Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, Mỹ cùng đồng minh liên tục thách thức tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, nhằm bảo vệ quyền "tự do hàng hải", đặc biệt là gia tăng tập trận hay đưa tàu chiến vào phạm vi 12 hải lý các thực thể địa lý, do Bắc Kinh kiểm soát tại quần đảo Trường Sa. Trung Quốc điều tàu ngăn chặn. Nhiều nhà quan sát nói đến nguy cơ bùng nổ chiến tranh cục bộ. Washington hành xử ra sao trước tham vọng của Bắc Kinh trong thời gian tới ?
Trung Quốc xây dựng cả một đô thị ở quần đảo Trường Sa. Trong ảnh, đá Xu Bi, nơi Trung Quốc đã xây dựng 1 phi đạo cùng nhiều cơ sở quân sự. Ảnh chụp ngày 21/04/2017. Reuters/Erik de Castro
RFI xin giới thiệu các phân tích và dự báo nhà nghiên cứu Sean R. Liedman, làm việc tại Center for a New Americain Security (1). Bài viết mang tựa đề "The Evolution of U.S. Strategy in the South China Sea", được đăng tải trong cuốn Great Power, Grand Strategie : The New Game in the South China Sea (2), ra mắt đầu năm nay.
Trước khi nói đến ba kịch bản Hoa Kỳ có thể tiến hành để đối phó với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhà phân tích Liedman điểm lại các diễn biến của chiến lược Biển Đông của Mỹ đối với Trung Quốc, được đặt trên cái nền quan hệ song phương nói chung từ năm 1949 đến nay. Ông Sean R. Liedman đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn "vừa cạnh tranh, vừa hợp tác" ("coopetition") của Hoa Kỳ với Trung Quốc, khởi sự từ năm 2001 đến nay.
Tình hình Biển Đông đột ngột căng thẳng kể từ năm 2009, với nhiều hành động gây hấn của Trung Quốc nhắm vào tàu cá nước ngoài, các hoạt động thăm dò của các nước láng giềng như Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế kinh tế, hay việc kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarbourough, nằm hoàn toàn trong phạm vi 200 hải lý của Philippines.
Trung Quốc tận dụng khoảng trống quyền lực quốc tế
Các hành động gây hấn của Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh các quốc gia ven Biển Đông đệ nạp hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc (Commission on the Limits of the Continental Shelf United Nations - CLCS) năm 2009, và nhất là vụ kiện lịch sử của Philippines lên Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, khởi sự từ đầu năm 2013. Năm 2014, lợi dụng sự vắng mặt của binh sĩ Philippines, Trung Quốc xâm chiếm bãi cạn Second Thomas Shoal.
Tuy nhiên, hành động ghê gớm nhất của Trung Quốc chính là việc bồi đắp và xây cất các công trình có thể dùng cho hoạt động quân sự tại 7 thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, trong đó ba thực thể, Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Vành Khăn (Mischief Reef), có quy mô lớn nhất, có thể là nơi đồn trú hàng nghìn binh sĩ, với cảng biển, đường bay cho máy bay quân sự lớn, cùng nhiều công trình quân sự kiên cố khác, nơi Bắc Kinh có thể bố trí các tổ hợp tên lửa chống hạm và đất đối không.
Điều đáng lưu ý là các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo diễn ra dồn dập trong khoảng thời gian hai năm 2014-2015, vào đúng thời điểm mà Tòa Trọng Tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh.
Theo nhiều chuyên gia, hoạt động xây đắp đắp, với tổng diện tích hàng nghìn acre, với tốc độ nhanh chóng như vậy, là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Việc xây dựng nói trên đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái ở nhiều nơi, đến mức không thể hồi phục.
Chính sách Obama : dễ khiến Trung Quốc lấn lướt
Nhà nghiên cứu Sean R. Liedman tóm lược lại phản ứng của chính quyền tiền nhiệm Obama trước các hoạt động bành trướng quy mô lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Cho đến đợt xây cất ồ ạt các đảo nhân tạo, về Biển Đông Washington duy trì một chính sách nhất quán từ 20 năm qua. Đó là kiên quyết chống lại việc sử dụng sức mạnh, hay đe dọa dùng sức mạnh để giải quyết các tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan kiềm chế tránh làm tình hình căng thẳng hơn, để bảo đảm an ninh và ổn đinh, bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển huyết mạch của thế giới. Cũng như khuyến khích Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền đối với các thực thể địa lý trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trước các hành động gây hấn quy mô lớn của Trung Quốc trong những năm 2014-2015, chính quyền Obama đã buộc phải thay đổi định hướng. Theo chuyên gia Mỹ, phải ghi nhận là chính sách của tổng thống Obama trong thời gian này, đã có một tác dụng nhất định, cụ thể là đã gây được thiện cảm của nhiều nước ven Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam. Quan hệ hợp tác với Việt Nam hay Malaysia đã được siết chặt kể từ những năm 2013, 2014.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách về Biển Đông của người tiền nhiệm Obama được tác giả đánh giá là đã không đủ mạnh, để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực, bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc (theo hình 9 vạch, hay còn lại là đường Lưỡi bò), bác bỏ các hành động xâm phạm quyền chủ quyền của Philippines tại khu vực đặc quyền kinh tế…. Một số trong bốn cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, thời Obama đã không đủ rõ ràng về mục tiêu, nên đã không có tác dụng răn đe với Trung Quốc.
Ngược lại chính sách này cho thấy Bắc Kinh không phải trả giá gì nhiều cho các hành động vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế về biển, vì vậy chẳng khác nào kích thích Trung Quốc được đằng chân lân đằng đầu.
"Nhân nhượng" : Kịch bản thứ nhất
Trong thời gian tới, Hoa Kỳ cần chọn chiến lược nào ? Nhà nghiên cứu Sean R. Liedman chỉ ra ba kịch bản, cùng các điểm mạnh, điểm yếu, cũng như các biện pháp cụ thể để thực thi. Kịch bản thứ nhất mang tên là "Nhân nhượng", có nghĩa là sự nối tiếp chính sách thời tổng thống Obama, mà trong đó, Biển Đông không thực sự là vấn đề trung tâm trong quan hệ Mỹ-Trung.
Theo những người ủng hộ kịch bản này, thì Hoa Kỳ rất cần đến Trung Quốc hợp tác trong các hồ sơ quan trọng khác, như hạt nhân Iran, phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, chính sách tiền tệ quốc tế, hay quan hệ với Đài Loan… Mặt khác, Washington cũng phải dè chừng Biển Đông nóng lên có thể kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Trung Quốc. Về mặt quân sự, những người ủng hộ phương án này cho rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc không đáng sợ. Nếu xung đột bùng nổ, quân đội Mỹ có thể dễ dàng vô hiệu hóa các đảo này nhanh chóng.
Chiến lược của Hoa Kỳ trong trường hợp này sẽ là cảnh báo để ngăn chặn các hoạt động quân sự hóa tiếp theo, khuyến khích các thương thuyết song phương để giải quyết bất đồng, hay hỗ trợ các cơ chế đa phương, bao hàm cả Trung Quốc, và nhấn mạnh đến các hợp tác với Trung Quốc trong nhiều hồ sơ lớn khác. Điểm nổi bật của kịch bản này là "tránh mọi nguy cơ đối đầu trực tiếp".
Điểm yếu lớn nhất của tiếp cận này, theo tác giả, là sẽ làm cho luật pháp quốc tế ngày càng trở nên mất thiêng. Trong mọi đàm phán song phương với các láng giềng, bao giờ Trung Quốc cũng đứng ở thế mạnh. Kịch bản này chắc chắn sẽ đi liền với viễn cảnh Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh bành trướng mỗi khi có cơ hội.
"Nguyên trạng" : Kịch bản thứ hai
Kịch bản thứ hai được tác giả gọi là "Nguyên trạng". Điểm cơ bản là công nhân chủ quyền của tất cả các quốc gia ven bờ, dựa trên kiểm soát thực tế hiện nay. Kịch bản này nhiều người coi là "các bên cùng thắng", việc đi lại trên Biển Đông được thực thi theo luật pháp quốc tế.
Các biện pháp thực thi kịch bản bao gồm, việc tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ tự do đi lại, trên biển và trên không. Cổ vũ sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… vào các hoạt động nói trên. Mọi hành động gây hấn mới của Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn bằng vũ lực.
Bên cạnh các ưu điểm kể trên, theo tác giả, kịch bản này có điểm bất lợi là rất có khả năng sẽ đi liền với việc kích thích hoạt động bồi đắp xây dựng tại tất cả các thực thể địa lý ở Biển Đông, trước ngày thỏa thuận chính thức có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc thương thuyết để đạt được các thỏa thuận là không dễ dàng, và trong thời gian đó, Trung Quốc có thể khai thác để giành nhiều lợi thế về chính trị.
"Khôi phục như trước" : Kịch bản thượng tôn pháp luật
Còn lại một kịch bản thứ ba "Khôi phục như trước" được tác giả coi là, tuy khó thực hiện, nhưng phù hợp với tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế. Đó là buộc Trung Quốc phải khôi phục lại tình trạng trước khi có các hành động lấn chiếm bất hợp pháp của Bắc Kinh. Năm 2017, ngoại trưởng Mỹ vào thời điểm đó, ông Rex Tillerson, tuyên bố : Thứ nhất, chấm dứt xây dựng đảo, thứ hai, Trung Quốc sẽ không được phép tiếp cận các thực thể này. Kịch bản này, vào thời điểm đó, đã bị truyền thông Nhà nước Trung Quốc phản đối dữ dội, với đe dọa, sẽ có chiến tranh.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Mỹ, Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng thực thi giải pháp triệt để này, mà không buộc phải dùng các biện pháp quân sự. Một trong các biện pháp được nêu ra để thực thi kịch bản này, là trừng phạt có trọng điểm nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến các thực thể địa lý mà Trung Quốc chiếm giữ bất hợp pháp. Ví dụ như công ty hàng không đảo Hải Nam, các công ty truyền thông như China Mobile, China Telecom, China United Telecom, nơi cung cấp dịch vụ viễn thông, giao thông cho các đảo. Hay các công ty đã tham gia bồi đắp, xây dựng đảo.
Sức mạnh của pháp lý và đoàn kết quốc tế
Hàng loạt biện pháp pháp lý khác có thể dùng để gây áp lực với Trung Quốc, trong đó có tạo sự đồng thuận về ngoại giao quốc tế, buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông… Để thực thi kịch bản này, Hoa Kỳ chắc chắn phải chấp nhận quan hệ với Bắc Kinh sẽ có nhiều rạn nứt, chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc có thể bị kích động, khiến khủng hoảng Biển Đông lan rộng… Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác cần theo sát, để kịp thời đối phó.
Bài nghiên cứu của chuyên gia Sean R. Liedman được công bố đầu năm nay. Thực tế cho thấy một số biện pháp như ông đã nêu ra trong kịch bản thứ ba, như tước quyền tham gia của Trung Quốc vào các hoạt động quốc tế lớn, ví dụ cuộc tập trận đa quốc gia Rimpac mùa hè 2018, đã được chính quyền Donald Trump thực thi. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa rõ chính quyền Mỹ có kiên quyết chọn kịch bản thứ ba, để pháp luật quốc tế được thượng tôn tại Biển Đông hay không ? Và các đồng minh, đối tác khu vực và quốc tế có thái độ như thế nào ?
