Kết thúc Hội nghị Trung ương 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở : "Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự gột rửa".
Võ Đình Thường - Tấm gương "tự gột rửa"
"Nhúng chàm" ắt hẳn là sai phạm, thế thì "tự gột rửa" là gì ? Là xóa dấu vết sai phạm chăng ? Chắc là Tổng bí thư không có ý như vậy, vì thế khác nào 'vẽ đường hươu chạy', chỉ đạo cán bộ đảng viên che đậy khuyết điểm, giấu diếm sai phạm, đi ngược lại các tuyên bố thượng tôn pháp luật lâu nay của Đảng Cộng sản và các lời kêu gọi chống tham nhũng quyết liệt của chính Tổng bí thư.
Thế thì "tự gột rửa" phải chăng có nghĩa là "ngừng sai phạm" ? Vậy chỉ đạo của Tổng bí thư có phải là : Nếu các ông bà cán bộ đã từng sai phạm rồi thì nay phải biết đường mà ngừng lại, đừng có sai phạm như thế nữa ? Cơ mà ngừng lại rồi thì sao ? Không lẽ đã gây ra sai phạm rồi, bây giờ chỉ cần ngừng lại là ổn, không bị truy cứu trách nhiệm gì cả ? Tôi không tin Tổng bí thư lại chỉ đạo như vậy, vì thế khác nào bật tín hiệu bao che tập thể, xí xóa sai phạm của cán bộ các cấp.
Nhưng thế thì thực sự Tổng bí thư muốn chỉ đạo điều gì ? Băn khoăn này mãi từ sau Hội nghị trung ương 6 tới giờ vẫn chưa có lời đáp. Thật may là, diễn biến mới đây vụ BOT Đồng Nai có vẻ đang làm mọi thứ sáng tỏ hơn.
Đại úy Võ Đình Thường năm 2003 là Trưởng trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây từng bị báo chí phanh phui là đã tổ chức đường dây nhận hối lộ/"làm luật", sau đó bị kỷ luật, đuổi khỏi lực lượng Cảnh sát giao thông. Thế nhưng giờ đây người ta lại thấy ông Thường lên hàm Thượng tá với chức Phó Trường phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai, ký hàng chục giấy mời các lái xe từng trả tiền lẻ tại một trạm BOT trong tỉnh.
Nghĩa là, ông Thường điển hình cho một cán bộ "trót nhúng chàm", và rồi không biết đã "tự gột rửa" như thế nào mà chiếm lại được lòng tin của Đảng Cộng sản để tiếp tục được trọng dụng và thăng tiến như vậy. Nếu ông Thường đã, đang và sẽ thăng tiến như thế này thì dư luận có thể hiểu lời chỉ đạo của Tổng bí thư là, dù "nhúng chàm" nặng tới mức ăn hối lộ của dân đi chăng nữa, nhưng nếu biết "tự gột rửa" đúng cách thì cán bộ vẫn yên tâm được thăng chức như thường.
Tóm lại, nếu có một hội nghị toàn quốc về Tự Gột Rửa, thì ông Võ Đình Trường - một điển hình tiên tiến xuất sắc - nên là báo cáo viên chính. Ông cũng nên tính đến việc viết sách về kinh nghiệm "tự gột rửa" vì cả triệu cán bộ là độc giả tiềm năng đang chờ.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 20/10/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Thời gian gần đây Công an Thành phố Hà Nội thường xuyên về Đồng Tâm triệu tập dân làng (mỗi lần một nhóm người dân khác nhau) cho vụ án "Bắt giữ người trái phép" và "Hủy hoại tài sản" mà họ khởi tố ngày 13 tháng 6 vừa qua, gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của bà con.
Cụ Kình : thủ lĩnh xứng danh của Đồng Tâm
Là người thủ lĩnh tinh thần của dân làng, cụ Kình, dù đang trong giai đoạn phục hồi sau khi bị một toán công an, quân đội cưỡng chế đất đánh gãy chân gần 6 tháng trước đây, vẫn nhất mực đòi con cháu và dân làng đẩy xe lăn ra trụ sở UBND xã để nói phải trái với những người đang muốn làm khó dân làng của cụ mỗi khi họ về làng.
Ngay ngày hôm qua thôi, trước những cán bộ, công an về làng đòi triệu tập người dân, dù vẫn phải ngồi trên xe lăn, cụ Kình đã đưa ra những phân tích pháp lý, đòi làm rõ những điểm khuất tất trong kết luận thanh tra của Hà Nội, và yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ đã gây thương tích cho cụ vào ngày 15/4 vừa rồi (chưa ai bị xử lý bất kỳ điều gì cả).
