Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Quân đội Miến Điện phô trương lực lượng "triệt hạ" đối lập

Thu Hằng, RFI, 27/03/2022

Ngày 27/03/2022, tập đoàn quân sự Miến Điện tổ chức diễu binh rầm rộ nhân kỉ niệm 77 năm thành lập lực lượng vũ trang. Ngoài phô trương lực lượng, tướng Min Aung Hlaing đe dọa "sẽ không đàm phán và sẽ tiêu diệt đến cùng" những người đối lập.

miendien1

Tướng Min Aung Hlaing, duyệt đội quân nhân lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập các lực lượng vũ trang Miến Điện, 27/03/2022. AP - Aung Shine Oo

AFP cho biết, hơn 8.000 thành viên lực lượng an ninh, cùng với nhiều xe tăng, xe chở tên lửa và pháo binh diễu hành trên những trục đường rộng thênh thang ở thủ đô Naypyidaw. Ở trên không, nhiều chiến đấu cơ thả khói mầu vàng, đỏ và xanh lá cây, mầu cờ Miến Điện. Tướng Min Aung Hlaing, mặc quân phục và đeo khẩu trang, duyệt đội quân trên chiếc xe Jeep.

Theo dự kiến ban đầu, ông Alexander Fomin, thứ trưởng quốc phòng Nga, nước cung cấp vũ khí và là đồng minh truyền thống của Miến Điện, thạm dự sự kiện này nhưng đã không đến vì "tình hình trong nước".

Về phía đối lập, chỉ có khoảng 12 người biểu tình phóng pháo sáng ở thủ phủ kinh tế Rangun và giăng biểu ngữ chống tập đoàn quân sự. Một số khác kêu gọi người dân phản kháng bằng cách tắt đèn từ 20 giờ đến 20 giờ 30 (giờ địa phương).

Ngày kỷ niệm thành lập lực lượng vũ trang cách đây một năm bị coi là ngày trấn áp đẫm máu nhất kể từ khi tập đoàn quân sự lật đổ chính quyền dân sự với khoảng 160 người biểu tình bị lực lượng an ninh sát hại.

Theo tổ chức phi chính phủ Trợ giúp tù nhân chính trị (AAPP), hơn 1.700 người chết, gần 13.000 người bị bắt giữ kể từ ngày đảo chính 01/02/2021. Dù tăng cường trấn áp, nhưng quân đội Miến Điện vẫn không kiểm soát được phần lớn lãnh thổ do hoạt động du kích của dân quân, được nhiều tộc người thiểu số hỗ trợ tại nhiều vùng.

Hôm nay, trong một thông cáo, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) cho biết "trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều thông tin cho thấy quân đội oanh kích và sử dụng vũ khí hạng nặng gây thiệt hại cho thường dân về nhân mạng và tài sản".

Thu Hằng

************************

Công nhận tội ác diệt chủng người Rohingya là chưa đủ

Trẻ em ở dưới các mái che tạm bợ trong khu tị nạn cho người thiểu số Hồi giáo Rohingya. AFP – Munire Uz Zaman

Chính quyền Hoa Kỳ hôm Chủ Nhật 20/03/2022 khẳng định, các bạo lực mà quân đội Miến Điện tiến hành để trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya là phạm tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Người Rohingya hoan nghênh tuyên bố này, nhưng vẫn chưa đủ.

RFI tiếng Việt, 22/03/2022

Additional Info

  • Author Thu Hằng
Published in Châu Á

Tập đoàn đồ uống khổng lồ Nhật Bản Kirin Holdings đã quyết định rút khỏi liên doanh tại Miến Điện sau khi cho rằng hoạt động kinh doanh tại đây không mang lại lợi ích cho nhân viên của mình.

kirin1

Ảnh chụp thùng đựng đồ uống của công ty Kirin Brewery Co tại nhà máy ở Yokohama, Nhật Bản, ngày 11/06/2019.  Reuters - ISSEI KATO

Theo hãng tin Mỹ AP, Kirin, chủ sở hữu của các thương hiệu San Miguel, Fat Tire và Lion, hôm qua 14/02/2022 cho biết hội đồng quản trị hãng đã quyết định "chấm dứt khẩn cấp" quan hệ đối tác với Myanma Economic Holdings Plc (MEHL), một công ty trực thuộc quân đội Miến Điện.

Công ty đã thông báo hơn một năm trước rằng họ không hài lòng với việc quân đội lên nắm quyền ngày 01/02/2021, tại Miến Điện, vi phạm các chuẩn mực của công ty và chính sách nhân quyền. Việc quân đội làm đảo chính, lật đổ chính phủ do dân bầu của bà Aung San Suu Kyi đã gây ra các cuộc biểu tình bất bạo động hàng loạt trên toàn quốc. Khi quân đội và cảnh sát đáp trả bằng vũ lực, sự phản kháng vũ trang đã bùng lên ở các thành phố và vùng nông thôn trong một cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt.

Kirin đã cố gắng duy trì hoạt động kinh doanh tại Miến Điện và muốn mua lại cổ phần của MEHL, nhưng không thành. Giờ đây, Kirin cho biết dự định bán 51% cổ phần của họ, nhưng không bán cho MEHL.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Châu Á

Chỉ có đại diện ‘phi chính trị’ của Myanmar được dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

RFA, 04/02/2022

Campuchia đã yêu cầu Myanmar cử một đại diện ‘phi chính trị’ sang Xứ Chùa Tháp tham dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao khối ASEAN dự kiến sẽ diễn ra trong vòng hai tuần tới. Lý do của yêu cầu này là vì thiếu tiến triển trong thực hiện Tuyên bố chung năm điểm mà khối đã thống nhất.

miendien1

Hình chụp hôm 24/4/2021 : Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại cuộc họp của ASEAN về khủng hoảng Myanmar ở Jakarta - AFP

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế của chính phủ Campuchia Chum Sounry cho tờ Phnom Penh Post biết như vừa nêu vào ngày 3/2.

