AVG : Ai đứng sau bản án nhạo báng công lý ?
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 31/12/2019
Vậy là Phạm Nhật Vũ đã bị tuyên mức án 3 năm tù giam sau khi ‘trộm’ không thành 8.900 tỷ của công trong phi vụ AVG.
Em trai Phạm Nhật Vượng nhẹ tội ‘nhờ làm công đức nhiều’ cho ‘Phật giáo quốc doanh’ - Ảnh ông Phạm Nhật Vũ (thứ hai, trái qua) trong một lần đưa cả trăm nhân viên AVG đến tu tập tại tổ đình Viên Minh ở Hà Nội. (Hình: Phatgiao.org.vn)
So với nhiều vụ xử các kẻ trộm khác mà dù đồ ăn trộm giá trị kém gấp trăm ngàn lần vẫn bị mọt gông, bản án quá nhẹ dành cho Vũ không khác một sự nhạo báng công lý.
Để khỏa lấp sự lố bịch của bản án này, nhiều trò đã được họ bày ra. Nào là 2000 tổ chức, cá nhân xin khoan hồng cho Vũ. Nào là Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng triệt để các quy định pháp luật để án Vũ được giảm nhẹ.
Tuy nhiên, những người bày trò này quên mất một điều rằng cách công chúng đánh giá sự việc không giống những gì họ hình dung.
Vũ đưa hối lộ để thực hiện phi vụ rút tiền nhà nước thì công luận có thể cho rằng 2000 tổ chức, cá nhân cũng đã nhận được gì đó để xin cho Vũ. Mà thế thì sao tin được.
Tương tự, ai đời Viện Kiểm sát - bên thực hành quyền công tố, tức buộc tội - lại kể công của bị cáo, không khác gì luật sư ? Một phiên tòa công bằng cần hai bên buộc tội và gỡ tội phải đi đến cùng lý lẽ của mình trước tòa để dựa trên đó tòa đưa ra phán quyết. Đằng này, bên công tố lại đóng luôn vai bào chữa cho bị cáo thì còn gì là công bằng.
Bởi vậy, có thể nói những trò bày vẽ nhằm che giấu bản án 3 năm lố bịch kể trên đã thất bại hoàn toàn, nhất là trong mắt công chúng.
Thêm nữa, nên nhớ rằng AVG là vụ án trong diện Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống Tham nhũng theo dõi. Ban siêu quyền lực này ắt hẳn sẽ chỉ đạo nghiêm ngặt từng diễn biến của vụ việc, từ điều tra, khởi tố cho đến tuyên án. Không thể có mức án 3 năm ở trên nếu không có sự đồng ý của Ban Chỉ đạo ; hay nói cách khác, đây là mức án mà Ban Chỉ đạo - đứng đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng - lựa chọn cho Phạm Nhật Vũ và phi vụ ăn trộm 8,900 tỷ tài sản nhà nước của ông ta.
Phần rút ra kết luận xin nhường lại độc giả.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/12/2019 (nguyenanhtuan's blog)
******************
Bắt Phạm Nhật Vũ để bắt tiếp con gái cựu Thủ tướng Dũng ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 15/04/2019
Vì sao khơi lại vụ ‘MobiFone mua AVG’ ?
Vụ ‘MobiFone mua AVG’ tưởng như đã chính thức đóng hồ sơ vào cuối năm 2018, khi Hội nghị trung ương 9 đã chỉ ‘cách hết chức vụ’ đối với cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son nhưng lại không đụng chạm gì đến người đồng chí cùng chiến hào và cùng chức vụ với Son là Trương Minh Tuấn. Thậm chí sau hội nghị này, Tuấn vẫn giữ nguyên được cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương như một lá bùa hộ mệnh.
Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Thanh Phượng và Lê Nam Trà. Nguồn : internet
Trước đó, những cái tên quan chức bị ‘đóng hòm’ chỉ là giới lãnh đạo của MobiFone như Cao Duy Hải, Lê Nam Trà, Phương Anh và quan chức quản lý Phạm Đình Trọng, nhưng không hề hiện ra cái tên Phạm Nhật Vũ - lãnh đạo Công ty AVG và là em trai của tỷ phú đô la số một Việt Nam là Phạm Nhật Vượng.
Về phần mình, Phạm Nhật Vượng có vẻ đã làm những gì có thể cho em trai mình : gần 8.000 tỷ đồng cả ‘gốc’ lẫn tiền lãi đã được nộp lại cho đảng như một cách ‘khắc phục hậu quả’. Ngân sách rốt cuộc đã thu hồi tiền và chẳng mất mát gì. Theo lẽ thường tình của bộ máy pháp đình xã hội chủ nghĩa, vụ việc hay vụ án chỉ dừng ở đó và chỉ mang tính cảnh cáo răn đe là chính, chứ không phải là một cuộc truy đuổi hình sự rốt ráo như cái cách mà Bộ Công an mới khởi tố và tống giam Phạm Nhật Vũ vào trung tuần tháng 4 năm 2019.
Trong bối cảnh ấy, tội danh ‘đưa hối lộ’ được quy về Phạm Nhật Vũ, rất đồng pha với việc hai cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố thêm tội danh ‘nhận hối lộ’, là một động thái tố tụng hình sự mới tinh và khiến cho nhiều người ngạc nhiên, tuy đa số dư luận vẫn ủng hộ phương án ‘Tổng tịch’ phải xử lý nghiêm vụ ‘MobiFone mua AVG’ bằng tòa án chứ không phải các cuộc họp chi bộ chỉ để ‘kiểm điểm’.
Vì sao vụ ‘MobiFone mua AVG’ được khơi lại, mà lại khởi theo cái cách ‘dám’ bắt cả em trai của một tỷ phú đang sở hữu một tập đoàn kinh tế tư nhân không chỉ có thể khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam mà còn được xem là chỗ dựa của nhiều quan chức cao cấp?
Phạm Nhật Vũ có phải là nhân vật cuối cùng bị bắt trong vụ ‘MobiFone mua AVG’, hay còn những nhân vật khác và ‘chúa’ hơn sẽ tiếp nối ?
Phải chăng cái đích trong vụ ‘MobiFone mua AVG’ mà Nguyễn Phú Trọng nhắm tới phải là ‘sâu chúa’, còn những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng chỉ là loại làm thuê ?
Hãy nhìn lại một nhân vật mà từ đầu đến cuối được xem là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’: Nguyễn Thanh Phượng.
"Công chúa" nắm vai trò gì ?
Theo một số thông tin xuất hiện rải rác trên mạng xã hội bắt đầu từ năm 2015 và đặc biệt nổi bật vào đầu năm 2018 khi Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’, Nguyễn Thanh Phượng (nguyên chủ tịch ngân hàng Bản Việt) đã đưa Lê Nam Trà lên ghế Chủ tịch Mobifone để cùng Phạm Nhật Vũ tính kế vụ AVG, chỉ đạo bốn công ty định giá trong việc nhào nặn số liệu để đưa AVG lên mức giá cao hơn 9 lần giá trị thực. Khi bị khởi tố bắt giam, chắc chắn Phạm Nhật Vũ sẽ khai ra danh sách các quan chức nhận tiền lại quả của vụ AVG (người ít thì nhận vài chục tỷ, người nhiều thì nhận đến gần nghìn tỷ)…
Có 4 đơn vị tư vấn thẩm định giá "thương vụ mafia" AVG là Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) thẩm định là 24.548 tỷ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng Kiểm toán AASC thẩm định 33.299 tỷ đồng ; Hà Nội Value thẩm định 18.519 tỷ đồng. Còn Công ty Tư vấn Đầu tư và thẩm định giá AMAX đưa ra con số thẩm định là 16.565 tỷ đồng, trong đó, giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng.
