Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong khoảng 60 triệu dân Việt Nam ở tuổi trưởng thành có ai tin được cả một loạt cơ quan nhà nước như : Văn phòng chính phủ,trung tâm lưu trữ quốc gia, bộ tài nguyên môi trường, sở xây dựng, quy hoạch kiến trúc, UBND quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh,... lại ngẫu nhiên làm thất lạc, mất bản đồ quy hoạch "gốc" 1/5000 khu đô thị Thủ Thiêm được thủ tướng chính phủ phê duyệt ?

mat1

Hợp đồng sở Tài nguyên và môi trường Hưng Yên nhượng cho 7 cán bộ ở Ban tổ chức Trung ương 7 biệt thư

Gần đây, hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở bộ nội vụ,các cơ quan liên quan,hồ sơ bổ nhiệm hotgirl Quỳnh Anh ở Thanh Hoá "thất lạc" ngon ơ, năm ngoái tôi đến trung tâm lưu trữ quốc gia sưu tầm hồ sơ quyết định 113 của thủ tướng chính phủ thu hồi đất của xã Đồng Tâm(Mỹ Đức Hà Nội) trong dự án sân bay Miếu Môn năm 1980 thì bản đồ dự án cũng "không còn"... Ở vụ này, năm 1980 chính phủ chỉ có một quyết định 113 duy nhất thu hồi của xã Đồng Tâm 47,36 ha, bồi thường 150.312 đồng nhưng từ chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến thanh tra, công an, lãnh đạo huyện Mỹ Đức, hầu hết lãnh đạo xã Đồng Tâm(trừ bí thư đảng ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Nguyễn Thị Lan), các tờ báo quốc doanh (trừ VTC1) đều hùa nhau khẳng định tất cả cánh đồng Sênh còn lại (59ha) là "đất quốc phòng" rồi chính quyền Hà Nội dùng quyền hành điều động lực lượng vũ trang, an ninh, truyền thông vu khống, uy hiếp, trấn áp dân với những thủ đoạn, hành vi đê hèn hòng cướp trắng 59 ha đất ngoài dự án sân bay Miếu Môn của dân Đồng Tâm. 

Sưu tầm quyết định 113 và bản đồ nói trên thì cơ quan lưu trữ quốc gia ở phố Phan Kế Bính (Hà Nội) tìm thấy quyết định nhưng bản đồ cũng bị "mất" và họ không cho tôi khai thác quyết định đó. Thế nhưng rất may cho dân Đồng Tâm bà con đã có quyết định 113 và bản đồ ở một nguồn khác mà có lẽ đám người kia không ngờ...Nay vụ đồng loạt "mất" bản đồ quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm có liên quan gì đến hàng nghìn dân oan đi lang thang kiện cáo hàng chục năm qua khắp các cửa quan ở Hà Nội, Sài Gòn... vì nghi bị thu hồi đất ngoài quy hoạch ?

Phải chăng những tập đoàn tham nhũng, "lợi ích nhóm" đã kết bè cánh thành hệ thống từ trung ương đến địa phương rất chặt chẽ, đang thực sự làm chủ đất nước ở nhiều lĩnh vực, thời điểm, đã từng cướp bóc ở khắp nơi nay một số vụ mới được cấp trên biết, nhòm ngó (như Thủ Thiêm thời ông Nguyễn Thiện Nhân làm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, vụ hotgirl Thanh Hoá được Ủy ban Kiểm tra trung ương ngó tới) thì các hành vi lố bịch mới lộ rõ ? Một câu hỏi đặt ra : Những cơ quan, quan chức liên quan tất nhiên được chia chác trong các dự án cướp đất đai, khoáng sản (sự giàu có bất minh của họ nói lên điều đó) thì liên minh chặt chẽ với nhau đã đành nhưng tại sao những quan chức ở trung ương như ở văn phòng chính phủ, bộ Tài nguyên và môi trường, xây dựng, bộ nội vụ... lại cùng "đánh mất" bản đồ, hồ sơ như vậy ?

mat2

Ông Nguyễn Văn Khanh ở Châu Mỹ, Châu Thành Sóc Trăng bị cưỡng chế

Tôi đã quan tâm nhiều dự án thương mại thu hồi đất của dân thì cảm thấy không có dự án nào lại không có phần "ăn chia"của quan chức từ trung ương đến địa phương thậm chí cả những quan chức ở cơ quan có vẻ không liên quan gì đến dự án như ở ban tổ chức trung ương đảng, báo chí.

Ở dự án nào dân sở tại cũng vanh vách kể những biệt thự của ông nọ, bà kia ở khu nào, lô nọ, ai mang tên hộ... Hôm tôi và nhà văn Phạm Đình Trọng đến Văn Giang (2013) nơi dự án Ecopark thu hồi của dân 500 ha, bà con đưa ra một hợp đồng trong đó sở Tài nguyên và môi trường Hưng Yên "nhượng" cho 7 cán bộ ở ban tổ chức trung ương đảng 7 biệt thự diện tích từ 500-1.200 m2/biệt thự với giá "bèo" 2 triệu đ/m2 trong khi giá một m2 căn hộ cao tầng ở đây từ 26-32 triệu/m2. Bảy sếp được biệt thự có số chứng minh thư hẳn hoi (có thể nay đã thay đổi chứng minh thư vì tôi đăng công khai việc này). 

Theo dân Văn Giang thì họ biết ở dự án Ecopark có ít nhất 150 biệt thự "ngoại giao"dành cho hệ thống quan chức từ trung ương tới địa phương trong đó có đủ thành phần lãnh đạo đảng, chính quyền, công an,tài nguyên môi trường, địa chính... ("nhưng tình báo dân chỉ kiếm được 1 hợp đồng của ban tổ chức trung ương"). Tôi thắc mắc tại sao ban tổ chức trung ương mà cũng được chia chác thì cả đám cười ồ : "Ôi, ban này tham gia xếp ghế vàng cho các quan chức từ trung ương đến tỉnh, huyện... quan trọng quá chứ !". 

Ở dự án Vinhome của đại gia Phạm Nhật Vượng ở quận Long Biên bà con phường Phúc Đồng cũng kể vanh vách những biệt thự, căn hộ "ngoại giao"của ông nọ, bà kia ở phường, quận, thành phố, trung ương... Một dự án nhỏ chỉ có vài khối nhà chung cư cao tầng khu Mả Tre ở phường Gia Thuỵ (quận Long Biên) nhưng cũng có nhiều căn hộ "ngoại giao" của cán bộ phường, quận, thành phố... chào bán. Theo bà con những căn hộ này có đủ giấy tờ nhưng để trống tên chủ sở hữu khi ai mua mới điền tên vào.

mat3

Bà Nhung một dân oan phía nam ra trung ương khiếu kiện đất đai bị chết ở khu tiếp dân tại Hà Nội

