Sau khi Tần Cương biến mất, Bắc Kinh đã thay đổi lập trường về cuộc chiến Ukraine.
Những vấn đề thúc đẩy các quyết định chính trị đôi khi có thể kịch tính hoặc kỳ lạ đến mức khó tin.
Mùa hè năm ngoái, sau khi Trung Quốc dường như đang thay đổi lập trường về cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Vladimir Putin đã tìm ra cách để đưa Tập Cận Bình về phe mình. © Kyodo
Theo tiết lộ từ các nguồn tin quen thuộc với quan hệ Trung-Nga, vụ thanh trừng bất ngờ và bí ẩn đối với Ngoại trưởng Tần Cương hồi mùa hè này nhiều khả năng là do Moscow chỉ điểm.
"Tần Cương đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến thông tin vốn phản ánh sự bất hòa giữa Trung Quốc và Nga", một nguồn tin cho biết. "Đây là một vấn đề rất rộng".
Tần đã bất ngờ bị cách chức vào cuối tháng 7. Nguồn tin nhận định đây là một sự cố quan trọng ảnh hưởng đến động lực chính trị quốc tế xoay quanh việc Nga xâm lược Ukraine. Quyết định sa thải này cũng là một biện pháp phòng ngừa trước hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Mỹ vào tháng 11.
Đây là một vở kịch chính trị phức tạp, trong đó Trung Quốc và Nga là hai vai chính, còn Mỹ chỉ đóng vai phụ.
Sergey Lavrov (phải), Ngoại trưởng Nga, và Tần Cương, khi đó vẫn còn là Ngoại trưởng Trung Quốc, gặp nhau ở Samarkand, Uzbekistan, vào ngày 13/04. © Cơ quan Báo chí Bộ Ngoại giao Nga/AP
Mọi chuyện bắt đầu vào cuối tháng 5, khi một phái đoàn dẫn đầu bởi Lý Huy, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nga, đến thăm Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy. Cuộc gặp này cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu thay đổi quan điểm đối với cuộc chiến Nga-Ukraine.
Lý hiện là đại diện đặc biệt của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu.
Lý Huy, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á-Âu, tại Moscow vào ngày 26/05. Chuyến đi của ông tới Kyiv cùng tháng đó đã phản ánh lập trường mới của Trung Quốc về cuộc chiến Ukraine. © Reuters
Điều quan trọng cần lưu ý là chuyến thăm của Lý diễn ra khi Ukraine đang trên đà phát động một cuộc phản công chống lại quân Nga xâm lược.
Ngay sau cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc tại Kyiv, Zelenskyy đã tới Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Chiếc chuyên cơ của ông, được chính phủ Pháp cho mượn, phải bay một quãng đường đáng kể qua Trung Quốc đại lục.
Cũng dễ hiểu khi kết luận rằng chính phủ Pháp đã nhận được sự cho phép trước từ Bắc Kinh. Đạt được sự chấp thuận từ Trung Quốc, nước có ảnh hưởng đến Nga, là điều quan trọng nếu Pháp muốn tránh việc máy bay của mình bị máy bay quân sự Nga cản đường và đảm bảo Zelenskyy có thể đến Nhật Bản an toàn.
Về phần Trung Quốc, họ muốn hợp tác để đảm bảo an toàn cho Zelenskyy vì Trung Quốc mới bắt đầu chuyển sang làm trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga.
Trong hội nghị thượng đỉnh G7, Zelenskyy đã chỉ trích Nga và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Ukraine.
Ông cũng tham quan Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Tràn đầy năng lượng, Zelenskyy đã gây ấn tượng mạnh mẽ.
Ngày 21/05, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chụp ảnh trước một đài tưởng niệm ở Hiroshima tưởng nhớ những người đã thiệt mạng trong vụ thả bom nguyên tử năm 1945. © Văn phòng Tổng thống Ukraine/ AP
Nhiều khả năng Nga đã thất vọng vì bối cảnh chính trị toàn cầu đang thay đổi, thậm chí còn lo ngại Trung Quốc để lại ấn tượng rằng họ đang hỗ trợ nhà lãnh đạo Ukraine dưới danh nghĩa trung gian hoà giải.
Tập đã đến thăm Nga vào cuối tháng 3 để gặp Tổng thống Vladimir Putin. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi ông đắc cử nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ để tiếp tục làm lãnh đạo tối cao của Trung Quốc tháng 10/2022. Cả hai nhà lãnh đạo có lẽ cũng muốn thể hiện tình bạn thân thiết của mình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới buổi hội đàm tại Moscow vào ngày 21/03. © Điện Kremlin/Reuters
Tuy nhiên, chưa đầy hai tháng sau, phái đoàn ngoại giao Trung Quốc lại tới Ukraine, rõ ràng là đi ngược lại mong muốn của Nga. Tại thời điểm này, Moscow chí ít cũng nghi ngờ rằng Trung Quốc, một đồng minh đáng tin cậy, đang thay đổi lập trường cơ bản về cuộc chiến.
Quan hệ Trung-Nga dần trở nên căng thẳng hơn những gì người ngoài có thể tưởng tượng, với việc Nga cuối cùng đã chấp nhận đánh một canh bạc lớn : Thả một quả bom thông tin xuống Bắc Kinh. Chủ đề của quả bom chính là Ngoại trưởng Tần Cương, người đã được đích thân Tập Cận Bình bổ nhiệm.
Rất dễ để nhận ra điều gì đã thúc đẩy người Nga. Trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Tần Cương hẳn là người chịu trách nhiệm cử phái đoàn Trung Quốc tới Ukraine.
Phía Nga xem Tần là người thân Mỹ vì ông từng giữ chức đại sứ tại Mỹ trong một thời gian ngắn trước khi được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Vì vậy, họ đã "chuyển thông tin nội bộ đến giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh, rằng Tần bị nghi ngờ là gián điệp cho Mỹ", một nguồn tin khác quen thuộc với quan hệ Trung-Nga cho biết. Nguồn tin này cũng nói thêm là tin tức có thể đã đi kèm một số "bằng chứng".
Tháng 5 và tháng 6 là khoảng thời gian khủng khiếp đối với nước Nga. Vào tháng 6, Wagner, tổ chức quân sự tư nhân do Yevgeny Prigozhin quá cố lãnh đạo, đã phát động một cuộc nổi dậy ngắn ngủi chống lại quân đội chính thống của Nga. Prigozhin, người đáng lẽ nên tiếp tục là một trong những trợ lý thân cận nhất của Putin, sau đó đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay hồi tháng 8.
Ngày 01/10, một người phụ nữ khóc thương bên cạnh khu tưởng niệm tạm thời dành cho Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner, dịp kỷ niệm 40 ngày ông qua đời theo truyền thống Chính thống giáo, ở Saint Petersburg, Nga. © Reuters
Cuộc binh biến ngày 23-24 tháng 6 đã diễn ra ngay trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc.
Rudenko gặp Tần vào ngày 25/06. Đây là lần xuất hiện công khai cuối cùng của Tần trên cương vị ngoại trưởng, và ông sẽ bị cách chức một tháng sau đó.
Nga đã đưa "bằng chứng" gì cho Trung Quốc ?
Rất có thể nó liên quan đến chuyện Tần ngoại tình với một nữ dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc.
Vụ việc, được truyền thông phương Tây tiết lộ với thế giới sau khi Tần bị sa thải, đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Theo thông tin, Tần đã có con với người này nhờ dịch vụ sinh hộ ở Mỹ
Nga đã tập trung vào vụ bê bối này, cũng như việc người nữ dẫn chương trình từng sống ở Anh và Mỹ.
Sau khi Tần biến mất, Trung Quốc đã nhanh chóng quay trở lại lập trường thân Moscow đối với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Trung Quốc cũng ngừng công khai bày tỏ ý định làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Có lẽ là để bày tỏ sự trân trọng trước việc Bắc Kinh thay đổi quan điểm, Putin đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 10, tham dự một hội nghị quốc tế kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường do Tập Cận Bình phát động.
Nhìn bề ngoài, dường như mối quan hệ Trung-Nga, bao gồm cả hợp tác quân sự, đang trở lại đúng hướng. Nhưng một quan sát cẩn trọng hơn về cuộc giằng co khốc liệt diễn ra trong sáu tháng qua cho thấy ‘tuần trăng mật thứ hai’ này không chỉ có hạnh phúc.
Trong lúc sự chú ý của thế giới đổ dồn vào cuộc chiến giữa Israel và Hamas, cuộc chiến của Nga với Ukraine đã không còn là tâm điểm như trước đây. Đối với Nga, đó là một diễn biến đáng hoan nghênh.
Đầu tháng này, sau khi nhận thấy rằng cuối cùng đã đến thời điểm thích hợp, Putin chính thức tuyên bố tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 năm sau.
Nhưng vẫn chưa rõ tại sao Trung Quốc lại chấp nhận các thông tin từ Nga, vốn có thể được coi là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chuyện các quan chức cấp cao Trung Quốc ngoại tình không phải là hiếm. Nhưng số trường hợp quan chức bị cách chức vì vi phạm như vậy không nhiều.
Tuy nhiên, trong trường hợp của Tần Cương, Bắc Kinh có thể đã làm theo lời khuyên của Nga và phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng vượt xa chuyện ngoại tình.
Do cũng liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ nên vụ bê bối cuối cùng đã bùng nổ trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Mỹ hơn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Với thông tin từ Nga, giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc không thể không nghĩ rằng người tình của Tần có thể đã chuyển thông tin tình báo liên quan đến các vấn đề chính trị trong nước cho Washington. Nếu điều này thực sự xảy ra, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng của Tập.
Tần từng giữ chức vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông luôn tháp tùng Tập tới các sự kiện ngoại giao trong và ngoài nước.
Ông được bổ nhiệm làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, và sau đó, ở độ tuổi 57, một độ tuổi có thể coi là trẻ bất thường, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao. Điều này giúp Tần được coi là trợ lý thân cận của Tập.
Tần được cho là cũng nắm thông tin về đời sống riêng tư của Tập, và các trợ lý thân cận nhất của Tập có lẽ đã cho rằng họ không thể giữ Tần ở chức ngoại trưởng trước thượng đỉnh Mỹ-Trung.
Vấn đề Tần Cương nghiêm trọng đến mức không thể được thảo luận công khai ngay cả trong đảng. Các nhà lãnh đạo đảng đang bị yêu cầu phải giữ bí mật nghiêm ngặt, và lời giải thích nội bộ dành cho các đảng viên cấp cao khác rất mơ hồ, thường lấy lý do "vấn đề liên quan đến lối sống", ngụ ý ngoại tình hoặc các lý do tương tự.
Lời giải thích này không phải là cốt lõi của vấn đề. Hồi tháng 10, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra, Tần cũng bị cách chức ủy viên Quốc vụ viện, chức vụ tương đương cấp phó thủ tướng mà ông từng đảm nhiệm. Trọng tâm bây giờ là liệu đảng sẽ trừng phạt ông một cách nghiêm khắc, hay có bắt đầu một vụ án hình sự chống lại ông hay không.
Loạt thông tin của Nga đã có sức mạnh tiêu diệt nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc và xoay chuyển tình thế chính trị toàn cầu theo hướng có lợi cho Nga. Nó cũng ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc đối với Mỹ, và cuối cùng phát triển thành một vấn đề chính trị trong nước nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, toàn bộ chi tiết của vở kịch phức tạp này sẽ không bao giờ thực sự được tiết lộ trọn vẹn cho thế giới.
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "Did Putin’s tip lead Xi to purge his foreign minister ?", Nikkei Asia, 14/12/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 19/12/2023
Năm 1969, Trung Quốc và Liên Xô dường như đang ở trên bờ vực chiến tranh.
Hai nước đã có một cuộc đụng độ chết người ở biên giới vào tháng 3 năm đó và một cuộc đụng độ khác vào tháng 8. Điện Kremlin nói bóng gió về một cuộc tấn công hạt nhân. Trong vài năm tiếp theo, họ khẩu chiến dữ dội với nhau. Mao Trạch Đông cảnh báo, "Ai ị lên đầu chúng tôi thì chúng tôi sẽ trả đũa !". Nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev gọi Mao là "Đồ phản bội". Một liên minh mà Moskva và Bắc Kinh trước đây coi là không thể phá vỡ đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Vì vậy, Mao đã tìm đến kẻ thù không đội trời chung của mình là Mỹ. Mao, một người từng gay gắt chỉ trích cái mà ông gọi là chủ nghĩa đế quốc Mỹ, đột nhiên gọi Tổng thống Richard Nixon là "người bạn tốt nhất trên thế giới", và năm 1972 Nixon đến Bắc Kinh. Đó là một trận động đất địa chính trị làm thay đổi tiến trình lịch sử.
Ngày nay, Vladimir Putin là người bạn tốt số một của Tập Cận Bình khi hai nước cùng chung mục đích chống Mỹ. Nhưng nhà lãnh đạo Nga – người mà quyền lực đã bị sứt mẻ sau cuộc binh biến chết yểu do nhóm bán quân sự Wagner tiến hành vào tháng 6 vừa rồi –nên ghi nhớ lý lịch của Trung Quốc. Năm 1982, Mikhail Kapitsa, một quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Liên Xô từng nói : "Người Trung Quốc không bao giờ kết bạn lâu dài với bất kỳ ai".
