là một cách để dành cho ngày nào dầu cạn. Alberta cũng thành lập một quỹ dầu hỏa hồi năm 1976 nhưng tỉnh bang không bỏ thêm tiền vào quỹ này từ sau đó một thập niên, trong khi ngành dầu hỏa bị khủng hoảng hồi thập niên 1980. Kể từ đó, quỹ này đã trở thành nguồn lợi tức cho chính quyền tỉnh bang – tiền kiếm được từ quỹ được bỏ vào ngân sách tỉnh. Cho đến nay nó đem lại cho tỉnh 41,4 tỷ USD.

Và ngày nay quỹ của Na Uy cung cấp cho mỗi công dân của họ khoảng 188.000 USD trong khi ở Alberta, quỹ này, nếu chia đồng đều, mỗi người chỉ được 4.150 đô la Canada.

Chỉ có một nơi ở Hoa Kỳ mà dân chúng địa phương được chia sẻ lợi tức về khai thác năng lượng trong tiểu bang mình, đó là Alaska. Kể từ năm 1982, tiểu bang chi cho mỗi người dân một phần trong lợi tức từ dầu thô, chi phiếu hàng năm là từ 300 USD đến 2.000 USD. Năm ngoái, mỗi người dân Alaska được hưởng 1.022 USD cho phần của mình từ gia tài dầu thô của tiểu bang.

Với một tài sản kếch xù như vậy, quỹ dầu hỏa của Na Uy đã có thể có cơ hội đặt những vấn đề mà một quốc gia như Venezuela, nơi tài sản dầu khí cũng kếch xù, nhưng bị các lãnh tụ phung phí đến nỗi bây giờ thê thảm, không bao giờ có thể nghĩ tới. Một trong những vấn đề đó là đầu tư sao cho "lương thiện". Quỹ tìm cách tránh đầu tư vào những công ty có thể trực tiếp hay gián tiếp đóng góp cho vi phạm nhân quyền. Trước những chỉ trích của báo chí, một hội đồng đạo đức được thành lập để bảo vệ làm sao cho những đầu tư của quỹ không vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức. Chẳng hạn như năm 2010, quỹ loan báo là 17 công ty thuốc lá lớn trên thế giới sẽ không nhận được đầu tư từ quỹ nữa. Quỹ đổ ra bán 2 tỷ USD cổ phần của các công ty này.

Đây là những tranh cãi mà biết bao quốc gia khác trên thế giới có tài nguyên thiên nhiên giàu có nào có bao giờ có thể nghĩ tới. Na Uy nhỏ bé đã cho thế giới thấy là tài nguyên thiên nhiên không phải chỉ để làm giàu cho một thiểu số mà có thể đóng góp cho an toàn kinh tế cho nhiều thế hệ mai sau.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 23/09/2017

Published in Diễn đàn
samedi, 16 septembre 2017 16:29

Câu chuyện Rohingya

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới, nó phát xuất từ nhiều trăm năm nay khi một đoàn người đến vùng đất lạ, nhưng nó trở thành một tấm thảm kịch chỉ vì bản tính kỳ thị của con người.

rohingya0

Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới

Lịch sử của vùng đất nay được gọi là Miến Điện hay Myanmar bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, nơi ở phía Bắc có một quốc gia của một dân tộc nói một thứ tiếng Miến-Tạng, được gọi là Pyu, và ở phía Nam là một quốc gia của người Mon, thuộc họ Mon-Khmer.

Thủ đô của người Pyu nằm ở phía cực Bắc của vùng Châu thổ sông Irrawaddy trong khi vương quốc của người Mon tập trung ở phía Nam với kinh đô nằm gần Rangoon ngày nay. Cả hai vương quốc này đều theo Phật giáo. Đến khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên thì một nhóm người nói một thứ tiếng Miến-Tạng mới, người Burman, tìm xuống và thành lập một vương quốc mới ở Pagan (ngày nay là Bagan) trên sông Irrawaddy.