Cũng theo tố cáo của bà con thì những cán bộ "to" ở quận trở lên được dự án "miễn phí" còn cán bộ nhỏ cỡ phòng ban, cán bộ phường thì được mua căn hộ "giá gốc" 16 triệu đ/m2 trong khi giá thị trường dân mua từ 26-32 triệu đ/m2.Nếu đúng như vậy chỉ riêng dự án nhỏ này mỗi cán bộ "to" cũng được "ngoại giao" ít nhất một căn hộ rẻ nhất 2,5 tỷ đồng, cán bộ nhỏ kiếm được lãi từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng. Có thể nói, với những khoản lợi kếch xù bọn tham nhũng kiếm được từ các dự án thu hồi, "cướp bóc hợp pháp"(Lời nhà báo Hoàng Hải Vân)cũng như nghiệp phá rừng lấy gỗ, khai thác khoáng sản, cát, titan... lậu đã được phân phối rất "công bằng" cho bộ máy quyền lực nên là thứ keo sơn cấu kết cả hệ thống quan chức thành một bè đảng "kim cương". Bởi vậy, dự án thương mại nào bộ máy vơ vét cũng thực hiện trôi chảy quy trình : Dấu kín bản đồ, thông tin quy hoạch, len lỏi vào từng nhà tuyên truyền phao tin người nọ, kia đã nhận đền bù để dân hoang mang nghi kỵ chia rẽ nhau, khi ai ngăn cản, chống đối giải phóng mặt bằng là có ngay lực lượng cảnh sát, an ninh, đầu gấu, côn đồ trấn áp, bắt bớ, vu cho tội "chống người thi hành công vụ", toà án đưa ra xử, bỏ tù ngay...

Ở dự án Ecopark nhiều lần chính quyền dùng cảnh sát, đầu gấu khủng bố,trấn áp,phá phách hoa màu,cản trở cuộc sống, công tác của con, em người không giao đất, bắt giam, bỏ tù một số người gọi là "đầu sỏ". Năm 2017sau nhiều năm kiện cáo mới được huyện Văn Giang bố trí buổi đối thoại với chính quyền nhưng khi đại diện của dân vào họp hàng trăm cảnh sát huyện Văn Giang canh chặn không cho luật sư Trần Vũ Hải (dân thuê tư vấn pháp luật) vào dự...Chính vì sự hợp đồng "quân binh chủng" rất nhịp nhàng, chặt chẽ với lực lượng vũ trang "không hạn chế" nên trừ vài vụ như Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, Đồng Tâm ở Hà Nội bị "trắc trở" còn lại tất cả bọn tham nhũng toàn thắng. 

Vì thế, vụ dự án đô thị Thủ Thiêm bị đồng loạt "mất bản đồ gốc" là "đúng quy trình sự nghiệp" của những tập đoàn tham nhũng.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 06/05/2018

*******************

Chính quyền nói thất lạc, dân bức xúc công bố bản đồ gốc Thủ Thiêm (VietnamNet, 04/05/2018)

Người dân Thủ Thiêm khẳng định, bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 là có và họ đang giữ tấm bản đồ này.

Liên quan đến thông tin bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 bị "thất lạc" khiến việc đền bù, giải tỏa mặt bằng tại Khu đô thị Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết trong thời gian qua.

Ông Lê Văn Lung (nhà số 9, đường Trần Não, quận 2) cho biết, nhiều lần người dân Thủ Thiêm đã yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho xem bản đồ 1/5000 để xác định ranh giới giải tỏa mặt bằng nhưng đều bị từ chối.

"Chúng tôi yêu cầu Thành phố phải trưng ra bản đồ quy hoạch 1/5000 để xác định ranh giới, nhưng họ bảo thất lạc. Việc này đẩy người dân vào vòng tranh chấp khiếu kiện kéo dài từ năm 1996 đến nay", ông Lung nói.

Đặt vấn đề, tấm bản đồ gốc quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 có hay không ? Ông Lung khẳng định là có và đang giữ một tấm bản đồ có đầy đủ dấu mộc, ký xác nhận của cơ quan chức năng.

Để chứng minh điều này, ông Lung đã đưa tấm bản đồ này ra, trên bản đồ ghi cụ thể "Quy hoạch xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm – Tổng quy hoạch", phía dưới ghi rõ các cơ quan chức năng đóng dấu xác nhận gồm : Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị với ký hiệu bản vẽ KT-06, ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1/5000.

mat4

Tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000 mà ông Lung đang giữ

Ông Lung cho rằng : "Thành phố trả lời bản đồ thất lạc là điều không tưởng, vì quản lý đất đai trong đó có bản đồ này, nhiều đơn vị từ cấp cơ sở đến chính quyền cao nhất là Thành phố nắm giữ".

Từ đó, ông Lung đặt vấn đề : "Liệu có khuất tất gì liên quan đến tấm bản đồ này trong việc giải quyết tranh chấp ranh giới ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm hay không ?".

Trước đó, ông Nguyễn Hồng Điệp (Vụ trưởng, Trưởng Ban tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ) cho biết, nếu "thất lạc" bản đồ 1/5000 ở Thành phố thì tại các cơ quan, đơn vị liên quan phải còn.

"Làm gì có việc thất lạc mãi mà không tìm thấy" - lời ông Điệp.

Vì vậy, theo ông Điệp, Thành phố Hồ Chí Minh nên trả lời thẳng thắn với người dân khiếu kiện là "không có bản đồ gốc" và giải quyết thoả đáng lợi ích, quyền lợi của họ.

Thu hồi đất năm 2002 sử dụng quyết định năm 2005 ?

Tại cuộc họp báo Chính phủ hôm qua, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho biết, hiện nay quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng ở khu đô thị Thủ Thiêm là theo quy hoạch chung năm 2005.

"Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ năm 2005, quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới có đầy đủ và đang triển khai dự án, thu hồi đất dựa trên các quy hoạch này", ông Hùng nói.

Ông Hùng giải thích, quy hoạch chung năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch năm 2005.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Lung cho rằng, việc trả lời của Thứ trưởng Bộ xây dựng là không chính xác.

"Việc triển khai dự án, thu hồi mặt bằng theo bản đồ Quy hoạch điều chỉnh năm 2005 này là trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi đất chúng tôi có từ ngày 10/2/2002 theo Quy hoạch 367 của Thủ tướng Chính phủ kèm bản đồ 1/5000", ông Lung nói.

mat5
Ông Lê Văn Lung, đại diện cho nhóm 71 hộ dân khiếu kiện về vấn đề tranh chấp đất ở Thủ Thiêm

Theo ông Lung, cơ quan chức năng cần phải sử dụng tấm bản đồ 1/5000 trong Quyết định 367 của Thủ tướng ngày 4/6/1996 để căn cứ ranh giới được phê duyệt xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm.

Người dân Thủ Thiêm cho rằng, tấm bản đồ này, là mấu chốt chính trong việc khiếu kiện của cả trăm hộ dân Thủ Thiêm kéo dài hàng chục năm qua.

Họ cho rằng đất của mình không nằm trong khu vực quy hoạch nhưng lại bị giải tỏa. Người dân đòi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh phải đưa ra bản đồ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm để xác định rõ ràng việc này.

Văn Bình

Published in Diễn đàn

Vừa rồi đọc bài "Cựu bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà liên quan dự án sân golf Tân Sơn Nhất" trên VNTB thấy ông Trần Văn Tĩnh, một trong các đại gia sân golf Tân Sơn Nhất, phát biểu với báo Tuổi Trẻ.

