Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự lễ quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II tại thủ đô London của Anh ngày 19/9/2022.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (bên phải) và Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long vào viếng Nữ hoàng tại Đại sảnh Westminster khoảng 15g30 chiều 18/9
Trước đó, hôm 17/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn, đại diện đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ tham dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II theo lời mời của giới chức Anh.
Trong khi đó, Nga không có đại diện nào được mời dự tang lễ của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga chỉ trích việc London lấy cớ chiến tranh Ukraine để không mời các lãnh đạo Nga đến dự tang lễ.
Việc Việt Nam không cử lãnh đạo cao cấp nhất mà ủy quyền cho một bộ trưởng đến London dự tang lễ Nữ hoàng Anh, bị nhiều người cho là Việt Nam không dám qua mặt Trung Quốc và Nga.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada cho hay, ông không ngạc nhiên nhưng thật sự lấy làm tiếc cho Việt Nam :
"Tôi tự hỏi liệu Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam) có thực sự "độc lập" hoặc ít nhất là "trung lập" với các quan thầy Nga và Trung Quốc của h ?
Tất cả chúng ta đều biết rằng Tổng thống Nga Putin đã không được mời vì cuộc xâm lược tàn bạo, bất hợp pháp và vô cớ của ông đối với Ukraine. Riêng đối với Trung Quốc, dù được mời nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đã uỷ nhiệm cho Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đi thay.
Vì vậy, không biết có phải "ngoại giao cây tre" của Đảng cộng sản Việt Nam, vì không muốn làm mất mặt quan thầy, nên không cho Chủ tịch nước đi mà chỉ cử Bộ trưởng Ngoại giao ? Tôi tin rằng, sau vụ này, phía Anh sẽ xem xét lại "quan hệ đối tác chiến lược" của họ với Việt Nam.
Có lẽ khái niệm "chiến lược" là mỉa mai và không đại diện cho bản chất thực sự của mối quan hệ này ? Cuối cùng, theo thiển ý, lẽ ra, với một lễ tang trọng vọng hiếm có như thế này là cơ hội ngàn vàng để Việt Nam vươn ra thế giới thể hiện ý chí và khát vọng muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới thì một lần nữa, cử chỉ này chỉ chứng minh cho thế giới thấy rằng Hà Nội chưa bao giờ thật tâm với những gì họ tuyên bố và tệ hơn nữa, nó chứng tỏ bản chất chư hầu, tiểu nhân và bè phái của Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể đối với họ, nghĩa tử không hẳn là nghĩa tận ?"
Hai ngày trước khi tang lễ diễn ra, tân vương Charles III bắt đầu tiếp lãnh đạo 14 nước trong khối Thịnh Vượng Chung. Danh sách khách mời của tân vương Charles bao gồm từ nhà vua Tây Ban Nha đến nữ hoàng Đan Mạch, hoàng đế và hoàng hậu Nhật Bản, thái tử Saudi Arabia, tổng thống Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Tổng thống Hàn Quốc hay chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu...
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đến Nhà riêng Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Irelnd tại Việt Nam ghi sổ tang sáng 10/9/2022. baochinhphu.vn
Cũng có ý kiến cho rằng, việc Việt Nam chỉ cử cấp bộ trưởng tham dự tang lễ là do những yếu tố lịch sử. Nhà nghiên cứu chính trị Hà Hoàng Hợp cho hay, ông cảm thấy tiếc khi Việt Nam chỉ cử cấp bộ trưởng đi mà không cử cấp cao hơn nữa. Ông phân tích lý do có thể :
"Mình có thể nói thẳng luôn Việt Nam là một nước nhỏ, sức mạnh quân sự cũng nhỏ. Trong quá khứ, trong lịch sử thì Việt Nam không là thuộc địa của Anh Quốc. Việt Nam không chịu cái ảnh hưởng của Anh Quốc trong những thế kỷ trước, đặc biệt là thế kỷ 18, 19. Ngược lại, cuối thế kỷ 19, khi người Pháp vào Việt Nam thì Việt Nam bị ảnh hưởng Pháp khoảng 150 năm.
Đây có thể là một lý do lịch sử mà lòng kính trọng của Việt Nam đối với Hoàng gia Anh Quốc có thể là kém hơn những nước khác đã từng có ảnh hưởng của Hoàng gia Anh như Thái Lan, Singapore, Mã Lai, Hồng Kông…trong hơn ba thế kỷ qua. Họ gần gũi với Hoàng gia Anh hơn.
Đấy có thể là yếu tố để họ cử nguyên thủ hay nhà lãnh đạo cấp cao của họ dự tang lễ Nữ hoàng Anh. Trung Quốc thì vì những mối quan hệ không tốt về mặt nhân quyền, người ta chỉ để ông Vương Kỳ Sơn đến viếng và ghi sổ tang thôi. Phía Việt Nam thì Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn đi và ông Sơn tham gia lễ tang một cách đầy đủ".
Ngày 11/9/1973, Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Anh) thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Tháng 3 năm 2008, hai nước ký Tuyên bố chung thúc đẩy quan hệ theo hướng "Quan hệ đối tác vì sự phát triển".
Đến/9/2010, mối quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành "Đối tác chiến lược". Từ năm 2018, Đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Anh thường niên bắt đầu được tổ chức trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2018).
Nhà báo tự do Nguyễn Ngọc Già nhận định, việc Việt Nam cử ông Bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự tang lễ Nữ hoàng Anh là đúng với chủ trương của Bộ chính trị. Ông phân tích :
"Tôi cho rằng khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cử ông Bùi Thanh Sơn dự tang lễ Nữ Hoàng Anh là họ đã có sự cân nhắc kỹ trong Bộ Chính trị với mối quan hệ thế giới. Đặc biệt đối với hai cường quốc là Trung Quốc và Nga. Vừa rồi, Trung Quốc chỉ cử Phó chủ tịch nước qua. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Anh không mặn nồng gì cho lắm sau việc trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc, và đến nay Hồng Kông không còn một chút tự do dân chủ nào hết. Điều này cũng tác động lên vấn đề ngoại giao nói chung và ảnh hưởng đến việc tham dự tang lễ Nữ Hoàng Anh.
Đối với Nga thì hiện nay, điều ảnh hưởng đến toàn thế giới là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine nên Anh đã không mời Nga dự tang lễ. Tôi cho rằng những điều đó đã tác động và buộc Bộ Chính trị Việt Nam phải cân nhắc kỹ sao cho đúng với chủ trương làm bạn với thế giới và chủ thuyết ngoại giao cây tre của họ. Họ chọn hình thái trung dung như vậy để không mất lòng ai hết".
Một số trang tin quốc tế cho hay, khoảng 500 nguyên thủ quốc gia và các phái đoàn cấp cao được mời tham dự tang lễ Nữ hoàng Anh sáng 19/9/2022 tại thánh đường Westminster. Một số quốc gia không được mời trong đó có Nga do xâm lược Ukraine ; Belarus do ủng hộ Nga xâm lược Ukraine ; Miến Điện ; Syria ; Afghanistan và Bắc Triều Tiên.
Nguồn : RFA, 19/09/2022
Chẳng riêng dân Anh, công chúng Việt Nam cũng dành cho Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị sự tiếc thương và cảm phục hiếm thấy. Thậm chí những thông tin, hình ảnh liên quan đến bà trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam khiến nhiều người ngạc nhiên bởi "dày đặc" khác hẳn bình thường.
Một áp phích tưởng nhớ nữ hoàng Elizabeth II, tại London, 11/9/2022.
Sau khi quan sát, Trần Đông A - một blogger của VOA đã thử lý giải tại sao lại thế và không ít người đồng tình với ông khi ông cho rằng, việc nhiều người dùng mạng xã hội, kể cả hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với Nữ hoàng bởi bà là một vị "vua hiền" vốn vẫn là ước mơ của nhiều người Việt (1)...
Có thể vì vậy mà một số cá nhân nóng mặt ! Trong "Ngạc nhiên đến bất ngờ : Tin tức dày đặc về Nữ hoàng trên truyền thông Việt Nam", Trần Đông A có kể chuyện một facebooker là Chau Bui bị nhiều người lên án là "sính ngoại, quên lịch sử nước nhà" do dám gọi Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị là NGƯỜI !