Phương châm địa chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt rễ trên nền tảng văn hoá chiến lược cổ xưa, tức là, vì lợi ích của Trung Quốc mà để cho các nước khác chống đối lẫn nhau. Trong thời kỳ các vương triều phong kiến Trung Quốc, những nước ấy thường bị coi là man di. Việc Mao Trạch Đông đột nhiên chuyển sang phía Mỹ cho thấy, khi tác dụng của đối tác chiến lược bị suy yếu, sự trung thành của Trung Quốc có thể nhanh chóng tan rã.
Năm 1975, Cảnh Tiêu (Geng Biao), một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc, đã giải thích với các nhà lãnh đạo đảng khác về nguyên nhân Trung Quốc chuyển hướng sang Mỹ. Theo biên bản cuộc họp trong Đảng, ông nói điều đó không phải là do [Trung Quốc] "có cảm tình gì tốt với Mỹ". (Chúng tôi) chỉ lợi dụng mâu thuẫn", đề cập đến xung đột giữa người Liên Xô với người Mỹ. Ông còn nói : "Chúng tôi có thể lợi dụng mâu thuẫn ấy".
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình tiếp tục thân thiện với Mỹ, nguyên nhân một phần là để "đối phó với con gấu bắc cực" – tức Liên Xô như ông gọi. Thomas J. Watson, Đại sứ Mỹ tại Liên Xô vào thời điểm đó, đã thấy rõ điều này. Năm 1980 ông cảnh báo Tổng thống Jimmy Carter rằng người Trung Quốc "nhảy từ giường người này sang người giường khác. Và tôi nghĩ chúng ta nên đảm bảo rằng họ phải được buộc vào giường của chúng ta trước khi chúng ta thực hiện những hành động mà sau này có thể ân hận".
Ngay cả Liên Xô cũng cảnh báo Mỹ về sự kém tin cậy của Bắc Kinh. Phương Tây "hiện nay có thể đang ở trong tâm trạng phấn khích về Trung Quốc", Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko nói, nhưng họ có thể sẽ hối tiếc về điều đó.
Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ việc quay sang Mỹ, tiếp nhận được công nghệ, đầu tư của phương Tây và thị trường rộng lớn của Mỹ, tất cả những điều đó là rất cần thiết để Trung Quốc cuối cùng tạo ra bước nhảy vọt tiến lên hiện đại và đem lại ảnh hưởng toàn cầu cho nước này.
Nhưng đến đầu thập niên 1980, Đặng lại một lần nữa bắt đầu thận trọng gây ra sự chống đối lẫn nhau giữa các nước man di.
Trong phần còn lại của thập niên ấy, mối quan hệ Trung Quốc-Liên Xô ngày càng thân thiết hơn, một phần do tâm lý bất mãn chung đối với sự thống trị toàn cầu của Mỹ và niềm tin rằng người Mỹ có ý định thúc đẩy việc lật đổ chế độ chính trị của họ.
Có lẽ là do nhận thấy hiệu quả thu được từ việc quan hệ sâu hơn với Mỹ đang giảm dần, Tập đã quay trở lại điểm xuất phát trong kỷ nguyên Putin, qua đó ủng hộ nhà lãnh đạo Nga và lên án Mỹ.
Phương Tây lo lắng là đúng. Quay ngược kim đồng hồ trở về những ngày của tình anh em Trung-Xô, Putin và Tập đã dứt khoát liên minh với nhau trong việc thách thức trật tự thế giới do phương Tây dẫn đầu. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa phục thù và xâm lược quân sự của Putin với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc là điều nguy hiểm.
Nhưng Putin đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đốt cháy cây cầu nối với phương Tây, đi đến cùng với Trung Quốc, bỏ qua lai lịch biến bạn bè thành công cụ của Bắc Kinh.
Tuy Trung Quốc có cung cấp hỗ trợ ngoại giao cho cuộc xâm lược Ukraine của Putin, nhưng về cơ bản Trung Quốc tránh vi phạm các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, và về cơ bản Bắc Kinh vẫn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Nga. Sự cô lập ngày càng nghiêm trọng của Nga đã cho phép Trung Quốc nhận được các sản phẩm năng lượng giá hạ của Nga. Hiện nay phần lớn thương mại giữa Trung Quốc và Nga được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, điều làm giảm rủi ro từ áp lực kinh tế phương Tây gây ra cho Nga, nhưng cũng thúc đẩy mục tiêu của Bắc Kinh trong việc làm suy yếu sự thống trị của đồng đô-la trong vai trò đồng tiền quốc tế. Đồng thời, cùng với việc chiến tranh kéo dài, Trung Quốc đưa ra những lời kêu gọi nửa vời thực hiện hòa bình ở Ukraine, qua đó gây dựng hình ảnh một nhân tố toàn cầu có trách nhiệm trước phần lớn thế giới.
Mặt khác, Putin đã biến đất nước mình thành một đối tác bậc dưới của Trung Quốc. Trông yếu ớt và thiếu cảm giác an toàn sau cuộc nổi dậy của Wagner hồi tháng trước, ông có nguy cơ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để được hỗ trợ về chính trị và kinh tế.
Chắc chắn Tập sẽ lưu ý điều đó. Như các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây, ông tôn trọng sức mạnh nhưng biết cách khai thác điểm yếu, và Nga sẽ vẫn hữu ích với ông khi ông tiếp tục thách thức Mỹ. Putin vẫn có thể đưa ra những lựa chọn chiến lược quan trọng cho đất nước mình, miễn là chúng phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Nhưng liệu Trung Quốc có đứng về phía ông nếu những lợi ích đó khác nhau ? Hoặc nếu giới tinh hoa Nga hết kiên nhẫn với những quyết định sai lầm của ông và cố hạ bệ ông ? Hoặc nếu phí tổn toàn cầu để ủng hộ ông tỏ ra quá nặng nề đối với Trung Quốc thì sao ?
Trung Quốc vẫn là một nhà nước Cộng sản ích kỷ tự tư tự lợi, mờ ám như thời Mao Trạch Đông, theo quan điểm chính trị toàn cầu cho rằng các liên minh chỉ có tính tạm thời. Không có "tình cảm tốt đẹp" như Cảnh Tiêu đã nói cách đây năm thập niên, chỉ có sự tính toán lạnh lùng.
Giờ đây, những nước phương Tây nào đang lo ngại về mặt trận thống nhất mới giữa Trung Quốc và Nga nên ghi nhớ điều đó.
Và Putin cũng vậy.
Sergey Radchenko là một nhà sử học chuyên nghiên cứu về Chiến tranh Lạnh.
Sergey Radchenko
Nguyên tác : "習近平還能支持普丁多久" (Tập Cận Bình có thể ủng hộ Putin bao lâu ?), New York Times 23/7/2023.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/07/2023
Putin chuẩn bị chiến tranh từ 20 năm, Tập Cận Bình mơ đến 2027 chiếm Đài Loan
Nghị sĩ Châu Âu Raphaël Glucksmann tố cáo trên L’Express, Vladimir Putin đã tiến hành chiến tranh đa diện chống lại phương Tây từ hai thập niên, dựa vào hai yếu tố chính : năng lượng và nước Đức. Tại Châu Á, Bắc Kinh từ 74 năm qua luôn thèm muốn Đài Loan. L’Obs cho rằng nếu Hoa Kỳ và các đồng minh không thành công trong việc răn đe Tập Cận Bình thực hiện "Trung Hoa mộng", Đài Loan có thể trở thành tâm chấn trong cuộc chiến giữa hai đại cường.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được thủ tướng Đức Gerhard Schröder thân mật đón tiếp tại Hanover năm 2004. Ảnh minh họa / Reuters - Sputnik Photo Agency
Trang bìa của L’Express tuần này được dành cho nghị sĩ Châu Âu Raphaël Glucksmann với dòng tựa "Putin đã chuẩn bị cho cuộc chiến này từ 20 năm qua". Trên L’Obs, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden đối mặt nhau, ở giữa là bản đồ Đài Loan, tuần báo chạy tít "Trung Quốc - Hoa Kỳ : Trận chiến Đài Loan". Hồ sơ của Courrier International nói về "Ấn Độ, bước đi của người khổng lồ", Le Point giới thiệu nhà tâm lý Caroline Goldman với những lời khuyên cho phụ huynh. Ở trang trong các tuần báo, cuộc xâm lăng Ukraine và Đài Loan trước sự đe dọa của Trung Quốc vẫn là hai đề tài nóng nhất.
Putin chuẩn bị chiến tranh từ 20 năm qua
Liên quan đến Nga, trong một tác phẩm vừa ra mắt, nghị sĩ Raphaël Glucksmann thuộc đảng Place Publique (PP) thuật lại cách thức Kremlin xâm nhập các nước dân chủ từ nhiều năm qua. Ông nhấn mạnh trên L’Express, cần hiểu rằng cuộc chiến tranh ở Ukraine không phải bắt đầu từ ngày 24/02/2022, cũng không phải từ 2014 khi Nga chiếm Crimea, nhưng rất lâu trước đó. Hơn nữa, ít nhất từ hai thập niên qua, Vladimir Putin đã tiến hành một cuộc chiến tranh đa diện chống lại phương Tây.
Tất cả các xung đột từ đầu thế kỷ 21 đều nằm trong một cuộc đối đầu lớn, không chỉ về quân sự như ở Georgia (2008), Syria (2015), Ukraine (2022) mà còn bằng nhiều cách khác. Chẳng hạn can thiệp vào bầu cử, thao túng dư luận thông qua "fake news" được phổ biến bằng đội quân dư luận viên của Yevgeny Prigozhin trên mạng xã hội, tấn công tin học vào bệnh viện trong thời kỳ đại dịch, tài trợ cho những phong trào chính trị thù địch với Châu Âu, chiến tranh năng lượng… chưa kể việc sách nhiễu, ám sát các nhà đối lập Nga ở châu lục.
Sai lầm của phương Tây là không chú ý đến những phát biểu thù địch của các nhà lãnh đạo Nga, trong khi Putin đã chuẩn bị cho cuộc chiến từ 20 năm qua. Kế hoạch của ông ta dựa vào hai yếu tố chính : năng lượng và nước Đức. Putin là đại tá KGB, đang làm việc tại Dresden ở Đông Đức khi Liên Xô sụp đổ tháng 11/1989. Sau khi lên làm tổng thống, Putin đã nắm ngay hệ thống năng lượng qua việc tống giam nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski và giải thể tập đoàn dầu lửa Yukos ; tập trung vào tay phe cánh FSB. Từ đầu những năm 2000, ông ta đã dùng năng lượng làm vũ khí, mà mục tiêu chính là Đức.
Đức, mục tiêu chính trong cuộc chiến năng lượng của Kremlin
Tại sao lại là nước Đức ? Đó là quốc gia mà Putin biết rõ nhất, đặc biệt lại có trong tay một con ách chủ bài là Matthias Warnig, cựu nhân viên mật vụ Stasi của Đông Đức. Warnig giao du rất rộng với giới kinh doanh, ra vào các bộ, ngành như đi chợ. Với sự giúp sức của thủ tướng Dân chủ Xã hội Gerhard Schröder, Putin và Warnig đã thay đổi hoàn toàn bản đồ năng lượng Châu Âu.
Schröder quyết định ngưng dùng nguyên tử lực, và khi bị ngành kỹ nghệ phản ứng, đã hứa thay bằng khí đốt Nga giá rẻ. Ông ta còn bác bỏ việc xây dựng các cảng khí mê-tan giúp Đức nhập khẩu khí hóa lỏng (GNL) từ các nước khác. Để đất nước mình bị lệ thuộc hẳn vào Moskva, năm 2005 Schröder ủng hộ việc xây đường ống Nord Stream đưa khí đốt từ Nga đến Đức, tránh đi qua Ba Lan và Ukraine, làm thiệt hại cho hai nước này. Chưa hết, sau khi Nga xâm lăng Ukraine, phó thủ tướng Robert Habeck (đảng Xanh) bàng hoàng phát hiện dự trữ khí đốt chiến lược của nước Đức hầu như trống rỗng.
Đó là vì cùng với việc lăng-xê Nord Stream 2 năm 2015, Angela Merkel còn giao phó việc quản lý dự trữ chiến lược của Đức cho tập đoàn Nga Gazprom ! Như một sự tình cờ, lượng khí này đã bị hút đi trong những tháng trước cuộc xâm lăng Ukraine : thay vì phải trữ 70% nhu cầu, chỉ còn 5%. Ý định cấm vận dầu khí Nga của Nghị Viện Châu Âu sau đó trở thành bất khả vì Đức không còn khí đốt. Trong sáu tháng đầu của cuộc chiến, phải tiếp tục mua dầu khí của Nga, khoảng 800 triệu euro một ngày, coi như tài trợ cho cuộc xâm lược của Kremlin.
Những cựu lãnh đạo phương Tây "lobby" cho Sa hoàng Putin
Cuộc chiến tranh không bom đạn của Vladimir Putin, ngoài sự tiếp tay của truyền thông chuyên đưa tin giả như RT, Sputnik, còn huy động được những "kẻ ngốc hữu dụng" cực hữu và cực tả, một số khuôn mặt tinh hoa chính trị và kinh tế.
