Quanh vụ Anh Quốc rút phép của Truyền hình Trung Quốc
Nguyễn Hùng, VOA, 11/02/2021
Kênh truyền hình nhà nước CGTN của Trung Quốc đã mất quyền phát sóng ở Anh sau khi bị cơ quan giám sát truyền thông của vương quốc này, gọi tắt là Ofcom, tước giấy phép hoạt động.
Cờ Trung Quốc tại tổng hành dinh CCTV, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và cơ quan "anh em", CGTN, phát tin bằng tiếng Anh.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng đả phá quyết định này và nói họ sẽ có hành động trả đũa.
Trong lúc đó CGTN tìm được hai học giả cánh tả người Anh viết bài đả phá quyết định của Ofcom, cơ quan hoạt động độc lập với chính phủ Anh và có trách nhiệm đảm bảo các đài phát thanh và truyền hình tuân thủ pháp luật.
Vì sao mất giấy phép ?
Trước khi bị tước giấy phép hôm 4/2/2021, CGTN cũng đang bị Ofcom điều tra vì cáo buộc đưa tin thiên lệch liên quan tới các cuộc biểu tình ở Hong Kong hồi năm 2019. Ofcom nói cuộc điều tra sẽ còn tiếp diễn dù CGTN đã bị cấm hoạt động ở Anh.
Có hai lý do chính khiến CGTN, tên viết tắt tiếng Anh của China Global Television Network – tức Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, bị tước quyền phát sóng.
Thứ nhất, điều tra củaOfcom cho thấy Star China Media Limited, công ty trách nhiệm hữu hạn đang sở hữu giấy phép mà theo đó CGTN hoạt động, thực tế không có trách nhiệm với nội dung được phát. Vì lý do này họ không đủ điều kiện để tiếp tục sở hữu giấy phép.
Ofcom cũng nói họ không thể chuyển giấy phép của Star China Media Limited cho CGTN vì hãng này thực tế do Đảng cộng sản Trung Quốc quản lý. Các cơ quan được phép phát thanh và truyền hình ở Anh phải giữ nguyên tắc trung lập và chuyện họ bị một chính đảng quản lý không đảm bảo được tiêu chí do Ofcom đề ra.
Quyết định của Ofcom cũng tạo tiền lệ khiến các đài phát thanh và truyền hình của các chính thể cộng sản trong đó có Việt Nam khó có thể được phép hoạt động tại Anh.
‘Chính trị cánh hữu’
Một ngày sau khi mất giấy phép họ có trong suốt 18 năm, CGTN hôm 5/2/2021 đã lên tiếng nói cuộc điều tra của Ofcom nhắm vào hãng này từ đầu năm 2020 bắt nguồn từ sức ép của "các tổ chức cực hữu và các lực lượng chống đối Trung Quốc".
CGTN cũng tìm được hai cây viết người Anh lên tiếng đả phá quyết định của Ofcom.
Cây viết Hugh Goodacre, giảng viên đại học tại University Collge London và University of Westminster viết hôm 7/2 : "Quyết định gần đây [của Ofcom] là ví dụ đáng hổ thẹn về chuyện sự tuyên truyền chống Trung Quốc đang ngày càng cắm rễ sâu trong mọi mặt của văn hoá chính trị cánh hữu ở Anh".
Còn cây viết cực tả người AnhJohn Ross, người hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, viết : "Hành động [của] Anh cũng tiếp nối cuộc tấn công từ nhà nước nhắm vào CGTN tại Hoa Kỳ nơi gần đây họ bị buộc phải đăng ký với tư cách đại diện nước ngoài – khiến nhân viên Hoa Kỳ của họ bị tra tấn tinh thần và khó phát triển về nghề nghiệp".
Ông Ross, người từng là giám đốc phụ trách chính sách kinh tế cho Thị trưởng London, nhân vật cực tả Ken Livingstone, hồi những năm 2000 viết tiếp : "Phương Tây thường lớn tiếng nhận rằng họ đại diện cho "tự do ngôn luận" và coi đây là "quyền phổ quát".
"Nhưng thực tế là họ chỉ cho phép tự do ngôn luận ở dạng thức rất hạn chế ; chỉ khi đại đa số người dân ủng hộ chủ nghĩa tư bản nói chung và ủng hộ chính quyền nói riêng".
