Ngày 08/05/2018, tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà Washington dưới thời Barack Obama và 5 nước Nga, Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc đã ký với Iran hồi năm 2015 tại Vienna. Sự kiện 08/05 đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ quốc tế. Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đã chôn vùi mọi nỗ lực hợp tác đa phương trong cộng đồng tế. Người được, kẻ mất. Người vui, kẻ buồn.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi - phải) tiếp đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif, tại Bắc Kinh, ngày 13/05/2018 Reuters/Thomas Peter
Nếu quyết định trên được Israel và Saudi Arabia hoan nghênh, thì nó lại bị các nước Châu Âu, Nga và Trung Quốc chỉ trích. Hậu quả của việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạn nhân Iran đối với các nước Châu Âu đã được nhắc tới nhiều. Còn hệ quả đối với Châu Á thì sao ? Trên đây là câu hỏi đặt ra trong bài viết "Thỏa thuận hạt nhân Iran : Châu Á hưởng lợi hay bị thiệt hại thế nào từ việc Mỹ rút lui ?".
Bài viết của nhà báo, chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Fabien Herbert, và được đăng trên trang mạng Châu Á Asialyst ngày 29/05/2018.
Nga và Trung Quốc, hai đầu tầu đưa đưa Iran hòa nhập vào Châu Á, phản ứng thế nào về quyết định của tổng tống Mỹ Donald Trump ?
Nga chắc chắn là quốc gia chỉ trích mạnh mẽ nhất quyết định của Donald Trump. Trước khi tổng thống Mỹ thông báo, ngay từ hồi tháng 04/2018, Moskva đã ủng hộ Tehran khi Iran từ chối thương lượng về một thỏa thuận hạt nhân mới. Trong lĩnh vực kinh tế, Nga, cũng như Liên Hiệp Châu Âu, đều không có lợi gì khi Washington áp dụng biện pháp trừng phạt các doanh nghiệp làm ăn với Iran. Nhưng khác với các nước Châu Âu, Nga dường như quyết tâm duy trì quan hệ thương mại với Iran.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết năm 2015, Moskva và Tehran đã có thể xích lại gần nhau trong chính sách địa chính trị thông qua lĩnh vực kinh tế. Hai nước vốn có chung quan điểm về hồ sơ khủng hoảng Syria : cả hai đều là đồng minh của chế độ Bachar al Assad. Trao đổi thương mại giữa hai nước, sau khi sụt giảm còn 1,24 tỉ đô la vào năm 2015 đã tăng vọt lên thành 7 tỉ đô la trong năm 2016, với các hợp đồng trị giá tới 40 tỉ đô la, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và quân sự.
Nga đã dùng "Liên minh kinh tế Á-Âu" để đáp trả quyết định của Mỹ, với việc ký một thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại giữa Iran và Liên minh kinh tế Á-Âu, hướng tới hiệp định tự do mậu dịch dự kiến được ký kết trong 3 năm tới. Như vậy, Nga đang cho thấy họ muốn ủng hộ đồng minh mới Iran.
Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng "chừng mực hơn". Chính phủ Trung Quốc thông báo chính thức là "lấy làm tiếc" về quyết định của Donald Trump và khẳng định muốn "duy trì quan hệ với tất cả các bên". Hiện nay, Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Iran nên việc Bắc Kinh có quyết định ngả theo Mỹ hay không sẽ có hệ quả rất lớn đối với nền kinh tế Iran. Tạm thời, Bắc Kinh có quyết định khá giống Moskva và muốn tiếp tục quan hệ thương mại với Tehran, duy trì các hợp đồng đã ký kết với Iran. Các hợp đồng này có giá trị trong vòng 25 năm và lên tới 600 tỉ đô la.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hưởng "những món hời lớn" khi Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân Iran. Quyết định của Mỹ sẽ buộc các doanh nghiệp Châu Âu rút lại các hợp đồng và ngưng đầu tư vào Iran. Điển hình là trường hợp của tập đoàn Total của Pháp. Total đã buộc phải thông báo không thể tiếp tục dự án đầu tư vào Iran, vì các lợi ích của tập đoàn Pháp trong làm ăn với Hoa Kỳ là rất lớn. Ngay lập tức, tập đoàn dầu khí Trung Quốc CNPC đã thế chân Total ký nhiều hợp đồng với Iran. Chắc chắn sẽ còn nhiều tập đoàn Trung Quốc hưởng lợi như vậy nếu các doanh nghiệp Châu Âu ngưng đầu tư vào Iran.
Tehran cũng ý thức được tầm quan trọng của các nhà đầu tư Trung Quốc. Sau ngày 08/05, Bắc Kinh là đối tác đầu tiên ngoại trưởng Iran Zarif tìm đến để thảo luận về tương lai. Chuyến đi đó cũng là điều tất yếu.
Ấn Độ và Hàn Quốc bị ảnh hưởng như thế nào ?
Nga và Trung Quốc phản đối Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Iran là điều dễ hiểu, vì hai quốc gia này đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, không chỉ Trung Quốc và Nga, mà nhiều nước Châu Á khác đều được hưởng lợi khi quốc tế bỏ cấm vận Iran vào năm 2015. Đó là trường hợp của New Delhi. Ấn Độ là khách hàng lớn thứ hai của Iran, sau Trung Quốc, còn Hàn Quốc là khách hàng lớn thứ ba và nhà cung cấp quan trọng thứ tư cho Iran.
Năm 2015, New Delhi đã tranh thủ thỏa thuận hạt nhân Iran để xích lại gần Tehran. Ngoài các lý do kinh tế, Ấn Độ cũng không muốn để kẻ thù Pakistan là nước duy nhất được hưởng lợi từ thỏa thuận này. Tháng 02/2017, New Delhi và Tehran cũng đã ký 15 hợp đồng và bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác, trong đó có hợp đồng liên quan đến xây dựng một đường ống dẫn dầu mà Nga cũng sẽ tham gia. Trước đó, hồi năm 2016, Ấn Độ và Afghanistan đã cùng ký với Iran thỏa thuận phát triển cảng biển Chabahar ở nước này, nhằm cạnh tranh với các nhà đầu tư Trung Quốc vào cảng biển Gwadar của Pakistan.
Hiện nay, Ấn Độ đang lâm vào thế khó xử. Liên minh với Washington trên sân khấu địa chính trị để tạo đối trọng với Trung Quốc ở Châu Á, nhưng New Delhi lại không muốn ngả hẳn sang Mỹ trên hồ sơ Iran.
Còn đối với Hàn Quốc, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là một cơ hội để Seoul xích lại gần Tehran cả về kinh tế và ngoại giao. Hồi năm 2016, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã sang thăm Tehran. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc công du Iran. Sau đó, trong năm 2017, Iran đã ký một hợp đồng trị giá 720 triệu euro với đại tập đoàn Hyundai. Nhưng có lẽ sẽ rất khó để Seoul tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Tehran và chấp nhận bị Mỹ trừng phạt, vì lợi ích của Hàn Quốc gắn liền với Mỹ, cả về kinh tế và địa chính trị. Tạm thời, New Delhi và Seoul đều chưa đưa ra các quyết định liên quan tới đầu tư vào Iran.
Nói tóm lại, tại Châu Á, việc Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran không chỉ liên quan đến lợi ích kinh tế mà ảnh hưởng mạnh mẽ tới chiến lược địa chính trị trong khu vực. Iran thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong khu vực, trước tiên là Nga và Trung Quốc. Hai nước này đều muốn kéo Iran vào "trục chống Mỹ" tại Châu Á. Về phần Ấn Độ, nước này cũng có lợi nếu duy trì quan hệ với Iran để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại lục địa này.
Và cuối cùng, việc Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng có những tác động tới hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Đường lối hòa giải của tổng thống Iran Hassan Rohani đối với phương Tây đã bị tổng thống Mỹ phá hỏng. Điều này có thể củng cố thêm chiến lược hiện tại của Kim Jong Un : duy trì vũ khí nguyên tử, bởi vì Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ tránh khỏi nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.
Thùy Dương biên tập
Nguồn : RFI, 07/06/2018
Thỏa thuận hạt nhân Iran : Khủng hoảng giữa Donald Trump và Châu Âu
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định hạt nhân Iran là chủ đề thời sự chính của các báo Pháp ra hôm nay. Có thể thấy chủ đề này xuất hiện khắp trang nhất của các tờ báo chính, chủ yếu được nhìn qua góc độ quan hệ đồng minh Mỹ-Châu Âu thêm rạn vỡ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron, đi dạo trong khu vườn Nhà Trắng, Washington, ngày 23/04/2018 - Reuters/Joshua Roberts/File Photo
Le Monde nhận xét : "Trump và Iran : Sự tuyệt giao đầy hiểm họa". Les Echos thì nhìn thấy một "cuộc đọ sức đáng lo ngại" giữa tổng thống Trump và Rohani tiếp sau quyết định này. Nhật báo Libération dành toàn bộ trang nhất cho tấm ảnh ghép hình ông Trump đang đối diện với ba lãnh đạo Châu Âu gồm : tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức, Angela Merkel và thủ tướng Anh, Theresa May cùng tựa lớn "Iran : Tiến lên không có ông ta !". Tờ báo nhận định :"Phá vỡ thỏa thuận hạt nhân Iran, Donald Trump làm xáo trộn ổn định Trung Đông. Mọi cái nhìn giờ hướng về Châu Âu". Trong khi Le Figaro nhấn mạnh "Iran : Khủng hoảng mở giữa Trump và Châu Âu".
Le Figaro bình luận bằng giọng khá nặng nề : "Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Mỹ đã quay lưng lại với Châu Âu, hạ thấp ba đồng minh lớn nhất trong khối NATO và phá hoại công việc của ba thế hệ nhằm đẩy lùi hiểm họa nguyên tử".
Tờ báo điểm lại, từ khi nhà tỉ phú New York nhậm chức, Châu Âu đã biết đến nhiều quyết định đầy thất vọng của tổng thống Trump : Rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, công kích liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là "lỗi thời", chuyển sứ quán Mỹ sang Jerusalem, đánh thuế nhập khẩu nhôm thép. Nhưng lần này, rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thực sự là một "cơn giông lớn trực tiếp đổ xuống Châu Âu", xé nát phương Tây.