Ba tháng sau khi thất cử trước bà Merkel, Schröder được Gazprom tuyển mộ, và đến nay ông ta là cựu lãnh đạo Châu Âu duy nhất không chịu từ bỏ chức vụ béo bở trong các tập đoàn Nga. Những nhân vật khác như cựu thủ tướng Pháp François Fillon, cựu thủ tướng Phần Lan Esko Aho, cựu ngoại trưởng Áo Karin Kneisll… hoặc bị áp lực mạnh, hoặc còn đôi chút liêm sỉ, đã từ chức sau khi Nga xâm lăng Ukraine.
Nghị sĩ Raphaël Glucksmann còn đặt nghi vấn về cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, phải chăng Moskva đã gặp hên khi đầu tư hú họa vào một số tên tuổi ? Không ít lần các đại gia có liên quan đến Nga ra tay giúp đỡ khi công việc làm ăn của ông Trump gặp khó khăn, và khi nghe tin ông đắc cử tổng thống, các đại biểu Quốc hội Nga đã vỗ tay mừng rỡ. Tác giả đặt câu hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump đang ở Nhà Trắng khi quân Nga kéo vào Kiev ?
Bầu cử tổng thống Mỹ, chiếc phao cứu sinh ?
L’Obs nói về "Thách thức Mỹ của Putin". Cách đây vài tháng, với những ai dự báo chiến tranh Ukraine sẽ kéo dài, họ nghĩ về mùa hè 2023 sau những cuộc tấn công mùa xuân của cả hai bên. Nay người ta phải tính bằng năm, với một thời điểm quan trọng đối với Vladimir Putin : cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2024.
Nếu sáng suốt, tổng thống Nga phải hiểu rằng quân của ông ta không thể đánh bại được quân đội Ukraine đang được vũ trang tốt hơn và chiến đấu khôn ngoan hơn. Đặc biệt tại Bakhmut, quân Nga cùng với những tân binh được bổ sung cho Wagner làm bia đỡ đạn, mất đến 1.000 lính một ngày, cao hơn số thiệt hại của Ukraine rất nhiều. Trông cậy vào sự giúp đỡ của Trung Quốc chăng ? Mỹ đã cảnh cáo Bắc Kinh không nên cung cấp vũ khí sát thương cho Moskva.
Putin chỉ còn hy vọng sự ủng hộ của phương Tây giảm bớt. Sự kiện cựu tổng thống Donald Trump phải ra tòa, và vẫn còn không ít người ủng hộ ông, có thể là điểm yếu trong hồ sơ chiến tranh Ukraine. Kremlin vẫn còn những phương tiện mờ ám để tác động lên những tranh luận chính trị ở Hoa Kỳ. Những người Cộng hòa vốn đang chia rẽ, liệu có thể tránh được chiếc bẫy này hay không ?
Ukraine gia nhập EU : Ngoài kinh tế, quân sự còn là đạo lý
Le Point cho rằng "Nên chuẩn bị cho việc Ukraine gia nhập Liên Hiệp Châu Âu". Theo tác giả Luc de Barochez, Ukraine là quốc gia Châu Âu duy nhất mà người dân phải đổ máu, với lòng can đảm vô song, để bảo vệ ý hướng tham gia vào Liên hiệp và có được mô hình xã hội kiểu phương Tây. Chỉ riêng lý do này thôi, kết nạp Ukraine gia nhập là một hành động đạo lý.
Tháng Sáu này sẽ tròn một năm Liên Hiệp Châu Âu (EU) chấp nhận tư cách ứng cử viên của Kiev, hiện có đến 92% người dân Ukraine muốn được gia nhập, tăng 25 điểm so với trước chiến tranh. Tổng thống Volodymyr Zelensky biết rằng nếu đàm phán, sẽ phải có những nhượng bộ với Nga, và việc được vào EU chứng tỏ với nhân dân và quân đội rằng họ không chiến đấu vô ích.
Đối với EU, việc mở rộng là một bước nhảy vào vô định. Ukraine sẽ trở thành quốc gia thành viên có diện tích lớn nhất, dân số đứng thứ năm, nông nghiệp thuộc loại hàng đầu, nhưng cũng nghèo nhất, chưa kể nạn tham nhũng từ thời trước, và gánh nặng tái thiết. Vả lại nếu đón nhận Ukraine, khó thể từ chối những nước như Bắc Macedonia đã chờ đợi gần 20 năm !
Nhưng như nhà chính trị học Ivan Krastev đã nói, "hội nhập một nước đang chiến tranh cỡ như Ukraine hầu như bất khả, tuy nhiên điều bất khả duy nhất là không cho gia nhập". Hãy hình dung một Ukraine kinh tế suy sụp vì cuộc chiến và người dân thất vọng khi EU từ chối, hậu quả sẽ rất lớn. Trên thực tế, có thêm Ukraine, Châu Âu tự túc được thực phẩm, ít lệ thuộc lao động nhập cư, và nhất là có được một quân đội thiện chiến. Courrier International kể thêm : Ukraine có hệ thống đường sắt có chiều dài gần 20.000 kilomet, đứng thứ ba Châu Âu ; 25 phi trường quốc tế ; đất đen phì nhiêu chiếm 1/3 diện tích thế giới…
Trung Quốc dòm ngó Đài Loan từ hơn 70 năm
Nếu cuộc xâm lăng Ukraine đã được Putin chuẩn bị từ lâu, thì Đài Loan là đảo quốc mà Bắc Kinh luôn thèm muốn từ 74 năm qua. L’Obs nhận thấy, lo ngại chiến tranh sắp nổ ra tại điểm nóng nhất Châu Á, Washington và Đài Bắc tìm mọi cách để ngăn cản Tập Cận Bình đổ quân sang. Không một tuần lễ nào mà không có những tuyên bố của một chỉ huy hải quân Mỹ về Đài Loan, còn tổng thống Joe Biden đã bốn lần nhắc nhở, Hoa Kỳ sẽ can thiệp nếu hòn đảo bị xâm lăng. Người Mỹ đã từng cảnh báo việc Nga tấn công Ukraine vào đầu năm 2022 nhưng không thành công, phải chăng lịch sử sắp lặp lại ?
Dân biểu Vương Định Vũ (Wang Ting Yu), chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đài Loan tin là mọi người ở Washington đều ý thức rằng không thể để cho Đài Loan trở thành Ukraine thứ hai. Tháng 10/2022, chính Tập Cận Bình đã đề ra mục tiêu đánh chiếm Đài Loan vào năm 2027, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Giải phóng quân, để trở thành siêu cường duy nhất trong khu vực. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… và có thể NATO không thành công trong việc răn đe "người cầm lái vĩ đại" mới thực hiện "Trung Hoa mộng" của ông ta, Đài Loan có nguy cơ trở thành tâm chấn trong một cuộc chiến giữa hai đại cường nguyên tử.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu Yun), Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia (INDSR) xác nhận, đồ thị phát triển của Trung Quốc từ khi được vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1999 rất giống Đức quốc xã thập niên 30 : GDP càng tăng thì chi tiêu quân sự càng bùng nổ. Đài Bắc nay phải tăng mạnh ngân sách quốc phòng, kéo dài thời gian quân dịch và thay đổi chiến lược.
Chuyên gia này giải thích, đóng một chiến hạm phải mất hai năm, nhưng một hỏa tiễn chống hạm hay phòng không chỉ mất hai ngày rưỡi, và chỉ cần 6 hỏa tiễn là đủ đánh đắm một chiến hạm đắt giá. Thế nên Đài Loan bắt đầu sản xuất hỏa tiễn và drone. Đó là "chiến tranh bất đối xứng" của người yếu thế trước kẻ mạnh hơn. Bên cạnh đó là việc đào tạo các nhóm nhân dân tự vệ : những người tình nguyện học cách băng bó, xoa bóp tim, dập lửa do đạn pháo gây ra…
Mối nguy tiềm tàng từ bên trong
Đài Loan không phải là quốc gia duy nhất từ nhiều thập niên qua phải sống dưới sự đe dọa của một láng giềng hung hăng. Hàn Quốc mà thủ đô chỉ cách người anh em thù địch không đầy 100 kilomet, hay Tây Đức trước kia cũng vậy. Nhưng vấn đề là Quốc dân đảng (KMT) vẫn đóng một vai trò phức tạp từ 50 năm qua. Trong thời kỳ khủng bố trắng, đảng của Tưởng Giới Thạch đã sát hại trên 20.000 người dân. Tội ác này vẫn không bị trừng trị, thậm chí ứng cử viên Mã Anh Cửu của Quốc dân đảng còn được bầu làm tổng thống (2008-2016). Ông ta tiếp tục tuyên truyền về "bản sắc Trung Hoa" tuy người đại lục chỉ chiếm 10%.
Những YouTuber thân Bắc Kinh từ sáng đến tối gieo rắc ý tưởng Đài Loan và Trung Quốc là anh em, không nên chọc giận Bắc Kinh… Các hoạt động thao túng này có nguy cơ làm ưu thế nghiêng về Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 1/2024. Dân biểu La Trí Chánh (Lo Chih Cheng), giáo sư về quan hệ quốc tế lưu ý về chiến lược "bất chiến tự nhiên thành" của Trung Quốc. Điều đáng lo là trước khi Đài Loan được dân chủ hóa, quân đội là cánh tay nối dài của Quốc dân đảng, lãnh đạo thông qua các chính ủy như ở Hoa lục. Trong số các sĩ quan cao cấp nhất, vẫn còn những người "đại lục" thế hệ thứ hai.
Tuy những người cao tuổi nhất sắp về hưu, nhưng những xì-căng-đan gián điệp thường xuyên xảy ra trong quân đội. Có những tướng lãnh hưu trí, được Trung Quốc đối đãi như ông hoàng, bị cáo buộc cung cấp thông tin cho "người anh em". Thế nên Washington ngần ngại không chuyển giao một số vũ khí tân tiến hay một số thông tin tình báo cho Đài Bắc. Hiện nay đảng Dân Tiến được cho là sẽ thắng cử, nhưng nếu ứng cử viên phía thân Trung Quốc trở thành tổng thống thì không biết tình hình sẽ ra sao.
Tàn sát cư dân để chiếm được Đài Loan và "lưu xú vạn niên" ?
Trả lời phỏng vấn của L’Obs, nhà chính trị học Quách Dục Nhân (Kuo Yujen) nêu ra những điểm mạnh và điểm yếu của Đài Loan. Trước hết về địa lý, có đến 70% diện tích của đảo quốc là núi non, trái ngược với những đồng bằng rộng lớn của Ukraine ; và tách biệt với Hoa lục bằng một eo biển rộng tới 180 kilomet. Tất cả các quân nhân đều biết rằng khả năng đổ bộ là khó thực hiện nhất. Phía đông là những bãi đá lởm chởm, phía tây nước cạn. Phía bắc tiếp giáp với Biển Hoa Đông, nơi lực lượng viễn chinh Mỹ kiểm soát từ căn cứ Okinawa, còn phía nam nhìn ra Biển Đông, nơi nhiều nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc.
Tất cả những vùng biển bao quanh Đài Loan đều là những con đường hàng hải quan trọng. Ngay cả khi muốn dọa dẫm trong dịp bà Nancy Pelosi đến Đài Bắc mùa hè năm ngoái, lưu thông tại đây vẫn bình thường vì thường là những tàu hàng khổng lồ có khi đến 100.000 tấn, muốn chận lại phải mất cả ngày. Trên không, 90% phi cơ từ Mỹ bay ngang không phận Đài Loan. Ngay cả chỉ phong tỏa nhẹ, làm thế nào có thể buộc hàng ngàn tàu thủy, máy bay của cả thế giới phải vâng lời ?
Còn nếu Bắc Kinh chọn cách oanh tạc vào đô thị để gây hoảng loạn và buộc chính phủ đầu hàng, sẽ là một trận chiến phi nhân, tệ hơn cả Ukraine. Trong bốn ngày đầu của cuộc xâm lăng, Moskva đã bắn đi 394 hỏa tiễn, sát hại 4.000 người Ukraine. Với cùng số lượng tên lửa, số người chết sẽ khủng khiếp vì Đài Loan đứng thứ ba về mật độ dân số trên thế giới, tập trung ở vùng duyên hải. Tất nhiên Tập Cận Bình không quan tâm đến việc bị thế giới lên án, nhưng rất đáng lo khi "lưu danh thiên cổ" theo cách này.
Thụy My
"Tình hình quốc tế hiện đã bước sang một bước ngoặt mới. Ngày nay, trên thế giới có hai luồng gió, gió đông và gió tây… Tôi tin rằng, gió đông đang thổi bạt gió tây."
Những cuộc thảo luận về một kế hoạch hòa bình cho Ukraine sẽ làm che khuất mối quan hệ đang được thắt chặt giữa Trung Quốc và Nga. Tranh hí họa
Những bình luận như vậy giống như một lời tiên đoán về phát biểu mà Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Moscow tuần này. Nhưng thực ra, chúng được lấy từ bài phát biểu của một nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, Mao Trạch Đông – khi ông đến thăm Moscow năm 1957.
Qua những câu nói gợi nhớ đến Mao, Tập thường tuyên bố rằng, "Phương đông đang trỗi dậy, còn phương tây đang suy tàn." Giống như Mao và Putin, Tập tin rằng Nga và Trung Quốc có chung lợi ích trong việc đẩy nhanh sự suy yếu của các cường quốc phương Tây. Hai tuần trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang theo đuổi chính sách "ngăn chặn, bao vây, và đàn áp" nhắm vào Trung Quốc.
