"Hai Nhựt" là bí danh của ông Lê Thanh Hải, một cựu ủy viên Bộ Chính trị, và là người gây nhiều nợ máu với cư dân trong dự án quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Họp mặt truyền thống Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh : VIỆT DŨNG
"Hồi anh Hai còn là bí thư quận 5, cấp trưởng phó phòng bên chính quyền như tụi tôi dễ gì gặp được ổng. Sáng, ổng ngồi trong xe hơi chạy thẳng vào trụ sở, đầu tóc luôn láng mướt là một đặc điểm nổi bật của anh Hai. Trong các văn bản, tôi nghe bên văn thư nói là ổng có thói quen bút phê và để cấp phó ký phát hành. Ổng ít ký trực tiếp. Sau này lên ủy ban trên thành phố, ổng cũng giữ thói quen này nên trong vụ Thủ Thiêm, tìm một quyết định nào có chữ ký của Hai Nhựt là khó lắm…". Ông Đ., nguyên phó Phòng Công nghiệp quận 5, kể.
Chiều ngày 14/8 tại họp báo ở Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận 2 về thực hiện kết luận thanh tra Chính phủ vụ Thủ Thiêm, ông Võ Văn Hoan – phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh có trả lời báo chí chung chung rằng, "Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh theo diện trung ương quản lý liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm".
Các vị cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh được cho là liên quan đến quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, gồm có : ông Trương Tấn Sang (1992 - 1996), ông Võ Viết Thanh (1996 - 2001), ông Lê Thanh Hải (2001 - 2006), ông Lê Hoàng Quân (2006 - 2015). Liên đới có 25 phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Trong danh sách vừa nêu thì ông Lê Thanh Hải được cư dân Thủ Thiêm tố cáo đích danh là ‘đầu dây mối nhợ’, là kẻ thủ ác gây bao cảnh lầm than, kể cả những cái chết tức tưởi của người dân Thủ Thiêm.
Đại diện cư dân Thủ Thiêm nói rằng ở cuộc họp báo chiều 14/8, chính quyền đã cố tình tạo ra luồng thông tin là nằm ngoài ranh quy hoạch chỉ có khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An, để sau đó báo chí rút tít tựa như kiểu ‘chính quyền ban ơn’ : "Vụ Khu đô thị mới Thủ Thiêm : Phương án bồi thường có lợi cho dân" – báo Thanh Niên. "Khắc phục vi phạm Thủ Thiêm : Người dân khu 4,3 ha được bồi thường có lợi" – báo Tuổi Trẻ. "Bồi thường có lợi nhất cho người dân Thủ Thiêm" – báo Pháp Luật. "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bồi thường theo hướng có lợi cho người dân ở Thủ Thiêm" – Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
"Hồ sơ toàn bộ vụ việc cho thấy phần đất tại 5 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2 đều nằm ngoài ranh quy hoạch, chứ không chỉ khu 4,3 ha". Những nhà báo ‘đeo bám’ vụ quy hoạch Thủ Thiêm đều chung nhận định như vậy, nên họ ngờ vực nội dung cuộc họp báo do ông Võ Văn Hoan chủ trì, có dấu hiệu làm nhẹ đi tội trạng của Hai Nhựt.
Trong kết luận kiểm tra của Thanh tra Chính phủ công bố ngày 07/09/2018, về việc khiếu nại của công dân ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì dưới ‘triều đại của Lê Thanh Hải’ (sau khi rời ghế chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hai Nhựt ngồi tiếp vào ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh suốt gần 10 năm), sai phạm không chỉ ở con số 4,39 ha.
Theo đó, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã bỏ qua phần thủ tục luật định là lập, thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung 1/5000 đối với khu tái định cư, mà trực tiếp ban hành quy hoạch chi tiết 1/2000 đối với 42 ha thuộc khu tái định cư.
Không chỉ vậy, tổng diện tích đất đã được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, bố trí tái định cư phục vụ cho khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có 46,1 ha, còn thiếu 113,9 ha như phê duyệt của Chính phủ, và sau đó thì ém nhẹm luôn.
Đáng nói là trong phạm vi 5 phường ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm, mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch khu tái định cư 160 ha, nhưng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã giao đất cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng... với tổng diện tích khoảng 144,6 ha. Hậu quả là không còn đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Chưa kể là một số dự án sau kiểm tra đã phát hiện chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 trước khi giao đất, nhưng vẫn được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để các dự án tiến hành đầu tư xây dựng.
Trong dự án thu hồi đất ở khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tại quận 9 cũng được coi là một phiên bản khác của Thủ Thiêm dưới ‘triều đại Hai Nhựt’.
Luật sư Trần Thành nhận định khá gay gắt, rằng với các quy định pháp luật trước đây cũng như hiện nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các sai phạm tại Thủ Thiêm một cách công bằng cho người dân Thủ Thiêm, mà không cần phải chờ đợi kết luận hay chủ trương gì từ trung ương. Vấn đề nằm ở chỗ người có trách nhiệm giải quyết có đủ bản lĩnh để xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật hay không ?
"Nếu đúng như lời của ngài phó chủ tịch Võ Văn Hoan, ‘Trung ương đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh…’, thì sòng phẳng ở đây là truy cứu luôn trách nhiệm về quản lý nhân sự của Bộ Chính trị và Ban Bí thư tương ứng với từng thời kỳ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa. Lẽ đó nên không thể chỉ có sai phạm mỗi ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm". Luật sư Trần Thành kết luận.
Người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải gây nợ máu với cư dân Thủ Thiêm là Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Trích thông cáo báo chí họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, chiều 14/08/2019 :
"2. Về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư : UBND thành phố đã thành lập ngay Tổ công tác liên ngành do chủ tịch UBND quận 2 làm tổ trưởng để nghiên cứu, rà soát hồ sơ bồi thường, điều kiện, hoàn cảnh và đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bị thu hồi đất, theo đó :
2.1 Về phương án giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với phần đất diện tích khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An nằm ngoài ranh quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm :
UBND thành phố đã chỉ đạo Tổ công tác liên ngành và các đơn vị có liên quan xây dựng lại phương án thực hiện, theo đó phải đảm bảo các nguyên tắc : Đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn và được đại đa số người dân đồng thuận. Trước khi xây dựng phương án phải tổ chức tiếp xúc lại với 331 hộ dân để xác định rõ bao nhiêu hộ dân chấp thuận hoán đổi đất, bao nhiêu hộ dân nhận tiền làm cơ sở thực hiện xây dựng phương án.
Hiện nay, chủ tịch UBND quận 2 (tổ trưởng Tổ công tác) đã thực hiện xong việc tiếp xúc 305/331 (26 hộ chưa đến tiếp xúc, bao gồm bốn hộ dân đã nhận thư mời). Trên cơ sở kết quả tiếp xúc với các hộ dân nêu trên, Tổ công tác đã hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân tại phần diện tích nêu trên, báo cáo UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố trong phiên họp bất thường gần nhất thông qua, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân trong phần đất diện tích khoảng 4,39 ha, khu phố 1, phường Bình An theo quy định".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 16/08/2019
Bắt Lê Tấn Hùng : Điềm quá xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải
Thường Sơn, VNTB, 07/07/2019
Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể...
Chân dung hai anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng. Ảnh minh họa (internet)
Sẽ khó có thể so sánh hai vụ Phạm Nhật Vũ - Phạm Nhật Vượng và Lê Tấn Hùng - Lê Thanh Hải với nhau bởi một điểm khác biệt rất đáng kể : dù Phạm Nhật Vũ đã bị tống giam vì dính đậm vụ ‘MobiFone mua AVG’, nhưng anh trai của Vũ là Phạm Nhật Vượng không bị liên lụy vì chưa có cơ quan pháp luật nào xác định Vượng liên đới vụ mua bán khống đó ; còn vụ nhân vật Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải - từng một thời là chủ tịch và bí thư đầy tai tiếng và cả ‘tội ác’ ở đất Sài Gòn.
Nguyên do : bản thân Lê Thanh Hải cũng đang dính phốt nặng vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’, chưa kể quá nhiều đồn đoán về những vụ ‘ăn uống’ khác.
Vào tháng trước, sau hơn một năm trời co kéo, vụ Lê Tấn Hùng mới được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức vì "vi phạm rất nghiêm trọng" khi ông Hùng còn ngồi ghế tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.
Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.
Ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại và trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang đang báo hiệu một điềm rất xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải, cho dù mới đây Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện trong "Hội thảo khoa hHọc 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh" do Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, với phát biểu đậm chất ‘lên lớp’ : ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, "tự diển biến", "tự chuyển hóa ", suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…" - như một hành động tự che chắn cho bản thân.
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng : danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Vào giữa năm 2019, tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018 khi cơ quan Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm.
Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như "Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh ?", "160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào ?", "Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào ?"…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra - cũng của Thanh tra chính phủ - được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’.
Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.
Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào - xử lý kỷ luật đảng hay theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên ở tòa "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !"…
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 06/07/2019
*******************
Em trai ông Lê Thanh Hải bị bắt về tội ‘gây thất thoát, lãng phí’
T.K, Người Việt, 05/07/2019
Ông Lê Tấn Hùng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Nông Nghiệp Sài Gòn (Sagri) và là em trai cựu Bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải, bị bắt với cáo buộc "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Truyền thông trong nước loan tin hôm Thứ Bảy, 6/7/2019.
Cựu Tổng Giám Đốc Sagri Lê Tấn Hùng (đứng). (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Trước khi bị bắt, ông Hùng đã lần lượt bị cảnh cáo, hạ bậc lương và đình chỉ chức vụ "theo đúng quy trình kỷ luật cán bộ". Năm 2014, ông Hùng được điều động từ vị trí chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên xung phong về Sagri.
Báo Zing dẫn kết luận của thanh tra thành phố ở Sài Gòn cho biết, vào năm 2016, ông Hùng và cấp dưới ký 10 hợp đồng chi hơn 13 tỉ đồng (558.057 USD) cho hàng chục cán bộ, người lao động "đi nước ngoài học tập kinh nghiệm ở nước ngoài". Tuy nhiên, có 22 người không tham gia chuyến đi, 40 trong số 70 người được đi thì lại không có trong danh sách, số còn lại không có thông tin trên hệ thống xuất nhập cảnh.