Theo phát ngôn nhân Chum Sounry thì Myanmar được khuyến khích cử một đại diện ‘phi chính trị’ đến tham dự hơn là để ghế trống ; tuy nhiên tùy Myanmar quyết định nhân vật nào là đại diện ‘phi chính trị’ đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokkhom vào tuần qua cho biết Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ được diễn ra vào hai ngày 16 và 17/2, sau khi bị hoãn hồi tháng một do biến chủng Omicron lây lan mạnh ở Xứ Chùa Tháp.

Vào ngày 2/2 vừa qua, nước chủ tịch ASEAN năm nay là Campuchia ra thông cáo nhân một năm cuộc chính biến ở Myanmar. Thông cáo cho rằng các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục quan ngại sâu sắc về những diễn tiến ở Myanmar khi tình hình bạo lực vẫn tiếp diễn và thực tiễn nhân đạo suy giảm.

Các nước ASEAN kêu gọi chính quyền quân sự tại Myanmar có hành động cụ thể thực thi một cách hữu hiệu Tuyên bố chung năm điểm mà lãnh đạo các quốc gia thuộc khối ASEAN đạt được vào tháng tư năm ngoái.

Năm điểm thống nhất đó là :chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa "tất cả các bên liên quan", gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar.

************************

ASEAN sẽ không mời đại diện tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự họp

Thanh Phương, RFI, 03/02/2022

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ không mời đại diện của tập đoàn quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp lần tới, do chế độ Naypyidaw không có những tiến bộ nào để tìm cách tái lập đối thoại, trong bối cảnh Miến Điện rơi vào hỗn loạn kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.

miendien1

Cờ các quốc gia thành viên trước trụ sở ban thư ký Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta, Indonesia ngày 21/04/2021. AP - Tatan Syuflana

Tuyên bố với hãng tin AFP hôm nay, 03/02/2022, ông Chum Sounry, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Cam Bốt, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, ghi nhận là việc thực hiện bản Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN thông qua vào tháng 4 năm ngoái "đã không hề có tiến triển". Chính vì vậy mà các nước thành viên quyết định sẽ không mời ngoại trưởng của chính quyền quân sự Miến Điện đến dự cuộc họp trong hai ngày 16 và 17/02 tới. Thay vào đó, họ sẽ mời một nhân vật phi chính trị đại diện cho Miến Điện đến dự họp.

Đây là lần thứ hai ASEAN loại tập đoàn quân sự khỏi các cuộc họp của khối này, sau khi đã không mời lãnh đạo của chính quyền quân sự, tướng Min Aung Hlaing, đến dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 10 năm ngoái. Đây cũng là một vố đau đối với thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, vốn đã tìm cách để tập đoàn quân sự Miến Điện được đến dự các cuộc họp của ASEAN. Vào tháng trước, ông Hun Sen đã là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Miến Điện, đang ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế kể từ sau cuộc đảo chính.

Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm qua đã thông qua một tuyên bố chung, kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức mọi hình thức bạo lực" và bày tỏ hy vọng là đặc phái viên của ASEAN sẽ sớm được đến Miến Điện để làm trung gian giải quyết khủng hoảng.

Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, tập đoàn quân sự đã đàn áp rất dã man, giết hại hơn 1.500 thường dân và bắt giam gần 9.000 người. Vào đầu tuần này, Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ điều tra về những hành động có thể bị xem là tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh ở Miến Điện. Hoa Kỳ cùng với Anh Quốc và Canada thì đã ban hành nhiều trừng phạt tài chính đối với các lãnh đạo của ngành tư pháp nước này.

Thanh Phương

***********************

Miến Điện : Hai người chết trong vụ tấn công nhân một năm đảo chánh

Thụy My, RFI, 02/02/2022

Ngay trong ngày tưởng niệm các nạn nhân trong vụ quân đội đảo chính nắm quyền cách nay một năm, 01/02/2022, đã có 2 người thiệt mạng và 38 người khác bị thương trong vụ ném lựu đạn vào đoàn biểu tình ủng hộ tập đoàn quân sự tại Tachilek, miền đông Miến Điện. Chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.

miendien2

Cuộc tuần hành kỷ niệm chống lại cuộc đảo chính quân sự tại Mandalay, Miến Điện ngày 01/02/2022.  AP

Hai quả lựu đạn trưa qua đã được ném vào đám đông đang quay về sau cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ, phản đối "Lực lượng Phòng vệ Nhân dân" - các dân quân thường xuyên có những hoạt động du kích nhắm vào quân đội.

Vụ tấn công xảy ra vào lúc nhiều người Miến Điện âm thầm ngưng hoạt động để phản đối chính quyền. AFP ghi nhận vào lúc 16 giờ (9 giờ rưỡi giờ quốc tế), những tràng pháo tay nổ vang khắp Rangoon để kết thúc cuộc "đình công lặng lẽ", với nhiều cửa hàng đóng cửa, thành phố vắng lặng suốt ngày.

Lời kêu gọi do đối lập đưa ra đã được hưởng ứng mạnh mẽ ở khắp nước, từ bang Shan (miền đông), bang Kachin (miền bắc) đến Mandalay (miền trung), tuy chính quyền đã cảnh cáo nguy cơ bị kết tội phản quốc. Những hình ảnh người dân ở nhà, giơ ba ngón tay làm dấu hiệu phản kháng tràn ngập các mạng xã hội. Được biết đã có 10 người bị bắt tại Rangoon.

Về phía thống tướng Min Aung Hlaing hứa hẹn tổ chức bầu cử "tự do và bình đẳng" khi nào tình hình trở nên ổn định.