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 08/10/2018
Ghi chú
1. Ông Sean R. Liedman từng phục vụ 25 năm trong Hải Quân Mỹ, và là người sáng lập, đương kim chủ tịch cơ sở tư vấn hàng hải Eagle Strategy, Inc. Ông cũng từng là trợ lý phó tư lệnh Bộ Chỉ Huy Trung Tâm Mỹ, phụ trách vùng Trung Đông (CENTCOM).
2. Nhà xuất bản Viện Hải Quân Mỹ (Naval Institute Press), năm 2018.
Tàu sân bay mới sẽ tăng uy tín Bắc Kinh như thế nào ? (VOA, 18/08/2018)
Chiếc hàng không mẫu hạm đang được đóng của Trung Quốc sẽ gửi đi thông điệp về sức mạnh của nước này và nếu nó được triển khai trong các sứ mệnh nhân đạo, nó sẽ nâng cao hình ảnh của Trung Quốc như là một cường quốc có trách nhiệm, và do đó góp phần nâng tầm vị thế của Trung Quốc trong khu vực, theo nhận định của một nhà nghiên cứu.
Tàu sân bay Liêu Ninh là chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Mỹ
Giáo sư kiêm nhiệm Richard Salmons của Đại học Temple có cơ sở tại Tokyo, đã có bài phân tích về tác dụng đánh bóng hình ảnh Trung Quốc của chiếc tàu sân bay thứ hai cũng là chiếc đầu tiên mà Trung Quốc tự đóng trong một bài phân tích có tự đề ‘Bằng cách nào tàu sân bay mới của Trung Quốc định hình trật tự khu vực’ đăng trên tạp chí Diplomat.
Lần thử nghiệm chạy trên biển của chiếc tàu sân bay tự đóng trong nước đầu tiên của Trung Quốc đã khơi mào tranh luận về sức mạnh hải quân Trung Quốc. Một số người lập luận rằng chiếc hàng không mẫu hạm, mặc dù vẫn dễ bị tổn thương trong một cuộc xung đột sẽ là cơ sở để củng cố vai trò lãnh đạo của Trung Quốc nếu như Mỹ triệt thoái khỏi khu vực.
"Sẽ tốt hơn nếu xem xét rằng hạm đội tàu sân bay mới này của Trung Quốc không cần phải đợi có chiến sự mới thể hiện được giá trị của mình, mà thật ra nó có tác dụng nhất là khi không có chiến tranh," ông Salmons nhận định. "Thay vì đối đầu với những hải quân khác của các nước lớn, những chiếc tàu này một khi đi vào hoạt động sẽ làm tăng uy tín và vị thế của Trung Quốc trong trật tự khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Theo ông Salmons, điều này có thể xảy ra theo hai cách : thứ nhất là việc triển khai một hạm đội như thế trong thời bình sẽ giúp Trung Quốc làm giảm đi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mà không cần phải đối đầu trực tiếp ; thứ hai là những chiếc hàng không mẫu hạm này sẽ gửi đi tín hiệu khiến cho các nước trong khu vực thay đổi hoàn toàn quan niệm về vị thế của Trung Quốc.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 đề ra nguyên tắc kết hợp ‘phòng vệ ven biển’ và ‘phòng vệ trên biển lớn’ và đặt ra mục tiêu cho đến năm 2030 xây dựng được năng lực viễn chinh giới hạn bao gồm hoạt động trong các thảm họa thiên tai, di tản, chống khủng bố và đảm bảo an ninh của các tuyến hàng hải.
Theo lời của một sỹ quan của Hải quân của Giải phóng quân Trung Quốc (PLAN) thì chức năng của chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai này sẽ là làm những gì mà một chiếc tàu sân bay thực thụ phải làm : tuần tra chiến đấu và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Hoạt động cứu trợ nhân đạo có vai trò quan trọng vì Trung Quốc đang cạnh tranh vị thế với các nước lớn khác trong khu vực. Vị thế này có được thông qua việc thể hiện trách nhiệm. Sử dụng năng lực hải quân để cứu trợ nhân đạo là cách làm lý tưởng cho mục đích này vì nó giúp cho một nước nào đó chứng tỏ sức mạnh cơ bắp, xây dựng các liên hệ quốc tế thực tiễn và thể hiển vai trò lãnh đạo về đạo đức.
Một ví dụ điển hình là trận sóng thần Ấn Độ Dương hồi năm 2004 mà sau đó đã kích hoạt một nỗ lực cứu trợ quốc tế do tàu sân bay Abraham Lincoln của Mỹ dẫn đầu. Một số học giả sau đó đã nhận định rằng thảm họa đã này đã khiến công chúng Trung Quốc mong muốn nước họ sở hữu tàu sân bay trong khi báo chí của quân đội Trung Quốc cho rằng việc phản ứng trước thảm họa có ý nghĩa chính trị là nó cho thấy tầm quan trọng của hải quân không chỉ trong trường hợp có chiến tranh mà còn trong việc ‘xây dựng đất nước, cứu hộ thiên tai và tái thiết’.
Theo ông Salmons, nhiều khả năng Bắc Kinh xem các chiến dịch nhân đạo trên quan điểm thực tiễn thẳng thừng vì ít nhất ba lý do. Thứ nhất, các chiến dịch nhân đạo củng cố thêm địa vị của họ trong khu vực bởi vì chúng là cách thể hiện tuyệt vời năng lực tác chiến thật sự. Bên cạnh đó, như Mỹ, Nhật và Úc đã chỉ ra, viện trợ nhân đạo là phương cách thực hiện ‘ngoại giao quốc phòng’ tuyệt vời.
Nhu cầu chuẩn bị cho những kịch bản thảm họa đem đến cái cớ linh động để tiếp cận cũng như hợp tác song phương với các đối tác khu vực bất chấp họ có nằm trong liên minh truyền thống hay không, còn thành tích hỗ trợ nhân đạo cũng biện hộ cho việc được quyền tiếp cận hay thậm chí là thiết lập căn cứ ở nước ngoài.
Thứ hai là, viện trợ nhân đạo sẽ đem đến những lợi ích những lợi ích về sức mạnh mềm có thể đo đếm được. Số liệu của Viện Nghiên cứu Pew cho thấy sự cải thiện rõ ràng trong thái độ của các nước đối với Mỹ sau những thảm họa thiên tai như trận sóng thần ở Ấn Độ Dương hồi năm 2004 và trận động đất, sóng thần ở đông Nhật Bản hồi năm 2011. Tương tự, Nhật Bản đã giành được vinh quang ngoại giao ở khối Asean sau khi họ triển khai hải quân rầm rộ nhất trong thời hậu chiến để hỗ trợ Philippines sau trận bão Hải Yến vào năm 2013 trong khi Bắc Kinh bị truyền thông chỉ trích vì cứu trợ nhỏ giọt.
Khía cạnh thứ ba khiến cứu trợ nhân đạo có tầm quan trọng đối với Trung Quốc là khả năng của lực lượng hải quân viễn chinh trong việc hỗ trợ di tản những công dân Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng ở nước ngoài. Điều này từ lâu đã là một trọng điểm để Bắc Kinh thể hiện tính hợp pháp của chính quyền Đảng Cộng sản.
"Ngoài ra, viện trợ nhân đạo của một cường quốc mới nổi có thể làm xói mòn vai trò của cường quốc đã vững vàng và cho phép cường quốc mới nổi đó tăng vị thế trong trật tự khu vực," ông Salmons viết.
Chi phí đắt đỏ của việc xây dựng một hạm đội chiến đấu cùng hàng không mẫu hạm, ước tính vào khoảng 10 tỷ đô la, cũng phù hợp với lập luận về biểu tượng quyền lực. Cũng giống như chương trình không gian của Trung Quốc và việc Bắc Kinh tổ chức Olympic, hàng không mẫu hạm sẽ là sự thể hiện với bên ngoài không chỉ về một đất nước giàu có mà còn là một đất nước có năng lực kỹ thuật và năng lực tổ chức dẫn đầu. Hàng không mẫu hạm là một biểu tượng được thừa nhận rộng rãi đến nỗi nó khiến cho các nước cảm nhận được ngay. Nếu Bắc Kinh triển khai tàu sân bay ra nước ngoài, thì không chỉ mọi người đều chú ý mà ai cũng sẽ hiểu dạnh quyền lực đang được thể hiện, vẫn theo ông Salmons.
*******************
Hoa Kỳ hứa bảo vệ Philippines nếu bị Trung Quốc chiếm đảo (RFA, 17/08/2018)
Hoa Kỳ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.
Đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa. Hình chụp hôm 21/4/2017 - AP
Đó là phát biểu của ông Randall Shriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, với giới báo chí tại Đại sứ quán Mỹ ở Manila hôm 16/8.
Các phóng viên đã hỏi ông Shriver rằng liệu Hoa Kỳ có giúp Philippines theo như hiệp ước quốc phòng song phương trong trường hợp Trung Quốc xâm chiếm đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở Trường Sa hay không ?
Ông Shriver nói Hoa Kỳ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng.
Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines ở Biển Đông. Hoa Kỳ lúc đó đã lên tiếng phản đối nhưng vẫn không thể ngăn cản được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines.
Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các thực thể này. Nhiều nhà quan sát Philippines bày tỏ lo ngại khi trong vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục cảnh báo các máy bay nước ngoài không được tiến gần các đảo này.
Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục cho máy bay và tàu đi qua vùng nước tranh chấp, bất chấp những thách thức gia tăng từ Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga trong khi giảm nhẹ mối quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ.
**********************
Giới phân tích : Trung Quốc được lợi khi thỏa hiệp khai thác Biển Đông (VOA, 15/08/2018)
Mới đây, đã xuất hiện đề xuất chia lợi nhuận 60-40 trong khai thác dầu khí ở Biển Đông có tranh chấp, với phần nhiều hơn dành cho Philippines so với Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng đề xuất này giúp Bắc Kinh bảo vệ mối quan hệ ngoại giao gập ghềnh nhưng có nhiều giá trị của họ với Manila, đồng thời chứng minh về tinh thần láng giềng của họ đối với các khu vực khác ở Châu Á.
Một cuộc biểu tình của người Philippines hồi tháng 2/2018 chống việc Trung Quốc xây đảo ở Biển Đông
Bộ trưởng ngoại giao của Philippines được dẫn lời nói hôm 31/7 rằng Bắc Kinh sẵn sàng nhận phần ít hơn trong bất kỳ hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch nào được tìm thấy ở một vùng thuộc Biển Đông, nơi hai nước có tranh chấp chủ quyền.
"Kế hoạch này của chính phủ đã nhận được rất nhiều lời chỉ trích, bởi vì có những người khác tranh rằng luận nếu những khu vực này nằm trong vùng độc quyền kinh tế của Philippines, thì chúng thuộc về Philippines và không nên bị chia sẻ", Maria Ela Atienza, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Philippines Diliman, nói.
Một số người Philippines nêu ra những vấn đề hiến định đối với việc cho phép Trung Quốc thăm dò nhiên liệu ở dưới vùng biển mà Philippines coi là thuộc về riêng họ. Những người khác chỉ ra việc các công ty dầu mỏ tư nhân, như các công ty Nhật Bản, sẵn sàng thăm dò, khai thác dầu khí dưới đáy biển mà không có rắc rối gì về chủ quyền, Atienza nói.
Tổng thống Duterte ủng hộ quan hệ thân thiện với Trung Quốc bởi vì, theo lời ông, Philippines không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh với quốc gia đó. Trung Quốc, nước có lực lượng vũ trang mạnh nhất Châu Á, đã xây dựng các căn cứ quân sự trên 3 đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa, một quần trên đảo Biển Đông mà nhiều bên tuyên bố là của riêng họ.
Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Đài Loan cũng tranh chấp quyền đối với quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc, nếu họ ký vào thỏa thuận, sẽ nhận 40% để thể hiện thiện chí đối với Philippines. Nếu không đi đến thỏa thuận, Philippines có thể nhờ cậy vào Hoa Kỳ, đối thủ địa chính trị của Trung Quốc, các chuyên gia nói.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia, nêu quan điểm : "Việc khai thác chung ở Philippines là một vấn đề gây tranh cãi nếu căn cứ theo các điều khoản trong Hiến pháp".
"Bằng cách đồng ý nhận phần nhỏ hơn, Trung Quốc tìm cách vô hiệu hóa sự chống đối trong nước của người Philippines", ông nói. "Tổng thống Duterte đã đưa ra một lập trường hòa giải hơn và Trung Quốc đang mong muốn tận dụng điều này, hy vọng sẽ gây áp lực cho các quốc gia khác làm theo".
Một thỏa thuận thăm dò ngoài khơi đảo Palawan của Philippines với một tập đoàn các công ty tư nhân cũng sẽ cho chính phủ được hưởng 60% doanh thu.
Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc không chỉ muốn xoa dịu Philippine mà cả các nước Đông Nam Á khác đang có những tuyên bố tranh chấp về chủ quyền biển. Việc thể hiện thiện chí có thể làm giảm tác động của một phán quyết từ tòa trọng tài quốc tế bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển của Trung Quốc, và ngăn các nước khác tìm kiếm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.
Alan Chong, phó giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng một thỏa thuận dầu khí có tính hòa giải có thể tạo ra âm hưởng khắp Châu Á, nơi Trung Quốc đang phát triển cơ sở hạ tầng như là một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ đôla, kéo dài 5 năm.
Bắc Kinh muốn tiếp tục được đánh giá tích cực từ Hiệp hội các nước Đông Nam Á gồm 10 thành viên, vào lúc hai bên thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử để tránh sự cố ở vùng biển có tranh chấp, ông Chong nói thêm.
Ralph Jennings
Lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào một thế giới có luật lệ theo trật tự mà Mỹ và các nước phương Tây dựng lên, nên họ quyết tâm thách thức các luật lệ quốc tế ở Biển Đông và họ có thể bành trướng được như ngày hôm nay một phần cũng là do sự thất bại của Mỹ và các nước đồng minh Châu Á trong việc lập một liên minh đoàn kết để cân bằng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, một nhà báo Anh theo dõi thời sự quốc tế nhận định.
Chuyên gia : Việt Nam đối thủ 'khó nuốt' trên Biển Đông
Nhà báo Humphrey Hawksley, phóng viên thời sự quốc tế của hãng truyền thông BBC đã đưa ra nhận định trên tại buổi ra mắt cuốn sách mới của ông có tựa đề ‘Asian Waters – the Struggle Over the South China Sea and the Strategy of Chinese Expansion’ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington, Mỹ, hôm thứ Sáu ngày 22/6. Những nhận định trên nằm trong phần trình bày tóm lược về nội dung cuốn sách mới của ông.
‘Nỗi nhục trăm năm’
Trước hết, lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp bởi vì những bài học lịch sử mà họ đã trải qua và thấm thía trong cái mà họ gọi là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ (Nỗi nhục Trăm năm) mà bản thân nhà báo Hawksley đã nhìn nhận được trong thời gian ông đến Trung Quốc.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012, lập luận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển từ quan niệm ‘người chiến thắng’ – tức Đảng Cộng sản là lực lượng đã đưa Trung Quốc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trước các ‘lực lượng đế quốc’ – sang quan niệm ‘kẻ bị chèn ép’ – tức đất nước và dân tộc Trung Hoa là nạn nhân bị các cường quốc phương Tây bóc lột và chèn ép trong suốt quá trình lịch sử trên một trăm năm.
Bản thân ông Tập ngay sau khi lên cầm quyền năm 2012 trong một hành động mang tính biểu tượng cao đã đi thăm một cuộc triển lãm có tên là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ ở Bắc Kinh để gợi nhớ đến thời kỳ hơn một trăm năm Trung Quốc bị các nước phương Tây sỉ nhục kể từ cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên với Anh quốc vào năm 1839 cho đến khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Từ ‘nỗi nhục trăm năm’ đó, ông Tập đã đề ra khẩu hiệu 'Trung Hoa Mộng’ để đưa tới ‘sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa’. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái đã đề ra ‘Bách niên Mục tiêu’ (Mục tiêu Trăm năm) để xây dựng đất nước họ thành một quốc gia hùng cường vào năm 2049 – tức tròn một trăm năm Nhà nước Trung Hoa mới ra đời.
"Suy nghĩ về ‘Nỗi nhục Trăm năm’ ăn sâu trong đầu óc của người dân Trung Quốc từ khi mới sinh ra cho đến khi học đại học vì nó là một nội dung nổi bật được giảng dạy trong chương trình đại học", ông Hawksley cho biết. "Nó cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trên bàn ăn tối của người dân Trung Quốc".
Ông Hawksley kể rằng ông đã đến thăm Bảo tàng về ‘Bách niên Quốc sỉ’ này ở Bắc Kinh và ông đã tranh luận với người dân ở đó về trật tự thế giới dựa trên pháp trị.
"Đó là điều tốt nếu anh có thể tận dụng điều đó để làm cho anh giàu mạnh", ông kể lại lập luận của một người dân Trung Quốc mà ông đã trò chuyện với, "Nhưng đừng nói với họ là những luật lệ đó là công bằng và bình đẳng".
"Họ không tin vào điều đó đâu. Họ sẽ lấy những gì họ có thể".
Ông kể một người dân Trung Quốc khác đã có cách ví von như sau : "Hãy tưởng tượng : giả sử như nước Mỹ trải qua một giai đoạn dễ bị tổn thương ; không có nhà lãnh đạo đáng tin tưởng ; xã hội loạn lạc ; người dân không biết chắc đất nước mình sẽ đi về đâu. Vào lúc đó, một băng đảng buôn ma túy ở Mexico từ phía Nam tấn công lên phía bắc và yêu cầu nước Mỹ phải mở cửa các tiểu bang như New Mexico, Arizona và California để họ có thể tự do bán ma túy. Họ buộc nước Mỹ yếu ớt phải ký hiệp ước với họ và nói rằng ‘Hãy nhìn xem : đây là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Anh phải biết tôn trọng nó’".
"Đó là điều đang được giảng dạy ở các trường học và trường đại học ở Trung Quốc", ông Hawksley nói.
Do đó, ông cho rằng phương Tây cần hiểu tâm tư của người dân Trung Quốc để có cách giải quyết quan ngại này theo cái cách mà ‘chúng ta đã không làm để có thể nắm bắt được suy nghĩ của Saddam Hussein và người dân Iraq’.
Ông Hawksley nói rằng mặc dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vấn đề chính ở Biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã không bị tôn trọng, luật pháp quốc tế đã bị vi phạm.
Do đó, một trong những nội dung chính của cuốn sách của ông là giải thích rằng tình hình trên Biển Đông là ‘về trật tự dựa trên luật pháp và pháp trị’.
"Nếu chúng ta từ bỏ những giá trị mà chúng ta đã chiến đấu để dựng nên, nếu chúng ta để cho một chính phủ hùng mạnh và chuyên chế gặm nhấm dần dần (Biển Đông) thì họ sẽ giành được các đồng minh ở Châu Á, họ sẽ lôi kéo những quốc gia yếu ở Châu Phi, Châu Âu về phía họ", ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng vấn đề đối với những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không làm cho các nước phương Tây cảm thấy nhu cầu phải có hành động mạnh mẽ là ‘không có ai sinh sống ngoài đó cả’.
"Anh không có bức tranh như những gì anh nhìn thấy ở Syria (nơi luật lệ quốc tế cũng bị xâm phạm với việc Tổng thống Bashar al Assad bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường) vốn khiến chúng ta nhận thấy rằng chúng ta phải làm điều gì đó", ông nói và cho biết ông muốn góp phần nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về các tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang dần chiếm ưu thế ?
Nhà báo Hawksley cũng nhận định rằng ở vùng Đông Nam Á trong vòng 5, 6 năm qua Trung Quốc ‘đã có được ảnh hưởng rất lớn’ và ‘đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng’.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông là do ‘Mỹ và liên minh thống nhất của Châu Á đã thất bại trong việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc’.
"Điều này đã khiến cho một số lãnh đạo Châu Á thực dụng đặt dấu hỏi tương lai đất nước họ sẽ đi về đâu", ông cho biết. "Khoảng 3,4 năm trước khi tôi nói chuyện với các chính phủ Đông Nam Á thì họ vẫn luôn nói rằng chúng tôi không muốn bị yêu cầu phải chọn đi theo bên nào như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều chính phủ trong khu vực đã xây dựng kế hoạch B vì họ biết rằng mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng đó".
"Tất cả các chính phủ trong khu vực đều có kinh nghiệm về việc những gì sẽ xảy đến với họ nếu họ làm cho Bắc Kinh phật lòng và nếu họ làm như những gì Bắc Kinh muốn thì họ sẽ được tưởng thưởng như thế nào", ông cho biết.
Một ví dụ mà ông đưa ra là ở Việt Nam, nơi ông đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự lần đầu tiên vào đầu những năm 80, ông đã nhìn thấy những khí tài của người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc xếp chồng lên nhau để chứng tỏ rằng ‘đây là một đất nước đã từng chiến đấu với ba ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khiến họ phải ôm đầu máu’.
"Giờ đây, nếu anh tới đó anh sẽ không còn thấy phương tiện vận tải quân sự nào của Trung Quốc được trưng bày ở đó nữa. Họ (Việt Nam) muốn xoa dịu Trung Quốc bằng cách đó", ông nói, mặc dù ông cũng cho biết những trận đánh cổ xưa như trận Bạch Đằng năm 938 vẫn được trưng bày và so sánh việc này với việc các bảo tàng ở Anh Quốc trưng bày về cuộc xâm lược của người Norman từ Pháp vào năm 1066 nhưng lại ‘không có gì về hai cuộc Thế chiến’.
Liên minh không vững ?
Đề cập đến diễn biến gần đây là chính quyền Tổng thống Donald Trump của Mỹ đưa ra chiến lược ‘Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do’ để thay thế cho chiến lược ‘xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Barack Obama, ông cho rằng chiến lược mới – với trọng tâm là xây dựng tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn – này ‘sẽ không hiệu quả’ trong việc cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc (ông không dùng từ ‘kiềm chế’ hay ‘đẩy lùi’ mà chỉ là ‘cân bằng’).
"Nhân tố mới là Ấn Độ. Đây không phải là đồng minh mới mà là đối tác mới. Chúng ta đã từng thấy việc này trước đây. Nó sẽ không như là những gì mọi người nói. Một liên minh của các giá trị dân chủ chống lại các giá trị độc tài sẽ không có tác dụng", ông phân tích.
Ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1962 khi chiến tranh bùng nổ tại biên giới Trung-Ấn thì chính quyền của Tổng thống Kennedy đã gửi khí tài và cố vấn quân sự đến giúp Ấn Độ chống lại Trung Quốc khiến Trung Quốc cuối cùng phải lui quân sau chiến thắng quân sự do lo ngại Mỹ sẽ tham chiến với vũ khí hạt nhân. Lúc đó mọi người nghĩ rằng liên minh kề vai sát cánh giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ bền vững nhưng mọi chuyện về sau lại không phải như vậy.
