Với cuộc chiến xâm lược Ukraine của Vladimir Putin sắp bước sang năm thứ ba, những rào cản về tài chính, công nghệ và nhân khẩu học mà nền kinh tế Nga đang phải đối mặt nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mọi người thường hiểu. Trái ngược với những gì Điện Kremlin muốn người khác tin tưởng, thời gian không đứng về phía Nga.
Một nghĩa trang gần căn cứ không quân ngoại vi Taganrog, Tây nam Nga. Nguồn : BBC
STOCKHOLM – Từ năm 2014 và đặc biệt là từ năm 2022, nền kinh tế Nga đã phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề. Tuy nhiên, đánh giá về tác động của chúng rất khác nhau. Tổng thống Nga Vladimir Putin và các thân tín của ông khoe khoang rằng các lệnh trừng phạt làm cho Nga mạnh hơn, nhưng họ không ngừng kêu gọi dỡ bỏ mọi hạn chế. Đồng thời, nhiều người cho rằng các lệnh trừng phạt không có nhiều tác động, trong khi những người khác lại lập luận rằng điều này là do các lệnh trừng phạt quá yếu ớt.
Theo quan điểm của tôi, chế độ trừng phạt hiện tại làm giảm 2-3% GDP của Nga mỗi năm, đẩy Nga vào tình trạng gần như trì trệ. Hơn nữa, tình hình chỉ sẽ tồi tệ hơn đối với Putin, thậm chí có thể làm gián đoạn chiến dịch xâm lược của ông ta ở Ukraine.
Tại Hội nghị Chiến lược Châu Âu Yalta ở Kyiv vào ngày 14 tháng 9, Tướng Kyrylo Budanov của Ukraine đã báo cáo rằng tình báo quân sự Ukraine đã thu được các tài liệu của Nga cho thấy Điện Kremlin muốn đề nghị hòa bình vào cuối năm 2025 vì các lý do kinh tế. Dù thông tin này có đúng hay không, kịch bản này hoàn toàn hợp lý. Những rào cản tài chính, công nghệ và nhân khẩu học mà nền kinh tế Nga đang đối mặt thậm chí còn nghiêm trọng hơn những gì mọi người thường hiểu, và cuộc chiến của Putin đã ghi dấu trong lịch sử cả về sự tàn bạo và sự ngu ngốc của nó.
Bất kể kết quả trên chiến trường như thế nào, Nga sẽ là kẻ thua cuộc lớn nhất. Chiến tranh rất tốn kém và nền kinh tế Nga chỉ tăng trưởng trung bình 1% mỗi năm kể từ khi nước này chiếm giữ lãnh thổ Ukraine một cách phi pháp vào năm 2014. GDP của Nga đã giảm từ 2,3 nghìn tỷ USD vào năm 2013 xuống còn 1,9 nghìn tỷ USD hiện nay. Không còn là siêu cường, Nga giờ đây chỉ còn là một "trạm xăng giả dạng quốc gia", như cố Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John McCain đã mô tả. Thực tế, sự không đáng tin cậy của Nga đã làm giảm uy tín của họ với tư cách là nhà cung cấp năng lượng. Các lĩnh vực duy nhất đang tăng trưởng của nền kinh tế Nga là quân đội và cơ sở hạ tầng liên quan, nơi các công ty quốc doanh bán cho nhà nước với mức giá được kiểm soát (có lẽ đã bị thổi phồng). Phần còn lại của nền kinh tế gần như đứng yên.
Đây chính xác là những gì đã xảy ra trước đây ở Liên Xô, nơi nhà kinh tế Grigory Khanin và nhà báo Vasily Selyunin đã phát hiện ra lạm phát ẩn lên tới khoảng 3% mỗi năm. Một dấu hiệu của tình trạng ấy hiện nay là Ngân hàng Trung ương Nga duy trì mức lãi suất 19% trong khi tuyên bố rằng lạm phát hàng năm chỉ ở mức 9,1%. Không ai nên tin vào những con số này. Rất có thể các nhà chức trách đang che giấu lạm phát dưới dạng tăng trưởng thực.
Lạm phát ẩn cũng cho thấy rằng các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây hiệu quả hơn nhiều so với những gì giới quan sát đánh giá. Đúng là tổng nợ nước ngoài của Nga đã giảm từ 729 tỷ USD vào cuối năm 2013 xuống chỉ còn 303 tỷ USD vào cuối tháng 3 năm 2024, và nợ công của họ chỉ chiếm 14% GDP. Nhưng điều này không giúp ích được nhiều vì Nga không thể vay mượn ở nước ngoài. Thay vào đó, họ phải sống dựa vào nguồn thu thuế và dự trữ, trong khi một nửa dự trữ ngoại hối của họ đã bị đóng băng trong các khu vực pháp lý của phương Tây kể từ tháng 2 năm 2022. Trong khi đó, dự trữ khả dụng trong Quỹ tài sản quốc gia của Nga đã giảm xuống còn 55 tỷ USD – chiếm 2,8% GDP – tính đến tháng 3 năm 2024, từ mức đỉnh là 183 tỷ USD vào năm 2021 và phần lớn số còn lại đã được đầu tư và không có tính thanh khoản.
Do những hạn chế này, Nga buộc phải giới hạn thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức 2% GDP kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu (2022-2024). Với GDP 1,9 nghìn tỷ USD, thâm hụt này khiến Nga mất khoảng 40 tỷ USD mỗi năm, điều đó có nghĩa là dự trữ nhà nước có thể cạn kiệt vào năm tới, như Budanov đã chỉ ra. Mặc dù Nga đang tăng thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, điều này sẽ không giúp ích nhiều trong một nền kinh tế trì trệ và chính phủ không thể bán nhiều trái phiếu trong nước.
Các lệnh trừng phạt công nghệ của phương Tây cũng đang tiếp tục gây tác động lớn. Nga không chỉ bị cô lập hoàn toàn mà sự di cư ồ ạt của giới trẻ có học thức, sự đàn áp kiểu Liên Xô và chế độ tham nhũng của Putin đã làm trầm trọng thêm tình trạng lạc hậu về công nghệ. Điện Kremlin đã cố gắng giảm bớt các tác động tồi tệ nhất bằng cách mua công nghệ bị phương Tây cấm từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á; nhưng phương Tây đã dần đóng cửa những kênh này thông qua các lệnh trừng phạt thứ cấp.
Cùng lúc đó, xuất khẩu vũ khí của Nga đã sụp đổ vì Nga cần tất cả chúng để phục vụ cho nhu cầu của chính mình. Điều đáng xấu hổ là Điện Kremlin đã buộc phải nhập khẩu đạn pháo từ quốc gia láng giềng còn lạc hậu hơn, Triều Tiên. Mặc dù Nga vẫn tiếp tục sản xuất vũ khí, nhưng chất lượng của chúng đã thể hiện sự kém cỏi. Cần lưu ý rằng sản xuất vũ khí của Đức Quốc xã đã đạt đỉnh vào tháng 7 năm 1944 mặc dù đã trải qua nhiều tháng bị ném bom dữ dội từ phương Tây. Cuối cùng, chính chất lượng chứ không phải số lượng mới tạo nên sự khác biệt.
Putin cũng đang dần cạn kiệt quân số. Ước tính của Hoa Kỳ cho thấy khoảng 120.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 180.000 người khác bị thương. Mặc dù Putin vừa ra lệnh cho quân đội Nga bổ sung thêm 180.000 binh sĩ, nhưng tỷ lệ thất nghiệp được báo cáo là 2,4% cho thấy nguồn nhân lực của Nga đã rất hạn chế. Hơn nữa, với việc hơn một triệu người Nga khỏe mạnh đã rời bỏ đất nước chỉ riêng trong năm 2022, nhiều người cho rằng Putin sẽ không dám kêu gọi một cuộc động viên lớn lần nữa.
Khi tính đến tất cả các chi phí ẩn, Nga có thể sẽ chi khoảng 190 tỷ USD, tương đương 10% GDP, cho cuộc chiến trong năm nay và con số này có lẽ đã đạt đỉnh, xét đến những hạn chế từ các lệnh trừng phạt tài chính áp đặt bởi phương Tây. Khi Nga không còn khả năng tài trợ cho thâm hụt ngân sách, họ sẽ phải cắt giảm chi tiêu công, và các khoản chi ngoài quân sự đã bị cắt giảm đến mức tối thiểu.
Trong khi đó, Ukraine đã cầm chân Nga bằng cách chi khoảng 100 tỷ USD mỗi năm cho cuộc chiến – một nửa từ ngân sách của họ và nửa còn lại là viện trợ quân sự từ nước ngoài. Xét rằng Nga trả lương cho binh sĩ (và gia đình của những người đã mất) cao hơn rất nhiều và vũ khí của họ kém chất lượng, Ukraine có thể thắng cuộc chiến nếu họ có thêm 50 tỷ USD mỗi năm, cùng với sự cho phép tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Phương Tây có thể đảm bảo số tiền này bằng cách tịch thu 300 tỷ USD tài sản nhà nước Nga bị đóng băng. Số tiền này rất quan trọng đối với khả năng của Ukraine trong việc chống lại kẻ xâm lược và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của họ.
Anders Åslund
Nguyên tác : "The Russian War Economy´s Days Are Numbered", Project Syndicate, 1/10/2024
Biên dịch : Phong trào Duy Tân
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tố cáo Nga “tra tấn tù nhân Ukraina” một cách có hệ thống
RFI, 02/10/2024
Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã điều tra về số phận của các tù nhân chiến tranh ở cả hai phe. Báo cáo của cơ quan này, được công bố hôm qua, 01/10/2024, chỉ ra rằng Nga đã tra tấn, ngược đãi các tù binh chiến tranh Ukraina một cách có hệ trống. Các tù nhân Nga mà Ukraina bắt giữ cũng bị ngược đãi, nhưng chỉ lúc đầu, khi mới bị bắt giữ.
Tù nhân Ukraina được Nga trả tự do. Ảnh chụp ngày 14/09/2024 tại một địa điểm được giữ bí mật. AP
Các nhà điều tra của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã phỏng vấn 377 tù nhân chiến tranh Ukraina, được Nga thả ra từ tháng 3/2023. Hầu hết đều mô tả đã trải qua những lần bị tra tấn bằng dùi cui điện, búa, dao, bị bạo lực tình dục, bị ngạt thở, tra tấn tâm lý bằng các vụ hành quyết giả, đôi khi là họ dùng chó để tấn công tù nhân.
Các tù nhân Ukraina phải chịu đựng các hành vi tra tấn trong suốt quá trình giam giữ. Báo cáo cho biết đã xác định được 60 địa điểm giam giữ không chính thức và 76 địa điểm chính thức của Nga.
Theo báo cáo, từ tháng 03/2023 đến tháng 08/2024, 10 tù nhân Ukraina đã bỏ mạng trong những nơi bị giam giữ do bị tra tấn, hoặc do điều kiện giam giữ khắc nghiệt, thiếu hỗ trợ y tế phù hợp.
Về phía Nga, các nhà điều tra đã thu thập thông tin từ 205 tù nhân chiến tranh Nga bị Kiev giam giữ. 104 người trong số này cho biết đã bị ngược đãi, bị đánh đập, bị dọa giết, hoặc bị sốc điện. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các hành vi ngược đãi này hầu như chỉ được thực hiện khi mới bị bắt, bị tra khảo, và kết thúc sau khi đến nơi giam giữ.