Tuy nhiên chuyện chưa ngừng ở đó...
***
Đã và đang có một làn sóng trên mạng xã hội Việt ngữ nhằm "hạ bệ" Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị của Vương quốc Liên hiệp Anh. Nếu thử dõi theo sẽ rất dễ nhận ra làn sóng đó dường như theo kế hoạch và được tổ chức với mục tiêu nhằm bảo vệ các giá trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thay vì chửi đổng, đưa ra những lập luận ngu ngơ và khi diễn đạt thường sai chính tả khi tham gia "hạ bệ" Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, trên trang facebook có tên là Tifosi có một bài được chuẩn bị khá công phu để gắn Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh mới qua đời với việc "gây ra đau thương cho nhân dân Việt Nam".
Theo đó, Nữ hoàng của Vương quốc Liên hiệp Anh chính là người đại diện cho Hoàng gia Anh trao tặng "The Vietnam Medal - Huân chương Việt Nam" để vinh danh cho những binh lính, sĩ quan Úc, New Zealand trực tiếp tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn 1964 - 1973.
Sau khi mô tả huân chương (mặt trướckhắc chândung Nữ hoàng Elizabeth II, mặt sau mô tả một người đàn ông có hành động đẩy 2 quả cầu sang hai bêngiống như mô tả cuộc chiến tại Việt Nam như là một cuộc chiến ý thức hệ và còn mục đích khác được các học giả nhận định là hàm ý "chia tách hai phần Việt Nam") kèm theo nhiều thông tin liên quan đến "tội ác" của các quân nhân thuộc những quốc gia là thành viên Vương quốc Liên hiệp Anh tham chiến tại Việt Nam, nên bị những người phản đối chiến tranh Việt Nam chỉ trích, Tifosi cố gắng biến Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị thành người đã "động viên, ủng hộ các lực lượng tham chiến, gây đau thương và tàn sát người Việt Nam" (2).
***
Bài viết trên Tifosi về Nữ hoàng Elizabrth Đệ nhị của Vương quốc Liên hiệp Anh có khoảng 4.100 người bày tỏ sự tán thưởng và hơn 180 người chia sẻ Không ít người tỏ ra hả hê, chê trách những người "đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và thương tiếc mụ già đại diện chủ nghĩa thực dân" hoặc khẳng định những quốc gia, cá nhân không đứng cùng bên với đảng ta trong cuộc viến 1954 – 1975 "đềucùng một giuộc - xã hội đen quốc tế" ! Nếu xem Tifosi và những phản hồi nhằm "hạ bệ" Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị rất khó tin Việt Nam thiếu "tự do ngôn luận" khi cần luận về kẻ thù, kể cả những kẻ thù vốn được thiên hạ kính trọng thật sự như Nữ hoàng Elizabrth Đệ nhị !
Song ngay sau đó có không ít người phân tích về việc Tifoli cung cấp thông tin sai lạc và có dụng ý xấu. Một trong những phân tích đáng chú ý là của Nguyen Quoc Tan Trung – thành viên của Hội đồng Cừu. Theo Trung,Hội đồng Cừu hình thành với mong muốn cùng nhau giúpmọi người có thể có cái nhìn khách quan nhất về các thảo luận liên quan đến công pháp quốc tế hay quan hệ quốc tế khác, tránh việc người đọc bị nhiễu loạn bởi hệ thống thông tin nửa thật nửa giả vốn có tính khiêu khích, bài trừ, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao lành mạnh của Việt Nam và các nước. Đây cũng là lý do Trung lên tiếng vềThe Vietnam Medalvà các thông tin cáo buộc Nữ hoàng Elizabeth Đệnhị mà điển hình là Tifoli...
Trung giải thích :The Vietnam Medal nằm trong hệ thống huân chương do Nhà nước Úc và Nhà nước New Zealand thiết kế năm 1968 nhằm vinh danh các quân nhân của hai nước này đã từng tham chiến tại Việt Nam (giai đoạn 1964 - 1973). Trước năm 1975, Úc và New Zealand chưa có hệ thống huân chương riêng cho khen thưởng. Vì vậy, cơ chế khen thưởng của họ nằm chung với hệ thống khen thưởng truyền thống của Vương quốc Anh - Hoàng gia Anh. The Vietnam Medal nhận được Ủy nhiệm Hoàng gia (tạm dịch từ Royal Warrant) vào tháng 6 năm 1968. Một điểm quan trọng cần lưu ý là The Vietnam Medal không được lưu hành tại Vương quốc Anh. Đây là huân chương riêng của Úc và New Zealand, hai quốc gia có chủ quyền hoàn toàn độc lập với Anh. Họ chỉ nằm chung dựa trên danh nghĩa hệ thống khen thưởng Hoàng gia mà thôi. Trên cơ sở này, Elizabeth II sẽ không thể đi lòng vòng mà trao huân chương này bừa bãi, vì bà không đại diện cho chủ quyền quốc gia của hai nước này. Người trực tiếp trao huân chương này cho các quân nhân Úc, New Zealand là Bộ Quốc phòng của hai quốc gia. The Vietnam Medal là huân chương thứ hai trong lịch sử hệ thống khen thưởng quân sự của Úc và New Zealand (sau các huân chương dành cho Đệ nhị Thế chiến). Cho đến nay, chính quyền Úc và New Zealand vẫn đ ang tiếp tục nhậnhồ sơxét tặng TheVietnam Medal và vẫn đang VINHDANH CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM.
Từ làn sóng nhân danh "yêu nước" để hạ bệ Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, Trung hiến kế "cho các nhóm yêu nước" để những nhóm này có thể thực hiện ngay một số hành động như đã và đang "hành động" trên mạng xã hội Việt ngữ :Nếu cho rằng Nữ hoàng Elizabeth Đệnhị đáng lên án và đáng bị nguyền rủa vì Hoàng gia đã từng ủy nhiệm hình thức một lần cho việc hình thành TheVietnam Medal vào năm 1968, đây sẽ là một số hành động tiếp theo mà chúng ta nêndành cho các chính phủ thù địch Úc và New Zealand - những kẻ thù trực tiếp và vẫn đang còn tiếp tục vinh danh quân nhân tham chiến tại Việt Namthì cần...
- Lên án chương trình Olympia của VTV là "phản bội Tổ quốc" vì cử nhân tài Việt Nam sang học ở các trường đại học công lập của chính phủ Úc thù địch (?!).
- Gọi người Việt Nam di cư sau 1975 đang làm việc ở các cơ quan công quyền Úcvà New Zealand là Việt gian (?!).
- Gọi mặt chỉ tên nhữngngười Việt trẻ(khá nhiều) đang học tập, làm việc tại các trường đại học công lập Úcvà New Zealand (như Australian National University, La Trobe University, Queensland University of Technology, University of Melbourne, UNSW…) là "bọn vong quốc" (?!).
- Điểm mặt người Việt xếp hàng xin visa đi Úc và New Zealand ở các đại sứ quán, lãnh sự quán là "bọn vọng ngoại" (?!).
- Kêu gọi từ bỏ hợp tác quốc tế với Úc và New Zealand (?!).
***
Dẫu Nguyen Quoc Tan Trung có cầu chúc các cá nhân, các nhóm đang bày tỏ lòng "yêu nước", kêu gọi "yêu nước" và chúc họ "may mắn" nhưng có cá nhân, nhóm đang trình bày lòng "yêu nước" nào dám thực hiện những "kế" mà Trung "hiến" không ? Chắc chắn là không. "Yêu nước" kiểu đó là ngoài "kế hoạch", ngoài "dự kiến", không những không được ghi công mà còn có thể bị phạt hành chính, thậm chí bị phạt tù. Các cá nhân, các nhóm "yêu nước" như tình yêu dành cho chủ nghĩa xã hội chắc chắn không dại !
Trân Văn
Nguồn : 17/09/2022
Chú thích
Ngạc nhiên đến bất ngờ
Chút hoài niệm lẫn nỗi luyến tiếc quá khứ cũng có thể là cội nguồn tình cảm của dân Việt Nam với nước Anh quân chủ lập hiến.
