Nhiều người hẳn đã quen thuộc với hình ảnh cột bia Khánh Khê ở Lạng Sơn dưới đây [ghi nhận sự hi sinh của 650 chiến sĩ thuộc sư đoàn 337 trên biên giới phía Bắc cản bước quân thù năm 1979] cách đây vài năm được báo chí phát hiện là đã bị đục bỏ dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược" - một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.
Bia Khánh Khê bị đục dòng chữ "quân Trung Quốc xâm lược". Ảnh : Báo Thanh Niên
Và, trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ.
Hôm nay tình cờ thấy người bạn đăng bài thơ 'Gửi em ở cuối sông Hồng' như bên dưới :
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không ?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
...
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
(Dương Soái)
Đây là phiên bản phổ biến của bài thơ hiện nay, được báo chí nhà nước sử dụng mỗi khi nhắc đến, kèm cả dấu 3 chấm (...) ngay trước khổ cuối cùng [1].
Chưa bàn đến chuyện hay dở của phiên bản này, nhưng đọc lên thấy ý hiển ngôn của nó như thể tâm sự của một thanh niên đi nghĩa vụ quân sự làm lính biên phòng phía Bắc nhớ thương về người yêu ở vùng quê nào đó ở hạ lưu sông Hồng. Cả bài chỉ nhớ, thương, và kỷ niệm, chứ hoàn toàn vắng bóng sự ác liệt của chiến tranh. Bởi vậy đọc câu cuối nghe rất gượng gạo, vì sao cô gái thấy dòng sông ngàu lên sắc đỏ lại hiểu được chiến công của chàng trai ? Chiến công gì ở đây, khi mà những đoạn phía trên thấy chàng trai toàn là 'lên chốt', 'xuống sông thả lá', 'gặp rét trên đỉnh đồi cao' ? Nghe như một anh chàng tân binh đang 'nổ' với người yêu vậy.
Ý tứ bài thơ như thế, do đó, vừa rất thường, vừa kém tự nhiên.
Nhưng hóa ra không phải vậy, bài thơ đã bị buộc phải trở nên gượng gạo như thế. Những nhát búa của chế độ kiểm duyệt đã đục đi mất phần lịch sử bi hùng được nhắc đến trong bài thơ. Và, trong khi dấu tích cột bia Khánh Khê bị đục dễ dàng nhận ra bằng mắt thường, thì với bài thơ của Dương Soái ở trên dấu vết ấy chỉ còn lại ba chấm (...).
Uy nghi cột cờ Lũng Pô giữa đất trời biên giới, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ảnh : Tùng Duy
Mời đọc lại phiên bản đầy đủ của bài thơ 'Gửi em ở cuối sông Hồng' dưới đây, hôm nay, 17/2, không chỉ để hiểu vì sao cô gái nhìn sông Hồng ngàu lên sắc đỏ lại có thể hiểu được chiến công của chàng trai (ấy là vì nghìn xác giặc Trung Quốc đã bị hạ gục máu loang ố nơi đầu nguồn), mà còn là để nhớ tới những gì không được phép quên, dẫu bất kỳ ai, quyền cao chức trọng tới đâu, phương cách thô lậu tệ hại thế nào, luôn muốn chúng ta quên.
Gửi em ở cuối sông Hồng
Dương Soái
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không ?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
Nhưng thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi biên cương trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng anh giữ trọn nguồn sông
Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù bỗng cuồng điên vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông êm ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong
Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
Lào Cai, 1979
Nguyễn Anh Tuấn
RFA, 17/02/20148 (nguyenanhtuan's blog)
---
[1] Xem bài trên báo Thể thao Văn Hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và An ninh Thủ đô trong links bên dưới :
https://thethaovanhoa.vn/bong-da/nha-tho-duong-soai-va-cau-chuyen-gui-em...
http://anninhthudo.vn/…/chien-tranh-bien-gioi-q…/718494.antd
Đúng 1 : Gia đình tướng Giáp bất bình phản đối.
Ai nghe đùa cợt tục tĩu về người thân của mình, đặc biệt là người quá cố, đều có quyền bất bình như vậy cả. Nhẹ thì có thể viết bài phản ứng, nặng hơn thì chửi lại, ức quá thì còn có thể kiện ra tòa.
Cố đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh minh họa
Đúng 2 : Người ngoài gia đình bất bình.
Ai cũng có quyền chọn ai đó, còn sống hay đã khuất, người thân hoặc người lạ, trong nước hay ngoài nước, làm thần tượng của mình. Nghe lời không hay về thần tượng đó thì có quyền phẫn nộ. Nhẹ thì phản bác lại, nặng thì chửi luôn. Bức xúc hơn thì tự mình hoặc lập hội (Hội thần tượng tướng Giáp chẳng hạn) cùng kiện Dan ra tòa, chứng minh mình chịu thiệt hại gì đó (trầm cảm chẳng hạn) sau khi nghe thấy lời lẽ của Dan.
Sai 1 : Lời của Dan xúc phạm người Việt, niềm tự hào dân tộc của Việt Nam, và đi ngược lại thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Có nhiều hơn một cách làm người Việt. Xã hội của chúng ta, nhìn từ quá khứ thăng trầm lẫn hiện thực phong phú của nó, đủ rộng lớn cho vô số cách làm người Việt khác nhau, với vô vàn khuynh hướng nhận thức và quan điểm khác nhau về từng nhân vật, từng sự kiện cả đương thời lẫn lịch sử.
Xã hội càng hiện đại lại càng xa lạ với lối suy nghĩ, đã là người Việt thì phải thế này thế kia, phải yêu người này, ghét người kia, xem người nọ là thần tượng quốc gia ; phải thích món này, thù món kia, tôn món nọ lên hàng quốc hồn quốc tuý. Đồng một lối nghĩ, chung một thần tượng, cùng một nhịp điệu vui buồn ái oán, thì chẳng những là biểu hiện của một cộng đồng đơn điệu, mà tệ hơn, còn làm xói mòn xã hội ngay ở thuộc tính cố hữu đồng thời là vẻ đẹp của nó : tính đa dạng.
Vậy nên chẳng ai cấm bạn chọn ai đó làm thần tượng của mình, nhưng vui lòng nhận ra những giới hạn. Đừng nên áp đặt điều đó với người khác. Đừng coi những ai không chung lối nghĩ với mình không xứng làm người Việt, hoặc không phải là một người Việt thực thụ. Bởi khi làm thế, vô tình bạn đã coi cách làm người Việt của mình là duy nhất. Nghĩa là, đang lẩn khuất đâu đó trong bạn một tia tư duy nguy hiểm : bạn đang coi niềm tự hào của bạn là uy nghiêm quốc gia, tiếng nói của bạn là vọng lại từ lương tri sông núi, lối sống của bạn là bản sắc dân tộc - bạn đồng nhất mình với toàn bộ dân tộc, nghĩa là, bạn bắt đầu trở thành một nhà độc tài nho nhỏ, ngay khi chưa có binh quyền - một dạng độc tài trong tư tưởng. Tia tư duy này khiến bạn xuất hiện trong một cung cách tự mãn kệch cỡm lạ thường nhờ vào khả năng ru ngủ đặc biệt của nó. Nó ru ngủ bạn bằng sự im lặng của các khái niệm trừu tượng : tất cả những "uy nghiêm quốc gia", "lương tri sông núi", "bản sắc văn hoá" đều không thể tự lên tiếng, nên chúng không thể cãi lại bạn dù bạn có nói bất cứ điều gì - và vì thế bạn tự huyễn hoặc rằng mình quả thực là đại diện của dân tộc này rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Đừng như vậy. Hãy cứ phản ứng với Dan bằng niềm tin cá nhân của mình, hoặc với nhóm chia sẻ niềm tin đấy, chứ không nên vũ trang cho niềm tin của bạn bằng thanh kiếm dân tộc, tấm khiên quốc gia, và bắt người khác ngay hàng thẳng lối xung phong sau thanh kiếm và tấm khiên này. Làm thế chỉ thể hiện bạn chưa đủ tự tin với điều cá nhân bạn cho là đúng, nên mới cần viện dẫn quốc gia-dân tộc cho niềm tin của riêng mình.
Sai 2 : Dan nói thế là ăn cháo đái bát, vô ơn với những người trả tiền cho mình.
