Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

ĐTM là Đánh giá Tác động Môi trường được chủ đầu tư lập nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trước những tác động đó. ĐTM cần được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt trước khi dự án được tiến hành.

nhom0

Hình chụp hôm 20/4/2016 tại một bãi biển ở tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi chất thải độc từ nhà máy Formosa - AFP

Với vai trò như thế, ĐTM được kỳ vọng là một chốt chặn hiệu quả ngăn cản những dự án ô nhiễm. Thật vậy, ở Đài Loan nhiều dự án có nguy cơ tàn phá môi sinh đã không thể thành hình bởi ĐTM không được thông qua, chẳng hạn gần đây là Nhà máy Nhiệt điện của TaiPower ở Changhua [1] . Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dự án Nhà máy Thép Formosa ở Yunlin năm 2007, qua sự phân tích của các chuyên gia có trách nhiệm đối với ĐTM, công chúng nhận ra tầm nguy hiểm của dự án đã phản đối kịch liệt tới mức dự án bị hủy bỏ ngay cả trước khi Hội đồng Thẩm định ĐTM làm việc.

Thế vì sao Việt Nam cũng áp dụng quy trình ĐTM mà lại không hiệu quả, để lọt quá nhiều dự án gây thảm trạng môi trường từ Bắc chí Nam ?

Có nhiều nguyên nhân song quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường đã giấu giếm các bản ĐTM cũng như giữ toàn bộ quá trình này trong vòng bí mật nhằm tránh né sự giám sát của báo chí và công chúng.

Hình bên trái dưới đây là kết quả từ website thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam khi gõ từ khóa "Formosa", chỉ bao gồm tên của ĐTM mà hoàn toàn không có nội dung [2] . Trong khi đó ở hình bên phải - website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan - với cùng từ khóa (台灣化學纖維 trong tiếng Hoa) chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ĐTM của tất cả các dự án của Formosa cùng các tài liệu đi kèm như biên bản cuộc họp Hội đồng Thẩm định ĐTM, biên bản cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân địa phương - tóm lại là mọi thông tin về khía cảnh môi trường của dự án. Cũng trên website này, bất kỳ ai quan tâm, bao gồm cả báo chí, các tổ chức dân sự, có thể dễ dàng đăng ký tham gia các buổi họp của Hội động Thẩm định, giám sát các thành viên Hội đồng làm việc [3 ].

222222222222222222

Chụp màn hình website Bộ Tài nguyên và môi trường (trái) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan Blog Nguyễn Anh Tuấn

Kết quả là, dù thảm họa Formosa diễn ra đã hơn 2 năm song tới giờ công chúng vẫn chẳng hề biết vị giáo sư tiến sĩ nào đã tham gia Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt ĐTM này. Các vị nhờ đó đã vừa tránh được búa rìu dư luận lẫn trách nhiệm pháp lý theo luật định, mà còn có thể ung dung đứng chân vào những Hội đồng thẩm định các dự án khác.

Tương tự, trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đòi nhấn chìm cả triệu m3 bùn thải xuống biển, chỉ khi sự việc trở nên ồn ào trên báo chí người ta mới phát hiện ra một số nhà khoa học đã bị mạo danh trong hồ sơ ĐTM [4]. Tất cả sự dối trá này sở dĩ tồn tại được chính là bởi Bộ Tài nguyên và môi trường giấu giếm toàn bộ hồ sơ ĐTM.

Chính phủ những năm gần đây thường xuyên nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, về mô hình chính phủ điện tử, song một việc giản đơn là đăng tải các hồ sơ ĐTM lên Internet và để người dân lẫn báo chí có thể đăng ký online tham gia giám sát các buổi thẩm định ĐTM mà vẫn không làm được thì chỉ có thể hiểu là nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên và môi trường đang cố tình bán đứng môi trường đất nước và sức khỏe người dân để đút cho đầy túi tham.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 22/09/2018

[1] http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2016/04/21/2003644467?fb...

[2] http://eia.vn/index.php/danh-sach-bao-cao-dtm-phe-duyet

[3] https://eiadoc.epa.gov.tw/eiaweb/Default.aspx

[4] http://moitruong24h.vn/sao-cu-la-lo-hong-dtm.html

Published in Diễn đàn

Đầu năm nay, Formosa Hà Tĩnh tuyên bố sẽ tăng gấp đôi công suất [1], hàng quán phục vụ khách Trung Quốc ở phố thị Kỳ Anh theo ghi nhận đã nhộn nhịp trở lại. Cùng lúc đó, một số hộ dân sống xung quanh nhà máy bắt đầu lo lắng cho sức khoẻ của gia đình nên đã dần chuyển đi.

VIETNAM-CHINA-POLITICS-ECONOMY-RIOT

Hình chụp hôm 3/12/2015 : một phần của nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh - AFP

Chính Báo cáo Tác động Môi trường (DTM) của Formosa cũng thừa nhận ngay từ giai đoạn 1 lượng bụi phát sinh sẽ cực lớn và "nếu không có hệ thống xử lý, bụi sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân làm việc trong nhà máy và khu dân cư lân cận. Các hạt bụi nhỏ có kích thước nhỏ thâm nhập vào người qua đường hô hấp, gây "viêm phê quản mãn tính, ung thư phổi, viêm giác mạc" [2]. Khí thải có thể không gây ra kết quả nhãn tiền (cá chết chẳng hạn) như nước thải, song hậu quả đối với sức khoẻ con người thì không hề kém cạnh, nếu không muốn nói là còn nghiêm trọng hơn.

Thực tế là số ca mắc ung thư ở các làng vùng Chương Hoá, Vân Lâm nơi Formosa đặt nhà máy bên Đài Loan đã tăng đột biến nhiều lần chỉ vài năm sau khi nhà máy đi vào vận hành và cư dân được tái định cư bên ngoài vòng bán kính 10km từ các nhà máy này. [Trong khi ở Kỳ Anh vẫn còn quá nhiều hộ dân sống sát tường rào nhà máy, các khu tái định cư Kỳ Phương, Kỳ Liên lẽ ra phải được chuyển ra xa thì lại đặt sát vách Formosa].

Dĩ nhiên Formosa Hà Tĩnh có hệ thống xử lý khí thải của họ, song hiệu quả đến đâu thì cần được kiểm chứng bằng các máy quan trắc chất lượng không khí. Việc giám sát này đòi hỏi phải độc lập ; và trong trường hợp một tập đoàn tai tiếng như Formosa thì ai cũng hiểu là nhu cầu này càng bức thiết.

formosa2

Hình chụp hôm 20/4/2016 tại bãi biển ở Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sau thảm họa môi trường do chất thải độc từ Formosa thải ra môi trường biển khiến cá chết hàng loạt suốt 4 tỉnh miền trung AFP

Vậy mà hiện nay chính quyền lại cho phép chính Formosa lắp đặt thiết bị quan trắc này ở khu vực phát khí thải và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh. Nghĩa là chỉ Formosa và chính quyền Hà Tĩnh biết với nhau kết quả quan trắc, trong vòng bí mật [3].

Tháng 11/2017 lần đầu tiên Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh, trong một công văn báo cáo lên Bộ Tài nguyên và môi trường, đã tiết lộ Formosa xả khí thải vượt ngưỡng nhiều lần để rồi từ đó báo chí vào cuộc phát hiện ra Bộ Tài nguyên và môi trường từ năm 2014 đã ra văn bản ‘cá biệt’ đặc cách cho Formosa xả thải vượt chuẩn [4].

Câu hỏi là nếu có lúc nào đó Formosa vẫn xả vượt chuẩn mà Sở Tài nguyên và môi trường Hà Tĩnh không thông báo thì thế nào ? Có khó gì đâu việc công khai kết quả đo quan trắc lên Internet để dân vào giám sát như chính Đài Loan đang làm [5] ?

