Đã từ lâu hầu như dân chúng không còn tin vào những phát biểu hay hứa hẹn của bất cứ ông to bà lớn nào trong guồng máy nhà nước, bởi quá nhiều bài học chứng thực tính nói láo không biết thẹn của hầu như tất cả các cấp lãnh đạo cộng sản khi phải giải quyết một vụ việc gì đó của người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung lại nói láo không hề biết nháy mắt
Nói láo không phải ai muốn là được, bởi khi phát biểu một lời nói láo lập tức có hai vấn đề buộc người nói phải suy nghĩ chín chắn. Thứ nhất khi đưa ra một lời hứa phải tự hỏi lấy mình rằng có thể thực hiện được bao nhiêu phần, nếu chỉ 80% thì tốt nhất đừng nên hứa. Thứ hai, khi phát biểu một hành động, một hiện tượng chốn đông người phải nhớ là cái số đông ấy sẽ có người làm chứng cho lời nói thật hay láo của một quan chức và vì vậy nói láo về hành động hay ý kiến của đám đông là hành vi ngu xuẩn nhất của người nói láo.
Vậy mà đương kim một chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung lại nói láo không hề biết nháy mắt khi xác định rằng ông ta đã mời người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ cháy của nhà máy bóng đèn phích nước Rạng Đông đến tham dự cuộc họp ở Ủy ban nhân dân TP vừa qua. Ở đó, ông đã nghe họ phát biểu, trực tiếp hỏi người dân nhưng người dân nói "Không có bức xúc gì".
Để biết ông Chung có nói láo hay không hãy xem VTV đưa tin : hàng trăm phụ huynh có con đang học ở các trường tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội đã xin cho con nghỉ học tạm thời vì chưa biết trường có nằm trong khu vực an toàn không bởi trước đó đã có những kết luận trái ngược nhau về nguy cơ ô nhiễm.
Bên cạnh đó báo Thanh Niên cho biết gần 90% hộ dân tại chung cư 54 Hạ Đình, hơn 40% hộ dân tại chung cư 143 Hạ Đình và hàng loạt hộ dân, kinh doanh xung quanh Công ty Rạng Đông chuyển đi sau vụ cháy, khiến nơi đây xuất hiện nhiều "phố ma", "xóm chết".
Chưa hết, báo Dân Trí có bài phóng sự đăng vào ngày Chúa Nhật 8/9 có tựa rất ấn tượng : Hàng quán đóng cửa sang nhượng, dân quanh Công ty Rạng Đông thi nhau bán nhà.
Theo bài báo này thì các cửa hàng lớn nhỏ gần khu vực nhà máy Rạng Đông đã đóng cửa vì khách hàng sợ ô nhiễm chất thủy ngân nên ít có người dám ăn uống, bên cạnh đó nhiều gia đình đã tự ý dời đi hoặc về quê hay đến tạm trú với bà con ở một quận khác cách xa nơi xảy ra đám cháy. Có nhiều gia đình đã treo bảng bán nhà mặc dù trước đó chưa từng có ý định này.
Chừng ấy dữ kiện đủ nói lên tính chất dối trá của ông Nguyễn Đức Chung trước một việc hiển nhiên đang xảy ra tại nơi ông quản lý. Ông Chung rõ ràng là có đầy đủ thông tin hơn ai hết khi trực tiếp nói chuyện với nạn nhân nhưng ông không nói lời thành thật đúng như người dân bức xúc mà ông đã đánh lừa dư luận bằng thứ ngôn ngữ xảo quyệt của một kẻ đứng đầu một thủ đô của ngàn năm văn vật.
Câu hỏi đặt ra : tại sao ông Chung phải nói láo như vậy ?
Có nhiều cách trả lời nhưng cách chính xác nhất vẫn xoay chung quanh ý tưởng cũ rích : "bời vì ông là người cộng sản cao cấp".
Càng cao cấp người cộng sản càng phải nói láo nhuần nhuyễn hơn, hợp lý hơn và thậm chí trơ trẽn hơn. Họ như những sản phẩm được sản xuất đồng loạt nên hình thức nói láo giống nhau là chuyện có thể hiểu được. Nhưng tại sao họ phải nói láo trong khi sự dối trá ấy không giúp gì cho họ trong việc giải quyết một cuộc khủng hoảng ?
Câu trả lời đến từ cương lĩnh "ổn định chính trị" mà đảng chủ trương đã khiến họ không dám nói thật từ những câu chuyện đáng ra không thể nói láo. "Người dân không có bức xúc gì" như ông Chung tuyên bố là cách ổn định lòng dân thô thiển mà người cộng sản nghĩ ra. Họ tạo cho chính họ và những đồng chí chung quanh tin rằng lời nói láo của họ người dân không biết và có biết cũng không màng tới. Nói thật về những gì mà người dân bức xúc rất nguy hiểm cho "ổn định chính trị" và biết đâu từ đó khiến người dân hoang mang thêm. Vậy là cứ tiếp tục nói láo, tiếp tục xem dân như cỏ rác không đáng nghe lời nói thật từ quan chức cộng sản.
Lâu dần những lời thiếu tính chân thật ấy khiến họ tin vào như một sự thật hiển nhiên, một sự thật ai cũng phải thừa nhận. Chằng hạn như họ không ngại ngùng khi tuyên bố "càng ngày người dân càng tin tưởng vào đảng hơn" là một mẫu câu được cắt dán vào mọi nơi mọi lúc, khi đảng cần vận động niềm tin của người dân vào một việc gì đó. Mẫu câu này được các cấp cao nhất lập đi lập lại không mỏi miệng tuy rằng ai cũng biết chẳng có người dân nào tin vào đảng cả.
Nói tới Nguyễn Đức Chung người dân Hà Nội tự khắc nhớ tới những gì ông ta làm tại Đồng Tâm, nơi xảy ra vụ bắt giữ 38 nhân viên nhà nước trong đó đa số là công an, viên chức huyện, Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Mỹ Đức… vì đã xâm phạm vào vùng đất của người dân tại đây. Khi đó với tư cách Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung phải về xã Đồng Tâm nói chuyện với người dân, đưa ra cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân địa phương về vụ bắt giữ. Tuy nhiên đến ngày 13 tháng 6 năm 2017, Cơ quan Điều Tra Công an Hà Nội lại ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Đồng Tâm về hai tội danh ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và hủy hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Cách mà ông Chung nói láo với dân chỉ đem tới tai họa cho họ chứ chưa bao giờ mang lại lợi lộc hay chí ít là niềm tin cho nạn nhân.