Lịch sử ghi nhận là vào khoảng thế kỷ thứ 8 và thứ 9 sau Công nguyên, vương quốc Nam Chiếu trở thành chế ngự vùng tây-nam Trung Hoa. Họ là một vương quốc cũng của một sắc người nói một thứ tiếng Miến-Tạng khác. Nam Chiếu nhiều lần đột nhập các thành phố lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả tấn công vào Việt Nam. Vương quốc Mon-Khmer giữ vững được nhưng vương quốc Pyu bị thất thủ. Người Burman chiếm khoảng trống chính trị đó thành lập vương quốc Pagan (Bagan). Vương quốc Pagan trở thành vương quốc mạnh nhất, thống nhất Miến Điện và thành lập một quốc gia trong đó người Burma chế ngự kéo dài cho đến ngày nay.

Pagan trở thành vương quốc tồn tại lâu nhất, bành trướng lãnh thổ trong khi liên minh với người Shan, một vương quốc của người Thái, và phân chia lục địa Đông Nam Á với vương quốc Mon-Khmer. Vương quốc này tồn tại cho đến khi bị Mông Cổ xâm lăng.

Khi cực thịnh, Pagan lừng danh thời thế kỷ 13 đến 14, đến nỗi nhà thám hiểm Marco Polo cũng đã được nghe kể lại một thủ đô của nhiều ngàn ngôi chùa, vàng son tráng lệ. Sau Pagan, Miến Điện chia thành nhiều mảnh và nhiều vương triều lên nắm quyền. Trong khi đó, một phần người Shan đi theo sông Chao Phraya thành lập vương quốc Thái đầu tiên ở Đông Nam Á ở Ayutthaya. Đây cũng là giai đoạn vùng Arakan mà nay gọi là Rakhine cũng có một vương quốc nổi lên, có lúc là đồng minh với người Miến.

Nằm dọc theo vịnh Bengal, vùng này được rặng Arakan tách rời ra khỏi miền Trung Miến Điện. Dân tộc cư ngụ ở đây đến từ vùng Nam Ấn thuộc sắc tộc Ấn-Aryan. Họ có một giai đoạn độc lập dài từ năm 327 sau Công nguyên đến năm 1784 khi vương quốc Rakhine cuối cùng, Mrauk U, bị Miến Điện chinh phục. Sự chinh phục vùng này đưa vương quốc Miến trực tiếp sát biên giới với Đế Quốc Anh ở Ấn Độ. Năm 1826, cuộc chiến Anh-Miến đầu tiên xảy ra, Miến Điện thua, phải nhượng bang Rakhine cho Anh. Rakhine từ đó trở thành một phần của tỉnh Miến Điện thuộc Ấn Độ của Đế Quốc Anh. Năm 1948, khi Anh trả độc lập cho Miến Điện thì Rakhine trở thành một phần của nước cộng hòa liên bang mới.

Trong giai đoạn độc lập kéo dài từ thế kỷ thứ 4 các vương quốc Arakan được cả các vị vua theo Hồi giáo lẫn Phật giáo cai trị. Pho tượng khổng lồ Muhamuni nay đặt ở Mandalay được người Arakan theo Phật giáo nói là của họ, bị mất vào tay người Miến khi vương quốc của họ bị xâm lăng. Trong số người Arakan, những người theo Hồi giáo được gọi là Rohingya, dựa trên cái tên lịch sử của vùng đất họ ở là vùng Rohang.

Theo Encyclopaedia Britanica, vào cuối thế kỷ thứ 20, dân số Arakan lên đến khoảng hai triệu người, khoảng 90% sống ở Miến Điện, phần còn lại sống ở Bangladesh và Ấn Độ. Đa số người Arakan hay Rakhine theo Phật giáo, nhưng khoảng 15% theo Hồi giáo và được gọi là Rohingya. Khi Miến Điện độc lập, người Rohingya được công nhận và một số được bầu vào quốc hội và chính phủ đầu tiên của Miến Điện.