Thêm nữa, thiết bị quan trắc đâu có đắt đỏ đến mức chính quyền cần Formosa lắp đặt, sao không tự lắp đặt để đảm bảo tính cách độc lập của việc giám sát nhà nước ?

Ngoài ra, hiện chỉ mới có thiết bị quan trắc ngay trong khu vực nhà máy, trong khi theo các chuyên gia còn cần phải đo chất lượng không khí ở khu vực dân cư xung quanh vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ của người dân.

Ở Đài Loan các tổ chức dân sự đã lắp đặt không ít các máy quan trắc độc lập trong vùng dân cư xung quanh nhà máy Formosa, công bố kết quả để đối chứng với hệ thống quan trắc của chính quyền. Với sự thù nghịch nhắm tới xã hội dân sự hiện nay, rất khó để chính quyền chấp nhận những sáng kiến dân sự như vậy. Không tin vào giám sát cộng đồng lại để chính đối tượng - Formosa - nắm đằng chuôi của quá trình giám sát, chính quyền đang tự cho thấy tuyên bố ‘không đổi môi trường lấy tăng trưởng’ của họ chỉ là lời đầu môi chót lưỡi.

Tóm lại, ba việc cần làm hiện nay là :

1) kiểm soát toàn bộ quá trình quan trắc khí thải trong nhà máy chứ không giao cho Formosa,

2) công khai kết quả quan trắc bên trong và xung quanh nhà máy 24/7 online (thời gian thực/in real time) cho công chúng và báo chí tiếp cận, và

3) khuyến khích các tổ chức dân sự lắp đặt thêm máy quan trắc độc lập để đối chiếu kết quả, có sai khác là các bên liên quan vào cuộc ngay. Chẳng việc nào khó cả nếu thực tâm.

Chính quyền đã phạm nhiều sai lầm dẫn đến thảm hoạ Formosa hai năm trước đây. Nếu không hành động ngay họ có thể sẽ đứng trước một thảm cảnh mới trong một ngày không xa.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 20/09/2018

---
1] https://nguoidothi.net.vn/formosa-ha-tinh-se-tang-gap-doi-cong-suat-luye...

[2] https://m.vov.vn/xa-hoi/formosa-sap-van-hanh-thu-6-ong-khoi-phat-tan-khi...

[3]https://amp.vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-tinh-yeu-cau-formosa-lap-thiet-bi-quan-trac-tu-dong-khi-thai-3416253.html

[4] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-tnmt-dac-cach-cho-formosa-xa-thai-vuo...

Published in Diễn đàn
mardi, 18 septembre 2018 14:49

EVFTA : Việt Nam lại lỡ tàu ?

Tăng thêm 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động chưa nói hết những gì mà Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có thể mang đến cho Việt Nam. 

The flags of the 27 EU Member States following enlargement on 1 January 2007

Liên Hiệp Châu Âu là một thị trường lớn gồm 27 quốc gia dân chủ phát triển với hơn 500 triệu dân và một trọng lượng kinh tế thứ nhì thế giới

Đầu tư Châu Âu với công nghệ kỹ thuật hiện đại đổ vào Việt Nam, tương tự, cũng chỉ nói lên một phần ích lợi của Hiệp định. 

Điều quan trọng nhất mà con tàu EVFTA mang lại là đưa Việt Nam đến gần hơn với Âu-Mỹ và giúp Việt Nam tận dụng mối quan hệ gần gũi này để hiện đại hoá quốc gia nhanh chóng và toàn diện nhất có thể. 

Đó cũng sẽ là lần đầu tiên Việt Nam thoát khỏi cái bóng của Trung Quốc trong tiến trình hội nhập quốc tế, nếu chúng ta nhớ rằng Trung Quốc đã mua gói bình thường hoá quan hệ với Mỹ bằng máu của Việt Nam năm 1979 thế nào, và đã ngáng đường Việt Nam để gia nhập WTO trước Việt Nam ra sao. 

Cũng có nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam, dưới áp lực của hội nhập, có cơ hội thiết lập một hệ thống thể chế quốc gia hiện đại hơn Trung Quốc, từ đó xây dựng một thế đứng vững vàng hơn trước áp lực ngày một gia tăng của kẻ láng giềng phương Bắc.

Vậy mà giờ đây chúng ta đang phải chứng kiến con tàu EVFTA đang đi dần vào ngõ cụt, để rồi Việt Nam cứ mãi chậm hơn Trung Quốc một bước. 

Mới hôm qua đây thôi 32 Nghị sĩ Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã đứng tên chung trong cùng một lá thư gửi tới Cao uỷ Thương mại EU nói rõ rằng nếu Việt Nam không giải quyết những vấn đề nổi cộm về nhân quyền, quyền lao động và cải cách tư pháp, sẽ rất khó cho họ phê chuẩn Hiệp định [1].

Điểm đáng chú ý của lá thư không phải chỉ là con số 32 Nghị sĩ đứng tên mà còn là các Nghị sĩ này đến từ cả 5 đảng chính trị lớn nhất EU, thể hiện sự đồng thuận rõ nét của chính giới EU trong hồ sơ Việt Nam. 

Đặc biệt hơn, nhiều nghị sĩ trong số này còn đang là Ủy viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc Hội EU (INTA) - cơ quan gác cổng cuối cùng trước khi Hiệp định được trình cho Quốc Hội EU phê chuẩn. Tháng 10 tới đây INTA sẽ tổ chức phiên điều trần quyết định, và số phận Hiệp định có thể nói là đang nằm trong tay các Nghị sĩ là thành viên của INTA [2].

Tương lai mờ mịt của EVFTA tiếc thay không đến từ nguyên nhân khách quan như TPP mà là do những kẻ phá hoại có chủ đích trong giới cầm quyền. 

Những kẻ đã cố tình trì hoãn phê chuẩn 3 Công ước ILO cốt lõi còn lại về quyền lao động, đặc biệt là Công ước số 87 về quyền tự do nghiệp đoàn. 

Những kẻ đã ban hành Luật An ninh Mạng đi ngược lại các cam kết về môi trường đầu tư kinh doanh, tự do lưu chuyển thông tin trong Hiệp định. 

Những kẻ đã cầm tù những công dân không làm gì khác ngoài biểu đạt ý kiến của mình một cách ôn hoà và xây dựng, như Trần Huỳnh Duy Thức, bôi xấu hình ảnh quốc gia khiến quốc tế e ngại hợp tác. 

Những kẻ, dù hành động nhân danh an ninh quốc gia song lại đang đặt quốc gia vào vòng bất an vĩnh viễn - bất an bởi nỗi lo tụt hậu vì bị chặn đường phát triển để rồi bị bóp nát trong cái bóng của láng giềng bá quyền. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 19/09/2018

[1] https://www.facebook.com/1747179962188949/posts/2172266556346952/

[2] Đáng chú ý trong số Nghị sĩ có ông Yannick JADOT là Phó Chủ tịch INTA.

Đọc thêm : AI ĐANG CẢN TRỞ EVFTA 
https://www.facebook.com/100000147078725/posts/2274259595922254/

Published in Diễn đàn

Ngày 12 tháng 8 vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chỉ đạo đáng chú ý, khi ông yêu cầu "Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quyền kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng xuống đảng bộ cấp huyện và cơ sở khi cần thiết" [1].

kiemtra1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có một chỉ đạo đáng chú ý

Ít lâu sau đó, trong một động thái hưởng ứng chỉ đạo của Tổng bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo sẽ rút hồ sơ của Trương Quý Dương, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để xử lý kỷ luật, vì mặc dù ông Dương được xác định là có khuyết điểm, vi phạm nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình lại không xem xét [2].