"Chín năm sau, khi chiến tranh giành độc lập của Bangladesh nổ ra, Mỹ đứng về phía Pakistan còn Ấn Độ ký hiệp ước với Nga và cho đến bây giờ hiệp ước đó vẫn còn duy trì rất tốt. Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ", ông cho biết.
Một trong những lý do mà ông Hawksley chỉ ra để giải thích cho việc liên minh không bền vững với Ấn Độ là ‘sự thiếu tin tưởng nói chung’ giữa hai nước.
"Kịch bản có thể xảy ra là mối quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Lúc đó Ấn Độ được yêu cầu phải đứng về một phía. Nhiều khả năng New Dehli sẽ trở lại chính sách không liên kết của họ và họ đi con đường riêng của họ. Họ xem Nga là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy còn Mỹ thì không", ông giải thích.
Trả lời câu hỏi của VOA về những đòn bẩy gì mà Washington có thể sử dụng để buộc Bắc Kinh tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp trên Biển Đông, ông Hawksley nói : "Đó là vấn đề mà Mỹ đang gặp phải. Nếu không, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không chào đón Anh, Pháp để tham gia (vào việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông)".
Ông đưa ra dẫn chứng là Philippines mới đây đã bác bỏ việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ ‘bởi vì họ không muốn vấn đề của Mỹ với Trung Quốc nằm trong những hành động của họ’ và việc Manila giảm nhẹ một phần của hiệp định an ninh tăng cường Mỹ-Philippines.
"Mọi người trong khu vực đều cảnh giác trước việc họ có thể đi xa đến đâu (trong việc hợp tác với Mỹ). Việt Nam có lẽ là nước mạnh mẽ nhất với những chiếc cập cảng của tàu chiến Mỹ", ông giải thích. "Chúng ta sẽ không có một mặt trận thống nhất của các nước đồng minh dân chủ (để cân bằng với Trung Quốc)".
Trả lời câu hỏi của VOA về chiến lược gì giúp Trung Quốc thành công trong việc bành trướng trên Biển Đông, ông Hawksley đưa ra dẫn chứng là bãi cạn Sscarborough mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ phía Philippines hồi năm 2012.
"Bãi cạn Sscarborough là nơi diễn ra trò chơi chiến lược. Bắc Kinh đã kiểm soát được nó. Tôi đồ rằng vào lúc nào đó họ xây dựng cái gì đó ở đấy. Không phải là vào lúc này. Họ sẵn sàng giảm bớt căng thẳng. Đó là một nơi cần phải theo dõi".
Một dẫn chứng nữa mà ông đưa ra là việc Trung Quốc liên tục đưa những ‘lực lượng dân quân hải quân’ mà thực chất là những tàu cá do Giải phóng Quân PLA Trung Quốc kiểm soát ra cái mà họ gọi là Quần đảo Đông Sa (tên quốc tế là quần đảo Pratas) để diễn tập phòng vệ đảo.
Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của chiến lược ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Mỹ, ông Hawksley nói đó thực chất là sự ‘mở rộng của chiến lược xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama để bao gồm luôn cả Ấn Độ Dương để vươn tới vùng bờ biển phía đông Châu Phi nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc vùng sừng của Châu Phi’.
Tuy nhiên ông cho rằng chiến lược này chỉ mới tập trung vào tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn chứ chưa ‘chính thức lôi kéo những nước nhỏ như Việt Nam và Philippines tham gia vào’.
Một hạn chế nữa ông chỉ ra là tốc độ của liên minh này đang diễn ra rất chậm chạp so với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. "Mỹ đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ đã gần 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/9 vào năm 2001. Đó là công việc mất nhiều thời gian trong khi Trung Quốc đang hành động rất nhanh chóng".
"Đó là vấn đề liệu anh có thể hình thành một liên minh kinh tế, chính trị và quân sự ở Châu Á trước khi Trung Quốc hướng về phía Châu Âu (xuyên qua Châu Á) với dự án Một Vành đai, Một Con đường hay không", ông nói.
Về vai trò của Việt Nam, ông nói Hà Nội ‘đã là nước đứng lên chống lại Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên Biển Đông’ và đưa ra dẫn chứng là cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hồi năm 2014 mà Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc và rằng ‘các ngư dân ở đảo Lý Sơn vẫn liên tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa để thể hiện chủ quyền với vùng biển họ tuyên bố là lãnh hải của họ’.
"Vấn đề của Việt Nam là Trung Quốc là một cường quốc có đòn bẩy kinh tế đối với khu vực. Nếu Việt Nam muốn nâng cao mức sống của người dân thì họ buộc phải làm việc với Trung Quốc", ông nói.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hà Nội đã từng đặt nhiều hy vọng vào để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như được chính quyền Obama hy vọng là tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực trước ảnh hưởng kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc đã bị Tổng thống Donald Trump từ bỏ sau khi ông lên cầm quyền.
"Đồng thời, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam là một đất nước rất khó chơi. Họ đã từng có chiến tranh ở biên giới (vào năm 1979) mà Trung Quốc thật ra đã thua. Bắc Kinh không muốn xung đột với Hà Nội một lần nữa".
"Nếu Trung Quốc đối xử tệ với Việt Nam hoặc được nhìn thấy là đối xử tệ với Việt Nam thì phần còn lại ở Đông Nam Á sẽ không tin vào Trung Quốc nữa vì Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược", ông nói. "Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà hai bên đang khai thác nhưng không có nhiều sự tin tưởng".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Vào ngày 18/5 vừa qua tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Quốc đưa tin và hình ảnh máy bay ném bom H-6K của nước này hạ và cất cánh tại một địa điểm không nêu tên cụ thể ở Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế ngay lập tức xác định đó là tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và cho rằng trong tương lai không xa Trung Quốc sẽ cho máy bay ném bom đến Trường Sa nơi nước này đã cho xây dựng các đường băng, nhà chứa máy bay và tên lửa.
Máy bay H-6K bay trong cuộc duyệt binh kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 ở Bắc Kinh hôm 3/9/2015. AP
Hoạt động mới này của Trung Quốc chỉ là một phần trong một loạt những hoạt động quân sự tại Biển Đông của Trung Quốc trong suốt thời gian qua mà như người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung tá Christopher Logan gọi là sự tiếp tục quân sự hóa khu vực Biển Đông.
Để đối phó với những hành động gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, thời gian qua Hoa Kỳ ngoài việc lên tiếng phản đối, cũng đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây lấp, trợ giúp các nước Đông Nam Á trong khả năng phòng vệ và tuần tra biển. Tuy nhiên, dường như những gì Hoa Kỳ đang làm vẫn không đủ để đối phó với Trung Quốc. Bà Lindsey Ford, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị và an ninh thuộc Viện Chính sách của Asia Society, Mỹ, nhận định trong một hội thảo về Biển Đông tại Trung tâm Penn-Biden ở Washington DC hôm 21/5 :
"Vào khoảng năm 2014 và 2015 thì rõ ràng là những gì mà Hoa Kỳ đang làm đã không có hiệu quả hay thậm chí làm chậm bất cứ cái gì ở Biển Đông. Việc cải tạo đất của Trung Quốc được thực hiện, và đó là dấu hiệu của quân sự hóa, gia tăng quân sự hóa khu vực Biển Đông. Trung Quốc đã thành công trong việc áp dụng chiến thuật chia rẽ ASEAN và thay vì dùng tàu hải quân họ dùng tàu chấp pháp tại đây và điều này gây khó khăn cho các nước khác khi tìm cách đối phó".
Cựu sĩ quan tình báo Hải Quân Mỹ James Fanell trong một bản tường trình gửi Ủy ban tình báo thượng viện Mỹ hồi tháng đầu tháng 5 cho biết từ tháng 10/2015 trở lại đây, Trung Quốc đã cho tàu theo sát hầu như mọi hoạt động của tàu Hải quân Hoa Kỳ ở khu vực Biển Đông. Ông Fanell nhận định "tàu chiến hải quân Trung Quốc vào và hoạt động trong khu vực Biển Đông, chuyển chiến lược bao phủ khu vực sang chiến lược đối đầu trực tiếp. Sự thay đổi này cho thấy bằng chứng về ý định Trung Quốc sẽ sử dụng lực lượng quân sự để đạt dược những mục tiêu chiến lược qua đe dọa và bắt nạt, bất chấp việc họ vẫn khẳng định về sự phát triển hòa bình".
Theo thống kê được đưa ra trong bản tường trình của ông James Fanell, Từ tháng 10/2015 trở lại đây, Hoa Kỳ đã thực hiện tổng cộng 14 cuộc tuần tra trên Biển Đông trong chương trình Tự do Hàng Hải (Fonops) được Tổng thống Barack Obama đưa ra từ năm 2015.
Chương trình tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ theo đánh giá của chuyên gia Lindsey Ford là nằm trong những chiến thuật mà Mỹ áp dụng nhằm tìm một chiến lược đối phó hiệu quả với sự lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. Chiến thuật này được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton vào năm 2010 lần đầu tiên lên tiếng tại Hà Nội về quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông. Theo bà Lindsey Ford, những quyền lợi này đã cho thấy vấn đề mà Mỹ mắc phải khi giải quyết vấn đề Biển Đông
"Tuyên bố (của Ngoại trưởng Hoa Kỳ) làm được là thứ nhất chỉ ra các quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông. Các quyền lợi này bao gồm hai điểm, thứ nhất là tự do hàng hải và sự tiếp cận tới vùng biển của Châu Á, thứ hai là tuân thủ luật quốc tế và giải quyết tranh chấp không qua vũ lực và xâm lấn. Nhưng điều mà tuyên bố không nói tới là quyền lợi trực tiếp của Mỹ ở Biển Đông, quyền lợi của Mỹ ở các đảo và bãi đá hay kết quả của những tranh chấp. Theo tôi cái cách mà Hoa Kỳ đưa ra các quyền lợi của mình trong tuyên bố này đã nói rõ và nó là điều đã dẫn chúng ta đến tình huống ngày hôm nay".
Theo bà Lindsey Ford, Trung Quốc đã ngay lập tức có chiến thuật đối phó thành công còn Hoa Kỳ đã thất bại trong việc tìm ra chiến lược hiệu quả
"Theo tôi câu chuyện Biển Đông trong những năm qua là chiến thuật của Mỹ tìm chiến lược trong khi Trung Quốc đã có chiến lược và họ đi tìm chiến thuật. Khi so sánh hai phía tôi thấy là Trung Quốc đã làm tốt hơn Mỹ trong việc tìm ra chiến thuật hiệu quả còn Hoa Kỳ thì chưa tìm ra được chiến lược hiệu quả cho mình".
Dưới thời của Tổng thống Obama, Hoa Kỳ có chiến lược chuyển trục về Châu Á Thái Bình Dương để đối phó với sự lớn mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, chiến lược này đã không thực sự hiệu quả.
Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ có chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương mở thay cho chiến lược chuyển trục. Tuy nhiên theo chuyên gia Lindsey Ford cho đến lúc này Mỹ vẫn chưa thực sự có chiến lược hiệu quả đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông mà vẫn tiếp tục thực hiện một số những chiến thuật từ thời của Tổng thống Obama, cụ thể là hoạt động tuần tra tự do hàng hải vốn không có mấy tác dụng.
