Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội thảo "Nhìn lại về Chiến tranh Việt Nam" : Cộng sản Việt Nam thật sự hoàn toàn chiến thắng ?

Một hội thảo với chủ đề "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam" vừa được tổ chức tại Viện Bảo tàng Lưu trữ Quốc gia (National Archives Museum) ở thủ đô Washington trong trung tuần tháng 9.

war1

Quang cảnh Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam", được tổ chức vào ngày 14/09/18 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Photo : RFA

Quá khứ không phai mờ

Đã hơn 4 thập niên trôi qua, nhưng những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam chưa hề phai mờ trong ký ức của những người đã đi qua cuộc chiến và được họ chia sẻ tại Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam", vừa được tổ chức vào ngày 14 tháng 9 vừa qua.

Buổi hội thảo diễn ra trong một ngày với sự tham dự của khoảng gần 250 người. 15 diễn giả lần lượt trình bày và thảo luận các vấn đề bao gồm :

- Miền Bắc Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào ;

- Miền Nam Việt Nam xây dựng quốc gia trong cuộc chiến - Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1955-1975 ;

- Cam kết của Hoa Kỳ tại Việt Nam - Một sự dở dang ;

- Tại sao Miền Nam Việt Nam và đồng minh bị thua trận ;

- Vai trò của cộng đồng Việt trong việc gi

- Những bài học từ chiến tranh Việt Nam ;

- Chương trình Tị nạn quốc gia Hoa Kỳ giai đoạn 2001-2005 ;

- Di sản Việt Nam Cộng Hòa ở quốc gia Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;

- Thế hệ trẻ ở Việt Nam sau năm 1975 đến hiện tại ;

- Đời sống khó khăn của người Thượng ở Việt Nam ;

-Thế hệ trẻ người Việt hải ngoại với vết thương không lành bởi chiến tranh Việt Nam.

Một số vấn đề trong cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn là đề tài gây tranh cãi được các diễn giả cùng khách tham dự thảo luận sôi nổi và thẳng thắn như :

- Chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến hay không ?

- Mục đích của Cộng sản Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là để thống nhất đất nước hay để cho chủ nghĩa cộng sản được lan rộng đến 3 nước Đông Dương ?

- Biến cố Mậu Thân cũng được nhắc đến rằng đó có phải là chính sách của Cộng sản Bắc Việt khi hàng trăm đồng bào miền Nam bị giết hại : vấn đề này cần thiết được tiếp tục nghiên cứu để trình lên tòa án quốc tế phán xét liên quan tội ác chiến tranh hay không ?

Hội thảo “Nhìn lại về Chiến tranh Việt Nam” : Cộng sản Việt Nam thật sự hoàn toàn chiến thắng? - DânChủ Tv, 17/09/2018

Tiến sĩ Vũ Tường, một diễn giả đến từ Đại học Oregon University nhận định về Hội thảo "Nhìn lại Chiến lại Chiến tranh Việt Nam" với RFA :

"Tôi nghĩ rằng các cuộc hội thảo như thế này rất có ích vì nó giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, mặc dù có những quan điểm khác biệt. Quan điểm khác biệt là điều chúng ta phải chấp nhận vì đó là việc tự nhiên trong cuộc đời. Và, hội thảo là cơ hội để những người có quan điểm khác biệt được nói ra quan điểm của họ và trao đổi thẳng thắn trong công chúng. Thành ra sẽ giúp cho sự hiểu nhau, bên cạnh việc giúp cho sự phát triển thông tin về những biến cố lịch sử được nói ra những thông tin đó".

Các diễn giả nhắc lại một yếu tố quan trọng góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, theo như tuyên bố của phía Cộng sản Bắc Việt, là họ thừa nhận không thể đánh bại Việt Nam Cộng Hòa trên mặt trận, nhưng họ có hy vọng chiến thắng qua làn sóng phản chiến tại Mỹ và trên thế giới.

Thế nhưng, câu hỏi của khách tham dự hội thảo đặt ra liệu rằng Cộng sản Việt Nam thật sự đạt được mục đích khi là phe thắng cuộc trong cuộc chiến này ? Tiến sĩ Vũ Tường trả lời thắc mắc vừa nêu với sự khẳng định rằng Chính quyền cộng sản Việt Nam thất bại trong mục tiêu mà họ đặt ra là xây dựng lại một đất nước họ đã từng tiêu tốn nhân mạng, tài lực để phá hủy.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, một người tham dự hội thảo chia sẻ rằng ông xuất thân ở miền Bắc và sống dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam, do đó ông hiểu rất rõ tâm lý và hành động của giới lãnh đạo trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam ; đồng thời ông là một học giả nên ông có cái nhìn tương đối khách quan và ông đã từng lên tiếng với Chính quyền Hà Nội cần phải dân chủ hóa Việt Nam và thiết lập một nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.

Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ nói với RFA :

"Tôi thấy rằng cuộc chiến tranh Việt Nam cũng đã kết thúc rồi và tôi cũng đồng ý ở một điểm là bất luận thế nào thì nước Việt Nam đã thống nhất, kể từ ngày 30/04/1975. Nhưng vấn đề quan trọng tiếp theo là sau khi thống nhất đất nước thì những người lãnh đạo Việt Nam phải làm thế nào để cho người dân Việt Nam được hạnh phúc ?".

Vì góp tiếng nói cho dân chủ hóa tại Việt Nam, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ trở thành tù nhân lương tâm và bị tống xuất khỏi Việt Nam, sống lưu vong ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ là một người trong hàng triệu người Việt Nam bị buộc phải rời bỏ quê hương xứ sở đi tị nạn, kể từ sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Anh Tùng Nguyễn, một thanh niên cùng gia đình bị buộc phải sống lưu vong từ năm 2017 chia sẻ tại hội thảo rằng anh hy vọng những khách tham dự hãy quan tâm nhiều hơn đến tình hình đất nước Việt Nam, một quốc gia hòa bình, không chiến tranh nhưng người dân Việt Nam phải sống trong tình cảnh mà họ phải chiến đấu từng ngày cho "dân quyền và nhân quyền" của họ.

"Tôi mong các bạn có thể nhìn thấy những điều đó và làm điều gì đó có ích cho đất nước Việt Nam khi chúng ta có thể. Và chúng ta có thể làm khi chúng ta ở nước ngoài vì chúng ta không bị bịt miệng như ở trong đất nước c ộng sản".

Bà Victoria Sams, một chuyên gia của tổ chức National Endowment for the Humanities (Quỹ Tài trợ quốc gia cho Nhân loại) nói với RFA về cảm nhận của bà khi tham dự hội thảo :

"Hôm nay, tôi được biết thêm nhiều hơn và tôi nghĩ rằng còn rất nhiều điều để học hỏi từ cuộc chiến tranh này. Tôi ghi nhận hai vấn đề quan trọng tại buổi hội thảo được nêu lên là nhiều người phải sống trong nỗi đau âm ỉ với hồi ức về chiến tranh, qua chia sẻ của những người tham dự hội thảo hôm nay và với giá trị của sự lưu trữ từ ký ức, từ những tư liệu được ghi chép lại, từ các cuộc hội thảo sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu tiếp tục khám phá và đúc kết nhiều hơn nữa để càng có nhiều người hiểu biết hơn qua các thông tin lưu trữ về cuộc chiến tranh Việt Nam".

