Chuyện vui giữa tuần
Máy siêu điện toán của Vin-Còm (Computer)
Tháng 5/2019, mùa xuân đã đến mang theo một tin vui cho đất nước Việt Nam. Nhà tư bổn kiêm tỉ phú Vượn Ngày sau khi đại thành công trong việc chế tạo, sản xuất xe ô-tô Vin-Phét đã nhẩy sang lãnh vực trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), thành lập công ty Vin-Còm (Computer), chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các rô-bốt và máy siêu điện toán.
Công ty Vin-Còm (Computer), chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các rô-bốt và máy siêu điện toán.
Chỉ trong vòng ít tháng, chủ tịch Vượn Ngày cùng với đội ngũ khoa học gia, chuyên viên IT AI... của Vin-Còm đã thành công, lắp ráp và đưa vào hoạt động một máy siêu điện toán (Super Computer) có khả năng vượt trội hơn gút-gồ sớc hàng ngàn lần, có thể trả lời tất cả các câu hỏi về mọi lãnh vực liên quan đến đời sống nhân loại, từ y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội đến khoa học, kỹ thuật, quân sự, môi trường, tuổi thọ của từng người…
Thang 05/2019, ngày N, một buổi ra mắt, giới thiệu, trình làng máy siêu điện toán được tổ chức rầm rộ và vô cùng "hoành tráng" tại Hà Nội với sự hiện diện của hàng ngàn khoa học gia, chuyên viên điện toán thượng thặng của các công ty Microsoft, Apple, Dell, Oracle, Google, Amazon... cùng các lãnh đạo của chế độ như Xuân Phất, Kim Ngan, Kim Tiêm…
Trong một sảnh đường rộng thênh thang ở nhà khách quốc tế Mỹ Đình, Vượn Ngày, một tay cầm micro, một tay chỉ về một chiếc lép-tóp không lớn hơn lép-tóp bình thường nhưng có hình dạng khá đặc biệt như một cái đầu rồng (lộn) đặt trên chiếc bàn rộng có 2 chuyên viên điều hành mặc quần áo trắng tinh ngồi chờ đợi, chủ tịch Vượn Ngày của công ty Vin-Còm phát biểu :
- Với máy siêu điện toán thế hệ 6.0 của chúng tôi mà quý vị nhìn thấy kia, quý vị có thể hỏi bất cứ điều gì liên quan đến nhân loại trong tất cả các lãnh vực, từ việc nhỏ nhất đến các câu hỏi trọng đại mà chuyên gia của quý vị chưa hoặc không thể trả lời.
- Với câu hỏi của quý vị, chúng tôi chỉ cần đưa vào máy một số dữ kiện, con số, facts, data, quý vị sẽ nhận được câu trả lời chính xác với tốc độ nhanh như ánh sáng. Mời quý vị làm test, thử đặt câu hỏi !
Cả sảnh đường ồ lên, mọi người xôn xao, bàn tán. Một người đàn ông đưa tay, Vượn Ngày chỉ tay về hướng người đó, khách lên tiếng :
- Tôi xin được xung phong được đặt câu hỏi, thử com-biu-tờ trước.
Chủ tịch Vượn Ngày gật đầu :
- Vâng ! Xin mời ông !
- Xin hỏi computer, bao giờ thì Việt Nam sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội ?
Hai nhân viên ngồi ở bàn lập tức tai-pồ vào máy một cách thành thạo. Chưa đầy một sát-na, trên màn hình lớn sau lưng Vượn Ngày hiện ra câu trả lời :
- 15 ki-lô-mét !
Cả sảnh đường lại ồ lên ngạc nhiên, người này ngó người kia, chẳng riêng gì Xuân Phất, Kim Ngan, Kim Tiêm, đám cán bộ cộng sản Việt Nam, ngay cả khách cũng không ai hiểu gì về câu trả lời.
Vượn Ngày nhanh nhẹn tiến đến gần 2 chuyên viên, nói gì đó.
Hai người này lập tức đưa vào máy câu hỏi lần thứ hai. Trên màn hình lập tức xuất hiện dòng chữ :
- Tư tưởng Hồ Chí Minh !
Cả sảnh đường lại một lần nữa lại ồ lên, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, bàn tán rôm rả nhưng cũng không ai hiểu gì. Chợt một người đàn ông khoảng 80 tuổi, cao lớn, bụng phệ, tóc bạc, đeo kiếng trắng, gọng vàng, vẻ mặt trí thức, trên túi áo chiếc sơ-mi màu nâu có vắt một cây bút, đạo mạo tiến đến gần Vượn Ngày trao đổi gì đó với Vượn.
Giáo sư Quá Khứ giải thích tư tưởng Hồ Chí Minh : Bác Hồ của chúng tôi có viết rằng, mỗi kế hoạch 5 năm là một bước tiến lên chủ nghĩa xã hội".
Một số người trong sảnh nhận ra đó là giáo sư Quá Khứ, người phát hiện ra tư tưởng Hồ Chí Minh với lập luận Chân Lý Là Bất Khả Tư Nghị, đồng thời cũng là tác giả loạt bài Lu Bu Thế Sự Cho Chuột Nó Tha. Không biết giáo sư Quá Khứ nói gì với Vượn Ngày, chỉ thấy Vượn trao micro cho ông giáo sư.Giáo sư Quá Khứ quay lại đám đông đang ồn ào, đưa tay ra hiệu cho họ yên lặng. Khi yên lặng trở lại trong sảnh, Quá Khứ mới nói :
- Siêu còm-biu-tờ của chủ tịch Vượn Ngày đã trả lời chính xác câu hỏi đúng theo thuật ngữ "điện toán nhân văn, xã hội học" mà tôi đã suốt đời nghiên cứu. Tôi xin giải thích cho quý vị hiểu như thế này :
"Trong trang đầu ghi lại tư tưởng Hồ Chí Minh, bác Hồ của chúng tôi có viết rằng, mỗi kế hoạch 5 năm là một bước tiến lên chủ nghĩa xã hội". Trung bình chiều dài bước chân người Việt Nam chúng tôi là 33 cm. Như vậy cứ 3 lần kế hoạch 5 năm thì chúng tôi tiến gần đến chủ nghĩa xã hội 1m. Quý vị chỉ cần lấy 15.000m nhân với 15 sẽ có ngay thời gian chúng tôi xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Cả sảnh đường vang lên tiếng vỗ tay vang dội trước lời giải thích của giáo sư Quá Khứ. Nghe nói sau đó công ty Vin-Còm bán được mỗi năm hàng chục triệu máy siêu điện toán.