Một lần nữa, hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc lại gặp nhau giữa bối cảnh lo ngại chiến tranh hạt nhân. Tại Moscow năm 1957, Mao đã kêu gọi mọi người cân nhắc đến "lợi ích" của xung đột hạt nhân: "Nếu điều tồi tệ nhất xảy đến và một nửa nhân loại chết đi, thì nửa còn lại sẽ được sống, trong khi chủ nghĩa đế quốc bị tiêu diệt và cả thế giới trở thành xã hội chủ nghĩa." Ngay cả đối với những vị chủ nhà Liên Xô của ông, đây cũng là một điều quá sức tưởng tượng.
Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xuất hiện tại Moscow với tư cách là một người yêu chuộng hòa bình. Ông sẽ đến trong ánh hào quang của một thành tựu ngoại giao thực sự: việc Iran và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ do Trung Quốc làm trung gian hòa giải. Gần đây, Trung Quốc cũng đã đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm để giải quyết cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều khả năng, khi ở Moscow, Tập sẽ đề xuất một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Sau hội nghị thượng đỉnh với Vladimir Putin, nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ gọi điện cho Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine.
Zelensky chắc chắn sẽ nhận cuộc gọi đó. Tập nắm giữ đòn bẩy lớn đối với Putin nếu ông muốn sử dụng chúng.
Tuy nhiên, Zelensky và liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine cũng sẽ hoài nghi về các đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Thực tế thì rất khó để Tập Cận Bình sẵn lòng hoặc đủ khả năng làm trung gian chấm dứt chiến tranh Ukraine.
Không giống như trường hợp Saudi Arabia và Iran, tại Ukraine, Trung Quốc không làm trung gian giữa hai bên đã sẵn sàng đi đến một thỏa thuận. Bắc Kinh cũng không phải là bên trung lập trong cuộc xung đột này. Dù Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, họ đã liên tục sử dụng những thuật ngữ của người Nga để mô tả cuộc xung đột. Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương mới đây còn ca ngợi mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc là một "động lực" trong các vấn đề quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể sẽ bác bỏ bản cáo trạng của Tòa án Hình sự Quốc tế chống lại Putin.
"Kế hoạch hòa bình" hiện tại của Trung Quốc không đề cập đến việc Nga rút quân khỏi những vùng đất mà họ chiếm từ Ukraine. Nếu Tập đề xuất một lệnh ngừng bắn, người Nga có thể giả vờ nhiệt tình – bởi họ biết rằng Ukraine sẽ từ chối ý tưởng này, vì lãnh thổ của họ vẫn bị chiếm đóng. Ngay cả khi lệnh ngừng bắn được tuyên bố, Nga luôn có thể vi phạm – như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, đối với Tập Cận Bình, sẽ hữu ích nếu thể hiện Trung Quốc như một nhà kiến tạo hòa bình thực dụng, quan tâm đến trên hết là thương mại và thịnh vượng chung. Ngược lại, Mỹ được Trung Quốc miêu tả như một kẻ hiếu chiến về ý thức hệ, phân chia thế giới thành bạn và thù – đồng thời cố gắng duy trì quyền bá chủ của chính mình. Quan điểm đó sẽ giúp Trung Quốc ghi điểm trong trận chiến tại "các nước phương Nam" – và điều đó khiến người Mỹ lo lắng.
Nhưng đằng sau cuộc nói chuyện về hòa bình, bản chất của thượng đỉnh Tập-Putin sẽ đi theo hướng ngược lại, vì nó sẽ liên quan đến việc Trung Quốc gia tăng hỗ trợ cho Nga, trong lúc nước này tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược. Alexander Gabuev, một trong những nhà quan sát Trung Quốc hàng đầu tại Nga, hiện đang sống lưu vong, nhận xét rằng : "Đừng nhầm lẫn: chuyến đi sẽ nhằm thắt chặt quan hệ với Nga để mang về lợi ích cho Bắc Kinh, chứ không phải vì bất kỳ hoạt động trung gian hòa giải thực sự nào."
Câu hỏi lớn sẽ là: Tập xem những mối quan hệ nào là có lợi cho Trung Quốc? Về mặt kinh tế, câu trả lời rất dễ dàng. Khi phương Tây ngừng sử dụng năng lượng của Nga, Trung Quốc có thể mua dầu và khí đốt với mức giá thấp hơn. Putin và Tập nhiều khả năng đồng ý đẩy nhanh tiến độ xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khác giữa hai nước. Cung cấp cho Nga những hàng hóa mà nước này không còn có thể mua được từ phương Tây, đặc biệt là chất bán dẫn, cũng là món hời cho Bắc Kinh – dù một số công ty Trung Quốc sẽ cảnh giác để tránh vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc có lẽ cũng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các lựa chọn thay thế cho đồng đô la trong vai trò tiền tệ toàn cầu.
Câu hỏi thực sự nhạy cảm sẽ là yêu cầu của Putin đối với vũ khí Trung Quốc, đặc biệt là đạn pháo và tên lửa, để bù đắp cho sự thiếu hụt đang làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga. Tháng trước, người Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc đang xem xét thực hiện động thái này. Nhưng những gì mà Putin và Tập đồng ý vẫn sẽ là một bí mật được bảo vệ chặt chẽ.
Tương tự, bất kỳ căng thẳng nào giữa Nga và Trung Quốc cũng sẽ bị giấu kín. Một số chiến lược gia người Mỹ hy vọng rằng một ngày nào đó họ có thể tạo ra một cuộc chia rẽ thứ hai giữa Moscow và Bắc Kinh, giống như cuộc chia rẽ đã dẫn đến việc nối lại quan hệ Mỹ-Trung vào thập niên 1970. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó là một viễn cảnh còn xa vời hơn cả một sáng kiến hòa bình thành công của Trung Quốc dành cho Ukraine.
Hình ảnh Tập và Putin ngồi cùng nhau ở Moscow sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng. Nga và Trung Quốc vẫn là đối tác thân thiết – được liên kết bởi sự đối đầu chung của họ với Mỹ và các đồng minh của nước này.
Gideon Rachman
Nguyên tác : "The real meaning of Xi’s visit to Putin," Financial Times, 20/03/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/03/2023
Tập Cận Bình và "điệu vũ của các bạo chúa"
Theo Le Figaro, thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Cùng căm ghét phương Tây, Tập Cận Bình và Vladimir Putin siết chặt quan hệ để bước vào một "kỷ nguyên mới", có sự tham gia của của các bạo chúa Iran, Bắc Triều Tiên, và cả Syria. Phải chăng đây là một trật tự quốc tế mới do Bắc Kinh lãnh đạo ? Kêu gọi hòa bình ở Ukraine, nhưng ông Tập dù đã gặp Putin khoảng 40 lần, vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Zelensky.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nâng ly trong dạ tiệc ở điện Kremlin, Moskva, Nga, tối 21/03/2023. AP - Pavel Byrkin
Vào vai trung gian hòa giải, Bắc Kinh muốn gì ?
Le Figaro nhận thấy vào đầu cuộc xâm lăng, Pháp đã cố gắng kéo Ukraine và Nga vào bàn đàm phán, sau đó Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất nỗ lực. Nhưng giờ đây Trung Quốc mới vào vai một cường quốc hòa giải, sau khi thành công trong việc giúp Iran (theo Hồi giáo Shia) và Saudi Arabia(theo hệ phái Sunni) bắt tay với nhau.
Bắc Kinh muốn tránh nguy cơ chính quyền Nga sụp đổ, cạnh tranh với phương Tây về ngoại giao, đồng thời trình ra trước các nước phương Nam bộ mặt một nhà trung gian khả tín, một thế lực giúp ổn định trong trật tự thế giới mới. Tuy nhiên "kế hoạch hòa bình" của Tập Cận Bình rất mơ hồ, nhấn mạnh đến toàn vẹn lãnh thổ, nhưng để cho hai bên tự xoay sở. Đóng băng những chiến tuyến hiện nay tất nhiên chỉ có lợi cho Nga mà thôi, và Putin cũng coi đây là "cơ sở cho việc giải quyết xung đột một cách hòa bình".
Tại Paris, người ta lo ngại diễn tiến sẽ không có lợi cho Ukraine lẫn phương Tây. Một số người nghi ngờ ông Tập muốn vận động các nước Châu Phi và Ả Rập ủng hộ tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh và Moskva, vốn thường xuyên phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, tập hợp được đa số nước đứng về phe mình ?
Điệu luân vũ của các nhà độc tài
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Phe chống dân chủ mà đứng đầu là Trung Quốc và Nga được tăng cường, hai quốc gia độc tài này đã thế chỗ phương Tây tại Châu Phi và Trung Đông. Trong khi một số người trông chờ Bắc Kinh làm áp lực để Putin rút khỏi Ukraine, liên hệ giữa hai chế độ càng chặt chẽ hơn. Tập và Putin đều căm ghét thế giới dân chủ, muốn chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Cả hai còn khẳng định mối quan hệ "đặc biệt" của họ đã bước vào một "kỷ nguyên mới".
Iran tham gia qua việc cung cấp drone tác chiến và nhà máy sản xuất loại vũ khí này cho Nga. "Điệu vũ của các bạo chúa", theo cách nói của một nhà ngoại giao, có thêm Bắc Triều Tiên và sự tái xuất của Bachar Al Assad. Cuộc chiến tranh ở Ukraine càng kéo dài thì càng được toàn cầu hóa, với sự can dự của các cường quốc bậc trung muốn thoát khỏi người bảo trợ phương Tây. Thái tử MBS của Saudi Arabia không chỉ xích lại gần Tehran mà cả tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc - đã đến thăm Riyadh.
Le Monde chú ý đến việc Tập Cận Bình hôm thứ Hai 20/03 chính thức mời các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tadjikistan tham dự "thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á" đầu tiên tại Bắc Kinh vào tháng 5, tức ngang nhiên đặt chân vào sân sau của Nga. Trên Le Figaro, giáo sư Alain Bauer cho rằng không nên lẫn lộn hòa bình với hưu chiến, thời kỳ thế giới an bình không còn nữa.
Phương Tây dân chủ nay ở thế thủ, vẫn đoàn kết và ủng hộ Ukraine trên mọi phương diện. Ngoại trưởng Hoa Kỳ cảnh báo thế giới không nên bị đánh lừa bởi thủ đoạn đóng băng cuộc chiến của Nga, được Trung Quốc ủng hộ, theo điều kiện của họ. Phương Tây nhắc lại, các điều kiện hòa bình chỉ có thể được quyết định tại Kiev, bởi người Ukraine. Và cho tới khi báo lên khuôn, Tập Cận Bình vẫn chưa hề gọi điện cho tổng thống Volodymyr Zelensky.
Ukraine : "Hãy cho chúng tôi những đôi cánh"
Về viện trợ quân sự cho Ukraine, từ đầu cuộc chiến nước Pháp thường xuyên bị các đồng minh Châu Âu chỉ trích vì thái độ không rõ ràng với Nga. Nhưng trên thực tế, Le Figaro nhận thấy đã nhiều lần Paris đi tiên phong, như việc chi viện đại pháo Caesar rồi sau đó là xe bọc thép AMX. Chính việc Pháp mạnh dạn viện trợ xe bọc thép, đã mở đường cho các nước chuyển giao xe tăng hạng nặng đặc biệt là Leopard của Đức.
Nay thì Pháp đang huấn luyện các quân nhân Ukraine điều khiển chiến đấu cơ Mirage 2000 do tập đoàn Dassault Aviation chế tạo. Từ một tháng rưỡi qua, khoảng ba chục người được đào tạo cấp tốc tại các căn cứ không quân ở Mont-de-Marsan và Nancy. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, đó là các "nhân viên quân sự hàng không", việc tập huấn phi công chưa bắt đầu. Hoa Kỳ cũng huấn luyện về F-16 nhưng vẫn chưa viện trợ loại phi cơ này, còn Pháp không loại trừ việc giao hơn một chục chiếc Mirage cho Kiev.
Sáng kiến của Paris càng hữu ích hơn cho Ukraine - đã mất khoảng 60 chiến đấu cơ - vì nhiều nước nhất là ở Châu Á đã trang bị Mirage 2000. Nhờ Pháp đi bước trước, Ba Lan và Slovakia bèn quyết định chi viện 21 oanh tạc cơ MiG cho Kiev. Đây chưa phải là bước ngoặt chiến lược : Mirage 2000 không còn được sản xuất tại Pháp và thiếu đạn đi kèm, còn số lượng MiG chưa đủ để Ukraine tổ chức phản công. Nhưng số chiến đấu cơ này có thể giúp tránh tuyến lửa Bakhmut bị vỡ, và hỗ trợ tấn công. Từ nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn đòi "những đôi cánh để bảo vệ tự do của chúng tôi", nhưng các nước còn ngần ngại. Giờ đây ngay cả Hà Lan cũng cân nhắc việc giao F-16 cho Kiev.