Theo Le Figaro : Giờ đây thì sao ? Dù tổng thống Trump có thực sự muốn tìm kiếm một thỏa thuận "rộng hơn" để kiểm soát chặt hơn nước Cộng hòa Hồi giáo (Iran) hay không, thì trách nhiệm nặng nhất từ giờ trở đi đặt lên vai Châu Âu, hay nói đúng hơn là trên vai lãnh đạo ba nước Pháp, Đức, Anh. Mọi nỗ lực kiên trì của Châu Âu để nối lại quan hệ với Iran giờ sắp bị xóa sạch cùng với việc hàng loạt các đại tập đoàn của Châu lục này chuẩn bị sẽ phải rời bỏ Iran.
Cho đến lúc này, ngoài những tuyên bố tỏ quan điểm với hành động đơn phương của Donald Trump, Bruxelles chưa phác thảo một sự đáp trả nào với Donald Trump.
Hệ lụy trên phạm vi quốc tế
Xã luận của Le Figaro nhận định : "Rút ra khỏi thỏa thuận, Trump chỉ càng làm mạnh thêm các thành phần cực đoan ở Iran, ngay từ đầu vẫn chống lại việc kiểm soát chương trình hạt nhân Iran. Quyết định lập lại các trừng phạt từ trước năm 2015 nhân danh bảo vệ lợi ích Mỹ chỉ càng gây thêm hiệu ứng cô lập Hoa Kỳ".
Tờ báo kết luận : "Thế giới càng thêm bất trắc kể từ hôm thứ Ba (08/05). Hoa Kỳ còn tin cậy nào nữa để đàm phán với Bắc Triều Tiên sau hành động quay ngoắt này. Xé bỏ thỏa thuận Vienna trong khi Iran vẫn tôn trọng các nghĩa vụ trong đó và những nước ký kết khác vẫn đòi duy trì, Trump có nguy cơ làm mất ổn định thêm quan hệ quốc tế, một trật tự mà Hoa Kỳ cho đến giờ vẫn giữ vai trò như là người bảo lãnh".
Trong khi đó xã luận của Libération đặt vấn đề : "Mỹ rút khỏi hiệp định hạt nhân biết đâu lại chẳng là một cơ hội cho Châu Âu ? Đồng ý là nhiều hợp đồng sẽ bị hủy bỏ và các công ty sẽ khổ sở, giá dầu mỏ có cơ tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng thế giới, phe bảo thủ có thể lấy lại quyền lực ở Tehran và xã hội dân sự Iran sẽ bị thiệt thòi…"
Nhưng sự đảo lộn quan hệ liên minh có thể dẫn đến hình thành lại mối cân bằng địa chính trị, biết đâu lại có lợi cho Châu Âu. "Quả thực Châu Âu đang bị dồn đến chân tường. Hoặc Châu Âu khuất phục để chính sách đối ngoại và thương mại của mình bị người Mỹ áp đặt, hoặc họ phải biến Châu Âu thành một cường quốc không chỉ về kinh tế mà cả chính trị". Libération cho rằng "nói thì dễ hơn làm nhưng ít ra đây cũng là một lần hiếm hoi các lãnh đạo chủ chốt Châu Âu đồng lòng và Trung Quốc lại ở bên cạnh họ. Sẽ là đáng tiếc nếu bỏ lỡ cơ hội này".
Ai thiệt hại nhất khi không còn hiệp định hạt nhân Iran
Vẫn liên quan đến quyết định của tổng thống Trump, nhưng ở góc độ hậu quả kinh tế. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài liệt kê " Những rủi ro của các tập đoàn nước ngoài tại Iran" khi lệnh trừng phạt Mỹ sẽ được áp dụng đầy đủ.
Theo Les Echos, các công ty Châu Âu và đặc biệt là Pháp đã ùa vào Iran sau hiệp định được ký năm 2015, nhanh hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp Mỹ. Lần lượt Renault, PSA, Total rồi Airbus đều đã chiếm lĩnh thị trường đầy hứa hẹn này, trong khi mà Boeing vẫn còn thận trọng và lưỡng lự.
Các tập đoàn phương Tây làm ăn ở Iran từ năm 2015 giờ đây đều bị đe dọa bởi quyết định chính quyền Mỹ. Bộ Tài Chính Mỹ gia hạn cho họ từ 90 đến 180 ngày để có thể hủy cam kết với Tehran, trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực kể từ ngày 4/11 tới. Các trừng phạt của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu lửa của Iran, các giao dịch bằng đô la với ngân hàng trung ương của nước này và cả những thiết bị hàng không xuất sang Iran, mua bán các loại kim loại… Các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Iran cũng nằm trong diện bị tư pháp Mỹ trừng phạt vì làm ăn với những đối tượng bị Mỹ cấm vận.
Các công ty Pháp có thể sẽ bị thiệt hại lớn, nhất là Airbus. Hợp đồng trị giá 10 tỉ euro của tập đoàn chế tạo máy bay này sẽ trở nên vô hiệu. Tập đoàn dầu khí Total, từ sau 2015 đã đổ hơn 3 tỉ euro đầu tư vào Iran. Hai nhà chế tạo xe hơi Pháp là Peugeot và Renault đang đà ăn nên làm ra ở Iran, mỗi năm bán ra thị trường này hàng trăm nghìn xe, nay hoạt động có thể bị đình trệ. Thặng dư thương mại của Pháp với Iran đã tăng từ 500 triệu euro năm 2015 lên 1,5 tỉ euro năm 2017.
Theo Libération, bộ Tài Chính Pháp đang nghiên cứu rất kỹ các quyết định của bộ Tài Chính Mỹ để giảm thiểu tác động của trừng phạt Mỹ cho các nhà chế tạo xe hơi Pháp ở Iran.
Hối hả hoạt động ngoại giao quanh hồ sơ Bắc Triều Tiên
Chuyển qua một thời sự khác đang được báo chí đặc biệt quan tâm theo dõi. Đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Donald Trump. Nhật báo Le Monde dành chú ý tới chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng hôm 9/5 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Bắc Triều Tiên.
Tờ báo ghi nhận : "Viễn cảnh của cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đang làm cho các màn ngoại giao ở khu vực Đông Bắc Á trở nên náo nhiệt".
Tổng thống Mỹ cuối tuần qua đã tung lên Twitter rằng địa điểm thời gian cuộc gặp của ông với lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã được ấn định, nhưng ông không tiết lộ chi tiết. Để xúc tiến tổ chức cuộc gặp mặt lịch sử này mà ngoại trưởng Mỹ, vừa được chính thức bổ nhiệm ít ngày, đã bay tới Bình Nhưỡng. Đây là lần trở lại Bắc Triều Tiên của ông Pompeo trong vòng chưa đầy một tháng. Trong tuần lễ Phục Sinh vừa rồi, ông Mike Pompeo, khi đó còn là giám đốc CIA đã tới Bình Nhưỡng kín đáo, tiếp xúc với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần này, mục tiêu của ông Pompeo sẽ tập trung chuẩn bị nội dung đàm phán của hai bên, trong đó gai góc nhất là lịch trình và phương thức "giải trừ hạt nhân" của bán đảo Triều Tiên.
Trước khi tiếp ngoại trưởng Mỹ hai ngày, lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un đã bay sang Đại Liên, Trung Quốc để gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Từ tháng Ba, đây cũng là chuyến đi thứ hai của Kim Jong-un tới Trung Quốc với mục tiêu vẫn là hồ sơ"giải trừ hạt nhân" bán đảo Triều Tiên.
Cũng trong khoảng thời gian này, tại Tokyo một cuộc gặp giữa thủ tướng Nhật, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Trung Quốc cũng diễn ra và chủ đề trọng tâm cũng không ngoài tiến trình giải trừ hạt nhân hòa bình của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của Le Monde, cuộc gặp tại Tokyo còn có mục đích giúp Nhật Bản thoát khỏi thế tương đối bị đơn độc kể từ khi các cuộc đối thoại liên Triều ngày thêm tiến bộ rõ nét. Cũng từ cuộc gặp thượng đỉnh Moon Jae In và Kim Jong-un, Seoul dường như đã có vẻ bớt cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, điều mà Nhật Bản vẫn khăng khăng không hề muốn.
Các màn ngoại giao hối hả đang đem lại những tín hiệu lạc quan về một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.
Anh Vũ
Điều gì sẽ xảy ra khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ? (VOA, 09/05/2018)
Hôm 8/5, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà nước này đã ký kết với các cường quốc khác Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran hồi năm 2015.
Tổng thống Donald Trump ký Memorandum về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Tòa Bạch Ốc, 8 tháng Năm, 2018.
Hành động này sẽkhiến Iran trả đũa và có thể dẫn đến nhiều hậu quả cho khu vực Trung Động. Hãng tin Reuters đã đưa ra những kịch bản sau đây :
Về Hiệp định :
Giới chức Iran nói rằng một lựa chọn họ đang nghiên cứu là rút hoàn toàn ra khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons, viết ngắn gọn là Non-Proliferation Treaty-NPT). Lãnh tụ tối cao nước này Ayatollah Ali Khamenei nói rằng nước ông không quan tâm đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu Iran rút ra khỏi NPT, thì nó sẽ là hồi chuông báo động toàn cầu.
"Điều này có thể là một con đường thảm họa cho Cộng hòa Hồi giáo vì họ sẽ bị cô lập", ông Ali Alfone, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.
Ngay cả khi Iran không rút ra khỏi NPT, họ vẫn tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium vốn bị giới hạn ngặt nghèo trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân. Iran đã dừng sản xuất uranium làm giàu ở cấp độ 20% và đã giao nộp phần lớn kho vũ khí của họ như là một phần của thỏa thuận năm 2015.
Trong tuần này, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran, ông Ali Akbar Salehi, nói rằng Iran đã có thể làm giàu uranium đến một mức độ cao hơn khả năng của họ trước thỏa thuận.