Thạch Đạt Lang
(15/05/2019)
Lâu lắm tôi không vào lớp học phổ thông cơ sở nào ở Việt Nam. Hôm trước tình cờ xem ảnh lớp học trên mạng thấy vẫn treo ‘năm điều Bác Hồ dạy’ :
Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ tập đoàn Vingroup
Mới đây đọc bài phỏng vấn ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam trên báo Tuổi Trẻ, lại thấy ông này nói : "Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng 3 điểm : một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh. Chốt lại có đúng 3 từ đấy thôi". So sánh thấy cũng hao hao giống nhau. Lại thêm điểm tỷ phú Vượng chẳng có tì vết gì nên lại càng giống.
Chỉ có điều các cháu bây giờ có vẻ chẳng nghe lời Bác Hồ nữa rồi, chỉ nghe có Bác Vượng thôi. Yêu tổ quốc gì mà hết hàng chục lại đến hàng trăm người sang nước người ta rồi trốn ở lại. Có những vùng đông đảo người dân rủ nhau bỏ phiếu bằng chân tới các nước tư bản bằng cách đi chui, vờ du lịch tới các quốc gia gần EU rồi tìm cách trốn vào.
Trong lớp giờ các cháu bắt chước các cô, hết chửi nhau lại sang tát nhau. Người Việt vẫn chia làm hai phe, cờ đỏ và cờ vàng, chưa biết ngày nào mới đoàn kết. Cái khoản giữ gìn vệ sinh thân thể thì không dám bàn nhưng vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường thì thuộc tốp hàng đầu tính từ dưới lên trong một số lĩnh vực.
Khoản thật thà không rõ bao giờ mới lại được như ngày xưa. Giờ nghệ sỹlên sân khấu chụp ảnh xuống đã mất túi. Người Nhật biết người Việt hay trộm đồ nên ghi hẳn biển ở một số nơi trong nước họ, nhắc nhở dân Việt rằng "lao động là vinh quang".
Còn dũng cảm thì buộc phải dũng cảm thôi. Không đội nồi cơm điện xuống đường thì còn biết đi bằng gì dù số người chết và bị thương trên đường bộ cứ hai năm lại bằng tổn thất nhân mạng của trận Điện Biên Phủ.
Tóm lại năm điều Bác Hồ dạy chỉ treo đó làm cảnh thôi. Giờ người ta nghe Bác Vượng rồi. Bác Vượng còn oai hơn cả thủ tướng. Nhớ dạo cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đặt câu hỏi ai cấp phép cho toà nhà trên 50 tầng góp phần làm hạ tầng quá tải ở nội đô thì câu hỏi đó đã rơi vào hư không. Các báo dẫn lại câu hỏi này đồng loạt sửa tít và nội dung. Chỉ vì toà nhà 50 tầng đó có công ty của Bác Vượng tham gia.
Sau khi có phỏng vấn mới nhất với ông Vượng với Tuổi Trẻ và Thanh Niên, nhiều ý kiến đặt lại các vấn đề mà trước đây không bao giờ được báo chí chú ý tới vì tầm ảnh hưởng của Bác Vượng cao và xa quá. Một bình luận trên Facebook viết :
"Không có bất kỳ cái gì chỉ có một mặt mà chúng đều tổ thành bởi các mặt đối lập, Vingroup không phải là ngoại lệ.
"[T]hí dụ : [H]ọ "làm việc" với Chính quyền [thành phố Hồ Chí Minh] thế nào (thời [ông] Lê Thanh Hải chưa về hưu) mà vị trí tuyệt đẹp của Sở Giáo dục [thành phố] (trước là nơi làm việc của Bộ Văn hóa – Giáo dục và [T]hanh niên thời chế độ cũ) biến nhẹ nhàng thành Vincom bề thế, hoành tráng, còn sở bị thu hẹp thành toà cao ốc dẹp lép 12 tầng, như cái chuồng chim cu !!!
"Hồi đó nhiều ý kiến phản đối mà không được !?".
Với khả năng chi phối chính giới và báo giới, những nhận xét mà Bác Vượng không thích chỉ có thể tồn tại trên không gian có nút thích. Đây là một dòng tâm trạng khác cũng trên Facebook từ tháng 8/2018 :
"Nói về tài năng kiếm tiền, tôi kính nể anh Phạm Nhật Vượng. Nhưng cách Vin group bịt các thông tin xấu về mình trên báo chí là không thể chấp nhận được.
"Hi vọng đó không phải là chủ trương của anh Vượng, ngược lại đó là mối nguy cho một "đế chế" mà anh đã ra sức xây dựng. Mới đây là ngộ độc thức ăn trong trường học đe dọa sức khỏe, tính mạng của hàng trăm học sinh (tôi có viết, sau đó fb bị hack). Giờ thì tòa nhà cao nhất Việt Nam bị cháy #landmark từ sáng giờ, nhưng báo chí không có lấy một dòng tin (?!)".
Bác Vượng nói cho tới giờ này bác đã kinh doanh ở Việt Nam được 25 năm. Mặc dù Bác vẽ ra một tương lai đáng nể cho Vingroup trong đó có việc lấy công nghệ làm đầu, đó vẫn là chuyện tương lai. Cho tới giờ này Bác cũng chỉ giàu lên chủ yếu từ đất có được từ đầu tư vào quan hệ với các chính trị gia mà không ít người có lòng tham vô đáy. Trong môi trường kinh doanh "nhất tiền tệ, nhì hậu duệ" ở Việt Nam, thật là điều kỳ diệu nếu khối tài sản hơn sáu tỷ đô la của ông Vượng đã có được mà chẳng có sự "nâng đỡ không trong sáng nào". Muốn biết thì phải có những điều tra công phu của cánh báo chí mà ở các nước khác được coi là quyền lực thứ tư chuyên rọi đèn pha vào những góc tối. Còn ở ta, tiếc thay, báo chí chỉ như ngọn đèn dầu trước gió mà gió xứ ta lại to nên đèn khi tối khi sáng. Vậy nên những gì Bác Vượng nói cũng chỉ là một nửa sự thật thôi. Bác lái cánh báo chí thế là tài lắm rồi.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 16/01/2019
Người giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng lại vừa có thêm cái nhất nữa khi trở thành hãng xe hơi Việt Nam có màn ra mắt ấn tượng nhất ở triển lãm ô tô mang tên Paris Motor Show.