Sau đó, kết quả định giá của AMAX được Mobifone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.
Trong khi AASC và VCBS đều là những thương hiệu lớn, thì Hanoi Value và AMAX đều là công ty rất nhỏ, vốn điều lệ của Hanoi Value chỉ là 1 tỷ đồng và của AMAX chỉ là 3,8 tỷ đồng. Với khả năng tài chính như vậy, việc Hanoi Value và AMAX được tham gia tư vấn cho một dự án lớn tính bằng trăm triệu đô đến tỷ đô như vậy là kỳ quái.
Chỉ một năm sau khi thương vụ thẩm định giá trên hoàn thành, Hanoi Value đã chuyển thành công ty mỹ viện, chuyên chăm sóc sắc đẹp. Còn AMAX vẫn là một công ty nhỏ với vốn điều lệ giữ nguyên 3,8 tỷ và gần như không có gì nổi bật sau khi được nhận một thương vụ rất lớn như thế. Người đại diện pháp lý và là Tổng giám đốc là Võ Văn Mạnh, một Thạc sĩ giảng dạy tại Fulbright.
Ngay sau khi kết luận thanh tra vụ "Mobifone mua AVG" của Thanh tra Chính phủ nhận được sự chấp thuận của Chính phủ để chuyển sang cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an, một hiện tượng đáng chú ý là một số tờ báo nhà nước đã xoáy vào trách nhiệm của công ty tư vấn thẩm định giá vụ AVG, đặc biệt đặt dấu hỏi "AMAX là công ty nào ?", trong khi không quan tâm lắm đến vai trò của các công ty tư vấn lớn hơn nhiều là AASC và VCBS.
Một luồng dư luận cho rằng "Manh mối nằm ở đây. AMAX chính là công ty của Phượng, dù Phượng không hề đứng tên hay sở hữu chút cổ phẩn nào ở đó. Và 3 đơn vị kia chỉ là chân gỗ được sắp xếp vào và cố tình hét giá cao nhất để AMAX được nhận làm kết quả… Điểm cuối của những bài điều tra chắc chắn sẽ là AMAX, nói đúng hơn, là tìm đến công chúa Nguyễn Thanh Phượng".
Nguyễn Thanh Phượng lại là con gái ruột của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
‘Sâu chúa’ là những ai ?
Vào năm 2015 và ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, trên mạng xã hội xuất hiện một bản giải trình 12 điểm được cho là của ông Nguyễn Tấn Dũng - khi đó còn là thủ tướng - gửi Tổng bí thư và Bộ Chính trị, trong đó có nội dung giải trình về tài sản của "cháu Nguyễn Thanh Phượng" và việc bà Phượng lấy chồng là con trai của một quan chức thuộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng việc bà Nguyễn Thanh Phượng không có tên trong kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ vào tháng 3 năm 2019 cho thấy một khả năng : không chỉ bà Nguyễn Thanh Phượng có thể "thoát" vụ "Mobifone mua AVG", mà cả cha con Nguyễn Tấn Dũng vẫn tạm thời an toàn.
Từ "tạm thời" có lẽ là hợp lý nhất trong một chính trường luôn xáo trộn, nơi mà những hứa hẹn, cam kết luôn đầy sắc thái ma mị và có thể bị hủy bỏ, lộn ngược vào bất kỳ lúc nào.
Nhưng giờ đây, thời thế đang lộ ra sự lộn ngược của nó khi một lý lẽ như đinh đóng cột đang dần hiện ra: đã bắt Tuấn và Vũ, không thể không bắt Phượng.
Bởi theo logic vốn phải thế, một khi Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã khai ra nhận hối lộ từ Phạm Nhật Vũ, sẽ đến lượt Vũ và hai nhân vật của AMAX vừa bị bắt cùng Phạm Nhật Vũ là Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh và nhân viên - phải khai ra ai là ‘tổng đạo diễn’ vụ ‘MobiFone mua AVG’.
Trước đó, dường như Nguyễn Phú Trọng đã không có được những lời khai đắt giá ấy từ hai phiên tòa xử Đinh La Thăng vào đầu năm 2018 và cả từ đại gia ngân hàng Trần Bắc Hà - kẻ được xem là thũ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng bởi thế, 2018 là năm mà ông Trọng loay hoay với những vụ án lớn, nhưng chỉ lớn và kéo dài đến nửa đoạn đường dẫn đến cửa nhà cựu thủ tướng Dũng. Cái còn thiếu là bằng chứng theo nguyên tắc ‘án tại hồ sơ’.
Vụ ‘MobiFone mua AVG’ là sự tiếp nối của vụ Junin 2 (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiều dấu hiệu hối lộ đến 584 triệu USD cho các quan chức Venezuela để nhận được quyền khai thác dầu khí tại mỏ Junin 2) - cả hai đều phảng phất bóng dáng Nguyễn Tấn Dũng.
Dấu hỏi còn lại : Nguyễn Thanh Phượng có phải là ‘sâu chúa’ mà Trọng muốn bắt ? Hay còn ai nữa ?
Logic là thế, nhưng thực tế diễn biến ra sao lại phải chờ ‘Tổng tịch’ có qua được cơn hiểm nghèo ‘tai biến’ vừa xảy ra với ông ta tại Kiên Giang - nơi được xem là căn cứ địa cách mạng của gia độc Nguyễn Tấn’ - vào ngày 14/4/2019 hay không.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 15/04/2019
Bộ Tài nguyên và môi trường vào ngày 19/12/2019 họp với các bộ, ngành, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài. Vì sao không cho báo chí họp về ô nhiễm không khí ?
Bộ Tài nguyên và môi trường vào ngày 19/12/2019 họp với các bộ, ngành, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài. Courtesy monre.gov.vn
Trả lời RFA hôm 19/12, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nguyên Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhận định lý do vì sao báo giới không được dự cuộc họp liên ngành về ô nhiễm không khí do Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì ngày 19 tháng 12 :
"Vừa rồi Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đưa ra giải pháp công khai trên TV rồi, còn chuyện các phóng viên bị đuổi ra ngoài thì Chị chưa biết, nhưng nếu có chuyện đó thì Chị nghĩ cũng không nên, cái này có gì đâu mà bí mật, ô nhiễm không khí thì tất cả người dân phải được biết chứ. Cũng có thể có khía cạnh nào đấy, có thể người ta chưa muốn. Bởi vì thật ra mà nói, nếu số liệu chưa chính xác, hay khi thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, nếu đưa tin thì có thể người dân hoang mang. Cũng có ý kiến tích cực, nhưng cũng có ý kiến chưa chính xác, Bộ chưa xác nhận được, mà đưa lên báo, mỗi người một nhận thức khác nhau. Tôi nghĩa Bộ Tài nguyên và môi trường cẩn thận thôi".