Chính phủ lưu vong Miến Điện chấp nhận điều tra diệt chủng Rohingya

Theo Reuters, "chính phủ trong bóng tối" NUG của Miến Điện, gồm các dân biểu lưu vong, được thành lập sau vụ đảo chánh quân sự năm ngoái, hôm nay tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (CIJ) về việc điều tra nạn diệt chủng đối với người thiểu số Rohingya. Trước đó chính quyền bà Aung San Suu Kyi đã phản đối tiến trình này. NUG kêu gọi CIJ liên hệ với ông Kyaw Moe Tun, đại diện Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc đã bị tập đoàn quân sự cách chức.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Thụy My
Published in Châu Á

Một năm sau cuộc đảo chính, quân đội Miến Điện đã làm chủ được tình thế ?

Hôm 01/02/2022 là đúng một năm sự kiện quân đội Miến Điện đảo chính, lật đổ chính quyền dân cử do bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa Bình lãnh đạo. Một năm sau, tập đoàn quân sự phải đối mặt với sự phản kháng mãnh liệt, muôn hình vạn trạng, và không ngừng gia tăng các cuộc trấn áp đẫm máu, trong khi cộng đồng quốc tế hầu như bất lực trước những hành động bạo tàn của quân đội Miến Điện.

miendien1

Các thành viên Lực lượng Phòng vệ Nhân dân, nhánh vũ trang của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG) đang huấn luyện tại một trại ở bang Kayin, gần biên giới với Thái Lan, ngày 08/10/2021.  AFP - STR

"Tại Miến Điện, một năm sau cuộc đảo chính, sự kháng cự vẫn luôn thách thức quân đội" (Le Figaro), "Một năm sau cuộc đảo chính ở Miến Điện, sự kháng cự của nhân dân thách thức tập đoàn quân sự" (Les Echos)… Thời sự Miến Điện là chủ đề không thể thiếu trên các nhật báo lớn của Pháp số ra hôm nay.

Hầu hết các báo Pháp đều có chung một nhận xét, làn sóng phản đối dân chủ ôn hòa nay biến thành một cuộc chiến vũ trang. Dưới trướng Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG), phong trào phản kháng, tập hợp đông đảo giới trẻ, đủ mọi thành phần xã hội, sắc tộc và tôn giáo, kể từ giờ nhắm đến một cuộc chinh phục bằng vũ trang khi cho ra đời Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF). Mục tiêu là nhằm hình thành một Nhà nước liên bang có đến 54 triệu dân, tập hợp nhiều sắc tộc thiểu số.

Miến Điện : Quân đội "bối rối" đối phó thường dân ?

Không như cuộc nổi dậy lịch sử năm 1988 chống giới quân sự, bị dập tắt trong vòng 6 tháng, thì năm 2021, tập đoàn quân sự Miến Điện phải đối mặt với một làn sóng kháng cự dân sự do một thế hệ trẻ tiến hành, một thế hệ trong vòng 10 năm đã được tận hưởng nền dân chủ, đã quen với điện thoại cầm tay và các mạng xã hội.

Theo phân tích của một nhà ngoại giao phương Tây tại nhiệm ở Rangoon từ nhiều năm nay, được La Croix trích dẫn, "có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm tự vệ dân sự và các sắc tộc vũ trang. Họ áp dụng một kiểu chiến lược quấy rối có thể kéo dài nhiều tuần và gây ra nhiều thiệt hại trong hàng ngũ cảnh sát và quân đội."

Sự kháng cự bền bỉ của phe nổi dậy nay buộc quân đội Miến Điện ngày càng sử dụng nhiều các chiến dịch dội bom, không phân biệt thường dân và kháng chiến quân nhắm vào nhiều vùng ở phía Đông, gần biên giới với Thái Lan cho đến giờ chưa từng nếm mùi xung đột. Le Figaro cho rằng, những chiến dịch dội bom và leo thang bạo lực của quân đội chứng tỏ trong sâu thẳm, những khó khăn của vị tướng đầy quyền lực Min Aung Hlaing trong việc áp đặt uy quyền của mình lên toàn bộ lãnh thổ.

Còn theo nhận định của Human Rights Watch với Le Monde, những vụ thảm sát thường dân – những tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh – do quân đội tiến hành là một dấu hiệu mất kiểm soát lãnh thổ hơn là làm chủ lại tình hình. Tương tự, La Croix cũng ghi nhận, việc quân đội bất ngờ thay đổi nhiều sĩ quan chủ chốt ở chiến tuyến những tuần gần đây có thể cho thấy một sự cuống cuồng nào đó từ bộ chỉ huy trước một cuộc chiến du kích di động có liên kết với nhiều nhóm sắc tộc vũ trang.

Sự bất lực của cộng đồng quốc tế, Nga – Trung bị điểm mặt

Có thể nói, mặt trận chống tập đoàn quân sự không ngừng lan rộng. Quân đội Miến Điện còn phải đối mặt với làn sóng đào ngũ chưa từng có, từ 2.000 – 4.000 người, theo nhiều nguồn tin được các nhật báo lớn của Pháp thu thập.

Phong trào phản kháng đã được tổ chức. Một nghị viện song song được thành lập sau cuộc đảo chính đã hủy bỏ Hiến pháp 2008. Một câu hỏi lớn đặt ra : Làm thế nào Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG) tiến hành một cuộc cách mạng trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều phương tiện và nhất là tại một đất nước bị chia nhỏ thành những vùng tự trị, dưới sự kiểm soát của hàng chục phong trào du kích sắc tộc thiểu số, mà quân đội không ngừng chơi trò dùng phe này để chống lại phe kia ? Đây thật sự là một thách thức lớn cho NUG !

Nguy cơ "Miến Điện sa lầy trong một cuộc chiến không hồi kết" như hàng tựa nhận định của La Croix, cũng cho thấy rõ sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp để khởi động đối thoại giữa quân đội với các bên.

Nhật báo công giáo đặc biệt chỉ trích vai trò của Nga và Trung Quốc, luôn tìm cách ngăn cản mọi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kêu gọi áp đặt cấm vận vũ khí. Ông Hervé Lemahieu, chuyên gia về Miến Điện, thuộc Viện Nghiên cứu Lowy, có trụ sở ở Sydney tiếc rằng trong cuộc khủng hoảng này "Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã không có được một tầm ảnh hưởng nào đối với tập đoàn quân sự".