Khi bị hỏi : Dư luận nghi ngờ có lợi ích nhóm trong việc đầu tư dự án golf Tân Sơn Nhất, ông Tĩnh trả lời : "Chắc chắn là không có lợi ích nhóm. Chúng tôi không xin xỏ đút lót gì cả. Vào ngăm 2005 lãnh đạo bộ quốc phòng đi công tác ngước ngoài thấy bên cạnh các sân bay tại Singapore,Thái Lan,Ấn Độ… đều có sân golf thu hút rất nhiều khách du lịch, trong khi đó đất dự trữ quốc phòng cạnh sân bay Tân Sơn Nhất bị bỏ hoang nên lãnh đạo bộ quốc phòng có chủ trương tận dụng để làm sân golf vừa giữ đất vừa có thêm kinh phí và thu hút khách du lịch nước ngoài…", mà giật mình, bởi chứng tỏ các ông coi dân không biết gì ? 

tsn1

Sân golf Tân Sơn Nhất nằm bên cạnh sân bay đang quá tải. Nguồn Internet

Thứ nhất : việc ông khẳng định "không có lợi ích nhóm, không xin xỏ đút lót…" là không lạ gì. Chẳng ai lại tự nhận mình làm những việc vi phạm pháp luật cả. Câu khẳng định của ông chẳng có giá trị gì mà người hỏi chính là thông báo cho ông biết dù ông nói thế nào thì dư luận cũng đã hiểu bản chất của việc các ông "vô tình" có 157,6 ha đất vàng nơi mà chỉ cần 10m2 không đầu tư gì cả cho thuê đỗ ô tô hàng tháng cũng đút túi hàng triệu đồng/chiếc/tháng (ôtô con) thu 157 tỷ 600 triệu đồng/tháng, nếu bán với giá thị trường bèo nhất 50 triệu đ/m2 cũng có 78.800 tỷ đồng.

Thứ hai : "Đi quốc tế thấy Singapore, Ấn Độ, Thái Lan có sân golf…". Bài báo trên VNTB đã bác bỏ không có chuyện người ta làm sân golf trong sân bay. Bên cạnh các cảng HK Donmuang, Suvanbhumi, Changi… người ta có làm những sân golf nhỏ chủ yếu để phục vụ quan chức, nhân viên ngành hàng không sở tại sau những buổi làm việc căng thẳng (nhất là nhân viên không lưu), những hành khách VIP, thương gia,… đi máy bay chờ transit nối chuyến hoặc lỡ chuyến do hãng hàng không trả tiền chi phí.

Thứ ba : "Đất dự trữ quốc phòng cạnh sân bay bỏ hoang…". Không có đất nào bỏ hoang ở đây cả. Một sân bay muốn hoạt động an toàn ngoài các trang thiết bị chuyên dùng, khu máy bay hạ, cất cánh, ra, vào sân đỗ, nhà ga… (khu bay) phải có đường băng, đường lăn, sân đậu, đặc biệt phải có một vùng đất, không gian nhất định không có chướng ngại để bảo đảm an toàn bay. Khu đất xung quanh khu bay phải có diện tích đủ lớn, bằng phẳng, chịu độ nén theo tiêu chuẩn để thông thoáng tầm nhìn của phi công, không lưu, chỉ huy mặt đất, đặc biệt khi máy bay gặp sự cố hạ cánh chệch đường băng lao ra bên ngoài không có chướng ngại sẽ bớt thiệt hại… Ngoài những khu đất trống, ở trên không cũng phải thông thoáng (tĩnh không) để máy bay không va quyệt vào chướng ngại khi hạ, cất cánh nhất là hai đầu đường băng (phễu ha, cất cánh) có tiêu chuẩn nghiêm ngặt…

Bên cạnh đó, các sân bay phải có diện tích đất lớn ngoài bảo đảm bảo an toàn cũng là sẵn sàng đáp ứng sự phát triển của sân bay theo từng giai đoạn. Trước năm 1975 sân bay Tân Sơn Nhất có tổng diện tích hơn 3.000 ha đủ cho một sân bay quốc tế phát triển đến vô hạn nhưng sau năm 1975 dân và quân đội lấn chiếm nay chỉ còn 1.150 ha.

Đến nay các đại gia quân đội lấn tiếp 157,6 ha làm sân golf, nhà hàng, khách sạn làm cho Tân Sơn Nhất chỉ còn 924 ha méo mó… 157,6 ha kia các ông đào ao, đắp đồi tạo cảnh quan, chèn, lấp hệ thống thoát nước của sân bay, xây nhà cao tầng. Những điều này không chỉ hạn chế hoạt động hàng không mà còn gây ngập lụt mỗi khi mưa to và rất nguy hiểm nếu máy bay gặp sự cố.

Ở Tân Sơn Nhất có trang thiết bị đầy đủ hiện đại ngang sân bay Nội Bài nhưng tiêu chuẩn hoạt động thấp hơn Nội Bài do tĩnh không sân bay Tân Sơn Nhất thu hẹp vì xây các công trình cao tầng gần sân bay. Việc từ năm 2007 sân bay Tân Sơn Nhất bị thiếu sân đỗ máy bay nhưng không được phát triển sang khu đất dự trữ bên quân sự rồi để làm sân golf là một hành động vô cảm cản trở sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam.

tsn2

Tân Sơn Nhất ngập nước. Ảnh trên mạng

Thứ tư : Cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến cản trở sự phát triển của sân bay Tân Sơn Nhất là rất rõ. Bởi từ 2005-2006 hai ông này giữ cương vị bộ trưởng quốc phòng và thủ tướng. Không có những ông lớn "chống lưng" thì làm sao đám đại gia kia được vào trong sân bay để làm các công trình thương mại trên những 157,6 ha đất vàng trong khi thường dân sửa cái cổng trong nhà mình cũng phải xen phép, cầu cạnh… Theo dư luận trong quân đội nguyên trướng Phạm Văn Trà có nhiều nhà ở nhiều nơi, quân khu, còn ông Nguyễn Tấn Dũng, Phùng Quang Thanh… thì sao ?

Thứ năm : Ông Tĩnh nói : "chúng tôi đầu tư đúng luật" là luật nào ? Không có luật nào cho phép các ông xây công trình thương mại trong sân bay đất quốc phòng cả. Điều 20 - Nghị định 09 năm 1996 về quản lý, sử dụng đất quốc phòng ghi rõ : "Đơn vị vũ trang nhân dân được giao đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh sau rà soát quy hoạch nếu thừa đất thì phải báo cáo bộ quốc phòng, bộ nội vụ để trả lại nhà nước…".

Rõ ràng 157,6 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất không phải đất thừa, đất hoang mà nếu thừa thì Bộ quốc phòng phải trả lại nhà nước để sử dụng theo luật đất đai chứ không thể cho một nhóm người sử dụng sai mục đích, cản trở sự phát triển vận tải hàng không như vậy.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 15/04/2018

Published in Diễn đàn

Những ngày cuối năm 2017 sân bay Tân Sơn Nhất bị tắc nghẽn quá thảm hại làm cho nhiều đại gia quân đội có quan hệ với lợi ích ở đây lo lắng.