Theo Tiến sĩ Trần Duy Bình, vấn đề này cũng có nhiều yếu tố nhạy cảm, ảnh hưởng tư tưởng người dân, có thể gây hoang mang. Vì vậy Bộ Tài nguyên và môi trường cân nhắc, đề phòng, chứ để xã hội hoang mang cũng không nên.
Trong khi trước đó vào ngày 14/12/2019, sau nhiều ngày không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bị báo động ô nhiễm trầm trọng, Bộ Y Tế chính thức đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.
Tuy nhiên Bộ Tài nguyên và môi trường lại hành xử ngược lại, là mời báo chí ra ngoài khi họp về ô nhiễm không khí.
RFA vào ngày 19/12 cũng liên lạc anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động xã hội tại Hà Nội, và được anh cho biết nhận xét của mình :
"Về việc Bộ Tài nguyên và môi trường họp về ô nhiễm không khí mà mời phóng viên ra ngoài thì mình có nhận xét thế này, kể từ vụ Formosa tới giờ, mình thấy một điểm rất rõ về Bộ Tài nguyên và môi trường, văn hóa của Bộ này không phải là văn hóa minh bạch. Mặc dù luật quy định rất rõ, rất báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng suốt thời gian qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã không thực hiện đúng quy định đó trong thời gian rất dài, tức đây là sự vi phạm có hệ thống".
Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đối với cuộc họp về ô nhiễm không khí, là vấn đề đang nhức nhối hiện nay ở Việt Nam, lại một lần nữa chứng tỏ thói quen, văn hóa bưng bít thông tin của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Thành phố Hà Nội, ảnh minh họa. Courtesy monre.gov.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/12 cho biết, ứng dụng quan trắc PAM Air cho thấy AQI tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều vượt mức 200, tức rất nguy hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, ứng dụng AirVisual hôm 13/12 cũng xếp Hà Nội bị ô nhiễm không khí nhất thế giới với điểm AQI 316. Chất lượng không khí tại Tây Hồ bị xác nhận ô nhiễm nhất với điểm số cao đặc biệt 405.
Tuy nhiên khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) vẫn chưa có thông báo hay khuyến cáo liên quan.
Một người từng làm trong ngành truyền thông, nay sinh sống ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Khánh, chia sẻ với RFA một thực tế mà anh từng trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp báo chí cũng như làm việc trong cơ quan nhà nước :
"Tôi từng làm báo ở báo Tiền Phong, ở Ban Khoa giáo từ năm 2012 đến 2017. Thực tế các Bộ và các cơ quan thuộc chính phủ, hay xã huyện thông thường khi mời họp báo họ chỉ muốn phát biểu 1 chiều, chỉ muốn đọc như thông cáo, còn báo chí hỏi thì họ thường trả lời rất chung chung, quanh co, hoặc họ nói sẽ trả lời bằng văn bản. Cho nên việc Bộ Tài nguyên và môi trường mời báo chí ra ngoài là không có gì lạ. Chúng tôi từng họp báo ở Bộ Giao thông và vận tải, họ không cho phóng viên hỏi gì, chỉ ngồi nghe, rồi họ phát cho thông cáo báo chí rồi họ mời về…".
Theo anh Khánh, việc mời phóng viên ra ngoài trong buổi họp báo dù bất kỳ lý do gì cũng vi phạm luật báo chí 2013 ; thế nhưng chuyện này không có gì lạ ở Việt Nam.
Cho đến ngày 14/12, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường công bố thông tin cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong cả tuần qua, từ ngày 7/12 đến 13/12 có xu hướng tăng lên so với tuần trước đó.
Theo chỉ số được công bố, trong các ngày 10/12 đến ngày 13/12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.
Trong khi trước đó, khi người dân và các chuyên gia cảnh báo báo ô nhiễm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng thường cho rằng vẫn an toàn.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nhận định :
"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì do nhiều nguyên nhân, trong đó người dân gây ô nhiễm cũng nhiều như đốt than tổ ong, đốt trên đồng ruộng, chở vật liệu xây dựng… Đó cũng là những yếu tố gây ô nhiễm thêm. Nhà nước cũng đang cố gắng, nhưng cố gắng như thế nào ? Thứ nhất là người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành cho ô nhiễm giảm đi. Nhà nước cũng rất quan tâm nhưng không biết làm thế nào cả (!?)…
Tiến sĩ Trần Duy Bình cho biết, người dân bây giờ ra đường cũng chỉ biết phòng hộ cho mình, như đeo khẩu trang. Theo bà, để giải quyết chuyện này, cần phải có giải pháp đồng bộ, chứ nếu không tình hình ô nhiễm sẽ kéo dài.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chuyện có những đánh giá khác nhau về ô nhiễm không khí thì cũng không lạ gì với Bộ Tài nguyên và môi trường :
"Tôi vẫn còn nhớ khi xảy ra thảm họa Formosa, thì cũng chính Bộ Tài nguyên và môi trường họp báo đưa ra nguyên nhân do tảo nở hoa hay thủy triều đỏ gì đấy… và cuối cùng sự thật như thế nào mọi người đều biết. Như vậy đánh giá ban đầu của bộ này là dối trá".
Là một người đang sống ở Hà Nội, Anh Tuấn cho biết, không cần máy đo chất lượng không khí, cơ thể anh đã cảm nhận không khí ô nhiễm hết sức rõ nét. Anh so sánh y ô nhiễm gần như tương đương khi Anh sang thăm Bắc Kinh vào năm 2014.
Còn Anh Khánh thì cho rằng, cơ quan chức năng rất sợ minh bạch, vì nếu minh bạch, sẽ phải chỉ ra đâu là nguyên nhân. Việc tàn phá rừng, nhập máy móc, công nghệ lạc hâu, sử dụng nhiên liệu hóa thạch tràn lan trong sản xuất điện, thép... là những nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề ô nhiễm trầm trọng hiện nay.
*******************
Bộ trưởng bưng bít
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 19/12/2019
Chẳng có gì bất ngờ trước việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà mời báo chí rời khỏi phòng họp về ô nhiễm không khí hôm nay, bởi cũng chính vị bộ trưởng bưng bít này đã từng :
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mời báo chí ra khỏi cuộc họp vì lo ảnh hưởng đến tâm lý của các đại biểu - Ảnh Lê Quân (Thanh Niên)
- Giấu nhẹm nguyên nhân cá chết trong thảm họa Formosa bằng một lý do không thể buồn cười hơn là thủy triều đỏ (tảo nở hoa) [1] ;
- Làm trái Luật Bảo vệ Môi trường 2014 một cách có hệ thống khi kiên quyết không công khai các Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường nhằm vô hiệu hóa quyền giám sát của người dân và báo chí [2] ;
- Cùng một lúc vi phạm Luật Tiếp cận Thông tin 2016 lẫn Luật Tiếp Công dân 2013 khi chẳng những không trả lời đơn thư của hàng ngàn công dân đòi hỏi công khai Tác động môi trường của dự án Tam Đảo II (Sun Group) theo luật định mà còn phớt lờ yêu cầu tương tự của báo Phụ nữ - là một cơ quan báo chí nhà nước [3] ;
- Công thức vận hành của Bộ Tài nguyên và môi trường đã dần hiện rõ : Đầu tiên họ giấu nhẹm những bản Tác động môi trường để các dự án gây ô nhiễm môi trường thoát khỏi tầm giám sát của báo chí và công chúng, dễ dàng đi vào hoạt động ; đến khi các dự án này gây ô nhiễm thực sự khiến người dân giận dữ thì họ bày trò họp bàn tìm nguyên nhân, giải pháp song lại ngăn cấm báo chí để không thể truy vấn đến cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở sự bưng bít thông tin của họ.