Viễn ảnh Việt Nam trong tương lai

war2

Các diễn giả (từ trái sang) : Nguyễn Đình Thắng (thứ nhì), Nguyễn Văn Hanh (thứ ba), Tạ Văn Tài (thứ tư), Frank Snepp, cựu nhân viên CIA (thứ năm) tại Hội thảo "Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam" Photo : RFA

Tiến sĩ Tạ Văn Tài, cựu giảng viên Luật trường Đại học Harvard, trong phần trình bày về các bài học rút ra từ chiến tranh Việt Nam, ông có nhắc đến một sự kiện hồi năm 1993, tại cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt-Mỹ ở Hawaii, phía Việt Nam lên tiếng thừa nhận Hoa Kỳ đã thua trong chiến tranh nhưng thắng lợi trong hòa bình qua các chương trình hợp tác của Mỹ với Việt Nam để giải quyết hậu quả chiến tranh cũng như trong việc xây dựng Việt Nam phát triển.

Ông Trí Tạ, Thị trưởng thành phố Westminter, bang California, một diễn giả tại hội thảo khẳng định với RFA rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam phát triển, quan trọng là :

"Tôi nghĩ rằng thế hệ trung niên và trẻ tại hải ngoại phải luôn đồng hành với thế hệ trẻ ở Việt Nam, cũng như đồng hành với hơn 90 triệu đồng bào ở trong nước. Chúng ta thấy đã 43 năm qua, Việt Nam vẫn chưa có tự do, vẫn chưa có dân chủ. Thành ra sứ mệnh của người trẻ tại hải ngoại sẽ phải tiếp tục đồng hành, tiếp tục tranh đấu cho tự do và dân chủ".

Diễn giả Tiến sĩ Robert Turner, thuộc Trung tâm Luật An ninh quốc gia, University of Virginia Law School nhấn mạnh rằng Việt Nam có cơ hội hòa nhập vào thế giới tự do, do đó việc nên làm là giáo dục cho người dân hiểu biết về chính quyền, hiểu biết về quyền lợi của tự do thương mại và các quyền lợi xã hội theo luật pháp và việc làm như thế theo thời gian. Tiến sĩ Robert Turner cho rằng người dân Việt Nam sẽ có được tự do dân chủ.

Trong khi đó, Diễn giả Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS thêm vào ý kiến rằng việc giáo dục là cần thiết nhưng chưa đủ để có thể dẫn đến sự thay đổi từ độc tài sang tự do dân chủ tại Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng cần phải tạo ra và nuôi dưỡng các phong trào xã hội phản kháng ôn hòa để bảo vệ các quyền và quyền lợi của người dân, và giới trẻ người Việt trong và ngoài nước đóng vai trò chủ chốt trong việc thay đổi Việt Nam được thật sự hòa bình và dân chủ.

Hòa Ái

Published in Việt Nam

Kết luận ‘nước đôi’

Ngày 15/5 vừa qua, ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc bị thu hồi đất không đúng qui định. Tuy nhiên lời kêu cứu của họ suốt gần 20 năm không được cơ quan chức năng nào giải quyết.

thuthiem1

Hình chụp từ trên cao khu đô thị Thủ Thiêm - RFA

Đến ngày 7 tháng 9, kết luật của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm mới được công bố. Theo đó việc thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 ở Thủ Thiêm để thực hiện một số dự án khu đô thị là chưa đủ cơ sở pháp lý, không đúng với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên những người dân trong cuộc vẫn cho rằng kết luận của Thanh Tra Chính Phủ vẫn chưa bóc tách đến nơi đến chốn mọi sai phạm. Mạng Việt Nam Express ngày 10 tháng 9 trích lời ông Hoàng Thăng Long thuộc khu phố 5, phường An Khánh nêu rõ : "Kết luận này chưa rõ ràng. Cái cốt lõi thì lại không đi vào mà cứ nói về 4,3ha. Chỉ có 9 hộ bị ảnh hưởng trong diện tích đó, còn thực tế hơn 100 hộ dân chúng tôi thuộc 5 khu phố, 3 phường đều nằm ngoài ranh quy hoạch, mới vác đơn đi tố cáo".

RFA liên lạc với bà Hương, một "nạn nhân" của khu quy hoạch đô thị Thủ Thiêm và được bà cho biết ý kiến về kết luận của Thanh tra Chính phủ :

"Cái kết luận này của Thanh tra Chính phủ chơi nước đôi thôi. Hài lòng thì không hài lòng, nhưng có 1 vấn đề thấy cũng được chút xíu, đó là những người còn lại nằm ngoài ranh thì được tái định cư trong hai phường, là Bình An và Bình Khánh. Còn nằm ngoài ranh thì đang đề nghị để thu hồi luôn. Cái này thì mình thấy không được".

Bà Hương cho biết người dân không bằng lòng với kết luận thanh tra này, với lý do đưa ra là "trước sau gì họ cũng bênh nhau".

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho RFA biết suy nghĩ của ông đối với kết luận này :

"Những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề đền bù giải toả ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì quan điểm của tôi là phải chỉ ra đúng người đúng tội phải chịu trách nhiệm. Người chịu trách nhiệm phải là người cao nhất của Tp HCM qua các thời kỳ. Phải kỷ luật vì đây là 1 việc rất quan trọng đẩy hàng chục ngàn người phải sống vất vưởng trong vòng 20 năm chứ không phải sai sót hành chính, rõ ràng có ý đồ, có nhóm lợi ích chi phối cố tình làm sai. Không thể nào khoả lấp được mà phải làm đến nơi đến chốn".

"Nếu không trị được tham nhũng, không trị được việc làm trái trong vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm thì đừng hô hào chống tham nhũng".

Theo ông Đinh Kim Phúc, trước áp lực của dư luận và quần chúng, những người mất đất khiếu kiện gần 20 năm qua, thì đây chỉ là một động thái nhằm làm yên dư luận chứ không mang tính giải quyết nghiêm túc, trên nền tảng của pháp luật.

Về ranh giới quy hoạch, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận việc UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 năm 1998 bao gồm điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Diện tích này bị giảm 23,3 ha so với quyết định 367 của Thủ tướng phê duyệt và "thừa" 4,3 ha ở Khu phố 1, phường Bình An.

Cũng từ 1 bài viết của báo mạng Vnexpress ngày 9 tháng 9 trích lời Nguyên kiến trúc sư trưởng Tp HCM ông Lê Văn Năm cho biết trước khi ký quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị Thủ Thiêm, ông có trình lên lãnh đạo thành phố. Sau đó, lãnh đạo giao lại cho ông ký . Đó là thời điểm năm 1998.

Phải truy từ nhiều đời Chủ tịch Thành phố

Cộng đồng mạng xã hội những ngày qua có nhắc đến 1 nhân vật có tên gọi "Hai Nhựt" và cho rằng nếu không xét xử, truy tố người này đối với vụ án Thủ Thiêm thì chiến dịch chống tham nhũng là vô nghĩa.

Nhân vật này được ông Đinh Kim Phúc cho biết :

"Là ông Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành uỷ Bộ Chính trị. Quy trách nhiệm cho vấn đề cố tình sai phạm hay tham ô hay nhóm lợi ích thì chúng ta phải truy từ các đời của chủ tịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ Võ Viết Thanh, cho đến Lê Thanh Hải cho đến Lê Hoàng Quân. Vấn đề là phải làm rõ trách nhiệm coi là thuộc thời kỳ nào ? Thuộc người nào chứ không thể nói chung chung là văn phòng Kiến trúc sư trưởng, rồi xuống UBND Quận 2, rồi Ban đền bù, giải toả…Các cấp đó là cấp thừa hành. Còn đây là chủ trương, là lệnh của cấp trên. Người nào ra lệnh, người nào làm trái thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ý kiến của tôi là phải truy tố".

thuthiem2

Bản đồ Thủ Thiêm Photo : RFA

Đó là ý kiến của người "đứng ngoài khu ranh giới", còn với người dân mất đất mang đơn khiếu hàng chục năm ròng rã như bà Hương, cho biết :

"Mình mong mỏi từ bên phía nhà nước phải xử những người làm sai, coi pháp luật không ra gì hết, muốn đập nhà ai thì đập, thích thì đập, buồn thì đập, vui cũng đập, coi tính mạng và tài sản của người ta như đồ chơi đồ bỏ. Nói chung giống như là ăn cướp vậy. Người ta đau khổ bao nhiêu năm trời.