Những diễn biến này, tuy không trống giong cờ mở, nhưng lại đang phản ánh một xu hướng quan trọng trong lĩnh vực kiểm tra - kỷ luật ở Việt Nam, khi mà bộ máy kiểm tra đang chuyển dần từ mô hình "cấp ủy cùng cấp lãnh đạo", sang mô hình "ngành dọc", theo đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xử lý cán bộ ở các cấp vốn lâu nay không nằm trong thẩm quyền của cơ quan này, và ủy ban kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhiều hơn. 

Theo Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành, ủy ban kiểm tra các cấp do "cấp ủy cùng cấp bầu", "làm việc theo chế độ tập thể, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của ủy ban kiểm tra cấp trên" - chế độ song trùng trực thuộc (dual leadership) [3]. Tuy nhiên, vì được bầu ra từ cấp ủy cùng cấp và được coi như cấp dưới của các lãnh đạo cấp ủy nên trên thực tế ủy ban kiểm tra có xu hướng trở thành một cơ quan thanh tra nội bộ của cấp ủy địa phương. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng "bao che sai phạm trong nội bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị" như trong kết luận của Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng vừa qua. 

Sự chuyển đổi này cũng không phải là sáng kiến của Đảng cộng sản Việt Nam mà, tương tự như nhiều cải cách khác, là học hỏi từ Trung Quốc. Hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Đảng cộng sản Trung Quốc, tuy khác với Việt Nam ở chỗ do Đại hội chứ không phải cấp ủy bầu ra, song một thời gian dài cũng hoạt động thực chất dưới cơ chế ‘cấp ủy lãnh đạo’ (dù trên danh nghĩa vẫn là song trùng trực thuộc như Việt Nam). Tuy nhiên, Trung Quốc đã cải cách liên tục cơ cấu, chức năng, quyền hạn của hệ thống Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật bắt đầu từ Đại hội 16 năm 2002 dưới thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và đạt cao điểm từ Đại hội 18 năm 2012 dưới thời Tổng bí thư Tập Cận Bình, theo hướng tăng quyền cho hệ thống này, tiến dần tới một cơ quan kiểm tra ngành dọc có thực quyền sinh sát xuyên suốt hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở. Đến lượt nó, những thay đổi này phản ánh xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Trung Quốc.

Nếu vẫn theo chiều hướng ‘học hỏi’ này như lâu nay, rất có thể tới đây Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục ban hành các quy định như sau : 

1) Trung ương sẽ trực tiếp quyết định các vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các vị trí này báo cáo và chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

2) Ủy ban Kiểm tra các cấp sẽ phụ thuộc vào Ủy ban Kiểm tra cấp trên về nhân sự, tổ chức và hoạt động, và độc lập với cấp ủy cùng cấp. 

3) Tăng thêm số lượng các đoàn kiểm tra (tuần thị tổ - xunshizu) được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cử về địa phương ‘đánh án’. 

4) Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ thành lập thêm các cơ quan phụ trách việc tuyển dụng nhân sự (riêng cho Ủy ban) cũng như tuyên truyền nhằm tăng sức mạnh của Ủy ban. 

Cũng như Trung Quốc, những thay đổi này, một khi xảy ra, sẽ củng cố xu hướng tập quyền trong chính trị nội bộ Việt Nam, được khởi động từ sau Đại hội 12 và đang có dấu hiệu tăng tốc thời gian gần đây. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 31/08/2018 (nguyenanhtuan's blog)


[1] https://vov.vn/chinh-tri/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-ve-phong-chong-tham-nhung-779201.vov

[2] https://www.tienphong.vn/phap-luat/can-canh-tu-dinh-cuu-giam-doc-benh-vien-hoa-binh-vua-bi-khoi-to-1318289.tpo

[3] http://cand.com.vn/thoi-su/Dieu-le-Dang-(do-Dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XI-cua-Dang-thong-qua)-175849/

Published in Diễn đàn
mardi, 28 août 2018 21:00

Bóng đá và tuyên truyền

Luận điểm chính của bài viết dưới đây là Syria đá không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là còn nhỉnh hơn Việt Nam, song BỞI CHIẾN TRANH nên mới thất bại.

bong0

Ảnh : Bài viết đăng trên trang mạng Quân Đội Nhân Dân Việt Nam hiện được chia sẻ nhiều trên Facebook

Lập luận này không ổn ở tính hàm hồ võ đoán của nó. Còn nhớ AFC Cup 2007, đội bóng Iraq, trong bối cảnh nước nhà tan hoang vì chiến tranh, đã loại Việt Nam ở tứ kết, trước khi lập nên kỳ tích lần đầu tiên vô địch ở đấu trường Châu lục sau khi thắng Saudi Arabia trong trận chung kết. Không lẽ khi đó chúng ta, với cùng lập luận như trên, cho rằng Iraq cũng chẳng hơn Việt Nam là bao, chẳng qua NHỜ CHIẾN TRANH mà tạo nên điều kỳ diệu ?

Luận điểm tiếp theo thì lại càng đơn giản hóa một cách lười biếng hơn nữa. Gán nguyên nhân chiến tranh Syria cho ‘phương Tây’ nghĩa là bỏ qua bối cảnh xung đột sắc tộc-tôn giáo cực kỳ phức tạp ở vùng đất này, cũng phớt lờ thực tế là hai cha con Assad đã thay nhau cầm quyền đến 47 năm gây bao uất hận trong lòng dân chúng Syria, và cố tình bịt mắt trước lịch sử là trước khi có một ‘phương Tây’ nào can thiệp vào, chế độ độc đảng của Assad đã phải đương đầu với rất nhiều cuộc nổi dậy đến từ nội bộ quốc gia.

Lập luận như thế cũng chẳng thể nào giải thích được vì sao những quốc gia như Hàn Quốc, Đài Loan - vốn tương đồng về lịch sử, văn hóa và tương quan sắc tộc như Việt Nam, cũng trải qua cách mạng dân chủ kiểu Tây phương nhưng chẳng những không tan hoang mà trái lại càng thêm phú cường, thịnh vượng.

Đó là còn chưa nói tới việc dán nhãn ‘phương Tây’ của bài viết thật tuỳ tiện. Cách mạng dân chủ nếu là kiểu Tây phương thế không lẽ cách mạng xã hội chủ nghĩa mà đi kèm với nó là thể chế độc đảng cộng sản là kiểu Đông phương ? Thế khác nào đổi quốc tịch Tây phương của hai ông kim chỉ nam của các đảng cộng sản là Marx-Lenin thành người Châu Á ? Mà nếu mọi mô hình cách mạng xã hội đều là do Tây phương khởi xướng thì còn cần gì phải dán nhãn Tây phương nữa ?

Cuối cùng, chuyện thắng bại trong một trận đấu bóng đá chẳng nói lên được gì nhiều. Siêu cường như Mỹ vẫn có thể bị đả bại bởi các quốc gia tí hon, và một nước hoang tàn vì chiến tranh như Iraq vẫn có thể vượt qua một Hàn Quốc hùng mạnh. Đó đơn giản chỉ là cuộc chiến của mỗi bên 11 người, với tài cầm quân của hai vị huấn luyện viên, phản ánh nỗ lực của từng cá nhân và mỗi tập thể đội bóng. Gán quá nhiều ý nghĩa cho nó sẽ chẳng được gì ngoài huỷ hoại tinh thần thể thao cao đẹp của nó.

Cũng vậy, thương cho một quốc gia chìm trong chiến trận là niềm đồng cảm tự nhiên của con người, nhưng xuyên tạc những lý do dẫn đến cuộc chiến đó vì những mục tiêu chính trị thì chỉ là một dạng thức ‘nước mắt cá sấu’, lấy nỗi đau của người làm phương tiện cho mình.