Hoa Hậu Trần Tiểu Vy và cựu danh thủ David Beckham tham dự lễ ra mắt 2 mẫu xe VinFast tại Paris Motor Show.
Mặc dù còn có những tranh cãi về chuyện liệu ông Vượng có treo đầu dê bán thịt chó hay không, khả năng quảng cáo cho một sản phẩm còn đang được định hình của VinFast không tồi chút nào.
Họ mời được danh thủ nổi tiếng thế giới David Beckham tới giới thiệu hai mẫu xe Sedan và SUV cũng như quy tụ được đông đảo báo giới trong buổi ra mắt.
Thêm nữa VinFast cũng đoạt luôn giải ‘Ngôi sao mới’ do Autobest, tổ chức bình chọn xe tốt nhất Châu Âu hàng năm với đại diện từ 27 quốc gia của Châu lục này. ‘Ngôi sao mới’ cũng là giải mới tinh và VinFast là hãng đầu tiên được trao giải này.
Vậy ai góp phần vào những thành công về mặt truyền thông cho VinFast ?
Câu trả lời đầu tiên là đó không phải là một hãng Việt Nam. Tỷ phú Vượng đã chọn một công ty chuyên về truyền thông và tổ chức sự kiện của Anh. Công ty mang tên PFPR Communications có trụ sở ở hạt Kent (cách nơi tôi sống chừng 30 phút lái xe). Đây là công ty nổi tiếng với danh sách khách hàng bao gồm cả BMW, Mazda, Honda, Mini và Rolls-Royce.
PFPR thông báo trên Twitter hôm 30/8 rằng khi đó họ đưa một đoàn nhà báo tới thăm nhà máy của VinFast bằng trực thăng. Họ cũng đăng cảvideo trực thăng đáp xuống nhà máy ở Hải Phòng. Cũng phải nói rằng khu nhà máy với tổng diện tích 335 ha của VinFast đang được đem ra so sánh với nhà máy chỉ với diện tích hơn 20 ha của Toyota Việt Nam, hãng đã sản xuất xe ở Vĩnh Phúc từ 22 năm qua với tỷ lệ nội địa hoá lên tới gần vài chục phần trăm. Họ nói ông Vượng ‘lườm cơm gắp thịt’, nói là làm ô tô đấy nhưng tiện thể cũng gom càng nhiều đất về tay tập đoàn Vingroup của ông càng tốt. Người ta cũng dẫn lại chuyện các báo Việt Nam đã phải sửa các bài trong đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chất vấn ai bật đèn xanh cho xây nhà trên 50 tầng ở khu Triển lãm Giảng Võ vì đó chính là dự án có ông Vượng tham gia. Nhưng cũng có ý kiến nói khu đất "hơn 300 ha ở Hải Phòng là sình lầy… bao nhiêu năm nay chẳng ai để mắt tới vì phải mất rất nhiều công và của bồi đắp".
Trở lại với PFPR, hãng kết thúc chuyến thăm VinFast hôm 31/08 và tới hôm 2/10 viết trên Twitter : "Tự hào khi đội PFPR giúp giới thiệu hai mẫu xe mới của VinFast – nhà sản xuất xe hơi chính ngạch đầu tiên của Việt Nam – tại #ParisMotorShow".
Sự tham gia của PFPR lý giải cho mức độ chuyên nghiệp tương đối của cách VinFast ra mắt mô hình xe ở Paris và sự xuất hiện của David Beckham. Cựu danh thủ cũng được trả đủ thù lao và hoàn thành nhiệm vụ khi thốt lên những từ "đẹp quá" và "VinFast là điều kỳ diệu" khá tự nhiên trước khi nhận lấy lá cờ đỏ sao vàng từ tay Hoa hậu Trần Tiểu Vy.
Bức ảnh Beckham chụp cạnh xe của VinFast mà anh chia sẻ trên chính trang Facebook của mình đã được hơn 130.000 lượt like và hơn 5.000 lượt chia sẻ tính tới 8/10. Nhiều người Việt vào bình luận kiểu "Việt Nam vô địch" trong khi các đồng hương của Beckham thì trút sự bực bội vì cựu danh thủ này vừa thuê luật sư chuyên tìm cách lách luật cãi cho anh thoát tội đi quá tốc độ. Beckham bị máy chụp ảnh tự động ghi lại cảnh chiếc Bently anh lái phóng với tốc độ 59 dặm (gần 95 km) trên đường chỉ cho phép đi với tốc độ 40 dặm (hơn 64 km) hồi đầu năm nay. Beckham thừa nhận đi quá tốc độ cho phép nhưng thuê luật sư cãi rằng giấy thông báo về chuyện anh phạm luật tới quá muộn nên không còn hợp lệ. May mà anh không ở Việt Nam chứ nếu không anh đã phải vào quán nước đưa tiền hối lộ hoặc nếu ra toà thì cũng không thể cãi theo kiểu phát hiện muộn quá nên không phạt được tôi như thế.