Nói láo là cách mà ông Chung từng làm và từng thành công, ít nhất là tại Đồng Tâm, khi ông ta giữ khoảng cách im lặng cho người dân trước bức xúc mà họ chịu đựng khi bị cướp đất. Lần này cũng thế, ông Chung làm cho dân chúng tin rằng thàm họa thủy ngân không đáng là gì mặc dù các cơ quan thẩm quyền đã có văn bản chính thức yêu cầu nhà nước có chỉ đạo đối phó một cách nhanh chóng trước các kết quả tìm được.
Nói láo theo kiểu ông Chung không khác gì cách nói láo của quận Thanh Xuân vài ngày trước đây, và rồi ra từ những lời nói láo ấy, lãnh đạo các cấp lớn nhỏ trong hệ thống chính quyền cả nước sẽ áp dụng đại trà vào cung cách ứng xử của họ đối với những thảm họa môi trường tương tự xảy ra, từ đó không biết có bao nhiêu người sẽ chết từ những lời nói láo có tính "định hướng" này.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 10/09/2019 (canhco's blog)
Vụ Nhật Cường sẽ ‘đốt’ không chỉ Nguyễn Đức Chung mà cả Hoàng Trung Hải ?
Khá nhanh chóng, ngay sau khi Bộ Công an phải thừa nhận Bùi Quang Huy - Tổng Giám đốc Nhật Cường - đã bỏ trốn và phải phát lệnh truy nã, đã rộ lên dư luận về vụ khám xét công ty Nhật Cường và truy bắt Bùi Quang Huy là nhằm lôi ra chuyện buôn lậu hàng Tàu, mà thực chất là các thiết bị gián điệp được Trung Quốc cài vào để theo dõi chính quyền Hà Nội và Trung ương, từ đó sẽ lôi ra những kẻ đã tiếp tay làm gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Nam Hải.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải (phải) và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
Không đề cập trực tiếp về dư luận trên, nhưng báo điện tử Viettimes rút tít một cách hàm ý : "Báo động nguy cơ đối với chủ quyền quốc gia Việt nam nhìn từ vụ án Công ty Nhật Cường", mà cụ thể trong bài là những khái niệm "chủ quyền thông tin" hoặc "chủ quyền trong không gian số".
Cùng thời gian này, vụ án Hoa Vi của Trung Quốc vẫn đang gây chấn động trong chính giới quốc tế. Nhiều quốc gia đã cắt hợp tác với Hoa Vi vì lo sợ bị thiết bị tình báo Trung Quốc theo dõi.
Hẳn nhiều người vẫn chưa hề quên sự kiện một clip ‘vô tình’ rò rỉ vào năm 2017 về buổi nói chuyện của viên tướng Trương Giang Long - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị thuộc Bộ Công an, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị công an nhân dân, trong đó Long tiết lộ có đến hàng trăm gián điệp Trung Quốc nằm vùng trong nội bộ đảng cộng sản ở Việt Nam.
Còn giờ đây, cũng đang xuất hiện dư luận cho rằng vụ Nhật Cường sẽ ‘đốt’ không chỉ Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà cả Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải. ‘Đốt’ như thế nào và với nhiệt lượng đến mức độ nào thì chưa rõ, nhưng xác suất Chung và cả Hải ‘vô can’ trong vụ Nhật Cường thì gần như không thể có.
Khi kỳ họp quốc hội mới khai mạc, một đại biểu quốc hội là ông Lê Thanh vân đã liên tiếp xuất hiện trên mặt một số tờ báo nhà nước với những câu hỏi và nhận định ‘chết người’ dành cho Chung ‘con’. Ông Vân đặt ra 3 khả năng dẫn đến việc Bùi Quang Huy có thể bỏ trốn. Khả năng thứ nhất là lộ lọt, qua quá trình triển khai nghiệp vụ để lộ lọt thông tin và bị can biết được nên trốn thoát. Khả năng thứ hai là quy trình không chặt chẽ, quá trình làm việc xác minh chưa chặt chẽ. Khả năng thứ ba là có người nào đó báo tin cho bị can Bùi Quang Huy.
"Chỉ có 3 khả năng đó thôi. Và đặt lên trách nhiệm cơ quan điều tra phải làm rõ. Cũng giống như vụ Trịnh Xuân Thanh trước đây, đến bây giờ vẫn chưa có câu trả lời : Ai đánh động cho Trịnh Xuân Thanh ? Ai báo tin cho Thanh bỏ trốn, tương tự như vụ Nhật Cường Mobile cũng vậy" – ông Vân xác quyết. Do đó phải làm rõ trách nhiệm và xử nghiêm ai đã đánh động hoặc báo tin cho ông chủ Nhật Cường.
Một lần nữa kể từ vụ Dương Chí Dũng năm 2012, Bộ Công an lại bị hố, phải chịu một scandal cay đắng và chắc chắn đang phải mở cuộc điều tra xem ‘kẻ phản bội’ nằm trong đội ngũ các dồng chí ‘còn đảng còn mình’ là ai.
Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Có nghĩa là Bùi Quang Huy đã có đến 5 ngày để dư dả thời gian chuẩn bị mọi thứ và đào tẩu trước khi lệnh bắt có hiệu lực.
Nhưng nếu Bùi Quang Huy bỏ trốn không đơn thuần bởi tội danh ‘buôn lậu’ mà là ‘xâm phạm an ninh quốc gia’, vụ việc sẽ trở nên ghê gớm và sắc máu hơn nhiều. Lẽ đương nhiên là khi đó không chỉ Nguyễn Đức Chung mà cả Hoàng Trung Hải sẽ phải cùng chịu trách nhiệm về vụ này, để Ủy ban kiêm tra trung ương sẽ có thêm một đầu việc kiểm tra hoặc thêm một đầu vụ án.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 25/05/2019
Kịch cũ, diễn viên mới
Vở kịch đã trở nên quá nhuần nhuyễn về Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ ‘Nhôm’ lại có bề tái hiện vào năm 2019, với kịch bản hoàn toàn cũ mà chỉ thay bằng một lớp diễn viên mới.
Số phận Chung ‘Con’ sẽ ra sao ? - Ảnh minh họa
Ai đã mật báo cho Bùi Quang Huy để ông chủ Nhật Cường Mobile bỏ trốn ngay trước mũi Bộ Công an, Nguyễn Xuân Phúc và cả ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng mới ốm dậy ?
Hàng loạt đồn đoán và ám chỉ trong dư luận, trên mạng xã hội và trên mặt báo quốc doanh từ trước khi Hội nghị trung ương 10 diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2019 về sân sau Bùi Quang Huy của Chung ‘Con’, tức Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, giờ đây trở nên phức tạp hơn hẳn bởi sự biến mất của Huy.
Một lần nữa kể từ năm 2012, Bộ Công an lại bị hố, phải chịu một scandal cay đắng và chắc chắn đang phải mở cuộc điều tra xem ‘kẻ phản bội’ nằm trong đội ngũ các đồng chí ‘còn đảng còn mình’ là ai.