Trung Quốc trong suốt giai đoạn từ cuối năm 2013 đến nay đã gia tăng việc xây lấp đảo nhân tạo và thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo này. Hồi đầu năm nay, mạng báo Inquirer của Philippines cho biết Trung Quốc gần như hoàn tất việc quân sự hóa 7 rạn san hô đang tranh chấp chủ quyền ở Trường Sa. Hiện Trung Quốc đã thiết lập 7 tiền đồn trên quần đảo Trường Sa với ba đường băng trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, chưa kể căn cứ quân sự và đường băng ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Hồi đầu tháng 5, hãng tin CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không và chống hạm ra 3 tiền đồn ở Trường Sa.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, tờ Wall Street Journal của Mỹ cho biết Trung Quốc đã lắp đặt trên hai tiền đồn ở Trường Sa các thiết bị phá sóng radar và liên lạc.
Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về việc quân sự hóa khu vực Biển Đông. Tuy nhiên Trung Quốc nói rằng nước này có toàn quyền đối với các vùng thuộc chủ quyền của mình và việc xây dựng trên các đảo là nhằm phục vụ mục đích phi quân sự và quốc phòng, không nhằm hướng tới một nước nào cụ thể.
Chuyên gia về luật và chính trị thuộc trường đại học Pennsylvania, giáo sư Jacques Delisle nhận định :
"Chừng nào Trung Quốc còn đưa vào tuyên bố của mình rằng nước này không có ý định ngăn cản tự do hàng hải thì vẫn còn có hai sự khác biệt cơ bản về khái niệm ở đây giữa việc tôi có quyền và tôi chọn không thực hiện quyền đó, và do đó sẽ còn nhiều lý do để chúng ta phải chú ý tới những gì sẽ diễn ra ở Biển Đông sắp tới".
Cho đến lúc này, hoạt động được báo chí đưa tin nhiều nhất của Mỹ tại Biển Đông vẫn là chương trình tự do hàng hải. Chuyên gia Lindsey Ford cho rằng đây là chương trình tốt nhưng tự nó không thể giải quyết được câu hỏi về mặt chiến lược, và đã đến lúc Mỹ cần phải vẽ một lằn ranh đỏ. Tuy nhiên, chuyên gia từ Asia Society cho rằng nếu lằn ranh đỏ có nghĩa bao gồm cả các hoạt động quân sự cụ thể thì có lẽ cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn vào lúc này, nhất là khi Mỹ lại đang cần có sự hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn
*********************
Hoa Kỳ tăng cường hỏa tiễn phòng thủ đạn đạo ở Châu Á (cali, 22/05/2018)
Reuters – Hôm thứ ba 22/5 chiến hạm USS Milius của Hải Quân Hoa Kỳ, vốn được trang bị các hỏa tiễn đạn đạo tối tân nhất, đã đến Nhật Bản nhằm tăng cường hệ thống phòng thủ chống lại mọi tấn công hỏa tiễn nào từ Bắc Hàn hay của bất cứ ai khác ở vùng Đông Á.
Chiến hạm USS Milius đã cập bến cảng Hải Quân Yokosuka Naval Base của Nhật Bản - Photo Credit : Tim kelly
Chiến hạm USS Milius đã cập bến cảng Hải Quân Yokosuka Naval Base của Nhật Bản, 3 tuần lễ trước khi diễn ra cuộc hội thảo thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Singapore.
Việc này cho thấy Hoa Kỳ vẫn xem chuyện gây sức ép quân sự vẫn là cần thiết lên Bắc Hàn khi phải thuyết phục quốc gia này nên từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn liên lục địa của họ.
Thật ra chuyện điều chiến hạm Milius đến Nhật như thế đã bị trì hoãn gần một năm, vì chiến hạm này cần phải được canh tân hệ thống hỏa tiễn phòng thủ dùng loại radar tối tân Aegis, vốn là loại radar có khả năng phát giác và nhắm vào các hỏa tiễn địch đang bay tới.
Chiến hạm Milius nằm trong lực lượng chiến đấu của Hải Quân Hoa Kỳ lần đầu tiên được giàn ra, với khả năng có thể bắn hạ bất cứ hỏa tiễn địch nào, kể cả hỏa tiễn liên lục địa vốn bay cao trong thượng tầng khí quyển.
Ngoài ra, theo một hiệp ước an ninh dã ký kết giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, lực lượng phòng vệ này còn có nhiệm vụ bảo vệ cho Nhật Bản không bị kẻ thù tấn công bất ngờ.
Nữ Thuyền Trưởng Jennifer Pontius, Chỉ huy trường chiến hạm Malius tuyên bố với báo chí ở Nhật như sau : "Chiếc chiến hạm Malius giờ đây đã có được sự tân trang mới nhất và lớn lao nhất cho hệ thống chiến đấu của nó"
Đào Nguyên
*******************
Philippines : Quân sự hóa Biển Đông là vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (RFA, 22/05/2018)
Philippines sẽ không can thiệp vào việc quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông vì đây là vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Phát ngôn viên Tổng thống Phi, Harry Roque tuyên bố như vừa nêu hôm 22 tháng 5.
Phát ngôn viên Tổng thống Phi, Harry Roque. Reuters
Theo trang tin phistar.com, tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc cho triển khai máy bay ném bom ra đảo Phú Lâm, một trong những tiền đồn lớn nhất của Bắc Kinh tại quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Ông Harry Roque lưu ý rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các đảo này như một tiền đồn quân sự của mình tại vùng biển có tuyến đường biển quan trọng, trong khi Mỹ sẽ triển khai các tàu sân bay để duy trì hoạt động tự do hàng hải ở đó.
Tuy vậy, phát ngôn nhân Harry Roque cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Philippines sẽ không từ bỏ lãnh thổ của mình nhưng sẽ đứng ngoài "những tranh chấp" vào lúc này.
Tuyên bố của Phủ tổng thống Phi được cho là đáp lại lời tuyên bố của Chánh án Antonio Carpio, kêu gọi chính phủ Philippines chính thức phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Roque cũng nhắc lại tuyên bố của Bộ ngoại giao Phi liên quan vấn đề này.
Trước đó, Bộ ngoại giao Phi nói rằng hành động ngoại giao là cần thiết để bảo vệ chủ quyền quốc gia và hiện đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến ở Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Philippines.
Ngày 18/5 vừa qua Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận nước này đã triển khai máy bay ném bom H-6K xuống khu vực Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đã đưa oanh tạc cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Cũng tin liên quan, hôm 23 tháng 5, Tổng thống Rodrigo Duterte lại lên tiếng biện minh cho lập trường bị cho mềm mỏng trước hành động Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông, ông nói rằng, ông không muốn phá hủy đất nước, quân đội và thua trong một cuộc chiến.
Đây là bình luận đầu tiên của ông Duterte về vấn đề này sau khi Trung Quốc đưa máy bay ném bom tầm xa đến quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, một động thái thể hiện khả năng tấn công bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á của Bắc Kinh.
Tuy vậy, ông Duterte không đưa ra các giải pháp khác của Philippines nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
*********************
Nhật Bản : Trung Quốc đang đẩy mọi việc vào sự đã rồi trên Biển Đông (RFA, 22/05/2018)
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Itsunori Onodera hôm 22/5 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc triển khai máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam, gọi đây là một phần trong hoạt động nhằm đẩy mọi việc vào "sự đã rồi" trên Biển Đông.
Một nhóm chiến đấu cơ của Trung Quốc vào ngày 19 tháng 4 gồm máy bay ném bom H-6K tiến hành cuộc tuần tra các đảo - Courtesy of www.news.cn
Ngày 18/5 vừa qua Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận nước này đã triển khai máy bay ném bom H-6K xuống một sân bay ở Biển Đông. Các chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đã triển khai oanh tạc cơ ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phát biểu trên Đài truyền hình NHK của Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Onodera nhận định Trung Quốc trong thời gian vừa qua đã gia tăng các hoạt động san lấp đảo nhân tạo trên quy mô lớn, thiết lập các cơ sở quân sự và gia tăng hoạt động trên Biển Đông.
Bộ trưởng Onodera cảnh báo đây là những bước đi của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng và đẩy mọi việc ở Biển Đông vào sự thể đã rồi.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật nhấn mạnh rằng Tokyo rất quan ngại về tình trạng này và hối thúc quốc tế cần phải hợp tác để cũng cố trật tự trên biển đúng theo tinh thần luật pháp.
Về phía Việt Nam, hôm 21/5/2018, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố : Việt Nam có đầy đủ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các đưa máy bay ném bom ra Hoàng Sa.
Khi Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương
Nhân chuyến thăm chính thức Úc ba ngày từ 01 đến 03/05 của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Le Monde có bài viết : "Phương Tây lo ngại ảnh hưởng Trung Quốc trong Thái Bình Dương".
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) tiếp Vua Tonga Tupou tại Bắc Kinh, ngày 01/05/2018.GREG BAKER / AFP
Đây cũng sẽ là mối quan tâm chính của tổng thống Macron trong chuyến thăm Úc, cho dù cái tên Trung Quốc không mấy khi được nêu cụ thể. Theo nhận định của Le Monde, ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương đang trở thành nguồn cơn lo ngại cho nhiều nước trong vùng. Đó là những nước không có phương tiện để chạy đua, buộc phải tính toán quan hệ với Bắc Kinh.
Trở lại với ý đồ gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, nhật báo Pháp ghi nhận Bắc Kinh đã thực hiện một chính sách tràn ngập khu vực bằng quà tặng và cho vay ưu đãi. Theo số liệu của viện nghiên cứu Úc, Lowy từ 2006 đến 2016, Trung Quốc đã tung 1,78 tỷ đô la viện trợ trong khu vực. Những hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh đã và đang được lãnh đạo một số nước không muốn phục tùng các quy tắc phương Tây đánh giá rất cao.
Các nước phương Tây giờ phải suy nghĩ về cách đối phó với thách thức mới này. Pháp đã có những động thái như bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ấn Độ, tàu ngầm cho Úc. Nước Anh hồi tháng 8/2017 đã thông báo tăng 6% viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương, mở ba cơ quan đại diện ngoại giao ở Vanuatu, Samoa và Tonga.
Tuy nhiên các quốc gia nhỏ bé trong khu vực vẫn khó cưỡng lại sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. Chuyên gia chính trị Trung Quốc thuộc đại học Anh Quốc Canterbury, tại Christ Church nhận định : "Không ai thực sự có thể thách thức được Trung Quốc. Đã có quyết tâm như vậy, nhưng Trung Quốc là nước có những túi tiền lớn… Dân Polynesia và New Caledonia thì vẫn nói rằng nước Pháp đã bỏ rơi họ, Pháp chỉ quan tâm đến nguồn nikel của họ. Nếu Pháp quan tâm thực sự đến Thái Bình Dương thì sẽ phải làm nhiều hơn nữa ở đó".
Theo Le Monde, Vanuatu và đặc biệt là lãnh thổ láng giềng New Caledonia giờ có thể gọi là những điểm tiêu biểu cho sự đột phá của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đầu tư khoảng ba chục dự án vào hòn đảo nhỏ bé này, trong đó có cả dự án xây dinh thủ hiến New Caledonia.
Nhật báo Sydney Morning Herald hôm 10/04 vừa qua đã công bố một điều tra gây chấn động dư luận Úc. Theo tờ báo này, các cuộc đàm phán sơ bộ giữa chính phủ Trung Quốc và Vanuatu đã được tiến hành nhằm đưa quân đội Trung Quốc hiện diện thường trực trong quần đảo. Mặc dù thông tin đã bị hai nước trên bác bỏ nhưng chính phủ Úc đã nhanh chóng có phản ứng cho thấy Canberra vẫn tin điều đó là có thực. Thủ tướng Úc Malcolm Turbull tuyên bố : "Chúng tôi nhìn nhận việc thiết lập mọi căn cứ quân sự nước ngoài trong các quốc gia khu vực là hết sức lo ngại."