Quan tài nữ hoàng Elizabeth đã đến Edingburg
Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã nói chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh trong lễ trình quốc thư : "Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện".
Truyền thông Việt Nam đã liên tục đưa tin và bình luận về sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị (Nữ hoàng). Rất nhiều báo, cho đến hôm nay vẫn để hình bà ở vị trí số một trên trang nhất của mình. Các tờ như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, Dân Trí, Zing.news... đều chạy tít lớn về sự qua đời của Nữ hoàng. Tuổi Trẻ và Zing đặt tiêu đề "Nữ hoàng Anh Elizabeth II băng hà", Thanh Niên và VnExpress dùng từ "qua đời" và một số báo khác sử dụng từ "tạ thế". Báo chí đưa tin dày đặc và trọng thị, điểm lại cuộc đời, sự nghiệp của bà suốt 70 năm trị vì, cùng những hình ảnh đánh dấu các cột mốc của đời bà cũng nhưcách thức "Chiến dịch cầu London" hoạt động và phản ứng của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đối với tin này…Tất cả những điều vừa liệt kê là một hiện tượng lạ. Kể cả những lời chia buồn của người Việt Nam sống, làm việc và học tập ở Anh quốc hay những người có những kỉ niệm riêng với Nữ hoàng cũng được báo chí trong nước đưa tin. Xưa nay, truyền thông Việt Nam chưa dành cho bất cứ một nguyên thủ nước ngoài nào một sự kính trọng và những tình cảm nồng hậu như thế.
Dòng nước ngược không đáng có
Rồi một ngạc nhiên bất ngờ không kém, nhưng theo hướng ngược lại với xu thế vừa kể trên, mà nếu như không hạn chế hoặc ngăn chặn, có thể sẽ ảnh hưởng tới mối bang giao tốt đẹp giữa Việt Nam với Vương quốc Anh, thậm chí với cả Hoàng gia London. Vào sáng 9/9, nữ diễn viên kiêm người mẫu Châu Bùi (tên thật là Bùi Thái Bảo Châu) bị khá nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng sau khi cô đăng tải dòng trạng thái đau buồn, tiếc thương Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ nhị vừa mới băng hà. Trong status của mình, cô trích dẫn một câu nói của người phụ nữ có 70 năm trên cương vị đứng đầu Hoàng gia Anh : "Thước đo chính xác nhất cho những hành động của chúng ta chính là thời gian tồn tại của những điều tốt đẹp mà ta có", rồi kết "Tạm biệt Người". Thế là Châu Bùi bị rất nhiều người công kích. Họ phê phán cô "sính ngoại" và quên mất lịch sử nước nhà cũng như thái độ của Hoàng gia Anh quốc đối với Việt Nam trong quá khứ. Có ý kiến hồ đồ đên mức, cho rằng Nữ hoàng Elizabeth ủng hộ hai cuộc xâm lăng của Pháp ở Việt Nam.
Nhưng cũng ngay lập tức đã có rất nhiều ý kiến phê phán đám "dư luận viên" càn rỡ, mở mang đầu óc cho họ rằng, khi Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ nhất, ngày 1/9/1858, Nữ hoàng chưa ra đời nên bà không thể có thái độ ủng hộ được. Còn khi Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, tức ngày 23/9/1945 thì Nữ hoàng chỉ mới 19 tuổi, chưa tiếp nhận vương vị nên bà cũng không thể có ý kiến ủng hộ như bộ phận cộng đồng mạng Việt Nam gán ghép. Điều đáng buồn là, sau khi nhận được nhiều ý kiến phản đối dòng trạng thái của mình, Châu Bùi – nữ diễn viên từng lọt vào "30 Under 30 Asia 2021" (30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật trong nhiều lĩnh vực khác nhau tại Châu Á) do tạp chí Forbes bình chọn – đã vội xóa status của cá nhân, đồng thời đưa ra lời xin lỗi về việc phát ngôn "thiếu cẩn trọng" của mình. Từ Đức quốc, nhà văn Võ Thị Hảo nói rằng, cô đọc một số bình luận về dòng trạng thái của Châu Bùi mà cảm thấy "rùng mình ghê sợ" vì "lối chẹn họng và ý đồ vu cáo tàn nhẫn" trong các bình luận đó."Mấy năm gần đây, ngành an ninh và tuyên giáo Việt Nam sử dụng lực lượng dư luận viên dùng mạng xã hội tấn công, nhằm nô lệ hóa, chia rẽ, gây th ù hận giữa con người và các quốc gia", nữ nhà văn bày tỏ.
Nữ hoàng được ngưỡng mộ ở Việt Nam
Sự ngưỡng mộ đối với Nữ hoàng ở Việt Nam xuất phát từ một quan niệm rất bình dân (common sense) : Bà là hiện thân của một vị "Vua hiền". Dĩ nhiên, triết lý phương Đông bao giờ cũng trọng "vua sáng tôi hiền". Có vua sáng tôi hiền thì mọi chuyện hanh thông. Tuy nhiên, để đạt được cả hai tiêu chí đó cùng một lúc là rất khó, cho nên khi nhìn lại lịch sử, nếu có được một vị "Vua hiền" thì bá tính đã mãn nguyện lắm rồi. Nữ hoàng là người có phẩm cách như vậy. Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ ; dùng những lời ái ngữ vừa phải ; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước ; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua.Nhiều người Việt Nam cảm thấy, Nước Anh may mắn có một người lãnh đạo đứng đầu , trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.
Bà là một Nữ hoàng có một không hai. Bình luận từ tờ Tuổi Trẻ có đoạn : "Các đài truyền hình lớn của Anh, trong đó có BBC, đã ngừng phát sóng chương trình thường nhật và thay bằng chương trình tin tức đặc biệt. Người dẫn chương trình mặc âu phục đúng theo quy định khi có một thành viên cấp cao Hoàng gia qua đời, các hãng thông tấn đưa nội dung tóm tắt cuộc đời Nữ hoàng… Trị vì trong 70 năm liên tục, Nữ hoàng Elizabeth II là quân vương có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Kỷ lục trước đó thuộc về Nữ hoàng Victoria nắm giữ với 63 năm 7 tháng 2 ngày trị vì tính đến năm 1901". Tờ VnExpress viết : "Trong thời gian trị vì, bà chứng kiến nhiều biến động của thế giới, từ Chiến tranh Lạnh đến vụ tấn công khủng bố 11/9, từ biến đổi khí hậu đến đại dịch Covid-19, từ những bức thư tay và tàu hơi nước đến email và thám hiểm không gian. Bà được coi là hiện thân sống động của nước Anh thời hậu chiến và là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ", tờ VnExpress ghi nhận.
Dân Việt, đặc biệt là lớp trẻ vốn có một lớp người khá lãng mạn. Dân tình quan tâm đến "câu chuyện tình cổ tích" của Nữ hoàng Elizabeth cùng Hoàng thân Philip. Nữ hoàng Elizabeth II phải lòng người đàn ông của cuộc đời mình ở tuổi 13 và trong 74 năm hôn nhân, họ cùng làm nên câu chuyện tình lãng mạn nhất Hoàng gia Anh. Những khoảnh khắc trong cuộc hôn nhân kéo dài hơn bảy thập niên giữa hai người cũng là đề tài được dư luận Việt Nam chia sẻ trên mạng xã hội. "Hôn nhân giữa Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip là một trong những cuộc hôn nhân hoàng gia bền chặt nhất trong lịch sử. Trong 74 năm bên nhau, cả hai đã chứng kiến nhiều biến đổi của xã hội Anh và cùng nhau trải qua các cuộc khủng hoảng trên thế giới… Hơn 7 thập kỷ đồng hành bên nhau, hai người có 4 người con, 9 cháu và 8 chắt. Trước khi băng hà, Nữ hoàng nhiều lần thừa nhận sự ảnh hưởng sâu sắc của Hoàng thân Philip đối với bà, gọi chồng là ‘sức mạnh và là chỗ dựa’ của bà.Việc ông ra đi vào năm ngoái để lại ‘khoảng trống lớn’ trong lòng Nữ hoàng", trang Zing.news viết.