Bởi vào ngày 14/5/2019, chính Bộ Công an thông báo là đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Bùi Quang Huy và 8 người khác vì tội "Buôn lậu và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Nhưng đến ngày 19/5/2019, cũng Bộ Công an lại thông báo Bùi Quang Huy đã bỏ trốn từ ngày 9/5.
Có nghĩa là Bùi Quang Huy đã có đến 5 ngày để dư dả thời gian chuẩn bị mọi thứ và đào tẩu trước khi lệnh bắt có hiệu lực.
Vở kịch chỉ được tái công diễn nhưng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử ‘và giá trị ‘nghệ thuật’ của nó. Cả Dương Chí Dũng vào năm 2012, Trịnh Xuân Thanh năm 2016 và Vũ ‘Nhôm’ năm 2017 đều đã được mật báo bởi những người ‘trong ngành’ và đều có thời gian để cao bay xa chạy.
Sau khi bị bắt lại ở Campuchia và bị đưa ra tòa, cựu tổng giám đốc Vinalines Dương Chí Dũng đã khai về một ‘ông anh trên Bộ Công an’ đã mật báo để Dũng kịp thời đào thoát chỉ ít tiếng đồng hồ trước khi lực lượng cảnh sát điều tra từ từ bước vào nhà y theo một cung cách rất ‘đúng quy trình’. Khi đó, đã ồn ào dư luận về kẻ mật báo chính là Phạm Quý Ngọ - thứ trưởng Bộ Công an. Nhưng rất may cho Ngọ là ông ta đã tránh bị truy tố vì căn bệnh xơ gan cổ trướng trong bụng ông ta đã không thể tránh khỏi cửa địa ngục.
Nhưng vụ Trịnh Xuân Thanh đầy kỳ bí thì lại khác hẳn, bởi cho tới nay vẫn không có bất kỳ công bố nào bởi bất kỳ quan điều tra nào về việc nhóm nào hoặc quan chức cao cấp nào đã bắn tin và mở đường cho Thanh ‘ra đi tìm đường cứu nước’ ở tận Đức.
Ngoài ra, cũng có sự khác biệt là hai trường hợp Dương Chí Dũng và Vũ ‘Nhôm’ đã chỉ trốn thoát suýt soát trước lệnh bắt và ngay trước mũi trinh sát công an, còn Trịnh Xuân Thanh và Bùi Quang Huy thì khá ung dung vì có hẳn một số ngày quý báu, không những đào thoát thành công mà còn có thể chuyển tiền ra nước ngoài để ‘mưu sinh’ về sau này.
Hẳn phải có nguyên do rất đặc biệt khiến Bùi Quang Huy bỏ lại toàn bộ cơ sở kinh doanh ở Việt Nam để bỏ trốn. Nguyên do đó có liên quan đến quan chức cao cấp ?
Ai là đạo diễn vụ Bùi Quang Huy biến mất ?
Sát thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 10 vào giữa tháng 5 năm 2019, một số tờ báo quốc doanh chợt ồn ào vụ ‘bắt Nhật Cường Mobile’, dù đây chỉ là một doanh nghiệp thuộc loại trung và chẳng có tiếng tăm gì. Chẳng bao lâu sau đó, thêm một đồn đoán ồn ào khác hé lộ : Nhật Cường là sân sau của Chung ‘Con’.
Bầu không khí ồn ào trên xuất hiện cùng với tin ngoài lề về việc Nguyễn Đức Chung đang có khả năng được cơ cấu vào diện ‘cán bộ cấp chiến lược’, nhưng còn cao hơn thế - tức cơ cấu vào hàng ủy viên ‘Bê Xê Tê’ (Bộ Chính trị) tại đại hội 13 diễn ra vào năm 2021.
Đường tiến thân của Chung ‘Con’ hanh thông đáng kinh ngạc : từ một điều tra viên bình thường, chẳng bao lâu Nguyễn Đức Chung đã trở thành giám đốc công an Hà Nội, để sau đó được đặt vào ghế quản lý hành chính cao cấp và màu mỡ nhất thủ đô cộng sản.
Song trong cái chính trường giỏ cua con này kéo cẳng con kia ở Việt Nam, quy luật bất thành văn là cái gì hoặc kẻ nào đi nhanh quá đều không hay ho gì. Loại ‘tuổi trẻ tài cao’ như Chung ‘Con’ mà được cơ cấu vào Bộ Chính trị thì hẳn sẽ đụng phải cặp mắt hình viên đạn của không ít kẻ máu mê quyền lực khác.
Trong trường hợp Bùi Quang Huy không bỏ trốn mà đã bị bắt, có thể mức độ xung đột nội bộ giữa phe đánh và phe bị đánh trong đảng không đến mức quá gay gắt, mà thông thường bằng vào thái độ ‘thành khẩn khai báo’ của Huy trong trại tạm giam mà sẽ có thể hiện ra một động tác thỏa hiệp giữa hai phe.
Nhưng khi Bùi Quang Huy đã bỏ trốn vụ việc không còn là ‘chuyện nhỏ’ nữa, mà đương nhiên cống hiến cho phe đánh một cái cớ đầy thuyết phục để vụ việc ‘sân sau quan chức’ này được đẩy lên cho cấp Bộ Chính trị xử lý. Khi đó và nếu đúng là Chung ‘Con’ dính với Bùi Quang Huy, không chỉ bởi mối quan hệ sân sau mà còn bằng vào những gì mà một số quan chức và cả báo chí nhà nước đã ám chỉ ‘ai đó đã báo tin’ để Huy biến mất, số phận của Nguyễn Đức Chung - quan chức từng không ít lần xảo trá lật lọng với dân oan Đồng Tâm - sẽ không chỉ dừng ở mức ‘thuyên chuyển công tác’,., mà còn có thể theo chân những đàn anh ở Tổng cục Tình báo Bộ Công an (đã giải thể) theo cách bị giáng chức, mất chức hoặc thậm chí phải đi ‘viết nhật ký’.
Bài học xương máu gần gũi nhất và sống động nhất chỉ mới xảy ra vào năm 2017 : Đinh La Thăng - một quan chức dầu khí và bộ trưởng giao thông vào thời Nguyễn Tấn Dũng dám cười khẩy vào cặp mắt kính đẫm nước mắt của Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trung ương 6 vào năm 2012, đã chẳng còn biết trời cao đất dày là gì khi không còn cái lá chắn ‘Anh Ba X’ mà lại dám ngự ngay trong Bộ Chính trị và cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM. ‘Trèo cao ngã đau’ như ông bà khuyên răn là thế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 23/05/2019
Một loạt các tờ báo lớn trong đó có Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress và VietnamNet dẫn lời Chủ tịch Hà Nội nói thành phố muốn "thu giá" nhờ bán thông tin thu thập được từ các công dân. Ông Nguyễn Đức Chung mong sẽ thu về 300 tỷ từ việc kinh doanh cơ sở dữ liệu cư dân.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định không lộ thông tin cá nhân trước việc chia sẻ dữ liệu dân cư. Ảnh : TH
Nhưng không phải báo nào cũng chấp nhận cách nói "thu giá". Báo Người lao động chạy tít
‘Hà Nội đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư, thu 300 tỉ đồng/năm’. Mặc dù vậy trong câu đầu tiên của bài viết báo cũng đề cập tới đề xuất "thu giá".