Hành động của Iran có thể bị ảnh hưởng của mức độ mà các bên ký kết khác phản ứng trước sự rút lui của Mỹ, theo các nhà phân tích. Điều này tùy vào mức độ mà Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh rằng các công ty của họ sẽ vẫn tiếp tục làm ăn với Iran theo khuôn khổ một thỏa thuận quốc tế được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua, mức độ ủng hộ ngoại giao của Nga dành cho Iran, và liệu Trung Quốc muốn gắn kết Iran vào Dự án "Một vành đai, Một con đường" của họ.
Chính quyền Trump đe dọa rằng những ai vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ sẽ bị hệ thống ngân hàng Mỹ cấm cửa. Trong số các nước ký kết còn lại, chỉ có Trung Quốc, nước mua nhiều dầu mỏ của Iran nhất, là có khả năng bỏ ngoài tai lệnh cấm này.
Iraq
Khi Nhà nước Hồi giáo chiếm phần lớn lãnh thổ Iraq hồi năm 2014, Iran đã nhanh chóng ủng hộ chính phủ Iraq. Từ đó, Tehran đã giúp trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh. Lực lượng Huy động Quần chúng (PMF) này cũng là một lực lượng chính trị quan trọng ở Iraq.
Nếu thỏa thuận sụp đổ, Iran có thể khuyến khích các nhóm PMF vốn muốn Mỹ rời khỏi Iraq đẩy mạnh các lời lẽ chống đối và có thể là hành động quân sự nhằm vào lực lượng Mỹ.
Những hành động quân sự này có thể là tên lửa, đạn cối và đánh bom ven đường không có liên hệ trực tiếp đến lực lượng dân quân Shi’ite nào cụ thể. Điều này giúp cho Iran phủ nhận rằng họ đã thay đổi lập trường về việc tránh xung đột trực tiếp với quân đội Mỹ ở Iraq.
Syria
Iran và các đồng minh bán quân sự của họ như lực lượng Hezbollah của Lebanon đã tham gia vào cuộc chiến ở Syria từ năm 2012. Iran đã trang bị vũ khí và huấn luyện hàng ngàn chiến binh Shi’ite để chiến đấu giúp chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Israel cho rằng Iran đã tuyển mộ ít nhất 80.000 chiến binh Shi’ite.
Sự hiện diện của Iran ở Syria đã khiến Tehran lần đầu tiên xung đột trực diện với Israel với một loạt những vụ va chạm lớn trong những tháng vừa qua. Giới chức Israel nói họ sẽ không bao giờ cho phép Tehran hay Hezbollah thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực ở nước láng giềng Syria.
Nếu thỏa thuận hạt nhân thất bại, Iran sẽ có ít động cơ ngăn các đồng minh Shi’ite của họ thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào Israel.
Iran và lực lượng họ kiểm soát ở Syria cũng có thể gây ra phiền phức cho gần 2.000 lính Mỹ được đưa tới miền bắc và miền đông Syria để ủng hộ lực lượng chiến đấu của người Kurd.
Một cố vấn hàng đầu của Lãnh tụ tối cao Iran đã nói hồi tháng Tư rằng ông hy vọng Syria và các đồng minh của họ có thể đẩy quân đội Mỹ ra khỏi miền đông Syria.
Lebanon
Hồi năm 2006, lực lượng Hezbollah đánh nhau với Israel trong một cuộc xung đột biên giới bế tắc kéo dài 34 ngày. Theo các quan chức Israel và Mỹ, hiện giờ Iran đang giúp đỡ Hezbollah xây dựng các công xưởng để sản xuất các tên lủa dẫn đường chính xác và trang bị thêm cho các tên lửa tầm xa với hệ thống dẫn đường chính xác.
Các lực lượng Israel liên tục tấn công quân Hezbollah ở Syria nơi nhóm này đang lãnh đạo nhiều đồng minh dân quân Shi’ite của Iran. Trong những tuần gần đây Israel và Iran tăng cường chỉ trích lẫn nhau. Mặc dù Hezbollah và Israel nói họ không muốn có xung đột, căng thẳng có thể dễ dàng lan ra thành một cuộc chiến Lebanon khác.
Hồi năm ngoái Hezbollah nói rằng bất cứ cuộc chiến nào do phía Israel tiến hành chống lại Syria và Lebanon có thể thu hút hàng ngàn chiến binh từ các nước khác, trong đó có Iran và Iraq. Điều này có nghĩa là các lực lượng dân quân Shi’ite có thể đến Lebanon để giúp đỡ Hezbollah.
Hezbollah cũng là một lực lượng chính trị chính ở Lebanon, và họ có thể củng cố sức mạnh của mình qua bầu cử. Hiện nay, họ đang hợp tác với Thủ tướng Saad al-Hariri, người được các chính phủ phương Tây ủng hộ.
Tuy nhiên nếu thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran có thể sẽ gây sức ép lên Hezbollah để cô lập đối thủ của họ, một diễn biến mà các chuyên gia tin rằng sẽ gây bất ổn cho Lebanon.
******************
Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (VOA, 09/05/2018)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 8/5 thông báo Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo ý định rút ra khỏi Thảo thuận Hạt nhân với Iran tại Phòng Ngoại giao thuộc Toà Bạch Ốc, hôm 08/05/2018.
"Mỹ sẽ không đe dọa suông", ông nói trong bài phát biểu được tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.
Ông Trump tuyên bố thỏa thuận đạt được năm 2015 dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama có các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc cùng tham gia ký kết với Mỹ và Iran là ‘một thỏa thuận một chiều tồi tệ mà lẽ ra không bao giờ nên có" và rằng Mỹ "sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế ở mức độ cao nhất" lên Iran.
Quyết định của ông Trump có nghĩa là Chính phủ Iran giờ đây phải quyết định có làm theo Mỹ, tức là cũng rút ra khỏi thỏa thuận, hay là cố gắng cứu vãn những phần còn lại của thỏa thuận.
Iran đã đưa ra những tuyên bố trái ngược về hành động tiếp theo của họ - và câu trả lời của họ sẽ tùy thuộc vào cách ông Trump rút lui khỏi thỏa thuận như thế nào.
Một quan chức được thông báo về quyết định này nói với hãng tin AP rằng ông Trump sẽ tiến đến áp đặt lại tất cả các lệnh cấm vận lên Iran vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận năm 2015 chứ không phải chỉ những lệnh trừng phạt có thời hạn chót.
Theo AP, quyết định này của ông Trump là một ‘cú giáng mạnh vào các đồng minh của Hoa Kỳ’ và ‘làm sâu sắc thêm sự cô lập của nước Mỹ trên trường quốc tế.’
Các quan chức chính quyền Trump đã thông báo cho lãnh đạo Quốc hội về quyết định của Tổng thống hôm thứ Ba ngày 8/5. Họ nhấn mạnh rằng cũng như với hiệp định tự do thương mại TPP và thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Tổng thống Trump đã tuyên bố từ bỏ, ông vẫn để ngỏ khả năng tái đàm phán một thỏa thuận khác tốt hơn, AP dẫn nguồn từ một người được thông báo về quyết định cho biết.
********************
Tổng thống Trump hủy bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran (CaliToday, 08/05/2018)
Tổng thống Trump tuyên bố hôm thứ ba rằng ông đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận nguyên tử với Iran
"Đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất mà lẽ ra không nên được thực hiện", ông Trump nói tại Toà Bạch Ốc trong việc công bố quyết định của mình.
Tổng thống Donald Trump - Photo Credit : WP
Trên một truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết rằng, Israel hoàn toàn ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử Iran.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc bà Nikki Haley, cho biết Trump "hoàn toàn đưa ra quyết định đúng đắn" để rời bỏ thỏa thuận nguyên tử Iran.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Whip Dick Durbin cho biết tuyên bố của Tổng thống Trump "là một sai lầm của lịch sử".
"Điều cuối cùng mà nước Mỹ và thế giới cần là một mối đe dọa nguyên tử mới, ông nói. "Phá vỡ thỏa thuận này làm tăng nguy cơ Iran sẽ khởi động lại chương trình vũ khí nguyên tử , đe dọa đồng minh của chúng ta, Israel, và làm mất ổn định toàn bộ Trung Đông".
Trước đó, Tổng thống Trump đã nói với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp vào sáng thứ Ba rằng ông có kế hoạch hủy bỏ hiệp ước nguyên tử với Iran.
Những đồng minh của Hoa Kỳ đang nổ lực vận động lần cuối nhằm kêu gọi Tổng thống Trump không hủy bỏ hiệp ước nguyên tử mà 6 cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, đã ký kết với Iran vào năm 2015.
Chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Trump loan báo quyết định quan trọng trong ngày thứ ba 8/5 về chuyện này thì các đồng minh của Hoa Kỳ và nhiều người khác bày tỏ mối lo ngại của họ là quyết định hủy bỏ hiệp ước nguyên tử của Mỹ sẽ làm mất thăng bằng khu vực Trung Đông một cách nguy hiểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tuyên bố với tuần báo der Spiegel của Đức, nhận định như sau : "Chuyện này đồng nghĩa với việc mở hộp Pandora cho mọi tai ương bay ra, chuyện này có thể gây ra chiến tranh, tôi không nghĩ Tổng thống Trump muốn có chiến tranh".
Từ lâu Tổng thống Trump đã chỉ trích hiệp ước nguyên tử này, dù các thanh tra của Liên hiệp Quốc đã xác nhận Iran có tuân thủ theo các điều khoản quy định trong hiệp ước.