Tui nói làm gì làm cũng phải xử ông Can, Vũ Hoài Phương, Đặng Trung Kiên. 4 người đó tội lỗi nhất trước mắt dân. Vì những người kia ký, mình biết sai, mình ở dưới mình còn làm ác hơn thì phải xử thôi, phải moi ra đến cùng cực thôi".

Cho đến nay, ngoài thông tin về kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố là "có nhiều sai phạm" thì hoàn toàn chưa có một biện pháp hay hình thức kỷ luật nào được đề nghị từ phía lãnh đạo nhà nước.

Chưa thể biết được khi nào người dân Thủ Thiêm mới được nhìn thấy một bản án công bằng cho những mất mát của họ, nhưng với bà Hương, thì mỗi ngày, bà chứng kiến rất nhiều những người dân mất đất Thủ Thiêm điên điên dại dại, lang thang vất vưởng ở những khu đất bị san bằng như sau một trận càn bằng bom mìn thời chiến tranh.

Nguồn : RFA tiếng Việt, 13/09/2018

Published in Diễn đàn

Giáo phận Vinh lên tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền Việt Nam (RFA, 07/09/2018)

Ban Công lý & Hòa bình Giáo phận Vinh công bố Bản Lên Tiếng về các tù nhân lương tâm và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.

nq1

Hình minh họa. Giáo xứ Song Ngọc và Linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức. Courtesy FB Nguyễn Đình Thục

Bản lên tiếng đề ngày 5 tháng 9 nêu rõ, mặc dù Việt Nam đã tham gia các Công ước Quốc tế về Nhân quyền, trong những năm gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng gia tăng bắt giữ và kết án nặng nề đối với những người đấu tranh một cách ôn hòa cho nhân quyền và tự do. Đặc biệt, gia tăng bắt bớ, bỏ tù những người đấu tranh đòi tôn trọng và bảo vệ môi trường.

Song song đó, Bản Lên Tiếng cũng nêu ra sự lạm quyền của lực lượng an ninh Việt Nam, hành xử cách bất công đối với những người bất đồng chính kiến, những người dám lên tiếng đòi hỏi nhân quyền, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo một cách ôn hòa. Bản Lên Tiếng tố cáo những băng nhóm được gọi là "quần chúng nhân dân tự phát" và "đội cờ đỏ" được thường xuyên sử dụng để hành hung, đe dọa, hạn chế quyền đi lại hoặc cư trú của những người bất đồng chính kiến.

Ban Công Lý và Hòa Bình của Giáo phận Vinh cho biết lý do lên tiếng là để thức tỉnh những người có trách nhiệm trong bộ máy cầm quyền, đặc biệt đề nghị lực lượng an ninh cần phải thượng tôn pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành các Công ước Quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Giáo phận Vinh cũng kêu gọi các tổ chức hoạt động vì nhân quyền và người dân Việt Nam, cùng lên tiếng trong việc bảo vệ nhân quyền, vì đó là những giá trị phổ quát, bất khả xâm phạm của con người mà chính Tạo hóa đã ban tặng.

Giáo phận Vinh có hơn nửa triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã. Đây là vùng chịu tác động nặng nề của thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên kể từ tháng tư năm 2016. Nhiều giáo dân sống nhờ biển lên tiếng đòi hỏi tái tạo môi trường biển sạch và bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân ; tuy nhiên những cuộc tập trung lên tiếng bị đàn áp một cách nặng nề.

Ban Công Lý & Hòa Bình Giáo Phận Vinh từng có văn thư công khai lên tiếng về những vấn đề xã hội liên quan đến giáo dân trong giáo phận. Giáo phận Vinh được cho biết đứng thứ ba trong số những địa phận có số người theo Công giáo La Mã đông đảo ở Việt Nam, sau Xuân Lộc và Sài Gòn.

********************

Hàng loạt Facebooker Việt Nam bị mất tích trước và sau 2/9 (RFA, 07/09/2018)

Gia đình của các Facebooker ngày 7 tháng 9 cho Đài Á Châu Tự Do biết, người thân của họ bị mất tích trước và sau ngày 2 tháng 9 đến giờ không liên lạc được, trong khi có nhiều thông tin là những người này bị công an Thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ trong các ngày có lời kêu gọi Tổng biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng.

nq2

Facebooker Ngô Văn Dũng (bên trái), và facebooker Xuân Hồng - Courtesy FB Ngo Van Dung & Xuân Hòng

Bà Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, tức Facebooker Biển Mặn nói với chúng tôi vào trưa ngày 7-9 như sau :

"Đến giờ gia đình vẫn không biết ảnh ở đâu, đã 4 ngày trôi qua rồi. Trưa ngày 4-9 thì bạn bè ảnh ở Sài Gòn là ảnh bị bắt ở công an phường Bến Nghé, tối đó tôi có lặn lội 400 cây số để tìm chồng tối, tới công an phường Bến Nghé thì họ nói là bên Tao Đàn, bên đó thì chỉ qua Quận 1.

Qua đây không có thì họ chỉ qua phường Bến Thành. Công an phường Bến Thành xác nhận là có bắt, nhưng người nào địa chỉ ở đâu thì trả về địa phương đó.

Tôi tức tốc về lại Dak Lak đợi tin chồng tôi, mà nay đến ngày 7 rồi vẫn không biết chồng tôi ở đâu".

Ông Ngô Văn Dũng, thường trú ở xã EaTu, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Dak Lak. Vào sáng ngày 4 tháng 9, người ta thấy ông chia sẻ đoạn video trực tiếp về việc ông và một người bạn mặc đồng phục màu cam của công nhân chạy trên xe máy lòng vòng khu vực Quận 1.

Đài Á Châu Tự Do gọi điện thoại cho công an phường Bến Thành, Quận 1 nơi trước đó đã nói với vợ ông Dũng rằng ông bị bắt ở đây, tuy nhiên người công an trực ban tên Trung phủ nhận thông tin này.

"Anh ơi, từ ngày 4/9 đến giờ bên em không có bắt ai hết".

Người nhà của Facebooker Xuân Hồng, tên thật là Đoàn Thị Hồng và Facebooker Phạm Vũ Phong, tên thật là Phạm Minh Trí cũng cho hay người thân của mình được cho là bị công an phường Đông Hưng Thuận, Quận 12 bắt giữ vào ngày 2-9, nhưng khi họ lên đến đây để hỏi thì công an chỉ qua quận, và quận 12 sau đó lại chỉ ngược về phường.

Đến chiều tối ngày 7 tháng 9 cả ba gia đình đều không nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc bắt giữ người thân của họ.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trước và sau ngày 2-9 có hàng loạt các Facebooker đột nhiên bị mất liên lạc. Một loạt các thông báo về các trường hợp mất tích của các facebooker xuất hiện trên mạng xã hội Facebook trong khoảng thời gian này. Nhiều người nghi ngờ những facebooker này đã bị bắt cóc. Trong dịp này, truyền thông cho nước cho biết có ít nhất 4 người bị bắt về các cáo buộc có liên quan đến an ninh quốc gia.

Trước đó ngày 10/6 ở Sài Gòn và các thành phố lớn trên cả nước nổ ra một cuộc biểu tình lớn chống dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.