Đụng độ đầu tiên giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya là vào năm 1942, giữa một đạo quân Rohingya ủng hộ quân đội Anh và người Rakhine ủng hộ quân đội Nhật. Nhưng sau độc lập, tình hình lắng dịu với một trong hai nữ dân biểu đầu tiên của quốc hội năm 1951 là người Rohingya.

Kể từ cuộc đảo chánh của quân đội năm 1962, kỳ thị đối với các sắc tộc thiểu số gia tăng. Năm 1982, Tướng Ne Win cho ra Luật Dân Tộc trong đó người Rohingya không được công nhận là một trong tám dân tộc và 135 sắc tộc dựng lên Liên bang Myanmar. Nói cách khác khoảng hơn một triệu người Rohingya đã bị tước quốc tịch, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Theo sau cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhà cầm quyền quân phiệt từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, thiết quân luật được áp dụng trên toàn quốc. Trong các cuộc đàn áp, các ông tướng cũng đàn áp người Rohingya hồi năm 1991-1992. Lần đó, đã có 250.000 người bỏ chạy sang Bangladesh khiến hai quốc gia láng giềng suýt lâm chiến.

Người Rohingya bảo là họ là cư dân lâu đời của vùng miền Tây Miến Điện, và cộng đồng của họ bao gồm một sự pha trộn người đã ở vùng đất này từ thời tiền Đế Quốc Anh cộng với những người sang trong giai đoạn Đế Quốc Anh cai trị cả Miến Điện lẫn Ấn Độ.

Lập trường chính thức của chính phủ Miến Điện thì bảo họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Chính quyền Miến không công nhận cả cái tên Rohingya, nói đến cộng đồng của họ là người Bengal. Những nhóm tranh đấu Rohingya như Tổ Chức Arakan Rohingya National Organization, đòi quyền "tự trị bên trong liên bang Myanmar".

Tình trạng pháp lý của người Rohingya đã được so sánh với tình trạng người da đen ở Nam Phi trong giai đoạn Apartheid. Trước cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2015 và các cuộc đàn áp của quân đội năm 2016 và năm nay, dân số của họ ở Miến Điện khoảng từ 1 đến 1,3 triệu người. Không ai có con số chính xác vì kiểm kê dân số của Miến Điện không thèm đếm họ. Khu vực sinh sống chính của họ là miền Bắc Rakhine, nơi họ chiếm đến từ 80% đến 98% dân số. Sau các vụ bạo động, nhiều người Rohingya đã bỏ trốn ra khỏi Miến Điện với khoảng 900.000 người tị nạn ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia và Pakistan. Hơn 100.000 người Rohingya ở ngay Miến Điện sống cực khổ trong những trại di tản nội địa, nơi nhà chức trách không cho rời khỏi những khu này.

Các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy bằng cớ ngày càng có những gia tăng xách động hận thù và thiếu bao dung tôn giáo từ những người được gọi là "Phật giáo quốc gia quá khích" chống lại người Rohingya, trong khi quân đội và công an Miến Điện đã có những "vụ xử tử không xét xử, thủ tiêu, bắt bớ không có giấy tờ, giam giữ, tra tấn, hành hạ và cưỡng bách lao động".

Sự việc chính quyền Miến Điện không công nhận người Rohingya biến họ thành khối người vô tổ quốc lớn nhất thế giới. Đạo luật công dân năm 1982 của chính quyền quân phiệt đã bỏ, không cho họ vào trong số 135 nhóm sắc tộc thiểu số được nhà cầm quyền công nhận. Việc này giới hạn khả năng người Rohingya được đi học, chữa bệnh cũng như đi lại trong và ra ngoại quốc. Có những giai đoạn nhà cầm quyền ở Rakhine áp đặt một chính sách chỉ cho họ có được hai con và giới hạn hôn nhân đa tôn.

Căng thẳng trong vùng Rakhine thường bùng lên thành bạo động khiến nhiều hàng trăm ngàn người bỏ trốn sang Bangladesh và Pakistan xin tị nạn qua nhiều đợt trong nhiều thập niên nay. Trong những năm gần đây, tin đồn về vụ hiếp dâm và sát hại một người Phật giáo dẫn đến một loạt những cuộc tấn công vào các ngôi làng Rohingya. Bạo động gia tăng là cái cớ để quân đội can thiệp và đàn áp.