Thường dân, nạn nhân của hai chế độ độc tài Miến Điện – Thái Lan

Những cuộc giao tranh giữa hai phe, cùng với những chiến dịch oanh kích, nã pháo tàn khốc của quân đội nhắm vào các bang biên giới bị nghi ngờ là nơi ẩn náu của kháng chiến quân, khiến hơn nửa triệu người dân phải bỏ nhà bỏ cửa chạy lánh nạn. Ngoài Ấn Độ, vùng biên giới Thái Lan được cho là nóng bỏng nhất. Phóng sự của Le Monde Libération cho thấy tình cảnh khốn khó cùng cực của người tị nạn Miến Điện sống dọc theo bờ sông Moei, ranh giới tự nhiên giữa hai nước như thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc men…

Cuộc sống thêm phần bấp bênh do Thái Lan không tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Quy chế tị nạn và từ chối mọi sự can thiệp từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Sally Thompson, thuộc tổ chức The Border Consortium trong một hội nghị gần đây ở Bangkok nhắc lại : "Giới chức Thái Lan rất cứng rắn : Những ai băng biên giới mà bị quân đội kiểm soát, đều nhận được một sự hỗ trợ tối thiểu rồi bị trả về. Chính sách tiếp theo rất rõ ràng : Quý vị không thể ở lại !".

Miến Điện : Ngành giáo dục trong trạng thái "chết não"

Một hệ quả khác tác động nghiêm trọng không nhỏ cho thế hệ trẻ Miến Điện : Giáo dục. Le Figaro trong bài viết đề tựa "Những học sinh và giáo viên trong trạng thái mơ hồ" cho biết từ một năm qua, kể từ sau cuộc đảo chính, 01/02/2021, hệ thống trường học và đại học trong trạng thái "chết não" ở Miến Điện. Sau nhiều tháng đóng cửa do làn sóng bất tuân dân sự, về mặt chính thức, các trường tiểu học và cấp hai đã mở cửa lại vào tháng 11/2021, và trường đại học là đầu tháng Giêng năm nay.

Nhưng theo nhật báo cánh hữu này, phần lớn các lớp học vẫn bị bỏ phế tại một đất nước ước tính có đến 11 triệu học sinh. Nguyên nhân là do Bộ Giáo dục do tập đoàn quân sự kiểm soát đình chỉ công tác 125 ngàn giáo viên tiểu học từ hồi tháng 5/2021, dẫn đến nạn khan hiếm giáo viên tại các trường học. Trong khi nhiều sinh viên, nhằm phản đối chính quyền quân sự, từ chối đến trường.

Nội chiến : Kinh tế lụn bại, dân thường đói khổ

Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo Les Echos cũng cho biết "Tập đoàn quân sự Miến Điện đối mặt với một nền kinh tế lụn bại do các cuộc khủng hoảng chính trị và dịch tễ." Theo các phép tính của Ngân hàng Thế giới, GDP của Miến Điện thu hẹp mất 18% trong năm tài khóa tính từ đầu tháng 10/2020 đến cuối tháng 9/2021. Định chế tài chính này ước tính, trong năm hiện hành, tăng trưởng tốt nhất dự báo ở mức… 1% trong khi các nước khác trong khối ASEAN dự phóng một mức nhảy vọt tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19.

Còn theo La Croix, cuộc sống thường nhật tại Miến Điện mỗi lúc một khó khăn như thường xuyên bị cúp điện, thiếu nước, thiếu bác sĩ, lạm phát tăng vọt, lệnh giới nghiêm các chốt chặn kiểm soát trên các con lộ… đây cũng là nơi các tệ nạn trấn lột cướp bóc hoành hành dữ dội. Nếu như người dân là những nạn nhân chính của sự đói nghèo đang bùng nổ ở Miến Điện, thì tập đoàn quân sự - vốn dĩ chiếm quyền kiểm soát nhiều tập đoàn kinh tế lớn, vẫn có thể duy trì nguồn thu nhập của mình.

Nước Pháp và cái tát từ Mali

Nhìn sang Châu Phi, quan hệ căng thẳng giữa Pháp và Mali có nguy cơ "hết hồi cứu vãn". Libération Les Echos lần lượt thông báo "Đại sứ Pháp ở Mali bị trục xuất" và "Mali trục xuất đại sứ Pháp". La Croix thì chạy tựa "Khủng hoảng công khai giữa Paris và Bamako".

Hôm 31/01/2022, trên truyền hình Nhà nước, chính quyền chuyển tiếp Mali được thành lập sau cuộc đảo chính hồi tháng 5/2021, thông báo đại sứ Pháp Joel Meyer, tại nhiệm từ năm 2018, có 72 giờ để rời Mali, sau những tuyên bố được cho "thù nghịch" từ ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhắm vào chính quyền quân sự Mali.

Les Echos lưu ý, đây là một quyết định chưa từng có cho Paris trong khu vực. Một "cú tát như trời giáng". Bởi vì, trong lịch sử ngành ngoại giao, việc trục xuất một đại sứ, chứ không phải là triệu hồi về tham vấn, là bước sau cùng trước khi đóng cửa tòa đại sứ và đoạn tuyệt bang giao.

Quyết định này của giới quân sự đánh dấu một sự xuống cấp ngoạn mục giữa Mali và Pháp, can thiệp quân sự tại Mali từ năm 2013 nhằm ngăn chặn quân thánh chiến tiến vào Bamako. Thế nhưng, cục diện đã có nhiều thay đổi kể từ sau hai cuộc đảo chính do quân đội tiến hành là mùa hè 2020 và mùa xuân 2021. Chế độ quân sự Mali hiện hành có ý định thương lượng với quân thánh chiến, khi cho rằng không thể thắng cuộc bằng chiến tranh dù có sự hỗ trợ của quân đội Pháp.