Cách dùng từ của người đứng đầu thành phố khiến thành viên của một trong các diễn đàn mạng bình luận : "[T]hu giá" là gì vậy ? [S]ống mấy chục năm trên đời chưa nghe từ này".
Trong khi đó chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng dùng từ "phí" để nói về giá trong phỏng vấn với VietnamNet :
"Mọi người cũng đang cho là phí này sẽ thu của người dân, thực tế thì không phải như vậy. Ở đây, các đơn vị như ngân hàng, phòng công chứng… muốn truy cập vào hệ thống thì phải trả phí".
Dữ liệu cá nhân
Trong khi cuộc tranh luận "phí" và "giá" có vẻ đã ngã ngũ và phần thắng nghiêng về phía các quan chức, bàn cãi về chuyện chia sẻ thông tin cá nhân mới chỉ bắt đầu.
Khi bị chất vấn về chuyện chính quyền định chia sẻ thông tin cá nhân, ông Chung có vẻ muốn hô ‘biến’ để thông tin cá nhân bỗng nhiên trở thành thông tin công cộng. Ông nói với VietnamNet :
"Thông tin chia sẻ là thông tin trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân. Mọi người hiện nay đang bình luận sai ở chỗ đó".
Theo như ông Chung nói thì bảy thông tin trên chứng minh thư như họ tên đầy đủ, ngày tháng và năm sinh, nguyên quán cũng như nới đăng ký hộ khẩu thường trú "không phải là thông tin cá nhân" và chính quyền có thể lấy chúng đem bán để thu về vài trăm tỷ. Ông cũng nói thêm bên cạnh cơ sở dữ liệu công dân mà thành phố đã xây dựng xong, Bộ Công an cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu của riêng họ cho thành phố Hà Nội và sẽ xong vào năm 2022.
Truyền thông Việt Nam cũng nói một cơ sở dữ liệu tương tự cho thành phố Hồ Chí Minh sẽ được Bộ Công an hoàn thành vào năm 2020. Hiện chưa rõ cơ sở dữ liệu của công an khác với cơ sở dữ liệu của chính quyền các tỉnh và thành phố như thế nào.
Với sức ép phải tăng thu để trang trải chi phí cho bộ máy chính quyền lắm người nhưng làm việc kém hiệu quả, dường như lãnh đạo cả trung ương và địa phương đang nghĩ ra đủ cách để kiếm thêm thu nhập. Nếu họ muốn bán dữ liệu, điều quan trọng là họ cần phải có sự thoả thuận của các cá nhân sở hữu dữ liệu nếu muốn bán các thông tin của họ. Đây là điều không được chủ tịch Hà Nội đề cập tới và cũng không rõ người cung cấp thông tin đã bao giờ được tham khảo ý kiến hay chưa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 03/07/2018
Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
Nguyễn Đức Chung
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu như trên tại hội nghị tiếp xúc cử tri chiều 17/06/2018 - ẢNH LÊ HIỆP
Ngày 4 tháng 12 năm 2015, ông Nguyễn Thế Thảo rời chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố cùng với tiếng thở ra (nhẹ nhõm) của không ít người dân Hà Nội. Riêng Nguyễn Xuân Diện thì không nén được một tiếng... thở phào : "Ông Nguyễn Thế Thảo đã để lại một nhiệm kỳ tồi tệ và không có một di sản gì đáng kể…".
Nói thế, tôi e là vị Tiến sĩ Hán Nôm của chúng ta hơi kiệm lời và cũng chưa hoàn toàn chính xác. Ngoài việc cắt một phần lá phổi của thủ đô bằng cách đốn hàng ngàn cây cổ thụ, vị "chính khách" này còn để lại những dấu ấn rất khó phai ("cắt đá"và "múa đôi") giữa lòng Hà Nội.
Vị chủ tịch kế nhiệm, và đương nhiệm, Nguyễn Đức Chung – xem ra – có vẻ nhận được nhiều thiện cảm hơn, và kỳ vọng (xem chừng) cũng lớn lao hơn. Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Đào tạo Phát triển Cộng đồng, tâm sự :
"Tôi cho rằng giai đoạn vừa rồi, khi mà Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ở vị trí lãnh đạo, không có một di sản nào mà tôi cho rằng gọi là tích cực đọng lại trong tôi...
"Thế còn về mặt trong tương lai, thách thức thế nào với vị Chủ tịch mới, tôi cho rằng là thách thức hết sức lớn, bởi vì là sự toàn cầu hóa, sự gia nhập hiện nay, và đặc biệt sự cởi mở thông tin, sự phát triển của các tư vấn, phản biện, các nhà khoa học và kể cả các tổ chức xã hội, nó sẽ là một thách thức rất mạnh mẽ đối với vị Chủ tịch mới".
Kể từ khi nhận chức, ông Nguyễn Đức Chung được công luận ghi nhận như một người vô cùng... năng nổ :
- Chủ tịch Hà Nội yêu cầu kiểm tra vụ cột điện ‘mọc’ xuyên nhà 4 tầng
- Nắng nóng kéo dài, Chủ tịch Hà Nội ra công điện hỏa tốc
- Cá chết trắng hồ Hoàng Cầu : Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo cứu cá ngay trong đêm
- Chàng Tây dọn rác dưới mương được Chủ tịch Hà Nội biểu dương
- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo xử lý vụ hai cháu bé tử vong dưới hố nước
- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng tại nhà tái định cư G9
- Chủ tịch Chung chỉ đạo tại hiện trường sập nhà Cửa Bắc
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo cứu hộ ở Cửa Bắc. Ảnh & chú thích : Zing.vn
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận xét : "Với những việc đã làm, có thể cảm nhận ban đầu rằng, ông Nguyễn Đức Chung có thể cùng lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt để xây dựng một Hà Nội dài lâu xứng danh đất ngàn năm văn vật".
Ông Nguyễn Đức Chung, ngó bộ, cũng là một kẻ "có lòng" nhưng để "lãnh đạo thủ đô Hà Nội vượt qua những khó khăn trước mắt" thì e "tấm lòng" chưa đủ. Ông cần có tầm nhìn kỹ trị của người đứng đầu một thành phố lớn nhất Việt Nam, cùng với vô số những vấn đề lớn lao và cấp thiết hơn là chuyện đứng (xớ rớ) chỉ trỏ vào một căn nhà đã xập hay "chỉ đạo sửa chữa ngay thang máy hỏng" hoặc đi "kiểm tra cột điện".