Trên chiến trường, phóng sự của đặc phái viên Le Figaro mô tả "một Bakhmut khác" mà quân Nga ra sức bao vây, đó là Avdiivka. Những cuộc pháo kích ồ ạt của Nga nhằm tìm cách xuyên thủng phòng tuyến của Ukraine trên chiến tuyến Donbass kéo dài khoảng 260 kilomet. Tại đây những "Thiên thần trắng", một đơn vị đặc biệt của cảnh sát Ukraine chuyên đưa những người dân còn kẹt lại vùng hỏa tuyến ra khỏi nơi nguy hiểm. Le Monde kể lại câu chuyện của anh hùng Ukraine "Da Vinci", hy sinh tại chảo lửa Bakhmut ở tuổi 27, và người tình Alina Mykhailova, nhà chính trị học hiện chỉ huy đơn vị quân y trong cùng tiểu đoàn.
Nga và Trung Quốc, quân đội nào mạnh hơn ?
Cũng trên lãnh vực quân sự, Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu quân đội Trung Quốc đã vượt qua quân đội Nga hay chưa ?". "Kỷ nguyên mới" trong quan hệ Nga-Trung khởi đầu một cách mất thăng bằng cả về quân sự lẫn công nghệ, thế mạnh xưa nay của Kremlin giảm dần theo với đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh vào kỹ nghệ quốc phòng. Nhà nghiên cứu Marc Julienne của IFRI cho biết : "Chủ yếu là hải quân và không quân Trung Quốc gia tăng về số lượng". Đô đốc Vandier, tham mưu trưởng hải quân Pháp ước tính cứ mỗi bốn năm Trung Quốc lại có thêm lượng tàu chiến ngang ngửa Pháp và đến 2030 sẽ cao gấp 2,5 lần.
Nga là đối tác lớn truyền thống, nhưng Moskva nhận ra Bắc Kinh mua vũ khí Nga để nghiên cứu rồi cóp theo, chẳng hạn tiêm kích J-11 của Trung Quốc là ăn cắp kiểu SU-27. Sau vụ chiếm Crimea, bị cô lập, Putin đành giảm nhẹ các quy định chuyển giao vũ khí cho Trung Quốc, bán cả hệ thống phòng không S-400. Nhưng cũng theo ông Marc Julienne, Bắc Kinh ngày càng ít mua vũ khí Nga hơn vì đã sản xuất được. Nhà nghiên cứu Léo Péria-Peigné của IFRI lưu ý, động cơ máy bay vẫn là của Nga, nhưng tiêm kích J-20 mới nhất trang bị động cơ nội địa.
Quân đội Nga với 700.000 binh sĩ và ngân sách 61 tỉ đô la không thể so sánh với 2 triệu lính Trung Quốc và 225 tỉ đô la hàng năm. Nhưng để nâng cấp, Bắc Kinh rất cần sự huấn luyện của Nga, chẳng hạn hải quân Trung Quốc hoàn toàn không có kinh nghiệm, phải học hỏi mọi thứ từ đồng nhiệm Nga. Chuyên gia Léo Péria-Peigné nhấn mạnh, vũ khí tốt nhưng chưa chắc người sử dụng đã giỏi. Trung Quốc chưa tham dự một cuộc chiến tranh nào kể từ năm 1979 - Le Figaro ghi chú thêm, "bị bại trận trước Việt Nam".
Một nguồn tin quân sự ghi nhận Bắc Kinh "đổ ra rất nhiều tiền cho những thiết bị quân sự mà chất lượng chưa được thử thách, cho những binh sĩ chưa bao giờ xung trận". Marc Julienne nghi ngờ về tinh thần chiến đấu của quân Trung Quốc trong những cuộc chiến tranh cường độ cao, Léo Péria-Peigné cho rằng bị bất ngờ trước những khó khăn quân Nga gặp phải ở Ukraine, Bắc Kinh thấy không thể chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Như vậy cuộc xâm lăng Ukraine lại giúp Đài Loan sống sót, cho đến khi nào sức mạnh đang tăng dần của Trung Quốc có thể đè bẹp.
Trên 50 đại công ty Mỹ đổ xô vào Việt Nam
Ở vùng Đông Nam Á, Les Echos tìm cách lý giải "Tại sao Hoa Kỳ tiến công thương mại ồ ạt vào Việt Nam". Ít nhất 52 công ty Mỹ trong đó có những tên tuổi toàn cầu như Boeing, Coca Cola, Meta, Space X, Pfizer, Netflix… hôm nay kết thúc chuyến thăm ba ngày trên đất Việt. Hàng năm vẫn có một phái đoàn thương mại Mỹ đến Việt Nam trong khuôn khổ US-ASEAN Business Council, nhưng năm nay đặc biệt chưa bao giờ các đại diện kỹ nghệ và thương mại Mỹ lại đổ xô đến cùng lúc như vậy, cả một kỷ lục !
Đó là vì căng thẳng đang tăng lên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Châu Á, còn quan hệ thương mại Mỹ-Việt hết sức tốt đẹp. Tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao nhất kể từ 2011 (8% trong năm 2022). Thương mại song phương tăng 11% trong năm ngoái, đạt con số chưa từng thấy là 123 tỉ đô la, biến Hoa Kỳ thành đối tác thương mại thứ nhì của Hà Nội sau Trung Quốc. Cho dù tăng trưởng của Việt Nam năm nay chậm lại (4-6%), trao đổi vẫn đạt trên 100 tỉ đô la trong ba năm liên tiếp.
Thế nên lần này những tập đoàn nổi tiếng nhất mới đến tận nơi, vừa để nắm tình hình một đất nước vừa có chủ tịch mới, vừa xúc tiến các hoạt động. Tất nhiên Hà Nội rất hoan nghênh, hy vọng thu hút thêm nhiều đầu tư từ Mỹ. Trong một cuộc họp, bộ trưởng Kế hoạch Nguyễn Chí Dũng còn bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ sẽ trở thành nhà đầu tư lớn nhất. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng sẽ tạo điều kiện tối đa cho các công ty Mỹ, và giới thiệu những lãnh vực ưu tiên như giao thông, hàng không.
Châu Âu kết thúc thời kỳ thả lỏng thị trường
Cũng về kinh tế, Les Echos nhận thấy rốt cuộc Châu Âu đã có những chuyển biến trong chính sách kỹ nghệ. Trước đây vẫn chủ trương tự do, nay các nhà nước ngày càng ra tay can thiệp. Cả một cuộc cách mạng ở Bruxelles ! Các nhà lãnh đạo 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong cuộc họp thượng đỉnh hôm nay bàn bạc về tính cạnh tranh, nhưng không giống thường lệ. Những tuần lễ vừa qua Bruxelles loan báo một loạt biện pháp bảo hộ nhằm củng cố vị trí Châu Âu trong cuộc chiến toàn cầu về kỹ nghệ "xanh", hiện do Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đầu.
EU vốn được thành lập trên nguyên tắc một thị trường chung về hàng công nghiệp, nguyên vật liệu và dịch vụ, tự do luân chuyển hàng hóa và tư bản giữa các nước thành viên. Nhắm vào một kỹ nghệ cụ thể để trợ giá như đã thực hiện trong năm ngoái đối với chất bán dẫn và sắp tới là sinh thái, là điều khó hình dung cách đây vài năm. Châu Âu rõ ràng đã bước vào một kỷ nguyên mới.
Nhà nước đã cung cấp vac-xin trong đại dịch Covid. Cũng chính là Nhà nước tiếp sức cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì khủng hoảng năng lượng, hậu quả của cuộc xâm lăng Ukraine. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế, từ nay sẽ có "chính sách cạnh tranh lâu dài" và những đạo luật chống cạnh tranh bất chính. Điều trái khoáy là giờ đây EU và Hoa Kỳ cũng hành động như kế hoạch "Made in China 2025" của đối thủ Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh định ra 10 lãnh vực ưu tiên (tự động hóa, không gian, xe điện...). Frans Timmermans, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhìn nhận sai lầm của EU : không có chính sách kỹ nghệ, ngỡ rằng thị trường sẽ tự thân vận động.
Macron trước phong trào chống cải cách hưu trí : Tựa chính báo Pháp
Hôm nay là ngày hành động lần thứ 9 chống lại cải cách hưu trí, hình ảnh tổng thống Pháp chiếm trang nhất các báo. Libération đăng chân dung ông Emmanuel Macron với dòng tít "Người tạo mồi lửa lớn" - tờ báo chơi chữ bằng cách dùng từ "tisonnier" gần giống với "Timonier" (Người cầm lái vĩ đại, chỉ Mao Trạch Đông). Les Echos nhận xét "Macron cố nắm lại tình hình", La Croix chạy tựa "Tiếp tục, nhưng làm thế nào ?". Le Figaro coi đây là "Cuộc song đấu từ xa giữa Macron và các nghiệp đoàn". Ở các trang trong, tình hình Ukraine, chuyến thăm Moskva của Tập Cận Bình vẫn là đề tài được quan tâm nhiều nhất.
Thụy My
Chiến tranh Ukraine : Putin thất bại trong việc nhờ Tập Cận Bình giúp đỡ cụ thể
Dù không được nêu bật thành tựa lớn trang nhất, nhưng cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan cũng như sự kiện đảng cực hữu "chính thức" trở thành một thế lực chính trị hàng đầu tại Thụy Điển là hai chủ đề rất được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 16/09/2022 quan tâm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022 via Reuters - Sputnik
Trong một khung nhỏ trên trang nhất của mình, bên trên một bức ảnh chụp chủ tịch Trung Quốc ngồi họp cùng với tổng thống Nga Valadimir Putin vào hôm qua, thứ Năm 15/09 tại Uzbekistan, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Moskva hoài công tìm kiếm một hậu thuẫn thực thụ của Bắc Kinh".
Tờ báo ghi nhận sự kiện là lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tổng thống Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Mục tiêu của ông Putin là tìm được sự ủng hộ của chế độ Trung Quốc để đối phó với phương Tây.
Putin không được gì ngoài các tuyên bố hữu nghị
Tuy nhiên, theo Les Echos, tổng thống Nga đã không thu hoạch được gì ngoài những lời tuyên bố long trọng từ phía chủ tịch Trung Quốc. Đối với tờ báo Pháp, "nếu Bắc Kinh, giống như New Delhi, đã gia tăng việc mua dầu của Nga, thì họ vẫn không cung cấp vũ khí. Mặt khác, các công ty Trung Quốc vẫn tránh thị trường Nga để không bị trừng phạt trên các thị trường phương Tây, vốn lớn hơn gấp 20 lần".
Trong bài phân tích mang tựa đề "Nga-Trung : Vladimir Putin tuyệt vọng tìm kiếm sự ủng hộ từ Tập Cận Bình", Les Echos không ngần ngại mỉa mai : "Cuộc gặp đầu tiên, tại Uzbekistan, giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Trung Quốc kể từ khi quân đội Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine đã làm nảy sinh những tuyên bố hùng hồn về tình hữu nghị. Nhưng liên quan đến các dấu hiệu trợ giúp cụ thể, Điện Kremlin có khả năng phải kiên nhẫn thêm".
Tờ báo đã trích dẫn bà Tatiana Kastouéva-Jean, nhà nghiên cứu chuyên về Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI ở Paris cho rằng : "Trong bối cảnh phải đối đầu với phương Tây, quan hệ với Trung Quốc mang ý nghĩa quyết định đối với Vladimir Putin, từ các hỗ trợ chính trị, cho đến vấn đề thị trường hydrocarbon, nguồn tài chính… Khả năng Nga vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào người bạn Trung Quốc".
Có điều là cho đến nay, ngoài những lời hay, ý đẹp về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác và hội tụ quan điểm trong vấn đề chống phương Tây, Bắc Kinh vẫn cẩn thận không biến lời nói thành những hành động cụ thể để giúp đỡ Nga trong hồ sơ Ukraine : không cung cấp vũ khí, cũng như không xuất khẩu các thành phần công nghiệp, bao gồm cả linh kiện bán dẫn rất cần thiết nhưng đang bị phương Tây cấm vận.
Đối với Les Echos, đây thực sự là một vấn đề đau đầu cho các ngành công nghiệp, dân sự và quân sự của Nga, bởi vì trong thực tế, các công ty Trung Quốc đều tôn trọng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ không quên rằng đối với họ, thị trường Mỹ bình quân quan trọng hơn gấp tám lần thị trường Nga.
Theo tờ báo, nếu trước đây, Trung Quốc đã thận trọng như vậy, thì hiện nay, trong bối cảnh mà chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean ghi nhận là "thất bại quân sự trên chiến địa, và tâm lý hoài nghi về tương lai ngày càng mạnh trong giới tinh hoa Nga", Vladimir Putin khó có thể nhận được nhiều từ Tập Cận Bình.
Bắc Kinh hùng hồn hơn trong việc chống phương Tây
Trong bài phân tích về cuộc gặp Nga-Trung, Le Monde cũng ghi nhận việc "Vladimir Putin tìm kiếm sự ủng hộ chống phương Tây từ Tập Cận Bình", nhưng nhấn mạnh đến việc tổng thống Nga cũng muốn Trung Quốc từ bỏ thái độ "trung lập" hình thức trong cuộc chiến Ukraine để dứt khoát hơn trong việc hậu thuẫn cho Nga.
Le Monde đã trích lời nhà nghiên cứu Temur Umarov, chuyên gia về quan hệ Trung-Nga và Trung Á tại Quỹ Carnegie ở Moskva cho rằng : "Khi Nga phát động cuộc chiến chống Ukraine, họ không hề tính đến lợi ích cũng như phản ứng của Bắc Kinh - cũng như của các nước khác - do đó, các hành động của họ không hề dựa trên sự ủng hộ của bên này hay bên kia".