Hôm thứ Sáu 28/01, ngoại trưởng Mali, Abdoulaye Diop tuyên bố trong quan hệ với Paris, Bamako "không loại trừ" bất kỳ điều gì, dù có nói thêm rằng việc đòi hỏi Pháp rút hết toàn bộ các lực lượng quân đội hiện "chưa được tính đến". Tuy nhiên, nhật báo kinh tế này lưu ý thêm, căng thẳng giữa Mali và Pháp xảy ra vào lúc phương Tây tỏ ra lo lắng trước sự hiện diện của lính đánh thuê Wagner của Nga tại Bamako.

Omicron đâu đã biến mất !

Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, Les Echos cảnh báo "Làn sóng dịch Omicron vẫn chưa kết thúc !". Tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Mỹ La-tinh, số ca nhiễm và tử vong vẫn chưa thuyên giảm tại nhiều nước. Trong khi một số nước bắt đầu thông báo cho dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch tễ.

Máy đếm cứ tiếp tục quay, mà các biện pháp hạn chế bắt đầu được giảm. Thật là nghịch lý ! Châu Âu vẫn là "tâm chấn" của đại dịch Covid-19. Từ cuối năm 2021, nếu như mức tăng số ca nhiễm vẫn tăng ở một nhịp độ còn trụ được, thì tỷ lệ nhiễm bệnh lại tăng gấp bốn lần để đạt mức kỷ lục thế giới ở những nước như Đan Mạch, Slovenia, Pháp (300 ngàn/ngày) và Bồ Đào Nha.

Số ca tử vong bắt đầu giảm ở Đông Âu, thì ngược lại còn số này vẫn ở mức cao, thậm chí tiếp tục tăng tại nhiều nước Tây Âu như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, hay Đan Mạch. Tình hình này cũng tương tự tại Mỹ và Canada, khiến số ca chết vì Omicron còn cao hơn cả Delta.

Bất chấp tình hình vẫn còn u ám, các nước bắt đầu cho dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch, nhất là tại những nước lệ thuộc nhiều vào du lịch. Les Echos nhắc nhở, còn một quốc gia duy nhất vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch : Trung Quốc !

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Châu Á

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đề nghị một "cuộc họp nhân đạo"

Thanh Phương, RFI, 01/02/2022

Theo hãng tin AFP hôm 31/01/2022, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer đã đề nghị một "cuộc họp nhân đạo" với phần lớn các bên có liên quan đến xung đột ở nước này.

mien1

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer (trái) gặp thủ tướng Thái Lan, Prayuth Chan-ocha (phải) tại Bangkok, ngày 17/01/2022 để bàn giải quyết khủng hoảng ở Miến Điện,  AP

Theo bà Heyzer, từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, bạo lực "đã không ngừng gia tăng và lan rộng". Trong một cuộc họp báo trực tuyến, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cho biết, tính đến cuối năm 2021, hơn 320.000 người vẫn còn tản cư trong nước để lánh nạn. Từ đó đến này, con số này đã lên tới 400.000. Bà đề nghị một thời gian tạm ngưng "vì lý do nhân đạo" tại các vùng có xung đột để quốc tế "có thể vận chuyển khẩn cấp viện trợ nhân đạo một cách hiệu quả và chắc chắn".

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nhận định, chuyến thăm đầu tháng 1 của ông Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, đã góp phần vào việc phát triển ý định tổ chức một "cuộc họp nhân đạo" nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo, như được dự trù trong bản "Đồng thuận 5 điểm" mà ASEAN thông qua vào tháng 4 năm ngoái để giải quyết khủng hoảng Miến Điện.

Cho tới nay, kế hoạch này của ASEAN hầu như không được thực hiện và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện cũng không nói là cuộc họp "nhân đạo" nên được tổ chức khi nào và ở đâu. 

Đại sứ Miến Điện cầu cứu thế giới

Trong khi đó, trao đổi với đài truyền hình Nhật NHK hôm qua, đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun đã kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc.

Ông Kyaw Moe Tun đã được bổ nhiệm làm đại diện tại Liên Hiệp Quốc của chính phủ Miến Điện được bầu lên một cách dân chủ. Sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện đã tìm cách bãi nhiệm ông, nhưng các lãnh đạo Liên Hiệp Quốc vẫn xem ông là đại diện chính đáng của Miến Điện ở Liên Hiệp Quốc, nên cho phép ông ở lại chức vụ đại sứ. 

Theo ông Kyaw Moe Tun, thế giới không quan tâm nhiều đến Miến Điện, trong khi tình hình tại đây nghiêm trọng không kém gì ở Ukraine hay Afghanistan. Đại sứ Kyaw Moe Tun khẩn cầu các lãnh đạo quốc tế can thiệp để cứu người dân Miến Điện.

Thanh Phương

**********************

Áp lực quốc tế chưa đủ để ngăn chặn bạo lực của tập đoàn quân sự Miến Điện

Thanh Phương, RFI, 01/02/2022

Một năm sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, quốc tế gia tăng áp lực với chính quyền quân sự Rangun. Nhưng áp lực đó sẽ vẫn không đủ để buộc được các tướng lãnh đang cầm quyền chấm dứt bạo lực đối với thường dân.

mien2

Một năm sau đảo chính, chính quyền quân sự Miến Điện bất chấp trừng phạt quốc tế tiếp tục dùng vũ lực trấn áp trong nước. Ảnh : Tướng đảo chính Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền Miến Điện phát biểu trước chính phủ, ngày 1/02/2022.  AP

Theo hãng tin AFP, Hoa Kỳ, phối hợp với Anh Quốc và Canada, hôm qua đã ban hành các trừng phạt tài chính đối với 7 nhân vật và 2 thực thể "có liên hệ với chế độ quân sự Miến Điện". Theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, trong số những nhân vật này có các quan chức cao cấp nhất của ngành tư pháp Miến Điện, như chưởng lý Thida Oo, chánh án Tòa án Tối cao Tun Tun Oo và người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng Tin Oo.