Điều này thì thậm sai. Dan dạy tiếng Anh, nghĩa là cung cấp một dịch vụ cho khách hàng, là người học. Bản chất là đây là một giao kèo dân sự, thuận mua vừa bán, tiền trao cháo múc. Người dạy và người học, ai phải chịu ơn ai là điều còn cần phải bàn cãi, song cho đến khi nào Dan chưa vi phạm giao kèo, sao có thể chất vấn cậu ấy ở phương diện này ? Mà nếu cậu ấy vi phạm giao kèo thì có thể nói cậu ấy vô trách nhiệm, chứ sao lại bảo cậu ấy vô ơn ? Vô ơn với ai, cụ thể là người nào ? Vô ơn với tướng Giáp thì đương nhiên không rồi, với gia đình tướng Giáp thì cũng càng bất hợp lý ? Hay vô ơn với toàn thể dân tộc Việt Nam thì còn vô lý hơn nữa.
Dĩ nhiên, người học luôn có quyền tẩy chay người dạy nếu thấy điều gì không phù hợp từ người dạy về lối sống, hệ giá trị, tính cách, quan điểm. Chẳng hạn, những người thần tượng tướng Giáp có thể dễ dàng tẩy chay lớp học của Dan, và kêu gọi những người chung niềm tin với mình, làm điều tương tự. Chứ bảo người ta vô ơn thì thật là kỳ quặc, mà lại còn là vô ơn với toàn bộ dân tộc Việt Nam thì chỉ có thể là sản phẩm từ lối tư duy ‘ta là dân tộc’ được nêu ở trên.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 26/01/2048 (nguyenanhtuan's blog)
********************
Nhập gia tùy… lãnh tụ
Trinh Hữu Long, Luật Khoa, 26/01/2018
Có thể nói, trong cái nhìn của phần lớn người Việt Nam chúng ta, vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp chỉ kém Chủ tịch nước Hồ Chí Minh một thứ, đó là một lăng mộ giữa quảng trường Ba Đình.
Daniel Hauer. Ảnh : VietNamNet.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa chính trị của chúng ta. Vị trí ấy đặc biệt đến nỗi chỉ cần tôi viết là "ông Võ Nguyên Giáp", hay loại bỏ đại từ nhân xưng đi, chỉ gọi là "Võ Nguyên Giáp" thôi, cũng đủ để tôi hứng chịu cơn thịnh nộ của không ít người.
Trong bài này, tôi gọi tướng Giáp là "ông", "ông ấy" và dùng các động từ có liên quan đến ông theo những nghĩa bình thường, trung dung của từ đó. Theo tôi, mức độ tôn trọng như thế với một cá nhân đã khuất như ông Giáp là đủ.
Daniel Hauer, không biết vô tình hay cố ý, giờ đã có đủ gạch đá để xây được 10 quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa cộng lại.
Quyền sùng bái lãnh tụ
Văn hóa sùng bái cá nhân của nước ta sâu sắc đến nỗi nó được thể chế hóa thành luật. Thật vậy, bạn có thể bị xử phạt hành chính, hoặc thậm chí bị bỏ tù dựa trên những điều luật mơ hồ nếu xúc phạm đến những người được cho là danh nhân, anh hùng dân tộc, dù họ còn sống hay đã chết.
Nhà nước cũng bỏ ra những khoản tiền khổng lồ để tuyên truyền cho những danh nhân này, thông qua việc in ấn sách vở, xây tượng đài, thông qua báo chí và loa phường.
Không thể phủ nhận rằng, tất cả những nỗ lực khổng lồ và có hệ thống đó là một trong những yếu tố chính, nếu không muốn nói là yếu tố chủ đạo, hình thành nên văn hóa sùng bái lãnh tụ như đối với Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp ở nước ta.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, tôi cho rằng người ta có quyền sùng bái một ai đó. Gọi sùng bái thì nghe có vẻ chính trị, trên thực tế nó chỉ là một tình cảm vô điều kiện dành cho một cá nhân, nó là niềm tin nội tâm và vượt ra ngoài những suy xét lý tính.
Ta thấy điều đó trong mọi lĩnh vực. Trong chính trị, chúng ta có Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Trong âm nhạc, chúng ta có những ngôi sao Hàn Quốc đủ sức khiến bao thế hệ người Việt trẻ khóc đứng, khóc ngồi. Trong bóng đá, chúng ta chẳng phải đang có một đội U23 quốc gia được yêu mến đến mức bất kỳ ai đụng đến lông chân của họ thì lập tức sẽ lãnh hậu quả ngay hay sao ?
Chuyện sùng bái này cũng chẳng riêng gì ở nước ta. Những ngôi sao như Michael Jackson, The Beatles đều có những "fan cuồng" của họ, những người mất ăn mất ngủ vì họ, và sẵn sàng bảo vệ họ một cách vô điều kiện. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có hàng triệu "fan cuồng", sẵn sàng chửi nát nước bất kỳ ai chỉ trích ông ta. (Trong số các "fan cuồng" đó có không ít người Việt Nam, cả trong nước lẫn nước ngoài).
Tình cảm đó biến thành một hành động bảo vệ tự nhiên, đó là tấn công và tẩy chay những ai chỉ trích thần tượng của mình. Daniel Hauer đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch tấn công và tẩy chay đó. Đây là cơ chế vận hành bình thường của xã hội, hoàn toàn nằm trong phạm vi dân sự. Daniel Hauer đã phát ngôn và phải chịu trách nhiệm với phát ngôn đó của mình.
Xúc phạm lãnh tụ
Khi buông lời được cho là xúc phạm tới Võ Nguyên Giáp, Dan hoặc là không biết, hoặc là quên mất một trong những giá trị được người Việt Nam hết sức coi trọng : nhập gia tuỳ tục. Ở trong trường hợp cụ thể này, có thể gọi là nhập gia tuỳ lãnh tụ.
Trên thực tế thì việc dành một sự tôn trọng nhất định đến văn hóa tại địa phương mình đến cư trú là một giá trị được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, chứ không riêng gì nước ta. Tuy nhiên, cái thế giới bên ngoài chúng ta cũng muôn hình vạn trạng, chẳng nơi nào giống nơi nào.
Nếu bạn sang Thái Lan và buông lời chỉ trích hoặc xúc phạm hoàng gia hoặc Phật tổ ở nơi công cộng, cứ chuẩn bị sẵn tinh thần vào tù ngồi. Điều luật lèse-majesté về tội phỉ báng hoàng gia khét tiếng của xứ Chùa Vàng không từ một ai. Cơn thịnh nộ của người dân sùng bái hoàng gia sẽ khiến cho bạn không còn dám bén mảng lại đất nước này nữa.
Nếu bạn sang xứ Hồi giáo như Iran hay Arab Saudi mà nói về Muhammad thì có lẽ phải cẩn thận hết mức, lý do vì sao thì chắc không cần phải nói.
Nhưng nếu bạn sang Anh thì mọi chuyện lại khác. Bạn sẽ thấy nhiều show truyền hình chửi hay pha trò chọc Nữ hoàng không thương tiếc, thậm chí còn lôi bộ phận sinh dục của Nữ hoàng ra làm trò cười. Người dân có người phản đối, có người đồng tình, mọi chuyện rồi cũng qua, không ai bị phạt gì. Bạn có muốn chửi góp cũng chẳng sao.
Ở Mỹ cũng tương tự. Bạn có thể đến trước Nhà Trắng giơ biển "Fuck Trump", chẳng mấy ai thèm đoái hoài đến bạn ngoại trừ mấy người hiếu kỳ (có thể là từ Việt Nam tới). Bạn muốn dựng hình nộm ông Trump khoả thân và tiện tay sờ "chim" ông ấy ở vỉa hè cũng chẳng ai làm gì bạn.
Chẳng riêng gì lãnh tụ Trump, các lãnh tụ khác cũng chẳng thoát.
Khi tới thủ đô Washington vào năm 2016, tôi mê cái Văn khố Quốc gia của họ quá mà dành hẳn hai buổi lang thang trong đó. Ở đó có một quầy hàng lưu niệm bán những thứ liên quan đến lịch sử Mỹ. Tôi đến gian bán tất và thấy mặt mũi của đủ các tổng thống, kể cả Abraham Lincoln, được (hoặc bị) in lên những đôi tất này. Có nghĩa là khi bạn mang những đôi ấy vào thì mặt mũi các ông ấy sẽ nằm dưới chân bạn. Không tin bạn xem hình dưới đây thì biết.
Ảnh : Trịnh Hữu Long/ LK
Đó là thế giới mà cái cậu Dan sinh ra và lớn lên, nhưng cái thế giới bên ngoài nước Mỹ thì khác rất nhiều.
Gia đình tướng Giáp có kiện được không ?
Khi vụ Dan nói về tướng Giáp trong một nhóm kín trên Facebook bị lộ ra ngoài, nhiều người thắc mắc liệu gia đình tướng Giáp có kiện được không ?