Le Monde nhắc lại : "Úc, cường quốc lớn nhất và là nước cung cấp viện trợ hàng đầu cho các nước trong vùng giờ cũng phải gượng ghẹ với Trung Quốc, một đối tác thương mại hàng đầu của Úc. Quan hệ hai nước đã biến động nhiều từ khi Canberra hồi tháng 12 năm ngoái thông báo một loạt các quy định pháp lý nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của nước ngoài, trong đó có việc cấm các đảng phái Úc nhận tài trợ, quà tặng của nước ngoài mà mục tiêu rõ rệt của luật này là Trung Quốc".
Le Monde trích dẫn nhận định của ông Peter Jennings, giám đốc Viện Chiến lược Chính trị Úc nói rằng quan hệ với Trung Quốc "là mối quan hệ ngày càng khó xử lý. Trung Quốc trở nên quyết tâm và hung hăng hơn trong vùng cũng như ở Úc. Đất nước chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là phải có đường lối cứng rắn để người khác tôn trọng lợi ích chiến lược của chúng tôi".
Cách mạng nhung Armenia
Về thời sự Châu Âu, Le Monde đặc biệt chú ý đến những biến động chính trị đang diễn ra tại đất nước Armenia. Trang nhất của tờ báo chạy tựa : Armenia mơ về một cuộc "cách mạng nhung".
Từ nhiều ngày qua, trước sức ép sôi sục của dân chúng, đất nước Armenia đang đứng trước một bước ngoặt lớn, lật đổ chính phủ cũ đã tồn tại suốt 28 năm qua, bị tố cáo tham nhũng và tham quyền. Nhân vật tâm điểm của sự kiện đang sẵn sàng thay thế hệ thống chính trị đến thời suy tàn đó là cựu nhà báo, nhà đối lập Nikol Pachinian. Với bài : "Tại Armenia, Pachinian trước ngưỡng cửa chính quyền lực", nhật báo Pháp đã phác họa chân dung chính trị của nhà đối lập số một hiện nay ở Armenia.
Tờ báo đặt câu hỏi, người đàn ông không mang dáng dấp nào của một nhà chính trị đó là ai mà trong vòng vài tuần lễ qua đã làm lung lay hệ thống chính trị Armenia, khiến thủ tướng phải từ chức, khuấy động hàng nghìn người dân xuống đường để đòi "quyền lực cho nhân dân" ?
Pachinian là ai mà từ một một nhà báo 42 tuổi, trở thành dân biểu, đang muốn làm một cuộc "cách mạng nhung" như ở Tiệp Khắc năm 1989 ? Nhân vật nổi dậy này là ai mà dám thách thức Kremlin làm đảo lộn cả sân sau của nước Nga ? Các chuyên gia chính trị hay các nhà ngoại giao phương Tây có thể đặt những câu hỏi như vậy về nhân vật đối lập đang đòi phải được bầu làm thủ tướng Armenia này, nhưng dân chúng Armenia thì biết rõ ông, hiểu những lời nói, sự can đảm của ông và từ hai tuần nay, họ tín nhiệm bầu ông là "thủ tướng của nhân dân".
Le Monde nhận thấy, Nikol Pachinia không thấy có giải pháp nào khác cho cuộc khủng hoảng hiện nay ngoài chính bản thân ông và ông tự nhận thấy việc bầu ông làm thủ tướng giờ đây là "chính đáng" là "bắt buộc" trong cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay tại Quốc hội Armenia.
Nikol Pachinia thổ lộ rằng : "Từ khi tôi 16 tuổi và từ khi tôi lao vào nghề báo, tôi không ngừng phát hiện và tố cáo sự suy đồi của hệ thống chính trị này. Tôi bị đe dọa, truy bức. Tờ báo của tôi bị đưa ra tòa. Xe của tôi bị cho nổ tung năm 2004. Tôi chỉ trực tiếp dấn thân vào chính trị từ năm 2007. Chính điều này đã khiến tôi bị rơi vào vòng lao lý, tù đày trước khi hai lần được bầu làm nghị sĩ".
Ông kể lại đã rời bỏ nhà cửa, đi hết làng này sang làng khác, ngủ trong lều cá nhân có khi ngoài trời để thuyết phục dân chúng đấu tranh. Dần dần người dân cũng đã đến với ông trong cuộc đấu tranh một cách hòa bình để lật đổ chính quyền đã tồn tại suốt 28 năm với điểm mấu chốt là buộc ông Serge Sarkissian phải từ bỏ chiếc ghế thủ tướng , mặc dù ông này đã 10 năm làm tổng thống Armenia.
Cuộc đấu tranh của Nikol Pachinian và nhân dân Armenia đang tới rất gần đích, chỉ còn chờ kết quả của cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội ngày hôm nay (01/05). Nếu giấc mơ của họ không thành thì cuộc đấu tranh của Pachinian và nhân dân vẫn tiếp tục.
Châu Á bắt đầu ngán du khách Trung Quốc
Vẫn liên quan đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc, lướt qua các trang báo mạng, trên trang thông tin Châu Á asia.nikkei.com có bài viết đáng chú ý nói về tình trạng du khách Trung Quốc đang trở thành những vị khách không mong đợi ở Châu Á.
Thông thường đón tiếp các du khách đến càng đông thì càng tốt cho bất kỳ nước nào. Đó không chỉ là vấn đề hiếu khách mà còn là nguồn lợi kinh tế cho đất nước đón khách mà bất kỳ nước nào cũng có thể ý thức được điều đó. Thế nhưng bài phóng sự dài của Nikei Asian Review đã cho thấy, với các du khách Trung Quốc thì điều đó hoàn toàn không đúng một chút nào.
Người Trung Quốc đi du lịch ngày càng đông và họ đi ồ ạt, tiêu tiền cũng rất nhiều. Thế nhưng theo bài phóng sự, giờ đây khắp Châu Á, du khách Trung Quốc là một mối lo của các nước bởi du khách Trung Quốc đang gây không ít vấn đề cho những nước đón tiếp họ, bởi ý thức giữ gìn môi trường và cách ứng xử văn minh của người Trung Quốc rất kém.
Theo bài báo, các điểm đến chủ yếu của du khách Trung Quốc ở Châu Á là Thái lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ngành du lịch của phần lớn những nước này phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc.
Trong lúc du khách Trung Quốc đang giúp cho ngành kinh tế du lịch ở một số nước làm ăn phát đạt thì không ít nơi bắt đầu cảm thấy khó chịu vì ý thức văn hóa kém của du khách Trung Quốc.
Một quan chức của cơ quan du lịch ở Bali, Indonesia nói : "Tôi không biết có phải lượng rác thải ở trên đảo tăng cao là do người Trung Quốc hay không, nhưng có một điều chắc chắn : Nơi nào có du khách Trung Quốc đến thì nơi đó có rác thải trên đất… Việc này không chấm dứt cho dù chúng tôi đã không biết bao lần nhắc nhở".
Ở Thái Lan, cơ quan du lịch tỉnh Krabi từ tháng Sáu tới sẽ đóng cửa 4 tháng vịnh Maya Bay để hệ sinh thái phục hồi. Du khách thường xuyên của bãi biển nổi tiếng với phim "The Beach" chính là khách Trung Quốc với khoảng 2000 người mỗi ngày.
Anh Vũ
Trong thời gian gần đây, chính sách của Mỹ tại Biển Đông đã bộc lộ những dấu hiệu không rõ ràng, lúc thì có vẻ kiên quyết chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh, khi thì lại có dấu hiệu thiếu dứt khoát. Trong một quan điểm đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/08/2017 mang tựa đề : "Hãy chấm dứt trò đánh đố về Biển Đông - Stop the South China Sea Charade", hai chuyên gia Mỹ về an ninh quốc tế đã cho rằng : Washington nên thừa nhận thực tế về vai trò to lớn của Trung Quốc trong vùng, để điều chỉnh chính sách theo hướng thực tiễn hơn, nếu không muốn nói là thực dụng hơn
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời trả lời nhà báo sau cuộc họp với ngoại trưởng Rex Tillerson (T), đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley (2 - P) và cố vấn An ninh Quốc gia McMaster PR), tại New Jersey, 11/08/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Đối với hai chuyên gia - Robert A. Manning, thuộc Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh quốc tế thuộc hội Atlantic Council (Hội Đồng Đại Tây Dương), và James Przystup, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia, đại học quốc phòng Mỹ National Defense University - Mỹ đã cường điệu thái độ quan ngại của mình trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh biết rõ điều đó.
Lợi cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông không hề bị đe dọa
Bài viết mở đầu bằng một nhận xét đầy tính châm biếm : Nhìn những bình luận ở Washington về chính sách đối ngoại, người ta có thể nghĩ là Biển Đông nằm ngay sát bờ biển phía đông Hoa Kỳ. Mỗi một động thái của Trung Quốc ở vùng tranh chấp đều được phân tích như một mối đe dọa cho sự tồn vong của nước Mỹ.
Quả thực là những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển rất xa miền duyên hải Hoa Kỳ đã làm dấy lên sự lo lắng trong khu vực. Đường "chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc đã thâu tóm hầu như trọn Biển Đông, trong đó có cả những vùng mà các láng giềng như Việt Nam và Philippines đòi chủ quyền.
Tuy nhiên theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, trong thực tế, quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ thật ra không hề bị đe dọa, và Trung Quốc biết rất rõ điều này. Cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington thể hiện không phải là tầm quan trọng của những đảo đá, mà là tâm trạng bất ổn của một nước Mỹ, đang cố suy nghĩ lại về cách duy trì thế thượng phong của mình từ sau thế chiến II đang bị một Trung Quốc tái trỗi dậy thách thức.
Đúng là tuyến lưu thông ở Biển Đông rất quan trọng, với 3,4 tỷ đô la hàng hóa qua lại hàng năm. Nhưng những tuyến đường thủy này chưa hề bị thật sự đe dọa (trong thời bình) vì Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi kinh tế khi bảo đảm sao cho luồng thương mại không bị ngưng trệ.
Quyền lợi địa-chính trị bất cân xứng
Tự do hàng hải đúng là phản ánh lợi ích thiết yếu mà Mỹ có thể và phải bảo vệ kể cả một cách đơn phương nếu cần thiết. Chính vì mục tiêu này mà Hải Quân Mỹ đẩy mạnh diễn tập ở Biển Đông - và phối hợp với các đồng minh và đối tác chiến lược - để cho thấy rõ sự hiện diện và quyết tâm dấn thân của Mỹ. Chiến dịch tuần tra hải quân của Mỹ vào ngày 10/08 gần Đá Vành Khăn là một ví dụ tốt về sự hiện diện của Mỹ. Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh đã khiến cho một chiến dịch kiểu đó chỉ ảnh hưởng rất ít đến hành động của Trung Quốc.
Nhận xét của hai tác giả Mỹ về tham vọng của Bắc Kinh rất rõ ràng : Trung Quốc có quyết tâm và có khả năng đi xa hơn Hoa Kỳ và cũng đã chứng minh qua hành động trên thực địa.
Các nước trong vùng đang nhìn Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo đá ở Biển Đông không hề có ảo tưởng là Trung Quốc đang bị Mỹ làm nhụt chí. Họ đã bắt đầu hiểu ra thực trạng quyền lợi địa chính trí bất cân xứng giữa Trung Quốc và Mỹ. Quyền lợi của Bắc Kinh ở Biển Đông là chính trị và chiến lược về bản chất.