Cũng theo Zing, ngoài sai phạm trên, ông Hùng còn bị quy trách nhiệm trong việc cho thuê đất, hợp tác đầu tư "khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền", đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành.
Cụ thể, công ty một thành viên xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải Sản (100% vốn của Sagri) bị cáo buộc "đã ký 10 hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên 24 khu đất có tổng diện tích hơn 1.900 héc ta. Ngoài ra, Sagri bị cơ quan thanh tra kết luận đã bàn giao đất và tài sản trên đất của Công ty Bò Sữa Thành phố cho hai công ty sản xuất nông sản với tổng diện tích 590 héc ta "khi chưa có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn", chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cơ quan có thẩm quyền.
Báo Thanh Niên online nêu rõ quá trình xử lý sai phạm tại Sagri đã bắt đầu từ tháng 10/2017. Khi đó Thanh tra (Thành phố Hồ Chí Minh) ban hành kết luận số 38 sau khi thanh tra toàn diện Sagri.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, UBND (Thành phố Hồ Chí Minh) bàn bạc và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là "chưa tương xứng với mức độ sai phạm". Cho đến tháng 1/2019, ông Hùng bị kỷ luật về mặt Đảng.
Vụ án Sagri và xử lý sai phạm của ông Lê Tấn Hùng kéo dài dù đã có kết luận thanh tra toàn diện từ năm 2017 khiến cho dư luận đặt nhiều nghi vấn.
Hồi tháng 6/2019, nhà báo Trương Quang Vĩnh, cựu phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, từng bình luận trên trang cá nhân về vụ xử sai phạm của ông Lê Tấn Hùng :
"Việc xử lý Lê Tấn Hùng bị chống chọi, níu kéo hay đang bợt cỡn với phép nước, kỷ cương ? Hơn một năm qua việc thanh tra, kiểm toán và xử lý ông Lê Tấn Hùng là trường hợp hiếm thấy. Vì sao hơn một năm qua, hai lần thanh tra và một lần kiểm toán nhà nước chỉ ra rất nhiều sai phạm mà chỉ "khiển trách" đối với ông Hùng, rồi với áp lực của dư luận phải nâng lên mức "cảnh cáo" ? Và khi nâng lên "cảnh cáo" vì cho rằng mức "khiển trách" chưa tương xứng ? Và rồi thanh tra công bố kết luận thanh tra tại Sagri và "kỷ luật" cho các sai phạm trên là… "hạ bậc lương" đối với ông Hùng. Thật sự rất khó hiểu bên trong nó là gì. Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà các đại biểu quốc hội nói với báo chí rằng em trai cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải không phải là "vùng cấm" trong xử lý sai phạm".
Vụ bắt ông Hùng diễn ra trong bối cảnh có nhiều suy đoán về việc anh trai ông này, cựu Bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn Lê Thanh Hải có thể sẽ bị nêu đích danh sai phạm trong vụ cướp đất dân oan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều khá mỉa mai là chỉ một tuần trước, hôm 29/06, các báo nhà nước đồng loạt đăng bài phát biểu hùng hồn của ông Lê Thanh Hải về chuyện "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa và hô hào kiên quyết chống tham nhũng".
T.K
******************
Em trai ông Lê Thanh Hải bị bắt tạm giam và khởi tố
BBC tiếng Việt, 06/07/2019
Một quan chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, ông Lê Tấn Hùng, vừa bị bắt tạm giam và khởi tố, theo truyền thông chính thống Việt Nam.
Ông Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963 bị khởi tố và bắt tạm giam
Ông Hùng là em ruột của ông Lê Thanh Hải - cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Hôm 06/07/2019, báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin cho hay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra một vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại doanh nghiệp trên.
"Quá trình điều tra, ngày 5/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp tố tụng, theo đó, ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - trách nhiệm hữu hạn một thành viên, quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015", tờ báo trực thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
"Đồng thời ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm : Lê Tấn Hùng, sinh năm 1963 ; nguyên Tổng Giám đốc ; cư trú tại số 22 Bis Trương Định, phường 6, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh ; và Nguyễn Thành Mỹ, sinh năm 1959 ; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư ; cư trú tại Số 157/32 Hưng Phú, phường 8, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh".
Vẫn Sài Gòn Giải Phóng cho biết thêm : "Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 6/7/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định tố tụng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật".
"Sai phạm khủng mức nào" ?
Cũng hôm thứ Bảy, báo Thanh Niên trong bài viết có tựa đề "Ông Lê Tấn Hùng bị bắt giam : Sai phạm tại SAGRI 'khủng' mức nào ?" cho biết thêm chi tiết về vụ việc :
"Ông Lê Tấn Hùng và ông Nguyễn Thành Mỹ bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí', do có liên quan đến sai phạm nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
"Qua thanh tra đã xác định các sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI bắt đầu từ 2004, kéo dài đến 2017, tập trung vào các sai phạm đã phát hiện : quản lý đất đai liên quan đến khoảng 1.900 ha đất cho thuê, hợp tác, chuyển nhượng… không đúng quy định pháp luật, có nguy cơ gây thất thoát ; quản lý tài chính (vay vốn ngân hàng nhưng lại mang nguồn tiền vay đó gửi lại ngân hàng dẫn đến phải bù lãi suất)…
"Trong các sai phạm đó, "dính" tới 18 lãnh đạo chủ chốt trong Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng của SAGRI các thời kỳ liên quan.
"Đáng chú ý, riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng bị xác định có trách nhiệm trong các sai phạm về quản lý đất đai, tài chính, và nghiêm trọng nhất là việc ông Hùng ký khống hợp đồng du lịch nước ngoài trị giá hơn 13 tỉ đồng (đã thanh lý và chi trả tiền, khi thanh tra mới phát hiện).
Báo Tuổi trẻ hôm 06/7 cũng trong một phiên bản điện tử nhắc lại một số diễn biến liên quan tới em trai của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết :
'Vi phạm kỷ luật và điều tra kéo dài'
"Trước đó, chiều 12/6, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi công bố quyết định đình chỉ công tác tổng giám đốc SAGRI đối với ông Lê Tấn Hùng. Sau đó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong ký quyết định kỷ luật hình thức cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng.
"Quyết định đình chỉ công tác nêu : tổng giám đốc SAGRI, đã có các sai phạm được Thanh tra thành phố, Kiểm toán nhà nước và Chủ tịch UBND Thành phố kết luận đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành Tổng công ty.
"Thanh tra thành phố cũng đã ban hành kết luận thanh tra chỉ ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ; quản lý, sử dụng tài chính ; thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án tại SAGRI.
"Trong đó, sai phạm về quản lý đất đai xảy ra từ các nhiệm kỳ trước, còn sai phạm quản lý điều hành thuộc về ông Lê Tấn Hùng.
"Ông Hùng có những sai sót trong chỉ đạo, kiểm tra giám sát các bộ phận chuyên môn xây dựng kịp thời các quy chế nội bộ theo quy định, tham mưu thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động ; thiếu sót, sai phạm trong đầu tư dự án, trong việc khai thác, sử dụng đất và các mặt bằng nhà đất được giao, trong quản lý, sử dụng tài chính và các khoản vay", tờ báo thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Báo Thanh niên hôm 06/7 nhấn mạnh việc xử lý sai phạm liên quan doanh nghiệp trên và em trai bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã kéo dài tới hai năm, tờ báo viết :
"Việc xử lý sai phạm tại SAGRI kéo dài gần 2 năm qua. Cụ thể, sau khi có kết luận thanh tra toàn diện SAGRI vào tháng 10/2017, và tiếp đó Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các vấn đề vi phạm của SAGRI, thì đến 3/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng. Tuy nhiên, đến tháng 10/2018, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bàn và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là "chưa tương xứng với mức độ sai phạm".
"Do đó, tiếp tục quá trình xử lý, đến tháng 1/2019, Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh kỷ luật cảnh cáo. Giữa tháng 6/2019, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác và bị cách chức Tổng giám đốc SAGRI vì "đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng công ty", Thanh Niên Online cho biết hôm thứ Bảy.
Người Thủ Thiêm mất đất : Kết luận thanh tra không ‘đếm xỉa’ đến chúng tôi (VOA, 01/07/2019)
Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới đây khẳng định rằng chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có "nhiều khuyết điểm, vi phạm" trong quá trình đầu tư, xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một người dân mất đất cho rằng kết luận kể trên tuy là một động thái "tích cực" song vẫn chưa "đếm xỉa" gì đến các nạn nhân.
Phối cảnh khu đô thị mới Thủ Thiêm (courtesy image of NamPhatLand)
Bản kết luận thanh tra được công bố hôm 26/6 xác định rằng vi phạm đầu tiên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là "không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Chính quyền thành phố mắc sai phạm thứ hai là đặt ra mức chi phí đầu tư bình quân cho 1m2 đất thương mại, dịch vụ, nhà ở là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu. Thanh tra Chính phủ cho rằng mức chi phí như vậy là "không đầy đủ" và "không đúng quy định".
Tiếp đến, chính quyền thành phố lấy chính mức tiền 26 triệu đồng/m2 làm giá tối thiểu để xác định giá trị quyền sử dụng đất. Việc này cũng bị đánh giá là "không đầy đủ, thiếu chính xác và không đúng quy định", theo Thanh tra Chính phủ.
Trong bản kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ phân tích rằng do các sai phạm của chính quyền địa phương nên "các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn [chênh lệch địa tô] từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT [xây dựng - chuyển giao]". Ngược lại, nhà nước bị "thất thoát" lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ đề nghị một số biện pháp khắc phục, trong đó, điều hàng đầu là Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh "phải thu hồi và hoàn trả ngay" hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng quy định.
Bên cạnh đó, theo Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan sẽ "xác định đúng chi phí đầu tư bình quân" đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trên cơ sở đó, các cơ quan "sẽ tính ra mức giá khởi điểm sát với thực tế hơn để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án".
"Trong quá trình xử lý, về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý", Thanh tra Chính phủ cảnh báo.