Chi Phương, RFI, 02/10/2024
Chiến tranh Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không "đánh quỵ" được nền kinh tế Nga. Nhờ vào bộ ba Trung Quốc - Ấn Độ - Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn xuất khẩu của Nga tuy đã tìm được "đầu ra" thay thế nhưng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt từ các đối tác.
Tổng thống Nga Vladimir Putin qua video dự thượng đỉnh nhóm BRICS tổ chức tại Nam Phi, ngày 23/08/2023. AP - Mikhail Klimentyev
Cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành buộc Nga phải xoay trục sang Châu Á. Bất chấp các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đi đầu là Mỹ, nền kinh tế Nga vẫn trụ tốt khi thặng dư thương mại của năm 2023 được ghi nhận là 140 tỷ đô la.
Gió đổi chiều
Theo truyền thống Liên Hiệp Châu Âu là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, tiếp đến là Châu Á, đứng hàng thứ hai. Tuy nhiên, qua khảo sát các dữ liệu của Russia Foreign Trade Tracker de Bruegel, năm 2023 cho thấy một khung cảnh hoàn toàn khác biệt so với cách nay hai năm.
Trong số 38 quốc gia đối tác, chỉ riêng 5 nước Châu Á chính đã chiếm đến hơn 2/3 tổng giá trị xuất khẩu của Nga. Riêng bộ ba Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cho phép ngành xuất khẩu Nga thu được 130 tỷ đô la trong vòng hai năm (2021-2023), gần như tương đương với mức thất thoát xuất khẩu của Nga sang 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc (-139 tỷ đô la). Cũng bộ ba này thay thế đến 60% nguồn cung nhập khẩu cho Nga bị sụt giảm mạnh do các lệnh cấm vận của phương Tây.
Điều kiện ngặt nghèo
Gần như toàn bộ xuất khẩu nhiên liệu của Nga đã được chuyển hướng sang Châu Á trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai khách hàng lớn nhất : 60% cho than đá và trong khoảng từ 80-90% dầu thô của Nga. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm dầu lửa từ Nga.
Tuy nhiên, theo quan sát từ nhà nghiên cứu Hubert Testard, tình trạng "đại thay thế" này là không hoàn toàn. Nga vẫn gặp khó khăn trong việc xuất khẩu khí đốt. Những đầu ra mới chưa đủ để bù đắp cho 80% lượng xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu bị mất. Trung Quốc hiện nhập khẩu có 22 tỷ mét khối khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn Power of Siberia.
Theo dự kiến, con số này có thể tăng lên 50 tỷ vào năm 2025-2026 khi đường ống này vận hành hết công suất và 100 tỷ một khi Power of Siberia II được hoàn thành. Nhưng đường ống mới này hiện chỉ mới là dự án đang trong quá trình đàm phán. Trung Quốc đòi hỏi Nga tài trợ toàn bộ công trình và chỉ chấp thuận một hợp đồng dài hạn với "giá hời". Thế nên, chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của ông Putin vẫn chưa giải tỏa bế tắc để đi đến một thỏa thuận cho dự án.
Ngoài ra, những đường ống dẫn khí đốt khác của Nga sang Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ tuy không có chung một xu hướng phát triển nhưng sản lượng xuất khẩu lại bị hạn chế ở mức 50-60% so với trước khi khởi động chiến tranh. Dù vậy, điều an ủi là Nga vẫn còn có thể duy trì lượng xuất khẩu khí hóa lỏng GNL sang Châu Âu do lĩnh vực này không nằm trong các lệnh trừng phạt.
Vũ khí : Từ xuất khẩu thành nhập khẩu
Điểm đáng chú ý khác là trong lĩnh vực quốc phòng. Xuất khẩu vũ khí của Nga sang Châu Á, từng chiếm đến hơn 60% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga, trong đó các đối tác chính là Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, đang có xu hướng giảm dần từ 5 năm gần đây và chiến tranh Ukraine không kềm hãm được đà suy giảm.
Ngược lại, năm 2023 cho thấy mũi tên đảo chiều khi Nga phải nhập khẩu đạn dược, tên lửa từ Bắc Triều Tiên, và các sản phẩm, công nghệ lưỡng dụng dân sự và quân sự từ Trung Quốc, đặc biệt là các loại drone, trang thiết bị bảo hộ, xe tải, xe bọc thép và máy móc công cụ để sử dụng trong công nghiệp quốc phòng.
Tóm lại, nhờ vào Châu Á mà các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất của phương Tây trong lịch sử đã không có hiệu quả. Nền kinh tế Nga tuy đã được "cứu sống" nhưng lại bị "kềm chế" bởi bộ ba Trung - Ấn – Thổ. Chuyên gia Hubert Testard : Âu cũng là cái giá Nga phải trả !
Minh Anh
Nga : Điện Kremlin trước làn sóng phản kháng trong mùa đông khắc nghiệt
Le Monde ngày 18/01/2024 cho biết tại Nga, "điện Kremlin đang phải đối mặt với sự giận dữ của người dân". Nhiều thành phố chìm vào trong giá buốt trong khi cơ sở hạ tầng hư hỏng, không ít khu phố không có hệ thống sưởi lẫn nước nóng, dưới cái lạnh khủng khiếp của mùa đông năm nay.
Một bếp nấu củi tập thể dành cho cư dân sau khi khoảng mấy chục tòa nhà ở Klimovsk ở ngoại ô Moskva (Nga) bị hư hệ thống sưởi. Ảnh chụp ngày 09/01/2024. Reuters – Evgenia Novozhenina
Dân Nga phẫn nộ vì "sắp chết rét"
Ở cách Kremlin khoảng 50 kilomet, có những khu phố hoàn toàn không được sưởi ấm khiến người dân lạnh cóng. Trong thời tiết đặc biệt khắc nghiệt, thường xuyên xuống dưới ngưỡng -20°C ở thủ đô và khu vực ngoại vi, Podolsk và Klimovsk bỗng trở thành tâm chấn của làn sóng phẫn nộ bất ngờ.
"Chúng tôi đang chết cóng, không thể ở được trong nhà, cán bộ phụ trách toàn nói láo !". Một loạt chỉ trích rộ lên trên mạng xã hội tại hai thành phố ngoại ô này, được minh họa bằng hình ảnh các gia đình phải trùm mền trong nhà hay đốt lửa sưởi ấm ngoài sân. Một số đưa kiến nghị, số khác đòi cán bộ địa phương từ chức.
Cơn giận còn tăng cao vì những năm gần đây tiền dịch vụ, nhất là tiền sưởi, không ngừng tăng lên, hạn chế sức mua của những gia đình nghèo. Trong khi đó cơ sở hạ tầng vẫn xuống cấp vì thiếu đầu tư từ thời Liên Xô, các cấp đổ lỗi cho nhau. Chính quyền khu vực Moskva ban đầu nói rằng do "tai nạn" từ các đơn vị tư nhân sở hữu hệ thống sưởi, sau lại nói chỉ là "sự cố" vì đợt lạnh bất thường. Thống đốc Andreï Vorobyov loan báo sẽ sửa chữa nhanh chóng, nhưng nhiều gia đình vẫn phải tìm cách sống sót trong băng giá.
Cúp điện, không lò sưởi, bể ống nước… cơ sở hạ tầng xuống cấp
Tại Podolsk, một đơn kiện tập thể đã được gởi. Một cư dân tố cáo trang web của thống đốc đã đóng bình luận và nay còn xóa luôn những lời bình cũ, số điện thoại liên lạc không hoạt động, việc tân tạo cơ sở hạ tầng bị dời lại hết năm này sang năm khác. Một số nhân viên kỹ thuật bị bắt lính, phải sang Ukraine chiến đấu, càng làm tình trạng thêm tồi tệ. Báo chí nhà nước thận trọng giữ im lặng về chủ đề này.
Vấn đề không chỉ giới hạn ở Podolsk, Klimovsk, mà cả các thành phố khác ở ngoại ô Moskva, từ Khimki tới Naro-Fominsk. Những vụ cúp điện thường xuyên xảy ra trên toàn quốc : Perm, Penza, Toula hay Astrakhan, v.v… Nhưng cả ở Novossibirsk, tận Siberia băng giá, hàng trăm căn nhà nhiều ngày không được sưởi ấm, không nước nóng vì một tai nạn.
Trong khi người dân rét run, các video cho thấy những đường phố tràn ngập nước nóng vì ống dẫn bị vỡ. Một người dân thậm chí còn chất vấn cả Vladimir Putin "liệu có sống sót khi không có lò sưởi hay không ?". Nhà nghiên cứu Ivan Grachev ước tính cần đến 200 tỉ đô la để hiện đại hóa mạng lưới trên cả nước. Nhưng Putin đã dành đến 6% GDP cho ngân sách quân sự, cuộc xâm lăng Ukraine được đặt lên trên chính sách xã hội.
Câu chuyện của người chiến binh Ukraine mang tên "Saigon"
Le Figaro có bài phóng sự dài "Trên "tuyến zero", những chiến binh Ukraine sức cùng lực kiệt trước quân Nga". Người chỉ huy và các chiến sĩ lữ đoàn 65 trấn giữ vị trí tiền phương trên mặt trận Robotyne, chỉ cách vị trí quân Nga có 100 mét. Thiếu thốn cả người lẫn phương tiện trước các cuộc tấn công dồn dập của Nga, họ còn có cảm giác bị bỏ rơi.
Thành phố Robotyne chỉ còn là bình địa, nhưng đây là một trong những điểm nóng, mặt trận không bao giờ yên tĩnh. Cuối tháng 8, sau ba tháng chiến đấu đẫm máu, Ukraine mong rằng sau khi chiếm được Robotyne sẽ tiến sang Tokmak và Melitopol để đến biển Azov, cắt đôi quân Nga. Nhưng từ đó đến nay lực lượng vẫn phải ở yên tại chỗ dưới mưa đạn của địch, bị quân Nga tấn công hàng ngày. Đại úy Mikhaïlo trước khi tham gia chiến dịch phản công từng chiến đấu ở Bakhmut, thành phố tử đạo thuộc vùng Donbass.
Được đặt biệt danh là "Saigon" vì nghiên cứu chiến thuật của quân Mỹ và Việt Cộng trong rừng rậm Việt Nam, hồi năm 2013 anh chỉ là lính trơn. Đóng tại Crimea, "Saigon" hy vọng tham gia lực lượng mũ xanh ở nước ngoài, nhưng đến 2014 chiến tranh nổ ra với đợt xâm lăng đầu tiên của Nga tại Donbass và việc sáp nhập Crimea. "Saigon" tham gia lữ đoàn nhảy dù 79, và có mặt trong trận đánh ác liệt ở phi trường Donetsk. Khi cuộc xung đột đóng băng, anh vào học trường sĩ quan. Cha của "Saigon" từng tham chiến ở Afghanistan, ông nội anh cũng là lính thời Đệ nhị Thế chiến.
Các nhà báo phương Tây đến mặt trận đúng vào ngày sinh nhật 33 tuổi của anh. "Saigon" cho biết anh có vợ và hai con, người vợ đến thăm mỗi tháng hai lần và nếu không phải lo cho con thì cô đã nhập ngũ. Không chỉ thiếu vũ khí, đạn dược so với phương tiện hùng hậu của Nga, những người lính chiến còn cảm thấy cô đơn khi sự ủng hộ của hậu phương không còn như trước. Hiện không còn tình nguyện viên nào đến chiến trường tiếp sức như lúc khởi đầu cuộc chiến.