Đi đầu trong công cuộc đấu tranh giữ đất cho làng, bị cường quyền đánh tới mức tàn phế ở tuổi 80 mà nay vẫn sẵn sàng bước lên phía trước gánh vác tai vạ cho dân làng trước những kẻ muốn cố đấm ăn xôi ở Đồng Tâm, cụ Kình quả thực là một thủ lĩnh xứng danh của dân làng nơi đây.
Xin được hỏi những người có trách nhiệm trong chính quyền Hà Nội và Trung ương, trước một thủ lĩnh như thế, trước một làng đoàn kết trên dưới một lòng lại được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh như thế, các anh có gì trong tay mà đòi khuất phục ý chí của họ ?
Chuyện bằng cấp, chuyện quản lý đô thị và đất đai, chuyện sắp xếp nhân sự, chuyện nguyên tắc đảng đều không phải là tình tiết chính trong câu chuyện chính trường đang lùm xùm ở Đà Nẵng. Đó cũng chẳng phải là lý do để Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuộc, bởi những sai phạm được liệt kê thật bình thường, và có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào.
Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc
Vấn đề mấu chốt ở đây là bởi hai diễn viên chính trên sân khấu chính trị Đà Nẵng, Bí thư Xuân Anh và Chủ tịch Đức Thơ, thông qua hai thiết chế Thành ủy và UBND, đã so kè nhau tới mức tạo ra một tình thế bế tắc, khiến tiến trình ra quyết định của thành phố hơn năm qua thường xuyên bị ngưng trệ, cán bộ thì ôm ghế thấp thỏm, nhà đầu tư, doanh nghiệp thì trì hoãn để nghe ngóng thông tin. Khán giả dần mất kiên nhẫn với vở kịch bế tắc này, và để câu chuyện không kéo dài lâu hơn, trung ương buộc phải can dự để hạ màn cả hai diễn viên chính.
Tuy nhiên, câu hỏi là, lý do nào dẫn đến tình trạng so kè nghiêm trọng như trên ? Đặt câu chuyện vào một bối cảnh rộng lớn hơn, có thể kể ra 3 nguyên nhân.
Đầu tiên là quy trình thăng tiến truyền thống bị xô ngã. Những thế hệ lãnh đạo trước đây của thành phố đều thăng tiến tuần tự từ thấp đến cao qua một thời gian dài. Ở mỗi nấc thang trong hệ thống quyền lực, cá nhân lãnh đạo có đủ thời gian xây dựng và củng cố mạng lưới cánh hẩu của riêng mình. Ngay cả khi giữa những người lãnh đạo thăng tiến tuần tự này có xung khắc với nhau đi chăng nữa, họ cũng dễ thỏa hiệp với nhau hơn vì qua một thời gian dài công tác cùng nhau, lợi ích của các bên đã đan xen tới mức chẳng ai muốn nghĩ tới việc sống mái. Ở Đà Nẵng, có thể xem Đức Thơ là đại diện của kiểu lãnh đạo tuần tự nhi tiến này, trong khi Xuân Anh lại hiện lên khá rõ mà một người được 'ấn' vào chiếc ghế lãnh đạo cao nhất ở thành phố. Mâu thuẫn giữa phe mới nổi và cựu trào là không thể tránh khỏi.
Lý do thứ hai là mâu thuẫn về lợi ích. Trong thể chế song trùng đảng-chính quyền ở nước ta, chuyện Bí thư và Chủ tịch không ưa nhau là hết sức tự nhiên và bình thường, như một rừng hai hổ. Tuy nhiên, 10-15 năm qua, trong khi hai cơ cấu đảng và chính quyền đều ngày một phình to ra, xung đột giữa chúng có vẻ chưa quá căng thẳng khi mà miếng bánh lợi ích cũng lớn lên tương ứng, đi liền với việc gia tăng nợ công và khai thác kiệt cùng tài nguyên khoáng sản. Ở mỗi tỉnh thành, dù phe Bí thư hay phe Chủ tịch đều không thể chiếm trọn miếng bánh, song mỗi phe đều khá hài lòng với phần bánh trong tay mình có vẻ đang lớn hơn qua từng năm. Tuy nhiên, dễ thấy là miếng bánh lợi ích không thể phình to mãi, nếu không muốn nói là đang có dấu hiệu nhỏ xuống rõ rệt, nhất là từ sau Đại Hội XII, khi mà nợ công đã chạm mức báo động và tài nguyên thì đã cạn kiệt. Thế thì, một khi quy mô bộ máy không giảm tương ứng với tốc độ nhỏ đi của chiếc bánh, mâu thuẫn sẽ tăng. Nhìn dưới góc độ này, Đà Nẵng chỉ đang kể tiếp câu chuyện của Yên Bái, dù không vang tiếng súng, song chẳng hề kém phần gay cấn. [Và quan trọng là, không phải chỉ mỗi Đà Nẵng, hãy chờ xem].