Tuy thế, trong một thể chế mà những kẻ xấu xa, tàn ác vẫn thường ở vị trí lãnh đạo rất cao thì cái tâm của Nguyễn Đức Chung (nếu thật) vẫn cần phải được ghi nhận như là một điểm son khó kiếm. Điều đáng tiếc là ngay cả cái vết son nho nhỏ này – dường như – cũng không thực lắm và đã biến mất, sau biến cố Đồng Tâm. Sự việc được RFA ghi nhận, một cách khái quát, như sau :
Mảnh đất hơn 100 ha tại Đồng Sênh, thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội theo chính quyền là đất quốc phòng và đòi thu lại cho Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel. Trong khi đó người dân lại nói chỉ có một phần đất là của quốc phòng, còn lại là đất nông nghiệp của họ.
Vào tháng 4 cơ quan chức năng nói mời đại diên người dân đến để đo đất ; nhưng sau đó xảy ra việc bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm và gây thương tích cho một cụ già trong quá trình bắt giữ. Bức xúc trước cách hành xử của phía lực lượng chức năng mà người dân cho là bất chấp luật pháp, phi nhân ; người dân Đồng Tâm đã trả đũa bằng cách giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin từ ngày 15 đến ngày 22 tháng tư.
Đích thân ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch thành phố Hà Nội phải về tận thôn Hoành để đối thoại với người dân và viết một bản cam kết trong đó có một nội dung là sẽ không khởi tố người dân Đồng Tâm.
Vụ việc gây xáo động dư luận một thời gian dài trước khi cơ quan chức năng công bố kết luận thanh tra chính thức khu đất tranh chấp với nội dung là khu đất đó là đất quốc phòng.
Bản kết luận tiếp tục khiến người dân phẫn nộ và yêu cầu thanh tra lại. Cho đến tận bây giờ, những căng thẳng giữa hai bên vẫn chưa nguôi ngoai, dân thì không chấp nhận kết luận thanh tra, còn cơ quan chức năng coi kết luận đó là văn bản chính thức, đất là của quốc phòng không còn gì chối cãi.
Sau khi kết luận thanh tra đất được công bố, công an Hà Nội liên tục có các động thái khiến nhiều người dân Đồng Tâm càng thêm bức xúc chẳng hạn như gửi giấy triệu tập đến cả trăm người dân, và thậm chí là kêu gọi họ ra đầu thú...
Quyết định khởi tố vụ việc bắt giữ người trái phép và phá hoại tài sản ở xã Đồng Tâm mà phía công an đưa ra cũng khiến không chỉ người dân Đồng Tâm mà nhiều người quan tâm theo dõi cho rằng đó là một sự bội ước, thất hứa từ phía chính quyền, mà đại diện là ông chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng "ông Chung phải tự phủ nhận các cam kết của mình đối với bà con xã Đồng Tâm là do áp lực từ những phe cánh trong quân đội và chắc chắn có những chỉ thị từ Nguyễn Phú Trọng, đương kiêm Bí thư quân ủy trung ương", chứ tự thâm tâm vị quan chức này không phải là người "tráo trở" hay là kẻ "lật kèo".
Mưa Hà Nội
Mưa Sài Gòn
Dư luận còn đang phân vân thì cả tâm lẫn tầm của ông Chủ Tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội đều đã được mọi người nhìn nhận rõ hơn, qua lời tuyên bố, vào hôm 17 tháng 6 năm 2018 : "Thế lực thù địch đang chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc".
Dịch giả Phạm Nguyên Trường lại phải mất công ghi lại dăm ba "sự cố" liên quan đến mối tình hữu nghị thắm thiết, và thảm thiết, này :
1. Năm 1974, sau khi sát hại 74 sĩ quan, chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
2. Năm 1979, sau khi chế độ cộng sản Campuchia (gọi là Khme đỏ) do Trung Quốc bảo trợ, bị quân Việt Nam tống khứ ra khỏi Phnong Penh, Trung Quốc xia 300 ngàn quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha.
3. Năm 1988, quân Trung Quốc tàn sát 64 chiến sĩ Việt Nam, tay không tấc sắt trên bãi đá Gạc Ma và chiếm bãi đá này từ đó đến nay.
4. Trung Quốc liên tục giết hại ngư dân Việt Nam ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam, không hề tỏ lòng nhân đạo khi ngư dân ta gặp nạn.
Sự ngờ nghệch của ông Chủ tịch Thành phố khiến FB Nguyễn Ngọc Chu hốt hoảng đặt vấn đề : "Thủ Đô đang nằm trong tay ai ?". Cá nhân ông Nguyễn Đức Chung, theo tôi, không có bổn phận phải trả lời câu hỏi này vì Tổ quốc đang mất dần, từng mảng, chứ chả riêng chi Hà Nội !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 27/06/2018 (tuongnangtien's blog)
Ngày 7 tháng Bảy năm 2017, vụ Đồng Tâm chính thức biến diễn sang một giai đoạn mới mang tên “Hồi tố”, sau giai đoạn đầu mang tên “Nổi dậy”.
Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư.
Cú lật tê tái
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung - nhân vật từng lăn tay, và cùng với đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng ký sống vào bản cam kết “không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm” vào cuối tháng 4/2017, nhưng sau đó đã quay ngoắt “khởi tố là việc của cơ quan điều tra” - bất ngờ có một bài phát biểu dài và có chất hùng biện tại Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức vào buổi sáng ngày 7/7/2017, ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố dự thảo kết luận về đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Trong dự thảo thanh tra trên, người dân Đồng Tâm đã phải nhận một cú lật tê tái : Thanh tra Hà Nội khẳng định không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp đồng Sênh, mà toàn bộ thuộc về đất quốc phòng.
Kết luận trên có thể được hiểu là toàn bộ hồ sơ khiếu nại, tố cáo của dân Đồng Tâm về đất đai là vô giá trị ; những nông dân sinh sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn sẽ trở thành tay trắng mà không được nhận một đồng bồi hoàn nào từ chính quyền và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) ; những nông dân nào không chịu di dời sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền tổ chức cưỡng chế, thậm chí có thể dùng công an và quân đội đàn áp để tuyệt nọc mầm mống “khủng hoảng”.
“Khủng hoảng” lại là từ ngữ được phát ra trong bài nói chuyện ngày 7/7/2017 của Nguyễn Đức Chung. Từ ngữ hết sức đặc biệt và nhạy cảm này nằm trong cụm từ “khi xảy ra khủng hoảng” mà ông Chung đề cập khi nhắc lại sự kiện Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
Đảng thừa nhận “khủng hoảng” !