Tháng Mười, 2013, hàng ngàn người đàn ông Phật giáo tổ chức tấn công có phối hợp vào các ngôi làng Hồi giáo trên toàn tỉnh Rakhine. Các tổ chức nhân quyền nói bạo động bùng lên năm 2012 và tiếp tục vào năm 2013 là những hình thức thanh lọc sắc tộc và tội ác đối với nhân loại. Một bản phúc trình năm 2013 của Human Rights Watch nói bạo động ở Rakhine là "một chiến dịch phối hợp để cưỡng bách di chuyển hoặc đuổi người Hồi giáo ra khỏi bang".

Tháng Mười năm ngoái, một cuộc nổi dậy vũ trang của người Rohingya lộ diện khi các tay quá khích của đạo quân Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), lúc đó còn có tên là Harakah al-Yaqin, tấn công ba đồn biên giới. Trong bốn tháng sau đó, quân đội Miến, được gọi là Tatmadaw và cảnh sát giết hàng trăm người, hiếp dâm tập thể phụ nữ và đuổi đến 90.000 người Rohingya ra khỏi làng của mình.

Đến hôm 25 tháng Tám vừa qua, đạo quân ARSA này tấn công lần nữa, vào 30 đồn cảnh sát và một căn cứ bộ binh. Phản ứng của Tatmadaw lần này còn kinh khủng hơn. Các tổ chức nhân quyền nói họ đã giết hại, thiêu hủy làng mạc, dùng trực thăng bắn thường dân. Cuộc chạy trốn sang Bangladesh lại bắt đầu, cho đến nay lên đến 400.00 người. Human Rights Watch bảo khoảng 12.000 người hầu hết dân Rakhine theo Phật giáo và những người Rohingya theo Ấn giáo cũng bị vạ lây. Nhà cầm quyền đã cấm cứu trợ nhân đạo đến bang Rakhine, khiến những ai còn lại thiếu thức ăn và nước uống.

Chính phủ của các quốc gia đa số là Hồi giáo, kể cả Indonesia, Malaysia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại và phản đối. Hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình, cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ trên thực tế của Miến Điện, phải có hành động.

Bà Suu Kyi, tuy cầm đầu chính phủ dân sự, không kiểm soát quân đội, cho đến nay tránh không lên tiếng. Các nhà phân tích nói là bà đang ở trong một vị thế khó xử để lên án sự đàn áp, một phần vì quyền hành chính trị lớn của quân đội, vốn có quyền hiến định giải tán chính phủ của bà và quốc hội, một phần khác đại đa số dân chúng theo Phật giáo không thích người Rohingya.

Bà Suu Kyi, nay là một chính trị gia, có thể cảm thấy là số phận của một thiểu số cần được hy sinh để bảo vệ cho sự hình thành của chế độ dân chủ mà bà mong muốn đem lại cho nhân dân Miến Điện. Nhưng một chế độ dân chủ nào cũng cần một nền tản đạo đức, khi quyền sống của người Rohingya đang bị tước đi thì cái căn bản đạo đức nền dân chủ non trẻ và Miến Điện sẽ dễ trở thành độc tài của đa số.

Ấy là chưa kể Miến Điện tự hào là một quốc gia Phật giáo, nhưng hành động của người Phật giáo Miến Điện đối với những người thiểu số thuộc một tôn giáo khác đã phản bội lại tinh thần bao dung của Phật giáo.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 16/09/2017

Published in Diễn đàn
samedi, 09 septembre 2017 22:38

Khi ông Kim làm nhục ông Tập

Lần thứ nhì trong bốn tháng qua, ông Kim Jong-un đã dám làm nhục Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, lãnh tụ duy nhất trên thế giới có đủ sức mạnh và quyền lực để bóp cổ nền kinh tế của Bắc Hàn với ảnh hưởng có tiềm năng có thể dẫn đến bại vong cho chế độ Bình Nhưỡng.

khi1

Khi ông Kim làm nhục ông Tập

Ông Kim không những thực hiện vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật tuần rồi biết rằng nó sẽ làm Bắc Kinh nổi giận, ông còn làm như vậy trong khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp đón các lãnh tụ của Brazil, Nga, Ấn Độ, và Nam Phi trong khối BRICS ở thành phố Hạ Môn.