Trung Quốc xuống dốc vì khủng hoảng lòng tin
Kinh tế Trung Quốc lao dốc không phanh, tổng thống Macron với chương trình tái thúc đẩy trên nhiều lãnh vực, Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ là những chủ đề chính của các báo hôm nay. Người khổng lồ Châu Á chiếm trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos với dòng tít "Cuộc khủng hoảng lớn về lòng tin" và phụ trang kinh tế Le Figaro với nhận định "Trung Quốc chậm hẳn lại". Le Monde cũng ghi nhận tăng trưởng của Trung Quốc gây thất vọng, với khủng hoảng địa ốc kéo dài, người dân không còn tin tưởng và xuất khẩu sụt giảm.
Việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo chống Covid không mang lại kết quả mong muốn. Theo công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc hôm qua, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế thứ nhì thế giới tăng 5,2% trong năm 2023, thuộc loại thấp nhất từ ba thập niên qua. Không kể ba năm zero Covid, tỉ lệ này chỉ cao hơn năm 1990 - sau vụ đàn áp sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn trong biển máu tháng 6/1989, Bắc Kinh đã bị thế giới tẩy chay. Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) vẫn cố nhấn mạnh rằng tỉ lệ tăng trưởng phù hợp với mục tiêu "khoảng 5%" được ấn định vào đầu năm.
Nhà kinh tế Harry Murphy Cruise phân tích, trong năm đầu tiên không còn bị phong tỏa, người ta chờ đợi một làn sóng những hoạt động mới. Nhưng các hộ gia đình và doanh nghiệp thay vì tranh thủ thời gian đã mất, lại tỏ ra không còn tin tưởng. Những biện pháp khắc nghiệt đã để lại vết thẹo hằn sâu trong dân chúng, trong khi khủng hoảng bất động sản trầm trọng thêm, kéo theo nhiều lãnh vực khác đi xuống.
Nhà xây lên không ai mua : Bế tắc khó giải quyết
Lâu nay vẫn đóng góp đến 30% GDP Trung Quốc và 20% công ăn việc làm, địa ốc là động cơ của nền kinh tế trong nhiều thập niên qua. Tiền thu được từ bán đất là nguồn lợi chính của chính quyền địa phương, gần 70% tài sản của các gia đình Trung Quốc liên quan đến bất động sản. Giá nhà sụt giảm là đòn mạnh đánh vào tinh thần cũng như túi tiền của họ. Nhà kinh tế Jing Liu của HSBC cho rằng khủng hoảng địa ốc là "trở ngại chính cho việc phục hồi".
Le Figaro dẫn nguồn từ nhóm nghiên cứu Rhodium cho biết từ 2021, Trung Quốc xây dựng 1,74 tỉ mét vuông nhà mới một năm. Theo Jean-François Robin của ngân hàng Natixis, người dân Hoa lục không còn muốn đầu tư vào bất động sản vì đã có quá nhiều tòa nhà mọc lên, đến nỗi giờ đây phải phá hủy bớt. Thu nhập không tăng, giới trẻ thất nghiệp, nhiều nên tiêu thụ chậm lại, căng thẳng địa chính trị đè nặng lên xuất khẩu hàng made in China.
Hồi kết của "zéro Covid" không làm dịu đi những thách thức nằm trong cơ cấu : nợ nần của doanh nghiệp, dân số hoạt động giảm sút do lão hóa (năm ngoái dân Hoa lục giảm đi 2,75 triệu người), hiệu suất... Việc chuyển đổi mô hình sang tiêu thụ nội địa không thành công do người dân mất lòng tin, nên để dành tiền thay vì chi tiêu, thiếu vắng cải cách phúc lợi xã hội, không có chính sách kích cầu. Ngân hàng Thế giới dự báo trong năm con Rồng, tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm xuống còn 4,5%.
Davos và chiến dịch quyến rũ tập 2 của Bắc Kinh
Le Figaro nói về "Chiến dịch quyến rũ tập 2" tại Davos của Trung Quốc, Le Monde cũng nhận thấy Bắc Kinh chọn "đóng vai bồ câu" trong thương mại quốc tế. Trong sảnh lớn của Diễn đàn, sau khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan chấm dứt phần trình bày về những nguy cơ xung đột trên thế giới ; không khí bỗng đổi khác hoàn toàn với trang trí đỏ rực. Thành phố đối tác Đại Liên mời "ăn Tết sớm" : buffet dùng thả ga, diều giấy nhiều màu sắc… Thủ tướng Lý Cường đến với đoàn tùy tùng 150 người, chưa kể cả trăm doanh nhân Trung Quốc đã có mặt tại chỗ.
Trước các nhà đầu tư ngày càng hoài nghi vì xu hướng độc tài của Tập Cận Bình, ông Lý Cường cho rằng kinh tế Trung Quốc vẫn vững chắc và tiếp tục năng động. Giá trị kỹ nghệ Trung Quốc chiếm đến 30% toàn thế giới, với 400 công ty công nghệ cao, vô địch thế giới về dữ liệu. Hoa lục đang chiếm phân nửa năng lượng gió và xe điện toàn cầu. Nhưng lý lẽ từ chính miệng ông cũng khó thuyết phục. Lý Cường nói rằng sẵn sàng lắng nghe các doanh nghiệp nước ngoài "khi nỗi lo của họ là hợp lý".
Hồi năm 2017 cũng tại Davos, Tập Cận Bình đã đóng vai người cổ vũ toàn cầu hóa để cố đối phó với "cuộc chiến thương mại" của Donald Trump, trong khi phương Tây trả đũa sự cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh. Lần này ông Lý Cường tố cáo "các biện pháp phân biệt đối xử" của Washington đánh vào công nghệ Trung Quốc. Ngược lại, ông bỏ qua chủ đề chính là việc Tập Cận Bình ưu tiên cho khu vực nhà nước thay vì tư nhân.
Các tập đoàn đa quốc gia âm thầm rút khỏi Hoa lục
Nhà kinh tế Dan Wang của Hang Seng Bank nhận định : "Trung Quốc không còn là kinh tế thị trường". Việc chèn ép lãnh vực công nghệ mà biểu tượng là sự thất sủng của Mã Vân (Jack Ma), người sáng lập Alibaba, hay sự mất tích của một số nhân vật như nhà đầu tư ngân hàng Bao Phàm (Bao Fan), khiến giới doanh nhân Trung Quốc sợ hãi.
Các tập đoàn đa quốc gia thì lặng lẽ rút bớt đầu tư ở Hoa lục, đa dạng hóa chuỗi sản xuất sang những nước Châu Á khác, lo sợ leo thang ở Đài Loan. Và các nhà đầu tư tài chánh trông đợi vào tăng trưởng hậu đại dịch đã nhanh chóng thất vọng. Khoảng 87% trong số 33 tỉ đô la đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc năm 2023 đã bị rút đi, theo Financial Times.
Một sự quay mặt mà Bắc Kinh cố gắng tháo gỡ tại Davos sau khi bỏ hạn chế visa cho năm nước Châu Âu trong đó có Pháp. Tuy nhiên, họ không che giấu được xu hướng cứng rắn, như Ngân hàng Trung ương có chủ trương cải cách nay đã bị đặt dưới quyền kiểm soát của đảng. Duncan Clark, người sáng lập văn phòng đầu tư BDA ở Bắc Kinh nhận xét : "Họ không nhận thấy những thiệt hại do chính họ gây ra".
Thụy My
Cuộc nổi loạn của Prigozhin đã tạm thời lắng xuống qua kết quả đàm phán giữa hai bên. Trong lúc tình hình căng thẳng thì Putin đã thể hiện trình độ thợ lặn bậc 7/7, hơn cả tầu lặn Titan, trái ngược hẳn với hình ảnh trước đây 16 tháng, khi số phận "Ngàn cân treo sợi tóc", Zelenski lại nói rằng ông cần súng đạn chứ không cần một chuyến đi trốn mà các nước phương tây muốn dành cho ông. Và hiện nay, Prigozhin mặc dù được đảm bảo "vô tội", có thể tị nạn ở Bạch Nga cũng lại lặn mất tăm.
Dân chúng Rostow-on-Don tràn ra đường đón chào đoàn quân Wagner tiến vào thành phố tối ngày 23/06/2023
Toàn giới giang hồ đang điều hành một đất nước khổng lồ. Chúng chẳng lạ gì nhau, nên một khi bị khó khăn là phải lặn. Mọi lời hứa chỉ là gió bay.
Phía phò Nga, hôm nay được thể lại bốc đồng ca ngợi đại đế hết lời, mọi diễn biến đều đã được Putin biết trước hết. Thậm chí đây chỉ là một cú lừa đảo để làm xuất đầu lộ diện các hung thủ của Putin. Có người còn tung tin đây cũng là một âm mưu của CIA làm mất ổn định ở Nga.
Tất cả những kẻ độc tài đều lo bị phản bội và luôn luôn tìm mọi cách triệt hạ những người xung quanh mình bị nghi ngờ phản bội. Putin cũng không là ngoại lệ. Nếu phải kể Putin đã loại và giết bao nhiêu người thì sợ các bạn không có thì giờ để đọc. Những cuộc thanh trừng của Putin đã được thi hành triệt để trước khi tung quân xâm lược Ukraine, cho dù ở ngoài nước Nga : tự ngã lầu, tự té từ du thuyền xuống biển để chết đuối, tự thắt cổ, tự cắt cổ vợ con trước khi tự đâm vào tim của mình, tự bôi chất phóng xạ vào người, hay tự nhảy ra đường để xe tải cán chết.
Cùng với những cuộc thanh trừng, Putin luôn chơi trò "chia rẽ" để cho những cận thần - cũng là những địch thủ lẫn nhau - không bao giờ có thể cùng nhau hợp lực để chống lại mình. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy rất rõ điều đó. Những ung nhọt không bao giờ được Putin xử triệt để mà cứ để đó, cố gắng cân bằng những xung đột để cho chúng cứ tồn tại với một mức độ có thể kiểm soát được. Từ nhiều tháng qua, Prigozhin đã không ngừng chửi bới đám lãnh đạo quân sự Nga không còn từ nào tồi tệ hơn. Vậy mà Putin vẫn cứ im lặng.
Putin luôn chơi trò "chia rẽ" để cho những cận thần - cũng là những địch thủ lẫn nhau - không bao giờ có thể cùng nhau hợp lực để chống lại mình. Ảnh minh họa (trái qua phải) : Sergei Surovikin, Sergei Shoigu, Valery Gerasimov, Yevgeny Prigozhin, Vladimir Putin
Nhưng người tính không bằng trời tính. Prigozhin đã không thể chịu đựng được nữa nên đã buộc phải nổ. Cũng phải nói Prigozhin là người hùng, luôn có mặt ở mặt trận và là người trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của các binh sĩ của ông ta. Cái đó đã có một tác động tâm lý cực mạnh, đẩy mức độ bức xúc của Prigozhin đến cực độ. Hơn nữa, giới giang hồ nhiều khi cũng quân tử hơn đám quan chức ngồi mát ăn bát vàng. Hàng ngày thấy lính của mình chết và lại chết bằng chính bom đạn của đám vô lại kia thì người nào có thể chịu đựng.
Giả thiết về vụ binh biến ngày 24/06/2023 là một màn dàn dựng của Putin, một giả thiết không thể đứng vững. Không ai lại có thể gây ra một vụ binh biến để làm hại đến chính thanh danh và uy quyền của mình. Các bạn cũng biết rằng Putin luôn luôn muốn chứng tỏ mình là nhà độc tài thượng hạng. Tất cả những kẻ dưới trướng đều phải tuân thủ tuyệt đối, ta luôn luôn làm chủ mọi tình huống (rất hợp với câu nói của đám phò Putin : đại đế đã biết hết từ trước). Vụ binh biến tuy chưa làm sụp đổ chế độ Putin, nhưng đã cho toàn thế giới thấy rõ tính mong manh hiện tại của chế độ độc tài Putin, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh một đại đế Putin toàn năng trước đó.