Giải pháp của vấn đề ô nhiễm môi trường đầu tiên phải là minh bạch thông tin, để quy trình Tác động môi trường dưới tai mắt nhân dân và báo chí thực sự thành một chốt chặn thể chế ngăn các dự án ô nhiễm từ ngay trong trứng nước.
Mà muốn thế thì việc đầu tiên cần làm là bộ trưởng bưng bít Trần Hồng Hà cần phải ra đi.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 19/12/2019 ' nguyenanhtuan's blog)
Hơn một năm qua, tôi đã nhiều lần lên án Bộ Tài nguyên - Môi trường ngang nhiên bất chấp pháp luật, giấu diếm một có hệ thống các bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Bộ Tài nguyên và môi trường vô hiệu hóa chức năng gác cửa của quy trình ĐTM hòng mở đường cho các dự án tàn hại môi trường được nhanh chóng triển khai
Bằng cách này, Bộ Tài nguyên và môi trường không chỉ vô hiệu hóa chức năng gác cửa của quy trình ĐTM hòng mở đường cho các dự án tàn hại môi trường được nhanh chóng triển khai, mà còn cản trở người dân, báo chí và các nhà khoa học thực hiện quyền giám sát đối với các dự án này.
Từ Formosa, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Công viên Đại Dương đến nhiều dự án khác đều chung một kịch bản như vậy.
Nay đến dự án Tam Đảo II của Sun Group thì mọi chuyện còn nghiêm trọng hơn. Ở những vụ việc trước, đòi hỏi công khai ĐTM chỉ được đưa ra trên mạng xã hội, nhưng trong dự án Tam Đảo II, lời yêu cầu đã được hàng ngàn người dân và báo Phụ Nữ gửi đích danh Bộ Tài nguyên và môi trường thông qua những quy trình luật định nghiêm ngặt, song đáp lại vẫn chỉ là im lặng và né tránh.
Rất cảm ơn báo Phụ Nữ đã một lần nữa xớLạii lại vấn đề ĐTM. Một quy trình ĐTM công khai minh bạch chắc chắn sẽ rất hữu ích trong việc ngăn chặn các dự án ô nhiễm ngay từ trong giai đoạn trứng nước, cũng như thúc đẩy sự tham gia của công chúng và báo chí trong việc giám sát ở mọi giai đoạn dự án.
Riêng về Bộ Tài nguyên và môi trường, không thể lý giải khác ngoài việc nơi đây đã hình thành một nhóm lợi ích kiên quyết giấu diếm các bản ĐTM nhằm bảo vệ cho các dự án gây ô nhiễm môi trường, và để đổi lấy thứ gì thì chắc ai cũng rõ.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 01/10/2019 (nguyenanhtuan's blog)
---
Đọc thêm :
NHÓM LỢI ÍCH BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG CÒN GIẤU DIẾM ĐTM ĐẾN BAO GIỜ ?
NHÓM LỢI ÍCH BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG BẤT CHẤP LUẬT ĐỂ GIẤU DIẾM ĐTM RA SAO ?
Nếu đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển chỉ dừng ở mức va chạm, Ba Đình có xu hướng bóp nghẹt truyền thông và ngăn chặn biểu tình vì rủi ro trên bờ khi đó sẽ lớn hơn trên biển.
Biển Đông : Phép thử ý Đảng lòng Dân
Khi đụng độ leo thang tới mức có nguy cơ xung đột vũ trang, sẽ bắt đầu xuất hiện những lời kêu gọi yêu nước, như đang râm ran hiện nay. Truyền thông bắt đầu được mở van nhỏ giọt, biểu tình được chiếu cố, miễn sao vẫn trong tầm kiểm soát về quy mô và chủ đề. Như cánh cửa mở hé, sẽ đóng sập lại ngay nếu chuyện ngoài biển không còn căng thẳng nữa.
Khi nguy cơ mất đảo hiển hiện, những lời kêu gọi sẽ bùng phát dưới giọng hiệu triệu, vực dậy cả hồn thiêng sông núi lẫn anh linh tử sĩ. Báo chí được lệnh lên bài thả ga, mọi cuộc biểu tình từ quốc doanh đến dân doanh đều được cổ vũ nhằm, như một tờ báo gần đây giật tít, ‘huy động toàn dân bảo vệ chủ quyền’.
Ngày 14/07/2019, 12 tàu kiểm ngư Việt Nam đang đối đầu với 20 tàu tuần duyên Trung Quốc ngoài khơi Việt Nam - Ảnh Hà Nội News
Nhưng vì sao lại phải nhọc công hiệu triệu toàn dân ?
Toàn dân sẽ giữ được đảo nếu Trung Quốc nhất quyết đánh chiếm hay sao ?
Chiến lược chiến tranh nhân dân (toàn dân đánh giặc) từng rất hiệu quả trước đây khi chiến cuộc chủ yếu diễn ra trên đất liền, nhưng với môi trường tác chiến trên biển dựa vào hải quân và không quân, thì chiến tranh nhân dân thế nào ?
Ngư dân được phát súng và huấn luyện sơ sài (dân quân biển), nòng cốt của chiến tranh nhân dân trên biển, sẽ làm được gì trước tàu chiến, máy bay và tên lửa hiện đại của Trung Quốc ?
Cũng có người cho rằng toàn dân hưởng ứng thì sẽ giúp lên tinh thần. Không sai, nhưng tinh thần lên cao liệu có bù đắp được chênh lệch về khí tài, năng lực, nhân sự đôi bên trong bối cảnh tác chiến hiện đại ?
Vậy tóm lại kêu gọi toàn dân để làm gì ?
Để chạy trách nhiệm.
Một khi có sự tham gia của toàn dân nhưng đảo vẫn bị mất thì Ba Đình có thể mạnh dạn nói rằng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã cố gắng hết sức nhưng mà Trung Quốc mạnh quá nên rất tiếc là đảo đã bị mất. Trách nhiệm của chung thì không ai có trách nhiệm.
Thế nhưng có vẻ người dân đang làm phá sản tính toán này của Ba Đình bằng cách tỏ ra thờ ơ với mọi lời kêu gọi có đóng dấu đỏ.
Bằng cách đó họ gửi một thông điệp không thể rõ ràng hơn : Các ông bà lâu nay đòi độc quyền yêu nước - ‘để Đảng và Nhà nước lo’, vậy nên nếu mất biển mất đảo thì các ông bà phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước quốc dân và lịch sử, chứ không có cái gọi là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân nữa. Chúng tôi để cho Đảng và Nhà nước lo hết, nhưng nếu để mất biển mất đảo, các ông bà trước thì mất hết với chúng tôi, sau thì mãi mãi ô danh với lịch sử.