Vụ thử tạo nên một cơn địa chấn đo được 6.3 độ Richter, làm rung chuyển một vùng thuộc tỉnh Cát Lâm gần biên giới với Bắc Hàn. Tối hôm Chủ Nhật, Bộ Môi Trường Trung Quốc nói họ sẽ theo dõi khu vực biên giới để xem có phóng xạ hay không.

Vụ thử hạt nhân hôm Chủ Nhật đến chỉ chưa đầy một tuần lễ sau khi chế độ của ông Kim phóng một hỏa tiễn bay ngang qua Nhật, trong một cử chỉ tính toán để làm nhục Tokyo và gián tiếp là đồng minh Hoa Kỳ của họ. Cũng hôm Chủ Nhật, Tổng Thống Donald Trump đổ thêm dầu vào lửa, ngầm ý nói là vụ thử hạt nhân này là một sự làm nhục chính là cho Trung Quốc, mà lãnh thổ bị các cơn hậu chấn thực sự làm rung chuyển. Ông Trump tweet : "Bắc Hàn là một quốc gia đạo tặc vốn đã trở thành một đe dọa và một mối bực tức cho Trung Quốc, vốn đang tìm cách giúp đỡ nhưng không có bao nhiêu thành công".

Nhưng vẫn còn chưa rõ là ngay cả một sự sỉ nhục gửi đến vào ngay trước một sự kiện quan trọng của Trung Quốc có thuyết phục được ông Tập sử dụng một trong những biện pháp hữu hiệu nhất mà cho đến nay họ chưa bao giờ sử dụng đối với Bình Nhưỡng : Chặn việc cung cấp xăng dầu vào Bắc Hàn.

Cũng như đe dọa của ông Trump sẽ đổ "máu lửa và thịnh nộ" lên Bình Nhưỡng được mọi người coi là không có thực chất vì tiềm năng tàn phá cho Nam Hàn và Nhật của một cuộc phản công của Bắc Hàn. Bắc Kinh thực sự cũng bị giới hạn như vậy trong cách hành xử vì lo sợ một cuộc khủng hoảng dân tỵ nạn có thể xảy ra vì sự sụp đổ kinh tế và chính trị của Bắc Hàn.

Một nhân vật thân cận với các nhà làm kế hoạch ngoại giao cho Bắc Kinh giải thích : "Cái vụ thử hạt nhân này là một trong những điều rất ít có thể dẫn đến một sự cắt đứt cung cấp nhiên liệu, nhưng chúng tôi vẫn còn ngần ngại làm vậy. Theo cách nhìn của Bình Nhưỡng, cả ông Trump lẫn ông Tập đều là cọp giấy".

Ông Michael Kovrig của tổ chức International Crisis Group đồng ý.

Ông nói : "Trung Quốc coi cấm vận là một hình phạt cho hành vi xấu chứ không phải là phương tiện hữu hiệu để đạt giải giới". Ông Kovrig đang ở chính vùng biên giới thuộc tỉnh Cát Lâm hôm Chủ Nhật và thấy đất rung chuyển sau vụ thử hạt nhân. Nhưng ông nói : "Tôi không tin là Trung Quốc sẽ cắt đứt việc cung cấp xăng dầu, vì như vậy có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng kinh tế của Bắc Hàn và trả thù".

Cũng phải xin thêm là cuộc họp của ông Tập tuần này với các lãnh tụ khối BRICS là cuộc họp quốc tế quan trọng thứ nhì mà ông chủ trì năm nay. Biến cố ngoại giao quan trọng nhất của ông – một diễn đàn hôm Tháng Năm cho sáng kiến "Con đường lụa mới" nhằm tăng cường các liên hệ hạ tầng cơ sở ở vùng lục địa Âu Á và Phi Châu – cũng bị Bình Nhưỡng qua mặt khi họ thử thành công một hỏa tiễn tầm trung có khả năng bắn trúng đảo Guam của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và là nơi có căn cứ của các phi cơ ném bom tàng hình có thể chở đầu đạn hạt nhân đến tấn công Bắc Hàn.