Thông tin từ công an Thành phố Hồ Chí Minh sau đó cho hay lực lượng chức năng thành phố này đã mời làm việc và xử lý tổng cộng 310 người bị cáo buộc quá khích, gây rối.

Trong đó, 7 người bị tạm giữ hình sự ; 175 người bị xử phạt hành chính ; nhắc nhở, cho gia đình bảo lãnh, cam kết không tái phạm đối với 38 người. Ngoài ra, cảnh sát đang xác minh, làm rõ hành vi của một số người khác.

Published in Việt Nam

Nguồn : RFA, 04/08/2018

Published in Video

Với mật độ dân số gần bốn ngàn người trên một kilomet vuông, Sài Gòn là thành phố có mật độ dân số lớn nhất cả nước. Là thành phố có nhiều ngành nghề phát triển đóng góp tổng thu ngân sách lớn nhất nước, Sài Gòn cũng là thành phố có lượng rác thải khổng lồ hơn 8 ngàn tấn mỗi ngày đến từ hơn 12 triệu dân sinh sống. Ý thức của nhiều người trong việc xả rác thải và một chính sách chung chưa tương xứng với mức độ độc hại do nghề nghiệp gây ra là những nguyên nhân chính đưa nghề móc cống ở Sài Gòn trở thành một trong những nghề đối mặt với tử thần.

moc1

Móc cống ở Sài Gòn - RFA

Nghề độc hại

Kể về công việc của mình, ông Trần Thanh Long, một người làm nghề móc cống lâu năm chia sẻ :

"Mình xuống dưới gặp đất, cát, kim, ống chích, mẻ chai, mảnh sành, rác rến… Mình làm từ 7 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 trưa. Buổi trưa mình nghỉ ăn cơm rồi từ khoảng hơn 12 giờ làm đến 4 giờ, hơn 4 giờ thì nghỉ, có mưa thì ra trực mưa".

Ông Nguyễn Văn Rượu, một người thợ móc cống khác, chia sẻ : 

"Chế độ công ty đưa ra sẵn rồi, làm không được thì làm đơn xin nghỉ, đơn vị có nói rồi, anh làm được thì làm không thì đưa đơn nghỉ, nó không ép. Lương như tôi bậc 5, hết bậc rồi thì được khoảng hơn 8 triệu một tháng, sống thì ổn thôi. Nhưng ai có con đi học thì chết luôn. Như hai đứa đi học lớp 1 thì một tháng đã mấy triệu rồi. Như tôi 10 năm trước khó lắm tại vì lương eo hẹp, học thêm này nọ đâu đủ tiền đâu. Nếu mà lương tháng nào trễ thì phải đi mượn tiền, giao kèo của công ty là từ ngày 1 đến ngày 5 lương chính, từ ngày 15 Tây đến 20 Tây thì lương ứng, có tháng trễ thì dứt khoát phải đi mượn tiền ăn".

Ông Long cho biết thêm rằng dẫu biết công việc của mình rất độc hại và dễ gặp phải nguy hiểm nhưng ông và các bạn nghề của mình không còn lựa chọn nào khác. Mặc dù Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ có thể nuôi sống nhiều người nhưng cũng là nơi đầu tiên chôn mất ai đó nếu họ không kịp lăn vòng theo bánh xe của nó. Nếu những người lao động chân tay khác chọn những nghề như hàng rong, xe ôm, bán nước, vé số, bốc hàng… thì nghề này lại chọn ông Long. Ban đầu chỉ là nhận lại công việc của những người móc cống đi trước ở những nơi nguy hiểm, nơi họ không dám xuống. Dần dà, khi quen dần và cảm thấy nếu chịu khó làm thì cũng có thu nhập để lo cho con cái ăn học, ông Long và nhiều người tiếp tục theo nghề cho đến nay.

Ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ thêm :

"Đang thi công mà nạo vét hầm ga. Khi mới xuống thì mình mở cửa hầm khoảng 15 phút rồi xuống, nhiều khi 15 phút rồi mà vẫn chưa có không khí nữa, tùy hầm sâu hay cạn. Có lúc khi xuống dưới mà ngộp quá thì xuống dưới xong rồi chạy lên. Làm không có người quan sát, kỹ thuật cũng không, làm giống như bỏ con giữa chợ vậy đó, giao cho tuyến đường mày làm được thì làm, làm không được thì bị chặt lương. Còn nếu nói không khí thì nó ngộp hơn. Nếu mùa mưa thế này gặp được hầm nước ra vô thì đỡ chút còn gặp hầm ứ đọng thì ngứa lắm, nhiều khi về mai nổi mụt luôn, còn mảnh chai đứt tay đứt chân là thường".

Kim tiêm, mảnh chai, rác thải độc hại, hóa chất… không ai tránh gặp được những thứ này khi đã lội xuống cống và vớt rác thải. Những người thợ móc cống cho biết mặc dù biết nguy hiểm là vậy nhưng nhiều khi xuống dưới cống, họ buộc phải đi chân trần, tay không để bốc rác cho nhanh bởi lượng rác thải quá lớn. 

Công việc thường ngày bắt đầu vào khoảng gần 8 giờ sáng, sau khi lội, lặn để vớt rác thải, bùn từ dưới các ống cống lên, người công nhân móc công tắm sơ qua bằng các loại xà phòng đậm như nước rửa chén tẩy rửa để tẩy bớt chất bẩn và hóa chất từ dưới cống bám quanh người.

Một công nhân móc cống trẻ ngại nêu tên chia sẻ : 

"Phải tắm để tẩy mùi cống tại cống mùi hôi, thối lắm, không tẩy, nó đâu có hết…".

Theo ông Rượu và nhiều công nhân khác chia sẻ thì phải chuẩn bị tâm lý bởi mình không biết hôm nay sẽ gặp phải rác gì, có gì bất trắc không, bởi nghề của ông, bị thương hoặc nhiều khi bị bỏng toàn thân do nước thải đầy hóa chất là chuyện không thể lường trước, nhất là những hôm phải móc những đoạn cống quanh chợ Kim Biên.

Riêng các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Cây Trâm, Lê Đức Thọ… những tuyến đường hay ngập của Sài Gòn, ngoài việc khơi thông rác vào ban ngày, mỗi lúc trời mưa xuống, các công nhân móc cống còn phải luân phiên canh các ống cống đề phòng cống bị tắc nghẽn vì rác thải khi nước ngập. Ngày thường, công việc suôn sẻ thì họ có thể nghỉ lúc khoảng 4 giờ chiều, sau khi mang rác thải và các chất nạo vét được đi đổ. Vào những ngày nước ngập, nhiều khi họ phải trực cả đêm.

moc2

Cống nước ở Sài Gòn. Ảnh : RFA

Tuy công việc gian nạn vậy nhưng không khó để bắt gặp nụ cười trên môi của họ sau khi dùng tay áo bẩn quẹt mồ hôi, và nếu hỏi họ mong ước điều gì, họ sẽ trả lời ngay rằng chỉ mong người dân ý thức hơn chút thôi, đừng thứ gì cũng thả xuống cống như vậy, tội cho họ, bởi chọn cái nghề này họ đã phải chấp nhận quá nhiều thứ rồi.

Và bạc bẽo…

Mặc dù đã được xếp vào ngành nghề độc hại, tuy nhiên người làm nghề móc cống có vẻ như không nhận được điều đáng ra họ được nhận. Mức lương tối đa mà một người có thâm niên làm việc mấy chục năm, ở bậc lương cao nhất cũng chỉ ở mức 8 đến 9 triệu đồng một tháng. Và những trang bị máy móc cùng dần dà được lấy đi để lại cho họ một công việc hoàn toàn bằng tay chân.