Câu trả lời là có. Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ như sau :
Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên ; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. (Khoản 2, Điều 34)
Như vậy, các con của ông Võ Nguyên Giáp hoàn toàn có thể khởi kiện Daniel Hauer ra tòa dân sự. Đến đây, mọi việc vẫn dừng lại ở đúng chừng mực hợp lý của nó là một vấn đề thuần tuý dân sự, do các bên tự dàn xếp với nhau. Hai bên có thể thoả thuận về việc có tiếp tục ra tòa hay không, hay tự đàm phán, họ cũng có thể thoả thuận xem có phải bồi thường không, nếu bồi thường thì là bao nhiêu. Gia đình tướng Giáp hoàn toàn có thể rút đơn kiện và tòa án hết phận sự.
Nhưng sẽ rất khác nếu như nhà nước nhúng tay vào vụ này và xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với Daniel Hauer, bởi khi đó nó sẽ vượt quá giới hạn công quyền và can thiệp vào một quan hệ dân sự. Ở dưới đây tôi sẽ nói rõ hơn.
Yêu thôi, đừng yêu quá ?
Có một thực tế chúng ta phải thừa nhận rằng, việc bạn yêu ai đó cũng chính đáng ngang ngửa với việc bạn ghét ai đó. Vậy nên nếu có ai đó ghét người mà bạn yêu thì đó là cũng chuyện bình thường. Nếu họ có lỡ ghét, hay không yêu không ghét người mà bạn yêu thì đó cũng chẳng phải là việc gì to tát.
Cũng giống như mọi người khác trên đời, lãnh tụ cũng có cái hay và cái dở. Cái hay của họ được tôn vinh, cái dở của họ bị phê phán. Đó là lẽ bình thường. Sẽ là bất bình thường nếu như chúng ta chỉ được tôn vinh mà không được phê phán người đó, hoặc chỉ được phê phán mà không được tôn vinh.
Các lãnh tụ chính trị, những người đứng dưới ánh đèn công cộng của đời sống xã hội, lại càng bị soi xét kỹ hơn nữa.
Trong chuyện của cậu Dan, mọi thứ không dừng lại ở việc phê phán, mà còn là tấn công một cá nhân.
Tôi không bàn tới khía cạnh tình cảm và đạo đức vì yêu ghét là chuyện riêng của mỗi người. Tôi không thấy có vấn đề gì với việc ai đó sùng bái tướng Giáp, hay ghét tướng Giáp, hay chẳng yêu chẳng ghét tướng Giáp. Tôi cho đó là chuyện giữa người đó và tướng Giáp, không liên quan gì đến mình, mặc dù tôi cũng có những nghi ngờ và phán xét riêng của mình về văn hóa ứng xử của cậu Dan, cũng như những người phản đối cậu ấy.
Tuy vậy, sự giận dữ của những người sùng bái tướng Giáp sẽ có hại nếu nó hậu thuẫn cho việc nhà nước dùng sức mạnh cưỡng chế của mình để trừng phạt cậu Dan. Bởi ngày nay nó trừng phạt cậu Dan, ngày mai nó sẽ trừng phạt cậu Đàn, ngày mốt nó sẽ trừng phạt cậu Đản, và nó không dừng lại ở việc trừng phạt một người nước ngoài.
Ban đầu nó trừng phạt những ai xúc phạm tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán những quyết sách quân sự của tướng Giáp, sau đó nữa nó trừng phạt những ai dám nghi ngờ vai trò của tướng Giáp trong những sai lầm của đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, những sai lầm mà chính họ đã thừa nhận.
Rồi ban đầu nó chỉ trừng phạt những ai phê phán tướng Giáp, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau đó nó trừng phạt những ai phê phán Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau đó nữa nó trừng phạt những ai phê phán một ông chủ tịch tỉnh. Những chuyện như vậy đã xảy ra rồi.
Cơn giận dữ của những người sùng bái ông Giáp, có thể không có hàm ý ủng hộ chính quyền vi phạm tự do ngôn luận, nhưng sẽ là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tham vọng kiểm soát ngôn luận của chính quyền. Đến đây, tất cả chúng ta sẽ là bị hại.
Một lúc nào đó, chính những điều luật hôm nay dùng để trừng phạt cậu Dan sẽ được dùng để phạt chúng ta.
Điều này cũng giống như điều luật chống phỉ báng hoàng gia ở Thái Lan. Ban đầu nó chỉ được áp dụng cho những ai chỉ trích hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang bảo vệ họ hàng của hoàng gia, sau đó nó mở rộng sang các công ty của hoàng gia, rồi sau đó nữa nó mở rộng sang những đối tác làm ăn với hoàng gia.
Nói đến đây, tôi lại nhớ tới chuyện nghe được từ một số nhà hoạt động người Myanmar. Họ cho rằng, một trong những sai lầm lớn nhất của phong trào dân chủ Myanmar là đã đặt toàn bộ niềm tin vào bà Aung San Suu Kyi, biến bà thành một dạng lãnh tụ và kêu gọi quần chúng sùng bái bà. Kết quả là ngày nay, Suu Kyi đã biến thành một lãnh tụ bất khả xâm phạm nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, và phản bội lại những lý tưởng tự do mà bà đã tuyên bố trước đây mà chẳng ai làm gì được bà.
Cái giá của việc sùng bái lãnh tụ là có thật, vì nó biến thế giới của chúng ta trở nên đơn sắc, trong khi thực tế cuộc sống lại là cầu vồng.
Trịnh Hữu Long
Nguồn : Luật Khoa, 26/01/2018
********************
Thầy giáo Mỹ bị ‘mời làm việc’ vì xúc phạm tướng Giáp (VOA, 26/01/2018)
Một thầy giáo dạy tiếng Anh người Mỹ vừa bị Bộ Thông tin và truyền Thông gửi giấy mời làm việc vì xúc phạm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mạng Facebook.
Ông Daniel Hauer xin lỗi vì đã xúc phạm cố đại tướng Võ Nguyên Giáp (GDVN)
Báo Tuổi Trẻ chiều ngày 26/1 loan tin Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin Truyền thông có giấy mời ông Daniel Hauer, chủ tài khoản Facebook Daniel Hauer - đến làm việc vào sáng 30/1 tới, sau khi bị nhiều người chỉ trích vì dùng lời lẽ đùa cợt xúc phạm cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tờ báo nói rằng những thông tin mà thầy giáo dạy tiếng Anh đăng tải vi phạm pháp luật Việt Nam. Một số lời bình luận có phần "thiếu phù hợp với văn hóa Việt" của Daniel Hauer trong một nhóm trên Facebook, xoay quanh nội dung người hâm mộ Việt thể hiện kỳ vọng vào chiến thắng của đội bóng U23 Việt Nam.
Chiều 26/1, nguồn tin từ Bộ ngoại giao Việt Nam khẳng định Bộ ngoại giao không ra thông cáo trục xuất ông Daniel Hauer trước thềm trận Chung kết U23 Châu Á, như thông tin đang lan truyền trên mạng.
Báo Người Lao động hôm 26/1 cho biết ông Daniel Hauer từng cộng tác với Trung tâm Ngoại ngữ Language Link Việt Nam từ tháng 7/2013 đến 10/2016, sau đó ông hợp tác với Trung tâm tiếng Anh Elsa Speak ở Hà nội để thực hiện một chương trình khuyến mại, tuy nhiên Elsa Speak đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với Daniel Hauer kể từ ngày 26/1.
Lời bình của Daniel Hauer là để đáp lời một người Việt Nam nói rằng sẽ xăm hình lá cờ Việt Nam lên ngực nếu đội tuyển U23 Việt Nam giành chức vô địch. VOA không đăng lời của Daniel chiếu theo các quy định sử dụng ngôn ngữ của đài.
Báo trong nước nói câu phát biểu của Dan Hauer nếu được dịch ra mang một hàm ý khá tục tĩu, đặc biệt lại "đụng chạm đến vị tướng tài được cả dân tộc Việt Nam tôn kính, vì thế đã nhanh chóng phải đối mặt với làn sóng phẫn nộ dữ dội từ cộng đồng mạng Việt Nam".
Trên trang Facebook cá nhân của Võ Thành Trung (Trung Võ), một người mà báo Thanh Niên khẳng là cháu nội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 25/1 nói rằng ông Daniel Hauer đã có những lời lẽ xúc phạm gia đình ông trên mạng xã hội khi mỉa mai đội tuyển U23 Việt Nam và so sánh hình ảnh một cách khiếm nhã.
Người mẫu Vũ Hà Anh hôm 26/1 cũng có phản ứng mạnh mẽ. Cô nặng lời chỉ trích ông Dan trên Facebook về "những cợt nhả bẩn thỉu và vô học".