Hôm giáp tết năm ngoái tôi dự cưới ở nhà hàng 5 sao Himlam Palace của đại gia quân đội ở sân bay Gia Lâm, quanh câu chuyện những công trình thương mại hoành tráng cỡ nhất nước ở sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm, một sĩ quan đeo quân hàm đại tá nói trong sự lo lắng : 

"Bình thường thì ai đụng đến các công trình của "quân ta" làm gì nhưng ở Tân Sơn Nhất thì các sếp cũng hơi bị lo vì dạo này sân bay tắc nghẽn quá mà dư luận lại cứ đòi thu hồi đất khu sân golf"… 

Thế nhưng, từ hôm 28/3/2018 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết phương án mở rộng Tân Sơn Nhất về phía nam với bản đồ quy hoạch chi tiết (xem ảnh) thì tất cả các đại gia, sếp có sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư trên 157,6 ha trong sân bay có thể mở sâm banh "nằm cao gối" mà ngủ, đón dòng lợi khổng lồ mãi mãi chảy vào túi hàng ngày. 

tsn1

Phát triển sang hướng nam những công trình xây thêm ở phía bắc còn cách xa khu thương mại sân golf

"Người" tính đã hơn "trời" tính ? 

Qua đây cũng chứng tỏ kế hoạch dài hạn dùng sân bay Tân Sơn Nhất kinh doanh của các đại gia quân đội là rất chuẩn xác.

Đó là vào cuối năm 2003 trong buổi đi giao ban của cục hàng không Việt Nam tôi nghe cán bộ bàn tán về thông tin chính phủ xúc tiến dự án Long Thành để sắp thay sân bay Tân Sơn Nhất… Chuyện chỉ thoáng qua chẳng có gì đặc biệt nên tôi cũng không để ý. Tuy nhiên đến năm 2007 thì có tin "rò rỉ" thủ tướng đã cho phép đại gia quân đội làm sân golf, nhà hàng, khách sạn trong sân bay Tân Sơn Nhất vì "sân bay sẽ chuyển về Long Thành…".

Trước đó, sân bay Tân Sơn Nhất và ngành Hàng Không Việt Nam đề nghị thủ tướng cho mở rộng Tân Sơn Nhất sang phía quân sự 30 ha đất nhàn rỗi làm 30 chỗ đỗ (vì sân bay quá thiếu chỗ đỗ, nhiều chuyến bay đến Tân Sơn Nhất phải bay vòng chờ hàng tiếng đồng hồ), lúc đầu thủ tướng OK nhưng phía quân sự "không thỏa thuận" rồi sau đó không hiểu vì sao thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại âm thầm cho họ lấy 157,6 ha đất làm sân golf.

Dư luận ngành Hàng Không Việt Nam hồi đó rất phẫn nộ, nhiều người văng tục khi nghe thông tin vô lý này. Đến nay, tổng hợp tất cả các thông tin có thể hình dung ra kịch bản : Những năm 2000 giá đất sốt lên rất cao, các quan chức, đại gia quân đội bắt đầu "nhòm ngó" đến những khu đất vàng rộng mênh mông là các sân bay như Bạch Mai, Nha Trang, Gia Lâm, Cát Bi, Tân Sơn Nhất, Vũng Tàu… Từ đây các sân bay bị "chật trội, ô nhiễm" có nhu cầu phải chuyển ra xa thành phố hơn để lấy chỗ phát triển kinh tế "bảo vệ tổ quốc". Hiện tại sân bay Bạch Mai, Nha Trang, Gia Lâm đã đạt mục đích riêng sân bay Cát Bi suýt bị thành phố Hải Phòng chuyển sang Tiên Lãng. Việc "suýt" này đã gây họa cho nông nhân Đoàn Văn Vươn và vết nhơ bẩn khó rửa của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). 

Trong giai đoạn 2008- 2010 giá đất còn cao, thành phố Hải Phòng có ý kiến đề nghị bộ Giao thông vận tải chuyển sân bay Cát Bi ra Tiên Lãng (trong đó có phần nằm trên 40 ha đầm của ông Đoàn Văn Vươn), sau đó được thủ tướng chính phủ đồng ý dù trong quy hoạch cảng Hàng Không Việt Nam đến 2030 vẫn do chính phủ phê duyệt không có chuyện đó. Năm 2009 huyện Tiên Lãng đã "rục rịch" đòi thu hồi đầm tôm 40 ha của Đoàn Văn Vươn nhưng bị phản ứng, đuối lý họ dừng. Thế nhưng đến 2011 khi có thông tin chính thức sân bay Cát Bi chuyển về Tiên Lãng trong đó đầm tôm của Đoàn Văn Vươn nằm trong diện thu hồi thì huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng kiên quyết cưỡng chế trái pháp luật đầm tôm (mà theo dư luận là để giao cho bà con cán bộ huyện, xã mà theo tính toán nếu khu đất bị thu hồi chủ nhân sẽ có hàng trăm tỷ tiền bồi thường) dẫn đến sự kiện nhục nhã của chính quyền Hải Phòng còn anh em Đoàn Văn Vươn bị tù oan. Sự việc "nhùng nhằng" đến năm 2013 khi dự án chưa được thực hiện mà theo dư luận thì giá đất "down"(xuống) quá các đại gia, quan chức không "màng" nữa nên người ta đã chi 3.600 tỷ nâng cấp mở rộng sân bay Cát Bi. 

tsn2

Khu thương mại sân golf của các đại gia sẽ tuyệt đối an toàn và khả năng quân đội mở rộng nữa các công trình thương mại vĩnh viễn ở Tân Sơn Nhất là rất cao.

Với sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nay đã quyết phương án : Sân bay Tân Sơn Nhất chỉ được khai thác tối đa 50 triệu khách/năm và phát triển về hướng nam chứ không phải hướng bắc theo ý kiến các chuyên gia Thành phố Hồ Chí Minh và ngành Hàng Không Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, Nguyễn Trọng Sành, phi công Nguyễn Thành Trung, Mai Trọng Tuấn… Quyết định này dù vô tình, hữu ý, khách quan hay chủ quan thì khu thương mại sân golf của các đại gia sẽ tuyệt đối an toàn và khả năng quân đội mở rộng nữa các công trình thương mại vĩnh viễn ở Tân Sơn Nhất là rất cao. Bởi vì, nếu nhu cầu khai thác vượt 50 triệu thì bắt buộc phải xây đường băng thứ ba mà đã "chốt" chỉ dược 50 triệu trở xuống thì không có chuyện xây thêm đường băng, nghĩa là không bao giờ đụng đến 157 ha sân golf nữa. Khi Tân Sơn Nhất đã chuyển về Long Thành rồi thì nhu cầu mở rộng sân bay ở đây sẽ không bao giờ có nữa vì hoạt động quân sự ở Tân Sơn Nhất chỉ là chiếu lệ lèo tèo vài chuyến bay tuần, tháng lại còn có căn cứ không quân lớn ở Biên Hòa rất ít hoạt động bay cách đó chỉ hơn 20 km.

Những năm gần đây dư luận phẫn nộ vì sân bay Tân Sơn Nhất, cửa ngõ hàng không chủ yếu của quốc gia (khách thông qua Tân Sơn Nhất chiếm hơn 50% toàn bộ các sân bay Việt Nam) tắc nghẽn thảm hại trong khi các đại gia quân đội chiếm đất quốc phòng kinh doanh còn các cơ quan, nhà khoa học, chuyên gia thì đã không biết bao nhiêu lần bàn bạc trong đó nghiêng về mở rộng sân bay sang hướng bắc để tận thu khu đất vàng 157,6 ha bị chiếm dụng trái phép mở thêm cửa ngõ cho sân bay ra hướng bắc…

Thế nhưng, cuối cùng thì "trời tính không bằng người" tính, và sân golf Tân Sơn Nhất muôn năm ! 