Nói về trang bị lao động cũng như phúc lợi nhận được, ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ : 

"Về bảo hộ lao động thì có phát đủ rồi nhưng đúng ra thì hốt cống trong hầm ga hoặc hầm sâu thì phải có máy thổi còn cái này nó không trang bị, anh em tự hốt rồi ngột chạy lên thôi. Cái lúc làm công trường thấy nó đem ra vậy thôi chứ lúc thi công đâu có đâu, đúng ra cái này thiếu máy thổi".

Ông Trần Thanh Long, một người làm nghề móc cống lâu năm chia sẻ :

"Con cái chú lớn giờ nó đi làm rồi, chú ở nhà thuê. Lương trung bình khoảng bảy triệu mấy tùy theo bậc. Anh em làm cái gì độc hại thì người được hai, ba chai dầu, mười mấy hộp sữa, vậy thôi à".

Ông Nguyễn Văn Rượu chia sẻ tiếp :

"Ngày xưa cái xe để nâng bùn, có hết, có máy hết nhưng sau một thời gian ban giám đốc đổi giám đốc. Ông giám đốc này bảo là để máy trên xe là sai quy định, sợ bị phạt cho nên họ tháo giàn, không còn giàn máy nâng đất nữa. Trước có cái thùng xanh mình múc xong có máy nâng lên giờ thì mình múc xong hai người nâng lên, cực khổ".

Thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền thành phố Sài Gòn nên có những chính sách thanh sạch thành phố ngay lúc này cũng như người dân nên tự ý thức về việc bảo vệ môi trường sống của mình để mỗi ngày của người công nhân vệ sinh chỉ đơn thuần là làm xanh thành phố chứ không hẳn phải đối mặt với tử thần.

Published in Việt Nam

Phần đông nạn nhân mua bán người ở Việt Nam bị bóc lột tình dục (24/08/2018)

80% nạn nhân mua bán người ở Việt Nam chủ yếu là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số bị bóc lột tình dục trong thời gian qua. Đó là thống kê được nêu ra tại Phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012-2017 do Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức sáng 23/8 tại Hà Nội.

phunu1

Ảnh chụp vào ngày 9 tháng 5 năm 2014 cho thấy một cô gái dân tộc H'mông Kiab (tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của nhân vật) nhìn ra từ một cửa sổ ở trung tâm phụ nữ bị buôn bán ở Lào Cai. AFP

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, cho biết thời gian qua cơ quan chức năng đã khởi tố hơn 1000 vụ án với hơn 2000 bị can liên quan đến hành vi mua bán người. Số nạn nhân bị mua bán được nêu ra là 3100 người, trong đó số nạn nhân vẫn chưa được giải thoát là 519 người.

Bộ Công an cho biết 90% nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, 80% là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Báo cáo của Bộ Công an cũng nêu rõ chủ yếu các nạn nhân bị bán sang Trung Quốc và bị cưỡng ép làm vợ người dân bản địa, bị bóc lột tình dục và cưỡng bức lao động.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cho hay tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu tại hai tuyến biên giới Việt-Trung và Việt Nam – Campuchia.

Các tội phạm buôn người được nhận định ngày càng có thủ đoạn tinh vi, hoạt động có tổ chức xuyên quốc gia. Một số hình thức được nêu ra như thông qua các trang mạng xã hội để dụ dỗ, rủ rê các nạn nhân đi chơi, mua sắm ở các chợ giáp biên giới. Bên cạnh đó là các hình thức môi giới hôn nhân, giới thiệu lao động nước ngoài, nhận con nuôi.

Thường trực Ủy ban tư pháp, bà Mai Thị Phương Hoa, nói tại Phiên giải trình rằng việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hiện nay có rất nhiều hạn chế. Bà Hoa cho rằng quá trình thực hiện chưa được nhiều địa phương quan tâm, không hỗ trợ cho các nạn nhân mà đưa trực tiếp họ về ngay cho gia đình.

Mức chi phí hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán người cũng được Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá là thấp với 900 ngàn đồng/tháng nhưng được biết vẫn cao hơn các đối tượng người già, trẻ em, người tàn tật, neo đơn với 540 ngàn đồng/tháng.

**********************

Phụ nữ Việt Nam được giải cứu khỏi nhà thổ ở Đài Loan (RFA, 24/08/2018)

10 phụ nữ Việt Nam và Thái Lan vừa được giải cứu khỏi nhà thổ ở thành phố Tân Trúc (Hsinchu), Đài Loan.

Trang Asia Times loan tin vừa nêu vào ngày 23 tháng 8.

phunu2

Ảnh minh họa : Một bảng hiệu quảng cáo nhà thổ ở trung tâm thành phố Đài Bắc, Đài Loan. Hình chụp ngày 23/04/12 -  AFP

Vào sáng ngày 21 tháng 8, Cơ quan Di trú Đài Loan phối hợp với cảnh sát Hạt Tân Trúc bố ráp hai nhà thổ và giải cứu được 10 phụ nữ Việt Nam và Thái Lan hành nghề mại dâm ở đó.

Các nhà thổ ở khu đèn đỏ Tân Trúc thường sử dụng phụ nữ nước ngoài qua các công ty môi giới việc làm để ép buộc những phụ nữ đó tiếp khách từ 10 đến 15 người/ngày và phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ.

Qua lần bố ráp này, chính quyền Đài Loan bắt giữ hai mẹ con chủ sở hữu nhà thổ với cáo buộc buôn người, một phụ nữ Việt Nam họ Nguyễn, nhân viên của một công ty môi giới việc làm, cùng hai bảo vệ.

Published in Việt Nam

Nguồn : RFA, 20/08/2018

Published in Video

Nếu ai đã từng thong dong xe ngựa ven bờ Hồ Xuân Hương, Đà Lạt, chầm chập xích lô ở các phố cổ Hội An, Hà Nội, ắt hẳn sẽ không ngại ngùng bước lên xe lôi khi đến Châu Đốc, An Giang, một thành phố giáp ranh với Campuchia. Dạo quanh các con đường, nghe bác xe lôi vui vẻ trò chuyện hoặc đôi khi thấy bác khéo léo để khách có không gian riêng… nhưng ít ai để ý rằng đằng sau những nụ cười hào sảng của bác phu xe ấy là cả một cuộc đời tất bật kiếm cơm bữa được bữa mất, dãi dầu sương gió nơi vùng biên.

xeloi1

Cuốc xe đêm - RFA

Khi xe lôi là nghề tay phải

Chia sẻ về đời xe lôi của mình, ông Nguyễn Văn Ri, một phu xe ở Châu Đốc cho hay : 

"Xe lôi mua cỡ chừng khoảng 2 triệu ngoài, chạy ngoài một năm mới lấy lại được, bỏ ống ngày 20 ngàn, 30 ngàn vậy đó".

Ông Trần Thanh Xuyên, một phu xe khác chia sẻ :

"Bình quân một ngày cũng kiếm được 50 ngàn, 70 ngàn, tôi chạy xe lôi được ba chục năm, bốn chục năm rồi. Nó thấp hơn lúc trước là tại vì xe bây giờ ra nhiều hơn trước, xe ôm, xe buýt… thành ra số lượng khách có nhu cầu xe lôi bị giảm bớt".