Những người ủng hộ hiệp ước lo ngại việc Mỹ rút lui ra khỏi hiệp ước có thể giết chết toàn bộ hiệp ước này. Ngoại Trưởng Đức Heiko Maas hôm qua nói ở Berlin như sau : "Chúng tôi vẫn tin là hiệp ước sẽ khiến thế giới an toàn hơn, không có nó, thế giới sẽ bị nguy hiểm hơn’
Trong chuyến đi thăm Hoa Kỳ hôm qua, Ngoại Trưởng Anh Boris Johnson cũng có ý kiến tương tự, dù ông thừa nhận là ‘hiệp ước này chưa hoàn hảo’
Phát ngôn nhân của chính phủ Nga Dmitry Peskov tại Moscow nói "một vụ rút lui của Mỹ ra khỏi hiệp ước nguyên tử sẽ tạo ra một tình hình hết sức nghiêm trọng với những hậu quả không tránh được và khó lường trước"
Trần Vũ
**********************
Giá dầu tăng vọt sau khi Mỹ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran (VOA, 09/05/2018)
Bỏ ngoài tai lời thuyết phục của các đồng minh, Tổng thổng Mỹ Donald Trump hôm 8/5 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran đã đạt được hồi năm 2015, một động thái có thể tăng nguy cơ xung đột ở Trung Đông và dẫn đến sự bất định về nguồn cung dầu trong một thị trường vốn đã căng thẳng.
Một cơ sở dầu của Iran
Giá dầu tăng hơn 3% hôm 8/5, đạt mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua. Dầu thô Brent có lúc tăng lên đến 77,2 đôla /thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014. Dầu thô nhẹ của Mỹ tăng 1,7 đôla/thùng, tương đương gần 2,5%, đạt mức giá 70,76 đôla, gần mức cao nhất hồi cuối năm 2014.
Sukrit Vijayakar, giám đốc tư công ty vấn năng lượng Trifecta, nói : "Xuất khẩu dầu của Iran sang Châu Á và Châu Âu gần như chắc chắn sẽ giảm vào cuối năm nay và năm 2019, khi một số quốc gia tìm kiếm giải pháp thay thế để tránh rắc rối với Washington".
Iran đã xuất hiện trở lại với tư cách là một nước xuất khẩu dầu lớn hồi năm 2016 sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống nước này được dỡ bỏ, đổi lại cho việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân, với lượng xuất khẩu tháng 4/2016 của Iran đạt 2,6 triệu thùng/ngày. Trung Quốc là nước mua dầu nhiều nhất từ Iran.
Trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Iran là nước xuất khẩu lớn thứ ba sau Saudi Arabia và Iraq.
Từ bỏ thỏa thuận này có nghĩa là Mỹ có phần chắc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau 180 ngày, trừ khi các bên đạt được một thỏa thuận khác trước hạn chót đó.
Các nhà phân tích ước tính do các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, nguồn cung dầu thô của Iran có thể giảm trong khoảng 200.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày, và tác động chủ yếu sẽ thấy được từ năm 2019 vì phải mất một khoảng thời gian để áp đặt lệnh trừng phạt.
Saudi Arabia cho biết họ sẽ làm việc với các nước sản xuất khác để giảm bớt tác động của việc thiếu hụt nguồn cung dầu. Nước này đã và đang đi đầu các nỗ lực từ năm 2017 để hạn chế sản xuất nhằm tăng giá dầu.
Thỏa thuận hạt nhân Iran "thử lửa" tình bạn Pháp - Mỹ
Đề tài quốc tế được các báo Pháp ngày 25/04/2018 bàn luận sôi nổi nhất vẫn là chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhật báo Le Monde đăng hình hai nguyên thủ Pháp – Mỹ cùng nhau trồng cây sồi tại Nhà Trắng và đề tựa "Trump – Macron : Biểu tượng trước, bất đồng sau".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania Trump tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và phu nhân Brigitte đến dự dạ tiệc tại Nhà Trắng ngày 24/04/2018. Reuters/Brian Snyder
Sau những lời lẽ hoa mỹ trao cho nhau trước các ống kính và micro của giới truyền thông, ca ngợi "tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước từ hơn hai thế kỷ nay", cuộc trao đổi trực diện giữa hai nguyên thủ tại Nhà Trắng đã làm nổi rõ các điểm bất đồng trong thương mại, môi trường và nhất là thỏa thuận hạt nhân Iran, chủ đề gây căng thẳng nhất.
Trong hồ sơ này, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn giữ nguyên lập trường trước đồng nhiệm Pháp, khẳng định đây là một thỏa thuận "khủng khiếp" lẽ ra "không bao giờ được ký kết". Trong khi đó, các nước còn lại vẫn muốn duy trì thỏa thuận này. Trước thái độ kiên quyết của chủ nhân Nhà Trắng, dường như nguyên thủ Pháp đã có những nhượng bộ. Les Echos cho biết cả hai nguyên thủ "kêu gọi một thỏa thuận sâu rộng hơn".
Theo đề xuất của Paris, một thỏa thuận bổ sung khác, cho phép duy trì văn bản gốc đã được ký kết, sẽ được hình thành dựa trên bốn điểm trụ cột : Ngăn cấm mọi hoạt động hạt nhân của Iran cho đến năm 2025 ; Ngăn cản các hoạt động hạt nhân trong dài hạn ; Ngưng các hoạt động thử tên lửa đạn đạo của Iran và Tạo điều kiện cho việc bình ổn chính trị cho khu vực, kể cả Syria. Đây sẽ là nền tảng cho các cuộc "mặc cả" lớn sau này.
Le Figaro trong bài viết đề tựa "Trump và Macron xích lại gần nhau về hồ sơ Iran", còn cho biết thêm là trong trụ cột cuối cùng của dự án thỏa thuận bổ sung, liên quan đến tình hình Syria, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh rằng : "Tôi muốn rút hết binh sĩ Mỹ ra khỏi Syria, nhưng tôi không muốn để ngỏ cánh cửa cho Iran đi vào Địa Trung Hải".
Do đó, trong trường hợp các nước Châu Âu khác đồng ý, Iran có thể sẽ phải chuẩn bị rút quân ra khỏi Syria trong khuôn khổ quy chế hòa bình chung cho khu vực. Bằng như ngược lại, tổng thống Mỹ đe dọa "Tehran sẽ phải trả giá đắt như một số nước đã phải hứng chịu" nếu như Iran vẫn cố thủ.
Khẩu chiến Mỹ - Iran
Bầu không khí căng thẳng ngày hôm qua gia tăng thêm một nấc. Le Figaro cho biết, "Dưới áp lực, Tehran dọa rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân". Trong lúc Macron đang làm nhiệm vụ cứu hộ, tổng thống Iran Hassan Rohani trong bài phát biểu trên truyền hình đã dọa đồng nhiệm Mỹ sẽ gánh lấy những "hậu quả nghiêm trọng" nếu như ông quyết định "lên án" thỏa thuận này vào ngày 12/05 tới đây.
Lãnh đạo ngoại giao Iran, ông Javad Zarif bồi thêm rằng : Tehran sẽ tái khởi động chương trình làm giàu uranium nếu Mỹ đoạn tuyệt với thỏa thuận 2015. Ngoại trưởng Iran cảnh báo sẽ không có một "kế hoạch B" nào như tuyên bố của tổng thống Pháp trên kênh truyền hình Fox News.
Trên mạng xã hội Twitter ông viết : "Hoặc là Được hoặc là Không gì cả. Các lãnh đạo Châu Âu phải khuyên nhủ Trump không những phải ở lại trong thỏa thuận hạt nhân, mà điều quan trọng nhất là còn phải thực tâm bắt đầu áp dụng phần cam kết của mình".
Triều Tiên : Vùng phi quân sự, thiên đường "sinh thái"
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp hôm nay. Les Echos có bài phóng sự dài về cuộc sống của những người dân Hàn Quốc sống gần với khu vực phi quân sự. Bài viết có tựa đề "Dưới bóng của giới tuyến chiến tranh lạnh sau cùng".
Bài phóng sự của đặc phái viên Les Echos mô tả chi tiết bầu không khí căng thẳng tại khu vực phi quân sự được vạch ra năm 1953 khi chiến tranh kết thúc, nơi mà cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng thốt lên là "nơi khủng khiếp nhất của hành tinh" khi đến thăm vùng "DMZ". Binh sĩ hai miền luôn trong tư thế sẵn sàng, trừng mắt gườm nhau. Hệ thống camera giám sát hoạt động liên tục 24/24.
Khu vực này kéo dài trên 248 km và rộng khoảng 4km dọc theo vĩ tuyến 38. Khu vực này ngày 27/04/2018 tới đây sẽ chứng kiến một cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo của hai miền Triều Tiên bị chia rẽ đó. Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Nhà Hòa Bình ở Bàn Môn Điếm, vùng an toàn chung JSA, nhưng bên phía Hàn Quốc. Có thể nói ở tuổi 34, Kim Jong Un là lãnh đạo Bắc Triều Tiên đầu tiên đặt chân vào phía nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Đất lành, chim đậu
Nhưng điều thu hút tác giả bài viết là cuộc sống lặng lẽ, buồn tẻ của những người dân làng Hàn Quốc, đặc biệt là ở làng Tongilchon ở ngay sát vùng DMZ này. Được hình thành vào năm 1973, dưới chủ trương của Park Chung-hee, theo mô hình Kibboutz của người Israel, nhằm chứng tỏ cho chế độ phía Bắc những kỳ tích của ngành nông nghiệp Hàn Quốc, gần 80 hộ gia đình đã đến đây định cư để phát triển ngành trồng lúa, đậu nành và nhân sâm.
Giờ đây, tuy vẫn còn có 446 người sinh sống tại Tongilchon, con đường chính dẫn đến trung tâm thị xã hầu như vắng vẻ. Dân số của làng ngày càng lão hóa. Giới trẻ đổ xô về các khu đô thị. Thi thoảng có vài du khách ghé qua tham quan, mua vài món hàng kỷ niệm có in dòng chữ DMZ.
Nhờ vắng bóng người, vắng cơ sở hạ tầng công nghiệp mà vùng phi quân sự này đã tạo ra một hệ sinh thái độc nhất. Một nơi trú ngụ sinh thái lý tưởng cho nhiều loài động vật lâm nguy đến từ nhiều vùng khác trên bán đảo. Khu vực này trở thành điểm dừng chân cho nhiều giống chim di trú như loài sếu trắng Châu Á.