Về chính trị, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để xác định chủ quyền và đảo ngược lại cái "thế kỷ ô nhục" thời nước Trung Hoa bị chèn ép, một yếu tố đã trở thành nền tảng cho tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Về mặt chiến lược, các đảo này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng chu vi phòng thủ, tăng cường quyền thống trị các đường biển trong khu vực.
Còn đối với Mỹ, Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc. Trong chính sách của cựu tổng thống Barack Obama trước đây, ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc là thúc đẩy hiệp định khí hậu Paris và xử lý ổn thỏa hồ sơ hạt nhân Iran, còn ưu tiên đối với Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc là Bắc Triều Tiên và thương mại.
Để chứng minh cho lập luận nói trên, hai tác giả đã nêu bật những gì ngoại trưởng Mỹ Tillerson vừa làm trong cuộc họp Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) vừa qua : Dù cuộc họp diễn ra chỉ một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò ở Biển Đông, chủ đề nổi cộm tại diễn đàn lại là Bắc Triều Tiên. Tranh chấp Biển Đông chỉ là đề tài thứ yếu, và trong bản thông cáo chung của chủ tịch hội nghị, chỉ có "một vài nước thành viên" nêu lên "mối quan ngại" liên quan đến Biển Đông mà thôi.
Chỗ yếu của Donald Trump : thiếu chiến lược toàn diện cho khu vực
Đối với hai nhà nghiên cứu trên tờ Foreign Policy, Trung Quốc biết rõ chỗ yếu của chính quyền Donald Trump : Đó là thiếu một chiến lược toàn diện cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo hai tác giả, cho dù có thiếu sót trong việc thực hiện, nhưng chính sách "xoay trục" sang Châu Á của cựu tổng thống Mỹ Obama có đủ các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế, các nhân tố của một chiến lược toàn diện cho khu vực. Ngược lại việc chính quyền Trump bãi bỏ hiệp định TPP, rất khó khăn mới hình thành, là một cú sốc và tác hại đến sự tin tưởng vào Hoa Kỳ. Đồng thời việc đó cũng để cho các đề án của Trung Quốc như Con Đường Tơ Lụa Mới, hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở AIIB, không có đối thủ. Và cũng giống như thời khủng hoảng tài chính năm 2008, chỗ yếu thấy được của Mỹ làm cho Trung Quốc mạnh dạn lên.
Ngay cả dưới thời Obama, bất chấp những lời cảnh báo từ phía Mỹ là không được đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, và phải hậu thuẫn cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Bắc Kinh đã xem thường ngoại giao của Mỹ, vứt vào xọt rác phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngang nhiên tiến hành thay đổi nguyên trạng của Biển Đông.
Trung Quốc cho rằng Mỹ không vì các đảo đá nhỏ mà gây chiến
Trung Quốc đã đánh cược một cách chính xác là chừng nào mà các tuyến đường hàng hải không bị đe dọa, thì Hoa Kỳ sẽ không mạo hiểm gây chiến với một quốc gia có vũ khí hạt nhân chỉ vì những đảo đá mà Hoa Kỳ không có tranh chấp gì, và chỉ để bảo vệ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Mỹ cũng không hề phê chuẩn.Việc Washington vắng mặt trong hội đồng điều hành UNCLOS khiến Bắc Kinh được thuận lợi hơn khi đưa ra những diễn giải rất hoang đường về công ước này.
Bắc Kinh cũng đã đi trước Mỹ nhiều bước trong việc củng cố các yếu tố mới trên hiện trường Biển Đông do chính Trung Quốc đã tạo ra. Bắc Kinh đã thương lượng với ASEAN một quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đã thông báo đề án đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines, và bây giờ đồng ý cùng Manila khai thác, sản xuất năng lượng, qua đó khống chế một đồng minh của Mỹ. Cũng như thế Bắc Kinh thông báo hơn 30 tỷ đô la tín dụng và đầu tư ở Malaysia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quân sự với Kuala Lumpur và Thái Lan. Nếu Trung Quốc và ASEAN đạt được một quy tắc ứng xử yếu ớt và không ràng buộc để xác định những thực tế mới do chính Bắc Kinh tạo ra, Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là hậu thuẫn cho việc này.
Quan điểm nước lớn
Trung Quốc dường như học được từ sự quan sát của sử gia Hy Lạp Thucydides (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) là những cường quốc "cứ việc làm những gì họ có thể làm".
Trong cuộc họp ASEAN 2010, ngoại trưởng Trung Quốc thời ấy, Dương Khiết Trì nói với các lãnh đạo có mặt là "Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác là những nước bé và đó là một thực tế". Các nước lớn có thể bẻ cong hay phớt lờ quy tắc vì quyền lợi riêng tư, và cũng như các cường quốc khác, Bắc Kinh đang tiếp cận trật tự dựa trên luật pháp tùy theo quyền lợi của mình.
Trong phần kết luận, hai chuyên gia nhận định : Chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ nhân danh lịch sử của Trung Quốc rất đáng ngại, nhưng dù thích hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực. Hoa Kỳ cần có lời giải đáp cho câu hỏi chiến lược lớn của thời đại : Có thể sống với một vai trò như thế nào của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương ? Và cũng như vậy, Bắc Kinh cũng cần quên đi hy vọng là Hoa Kỳ lu mờ đi, và giải đáp câu hỏi then chốt là : Trung Quốc có thể sống với vị thế nào của Mỹ trong khu vực ?
Mai Vân
Nguồn : RFI, 08/09/2017
Bắc Kinh đạt được một đỉnh cao mới trong việc kiểm soát Biển Đông có nhiều tranh chấp sau khi trấn an các đối thủ, đẩy Washington ra xa và xây các đảo nhân tạo để thiết lập cơ sở quân sự.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ USS Dewey tuần tra Biển Đông
Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 6/6, Trung Quốc sẽ có thể bố trí ba trung đoàn máy bay chiến đấu trên các đảo mà họ đã xây lắp trên biển Đông. Theo dự báo của nhóm chuyên gia vào tháng 3, ước tính Trung Quốc sẽ sử dụng khoảng 3.200 mẫu Anh (tức khoảng 1.294 hecta) diện tích đất trong vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông, chủ yếu phục vụ cho mục đích lắp ráp thiết bị quân sự,
Tập trận quân sự chung với Nga
Trong một dấu hiệu khác của nỗ lực tăng cường kiểm soát hàng hải, Tân Hoa Xã của Bắc Kinh hôm Chủ nhật cho biết một tàu khu trục Trung Quốc đã tham gia cùng các tàu Nga trong giai đoạn một của cuộc tập trận chung "đa dạng " và "kéo dài" bắt đầu ở khu vực Biển Đông. Nga có các lực lượng vũ trang mạnh thứ nhì thế giới và Trung Quốc mạnh thứ ba.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho hay : "Tôi nghĩ có một điều không cần nói ra nhưng ai cũng biết rằng không có cách nào ngăn chặn được Trung Quốc. Tôi nghĩ một thực tế là ngoài Hoa Kỳ, Trung Quốc có một vị trí thống trị trong khu vực."
Kiểm soát "đường chín đoạn"
Uy thế của Trung Quốc nổi lên trên Biển Đông, khu vực có năm nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, xảy ra sau một năm theo đuổi chính sách ngoại giao không ràng buộc với các nước trong khu vực, và sau một thập niên san lắp tất cả 500 đảo nhỏ để hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự.
Theo ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIC, Trung Quốc cuối cùng sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra trong tuyên bố chủ quyền "đường chín đoạn", chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông. Bắc Kinh trích dẫn các chứng cứ lịch sử để biện minh cho các tuyên bố chủ quyền.
Các quốc gia khác như Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố các phần chồng lấn trong "đường chín đoạn" này. Tất cả các nước này đều đánh giá khu vực biển Đông giàu hải sản, nhiên liệu hóa thạch và là các tuyến đường biển quan trọng.
Trung Quốc kiểm soát toàn bộ
Ông Poling nói : "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có mục mở rộng chiếc ô bao trùm toàn bộ đường chín đoạn, để họ quản lý hiệu quả tất cả các khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bao gồm tất cả các vùng biển và không gian mà họ tuyên bố chủ quyền lịch sử."
Ông Poling nói : "Vì vậy, điều này có nghĩa là nếu quý vị là ngư dân hoặc tàu tuần duyên hoặc tàu thăm dò dầu khí vùng Đông Nam Á, quý vị không thể hoạt động trừ khi Trung Quốc cho phép."
Du khách Trung Quốc tại Việt Nam
Ngoại giao kiểu Trung Quốc
Giới Lãnh đạo Cộng sản của Trung Quốc đã tăng cường các cuộc đối thoại trực tiếp với các nước Đông Nam Á có khả năng quân sự yếu kém hơn, sau khi một trọng tài quốc tế ra phán quyết vào tháng 7 năm ngoái, chống lại bằng chứng pháp lý đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các nhà phân tích nói rằng Bắc Kinh cung cấp viện trợ cho các nước và đổi lại họ phải im lặng không phản đối sự mở rộng quân sự trên biển của Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc đã cung cấp một khoản viện trợ và đầu tư trị giá 24 tỷ đôla cho Philippines. Trung Quốc cũng đã hỗ trợ ngành du lịch của Việt Nam bằng cách đưa du khách vào nước này trong khi tìm cách thảo luận về hợp tác hàng hải. Malaysia xem Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu và là đối tác thương mại lớn.
Mỹ rút lui khỏi Biển Đông
Các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Philippines từng xem Mỹ như một đối trọng chống lại Trung Quốc. Nhưng hiện nay, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn Trung Quốc giúp ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Ông Sean King, phó chủ tịch cao cấp của Viện tư vấn chính trị Park Strategies có trụ sở New York cho biết :
"Không có sự phối hợp giữa các nước chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ; và Việt Nam là nước duy nhất trong số này chắc chắn cảm thấy bị bỏ rơi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương – hay còn gọi là TPP. Do dó chắc chắn Việt Nam sẽ đặt nghi vấn là thực sự cam kết của Mỹ trong khu vực sẽ như thế nào."
Ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vào tháng 1, cho rằng hiệp định thương mại giữa 12 quốc gia thành viên này không tốt cho Mỹ.
Tuy nhiên, trong tháng này, các quan chức Mỹ đã gợi ý rằng họ sẽ có một chính sách cứng rắn hơn đối với việc Trung Quốc bành trướng lãnh hải.
Vào tháng 5, Hải quân Hoa Kỳ đã cử tàu tuần tra hoạt động "tự do hàng hải" ở Biển Đông, mặc dù bị Bắc Kinh phản đối.
Theo trang web của Bộ Quốc phòng Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis phát biểu trước hội nghị Quốc phòng châu Á hồi đầu tháng này rằng : "Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và thông qua đàm phán, chứ không phải bằng cách xây dựng các đảo và đặt vũ khí lên trên đó."
Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp về các vấn đề Trung Quốc tại Đài Loan cho biết "sự thận trọng" hiện nay trong vấn đề hợp tác Trung-Mỹ, cùng với sự hiện diện vai trò quân sự của Mỹ ở Biển Đông, sẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc ít hung hăng hơn đối với các quốc gia khác.