Ông Lê Văn Lung, 61 tuổi, một trong số những người dân Thủ Thiêm bị mất đất do dự án, nói với VOA về bản kết luận thanh tra :
"Nói chung đây cũng là một động thái tôi thấy là cũng tích cực. Nhưng đối với người dân, trong kết luận này, tôi thấy không đếm xỉa gì đến quyền lợi sát sườn của người dân theo những nội dung trong đơn khiếu nại, tố cáo lâu nay của bà con".
Hàng trăm hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh là "dân oan" khiếu kiện trong hơn 10 năm qua sau khi nhà cửa của họ bị chính quyền giải tỏa để lấy đất cho khu đô thị.
Những người dân khẳng định đất của họ bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lấy đi một cách sai trái vì theo bản đồ quy hoạch, vị trí đất của các hộ dân đó không nằm trong dự án.
Hồi tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ phần nào xác nhận những khiếu kiện của người dân là đúng với một bản kết luận nói rằng chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ "có nhiều sai phạm" trong quá trình quy hoạch Thủ Thiêm, "phá vỡ quy hoạch", thể hiện "sự buông lỏng quản lý, sử dụng đất".
Tuy nhiên, tin cho hay, từ đó đến nay, quyền lợi của các dân oan vẫn chưa được giải quyết. Ông Lung nói với VOA rằng hai kết luận thanh tra của hai cơ quan cấp trung ương kể trên "chưa đầy đủ", vẫn "gây bức xúc cho người dân".
Ông nói thêm là người dân đang tiếp tục đòi thủ tướng Việt Nam lập đoàn thanh tra mới tập trung giải quyết những khiếu nại về vấn đề đền bù :
"Nói đúng ra, người dân chờ đợi cũng mệt mỏi rồi. Người dân chỉ trông mong rằng chính quyền có chính sách đền bù để người ta có nơi ở mới tương đương giá trị theo luật mới. Về vấn đề sai phạm, vi phạm pháp luật, thì đương nhiên người dân cũng muốn luật pháp xử lý. Nhưng bức xúc nhất, bức thiết nhất của người dân là cần vấn đề bồi thường".
Những vụ tranh chấp và khiếu nại về chính quyền giải tỏa đất đai ở Thủ Thiêm đã kéo dài trong suốt 20 năm qua trong bối cảnh hàng chục ngàn người dân bị buộc phải di dời và mất nhà cửa. Có người "đã thắt cổ tự tử" sau khi nhà bị cưỡng chế.
*******************
Thanh tra Chính phủ mới đây đã công bố Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm, chỉ ra những sai phạm trong quá trình lập kế hoạch và thực hiện dự án Đô thị mới ở Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những điểm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng được chú ý là đã chuyển kết luận cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng để xử lý những cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý để xử lý.
Ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư và cựu chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Kết luận của Thanh Tra Chính phủ về Thủ Thiêm được công bố vào chiều ngày 26 tháng 6 ; sang đến sáng 27 tháng 6 bên lề Đai hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc Thành phố Hồ Chí Minh lần XI, báo chí đặt vấn đề về các nội dung sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong kết luận thanh tra với một đại biểu khách mời là ông Lê Thanh Hải nguyên bí thư thành ủy và cũng là cựu chủ tich thành phố Hồ Chí Minh. Ông Lê Thanh Hải từ chối trả lời với lý do đã về hưu, không còn nhớ gì và không còn làm được gì nữa.
Nhà báo Nguyễn An Dân từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án lớn phải thông qua cấp chính phủ thì dự án mới được triển khai và thủ tướng khi đó là ông Võ Văn Kiệt.
"Sau thủ tướng thì người chịu trách nhiệm thứ hai trong hệ thống hành chính Đảng và chính quyền đương nhiên chủ tịch và bí thư thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm trực tiếp nên ông Hải mười năm làm Bí thư thành ủy và 10 năm làm chủ tịch thành phố thì trách nhiệm của ông là lớn nhất chứ không thể đùn đẩy cho cấp dưới được, nếu ông không chịu trách nhiệm chẳng lẽ là thủ tướng, thủ tướng người ta lo cho cả quốc gia chứ có phải riêng mỗi thành phố Hồ Chí Minh đâu".
Nhà báo Nguyễn An Dân còn cho rằng rằng phải khởi tố hình sự Ông Lê Thanh Hải thì mới yên lòng dân được.
"Trong bối cảnh quốc tế đang căng thẳng như thế mà lòng dân trong nước không yên thì vị trí lãnh đạo cũng không ổn. Thành ra trường hợp ông Hải thì Đảng có thể xử lý nhẹ hơn mức mà nhân dân mong muốn. Nhân dân mong muốn là vô cùng mà giới hạn chính trị là có hạn còn đến đâu thì phải chờ".
Trong khi đó nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định rằng, đối với trường hợp của ông Lê Thanh Hải chắc chắn là phạm tội nhưng để xử lý kỷ luật ông Hải là điều khó xảy ra. Ông giải thích lý do :
"Vấn đề ông Hải là thành viên của Bộ Chính trị lúc đó thành phố làm không đúng với luật pháp hay chỉ đạo của thủ tướng chính phủ nhưng cũng có một số nội dung xin ý kiến, Bộ Chính trị hay Thủ tướng chính phủ cho phép, nếu giờ lôi ổng ra thì ổng cũng cho biết tôi có giấy xin ý kiến thế này thế kia thành ra có thể khó xử lý đối với ông Hải. Trong con mắt chúng tôi về trách nhiệm chứ chưa nói đến tham nhũng mà để thất thoát số tiền khổng lồ như thế thì không cần anh tham nhũng là anh cũng đã phạm tội rồi. Chức vụ trong Đảng của ông Hải cũng lớn mà đụng tới Bộ Chính trị là điều hiếm hoi ngoại trừ trường hợp của ông Đinh La Thăng là điều đặc biệt chứ từ trước đến nay thì không có đâu".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng từ Sài Gòn khẳng định rằng, nếu vi phạm vẫn truy cứu trách nhiệm hình sự và thậm chí ngay cả khi người đó ra quyết định hành chính nào sai phạm trong thời kỳ đương chức vẫn bị khởi tố sau khi về hưu và chịu mọi trách nhiệm bồi thường phần họ đã gây thiệt hại.
Trước đây cũng từng có một số vụ xử các quan chức cấp cao đã về hưu đối với những sai phạm trong thời gian đương nhiệm.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Vũ Huy Hoàng. RFA Edited
Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Bắc Son cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông bị phát hiện sai phạm trong việc Mobifone mua AVG. Một quan chức khác là ông Vũ Huy Hoàng cựu Bộ trưởng Bộ Công thương bị kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương và Bí thư ban cán sự Đảng Bộ vì có dấu hiệu vi phạm tại Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và một số vi phạm công tác cán bộ khi giữ chức vụ.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ý kiến về trường hợp xử phạt những quan chức vi phạm :
"Mặc dù trong thực tế quan chức càng cao cấp thì đôi khi họ còn được hưởng những đặc ân trong quá trình xét xử nhưng về nguyên tắc không có điều đó đâu. Có một điều đáng chú gì là khởi đầu là trường hợp ông Vũ Huy Hoàng là có lối xử lý rất là lạ, dù đã về hưu nhưng đặc vấn đề là cách chức vụ mà họ đã từng đảm đương chức vụ đó nên trường hợp của ông Hải nếu bị khởi tố thì có thể ông bị xử lý như vậy, cách chức nguyên bí thư thành ủy thành phố".
Nhà báo Nguyễn An Dân thì lại có ý kiến khác cho rằng để xử lý ông Lê Thanh Hải như ông Vũ Huy Hoàng là điều không có khả năng.
"Vai trò của ông Lê Thanh Hải không chỉ liên quan trách nhiệm Thủ Thiêm mà hiện nay Đảng đang có chiến dịch chống người nước ngoài, thẳng ra là người Trung Quốc mua đất và sở hửu đất đai mà điều này trong 20 năm ông Hải nắm giữ quyền lực tại Thành phố Hồ Chí Minh thì điều này nó diễn ra hơi nhiều nên ổng sẽ chịu trách nhiệm thêm về vấn đề này. Do đó tôi nghĩ xử lý ông Hải như ông Vũ Huy Hoàng thì tôi thấy không có khả năng vì sai phạm về chính trị đối với Đảng đối với đất nước nó nặng hơn ông Vũ Huy Hoàng nhiều".
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu có bài viết đăng trên mạng Tiếng Dân vào ngày 28 tháng 6 với câu hỏi ‘Những kẻ phạm tội đầu sỏ bao giờ thì bị trừng trị ?’
Tác giả Nguyễn Ngọc Chu nêu rõ ‘sai phạm về Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm không phải chỉ ông Tất Thành Cang là người có tội lớn nhất, mà là thủ trưởng của ông Tất Thành Cang là ông Lê Thanh Hải mới là người chịu trách nhiệm cao nhất.
Theo tác giả Nguyễn Ngọc Chu thì ‘những tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, sử dụng quyền lực và cơ chế để vơ vét tài sản của nhân dân, làm giàu cho cá nhân và người thân thì phải bị trừng trị thích đáng.’
Nguồn : RFA, 28/06/2019
*******************
Lê Thanh Hải nói ‘về hưu rồi’ để né tránh vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm (Người Việt, 27/06/2019)
Khi được hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, cựu bí thư Thành ủy ở Sài Gòn đã lảng tránh và từ chối trả lời.
Ông Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy ở Sài Gòn 2006-2016 được cho là tác giả chính vụ Thủ Thiêm. (Hình : Internet)
Sáng 27/06/2019, bên lề "Đại hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc" ở Sài Gòn lần thứ XI, các đại biểu, khách mời đã có những trao đổi với báo chí liên quan đến nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm vừa được công bố hôm 26/6.
Khi báo Thanh Niên đặt câu hỏi về dự án Thủ Thiêm, ông Lê Thanh Hải, nguyên bí thư Thành ủy Sài Gòn, cho biết ông đã nghe thông tin về kết luận Thanh tra Chính phủ. và chỉ nói "giờ tôi hưu rồi, có làm được gì mà trả lời ?"…
Phóng viên báo Thanh Niên tiếp tục hỏi về các nội dung sai phạm được Thanh tra Chính phủ đề cập, xảy ra tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm lãnh đạo Sài Gòn, nhưng ông Hải đều từ chối trả lời.