Phương Tây hay Ukraine có vẻ thích thú trước vụ binh biến này, vì không nhiều thì ít nó làm suy yếu Putin và tinh thần binh lính Nga đang trấn thủ trong những lô cốt và chiến hào trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên Phương Tây cũng không phải không sợ ông Prigozhin này.
Nếu hiện tại tổ chức Wagner của Prigozhin là một cái ung nhọt của Nga, thì Nga hiện tại cũng là một cái ung nhọt của thế giới. Rõ ràng là chế độ độc tài Nga hiện nay, trong nhiều phiên bản có thể là một mối nguy cho thế giới, thậm chí nguy hiểm hơn rất nhiều Nhà nước Hồi giáo cực đoan mới bị tiêu diệt cách đây mấy năm, vì khối lượng bom nguyên tử chiến lược và chiến thuật đang có trong tay sẽ được sử dụng như thế nào.
Tham quyền cố vị là bản chất của con người. Vậy, chúng ta nhất quyết phải cổ vũ cho một thể chế dân chủ để hạ bệ bất kỳ nhà độc tài, bất kỳ đảng cực đoan nào. Càng ngồi lâu trên quyền lực, những kẻ độc tài càng gây thêm nhiều tội ác và càng khuyến khích tham nhũng nhiều hơn, chỉ hại cho đất nước.
Giết Prigozhin chắc không phải là giải pháp tối ưu của Putin với những hậu quả nặng nề. Có thể Prigozhin cũng đã chuẩn bị một kế hoạch phản công nếu bị thủ tiêu thì nhiều tài liệu làm ăn bất chính của tất cả các quan chức cao cấp của Nga, kể cả Putin sẽ được công bố.
Dân chúng đã đổ xô ra đường đón chào đoàn quân của Prigozhin và chụp ảnh kỷ niệm chung…
Tin giờ chót vào lúc 17g, giờ Paris, ngày 26/06/2023, Prigozhin đã công bố một đoạn ghi âm hơn 10 phút trên Telegram, nội dung có thể tóm lược như sau :
1. Mục đích của việc tiến quân về Moskva không phải để lật đổ chính quyền Nga mà để bảo vệ cơ sở vật chất của Wagner đang bị lực lượng an ninh FSB lục soát.
2. Chúng tôi dừng lại vì có nguy cơ đổ máu to.
3. Quân Wagner tiến một cách dễ dàng về Moskva thể hiện một vấn đề vô cùng trầm trọng về an ninh của Nga. Thực tế quân Wagner đã di chuyển hơn 700 km trên những xa lộ và trục giao thông chính như đi vào chỗ không người. Quân đội Nga đã vắng bóng một cách kỳ lạ. Quân Wagner chỉ buộc phải bắn hạ những máy bay của Nga bắn vào họ, làm chết 3 người.
Liên bang Nga quả thật là một đất nước kỳ lạ !
Hoàng Quốc Dũng
(26/06/2023)
Nhân Ngày Chiến Thắng hôm 09/05/2021, như thông lệ, chính quyền Nga tổ chức một lễ diễu binh rầm rộ trên Quảng Trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rất căng thẳng, đây là dịp để tổng thống Vladimir Putin phô trương sức mạnh quân sự của Nga.
Lễ diễu binh rầm rộ trên Quảng Trường Đỏ, Moskva, ngày 09/05/2021, nhân kỷ niệm 76 năm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến. Kirill KUDRYAVTSEV AFP
Theo kế hoạch dự kiến, buổi diễu binh tại Moskva kỷ niệm 76 năm ngày Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã trong Thế Chiến Thứ II được chính tổng thống Nga chủ trì, huy động 12.000 sĩ quan và binh sĩ, gần 200 loại khí tài quân sự, trong đó có các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như các loại phi cơ và trực thăng.
Theo hãng tin Anh Reuters, buổi lễ duyệt binh năm nay - diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây leo thang trên một loạt hồ sơ từ Ukraina cho đến Navalny - sẽ cho phép tổng thống Putin phô trương sức mạnh quân sự của Moskva, kích động tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, một điều có lợi chủ nhân điện Kremlin trong bối cảnh nước Nga chuẩn bị bầu lại Quốc Hội vào tháng 9/2021.
Về mặt đối ngoại, hành động phô trương uy lực quân sự hôm nay còn là một tín hiệu mạnh gởi đến các nước phương Tây, ít lâu sau một chiến dịch triển khai hơn 100.000 quân gần khu vực giáp giới với Ukraina, cũng như ở vùng Crimée mà Nga đã chiếm của Ukraina vào năm 2014.Việc Moskva triển khai lực lượng quân sự kể trên đã khiến phương Tây lo ngại, và sau đó Nga đã cho triệt thoái phần lớn lực lượng, chỉ để lại một số thiết bị quân sự và tiếp tục tập trận trên Biển Đen.
Ngoài lễ diễu binh rầm rộ ở Moskva, nhiều cuộc diều binh nhỏ hơn cũng diễn ra tại một số thành phố trên nước Nga, ở vùng Crimée và tại căn cứ Không Quân Nga Hmeymim ở Syria. Ngay từ hôm qua, 08/05, ông Putin đã gửi lời chúc mừng tới các thành viên Cộng Đồng Các Quốc Gia Độc Lập về vai trò của họ trong chiến thắng của Đồng Minh trước Đức Quốc Xã thời Thế Chiến Thứ II và kêu gọi phát huy "tình hữu nghị anh em và sự giúp đỡ lẫn nhau".
Trọng Nghĩa
Nga càng lúc càng gặp rắc rối vì nhà đối lập Navalny
Nỗi lo ngại đang dâng cao tại Pháp trước tình hình dịch Covid-19 tăng tốc lan rộng trở lại, kèm theo là phản ứng giận dữ của những địa phương bị áp đặt các biện pháp hạn chế sinh hoạt để ngăn dịch, là chủ đề bao trùm toàn bộ các nhật báo lớn ra ngày 25/09/2020 tại Pháp. Dịch bệnh đã đẩy xuống hàng thứ yếu các đề tài thời sự như hệ quả của vụ nhà đối lập Nga Navalny bị đầu độc hay cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ...
Về hồ sơ Navalny, thông tín viên Le Monde tại Nga đã có một bài viết lý thú về những rắc rối bất ngờ mà nhà đối lập đang gây ra cho chính quyền Putin. Bài mang tựa đề "Bây giờ là Putin đấu với Navalny".
Nếu sáng ngày 20/08 vừa qua chiếc máy bay chở ông đến Moskva đã không khẩn cấp đáp xuống phi trường Omsk, Siberia, bất chấp một lệnh báo động về bom rất hợp thời, thì có lẽ Alexei Navalny đã chết rồi. Người mà Vladimir Putin thậm chí tên cũng không chịu nói đến, có lẽ đã bị xóa bỏ khỏi chính trường Nga, và điện Kremlin sẽ phải trải qua một lúc khó chịu, nhưng sẽ bớt đi được một mối lo.
Một tháng sau, chính Alexeï Navalny lại trở thành người áp đặt chương trình nghị sự - chính trị, thông tin, ngoại giao cho Nga. Dù phải nằm trong bệnh viện ở Berlin, nhà đối lập bị đầu độc đã trở nên nhân vật quan trọng không thể tránh được. Việc ông ra khỏi viện ngày 23/09 càng làm cho việc chính quyền Nga đối phó với "vấn đề Navalny" thêm tế nhị.
Nhà đối lập thường xuyên đưa lên các mạng xã hội tình trạng sức khỏe của ông. Quá trình ông bình phục rất được theo dõi, và mỗi bài đăng của ông đều có cả triệu "like". Điều này đã vô hiệu hóa chiến lược của điện Kremlin là làm như không hề có sự cố Navalny, cũng không có một nhà đối lập tên là Navalny.
Cùng lúc thì điều "cấm kỵ Navalny" lại chen vào không gian truyền thông Nga. Dĩ nhiên các "chuyên gia" được mời phát biểu về ông trên truyền hình đều đưa ra những luận điểm càng lúc càng lố bịch hay những đoạn video giả mạo, nhưng cốt lõi vấn đề là Nga không thể làm ngơ, phớt lờ hiện tượng Navalny nữa.
Về mặt ngoại giao cũng vậy. Người ta hoàn toàn có thể tưởng tượng nỗi bực tức của ông Putin khi phải trả lời câu hỏi của tổng thống Pháp về Navalny. Tên của nhà đối lập cũng được nhiều lần nhắc đến ở khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và ngoại trưởng Nga Lavrov đã phải nhiều lần giải thích, lập đi lập lại lập luận điểm là nếu có đầu độc thì điều đó xẩy ra sau khi ông Navalny rời Nga, cho dù nhà đối lập khi ấy đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Nói cách khác và ngay trước khi ông trở về Nga, nhà đối lập bị chế độ cho là không tồn tại, có thể gây xáo trộn lịch trình ngoại giao của Nga và có thể là nguyên nhân những trừng phạt mới nhắm vào Moskva
Covid-19 : Pháp siết chặt các biện pháp hạn chế
Về các biện pháp hạn chế đi lại và tụ tập vừa được bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran loan báo tối thứ Tư 23/09, trong lúc Le Monde nêu lên sự kiện một cách khách quan trong hàng tựa lớn trang nhất : "Chính phủ siết chặt các hạn chế", thì Le Figaro nói ngay : "Covid-19 : Những hạn chế mới gây tranh cãi". Riêng Libération thì chạy hàng tít gây sốc: "Các biện pháp chống Covid : Mảng đỏ lớn gây giận dữ".
Le Monde đã tóm gọn các biện pháp như sau : "Tại 69 tỉnh bị xếp vào diện ‘vùng báo động’, những biện pháp mới nhằm hạn chế việc tụ tập, trong đó có yêu cầu áp dụng cách thức lập "nhóm người tiếp xúc cố định" (bulle sociale - mỗi người có thể thoải mái tiếp xúc, gần gũi, không cần khẩu trang, giữ khoảng cách, với một số người cố định). Các biện pháp sẽ đặc biệt được tăng cường tại các địa phương bị coi là bị nặng nhất, đặc biệt là vùng Aix-Marseille ở miền Nam nước Pháp và đảo Guadeloupe ở hải ngoại.
Quyết định của chính phủ dĩ nhiên đã bị chỉ trích, với nhiều đại biểu dân cử tại các địa phương phải áp dụng các biện pháp mới, như ở vùng Marseille hay Paris đã phản ứng giận dữ. Họ vừa lên án chính quyền trung ương là đã có hành vi "trừng phạt" nhắm vào người dân những nơi đó, vừa phàn nàn là các biện pháp được trung ương ban hành một cách độc đoán, không hề tham khảo ý kiến của địa phương.
Giới khoa học, theo Le Monde, cũng tỏ ý tiếc rằng chính quyền đã không đưa ra được một đề nghị nào nhằm cải thiện chính sách xét nghiệm và truy tìm những người bị nhiễm Covid-19 tại Pháp.