Cũng như nhiều người khác, ông Ri và ông Xuyên xem nghề xe lôi là nghiệp kiếm cơm của mình. Với diện tích nội thị chưa tới 10 km², thành phố Châu Đốc có ngót nghét 1.000 phu xe lôi. Họ là những người đã từng kéo xe lôi một thời rồi lại bôn ba tứ xứ làm thuê, đến khi thấy rằng không còn đủ sức bôn tẩu nữa thì lại trở về quê nhà, bầu bạn cùng nghề cũ để kiếm tiền trang trải trong gia đình. Cũng có không ít người gắn với nghề xe lôi cả mấy mươi năm, từ lúc trai trẻ đến lúc sinh con đẻ cái. Những đồng thu nhập ít ỏi từ xe lôi chính là nguồn chu cấp cho con cái họ ăn học và cũng chính là nguồn sống lúc về già của họ.

Ông Nguyễn Văn Ri chia sẻ thêm :

"Như hồi xưa thì bây giờ chạy cho có hình thức thôi, con người cho khỏe khoắn thôi. Xưa chạy kiếm được trăm ngoài, bây giờ kiếm được có vài chục. Nó chuyên chở cho bạn hàng, lặt vặt vậy đó".

Ông Ri nói đùa rằng, những phu xe kinh nghiệm như ông được nhiều người ‘chọn mặt gửi vàng’ tức là giao hàng cho họ chở, từ những mặt hàng tiêu dùng như rau, cá, củ, trái… cho đến những hàng dễ vỡ như chén bát, sành sứ… và đôi khi là đón con giúp những tiểu thương bận bịu không kịp giờ đón con nhỏ ở trường về.

Nhiều phu xe lôi tâm sự mặc dù ngày đạp xe uể oải, bữa nào được thì về sớm, bữa nào ít khách thì ráng đợi, tìm mối mà đạp đến tối để kiếm thêm đôi ba đồng, nhưng được cái tối về được bà xã xoa bóp dầu cho, được thấy những đứa con nhỏ vui đùa bên nồi cơm có đủ miếng rau, miếng thịt, thế là bao nhiêu uể oải đều qua.

Ông Trần Thanh Xuyên, phu xe lôi ở Châu Đốc chia sẻ thêm : 

"Thu nhập khoảng chừng bảy chục, tám chục ngàn là đủ sống, chi tiêu hằng ngày, ăn uống cũng chừng đó à, nhiều khi xe cộ hư hao phải mượn nợ để sửa chữa phương tiện để có mà chạy. Chạy từ 7 giờ đến gần 10 giờ về nghỉ trưa, trưa thì 1 giờ đến 5 giờ, 6 giờ chiều mới nghỉ, nhiều khi mà ế nữa thì mình chạy tới tối luôn".

Khi xe lôi là nghề tay trái

Khắc hẳn với những bác xe lôi kinh nghiệm suốt đời gắn với xe lôi, nhiều thanh niên ở Châu Đốc chọn xe lôi là nghề tay trái, là nghề để kiếm đôi đồng chi tiêu khi chưa tìm được việc gì khác. Họ thường bỏ ra một số vốn lớn hơn để tậu những chiếc xe lôi đẹp hơn chút nhằm nhắm tới khách đi là khách du lịch thập phương đến Châu Đốc.

Anh Nguyễn Văn Xuyên, một phu xe trẻ ở Châu Đốc chia sẻ :

"Cũng được 100, ngoài 200 (200.000 VND) cũng đủ chi tiêu trong nhà, cũng không dư dả gì đâu. Mình chạy ban đêm, ban ngày mình nghỉ. Cũng có khi chạy ngày nghỉ hai ngày, ba ngày không chừng, đi làm việc khác chứ nghề này chạy bấp bênh, nó đâu có khách gì bao nhiêu đâu".

xeloi2

"Cuốc xe sáng" của một bác xe lôi ở Châu Đốc. Ảnh : RFA

Theo anh Xuyên, với thu nhập đôi khi vài chục, đôi khi vài ba trăm ngàn, anh không thể dựa vào xe lôi để sống mà phải kiếm thêm thu nhập từ nhiều công việc khác. Cũng vì thế mà ban đầu anh và một số phu xe khác đạp xe lôi cả ngày nhưng sau chuyển dần nhiều về ban đêm, lúc khách du lịch đã mệt mỏi với xe cộ theo tour và muốn tự mình tận hưởng chút không khí yên bình của xứ chùa núi Châu Đốc. Mỗi năm có khoảng vài triệu lượt khách đến với xứ Bảy Núi, nhiều nhất là khách du lịch tìm đến Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam. Họ là những người thường xuyên sử dụng xe lôi, giúp các phu xe có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.

Anh Xuyên chia sẻ thêm :

"Lâu lắm rồi, không biết nghề xe lôi ra từ hồi nào, nhưng cứ tính ở thị xã Châu Đốc này cả ngàn chiếc xe lôi, đủ lớp, người chạy, người bỏ giờ lấy ra chạy kiếm cơm hằng ngày thì cũng được…".

Cùng độ tuổi với anh Xuyên, nhiều phu xe trẻ khác ở Châu Đốc chia sẻ rằng họ chọn nghề xe lôi bởi xe lôi như một nét văn hóa của xứ biên giới này. Từ thuở nhỏ theo mẹ đi chợ trên những chuyến xe lôi, thi thoảng vãn cảnh chùa với bà cũng từ những chuyến xe lôi, dần dà khi lớn lên, xe lôi như có gì đó cuốn hút, ăn sâu vào máu của họ, để rồi khi thất cơ lỡ vận, họ chọn nghề xe lôi để kiếm thu nhập trong những ngày khốn khó. Và rồi khi tìm được công việc khác, họ vẫn kiên trì kéo xe vào buổi tối để thỏa cái máu ‘kéo xe’ của mình, cũng là để giữ một chân phòng khi sa cơ lỡ vận.

Cũng vì thế mà họ cảm giác rất biết ơn những khách du lịch đã đến vùng đất của họ, để có thể nhìn thấy những cảnh đẹp ở đây, để có thể cảm nhận không khí ở đây, để có thể cùng chiêm bái những công trình đa sắc tộc, tôn giáo ở xứ này và đương nhiên là để có thể giúp họ có thu nhập trong việc kéo xe lôi.

Tuy nhiên không ít trong số họ cũng thầm nguyền rủa du lịch đã mang không ít những du khách không lịch sự, coi đồng tiền của họ như vua và chà đạp lên sự nhẫn nại cũng như nhân phẩm của người lao động. Một anh phu xe tâm sự là có lần anh đã phải mất công đạp, kéo xe gần 1 giờ đồng hồ quanh các con đường ở chợ Châu Đốc chỉ để hai đôi thanh niên nam nữ ngắm cảnh, chụp hình, lên xe xuống xe trả chát rồi bảo xe cũ ngồi đau xương, yêu cầu đạp nhanh để họ được chụp hình tóc bay trong gió và rồi xuống xe chỉ trả anh một nửa số tiền thỏa thuận bởi "xe không đạt chất lượng"...

Anh xe lôi tự thấy buồn vì cảm giác mình cũng còn là thanh niên, mặc dù trạc ba mươi tuổi nhưng anh chưa có vợ con gì, mà được hai đôi nam nữ kia gọi là chú rồi lại "trác tiền" chú… có lẽ bởi da, tóc anh đã nhuốm màu mưa nắng. Nhưng đó cũng chưa phải là điều anh buồn nhất bởi anh nghĩ rằng sinh ra ở chốn nghèo khó như anh còn có lòng sỉ diện, sự tử tế thì sao những cô cậu con nhà giàu, sinh ra không lo nơi ăn chốn ở, không bận tâm chi phí học hành, được đi đây đi đó nhiều lại có lối hành xử như vậy ?