Không lấy làm lạ, dù có một chút lùm xùm như vụ Châu Bùi nói ở trên, tin Nữ hoàng tạ thế vẫn chiếm sóng dày đặc trên truyền thông Việt Nam, còn xuất phát từ vài ba nguyên nhân nữa. Quan hệ ngoại giao và các lĩnh vực khác với xử sở sương mù, khiến Anh quốc nay là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Hà Nội. Ở trong nước, có thể không nhiều người biết Hoàng gia Anh rất hiếm khi can thiệp vào chính trường, nhưng thấy quan hệ với nước Anh tốt, có phần ngộ nhận, dân Việt nhìn chung đem lòng kính trọng Nữ hoàng. Và có thể cũng vì quan hệ ngoại giao hữu hảo nên Ban Tuyên giáo "thả dàn" cho báo chí được một dịp thoải mái… Người Việt nào không thích thú được nghe thuật lại sự hào hứng của Nữ hoàng khi bà nói chuyện với Đại sứ Việt Nam trong lễ trình quốc thư : "Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện.Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh".
Vấn vương một chút hoài niệm
Chút hoài niệm lẫn nỗi luyến tiếc quá khứ cũng có thể là cội nguồn tình cảm của dân Việt Nam với nước Anh quân chủ lập hiến. Trong sâu thẳm "văn hóa chính trị" của một giới nào đó, sau những cố gắng bất thành khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) ra làm Cố vấn Tối cao cho chính phủ VNDCCH, vẫn có những trao đổi trong diện hẹp về mô hình "quân chủ lập hiến" tại sao lại thất bại ở Việt Nam.Giả sử Hồ Chí Minh thành công, ngay từ hồi bấy giờ thiết kế được mô hình như thế, liệu Việt Nam có thể tránh được các cuộc chiến tranh trong lịch sử cận và hiện đại không ?Không nói đâu xa, mỗi lúc ai đó đi công tác hoặc du lịch qua hai nước láng giềng gần gũi với Việt Nam là Lào và Campuchia, khi về nước cũng kể về những ưu việt của hai nước lân bang. FB Vương Trí Nhàn từng tâm sự : Về tâm lý thôi mà nói, ông thường rất ái ngại, không dám đi du lịch các nước giàu có bên trời Tây. Lý do là vì đi về chỉ thấy buồn, sao ở đó người ta sướng thế, tử tế thế, mà nước mình con người hư hỏng và xã hội trì trệ đến thế ?Có lần đọc GS. Hà Văn Tấn, bàn về sự hấp dẫn của sử, đại ý là đọc sử để hiểu những ngu ngốc của thời xưa, do đó dễ dàng chịu đựng hơn những ngu ngốc của thời nay.
Vương quốc Anh của Nữ hoàng theo chế độ quân chủ đại nghị, cũng như nhiều chế độ quân chủ lập hiến hay đại nghị khác trên thế giới, nhất các nước Châu Âu, là những quốc gia hòa bình "dân giàu nước mạnh". Ở các nước Ả rập hay Châu Á, nội tình các xứ này cũng khá bình ổn, nếu so sánh với các nước chủ trương "bài phong" mà nội chiến xẩy ra như cơm bữa. Nước Nhật, không nói làm chi, vì sắc dân Nhật đồng nhất và hiến pháp ở đây do Mỹ viết ra. Mã Lai, Thái Lan, hai vương quốc này được thành hình với dân chúng gồm nhiều chủng tộc khác nhau (về tôn giáo, nguồn gốc, khuynh hướng chính trị…), nhưng nội bộ của họ không có nhiều xung đột. Các chế độ quân chủ lập hiến hay quân chủ đại nghị cần được các lý thuyết gia chính trị quan tâm nhiều hơn.Nhất là ở các quốc gia mà mâu thuẩn sắc tộc, tôn giáo, vùng miền, chính kiến… khiến quốc gia không thể phát triển.
Trần Đông A
Nguồn : VOA, 12/09/2022
Elizabeth II, con người phẩm cách
Ngô Nhân Dụng, VOA, 10/09/2022
Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi.
Nữ hoàng Elizabeth không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.
Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, mới qua đời, là hình ảnh một con người có Phẩm Cách (Dignity). Nước Anh may mắn có một người đóng vai trò lãnh đạo, trong 70 năm làm biểu tượng vững vàng khi quốc gia trải qua bao sóng gió.
Nghe tin bà qua đời, nhật báo The Wall Street Journal đã trích lại một ý kiến của ký giả Walter Bagehot trong cuốn "Hiến Pháp Anh Quốc" viết năm 1867. Vị chủ bút báoThe Economist nhận thấy chế độ quân chủ hiệu quả nhất để gây dựng phẩm cách : "tạo ra và giữ gìn niềm kính trọng của dân chúng."
Chế độ Cộng Hòa khi cai trị dân cũng dựa trên niềm kính trọng, nhưng các đại biểu dân cử không gây được niềm tin vào phẩm cách đáng kính như thế. Năm 2012, sau 60 năm trị vì, nữ hoàng vẫn được 90 phần trăm dân chúng ngưỡng mộ. Uy tín các vị tổng thống Mỹ thì trồi sụt bất thường, có khi xuống dưới 40%. Lòng tin tưởng vào Quốc hội, và bây giờ đến Tối cao Pháp viện, còn tệ hơn nữa.
Nhưng phẩm cách đáng kính của Nữ hoàng Elizabeth II không do chế độ tạo ra mà do chính con người và hành động của bà. Có thể nói, chính bà đã cứu vãn chế độ quân chủ trong lúc chỉ hết sức làm bổn phận của mình. Khi gửi lời phân ưu, Giáo hoàng Phan Xi Cô ca ngợi nữ hoàng "là tấm gương của một người chu toàn bổn phận."
Chu toàn bổn phận có nghĩa là làm đúng vai trò được giao phó : Làm một nữ hoàng. Đài BBC mới nhắc lại một bài diễn văn đọc năm 1947, bà đã phát lời thề : "cả cuộc đời tôi, dài hay ngắn không biết, sẽ để phụng sự quý vị…". Năm 1977, kỷ niệm 25 năm trị vì, bà nhắc lại lời thệ nguyện đó : "Mặc dù được phát biểu trong lúc tuổi còn quá trẻ, nhưng khi trưởng thành hơn, tôi không tiếc đã nói như thế và không muốn thay đổi một lời nào cả." Bà làm việc với 15 vị thủ tướng Anh, người sau cùng được bà chỉ định hai ngày trước khi qua đời. Bà đã đi thăm hơn 50 quốc gia cựu thuộc địa trong Khối Thịnh Vượng Chung, trừ Cameroon, mới gia nhập năm 1995, và Rwanda năm 2009. Bà đến thăm Canada 20 lần, Australia 16, New Zealand 10 và Jamaica sáu lần. Năm 85 tuổi, bà vẫn làm phận sự, tham dự 325 sinh hoạt công cộng trong một năm, gần như mỗi ngày một lần !
Đóng đúng vai trò nữ hoàng, không phô bày con người riêng tư, khó nhất là phải ít nói. Không ai biết ý kiến của nữ hoàng trước những biến cố đảo lộn cả nước Anh, như cuộc đổ bộ chiếm kinh đào Suez thất bại năm 1956, cuộc chiến tranh với Argentina ở đảo Falkland ; cả khi nước Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu. Khi dân Bắc Ái Nhĩ Lan bỏ phiếu hay khi dân Scotland trưng cầu ý kiến xem có muốn ly khai khỏi Vương quốc Hiệp nhất (United Kingdom) hay không, bà giữ im lặng. Như hiến pháp bất thành văn quy định, Nữ hoàng không bao giờ nêu ý kiến về các xung đột chính trị, đảng phái, nếu không được mời. Và các vị thủ tướng cũng tôn trọng hiến pháp, không bao giờ mời.
Một cuộc xung đột nội bộ đẫm máu trong triều đại Elizabeth II diễn ra ở Bắc Ái Nhĩ Lan. IRA (Quân Giải Phóng Ái Nhĩ Lan) muốn vùng này được nhập vào nước Ireland ; lực lượng Sinn Féin đã gây nhiều cuộc bạo động, ám sát, cho đến khi chịu hòa giải và không bị kết tội. Năm 2011 nữ hoàng là vị quốc trưởng Anh đến thăm Cộng Hòa Ireland từ khi nước này tách khỏi vương quốc UK. Năm 2012 nữ hoàng bắt tay Martin McGuinnes, một lãnh tụ Sinn Féin đã trở thành phó thủ tướng Bắc Ái Nhĩ Lan. Ai cũng biết chính nhóm Sinn Féin, năm 1979, đã giết Lord Mountbatten, một người anh họ rất thân thiết với bà.