Trong rừng, loài mèo hoang đang trở về, cũng như nhiều giống cá thìa nhỏ và loài chim ó biển đuôi trắng quý hiếm khác. Tại đây, các nhà khoa học Hàn Quốc còn tìm thấy loài nhện nước tưởng chừng đã biến mất. Khám phá mới này đã làm cho chính phủ Hàn Quốc cảm thấy phấn khích, vốn dĩ đang có dự án biến vùng này thành một di sản thiên nhiên độc nhất cho cả hai miền Triều Tiên.
Trung Quốc : Ép nhận tội, truyền hình bị tố tiếp tay chính quyền
Nhìn sang Trung Quốc, Le Monde cho biết một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders công bố ngày 10/04/2018 cáo buộc truyền hình Trung Quốc "vi phạm đạo đức nghề báo" khi tiếp tay chính quyền trong các chương trình "cưỡng chế thú tội".
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã sử dụng lại hình thức tự phê bình. Nhưng khác dưới thời Mao Trạch Đông, "cưỡng bức nhận tội" từ các công dân Trung Quốc hay người nước ngoài được phát sóng trên kênh truyền hình nhà nước CCTV vào giờ cao điểm.
Báo cáo của tổ chức Safeguard Defenders còn cáo buộc bốn kênh truyền thông khác có trụ sở tại Hồng Kông trong đón có Phoenix TV và nhật báo South China Morning Post.
Le Monde dẫn lời của ông Michael Caster, đồng sáng lập viên tổ chức ONG này khẳng định : "Điều tra của chúng tôi cho thấy rõ là những hãng truyền thông này có một vai trò hợp tác rất tích cực (…). Đầu tiên hết, họ gởi phóng viên và trang thiết bị đến để thực hiện chương trình rồi bắt tay vào việc hậu sản xuất phức tạp đòi hỏi một sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cảnh sát.
Mặt khác, cách thức mà các cuộc thú tội cưỡng chế được dàn dựng cho thấy các cơ quan an ninh đó đã thực hiện mệnh lệnh từ chính quyền trung ương hay từ bộ ngoại giao, bởi vì chúng tôi đã tìm từng điểm một trong lập luận của họ".
Iraq : Daesh tuy "xa mà gần"
Cũng trên Le Monde, một câu hỏi lớn trên trang nhất đặt ra "Làm thế nào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự tài trợ tại Iraq". Bài điều tra dài trên trang 2 cho biết những khó khăn trong việc săn lùng nguồn tiền của Daesh tại Iraq.
Le Monde cho biết giai đoạn từ tháng 6/2014 – 12/2017, khi Daesh còn kiểm soát được gần 1/3 lãnh thổ Iraq, tổ chức khủng bố này chủ yếu sống dựa vào các hoạt động tống tiền, khai thác dầu hỏa và buôn lậu tại Iraq và Syria.
Chính trong giai đoạn này, Daesh đã bí mật đầu tư từ 250 – 500 triệu đô la tại các công ty ảo của Iraq. Tổ chức khủng bố này còn sở hữu hằng hà sa số các trang trại nuôi cá, các điểm thu mua ngoại tệ và nhiều hãng taxi.
Theo thẩm định của chính quyền Iraq và các chuyên gia, nhóm khủng bố này vẫn còn đủ nguồn tài chính để sống sót trong vòng 15 năm tới.
Ngoài ra, Le Monde cho biết trong khuôn khổ cuộc điều tra nghi ngờ hãng cung cấp bê-tông và xi-măng Lafarge tài trợ khủng bố tại Syrie, tư pháp của Pháp còn mở một cuộc điều tra khác nhắm vào Groupe Bruxelles Lambert. Các nhà điều tra tìm hiểu phải chăng hành động tài trợ đó được thực hiện dưới sự bảo trợ của cổ đông lớn nhất này của Lafarge (20% cổ phần).
Pháp : Đình công gây thiệt hại cho kinh tế
Cuộc đình công luân phiên của các nghiệp đoàn lao động trong ngành đường sắt SNCF và hàng không Pháp Air France bước vào đợt thứ ba. Thế nhưng, theo Le Monde, các hoạt động kinh tế tại Pháp, đứng đầu là du lịch và kinh doanh ăn uống bắt đầu "thấm đòn" của các cuộc đình công.
Thế nhưng, theo nhật báo, mức độ thiệt hại trong ngành kinh doanh khách sạn còn tùy theo từng khu vực, dao động trong khoảng từ 10-20%. Những thành phố lớn như Bordeaux, Lyon, Nice, Toulouse hay Marseille bị tác động nhiều nhất. Ngược lại, tại Paris chưa có dấu hiệu bị tác động.
Tuy nhiên, giới kinh doanh trong lĩnh vực này lo ngại cho những ngày sắp tới. Những kỳ nghỉ hè lớn đang đến gần, ngành khách sạn và kinh doanh hàng ăn e sợ các cuộc đình công có thể sẽ khiến các du khách nước ngoài thay đổi kế hoạch nghỉ, ưu tiên các điểm đến khác an toàn hơn như Ý, Tây Ban Nha, Croatia chẳng hạn.
Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực hoạt động khác cũng đã phải hứng chịu các thiệt hại do lệ thuộc vào phương cách vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Khoảng 74% các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết đã chịu tác động của các cuộc đình công. Chỉ có 50% số tầu là vận hành trong những ngày có đình công. Đặc biệt, hoạt động giao thông vận chuyển đường sắt tụt giảm đã có những tác động mạnh đến ngành sản xuất và chế biến ngũ cốc.
Lính Robot : Hiểm họa mới cho nhân loại ?
Công nghệ phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống nhân loại, không chỉ đem lại các tiện nghi nhưng còn có thể mang họa cho con người. Nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất báo động "Thế giới đối mặt với thách thức Robot giết người".
Trong vòng 5 ngày, từ ngày 09-13/04/2018, Liên Hiệp Quốc đã họp tại Geneve, Thụy Sĩ nhằm thảo luận về một định nghĩa thế nào là vũ khí "tự chủ" được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo. Một số quốc gia như Hoa Kỳ và Nga đứng đầu giờ đã nhắm vào những công nghệ đã được phát triển nhờ vào trí thông minh nhân tạo để làm thay đổi diện mạo cuộc chiến.
Thách thức đặt ra là từ cấp độ nào người ta có thể cho là một phương tiện chiến tranh nào đó tự đưa ra quyết định giết, và liệu quyết định này có thể được thực hiện mà không cần sự can thiệp của con người.
Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhiều nhân vật nổi tiếng yêu cầu tạm ngưng, thậm chí cấm hẳn. Theo Les Echos, trong tháng này, 3.100 (trong số 70.000) nhân viên của hãng Google đã yêu cầu lãnh đạo tập đoàn ngừng hợp tác với Lầu Năm Góc.
Minh Anh
Tổng thống Mỹ ra tối hậu thư đòi sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran (RFI, 13/01/2018)
Thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục có hiệu lực sau quyết định được tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm 12/01/2018, khẳng định không thay đổi ngay lập tức chính sách, nhưng đe dọa rằng nếu các đối tác Châu Âu không hợp tác trong vòng 120 ngày tới để đàm phán lại, Washington sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif. Reuters Alexander Zemlianichenko/Pool
Theo AFP, tổng thống Mỹ một lần bị buộc phải chấp nhận triển hạn việc đình chỉ các trừng phạt kinh tế đối với Iran, trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân 2015, nhưng trong thông điệp hôm qua, ông Trump nhấn mạnh đây là lần cuối cùng.Tổng thống Trump đòi các cường quốc Châu Âu phải hợp tác với Mỹ, để đưa ra một thỏa thuận mới cứng rắn hơn với Tehran, nhằm "sửa chữa các khiếm khuyết khủng khiếp" của bản thỏa thuận hiện hành.
Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ rút ra khỏi thỏa thuận về hạt nhân Iran vào bất cứ thời điểm nào, nếu bản thân ông không cảm thấy một thỏa thuận sửa đổi là "nằm trong tầm tay". Donald Trump đưa ra quyết định nói trên đúng một hôm sau khi Pháp, Anh, Đức (ba cường quốc cùng ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran) và Liên Hiệp Châu Âu ra một kêu gọi chung gởi đến Hoa Kỳ để bảo vệ thỏa thuận này.
Theo AFP, song song với tuyên bố nói trên, tổng thống Mỹ một lần nữa hối thúc Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật nhằm đơn phương siết chặt các đòi hỏi với Iran, và cho phép Washington tự động tái lập các trừng phạt, nếu Iran không tuân thủ các đòi hỏi. Nhóm Diplomacy Works – do cựu ngoại trưởng John Kerry thành lập để bảo vệ thỏa thuận Vienna 2015 – nhận định các yêu sách mà tổng thống Mỹ đưa ra là "phi thực tế".
Về phản ứng của Tehran, sau thông báo của tổng thống Mỹ, thông tín viên Siavosh Ghazi từ Tehran cho biết :
"Với một thông điệp trên Twitter, lãnh đạo ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã cáo buộc tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách phá hoại thỏa thuận hạt nhân Iran "một cách vô vọng".
Ngoại trưởng Iran viết : "Chính sách của ông Trump và tuyên bố vừa được đưa ra cho thấy các nỗ lực tuyệt vọng nhằm phá hoại một thỏa thuận đa phương vững chắc. Thỏa thuận hạt nhân này là không thể thương thuyết lại".
Đối với Tehran, đe dọa của Mỹ là không thể chấp nhận được, các lãnh đạo Iran cũng khẳng định trong những tuần gần đây là họ sẽ có những biện pháp trả đũa, nếu Hoa Kỳ không tôn trọng các cam kết – tức cam kết dỡ bỏ các trừng phạt, theo thỏa thuận hạt nhân".
Về quyết định của tổng thống Mỹ, trả lời RFI, chuyên gia Benjamin Hautecouverture (Fondation pour la recherche stratégique) nhận xét : "Chúng ta đã quen với việc, cứ ba tháng một lần đặt câu hỏi về tương lai của thỏa thuận hạt nhân, bởi tổng thống Mỹ không ngừng nhắc lại điều này". Chuyên gia Pháp cũng khẳng định là theo thỏa thuận 2015, "quyền thanh tra quốc tế đối với các cơ sở hạt nhân Iran là thuộc loại nghiêm ngặt nhất thế giới trong hiện tại".