Ngoài chuyện dựa vào hình ảnh và ảnh hưởng của Beckham ở Việt Nam và nước ngoài, hãng PFPR có lẽ cũng đã góp phần khiến "ngôi sao mới" xuất hiện trên một số báo Anh. Trang Telegraph có bài với tựa ‘Beckham giới thiệu xe saloon và SUV mới của Vinfast tại Paris Motor Show’. Bài báo khá dài và tích cực nhắc tới khoản đầu tư 3,5 tỷ đô la mà ông Vượng cam kết bỏ ra để làm xe hơi và cũng viết : "Chiếc LUX A2.0 Sedan và LUX SA2.0 SUV được mô tả là có thiết kế của Ý, công nghệ Châu Âu và "tinh thần Việt Nam". Bài báo cũng nhắc tới chuyện mẫu thiết kế được chọn sau khi tham khảo ý kiến của hơn 62.000 người ở Việt Nam và "kết quả là sự hào nhoáng, hiện đại và rõ ràng là hợp lòng người". Sự ra mắt hai mẫu xe của VinFast cũng xuất hiện trên trang chuyên về xe hơi ở Anh nhưAutoExpress, AutoTrader bên cạnh các báo cải lương hay lá cải nhưDaily Mail, Daily Mirror và The Sun. Cả ba tờ báo sau cùng này đều nhắc tới chuyện Beckham vừa thoát khỏi bị truy tố tội đi quá tốc độ cho phép tới 30 km nhờ tài của luật sư chuyên tìm kẽ hở của pháp luật.
Nhưng không phải là không có báo hoài nghi về kế hoạch sản xuất xe của một công ty mà kinh nghiệm trong lĩnh vực này là bằng không. Cây viết Constantin Bergander trên trang Motor Talk của Đức viết rằng người ta đã không cho anh mở nắp capô và nắp cốp sau để xem chi tiết chiếc xe ở Paris Motor Show. Anh cũng nhận thấy cửa sổ trước và sau của xe được làm bằng nhựa chứ không phải bằng kính, nội thất rẻ tiền hơn so với BMW xịn và vỏ xe cũng không khít như xe hoàn chỉnh. Tác giả cũng viết các xe của VinFast sẽ còn phải cải tiến về tiêu chuẩn khí thải nếu muốn chinh phục thị trường Châu Âu mà ông nói không rõ số tiền ông Vượng kiếm được từ lúc làm mì ăn liền tới kinh doanh bất động sản về sau này có đủ để làm điều này không.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 10/10/2018
Khoảng 15 giờ 30 phút ngày 11 tháng 8, nhiều người cùng thấy khói đen cuồn cuộn thoát ra từ đoạn giữa Landmark 81, nhà chọc trời (skycrapper) thuộc loại siêu cao (super-tall) và đến giờ này là cao ốc cao nhất Việt Nam (cao 461 mét, có 81 tầng, tổng diện tích sàn 241.000 mét vuông, vừa có trung tâm thương mại, nhà hàng cao cấp, khách sạn cao cấp, vừa có văn phòng cao cấp, căn hộ cao cấp).
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, chủ nhân Vingroup.
Landmark 81 nằm trong Vinhomes Central Park, tọa lạc ở quận Bình Thạnh, Sài Gòn, trị giá 30.000 tỉ đồng, do Vingroup đầu tư, Coteccons – một doanh nghiệp Việt Nam – là nhà thầu chính. Landmark 81 được khởi công hồi tháng 7 năm 2014 và vừa khánh thành vào ngày 26 tháng 7 vừa qua nhưng phải đến giữa tháng 1 năm tới mới chính thức vận hành.
Hỏa hoạn vốn là loại sự kiện mà ít khi nào báo giới bỏ qua nên theo lẽ thường, hỏa hoạn ở những địa điểm đặc biệt như Landmark 81, trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay (phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm tại các cao ốc ở Việt Nam đang là vấn nạn nghiêm trọng, tiềm ẩn những nguy cơ trở thành các đại họa), chuyện Landmark 81 phát hỏa sẽ được báo giới khai thác tới nơi, tới chốn cả về nguyên nhân, diễn biến, cũng như các yếu tố có liên quan đến phòng cháy – chữa cháy – an toàn.
Tuy nhiên cách mà báo giới đề cập đến sự kiện Landmark 81 phát hỏa lại không bình thường. Công chúng chỉ biết và mục kích sự kiện Landmark 81 phát hỏa qua thông tin, hình ảnh, video clip do những thường dân khác cung cấp qua mạng xã hội, còn báo giới phản ứng rất… chậm.
Có facebooker vốn là nhà báo giải thích, đại loại, đã có "chỉ đạo Tổng Biên tập các báo" rằng Landmark 81 phát hỏa vì "sự cố kỹ thuật" ở tầng 64, Vingroup đã "khắc phục sự cố kịp thời, không có thiệt hai về người và tài sản"… (1).
Từ tiết lộ vừa kể, một ngày sau khi Landmark 81 phát hỏa, đã có những facebooker thử làm một so sánh về cách mà báo giới tường thuật về sự kiện này - theo đó, chỉ có khoảng một chục cơ quan truyền thông đưa tin và 7/10 (Zing, VnExpress, Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Người Đô Thị, Tiền Phong, Thanh Niên, Đất Việt) chỉ cho biết đại khái là Landmark 81 đã cháy nhưng không đả động gì tới Vingroup, 3/10 còn lại (VietNamNet, Doanh Nghiệp Việt Nam, Tạp chí Công Thương) vừa thông tin Landmark 81 phát hỏa, vừa cho biết nhà chọc trời siêu cao này là của Vingroup (chủ đầu tư, kinh doanh hàng loạt cao ốc từ Bắc vào Nam) - với sự kiện bảng quảng cáo của Diamond Plaza (một cao ốc khác ở Sài Gòn) phát hỏa vào tối cùng ngày và được báo giới đồng loạt tường thuật cặn kẽ, kèm câu hỏi giống như một tiếng thở dài : Báo chí của mình ngộ quá phải không em (2) ?
***
Ai cũng biết, thể chể cộng hòa khác với chuyên chế ở chỗ công quyền được phân lập thành ba nhánh (lập pháp, hành pháp, tư pháp) – tam quyền phân lập - nhằm kiểm soát việc sử dụng công quyền, ngăn chặn lạm quyền. Bởi hệ thống công quyền là "của dân, do dân, vì dân" nên hệ thống truyền thông (báo in, phát thanh, truyền hình) vốn luôn dõi theo, đào xới, tự do tường thuật các sự kiện, tự do bày tỏ các nhận định, dự báo, luôn tác động rất lớn đến nhận thức cũng như cách hành xử của đám đông, qua đó chi phối hoạt động của hệ thống công quyền – đã được ví von là "đệ tứ quyền" (quyền lực thứ tư). Trong vòng mười năm vừa qua, sau khi Internet trở thành đại chúng, giới nghiên cứu khoa học xã hội bắt đầu ví von các blog, mạng xã hội là "đệ ngũ quyền" (quyền lực thứ năm) (3).