Việt Nam, nếu có học được bài học gì từ Syria để tránh một cuộc qua phân lần nữa, thì đấy là phải mạnh dạn cải cách thể chế, kiến tạo một quốc gia dung hợp tới mức mà mọi người dân, dẫu khác biệt nhau về sắc tộc, tôn giáo, lý lịch, khuynh hướng chính trị đều thấy phần của mình trong đó. Quốc gia chỉ thực sự đoàn kết khi đó, và cũng chỉ nhờ đó mà trở nên văn minh phú cường để đủ khả năng thoát khỏi canh bạc các nước lớn.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 28/08/2018 (nguyenanhtuan's blog)

Published in Diễn đàn

Mô tả vẻ hào nhoáng của Thâm Quyến để bảo vệ đề án đặc khu của Việt Nam thật không thỏa đáng, bởi lẽ không lý giải được vì sao trong hơn 4300 đặc khu trên toàn thế giới tính đến thời điểm này, mà rất nhiều trong số đó được truyền cảm hứng từ thành công của Thâm Quyến, trường hợp thành công không phải chiếm đa số, trong khi con số đặc khu phải vật lột trong tình trạng "bỏ thì thương, vương thì tội" (white elephants/voi trắng) gây lãng phí nguồn lực quốc gia thì không hề nhỏ.

aotuong1

Thâm Quyến, Trung Quốc vào năm 2007

Bởi vậy cần một cách tiếp cận khác : Chỉ ra các điều kiện cần thiết để có một chương trình đặc khu thành công theo kinh nghiệm quốc tế, từ đó so sánh với đề án đặc khu của Việt Nam để ước lượng khả năng thành công của đề án này trước khi lựa chọn một thái độ đối với nó.

Hai học giả Douglas Zeng (Trung Quốc, World Bank), Hyung-Gon Jeong (Hàn Quốc, KIEP) - là những người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về đặc khu, trong một báo cáo có tên Thúc đẩy Tăng trưởng Năng động và Sáng tạo ở Châu Á : Trường hợp Đặc khu Kinh tế và Trung tâm Kinh doanh ấn bản bởi Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) năm 2016, sau khi phân tích các trường hợp đặc khu thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore, Dubai đã chỉ ra 10 điều kiện/yếu tố để một chương trình đặc khu có thể thành công, như là bài học cho các nước đang phát triển [1]. Khuôn khổ bài viết có hạn nên không thể phân tích đối chiếu chi tiết từng vùng đặc khu Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, mà chỉ điểm qua các điều kiện/yếu tố này, và dựa trên đó đưa ra những nhận định về đề án đặc khu của Việt Nam.

Đầu tiên, chìa khóa cho một chương trình đặc khu thành công đến từ cách tiếp cận "toàn thể chuỗi giá trị" (whole of value chain). Nôm na là xem quốc gia ấy nằm ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu, muốn tiến lên vị trí nào cao hơn, và chương trình đặc khu sẽ đóng vai trò gì trong tiến trình ấy. Như Việt Nam chẳng hạn, đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị toàn cầu với một nền kinh tế phụ thuộc vào lãnh vực sản xuất lấy gia công thâm dụng lao động (hàng điện tử, dệt may...) làm chủ lực, thì chương trình đặc khu này sẽ giúp nâng tầm nền kinh tế quốc gia thế nào khi những nơi được chọn đều nằm xa các vùng động lực kinh tế, và lại quá chú trọng tới những lãnh vực tách biệt như casino, nghỉ dưỡng… ?

Điều kiện thứ hai là một khuôn khổ thế chế hiệu quả vốn đòi hỏi cao về tính minh bạch, dễ đoán định, và khả năng tránh được những rủi ro như can thiệp chính trị hoặc đầu cơ đất đai. Trong bối cảnh các nhóm lợi ích bè phái hoành hành ở Việt Nam, chương trình đặc khu đang được giới thiệu chưa đưa ra bất kỳ giải pháp nào ngăn chặn hiện tượng này, nếu như không muốn nói là còn đang hợp thức hóa nó. Nạn đầu cơ đất đai một thời gian dài ở cả 3 địa phương, tệ hơn, còn gợi ý rằng chương trình đặc khu của chính phủ đã thất bại ngay cả khi chưa bắt đầu.

Môi trường kinh doanh hấp dẫn là điều kiện thứ ba cho một dự án đặc khu thành công, và cũng là điểm mà các viên chức chính phủ Việt Nam tỏ ra tự tin nhất khi mà họ thường xuyên đề cập tới mức thuế suất thấp trong đề án của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh đang tồn tại hàng ngàn đặc khu khắp thế giới, miễn giảm thuế (fiscal incentives) không còn đủ hấp dẫn vì đã trở nên quá bình thường. Vậy thì câu hỏi là nếu Singapre nổi bật với chính quyền trong sạch và minh bạch, Hong Kong thừa hưởng di sản thông luật Anh với hệ thống tư pháp độc lập, Hàn Quốc tạo ấn tượng về năng lực bộ máy, Trung Quốc với danh mục đầu tư chọn-bỏ (negative list), thì chương trình đặc khu của Việt Nam có gì đặc biệt để chào hàng các nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế ?

Yếu tố thứ tư là lập kế hoạch, thiết kế và vận hành chương trình đặc khu một cách cẩn trọng, bắt đầu ngay từ nhu cầu của nền kinh tế. Ngoại trừ một vài cái tên đã gom đất trước ở ba địa phương, có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam hiện tại mong chờ đặc khu ? Hay điều họ thực sư cần là chính phủ đẩy nhanh hơn việc cắt giảm thủ tục hành chính vốn đã và đang hành hạ họ hàng thập kỷ vừa qua ? Thêm nữa, dĩ nhiên các viên chức chính phủ sẽ luôn cho rằng họ đã chuẩn bị chu đáo cho đề án này, song thực tiễn thất bại ở các khu kinh tế trước đó (vốn cũng được xếp là một loại đặc khu) thật khó để dư luận không hoài nghi về triển vọng của đề án lần này.

‘Có bột mới gột nên hồ’ - Đội ngũ lao động chất lượng cao là điều kiện thứ năm quyết định thành công của chương trình đặc khu. Và đây cũng là điểm mà đề án của Việt Nam yếu nhất. Trong khi Hong Kong - cảng thị sầm uất Á Đông với truyền thống pháp trị Tây phương trăm năm dễ dàng thu hút chuyên gia khắp nơi trên thế giới, Singapore tự tin với hệ thống giáo dục vượt trội ở Châu Á, đủ sức cung ứng nguồn nhân lực chất lượng toàn cầu, Trung Quốc trông cậy vào Hoa Kiều lúc chập chững làm đặc khu, thì Việt Nam có gì ? Một hệ thống giáo dục lạc hậu bởi giáo điều ý thức hệ mà điển hình là chương trình giáo dục chính trị marxist bắt buộc bậc đại học ; đã thế lại chẳng thể khai thác được nguồn lực kiều dân như Trung Quốc khi mà hồ sơ hòa giải dân tộc vẫn đang bế tắc. 

Điều kiện thứ sáu là tiếp thu công nghệ và sáng tạo không ngừng. Đề án đặc khu của Việt Nam đúng là có mang kỳ vọng thu hút được những dự án công nghệ cao, song như đã nói ở điểm 1, vì không đặt trong tương quan với thực trạng nền kinh tế hiện nay, kỳ vọng này khả năng cao chỉ là một ảo vọng.

Vị trí chiến lược và khả năng kết nối tạo thành điều kiện thứ bảy cho thành công của đặc khu. Đúng là cả ba vị trí được chọn có một số thuận lợi, nhưng nếu so với các trường hợp điển hình thành công trên thế giới như Thâm Quyến, Thượng Hải (Trung Quốc), Masan (Hàn Quốc), Singapore, Hong Kong thì khó có thể nói là vượt trội ? Cả ba vị trí đó có nằm trên tuyến thương mại hàng hải quốc tế nào không ? Có gần thị trường quốc tế rộng lớn nào không ? Có được hậu thuẫn bởi thị trường hoặc tổ hợp công nghiệp nội địa nào không ? Hoàn toàn không.