Trước đó, ngày 26/6, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo về "Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Sài Gòn".
Kết luận thanh tra đề cập đến nhiều sai phạm tại dự án Thủ Thiêm trong thời kỳ ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và sau đó là bí thư Thành ủy thành phố này.
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/09/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Công luận đang bàn tán, chưa bao giờ gia tộc "Hải Heo" (một tục danh mà nhiều người dân Sài Gòn và nhất là tầng lớp dân oan Thủ Thiêm đặt cho Lê Thanh Hải) lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm như bây giờ.
Trước đó, trưa 20/06/2019, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố ở Sài Gòn đã ký quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Lê Tấn Hùng, tổng giám đốc SAGRI, em trai Lê Thanh Hải vì "vi phạm rất nghiêm trọng".
Theo báo Người Lao Động, ông Hùng bị cho là "có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng trong tài chính, đầu tư dự án, sử dụng nhà đất trong doanh nghiệp nhà nước…".
Bày tỏ ý kiến với báo Thanh Niên, độc giả Trần Lan bất bình viết : "Ông Hải là chủ tịch rồi bí thư. Ông là người liên quan trực tiếp đến vấn đề Thủ Thêm. Ông có quyền không trả lời. Nhưng đừng nghĩ là về hưu rồi sẽ xong". Ý kiến này nhận được hơn 3.700 sự đồng tình của người khác.
Còn người có nickname Olala cho rằng : "Sự quyết tâm, tinh thần khẩn trương đều đã có nói đến từ rất lâu rồi, vấn đề bây giờ là làm như thế nào để sửa sai, đừng để đến khi phải trả lời ‘tôi giờ hưu rồi’ rồi chối bỏ trách nhiệm. Nếu trách nhiệm công vụ không còn liệu có còn trách nhiệm lương tâm khi những sai phạm của mình khi đương chức đã đẩy người dân Thủ Thiêm vào cảnh khốn cùng trong hơn hai mươi năm qua ? Có vị nào dám khắc phục hậu quả bằng cách… bán tài sản ‘có được qua các thời kỳ’ để khắc phục hậu quả do chính mình gây ra không ?". Ý kiến này cũng được hơn 700 đồng tình (like).
Trong khi đó, ký giả Nguyễn Thiện bày tỏ trên trang Facebook cá nhân : "Dạo Facebook thấy công chúng bày tỏ kính trọng ông Phạm Toàn và thấy nhiều người phỉ nhổ Lê Thanh Hải".
Hiện, công luận đều bày tỏ muốn cá nhân ông Lê Thanh Hải "phải chịu trách nhiệm chính trong vụ Thủ Thiêm, bởi trong thời gian sai phạm chính ông Hải đã từng là chủ tịch rồi bí thư Thành ủy ở Sài Gòn, Ủy Viên Bộ Chính trị". (Tr.N)
*****************
Chủ tịch UBND xác nhận mức độ sai phạm nghiêm trọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (RFA, 27/06/2019)
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xác định tính chất và mức độ quan trọng liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và khu đô thị mới Thủ Thiêm. RFA Edited
Truyền thông trong nước loan tin hôm 27/6 dẫn lời ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại bên lề đại hội đại biểu toàn quốc Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra cùng ngày.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, Ủy ban nhân dân Thành phố vẫn chưa nhận được văn bản chính thức về kết luận thanh tra mà chỉ biết thông tin kết luận qua mạng và truyền thông của cổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vì tính chất và mức độ quan trọng của vụ việc, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lập kế hoạch thực hiện những bước đầu liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau khi có kết luận thanh tra.
Ông Phong cho biết chậm nhất vào thứ hai (1/7) Ủy ban nhân dân sẽ báo cáo Thành ủy và sẽ tổ chức họp báo để trả lời cụ thể những nội dung mà báo chí quan tâm.
Một kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra là Thành phố Hồ Chí Minh phải hoàn trả ngân sách 26.300 tỉ đồng đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm không đúng qui định. Thời hạn là đến ngày 31/12 năm nay, nếu không thực hiện, Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển hồ sơ sang Công an.
Trong công bố kết luật thanh tra dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến những vi phạm thuộc dự án này.
*******************
Nhà cầm quyền Sài Gòn ‘ăn đất Thủ Thiêm’ nhưng không nêu tên cụ thể (Người Việt, 26/06/2019)
"Trong quá trình xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Khu đô thị Thủ Thiêm sau 22 năm quy hoạch. (Hình : Lao Động)
Đây là kết luận của Thanh Tra Chính phủ thông báo hôm 26/06/2019, về việc "thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Cơ quan này nêu rõ "trong quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn và các sở, ngành liên quan đã có nhiều khuyết điểm, vi phạm".
Tuy nói là "có nhiều khuyết điểm, vi phạm" nhưng bản kết luận không nêu tên một giới chức cụ thể nào, trong thời mà ông Lê Thanh Hải làm bí thư thành ủy Sài Gòn.
Báo VnExpress dẫn tin cho biết, "Theo đó khu đô thị mới này đã giải tỏa mặt bằng trên 99%. Công tác đền bù, hỗ trợ giải tỏa mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định".
"Thành phố Sài Gòn đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT, như : bốn tuyến đường chính ; cầu Thủ Thiêm 2 ; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc-Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ…".
"Ngoài các vi phạm về quy hoạch và bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư đã được thông báo tháng 9/2018, Ủy ban thành phố "đã ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời ; không thực hiện việc lập các dự án theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định cũng như ý kiến chỉ đạo của thủ tướng… Vi phạm này dẫn đến việc đầu tư xây dựng các dự án thiếu đồng bộ, khó quản lý ; có nơi buông lỏng quản lý, chậm triển khai đầu tư xây dựng".
Cụ thể, thành phố phê duyệt chi phí đầu tư bình quân cho một mét vuông đất thương mại-dịch vụ-nhà ở là 26 triệu đồng/mét vuông, giảm khoảng 50% so với đơn giá đã được các sở, ngành đề xuất ban đầu… Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng – chuyển giao).
Bốn con đường kê thêm giá 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD) ở Thủ Thiêm. (Hình : Tuổi Trẻ)
Theo Thanh tra Chính phủ, Ủy ban thành phố phê duyệt dự án, phê duyệt tổng mức đầu tư là 12.000 tỷ đồng (514,7 triệu USD) cho dự án bốn tuyến đường chính khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan là không đúng quy định. Qua thanh tra, phát hiện một số khoản phê duyệt không đúng quy định với tổng giá trị hơn 1.500 tỷ đồng (64,3 triệu USD).
Công ty cổ phần Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí, trong đó có 25 tỷ đồng (1,07 triệu USD) "không đủ điều kiện để quyết toán trong chi phí cho dự án".
Khi đề xuất phương án giá trên, các sở, ngành và Ủy ban thành phố "đã không tính lãi đối với khoản tiền được tạm ứng từ ngân sách nhà nước, dẫn đến, tổng mức đầu tư đã xác định và phê duyệt là không đúng quy định".
Toàn bộ quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm hơn 221 hécta được tạo ra bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Nhưng Ủy ban thành phố "đã sử dụng quỹ đất chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho chính khu đô thị này, không thông qua hình thức đấu thầu dự án hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, là vi phạm các quy định về đấu thầu và quản lý sử dụng đất đai".
Nguyên nhân và trách nhiệm chính đã để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trên do lãnh đạo Ủy ban nhân dân ở Sài Gòn "không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của thủ tướng ; trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như : Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm…".
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị thủ tướng "chỉ đạo Ủy ban thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/9, 2018 là hơn 26.315 tỷ đồng (1,1 tỷ USD) ; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho khu đô thị mới này là 4.286 tỷ đồng đồng (183,8 triệu USD)".
Đồng thời "tính lại tiền sử dụng đất của các dự án đã giao cho nhà đầu tư ; bảo đảm không thất thoát tài sản nhà nước và xác định khắc phục tình trạng mất cân đối chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà nhà nước đã dùng tiền ngân sách để đền bù, giải tỏa mặt bằng, đầu tư hạ tầng Khu đô thị mới Thủ Thiêm".
Trên cơ sở "xác định đúng" này, làm mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định. Trong đó, kiểm tra, làm rõ và báo cáo thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỷ đồng (450,6 triệu USD) ; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân 17.042 tỷ đồng (731,1 triệu USD).
Các công việc nêu trên được đề nghị hoàn thành trước ngày 30/9 tới để báo cáo thủ tướng chính phủ.
Theo báo Tuổi Trẻ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để "xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong kết luận".
"Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12/2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý…" kết luận thanh tra nêu. (Tr.N)
Đã rất rõ là bàn cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang đánh thẳng vào Sài Gòn, trước khi tiến tới một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ.
Cựu phó chủ tịch thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị công an khởi tố và tống giam
Ngày 8 tháng Mười Hai năm 2018, thêm một ‘đệ ruột’ của ‘bố già’ Lê Thanh Hải là cựu phó chủ tịch thường trực Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị công an khởi tố và tống giam vì tội danh mà về danh nghĩa là ‘vi phạm quản lý đất đai’, nhưng thực chất rất có thể tài đã ‘ăn bẩn’ trong ít nhất việc duyệt bán một khu đất vàng không qua đấu giá cho doanh nghiệp.
Cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín
Tính đến nay, Nguyễn Thành Tài là cái tên thứ hai sau một quan chức đồng cấp khác - cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín - mà đã khiến ‘Anh Hai Nhựt’ (Lê Thanh Hải) mất đứt hai ‘đệ ruột’.
Việc Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh - một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Với việc những đàn em của Lê Thanh Hải là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài bị bắt, Tất Thành Cang có thể bị bắt, số phận Lê Thanh Hải "gia tộc Lê Thanh Hải" đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không còn xa nữa, để cá nhân Lê Thanh Hải gần như chắc chắn phải được kết thúc như một công đoạn đầu tiên để dẫn tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa kể hàng loạt thân nhân của Lê Thanh Hải bị ‘điểm danh’.
Kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" - một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 - bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức". Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Ngày 20 tháng Mười Một năm 2018, ‘báo đảng’ Thanh Niên đăng bài về Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam. "Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" - báo Thanh Niên giật tít như thế và còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành "Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh".