Trọng Thành
********************
Trump miễn chế tài hạt nhân cho Iran lần cuối (VOA, 13/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn các chế tài mới nhắm vào Iran hôm thứ Sáu, và đây là lần thứ ba ông thôi không tái áp đặt các chế tài khắc nghiệt nhằm thúc Tehran từ bỏ nghiên cứu về vũ khí hạt nhân.
Tư liệu - Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington, ngày 10 tháng 1, 2018.
Ông Trump nói ông miễn các chế tài hạt nhân lần này là lần cuối cùng để cho Quốc hội và các đồng minh Châu Âu 120 ngày cải thiện thỏa thuận hạt nhân đã ký kết với Iran, hoặc phải đối mặt với việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận này.
Các đề xuất của Tổng thống nhằm "sửa chữa các sai sót thảm họa của thỏa thuận" bao gồm việc Iran phải đồng ý ngay lập tức mở tất cả các địa điểm cho các thanh sát viên quốc tế và bảo đảm rằng Tehran sẽ không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân.
Theo Tòa Bạch Ốc, bất kỳ thỏa thuận mới nào với Iran sẽ phải bao gồm các phi đạn đạn đạo của nước này và hạn chế thời gian đột khởi hạt nhân vô thời hạn.
"Không có một thỏa thuận như vậy, Mỹ sẽ không miễn trừ các chế tài nữa để ở lại trong thỏa thuận hạt nhân với Iran. Và nếu bất cứ lúc nào tôi xét thấy một thỏa thuận như vậy không nằm trong tầm tay, tôi sẽ rút khỏi thỏa thuận đó ngay lập tức", ông Trump nói trong một phát biểu.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã áp đặt các biện pháp chế tài mới nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp và cá nhân Iran về các vi phạm nhân quyền. Trong số 14 thực thể và cá nhân Iran bị chế tài, nổi bật nhất là người đứng đầu hệ thống tư pháp của nước này, Sadegh Amoli Larijani. Bộ Tài chính liên kết ông Larijani với "các cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng" đối với người dân Iran.
Trong số các thực thể bị liệt vào danh sách đen có đơn vị không gian mạng của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Chính quyền Trump nói rằng lực lượng này đã bóp nghẹt mạng xã hội mà người biểu tình có thể sử dụng để giao tiếp.
Các quan chức chính quyền cho biết các biện pháp trừng phạt là một phần trong nỗ lực rộng lớn nhằm chống lại hành vi "liều lĩnh" và "gây bất ổn" của Iran, bao gồm các hành động liên quan đến việc đàn áp những người biểu tình khiến ít nhất 21 người thiệt mạng trong tháng này.
Theo luật, chính quyền phải chứng nhận với Quốc hội mỗi 90 ngày một lần về việc liệu Iran có đang tuân thủ thỏa thuận năm 2015 ký kết với cộng đồng quốc tế để hạn chế chương trình hạt nhân hay không.
Tháng 10 vừa qua, ông Trump từ chối tái chứng nhận thỏa thuận này, nói rằng Tehran đã không tuân thủ đúng tinh thần của thỏa thuận năm 2015, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung, nhưng lại trì hoãn tái áp đặt các chế tài nghiêm trọng nhắm vào ngân hàng trung ương và ngành năng lượng của Iran trước đây. Ông Trump dự kiến tái chứng nhận thỏa thuận này vào tuần sau.
********************
Iran sẽ 'trả đũa' lệnh trừng phạt của Trump (BBC, 13/01/2018)
Iran nói rằng Mỹ đã "vượt qua mọi lằn ranh đỏ" bằng cách áp đặt lệnh trừng phạt với người đứng đầu cơ quan tư pháp của nước này, Ayatollah Sadeq Amoli Larijani.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là người chỉ trích mạnh mẽ thỏa thuận quốc tế về hạt nhân với Iran được ký năm 2015 và gọi đây là 'sai lầm' và 'thảm họa', theo truyền thông Mỹ
Bộ Ngoại giao Iran nói sẽ trả đũa, nhưng không nói hành động trả đũa sẽ dưới dạng thức cụ thể nào.
Iran cũng bác bỏ việc có bất kỳ thay đổi nào của nước này trong thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người chỉ trích thỏa thuận năm 2015, hôm 12/01/2018 nói ông sẽ gia hạn một lần cuối việc giảm nhẹ các chế tài trừng phạt sau khi các bên đạt được thỏa thuận lịch sử.
Nhưng, đồng thời Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với 14 cá nhân và các tổ chức vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.
Tổng thống Trump nói cho Châu Âu và Mỹ "một cơ hội cuối cùng" để sửa chữa "sai sót khủng khiếp" trong thỏa thuận hạt nhân đã được Iran và sáu cường quốc thế giới ký kết vào năm 2015.
Nhà Trắng muốn các nước ký kết thoả thuận thuộc EU đồng ý với các chế tài trừng phạt thường xuyên nhắm vào việc làm giàu uranium của Iran.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới ký kết năm 2015 được coi là một thỏa thuận lịch sử
Theo thỏa thuận hiện tại, các chế tài này sẽ hết hạn vào năm 2025. Ông Trump cũng muốn xử lý chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran.
Tổng thống Trump từng nhiều lần công khai nói : "Iran sẽ không được phép trở thành một mối đe dọa nhật nhân như Bắc Hàn".
'Từng thất bại nhiều lần'
Mặc dù Mỹ đã đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với Iran sau thỏa thuận về hạt nhân, Nhà Trắng vẫn áp đặt các biện pháp trừng phạt về các vấn đề như khủng bố, nhân quyền và phát triển hỏa tiễn đạn đạo.
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Sáu, 12/01, nói rằng Ayatollah Amoli Larijani là người chịu trách nhiệm về các hành vi "tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc trừng phạt của tù nhân ở Iran, bao gồm việc cắt cụt các chi của tù nhân".
Ông Ayatollah Amoli Larijani bị cáo buộc đã kêu gọi một chiến dịch truy quét những kẻ "nổi loạn" và " phá hoại" sau khi diễn ra một loạt các cuộc biểu tình phản đối, chống chính phủ gần đây ở nhiều thành phố của Iran.
Iran đã phàn nàn rằng các chế tài trừng phạt của Mỹ, vốn không liên quan các hoạt động hạt nhân, đã gây ra tác động làm triệt tiêu 'bất kỳ lợi ích tài chính' nào mà Tehran mong đợi từ thỏa thuận năm 2015.
Nhà Trắng chỉ trích mạnh mẽ Iran vì đã đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây
Bộ Ngoại giao Iran trong dịp cuối tuần đã ra một tuyên bố, trong đó có đoạn nói :
"Hành động thù địch đã vượt qua mọi lằn ranh đỏ về ứng xử trong cộng đồng quốc tế và là một sự vi phạm luật pháp quốc tế và chắc chắn sẽ nhận được sự đáp trả bằng một phản ứng nghiêm trọng của nước Cộng hòa Hồi giáo".
Tuyên bố này buộc tội ông Trump "tiếp tục có các biện pháp thù địch chống lại người dân Iran và lặp lại các mối đe dọa đã từng thất bại nhiều lần".
Đề cập đến các đe dọa của ông Trump nhằm loại bỏ thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran nói rằng nước này "sẽ không chấp nhận bất kỳ sửa đổi nào trong thỏa thuận này, dù là hiện tại hay trong tương lai, và Iran sẽ không cho phép bất kỳ các vấn đề khác liên kết với JCPOA [Kế hoạch hành động phối hợp tổng thể]".
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Sáu nói quyết định của ông Trump là một "nỗ lực tuyệt vọng" nhằm làm suy yếu một thỏa thuận "vững chắc".
***********************
Một báo cáo Liên Hiệp Quốc khẳng định Iran vi phạm cấm vận vũ khí (RFI, 13/01/2018)
Như để thêm củi lửa cho khả năng Washington tăng cường trừng phạt Tehran, một ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc mới đây xác định là Iran đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của quốc tế khi không ngăn chặn việc cung cấp tên lửa đạn đạo cho phiến quân Houthi tại Yemen để bắn vào Saudi Arabia. Theo hãng tin Pháp AFP ngày 12/01/2018, đây là kết luận của một bản báo cáo gởi lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc từ hôm 09/01, nhưng chưa được công bố.
Không Quân Saudi Arabia bắn chận một hỏa tiễn Scud của phe Houthi bắn đi từ Yemen. Reuters /Ronen Zvulun
Theo nhóm chuyên gia điều tra : "Những mảnh vụn của tên lửa, thiết bị quân sự và máy bay không người lái (tìm thấy trên hiện trường) đều có xuất xứ từ Iran và đã được đưa vào Yemen sau khi (Liên Hiệp Quốc) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí có chọn lọc" vào năm 2015.
Dù không xác định đích danh nguồn cung cấp các loại vũ khí này, bản báo cáo dầy 79 trang mà AFP đọc được, tuy nhiên vẫn quy trách nhiệm cho chính quyền Iran, và kết luận rằng : "Cộng Hòa Hồi Giáo Iran không tuân thủ điều 14 của nghị quyết 2216", yêu cầu cấm bán vũ khí cho Yemen.
Cho đến nay, Iran đã cực lực phủ nhận việc họ cung cấp vũ khí cho lực lượng Houthi tại Yémen, và mới đây đã cáo buộc đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, là đã đưa ra bằng chứng "ngụy tạo" về việc tên lửa chế tạo tại Iran được dùng để bắn vào sân bay Riyad tại Saudi Arabia hôm 10/01 mới đây.
Ngay từ tháng 12, bà Haley đã tuyên bố với Hội Đồng Bảo An là Mỹ sẽ thúc đẩy hành động chống lại Iran liên quan đến các vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Saudi Arabia, nhưng Nga đã bắn tin ngay lập tức là họ sẽ không ủng hộ kế hoạch đó.