Nguyễn Đình Ẩm

Nguồn : VNTB, 31/03/2018

Published in Diễn đàn

Ngay sau khi Tập Cận Bình "lên ngôi" tổng bí thư đảng cộng sản kiêm chủ tịch nước Trung Quốc thâu tóm trọn quyền lực trong tay đã mở cuộc chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" trừng phạt các đối tượng tham nhũng trong đảng không thuộc phe mình để củng cố quyền lực, mang lại chút sinh lực, uy tín của đảng cầm quyền. 

tcb1

Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo độc tôn tại Trung Quốc - Ảnh minh họa

Mặc dù điều tra tội tham nhũng phức tạp nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn Tập đã diệt hết quan chức này đến quan chức khác mà chỉ trước đó ít ngày họ vẫn là những lãnh đạo cao quý, bỗng bị phơi ra cả núi trọng tội với lượng tiền bạc, của cải thu được ngoài sức tưởng tượng.Những quan chức như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang… bị tịch thu mà cả nhiều chuyến xe tải mới chở hết tiền bạc, châu báu… 

Ở Châu Phi, độc tài Gadhafi năm trước vẫn là những "cha mẹ", ân nhân của nhân dân, được coi là "thủ lĩnh Châu Phi" cho đến khi mất quyền thì mới thành kẻ độc tài tàn bạo, có hàng chục tỷ đô la trên khắp Âu, Mỹ, bắt hàng trăm cháu gái nhỏ làm nô lệ tình dục… 

Ở Việt Nam ta, những Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng… từ chục năm trước đã khét tiếng lộng hành phá phách nhưng mãi đến mãi gần đây một phần tội trạng mới được làm sáng tỏ thì những trăm, nghìn tỷ của dân đã trở thành mây khói… Đó là hậu quả của một chế độ chỉ duy nhất một đảng nắm quyền.

tcb2

Thời còn vinh quang, mỗi động tác của Đinh La Thăng đều có vô số người tung hô, bợ đỡ

Ở chế độ dân chủ đa đảng quan chức bị giám sát chặt chẽ : đảng đối lập, các tổ chức xã hội dân sự, báo chí tư nhân soi mói, tòa án độc lập phán xét, dân biểu tình phản đối… nên tham nhũng rất khó và ít. Ngược lại, trong bộ máy nhà nước ta hiện nay gần như không có ai giám sát quan chức, chức càng cao thì càng "an toàn", bất khả xâm phạm. Mặc dù ở địa phương có tổ chức đảng, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, thanh tra nhân dân, thanh niên, cựu chiến binh, người cao tuổi ; ở doanh nghiệp nhà nước có cấp ủy đảng, hội đồng thành viên, công đoàn, ban kiểm soát… có chức năng giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý nhưng họ đều dưới sự phán xét của lãnh đạo đảng, chính quyền (sa thải, kỷ luật, lên chức, lên lương…) nên cái bộ máy khổng lồ có chức năng giám sát ấy chỉ là hình thức, "quân xanh" tất cả gần như tê liệt trước mọi quyết định của lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương. Thậm chí nhiều người còn phải xu nịnh, đút lót cấp trên để được hưởng ân huệ nên những hành vi tham nhũng, phá phách không bị đưa ra ánh sáng dù mọi người, báo chí có biết.

Báo chí, một trong những cơ quan giám sát quan trọng của xã hội với quan chức, chính quyền nhưng vẫn do lãnh đạo cơ quan chủ quản (lãnh đạo địa phương, trung ương, bộ ngành, hiệp hội… đều do đảng lãnh đạo) quản lý chỉ định tổng biên tập, ăn lương do chính quyền phân phát nên họ chỉ dám đăng báo trong trường hợp "an toàn" có lợi hoặc được phép của lãnh đạo cấp trên, cơ quan chủ quản. Rất nhiều tin báo đăng không sai nhưng ngay lập tức phải gỡ bỏ khi các thế lực tham nhũng, cấp trên không cho phép là như thế. Ngược lại họ miệt mài "tô son, trát phấn" cho lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp để được an toàn, hưởng lợi từ phong bì, quảng cáo, cất nhắc...

Một trong những cách kiếm tiền quan trọng của nhà báo, tờ báo quốc doanh là bảo kê quan chức, doanh nghiệp. Tức chuyên tâng bốc ca ngợi quan chức, doanh nghiêp và đăng bài bênh vực khi cần để nhận tài trợ bằng nhiều hình thức. Vụ ông Đinh La Thăng phản ánh rõ, đầy đủ nhất tính chất phụ thuộc thảm hại vào chức, quyền, tiền của truyền thông nhà nước. Khi ông Đinh La Thăng đang nắm quyền, tiền, lợi ích… dư luận có cảm tưởng nhiều nhà báo suốt 24 g đi cùng, ăn, nằm cạnh giường ngủ của "bộ trưởng, bí thư Thăng" để không bỏ sót một câu nói, hành động nào mang tính phô trương của ông. Từ đây những lộng hành sai phạm của quan chức này bị vùi lấp bởi những lời nói, việc làm mị dân. Thậm chí ông còn trở thành ngôi sao sáng trên chính trường. 

Vụ MobiFone mua AVG các quan chức còn tập hợp được một nhóm lợi ích lý tưởng mà chỉ ở chế độ độc tài mới làm được : Nhóm gồm bộ Thông tin và truyền thông, công an, tài chính, kế hoạch đầu tư, văn phòng chính phủ, các cơ quan kiểm định… đều "nhất trí cao" với việc làm sai lại còn tạo cái vỏ giáp : "Bí mật" để vô hiệu mọi sự nhòm ngó. Hồi Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã tố cáo công khai trên mạng hàng chục năm liền nhóm người giám sát việc xuất khẩu dầu ngoài khơi gồm đại diện văn phòng chính phủ, bộ giao thông, công an, tài chính thông đồng bán cho Trung Quốc một nửa số dầu trả tiền mặt với giá thấp hơn thị trường lấy chênh lệch chia nhau. Mỗi khi họ trở về đất liền mang những ba lô đầy ắc đô la… thì ít người dám tin nhưng qua vụ AVG và nhiều vụ khác thì tố cáo của Trịnh Xuân Thanh là có cơ sở. 

Do không có lực lượng nào tranh giành, giám sát, đấu tranh lại được truyền thông bưng bít cái sai, phóng đại cái tốt nên hầu hết quan chức tìm mọi cách tham nhũng, vơ vét, cướp bóc của cải xã hội, lợi ích quốc gia, địa phương. Thấy cán bộ lớn ăn lớn, bé ăn bé mà an toàn nên việc lên chức được tôn vinh là "tiến bộ"người người "phấn đấu" làm cán bộ, hầu hết các địa phương, doanh nghiệp nhà nước "cả họ lãnh đạo làm quan" để cùng giàu sang nên chức quyền trở thành "tài khoản" vô giá. Cô hotgirl Quỳnh Anh xứ Thanh, anh thanh niên Yên Bái Phạm Sĩ Quý… chỉ có chức trưởng phòng, giám đốc sở tỉnh miền núi nghèo rớt nhà nước thường phải trợ cấp lương thực mà la liệt tài sản, biệt phủ, xe sang nghênh ngang trước sự đói rách của nhân dân... 