Nguyên nhân thứ ba, và cũng là điều khiến xung đột ở Đà Nẵng vượt ra ngoài biên giới địa phương, là màu sắc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) của nó. Đoạn đường Thành ủy tới UBND chỉ vài trăm mét nhưng lắm khi đôi bên phải bay vòng Ba Đình trước khi có thể tương tác được với nhau. Chiến tranh ủy nhiệm hay nổ ra ở những nơi xuất hiện chân không quyền lực, hoặc nơi mà thế lực nắm quyền ngồi chưa vững chiếc ghế quyền uy, nên bên ngoài hoặc bên trên dễ dàng can thiệp. Đà Nẵng hậu Bá Thanh là một nơi như vậy, vì dù rằng còn nhiều tranh cãi xung quanh di sản của ông, khó có thể phủ nhận suốt 20 năm đứng đầu thành phố của mình, ông Thanh chưa hề có một kế hoạch nghiêm túc về việc lựa chọn và xây dựng nhân vật số 2 thay thế ông, nhất là khi chuyến 'Bắc du' của ông có vẻ không nằm trong dự liệu.
Tóm lại, vấn đề xung đột chính trị ở Đà Nẵng vừa có tính thời cuộc, vừa có tính cơ cấu thuộc về bản chất thể chế hiện hành. Một kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương có thể giải quyết được tính thời cuộc của vấn đề, song nguyên nhân mang tính cơ cấu đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn thế gắn với cải cách thể chế.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 20/09/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Hôm 28/08/2017, trong phiên họp với các bên liên quan về quy hoạch Sơn Trà, UBND Đà Nẵng đã thông báo rằng sẽ giảm độ cao khu vực được thực hiện các dự án lưu trú từ 200m như trong quy hoạch cũ xuống 100m. Dự kiến ý kiến này sẽ được báo cáo với Chính phủ.
Cái cần giảm ở đây là lòng tham của các thế lực quyền-tiền, nhìn Sơn Trà chỉ thấy có thể chia ra được bao nhiêu lô, xây được bao nhiêu khách sạn/biệt thự, quy được ra bao nhiêu tỷ
Tuy nhiên, thiết nghĩ thứ cần giảm ở đây không phải là độ cao được xây dựng khách sạn, biệt thự ở Sơn Trà từ 200m xuống 100m, mà chính là lòng tham của các thế lực quyền-tiền, nhìn Sơn Trà chỉ thấy có thể chia ra được bao nhiêu lô, xây được bao nhiêu khách sạn/biệt thự, quy được ra bao nhiêu tỷ, chẳng bao giờ đoái hoài tới môi trường, môi sinh hay những khái niệm mà các ông bà cho là ất ơ, ngớ ngẩn như "đa dạng sinh học". Voọc chà vá chân nâu, dẫu có trong sách đỏ thế giới đi chăng nữa, trong mắt họ chỉ là một bầy khỉ, đơn giản vì nó không quy đổi ra tỷ VND hay triệu USD như khách sạn/biệt thự xây trong đất rừng Sơn Trà được.
Sẽ là một sự tủi hổ của chúng ta - những người Đà Nẵng hiện nay - nếu không giữ được vẹn nguyên Sơn Trà cho các thế hệ mai sau. Đó là bởi cả một cộng đồng triệu dân nhưng lại cúi đầu im lặng khuất phục trước một nhóm nhỏ nhiều quyền, lắm tiền - những kẻ đã chia lô cả chục cây số bờ biển xây resort/khách sạn/biệt thự chưa dùng hết đã vội nhăm nhe xẻ núi Sơn Trà.