Bà đóng vai nguyên thủ quốc gia một cách bình thản lặng lẽ ; dùng những lời ái ngữ vừa phải ; mọi cử chỉ, hành vi đều có chừng mực như thể tất cả đã được quy định trước ; nhưng bà biểu lộ rất thoải mái, tự nhiên, như thể đã được sinh ra để sống đúng theo nền nếp đó. Trước mắt dân chúng, bà không bao giờ tự biểu lộ cá tính, ngoài thú vui yêu chó và ngựa đua. Ông chồng bà, Hoàng tế Philips nhiều khi tuyên bố những câu gây phản ứng ồn ào, các con bà cũng hay ăn nói quá tự do ; bà thì không bao giờ. Là một phụ nữ giàu nhất thế giới nhờ di sản nhiều đời, bà không cần dùng địa vị để sinh lợi. Đọc báo thấy những lời than phiền rằng công quỹ phải chi nhiều quá để nuôi một hoàng gia, bà tình nguyện đóng thuế. Bà không bày tỏ ý kiến về cả các xung đột trong gia đình, không trở thành đề tài cho những tờ báo lá cải như các con, các cháu.
Lối sống, ngôn ngữ và hành vi của nữ hoàng trở thành một "điểm cố định tĩnh lặng trong một thế giới chuyển vần," (the still point in the turning world) như lời thơ của Thomas Stearns Eliot (1888 –1965), một thi sĩ gốc Mỹ đã xin làm công dân Anh quốc năm 39 tuổi. Điểm tĩnh lặng mang danh hiệu Elizabeth II là nền tảng của một vương quốc bao gồm những sắc dân khác biệt gốc English, Scots, Welsh, Irish, và bây giờ thêm hàng trăm sắc dân khắp thế giới đến cư ngụ. Hai bộ trưởng quan trọng trong chính phủ mới từ nhiệm, một gốc Ấn Độ, một gốc Pakistan, đều hy vọng có ngày sẽ làm thủ tướng. Nữ hoàng là một biểu tượng tạo thành mối đoàn kết quốc gia, tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa cổ truyền nhưng chấp nhận thay đổi.
Bà không thuộc một phe nhóm, một địa phương nào, không thiên tả hay thiên hữu, trong một chế độ dân chủ vốn được dựng lên với mục đích cho mọi người có cơ hội tự do đả kích, đấu tranh, giành giựt lẫn nhau.
Dân Anh có khi bầu cho đảng Bảo Thủ chiếm đa số ở Viện Dân Biểu, có khi chọn đảng Lao Động. Mỗi lần thay đổi, việc đầu tiên của người lãnh đạo đảng là đi triều kiến nữ hoàng, để được bà mời đứng ra lập chính phủ mới. Hình ảnh đó cho thấy hai đảng, dù luôn luôn tranh giành quyền lực, nhưng vẫn theo cùng một mục đích, phục vụ cùng một quốc gia. Mỗi lần bà đến đọc diễn văn trước quốc hội, những đại biểu ồn ào quá khích nhất cũng phải đóng vai các thần dân ngoan ngoãn.
Nhật báo Financial Times ghi nhận trong lịch sử Anh quốc ba vị nữ hoàng đều đánh dấu các biến chuyển lớn. Elizabeth I trị vì từ 1558 đến 1603 đã mở rộng ảnh hưởng đế quốc ở Châu Âu, các nước Hồi giáo và sang châu Mỹ ; Victoria, ngự trị từ 1837 đến 1901 là thời đế quốc Anh bành trướng khắp thế giới.
Nữ hoàng Elizabeth II chứng kiến tình trạng đế quốc tan rã, các thuộc địa giành độc lập, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mối liên hệ ngoại giao, kinh tế và văn hóa.
Năm 1922, trước khi bà ra đời, Ireland đã giành độc lập, một nhân vật trong tiểu thuyết "Ulysses" của James Joyce nói, "Nước Anh cổ lỗ đang chết dần." Triều đại 70 năm của Nữ hoàng Elizabeth II cho thấy lời tiên đoán đó "hơi quá đáng." Có thể nhờ phẩm cách vững chãi thảnh thơi của bà mà Vương quốc Hiệp nhất, UK, vẫn tồn tại. Bà đã sống qua 14 đời tổng thống Mỹ, từ Harry Truman đến Joe Biden. Nước Mỹ hiện đang chia rẽ cùng cực không biết bao giờ mới hàn gắn được. Dân chúng cả nước Anh đang cùng nhau tưởng niệm một người lãnh đạo biết giữ phẩm cách.
Mười năm trước, trong một buổi lễ kỷ niệm ở nhà thờ St. Paul, tổng giám mục Rowan Williams lúc đó đã coi 60 năm trị vì của nữ hoàng là "một tấm gương sống, chứng tỏ rằng người ta vẫn có thể ‘phụng sự công ích ;" và trong khi phục vụ họ tìm thấy hạnh phúc." Elizabeth II suốt đời hết sức làm bổn phận, không bị lôi cuốn bởi những thứ nằm ngoài phận sự, lúc nào cũng biết mình đang làm gì, vững chãi và thảnh thơi. Có thể đoán Nữ hoàng đã sống một cuộc đời hạnh phúc.
Vĩnh biệt Nữ hoàng có một không hai
Nguyễn Hùng, VOA, 10/09/2022
Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà "chẳng ai quan tâm" tới người mất chức nữa.
Một người dân Anh đến viếng tại trước cửa điện Buckingham Palace, London.
Ngày 8/9/2022 sẽ đi vào lịch sử như một ngày thế giới mất đi một biểu tượng của sự tử tế và chừng mực cũng như chỗ dựa tinh thần lớn nhất không chỉ của người Anh mà còn là của người dân rất nhiều nước trên thế giới sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth ở tuổi 96.
Tình cờ thế nào ngày 8/9 cũng là ngày tôi tới trường đại học mới, University of East London, trường đã có vinh dự đón Nữ hoàng tới khai trương một số toà nhà trong đó có thư viện và toà mang tên Bến Kiến thức mà tôi được một đồng nghiệp dẫn tới thăm. Anh nói anh đã tới đưa tin về chuyến thăm của Nữ hoàng hồi năm 2007 cho BBC trước khi quay trở lại dạy ở trường vài năm sau đó. Cũng tương tự như với trường mới của tôi, Nữ hoàng để lại dấu ấn ở nhiều nơi trên khắp nước Anh.
Nhưng dấu ấn sâu đậm nhất nằm trong tâm khảm của những người Nữ hoàng đã tiếp xúc. Nghị viện Anh hôm 9/8 đã tổ chức buổi ghi nhớ Nữ hoàng để các chính trị gia có thể chia sẻ kỷ niệm và cảm nghĩ của họ. Một trong các dân biểu, bà Hariet Harman, kể lại khi bà bị cho nghỉ chức Bộ trưởng An sinh Xã hội dưới thời Thủ tướng Tony Blair hồi cuối thập niên 1990, chính Nữ hoàng là người gọi điện hỏi thăm bà trong lúc mà "chẳng ai quan tâm" tới người mất chức nữa. Cựu Thủ tướng Boris Johnson nhắc lại rằng chỉ hai ngày trước khi bà qua đời bà đã từ biệt ông, thủ tướng thứ 14 dưới sự cai trị của bà và tấn phong thủ tướng thứ 15, bà Liz Truss.