Vào lúc này, cũng theo chuyên gia Umarov, Vladimir Putin mong đợi sự ủng hộ từ người đồng cấp Trung Quốc cả trong hành động cũng như trong phát biểu : "Nga đang cố gắng thúc đẩy Trung Quốc đi xa hơn nữa theo hướng đối đầu với phương Tây (…). Điều mà Putin mong đợi từ hội nghị thượng đỉnh Samarkand là những tuyên bố dứt khoát hơn của Bắc Kinh về việc chống lại quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ".
Trên vấn đề này, Le Monde ghi nhận hai tín hiệu thể hiện rõ ràng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Moskva : Từ tháng Hai đến nay, Tập Cận Bình chưa bao giờ nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và mới đây, khi đến Moskva để chuẩn bị cho cuộc gặp Putin-Tập Cận Bình vào hôm qua, nhân vật số ba trong chế độ Bắc Kinh là chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư đã không ngần ngại tuyên bố công khai rằng Trung Quốc "hoàn toàn hiểu rõ sự cần thiết của tất cả các biện pháp mà Nga thực hiện để bảo vệ các lợi ích cơ bản của mình" và "đang cung cấp sự giúp đỡ thông qua các hành động có phối hợp".
Le Monde nhắc lại rằng cho đến nay, dù gia tăng mua dầu và than của Nga, thì dường như Trung Quốc vẫn không cung cấp viện trợ quân sự cho Moskva. Tờ báo đã trích lời chuyên gia Temur Umarov cho rằng "Trung Quốc rất cẩn thận và tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt quốc tế", và trước mắt khó có chuyện các công ty Trung Quốc chuyển giao công nghệ dùng trong quân sự cho Nga.
Thế nhưng chuyên gia này cũng cho rằng trong tương lai, Trung Quốc "sẽ thiết lập các cơ chế đặc biệt như họ đã làm với Iran và Bắc Triều Tiên, để xuất khẩu công nghệ trong khi vẫn thoát khỏi các lệnh trừng phạt".
Liên Âu có thể là tường thành hiệu quả ngăn cực hữu
Riêng về thời sự Châu Âu, sự vươn lên ngoạn mục của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Thụy Điển, mà kết quả được công bố hôm qua cũng là chủ đề được báo Pháp chú ý trên trang nhất, với hai bài xã luận trên La Croix và Le Figaro.
Trên trang nhất của mình, bên trên một bức ảnh lớn chụp lãnh đạo đảng Dân Chủ Thụy Điển cực hữu cùng ban tranh cử của ông tối 11/09, tức là ngày bầu cử tại Thụy Điển, Le Monde chạy tựa "Tại Thụy Điển, cực hữu trở thành tâm điểm của bàn cờ chính trị".
Tờ báo ghi nhận : Khối cánh hữu rốt cuộc đã giành chiến thắng trước liên minh cánh tả trong cuộc bầu cử. Vấn đề đặt ra là cánh hữu bảo thủ truyền thống sẽ phải thỏa hiệp với Đảng Dân Chủ Thụy Điển, một đảng dân tộc chủ nghĩa, hiện đã vươn lên thành đảng lớn thứ hai trong nước và là đảng đứng đầu bên cánh hữu.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Bức tường thành", viết về cuộc bầu cử tại Thụy Điển, nhật báo công giáo Pháp La Croix không tránh khỏi lo lắng : "Một lần nữa, những luồng gió dân tộc chủ nghĩa đang thổi mạnh ở Châu Âu". Tờ báo ghi nhận : "Sau Pháp, chính ở Thụy Điển, một đảng có nguồn gốc cực hữu đã đạt được điểm số lịch sử".
Đối với La Croix, trước đà vươn lên của xu hướng cực hữu, các đảng truyền thống đã tìm cách gọi là "ma quỷ hóa", tức là nhấn mạnh lên tính chất xấu xa của các tư tưởng cực đoan, hoặc là "bắt chước", tức lấy lại các chủ đề "ăn khách" của các thành phần dân tộc chủ nghĩa. Thực tế cho thấy là cả hai cách này đều thất bại.
Rốt cuộc, theo La Croix, bức tường thành chống cực hữu hiệu quả có thể là Liên Hiệp Châu Âu, mà Thụy Điển sẽ lên làm chủ tịch luân phiên từ tháng Giêng tới đây, cho phép giải quyết một số lo lắng ảnh hưởng đến người dân Châu Âu trước quá trình toàn cầu hóa.
Châu Âu phải học cách sống chung với cực hữu
Cũng trên trang nhất, trong một khung nhỏ, nhật báo thiên hữu Le Figaro đã nhấn mạnh đến đà vươn lên của các đảng cực hữu trên toàn Châu Âu qua ví dụ ở Thụy Điển và ở Ý. Tờ báo chạy tựa "Thụy Điển, Ý : Châu Âu dưới áp lực của chủ nghĩa dân tộc"
Theo Le Figaro, đảng Dân Chủ Thụy Điển chống nhập cư của ông Jimmie Akesson, đã trở thành lực lượng đầu tiên bên cánh hữu của chính trường nước này, và sẽ ảnh hưởng đến chính sách của liên minh cánh hữu lên cầm quyền tại Stockholm trong tương lai vì đảng bảo thủ thuộc phe ôn hòa sẽ chỉ có thể điều hành đất nước với sự hỗ trợ của cực hữu.
Tuy nhiên, Le Figaro đã trấn an ngay rằng có rất ít khả năng đảng cực hữu Thụy Điển tham gia chính phủ, nhưng với số dân biểu mà họ nắm trong tay, các đảng cánh hữu còn lại không thể xem nhẹ ý kiến của họ nữa.
Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, ngay sau Thụy Điển, kịch bản cực hữu "lên ngôi" có thể tái diễn ở Ý với cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra trong vài ngày tới đây. Theo các cuộc thăm dò dư luận, lãnh đạo của đảng cực hữu Ý Fratelli d’Italia (Anh em nước Ý), bà Giorgia Meloni có cơ hội tốt trở thành thủ tướng. Và tờ báo đã giới thiệu một bài phỏng vấn độc quyền nữ chính khách này, trong đó bà đã tiết lộ tầm nhìn của mình về Châu Âu.
Hiện tượng cực hữu vươn lên tại Ý và Thụy Điển đã tạo ra nhiều phản ứng lo ngại. Nhưng trái với La Croix, Le Figaro tỏ ra không mấy lo lắng. Trong bài xã luận mang tựa đề "Ván bài mới", tờ báo cho rằng các chủ trương cô lập cực hữu hầu như đều thất bại ở mọi nơi, ngoại trừ ở Pháp và Đức. Do đó, tờ báo cho rằng người Châu Âu nên học cách "sống với tình thế mới này, một tình thế chắc chắn sẽ thúc đẩy những thay đổi".
Đô la Mỹ vẫn mạnh hơn euro
Ngoài hai chủ đề chung kể trên, tựa lớn trang nhất các báo hôm nay được dành cho các hồ sơ hoàn toàn khác nhau, từ thế mạnh của đồng đô la Mỹ trên Le Monde, hy vọng không bị thảm bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên Le Monde, cho đến tâm lý lạc quan chống được dịch Covid-19 trên Le Figaro, hay kế sách chống lạm phát của các doanh nghiệp Pháp trên Les Echos.
Về sức mạnh của đồng đô la Mỹ, Le Monde nêu bật "Lạm phát, nợ nần : Các tác động của uy thế thống trị của đồng đô la".
Le Monde ghi nhận : Trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị, đồng tiền của Hoa Kỳ đã vượt quá đồng euro lần đầu tiên kể từ năm 2002. Theo tờ báo, giá trị của đồng đô la có liên quan đến sự gia tăng tỷ giá, nhưng cũng phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và tương quan lực lượng trên hành tinh.
Vấn đề là sự tăng giá của đồng đô la, cộng với giá thực phẩm và dầu khí tăng cao, đang thúc đẩy giá cả nói chung tăng vọt và làm suy yếu thêm các nước nghèo nhất.
Theo Le Monde, đồng euro giảm giá đã làm trầm trọng thêm lạm phát ở Pháp, đặc biệt là về hóa đơn năng lượng, trong khi hiệu quả cạnh tranh chưa thấy đâu.
Hai mươi ba năm sau, những hứa hẹn khi được khai sinh, đồng tiền Châu Âu duy nhất đã không thực sự cạnh tranh với tờ giấy bạc xanh, tức là đồng đô la Mỹ.
Uy tín Joe Biden bất ngờ tăng cao trở lại
Cũng liên quan đến Mỹ, nhưng trên bình diện chính trị, Libération nêu bật : "Bầu cử giữa kỳ - Biden, người trở về (từ cõi âm", chơi chữ trên từ revenant, vừa có nghĩa là "người trở về", vừa có nghĩa là "hồn ma".
Trong bài xã luận "Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, đà vươn lên mong manh và bất ngờ của Joe Biden", Libération thấy rằng một vài tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ, vào một thời điểm không hề thuận lợi cho phe đang cầm quyền, tổng thống thuộc đảng Dân Chủ dường như đã hòa giải được với một phần cử tri của mình và thậm chí một thất bại vừa phải sắp tới đây sẽ là điều đáng khích lệ.
Ông Joe Biden và đảng Dân Chủ đã lấy lại được một phần uy tín nhờ những đạo luật được cho là can đảm, như việc xóa nợ cho sinh viên hay luật về các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy việc tạo ra việc làm mới.
Đối mặt với hàng loạt các sáng kiến ngoạn mục này, người Mỹ có thể đã hiểu hậu quả của một cuộc bỏ phiếu cho phe đối lập Đảng Cộng hòa : gia tăng sự chia rẽ đang đe dọa đất nước trong việc quyền phá thai bị phủ nhận hay khả năng Donald Trump có thể trở lại.
Đối với Libération, một thất bại vừa phải của phe Dân Chủ sắp tới đây sẽ không chữa khỏi tình trạng chia rẽ nội bộ của đất nước, nhưng sẽ là một dấu hiệu đáng khích lệ cho tương lai.
Le Figaro: Tại sao Covid không gây lo ngại nữa
Tựa lớn trang nhất Le Figaro được dành cho lãnh vực y tế : "Covid, tại sao khủng hoảng lại ở phía sau chúng ta ?".
Theo tờ báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng khi mùa thu đến, nhưng các chuyên gia tỏ vẻ tin tưởng. Nhờ có vac-xin và khả năng miễn dịch tập thể, đợt thứ tám này hứa hẹn sẽ ít nghiêm trọng hơn những đợt trước.
Không giống như các đợt trước, đợt bùng phát dịch trở lại không phải do một biến thể mới, dễ lây lan hơn, mà do tính chất theo mùa và sự gia tăng tiếp xúc trở lại sau kỳ nghỉ hè.
Trong vài tháng tới, khả năng bảo vệ bằng vac-xin sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều, nhờ vào vac-xin đầu tiên nhắm trực tiếp vào biến thể Omicron của Moderna và Pfizer/BioNTech.
"Tiền lương, lạm phát : Phản ứng của các công ty"
Các cuộc đàm phán lương bổng đang được mở ra tại nhiều doanh nghiệp vào lúc lạm phát đã vượt mức 6%. Les Echos điểm qua tình hình của 4 ngành nghề chính : Công nghiệp xe hơi, phân phối hàng tiêu dùng, xây dựng, nhà hàng.
"Hẹn nhau tại lâu đài"
Ngày Di Sản Châu Âu là dịp để một số chủ lâu đài tại Pháp mở cửa dinh thự của mình cho khách vào tham quan. Cách làm này thường xuất phát từ nhu cầu tài chánh.
Trọng Nghĩa
Nỗ lực của Putin vượt qua giá trị hiến pháp của đất nước có thể gây nguy hiểm cho Nga và người dân nước này.
Sửa đổi hiến pháp, Putin muốn giảm quyền lực của Tổng thống và quyết định truất phế quyền lực của Thủ tướng, Dmitri Medvedev, như vậy trong tương lai gần, không ai trong chính phủ có thể cạnh tranh với Putin.
Putin cố gắng duy trì "ngai vàng"
Ngày 15/1/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một số thay đổi lớn mà ông dự định thực hiện ở nước này. Ông công bố kế hoạch trưng cầu dân ý để thực hiện những thay đổi lớn về hiến pháp, thay đổi hoàn toàn bộ mặt chính trị và hệ thống chính quyền nội bộ của Nga.
Đầu tiên, theo Hiến pháp Nga, nhiệm kỳ Tổng thống bị giới hạn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, lý do cơ bản là vào năm 2024, Putin không có cơ hội được bổ nhiệm lại vị trí này (xét theo nguyên tắc của Hiến pháp hiện tại). Đồng thời Putin cũng rút kinh nghiệm từ các cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ở nước này kể từ cuộc bầu cử lại năm 2012, ông ta biết rằng sẽ khó tiến hành chiến lược tương tự hoán đổi vai trò Thủ tướng và Tổng thống thêm một lần nữa, bởi vì nếu Putin làm như vậy, các cuộc biểu tình chắc chắn sẽ xảy ra. Do đó Putin đã cố gắng giảm quyền lực của Tổng thống và quyết định truất phế quyền lực của đồng minh chính trị thân cận nhất của mình, Thủ tướng, Dmitri Medvedev, và đã thành công trong việc đưa Mikhail Mishustin trở thành thủ tướng tiếp theo. Động thái này rất thông minh, bởi vì Mishustin giống một quan chức mẫn cán hơn là một chính trị gia quyền lực. Có nghĩa là trong tương lai gần, không ai trong chính phủ có thể cạnh tranh với Putin.