Tranh cãi địa phương-trung ương
Cùng một nhận xét như đồng nghiệp Le Monde, nhật báo Le Figaro đã xoáy mạnh trên phản ứng giận dữ của các đại biểu dân cử địa phương cũng như của giới kinh doanh nhà hàng, quán nước, nạn nhân của các biện pháp hạn chế tụ tập được ban hành.
Trong gần một chục trang báo, Le Figaro đặc biệt chú ý đến phản ứng từ Marseille nói riêng và vùng PACA ở miền nam Pháp nói chung, nơi các đại biểu dân cử như đã liên kết với nhau thành một mặt trận để đối đầu với các biện pháp bị cho là từ trên dội xuống một cách quan liêu.
Một hôm sau thông báo của bộ trưởng Y tế, làn sóng bất bình đã trào dâng tại vùng miền Nam nước Pháp, với các đại biểu dân cử địa phương từ tả sang hữu đều tỏ thái độ phẫn nộ, đặc biệt đối với biện pháp đóng cửa các nhà hàng và quán rượu bia.
Theo Le Figaro, các quan chức địa phương cảm thấy bị Paris coi thường vì họ không hề được tham khảo ý kiến về các quyết định áp đặt trên các thành phố, thị xã mà họ quản lý, nhất là khi thủ tướng Pháp Jean Castex vẫn không ngừng nhấn mạnh về tầm quan trọng của mối liên kết chặt chẽ giữa trung ương với địa phương và nhu cầu tham vấn trong việc chống dịch.
Trả lời phỏng vấn của báo Le Figaro, bà Maryse Joissains, thị trưởng thành phố Aix-en-Provence chẳng hạn đã không ngần ngại tố cáo : "Họ - tức là chính quyền trung ương – đang đẩy đất nước vào một tình trạng lo âu" một cách vô trách nhiệm.
Về phần mình, trước Thượng viện Pháp vào hôm qua, bộ trưởng Y tế đã biện minh cho phương pháp làm việc của chính phủ : "Hội ý không nhất thiết có nghĩa là đồng ý ; đến một lúc nào đó, nguyên tắc trách nhiệm phải được ưu tiên".
Quán bar và nhà hàng : ổ lây nhiễm cực mạnh
Trong hồ sơ về các biện pháp chống dịch mới, Le Figaro đặc biệt tìm cách giải thích lý do thúc đẩy chính quyền Pháp đóng cửa trở lại các quán bar và nhà hàng, cũng như hạn chế tụ tập quá đông người.
Tờ báo trích dẫn giáo sư Xavier Lescure, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Bichat ở Paris cho biết là các dữ liệu về dịch bệnh ghi nhận được tại Mỹ đã cho thấy việc thường xuyên đi vào các quán bar hay cà phê sẽ làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 lên 3 hoặc 4 lần. Đối với những người đi ăn nhà hàng, rủi ro thấp hơn một chút, nhưng cũng tăng gấp đôi.
Trên đây là kết quả của một công trình nghiên cứu được thực hiện tại 11 trung tâm xét nghiệm trên khắp nước Mỹ vào tháng 7 và được công bố hôm 11/09 trong bản tin hàng tuần của các Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC.
Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động trong các phòng tập thể dục hay việc đi lễ hoặc tham dự các cuộc tụ họp tôn giáo cũng làm tăng rủi ro lây nhiễm, nhưng chưa thể kết luận một cách chắc chắn.
"Cuộc sống của chúng ta dưới một cái chuông ?"
Dù cũng khai thác đề tài chống dịch Covid-19, nhưng khác với các đồng nghiệp, nhật báo công giáo Pháp La Croix hôm nay đã xoáy mạnh trên yêu cầu của chính quyền muốn mọi người hạn chế giao tiếp không chỉ với người ngoài, mà cả giữa những người thân.
Ngay trang nhất, La Croix đã tự hỏi là với các hạn chế như vậy, phải chăng "Chúng ta sẽ sống dưới một cái chuông", chỉ quanh quẩn giữa một nhúm người với nhau?
Trong bài phân tích bên trong mang tựa đề "Tiến tới một cuộc sống không bị phong tỏa mà cũng không được giải tỏa", tờ báo ghi nhận là tùy theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại địa phương của mình, người Pháp vẫn có quyền – với điều kiện là phải đeo khẩu trang hợp lệ - tiếp tục làm việc – theo phương thức từ xa càng nhiều càng tốt – và học tập. Thế nhưng giờ đây, họ phải thận trọng mỗi khi muốn đi ăn nhà hàng, đi du lịch, đi nghe hòa nhạc, thậm chí phải cân nhắc khi tham gia những buổi gặp mặt trong gia đình hoặc tham dự các sự kiện vui chơi, thể thao.
Theo nhà xã hội học Michel Wieviorka, nếu dịch bệnh kéo dài, hậu quả rất đáng lo ngại : "Mọi khả năng giao lưu với người khác sẽ biến mất, từ những chuyến du lịch, chương trình trao đổi sinh viên Châu Âu Erasmus, các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, chẳng hạn như ở nơi làm việc, hoặc trong một bữa tiệc với bạn bè…".
Đối với triết gia Laurence Devillairs, việc hạn chế giao tiếp xã hội sẽ đặc biệt có hại cho giới trẻ vì "đối với các thiếu niên, mong muốn chính là thoát ra khỏi "bong bóng" của gia đình, để ra ngoài vui chơi theo băng nhóm."
Sau cùng, đúng với tôn chỉ của mình, nhật báo Les Echos đã chạy hàng tựa lớn trang nhất: "Pháp đối mặt với làn sóng thứ hai", nhưng nhấn mạnh đến sư kiện các doanh nghiệp lo ngại những hạn chế mới sẽ cản trở sự phục hồi đang manh nha trở lại.
Les Echos ghi nhận là chính phủ không chỉ phải đối phó với làn sóng phản đối từ phía các đại biểu dân cử địa phương, mà cả từ các ngành nghề bị tác hại. Riêng tại các sở làm, các biện pháp y tế đang càng lúc càng đặt ra những vấn đề nan giải.
Donald Trump không hứa chuyển quyền êm thắm
Về thời sự nước Mỹ, việc tổng thống Donald Trump tiếp tục từ chối cam kết chuyển quyền một cách êm thắm trong trường hợp ông thất cử ngày 03/11 tới đây đã được nhiều tờ báo chú ý.
Trong bài viết "Donald Trump độc tài, nước Mỹ ơi, đừng dọa tôi!", Libération nhắc lại sự kiện là hôm 23/09 vừa qua, trước yêu cầu của một nhà báo muốn ông cam kết đảm bảo chuyển quyền êm thắm, bất kể kết quả cuộc đấu với Joe Biden, ông Trump đã từ chối trả lời, chỉ nói rằng "phải xem điều gì xẩy ra". Một lần nữa, ông lại chỉ trích việc bỏ phiếu qua thư, cho rằng điều đó mở đường cho phe Dân chủ gian lận ồ ạt.
Giáo sư luật người Mỹ Lawrence Douglas mà Libération trích dẫn nhận định: "Tuyên bố này vừa gây chấn động, vừa không mấy ngạc nhiên… Chấn động là vì trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ một tổng thống đặt lại vấn đề chuyển giao quyền hành một cách hòa bình, nhưng không mấy gây ngạc nhiên là vì nó khớp với những gì mà ông Trump nói từ nhiều tháng nay".
Theo tổng thống Trump, ông Joe Biden chỉ có thể thắng bằng gian lận. Và lập luận được ông Trump nhắc đi nhắc lại ở mỗi mít tinh đã bắt đầu có tác hại không thể đảo ngược và làm dấy lên nguy cơ một cuộc khủng hoảng hậu bầu cử.
Ông Trump đã tạo ra suy nghĩ là nếu ông thắng, thì hệ thống đã chứng minh tính chính đáng, còn nếu ông thua tức là hệ thống đã biến chất, hư hỏng. Một số trong số hàng chục triệu người ủng hộ ông đã đồng tình với thông điệp này, và điều đó đã tạo ra một môi trường độc hại trong nước.
Dấu hiệu phát biểu của ông Trump đã gây khó chịu sâu sắc là nhiều người trong đảng Cộng Hòa đã lên tiếng tỏ thái độ bất bình tuy không công khai chỉ trích ông.
Trọng Nghĩa
Virus corona tại Nga : Kẻ thù vô hình mà Putin không ngờ tới (RFI, 20/05/2020)
Mùa xuân 2020 lẽ ra phải rất huy hoàng đối với tổng thống Vladimir Putin, một người đã liên tục ngự trị ở thượng tầng Nhà nước Nga từ 20 năm nay mà không có đối thủ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Crimea hôm 18/03/2020. © via Reuters
Thế nhưng, một kẻ thù vô hình mà ông Putin không hề chờ đợi – con virus corona chủng mới - đã đột nhiên xuất hiện, kéo theo một cuộc khủng hoảng y tế rồi kinh tế ở quy mô chưa từng thấy, làm dấy lên câu hỏi : Liệu ngai vàng của người được gọi là Sa Hoàng mới tại Nga có bị chao đảo hay không ?
Một cuộc trưng cầu dân ý dự trù ngày 22/04 vừa qua, trên nguyên tắc, sẽ thông qua với đa số áp đảo quyết định cải tổ Hiến Pháp cho phép ông Putin tái ứng cử vào năm 2024, mốc đầu tiên đánh dấu khả năng trị vì suốt đời của ông, đã bị hủy bỏ. Vài tuần sau đó, cuộc diễn binh ngày 09/05, kỷ niệm chiến thắng của Liên Xô đánh bại Đức Quốc Xã, với sự hiện diện của nhiều nguyên thủ nước ngoài, một màn tán dương công trạng của ông Putin sau 20 năm trị vì độc quyền, cũng không diễn ra.
Vì con virus corona mà không có các dấu mốc huy hoàng này. Trái lại, ông Putin đã phải tự nhốt mình trong tư dinh ở Novo-Ogaryovo, vùng ngoại ô Moskva, để từ đó xử lý đà lây lan đáng ngại của dịch Covid-19.
Tính đến ngày 19/05, nước Nga đã có gần 300.000 người bị nhiễm virus, lan truyền với tốc độ kinh khủng 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, liên tiếp nhiều hôm từ ngày 02/05. Đất nước 144,5 triệu dân, giờ đứng hàng thứ 2 thế giới sau Mỹ, về số người nhiễm virus.
Tỷ lệ tử vong thấp : "Thận trọng với số liệu của chính quyền"
Cho dù dịch chưa tới đỉnh cao, nhưng có một con số dường như có thể trấn an. Cho đến hết ngày 19/05, người ta "chỉ" ghi nhận hơn 2.800 ca tử vong vì Covid-19, trong lúc tại Pháp con số này cao hơn gấp 10 lần (hơn 28.000 ca).
Số tử vong quá thấp của Nga, theo tạp chí Pháp L’Express ngày 12/05 trong bài "Virus Corona, địch thủ mà Vladimir Putin không ngờ tới", rất đáng nghi ngờ.
Nina Khrouchtcheva, giáo sư quan hệ quốc tế tại New School ở New York, cháu cố lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrouchtchev, nhận định thẳng thừng : "Tô vẽ thực tế là bản chất của chế độ". Theo bà, phải luôn thận trọng với số liệu của chính quyền.
Tại Moskva, nhà nghiên cứu chính trị Maria Lipman thì chừng mực hơn : "Số liệu thực mà cao hơn nhiều tất yếu sẽ được biết qua các mạng xã hội, một số lượng lớn người chết sẽ khó che giấu".