Việt Nam cũng theo thể chế cộng hòa nhưng là cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem tam quyền phân lập – một thứ giá trị đã phổ quát trong nhân loại trong hàng ngàn năm qua – là luận điệu của các thế lực thù địch, phản động. Ở Việt Nam không có "đệ tứ quyền", hệ thống truyền thông chính thức được xác định một cách rạch ròi là công cụ tuyên truyền đường lối, chủ trương. Hệ thống công quyền Việt Nam đang tìm đủ mọi cách để vô hiệu hóa "đệ ngũ quyền". Song khác với rất nhiều quốc gia trên toàn cầu, dường như Việt Nam có "đệ lục quyền" (quyền lực thứ sáu), quyền lực của những cá nhân giàu nứt đố đổ vách, giống như vua vừa vì có thể xoay chuyển hoạt động của hệ thống công quyền, kiểm soát "đệ tứ quyền", chi phối "đệ ngũ quyền" thông qua sự hỗ trợ của cả hệ thống công quyền lẫn một số blogger, facebooker nổi tiếng.
Nhân sự kiện Landmark 81 phát hỏa và cách hành xử khác thường của hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam, có thể kể ông Phạm Nhật Vượng – người đứng đầu Vingroup vào số những ông vua không ngai đang nắm trong tay quyền lực thứ sáu hay không ? Chưa thể khẳng định, tạm thời, chỉ có thể điểm lại một số diễn biến khác để mọi người cùng ngẫm…
Cuối năm 2016, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt qui hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo ông Phúc, sở dĩ môi trường, giao thông,… ở Hà Nội trở thành thảm nạn là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải. Ông Phúc dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi : Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào ? Nếu khoảng đất trống nào cũng cấp giấy phép xây dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao ? Theo lời của Thủ tướng Việt Nam thì ông ta từng yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp giấy phép xây dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới 29 tháng 12 năm 2016 vẫn chưa nhận được báo cáo.
Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là dự án Vinhomes Giảng Võ của Vingroup.
Lúc đó, câu chuyện vừa kể được nhiều người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam nhận định là có hai điểm thú vị : Thứ nhất, lần đầu tiên một dự án của Vingroup bị một viên chức cao cấp chỉ trích công khai và thứ hai, dẫu người chỉ trích là Thủ tướng Việt Nam nhưng giống như trước đó, những thông tin bất lợi cho Vingroup không thể tồn tại trên hệ thống truyền thông chính thức. Ban đầu, rất nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 29 tháng 12 năm 2016, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ. Chẳng hạn, Zing đổi tựa : "Thủ tướng : Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ" thành "Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại qui hoạch đô thị". Đài Phát thanh quốc gia (VOV) thì đổi tựa : "Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ" thành "Cám ơn Thủ tướng"…
Rờ tới Vingroup chỉ có các facebooker. Một facebooker tên là Nguyễn Anh Tuấn đã lục tìm, sắp đặt chuỗi sự kiện có liên quan đến Vingroup và khu Triển lãm Giảng Võ để chứng minh giữa Vingroup và chính quyền Hà Nội có một thương vụ mua bán chính sách : Công ty Triển lãm Giảng Võ vốn là một doanh nghiệp nhà nước. tháng 3 năm 2015, công ty này rao bán cổ phần nhưng thiên hạ không muốn mua vì quy hoạch về xây dựng của Hà Nội xác định khu Triển lãm Giảng Võ thuộc "nội đô lịch sử" bị hạn chế về chiều cao và tình hình tài chính của Công ty Triển lãm Giảng Võ không sáng sủa (lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3 đến 6 tỉ đồng). Chỉ có Vingroup bỏ tiền mua khoảng 90% cổ phiếu. Thế rồi tháng 4 năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành "Quy hoạch công trình cao tầng nội đô", theo đó, trong "nội đô lịch sử" chỉ có hai nơi được phép xây quá 39 tầng để làm "điểm nhấn đô thị" là : Khu Triển lãm Giảng Võ "được phép xây dựng 50 tầng" và lô đất số 29 Liễu Giai "được phép xây dựng 45 tầng". Lúc này, cả khu Triển lãm Giảng Võ và lô đất số 29 Liễu Giai đều đã thuộc về Vingroup !
Nguyễn Anh Tuấn nêu thắc mắc, tại sao cả hai "điểm nhấn đô thị" đều rơi đúng vào hai lô đất của Vingroup ? Không lẽ "chính quyền thành phố Hà Nội ‘làm chính sách’ cho Vingroup" và theo Tuấn, đó chính là "tham nhũng chính sách", là ví dụ minh họa về những "nhóm lợi ích" xem hệ thống công quyền như "công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, gây thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia". Tuấn lưu ý, nếu thông báo khu Triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng và tổ chức đấu giá công khai thì tổng số tiền thu về cho ngân sách chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 21,5 triệu/m2 thu từ Vingroup. Vingroup chỉ bỏ ra 1.500 tỉ để mua gần 90% cổ phần của Công ty Triển lãm Giảng Võ, trong khi giá đất ở khu vực này hiện khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu/m2 (4).
Khoan bàn đến tính chính xác trong nhận định của Nguyễn Anh Tuấn. Chỉ nêu vài thắc mắc : Những nhận định này cho thấy vấn đề mà Nguyễn Anh Tuấn nêu ra rất đáng lưu ý, tại sao không cơ quan truyền thông chính thức nào ở Việt Nam quan tâm để xác định thực hư ? Tại sao lại né tránh việc đề cập đến Vingroup kể cả khi tường thuật phát biểu của Thủ tướng Việt Nam về Vinhomes Giảng Võ ?