Ngay từ hôm 6/9,báo New York Post đã bình luận về vết bầm tím trên bàn tay Nữ hoàng mà mọi người đều có thể thấy khi Nữ hoàng bắt tay bà Liz Truss trong cùng ngày. Một người bạn của tôi cũng nói chồng cô nhìn thấy vết bầm tím đó và nói khi bà anh sắp mất tay bà cũng có những vết như thế. Nữ hoàng đã bước sang tuổi 96 từ tháng Tư năm nay (sinh nhật bà là ngày 21/4) và người ta đã lo ngại cho sức khoẻ của bà từ nhiều tháng nay. Trong phát biểu tại Nghị viện Anh hôm 9/9, cựu Thủ tướng Johnson nói khi BBC phỏng vấn ông vài tháng trước họ còn đề nghị ông dùng thời quá khứ để nói về Nữ hoàng, có lẽ để tiện phát ngay khi Nữ hoàng mất. Nhưng ông Johnson nói ông đột nhiên nghẹn ngào không nói nên lời và từ chối trả lời.
Một trong những người Việt Nam từng ba lần gặp Nữ hoàng Elizabeth là cựu Đại sứ Việt Nam tại Anh, ông Vũ Quang Minh. Ông Minh kể về lần đầu ra mắt Nữ hoàng trong vai trò đại sứ : "Năm đó bà đã 85 tuổi, cực kỳ minh mẫn, thông tuệ. Dù sở hữu khí chất hoàng gia cao quý được bồi đắp suốt mấy chục năm trị vì, nhưng Nữ hoàng lại cho tôi có cảm giác giống như tôi đang nói chuyện với bà mình.
"Trong buổi gặp đầu tiên, bà thân tình và ân cần hỏi tôi : "Vì sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng ?".
"Tôi trả lời : "Phu nhân của tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada nên không thể có mặt trongsự kiện này. Tuy nhiên, phu nhân và con trai tôi vẫn đang dưới sự trị vì của Nữ hoàng (vì Canada thuộc khối Thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh vẫn là Nguyên thủ Quốc gia trị vì ở Canada, về nguyên tắc)".
"Bà cười lớn khi nghe tôi nói và hào hứng kể : "Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh.
"…Lần thứ 2 diện kiến Nữ hoàng trong buổi chiêu đãi tạiLễ hội Mùa hè trong vườn Cung điện Buckingham, vừa nhìn thấy vợ tôi, bà cười : "Đây chính là Phu nhân Đại sứ mới từ Canada sang đúng không ?". Tôi rất ngạc nhiên vì bà còn nhớ."
Nhiều người từng gặp Nữ hoàng như Đại sứ Minh đều nói Nữ hoàng có khả năng khiến họ cảm thấy họ là người quan trọng nhất ở đó. Một cựu thủ tướng Anh được dẫn lời nói Nữ hoàng là người duy nhất mà ông có thể thổ lộ mọi thứ mà không sợ rằng những điều ông nói sẽ đến tai người khác.
Khi tổ chức liên hoan mừng Đại lễ Bạch kim nhân 70 phụng sự của Nữ hoàng cùng các học viên karate của tôi hồi tháng Sáu, trong thâm tâm tôi đã nghĩ sẽ không còn nhiều dịp để chia vui cùng Nữ hoàngnhư tôi viết khi đó . Nữ hoàng là người không thể thay thế và Vua Charles đệ tam sẽ phải vất vả để chứng tỏ bản thân trong vai trò người đứng đầu Vương quốc Liên hiệp Anh cũng như của Khối Thịnh vương chung gồm hơn 50 nước trong đó có 10 nước sẽ vẫn tạm thời coi Vua Charles là nguyên thủ quốc gia.
Tác giả ghi sổ chia buồn ở nhà thờ địa phương ngày 9 tháng Chín.
Sáng 9/9, tôi là người đầu tiên ghi vào sổ chia buồn tại nhà thờ địa phương nơi tôi sống. Người phụ trách nhà thờ nói một loạt các sự kiện ở nhà thờ có thể sẽ bị huỷ trong một hai tuần tới. Nhiều người tới Anh những ngày này có thể có cảm giác như thời gian ngừng trôi khi nước Anh huỷ một loạt các sự kiện đã được lên lịch để tưởng nhớ cũng như tán dương hơn 70 năm vì dân vì nước của Nữ hoàng có một không hai của Anh.
Cùng với sự lùi dần về hậu trường của Nữ hoàng, hoàng gia sẽ phải cố gắng hơn bội phần để giữ được sự ủng hộ quá bán của thần dân trong đó có tôi.
Hoàng gia Anh xuất hiện tại balcony điện Buckingham trong ngày 2 tháng Sáu. Reuters/Hannah McKay
Đầu tháng Sáu này Vương quốc Anh bỏ ra bốn ngày để kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, người năm nay đã 96 tuổi.
Nữ hoàng lên ngôi từ năm 1952 và đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử trên thế giới trong đó có sự bại trận của Pháp ở Điện Biên Phủ hồi năm 1954, sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam năm 1973 và Sài Gòn thất thủ hồi năm 1975.
Nhân Đại lễ Bạch kim,BBC đã có video 70 giây ghi lại những hình ảnh của Nữ hoàng trong 70 năm tại vị. Nữ hoàng đương nhiên già đi theo năm tháng và đây có lẽ là dịp đại lễ cuối cùng của bà. Những hình ảnh đánh dấu sự kiện trọng đại của nước Anh cũng xuất hiện trên truyền thông chính thống Trung Quốc,CGTN, và báo Nhân Dân của Việt Nam.
Tại Việt Nam,Đại sứ quán Anh tổ chức kỷ niệm ở Hà Nội và ở thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của hàng trăm khách Việt Nam và nước ngoài. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà được dẫn lời nói tại sự kiện hôm 31/5 ở Hà Nội rằng Việt Nam và Anh đã có những "thành tựu nổi bật trong quan hệ đối tác chiến lược… đặc biệt là những cam kết và hợp tác về chuyển dịch năng lượng và phát triển xanh sau Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu". Trong dịp nàyĐội quân nhạc Hoàng gia Yeomanry cũng đã chơi nhạc phẩm "Trống cơm" tại Hồ Hoàn Kiếm và cả Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đợt kỷ niệm kéo dài bốn ngày tại Anh, nhiều địa phương có các sự kiện riêng để ghi nhớ dịp có một không hai. Tại Dartford ở hạt Kent nơi tôi sống, hội đồng địa phương tổ chức ngày vui chơi trong công viên hôm 1/6, còn hôm 2/6 tôi cho cậu con trai tham giađoàn diễu hành từ nhà thờ cách nhà vài trăm mét tới một nhà thờ khác cách xa gần 1km. Tối hôm 2/6 tôi vẫn dạy karate cho các cháu nhỏ ở địa phương và sau đó tổ chức biểu diễn âm nhạc cũng nhưliên hoan có bánh kẹo và đồ ăn vặt cho các cháu và phụ huynh. Trong số ba bài các học viên karate biểu diễn có quốc caGod Save the Queen, tức Chúa Phù hộ Nữ vương. Một số phố quanh nơi tôi sống cũng biến thành phố chỉ cho người đi bộ trong một trong những ngày nghỉ lễ để người dân có thể tổ chức ăn mừng trên đường phố.
Để kết thúc ngày kỷ niệm đầu tiên hôm 2/6,Nữ hoàng đã bấm nút thắp sáng hàng trăm ngọn đèn hiệu và khởi đầu cho việc thắp sáng cả ngàn đèn hiệu ở Anh và nhiều nước trong khối Thịnh vượng chung. Nữ hoàng là người đứng đầu khối và còn là người đứng đầu của hơn 10 quốc gia trong khối bao gồm cả Australia. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đăng ảnh lễ thắp đèn hiệu tại Úc và viết trên Facebook : "Tuần này đánh dấu Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng. Trong bảy mươi năm trị vì, Nữ hoàng luôn là điểm tựa mang lại sự trấn tĩnh và sức mạnh. Tối nay, cùng với 53 quốc gia khác trong khối thịnh vượng chung, chúng ta thắp đèn hiệu để cảm ơn Bệ hạ và gửi lời chúc mừng ấm áp nhất của chúng ta".
Mặc dù có thể tham gia các sự kiện kỷ niệm trong ngày đầu tiên, Nữ hoàng thấm mệt và không thể dự lễ trọng tại Nhà thờ Thánh Paul hôm 3/6. Sự chuyển giao quyền lực trong Hoàng gia Anh ắt sẽ sớm diễn ra và Thái tử Charles khó có thể có ảnh hưởng như Nữ hoàng khi nối ngôi. Điều này sẽ ảnh hưởng tới vị thế của hoàng gia tại Anh cũng như tại hơn 10 nước mà Nữ hoàng hiện vẫn là người đứng đầu nhà nước. Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd hồi năm 2008 từng tuyên bố sẽ phế bỏ vai trò đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng. Lần cuối Australia trưng cầu dân ý về việc giữ hay bỏ vai trò của Nữ hoàng hồi năm 1999, gần 55% người dân mong muốn giữ Nữ hoàng ở chức vị hiện tại.