Vậy nên, 1m cũng không được chứ đừng nói đến 100m. Cây và thú rừng của hệ sinh thái đặc biệt nơi đây đâu có quan tâm đến những ranh giới mà các ông bà tùy tiện vạch ra đâu ? Một nhánh lan rừng quý hiếm đâu thể ngừng mọc hay một bầy voọc chà vá chân nâu đâu thể ngừng di chuyển dưới độ cao 100m chỉ vì cái ranh giới mà những người này ngụy tạo lên đâu ? Hay họ định dựng hàng rào, hay lắp biển cảnh báo : "Voọc ơi, cấm xuống" "Lan ơi, cấm nở" dưới độ cao 100m ?
Đó là còn chưa nói tới khía cạnh pháp lý khi toàn bộ các dự án này đều được cấp phép dựa trên một bản quy hoạch vượt thẩm quyền, trái phép của thành phố trong Quyết định 6758. Để giữ sự tôn nghiêm của pháp luật thì không phải chỉ những dự án chưa thành hình mà một ngày nào đó ngay cả các dự án đã được thực hiện như khách sạn Intercontinental Sơn Trà cũng phải được dỡ bỏ ; còn thiệt hại của doanh nghiệp sẽ được giải quyết trong một vụ kiện của họ với bên cấp phép sai là chính quyền thành phố.
Sơn Trà còn cần mỗi người chúng ta bỏ thêm công sức cho nó, giữ cho nó vẹn nguyên, để sau này nói chuyện về nó với các thế hệ tương lai của thành phố, lòng tự hào sẽ thay cho niềm tủi hổ trong chúng ta.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 29/08/2017 (nguyenanhtuan's blog)
Quân đội, việc của các anh là bảo vệ lãnh thổ, Hãy buôn tay khỏi Đồng Tâm
Trong khi hàng chục giấy triệu tập của Công an Hà Nội gửi về Đồng Tâm còn chưa ráo mực, như thể "tát nước theo mưa" nhằm tăng thêm sức ép, mấy ngày nay Bộ Quốc Phòng lại gửi giấy triệu tập cụ Lê Đình Kình và con của cụ là trưởng thôn Lê Đình Công.
Ông Lê Đình Kình có giấy triệu tập nhưng vẫn chưa dưỡng thương xong để có thể tới cơ quan điều tra thuộc Bộ Quốc phòng làm việc, theo truyền thông Việt Nam
Lý do triệu tập được đưa ra là "để làm rõ vụ án". Nhưng vụ án ở đây là vụ án nào ? Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án mới hay là đang khơi lại vụ án cũ - tức vụ án Chống người thi hành công vụ mà nhân đó Bộ Quốc phòng đã cùng Công an Hà Nội đánh gãy chân cụ Kình trong quá trình bắt giữ vào ngày 15/4 ? Vụ bắt người sai quy trình tố tụng, không lập biên bản, không đọc lệnh, còn gây thương tích nghiêm trọng cho cụ Kình tới nay vẫn chưa được xử lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Cũng cần nhắc lại là Bộ Quốc phòng còn có dấu hiệu lạm quyền khi tiến hành khởi tố bất kỳ vụ án nào liên quan tới tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm bởi lẽ theo Luật Tổ chức Cơ quan Điều tra Hình sự 2015 thẩm quyền của Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng chỉ giới hạn trong "những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu và tương đương, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp Điều tra ; vụ án đặc biệt nghiêm trọng thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội nhân dân do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại." (Khoản 2, Điều 26).
Cụ Lê Đình Kình - Ảnh minh họa
Những gì diễn ra ở Đồng Tâm cho tới giờ phút này không phải tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, lại chẳng xảy ra trên địa bàn nhiều quân khu, mà cũng chẳng xuyên quốc gia, thì lãnh đạo Bộ Quốc Phòng lấy lý do gì để biện minh cho việc khởi tố vụ án ở Đồng Tâm ?
Quan trọng hơn, những người dân quê Đồng Tâm góp gạo góp quân là để Quân đội bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước ngoại xâm, chứ không phải là để nhăm nhe vào đất đai - nguồn sống của họ, hoặc sử dụng bộ máy điều tra, tòa án quân sự để bỏ tù họ khi họ chỉ đang cố gắng giữ lại nguồn sống cho mình.
Súng là dân giao cho các anh, dù có thế nào đi chăng nữa, dù có dưới lệnh ai đi chăng nữa, các anh cũng không được phép chĩa nó vào những nơi mà các anh từ đó đi ra, vào những người đang đổ mồ hôi nuôi các anh.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 27/08/2017 (nguyenanhtuan's blog)