Yếu tố thứ tám là liên kết với nền kinh tế quốc gia. Những trường hợp đặc khu thành công đều chứng tỏ được khả năng kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các doanh nghiệp địa phương, giúp lan tỏa ảnh hưởng tích cực cho toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, 30 năm thu hút hơn 170 tỷ USD đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng với trọng tâm đặt sai chỗ, Việt Nam đã thất bại trong việc xây dựng nền công nghiệp hỗ trợ tạo đà cho nền sản xuất quốc nội, thì làm sao có thể tin rằng chính phủ lần này sẽ thành công với 3 địa điểm vừa tách biệt về mặt địa lý, vừa khác biệt với phần còn lại của nền kinh tế.

Sự hài hòa giữa phát triển công nghiệp và phát triển xã hội/đô thị là điều kiện thứ chín góp phần cho thành công của đặc khu. Đó phải là những đô thị đáng sống với môi trường trong sạch, hạ tầng phát triển và chi phí cư trú không quá đắt đỏ (ít nhất là giai đoạn ban đầu). Với trường hợp Việt Nam, thực tiễn đầu cơ đất đai và phá hoại môi trường thời gian vừa qua, đặc biệt là ở Phú Quốc, Vân Đồn đang khiến khả năng xây dựng những đô thị đáng sống như trên trở nên xa vời.

Cuối cùng, chương trình đặc khu thành công cần một cơ chế đánh giá hiệu quả khách quan để biết khi nào nên tiếp tục hay dừng lại. Với số tiền khổng lồ dự kiến lấy từ ngân sách quốc gia đầu tư cho các đặc khu, quả thật rất thiếu sót khi đề án hoàn toàn vắng bóng một cơ chế đánh giá như thế để có thể rút ra kịp thời trong trường hợp không thành công như mong đợi.

Tóm lại, xét trên cả 10 điều kiện/yếu tố góp phần vào thành công của một đặc khu theo kinh nghiệm quốc tế, chương trình đặc khu của Việt Nam tỏ ra thật kém cạnh tranh và thiếu triển vọng. Những người bảo vệ đề án này có thể có những lý giải khác nhau, song không khó để nhận ra đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ đề án này. Trong dự thảo luật, họ được gọi tên là "nhà đầu tư chiến lược", còn trên thực địa họ chính là một vài tập đoàn đã gom đất ở ba địa phương này với giá rẻ mạt trong nhiều năm qua, đang chờ luật thông qua sẽ kéo theo hàng tỷ USD mỗi năm (chắt bóp từ ngân sách quốc gia vốn đang eo hẹp) đổ về đầu tư giúp tăng giá trị dự án của họ lên gấp nhiều lần [2].

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 07/06/2018 (nguyenanhtuan's blog)

---

[1] http://www.kiep.go.kr/eng/sub/view.do…

[2] Dự kiến ngân sách nhà nước thời gian tới phải bỏ ra 7,5 tỷ USD cho Phú Quốc, 3,5 tỷ USD cho Vân Phong và 1,7 tỷ cho Vân Đồn - đều là những con số khổng lồ đối với tình trạng ngân sách thâm thủng của Việt Nam hiện nay.

http://baodauthau.vn/thoi-su/von-nha-nuoc-chi-la-von-moi-cho-dac-khu-684...

Published in Diễn đàn
dimanche, 13 mai 2018 23:48

Cái lò có mắt

Vài tháng trước, báo chí đã viết cả trăm bài chứng minh Vũ nhôm đáng tội thế nào : Mua hàng chục công sản (nhà/đất) từ chính quyền Đà Nẵng với giá rẻ mạt không thông qua đấu giá rồi sang tay ăn chênh lệch hoặc giữ lại kinh doanh, phân lô bán nền [1].

cailo1

Toàn cảnh khu Trung tâm Triển lãm Quốc gia Giảng Võ 40 năm tuổi bị phá bỏ để thay bằng khu chung cư và cửa hàng ở trung tâm Hà Nội hôm 13/9/2016 -  AFP

Lò xuất hiện ngay, Vũ nhôm cùng nhiều quan chức Đà Nẵng bị đưa vào lò.

Vài ngày gần đây, báo chí lại dậy sóng vụ Thủ Thiêm. Chỉ đơn cử một doanh nghiệp - Đại Quang Minh - được giao dự án theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT-Build&Transfert) : Tự bỏ tiền ra làm 11km đường và 1,5km cầu Thủ Thiêm 2 (với mức giá được duyệt trên trời - 1.000 tỷ/km đường và hơn 3.000 tỷ cho cầu) để đổi lại nhận tới 105ha đất vàng xây khu đô thị (có nơi bán tới 350 triệu/m2) [2].

Lò đã rục rịch, củi Sài Gòn sắp bị đưa vào lò.

Thế nhưng, cùng lúc đó tại Hà Nội, VinGroup :

Mua lại khu đất 35.075 m2 tại 29 Liễu Giai - một vị trí siêu trung tâm Hà Nội - chỉ với giá 18 triệu/m2 từ SCIC (Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước), trong khi giá thị trường 200-300 triệu/m2, để rồi triển khai dự án tầm cỡ số 1 Hà Nội Vinhomes Metropolis với nhiều khối nhà chung cư từ 43-47 tầng có tổng diện tích sàn 239.330 m2 và bán ra với giá 80-100 triệu/m2 sàn (8-10 tỷ/căn hộ) [3].

cailo2

Mỗi ngày trôi qua, Vingroup của tỷ phú Vượng thu về bao nhiêu tiền?

Bỏ ra 1.500 tỷ thâu tóm 90% cổ phần công ty Triển lãm Giảng Võ thông qua cổ phần hóa (số tiền này thành vốn điều lệ của chính công ty mà VinGroup kiểm soát nên nhà nước không thu được đồng nào) để có được gần 68.380 m2 tại 148 Giảng Võ - một vị trí siêu trung tâm khác ở Hà Nội, với cam kết ban đầu xây dựng Khu Triển lãm quốc gia ở Mễ Trì và Khu Triển lãm quốc tế ở Đông Anh (một hình thức BT).

Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, 75 ha ở Mễ Trì đã được chuyển đổi công năng để làm khu đô thị, trở thành đất đối ứng để VinGroup xây cái gọi là Thành phố Triển lãm ở Đông Anh với diện tích 300 ha. Chưa biết bao giờ Thành phố Triễn lãm này (khởi công năm 2016) sẽ hoàn thành, cũng như chưa có dấu hiệu nào cho thấy khi xây xong sẽ được bàn giao lại cho nhà nước, chỉ biết là 68.380 m2 đất vàng tại Giảng Võ và 75 ha tại Mễ Trì đã được VinGroup lên kế hoạch xây chung cư và khu đô thị cao cấp [4].

Đặc biệt hơn, sau khi VinGroup có được khu đất số 29 Liễu Giai và số 148 Giảng Võ, cả hai khu đất này trở thành hai vị trí duy nhất được UBND Hà Nội "đặc cách" cho phép xây trên 45 tầng ngay trong khu vực nội đô lịch sử - đi ngược với Quy hoạch Vùng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt trước đó (theo đó, phải hạn chế xây dựng cao tầng) [5].

Chiêu thức tương tự - thâu tóm đất công "không thông qua đấy giá" bằng cách mua giá rẻ, cổ phần hóa hoặc điều chỉnh quy hoạch/công năng sử dụng đất - song khác với Vũ nhôm và Thủ Thiêm là những đối tượng mà báo chí tập trung lên án, VinGroup gần như miễn nhiễm với quyền lực thứ tư. Gần một năm trước đây, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã xóa chi tiết VinGroup bị Bộ Tài chính phát hiện mua rẻ khu đất 29 Liễu Giai chỉ vài giờ đồng hồ sau khi đăng tải [6].