Cần lưu ý, cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” chỉ được sử dụng chủ yếu trên một số trang mạng chính trị độc lập, thi thoảng được nói lướt qua trên vài tờ báo nhà nước, nhưng chưa từng được một quan chức nào từ nhỏ đến lớn thốt ra.
Hiện tượng lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm như Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung xác nhận về “khủng hoảng Đồng Tâm” cho thấy nhiều khả năng trong tâm não các cấp cao hơn của ông Chung - Ban Bí thư và Bộ Chính trị đảng - vụ Đồng Tâm đã không còn đơn thuần là một vụ việc “khiếu kiện đông người”, “gây rối trật tự” hay “điểm nóng xã hội”, mà thậm chí đã vượt quá phạm trù “điểm nóng chính trị” để trở thành một cái gì đó ghê gớm mang tầm cỡ an ninh ninh quốc gia, để từ đó cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” có thể đã được viết ra ngày càng dày đặc trong các văn bản nội bộ của các ngành, các cấp, cùng lúc được nói ra ngày càng công khai trong các cuộc họp của các ngành, các cấp.
“Khủng hoảng Đồng Tâm” cũng là một khái niệm mới trong chính trị nội bộ, hoàn toàn logic với tin tức ngoài lề cho biết trước khi Nguyễn Đức Chung về thôn Hoành để “đối thoại” với dân vào ngày 22/4/2017, Bộ Chính trị đã phải họp đến hai ngày liên tục để tìm ra phương cách “tháo ngòi nổ”.
Sau đó, thủ pháp “tháo ngòi nổ” đã mỹ mãn đến mức chính quyền Hà Nội không những giải cứu được gần bốn chục “con tin” là cảnh sát cơ động và cán bộ bị dân bắt giữ, mà Nguyễn Đức Chung còn được báo đảng tôn vinh là “ngôi sao”, “người hùng”, trong lúc không ít người dân Đồng Tâm phấn khởi thật lòng khi bày tỏ “vẫn tin yêu đảng” và “có đảng là có tất cả”.
Có đảng là có tất cả !
Duy có điều, nếu đảng có được phép thuật “cho tất cả” như một số người dân vẫn tin tưởng, thì đảng cũng rất dễ lấy đi tất cả. Mục tiêu chính yếu nhất của chiến dịch “hồi tố Đồng Tâm” vừa lộ rõ : trên danh nghĩa “đất quốc phòng” và chẳng cần phải minh bạch bất kỳ chi tiết nào về dự án của Tập đoàn Viettel, quân đội sẽ lấy sạch 59 ha đất của dân.
Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra tại huyện Mỹ Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã “thăm và làm việc” tại Viettel với những chỉ đạo không thể vô tình : “trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”, và “tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam”.
Ông Ngô Xuân Lịch - nhân vật mất hút tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 liên quan đến một cuộc khủng hoảng khác - “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất” - đã bất thần lộ diện như thế, bất thần và như một cách lên tiếng phủ nhận phát biểu “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” và “đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng” của Thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm chỉ mới vào cuối tháng 6/2017.
Trong bài phát biểu tại huyện Mỹ Đức vào ngày 7/7/2017, cựu điều tra viên công an Nguyễn Đức Chung lại nhiệt thành tôn cao vai trò của quân đội theo cách “ai là người đi bảo vệ đất nước, ai là người cho chúng ta sống trong bình yên ?”, đồng thời nhắc đến vai trò của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng - một động tác có thể được hiểu là hàm ý đe dọa : quân đội sẽ vào cuộc đàn áp dân Đồng Tâm nếu dân ở xã này tiếp tục phản kháng.
Trong thực tế, đã có dấu hiệu quân đội tham gia vào chiến dịch “khủng bố” người dân Đồng Tâm. Sau vụ ông Lê Đình Kình - một trong những thủ lĩnh tinh thần của phong trào khiếu kiện thôn Hoành bị bắt cóc, trên mạng xã hội đã lan tỏa thông tin về một trong những kẻ bắt cóc ông Kình là sĩ quan quân đội.
Kết nối sự việc Thanh tra Hà Nội dự thảo kết luận “không có 59 ha đất nông nghiệp tại đồng Sênh” cùng khẩu khí đề cao vai trò quân đội của Nguyễn Đức Chung với một sự việc xảy ra ít ngày trước đó - Công an Hà Nội bất ngờ khởi tố vụ gây rối trật tự và bắt giữ người trái phép tại Đồng Tâm, khó mà hiểu khác hơn rằng “khởi tố” là một động tác nhằm gây sức ép tâm lý, tạo sự đe dọa đối với người Đồng Tâm, để rốt cuộc người dân ở đây sẽ phải chấp nhận thân phận đen đủi, để mặc cho Viettel và phía quân đội lấy sạch đất đồng Sênh.
Nhưng không chỉ có thế…
Từ “khoan hồng” đến “buộc tội”
Tháng 4/2017, vụ người dân Đồng Tâm đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực để đưa vào quy chế “trao đổi tù binh” chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an - vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.
“Hồi tố” của chính quyền đối với dân Đồng Tâm cũng bởi thế đang biến diễn lạnh lẽo và tỉ mẩn thủ đoạn. “Xử quan trước, xử dân sau” đang là một phương châm được khẩu hiệu hóa trên hệ thống tuyên truyền một chiều của đảng.
Nhưng thực chất là “xử quan nhỏ trước, xử dân sau”. Những quan chức bị đem ra xét xử chủ yếu là cấp xã. Tuyệt đối không liên đới gì trách nhiệm của những viên công an đã đánh ông Lê Đình Kình gãy xương đùi và sau đó bắt cóc ông.
Chỉ có điều, muốn “xử dân” lại không phải là chuyện dễ. Nếu trước đây chỉ cần công an huyện Mỹ Đức là đã tự cho họ cái quyền sách nhiễu, khủng bố và bắt cóc dân, thì sau vụ “bắt giữ con tin”, không quan chức nào từ thấp đến cao dám cam đoan là sẽ không bùng nổ một trận “rào làng chiến đấu” nữa ở Đồng Tâm.
Bởi thế mới có nội dung “Chính việc cơ quan khởi tố là điều kiện để cho mọi người chứng minh được đấy là giai đoạn thời gian, còn giai đoạn truy tố là giai đoạn đến tòa, viện, giai đoạn xét xử. Từ giai đoạn thời gian này mọi người sẽ tập hợp và cơ quan điều tra sẽ chứng minh tất cả những gì mọi người được hưởng khoan hồng” trong bài phát biểu ngày 7/7/2017 của cựu điều tra viên Nguyễn Đức Chung. Đáng chú ý, lý lẽ này của ông Chung là rất gần gũi với xảo biện của giới dư luận viên khi cố gắng thuyết mị “dân cứ hợp tác và thành khẩn với cơ quan điều tra rồi sẽ được khoan hồng”, nhưng sau đó lại trở mặt : “cam kết là không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm chứ có cam kết là không truy tố một số cá nhân đâu”.