Thầy giáo người Mỹ hôm 26/1 cũng đã đăng một đoạn video để giải thích và xin lỗi về vụ việc này tuy nhiên vẫn không nhận được sự tha thứ từ cộng đồng mạng. Trong video xin lỗi, ông nói thêm : 'ở Mỹ, việc lôi George Washington (Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ) hay bất cứ ai nổi tiếng để đùa như thế này cũng chẳng có ai quan tâm.'
Ông Daniel Hauer có vợ Việt Nam và đã sống tại Việt Nam từ 5 năm nay.
Tháng 9 năm 2016, chỉ một thời gian ngắn sau khi có tin Trịnh Xuân Thanh trốn khỏi Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã quyết định trở thành Tổng bí thư đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia Đảng ủy Công an trung ương - cấp ủy lãnh đạo trực tiếp, toàn diện Bộ Công an.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu thăm quan triển lãm hoạt động xây dựng lực lượng công an nhân dân
Không khó để hiểu quyết định này của Tổng bí thư, khi mà lúc đó rất nhiều người đã đặt dấu hỏi vì sao một lực lượng điều tra được cho là "giỏi nhất thế giới" lại để lọt Trịnh Xuân Thanh. Đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh, trong phát biểu cuối cùng của ông ở nghị trường, cũng đặt nghi vấn rằng "một người say rượu ở xã tối nay, sáng mai công an đã biết ở đâu, thì sao Trịnh Xuân Thanh bị chú ý từ lâu lại trốn thoát dễ dàng như vậy".
Tưởng rằng sau động thái chưa có tiền lệ đó của Tổng bí thư, sẽ không còn ai có thể cao chạy xa bay được nữa nếu bị rơi vào tầm ngắm. Nhưng không, Vũ Nhôm đã trở thành người thứ hai lọt lưới thành công, mặc dù bị đích thân Tổng bí thư chỉ mặt đặt tên.
Điều này cho thấy, dẫu đã hơn một năm tham gia Đảng ủy Công an trung ương, song đối với lực lượng thanh gươm lá chắn này, Tổng bí thư vẫn ’cầm chưa chắc khiên, múa chưa thạo kiếm’. Hay nói cách khác, đao kiếm có vẻ chưa thuận ý chủ nhân.
Mối quan hệ giữa Tổng bí thư và Bộ Công an hiện tại là giữa lãnh đạo chính trị và cơ quan chấp hành. Ai nghiên cứu về cách bộ máy hành chính vận hành đều không xa lạ gì với khái niệm "bất tuân/bất hợp tác hành chính" trong đó công chức thừa hành, một khi không đồng thuận với lãnh đạo chính trị, có thể nghĩ ra trăm phương ngàn cách trì hoãn hoặc thực hiện chiếu lệ, qua loa những mệnh lệnh của vị lãnh đạo chính trị đó.
Mà cũng không có gì khó hiểu. So với người đồng nhiệm ở Bắc Kinh - Tập Cận Bình, vốn cũng đang tiến hành công cuộc thanh lọc bộ máy tương tự, ông Trọng dường như vẫn đang thiếu con át chủ bài.
Ở Trung Quốc, công an/an ninh chẳng những không phải là cơ quan chủ lực chống tham nhũng, mà lại là một trong những đối tượng chính bị nhắm tới. Dĩ nhiên, để làm được điều này, Tập phải dựa vào một lực lượng nội chính khác quyền uy và trung thành hơn - Ủy ban Kiểm tra kỷ luật - với tiến trình "song quy" nổi tiếng mà cán bộ các cấp Trung Quốc, gồm cả các trùm an ninh, chỉ mới nghe thôi đã muốn tự sát.
Để dễ hình dung về quy trình này, thử tượng tượng Trịnh Xuân Thanh và Vũ Nhôm rơi vào tầm ngắm của người đứng đầu đảng ở Trung Quốc. Các thành viên của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật sẽ tiến hành điều tra bí mật để thu thập chứng cứ, và ngay khi nhận chuẩn y từ Tổng bí thư sẽ mời hoặc đưa cả hai đến "một nơi nhất định tại một thời điểm nhất định" (nghĩa đen của thuật ngữ "song quy"), nơi cả hai sẽ trải qua những ngày tháng hỏi cung ‘sống không bằng chết’ cho đến khi thừa nhận sai phạm. Số phận của họ được định đoạt ngay tại thời điểm này, và việc gửi sang Viện Kiểm sát để truy tố trước tòa chỉ là những bước sau cùng nhằm hợp thức hóa quy trình. Hoàn toàn không có chỗ cho công an/an ninh trong quy trình này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hẳn biết rõ điều gì xảy ra ở Trung Quốc (vì hai đảng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cầm quyền), và có lẽ cũng muốn dưới quyền mình có một bộ máy như thế.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, có làm được hay không lại là chuyện khác. Có ít nhất 3 điểm khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến mong ước của ông Trọng, nếu có, vẫn còn xa vời :
Đầu tiên là uy thế của Ủy ban Kiểm tra. Trong khi cơ quan này ở Trung Quốc do chính Đại hội Đảng bầu ra thì ở Việt Nam, trong suốt lịch sử tồn tại của đảng cộng sản, Điều lệ Đảng luôn ghi nhận Ủy ban Kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương thành lập, và vì thế chỉ là cơ quan thừa hành cấp dưới của Ban Chấp hành trung ương.
Hai là Tập đã tận dụng rất tốt cái đà 20 năm gia tăng quyền lực của Ủy ban Kiểm tra đối với toàn bộ hệ thống chính trị bắt đầu từ Đại hội 14 (1992), để tiến hành hàng loạt cải cách đột phá cho cơ quan này, nhất là về thẩm quyền và nhân sự, giúp nó thực sự nắm quyền sinh sát với bất kỳ đảng viên nào trong tầm ngắm của Tập. Trái lại, ở Việt Nam, đã không có bất kỳ nỗ lực cải cách tăng quyền nào cho Ủy ban Kiểm tra trong suốt hàng thập kỷ qua, và vai trò của ủy ban này, dẫu được hỗ trợ bởi uy thế cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai năm vừa rồi, vẫn còn quá mờ nhạt, nếu so sánh với phiên bản của nó ở Trung Quốc.
Ba, ở Trung Quốc, nối tiếp truyền thống "súng đẻ ra chính quyền", Ủy ban Kiểm tra nếu muốn xử lý công an/an ninh - lực lượng có súng bé, vẫn phải dựa vào một lực lượng vũ trang khác có súng to hơn, chính là quân đội. Trong vai trò Chủ tịch Quân ủy trung ương, thẩm quyền của Tập đối với quân đội là tối cao tuyệt đối như một Tổng tư lệnh, vượt trội hẳn so với vị trí Bí thư Quân ủy trung ương của ông Trọng - vốn chỉ là thành viên đại diện của một cơ chế lãnh đạo tập thể. Nói nôm na, trong khi Tập trực tiếp cầm súng, thì ông Trọng, nếu muốn bóp cò, vẫn phải chờ một nghị quyết do Quân ủy thông qua mà trong đó ông chỉ có một phiếu. Bởi vậy, nếu Ủy ban Kiểm tra ở Trung Quốc hành động tự tin trong cái bóng của Tổng bí thư đồng nhất với quân đội, thì ở Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra chỉ thấy mỗi Tổng bí thư còn hình bóng quân đội dường như vẫn mịt mờ xa xăm.
Lấp đầy 3 điểm khác biệt trên để có được một uy thế lớn như Tập trong cuộc chiến thanh lọc bộ máy hoàn toàn không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là bất khả thi đối với ông Trọng lúc này, nhất là khi mô hình chính trị Việt Nam dẫu tương đồng song không có được một mức độ tập quyền cao như Trung Quốc. Cơ hội duy nhất cho ông Trọng để bắt đầu một tiến trình như thế đã bị bỏ lỡ ở Đại hội XII, khi Điều lệ Đảng không được sửa đổi, đồng nghĩa với việc Ủy ban Kiểm tra vẫn chỉ quẩn quanh với vai trò "thanh kiểm tra" thường lệ, chứ chưa thể trực tiếp "đánh án".
Nghĩa là ông Trọng, nếu muốn đưa ai đó vào tù, vẫn phải dựa vào công an, và chấp nhận mọi bất lợi đến từ thực tế này. Bộ máy công an thì lại quá khổng lồ (với những lợi ích đan xen đã quá chằng chịt) để có thể trên dưới một lòng tuân lệnh Tổng bí thư. Thế thì, như một lẽ thường tình, ông Trọng buộc phải thiết lập một lực lượng trung thành riêng ngay trong Bộ Công an. Một kiểu Bộ Công an bên trong Bộ Công an.