Riêng chuyện CGTN chỉ chọn đăng ý kiến của các nhân vật cực tả để đả phá điều được coi là các "quyết định cực hữu" ở Anh và Hoa Kỳ cho thấy sự thiên lệch của họ.
Họ đã tự chứng minh rằng họ đã không có sự đưa tin bất thiên vị mà họ phải có để được cấp phép phát hình tại Anh.
Đó là còn chưa kể mối liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với Đảng cộng sản.
Hiển nhiên chính quyền nào cũng tìm cách gây ảnh hưởng tới các cơ quan truyền thông. Nhưng chỉ có tại các quốc gia cộng sản họ mới có thể làm thế một cách trực tiếp và sỗ sàng.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/2/2021
************************
BBC, 12/02/2021
Chính quyền Trung Quốc chính thức cấm đài truyền hình BBC của Anh Quốc phát hình trên nước họ sau quyết định của Ofcom ở Anh rút giấy phép của CGTN.
BBC World News TV là kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh hàng đầu trên toàn thế giới
Trong quyết định công bố hôm 11/02/2021, Cục Phát thành, Truyền hình và Điện ảnh Trung Quốc (SARFT) nói tin bài của BBC World News "vi phạm nghiêm trọng quy định về phát thanh truyền hình".
Trung Quốc cho rằng các phóng sự về dịch virus corona của BBC và bài về tình trạng của dân tộc Uighur ở Tân Cương "không đúng sự thật, không công bằng", và "có hại cho quyền lợi Trung Quốc".
Đài BBC đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của chính quyền Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh, Dominic Raab nhắn trên Twitter rằng hành động của Trung Quốc cấm BBC News "là hành vi không thể chấp nhận được nhằm ngăn chặn tự do truyền thông".
CGTN hết quyền hoạt động ở Anh
CGTN bị cho là vi phạm quy tắc phát hình ở Anh sau vụ chiếu phỏng vấn có vẻ như được thực hiện bằng biện pháp cưỡng ép với công dân Anh Peter Humphrey
Sự việc xảy ra sau khi Cơ quan Giám sát Truyền thông Anh (Ofcom) thu giấy phép của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN) ở Anh.
Hôm đầu tháng Hai, Ofcom nói công ty chủ quản của CGTN là Star China Media Limited "không có kiểm soát biên tập" hàng ngày với kênh truyền hình này và hoạt động của CGTN "trái với nguyên tắc quản trị truyền thông" theo luật ở Anh Quốc.
CGTN, hậu thân của CCTV, đã bành trướng ra các thị trường quốc tế và lấy trụ sở xây dựng hoành tráng tại khu Chiswick, London làm đại bản doanh cho hoạt động của họ ở Châu Âu.
Năm ngoái, CGTN bị cho là vi phạm quy tắc phát hình ở Anh sau vụ chiếu phỏng vấn có vẻ như được thực hiện bằng biện pháp cưỡng ép với công dân Anh Peter Humphrey.
Năm 2013, doanh nhân Humphrey và vợ người Trung Quốc bị bắt ở Trung Quốc vì các cáo buộc liên quan đến quản lý số liệu khách hàng.
Trong phiên tòa, đài báo Trung Quốc đăng cảnh ông "thú tội trên truyền hình" (forced confession), một hình thức các chế độ phi dân chủ thường áp dụng để "chứng minh bị cáo đã nhận tội", nhưng là điều phi pháp theo luật tố tụng hình sự ở Phương Tây.
Sau khi bị xử hai năm rưỡi tù (2014) và được thả sau một năm vì lý do sức khoẻ, ông Humphrey tố cáo công an Trung Quốc cưỡng bức ông thú tội trên video, điều vi phạm nhân phẩm của ông.
BBC World News TV là kênh truyền hình quốc tế bằng tiếng Anh, và có mặt trong các khách sạn cao cấp và cơ sở, tư gia cho người nước ngoài.
Đa số người Trung Quốc không tiếp cận được kênh này.