Trong bản báo cáo, nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo rằng vụ tấn công bằng tên lửa vào sân bay Riyad đã thay đổi quy mô cuộc xung đột, có nguy cơ biến một tranh chấp địa phương thành một xung đột khu vực.
Ủy ban này cũng cho biết là họ đang điều tra xem là liệu Iran có gửi "cố vấn" qua giúp lực lượng Huthi trong cuộc chiến chống lại liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu hay không.
Trọng Nghĩa
Điều gì xảy ra nếu Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran ? (VTV, 15/10/2017)
Mỹ có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từng được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử ? Diễn biến này sẽ gây ra những hệ lụy gì cho khu vực Trung Đông vốn đã có quá nhiều mâu thuẫn ?
Những diễn biến bất ổn mới xuất hiện ở khu vực Trung Đông trước sự đối đầu đang ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thể hiện rõ ý định tăng cường sức ép lên Iran - đối thủ nặng ký của Washington tại Trung Đông. Và thỏa thuận hạt nhân mà Iran cùng Mỹ và các cường quốc thế giới ký năm 2015 hiện trở thành tâm điểm tranh cãi.
Ngày 15/10, Tổng thống Mỹ sẽ phải báo cáo với Quốc hội đánh giá về việc Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không. Việc đánh giá này được tiến hành theo định kỳ 90 ngày. Bản báo cáo này của Nhà Trắng chưa được công bố, nhưng có thể thấy tinh thần của bản báo cáo qua những tuyên bố mà tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 12/10 vừa qua.
Như vậy, số phận bản thỏa thuận hạt nhân từng được coi là lịch sử đang như sợi chỉ mành treo trước gió. Quốc hội Mỹ có 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt các biện pháp trừng phạt cụ thể đối với Tehran hay không. Cách đây 2 năm, khi đặt bút ký vào thỏa thuận này, đại diện của các cường quốc đã từng hi vọng, nó sẽ giúp khép lại một hồ sơ hạt nhân phức tạp bậc nhất trên thế giới, tương tự như hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.
Sau 12 năm thương lượng và đàm phán nước rút căng thẳng, thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran đạt được tháng 7/2015. Thỏa thuận được kỳ vọng khép lại hồ sơ quốc tế phức tạp nhất của lịch sử thế giới đương đại.
Thỏa thuận hạt nhân còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung được ký giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức. Theo thỏa thuận, Iran cam kết giảm số máy ly tâm cũng như lượng urani làm giàu xuống dưới mức có thể dùng để sản xuất vũ khí nguyên tử. Ngoài ra, Iran sẽ cho phép việc mở rộng thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này, cụ thể là các cơ sở quân sự. Đổi lại, Tehran từng bước được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế được thông qua từ năm 2006 của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc ; đồng thời tổ chức lại nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, lệnh cấm buôn bán vũ khí vẫn được gia hạn 5 năm, trừ khi được sự cho phép đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã từng được đanh giá là một thành công mang tính lịch sử
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran
Như vậy, thỏa thuận cuối cùng đạt được không nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, mà chỉ để kiểm soát chặt chẽ cơ sở hạ tầng hạt nhân của quốc gia này. 109 trang của thỏa thuận hạn chế các tham vọng hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ dần dần và đảo ngược các biện pháp trừng phạt vốn đang bóp nghẹn nền kinh tế của Iran. Nhờ thành công của thỏa thuận hạt nhân, quan hệ giữa Iran và phương Tây ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, việc tổng thống Mỹ Donald Trump đòi xem xét lại bản thỏa thuận này hoặc thậm chí phá bỏ nó là một diễn biến quan ngại với các bên tham gia, làm nảy sinh những nguy cơ căng thẳng mới ở Trung Đông.
Nếu theo dõi những cuộc tranh cãi ở tầm quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể thấy rằng nước Mỹ đang đi ngược chiều các quốc gia khác trong đánh giá về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân này. Các nhà lãnh đạo Châu Âu không ngừng tuyên bố Iran đang tôn trọng thỏa thuận. Ngay cả cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA), vốn được coi là nhà giám sát việc thực thi của Iran, mới đây cũng ra tuyên bố về việc Tehran đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. IAEA hiểu rằng, việc làm suy yếu hay loại bỏ thỏa thuận này sẽ không chỉ đổ thêm dầu vào thùng thuốc súng trong khu vực, mà còn tác động tới một điểm nóng hạt nhân khác cũng đang tăng nhiệt rất nhanh là Triều Tiên.
Liên minh Châu Âu đang tận dụng mọi diễn đàn để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Một mặt, Châu Âu kêu gọi Mỹ ngừng ý định rút khỏi thỏa thuận này, mặt khác cho Mỹ thấy Iran đang làm đúng với cam kết của mình.
Trước sự nghi ngại của chính quyền Tổng thống Donald Trump, các nhà ngoại giao Châu Âu đang quay sang vận động các thành viên Quốc hội Mỹ giữ thỏa thuận này.
Ngoài ra, Châu Âu cũng lo ngại việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên càng khó giải quyết và tác động tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của trên thế giới.
Như một kịch bản đã được báo trước, chiến lược mới của Tổng thống Trump đã vang vọng tới Iran. Ngay sau những tuyên bố từ Washington, chính phủ Iran đã đưa ra phản ứng chính thức của mình. Nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một hiệp định quốc tế, được Hội đồng bảo an thông qua.
Người Iran sẽ có 60 ngày chờ xem, nghị viện Mỹ liệu có tiến hành bước đi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, trước sức ép của Tổng thống Trump. Với người dân Iran, Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ vào một kỷ nguyên đối địch mới với Iran. Những gì mà người ta nghe được từ phản ứng của tổng thống Iran Rouhani, là Tehran sẽ nâng cấp, thậm chí tăng cường gấp đôi sức mạnh hệ thống tên lửa của nước này.
Tóm lại, nhiều khả năng thời gian tới, khu vực Trung Đông sẽ chưa phải đối mặt với một Iran ồ ạt phát triển chương trình hạt nhân. Nhưng người ta sẽ chứng kiến những sự đối đầu, răn đe qua lại giữa Mỹ và Iran tại Trung Đông. Viễn cảnh này đáng lo ngại khi tình hình chiến trường tại Iraq, Syria đang đặt lực lượng của Mỹ và Iran vào những vị trí quá gần nhau để một cuộc xung đột có thể xảy ra.
Tại trường quay chương trình Toàn cảnh thế giới ngày 15/10, nhà báo Phạm Phú Phúc - chuyên gia nghiên cứu về tình hình Trung Đông cũng sẽ đưa ra những phân tích, bình luận chi tiết về vấn đề này.
******************
Các cường quốc lo ngại cho hiệp định hạt nhân Iran vừa bị Tổng thống Mỹ đe dọa (RFI, 14/10/2017)
Ngay sau lời đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10/2017 là sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran "bất cứ lúc nào", từ Liên Hiệp Quốc đến Liên Hiệp Châu Âu, cũng như các cường quốc đã kết ước với Iran, tất cả đều lên tiếng bày tỏ thái độ quan ngại, và hy vọng rằng văn kiện quốc tế dày công thương thuyết nhằm ngăn chặn việc Iran sở hữu bom nguyên tử, sẽ được duy trì.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng (Washington D.C) ngày 13/10/2017. Reuters/Kevin Lamarque
Trong một phản ứng mang tính chất biểu tượng rất cao, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh Theresa May, ba nước Tây Âu đã trực tiếp đàm phán với Iran, đã ra một thông cáo chung với lời lẽ ngoại giao nhưng kiên quyết, nhấn mạnh rằng ba nước vẫn thiết tha với thỏa thuận đã ký kết, đồng thời kêu gọi các bên "thực thi đầy đủ" hiệp định này.
Tổng thống Pháp còn đi xa hơn khi gọi điện nói chuyện với đồng nhiệm Iran Rohani để đảm bảo với Iran về "sự gắn bó của Pháp" với thỏa thuận năm 2015 và loan báo khả năng ông sẽ công du Iran.
Liên Hiệp Châu Âu, qua lời bà Federica Mogherini, người đặc trách ngoại giao, đã cảnh báo về nguy cơ hủy hoại "một thỏa thuận đang vận hành tốt và hiệu quả đúng theo mong đợi".
Nga, một cường quốc khác đã đàm phán hiệp định hạt nhân với Iran thì không ngần ngại tố cáo chiến lược tự cô lập Hoa Kỳ của ông Trump trên hồ sơ này.
Dĩ nhiên là Iran đã phản ứng dữ dội. Ông Hassan Rohani, tổng thống nước này đã cho rằng Hoa Kỳ hơn bao giờ hết đã bị cô lập do thái độ chống Iran.
AIEA : Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân 2015
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng tỏ ý "hết sức hy vọng" là hiệp định hạt nhân Iran được duy trì. Một cách cụ thể hơn, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) của Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Vienna (Áo) đã phản bác lập luận của tổng thống Mỹ theo đó chính quyền Tehran đã không tôn trọng thỏa thuận đã ký kết. Trong bản thông cáo công bố hôm qua, AIEA khẳng định Tehran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã được Iran và cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. Thông tín viên Isaure Hiace, từ Vienna cho biết thêm chi tiết :
"Giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, Yukiya Amano, đã lập tức phản ứng sau tuyên bố của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Trong một thông cáo, ông Amano khẳng định, Tehran tôn trọng những điều đã cam kết và AIEA đã thanh tra các cơ sở hạt nhân Iran một cách công bằng và khách quan.
Từ tháng 1/2016, Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA được giao trọng trách giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ thỏa thuận đạt được từ tháng 7/2015. Hoa Kỳ đã nhiều lần nghi ngờ về khả năng của cơ quan quốc tế này.
Về điểm đó, ông Yukiya Amano trả lời với phía Mỹ rằng, hiện tại AIEA đang sử dụng phương pháp thanh tra đáng tin cậy nhất trên thế giới trong trường hợp của Iran. Số lượng thanh tra viên tại hiện trường ngày càng gia tăng, và số ngày công tác tại Iran cũng đã tăng lên.