Trong một thông cáo khác, tổng thống Joe Biden đã mạnh mẽ tuyên bố : "Khi nào mà chế độ vẫn còn tước bỏ tiếng nói dân chủ của người dân, chúng tôi sẽ còn buộc phe quân sự và những người ủng hộ họ phải trả giá đắt".

Về phần mình, trong một thông cáo, ngoại trưởng Anh quốc Liz Truss cũng cam kết Luân Đôn "sẽ luôn bảo vệ quyền được tự do, dân chủ và Nhà nước pháp quyền. Cũng như những quốc gia khác chia sẻ các giá trị đó, chúng tôi sẽ buộc chế độ tàn bạo, áp bức này phải trả giá đắt". 

Bên cạnh các trừng phạt của Hoa Kỳ và Anh Quốc, Liên Hiệp Quốc cũng gia tăng áp lực lên tập đoàn quân sự qua bản thông cáo của ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu Cơ chế Liên Hiệp Quốc điều tra độc lập về Miến Điện. Trong thông cáo được hãng tin AFP trích dẫn, ông Koumjian khẳng định : "Những thông tin nhận được vào năm ngoái cho thấy hơn 1.000 người đã bị giết trong những hoàn cảnh có thể được xem là tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh". 

Cơ chế điều tra độc lập về Miến Điện đã được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lập ra vào tháng 09/2018, với nhiệm vụ lập các hồ sơ để tạo điều kiện dễ dàng cho việc tiến hành các thủ tục truy tố hình sự những kẻ gây các tội ác nói trên. Trong bản thông cáo, ông Koumjian cảnh cáo tập đoàn quân sự Miến Điện : "Tư pháp quốc tế rất khó quên và một ngày nào đó, các thủ phạm của những tội ác quốc tế trầm trọng nhất ở Miến Điện sẽ phải trả lời trước pháp luật".

Nhưng những trừng phạt mới, cũng như những tuyên bố của các lãnh đạo phương Tây hay của các quan chức Liên Hiệp Quốc không chắc là sẽ buộc được tập đoàn quân sự ngưng đàn áp dã man những người phản đối đảo chính. Lý do đơn giản chỉ là vì giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện đã quá quen với các trừng phạt của quốc tế, cho nên quân đội vẫn cảm thấy họ có thể phạm bất cứ tội ác nào mà không sợ bị đưa ra pháp luật. 

Những trừng phạt, những tuyên bố nói trên của phương Tây và của Liên Hiệp Quốc không che lấp được sự bất lực, hay nói đúng hơn là sự thụ động của cộng đồng quốc tế trước khủng hoảng Miến Điện.

Một năm sau cuộc đảo chính quân sự, những lời kêu gọi hành động của quốc tế ngày càng khẩn thiết, đặc biệt là từ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, tập hợp các chính khách của chính quyền bị các tướng lãnh lật đổ. Tuyên bố với đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera hôm nay, ngoại trưởng của chính phủ này, ông Zin Mar Aung, tỏ vẻ bất bình : "Thế giới chẳng làm gì cả ngoài việc ngồi và nhìn". Theo lời ông Zin Mar Aung, bạo lực ngày nay ở Miến Điện còn kinh khủng hơn cả những thập niên đen tối dưới các chế độ quân sự thời những năm 1980 và 1990.

Ông tố cáo : "Sự tàn ác không giảm đi, mà lại gia tăng. Bây giờ họ không còn làm lén lút nữa, mà làm công khai. Nếu không có một sự can thiệp thực tiễn và hiệu quả của cộng đồng quốc tế, bạo lực sẽ tiếp diễn". 

Ngay chính Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hôm qua cũng đã chỉ trích phản ứng của quốc tế là "không hiệu quả", "không mang tính chất khẩn cấp tương ứng với tầm mức của khủng hoảng". Theo bà Bachelet, đã đến lúc thế giới "phải cấp tốc có nỗ lực mới để tái lập nhân quyền và dân chủ ở Miến Điện và đưa ra xét xử những kẻ vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống".

Theo đài Al Jazeera, Fortify Rights, một tổ chức hoạt động ở Miến Điện từ năm 2013, đã kêu gọi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận vũ khí đối với Miến Điện, nhưng giám đốc khu vực của tổ chức này Ismail Wolff cho rằng rất khó mà có sự đồng thuận của Hội Đồng Bảo An, do Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực, chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ một nghị quyết như vậy.

Thanh Phương

***********************

Miến Điện : Dân chúng phản đối tập đoàn quân sự bằng cuộc đình công thầm lặng

Trọng Thành, RFI, 01/02/2022

Chính quyền quân sự Miến Điện đàn áp ngày càng khốc liệt, nhưng dân chúng vẫn tiếp tục tìm ra các hình thức phản kháng mới. Tròn một năm cuộc đảo chính, hôm 01/02/2022 những người phản kháng đã tổ chức một cuộc "đình công thầm lặng" tại nhiều thành phố.

mien3

Một trục phố ở Rangoon vắng lặng trong này 01/02/2022 vì đình công.  AP

Trước dịp kỉ niệm hôm nay, chính quyền đã đe dọa bắt các doanh nghiệp đình công phải đóng cửa, và cảnh báo là những người tham gia vào các cuộc tập hợp ồn ào hoặc các hoạt động "tuyên truyền" chống quân đội có thể bị cáo buộc tội phản quốc hoặc khủng bố. Cách đây ít hôm chính quyền quân sự ra luật đe dọa khép vào tội "phản quốc" đối với những người tham gia biểu tình chống quân đội.

Tuy nhiên, lời kêu gọi đình công do các lực lượng chống tập đoàn quân sự đã được dân chúng khắp nơi nghe theo, từ bang Shan (miền đông) đến bang Kachin (miền bắc) hay ở thành phố Mandalay (miền trung), thành phố lớn thứ hai đất nước. Hôm nay, Rangoon, thủ phủ kinh tế Miến Điện, hoang vắng, rất nhiều cửa hàng đóng cửa. Một cư dân Mandalay cho AFP biết, "tại khu tôi ở, không ai ra ngoài, các lực lượng an ninh tuần tiễu khắp nơi". Một nhà đối lập viết trên Twitter : "im lặng là tiếng kêu mạnh mẽ nhất mà chúng tôi có thể đưa ra để chống lại quân đội và các đàn áp đẫm máu của họ".