Nhưng dù sao thì tại đất nước rộng lớn với 11 múi giờ, tình hình rất khác biệt theo từng nơi, với một nửa ca nhiễm Covid-19 tập trung ở thủ đô - có hạ tầng cơ sở về y tế để có thể đối phó - và những oblast (vùng) ở Siberi, thiếu thốn cơ sở hạ tầng nhưng lại được buông tha.
Covid-19 xuất hiện không đúng lúc chút nào cho Tổng thống Putin
Điều chắc chắn duy nhất là khủng hoảng y tế Covid-19 xẩy ra không đúng lúc chút nào đối với Putin. Rất lệ thuộc vào ngành năng lượng, Nga đứng trước một thảm kịch khác : giá dầu hỏa sụt giảm mạnh trên thị trường thế giới. Thu nhập về dầu hỏa và khí đốt chiếm 15% GDP Nga và một nửa ngân sách Nhà nước, nên khó tránh khỏi khủng hoảng. Cho dù Nga có các lợi thế khác – nợ không cao, dự trữ ngoại tệ hơn 500 tỷ đô la - nhưng suy thoái như đang rình rập trước cửa điện Kremlin.
Gần đây, ông Putin đã có một thủ thuật để giảm sốc : Trút lên đầu các công ty xí nghiệp lớn cũng như nhỏ gánh nặng chi phí phải trả cho chế độ thất nghiệp bán phần, bằng cách tuyên bố tất cả những ngày làm việc kể từ 30/03 là "ngày nghỉ".
Luật pháp Nga cấm mọi quyết định sa thải trong lúc có những "ngày nghỉ", và cho đến lúc dỡ bỏ phong tỏa, tiền lương vẫn được công ty xí nghiệp trả, không phải là Nhà nước !
Tác giả bài báo kể lại một chuyện tiếu lâm trong giới kinh doanh : "Vladimir Putin đi vào một quán rượu và hô lên "Vodka cho mọi người !", trước khi nói thêm : "tiền quán rượu trả !".
Các công ty vừa và nhỏ ngày càng bị tác động mạnh
Nếu những tập đoàn lớn như Rosneft (dầu hỏa), Gazprom (khí đốt), Rosatom (hạt nhân), Rostelecom (viễn thông) hay Sherbank (tài chính) vẫn vững chắc thì các công ty vừa và nhỏ sử dụng 1/4 lao động đang bị lao đao.
Tại Moskva, Alexeï Petropolski, chủ khách sạn Valises, ở khu phố nổi tiếng Kitaï-Gorod, nay vắng hoe, cho biết : "Tôi phải lấy tiền túi ra trả cho nhân viên, nhưng tôi khó thể thể cầm cự thêm một tháng nữa".
Anastasia Mecheriakova, quản lý các quán cà phê Piou (7 quán ở Moskva, 100 nhân viên) cũng khó khăn không kém : "Cho dù chúng tôi quen với khủng hoảng, tình hình hiện nay rất đáng ngại, cứ tưởng như đang trở lại thời kỳ 1990", tức giai đoạn đen tối thời Yeltsin.
Ivan Semenoff, chủ tịch tổng giám đốc Brainpower, một công ty tuyển dụng lao động, có 30 nhân viên, đã thương lượng được với họ làm việc bán thời gian trong lúc khủng hoảng để cứu vớt công ty, mà hoạt động tuột giảm đến 80%. Một số khách hàng còn đồng ý trả trước hóa đơn. Ông Semenoff cho đây là "cái giá để kinh doanh sống còn".
Uy tín của Putin "chỉ" còn 59%, một mức thấp lịch sử
Trong khi đó, tổng thống Vladimir Putin nỗ lực tuyên truyền để bù đắp cho sự sụp đổ uy tín của mình, đã rơi xuống còn 59%, một mức xấu lịch sử vì tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Nga chưa bao giờ tụt xuống một mức thấp như vậy. Và trái với chủ trương ít ra mặt khi khủng hoảng bắt đầu, trong thời gian gần đây, ông Putin hầu như ngày nào cũng xuất hiện trên truyền hình.
Với vẻ hơi gia trưởng nhưng kiên quyết, ông đóng vai trò người cha của đất nước, ban hành các sắc lệnh trước các bộ trưởng của mình, ra lệnh cho thống đốc các vùng. Theo bà Maria Lipman, tổng thống Nga "tự phô trương mình là người ra các quyết định quan trọng, và giao việc quản lý các tin xấu cho các thống đốc". Không có cơ sở tại địa phương, thường là người được Putin cắm ở các vùng, những thống đốc này đã trải qua cuộc thử lửa đầu tiên với con virus corona.
Theo chuyên gia khoa học chính trị Tatiana Stanovaya, sáng lập viên trung tâm tham vấn R.Politik : "Nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với những nhà kỹ trị vốn quen phục vụ điện Kremlin hơn là dân chúng". Lý do là vì cuộc khủng hoảng có lẽ chỉ mới bắt đầu.
Trong một động thái minh bạch hiếm hoi, thị trưởng nổi tiếng của thủ đô Moskva, ông Sergei Sobyanin, đã tỏ ra không mấy lạc quan. Phát biểu với một thái độ thành thật khác thường, nhân vật này công nhận : "Chúng tôi mới chỉ đi được một phần tư chặng đường".
Từ hai mươi năm nay, quả là chưa bao giờ ông Vladimir Putin lại phải đối phó với nhiều tình huống bấp bênh như vậy.
Mai Vân
******************
Nga : Số người chết do Covid-19 tại Dagestan cao hơn nhiều so với thống kê chính thức (RFI, 19/05/2020)
Tại Nga, chính quyền khẳng định dịch bệnh Covid-19 đang trên đà được kiểm soát, với số lượng ca nhiễm mới giảm xuống còn 9.000 ca trong vòng 24 giờ qua, như ghi nhận của thủ tướng Mikhaïl Michoustine. Hôm qua, 18/05/2020, là ngày thứ tư liên tiếp số lượng người nhiễm virus trong ngày giảm xuống dưới con số 10.000.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi phải có những biện pháp "khẩn cấp" chống dịch Covid cho nước cộng hòa Dagestan, thuộc Liên bang Nga. Sputnik/AFP/File
Tuy nhiên, tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại miền nam nước Nga. Nước cộng hòa tự trị nhỏ Dagestan vùng Kavkaz có nguy cơ trở thành một ổ dịch mới. Chính quyền thừa nhận số lượng nạn nhân thực sự của Covid-19 cao hơn nhiều so với số thống kê chính thức.
Thông tín viên Daniel Vallot tường trình từ Moskva :
"Về mặt chính thức, chỉ có 29 người chết vì virus corona ở Dagestan từ đầu mùa dịch đến nay. Tuy nhiên, trong kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua, bộ Y tế đã thừa nhận là số liệu được đưa ra thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Tại nước cộng hòa nhỏ bé của Liên bang Nga, ở khu vực Kavkaz, thực ra phải có đến hàng trăm người chết vì Covid-19. Tuy nhiên, do không có đủ xét nghiệm cần thiết, mà các trường hợp tử vong nói trên không được chính thức coi là có liên hệ với bệnh Covid-19.
Thủ lĩnh Hồi Giáo của nước Cộng hòa Dagestan, trong một cuộc nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin, đã nói đến ‘‘thảm họa’’ đang diễn ra. Bản thân nhân vật này cũng bị nhiễm virus corona mới. Hôm qua, tổng thống Nga đã yêu cầu tăng cường khả năng xét nghiệm tại Dagestan. Quân đội cũng có thể sẽ tham gia, với việc triển khai một bệnh viện dã chiến.
Việc thiếu phương tiện xét nghiệm không phải là vấn đề duy nhất đối với Dagestan, trong cuộc chiến chống dịch. Nhiều giới chức chính quyền Nga thừa nhận là nước cộng hòa vùng Kavkaz này thiếu cả thuốc men và các phương tiện bảo hộ y tế. Theo hãng thông tấn Interfax, chính quyền địa phương cũng yêu cầu thêm lực lượng cảnh sát, để bảo đảm rằng các biện pháp phong tỏa tại khu vực này được tuân thủ tốt hơn".
Nga hiện là quốc gia đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus corona mới, với 299.941 ca. Theo chính quyền, số người qua đời vì Covid-19 là 2.837. Tuy nhiên, nhiều người phản đối con số thống kê nói trên, khi cho rằng có rất nhiều bệnh nhân nhiễm virus corona qua đời mà không được tính vào số người chết vì Covid-19. Về phần mình, chính quyền khẳng định chỉ đưa vào danh sách những trường hợp tử vong, do nguyên nhân chính là bệnh Covid-19.
Trọng Thành
Phe đối lập Nga cho biết đang hoạch định một cuộc biểu tình trên toàn quốc vào cuối tuần sau, dù cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.000 người hôm 3/8 vì bị coi là tham gia một cuộc tuần hành trái phép ở Moscow để yêu cầu bầu cử tự do, theo Reuters.
Phe đối lập nói rằng cuộc tuần hành hôm 3/8 diễn ra ôn hòa để phản đối việc loại ứng viên đối lập trong một cuộc bầu cử ở Moscow vào tháng tới.
OVD-Info, một nhóm theo dõi độc lập, hôm 4/8 nói rằng cảnh sát bắt 1.001 người hôm 3/8. Trừ 19 người bị giam qua đêm, những người còn lại sau đó đã được phóng thích.
Tổ chức này cho biết rằng một số người bị bắt đã bị tịch thu điện thoại và bị tước quyền tiếp cận luật sư.
Các nhà điều tra Nga đã mở một cuộc điều tra hình sự đối với một người đàn ông bị cáo buộc làm một cảnh sát bị thương, theo hãng tin TASS của Nga.
Ông Leonid Volkov, một đồng minh của chính trị gia đối lập chống Kremlin, ông Alexei Navalny, cuối ngày 3/8 nói rằng phong trào chính trị do ông Navalny khởi xướng có kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc vào ngày 10/8.
******************
Nga : Tiếp tục biểu tình đòi bầu cử tự do, hơn 800 người bị câu lưu (RFI, 04/08/2019)
Cảnh sát bắt người biểu tình tại Moskva ngày 03/08/2019. Reuters/Tatyana Makeyeva
Tại Moskva, đối lập hôm 03/08/2019 vẫn xuống đường đông đảo, bất chấp áp lực của cảnh sát. Hàng nghìn người tuần hành tại trung tâm thủ đô Moskva để phản đối việc chính quyền cản trở đối lập ra tranh cử trong kỳ bầu cử ngày 08/09 tới. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, hơn 800 người bị cảnh sát câu lưu.
Phóng sự của thông tín viên Daniel Vallot từ Moskva :
"Giống như cuộc tuần hành ngày 27/07, một lực lượng cảnh sát đông đảo đã được triển khai. Suốt dọc lộ trình cuộc tuần hành, hàng trăm cảnh sát chống bạo động bố trí dày đặc. Hàng chục xe buýt sơn màu xanh và trắng chực sẵn để đưa những người biểu tình bị bắt đến các trụ sở cảnh sát.
Chính quyền cũng ngăn chặn được hầu như toàn bộ các kết nối internet giữa điện thoại di động gần các điểm tập hợp dự kiến. Mục tiêu là không để cho người biểu tình liên lạc được với nhau và thỏa thuận về những điểm hẹn thay thế, như trường hợp tuần trước, sau khi cuộc tập hợp chính bị giải tán.
Phong trào phản kháng kể từ giờ cũng không còn người lãnh đạo. Nữ luật sư Lioubov Sobol, nhân vật nổi tiếng duy nhất của đối lập còn chưa bị bắt, đã bị câu lưu hôm qua, khi bà chuẩn bị đến một điểm tập hợp".