Sửa đổi hiến pháp cũng bao gồm việc trao nhiều quyền lực cho Quốc hội hơn, điều này cho thấy hiến pháp ở một mức độ nào đó sẽ cản trở hệ thống tư pháp tự do và công bằng của quốc gia này. Điều đó có thể là điềm lành cho giới chính trị gia, nhưng với người dân, đó là một điều đáng lo ngại. Vì vậy, Putin đã cố gắng mở đường cho chính mình với tư cách là một chính trị gia, tìm kiếm lợi ích cá nhân và khiến hệ thống chính trị của Nga gặp nguy hiểm.
Nga, vốn đã "không dân chủ", sẽ rơi vào tình trạng tồi tệ hơn
Người Nga không hoan nghênh nỗ lực giải quyết sự nghiệp chính trị của Vladimir Putin bằng cách vượt ra ngoài các quy tắc hiến pháp. Đầu tiên, động thái này có thể làm bùng nổ các cuộc biểu tình. Với nhiệm kỳ Tổng thống bốn năm, Putin có thể làm trầm trọng thêm sự hỗn loạn trong những năm tới. Hơn nữa, cho Putin nhiều quyền lực hơn trong hiến pháp hơn rõ ràng sẽ tiếp tay cho Putin đàn áp nhân quyền.
Các văn bản luật gần đây đã tìm cách tăng cường hiệu quả các phương tiện truyền thông nhà nước và kiềm chế tác động của tự do Internet, cấm truyền thông "nước ngoài" và ngăn chặn tiếng nói của những người bất đồng chính kiến, khi họ cho rằng nếu Putin có được quyền lực chính trị vĩnh viễn ở Nga, thì các chuẩn mực dân chủ sẽ biến mất là điều không thể tránh khỏi trong nước.
Hơn nữa, điều đó sẽ phá vỡ hoàn toàn "sự đối lập" ở Nga. Các nhà lãnh đạo và các đối thủ chính trị sẽ không còn có thể chống lại Putin, và thậm chí các quyết định tư pháp trong tương lai sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn, vì chính tư pháp sẽ chịu sự giám sát của Quốc Hội (nơi đang ủng hộ Putin gần như tuyệt đối).
"Quy tắc lãnh tụ" sẽ là tương lai ở Nga
Putin đã đàn áp những người biểu tình vào đầu năm 2012, vì vậy Putin đã khéo léo đẩy quyết định này cho dư luận thông qua một cuộc trưng cầu dân ý, nhưng sẽ rất thú vị khi quan sát sự minh bạch của cuộc trưng cầu dân ý.
Quỹ đạo chính sách được giữ nguyên ?
Putin có quyền lực chính trị "suốt đời" trong hệ thống, có thể không đặt ra một con đường mới trong chính sách của Nga và về lâu dài, cũng như không đặt ra một con đường mới trong trật tự toàn cầu. Bảo lưu ‘ngai vàng’ của Putin có nghĩa là mối quan hệ của Nga với Bắc Kinh tiếp tục được cải thiện hơn nữa, qua đó mở rộng phạm vi của Trung Quốc ở Trung Á và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ (vốn đã mắc kẹt giữa hai quốc gia cộng sản lớn thực hành "độc tài cai trị"). Điều này sẽ làm giảm thêm cơ hội Nga rút khỏi Syria, bất ổn ở Trung Đông sẽ tiếp tục kéo dài (Putin bằng quyền lực tuyệt đối sẽ tiếp tục ủng hộ chế độ Assad của Syria).
Không có gì đáng ngạc nhiên nếu Hoa Kỳ cảm thấy không thoải mái bởi vì Trung Quốc và Nga sẽ luôn làm phiền Washington ở tất cả các khía cạnh trong chính sách đối ngoại.
Nhưng mối quan tâm chính của Kremlin sẽ là kinh tế trong tương lai. Sau sự sụp đổ của Liên Xô cũ, sự cạnh tranh của Nga trên thị trường toàn cầu rất khó khăn, chủ yếu dựa vào vũ khí để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng Putin đã từ bỏ xu hướng này và bắt đầu khám phá tiểu lục địa châu Phi để giành lợi thế cho Nga. Việc Putin có được quyền lực tuyệt đối ở Nga đồng nghĩa với việc tăng cường chiến lược này và sử dụng nhiều hơn các mối quan hệ đối tác trong khu vực bao gồm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.
Có điều vị trí lãnh đạo của Putin ảnh hưởng đến tất cả chính sách nội bộ và đối ngoại của Nga. Nếu một cuộc trưng cầu dân ý chỉ được tổ chức cho có, người Nga sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi vì sự thay đổi này chắc chắn sẽ khiến tương lai của họ trở nên không chắc chắn nhất.
Đã đến lúc người Nga cần hiểu các quyền cơ bản của họ và Putin hiểu quá khứ của cuộc cách mạng.
Jaimin Parikh
Nguyên tác : Putin and the "Xi Jinping" Model in Russia, Modern Diplomacy, 25/01/2020
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 15/03/2020
Tập Cận Bình thăm Hy Lạp, mắt xích quan trọng "Con đường tơ lụa" tại Châu Âu (RFI, 11/11/2019)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Athens từ tối qua 10/11/2019 trong khuôn khổ chuyến công du ba ngày, hôm nay gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hy Lạp với mục tiêu tăng cường hợp tác song phương "trong tất cả mọi lãnh vực".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm Hy Lạp. Ảnh ngày 11/11/2019. Reuters/Costas Baltas
Ông Tập Cận Bình hôm nay hội đàm với tổng thống Prokopis Pavlopoulos và thủ tướng Kyriakos Mitsotakis của Hy Lạp để ký các thỏa thuận hợp tác về giáo dục, hàng hải thương mại và năng lượng. Thủ tướng Mitsotakis vừa thăm Thượng Hải tuần trước cùng với đoàn doanh nhân 60 người, tuyên bố : "Chưa bao giờ tốt đẹp hơn bây giờ để mở ra một trang mới với Trung Quốc". Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, chuyến thăm này mang lại một "sức bật mới" cho quan hệ đôi bên và cho Sáng kiến Vành đai & Con đường (BRI) của Bắc Kinh.
Sau khi nhượng lại cho tập đoàn Trung Quốc Cosco hai bến tàu của hải cảng Pirée năm 2008, Athens nhanh chóng mở rộng hợp tác với Bắc Kinh. Trong 15 năm qua, các công ty Hy Lạp đã cho đóng hơn 1.000 chiếc tàu có trị giá trên 15 tỉ euro tại Trung Quốc.
Đến năm 2016, Cosco đã mua lại 67% cổ phần hải cảng Pirée và được sử dụng bến tàu còn lại của cảng này cho đến năm 2052. Tập đoàn Cosco hy vọng chuyển đổi cảng Pirée thành trung tâm chính chuyển hàng Trung Quốc sang đông nam Châu Âu, làm cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á.
Hy Lạp đã ký kết một chương trình đầu tư 906 tỉ euro trong khuôn khổ BRI, trở thành mắt xích quan trọng cho "Con đường tơ lụa mới" ở Châu Âu. Athens hy vọng đón tiếp 500.000 du khách Trung Quốc trong hai năm tới, so với con số 200.000 của năm 2019. Trong năm nay, Hy Lạp đã cấp "visa vàng" cho 3.400 Trung Quốc, theo chương trình được đưa ra năm 2013 : công dân các nước ngoài Châu Âu được cấp visa 5 năm có thể gia hạn, nếu đầu tư ít nhất 250.000 euro vào nhà ở.
Sau chuyến thăm Athens, Tập Cận Bình sẽ đến Brazil dự lễ bế mạc thượng đỉnh BRICS (Nam Phi, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga).
Thụy My
********************
Cam Bốt : Dỡ lệnh quản thúc nhà đối lập Kem Sokha (RFI, 10/11/2019)
Sau hai năm bị giam giữ, rồi bị quản thúc tại gia, Kem Sokha, một trong hai nhà đồng sáng lập đảng đối lập Cam Bốt, chống thủ tướng Hun Sen, đã được trả tự do vào sáng hôm nay 10/11/2019. Trong khi đó, nhà đối lập Sam Rainsy đang sống lưu vong hôm qua đã không thể nhập cảnh hồi hương, dù có thể ông đã về đến Malaysia.
Biểu tình đòi trả tự do cho nhà đối lập Cam Bốt Kem Sokha, Sydney, 16/03/2018. Reuters/David Gray
Quân đội Cam Bốt đã được huy động ở biên giới và trong cả nước để đối phó với tình hình.
Từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết chi tiết :
"Theo lệnh tòa án đưa ra sáng hôm nay (Chủ Nhật), ông Kem Sokha từ nay được tự do đi lại, nhưng với điều kiện không được rời khỏi Cam Bốt. Đây là lần đầu tiên Kem Sokha được tự do đi lại sau hai năm, trong đó có một năm ông bị giam giữ và một năm bị quản thúc tại gia. Tuy nhiên, Kem Sokha vẫn bị cấm tham gia các hoạt động chính trị và ngày diễn ra phiên tòa xét xử ông cũng không được thông báo.
Bị tố cáo là phản bội, Kem Sokha bị bắt hồi tháng 09/2017. Đảng đối lập chính tại Cam Bốt, do Kem Sokha và Sam Rainsy đồng sáng lập, bị tố cáo muốn lật đổ chính phủ. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đã bị Tòa Tối Cao giải tán 8 tháng trước cuộc bầu cử lập pháp. Phiếu bầu sẽ được dồn cho đảng của thủ tướng Hun Sen, người nắm quyền lãnh đạo suốt 34 năm qua.
Việc ông Kem Sokha được trả tự do diễn ra vào ngày hôm nay. Đây là một thời điểm mấu chốt. Tuần tới, Ủy Ban Châu Âu sẽ phải ra quyết định có duy trì hay đình chỉ thỏa thuận mang tên "Tất cả trừ vũ khí" hay không. Theo thỏa thuận này, Liên Hiệp Châu Âu miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Cam Bốt, với điều kiện Phnom Penh phải tôn trọng nhân quyền. Việc trả tự do cho ông Kem Sokha là một phần đòi hỏi rõ ràng để Liên Âu chấp nhận duy trì thỏa thuận với Cam Bốt.
Chính phủ Cam Bốt cũng đang trong tình trạng lo ngại khi Sam Rainsy, nhà đối lập chính trị lâu năm của thủ tướng Hun Sen vẫn thông báo ông sẽ trở về nước".
Thùy Dương
****************
Macron tin rằng Putin không muốn Nga thành "chư hầu" của Trung Quốc (RFI, 08/11/2019)
Trong một bài phỏng vấn báo chí đăng ngày 07/11/2019, tổng thống Pháp Macron đã biện hộ cho chủ trương hòa giải với Nga khi cho rằng Moskva không có chọn lựa nào khác ngoài "quan hệ đối tác" với Châu Âu. Một lý do được ông Macron nêu bật là tổng thống Nga Putin không có ý định trở thành "chư hầu của Trung Quốc".
Nguyên thủ Nga Vladimir Putin và Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ đón nhận cặp gấu trúc Ru Yi và Ding Ding, tại sở thú Moskva, 05/06/2019. ALEXANDER VILF / SPUTNIK / AFP
Trả lời tuần báo Anh The Economist, tổng thống Emmanuel Macron đã thừa nhận rằng hiện nay lãnh đạo nước Nga đang phát triển một chiến lược đối kháng với Châu Âu. Chủ trương đó xuất phát từ quan điểm bảo thủ của chủ nhân điện Kremlin, nhưng về lâu về dài, đường lối đó chắc chắn phải theo hướng hợp tác với Châu Âu.
Theo đánh giá của tổng thống Pháp, GDP nước Nga hiện nay chỉ "tương đương với Tây Ban Nha", trong lúc dân số đang trong chiều hướng "suy giảm và lão hóa". Tuy nhiên, về quân sự, Nga lại đang tăng cường võ trang, với một nỗ lực "nhiều hơn bất kỳ một quốc gia Châu Âu nào khác", theo một "mô hình quân sự hóa quá mức, và gia tăng các cuộc xung đột" như ở Ukraina chẳng hạn. Đối với ông Macron, đó là một mô hình phát triển mà nước Nga không thể duy trì lâu dài.
Về tương lai nước Nga, tổng thống Pháp cho rằng Moskva sẽ không thể tự mình khôi phục vai trò cường quốc, kể cả khi nhờ vào các sai lầm của phương Tây trong thời gian qua, như tại vùng Cận Đông, trở thành trọng tài trong cuộc khủng hoảng ở Syria kể từ khi can thiệp quân sự tiếp tay cho chính quyền của tổng thống al-Assad năm 2015.
Nga cũng có thể đi theo "mô hình Á-Âu", chuyển trục qua Châu Á và tăng cường quan hệ với Trung Quốc, nhưng theo ông Macron, vấn đề đối với Nga là trong mô hình đó, có một quốc gia giữ vai trò thống trị là Trung Quốc, và "sẽ không bao giờ có sự cân bằng".