Ralph Jennings
Nguồn : VOA, 19/06/2017
Mỹ : Trung Quốc xây nhà chứa chiến đấu cơ và đặt vũ khí cố định ở Biển Đông (RFI, 07/06/2017)
Theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ gởi Quốc hội hôm qua, 06/06/2017, Trung Quốc đang xây các nhà chứa chiến đấu cơ và các vị trí đặt vũ khí cố định, cùng với nhiều cơ sở quân sự khác trên ba đảo chính mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh của CSIS - AMTI công bố ngày 13/12/2016 cho thấy các điểm đặt pháo phòng không được Trung Quốc triển khai trên đá Xu Bi (Subi) thuộc quần đảo Trường Sa, Biển ĐônẢnh do AMTI cung cấp REUTERS
Trong báo cáo thường niên về những phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết là Trung Quốc đang tập trung xây dựng tại ba tiền đồn lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi xây dựng xong, các cơ sở trên 3 đảo nói trên có thể chứa đến 3 trung đoàn chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại rằng năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay ở Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, cũng như cho hạ cánh một máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập để di tản các nhân viên bị thương. Theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, như vậy là Bắc Kinh đang cố làm thay đổi nguyên trạng vùng biển đang tranh chấp.
Lầu Năm Góc nhận định : "Mặc dù việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo không giúp củng cố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh sẽ dùng các đảo đó như là những căn cứ dân sự và quân sự thường trực để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và củng cố khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển lân cận".
Tuy nhiên, tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ nhận xét rằng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn khi nói về bản đồ đường "lưỡi bò" trên báo chí chính thức.
Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, theo thẩm định của Lầu Năm Góc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm 2016 đã lên tới 180 tỷ đôla, chứ không phải 144,3 tỷ đôla như được thông báo vào tháng 3 năm ngoái.
Thanh Phương
********************
Bãi Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh hôm 21/6/2016. Photo courtesy of amti.csis.org
Trung Quốc lên tiếng bác bỏ bản báo cáo quốc phòng hàng năm mà Hoa Kỳ mới công bố ngày 6 tháng 6, cho rằng những điểm được ghi trong báo cáo là thiếu trách nhiệm, không đúng với sự thật.
Trong báo cáo dày 97 trang gửi cho Quốc hội Liên Bang hôm 6 tháng 6, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ viết rằng trong năm vừa qua, Trung Quốc đã sử dụng 180 tỷ dollars cho quốc phòng, vượt quá xa con số 140 tỷ mà nhà nước Bắc Kinh công bố.
Ngoài ra, báo cáo cũng viết rằng Trung Quốc sẽ xây nhiều căn cứ quân sự ở những nước đồng minh của họ, đặc biệt ở những quốc gia có cùng lợi ích chiến lược như Pakistan.
Cũng trong báo cáo vừa nêu, các chuyên viên quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc đang tăng cường hoạt động quân sự trên không cũng như trên biển.
Riêng về sự kiện tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, báo cáo của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh tăng cường kiểm soát hiệu quả các khu vực mà Trung Quốc đang chiếm giữ trong vùng biển đang tranh chấp, khéo léo tránh để căng thẳng leo thang dẫn tới xung đột.
Hình ảnh đi kèm với báo cáo ghi rõ Trung Quốc đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng ở Gạc Ma, Gaven, Tư Nghĩa và Châu Viện, đồng thời đang nỗ lực mở rộng các căn cứ quân sự ở 3 bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi ở Trường Sa, như xây đường băng, hải cảng, kho nhiên liệu, nhà chứa chiến đấu cơ v.v…, viết thêm rằng sau khi hoàn tất các cơ sở hạ tầng này, Bắc Kinh có thể đưa 3 trung đoàn không quân tới khu vực, hợp tác với lực lượng hải cảnh đang có mặt tại đó.
*********************
Trung Quốc có thể xây căn cứ quân sự tại Pakistan (RFI, 07/06/2017)
Một hải cảng của Djibouti. Ảnh ngày 5/05/ 2017.CARL DE SOUZA / AFP
Bản báo cáo của Lầu Năm Góc, công bố ngày 06/06/2017, cho biết Pakistan có thể là địa điểm tiềm năng trở thành một căn cứ quân sự của Trung Quốc. Điều này phù hợp với dự đoán Bắc Kinh có thể xây thêm căn cứ tại hải ngoại, sau khi đã hoàn tất một cơ sở tại Djibouti.
Báo cáo thường niên trình lên Quốc hội Mỹ, được Reuters trích dẫn, nhận định "dường như Trung Quốc đang tìm cách thiết lập thêm một số căn cứ quân sự tại các nước có quan hệ thân thiết lâu dài và có chung lợi ích với Bắc Kinh, như Pakistan".
Vẫn theo báo cáo, Pakistan đã là thị trường xuất khẩu vũ khí chính của Trung Quốc trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2016, Trung Quốc đã ký hợp đồng bán 8 tầu ngầm cho Pakistan. Chỉ riêng tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Kinh đã xuất khẩu vũ khí từ 9 tỉ đô la (2011) lên thành hơn 20 tỉ đô la (2015).
Được hỏi về bản báo cáo thường niên của Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chungying) cho biết Bắc Kinh "kiên quyết phản đối" báo cáo "vô trách nhiệm" của Lầu Năm Góc khi không nhắc đến Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Mặt khác, bà Hoa Xuân Oánh tránh mọi bình luận về căn cứ tại Pakistan như "dự đoán", đồng thời khẳng định Trung Quốc và Pakistan duy trì quan hệ hợp tác hữu hảo và không nhắm vào nước thứ ba nào hết.
Ngoài ra, bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nhắc lại vị trí chiến lược của căn cứ Djibouti, nằm tại cửa ngõ phía nam vào Biển Đỏ (Hồng Hải) trên tuyến đường đến kênh đào Suez.
Vị trí quan trọng bên bờ Ấn Độ Dương của Djibouti khiến New Delhi lo ngại vì cho rằng Djibouti sẽ trở thành một mắt xích trong "vành đai" liên minh quân sự quan trọng của Trung Quốc vây quanh Ấn Độ, gồm các nước Bangladesh, Miến Điện và Sri Lanka. Tuy nhiên, bản báo cáo không nhắc đến phản ứng của Ấn Độ về căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Pakistan.
Thu Hằng
Cựu Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) Angus Houston cho biết, đã "quá muộn" để ngăn Trung Quốc lấy đất ở Biển Đông.
Máy bay chiến đấu J-15 từ tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận trong khu vực Biển Đông, ngày 2/1/2017.
Theo The Australian, ông Angus – người từng đứng đầu ADF từ năm 2005 – 2011, phát biểu trong một buổi hội thảo an ninh quốc gia ở Canberra rằng những hình ảnh mà ông nhìn thấy về việc quân sự hóa các đảo cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc là "vĩnh viễn".
Ông nói : "Theo quan điểm của tôi, quá muộn để ngăn chương trình của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều quan trọng bây giờ là đảm bảo tự do hàng hải và quyền đi qua lại không gây hại. Chúng ta cũng cần tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế và không khuyến khích các quốc gia hành động đơn phương theo cách có thể gây đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực. Từ đây, một cách tiếp cận thận trọng là cần thiết".
Ông Angus cho biết, theo sau cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump, đã có sự bất ổn định trong chiến lược của Mỹ ở khu vực, nhưng kêu gọi một "sự hiện diện mạnh mẽ và vĩnh viễn" ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một học giả nghiên cứu về quan hệ Châu Á – Mỹ tại Hoa Kỳ, lại cho rằng không muộn trong việc ngăn cản Trung Quốc chiếm đất ở Biển Đông bởi phán quyết của Tòa án Quốc tế The Hague là cơ hội để các nước trong khu vực chống lại Trung Quốc.
Giáo sư Long nói : "Việt Nam là nước có lãnh hải dài nhất trong khu vực, là nước sát Trung Quốc, là cửa ngõ cho Trung Quốc vào Đông Nam Á, nếu Việt Nam thấy địa thế của mình là quan trọng thì Việt Nam nên đẩy mạnh các nước trong khu vực theo phán quyết của Tòa án Quốc tế".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mỹ - Trung sẽ "đi đêm" ?
Cũng phát biểu tại hội thảo, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto nói, ông lo sợ Tổng thống Donald Trump có thể ký một thỏa thuận thương mại bí mật với Trung Quốc mà cho phép quốc gia này gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông.
Giáo sư Morimoto cho biết, vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn về tính hiệu quả của chính quyền mới đối với an ninh khu vực. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự chia rẽ tiềm tàng không thể đoán trước của chính quyền Trump, ông Morimoto cho biết, điều ông lo sợ là tổng thống Mỹ có thể đàm phán trực tiếp với Trung Quốc một thỏa thuận phù hợp với những lợi ích ngắn hạn.
Về khả năng xảy ra một cuộc "đi đêm" giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh, Giáo sư Long nhận định : "Đến nay ông Trump chỉ nghĩ đến lợi ích của ổng và những người xung quanh ổng thôi. Vấn đề lớn là lợi ích của Mỹ. Bây giờ nếu không có sự thông thương ở Biển Đông thì Mỹ sẽ bị thiệt hại rất lớn. Đến lúc nào đó, tôi nghĩ những người trong hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như những người trong bộ máy chính quyền sẽ phản đối. Lúc đó, một là ông Trump theo chính sách ông hô hào hiện nay mà bất lợi cho Mỹ hay là ổng phải thay đổi chính sách. Nếu thay đổi chính sách thì những gì các chính quyền từ trước đến nay làm rất bài bản, thì chính quyền ông Trump phải trở lại những chiến lược, chính sách lúc trước, nếu không sẽ rất nguy cho nước Mỹ và các nước khác trên thế giới".
Tàu sân bay của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bàn cờ khu vực
Trong bối cảnh tranh chấp ở khu vực Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng và những quan ngại về một "liên minh" Mỹ-Trung, luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại Canada cho biết, Việt Nam đang rất "cô đơn" trong vấn đề này nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ ngả về phía Trung Quốc.
Ông nói : "Từ khi Trung Quốc đẩy mạnh việc cải tạo các đảo ở khu vực Trường Sa thì Việt Nam đã cô đơn. Chính sách đối ngoại của Việt Nam là muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, việc này không có gì sai. Cái sai là chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục viện cớ ở sát bên Trung Quốc, nếu có những chính sách quá đột phá thì sẽ bị Trung Quốc thôn tính. Nhưng ngược lại, Việt Nam càng ngày càng bị lệ thuộc rất nặng nề vào Trung Quốc".
Trước hai tình huống Mỹ - Trung sẽ bắt tay hoặc đối đầu nhau có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam, luật sư Khanh nói : "Tôi nghĩ tình huống thứ nhất, ông Donald Trump và Trung Quốc sẽ bắt tay nhau để chia lại bàn cờ khu vực thì tôi nghĩ khả năng đó xảy ra nhiều hơn là khả năng ông Trump sẽ đối đầu bằng một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc, sau đó có thể dẫn tới cuộc chiến tranh nóng bằng quân sự. Với tình huống thứ nhất thì một lần nữa Việt Nam bị bán đứng bởi hai cường quốc, Trung Quốc và Hoa Kỳ".
Luật sư Khanh cho biết thêm, quay trở lại thời điểm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, nhân dân hai miền Nam-Bắc, đã phải đổ máu để giải quyết bài toán cán cân quyền lực trong khu vực. Nếu Việt Nam không có sự thay đổi chiến lược với phương cách mở rộng tự do chính trị ở trong nước để kêu gọi các lực lượng yêu nước cùng bảo vệ đất nước thì Việt Nam có thể sẽ mất luôn cả Trường Sa trong điều kiện này.
Lam Thủy
Nguồn : VOA, 01/02/2017