Vơ vét quá dễ lại an toàn, sang trọng nên quan chức "ăn của dân không từ cái gì", ăn cả của người tàn tật, tai họa, người chết… Đến tướng cảnh sát có nhiệm vụ trấn áp tội phạm dù "lương cao, lộc hậu" đã rất giàu nhưng lại vẫn bảo kê tội phạm thu những khoản tiền khủng khiếp, tướng công an vô tư công văn cho các địa phương phải nhượng rẻ chỗ đất này, nọ cho tay chân (nếu những công khai trên mạng vừa qua là sự thật) kiếm lời bất chính hàng trăm, ngàn tỷ ngon ơ… Tham nhũng đã như một nghề của quan chức nên họ cũng không thèm giấu diếm tài sản bẩn mà còn tự hào về sự sang trọng, "quý phái" của mình. Thời gian qua dân được chiêm ngưỡng cơ man những lâu đài, biệt phủ cực kỳ hoành tráng, xe sang lộng lẫy của quan chức lớn, bé trước sự nhọc nhằn, khốn khó của dân. 

Quan chức tham nhũng không thể "ăn một mình" mà phải luôn có ô dù, bè cánh, "nhóm lợi ích" thế lực lớn hơn cất nhắc, bảo kê. Để "nuôi", giữ được ô dù,tất nhiên quan chức phải có tiền (ngày càng đắt đỏ) dẫn đến quy trình khép kín : Tham nhũng để có tiền thuê bảo kê, muốn có tiền phải tham nhũng… Và cả bộ máy trở thành một "tập quyền tham nhũng" khăng khít là như thế. Quan chức "không tham nhũng bị người tham nhũng cô lập" (Lời đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương tại diễn đàn quốc hội). Do tham nhũng quá dễ lại an toàn nên hầu hết quan chức là tham nhũng đúng như lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : Tham nhũng "nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có" và "Nếu kỷ luật cả(tham nhũng) lấy ai làm việc" (Lời nguyên chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng) là rất chuẩn xác. 

Khi thế lực, ô dù trong cơ quan, doanh nghiệp hoặc phe phái tham nhũng mạnh, đoàn kết thì quan chức an toàn thậm chí "hùng mạnh", chỉ đến khi, ô dù phe cánh suy yếu thì mới có nguy cơ bị phanh phui, trừng phạt. Vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh thể hiện rõ điều này. Trước và ít ngày sau đại hội 12 những ông này vẫn là những "ngôi sao sáng" của đảng cộng sản, ông Trịnh Xuân Thanh vào quốc hội, lên chức vù vù,ông Đinh La Thăng vào Bộ chính trị lên chức bí thư thành phố lớn nhất Việt Nam mặc dù trước đó dư luận không lạ gì sự lộng hành, phá phách của ông Đinh La Thăng (năm 2012 tôi đã đăng công khai bài : "Dưới thời ông Đinh La Thăng ngành Hàng không Việt Nam hãy coi chừng" trên blog Huỳnh Ngọc Chênh). Chỉ đến giữa năm 2017 thì các ông mới có tội. Việc chỉ cần thời gian cực ngắn tòa đã đưa ra xét xử với vụ án rất phức tạp như vụ ông Đinh La Thăng chứng tỏ tội trạng từ hàng chục năm qua của ông đã quá rõ không cần nhiều thời gian điều tra. 

Đến nay có thể khẳng định phần lớn (nếu không nói là hầu hết) quan chức đều tham nhũng không nhiều thì ít. Những quan chức đã bị hầu tòa chưa chắc có tội nặng hơn nhiều vị vẫn hàng ngày dạy dỗ người khác phải liêm chính. 

Chế độ độc tài, cái bẫy tham nhũng quá hấp dẫn để chiêu dụ quan chức. 

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 21/03/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 24 février 2018 21:45

Sai phạm BOT : đừng lọc lừa nữa !

Khi BOT "trấn lột" bị nhận diện,dân phản ứng khắp nơi… thì VTV, Bộ Giao thông vận tải và nhiều quan chức lớn, bé liên tục đưa ra các lời lọc lừa như : "Chủ trương BOT là đúng khi vốn đầu tư của nhà nước còn "hạn hẹp", BOT đã thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông,…" rồi chỉ thị, hô hào kiên quyết trấn áp những "kẻ gây rối". 

bot1

BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ

Cứ theo những phát ngôn, thông báo, chỉ thị… này thì dân phản đối BOT là sai, là gây rối. Đó là sự trí trá đánh lạc hướng dư luận che dấu một sự thực : Dân không hề phản đối BOT mà phản đối những sai phạm kiểu "cướp ngày" của nhiều BOT. 

Cướp đoạt quyền tự do giao thông của dân 

Đường BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ hình thành hàng trăm năm qua từ tiền thuế, phí của dân. Đây là đoạn đường huyết mạch Bắc-Nam mà dân vẫn đi lại tự do hưởng thụ những đóng góp của họ.Thế nhưng, từ năm 2014 người ta bày ra BOT với lý do rất "chính đáng" là tận dụng vốn tư nhân, xã hội để thay vốn nhà nước còn hạn hẹp để nâng cấp con đường. 

Tham gia "giúp đỡ" nhà nước có ba doanh nghiệp tư nhân : Tổng công ty Minh Phát có trụ sở tại 181 Trần Hưng Đạo TP Bắc Ninh (góp 65% vốn), Cienco1 (18%), Phương Thành (17%), 80% số tiền họ đầu tư vào dự án "cải tạo nâng cấp" (giai đoạn 1) và "mở rộng hoàn chỉnh" 29 km QL1 là vốn vay ngân hàng. Ở giai đoạn 1, nhà đầu tư mới chỉ chi 30% dự án nhưng từ mấy năm nay "nhóm lợi ích" BOT thu phí với giá như làm đường mới bất kể ai cũng phải đi qua vì không có lựa chọn nào khác. Tức họ tước đoạt quyền tự do đi lại của dân mà họ đã đóng thuế, phí làm nên từ bao năm qua. 

Và tất nhiên, cả những BOT làm trên các con đường cũ đều trong tình trạng này. 

Bắt người nghèo sài sang 

Nhân chuyện, nhiều trạm thu phí BOT đặt trên đường sẵn có "độc đạo" hoặc thu phí cao đường cũ để bắt dân phải đi vào BOT khiến tôi nhớ lại một buổi họp của Tổng Cục hàng không Việt Nam vào những năm 1990. 

Hôm ấy, Ban Vận tải báo cáo hệ số sử dụng ghế đường bay Hà Nội-Điện Biên, Sài Gòn-Đông Tác (Phú Yên) quá thấp, trung bình chỉ 7-12 ghế/50 ghế của máy bay Antonov 24 và 30 ghế của máy bay YAK 40. Tuy giá vé chỉ hơn 100 nghìn đồng/vé-chưa đủ chi phí nhưng dân cứ đi ô tô không chịu đi máy bay. Lý do xuất phát từ việc, vé đi ô tô Điện Biên-Hà Nội chỉ ở mức 20-25 nghìn đồng/vé. 

Có người để xuất, nên kiến nghị Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) yêu cầu nâng giá vé ô tô khách chạy trên đường Hà Nội-Điện Biên, Sài Gòn-Phú Yên lên để buộc dân phải đi máy bay. 