Tương lai “sẽ truy tố một số cá nhân” đã được cụ thể hóa bằng từ “buộc tội” của ông Nguyễn Đức Chung trong bài hùng biện của mình : “Tôi xin nói với các cụ là ban đầu dân tự chia nhau, các cụ hiện nay đang tập hợp bảo lấy tài liệu chúng tôi vào mà tự chia nhau. Chính tài liệu đấy các cụ đòi quyền lợi và chính tài liệu đấy buộc tội các cụ lấn chiếm đất”.
Một lần nữa cần nhắc lại, ông Chung từng là điều tra viên công an có thâm niên, có trình độ luật học và do đó khá thường phải chính xác trong cách dùng từ ngữ luật. Không biết vô tình hay hữu ý, từ “buộc tội” của ông Chung đã khiến toát ra cả một chủ trương “trừng phạt” của chính quyền và một triển vọng có thể rất đen tối dành cho người dân Đồng Tâm.
Đen tối như thế nào ?
Nếu “điều tra” là giai đoạn của công an, “truy tố” là giai đoạn của viện kiểm sát,thì “buộc tội” chính là tòa án. Sau đó sẽ là tù đày.
Vô tình hay hữu ý, trùng thời điểm với bài phát biểu hùng biện của ông Chung tại huyện Mỹ Đức, một lần nữa - sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017 - giới dư luận viên lại gào thét “Cho bọn khố rách áo ôm ở Đồng Tâm chết hết đi ! Dám bắt công an hử ? Dám làm loạn hử ? Tống chúng nó vào tù hết đi !”.
Tái hiện “lốt” công an
Khác hẳn với thái độ như gà mắc tóc “tôi phải ký vì người dân ép tôi” khi bị ông Lê Đình Kình chất vấn vụ Công an Hà Nội thình lình khởi tố Đồng Tâm vào tháng Sáu, bài nói chuyện của Nguyễn Đức Chung vào tháng Bảy lại mang khẩu khí tự tin, quyết liệt và khá gãy gọn, trừ một đoạn sau có phần trùng lắp với nội dung đoạn trước.
Kể cả một đặc tính nữa : khẩu khí bài nói chuyện trên rất “công an”.
Hướng về phía luật sư Trần Vũ Hải, ông Chung đanh giọng : “Mà các anh không được phép hỏi, thậm chí cấp nào mới được biết chứ không phải giải thích cho các anh đất làm gì ? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia…”.
Cũng khác với tháng 4/2017 là lúc “tang gia bối rối’, nội bộ “năm cha bảy mẹ”, vào lần này hẳn ông Chung đã được Bộ Chính trị, mà có thể trực tiếp là TBT Trọng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bật đèn xanh để tỏ ra cứng rắn trước “bọn khố rách áo ôm”.
Tuy nhiên, khác rất nhiều những năm trước đây, Bộ Chính trị đảng đang phải đối mặt với một khoảng cách lớn chưa từng có giữa “ý đảng” với “lòng dân”. Thực tế cưỡng chế giải tỏa đất đai trong những năm gần đây lại chứng minh một sự thật trần như nhộng là chỉ cần dân “cương” một chút và đông đảo hơn lực lượng cưỡng chế, giới quan chức đành phải tự an ủi “nói thì cứ nói, nhưng làm thì phải từ từ”.
Cũng bởi thế, dự thảo thanh tra về Đồng Tâm được công bố vào tháng Bảy này chủ yếu mang mục đích thăm dò. Cứ công bố, xem thử phản ứng của dân thế nào, nếu dân yếu ớt thì làm tới luôn…
Thế nhưng ngay sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017, ông Lê Đình Kình đã bật ra “Vụ Đồng Tâm lại khủng hoảng rồi”.
Khủng hoảng Đồng Tâm, cũng vì thế, sẽ còn kéo dài - giai đoạn 2. Còn người dân có bị “hồi tố” theo ý chỉ của chính quyền, công an và cả quân đội hay không thì chỉ đến khi nhận ra “có đảng là có tất cả” là một viễn tượng trên trời, người dân mới biết phương cách để tự quyết định số phận của mình “trước khi trời cứu”.
Nguồn : VOA, 20/07/2017
Việc chính quyền ký cam kết không truy cứu trách nhiệm đối với người dân Đồng Tâm nhưng chưa đầy 2 tháng sau lại khởi tố vụ án lập tức bị phản ứng. Nhà cầm quyền hẳn đã chuẩn bị trước lý lẽ để đối phó với dư luận. Tuy nhiên, dù ngụy biện cách gì thì cũng không thể che đậy được một thực tế hiển nhiên là họ đã lật lọng, bội ước đối với người dân Đồng Tâm. Một số luận điệu của dư luận viên hoặc của một vài quan chức, dân biểu bưng bô đã đành nhưng điều kỳ lạ là chính ông Chung cũng đưa ra những ngụy biện hết sức vớ vẩn.
Bản cam kết của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 22/04/2017
1. Trước hết, nói về tư cách của ông Nguyễn Đức Chung khi về làm việc với người dân Đồng Tâm. Ông Chung về Đồng Tâm làm việc với tư cách là Chủ tịch thành phố, đại diện cho chính quyền chứ không phải là ông Chung về thăm quê, đi họp lớp hay họp đồng hương. Đi theo ông còn có cả đoàn tùy tùng cho thêm phần long trọng. Trong đó có ông nghị Dương Trung Quốc và một ông dù không còn là nghị nhưng là Phó ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương, toàn những ông nổi tiếng, tuy mỗi ông nổi tiếng một kiểu. Về mặt pháp lý, Bản cam kết là chính quyền cam kết với người dân Đồng Tâm chứ không phải cá nhân ông Chung. Vì vậy, việc làm của ông Chung nếu có sai thì chính quyền phải chịu trách nhiệm. Họ không thể đổ cho người đại diện của mình mà coi những gì người đại diện thỏa thuận là không có giá trị. Nếu ông Chung không có thẩm quyền để cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự người dân Đồng Tâm thì nhà cầm quyền vẫn phải thực hiện lời hứa ấy, còn sai thì nội bộ họ giải quyết, kiểm điểm với nhau, có thể kỷ luật hay cách chức ông Chung là việc của họ.