Nhưng cớ sao người dân lại giữ một thái độ như vậy ?
Có ý kiến nói rằng vì lòng yêu nước của người dân đã nhiều lần bị xúc phạm : từng viết bài, xuống đường phản đối Trung Quốc nhưng nhẹ thì bị đánh đập, sách nhiễu, nặng thì bị bắt bớ, giam cầm nên giờ họ không còn tha thiết nữa.
Có thể là vậy, nhưng nếu lẽ thường thực tâm yêu nước thì đoạn đầu đài cũng chẳng ngán, huống chi chỉ là đòn roi và ngục tù.
Mấu chốt ở đây là, càng ngày người dân càng nhận rõ rằng đổ xương máu dưới lời hiệu triệu ấy để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, nếu có thành công đi chăng nữa, quốc gia vẫn chỉ là tài sản riêng của một nhóm nhỏ người mà chẳng có phần nào của mình trong đó. Vậy hà cớ gì phải hao tâm tổn trí cho cái không phải của mình ? Người dân đang và sẽ quay lưng trước lời hiệu triệu của đảng không khác gì từng nhếch mép trước lời kêu gọi kháng Pháp của triều đình nhà Nguyễn vậy.
Nghĩa là, yêu nước thì vẫn yêu đó, nhưng yêu chứ đâu có ngu. Lòng yêu nước trở thành thứ quý giá mà dân nhất quyết không đưa ra dù đảng luôn miệng : ‘hãy trao cho anh’.
Thế giải pháp ở đây là gì ? Làm sao còn có thể hiệu triệu được lòng dân ?
Chỉ bằng cách thực tâm cải cách chính trị, mở rộng các quyền tự do dân chủ, khiến người dân thực sự cảm thấy đất nước này là của họ, chứ không phải là của riêng một vài cá nhân, gia đình hay bè đảng nào. Mà động thái cần thiết đầu tiên là trả tự do cho tất cả những người đang bị giam cầm chỉ vì yêu nước khác cách của đảng.
Bởi lẽ, đến cuối cùng người ta chỉ dám sống dám chết để bảo vệ những gì người ta coi và tin là của mình. Đất nước cũng vậy, chỉ khi người ta thấy mình thực sự có quyền làm chủ thì chẳng cần ai kêu gọi cũng tự nhiên dốc lòng dốc sức, đổ xương đổ máu ra bảo vệ.
Trái lại, không thể khác, là thờ ơ, cho tới khi mất cả.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 05/08/2019 (nguyenanhtuan's blog)
Trong bối cảnh hội nhập hôm nay, bất luận tình hình chính trị có biến chuyển thế nào thì hướng phát triển của Việt Nam vẫn là hướng biển, tức hướng Đông. Ngay cả Chiến lược Kinh tế biển của Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã xác định tới năm 2020 kinh tế biển sẽ góp hơn 50% GDP cả nước, và con số này còn tăng lên nữa theo thời gian.
Ngày 22/10/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khi đó, hướng bành trướng chính của Trung Quốc, ngày nào nó còn là một đế chế như hiện nay, vẫn luôn là hướng Nam, nhằm khống chế tuyến giao thương hàng hải quan trọng bậc nhất đi qua nơi đây.
Biển Đông, như góc ngã ba đường, trở thành điểm đụng nhau giữa "hướng phát triển của Việt Nam" và "hướng bành trướng của Trung Quốc", nên xung đột là không thể tránh khỏi, chỉ chưa biết khi nào và mức độ ra sao.
Những nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc và Việt Nam ý thức rõ điều này, nhưng đều cố tình trì hoãn xung đột vì những toan tính của mỗi bên.
Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ xung đột sẽ đẩy Việt Nam gần với phương Tây hơn - một điều mà họ không hề mong muốn, vì :
1) Sẽ khiến họ mất đi một đàn em ý thức hệ và làm họ trở nên cô độc hơn trong mô hình phát triển của mình ;
2) Tạo ra một đồng minh của Mỹ và Tây phương ngay vùng phên giậu.
Họ thích kịch bản một Việt Nam thần phục không tiếng súng hơn. Nhưng vấn đề là Bắc Kinh không tin Hà Nội, vì nếu như trong thời chiến trước đây họ là nhà tài trợ chính cho Hà Nội thì nay Hà Nội có thể tự sống bằng nguồn thu nội địa, không còn quá nhiều lý do để thần phục họ nữa. Bởi vậy, trong ngắn hạn có thể họ chấp nhận tình trạng quy phục giả hiện nay, nhưng trong dài hạn, để nắm phần chắc trong tay, họ phải xuống tay. Đó là còn chưa kể đến nhu cầu của Bắc Kinh đưa xung đột ra ngoài biên giới mỗi khi nội trị rối ren, kèm thúc bách của Giải phóng Quân Trung Quốc phải nâng cao kinh nghiệm tác chiến của không quân và hải quân hòng chuẩn bị cho những cuộc đụng độ lớn hơn với những đối thủ mạnh hơn sau này - tất cả sẽ còn đặt toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam vào thế chỉ mành treo chuông trong một thời gian dài nữa.
Phía lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vốn dĩ xây dựng tính chính danh dựa trên thành tích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phái sinh của nó là một thứ chủ nghĩa dân tộc bài Tàu thường xuyên được mài dũa, lại đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nguy ngập hơn. Vừa phải tỏ vẻ thần phục Trung Quốc để mua thời gian, vừa phải tìm mọi cách chứng tỏ với quốc dân rằng sự thần phục đấy chỉ là hình thức, là chiến thuật ngoại giao khôn khéo để cho thấy là họ vẫn xứng đáng nắm quyền. Họ kỳ thực rất sợ kịch bản mất đảo, bởi nó sẽ khiến :
1) Quét sạch tính chính danh cầm quyền của họ chính trên nền tảng mà họ xây dựng ; con dao chủ nghĩa dân tộc bài Tàu mà họ mài dũa lâu nay rất có thể sẽ "cắt" họ bằng cái lưỡi thứ hai của nó ;
2) Không để cho họ lựa chọn nào ngoài việc phải sát lại với Mỹ và Tây phương và chịu mọi áp lực cải cách chính trị từ đó - đồng nghĩa với việc quyền lực độc tôn của họ sẽ bị đe dọa.
Tình thế lưỡng nan này giải thích cho thái độ bất nhất thể hiện qua cả phát ngôn lẫn hành động của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam : Khi thì cho phép biểu tình, khi thì ngăn cấm, lúc thì phê phán tình "hữu nghị viển vông", lúc thì ca ngợi "4 tốt, 16 chữ vàng". Tất cả những sự bất nhất này thể hiện sự lúng túng của những người lãnh đạo mang tư duy nhiệm kỳ, chỉ nhằm mục đích mua thêm thời gian, trì hoãn một cuộc xung đột không sớm thì muộn sẽ đến. Họ chỉ mong cuộc xung đột ấy không đến trong nhiệm kỳ của mình, để trốn tránh trách nhiệm với quốc gia, với lịch sử.