****************************
Trung Quốc cấm BBC World News, Hong Kong bỏ phần radio của BBC
VOA tiếng Việt, 12/02/2021
Hôm thứ Sáu 12/2, Trung Quốc cấm kênh tin thế giới BBC World News của Anh trong các mạng lưới truyền hình của Trung Quốc. Cùng ngày, hãng phát thanh truyền hình công cộng của Hong Kong cho biết họ sẽ ngừng tiếp sóng kênh phát thanh Thế giới vụ của BBC (BBC World Service), một tuần sau khi Anh thu hồi giấy phép phát sóng đối với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.
Biển hiệu của đài BBC tại văn phòng của họ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, 12/2/2021.
Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cho biết các phóng sự của BBC World News về Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng" điều khoản đòi hỏi phải "trung thực và công bằng", làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu đoàn kết dân tộc.
Trong khi đó Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK), cơ quan phát thanh truyền hình được cấp tiền từ công quỹ ở lãnh thổ cũ của Anh, cho biết họ tạm ngừng tiếp sóng các chương trình tin tức của đài BBC.
BBC, một công ty đại chúng, nói rằng họ là "đài phát thanh truyền hình đưa tin quốc tế đáng tin cậy nhất trên thế giới" và họ "đưa tin về tình hình thời sự ở khắp nơi trên thế giới một cách công bằng, khách quan và không sợ hãi hay thiên vị".
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi lệnh cấm của Trung Quốc là "sự hạn chế tự do truyền thông không thể chấp nhận được", đồng thời nói thêm rằng "Trung Quốc là nước có một số hạn chế đối với quyền tự do truyền thông và internet thuộc diện nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, và bước đi mới nhất này sẽ chỉ càng làm tổn hại đến tiếng tăm của Trung Quốc trong con mắt của thế giới mà thôi".
Đại sứ quán Trung Quốc tại London đáp trả bằng một tuyên bố chát chúa : "Việc BBC không ngừng bịa đặt ra ‘những lời nói dối tầm cỡ thế kỷ’ trong việc đưa tin về Trung Quốc là đi ngược lại đạo đức nghề nghiệp của báo chí, đồng thời là tiêu chuẩn kép và có thành kiến về ý thức hệ".
"Cái gọi là ‘tự do truyền thông’ chẳng qua là cái cớ và vỏ bọc để tung ra những thông tin sai lệch và vu khống chống lại các quốc gia khác", vẫn lời của Đại sứ quán Trung Quốc ở Anh.
Hôm thứ Năm 11/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ned Price, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng "thật đáng lo ngại là (Trung Quốc) hạn chế các cơ quan và các mạng báo chí, cản trở họ hoạt động tự do ở Trung Quốc, trong khi các nhà lãnh đạo của Bắc Kinh lại sử dụng môi trường truyền thông tự do và cởi mở ở nước ngoài để quảng bá cho thông tin sai lệch".
Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ "lo ngại sâu sắc" sau khi có bài phóng sự của BBC về các vụ cưỡng hiếp và xâm hại tình dục có hệ thống đối với phụ nữ trong các trại giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.
Trung Quốc phủ nhận các cáo buộc về tình trạng xâm hại ở Tân Cương và nói rằng bài phóng sự "hoàn toàn không có cơ sở thực tế".
Hôm 4/2, cơ quan quản lý truyền thông Ofcom của Anh đã thu hồi giấy phép của Mạng Truyền hình Hoàn cầu Trung Quốc (CGTN) sau khi một cuộc điều tra cho thấy giấy phép do Star China Media Ltd. đứng tên, và như vậy là sai luật.
Trung Quốc nói quyết định đó mang tính chính trị và phía Trung Quốc bảo lưu quyền đưa ra "sự đáp trả cần thiết".
****************************
Thanh Hà, RFI, 12/02/2021
Phát phóng sự về nạn tra tấn và bạo lực tình dục tại Tân Cương, đài truyền hình Anh BBC World News bị Trung Quốc cấm cửa. Ngày 11/02/2021 Cơ quan đặc trách truyền thanh và truyền hình quốc gia Trung Quốc viện cớ kênh này vi phạm "nghiêm trọng" nguyên tắc chỉ đạo về đưa tin của Hoa Lục để cấm đài truyền hình Anh hoạt động tại nước này.