Đợt biểu tình hiện nay là điều chưa từng thấy kể từ khi ông Putin trở lại làm tổng thống từ năm 2012. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế lên án chính quyền Nga "sử dụng bạo lực thái quá" và cáo buộc những người biểu tình ôn hòa là quân nổi dậy một cách vô căn cứ.
Tư pháp Nga trả đũa Navalny
Tư pháp Nga hôm qua, 03/08, thông qua mở điều tra về tổ chức chống tham nhũng của lãnh đạo đối lập Navalny, với cáo buộc "rửa tiền". Tổ chức của lãnh đạo đối lập, mang tên Quỹ chống tham nhũng, liên tục tiến hành nhiều cuộc điều tra độc lập về cuộc sống xa hoa của giới quan chức, và các thủ đoạn biển thủ công quỹ. Hôm thứ Năm vừa qua, lãnh đạo đối lập tố cáo phó đô trưởng Moskva thâm thụt hàng tỉ rúp tiền công quỹ trong một dự án xây dựng của chính quyền thành phố.
Trọng Thành
****************
Cảnh sát Nga câu lưu hơn 800 người biểu tình ở Moscow (VOA, 04/08/2019)
Cảnh sát Nga câu lưu hơn 800 người tham gia một cuộc biểu tình ở Moscow hôm thứ Bảy đòi bầu cử tự do sau khi chính quyền cảnh báo cuộc biểu tình là bất hợp pháp.
Người dân tham gia biểu tình kêu gọi để các ứng cử viên đối lập được đăng kí tranh cử vào viện lập pháp của Moscow, ở Moscow, ngày 3 tháng 8, 2019.
OVD-Info, một tổ chức theo dõi độc lập, cho biết cảnh sát đã bắt giữ 828 người, trong một số trường hợp đánh họ bằng dùi cui trong khi họ nằm trên sàn nhà. Reuters cho biết phóng viên của họ đã chứng kiến hàng chục vụ bắt giữ.
Cảnh sát nói họ câu lưu 600 người và cho biết 1.500 người đã tham gia cuộc biểu tình, dù các đoạn video quay các cuộc biểu tình bùng lên ở các khu vực khác nhau ở Moscow cho thấy số người tham gia có thể nhiều hơn, theo Reuters.
Hãng tin này cho biết cuộc biểu tình ngày thứ Bảy nhỏ hơn cuộc biểu tình một tuần trước đó, nhưng nêu bật quyết tâm của một số người chỉ trích Điện Kremlin - đặc biệt là những người trẻ tuổi - tiếp tục đòi hỏi mở ra hệ thống chính trị được điều khiển chặt chẽ của Nga.
Sự giận dữ của người biểu tình tập trung vào việc một số ứng cử viên có tư tưởng đối lập, một số người là đồng minh của chính trị gia đối lập bị bỏ tù Alexei Navalny, bị cấm tham gia cuộc bầu cử vào tháng 9 vào cơ quan lập pháp thành phố Moscow.
Cuộc bỏ phiếu đó, dù ở quy mô địa phương, được coi là một cuộc tổng dượt cho cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2021.
Nhà chức trách nói rằng các ứng cử viên đối lập đã không thu thập đủ chữ kí thực thụ để đăng kí. Các ứng cử viên bị loại nói rằng đó là lời nói dối và nhất mực đòi tham gia một cuộc bầu cử mà họ tin rằng họ có thể giành chiến thắng.
Các nhà quan sát cho biết cảnh sát hiện diện với số lượng đông đảo nhất tại một cuộc biểu tình trong gần một thập niên. Truy cập internet di động bị mất ở một số khu vực và cảnh sát phong tỏa nhiều nơi ở trung tâm Moscow để ngăn người dân tụ tập.
Trong một cuộc biểu tình tương tự trước đó một tuần, cảnh sát bắt giữ hơn 1.300 người trong một trong những hoạt động an ninh lớn nhất trong những năm gần đây khiến quốc tế lên án.
Nhà chức trách đã tiến hành một loạt những vụ giam giữ và khám xét nhà mới trước cuộc biểu tình vào ngày thứ Bảy và mở các thủ tục tố tụng hình sự cho điều mà họ gọi là tình trạng bất ổn dân sự, một tội có thể bị tuyên phạt tới 15 năm tù.
***************
Nga : Đối lập tiếp tục biểu tình đòi bầu cử tự do bất chấp áp lực (RFI, 03/08/2019)
Hôm 03/08/2019, đối lập Nga kêu gọi dân chúng xuống đường tại Moskva đòi bầu cử tự do, bất chấp chính quyền liên tục đe dọa và gây áp lực. Chính quyền tìm mọi cách cản trở đối lập ra tranh cử bằng cách bắt giam lãnh đạo phong trào phản kháng, ứng viên độc lập hay bác bỏ hồ sơ ứng cử của họ với lý do giả mạo chữ ký người ủng hộ.
Cảnh sát bắt người biểu tình ủng hộ các ứng viên đối lập của cuộc bầu cử địa phương, tại Moskva ngày 03/08/2019. Reuters/Tatyana Makeyeva
Thông tín viên Daniel Vallot tại Moskva ghi nhận
Artiem Torchinksy là một trong số những người dân Moskva bị Ủy Ban Bầu cử hủy xác nhận chữ ký. Ngày 1/07 vừa qua, doanh nhân 40 tuổi này đã ủng hộ Dmitri Goudkov, một trong những gương mặt đối lập, hiện đang bị bắt giam. Hai tuần sau, chữ ký ủng hộ của ông bị bác bỏ vì lý do giống chữ ký của một người khác. Artiem cho biết :
"Hãy xem, đây là danh sách mà tôi đã ký tên, còn đây là chữ ký của người khác. Người đó đã ký sau 4 ngày. Họ nói là vẫn cùng một người ký và thế là họ bác bỏ cả hai chữ ký. Bất kỳ một chuyên gia về chữ viết nào cũng có thể nói rằng đây là chữ ký của 2 người."
Artiem Torchinsky nằm trong số hàng nghìn người bị Ủy Ban Bầu Cử bác bỏ chữ ký. Quyết định đó đã dẫn đến việc hủy tất cả các đơn ứng cử của đối lập. Artiem nói tiếp :
"Nếu đây là trường hợp cá biệt thì có thể nói là sai sót, nhưng chúng tôi có cả nghìn người như vậy. Như thế tức là họ nói chúng tôi không tồn tại, chữ ký của chúng tôi không tồn tại. Khi Nhà nước muốn tôi đóng thuế thì họ bảo chúng tôi tồn tại. Nhưng khi bầu cử thì không. Tôi rất phẫn nộ."
Thứ Bảy này, Artiem sẽ đi biểu tình để lên án điều mà ông gọi là sự phủ nhận dân chủ. Ông sẽ đi biểu tình cho dù có thể bị bắt.
Ông giải thích thêm rằng : "Ở đất nước của chúng tôi, không thể trông cậy vào pháp chế được. Sức ép của đường phố là điều duy nhất làm chính quyền sợ".
RFI tiếng Việt
"Các vệ tinh cũ" của Nga đang trỗi dậy
Phong trào Áo Vàng tại Pháp tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nạn bài Do Thái, sau ngày hành động thứ 14, và tròn ba tháng khởi phát. Tổng thống Mỹ tấn công vào xe hơi Châu Âu. Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng chưa từng có với Giáo hội Công giáo. Bùng nổ dân số : một vấn đề lớn của nhân loại.
Bản đồ Cộng đồng các Quốc gia độc Lập do Nga lãnh đạo (năm 2018).Wikipedia
Trên đây là một số tựa lớn trang nhất các báo Pháp hôm nay, 18/02/2019. Trước hết xin giới thiệu một phân tích đáng chú ý, trên Le Monde, về tình trạng Nga ngày càng mất ảnh hưởng đối với các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Hội nghị an ninh quốc tế tại Munich diễn ra trong 3 ngày cuối tuần qua chứng kiến sự chia rẽ chưa từng có giữa chính quyền Mỹ với Châu Âu, mà tiêu biểu là Đức, trong lúc Nga và Trung Quốc tìm cách khoét sâu vào mối bất hòa. Nga càng ngày càng trở thành mối đe dọa với Liên Âu, đặc biệt sau việc Moskva và Washington đình chỉ Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF), mở ra viễn cảnh chạy đua vũ trang mới. Phương Tây nói chung và Liên Hiệp Châu Âu nói riêng dường như đang ở thế bị động. Tuy nhiên, nhìn về phía nước Nga, tình hình cũng hoàn toàn không phải là tươi sáng, xét về xu thế địa chính trị trung hạn và dài hạn.
Hồ sơ mang tựa đề "Nước Nga mất kiểm soát với các vệ tinh cũ" trên Le Monde điểm lại một xu thế diễn ra từ năm 1991 và tiếp tục khẳng định cho đến nay. Đó là ngày càng có nhiều quốc gia Liên Xô cũ hoặc ngả hẳn sang phương Tây theo mô hình dân chủ, hoặc tìm kiếm một vị trí độc lập hơn, hay chí ít cũng giữ một khoảng cách với Moskva.
Mondavia, Kirghizistan, Armenia, Uzbekistan... đang dân chủ hóa
Không có quốc gia nào trong khối CIS, trừ Nga, chính thức công nhận việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Nhiều "đồng minh" thân thiết của Nga trước đây đang tìm cách phát triển quan hệ với các khối khác, để thoát khỏi sự thao túng của Nga. Tại Uzbekistan, chính quyền của ông Chavkat Mirziyoyev, cầm quyền từ năm 2016, sau khi nhà độc tài Karimov qua đời, đã thực hiện một chính sách ngoại giao đa phương hóa chưa từng có, khiến Nga lo ngại.
Moskva theo dõi sát cuộc bầu cử Quốc hội tại Mondavia, sẽ diễn ra ngày 24/02, như một trắc nghiệm cho thấy "phe thân Nga" và "phe thân phương Tây", ai mạnh hơn ai. Để quyến rũ cử tri Mondovia, điện Kremlin vừa có chính sách giảm nhẹ quy định về giấy tờ đối với khoảng 170.000 người nhập cư gốc Mondavia, đang ở trong điều kiện bấp bênh, với thời hạn có thể áp dụng là… vào tháng 3/2019. Tức sau ngày bầu cử Quốc hội Mondavia.
Nga không đưa ra được một mô hình hấp dẫn
Trên thực tế, chính quyền Nga đã có một dự án lớn nhằm hội nhập một số nước Liên Xô cũ với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu (UEEA), dựa trên mô hình một thị trường chung của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, cộng đồng 5 quốc gia Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan và Nga đã không phát triển được, bởi mỗi bên đều bám chặt lấy chủ quyền quốc gia. Cạnh tranh với Trung Quốc tại vùng Trung Á và đe dọa trừng phạt Mỹ cũng là những nhân tố gây trở ngại khác.
Theo chuyên gia Pháp Laurent Chamontin, thất bại của cộng đồng mà Nga muốn xây dựng, trước hết là do Moskva không đề xuất ra một mô hình nào khác hơn là một hệ thống chủ yếu dựa trên sự tái phân phối các nguồn lợi từ dầu mỏ, với sự kiểm soát của Nhà nước ngày càng chặt chẽ hơn, trong lúc chính quyền tiếp tục bị nạn tham nhũng, độc tài chi phối. Trong tình trạng này, nước Nga không thể trở thành đầu tầu để dẫn dắt toàn khối.