Xin liên hệ tới một giả dụ như sau : ông Tổng bí thư ra nước ngoài ký văn kiện này, văn kiện khác không phải là văn kiện đảng mà là những nội dung thuộc chức năng của Nhà nước hay Chính phủ. Nếu những cam kết ấy gây thiệt hại nghiêm trọng cho Việt Nam về kinh tế, thậm chí về chủ quyền, biển đảo thì ông chủ tịch nước hay ông thủ tướng không thể nói rằng, ông ấy tổng bí thư nên chỉ có quyền ký các văn bản giữa 2 đảng thôi chứ không có quyền thay mặt cho Nhà nước, Chính phủ nên chúng tôi không thể thực hiện. Liệu lập luận ấy, nước đối tác có nghe không ?
Ông Chung cho rằng quyền khởi tố là của cơ quan pháp luật chứ không phải của ông ấy. Xin hỏi ông, nếu xác định như vậy thì tại sao ông lại dám cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm ? Với những cương vị ông đã và đang trải qua, không thể nói ông không hiểu biết về pháp luật. Bằng việc chối bỏ này, ông Chung đã tự vả vào mặt mình.
2. Thứ hai là ngụy biện chữ ký của ông Chung không có con dấu nên không có giá trị. Cần hiểu trong một văn bản, điều quan trọng nhất, mang giá trị pháp lý là chữ ký. Chỉ cần không phải là chữ ký giả, hoặc người ký xác nhận của mình là được. Trường hợp này, ông Chung không và sẽ không bao giờ nói đó không phải là chữ ký của tôi. Còn con dấu, nó có ý nghĩa xác nhận chữ ký của một ai đó mà thôi.
Xin mời tham khảo một bản Hiệp định. Văn bản Hiệp định Paris được ký bởi 4 bên. Thử hỏi trong 4 chữ ký của 4 ngoại trưởng, có chữ nào có con dấu ? Không có con dấu nhưng không phải vì thế, Hiệp định Paris không có giá trị, không thể coi đó là mớ giấy lộn. Nếu bên nào vi phạm Hiệp định thì phải chịu sự lên án của công luận, bị quốc tế trừng phạt chứ không thể cãi chầy cối rằng, tôi ký nhưng có đóng dấu đâu nên tôi không có nghĩa vụ phải thi hành ?
Chữ ký ở Hiệp định Paris không có con dấu, ai bảo là không có giá trị ?
Cũng không thể đổ cho bản cam kết viết trên giấy học trò. Nội dung gì thì viết trên giấy nào, đánh máy hay viết tay vẫn có giá trị như nhau. Không thể đổ cho người khác viết mà ông Chung chỉ việc ký nên không thể coi là ý ông Chung. Nếu thế, xin hỏi, quyết định bổ nhiệm cất nhắc một cán bộ dưới quyền do người khác đánh máy, in ra cho ông Chung ký thì có bị từ chối không hay là phải tự tay ông Chung viết mới được ?
3. Thứ ba là ngụy biện tình thế của ông Nguyễn Đức Chung khi về làm việc với người dân Đồng Tâm bắt buộc ông phải cam kết như thế. Ông Chung có nói với ông Lê Đình Kình qua điện thoại rằng dân tự viết biên bản rồi ép tôi ký và lăn tay. Nếu lúc đó tôi không ký thì chỉ cần ai hô một câu thì hậu quả như thế nào cụ biết rồi. Với kiểu cãi cùn này, e rằng rồi đây toàn dân thủ đô sẽ bắt chước ông Chung mà thoải mái ký hợp đồng hay cam kết này nọ mà không sợ phải chịu trách nhiệm, chỉ cần đưa ra lý do tình thế của tôi lúc ấy nó như thế.
Tình thế khi ấy không phải là chuyện sống mái giữa người dân Đồng Tâm và chính quyền. Trước khi ông Chung về, người dân Đồng Tâm đã thể hiện thiện chí của mình : họ tuyên bố tin tưởng vào Đảng, 38 con tin được đối xử tử tế, đã nhiều ngày chờ đợi, mong mỏi đón ông Chung về làm việc.
Tình thế lúc ấy còn là cả hai bên đều muốn giải quyết xung đột. Phía chính quyền muốn thả nốt số con tin còn lại, còn người dân Đồng Tâm cũng không muốn và không thể giữ họ mãi. Cho dù ông Chung không cam kết cụ thể điều gì thì cũng không thể đến nỗi có ai "hô một tiếng" thì lập tức có chuyện gì ghê gớm lắm xảy ra được. Hơn ai hết, ông Chung là người hiểu rõ tình thế khi ấy.
Mặt khác, ông Nguyễn Đức Chung từng được ca ngợi là người có bản lĩnh. Có lần ông một mình vào gặp kẻ đang khống chế con tin để thuyết phục. Chỉ vài phút gặp đối tượng, kẻ khống chế đã đồng ý thả con tin, đi theo ông về trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.
Vì vậy, nói tình thế khi ấy bắt buộc ông Chung phải làm thế (tức cam kết đại) là không thể tin được.
4. Có một ngụy biện của một dư luận viên nào đó rằng , ông Chung hứa không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể dân Đồng Tâm, và căn cứ vào chữ "toàn thể" thì khởi tố một số người là không trái với cam kết. Chầy cối đến mức này thì không còn gì để mà nói nữa. Cứ theo lẽ đó mà suy, nếu Đồng Tâm có 8000 dân thì công an Hà Nội có thể có thể khởi tố 7999 người vẫn không lo trái cam kết vì 7999 người vẫn không phải là "toàn thể" nhân dân Đồng Tâm chăng ?
***
Ấy là nói chuyện lý lẽ với nhau. Chứ với người đàng hoàng, một đảng phái hay một chế độ đàng hoàng thì chẳng cần phải giấy tờ, chẳng cần ghi âm hay ghi hình, chỉ cần lời nói thì vẫn phải giữ lấy lời. Chữ tín vô cùng quan trọng, là đức tính hàng đầu người quân tử phải giữ. Còn cam kết xong rồi cãi chày cãi cối dù không ai nói lại thì trong con mắt người đời, anh ta, đảng của anh ta hay chế độ anh ta phục vụ chỉ là những kẻ lừa đảo, không đáng tin cậy.
Phân tích như thế để rõ một điều rằng, không thể nói Bản cam kết Đồng Tâm không có giá trị pháp lý. Việc Công an Hà Nội khởi tố vụ án bắt giữ con tin là sự tráo trở đê hèn của nhà cầm quyền đối với người dân Đồng Tâm.
Uy tín của Đảng cộng sản Việt Nam, của chế độ chưa bao giờ cạn kiệt như hiện nay. Phải chăng, khởi tố vụ án, lật lọng đối với người dân Đồng Tâm bất chấp dư luận chỉ nhằm giải tỏa tâm lý cay cú, muốn trả thù, rửa nhục vì họ không còn uy tín để mà mất.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 20/06/2017