Anh nói rằng có vẻ như văn hóa chợ búa Trung Hoa đã ngấm trong không ít du khách Việt Nam khi đến vùng đất này, bởi họ cũng bốp chát, cũng ồn ào,… làm cho cái chân anh nhiều khi không muốn đạp. Tuy nhiên anh cũng có điều lấy làm mừng rằng khách Trung Quốc vẫn chưa tìm đến vùng đất này nhiều, điều đó sẽ giữ cho Châu Đốc còn chút bình yên cuối ngày.

Ngày lại ngày trôi, đôi tay cứ lái và đôi chân cứ đạp, tay quẹt mồ hôi lúc chở hàng nặng và miệng cười hồn nhiên khi giới thiệu Châu Đốc cho những du khách ngồi trên xe… những phu xe lôi vẫn miệt mài kiếm cơm nơi góc phố, con đường, khu chợ… mặc cho mưa nắng, mặc cho tuổi tác, mặc cho thu nhập lúc ít lúc nhiều… bởi đâu đó trong tâm hồn họ, lôi xe như một nghiệp dĩ của đời mình.

Nhóm phóng viên

Nguồn : RFA, 16/08/2018

Published in Văn hóa

Trần Thị Nga bị đánh đập và đe dọa giết chết trong trại giam Gia Trung (RFA, 18/08/2018)

Tin từ ông Lương Dân Lý cho biết, trong lần gọi điện thoại về nhà mới đây, bà Nga đã nói thật nhanh vào lúc cuối cuộc gọi để cho gia đình biết rằng biết trong thời gian qua, bà Nga liên tục bị đánh đập và bị dọa giết chết. Bên cạnh đó, rất nhiều thư từ của những người thương mến gởi vào trại thăm hỏi, thì bà Nga cũng không hề nhận được.

ttn1

Bà Trần Thị Nga và hai con thơ trước khi bị bắt - Ảnh minh họa

Được biết mỗi tháng bà Nga được gọi điện thoại về nhà một lần. Mỗi lần chỉ có 5 phút và có quản giáo đứng bên cạnh kiểm soát.

Trong lần thăm nuôi vào cuối tháng 7/2018, ông Lý được bà Nga cho biết bà bị giam chung với nữ phạm nhân hình sự côn đồ nổi tiếng của trại, có biệt danh là Hải Hô. Hầu hết những tù nhân nữ đã chịu án ở trại Gia Trung, Gia Lai như bà Bùi Thị Minh Hằng, bà Cấn Thị Thêu… đều biết về nhân vật này.

Ông Lý cho biết rằng khi thấy gia đinh lo lắng, bà Nga đã trấn an, và nói rằng "chúng ko dám đánh chết em đâu, nên anh cứ yên tâm và cũng đừng làm gì để mọi người phải lo lắng quá cho em".

Trong cuộc trò chuyện nhanh với ông Lương Dân Lý vào ngày 18/8/2018, ông cho biết lý do bà Nga bị hành hạ như vậy, bởi bà tuyên bố không công nhận và mức án của tòa án nhà nước Việt Nam áp đặt cho bà. Thậm chí khi gia đình đến thăm nuôi, công an trại giam buộc bà phải bận áo tù mới cho gặp gia đình, bà đã nhất quyết từ chối và chấp nhận mọi sự trừng phạt.

Những người tù nhân lương tâm như bà Trần Thị Nga hay bà Cấn Thị Thêu, bà Bùi Thị Minh Hằng… luôn nhận được những tờ đánh giá – tức một cách theo dõi tư tưởng, đồng thời là một cách ghi nhận việc người có xin nhận tội để được khoan hồng hay không. Dĩ nhiên cách thức này luôn bị thất bại đối với những người phụ nữ có lý tưởng vì nhân quyền hay hoạt động tiến bộ xã hội. Việc thể hiện sự dứt khoát hay phản ứng trong các tờ khai đánh giá như vậy, cũng có thể khiến họ bị trừng phạt theo cách nào đó.

Việc sắp đặt để tù hình sự ở cùng phòng rồi kiếm cớ đánh đập, sách nhiễu không phải là chuyện cá biệt của bà Trần Thị Nga. Trước đây, các tù nhân lương tâm khác, ở các trại giam khác nhau, như Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Phạm Thanh Nghiên… cũng đều trãi qua tình trạng tồi tệ này. Cho thấy, cách hành xử này mang tính hệ thống chứ không phải là một hành động riêng biệt của riêng một trại.

Bên cạnh đó, nhiều lần trại giam đã ngăn không cho các con của bà Nga vào thăm mẹ, mà không có lý do nào. Chỉ đến khi gia đình và bạn bè phản ứng liên tục với trại giam thì các con của bà mới được cho vào gặp.

"Đó là những trò hành hạ, hay có thể gọi là trả thù rất bẩn thỉu mà cán bộ trại giam luôn nhắm vào chúng tôi (các tù nhân lương tâm) để gây khó khăn cho chúng tôi", bà Bùi Thị Minh Hằng, một người đã chịu án 3 năm tù giam ở trại Gia Trung, nhận định như vậy trong buổi nói chuyện ngày 18/8. Bà Hằng cũng nhấn mạnh rằng các giám thị phụ trách kiểm tra tình trạng trại giam phải chịu trách nhiệm về việc này vì đã để mặc cho việc tấn công tù nhân diễn ra. Bà Hằng cũng nêu tên một viên chức quản lý và kiểm tra ở trại Gia Trung có tên là Nguyễn Đình Ba, là người phải chịu trách nhiệm.

Ông Lương Dân Lý cho biết ông sẽ làm đơn khiếu nại với trại giam Gia Trung, cũng như gửi đơn lên Tổng cục 8, tức Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (cũ) để xin giải quyết trường hợp của bà Nga.

Bà Cấn Thị Thêu, một người tranh đấu chống nạn cướp đất ở Hà Nội từng bị 20 tháng tù ở trại Gia Trung, Gia Lai, nói rằng theo kinh nghiệm của bà, việc bị khủng bố trong tù, cần nhất là lên tiếng cho gia đình được biết, cũng như phải tạo dư luận bên ngoài quan tâm về trường hợp của mình thì mới có hy vọng giảm thiểu được khó khăn.

"Phải bằng mọi cách phải truyền tin ra ngoài. Về mặt luật pháp của Nhà nước thì mình vẫn làm đơn để khiếu nại. Nhưng quan trọng nhất là mượn lực của trong và ngoài nước để đòi nơi giam giữ tôn trọng các nguyên tắc chung. Lần tôi tuyệt thực để phán đối sai trái tại trại Thanh Hóa (2015), bà con ở làng cũng đã tụ tập trước cổng trại biểu tình phản đối việc đàn áp tôi khiến nơi này phải thay đổi thái độ. Còn trường hợp của chị Trần Thị Nga, tôi nghĩ, việc tác động truyền thông bên ngoài đến mọi tầng lớp người Việt, các quốc gia, các cơ quan ngoại giao… là điều hết sức cần thiết lúc này", bà Cấn Thị Thêu nhận định.

Xin được nhắc lại, bà Trần Thị Nga là mẹ của hai đứa con nhỏ, sống tại Hà Nam. Bà bị tòa án của nơi này tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế theo tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại khoản 1 điều 88 bộ luật Hình sự.

Bà Trần Thị Nga (tên trên facebook là Thúy Nga) là một trong số các nhà hoạt động nữ nhiều lần bị đánh đập dã man, thậm chí bị vây đánh bằng gậy sắt đến gẫy chân tay. Ngày thường, bà và các con liên tục bị sách nhiễu bằng đủ hình thức và cấm cản các hoạt động. Năm 2017, bà từng được tổ chức Amnesty International vinh danh là một trong 6 phụ nữ can đảm của năm 2017.