Có vài ba người ồ lên tán thưởng nhưng lập tức nhiều ý kiến phản đối. Ông Tổng cục trưởng "cắt" ngay : Không làm thế được, không phải dân không muốn đi máy bay nhưng họ còn nghèo không có tiền đi máy bay. Người ta chọn đường bộ dù vất vả, nhưng nếu có lợi cho người ta hơn thì người ta đi chứ bắt họ sao được ! 

Nhiều tiếng xì xào : "Đi một chuyến bay mất cả tạ ngô trong khi số ngô ấy nuôi sống người ta cả nửa năm trời, dân phải tính chứ. Người ta đem mấy chai mật ong, dăm bảy cân gừng từ Điện Biên về Hà Nội bán lãi hai, ba chục mà đi máy bay thì còn "ăn" gì nữa". 

Lúc ấy, vì quá ít khách, những đường bay này đã phải giảm tần suất, dừng bay nhiều lần do dịch vụ HK còn xa xỉ với dân. 

Không ngờ cái chuyện quá đơn giản mà những người ít học ở ngành hàng không đã nhận ra, hiểu người nghèo thì nay những kẻ tự xưng là "hết lòng phục vụ nhân dân" lại nhiệt thành "chặn đường trấn lột" dân ! 

Quốc lộ 5 có từ hàng trăm năm trước và qua mấy lần tu bổ, nâng cấp, mở rộng nhưng đến những năm gần đây nó đã trở nên chật trội, xuống cấp. Đó là quy luật tất nhiên với con đường bất kỳ nên nhà chức trách mới sinh ra chính sách, theo đó, cứ ai mua phương tiện đi lại (xe máy, ô tô, mua nhiên liệu xăng, dầu,…) đều phải đóng phí đường bộ. Nhà nước có quyền thu loại phí này đủ để chi cho việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, và đến nay chưa thấy người dân nào phản đối. 

Thế nhưng ngày 29/11/2007 ông Nguyễn Sinh Hùng-lúc đó đang là Phó Thủ tướng ký Quyết định 1621-TTg cho phép Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) góp 51% vốn điều lệ của Tổng công ty nhằm phát triển hạ tầng đầu tư tài chính (VDDIFI), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) được góp 29%, tức "tthu xếp" cho VDDIFI vay 70 và 30% trong tổng số vốn vay để đầu tư dự án QL 5B. Trên cơ sở này, cho phép VDDIFI thu phí cả hai quốc lộ 5, 5B để hoàn vốn. 

Để "dây máu ăn phần", VDDIFI bảo dưỡng "qua quýt" QL5 để thu phí. Tại trạm 1 quốc lộ 5 cũ thu 10 nghìn đồng/lượt (xe 4 chỗ) chưa đủ ép dân phải đi, BOT 5B liền tăng lên 45 nghìn đồng/lượt. Sau đó, do bị phản đối quyết liệt, phía chủ đầu tư đã giảm xuống 40 nghìn đồng/lượt. Cũng với xe 4 chỗ khứ hồi trên BOT 5B số tiền phí lên đến gần 500 nghìn đồng. Chỉ có xe của quan chức tiêu phí ngân sách, các đại gia, những doanh nghiệp lớn ít bị cạnh tranh bán sản phẩm giá cao hơn… thì mới lựa chọn đi BOT 5B. Thế nhưng do nhóm lợi ích thu, tăng phí qua QL5 thì tất cả không còn lựa chọn. "Đi đằng nào cũng không thoát" ! Nhiều xe cỡ lớn đã tìm cách né phí quá cao bằng cách len lỏi vào các con đường thuộc tỉnh lộ, liên xã, liên huyện của tỉnh Hải Dương, Hưng Yên. 

Đây rõ ràng không phải là một dự án BOT vì đám lợi ích chủ yếu vay vốn ngân hàng, chỉ "tráng men" một đoạn cho phẳng mịn hơn, đi xe êm, thoải mái, an toàn hơn nhưng tất cả mọi người giàu nghèo phải trả giá cao mới được đi qua. 

Chiếm dụng vốn xã hội để tạo ra sản phẩm chưa phù hợp thị trường 

BOT 5B Hà Nội-Hải Phòng bề ngoài đạt chất lượng quốc tế gần ngang với cao tốc xuyên Châu Âu Paris (Pháp)-Amsterdam (Hà Lan) với chiều dài ước đạt 800 km. Ô tô đi trên con đường đó êm, nhanh an toàn hơn đi trên QL5 cũ. Thế nhưng tại sao dân không chịu đi trên con đường tốt hơn đó mà lại chủ yếu đi trên QL5 đến mức nhóm lợi ích phải tăng phí trên QL 5 hơn 4 lần để dân buộc phải đi trên BOT 5B ? Lý do là bởi vì BOT 5B có mức đầu tư, phí quá cao, là thứ dịch vụ chưa phù hợp với mức sống, thu nhập của nhân dân. Nó cũng tương tự như câu chuyện Vận tải hàng không Điện Biên-Hà Nội những năm 1990 đã kể trên. Có thể 10, 15 năm nữa khi mức sống của dân cao hơn thì BOT 5B sẽ được nhiều người lựa chọn, và lúc đó đủ để nhà đầu tư thu phí có lãi, chứ không phải dùng quyền lực để tăng phí QL5 như hiện nay. 

Đường được cải tạo tốt hơn nhưng mức phí không phù hợp với mức thu nhập của dân. Đường rộng nhưng dân không muốn đi-một sự "phồn vinh giả tạo" đúng nghĩa. 

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 24/02/2018

Published in Diễn đàn

Đã đành, tham nhũng là bản chất của chế độ độc tài nhưng có những vụ tham nhũng mà những người chủ trò vô tình hay hữu ý "gài thế" để kẻ đi sau muốn giải quyết nhằm "gỡ gạc" chút lợi cho dân, uy tín cho đảng,củng cố quyền lực, bảo vệ chế độ cũng không thể nào gỡ nổi.

Quả "gài" ở sân bay

Năm 2007 khi có thông tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không nghe theo yêu cầu của ngành hàng không, nhượng bộ quân đội không dám dùng 30 ha đất nhàn rỗi bên quân sự triển khai 30 chỗ đỗ máy bay (lúc đầu đã đồng ý) ở sân bay Tân Sơn Nhất (đang thiếu chỗ đỗ, nhiều chuyến bay phải bay vòng chờ hàng giờ trên không) nhưng lại âm thầm cho đại gia quân đội làm sân gollf, nhà hàng,khách sạn ở đây nhiều cán bộ nhân viên ngành hàng không phẫn nộ với hành vi này. Thế nhưng với những người am hiểu chút chính trị và hầu hết lãnh đạo ngành này thì hiểu và đến nay thì chắc mọi người đã hiểu. Đó là một trong những quả "gài" chí mạng với "hậu thế" nhất là những sếp như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, v.v...

thamnhung1

Thế lực quân đội bao giờ cũng quan trọng nhất không chỉ là lực lượng vũ trang mạnh nhất mà còn có nhiều ủy viên Trung ương ở đó

Năm 2007 là nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Nguyễn Tấn Dũng nên ông cần nhiều sự ủng hộ trong đó thế lực trong quân đội bao giờ cũng quan trọng nhất không chỉ là lực lượng vũ trang mạnh nhất mà còn có nhiều ủy viên Trung ương ở đó. Việc ông Nguyễn Tấn Dũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ lúc này bảo đảm thế lực của ông vững trãi ngay từ buổi đầu và nguồn "sinh lực" ấy còn theo mãi ông cho đến sát Đại hội 12. Món quà lớn tặng cho các đại gia quân đội cộng với những nguồn lợi kếch xù từ việc cướp đất của dân, khai thác khoáng sản, phá rừng lấy gỗ bừa bãi, các dự án công nghiệp, thủy điện,… béo bở mang lại cho hầu hết những cán bộ cỡ ủy viên trung ương giàu sụ đã đưa thủ tướng đến địa vị "bất khả xâm phạm".