Với trường hợp Trương Thị Hiền, cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là "một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam". Đặc biệt là mối quan hệ "đặc biệt" giữa ông Hải và bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lê Thanh Hải cũng từ lâu bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc.
Đã rất rõ là bàn cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang đánh thẳng vào Sài Gòn, trước khi tiến tới một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắc máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn chăn kiến’ với Đinh La Thăng.
Chưa bao giờ trong triều đại gần hai chục năm trời thống trị Sài Gòn và nổi lên cầu vồng chính trường như một ngôi sao mập ú mang tên ‘Hai Đê’ (Đất - Đô), phe nhóm chính trị của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu chủ tịch và cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải lại rớt xuống sát với mặt đất để gần với vực thẳm hơn bao giờ hết vào năm 2018 này.
Thời còn huy hoàng, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa IX về các Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 ngày 14/10/2015
‘Hải Heo’
Không biết vô tình hay hữu ý, nhưng lại rất cần được chú ý phân tích về mối tương quan xung đột nội bộ, vụ ‘Hải Heo’ (một tục danh mà nhiều người dân Sài Gòn và nhất là tầng lớp dân oan Thủ Thiêm đặt cho Lê Thanh Hải) cùng bộ sậu ‘đệ ruột’ của ông ta đang hầu như chắc chắn tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc vào ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng sau cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào tháng Chín năm 2018.
Thời ‘Hậu Quang’, với ngày càng nhiều tín hiệu và chỉ dấu về một cuộc tổng công kích lớn và hầu như không hoài nghi sẽ diễn ra của ‘Tổng Chủ’ Nguyễn Phú Trọng vào Sài Gòn nói riêng và miền Tây Nam Bộ nói chung mà gần như không còn gặp lực cản phá đáng kể nào. Tình cảnh của phe nhóm quan chức miền Nam vừa ăn ngập mặt vừa ‘thiếu lý luận’ giờ đây có thể được mô tả như ‘thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ’, hay nói trắng ra thì chẳng còn tồn tại phe nhóm nào - một hình ảnh tan rã và phân hủy tự nhiên lẫn cay đắng rất đặc trưng của hình thái chất thải so với thời oan liệt ‘còn bạc còn quyền còn đệ tử’ của nó cách đây ba năm.
‘Nạn nhân’ mới nhất của ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ có thể bị tống vào ‘lò’ là Trương Thị Hiền - một thời đệ nhất phu nhân Sài thành.
Vợ
"Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh" - báo Thanh Niên giật tít như thế đúng vào 20/11 - ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2018. Theo bài báo này : "Kết luận thanh tra khẳng định Tư vấn quản lý dự án có dấu hiệu ‘thông đồng’ với Tư vấn đấu thầu trong việc triển khai xây dựng gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh". Giám đốc và Phó giám đốc Học viện được phân công phụ trách tại thời điểm phát sinh vụ việc. Vào thời điểm đó, giám đốc là PGS-TS Trương Thị Hiền…
Báo Thanh Niên còn chú thích rằng bà Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã biến mất, còn tựa đề được đổi thành "Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh".
Động thái đăng bài về Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt Nam thì ý tưởng đó có lẽ chỉ xuất phát từ những cái đầu thâm nho Bắc Hà hoặc những ‘người Bắc có lý luận’.
Có thể sơ kết rằng cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Con, em và đệ
Trước Trương Thị Hiền, kẻ đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh bất chợt công bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã "chi khống 13,3 tỉ đồng" - một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12 - bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Cũng vào tháng Mười Một năm 2018, một quan chức được xem là ‘cánh hẩu’ của Lê Thanh Hải là cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an khởi tố thêm tội danh Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và chính thức bị bắt, dù đã bị khởi tố hai tháng trước đó và dường như đã xảy ra một cuộc điều đình ngầm kín nào đó trong thời gian qua.
Vụ khởi tố đầu tiên đối với Nguyễn Hữu Tín vào tháng Chín năm 2018 là sự liên đới mật thiết việc ông Tín đã tiếp tay cho Vũ ‘Nhôm’ mua với giá rẻ mạt nhiều lô đất vàng ở Sài Gòn. Vũ ‘Nhôm’ - hay người còn có tên là Trần Đại Vũ - lại được rất nhiều dư luận cho rằng có mối quan hệ ruột rà với Trần Đại Quang.
Cũng có dư luận cho rằng vụ khởi tố Nguyễn Hữu Tín là giọt nước tràn ly khiến Trần Đại Quang ‘lên máu’ và ‘đi’ luôn.
Dù chưa có bất kỳ cơ quan chính quyền nào xác nhận hay phản ứng đối với các luồng dư luận trên, nhưng điều hiển nhiên là chính vào lúc này Nguyễn Hữu Tín đã không còn ‘bức tường’ nào che chắn cho ông ta. Trong khi đó, cả hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra của Bộ Công an đã thuộc về người của Nguyễn Phú Trọng kể từ tháng Tám năm 2018.
Vụ Nguyễn Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh là một tín hiệu rất quan trọng cho thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Nhưng vụ khởi tố và bắt Nguyễn Hữu Tín không chỉ được coi là có liên quan đến Trần Đại Quang, mà một cách thiết thân nhất, vụ này đang và sẽ móc xích với nhân vật được xem là ‘bố già’ ở Sài Gòn : Lê Thanh Hải.
‘Điểm sáng’ rõ nhất trong phần lớn thời gian công tác của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Trong khi đó, Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang - kẻ mới bị Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận với mức độ sai phạm ‘rất nghiêm trọng’ - chắc chắn sẽ bị mất chức ở Thành ủy và mất luôn cái ghế ủy viên trung ương.
Với nhiều dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng, và đặc biệt là thuộc ‘cánh Lê Thanh Hải’ mà Nguyễn Phú Trọng có vẻ chưa bao giờ có thiện cảm, Tất Thành Cang đang có nhiều triển vọng ‘theo chân’ Đinh La Thăng.
‘Thu hồi tài sản tham nhũng’
Một khi những ‘đệ ruột’ gần gũi nhất của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín và có thể sắp tới cả Tất Thành Cang - đương kim phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài - cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh… rơi vào vòng lao lý, liệu số phận Lê Thanh Hải còn giữ được uy danh ‘bố già’ trên đất Sài Gòn ?
Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng : danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm - một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối.
Song vẫn còn một nguồn cơn khó nói khác : muốn tiến thẳng đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng để ‘đạp cửa xông vào liều mình như chẳng có’, cần phải vượt qua một chướng ngại lớn không thể không vượt qua là Lê Thanh Hải.
Chừng đó lý do sẽ đủ để vào một ngày đẹp trời nào đó, ‘Hải Heo’ sẽ nối gót đàn em để không chỉ ‘của thiên trả địa’, mà có khi còn phải thốt lên một triết lý chấn động ‘tâm thức cộng sản’ như Đinh La Thăng đã từng : "Hãy đối xử với bị cáo như một con người !".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/11/2018
Một ngày sau khi có tin ông Nguyễn Hữu Tín, cựu phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ở Sài Gòn bị khởi tố cùng bốn thuộc cấp, các báo Việt Nam đồng loạt đăng bài công kích ông này.
Ông Nguyễn Hữu Tín trong một cuộc họp khi còn tại vị. (Hình : Zing)
Ông Tín được người dân Sài Gòn biết đến như là đệ tử ruột của cựu Bí thư Thành ủy Sài Gòn Lê Thanh Hải.
Một chi tiết khiến công luận bất bình là tuy bị khởi tố lần lượt đến hai vụ án hình sự ("Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan tới Tổng Công Ty Bia, Rượu, Nước Giải Khát Sài Gòn–Sabeco và liên quan cuộc điều tra mở rộng vụ án Phan Văn Anh Vũ) nhưng ông Tín lại được cơ quan điều tra ưu ái cho tại ngoại, chỉ bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo báo Tuổi Trẻ, hồi tháng Sáu, 2015, ông Tín, khi đó còn tại vị, đã ký quyết định chấp thuận cho Công Ty Sabeco Pearl (công ty con của Sabeco) thuê đất 50 năm trả tiền một lần để xây dựng dự án khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê theo hình thức "thuê đất trả tiền một lần".
"Khu đất vàng" tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng mà ông Tín bị quy trách nhiệm "cho thuộc về tay tư nhân mà không thông qua đấu thầu". (Hình : Zing)
Mảnh đất này được gọi là "khu đất vàng" vì rộng đến 6.000 m2, tọa lạc tại địa chỉ 2-4-6 đường Hai Bà Trưng ở quận 1. Đến nay khu đất này vẫn là một dự án bỏ hoang.
Báo Tuổi Trẻ hôm 11 tháng Mười Một, viết : "Việc ông Tín cho phép chuyển dự án từ Sabeco sang Công Ty Sabeco Pearl là chưa đúng với pháp luật, trái với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất công của Bộ Tài Chính Việt Nam. Ngoài ra, việc chỉ định cho công ty này thuê đất 50 năm trả tiền một lần với giá do cơ quan chức năng thẩm định mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất là sai Luật Đất Đai".
Đa phần các ý kiến trên mạng xã hội cho rằng trong vụ sai phạm quản lý đất đai này, nếu chỉ quy cho ông Tín là người phải chịu trách nhiệm cao nhất thì chẳng lẽ chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố lẫn bí thư cùng Ban Thường vụ Thành ủy "đui mù câm điếc cả" ?
Nhà báo Cù Mai Công của báo Tuổi Trẻ đưa cáo buộc về ông Tín trên trang cá nhân : "Ông Tín còn thọc bàn tay của mình vô nhiều dự án khác, từ bãi rác Đa Phước thối tha, đến mảnh đất trường bắn trước đây là nơi xử bắn ở quận 9 rộng 320.000 m2… Tay ông thọc vô đâu, có vấn đề đến đó. Đất nhà nước, sở hữu toàn dân thành sở hữu tư nhân, sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Nói như cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, ‘ăn không từ một thứ gì’".