Tuấn Khanh

***************

Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga bị dọa đánh và giết (RFA, 18/08/2018)

Vào sáng ngày 18/8, tù nhân lương tâm Trần Thị Nga từ trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai, đã gọi điện về cho gia đình và cho biết chị đang bị dọa đánh, thậm chí dọa giết chết trong tù. Người phối ngẫu của chị Trần Thị Nga là ông Phan Văn Phong cho đài Á Châu Tự Do biết tin này vào chiều cùng ngày.

ttn2

Nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga (giữa) tại phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh Hà Nam hôm 22/12/2017 - AFP

"Sáng nay Nga gọi điện về nói đợt này chúng nó đánh nhiều lắm và chúng còn dọa giết. Nga chỉ nói vội được thế thôi vì nói nhiều nó cắt", ông Phan Văn Phong cho biết.

Theo ông Phong, chị Nga được phép gọi điện về nhà mỗi tháng một lần, mỗi lần 5 phút. Vì vậy chị không thể nói nhiều thông tin cụ thể với gia đình.

Ông Phong cho biết vào khoảng cuối tháng 7, chị Trần Thị Nga gọi điện báo cho gia đình biết trại giam sắp xếp cho chị ở chung với một phạm nhân khác là Hải hay còn gọi là Hải Hô.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng, người đã từng bị giam giữ ở trại giam Gia Trung cho biết phạm nhân Hải Hô là người đã từng đe dọa bà ở trại giam Gia Trung. Bà Bùi Hằng nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Tôi biết tên và mặt của phạm nhân mà trại đang sắp xếp giam giữ chung với chị Nga. Đó là Nguyễn Thị Hải hay còn gọi là Hải Hô, là một phụ nữ rất đầu gấu. Chính trại đã sắp xếp cô ta ở với tôi. Thời gian đầu cô ta tỏ ra thân thiện và nói với tôi nhiều bí mật nhưng một thời gian sau cô ta không lôi được thông tin gì từ tôi vì tôi rất cảnh giác, thì cô ta trở mặt. Cô ta lần lượt dọa đánh, dọa giết tôi".

Bà Bùi Hằng cho biết những hành động dọa đánh, giết và truy bức từ những phạm nhân khác đã khiến bà phải tuyệt thực để phản đối. Bà Hằng nói :

"Khi tôi ở đó họ cũng cho phạm nhân dọa đầu độc tôi bằng xianua, dọa đánh, giết tôi trước mặt quản giáo, và còn rất nhiều việc khác khiến tôi phải đập đầu và tuyệt thực suốt hai tháng trời. Gia đình ở bên ngoài không được thông tin, hình ảnh gì từ tôi. Trong giai đoạn đó họ cũng cắt cả điện thoại. Tôi đã phải đi cấp cứu vì đứng không vững mà gia đình cũng không biết".

Theo bà Bùi Hằng, những hành động tấn công, dọa đánh, dọa giết của những phạm nhân khác nhắm vào các tù chính trị ở trại Gia Trung chắc chắn phải có sự đồng ý của quản lý trại giam. Bà nói :

"Tất cả những việc này phải có cán bộ sắp xếp và bật đèn xanh chứ không phải tù nhân tự có những hành động đó. Khi sắp chúng tôi ở với ai có nghĩa là giám thị và quản giáo đã làm những điều này".

Đài Á Châu Tự Do đã tìm cách liên lạc với ban quản lý trại giam Gia Trung để tìm hiểu sự việc nhưng các cuộc gọi đều không có người trả lời.

Tù chính trị Trần Thị Nga là người bị kết án 9 năm tù vào ngày 25/7/2017 vì tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.

Việc tù chính trị bị sắp xếp ở chung với các tù hình sự khác và bị đe doạ, bị đánh đập là điều không phải mới.

Tù nhân lương tâm, blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người đang thụ án tù 10 năm vì tội theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, mới đây cũng phải tuyệt thực nhiều tuần để phản đối những hành xử tại trại giam đối với chị. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm cho biết blogger này đã bị ngược đãi, khủng bố, đe dọa đến mạng sống ở trại giam số 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá.

Cuộc tuyệt thực của blogger Mẹ Nấm bắt đầu từ ngày 6/7 và chỉ kết thúc vào ngày 23/7 sau khi đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ đến trại giam thăm chị.

Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng cho biết, trường hợp tương tự cũng xảy ra với bà vào tháng 10/2016 khi đại diện Đại sứ quán Mỹ vào thăm bà ở trại giam Gia Trung. Bà cho biết sau chuyến thăm, trại giam mới đáp ứng phần nào yêu cầu của bà và những ngược đãi, đe dọa đối với bà giảm hẳn.

Bà Bùi Hằng bị kết án 3 năm tù vì tội "gây mất trật tự công cộng" hồi năm 2014. Bà kết thúc án tù vào tháng 2/2017.

Bà Bùi Hằng cho biết, sau khi nghe nhưng thông tin đáng lo ngại về chị Trần Thị Nga, bà sẽ chuẩn bị những thông tin đầy đủ về các phạm nhân mà trại giam Gia Trung sắp xếp giam chung với tù chính trị để công khai cho mọi người biết.

Ông Phan Văn Phong cho biết, ông cũng sẽ chuẩn bị viết đơn gửi lên các cơ quan có thẩm quyền về tình hình của chị Trần Thị Nga ở trong tù.

Published in Việt Nam

Số lượng gấu nuôi tại Việt Nam trong các năm gần đây đang giảm mạnh trong khi những con gấu nuôi còn sót lại đang phải đối mặt với số phận không mấy sáng sủa khi giá mật gấu nuôi giảm vì người tiêu dùng giờ đây thích mua mật gấu tự nhiên hơn.

gau1

Các bác sĩ thú y từ nhóm bảo tồn động vật Four Paws đang kiểm tra tình trạng sức khỏe của một con gấu trong một cơ sở nuôi gấu lấy mật ở Thái Nguyên -  AFP

Kênh Channel NewAsia hôm 17/8 có một bài tìm hiểu về tình trạng gấu nuôi ở Việt Nam, và cho biết số lượng gấu nuôi ở Việt Nam đã giảm từ khoảng 4.500 con trong năm 2005 xuống còn ít hơn 800 con thời gian gần đây. Số liệu này được trích từ các số liệu thống kê chính thức và từ báo cáo của chương trình Free the Bears.

Theo Channel NewsAsia, giá mật gấu tự nhiên có thể đắt gấp 12 lần so với giá mật gấu nuôi.

Hãng tin AFP trích lời một người nuôi gấu cho biết ông ta đã từng kiếm được 10 đô la cho mỗi ml mật gấu nhưng bây giờ ông chỉ kiếm được 2 đô la cho mỗi ml.

Ông Brian Crudge, giám đốc chương trình nghiên cứu của Free The Bears nói với hãng tin AFP rằng việc nuôi gấu giờ đây không còn có lãi nữa và vì vậy người nuôi cho gấu ăn ít hơn, và để chúng chết dần. Ông cho biết hiện có khoảng 200 con gấu ở các trung tâm cứu hộ của Việt Nam. Ông Crudge lo ngại nhiều con gấu sẽ bị chết đói hoặc bị giết để người ta có thể bán các bộ phận cơ thể của chúng.

Tay gấu được sử dụng như một món ăn đặc sản trong súp hoặc dùng để ngâm rượu. Xương gấu được dùng để nấu trong khi răng và móng của gấu được dùng làm đồ trang trí hoặc trang sức.

Việt Nam trong các năm qua đã bị chỉ trích về tình trạng buôn bán động vật hoang dã. Vào năm ngoái chính phủ Việt Nam đưa ra cam kết xóa bỏ hoàn toàn các trang trại nuôi gấu chậm nhất là đến năm 2022.

Published in Việt Nam