Việt Nam cần một thái độ khác
Một thái độ dám nhìn thấy "cơ" (cơ hội) trong "nguy cơ" hiển hiện ở Biển Đông. Một thái độ của Minh Trị và quốc dân Nhật Bản bừng tỉnh trước loạt đại bác từ tàu Mỹ ; hay của Tưởng Kinh Quốc, Lý Đăng Huy và quốc dân Đài Loan trước dàn tên lửa Đại lục ngay bờ bên kia eo biển, nhất quyết tận dụng tình thế cạnh tranh giữa các siêu cường để thu nhận hỗ trợ từ các bên nhằm cải cách sâu rộng quốc gia, đứng về phía văn minh, phía hiện đại nhất của nhân loại. Khe cửa tuy hẹp nhưng là duy nhất, cần những nhà lãnh đạo dám sống dám chết đi đến cùng nhằm tìm lối thoát cho quốc gia trong một tình thế nguy ngập.
Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội nhiều năm qua, khi Mỹ lãnh đạo Tây phương xoay trục về Châu Á, chỉ vì luyến tiếc thứ quyền lực độc tôn cho cá nhân họ và gia đình. Nếu tiếp tục những giải pháp tình thế nhằm kéo dài thời gian như lâu nay, mà không có bất kỳ ý hướng cải cách sâu rộng quốc gia nào, họ chỉ có thể chuốc lấy thất bại nhục nhã và ghi tên mình trên những dòng ô danh của lịch sử nước nhà.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 27/07/2019 (nguyenanhtuan's blog)
Thu hồi dự án biệt thự ven sông làm công viên bờ sông : còn chần chờ gì nữa ?
Trong bài viết trước [1], tôi có bàn về ý tưởng thu hồi dự án biệt thự ven sông phục vụ vài người để làm công viên bờ sông cho tất cả mọi người dân thành phố :
"Lãnh đạo Đà Nẵng nên thật bình tâm để suy xét cho thật kỹ. Bởi lẽ họ đang đứng trước cơ hội trăm năm có một để xây dựng một công viên bờ sông đúng nghĩa và xứng tầm, đẹp bậc nhất không chỉ trong nước mà còn khu vực, để lại dấu ấn trong lòng người dân thành phố nhiều thế hệ về sau nữa. Chẳng những thế, học theo Seoul, công viên bờ sông này chẳng những là nơi lưu giữ ký ức tập thể của cộng đồng thành phố mà còn có thể trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
(Ảnh : Đà Nẵng dự tính làm cầu qua sông Hàn ngay dự án Olalani của Sun Group)
Biến tất cả khu vực này thành công viên bờ sông cũng là cơ hội cuối cùng để LÀM THÊM MỘT CÂY CẦU NỮA nhằm giải quyết giao thông về dài hạn cho một địa bàn đang càng lúc đông dân, như đề xuất của nhiều kiến trúc sư có lòng với thành phố".
Nay thì Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng, sau khi nghiên cứu tình hình giao thông thành phố, cũng đã chính thức đưa ra đề xuất xây dựng cầu mới qua sông Hàn ở vị trí này [2].
Ở khu đất dự án, Sun Group được cấp phép phân ra 236 lô đất ở liền kề, biệt thự và 15 lô đất xây chung cư cao cấp/khách sạn/trung tâm thương mại. Thử hỏi nếu người dân không lên tiếng phản biện để rồi chính quyền thành phố phải xem xét điều chỉnh quy hoạch như thời gian vừa qua, thì đến khi muốn làm cầu mới như đề xuất của Sở Giao thông và vận tải, chính quyền sẽ gặp khó khăn tới mức nào một khi hàng trăm lô đất này được cấp sổ đỏ và mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường ?
Thế thì, nhân lúc đang đình chỉ và rà soát các dự án lấn sông, sao chính quyền không tiến đến một giải pháp dứt điểm là thu hồi toàn bộ 2 dự án Marina và Olalani (SunGroup) làm công viên bờ sông, vừa đem lại lợi ích dài hạn cho cộng đồng thành phố vừa tránh được mọi rủi ro một khi muốn xây thêm cầu mới ở khu vực này ? Mà điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo giữ lại không gian công cộng cho người dân của Thông báo 331-TB/TU về "7 nhóm công trình, dự án được dư luận quan tâm" của Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Thế thì, còn chần chừ gì nữa ?
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 25/05/2019 (nguyenanhtuan's blog)
[2] Đà Nẵng : Đề xuất xây thêm cầu qua sông Hàn, hầm qua sân bay
Biệt thự ven sông cho vài người hay Công viên cho tất cả mại người ?
Chính quyền thành phố vừa thông báo họ đã đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư hai dự án Marina và Olalani (SunGroup) về việc điều chỉnh quy hoạch theo hướng dành lại vệt đất 20m lùi vào từ bờ sông làm lối đi bộ kết hợp công viên công cộng. Phần đất dự tính làm cao ốc phía trong cũng sẽ được chuyển thành công viên, bãi đậu xe, và nhà đầu tư sẽ được hoán đổi những khu đất giá trị khác [1].
Có thể nói đây là thắng lợi bước đầu của người dân khi đã giành lại được quyền tiếp cận bờ sông cho cộng đồng, thay vì để bị độc chiếm một cách trái pháp luật, phi đạo lý như những gì đã xảy ra với Khu đô thị Euro Village của SunGroup.
Tuy nhiên, thắng lợi này còn quá nhỏ nhoi, khi biết rằng vệt đất này chỉ có diện tích vỏn vẹn 3ha (20mx1500m) mà lối đi bộ bê tông hóa đã chiếm hết 1/2. Trong khi đó, 12 công viên dọc sông Hán của Seoul (Hàn Quốc) đều có diện tích nhỏ thì vài chục ha, lớn thì lên đến vài trăm ha [2].
So với một thành phố đang gia tăng dân số như Đà Nẵng, diện tích này lại càng trở nên chật hẹp, và thật khiên cưỡng khi gọi là công viên. Vườn hoa thì đúng hơn.
Lãnh đạo Đà Nẵng nên thật bình tâm để suy xét cho thật kỹ. Bởi lẽ họ đang đứng trước cơ hội trăm năm có một để xây dựng một công viên bờ sông đúng nghĩa và xứng tầm, đẹp bậc nhất không chỉ trong nước mà còn khu vực, để lại dấu ấn trong lòng người dân thành phố nhiều thế hệ về sau nữa. Chẳng những thế, học theo Seoul, công viên bờ sông này chẳng những là nơi lưu giữ ký ức tập thể của cộng đồng thành phố mà còn có thể trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn.
Biến tất cả khu vực này thành công viên bờ sông cũng là cơ hội cuối cùng để làm thêm một cây cầu nữa nhằm giải quyết giao thông về dài hạn cho một địa bàn đang càng lúc đông dân, như đề xuất của nhiều kiến trúc sư có lòng với thành phố [3].
Dĩ nhiên các nhà đầu tư dự án Marina và Olalani (SunGroup) sẽ không hài lòng với quyết định đứng về phía lợi ích cộng đồng như vậy. Nhưng với đề xuất hoán đổi vừa rồi của thành phố, hãy yên tâm là nhà đầu tư sẽ không chịu thiệt đâu.