Cũng chẳng có tờ báo nào đặt vấn đề vì sao từ UBND Hà Nội cho tới Chính phủ thường xuyên có những điều chỉnh quy hoạch/công năng sử dụng đất có lợi cho VinGroup, chẳng bù với Thủ Thiêm khi báo chí phân tích chi tiết từng văn bản bất hợp lý và bất hợp pháp ra sao.

Tương tự, Văn phòng Chính phủ cũng từng thừa ủy quyền Thủ tướng giao Thanh tra chính phủ đưa cả hai khu đất 29 Liễu Giai và 148 Giảng Võ vào diện thanh tra năm 2017, nhưng tới nay đã hơn 1 năm mà vẫn chưa có kết quả [7].

Báo chí ngó lơ, thanh tra làm ngơ, thế nên dẫu có cả một Vũ nhôm + Thủ Thiêm ngay giữa lòng Hà Nội mà vẫn chẳng thấy cái lò đâu.

Cái lò quả thật có mắt. Chỉ là, như mù.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 13/05/2018

[1] http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ai-da-dong-y-ban-nhieu-nha-dat-cong-san-...

[2] http://www.motthegioi.vn/thoi-su-c-66/dai-quang-minh-lam-4-tuyen-duong-d...

[3]&[7] http://www.asia-pacific.vn/news/detail/loat-sieu-du-an-dia-oc-vao-tam-ng...

[4] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1570321536316067

[5] http://cafebiz.vn/vi-tri-duy-nhat-trong-noi-do-lich-su-ha-noi-duoc-phep-...

[6] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1724004647614421

Published in Diễn đàn

Lửa từ đâu đến ?

Hai năm qua kể từ sau Đại hội, nhân vật nổi bật nhất trên chính trường Việt Nam không ai khác chính là Nguyễn Phú Trọng.

dotlo1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại văn phòng trung ương Đảng ở Hà Nội hôm 6/10/2016 - AFP

Màn đốt lò của ông là chiến dịch chính trị đáng chú ý nhất trong nội bộ đảng cầm quyền vài ba thập kỷ trở lại đây, chẳng những đã thiêu rụi sinh mệnh chính trị của hàng chục cán bộ, tướng tá cao cấp, mà lúc đạt nhiệt độ cao nhất thậm chí còn hóa củi một đương kim ủy viên Bộ Chính trị.

Trong khi các nhà quan sát có thể nhanh chóng đồng thuận về mức độ chưa có tiền lệ của chiến dịch chính trị này, không dễ để có được tiếng nói chung về động cơ và viễn cảnh của nó.

Không ít người tin rằng mục tiêu hàng đầu của chiến dịch là chống tham nhũng, theo đúng cách mà ông Trọng muốn dư luận nhìn nhận. Tuy nhiên, chẳng cần là quan chức chính quyền để nhận ra tham nhũng ở Việt Nam đặc thù cho hệ thống chính trị thiếu vắng kiềm chế và đối trọng hiện hành và được biện minh như là giải pháp cho một chế độ lương bổng bất hợp lý ; bởi vậy, sẽ chẳng thể nào có chuyển biến chỉ bằng việc bỏ vài thanh củi vào lò, trong khi những nguyên nhân căn bản tạo ra quá trình "củi hóa" trên diện rộng vẫn chưa được giải quyết.

Ngay cả khi có nghe được những lời tán dương trong nội bộ, hơn ai hết, ông Trọng thừa hiểu đa phần những đồng chí đang tung hô và đứng về phía ông trong chiến dịch gọi là chống tham nhũng này - các đảng viên cao cấp - đều vượt tiêu chuẩn trở thành đối tượng của chính chiến dịch. Việc họ chọn chỗ đứng như thế đơn giản chỉ vì ‘ở đời phù thịnh chứ ai phù suy’, còn ông Trọng, như bao chính khách khác, luôn cần đồng minh cho chiến dịch chính trị của mình.

Nhưng không phải vì thế mà có thể cho rằng ông Trọng giống đa số những đồng chí cùng thời với ông, tức là chỉ đang tìm kiếm lợi ích kim tiền cho cá nhân, gia đình và phe nhóm của mình. Ngay những người hồ nghi nhất cũng khó có thể tin là ông Trọng đang làm mọi thứ vì tiền bạc, trong khi chẳng có dấu hiệu gì dù là nhỏ nhất cho thấy ông đang sắp đặt một vương triều cho thân nhân tiếp quản.

Chuyện thâu tóm quyền lực để ôm ghế suốt đời như Tập Cận Bình lại càng xa lạ với thực tế chính trị Việt Nam khi mà bộ máy được thiết kế để chẳng ai có đủ quyền để làm điều gì đó lớn, như là kết quả từ cơn ám ảnh chưa bao giờ dứt về bóng ma Gorbachez trong lòng người cộng sản Việt Nam.

Cũng có nhiều đồn đoán chiến dịch của ông Trọng nhắm trực tiếp vào cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và mạng lưới thân tín của ông ta, song thực tế chiến dịch cho thấy phạm vi, tính chất của nó chẳng hề giới hạn nơi một cá nhân cụ thể nào.

Vậy thì động lực thực sự của chiến dịch là gì ? Hay nói cách khác, lửa đốt lò từ đâu mà đến ?

Ngoài đảng chẳng có trời

Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần một nỗ lực phác thảo chân dung ông Trọng. Không khó để nhận ra qua các bài viết, bài nói và cả hành động của ông Trọng một cán bộ quan liêu cộng sản kiểu cũ điển hình - một kiểu người mà ngoài Đảng ra thì không có trời.

Đắm chìm cả đời trong phương pháp luật mác-xít về chính trị, nhãn quan chính trị của ông Trọng bị kẹt trong trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản, nơi mà "sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng" được diễn dịch là "sự lãnh đạo tuyệt đối của hệ thống quan liêu trong Đảng - tức các thiết chế nội bộ Đảng như các Ban đảng" (có thể tạm gọi là "Phe Đảng"). Trật tự này gắn liền với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nơi chỉ thị và nghị quyết của cấp ủy đảng là công cụ điều hành xã hội chính yếu, và đồng nghĩa với đó, các Ban đảng trở thành nơi tập trung quyền lực của hệ thống.

Tất cả đã khác đi khi Việt Nam bắt đầu chuyển đổi mô hình sang kinh tế thị trường (một phần), dẫn đến nhu cầu quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật. Mà muốn thế thì vai trò của các cơ cấu tạo ra và thi hành pháp luật trở nên ngày một quan trọng. Từ Võ Văn Kiệt đến Phan Văn Khải đã chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực từ Văn phòng Trung ương Đảng sang Văn phòng Chính phủ. Quá trình chuyển dịch này đạt cao điểm dưới thời Nguyễn Tấn Dũng khi hàng loạt Ban Đảng đã phải giải thể hoặc sáp nhập.

Phe Chính phủ bằng cách đó đã hình thành và lớn mạnh bằng một tốc độ gây chóng mặt Phe Đảng. Họ chiếm cứ lợi ích kim tiền gắn liền với vai trò quản lý nguồn lực quốc gia mà họ được giao phó, chỉ nhường lại Phe Đảng những trận địa truyền thống bao gồm nhân sự, tổ chức bộ máy và tuyên truyền. Thậm chí, dưới thời Nguyễn Tấn Dũng, Phe Chính phủ còn không ít lần lấn sân cả sang cả những trận địa này.