Đúng vào ngày Tết Nguyên Đán, Cơ quan đặc trách truyền thanh, truyền hình quốc gia Trung Quốc NRTA thông báo cấm kênh truyền hình Anh BBC phát sóng do không đưa tin một cách "trung thực và công bằng, làm tổn hại đến quyền lợi quốc gia của Trung Quốc". Hệ thống truyền thanh và truyền hình của Hồng Kông cũng thông báo ngưng phát sóng chương trình của BBC.
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại lệnh cấm được Trung Quốc đưa ra 10 ngày sau khi đài truyền hình Anh phát một bài phóng sự điều tra về nạn tra tấn, bạo hành tình dục nhắm vào phụ nữ Duy Ngô Nhĩ trong các trại "dạy nghề" ở Tân Cương. Tuần trước, bộ ngoại giao Trung Quốc yêu cầu đài BBC chính thức xin lỗi vì phóng sự này.
Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab chỉ trích Bắc Kinh "vi phạm quyền tự do báo chí". Luân Đôn nhắc lại Trung Quốc là một trogn những quốc gia "khắt khe nhất về quyền tự do báo chí và kiểm duyệt internet", quyết định cấm kênh truyền hình Anh phát sóng "càng làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế". Bộ ngoại giao Mỹ cũng "mạnh mẽ lên án" quyết định của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Luân Đôn trên mặt trận truyền thông đã khai mào : tuần trước Anh Quốc rút giấy phép hoạt động của kênh truyền hình Trung Quốc CGTN do kênh này được đặt dưới sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng Luân Đôn từ tháng trước tố cáo Bắc Kinh đối sử "man rợ" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Trước đó nữa đài BBC đã phát phim tài liệu nói về nguồn gốc gây đại dịch Covid-19 làm Trung Quốc giận dữ.
Nghị viên Tom Tugendhat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Nghị Viện Anh ghi nhận "cần theo dõi kỹ hơn và thấu đáo hơn về thái độ càng lúc càng gay gắt của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với các phương tiện truyền thông ngoại quốc".
BBC, 04/02/2021
Cơ quan Giám sát Truyền thông Anh (Ofcom) vừa tước giấy phép của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network - CGTN) ở Anh.
Các quan chức Trung Quốc khai trương Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) vào cuối năm 2016
Anh Quốc nói công ty chủ quản của CGTN là Star China Media Limited "không có kiểm soát biên tập" hàng ngày với kênh truyền hình này.
Đây là lý do khiến Ofcom cho là hoạt động của CGTN "trái với nguyên tắc quản trị truyền thông" ghi theo luật ở Anh Quốc.
Theo tờ Telegraph (04/02/2021) một nữ phát ngôn viên của Ofcom tuyên bố "giấy phép cho CGTN lại thuộc về một chủ thể không kiểm soát được kênh này về mặt biên tập".
Tờ báo chạy tựa đề là "kênh truyền hình vệ tinh của Trung Quốc bị tống cổ khỏi Anh".
Người ta tin rằng dù một công ty đăng ký để xin giấy phép cho CGTN hoạt động ở Anh, đường lối biên tập của kênh lại do truyền hình Trung Quốc mà Đảng Cộng sản chỉ đạo, điều khiển từ xa.
CGTN có trụ sở tại Bắc Kinh và phát bằng tiếng Anh ra thế giới từ ba trung tâm quốc tế là London, Washington D.C. và Nairobi.
Các báo Anh cho hay năm ngoái, Ofcom đã kết luận rằng CGTN "vi phạm quy tắc phát hình" vì không đảm bảo được tính bất thiên vị (impartiality) trong tường thuật về biểu tình ở Hong Kong.
Theo BBC News, cuộc điều tra của Ofcom tháng 5/2020 đã nêu ra kết luận như trên về cách kênh truyền hình quốc tế của chính quyền TQ đưa tin về biểu tình Hong Kong.
Hồi 2018, Ofcom đã phạt kênh truyền hình Al Arabiya của chủ từ Ả Rập Saudi 120 nghìn bảng vì phát hình "lời thú tội" của một nhà lãnh đạo đối lập Bahrain mà không nói là ông bị tra tấn.