Việc Nga vẫn tiếp tục giữ một vai trò chi phối đối với nhiều nước Liên Xô cũ xuất phát từ sức mạnh quân sự và khả năng bảo đảm an ninh của Nga. Năm 2002, sáu nước – Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kirghizistan, Nga và Tadjikistan – thành lập một tổ chức hợp tác về an ninh. Nhưng đoàn kết giữa các quốc gia này cũng có giới hạn. Bản thân Armenia, một thành viên của khối, đã công khai chỉ trích Nga bán vũ khí cho Azerbaidjian, một nước cộng hòa Liên Xô cũ, có tranh chấp lãnh thổ với Erevan. Năm 2018, Kazakhstan không ủng hộ dự thảo nghị quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an, lên án cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp trừng phạt chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Thái độ bất hợp tác của láng giềng Kazakhstan khiến Moskva giận dữ.
Tiếng Nga thoái lùi : Sự giải thể của đế chế Xô Viết là một quá trình dài
Một vấn đề quan trọng khác được Le Monde nêu lên để cho thấy ảnh hưởng của Nga tại các nước cộng hòa Liên Xô cũ ở phía tây và phía nam, là sự thoái lùi của tiếng Nga.
Tại Kirghizistan, kể từ năm 2017, 47 tổ chức dân sự và đảng phái đối lập yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý để cổ vũ tiếng Kirghiz là ngôn ngữ quốc gia duy nhất. Kazakhstan cũng quyết định thay thế ký tự truyền thống theo hệ Slave bằng hệ ký tự La tinh.
Ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông Nga tại nhiều quốc gia cũng bị thu hẹp. Một ví dụ như, tại Moldavia, trong kênh truyền hình hàng đầu tiếng Nga, rất được đông người xem, các buổi phát thanh chính trị do chính quyền Nga hậu thuẫn hoặc bị xóa bỏ, hoặc bị đẩy vào giờ muộn hơn. Tại nhiều nước khác, ngày càng có nhiều người đòi hỏi các phương tiện truyền thông quốc gia. Belarus cũng vừa chấp nhận một kênh truyền hình cáp tiếng Ukraine.
Theo nhà quan sát kỳ cựu Andrei Kortounov về tình hình nước Nga và các khu vực vệ tinh, tiến trình giải thể của Cộng hòa liên bang Xô Viết hiện vẫn đang tiếp diễn. Sự chấm dứt của Nhà nước Liên Xô năm 1991 thực ra chỉ là một quyết định từ bên trên, ít có ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ các xã hội. Andrei Kortounov khẳng định, giống như với các đế chế khác, sự biến mất của Liên Xô đòi hỏi nhiều thời gian. Những biến động hiện nay trong các khu vực vệ tinh của Moskva sẽ còn kéo dài, và là một mối lo thường trực của điện Kremlin.
Hội nghị Munich : Merkel đơn độc bảo vệ chủ nghĩa đa phương
Trở lại với hội nghị an ninh quốc tế tại Munich, Les Echos có bài đáng chú ý, mô tả tình trạng đơn độc của thủ tướng Đức Angela Merkel, người dám đối đầu với tổng thống Mỹ. Đối lại các lời lẽ đe dọa, hống hách của tổng thống Mỹ là thái độ ôn hòa, cổ vũ đối thoại của thủ tướng Đức. Phát biểu ủng hộ chủ nghĩa đa phương quốc tế của bà Merkel đã được đông đảo cử tọa nhiệt liệt đứng lên hoan nghênh. Một trong những người ngồi, để tỏ thái độ phản đối là Ivanka Trump, con gái của tổng thống Mỹ.
Merkel trực diện phản đối chính sách nâng thuế chống xe hơi Đức của tổng thống Mỹ, khi nêu bật lên việc nhà máy xe hơi lớn nhất của hãng Đức BMW nằm tại Mỹ. Thủ tướng Đức cũng bảo vệ dự án xây dựng đường dẫn khí đốt từ Nga, và tuyên bố sẵn sàng mở cửa cho khí đốt từ Mỹ.
Bài "An ninh : Phương Tây bị chia rẽ trước Moskva và Bắc Kinh" của Les Echos thì nhấn mạnh đến tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ phương Tây, chưa từng có kể từ năm 1963, thời điểm hội nghị ra đời. Trong cuộc hội nghị này, với sự tham gia của 35 nguyên thủ và thủ tướng, các lãnh đạo Nga, Trung liên tục xoáy vào các bất đồng nội bộ giữa Mỹ và Châu Âu.
Báo Le Figaro cũng một nhận định là bà Merkel đơn độc, đồng thời chú ý đến sự vắng mặt đáng tiếc của tổng thống Pháp, vốn được coi là cặp bài trùng – đầu tàu của Châu Âu, cùng với thủ tướng Đức.
Đóng góp Pháp và Đức cho Châu Âu : Hiện chưa có thảo luận sòng phẳng
Về chiến lược an ninh của Châu Âu và NATO nói chung, báo Le Monde có bài phỏng vấn chuyên gia Daniel Schwarzer, người đứng đầu một trung tâm chính trị đối ngoại của Đức (DGAT). Theo vị chuyên gia này, Pháp và Đức cần phải thừa nhận là cả hai quốc gia này đều đã được hưởng lợi nhiều từ Châu Âu, nhiều hơn so với những gì mà hai nước đóng góp cho Châu Âu. Pháp và Đức cần đóng góp nhiều hơn nữa cho nền an ninh chung của Châu Âu, cho khu vực đồng euro.
Theo nhà chính trị học, cho đến nay chưa có các cuộc thảo luận thực sự sòng phẳng về vấn đề này. Và cùng với các vấn đề riêng của Châu Âu là những thách thức chung mang tính toàn cầu, về an ninh hay biến đổi khí hậu, mà Pháp, Đức hay bất cứ quốc gia Châu Âu nào khác cũng có thể tìm thấy những lợi ích chung, như được sống trong một thế giới ổn định, chuẩn mực quốc tế được tôn trọng, và các xung đột được giải quyết một cách hòa bình. Và để có được những điều đó, cần phải có các đóng góp phù hợp.
Thương thuyết Mỹ - Trung vòng 4 : Khác biệt còn quá lớn
Đàm phán Mỹ - Trung bước sang vòng thứ tư, chuẩn bị diễn ra, là một chủ đề thời sự trọng tâm. Le Monde có bài nhận định là trước vòng đàm phán này, đòi hỏi của cả hai bên đều vẫn còn quá cách biệt.
Trước hôm thứ Sáu, báo chí dự kiến kết luận đàm phán sơ bộ sẽ được thông báo, nhưng rốt cục điều này đã không xảy ra. Về mặt chính thức, chính quyền Bắc Kinh tỏ lạc quan một cách thận trọng, thế nhưng trên thực tế, nhiều nhà bình luận Trung Quốc – không kể những người dân tộc chủ nghĩa - khẳng định đòi hỏi của phía Mỹ là quá đáng.
Le Monde dẫn quan điểm của nhà nghiên cứu Victor Gao, chuyên gia quan hệ quốc tế, được coi là thân cận với Bắc Kinh, cho rằng với các đòi hỏi trong đàm phán – Trung Quốc phải cải cách triệt để nhiều lĩnh vực – thì điều cơ bản là Mỹ muốn bắt chẹt Trung Quốc, không muốn dân Trung Quốc được hưởng một cuộc sống hạnh phúc, như điều mà tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố. Cuộc chiến chống lại tập đoàn Hoa Vi cũng bị coi là xuất phát từ thái độ kỳ thị của Washington. Theo Le Monde, trong bối cảnh này, ít có khả năng Trung Quốc sẽ có các nhân nhượng quan trọng.
Hoa Vi phản công
Trong khi đó, Les Echos cho biết tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi vừa mở cuộc phản công để tái chinh phục thị trường. Đại diện của tập đoàn Hoa Vi tại Bruxelles, Abrahim Liu, đã tổ chức hồi tuần trước một dạ tiệc lớn, sang trọng, mời giới lãnh đạo nhiều định chế Châu Âu, nhằm thuyết phục Châu Âu là Hoa Vi và Châu Âu có nhiều lợi ích chung. Đại diện Hoa Vi trực diện phản kích các luận điểm của đại sứ Mỹ tại Châu Âu về hiểm họa của Hoa Vi. Cũng trên Les Echos, đại diện Hoa Vi tại Pháp trả lời phỏng vấn. Bài viết mang tựa đề "Không có bất cứ lý do gì để loại trừ Hoa Vi khỏi mạng truyền thông 5G".
Ba tháng "Áo Vàng" : Ba chìa khóa giúp hóa giải khủng hoảng
Thứ Bảy vừa qua là tròn ba tháng phong trào Áo Vàng tại Pháp. Nhật báo công giáo La Croix dành đến một nửa số báo cho chủ đề này. La Croix chạy tít trang nhất "Điều mà cuộc khủng hoảng này nói về chúng ta". Bài xã luận của La Croix, mang tựa "Tâm trạng", khẳng định là phong trào có xu hướng thoái lùi, với mức độ người tham gia giảm mạnh hôm thứ Bảy trước là một bằng chứng. Đa số người Pháp hiện tại không còn ủng hộ Áo Vàng như trước. Những hành động phá phách, những lời lẽ thù hận của nhiều người biểu tình Áo Vàng khiến phong trào ngày càng xa rời với động lực đầu tiên.
Tuy nhiên, theo La Croix sẽ quá vội vã khi khẳng định phong trào này sẽ chóng tàn, bởi nó bắt nguồn từ những thay đổi sâu xa trong xã hội Pháp nói riêng, cũng như đa số các xã hội công nghiệp nói chung. Không thể trông chờ một số biện pháp mầu nhiệm ngắn hạn để giải quyết, cũng như chỉ nhờ riêng vào những quyết định của tổng thống.
Trong số báo này, La Croix muốn tìm cách soi sáng những nỗi khổ tâm của nhiều người Pháp – nguồn gốc của khủng hoảng, đồng thời vạch ra một số hướng đi để thoát khỏi tình trạng hiện nay. Theo La Croix, có ba chìa khóa giúp hóa giải, nhằm mang lại hy vọng, giảm bớt tâm trạng lo hãi. Thứ nhất là đánh giá đúng mức các thành công, thay vì chỉ tập trung lên án các thất bại, thứ hai là chấp nhận sự thay đổi, và thứ ba là cổ vũ cho văn hóa tìm thỏa hiệp.
Trong bài "Chúng ta đang sống một cuộc khủng hoảng liên quan đến lời nói, hơn là khủng hoảng kinh tế", bài đầu tiên của loạt bài này (dài 9 trang), trả lời La Croix, nhà phân tâm học Jean-Pierre Winter nhấn mạnh đến khát vọng được biểu đạt vô cùng mãnh liệt của một bộ phận đông đảo dân chúng, nhưng không có chỗ thể hiện, là một trong những nguồn gốc dẫn đến cuộc khủng hoảng Áo Vàng.
Xin giới thiệu tựa của một số bài viết khác trong hồ sơ đặc biệt của La Croix về khủng hoảng Áo Vàng, một cuộc khủng hoảng phức tạp cần được soi sáng bằng cái nhìn đa chiều : "Áo Vàng : Thời điểm bước ngoặt", "Áo Vàng đại diện cho một phần giấc mơ của Cách mạng Pháp", "Một hình thức cá nhân chủ nghĩa cực đoan", "Những người Áo Vàng, sản phẩm của những rạn nứt trong xã hội Pháp".
Trọng Thành