Tổng thống Pháp đã nêu ra một ví dụ : "Tôi đã nhìn cách sắp xếp chỗ trong các cuộc họp về con đường tơ lụa mới và thấy rằng tổng thống Nga ngày càng ít thấy gần chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Tổng thống Pháp đã kết luận như sau : "Tôi không tin, dù chỉ trong một giây, rằng chiến lược của ông Putin là trở thành chư hầu của Trung Quốc, và như vậy liệu ông ấy còn giải pháp nào khác hơn là khôi phục chính sách cân bằng với Châu Âu ?"
Đây không phải là lần đầu tiên mà tổng thống Pháp nêu lên vấn đề cần phải lôi kéo nước Nga về với Châu Âu, thay vì để cho Moskva trôi dạt về phía Trung Quốc.
Nhân cuộc họp thượng đỉnh với ông Putin tại Brégançon, miền am nước Pháp, nơi ông đang nghỉ hè, rồi sau đó là trong phát biểu trước các đại sứ ngày 27/08 vừa qua, tổng thống Macron đã gợi lên chủ trương xích lại gần Moskva, trong đó có mục tiêu là phải lôi kéo Nga ra khỏi vòng tay Trung Quốc.
Ngay từ khi ấy, một số chuyên gia phân tích đã tỏ ý hoài nghi về khả năng tách được Moskva ra khỏi Bắc Kinh.
Chuyên gia về quan hệ quốc tế François Heisbourg, cố vấn đặc biệt cho Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, trả lời báo La Croix ngày 10/09, cho rằng tổng thống đã phán đoán sai.
Theo ông Heisbourg, quan hệ đối tác Nga-Trung không hề hình thành trong bối cảnh Nga bị phương Tây gây sức ép, mà là một lựa chọn đã có từ lâu và tự nguyện của hai nước. Đối với chuyên gia này, ông Putin còn chia sẻ với ông Tập Cận Bình xu hướng độc tài, phủ nhận dân chủ theo kiểu phương Tây, ủng hộ các nhà độc tài trên thế giới…
Chuyên gia Heisbourg còn nhắc lại rằng Nga và Trung Quốc đã cùng nhau dùng quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiều trường hợp liên quan đến tình hình Syria, và rất lâu trước khi quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Nga xấu đi về vụ bán đảo Crimée vào năm 2014.
Báo chí chính thống của Nga cũng không giấu quan điểm hoài nghi. Trang tin RT của Nga vào hôm qua 07/11, khi loan tin về nhận định của ông Macron, đã cho rằng tổng thống Pháp như đã quên rằng liên minh chiến lược Nga-Trung đã có từ rất lâu, và đã được thể chế hóa trong Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, thành lập từ năm 2001.
Trọng Nghĩa
Tạp chí Economist tuần này kể chuyện Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu qua thăm Tajikistan, xứ nghèo nhất trong các nước Trung Á đã tách khỏi Liên Bang Xô Viết sau năm 1991. Ông Shoigu đi thanh tra Sư Đoàn 201, với 7.000 quân, đạo quân Nga đông nhất đóng ở nước ngoài.
Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Quốc. Trong hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn "Một Vành Đai, Một Con Đường" ở Bắc Kinh hôm 27/4/2019. (Hình : Valeriy Sharifulin/AFP/Getty Images)
Khi ông Shoigu tới ăn tại "Lâu Đài Sĩ Quan", một khách sạn lớn của quân đội ở Dushanbe, thủ đô Tajikistan, thì thấy trên tường phòng ăn treo một bức chân dung lớn của Tập Cận Bình. Khách sạn này do Trung Quốc viện trợ, tiệm ăn trong đó là quán cơm Tàu.
Không phải chỉ có khách sạn. Trung Quốc cũng viện trợ xây cất dinh tổng thống và trụ sở quốc hội nước Tajikistan. Hệ thống điện thoại của Bộ Ngoại giao được người Tàu đem biếu, bộ phận "trả lời tự động" lúc đầu chỉ nói tiếng Trung Hoa.
Trung Quốc cũng làm đường, xây trường học, và cho chính phủ Tajikistan vay 1,3 tỷ USD, bằng một nửa toàn thể số nợ của nước này. Trung Quốc khai thác mỏ vàng, bạc trong xứ, cung cấp nhà máy điện và các máy chụp hình kiểm soát giao thông ở ngã tư. Quân Trung Quốc đóng trong vùng biên giới giữa Afghanistan, Tajikistan và Pakistan. Sĩ quan Tajikistan được huấn luyện ở Thượng Hải.
Chính phủ Nga vẫn coi vùng Trung Á, trước đây thuộc Liên Xô, là "sân sau" của mình, về kinh tế cũng như quốc phòng. Nhưng Vladimir Putin không còn kiểm soát được các nước chư hầu nữa. Quân Trung Quốc thao dượt ở Tajikistan, không cần báo cho chính phủ Nga biết.
Ngược lại, Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Quốc.
Quan hệ Nga-Trung đã thay đổi. Stalin coi Đảng cộng sản Trung Hoa là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế. Gorbachev coi Giang Trạch Dân là ngang hàng. Nhưng bây giờ ngôi vị đảo ngược.
Nga chiếm Crimea năm 2014, rồi xâm lăng Ukraine, bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế. Vì thế Putin đã quay về phía Đông. Tập Cận Bình mở vòng tay Panda ôm con gấu Nga, ký một thỏa ước 30 năm, mua 400 tỷ USD dầu khí của Nga. Nga xóa bỏ các hạn chế đầu tư ngoại quốc riêng cho các xí nghiệp Tàu. Sẵn sàng bán các loại vũ khí không phải hạt nhân.
Nga lệ thuộc Tàu về kinh tế. Năm 1989 Tổng sản lượng nội địa (GDP) của Nga lớn gấp đôi của Trung Quốc, dù dân số ít hơn. Năm nay, GDP của nước Tàu bằng sáu lần nước Nga. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì mua hàng hóa của Nga, sau Liên Hiệp Âu Châu ; và mua nhiều dầu, khí của Nga nhất. Trong số dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, có 14% là đồng Nguyên (CNY), tiền Trung Quốc. Khác với đô la Mỹ (USD) hay đồng Euro (EUR), đồng Nguyên không thể đem bán nhanh chóng trong thị trường thế giới khi cần.
Trung Quốc càng phát triển thì càng cần nhập cảng năng lượng ; đã được Putin mở cửa bán rẻ. Một nửa số dụng cụ khai mỏ dầu ở Nga do Trung Quốc cung cấp. Trung Quốc cho Rosneft, doanh nghiệp nhà nước của Nga vay tiền mua các công ty nhỏ, đổi lại sẽ bảo đảm được bán dầu. Một công ty quốc doanh của Bắc Kinh làm chủ 20% dự án khai thác dầu vùng bắc cực của Novatek, công ty dầu khí của Timchenko, một trong các tỷ phú thân cận với Putin.
Trước đây Nga nắm độc quyền đặt ống dẫn dầu trong vùng Trung Á, nay đang bị Trung Quốc lấn đất. Trước đây, một công ty Nga kiểm soát hết các ống dẫn dầu ở Kazakhstan, một nước trước đây thuộc Liên Xô. Nay, dầu lửa từ Kazakhstan chảy thẳng qua Trung Quốc bằng một hệ thống dẫn dầu mới.
Nhiều người Nga lo sợ nhất, là nước Nga dựa vào Trung Quốc khi thiết lập hệ thống viễn thông mới, gọi là 5G. Trong tương lai, một nửa mạng Internet ở Nga sẽ do Trung Quốc đặt nền móng.
Trung Quốc có kinh nghiệm nhất trong việc kiểm soát và đàn áp dân. Họ cung cấp cả hệ thống lẫn các dụng cụ giúp Putin kiểm soát dân Nga. Putin nhờ công ty Huawei thiết lập các điện thoại 5G, bất chấp những báo động của giới tình báo. Tổng thống Donald Trump đã cấm các xí nghiệp Mỹ không được mua đồ của Huawei vì mối lo này. Hệ thống viễn thông 5G có một nhược điểm là rất dễ bị "xâm nhập phá hoại" (hacking).
Hệ thống 5G chạy nhanh gấp 20 lần các máy móc cũ. Không chỉ dùng để thông tin như máy móc bây giờ, nay mai các "điện thoại" có thể điều khiển nhà máy, sai bảo các "robot" làm việc trong nhà, mở cửa đóng cửa, mở tủ lạnh, nấu ăn, trông coi trẻ em, điều khiển xe chạy điện hay máy bay nhỏ…
Hệ thống viễn thông mới có thể trở thành vũ khí.
Cựu Trung tướng Robert Spalding đã viết một bài báo động các nước mua hàng của Huawei hoặc ZTE vì họ bán giá rẻ về nguy cơ nếu Trung Quốc bán và đặt các dụng cụ viễn thông. Spalding mô tả các thành phố có thể biến thành bãi chiến trường : Thử tưởng tượng có lúc những chiếc xe điện bỗng dưng chạy bừa bãi, đâm nhau và cán người đi bộ. Những máy bay nhỏ không người lái (drone) lao vào động cơ các phi cơ chở khách ! Ông lên tiếng : Phải gạt Huawei và ZTE ra khỏi các nước tự do dân chủ.
Hệ thống 5G sẽ được áp dụng trong kỹ thuật chiến tranh. Thử tưởng tượng một toán đang hành quân trong rừng, mỗi người lính đi cách đồng đội hàng trăm mét. Họ biết ai đang ở chỗ nào, nhờ cái máy "đồng hồ điện thoại" đeo trên tay. Hệ thống này không cần đến vệ tinh nhân tạo như GPS, mà trực tiếp truyền từ máy này tới máy khác.
Một binh sĩ bị trúng mìn hay đạn của quân địch, ngã bất tỉnh. Cái "đồng hồ" có "sensor" thấy ngay tình trạng khẩn cấp, báo động cho các bạn. Cái đai anh lính đeo ở chân hay tay tự động thắt lại để cầm máu ; mũi kim tự động chích thuốc và toán cấp cứu ở xa được báo động ngay.
Lập tức, cái "đồng hồ" cũng đưa ra ngay một đội hình tác chiến dựa trên tin tức mới biết về vị trí quân địch. Chiến xa không người lái chạy đến tăng cường. Cùng lúc dó, trực thăng cấp cứu bay ngay tới chỗ anh lính bị thương vì biết anh ta đang ở đâu.
Thử tưởng tượng, nếu bên địch có thể làm nhiễu loạn cả hệ thống thông tin của đạo quân này, liệu còn đánh nhau được nữa hay không ?
Ông Alexei Navalny, một thủ lãnh đối lập còn sống sót ở Nga, cảnh cáo Tổng thống Putin đang làm cho nước Nga lệ thuộc vào Trung Quốc, trong chính trị và cả trong các kỹ thuật tân tiến ; khi Putin để cho Trung Quốc chiếm gần như độc quyền cung cấp các khí cụ từ bên ngoài nước Nga. Bất cứ nhà lãnh đạo nào, sau Putin, cũng không thể gỡ nước Nga thoát khỏi vòng lệ thuộc đó. Navalny nói : "Ông Putin đang biến người lãnh đạo Nga sắp tới trở thành ‘con tin’ của Trung Quốc. Họ sẽ khó mà buộc được chính quyền Trung Quốc phải thiết lập một quan hệ bình đẳng, được dân Nga chấp nhận.
Leonid Kovachich, một nhà báo Nga chuyên về công nghiệp tân tiến, tiết lộ rằng các khoa học gia Nga đều biết mối nguy nếu để cho Trung Quốc xâm nhập vào lãnh vực kỹ thuật mới, và họ đang cố gắng kiến tạo các chương trình, các ký mã trong nhu liệu, phần mềm, hoàn toàn độc lập với các dụng cụ của Trung Quốc. Nhưng các máy móc, thuộc phần cứng thì vẫn mua của nước Tàu.
Tại sao Vladimir Putin để nước Nga lâm vào tình trạng lệ thuộc này ?
Vì Putin không có cách nào khác, sau khi bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Hai cái đầu con diều hâu trong huy hiệu nước Nga bây giờ quay cùng một phía, phía Đông.
Nhưng còn một lý do thực tế hơn, là các tay đầu nậu (oligarch) chung quanh ông Putin đang hưởng lợi nhờ khai thác quan hệ kinh tế với Trung Quốc để hốt bạc. Họ tích cực vận động cho chính sách "ngả sang Tàu" của Vladimir Putin. Gennady Timchenko, trước đây bán dầu cho Châu Âu kiếm hàng tỷ Mỹ kim, nay làm ăn với người Tàu ; đang làm chủ tịch Hội đồng Thương mại Nga-Trung.
Nhưng các xí nghiệp Trung Quốc không thích đầu tư vào nước Nga, ngoài lãnh vực dầu khí. Họ đem tiền kinh doanh ở Mỹ hoặc Âu Châu vì những xứ đó có hệ thống pháp luật đáng tin cậy ! Khi làm ăn, ai cũng muốn được luật pháp bảo vệ, mà tinh thần trọng pháp thì ông Putin đã xóa ở nước Nga mất rồi !
Không phải chỉ có nước Nga đang bị dẫn đi sai đường. Tất cả những nước quá tin tưởng vào Trung Quốc cũng vậy. Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẫy này không ?
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 26/07/2019