Dẫu cho hoạt động đầu tư, khai thác các dự án của Vingroup ở Việt Nam gây ra không ít lo ngại, bất bình nhưng thường thì người ta chỉ có thể tìm thấy sự lo ngại, bất bình ấy trên… mạng xã hội. Tuy nhiên đụng đến Vingroup trên mạng xã hội cũng không phải là chuyện dễ. Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm ngoái, chẳng phải dư luận Việt Nam đã từng rúng động bởi một số facebooker bị Công an thành phố Hà Nội "mời" đến "làm việc" do "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" đó sao (5) ? Theo tường thuật của báo chí Việt Nam khi ấy, những facebooker này bị xem là "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" chỉ vì đã chỉ trích việc Vinschool – hệ thống tư thục của Vingrooup – loan báo sẽ nâng học phí đến 50% !
Tương tự, năm ngoái, Hà Nhật Tân, một Kiến trúc sư kiêm Giảng viên Đại học Hoa Sen, người từng sử dụng kiến thức chuyên môn phân tích về thiết kế Vinhomes Tân Cảng (theo Tân, do có quá nhiều khối nhà cao san sát với nhau cộng với đặc điểm khu vực, nếu xảy ra hỏa hoạn, các khối nhà này sẽ trở thành… "đài hoá thân hoàn vũ" - lò thiêu xác), kể trên trang facebook của ông rằng, sau khi đưa "Vinhomes và Đài hóa thân hoàn vũ" lên facebook thì có "bọn nào đó" đến tận Phòng Quản lý nhân sự của Đại học Hoa Sen đề dò la về ông. Tân gọi đó là "trò trẻ trâu", Tân nhắn công an Việt Nam nên thôi "dọa bóng, dọa gió" đi. Có muốn dọa cũng nên "có tí chất xám", bởi Tân chỉ muốn cảnh báo khi thấy nguy cơ cao và đặt vấn đề "nếu cháy thật thì sao ?" mà thôi (6)…
***
Thật ra, Việt Nam đã có không ít vua không ngai. Mới đây, vừa có hai ông vua không ngai là Đinh Ngọc Hệ (tự "Út Trọc") và Phan Văn Anh Vũ (tự Vũ "Nhôm") bị phế truất. Ai ? Nơi nào sẽ quan tâm, nghiên cứu về những ông vua không ngai và về quyền lực thứ sáu, tuy sinh sau, đẻ muộn nhưng tại Việt Nam có vẻ đã vượt lên, đứng trên cả các quyền chính thống (lập pháp, hành pháp, tư pháp) ? Vụ Mobifone được phép dùng công quỹ mua 95% cổ phần của AVG (An Viên Group – tập đoàn tư nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, truyền thông do ông Phạm Nhật Vũ, em ruột ông Phạm Nhật Vượng làm chủ) với giá gần gấp bốn lần giá trị thật, khi sự việc vỡ lở, chỉ có các viên chức, kể cả những viên chức cao cấp, cỡ như hai cựu Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn) bị truy cứu trách nhiệm, còn ông Phạm Nhật Vũ vẫn bình an có phải là nhờ sự vô song của quyền lực thứ sáu không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/08/2018
Chú thích :
(1) https://www.facebook.com/nguyenduy.thong.5/posts/2360585833957954
(3)https://en.wikipedia.org/wiki/Fifth_Estate
(4) https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/1570321536316067
(5) http://plo.vn/an-ninh-trat-tu/vu-vinschool-cong-an-lam-ro-viec-boi-nho-ca-nhan-731466.html
Hôm 3 tháng 10, tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố Hà Nội đã "mời" một số người "đến làm việc" vì "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân". Chuyện "nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" này liên quan tới việc Vinschool – hệ thống tư thục của Vingroup – loan báo sẽ nâng học phí đến 50%.
Ông Phạm Nhật Vượng.
Sự kiện một số người chỉ trích Vinschool – Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng trên facebook rồi bị Công an thành phố Hà Nội "mời" vốn đã râm ran trên mạng xã hội suốt từ đầu tuần tới giờ.
Theo tường thuật của tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh thì "nhiều người bất ngờ" khi "chỉ bày tỏ quan điểm cá nhân về mức học phí" mà "phải làm việc với công an". Một đại tá tên là Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao của Công an thành phố Hà Nội, giải thích, theo "yêu cầu của Vingroup", công an đã mời một số người "đến làm việc" vì cần làm rõ "hành vi nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân chứ không phải điều tra việc phản đối tăng học phí".
Tiếc là Đại tá Sơn không nói thêm và tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng chẳng hỏi thêm "hành vi nói xấu, bôi nhọ một số cá nhân" có phải là "vu khống" hay không ? Theo Luật hình sự hiện hành, chỉ khi nào "bịa đặt hoặc cố tình loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt" thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy ở Việt Nam, không ít người bị cáo buộc là "nói xấu", "bôi nhọ" khi kể một sự thật hoặc nhận định về một sự kiện nhưng đối với những trường hợp này, muốn cáo buộc "vu khống" để truy cứu trách nhiệm hình sự chẳng dễ chút nào.
Nhận định về sự kiện vừa kể, Du Ca Que Huong cho rằng đó là "chuyện lạ". Nguyen Tuan Quynh thì thắc mắc, phản ứng về chuyện học phí của Vinschool thì có liên quan gì đến công an ? Chẳng lẽ cứ có tiền thì bảo gì cũng làm ? Còn theo Quang Doan thì xúc phạm ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup còn nguy hiểm hơn… "nói xấu lãnh tụ".
***
Phạm Nhật Vượng, 49 tuổi đã và đang là một nhân vật nổi tiếng ở Việt Nam. Theo báo chí Việt Nam thì nhờ học rất giỏi nên năm 1987 – thời điểm mà lý lịch vẫn là yếu tố quyết định chọn người để gửi đi du học, ông Vượng, con một sĩ quan không quân của quân đội nhân dân Việt Nam giành được học bổng để theo học tại Đại học Địa chất Moscow.