Tóm lại, Đà Nẵng không cần thêm biệt thự/shophouse ven sông nữa vì đã quá đủ rồi. Thứ cấp thiết hơn nhiều là một công viên bờ sông, dành cho tất cả mọi người, và cả những thế hệ về sau nữa.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 19/05/2019 (nguyenanhtuan's blog)
---
[1] https://tuoitre.vn/da-nang-dieu-chinh-quy-hoach-bo-xay-nha-cao-tang-2-du-an-ven-song-han-20190514101733808.htm?fbclid=IwAR0JIpHtyAuuwCIFvDpjQ4Ot9-NsWpr70MliGbUpr9O4eAd7mI8ZMMtMf3c
[2] Công vien sông Hàn [Sông Hàn lẽ ra đã trở nên thế này]
[3] https://www.facebook.com/100002667926967/posts/2150315491734027?s=100000147078725&sfns=mo
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai với vai trò đại diện chủ sở hữu của nhà nước đã ban cấp cho quan chức chính quyền quyền định đoạt tuyệt đối với toàn bộ đất đai trong thẩm quyền, thông qua một quy trình 2 bước bao gồm quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch) và thu hồi đất theo quy hoạch.
Đà Nẵng từng tổ chức thi tuyển quốc tế nhưng 5 năm vẫn chưa hoàn thiện quy hoạch sông Hàn. Ảnh : Nguyễn Đông. (VnExpress, 24/04/2019)
Bước sau - thu hồi đất - không xa lạ gì với dư luận bởi biểu hiện của nó là những cuộc cưỡng chế thu hồi đất đầy máu và nước mắt diễn ra thường xuyên liên tục từ Nam chí Bắc.
Bước trước đó - quy hoạch - tuy kín đáo hơn, vì chủ yếu được thực hiện trong phòng máy lạnh giữa cuộc thương lượng ngã giá của các nhóm cấu kết quyền-tiền, song lại không kém phần quan trọng.
Bởi chỉ cần một chữ ký điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, chẳng hạn từ đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ hoặc đất ở, chẳng những sẽ có căn cứ pháp lý để cưỡng đoạt từ tay người dân sang cho chủ mới là nhóm thân hữu với quan chức chính quyền, mà giá trị khu đất sau đó có thể tăng lên hàng trăm, hàng ngàn lần.
Trong một số trường hợp khác, các quan chức sẽ cố tình trì hoãn lập và phê duyệt quy hoạch, để khi các dự án - mà thường là có vấn đề - được thực hiện xong thì chuyện đã rồi. Quy hoạch sau đó sẽ phải 'gọt chân cho vừa giày' các dự án, chứ không phải các dự án phải phù hợp với quy hoạch như nó nên là.
Một ví dụ điển hình của cách thức thao túng chính sách này là câu chuyện các dự án lấn sông Hàn đang ồn ào dư luận những ngày qua. Trả lời báo chí về nguyên nhân vì sao đã 5 năm mà chưa công bố quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hàn, chính quyền Đà Nẵng cho biết năm 2016 đã tổ chức cuộc thi quốc tế về phương án quy hoạch song vẫn chờ cấp trên phê duyệt để công bố. Họ cũng giải thích thêm là phải lấy ý kiến cộng đồng dọc hai bên bờ sông nên hơi lâu [1].
Trong khi lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia - chỉ trong vòng ba tháng [2] thì thật là vô lý khi Đà Nẵng mất đến ba năm vẫn chưa lấy được ý kiến của người dân hai bên bờ sông về quy hoạch hai bờ sông Hàn.
Nhưng điểm mấu chốt nằm ở chỗ, chính trong thời gian trì hoãn ban hành quy hoạch hai bờ sông Hàn, hai dự án lấn sông phân lô biệt thự (Marina Complex của công ty Bến Du Thuyền và Olalani của SunGroup) đã được thành phố cho phép triển khai.
Có nghĩa là, ngay cả khi tới đây quy hoạch hai bờ sông Hàn được phê duyệt thì quy hoạch đó cũng phải chấp nhận hai dự án lấn sông kia và phải điều chỉnh cho phù hợp với chúng, thay vì ngược lại.
Kẽ hở pháp lý này rõ ràng đang giúp tạo ra một nhóm lợi ích dựa trên quy hoạch sử dụng đất để trục lợi, bất chấp quyền lợi của cộng đồng.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 30/04/2019 (nguyenanhtuan's blog)
[1] https://vnexpress.net/thoi-su/da-nang-5-nam-chua-xong-quy-hoach-song-han-3914417.html
[2] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ba-thang-lay-y-kien-nhan-dan-du-thao-sua-doi-hien-phap-607365.tpo
2016 và 2017 là những năm mà thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) được cải thiện. Mặc dù sự cải thiện không quá đáng kể - năm 2016 tăng 1 hạng, năm 2017 tăng 6 hạng và mỗi năm tăng 2 điểm trên thang điểm 100, song báo chí nhà nước đã ngay lập tức diễn giải kết quả này là minh chứng rằng "với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao" [1].
Hình minh họa : Biệt phủ' của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái - Courtesy : danviet.com
Tuy nhiên, gần đây khi Việt Nam được công bố là tụt đến 10 hạng trong năm 2018, thì báo chí nhà nước đã không giữ logic tương tự để diễn giải kết quả [2]. Trong bối cảnh báo chí nước nhà bị kiểm soát chặt chẽ, không ai bất ngờ vì sự tiền hậu bất nhất đó.
Thế nhưng, câu hỏi còn nguyên đó : Vì sao Việt Nam lại tụt hạng ?
20/11/2018 hẳn là một ngày thất vọng đối với những người vận động và quan sát công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam khi mà Quốc hội đã bỏ quy định xử lý tài sản bất minh khi thông qua Luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi, nghĩa là với tài sản mà cán bộ công chức không giải trình được sẽ không bị đánh thuế mà cũng chẳng đưa ra tòa án [3].
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích cho quyết định này rằng đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được đặt ra, lại còn phức tạp, vì còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản hiến định.
Không rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cố tình quên rằng Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) từ năm 2009 và Điều 20 Công ước này quy định các quốc gia thành viên cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (illicit enrichment) [4]. Mười năm không phải là thời gian ngắn để một vấn đề như thế này còn mới, nếu thực tâm chống tham nhũng. Tương tự vậy, những lý giải rằng vấn đề này phức tạp vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản hiến định là thiếu cơ sở vì đã có rất nhiều nước nội luật hóa Điều 20 UNCAC trong bối cảnh Hiến pháp nước họ cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản chẳng kém, nếu không muốn nói là còn hơn cả Việt Nam.
Tương tự vậy, trong phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vào tháng 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách Đại biểu quốc hội, cũng cho biết rằng "kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân" [5] cho thấy có vẻ những người nắm quyền vẫn chưa sẵn sàng áp dụng những công cụ chống tham nhũng đã được chứng minh là có hiệu quả trên thế giới.