Ấy cũng là lúc bắt đầu một cuộc so găng mới.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 02/01/2018 (nguyenanhtuan's blog)
Ai đã chọn bất cứ phe nào trong các phe trên hẳn đều gặp thất vọng không ít thì nhiều. Riêng chỉ có một phe đã, đang và sẽ mang đến hi vọng cho những ai đặt niềm tin nơi nó : Phe Yêu Sơn Trà.
Voọc Sơn Trà. Ảnh : Tuấn GreenViet
Đà Nẵng một năm qua tràn ngập những bàn tán về phe này phái nọ, cả thành phố suốt ngày ồn ã chuyện kẻ ở người đi, ai thắng cuộc, ai thất thế.
Câu hỏi "chọn phe nào mạnh nhất" bởi thế lửng lơ mãi ở sông Hàn suốt cả năm qua. Người thì chọn Vũ Nhôm (nay đang trốn nã). Kẻ đặt cửa Xuân Anh (ngã ngựa đã vài tháng). Số khác giao niềm tin nơi Huỳnh Đức Thơ (tạm giữ được ghế nhưng vẫn "ở không yên ổn-ngồi không vững vàng").
Ai đã chọn bất cứ phe nào trong các phe trên hẳn đều gặp thất vọng không ít thì nhiều. Riêng chỉ có một phe đã, đang và sẽ mang đến hi vọng cho những ai đặt niềm tin nơi nó : Phe Yêu Sơn Trà.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : Tiếng Dân, 30/12/2017
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần nêu gương công khai tài sản để Nghị quyết Đảng đi vào cuộc sống
Ngày 3 tháng 10, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Quyết định 99 về việc phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'. Điểm đặc biệt của Quyết định 99 là lần đầu tiên có yêu cầu phải CÔNG KHAI các bản kê tài sản của cán bộ các cấp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (ảnh minh họa)
Các bản kê tài sản này, theo Quyết định 99, sẽ phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử... giúp người dân có cơ sở thực hiện quyền giám sát, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng [1].
Tuy nhiên, tính tới giờ đã gần 3 tháng, song chỉ đạo này của Ban Bí thư vẫn chưa được thực hiện. Bằng chứng là vẫn chưa có bản kê khai tài sản nào của các lãnh đạo được chính thức công khai trên báo chí, Internet. Điều này không khỏi khiến dư luận băn khoăn, bởi lẽ các bản kê tài sản đã có sẵn trong hồ sơ cán bộ nên việc công khai lẽ ra phải rất đơn giản, chẳng hề tốn nhiều thời gian đến thế.
Việc chậm trễ thực thi Quyết định 99 đang đặt dấu hỏi lớn về sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, cũng như việc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ trong toàn đảng. Vấn đề đặt ra là có hay không việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, giấu diếm khuyết điểm, xa dân, sợ quần chúng, 'ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau'.
Bởi vậy, để nghị quyết đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, Tổng bí thư nên làm gương công khai bản kê tài sản trên báo chí đầu tiên. Hành động của Tổng bí thư chắc chắn sẽ truyền cảm hứng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, dẫn đến việc công khai hàng loạt các bản kê tài sản của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành TW, Chính phủ, Quốc Hội... theo đúng tinh thần Quyết định 99. Cán bộ các cấp, do đó, cũng không thể viện dẫn lý do vì người đứng đầu toàn đảng chưa công khai để trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của Ban Bí thư được.
Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ đạo "không có vùng cấm trong chống tham nhũng" lâu nay của chính Tổng bí thư : "Trước người ta bảo chỉ đánh từ vai đánh xuống, bây giờ thì ngay trên đầu làm mạnh hơn, tức là trung ương còn nghiêm hơn cả địa phương" [2]. Rõ ràng, trung ương cần làm gương cho địa phương, và người đứng đầu trung ương không ai khác chính là Tổng bí thư .
Việc các lãnh đạo phải công khai tài sản là chuyện bình thường ở các nước. Không cần nhìn đâu xa, Philippines ngay cạnh bên, Tổng thống Duterte cùng toàn thể Nội các Chính phủ cũng như các Dân biểu, Thượng nghị sĩ nước này hàng năm đều phải công khai tài sản, và giải trình các biến động tài sản, theo luật định. Chẳng hạn, dễ dàng tìm thấy trên mặt báo Philippines tổng tài sản của Tổng thống Duterte tính tới cuối năm ngoái là 27,428,862.44 peso (~550,000 USD ~ 12 tỷ VND), tăng thêm 60,000 USD so với năm ngoái [3].
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : FB Nguyen Anh Tuấn, 25/12/2017
---
[1] Quyết định 99 : https ://goo.gl/fkJVZi
http ://www.kiemsat.vn/cong-khai-tai-san-cua-lanh-dao-de-ngu…
[2] https ://tuoitre.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nguoi-bi-ky…
[3] [http ://www.philstar.com/…/duterte-richer-p3-million-6-months]
Nhật báo lớn thứ ba Đài Loan UDN đã đăng tải bức hình này của chị Trần Thị Nga một ngày sau khi tòa sơ thẩm tuyên chị 9 năm tù giam cho tội "tuyên truyền chống nhà nước" trong bản tin về những người hoạt động Việt Nam bị tù đày vì lên tiếng chống lại tập đoàn Formosa.
Nhà tranh đấu dân chủ, nhân quyền và lao động Trần Thị Nga với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước...
Nhưng đây là hình ảnh chị Nga của 10 năm về trước, trong một cuộc họp báo ở Đài Loan về tình trạng của người lao động nhập cư. Giọt nước mắt của chị khi ấy là khóc cho thân phận của chính mình – một người lao động Việt Nam gặp nạn trên đất Đài, bị cả chủ người Đài lẫn môi giới người Việt lừa đảo và phó mặc.
Giọt nước mắt ấy đã hòa chung trong biển nỗ lực của các tổ chức và người hoạt động cả Đài lẫn Việt trên đất Đài hàng chục năm qua, giúp công luận và chính giới Đài Loan nhận thức rõ hơn vấn đề của người lao động nhập cư, từ đó có những chính sách tiến bộ hơn để người lao động nhập cư được sống ‘người’ hơn.
Tuy nhiên, từ khi chị về nước và dần trở thành một người tranh đấu cho dân oan mất đất, cho nạn nhân ô nhiễm môi trường và những cảnh đời oan trái trên đường tìm công lý, hiếm khi thấy chị rơi nước mắt nữa, ít nhất là trước mặt người khác.
Có thể vì chị thấy cuộc sống vui hơn, nhiều ý nghĩa hơn, hoặc có thể đơn giản chỉ vì tiếp xúc với quá nhiều những phận đời cùng khổ, con người ta thấy những gì mình đã từng chịu chẳng bõ bèn gì. Cũng có thể là tất cả những lý do đó.
Cuộc đời của những người hoạt động như chị Nga, và nhiều người khác nữa, có những lúc rất đáng khóc cho bản thân. Nhưng còn có nhiều lúc hơn thế nữa – những lúc đứng trước những phận người ở tận cùng khổ đau – họ hiểu rằng họ phải gạt nước mắt để bước tiếp.
Ngay lúc này đây, chị Nga đang đứng trước vành móng ngựa cho những điều chị ấy tin là đúng. Và cho cả những giọt nước mắt chị ấy đã gạt đi, hoặc nuốt vào trong, để bước tiếp trên con đường chị ấy đã chọn.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : Tiếng Dân, 22/12/2017
– Hiểu về Thúy Nga trong 5 phút (LK/ TD)
– Bài trên báo Đài Loan UDN : 一日審判顛覆國家:陳氏娥,曾參與反台塑抗爭的越南民運人士遭判重刑
"Nếu tôi chết chỉ xin bà con một nén nhang". Đây là lời của cô Lan, bí thư xã Đồng Tâm vừa mới bị khai trừ và mất chức, nói trước hàng trăm dân làng ngay tại nhà văn hóa thôn Hoành trong những ngày sôi bỏng. Không rõ 38 cán bộ, công an bị giữ ngay lúc đó nghĩ gì về hai tiếng "lòng dân" giữa tràng pháo tay vang dội của dân làng, chỉ biết sẽ còn rất lâu nữa dân Đồng Tâm mới quên được hình ảnh người cán bộ sẵn sàng sống vì họ, và chẳng ngại chết vì họ.
Bí thư xã Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Lan, đọc bản cam kết của Chủ tịch Chung
Tôi biết chuyện cô Lan bị khai trừ vài ngày trước khi báo chí đưa tin. Bà con Đồng Tâm, trong nỗ lực vô vọng muốn giúp người cán bộ vì dân, đã gửi toàn văn kết luận kiểm tra đảng của cô Lan cho những người quan tâm đến Đồng Tâm, mong có thêm tiếng nói hỗ trợ cô ấy. Đúng là tôi có thể trả lời bà con với niềm tin cá nhân của mình rằng, "rời khỏi đảng, về với dân" thực ra là một điều tốt cho cô Lan, song tôi cũng hiểu vì sao bà con Đồng Tâm vẫn nghĩ bị khai trừ là một điều tệ hại đối với cô ấy. Quán tính suy nghĩ cần thời gian để thay đổi, và chẳng ai có quyền bắt người khác phải nghĩ theo lối của mình.