Giới quan sát cho rằng việc khởi tố ông Tín thêm một lần nữa có thể là chỉ dấu Đảng cộng sản sẽ tiếp tục sờ gáy những quan chức chủ chốt trong vụ sai phạm đất đai Thủ Thiêm, mà hai người được công luận chờ đợi bị nêu tên nhiều nhất là ông Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy ở Sài Gòn. Tuy vậy, mọi suy đóa n ở thời điểm này đều có vẻ còn quá sớm, khi mới đây ông Cang còn được bổ nhiệm làm trưởng "ban hòa giải, đối thoại" trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp.
Trong một diễn biến khác, báo Thanh Niên hôm 11 Tháng Mười Một cho hay, công đoàn ngành giáo dục thành phố ở Sài Gòn vừa ra văn bản yêu cầu giáo viên "nhất trí ủng hộ chủ trương giải quyết vụ khiếu nại đất đai Thủ Thiêm".
Hành động này được hiểu là chính quyền nhận biết đa phần người dân đến nay vẫn không đồng tình với các biện pháp xử lý sai phạm đất Thủ Thiêm nên buộc giới giáo viên ở Sài Gòn tham gia "tuyên truyền, định hướng dư luận nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ chủ trương của Thành ủy". (T.K.)
Sau 4 tháng ‘nhóm củi’, ‘lò’ của Tổng bí thư Trọng dường như đã hoàn tất quá trình khởi động để bắt đầu cháy và thiêu đốt giới một danh sách đen những quan chức Thành phố Hồ Chí Minh ‘nhúng chàm nhưng không chịu gột rửa’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải và ông Võ Văn Thưởng
‘Đệ ruột Anh Hai’
Sau vụ Đinh La Thăng, Nguyễn Hữu Tín là cái tên quan chức cao cấp đầu tiên của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, dù đã nghỉ hưu, chính thức bị đưa vào vòng tố tụng hình sự với hai động tác đầu tiên là khởi tố và khám xét nhà - do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành vào ngày 18/9/2018 - vì liên quan vụ Vũ ‘Nhôm’.
‘Điểm sáng’ rõ nhất của Nguyễn Hữu Tín có lẽ là giai đoạn ‘trưởng thành cách mạng’ suốt từ những năm 2000 đến năm 2015 trùng với thời kỳ ngự trị của ‘Anh Hai’ Lê Thanh Hải ở Sài Gòn.
Nếu trước khi trở thành chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, Lê Thanh Hải từng là bí thư quận 5 - một quận giàu có với nhiều người Hoa sinh sống và làm ăn, thì Nguyễn Hữu Tín cũng có thời được đưa về làm bí thư quận 5.
Song phần lớn thời gian của Nguyễn Hữu Tín là trên cương vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố,trong đó có phụ trách về mảng nhà đất - địa chỉ mà đã sinh sôi nảy nở những mối quan hệ đen tối với Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ và công ty bình phong của Vũ mà đã góp công giải tán luôn cả Tổng cục tình báo của Bộ Công an vào năm 2018.
Từ khi Lê Thanh Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất chức bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải, và tuy không được đánh giá có tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Lò ‘tiến về Sài Gòn’
Vào quý 2 năm 2018 khi nổ ra vụ bắt hai cựu chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến vì dính đến vũ ‘Nhôm’, đã râm ran tin ngoài lề là sắp bắt cả một số quan chức Thành phố Hồ Chí Minh bị liên đới, trong đó có Nguyễn Hữu Tín. Tuy nhiên sau ít tháng và sau khi Vũ ‘Nhôm’ bị đưa ra tòa xét xử với tội danh đầu tiên là ‘cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước’ cùng mức án 9 năm tù giam, những dấu hiệu ‘đốt lò’ ở Sài Gòn tạm lắng xuống, dành chỗ cho chiến dịch xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và ‘thay máu’ cơ quan được xem là ‘siêu bộ’ này.
Cũng vào thời gian trên, một động thái khởi động khác của ‘lò’ Nguyễn Phú Trọng, hay chính xác hơn là ai đó đã ‘mượn lò’ ông Trọng để mưu tính ‘đốt’ một số quan chức đương chức trong khối chính quyền và thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có những cái tên Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy, Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, kể cả Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố… Hai ‘chuyên án’ từ vừa tới lớn được tung ra là vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái pháp luật 32 ha đất Nhà Bè với giá bèo cho tư nhân, và vụ khiếu nại tố cáo kéo dài ròng rã hai chục năm trời ở Thủ Thiêm - một cứ điểm sinh tử trong cuộc tranh chấp giữa các nhóm quyền lực - lợi ích mới với nhóm quyền lực - lợi ích cũ.
Tuy nhiên, phải đến đầu tháng Chín năm 2018, một bản kết luận kiểm tra về vụ Thủ Thiêm mới được Thanh chính chính phủ công bố theo ‘đồng ý của thủ tướng’ (Nguyễn Xuân Phúc). Cũng là lúc mà có dư luận cho rằng mưu đồ ‘đi đêm’ giữa hai nhóm lợi ích mới và cũ đã không mấy thành công vì một số nguyên do nào đó mà đã dẫn đến quan điểm ‘xử thẳng tay’ trở nên minh bạch hơn trước công luận.
Quan điểm ‘xử thẳng tay’ bước đầu đã thể hiện bởi việc khởi tố Nguyễn Hữu Tín và ba quan chức khác là Đào Anh Kiệt - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Văn Thanh - Phó chánh văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Thanh Chương - Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáu tháng sau khi khai hỏa ‘mặt trận Đà Nẵng’, điểm nổ tiếp theo rõ ràng đã ‘tiến về Sài Gòn’. Vụ án Vũ ‘Nhôm’ đã bước sang giai đoạn 2 về ‘vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’, kéo theo vòng lao lý của nhiều quan chức dân sự chứ không chỉ là quan chức Bộ Công an như trước đây.
So với Đà Nẵng, ‘mặt trận Sài Gòn’ tập trung nhiều hỏa lực hơn hẳn và rất có thể sẽ xảy ra ác liệt hơn nhiều. Đã từ nhiều năm qua và đặc biệt dưới thời Lê Thanh Hải, Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nơi ‘bất khả xâm phạm’. Vào năm 2016, ngay cả vụ Bộ Công an bắt Trần Phương Bình - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á là nơi mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là cổ đông lớn nhất - cũng chẳng một quan chức Thành phố Hồ Chí Minh nào bị hề hấn gì.
Hai thanh ‘bảo kiếm’
Khác khá nhiều so với bối cảnh thời gian trước, chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng vào thời gian này được hỗ trợ đắc lực bởi hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - hai cứ điểm mà ông Trọng đã chiếm gọn vào đầu tháng Tám năm 2018.
Ngày 10/8/2018, Bộ trưởng công an Tô Lâm đặt bút ký hai quyết định liên tiếp bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an, và bổ nhiệm chức danh Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an.
Hai cơ quan Cảnh sát điều tra và An ninh điều tra được xem là là hai cục đặc biệt quan trọng trong Bộ Công an, mang quyền ‘sinh sát’ đối với các bộ ngành khác và khối các tỉnh thành ở Việt Nam.
Quyết định trên là đặc biệt quan trọng trên bàn cờ nhân sự nội bộ của Nguyễn Phú Trọng : cả hai thứ trưởng Bùi Văn Nam và Lê Quý Vương - được giới quan sát chính trị đánh giá là ‘cận thần’ của Tổng bí thư Trọng.
Chẳng bao lâu sau sự kiện đảo lộn bàn cờ nhân sự trên, chuyến công du Nga của Tổng bí thư Trọng vào đầu tháng Chín năm 2018 đã được tháp tùng không phải bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm mà là Thứ trưởng Bùi Văn Nam - như một tín hiệu về khả năng ‘thay ngựa giữa dòng’ có thể xảy ra trong thời gian tới.
Khỏi phải nói, với việc chiếm lĩnh được hai cứ điểm lợi hại trên, ông Trọng đã nắm gọn trong tay hai thanh kiếm sắc bén và cả sắc máu. Việc chiếm lĩnh hai cứ điểm trên cùng hỏa lực tiềm tàng còn ẩn giấu trong hai cứ điểm này sẽ tác động đến phần lớn mặt trận chính trị Việt Nam. Một lần nữa sau một cơn suy trầm, Tổng bí thư Trọng lại vươn lên thế thượng phong trước các đồng chí của ông. Có được hai cục công an ‘bắt, bắt nữa, bắt mãi’, ông Trọng sẽ tha hồ đánh đông dẹp bắc trong nội bộ đảng.
Đánh từ ngoài vào trong
Nước cờ mà Nguyễn Phú Trọng đang đi trên bàn cờ ‘mặt trận Thành phố Hồ Chí Minh’ có vẻ không khác mấy so với cách chơi cờ của ông Trọng vào cuối năm 2017 tại ‘mặt trận Đà Nẵng’ - đánh từ vòng ngoài vào trong và khiến đối phương, đặc biệt những kẻ chưa biết khi nào mình bị bắt, rơi vào tâm trạng khủng hoảng tâm lý. Trước tết nguyên đán năm 2018, đã râm ran tin đồn ‘sẽ bắt hai nguyên chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến’. Sau tết là bắt thật.
Vụ khởi tố đối với Nguyễn Hữu Tín, cựu chức chứ không phải đương chức, có thể xem là ‘đánh vòng ngoài’ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ trước ngày quốc khánh 2/9 năm 2018, đã râm ran tin đồn về ‘Bộ Công an đang điều tra Tất Thanh Cang’ và ‘có thể bắt Cang’, bất chấp khi đó có một luồng dư luận ngược lại - có thể do nhóm của ông Cang chủ động tung ra - về việc ‘Tất Thành Cang đã thoát’.
Còn sau 2/9, tin tức ngoài lề còn tản rộng hơn nữa với không chỉ Tất Thành Cang mà còn thêm vài ba quan chức cao cấp và đương chức nữa ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phải ‘xộ khám’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/09/2018
Trong lúc cơ quan Thanh tra chính phủ vẫn như giấu biến bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, vào ngày 16/7 – tức trùng với chuyến ‘công du’ Thủ Thiêm của quan chức Nguyễn Thiện Nhân, Thành ủy Thành phố Hồ hí Minh đã ra thông báo “sẽ thành lập Tổ công tác giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm tổ trưởng, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phụ trách đô thị làm tổ phó…”.