Sau khi bỏ ra sáu năm (1987–1993) để hoàn tất chương trình đại học, ông Vượng cùng vợ chuyển sang Ukraine – một trong những quốc gia từng thuộc Liên bang Xô viết cũ - mở nhà hàng rồi xây dựng cơ sở sản xuất mì gói, bột khoai tây, thực phẩm đóng hộp. Cũng theo báo chí Việt Nam thì năm 2000, ông Vượng bắt đầu đầu tư tại Việt Nam. Sau đó thì Tập đoàn Vingroup ra đời…
Vingroup hiện là chủ hàng trăm bất động sản khổng lồ bao gồm các : Trung tâm thương mại (Vincom), Resort cao cấp (Vinpearl), Chung cư cao cấp (Vinhome), Cao ốc văn phòng (Vincom Office). Các chuỗi : Tư thục (VinSchool), Bệnh viện (VinMec), Siêu thị (VinMart), Cửa hiệu thời trang (VinDS – Fashion Stores), Cửa hàng điện tử (VinPro)… Tháng trước, Vingroup loan báo sẽ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xe hơi (VinFast).
Hồi tháng 8 vừa qua, dựa trên các số liệu thu thập được từ thị trường chứng khoán, báo giới Việt Nam loan báo, ông Vượng hiện là người đứng thứ hai trong số mười người giàu nhất Việt Nam. Vợ và em vợ ông Vượng cũng nằm trong nhóm mười người giàu nhất Việt Nam (vị trí thứ sáu và thứ chín). Tạp chí Forbes ước đoán tổng tài sản của ông Vượng khoảng 2,4 tỉ Mỹ kim.
***
Đáng chú ý là không ít dự án của Vingroup được hệ thống công quyền ưu đãi một cách khác thường.
Chẳng hạn sau khi chính phủ Việt Nam phê duyệt dự án di dời – giải tỏa Hải quân Công xưởng Ba Son để chỉnh trang khu vực trung tâm Sài Gòn, Tập đoàn Eunsan & Oue của Nam Hàn đề nghị đầu tư 5 tỉ Mỹ kim vào khu vực đó. Theo nhận định của chính quyền thành phố Sài Gòn thì dự án đầu tư của Eunsan & Oue phù hợp với quy hoạch mà chính phủ Việt Nam đã phê duyệt hồi năm 2013 đối với khu vực trung tâm thành phố này (góp phần đồng bộ hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật khác như cầu Thủ Thiêm 2, Tuyến metro số 1), vì vậy, nếu chính phủ Việt Nam đồng ý, chính quyền thành phố Sài Gòn sẽ hỗ trợ Eunsan & Oue thực hiện dự án vào tháng 9 năm 2015.
Ngay sau đó Bộ Quốc phòng Việt Nam gửi văn bản phản bác với lý do, giao đất ở một nơi như Hải quân Công xưởng Ba Son cho giới đầu tư ngoại quốc "không phù hợp". Đối với việc khai thác mặt bằng của Hải quân Công xưởng Ba Son, Bộ Quốc phòng đề nghị chính phủ Việt Nam "không tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư" mà đề họ "chỉ định nhà đầu tư". "Nhà đầu tư" mà Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị là Công ty Dịch vụ thương mại Thành phố Hồ Chí Minh. Báo cáo sau đó của Bộ Quốc phòng gửi chính phủ Việt Nam cho biết, công ty này là "thành viên liên kết" với Vingroup.
Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục gây ngạc nhiên khi thay mặt chủ đầu tư, đề nghị chính quyền thành phố Sài Gòn điều chỉnh quy hoạch "Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son" : Tăng chiều cao của các cao ốc, tăng dân số từ 5.400 (theo quy hoạch) lên 24.000 (gần năm lần), điều chỉnh cả đường bộ (chạy dọc sông Sài Gòn) lẫn metro (không đi xuyên mà đi vòng bên ngoài)…
Hồi đầu tháng 8, khi được bạn bè hỏi thăm về Vinhome Tân Cảng, Hà Nhật Tân – một kiến trúc sư và là giảng viên Đại học Hoa Sen, bảo rằng anh đã quá ngán ngẩm khi phải nghe những câu hỏi tương tự nên chỉ muốn trả lời một lần về… chuyện sinh tử. Đó là do tính toán "hết sức" chu đáo của chủ đầu tư và kiến trúc sư nên khi bị cháy, những khối nhà cao, quá gần nhau sẽ tạo ra các "hành lang lửa". Do vận tốc gió tại cạnh của các khối nhà luôn cao (từ 120% đến 160%), cộng với yếu tố khoảng trống giữa các khối nhà (hành lang) hẹp nên vận tốc gió có thể tăng hơn 200%, bởi nhiệt độ gia tăng khi xảy ra hỏa hoạn, kèm với độ thoáng của mặt sông Sài Gòn, tốc độ gió ở các hành lang sẽ tăng không dưới 400%, thậm chí có thể đạt hơn 1000% ở cuối hành lang. Lúc ấy, khoảng trống giữa các khối nhà sẽ giống như một hệ thống ống bễ khổng lồ, thổi lửa và khí độc đi với vận tốc cuồng phong. Lửa sẽ loang nhanh và rộng với sự hỗ trợ của thần gió, chỉ có phép lạ mới cứu nổi.
Theo Hà Nhật Tân, chẳng ai muốn hỏa hoạn nhưng nếu như hỏa hoạn xảy ra, chủ đầu tư và các kiến trúc sư "có công lớn trong việc biến các block chung cư cao cấp thành những... ‘đài hóa thân hoàn vũ’ (tên lịch sự của lò thiêu xác) cho cư dân bên trong. Nghe nói, ở các chung cư cao cấp này, giá một mét vuông đã tròm trèm 100 triệu. Thật ra không đắt nếu tính gộp luôn cả chi phí hoả táng".
Cuối tháng 8, Tân kể thêm trên trang facebook của anh là sau khi đưa "Vinhomes và Đài hóa thân hoàn vũ" lên facebook thì có "bọn nào đó" đến tận Phòng Quản lý nhân sự của Đại học Hoa Sen để dò la về anh. Tân gọi đó là "trò trẻ trâu", Tân nhắn công an Việt Nam nên thôi "dọa bóng, dọa gió" đi. Có muốn dọa cũng nên "có tí chất xám". Tân nhấn mạnh là chỉ cảnh báo khi thấy nguy cơ cao và đặt vấn đề "nếu cháy thật thì sao ?"…
Một điểm đáng chú ý khác là không chỉ hệ thống công quyền mà dường như báo giới Việt Nam cũng đặc biệt ưu ái Vingroup. Vài tháng gần đây, theo chân công an Việt Nam, báo giới Việt Nam liên tục chỉ trích ông Lê Thanh Thản và Tập đoàn Mường Thanh (hoạt động cùng lĩnh vực với Vingroup) vì không bảo đảm an toàn phòng cháy – chữa cháy ở các cao ốc do tập đoàn này xây dựng. Trong khi đó, hai vụ cháy xảy ra hồi tháng 7 vừa qua ở Vinhomes Central Park (tọa lạc tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn) chỉ được tường thuật một cách hết sức vắn tắt.