Tóm lại, theo Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế, Iran có thái độ hợp tác. Quốc gia này thậm chí còn cam kết mở rộng quyền hạn cho các thanh tra viên quốc tế tại các cơ sở hạt nhân của mình. Ông Yukiya Amano kết luận : Cho đến nay, AIEA có thể đến hoạt động tại bất kỳ địa điểm nào cần giám sát".
Hạt nhân Iran : Giọng điệu gay gắt của Donald Trump
Đúng như dự đoán, trong bài phát biểu khoảng 20 phút hôm qua, tổng thống Hoa Kỳ đã dành cho chính quyền Iran những lời lẽ gay gắt nhất. Tuy nhiên ông Trump tránh nêu khả năng Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận mà quốc tế đã đạt được với Tehran vào tháng 7/2015.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường thuật :
"Hôm nay, tôi thông báo là chúng ta không thể và chúng ta sẽ không chứng nhận cho Iran". Khi đọc hết bài diễn văn với giọng điệu rất gay gắt, tổng thống Trump giáng một đòn mạnh : ông từ chối xác nhận là Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Lãnh đạo Nhà Trắng một lần nữa nhắc lại rằng đó là một thỏa thuận "tệ hại nhất" mà Washington từng ký kết với một nước.
Thế nhưng khi cần đưa ra một quyết định, Donald Trump lại đùn đẩy trách nhiệm cho Quốc hội. Lập pháp Hoa Kỳ có 60 ngày để quyết định xem có đề xuất những biện pháp mới để trừng phạt Iran hay không.
Tổng thống Trump chủ trương Hoa Kỳ cần có những biện phát trừng phạt mạnh mẽ để bảo đảm rằng Tehran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân và không có phương tiện phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Trước mắt nước Mỹ không chính thức nêu lên khả năng rút lui khỏi thỏa thuận đã đạt được cách nay hơn 2 năm giữa Iran và cộng đồng quốc tế. Có điều, tổng thống Trump lên giọng hù dọa khi tuyên bố "nếu như chúng ta không tìm ra được một giải pháp với bên Quốc hội và những đồng minh của Hoa Kỳ, thì thỏa thuận này sẽ bị khai tử. Với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, tôi có thể hủy bỏ thỏa thuận với Iran bất cứ lúc nào".
Phản ứng nhanh hơn bên lập pháp, Bộ tài chính Mỹ ngay hôm qua lập tức thông báo sẽ có những biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thuộc lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran.
Như thông tín viên RFI tại thủ đô Washington vừa nói, Quốc hội Mỹ giờ đây có 60 ngày để quyết định về khả năng ban hành các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Iran.
Đảng Dân Chủ đương nhiên chống lại giải pháp này, còn đảng Cộng Hòa thì đang bị chia rẽ : một phần lo ngại thái độ cực đoan của Mỹ là động lực thức đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân, một số khác thì quan tâm đến quyền lợi kinh tế của các tập đoàn Mỹ. Họ lo ngại Hoa Kỳ bị cô lập và nhiều doanh nghiệp Mỹ sẽ bị gạt khỏi thị trường Iran.
RFI tiếng Việt
Ông Trump ‘ra đòn’ với thỏa thuận hạt nhân Iran (VOA, 14/10/2017)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bất chấp phản đối của các cường quốc khác, không xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.
Tổng thống Donald Trump nói về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thay đổi chính sách này được loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.
Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân.
Ông Trump không rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, nhưng để cho Quốc hội có 60 ngày để quyết định nên hay không tái ban hành trừng phạt kinh tế với Iran vốn được tháo dỡ chiếu theo thỏa thuận 2015.
Quyết định hôm nay làm leo thang căng thẳng với Iran và đặt Washington vào thế bất đồng với các nước khác cùng tham gia ký kết thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu.
Quan điểm cứng rắn của ông Trump với Iran làm Tehran phẫn nộ nhưng lại được Israel hoan nghênh.
Quyết định của Tổng thống Trump về Iran là một phần trong cách tiếp cận của ông đối với các thỏa thuận quốc tế, với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ vốn là lý do khiến ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Theo Reuters
*********************
Iran thách thức Tổng thống Trump (VOA, 14/10/2017)
Phản ứng mạnh mẽ trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với 6 cường quốc, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, tuyên bố Tehran có thể rút chân nếu thỏa thuận tiếp diễn không phục vụ lợi ích quốc gia Iran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong bài diễn văn toàn quốc tại Tehran, Iran, ngày 13/10/17 kịch liệt phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thách thức Tổng thống Trump, ông Rouhani khẳng định Tehran sẽ tăng đôi nỗ lực mở rộng khả năng quốc phòng kể cả chương trình phi đạn đạn đạo bất chấp Mỹ áp lực đình chỉ.
Trước đó, Tổng thống Trump loan báo ngưng xác nhận thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.
"Không Tổng thống nào có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế…Iran sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận chừng nào thỏa thuận ấy còn phục vụ lợi ích của chúng tôi", Tổng thống Iran nhấn mạnh trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp và nói thêm rằng lời lẽ của ông Trump đầy những xúc phạm và tố cáo giả dối chống lại người dân Iran.
Tổng thống Trump chưa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà để Quốc hội có 60 ngày để quyết định xem nên hay không nên tái áp đặt chế tài kinh tế với Tehran vốn được dỡ bỏ chiếu theo thỏa thuận ký kết năm 2015 để Iran ngưng phát triển bom hạt nhân.
"Đất nước Iran chưa từng và sẽ không bao giờ cúi đầu trước bất kỳ áp lực nước ngoài nào…Thỏa thuận Iran không thể nào tái thương lượng", Tổng thống Iran tuyên bố.
Thay đổi trong chính sách Mỹ được Tổng thống Trump loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.
Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân.
Theo Reuters
********************
TT Trump có chính sách cứng rắn hơn với Iran (VOA, 13/10/2017)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ một sách lược cứng rắn hơn với Iran, và sẽ không xác nhận Tehran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký cách đây hai năm. Nhưng trong phát biểu quan trọng về chính sách trong ngày thứ Sáu 13/10, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ không kêu gọi bãi bỏ hiệp ước.
Biểu tình phản đối trước Tòa Bạch Ốc đòi Mỹ duy trì chính sách ngoại giao với Iran trước khi Tổng thống Trump công bố chính sách cứng rắn hơn đối với Iran, ngày 13/10/2017.
Thông báo cho các phóng viên báo chí về chiến lược của Mỹ trước khi Tổng thống Trump phát biểu, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson nhấn mạnh rằng sách lược của Tổng thống Trump không thay đổi cam kết của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran với năm thành viên thường trước của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Liên hiệp Âu châu.
Tuy nhiên hành động của Tổng thống Trump đòi hỏi Quốc hội phải xem xét lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo luật theo dõi thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi tắt là INARA, tổng thống Mỹ mỗi 90 ngày phải xác nhận Iran có tuân thủ hiệp ước hạt nhân, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), hay không.
Ngoại trưởng Tillerson nói : "Phương án này là một chiến lược rộng lớn hơn so với chiến lược đã được áp dụng đối với Iran trong quá khứ. Mục đích là chúng tôi sẽ tiếp tục giữ hiệp ước JCPOA nhưng tổng thống sẽ không xác nhận Iran tuân thủ theo luật INARA".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục các cam kết JCPOA, với hy vọng là Quốc hội sẽ đưa ra luật mạnh hơn trong đó cho phép tự động áp dụng trở lại các biện pháp chế tài một khi Iran vi phạm thỏa thuận.
Ông Tillerson nói với các phóng viên báo chí : "Hãy sửa đổi lại các quy định của luật INARA để đưa vào những điểm cứng rắn hơn. Nếu Iran vượt quá bất cứ điểm giới hạn nào thì các biện pháp chế tài sẽ tự động có hiệu lực áp dụng trở lại".
Ngoại trưởng Mỹ nói tiếp : "Các điểm quy định đó áp dụng cụ thể cho chương trình hạt nhân, nhưng cũng có thể áp dụng chó những vấn đề như chương trình phi đạn đạn đạo".
Ông Tillerson, người được cho là kiến trúc sư của sách lược mới đối với Iran, nói rằng hành động của Quốc hội đặt ra những điểm giới hạn sẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ cho Iran rằng Mỹ kiên quyết bảo đảm rằng Iran không được phát triển vũ khí hạt nhân.
"Đó là điều tổng thống yêu cầu chúng tôi phải làm", ông Tillerson nói. "Hoặc là phải có thêm những biện pháp nghiêm khắc buộc Iran phải tuân thủ để được hưởng những lợi ích và được dỡ bỏ các lệnh chế tài, hoặc là bãi bỏ hoàn thỏa thuận. Mỹ rút lui và làm lại từ đầu".
Ông Tillerson nói rằng Tổng thống Trump sẽ loan báo thêm các biện pháp trừng phạt đối với Vệ binh Cách mạng Iran vì họ hỗ trợ cho các hành động khủng bố trong khu vực.
Tổng thống Trump đã không giấu diếm chống đối của ông đối với hiệp ước hạt nhân này kể từ khi nó được thông qua năm 2015. Các nhà phân tích và các giới chức của chính quyền Obama tham gia lập ra thỏa thuận hạt nhân này nói rằng bất cứ một nỗ lực nào nhằm sửa đổi thỏa thuận rất phức tạp này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và các nhà lập pháp.
Ông Ben Rhodes, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia thời Tổng thống Obama, nói : "Hành động này là độc đoán và hoàn toàn không cần thiết. Vấn đề hiện nay là chứng nhận Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không, và như chúng ta đều biết, chính quyền Trump đã hai lần xác nhận Iran tuân thủ hiệp ước này. Iran hiện đang tuân thủ thỏa thuận này".
Trong cuộc điện thoại với với các phóng viên báo chí hôm thứ Sáu, ông Rhodes bác bỏ cơ sở hợp lý trong sách lược của ông Trump. Ông nói : "Phương án họ hối thúc Quốc hội phải làm sẽ cấu thành hành động vi phạm hiệp ước bởi vì nó cấu thành nỗ lực đơn phương đàm phán thỏa thuận".