Đã "5 lần, 7 lượt", Bộ chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng nhưng không thể vì những lá phiếu giàu sụ cần sự "đồng lòng", che chở của thủ tướng. Nếu tại Đại hội 12, Bộ chính trị và ông Nguyễn Phú Trọng không "xé rào" nguyên tắc, điều lệ của Đảng thì có thể đến nay ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn tồn ở cái ghế thực quyền cao nhất và đất nước vẫn "khởi sắc", theo hướng : GDP vẫn cao, nợ xấu vẫn "dưới ngưỡng".

Việc cho quân đội làm các công trình thương mại trong sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm,… thuộc những khu đất vàng mang lại sức mạnh cho Thủ tướng nhưng để lại sự khốn cùng tắc nghẽn của sân bay Tân Sơn Nhất, cái khúc xương gà không thể nuốt của ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội, lẫn lãnh đạo các cấp của đảng cộng sản hiện nay. Bởi vì, nếu ông nào không ủng hộ hoặc quyết tâm "giaỉ giáp" các sân golf, công trình thương mại, lợi ích "trời cho" của đại gia quân đội thì sẽ mất đi sự ủng hộ của họ, tức cái ghế của các anh, chị sẽ cực kỳ "trông chênh".

Quả nhiên, trước tình hình "nước sôi,lửa bỏng" về sự thiếu sân đỗ, tắc nghẽn cực kỳ nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất, với cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng không hề có ý kiến đả động gì trước công luận ; trong khi đó - ông Đinh La Thăng "xông xáo, mạnh bạo" có trách nhiệm trực tiếp, cao nhất với các sân bay thì không hề hé răng.

Sự im lặng ấy kéo dãi mãi, cho đến khi Đại biểu quốc hội chất vấn tại sao có sân golf trong sân bay.

Phải chăng chỉ vì phải lấy lòng Vietel, quân đội mà những ngày qua chính quyền Hà Nội có hành vi cường quyền tàn nhẫn, dối trá với dân trong việc tranh đất ở Đồng Tâm đang ẩn chứa nguy cơ nghiêm trọng về chính trị nhưng các cơ quan Trung ương, lãnh đạo đảng cộng sản chỉ cách 40 km mà coi như không biết gì ?

Nếu ông Tổng bí thư và các vị lãnh đạo thuộc Chính phủ, Quốc hội không giải quyết được vụ vi phạm pháp luật trắng trợn gây hậu quả nghiêm trọng ở sân bay Tân Sơn Nhất, Gia Lâm, Đồng Tâm,... thì các vị sẽ ăn nói với dân như thế nào ? Nếu các tướng soái, đại gia quân đội thực sự yêu đảng, ủng hộ chế độ, ủng hộ Tổng bí thư, Bộ chính trị "vì nhân dân quên mình"thì họ phải ủng hộ, tự giác thôi làm kinh tế, triệt thoái những công trình "hại dân" chứ ! Ngược lại, ai tin sự "quang minh chính đại" chống tham nhũng của đảng cộng sản, ai sẽ còn tin quân đội yêu dân, yêu nước ?

Thế nhưng, thời gian trôi qua, nhiều phát biểu của tướng tá vẫn không hàm ý "yêu đảng, vì nhân dân…". Họ vẫn ngang nhiên khẳng định quân đội làm kinh tế là tốt, và đặt ra điều kiện tiên quyết khi Nhà nước giải thể sân golf, nhà hàng, khách sạn chung cư... trên đất vàng Tân Sơn Nhất để mở thêm cửa khẩu đường không quan trọng nhất của quốc gia là : phải trả cho bên quân đội 3.000 tỷ VND.

Quả "gài" BOT

Không thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng và bộ "sậu" như Đinh La Thăng, Nguyễn Văn Thể - Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính không hiểu BOT là công trình cạnh tranh với mạng đường cũ, doanh nghiệp phải dùng tiền nhàn rỗi của mình mà đầu tư. Vì đồng tiền các ông tước đoạt quyền đi lại từ do của dân trên các con đường họ đóng thuế, phí tạo nên từ bao năm qua và móc túi (hoặc trấn lột - theo lời Cựu Phó văn phòng quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng) tiền của dân bằng cách "tráng men" đoạn đường cũ độc đạo hoặc làm thêm đoạn đường mới rồi đặt các trạm thu phí, hoặc chặn cả hai đường (như quốc lộ 5 và 5B) để "trấn lột". Sự quá vô lý này cuối cùng khiến người dân phản ứng, và sẽ nhanh chóng đưa đến hai hệ quả :

- Nếu Nhà nước hiện tại đứng về lẽ phải, phía dân chuyển trạm thu phí đến đúng vị trí thì doanh nghiệp khó trong việc trả vốn, lãi ngân hàng. Nếu nhà nước bỏ tiền ra để mua lại đoạn BOT thì gánh nặng ngân sách càng nặng và những chi phí của doanh nghiệp vào BOT khó mà tin.

- Nếu nhà nước dùng vũ lực bảo vệ việc làm sai của đại gia, doanh nghiệp thì sẽ gây bất ổn XH, bị mất hết uy tín. Trong khi, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhất là doanh nghiệp vận tải sẽ chết do phí quá cao trong bối cảnh cạnh tranh chi phí và thị trường nội địa ngày càng khốc liệt.

Vụ "gài" phong tướng, tá

Thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, số lượng tướng tá được phong ồ ạt đến mức trở thành như những món quà mà nhiều anh không được phong thì "tâm tư".

Viên Đại tá Đỗ Hữu Ca có thành tích "chiến đấu" chiếm đầm tôm của nông dân Đoàn Văn Vươn một cách sai trái sau này cũng được ngành Công an phong tướng.

Việc phong tướng tá quá nhiều không chỉ giảm uy tín, sức mạnh quân đội, công an mà còn để lại cho hậu thế gánh nặng chi ngân sách thường xuyên.

Và hệ quả nêu trên đã tạo nên đòn "chí mạng" do tiền nhiệm "gài" lại, tiếp tục nhắm vào nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo hiện nay.

Ngoài những vụ tham nhũng kiểu "gài" như trên còn biết bao vụ khác như các dự án nghìn tỷ "đắp chiếu", tàn phá môi trường gây họa lâu dài làm hàng triệu dân điêu đứng, những vụ cướp đất, chia chác gây bao thù oán với dân đe dọa nghiêm trọng tính chính danh và uy tín vốn đã quá thấp của nhà cầm quyền.

Tham nhũng đã tai hại những tham nhũng kiểu "gài" còn thâm hiểm, tai hại hơn nhiều.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 12/01/2018

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3