Nước trong Khối Thịnh vượng chung gần đây nhất phế bỏ vai trò người đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng là Barbados cuối năm ngoái. Trước đó một số nước khác đã có hành động tương tự bao gồm Mauritius hồi năm 1992, Dominica trong năm 1978, Trinidad và Tobago hồi năm 1976, và Guyana trong năm 1970.
Tại Anh,khảo sát mới nhất của Ipsos hồi tháng 11/2021 cho thấy 60% người Anh vẫn ủng hộ hoàng gia dù giảm từ 76% trong khảo sát hồi tháng 2/2016. Nhưng kết quả khảo sát mới nhất cũng cho thấy chỉ có 21% người Anh ủng hộ Anh chuyển từ vương quốc thành nước cộng hoà. Bởi vậy khả năng Hoàng gia Anh thất sủng trước công chúng trong thời gian trước mắt không phải là lớn. Nhưng cùng với sự lùi dần về hậu trường của Nữ hoàng, hoàng gia sẽ phải cố gắng hơn bội phần để giữ được sự ủng hộ quá bán của thần dân trong đó có tôi.
Úc lại lâm vào khủng hoảng chính trị với một Quốc hội treo khi cử tri tại đơn vị bầu cử Wentworth bầu cho ứng cử viên độc lập Kerryn Phelps vào Hạ viện thay thế cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull.
Nữ Hoàng đang muốn thúc đẩy mở lại cuộc tranh luận về nước Úc cộng hòa
Đảng cầm quyền nay muốn tiếp tục thông qua các đạo luật cần phải thu xếp dựa vào ít nhất một dân biểu độc lập hay dân biểu đảng Xanh.
Và nếu đảng đối lập thương lượng được với các dân biểu độc lập và đảng Xanh thành lập Liên minh trong vài ngày nữa Úc sẽ có 1 Thủ tướng mới, vị Thủ tướng này cũng có thể sẽ chỉ tồn tại tới tháng 5/2018 trước khi bầu cử.
Chỉ trong vòng 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm.
Một hệ thống chính trị rối ren như thế là lý do chính vào năm 1999 trong cuộc trưng cầu dân ý nước Úc Cộng hòa có đến 55% dân Úc từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.
…đợi khi Nữ Hoàng qua đời
Để thúc đẩy nước Úc độc lập, tuần qua khi Hoàng tử Harry và Công tước Meghan đang thăm Úc đề tài nước Úc Cộng hòa lại được mang ra thảo luận.
Phóng viên Robert Hardman tiết lộ khi làm phóng sự "Nữ hoàng của Thế giới" (Queen of the World), Nữ Hoàng cho biết quan điểm của bà là nếu nước Úc muốn trở thành một nước cộng hòa thì nên tiếp tục tiến trình đừng đợi đến khi bà qua đời.
Trước đây cựu Thủ tướng Julia Gillard, một người cộng hòa, chỉ trích các chính trị gia bảo hoàng bằng cách công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng "chết" rồi hãy tiếp tục tranh luận về một nước cộng hòa.
20 năm qua mặc dù về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa nước Úc đã thay đổi rất nhiều nhưng việc tranh luận gần như dậm chân tại chỗ. Nhiều chính trị gia Úc còn bảo hoàng hơn cả giới bảo hoàng nước Anh.
Ông Robert Hardman là phóng viên hoàng gia nên việc tiết lộ quan điểm của Nữ Hoàng cần được nhìn một cách tích cực Nữ Hoàng đang muốn thúc đẩy mở lại cuộc tranh luận về nước Úc cộng hòa.
Phóng viên Robert Hardman cho biết khi cuộc trưng cầu dân ý tại Úc thất bại "Cung điện Buckingham không tổ chức lễ mừng".
Ngay trong bài diễn văn hôm ấy Nữ Hoàng khuyến khích những người cộng hòa đừng chán nản bỏ cuộc hãy tiếp tục tiến trình để nước Úc trở thành một nước cộng hòa.
Cuộc Trưng cầu dân ý 1999
Bắt nguồn từ việc Tổng Toàn quyền John Kerr truất phế cựu Thủ tướng Lao Động Gough Whitlam ngày 11/11/1975, sau nhiều tranh luận, năm 1998 Thủ tướng John Howard thuộc phe bảo hoàng phải quyết định cho triệu tập Hội nghị Lập hiến.
Ông Howard đưa ra ba mô hình để thảo luận :
1. Tổng thống trực tiếp do dân bầu ;
2. Tổng thống bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện ; và
3. Tổng thống được bổ nhiệm bởi một hội đồng do Thủ tướng đề cử.
Phái bảo hoàng tin rằng vị Tổng Toàn Quyền là trọng tài cho đàm phán vì thế chính thể quân chủ lập hiến là cơ sở vững chắc cho nền dân chủ tại Úc.
Những người cổ vũ cộng hòa thì cho rằng đã đến lúc Úc phải hoàn toàn độc lập với Nữ Hoàng và Anh Quốc, nên dễ dàng chọn mô hình đại nghị số 2.
Phái cộng hòa cấp tiến cho rằng Hiến pháp không còn hợp thời phải sửa đổi toàn diện hệ thống Westminster và thực hiện một chính thể Cộng hòa với Tổng thống trực tiếp do dân bầu theo mô hình số 1.
Sau nhiều tranh luận cuối cùng Hội nghị quyết định chọn mô hình 2 Cộng hòa Đại nghị, tổng thống được bầu với ít nhất 2 phần 3 số phiếu tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện, để đưa ra trưng cầu dân ý.
Như vậy tổng thống chỉ giữ vai trò nghi lễ tương tự như vai trò tổng toàn quyền và hệ thống chính trị không có gì thay đổi quyền lực vẫn bị thao túng bởi các chính trị gia.
Phái cộng hòa cấp tiến đã bỏ phiếu trắng trong Hội Nghị và trong trưng cầu dân ý đã vận động chống lại mô hình này.
Chiến dịch vận động
Chiến dịch Yes (ủng hộ chính thể cộng hòa đại nghị) tập trung vào việc cần thay đổi thể chế.
Để vận động No (giữ nguyên thể chế quân chủ) các nhóm bảo hoàng đề cao thành quả nước Úc đã gặt hái được. Đồng thời tạo nỗi lo về sự bất ổn khi phải thay đổi thể chế với khẩu hiệu "Nếu hệ thống hiện tại không vỡ, không cần phải sửa".
Người Úc vốn không thích thay đổi. Cho đến nay chỉ có 8 trong số 44 đề xuất đưa vào một cuộc trưng cầu đã được đồng thuận thông qua. Nên chiến dịch vận động No thành công ở chỗ giữ được các cử tri thuộc phái "bảo thủ".
Vận động tích cực nhất cho No là những người cộng hòa cấp tiến với một số lập luận như sau :
Thứ nhất, cộng hòa chỉ đúng nghĩa khi mọi công dân phải được bình đẳng về chính trị, được bầu trực tiếp Tổng thống ;
Thứ hai, chỉ chính trị gia mới có quyền bầu vị Tổng thống nên mô hình Đại nghị là một mô hình phi dân chủ với một "nền cộng hòa của các chính trị gia" ;
Thứ ba, các cuộc khủng hoảng chính trị do các chính trị gia tranh giành quyền lực lại sẽ tiếp tục thường xuyên xảy ra ;
Thứ tư, cần viết lại một Hiến pháp hoàn toàn mới cho nước Úc cộng hòa ; và
Cuối cùng, chỉ có mô hình Cộng hòa Tổng thống chế mới lợi ích thực sự cho nước Úc độc lập vì thế cần từ chối mô hình lần này để sửa sọan trưng cầu dân ý vào lần tới.