Hôm tối Chủ Nhật, phần chính của bản tin trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV dẫn trước với cuộc họp thượng đỉnh BRICS và để dành hơn một nửa thời lượng cho cuộc họp này, trong khi chỉ nhắc đến vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn trong một mẩu tin ngắn ở cuối chương trình.

Trong khi không nhắc đích danh Bắc Hàn ở Hạ Môn hôm Chủ Nhật, ông Tập nói "khủng bố, đột nhập tin tặc và ‘những đe dọa khác’ đã là một bóng đen che phủ địa cầu".

Giáo Sư Thời Ân Hoàng, chuyên gia về bang giao quốc tế ở viện đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, tin là sự liên tiếp khiêu khích này là bằng cớ "quyết chí và tự tin" của lãnh tụ trẻ tuổi ở Bắc Hàn. Giáo sư nói : "Kim Jong-un không lo ngại về điều mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể làm. Những lệnh cấm vận ngày càng rộng và khắc nghiệt của Liên Hiệp Quốc có thể đau đớn, nhưng ông cũng biết là ông đang tiến tới đạt được mục tiêu của mình là có được một hỏa tiễn hạt nhân hoạt động tốt". Ông nói thêm : "Dưới áp lực của Hoa Kỳ, Trung Quốc có những nhượng bộ lớn về Bắc Hàn hết lần này sang lần khác. Trung Quốc không còn bao nhiêu cách để đối phó với Bắc Hàn nữa".

Đối với ông Tập, sự nhức đầu và bực bội này là điều ông phải thường xuyên chịu đựng vì ông Kim là một người đặc biệt khó chịu và bản thân ông không có cảm tình với lãnh tụ trẻ của nước láng giềng này.

Trong khi các lãnh tụ Trung Quốc thường xuyên tỏ vẻ khinh thường với lãnh tụ Kim Jong-un của Bắc Hàn trong những cuộc nói chuyện riêng tư, tuần rồi, cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Trung Quốc tiết lộ là chính Chủ tịch nước của quốc gia này cũng không ưa gì ông Kim.

Ông Max Baucus, người làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh cho đến khi Tổng Thống Donald Trump lên nắm quyền, nói với chương trình Today của đài phát thanh số 4 của hệ thống BBC là ông Tập Cận Bình ghét cay ghét đắng ông Kim Jong-un, nhưng sẵn sàng dung túng nhà độc tài này vì sự ổn định của bán đảo Triều Tiên. Ông Baucus bảo ông Tập "kinh sợ bất ổn ở bán đảo Triều Tiên".

Ông kể lại : "Cái thành ngữ chửi rủa tệ nhất mà tôi từng được nghe Chủ tịch Tập Cận Bình dùng là để tả ông Kim Jong-un. Ông ấy không thích cái người đó tí nào cả". Nhưng ông thêm : "Trung Quốc tôn thờ ổn định. Họ sẵn sàng dung túng sự bất định về chương trình hỏa tiễn của ông Kim ngày nào mà bán đảo Triều Tiên còn ổn định về kinh tế và chính trị. Họ không muốn một cuộc khủng hoảng mà kết quả là dân tỵ nạn đổ qua biên giới vào Trung Quốc. Họ chắc chắn không muốn giải pháp mà theo đó Hoa Kỳ và Nam Hàn có thêm ảnh hưởng ở bán đảo này, và bởi vì, trông kìa, Hoa Kỳ căn bản đã vào đến ngay cửa sau của Trung Quốc".

Bởi thế, ông Tập sẵn sàng để cho "tên nhóc mập ú" đó làm nhục mình.

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 09/09/2017

Published in Diễn đàn
Trang 5 đến 5