Sự suy yếu của Phe Đảng ngay lập tức gia tăng mức độ ly khai của các cơ cấu khác khỏi vòng kiềm tỏa của nó, trong đó nổi bật lên là Phe Công an, Phe Quân đội và Thế lực địa phương với động lực đến từ xung đột cấu trúc (structural conflict) cố hữu cộng với mức độ tự chủ nhất định của các thế lực ly khai, nhất là về mặt tài chính.

Nếu xu hướng này tiếp tục, trật tự kiểu cũ của thể chế cộng sản như nó nên là trong nhãn quan Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ sụp đổ. Bởi thế, chẳng phải tham nhũng, cũng không hề là một cá nhân cụ thể, hay động lực kim tiền, mà chính nguy cỡ đổ vỡ trật tự khi mà các cơ cấu ly khai khỏi vòng kiềm tỏa của Phe Đảng, mới đích thị là mối bận tâm lớn nhất của ông Trọng khi người bôn-sê-vích cuối cùng của Việt Nam này tin rằng ông đang mang trọng trách bằng mọi giá phải giữ cho Đảng được trường tồn.

Bốn hướng tấn công

Không cần đợi đến Đại hội XII, ông Trọng, trong vài năm trước đó, đã có những động thái nhằm tái lập trật tự : Chuyển Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng từ Chính phủ sang Đảng, tái lập Ban Nội chính và Ban Kinh tế trung ương, trước khi dùng lá bài luân chuyển cán bộ đưa hàng chục Ủy viên trung ương là Bí thư các tỉnh thành về củng cố quyền lực cho các Ban Đảng.

Tuy nhiên, phải đến sau Đại hội với sự thúc thủ của đối thủ chính trị nguy hiểm nhất, ông Trọng mới rảnh tay để thực hiện những bước đi chiến lược. Là bậc thầy về quy chế Đảng, ông Trọng dễ dàng có được sự đồng thuận của Ban chấp hành trung ương đối với các nghị quyết khẳng định quyền lực tối cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư với sinh mệnh chính trị của tất cả đảng viên cao cấp. Ban chấp hành trung ương, dưới quy chế mới, sẽ chẳng thể nào làm phao cứu sinh thêm được nữa cho những cán bộ đã bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật, như từng xảy ra với Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ trước đây.

Sắp xếp quy chế nội bộ chưa đủ, ông Trọng còn phải tiến hành những đợt tấn công ra bên ngoài để thu phục các thế lực ly khai. Có 4 hướng tiến công chính :

Đầu tiên để kiểm soát Phe Chính phủ vốn được coi là nguy hiểm nhất, ông ủng hộ một người mà ông tin là dễ bảo nhất - Nguyễn Xuân Phúc. Để an tâm hơn, ông trực tiếp tham gia Phiên họp Chính phủ thường kỳ trong một động thái có tính biểu tượng, đồng thời tước quyền của Thủ tướng trong việc bổ nhiệm lãnh đạo các Tập đoàn nhà nước, chuyển về cho Phe Đảng.

Tiếp theo ông nhắm vào các thế lực địa phương được coi là cứng đầu nhất (nhiều lần bất tuân trung ương), bao gồm Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đào xới tận gốc rễ mạng lưới cố kết quyền lực tại từng địa phương này nhằm gửi thông điệp tới các địa phương khác.

Hai thế lực Công an và Quân đội chắc chắn khiến ông Trọng nhức đầu hơn rất nhiều, đơn giản là cả hai đều có súng. Bởi thế, đầu tiên ông dọa hất đổ nồi cơm của Quân đội bằng cách nói gần nói xa về việc cấm làm kinh tế. Tuy nhiên đây chỉ là đòn gió để thu phục Phe Súng Lớn, để rồi sau đó dùng nó để tấn công Phe Súng Bé - Công an.

Đối với Phe Súng Bé, một mặt ông tham gia Đảng ủy Công an Trung ương để dễ bề kiểm soát từ nhân sự, tổ chức cho tới vận hành, mặt khác tấn công ngay vào mạng lưới kinh tài của họ - các công ty bình phong. Mất chỗ dựa tài chính, việc các tướng công an phải quy phục Phe Đảng chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chưa có dấu hiệu gì cho thấy 4 hướng tấn công này sẽ sớm ngưng lại, nghĩa là, nhiều khả năng sẽ tiếp tục ít nhất đến hết nhiệm kỳ này. Riêng Phe Súng Lớn - Quân đội, trong nửa nhiệm kỳ đầu, vì nhiều lý do mà chưa bị nhắm đến nhiều dù nguy cơ và mức độ ly khai chẳng hề kém cạnh Phe Công an, được dự đoán sẽ chứng kiến nhiều đợt tấn công hơn, với nhiều hơn những tướng tá bị đưa vào lò.

Tóm lại, trong một thời gian không quá dài, bằng việc âm thầm cải sửa quy chế nội bộ lẫn dồn dập tiến công chính trị theo 4 hướng trên, ông Trọng đã tương đối thành công trong việc ngăn chặn xu hướng ly khai của các thế lực cơ cấu trong hệ thống, đồng thời từng bước tái lập trật tự kiểu cũ với Phe Đảng làm trung tâm. Tuy nhiên thành công này lại tiềm ẩn bên trong một thất bại nghiêm trọng : Đã chẳng có bất kỳ cải cách đột phá nào về mặt thể chế nhằm chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả trong khi vẫn giữ được vị thế độc tôn của đảng. Điều này buộc ông Trọng phải quay về với giải pháp lỗi thời là kêu gọi đức trị và tự mình, dựa trên thanh danh bản thân, sắm vai minh quân với một mức độ tập trung quyền lực cao hơn. Nhưng đó cũng là lúc ông Trọng lót đường cho một cuộc khủng hoảng người kế nhiệm trong hơn hai năm tới, khi mà chiếc áo đức trị ông để lại có vẻ quá rộng với tất cả các ứng viên, còn quyền lực của vị trí Tổng Bí thư thì lại không ngừng được mở rộng trong suốt nhiệm kỳ.

Nghĩa là, vấn đề ‘hôn quân’ (‘bad emperor’ problem) - vấn đề cốt tử của mọi nền chính trị thiếu vắng bầu cử tự do dân chủ, sẽ nhanh chóng xuất hiện với những hệ quả chưa thể báo trước.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 29/04/2018

(nguyenanhtuan's blog)

Published in Diễn đàn

Không khó để cảm nhận được nỗi hoang mang của các giáo viên ở huyện Krong Pak, Đăk Lăk khi đột ngột nhận được quyết định thanh lý hợp đồng, đồng nghĩa với việc chẳng những vỡ mộng vào biên chế ổn định suốt đời, mà còn buộc phải chia tay với bục giảng sau nhiều năm gắn bó, để bắt đầu một tương lai bất định.

giaovien0

"Ai trả cho chúng tôi tuổi thanh xuân ?"

Tuy nhiên, họ sẽ không cô độc khi mà tới đây sẽ có hàng chục ngàn giáo viên khác trên khắp cả nước rơi vào tình cảnh tương tự.

Cớ sự là vì Hội nghị Trung ương 6 tháng 9 năm ngoái về đổi mới hệ thống chính trị, thay vì đặt trọng tâm vào cắt giảm biên chế hành chính và công an một cách đáng kể nhằm giảm nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp, thì lại nhắm vào đối tượng chính là viên chức sự nghiệp (y tế, giáo dục...) vốn cung ứng những nhu cầu thiết yếu liên quan tới chất lượng cuộc sống của người dân [1].

Nghe có vẻ như một lựa chọn ngược đời, nhưng chẳng đáng ngạc nhiên chút nào, vì :

(1) nhóm hành chính và công an có ưu thế về quyền lực hơn hẳn so với y bác sĩ hay thầy cô giáo của khối sự nghiệp để phản ứng lại kế hoạch giảm biên chế, và

(2) giảm biên chế ở khối sự nghiệp còn giúp chính quyền chuyển được gánh nặng trong việc cung ứng phúc lợi xã hội cho người dân khi mà đi cùng với đó là bệnh viện, trường học dần phải tự chủ tài chính và lộ trình là chỉ 3 năm nữa người dân phải trả đầy đủ các chi phí y tế, giáo dục.