Các thông tín viên của AFP và người dân địa phương cho biết, vào lúc 4 giờ 30 chiều, giờ địa phương, người dân tại thủ phủ kinh tế Rangoon và thành phố Mandalay đã đồng loạt vỗ tay. Loạt vỗ tay đánh dấu "cuộc đình công thầm lặng" chống đảo chính kết thúc.

Sáng hôm nay, truyền thông địa phương cũng cho thấy tại Rangoon và Mandalay, xuất hiện một số cuộc tập hợp chớp nhoáng. Người biểu tình giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ, và đốt pháo sáng rồi giải tán.

Triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng 

Theo trang mạng Nhật Bản NHK, chính quyền quân sự đã thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, vốn đã hết hạn từ hôm 31/01. Theo NHK, với quyết định như trên, dự kiến tình trạng thiết quân luật có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Giới tướng lĩnh dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng 8/2023. Việc kéo dài này sẽ cho phép tập đoàn quân sự chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc bầu cử, để hy vọng củng cố quyền lực.

Tuy nhiên, tình hình Miến Điện ngày một căng thẳng. Chuyên gia về dân chủ và nhân quyền ở Đông Nam Á Catherine Renshaw, giảng viên Đại học Sydney, cảnh báo nguy cơ "nội chiến trên quy mô lớn", "Miến Điện đang bên bờ sụp đổ", "mỗi tuần trôi qua, những thống khổ ngày một lớn, những oán trách tích tụ, ngờ vực giữa quân đội và đối lập gia tăng".

Liên Hiệp Quốc điều tra về "tội ác chống nhân loại" 

Hôm nay, người đứng đầu cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, ông Nicholas Koumjian, cho biết đang tập hợp nhiều bằng chứng liên quan đến các cáo buộc "tội ác chống nhân loại hoặc tội ác chiến tranh" tại Miến Điện. Lãnh đạo cơ chế điều tra độc lập của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh, hơn 1.000 người bị giết hại, kể từ đảo chính đến nay, có thể là nạn nhân của các tội ác nói trên.

Báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Thomas Andrews cáo buộc tập đoàn quân sự Miến Điện là "một cỗ máy giết người". Theo chuyên gia của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, việc Hội Đồng Bảo An không ra được nghị quyết cấm vận hoàn toàn vũ khí với Miến Điện trong năm qua, trong lúc các vũ khí vẫn tiếp tục được đưa vào Miến Điện, giết hại bao nhiêu người vô tội, "đây là điều không thể chấp nhận được".

Trọng Thành

**********************

Khủng hoảng Miến Điện : một năm sau cuộc đảo chính quân sự, cuộc kháng chiến vẫn không suy yếu

Phan Minh, RFI, 31/01/2022

Ngày 01/02/2022, Miến Điện đánh dấu một năm cuộc đảo chính của quân đội do Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing dẫn đầu. Nhân dịp này, phong trào kháng chiến chống chính quyền quân sự đã kêu gọi dân chúng thực hiện một "ngày tĩnh lặng", tức là ở trong nhà để bày tỏ sự bất bình của mình một cách ôn hòa.

mien4

Người biểu tình trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự tại Rangoon, Miến Điện, 17/02/2021.  Reuters - Stringer

Từ Rangoon, thông tín viên Juliette Verlin tường trình :

Đây không phải là "ngày tĩnh lặng" đầu tiên được tổ chức kể từ sau cuộc đảo chính, và mỗi lần kịch bản đều giống nhau : từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, cư dân ở nhà, đường phố vắng tanh, cửa hàng đóng cửa. Đây là thời điểm gây ấn tượng mạnh tại một thành phố lớn như Rangoon, nơi mà người dân đã quen với tắc đường, tiếng còi xe buýt và vô số chợ trên đường phố.

Mọi người sẽ tưởng rằng các nhóm kháng chiến có vũ trang, trong đó một số hoạt động ở Rangoon, sẽ lợi dụng sự vắng mặt của người dân để tấn công cảnh sát hoặc các định chế của chính quyền quân sự, nhưng trên thực tế đường phố vắng tanh và quân đội rất căng thẳng vào những ngày quan trọng như thế này . Do đó, nhìn chung, mọi người nên thận trọng làm theo hướng dẫn và ở nhà. Vào "ngày tĩnh lặng" gần đây nhất hôm 10 tháng 12 vừa rồi, một nhiếp ảnh gia tự do, Soe Naing, đã bị bắt khi đang chụp ảnh trên những con phố vắng, và anh ta là nhà báo đầu tiên bị giết trong lúc bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.

Người ta có thể hiểu rằng tại sao mọi người sẽ quyết định ở trong nhà. Những người tôi đã gặp trong những ngày gần đây đều có cùng một suy nghĩ : rõ ràng là họ mong muốn có một điều gì đó xảy ra bởi ngày 1 tháng 2 là một ngày quan trọng, và một cuộc tấn công của phe kháng chiến vào ngày hôm đó sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới quân đội rằng sau một năm, họ vẫn không hoàn toàn kiểm soát được đất nước - nhưng những người này cũng nói rằng họ không ngây thơ và họ biết rằng điều đó thực sự quá nguy hiểm.