Tuy nhiên, sau khi đọc toàn bộ kết luận kiểm tra, tôi tin rằng mọi cố gắng giúp lật ngược quyết định khai trừ cô ấy đều vô nghĩa. Lý do là vì các cấp lãnh đạo đảng đã áp cho cô Lan "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "suy thoái chính trị" theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 - những tội lỗi bất khả dung thứ trong nhãn quan của lãnh đạo đảng hiện nay.
Một trong những lý do được đưa ra cho kết luận này là việc cô Lan nhất mực trả lời các cấp lãnh đạo rằng, cô vẫn tin đất đồng Sênh là của làng, dù các cấp chính quyền từ Trung ương đến huyện, trong thẩm quyền của họ, đã tung hàng loạt văn bản khẳng định đó là đất quốc phòng. Phía sau sự bất đồng này là những niềm tin khác biệt, giữa một bên - đa số người dân - cho rằng cá nhân (dân) và cộng đồng (làng) có thể sở hữu đất, với bên kia là lãnh đạo đảng cộng sản, dưới định hướng của ý thức hệ và quyền lợi, luôn tin rằng đất đai chỉ có duy nhất một chủ nhân ông là nhà nước, dưới dãn hiệu mỹ miều "sở hữu toàn dân".
Sự giằng co về niềm tin này dai dẳng trong lòng xã hội chúng ta hàng chục năm qua, không chỉ trong người dân mà cả cán bộ, tạo ra vô vàn bất ổn. Có lẽ chỉ một số cán bộ cấp cao mới phủ nhận sự bất hợp lý của quy định hiện hành về sở hữu đất đai ở Việt Nam, đơn giản bởi sự bất hợp lý này đang giúp họ trở thành những người cộng sản triệu phú đô-la.
Những người cán bộ cấp thấp khác, dẫu nhận ra sự bất hợp lý này, cũng khó mà lên tiếng một khi Nghị quyết Trung ương 4 đã đặt án tử lên sinh mệnh chính trị của bất kỳ đảng viên nào dám phản đối quy định "sở hữu toàn dân về đất đai". Cô Lan là một ngoại lệ. Trong những giờ phút quyết định, cô đã đi theo niềm tin cá nhân mình, đặt lương tâm lên trên nghị quyết.
Cô Lan có thể đã tự sát chính trị, song là để một lương tri được sống.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 14/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng hôm qua có một chi tiết đáng chú ý : ông Thăng bị bắt khi chưa bị cách hết chức vụ trong đảng như thông lệ, mà chỉ bị Bộ Chính trị "đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy" [1].
Ông Đinh La Thăng - Ảnh minh họa. Nguồn : internet
Để hiểu và đánh giá diễn biến này cần điểm qua một số sự kiện quan trọng trong tiến trình xử lý kỷ luật ông Thăng.
Hồi tháng 5, trong khuôn khổ Hội nghị trung ương 5, Bộ Chính trị có tờ trình ra Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) đề nghị kỷ luật ông Thăng. Không rõ mức đề xuất của Bộ Chính trị là gì, nhưng Ban chấp hành trung ương (hơn 90%) bỏ phiếu quyết định chỉ cảnh cáo ông Thăng, cho thôi ủy viên Bộ Chính trị, chuyển sang vị trí khác [2].
Kỷ luật đảng viên, theo Điều lệ Đảng, có 4 mức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Vậy thì, quyết định cảnh cáo của Ban chấp hành trung ương cho thấy, bất luận Bộ Chính trị muốn xử nặng Đinh La Thăng ra sao, đa số ủy viên Trung ương, ít nhất là ở thời điểm đó, vẫn muốn cho ông ấy một đường lùi.
Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10 diễn ra trong bối cảnh Trịnh Xuân Thanh, người được cho là con át chủ bài trong hồ sơ Đinh La Thăng, đã nằm gọn trong tay cơ quan điều tra được hơn 3 tháng. Nhiều người đã dự đoán Bộ Chính trị sẽ tiếp tục có một tờ trình khác để Ban chấp hành trung ương đưa ra quyết định kỷ luật nặng hơn đối với Đinh La Thăng – người lúc này chỉ còn là một ủy viên Trung ương, nhằm mở đường cho việc bắt giữ. Nhưng cuối cùng thì Hội nghị đã kết thúc mà không nhắc gì đến ông Thăng cả.
Vì sao lại như thế ? Có thể có 2 khả năng sau :
Một là Bộ Chính trị lo ngại không thuyết phục được Ban chấp hành trung ương "cách chức" hoặc "khai trừ" Đinh La Thăng. Nếu kết quả bỏ phiếu vẫn chỉ ở mức "cảnh cáo" như Hội nghị lần trước thì đây có thể coi là một thất bại của Bộ Chính trị.
Hai là Bộ Chính trị bị vướng vào Quy định 181-QĐ/TW, theo đó, đảng viên dù có một hay nhiều vi phạm trong thời điểm xem xét, sẽ gom chung lại "kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật" [3]. Nghĩa là Ban chấp hành trung ương đã kỷ luật cảnh cáo ông Thăng ở Hội nghị trước rồi thì ở Hội nghị này không thể xem xét lại vi phạm của ông trong vụ việc cũ để đưa ra một hình thức kỷ luật khác nữa.
Thế thì, nếu Bộ Chính trị vẫn muốn bắt ông Thăng, nhưng không muốn bị mang tiếng là bắt một ủy viên trung ương đang tại nhiệm, Bộ Chính trị phải làm thế nào ?
Sáng kiến của Bộ Chính trị là ra quyết định "đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy (Ban chấp hành trung ương)" đối với ông Thăng. Không được sinh hoạt trong Ban chấp hành trung ương nữa thì cũng có thể coi là không mang tư cách ủy viên trung ương, nên công an có bắt ông Thăng thì cũng chẳng thể coi là bắt một ủy viên trung ương được.
Quyết định "đình chỉ" này theo Bộ Chính trị được ban hành dựa trên Quy định số 30-QĐ/TW, nhưng nếu đọc kỹ Quy định này sẽ thấy, Bộ Chính trị hoàn toàn "không có thẩm quyền" đình chỉ sinh hoạt ông Đinh La Thăng.
Quy định 30 nêu rõ chỉ tổ chức đảng có thẩm quyền khai trừ/cách chức một đảng viên thì mới được phép "đình chỉ sinh hoạt đảng/sinh hoạt cấp ủy" đối với đảng viên đó (Điều 40.4.2). Mà ông Thăng là ủy viên trung ương nên theo Điều 36.3, Ban chấp hành trung ương là tổ chức đảng duy nhất có quyền khai trừ/cách chức ông Thăng. Và bởi vậy, cũng chỉ có Ban chấp hành trung ương mới có quyền "đình chỉ sinh hoạt" ông ấy [4].
Thật khó có thể tin rằng một tập thể quyền uy như Bộ Chính trị, đứng đầu bởi một người am tường quy chế đảng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại mắc lỗi thẩm quyền nghiêm trọng như thế này. Chỉ có thể giải thích là vì quá muốn trừng trị Đinh La Thăng mà họ đã đặt quy chế đảng sang một bên – một tiền lệ nguy hiểm chẳng khác nào "mở cánh cửa địa ngục" ngay trong lòng nội bộ đảng. Mở ra thì dễ, nhưng quan trọng hơn là sẽ đóng lại thế nào ?
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : Tiếng Dân, 09/12/2017
(fb.nguyenanhtuan)
—
[1] https://news.zing.vn/dinh-chi-sinh-hoat-dang-doi-voi-ong-di…
[2] https://tuoitre.vn/vi-sao-ong-dinh-la-thang-bi-canh-cao-tho…
[3] https://goo.gl/QhHNhQ
[4] https://goo.gl/u1Cp4p
Nếu quả thật lợi thế đang không thuộc về phe tài xế vì thời gian không đứng về phía họ, thì câu hỏi là họ có thể làm gì để đảo ngược tình hình ?
Tài xế mong sau quyết định tạm dừng thu phí, BOT Cai Lậy về đúng chỗ
Điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách nhìn về chính đối thủ của họ : BOT Cai Lậy.