Làm sao ‘bản lĩnh Nguyễn Thiện Nhân’ (phải) dám ‘xử’ Lê Thanh Hải ? Ảnh : Báo Mới
Đã khá rõ là bản thông báo trên đang muốn thay thế cho bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm, tức ‘khúc xương’ Thủ Thiêm quá khó gặm đã được Thủ tướng Phúc thảy cho chính quyền Thành phố Hồ hí Minh, sau những dấu hiệu không kém rõ ràng về việc ông Phúc không muốn nhúng tay trực tiếp vào vụ việc này vì sợ đụng chạm quá nhiều kẻ ‘ăn đất’, bị dân chửi và dĩ nhiên sợ bị ‘mất uy tín’, và do vậy ông Phúc muốn ‘chạy làng’.
Cũng khá rõ về việc chính quyền Thành phố Hồ hí Minh xin trung ương cho ‘xử lý nội bộ’ vụ Thủ Thiêm, và cơ chế ưu ái đặc biệt này đã được trung ương thông qua.
Nhiệm vụ có vẻ như duy nhất giờ đây của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân là ‘thăm’ dân oan Thủ Thiêm và cố gắng thyết phục những người dân này dọn vào ở trong khu tái định cư Thủ Thiêm – chính là những khu nhà heo hút được xây tạm bợ mà không có gì bảo đảm về chất lượng công trình, thậm chí từ năm 2017 đến nay đưa ra đấu giá mà chẳng có ‘ma’ nào thèm mua.
Trong khi đó, làm thế nào để chính quyền Thành phố Hồ hí Minh vừa là ‘tội phạm’ trong vụ Thủ Thiêm lại muốn xử lý những tội phạm ‘ăn đất’ của người dân ? Làm thế nào để ‘bản lĩnh Nguyễn Thiện Nhân’ dám ‘xử’ Lê Thanh Hải và những quan chức ăn tạp khác ?
Vụ giải tỏa Thủ Thiêm lại diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Thành phố Hồ hí Minh (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ hí Minh (2006-2015).
Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về ‘cướp đất vàng’ ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là ‘đệ tử ruột’ của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.
Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu ‘đất vàng’ chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 140 ha đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là ‘giải tỏa ăn cướp’, các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD !
Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 – thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… FB Lê Nguyễn Hương Trà.
Với bản kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm được công bố trên FB Lê Nguyễn Hương Trà vào tháng Bảy năm 2018, tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao.
Kết luận trên vẫn ghi nhận ‘thành tích’ của Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ hí Minh trong việc giải tỏa 99% ‘đất sạch’, trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 ha theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần Kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức ‘ăn đất’, đặc biệt là bí thư Thành phố Hồ hí Minh thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ hí Minh thời đó…
Việt Nam đương đại và quằn quại có quá nhiều bằng chứng về ‘kẻ phạm tội đi xử lý tội phạm’, mà dẫn chứng cập nhật nhất vào nửa đầu năm 2018 là Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa lại bị biến thành cái ổ của ‘công an tổ chức đánh bạc và bảo kê cho đánh bạc công nghệ cao’.
Giờ đây, mọi việc lại phải bắt đầu từ đầu theo cách chính quyền Thành phố Hồ hí Minh ‘xem xét, giải quyết các trường hợp kiến nghị, khiếu nại liên quan công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ – như bao nhiêu lần khác trong quá khứ.
Cũng là cái thói ‘xử lý nội bộ’ và cuối cùng sẽ dẫn đến ‘đánh bùn sang ao’, khiến vụ Thủ Thiêm uất nghẹn chỉ còn cách bị nhấn chìm xuồng.
Giờ đây, hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm không còn gì để mất lại thêm một lần nữa nhận ra rằng họ vẫn chỉ là những con tốt thí trên bàn cờ lợi ích và chính trị của các nhóm quyền lực – những kẻ coi cái chết tự treo cổ vì phẫn uất do bị cưỡng chế của dân oan chẳng đáng một bữa nhậu của chúng.
Nếu dân không phản ứng mạnh, chắc chắn sẽ chẳng có bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm nào được công bố, chưa kể việc có được công bố chăng nữa thì cũng chỉ ‘đánh bùn sang ao’ mà không xử lý bất kỳ bất công ghê gớm nào tại Thủ Thiêm.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 25/07/2018
Đã từ lâu, tôi thực sự không có ý định cũng như hứng thú viết bất cứ một câu nào khen hay chê ai đó có "diễm phúc" hoặc "bất hạnh" khi "trúng hoặc trượt" cái huy hiệu này, song thực sự tôi không thể im lặng khi hôm 15/5/2018 vừa qua, người ta gài lên ngực ông Lê Thanh Hải cái huy hiệu mà ông này hoàn toàn không xứng đáng được nhận : Huy hiệu 50 tuổi Đảng !
Ông Lê Thanh Hải nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ảnh : LONG HỒ
Ngày 15/5/2018, toàn bộ hệ thống thông đại chúng của Đảng và Nhà nước đồng loạt đưa tin ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch UBND, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự được đương kim Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng ! Việc trao hay không trao huy hiệu này cho ai, đó là quyền và chuyện riêng của Đảng, người nhận có xứng đáng hay không cũng là chuyện nội bộ của Đảng, người ngoài ít ai quan tâm và cũng chẳng ai thọc mạch, xía vô. Nhưng trong trường hợp cụ thể này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, việc trao cho ông Lê Thanh Hải huy hiệu này trong bối cảnh có thể nói là rất bê bối ở Thành phố Hồ Chí Minh khi chuyện động trời về quy hoạch ở Thủ Thiêm bị phát lộ, liên quan đến trách nhiệm của cá nhân ông Lê Thanh Hải suốt thời gian 15 năm tại vị (2001-2016) cũng như uy tín, danh dự cá nhân ông lúc này cho dù ông đã nghỉ hưu 2 năm nay !
Khi làm Chủ tịch UBND (2001-2006), rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh 2 nhiệm kỳ (2006-2016), ông Hai Nhựt (Lê Thanh Hải) để lại không ít tai tiếng, không thể liệt kê hết ra đây được. Trong số này có nhiều việc tày đình, điển hình là việc để cho cấp dưới làm bậy. Chỉ đơn cử một việc đã bị phanh phui trước công luận báo chí : Tháng 12/2005, ông Hải làm ngơ cho Phó Chủ tịch Thành phố Nguyễn Văn Đua lộng quyền, cả gan ban hành Quyết định 6565/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ, cố tình sửa lại quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm trái với quy hoạch của Chính phủ đã phê duyệt trước đấy, làm lợi cho các nhóm lợi ích, gây thiệt hại lớn cho công quỹ, đẩy cả ngàn hộ dân vào cảnh khốn cùng trong suốt 15 năm dòng ! Chỉ riêng việc đó thôi, ông Hải và ông Đua đã không chỉ vi phạm kỷ luật và Điều lệ Đảng, và rõ ràng vi phạm cả pháp luật nữa ! Đây là một tội ác, hoàn toàn đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự ! Ấy vậy, ông Hải chẳng hề hấn gì, ngược lại, còn vinh dự được Đảng trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng giữa tiếng kêu khóc khổ đau của chục ngàn người dân Thủ Thiêm bị giải tỏa lố đến 1.600.000 m2 đất (160ha), đẩy họ vào cảnh màn trời chiếu đất, mất cả nơi cư ngụ lẫn kế sinh nhai. Thậm chí có người đã quá phẫn uất phải tìm đến cái chết do bị chính quyền đẩy đuổi, cưỡng chế, bắt bớ, đẩy họ đến bước đường cùng !
Nói về việc ông Hai Nhựt được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, tôi nhớ lại trường hợp của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh "bị gây khó dễ" khi nhận huy hiệu này khi cụ có 75 năm tuổi Đảng. Cụ Vĩnh sinh năm 1916, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 lúc mới 23 tuổi. Cụ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam 16 năm (1960-1976), từng lần lượt là Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh khác nhau là Thái Bình, Vĩnh Yên và Thanh Hóa. Năm 2014 cụ tròn 75 năm tuổi Đảng, lẽ ra cụ phải được trao tặng Huy hiệu này trong năm 2014 ! Theo lệ thường, vào mỗi dịp lễ như kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3/2), sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5) hoặc ngày Quốc khánh (2/9), Đảng bộ các cấp thường tổ chức trao Huy hiệu cho các đảng viên. Năm 2014 đã qua 3 dịp lễ kể trên mà không thấy Thành ủy Hà Nội thông báo gì về việc trao Huy hiệu 75 năm cho cụ Vĩnh. Hóa ra nguyên nhân là do cụ cùng với 60 đảng viên tâm huyết khác ký tên vào "Thư ngỏ 61" (1) đề ngày 28/7/2014 gửi Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam !
Người viết bài này có vinh dự được cụ Nguyễn Trọng Vĩnh mời dự buổi cụ tiếp Phái đoàn Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đến thăm để "thẩm tra tư cách đảng viên" (chiều 19/11/2014) cũng như buổi trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng (sáng 1/9/2015). Được chứng kiến từ đầu đến cuối buổi Phái đoàn Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đến "nắn gân cụ" (chiều 19/11/2014), tôi thật sự cảm phục cụ, và rút ra kết luận sau : Nếu cụ Vĩnh không cương quyết trong thái độ, không vững vàng trong lập luận và đập lại đích đáng những quy kết vô lối của Phái đoàn này, thì chắc Thành ủy Hà Nội đã thành công trong cái mà cụ Vĩnh gọi là "mưu đồ quy kết kỷ luật" để lấy cớ không trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ ! Nhưng họ đã lầm to và thất bại ê chề ! Khi ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội kết luận việc cụ ký vào Thư ngỏ 61 và phát tán lên mạng xã hội là vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm "19 điều cấm đảng viên", cụ kiên quyết bác bỏ. Cụ vạch rõ : "Chính cái quy định "19 điều đảng viên không được làm" này đã triệt tiêu tinh thần dân chủ trong Đảng, mà ngay cả một số văn bản Đảng ban hành gần đây cũng vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, cụ thể như Quy chế bầu cử trong Đảng (tức Quyết định số 244/QĐ-TƯ ngày 9/6/2014) chẳng hạn".