Và với một luật đóng vai trò tối quan trọng cho công cuộc chống tham nhũng là Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mà khi thông qua lại bỏ cả quy định công khai các bản kê khai tài sản của cán bộ công chức cấp cao để nhân dân và báo chí giám sát lẫn yêu cầu phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì làm sao mà công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả trong dài hạn cho được ?
Và thế thì việc tụt đến 10 hạng một năm như vừa qua cũng đâu có gì khó hiểu.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 31/03/2019
---
[1] https://tuoitre.vn/viet-nam-cai-thien-6-bac-ve-chi-so-cam-nhan-tham-nhun...
http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-ngoai/cuoc-chien-chong-tham-nhung-c...
[2] https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-cpi-2018-vie...
[3] https://news.zing.vn/quoc-hoi-thong-nhat-chua-quy-dinh-xu-ly-tai-san-bat...
[4] http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/773/Hinh-su-hoa-hanh-vi-lam-giau...
[5] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tong-bi-thu-ke-khai-tai-san-can-bo-la-va...
"Thật vui mừng vì Quốc hội Châu Âu vừa bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) [với chúng ta]" [1].
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ ký kết FTA giữa nước ông và Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 19/10/2018
Thủ tướng một quốc gia Đông Nam Á cách đây hơn vài tuần đã thốt lên như vậy sau khi chứng kiến lễ ký kết FTA giữa nước ông và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Tiếc thay, tên của vị Thủ tướng này không phải Nguyễn Xuân Phúc, mà là Lý Hiển Long, và quốc gia nói trên là Singapore chứ không phải Việt Nam.
Vậy là, trong khi Singapore đã trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên ký một hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu thì số phận của bản hiệp định tương tự giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chưa biết sẽ đi về đâu.
Thông tin gần nhất được xác nhận là Hội đồng Châu Âu chỉ sẽ xem xét EVFTA sớm nhất vào tháng 5. Nếu được thông qua ở cơ quan này, bản hiệp định sẽ còn phải được chuyển đến Quốc hội Châu Âu để bỏ phiếu phê chuẩn [2]. Và vì Châu Âu sẽ bầu Quốc hội vào đúng tháng 5, nên EVFTA, dù có qua được cửa Hội đồng Châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với một Quốc hội mà tới giờ không ai dám chắc là sẽ có thái độ thế nào về vấn đề tự do thương mại nói chung và EVFTA nói riêng.
Nghĩa là, EVFTA chẳng những sẽ được dời lại khá lâu nữa mà còn phải đối mặt với một tương lai vô định. Cùng với đó là những thiệt hại cho lợi ích quốc gia không thể đo đếm hết được.
Lý do khiến EVFTA bị trì hoãn, tới giờ thì không ai nghi ngờ gì nữa, là bởi sự chậm trễ của chính quyền Việt Nam trong việc cải thiện các vấn đề môi trường, lao động và nhân quyền để đáp ứng yêu cầu từ EU đối với một kiểu đối tác thế hệ mới.
Và trong lý do này có một khía cạnh liên quan tuy ít được chú ý nhưng có tầm quan trọng không nhỏ.
Đó là, nếu theo dõi sát các diễn biến về EVFTA ở Brussels nơi EU đóng trụ sở sẽ thấy chưa bao giờ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) về nhân quyền tập trung vào Việt Nam nhiều đến như vậy. Chính những nỗ lực vận động của họ tới từng cơ quan EU, từng Dân biểu đã góp phần giúp chủ đề nhân quyền Việt Nam thu hút được sự chú ý đặc biệt nơi thủ phủ EU. Có thể nói không quá rằng sau mỗi động thái quan trọng của EU về EVFTA luôn có bóng dáng của các INGOs có văn phòng vận động ở Brussels.
Nhưng vì sao các INGOs ở Brussels lại tập trung vào Việt Nam ?
Đã đành là vì có nhiều bằng chứng cho thấy tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam những năm vừa qua, như trì hoãn cải cách pháp lý và số người bị bắt giữ vì các lý do chính trị tăng lên. Song, quan trọng không kém chính là lối hành xử của chính quyền Việt Nam với chính các INGOs này.
Đến đây bạn đọc hẳn sẽ thấy ngạc nhiên, vì sao các INGOs ở Châu Âu mà chính quyền Việt Nam lại có thể ‘đụng chạm’, và bằng cách nào ?
Tháng 9 năm ngoái, ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Hà Nội, một nhà hoạt động nhân quyền quốc tế và là khách mời chính thức của Diễn đàn, bà Debbie Stothard, đã bị chặn giữ ở sân bay Nội Bài và trục xuất khỏi Việt Nam sau nhiều giờ câu lưu [3].
Với cộng đồng xã hội dân sự trong vùng Đông Nam Á cái tên Debbie Stothard không hề xa lạ. Ở các diễn đàn khu vực, bà đã từng nhiều lần đụng độ với các đại diện Việt Nam, chủ yếu đến từ Liên hiệp Các Hội Hữu nghị Việt Nam (VUFO) - cơ quan được giao nhiệm vụ hoạt động đối ngoại nhân dân, mỗi khi bàn về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Việc đưa tên bà Debbie Stothard vào sổ đen khả năng cao là đến từ các báo cáo của VUFO gửi các cơ quan có thẩm quyền.
Nhưng không biết liệu VUFO có cập nhật cho cơ quan chức năng rằng Debbie Stothard không còn là nhà hoạt động tầm khu vực như mươi năm về trước nữa mà nay đã là Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), một trong những tổ chức nhân quyền quốc tế lớn và lâu đời nhất thế giới, với 184 tổ chức thành viên ở hơn 100 quốc gia [4].
Chưa kể, FIDH lại còn rất nổi tiếng với cách tiếp cận dùng thương mại làm đòn bẩy để áp lực chính phủ các nước tôn trọng nhân quyền. Ngay cả các các viên chức thương mại EU cũng cảm thấy không dễ dàng chút nào khi phải đối mặt với những chất vấn đến từ FIDH và cá nhân bà Debbie mỗi khi tính chuyện nhượng bộ nhân quyền đổi lấy thương mại với các chính quyền độc đoán, chẳng hạn gần đây là với Cambodia và Myanmar.
Không biết những người ra lệnh chặn giữ, câu lưu và trục xuất bà Debbie lúc đó có biết và cân nhắc tất cả những điều này không ? Có lường trước được hành động đó thách thức cả giới phi chính phủ quốc tế về nhân quyền, khiến mối quan tâm của họ về Việt Nam tăng lên, để rồi cuối cùng EVFTA trở thành nạn nhân hay không ?
Nói thế không có nghĩa là chính quyền chỉ cần thay đổi cách ứng xử với các INGOs mà bỏ qua những vấn đề mấu chốt về môi trường, lao động và nhân quyền. Chỉ có nghĩa là, các cơ quan chức năng có thể cần phải nỗ lực hơn để hiểu cách các INGOs vận hành và tầm quan trọng của họ trong vận động chính sách, thay vì chỉ trông cậy vào những tổ chức như VUFO, vốn vẫn thường lạc điệu trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 28/03/2019 (nguyenanhtuan's blog)
---
https://www.facebook.com/leehsienloong/photos/a.1436461033083265/2288666...