Vấn đề này lại còn đặc biệt trầm trọng trong ngành giáo dục. Khoảng chục năm qua, lợi dụng việc phân bổ giáo viên không hợp lý (thừa thiếu cục bộ), giới lãnh đạo giáo dục ở các địa phương (sở, phòng, hiệu trưởng) đã phóng đại tình trạng thiếu giáo viên để tuyển ào ạt các giáo viên hợp đồng, mà vài trăm con người đang hoang mang ở Đăk Lăk là một phần nhỏ trong số đó.

Các cấp lãnh đạo giáo dục này thực sự nhắm tới điều gì khi làm như vậy ? Đơn giản thôi, 100-200 triệu cho mỗi trường hợp được chia theo tỷ lệ nội bộ họ tự biết với nhau. Đây là nguồn cơn của những câu chuyện mà chúng ta nghe đã nhàm tai ở Việt Nam khi một người quen nào đó có con cái vừa tốt nghiệp ngành sư phạm.

Ấy cũng là câu trả lời cho thắc mắc của nhiều thầy cô ở Đăk Lăk là vì sao lãnh đạo biết thừa biên chế mà vẫn ký hợp đồng [2]. Ký cho vài người được vài trăm triệu thì vài chục người, vài trăm người sẽ kiếm được tiền tỷ, chục tỷ, thì tội gì không ký khi mà nhiệm kỳ của mình có được bao lâu và không dễ để ngồi được vị trí này.

Đổi tiền lấy biên chế trở thành một thứ "bình thường mới" trong xã hội Việt Nam. Chỉ có điều trong trường hợp này các gia đình xuống tiền cho con em đi dạy có lẽ đã bắt đầu hiểu, hóa ra tiền của họ chỉ đổi được một hi vọng có biên chế, chứ không phải là biên chế. Vậy nên biết bao người chấp nhận gắn bó cả chục năm trời với đồng lương hợp đồng thấp lè tè ; ấy cũng chỉ là để nuôi mộng một ngày vào được biên chế để ổn định suốt đời.

Mà càng như thế thì lại càng làm giàu cho lãnh đạo ngành giáo dục - những người chỉ cần ve vẩy vài tờ giấy biên chế đủ khiến rất nhiều giáo viên hợp đồng phải bỏ tiền bạc và rất nhiều thứ khác nữa vào cuộc đua mà chỉ một số ít đánh đổi nhiều nhất mới giành được chiến thắng.

Bởi thế, điều tệ hại nhất trong chế độ chúng ta đang sống đôi khi không nằm ở sự đàn áp, mà ở chỗ khiến con người ta, ngay cả khi giản dị chỉ muốn làm giáo viên, cũng dây không ít thì nhiều vào vòng bất lương. Nghĩa là, ai cũng phải đóng cả hai vai, thủ phạm lẫn nạn nhân, trong cùng một bi kịch.

Người nữ giáo viên trong clip đang lan truyền trên mạng xã hội đã đặt câu hỏi thật hay : "Ai trả cho chúng tôi tuổi thanh xuân ?". Có thể hiểu là cô ấy đang đòi lại những gì đã bỏ ra - tiền bạc, thời gian, công sức - cho giấc mơ biên chế từng được hứa hẹn nhưng nay đã tan thành mây khói. Xin đáp với cô giáo thế này, chẳng ai giúp được cô ngoài chính cô và những người đã, đang và sẽ chịu chung cảnh ngộ với cô. Thay vì than vãn, van nài, khóc lóc, hãy tập hợp nhau lại, bắt đầu từ huyện Krong Pak, sau đến tỉnh Đăk Lăk và rồi trên cả nước, bằng bất cứ phương cách nào có thể, từ truyền thông cho đến đình công, từ lên mạng đến xuống đường, để đòi lại công bằng cho mình và những người chung cảnh ngộ với mình. Không đứng lên bằng tất cả khả năng của mình và dám chấp nhận rủi ro từ việc đứng lên đó, thì làm sao xứng đáng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.

Khi mà thầy cô, tuy có lợi thế từ sự trọng vọng của xã hội, nhưng chẳng thể tập hợp được để có một tiếng nói đủ trọng lượng trong chính sách giáo dục quốc gia, cách thức tuyển dụng giáo viên cũng như lựa chọn lãnh đạo giáo dục thì thân phận của các thầy cô rồi đây cũng chỉ như những nhân viên thời vụ, bấp bênh trước cảm tình yêu ghét tùy tiện của chủ nhân ông - những lãnh đạo ngành giáo dục mà thôi.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 10/03/2018

[1] https://vov.vn/chinh-tri/dang/tiep-tuc-sap-xep-to-chuc-lai-cac-don-vi-su...

[2] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/thua-giao-vien-nhung-van-ky-...

Published in Diễn đàn
dimanche, 25 février 2018 22:49

Bệnh viện cho dân & Nghĩa trang cho quan

Đi vay 25 triệu USD (~570 tỷ VND) để đầu tư cho bệnh viện, trong khi dùng gần gấp 3 lần số đó, 1.400 tỷ, từ ngân sách quốc gia, tức tiền thuế của dân, để xây nghĩa trang cho quan chức, đủ để thấy đâu là ưu tiên của những người cầm quyền.

benhvien1

Ưu tiên nghĩa trang hơn là bệnh viên, tức là ưu tiên người chết hơn người sống (hoặc còn khả năng sống), nghe có vẻ bất hợp lý, song đối với những người ra quyết định này, lại hợp lý vô cùng. Vì sao ư ?

Này nhé, quốc tế cho vay làm bệnh viện, chứ sức mấy họ chịu cho vay để làm nghĩa trang. Vậy thì phải lấy tiền thuế dân làm nghĩa trang cho mình, còn bệnh viện thì cứ nhờ quốc tế lo giúp.

Thêm nữa là mấy cái bệnh viện chật chội, hôi hám ấy mình và người thân có bao giờ đến đâu. Có vấn đề gì về sức khỏe thì sang Mỹ, Pháp, không muốn đi xa thì Nhật, Singapore. Khi nào thấy không qua khỏi thì mới ghé về bệnh viện nước nhà tí để tiện chia tay người thân. Vậy nên ưu tiên bệnh viện làm gì, trong khi nghĩa trang mới là nơi mình yên giấc nồng ? Phải đẹp, sang, đắc địa, đặng gần gũi con cháu mình cho vui vầy ấm cúng.

Cuối cùng là đám dân đen, ào ào phản đối vài hôm rồi thôi, tiền đúng là của chúng nó nhưng quyền thì ở mình, chúng cũng chả đuổi mình đi được. Mình cứ làm thế đấy, xem ai làm được gì ? Giờ đã 2-3 người/giường rồi mà chưa biết thân, ồn ào quá mình cắt luôn mấy khoản vay nâng cấp bệnh viện thì thành 4-5 người/giường luôn xem còn dám ho he gì không nhé.

Vậy đấy, nếu chúng ta thực sự tin rằng người thân chúng ta lúc ốm đau bệnh tật xứng đáng có cơ hội được chữa trị tốt hơn, với một khả năng sống sót và hồi phục cao hơn, chúng ta phải làm gì đó thêm nữa, hơn là chỉ than vãn.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 25/02/2018 (nguyenanhtuan's blog)

---

https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/1-400-ty-dong-xay-nghia-trang-quoc...

http://www.nhadautu.vn/benh-vien-cho-ray-se-duoc-dau-tu-25-trieu-usd-ban...

Published in Diễn đàn