Thừa biết ý đồ của Phái đoàn Thành ủy Hà Nội lấy lý do cụ không chịu rút chữ ký cũng như từ chối ra tuyên bố rút tên khỏi danh sách 61 đảng viên ký Thư ngỏ 61 để không trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, cụ Vĩnh tuyên bố thẳng : "Tôi đã 99 tuổi và 75 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng. Việc trao hay không trao Huy hiệu 75 năm cho tôi thì tuổi Đảng của tôi vẫn là 75, chẳng ai cho thêm và cũng chẳng ai có thể bớt được của tôi một tuổi nào ! Mọi người đều rõ điều đó. Tôi chưa hề bị kỷ luật nên việc trao Huy hiệu 75 năm cho tôi là việc bình thường, điều đó chỉ có lợi và tốt cho Đảng, nếu không, chỉ có xấu và bất lợi cho Đảng ! Còn nếu vin vào việc tôi ký Thư ngỏ 61 mà kỷ luật, không trao Huy hiệu hoặc thậm chí kỷ luật khai trừ tôi, thì xin nói rõ với các anh là tôi không để cho ai làm điều đó đâu ! Trong trường hợp như vậy, tôi sẽ công bố quyết định mà tôi đã trăn trở nhiều năm qua" ! Cụ không nói "quyết định mà cụ đã trăn trở nhiều năm qua" là gì, nhưng tôi thì biết rất rõ điều đó !
Không rõ vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy về báo cáo với Bí thư và Thường vụ Thành ủy Hà Nội ra sao, mà mãi gần 1 năm sau, ngày 1/9/2015, nghĩa là chậm đúng 1 năm, người ta mới tổ chức trao Huy hiệu này cho cụ Vĩnh, mà người đứng ra trao chỉ là cấp thấp (Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa). Lẽ ra, với các chức vụ đã kinh qua, và ở tuổi như cụ (cả tuổi đời cũng như tuổi Đảng), chí ít cụ Nguyễn Trọng Vĩnh cũng phải do cấp Bí thư Thành ủy đứng ra trao mới đúng đạo lý ! Nhưng tôi biết rõ tính cụ, cụ đâu có để ý đến những chuyện lặt vặt này !
Nhân việc Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Lê Thanh Hải, tôi bày tỏ đôi điều như trên để rộng đường dư luận. Hẳn phải có điều gì đó ẩn chứa đằng sau động thái này, phải chăng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh muốn thăm dò phản ứng hoặc thách thức dư luận, hay cả hai, hoặc còn mục đích nào khác ? Điều này không ai có thể trả lời thay ông Nguyễn Thiện Nhân được ! Song việc ông Lê Thanh Hải nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng có xứng đáng và chính đáng hay không, vinh hay nhục, có lẽ người dân Thủ Thiêm nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung là nắm vững và biết rõ hơn ai hết ! Nhưng dù sao, đây cũng là việc riêng và thẩm quyền của Đảng, trao cho ai, vào thời điểm nào, hình thức ra sao là đặc quyền của Đảng, người dân không được xía vô. Nhưng xin Đảng chớ vội quên, phải ghi nhớ lời răn dạy của tiền nhân : "Đẩy thuyền là dân, và lật thuyền cũng là dân" !
Nguyễn Đăng Quang
Nguồn : VNTB, 18/05/2018
(1) https://xuandienhannom.blogspot.com/2014/07/rfa-nhung-iem-ang-chu-y-cua-buc-thu-ngo.html
Cựu bí thư Lê Thanh Hải nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (RFA, 15/05/2018)
Ông Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, người đang bị tố cáo có những vi phạm trong thời gian đương chức, vào sáng ngày 15 tháng 5 được trao huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cho ông Lê Thanh Hải. Courtesy of PLO
Tại buổi lễ do Đảng ủy Cơ quan văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, báo trong nước trích phát biểu của đương kim bí thư Nguyễn Thiện Nhân là ông Lê Thanh Hải đã trải qua nhiều vị trí công tác và luôn nỗ lực phấn đấu, học hỏi, rèn luyện và trưởng thành.
Ông Lê Thanh Hải mang bí danh Hai Nhựt trong những năm tham gia Đội Võ trang Tuyên truyền thuộc Khu Đoàn Sài Gòn Gia Định.
Những tuần vừa qua, ông Lê Thanh Hải, cùng với ông Tất Thành Cang, ông Nguyễn Văn Đua là những nhân vật được dư luận nhắc đến khá nhiều. Đặc biệt, nhiều người cho rằng ông Lê Thanh Hải, khi còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, chính là người đã ra lệnh cho Ban Tuyên giáo không được có những bài viết về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2 cách đây khoảng 20 năm.
*******************
Phó chủ tịch ‘dẹp vỉa hè’ Đoàn Ngọc Hải rút đơn xin từ chức (RFA, 15/05/2018)
Phó Chủ tịch Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải gửi đơn lên Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh rút đơn từ chức đã gửi hôm 8/1/2018.
Phó Chủ tịch Quận 1, Thành Phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Ngọc Hải. Courtesy of internet
Truyền thông trong nước ngày thứ Ba 15/05/2018 cho biết bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận 1 xác nhận tin vừa nêu và đang báo cáo lãnh đạo thành phố về việc giải quyết đơn cho ông Đoàn Ngọc Hải mà theo bà này thuộc thẩm quyền của Thành ủy.
Tin nói Ông Đoàn Ngọc Hải được phân công làm Phó Chủ tich phụ trách mảng đô thị từ tháng 3/2016. Ông là người được truyền thông trong nước loan tin rất quyết liệt trong biện pháp giải tỏa vỉa hè với mục đích biến Quận 1thành "bộ mặt của thành phố".
Khi thực hiện chủ trương đó ông được biết đến với câu nói "Nếu không làm được sẽ cởi áo về vườn".
Hôm 8/1/2018, vì cho là không thực hiện đươc lời hứa, ông Đoàn Ngọc Hải gửi đơn xin từ chức.
Tuy nhiên khi xin rút đơn từ chức, ông Hải nêu lý do là ông này đã nhận được nhiều động viên, an ủi, kỳ vọng và cả thuyết phục từ cấp lãnh đạo. Ông đã suy nghĩ và mong muốn được tiếp tục cống hiến.
********************
Thêm sai phạm đất đai tại Sài Gòn (RFA, 15/05/2018)
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị xác định có 7 sai phạm trong việc giao gần 5000 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 cho dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê.
Khu đất tại số 8 - 12 đường Lê Duẩn, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Courtesy : Ảnh chụp màn hình nld.com.vn
Truyền thông trong nước, vào ngày 15 tháng 5, loan tin vừa nêu, dẫn nguồn từ kết luận của Thanh tra Chính phủ vừa công bố.
Thanh tra Chính phủ cho biết khu đất số 8-12 Lê Duẩn, quận 1 có diện tích 4.896 m2 thuộc sở hữu nhà nước, đã chỉ định cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê, trong thời hạn sử dụng đất 50 năm.
Dự án này bị thanh tra từ năm 2013 cho đến nay. Theo kết luận thanh tra mới nhất, Thanh tra Chính phủ xác định Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có 7 sai phạm ; như không đấu thầu, giao đất và cho thuê sai đối tượng, không xin ý kiến của cơ quan hữu quan cũng như không tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn…
Báo Thanh Niên Online, vào ngày 15 tháng 5 còn cho biết có hàng loạt sai phạm nhà đất công ở thành phố Hồ Chí Minh, điển hình liên quan Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Tổng Công ty nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Cũng tin liên quan về nhà- đất công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, vào ngày 15 tháng 5 tuyên bố cần phải thu hồi ngay 2 lô đất dự án ven biển, mà không đợi kết luận thanh tra vì chủ thể được giao đất "không có thật".
Ông Huỳnh Đức Thơ cho biết như vừa nêu tại buổi gặp gỡ cử tri trong chương trình "Hội đồng Nhân dân với cử tri" lần 3.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh công tác thu hồi các lô đất của dự án chậm phát triển, để mở lối xuống biển cho người dân, trước tình trạng bờ biển bị các khu nghỉ dưỡng chia cách ; đồng thời đã trao đổi với Thanh tra Chính phủ sẽ thu hồi ngay 2 dự án ven biển vì đã giao đất không đúng đối tượng mà không cần thanh tra hay điều tra nữa.
*******************
Phó giám đốc công an Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận tình hình bất an (RFA, 15/05/2018)
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Thành Phố Hồ Chí Minh thừa nhận hiện tại mới chỉ trấn áp tội phạm chứ chưa có giải pháp chấm dứt phát sinh tội phạm tại thành phố này.
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Photo courtesy of zing.vn
Thừa nhận được đưa ra sáng ngày 15/5, tại buổi họp báo thông tin về vụ hai ‘hiệp sĩ bắt cướp’ bị đâm chết tại đường Cách Mạng Tháng 8 vào tối ngày 13 tháng 5.
Cũng tại buổi họp báo, Thiếu tướng Phan Anh Minh đặt câu hỏi nhóm hiệp sĩ Tân Bình này có phải là một tổ chức hay không. Ông nói thêm rằng việc để người dân tham gia phòng chống tội phạm nhưng không được bồi dưỡng về nghiệp vụ, không được quản lý, nguy cơ lệch lạc rất lớn, đôi khi tiếp tay cho tội phạm lộng hành.
Ông muốn mô hình hiệp sĩ phải chính thức và ổn định bởi có những trinh sát đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn tham gia công tác phòng chống tội phạm ở địa phương.
Thiếu tướng Minh cho hay các nhóm cướp giật ngày càng hung bạo, sẵn sang đâm chết nạn nhân. Ông thừa nhận vấn đề an ninh trật tự còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Việc trấn áp chỉ giải quyết được phần ngọn.
Theo ông, tội phạm phát sinh nhiều nhưng công an đang đối mặt với vấn đề tinh giản biên chế nên việc giải quyết tội phạm không chỉ là việc của công an mà phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Một nhóm có tên ‘Hiệp sĩ Tân Bình’ trong lúc truy đuổi các nghi phạm có dấu hiệu cướp xe đã bị kẻ gian phản ứng và đâm khiến 2 người tử vong.