Nếu ví trạm BOT này như một cỗ máy thu tiền thì sẽ có ít nhất hai cách khiến nó ngưng hoạt động : Một là nhắm thẳng trực tiếp vào cỗ máy để quấy nhiễu, tức tấn công trực diện ; hai là tìm hiểu xem cỗ máy này đang được vận hành dựa trên những nguồn hỗ trợ nào để cắt đứt những nguồn này tức là tấn công gián tiếp. Toàn bộ những hoạt động của phe tài xế đến giờ phút này tập trung vào cách thứ nhất, không có hoặc có rất ít hành động thuộc cách thứ hai.
Với cách thứ nhất, một khi cỗ máy vẫn được cung ứng đầy đủ các nguồn lực để vận hành, nó sẽ tiếp tục đối phó giằng co với các tài xế. Thời gian, do đó, đứng về phía cỗ máy. Càng lâu tài xế càng mệt mỏi, chưa kể cùng lúc đó họ còn bị tấn công bởi các lực lượng khác.
Với cách thứ hai, bởi lẽ mất sạch các nguồn hỗ trợ cho việc vận hành, cỗ máy không còn cách nào khác ngoài phải chấm dứt hoạt động. Càng để lâu càng thiệt hại, vậy nên thời gian đứng về phía phe tài xế.
Thế nhưng thực hiện cách thứ hai như thế nào ? - Đầu tiên phải bằng việc phân tích các nguồn lực hỗ trợ cho BOT Cai Lậy.
Thứ nhất là nguồn lực tài chính. Ngân hàng BIDV cấp 85% vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Điều này có nghĩa là họ chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư trên lưng những người lái xe. Bởi vậy họ không thể vô can, họ phải chịu trách nhiệm theo cách này hoặc cách khác. Không ai có sức mạnh hơn những người gửi tiền ở BIDV trong việc yêu cầu ngân hàng này ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy (bằng không sẽ rút tiền hàng loạt). Khách hàng của BIDV còn có trách nhiệm đạo đức phải làm điều này nếu không muốn bị coi là vô tình tiếp tay cho BIDV. Những người lãnh đạo của BIDV như Trần Anh Tuấn (Quyền Chủ tịch) và Phan Đức Tú (Tổng Giám đốc) đều là những người địa vị cao, quan hệ rộng ở Hà Nội nên chắc chắn sẽ không muốn xuất hiện trong mắt bạn bè, người thân, đối tác như những kẻ đang sống giàu sang trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lái xe kham khổ miền Tây. Một chiến dịch truyền thông sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa việc ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy hoặc là chuốc lấy hậu quả cho thanh danh bản thân mình.
Ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy, tương tự, là đối tượng thứ hai không thể bỏ qua. Người đàn ông tên Lê Tiến Thắng, Chủ tịch công ty Bắc Ái trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có vẻ vẫn đang ung dung ngồi thu tiền từ khoảng cách 2000 cây số tính từ BOT Cai Lậy. Phải có một chiến dịch truyền thông để ông ta không còn vẻ ung dung đó nữa. Người thân, bạn bè, đối tác của ông ta cần nhận ra sự giàu có của ông ta chẳng có gì tốt đẹp và đáng tự hào vì nó đến từ những đồng tiền còm cõi của những người lái xe - lẽ ra được dùng để đỡ đần thêm cuộc sống cho vợ con, thêm thịt cá cho bữa ăn, thêm sách vở để đến trường.
Nguồn lực thứ ba là các dịch vụ hậu cần. Các công ty xe cẩu, công ty bảo vệ, công ty cung ứng nhân viên thu phí ở Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều cần nhận được thông điệp chính thức từ phe tài xế giải thích vì sao không nên cung cấp dịch vụ cho BOT Cai Lậy. Chỉ cần một thư ngỏ có lý có tình và một kế hoạch truyền thông khéo léo sẽ khiến chẳng có công ty bảo vệ hay xe cẩu nào "tham bát bỏ mâm" bám lấy BOT Cai Lậy để rồi bị không chỉ hàng ngàn tài xế mà cả một cộng đồng quốc gia quay lưng tẩy chay. Tương tự vậy, nếu phe tài xế tìm ra được những mạnh thường quân đồng ý tiếp nhận các nhân viên bán vé sau khi họ nghỉ việc ở Cai Lậy, cũng như kêu gọi những người khác không ứng tuyển vào các vị trí này để tiếp tay BOT Cai Lậy thì sẽ là một thách thức không nhỏ cho trạm này.
Thử hình dung cỗ máy BOT Cai Lậy, một khi không còn nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, không tìm đâu ra một công ty bảo vệ/công ty xe cẩu nào chịu ký hợp đồng, cũng không ai ứng tuyển vào các vị trí bán vé thu phí, thì không lẽ ông chủ Lê Tiến Thắng phải đứng ra giữa đường Cai Lậy vừa bán vé, vừa gác an ninh ? Hoặc, một khi bị các ngân hàng xa lánh, ông Thắng sẽ phải tiếp tục công việc làm ăn của mình thế nào trong tương lai ?
Điểm sơ qua có thể thấy khối lượng công việc không hề ít, song tôi tin là với những gì đã thể hiện, phe tài xế thừa năng lực để làm tất cả những việc trên. Dĩ nhiên sự ủng hộ của công chúng là tối quan trọng, và rất may mắn, đây là thứ mà phe tài xế đang có thừa.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : VOA, 05/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)
**********************
Phe tài xế cần làm gì nếu lợi thế đang không thuộc về họ ?
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 05/12/2017
Nếu quả thật lợi thế đang không thuộc về phe tài xế vì thời gian không đứng về phía họ, thì câu hỏi là họ có thể làm gì để đảo ngược tình hình ?
Điều đầu tiên cần làm là thay đổi cách nhìn về chính đối thủ của họ : BOT Cai Lậy.
Các lái xe sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm. Thế nhưng, để có được lượng tiền lẻ lớn như vậy thì cần phải có sự chuẩn bị và huy động từ khá nhiều chỗ như chợ, cửa hàng tạp hóa, chùa chiền
Nếu ví trạm BOT này như một cỗ máy thu tiền thì sẽ có ít nhất hai cách khiến nó ngưng hoạt động : Một là nhắm thẳng trực tiếp vào cỗ máy để quấy nhiễu, tức tấn công trực diện ; hai là tìm hiểu xem cỗ máy này đang được vận hành dựa trên những nguồn hỗ trợ nào để cắt đứt những nguồn này tức là tấn công gián tiếp. Toàn bộ những hoạt động của phe tài xế đến giờ phút này tập trung vào cách thứ nhất, không có hoặc có rất ít hành động thuộc cách thứ hai.
Với cách thứ nhất, một khi cỗ máy vẫn được cung ứng đầy đủ các nguồn lực để vận hành, nó sẽ tiếp tục đối phó giằng co với các tài xế. Thời gian, do đó, đứng về phía cỗ máy. Càng lâu tài xế càng mệt mỏi, chưa kể cùng lúc đó họ còn bị tấn công bởi các lực lượng khác.
Với cách thứ hai, bởi lẽ mất sạch các nguồn hỗ trợ cho việc vận hành, cỗ máy không còn cách nào khác ngoài phải chấm dứt hoạt động. Càng để lâu càng thiệt hại, vậy nên thời gian đứng về phía phe tài xế.
Thế nhưng thực hiện cách thứ hai như thế nào ? - Đầu tiên phải bằng việc phân tích các nguồn lực hỗ trợ cho BOT Cai Lậy.
Thứ nhất là nguồn lực tài chính. Ngân hàng BIDV cấp 85% vốn cho dự án BOT Cai Lậy. Điều này có nghĩa là họ chia sẻ lợi nhuận với nhà đầu tư trên lưng những người lái xe. Bởi vậy họ không thể vô can, họ phải chịu trách nhiệm theo cách này hoặc cách khác. Không ai có sức mạnh hơn những người gửi tiền ở BIDV trong việc yêu cầu ngân hàng này ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy (bằng không sẽ rút tiền hàng loạt). Khách hàng của BIDV còn có trách nhiệm đạo đức phải làm điều này nếu không muốn bị coi là vô tình tiếp tay cho BIDV. Những người lãnh đạo của BIDV như Trần Anh Tuấn (Quyền Chủ tịch) và Phan Đức Tú (Tổng Giám đốc) đều là những người địa vị cao, quan hệ rộng ở Hà Nội nên chắc chắn sẽ không muốn xuất hiện trong mắt bạn bè, người thân, đối tác như những kẻ đang sống giàu sang trên những đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lái xe kham khổ miền Tây. Một chiến dịch truyền thông sẽ buộc họ phải lựa chọn giữa việc ngưng hỗ trợ BOT Cai Lậy hoặc là chuốc lấy hậu quả cho thanh danh bản thân mình.