Dẫu mật độ xây dựng cao bất kể khả năng có hạn của hệ thống hạ tầng (điện, nước, đường sá) khiến sinh hoạt của các đô thị bị rối loạn vì quá tải giống như Mường Thanh nhưng Vingroup không những không bị chỉ trích mà còn được báo giới giúp "giải độc dư luận".
Cuối năm ngoái, tại cuộc họp giữa lãnh đạo chính phủ Việt Nam với giới lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ trích gay gắt qui hoạch đô thị ở Hà Nội. Theo ông Phúc, sở dĩ môi trường, giao thông… ở Hà Nội trở thành thảm nạn là vì chính quyền thành phố này phóng tay cấp giấy phép cho xây dựng hàng loạt cao ốc khiến hạ tầng quá tải.
Thủ tướng Việt Nam dẫn trường hợp cho xây dựng cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ làm ví dụ và nêu câu hỏi : Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ ? Không có lý thuyết nào về quy hoạch lại chấp nhận chuyện cho xây dựng tại một nơi như Giảng Võ cao ốc 50 tầng, với hàng ngàn căn hộ cao cấp. Nếu mỗi gia đình có hai xe hơi thì ra vào, qua lại thế nào ? Nếu khoảng đất trống nào cũng cấp giấy phép xây dựng cao ốc hết thì Hà Nội sẽ ra sao ? Theo lời của Thủ tướng Việt Nam thì ông ta từng yêu cầu chính quyền thành phố Hà Nội kiểm tra và báo cáo về trường hợp cấp giấy phép xây dựng cao ốc 50 tầng tại Hà Nội trước ngày 15 nhưng tới 29 tháng 12 năm 2016 vẫn chưa nhận được báo cáo.
Cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ là dự án Vinhomes Giảng Võ của Vingroup.
Câu chuyện vừa kể có hai điểm thú vị : Thứ nhất, lần đầu tiên một dự án của Vingroup bị một viên chức cao cấp chỉ trích công khai và thứ hai, dẫu người chỉ trích là Thủ tướng Việt Nam nhưng giống như trước đó, những thông tin bất lợi cho Vingroup bị giảm nhẹ trên hệ thống truyền thông chính thống.
Lúc đầu, nhiều bài tường thuật cuộc họp của chính phủ Việt Nam hôm 29 tháng 12 năm, đưa chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ vào tựa vì báo giới ở đâu cũng biết độc giả của họ quan tâm đến điều gì. Tuy nhiên ngay sau đó hệ thống truyền thông Việt Nam sửa tựa, bỏ chi tiết cao ốc 50 tầng tại Giảng Võ.
Chẳng hạn, Zing đổi tựa : "Thủ tướng : Ai cấp phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ" thành "Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại qui hoạch đô thị". Đài Phát thanh quốc gia (VOV) thì đổi tựa : "Thủ tướng nói về việc xây chung cư cao tầng ở khu đất Giảng Võ" thành "Cám ơn Thủ tướng"…
Rờ tới Vingroup chỉ có các facebooker. Một facebooker tên là Nguyễn Anh Tuấn đã lục tìm, sắp đặt chuỗi sự kiện có liên quan đến Vingroup và khu Triển lãm Giảng Võ để chứng minh giữa Vingroup và chính quyền Hà Nội có một thương vụ mua bán chính sách.
Công ty Triển lãm Giảng Võ vốn là một doanh nghiệp nhà nước. Tháng 3 năm 2015, công ty này rao bán cổ phần nhưng thiên hạ không muốn mua vì quy hoạch về xây dựng của Hà Nội xác định khu Triển lãm Giảng Võ nằm thuộc "nội đô lịch sử" bị hạn chế về chiều cao và tình hình tài chính của Công ty Triển lãm Giảng Võ không sáng sủa (lợi nhuận sau thuế chỉ từ 3 đến 6 tỉ đồng). Chỉ có Vingroup bỏ tiền mua khoảng 90% cổ phiếu. Thế rồi tháng 4 năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành "Quy hoạch công trình cao tầng nội đô", theo đó, trong "nội đô lịch sử" chỉ có hai nơi được phép xây quá 39 tầng để làm "điểm nhấn đô thị" là : Khu Triển lãm Giảng Võ "được phép xây dựng 50 tầng" và lô đất số 29 Liễu Giai "được phép xây dựng 45 tầng". Lúc này, cả khu Triển lãm Giảng Võ và lô đất số 29 Liễu Giai đều đã thuộc về Vingroup !
Nguyễn Anh Tuấn nêu thắc mắc, tại sao cả hai "điểm nhấn đô thị" đều rơi đúng vào hai lô đất của Vingroup ? Không lẽ "chính quyền thành phố Hà Nội ‘làm chính sách’ cho Vingroup" và, theo Tuấn, đó chính là "tham nhũng chính sách", là ví dụ minh họa về những "nhóm lợi ích" xem hệ thống công quyền như "công cụ của riêng chúng để đưa ra những chính sách làm lợi cho chúng, gây thiệt hại cho cộng đồng, quốc gia".
Tuấn lưu ý, nếu thông báo khu Triển lãm Giảng Võ được xây cao ốc 50 tầng và tổ chức đấu giá công khai thì tổng số tiền thu về cho ngân sách chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với con số 21,5 triệu/m2 thu từ Vingroup. Vingroup chỉ bỏ ra 1.500 tỉ để mua gần 90% cổ phần của Công ty Triển lãm Giảng Võ, trong khi giá đất ở khu vực này hiện khoảng từ 200 triệu đến 300 triệu/m2.
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn nhắn hỏi Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng : Làm giàu bằng tham nhũng chính sách, đạp lên lợi ích của quốc gia như thế thì có gì đáng tự hào ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/10/2017