Không tới 10% dân Úc ủng hộ phái cộng hòa cấp tiến nhưng cùng với cánh bảo hoàng kết quả là 55% dân Úc đã từ chối mô hình cộng hòa đại nghị.
Người Việt tuyệt đối theo thể chế cộng hòa
Vào năm 1999 người Việt đã hội nhập và đã bắt đầu quan tâm đến chính trị nước Úc. Trên báo chí Việt ngữ khi đó cũng đã có một số tranh luận về cuộc trưng cầu dân ý.
Nhiều người Việt vẫn tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa và hầu hết người Việt sống trong các khu vực thành trì của đảng Lao Động khi ấy ủng hộ bầu Yes. Là hai lý do có thể kết luận đa số tuyệt đối người Việt đã bầu Yes cho một thể chế cộng hòa.
Ngày nay nhiều bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng vẫn rất tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa. Kiến thức về chính trị lại không khác gì giới trẻ Úc nên vẫn rất ủng hộ cộng hòa.
Thượng nghị sĩ tiểu bang Victoria Hương Trương là một điển hình cho người trẻ gốc Việt tham gia chính trị Úc.
Sinh ra và lớn lên tại Úc, cô Hương Trương luôn công khai tự hào với bản sắc Việt Nam Cộng Hòa với biểu tượng cờ vàng thường xuyên trên ngực áo trong các cuộc họp Quốc hội.
Nước Úc ngày nay
Sau Đệ nhị Thế chiến giới lãnh đạo Úc đều nhìn nhận quyền lợi nước Úc gắn liền với Mỹ về chính trị và quân sự thay vì với Anh.
Ngày 15/10/2018, Ngoại trưởng Marise Payne tuyên bố Úc cần sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực vì các thế lực khác (Trung Quốc) đang nổi lên, sự thù địch có thể tăng thêm, các thách thức ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đang gia tăng, khiến liên minh Úc – Mỹ cần thiết hơn bao giờ hết.
Về thương mãi, nước Úc không còn phụ thuộc vào thị trường Anh và Châu Âu mà chủ yếu mua bán với các quốc gia Châu Á trong vùng.
Xã hội Úc là một xã hội đa văn hóa. Các sắc dân như người Việt, người Hoa, người Ấn… đều đã khá phát triển. Những di dân gốc Châu Á thường không có gì gắn bó với nước Anh nên cũng đều ủng hộ cộng hòa.
Còn giữa Anh và Úc ngoài lịch sử, nghi thức, ngoại giao và các cuộc viếng thăm hầu như không còn mấy gắn bó.
Từ khi Anh gia nhập Liên Hiệp Châu Âu càng ngày quyền lợi nước Anh càng gắn liền với Châu Âu.
Ngay sau khi nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull đã tuyên bố muốn ký Hiệp định thương mại với Anh, nhưng thực tế cho thấy việc xây dựng lại mối quan hệ đòi hỏi nhiều nỗ lực và càng đòi hỏi nước Úc phải hoàn toàn độc lập với nước Anh.
Dân Úc muốn thể chế cộng hòa
Tháng 7/2017, Thủ tướng Malcolm Turnball viếng thăm nước Anh đã viết trên tweet : "Mặc dù tôi là một người cộng hòa, tôi cũng là người của Nữ Hoàng Elizabeth".
Ông Malcolm Turnball trước đây là Chủ tịch Phong trào Cộng hòa và ủng hộ mô hình cộng hòa đại nghị. Ông nói thế để tránh phải rơi vào tranh cãi với thành phần bảo hoàng như cựu Thủ tướng Tony Abbot.
Nhưng ông Turnball cũng không thể tránh khỏi cuộc đảo chánh do chính ông Tony Abbot bày mưu vào tháng 8/2018 vừa qua.
Vào tháng 8/2017 báo chí đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận, kết quả lên đến 51 phần trăm dân Úc muốn một người Úc đứng đầu nước Úc, chỉ có 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ và 11 phần trăm chưa quyết định.
Trong trường hợp Hoàng tử Charles trở thành Vua lại có tới 55 phần trăm dân Úc cho biết họ muốn có một nước Úc cộng hòa.
Gần 70 phần trăm dân số Úc có tổ tiên là người Anh với trên 1 triệu công dân Úc đã sinh ra tại Anh nên vẫn còn 38 phần trăm ủng hộ chế độ quân chủ là điều dễ hiểu.
Cựu Thủ tướng Julia Gillard là một người Anh sinh ra tại Barry, Wales, bà là một người ủng hộ cộng hòa nên đã công khai đề nghị hãy chờ cho đến khi Nữ Hoàng "chết"… để chỉ trích cựu Thủ tướng Tony Abbot có cha mẹ gốc Úc nhưng sinh đẻ cũng tại Lambeth, London, Anh Quốc, một người cực kỳ bảo hoàng.
Nhìn chung các nhà lãnh đạo, các chính trị gia Úc đều có những gắn bó khá mật thiết với Anh Quốc.
Sau cuộc thăm dò dư luận năm 2017, báo chí phỏng vấn lãnh đạo đối lập Bill Shorten ông hứa nếu thắng cử ông sẽ cho tổ chức một cuộc họp đảng kín (gồm cả các tiểu bang?) về việc liệu có nên trở thành một nước cộng hòa hay vẫn giữ thể chế độ quân chủ lập hiến.
Nếu câu trả lời là ''có'', ông sẽ xem xét hình thức của chính phủ cộng hòa để đưa ra trưng cầu dân ý.
Tình hình chính trị ở Úc cho thấy có thể vài ngày hoặc vài tháng nữa ông Bill Shorten sẽ trở thành Thủ tướng để khởi động lại việc tranh luận và trưng cầu dân ý về nước Úc cộng hòa.
Trả độc lập cho Úc
Trong lần trưng cầu dân ý trước đây một số bạn bè, cả Úc chính gốc và Việt, cho rằng tôi bảo hoàng khi trước đó vài tháng tôi dám đánh cá là phe cộng hòa sẽ thất bại và thất bại nặng nề.
Quan điểm của tôi là người Úc không còn gắn bó với nước Anh và với Nữ Hoàng nhưng họ đã quá chán ngán hệ thống chính trị và các chính trị gia Úc.
Người Úc muốn được tự họ chọn 1 người đứng đầu nước Úc và một thể chế tam quyền phân lập hẳn hoi không phải một thể chế đại nghị như hiện nay.
Sau cuộc trưng cầu dân ý một người bạn hỏi tôi : "Sao Nữ Hoàng không đơn phương quyết định trao trả độc lập cho nước Úc ?".
Tôi trả lời : "Nếu bà ấy làm thế chính trị gia Úc sẽ tranh nhau quyền lực và nước Úc sẽ loạn. Nữ Hoàng phải thúc đẩy nước Úc tiến tới cộng hòa một cách dân chủ và khi bà còn trị vì bà có thể giúp tiến trình được diễn ra một cách tốt đẹp hơn".
Thử nghĩ với chưa đầy 11 năm nước Úc có đến 7 hay 8 lần thay đổi thủ tướng và chưa thủ tướng nào làm đủ nhiệm kỳ 3 năm có phải là một gánh nặng mà Nữ Hoàng đang mang trên vai mà chưa thể cởi bỏ.
Đơn vị Wentworth một đơn vị từ thời Úc mới thành lập chính quyền Liên bang, 117 năm về trước, vẫn thuộc về đảng Tự do và lần trước cựu Thủ tướng Malcolm Turnball đã thắng cử với hơn 18% chênh lệch thật khó tin nay đã mất.
Lần này tân dân biểu độc lập Kerryn Phelps thắng ứng cử viên Tự Do với số tỷ lệ ước chừng 54-46 với 27% phiếu bầu thay đổi từ phía đảng Tự do cầm quyền.
Trong chiến dịch tranh cử tân dân biểu độc lập Kerryn Phelps thường xuyên nhắc tới việc hệ thống chính trị hiện nay đã vỡ và cử tri Úc muốn một hệ thống chính trị hoàn toàn khác.
Nước Úc cộng hòa với một Hiến pháp mới và một Tổng thống do dân bầu có lẽ cũng là điều Nữ Hoàng mong muốn có được trong những tháng năm sắp tới.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 21/10/2018
Nguyễn Quang Duy