Ông chủ thực sự của BOT Cai Lậy, tương tự, là đối tượng thứ hai không thể bỏ qua. Người đàn ông tên Lê Tiến Thắng, Chủ tịch công ty Bắc Ái trụ sở tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc có vẻ vẫn đang ung dung ngồi thu tiền từ khoảng cách 2000 cây số tính từ BOT Cai Lậy. Phải có một chiến dịch truyền thông để ông ta không còn vẻ ung dung đó nữa. Người thân, bạn bè, đối tác của ông ta cần nhận ra sự giàu có của ông ta chẳng có gì tốt đẹp và đáng tự hào vì nó đến từ những đồng tiền còm cõi của những người lái xe - lẽ ra được dùng để đỡ đần thêm cuộc sống cho vợ con, thêm thịt cá cho bữa ăn, thêm sách vở để đến trường.
Nguồn lực thứ ba là các dịch vụ hậu cần. Các công ty xe cẩu, công ty bảo vệ, công ty cung ứng nhân viên thu phí ở Tiền Giang và các tỉnh lân cận đều cần nhận được thông điệp chính thức từ phe tài xế giải thích vì sao không nên cung cấp dịch vụ cho BOT Cai Lậy. Chỉ cần một thư ngỏ có lý có tình và một kế hoạch truyền thông khéo léo sẽ khiến chẳng có công ty bảo vệ hay xe cẩu nào "tham bát bỏ mâm" bám lấy BOT Cai Lậy để rồi bị không chỉ hàng ngàn tài xế mà cả một cộng đồng quốc gia quay lưng tẩy chay. Tương tự vậy, nếu phe tài xế tìm ra được những mạnh thường quân đồng ý tiếp nhận các nhân viên bán vé sau khi họ nghỉ việc ở Cai Lậy, cũng như kêu gọi những người khác không ứng tuyển vào các vị trí này để tiếp tay BOT Cai Lậy thì sẽ là một thách thức không nhỏ cho trạm này.
Thử hình dung cỗ máy BOT Cai Lậy, một khi không còn nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, không tìm đâu ra một công ty bảo vệ/công ty xe cẩu nào chịu ký hợp đồng, cũng không ai ứng tuyển vào các vị trí bán vé thu phí, thì không lẽ ông chủ Lê Tiến Thắng phải đứng ra giữa đường Cai Lậy vừa bán vé, vừa gác an ninh ? Hoặc, một khi bị các ngân hàng xa lánh, ông Thắng sẽ phải tiếp tục công việc làm ăn của mình thế nào trong tương lai ?
Điểm sơ qua có thể thấy khối lượng công việc không hề ít, song tôi tin là với những gì đã thể hiện, phe tài xế thừa năng lực để làm tất cả những việc trên. Dĩ nhiên sự ủng hộ của công chúng là tối quan trọng, và rất may mắn, đây là thứ mà phe tài xế đang có thừa.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : VOA, 05/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)
**********************
Gửi BOT Cai Lậy và nhà nước "BOT"
J.B Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 04/12/2017
Tại sao tao lại phải trả tiền ?
Không mua, không bán... cũng chưa điên
Chúng mày chặn đường rồi trấn lột
Bay cậy dân tao đã quá hiền ?
Xin thưa, giun xéo lắm cũng quằn
Trăm thứ đổ đầu mỗi thằng dân
Bán hết, vay thêm cho đảng phá
"BOT trước - sân sau" đảng chia phần
Cai Lậy dẫn đầu bước tiên phong
Lòng dân như sóng, giục muôn lòng
Biên Hòa, Cầu Giẽ... và muôn nẻo
Đang bị cướp ngày ! Có biết không ?
Ai cho bay đưa đám xanh, vàng
Bảo vệ cho loài dạ sói lang ?
Đứng chặn ngang đường, ngang nhiên cướp
Chó bầy sẽ dọa được dân chăng ?
Vàng, đỏ, côn đồ... cũng thế thôi
Nhúng dân trong chảo nước đang sôi
Nếu dân đoàn kết cùng nhau nhảy
Thì nhà nước BOT mặc sức trôi
Ngày 3/12/2017
Sáng ngày 08/11, trước Quốc hội, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết đoàn thanh tra Bộ Công an (do một Thứ trưởng dẫn đầu) đã kết luận toàn bộ quá trình chấp pháp của Công an Hà Nội trong việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng. Theo ông Hải, việc cụ Kình bị gãy chân là do gia đình giằng co với lực lượng thi hành nhiệm vụ, chứ không phải lỗi của công an Hà Nội.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết việc bắt giữ cụ Kình ngày 15/4 là hoàn toàn đúng.
Trước phát biểu này, những tưởng cụ Kình, vốn đang trong quá trình hồi phục và vẫn chưa đi lại được, sẽ rất sốc. Nhưng có lẽ thời gian vừa qua đã quá quen thuộc với các bài vở "đổi trắng thay đen" nên, bằng một giọng điềm tĩnh thường ngày, cụ đã chỉ ra những điểm bất ổn trong phát biểu của Đại tá Hải.
Một, đoàn thanh tra Bộ Công an mà Đại tá Hải nhắc đến là thực hiện công việc như thế nào mà chẳng hề thấy về làng gặp gỡ các nhân chứng.
Bốn nhân chứng mà cụ Kình nhắc đến, những người được các sĩ quan quân đội, công an mời ra đo mốc giới, bao gồm cụ ông Bùi Văn Vệ (cựu chiến binh, đã ngoài 80), ông Bùi Viết Hiểu (thương bình, từng là Trưởng ban Thanh tra Nhân dân xã, đã ngoài 70), ông Bùi Văn Nhạc (cựu chiến binh, nhiễm chất độc da cam, ngoài 70 tuổi), và bà Hoàng Thị Thăng (đảng viên). Họ có mặt ngay ở hiện trường lúc đó, sao đoàn thanh tra Bộ Công an không gặp họ ? Sao có thể về làng triệu tập người dân cho vụ án hình sự, mà không thể mời các nhân chứng lên đối chất để tìm ra sự thật ?
Hai, lúc các sĩ quan công an, quân đội mời cụ Kình và các nhân chứng ra đo mốc giới, lực lượng mặc thường phục từ trong xe nhảy ra đã bắn hai băng đạn vào bờ tường đá ong gần đó ? Ông Hải có dám về gặp dân làng và khẳng định đã không có nổ súng ? Đoàn thanh tra Bộ Công an có về điều tra dấu vết đạn bắn ở bờ tường đá ong ngoài đồng ? Đó là chưa nói tới việc, luật pháp nào cho phép công an bắt giữ người không có lệnh, không lập biên bản như vậy ?
Ba, ông Hải nói rằng cụ Kình gãy chân là do gia đình giằng co liệu có hợp lý không khi ngay ở hiện trường lúc đó chỉ có mỗi ông Lê Đình Công là con trai cụ Kình, cũng bị bắt giải đi luôn ngay lúc đó, và chỉ được thả ra vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng giữ cán bộ xảy ra.
Bốn, lúc cụ Kình nằm ở viện 108 sau ca phẫu thuật, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành và Giám đốc Công an Hà Nội Đoàn Duy Khương vào thăm. Tướng Thành có nói đại ý ghi nhận việc cụ Kình chống tham nhũng là tốt, có lợi cho dân làng. Còn Tướng Khương thì bảo rằng rất tiếc đã vào cuộc muộn nên để xảy ra sự việc như thế và xin lỗi cụ Kình. Nếu lực lượng chấp pháp của công an Hà Nội hoàn toàn đúng đắn và cụ Kình gãy chân không hề liên quan tới họ thì Tướng Khương có cần phải xin lỗi cụ Kình không ? Ông Hải có dám đối chất với cụ Kình và cấp trên trực tiếp của ông là Tướng Khương không ?
Không ồn ào phản ứng, trên đây là bốn điểm cụ Kình đưa ra để dư luận tự rút ra kết luận. Cụ Kình và những nhân chứng liên quan cùng dân làng sẽ sớm có clip livestream để cung cấp thông tin cho dư luận.
Một chuyện quan trọng khác ở đây lại là vấn đề xung đột lợi ích. Làm sao có thể tin rằng kết luận của đoàn thanh tra do Bộ Công an thành lập đủ khách quan khi điều tra một sự việc có liên quan trực tiếp đến lực lượng công an ? Và điều đáng suy nghĩ hơn là ở nước ta hiện nay liệu có cơ quan nào đủ độc lập để đưa ra một kết luận khách quan trước một sự việc như thế này ?
Nếu câu trả lời là hoàn toàn không, thì đơn giản là hệ thống quản trị quốc gia của chúng ta bị lỗi.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/11/2017 (nguyenanhtuan's blog)