Phan Minh

Additional Info

  • Author Thanh Phương, Phan Minh, Trọng Thành
Published in Diễn đàn

Miến Điện : Tập đoàn quân sự kết án bà Aung San Suu Kyi thêm 4 năm tù

Trọng Thành, RFI, 10/01/2022

Hôm 10/01/2022, một tòa án của tập đoàn quân sự Miến Điện đã kết án 4 năm tù đối với cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hòa bình 76 tuổi với tội danh đã nhập khẩu bất hợp pháp máy bộ đàm.

miendien1

Cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Aung San Suu Kyi bị tập đoàn quân sự giam giữ từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.  STR AFP/File

Đây chỉ là cáo buộc thứ ba trong số 11 tội danh mà tập đoàn quân sự sử dụng để trừng phạt cựu lãnh đạo chính phủ dân sự, bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, với tổng mức án có thể lên tới hơn 100 năm tù. Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International lên án "một hồi mới trong phiên tòa lố bịch chống lại nhà lãnh đạo chính quyền dân sự". Các luật sư và đông đảo dân chúng coi phiên tòa này là một "trò hề".

Thông tín viên Juliette Verlin tường trình từ Rangoon :

"Bản án mới đối với bà Aung San Suu Kyi không khiến ai ngạc nhiên cả. Sau bản án với tội danh kích động bạo lực và không tôn trọng các quy tắc phòng dịch Covid-19, cựu lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện bị phạt tổng cộng sáu năm tù, và chắc chắn là bà Aung San Suu Kyi sẽ bị quản thúc tại gia.

Các phiên tòa xử bà Aung San Suu Kyi diễn ra kín, tại một tòa án đặc biệt được lập ra tại thủ đô Naypyidaw, nơi các lực lượng an ninh được triển khai dày đặc. Việc xét xử có thể sẽ kéo dài nhiều tháng, bởi còn đến khoảng một chục cáo buộc đang được xem xét.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch ghi nhận, với ít nhiều châm biếm, chính tập đoàn quân sự phải tự cáo buộc mình là đã nhập khẩu các máy bộ đàm, bởi vì lực lượng sở hữu các máy bộ đàm là do một bộ thuộc quyền kiểm soát của giới tướng lĩnh bổ nhiệm vào thời điểm đó.

Điều may mắn là, như tổ chức Human Rights Watch nhắc lại, cuộc cách mạng của dân chúng Miến Điện hiện nay không còn phụ thuộc vào một đảng phái duy nhất, hay một lãnh đạo duy nhất. Người dân cũng hình dung là bà Aung San Suu Kyi sẽ phải sống phần còn lại của cuộc đời trong tù. Cuộc cách mạng kể từ giờ được tổ chức như một phong trào quần chúng, tất cả hướng đến mục tiêu duy nhất : Lật đổ tập đoàn quân sự".

Phán quyết nói trên được đưa ra sau chuyến công du Miến Điện của thủ tướng Cam Bốt, lãnh đạo đầu tiên của ASEAN, cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Miến Điện kể từ đảo chính. Năm 2022, Cam Bốt đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN. Sứ mạng của quốc gia đảm nhiệm vị trí này là thúc đẩy thực thi Thỏa thuận 5 điểm, nhằm giúp Miến Điện ra khỏi khủng hoảng, trong đó có việc đặc sứ của ASEAN gặp gỡ các bên tranh chấp.

Tuy nhiên, ông Hun Sen đã không yêu cầu gặp bà Aung San Suu Kyi trong chuyến công du quan trọng này. Chuyến thăm này của thủ tướng Cam Bốt bị chỉ trích là một hành động công nhận tập đoàn quân sự Miến Điện, điều mà ngoại trưởng Cam Bốt phủ nhận.

Trọng Thành

************************

Miến Điện : Aung San Suu Kyi trước phán quyết về tội "kích động bạo lực"

Thanh Hà, RFI, 28/11/2021

Tư pháp Miến Điện chuẩn bị đưa ra phán quyết nhắm vào cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi về tội "kích động bạo lực". Bản án trên nguyên tắc sẽ được công bố vào ngày 30/11/2021. Đây sẽ là phán quyết đầu tiên trong số rất nhiều những tội danh nhắm vào giải Nobel Hòa Bình năm 1991 kể từ khi tập đoàn quân sự Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự hồi tháng 2/2021.

miendien2

Từ đầu cuộc đảo chính quân sự, người dân Miến Điện liên tục đòi tự do cho bà Aung San Suu Kyi, trong khi chính quyền quân sự liên tiếp đưa ra các cáo buộc mới nhằm vào cựu lãnh đạo Miến Điện bị đảo chính lật đổ.  AP

Hãng tin Pháp AFP giải thích, với tất cả những tội danh bị ghán ghép, cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện, chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ, bà Aung San Suu Kyi có thể bị lãnh "hàng chục năm tù". Từ tháng 2/2021, bà Aung San Suu Kyi bị quản thúc tại gia sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành.

Trong 10 tháng qua, quân đội Miến Điện thẳng tay đàn áp, làm hơn 1.200 thường dân thiệt mạng, hơn 10.000 người bị tống giam theo cáo nguồn tin từ tổ chức phi chính phủ AAPP.

Theo giới phân tích, Tư pháp Miến Điện chuẩn bị đưa ra phán quyết vào tuần tới nhằm loại trừ "vĩnh viễn" bà Aung San Suu Kyi khỏi chính trường. Trên nguyên tắc với tội danh "kích động bạo lực" cựu ngoại trưởng kiêm cố vấn Nhà nước Miến Điện có thể lãnh án ba năm tù giam.

Tập đoàn quân sự đang tính toán những gì về hồ sơ Aung San Suu Kyi, đó còn là một ẩn số. Nhà chính trị học chuyên về Miến Điện David Mathieson, được AFP trích dẫn, khẳng định gần như chắc chắn bà Aung San Suu Kyi sẽ lãnh một bản án "nặng nề". Vấn đề còn lại là câu hỏi bà sẽ bị tống giam như "bất kỳ một tù nhân bình thường nào tại Miến Điện hay sẽ tiếp tục bị quản thúc tại gia"

Truyền thông quốc tế và các nhà quan sát không được dự phiên tòa đặc biệt xử bà Aung San Suu Kyi tại Naypyidaw vào Thứ Ba tuần sau. Tập đoàn quân sự Miến Điện cấm các nhân viên tòa án giao tiếp với báo chí và các tổ chức quốc tế.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Thanh Hà
Published in Châu Á