Năm 2011, Ofcom phạt kênh Press TV của Iran 100 nghìn bảng vì phát bài phỏng vấn với nhà báo Maziar Bahari của Newsweek vì cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh cai ngục Bahrain cưỡng bức ông Bahari.
Sang năm 2012, Ofcom tước giấy phép hoạt động của Press TV tại Anh Quốc.
Việc mất giấy phép năm nay sẽ gây khó khăn lớn cho CGTN vì đài này dùng cơ sở được đầu tư nhiều tiền của tại Chiswick, phía Tây London làm đại bản doanh cho mọi hoạt động ở Châu Âu.
Đài Truyền hình Trung ương TQ - CCTV bắt đầu phát ra quốc tế bằng tiếng Anh năm 2013 và từ 2016 thì lập ra kênh CGTN.
Đài BBC cũng chịu sự giám sát của cơ quan Ofcom
Chính quyền Trung Quốc từng hy vọng kênh này đem lại uy tín cho quốc gia của họ và sẽ tiếp cận công chúng Phương Tây trực tiếp bằng tiếng Anh.
Ofcom là cơ quan giám sát truyền thanh truyền hình Anh Quốc, chỉ báo cáo lên Nghị viện, và hoạt động độc lập với chính phủ.
Cơ quan này giám sát cả đài BBC và các kênh truyền hình nội địa của Anh cũng như phụ trách cấp phép cho các đài nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Anh.
Nguyên tắc vận hành và tiêu chí quản lý truyền thông của Ofcom có thể đọc công khai tại trang https://www.ofcom.org.uk/about-ofcom.
Công chúng cũng có thể khiếu nại về các kênh thông tin Anh và nước ngoài hoạt động ở Anh tới Ofcom.
Truyền thông tự chủ hay quá độ ?
Trần Công Lân, quyenduocbiet, 24/01/2021
Ai cũng biết giới truyền thông Mỹ do các đại công ty nắm tuy có thiên vị đôi chút nhưng vẫn là độc lập vì còn tòa án và các cơ chế khác kiểm soát (đại học, viện nghiên cứu…). Vì sống nhờ quảng cáo nên các nhà bình luận, phân tích thời cuộc cũng chỉ phổ biến tin tức trong thời hạn. Cũng vì để lôi cuốn khán, thính giả nên cần tin sốt dẻo nên đôi khi để cho các chính trị gia gây sóng gió mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Đó là lý do Trump đã gây chú ý trong kỳ tranh cử 2016 qua những lời nói gây chấn động dư luận.
Đặc biệt lối phỏng vấn, đặt câu hỏi của giới truyền thông Mỹ cũng khác thường, họ không đặt vào mục tiêu tìm sự thật mà chỉ khơi dậy những cơ hội gây sóng gió hơn là chận đứng lối nói tránh né, vòng vo của người được hỏi (cho hết giờ hay có cơ hội đăng quảng cáo). Khi tự do ngôn luận bị lạm dụng để tung tin giả và thách đố sự thưa kiện của nạn nhân (chỉ xảy ra cho giới nhà giàu có tiền mướn luật sư). Giới chính trị và truyền thông đã dung túng cho "tin giả" (fake news) xuất hiện và chúng ta có mục kiểm soát sự thật (fact check).
Đạo đức là giá trị rẻ như bèo trong xã hội Mỹ khi viên chức chính quyền tuyên thệ nhậm chức trên Thánh Kinh (oath) với niềm tin Thượng đế (in the God we trust) sau đó mạnh ai nói láo tiếp mỗi ngày. Vậy thì giá trị đạo đức, cương thường của xã hội Mỹ nằm ở đâu ?
Phải chăng đó là sự cố tình để giáo dục quần chúng ? Bắt buộc người dân phải tìm hiểu nhiều hơn, chú ý nhiều hơn những biến chuyển của xã hội và kèm theo đó là nhét vào đầu người dân những món hàng quảng cáo xen kẽ qua các tin tức.
Sự xuất hiện của mạng xã hội (social media) đã khiến sự hỗn loạn trong giới truyền thông tăng lên mức độ gần như không kiểm soát được. Mới đầu ai cũng tưởng đó là phương tiện giúp cá nhân thông tin nhanh chóng và giúp xã hội tiến hóa nhanh hơn. Nhưng kỹ thuật đi nhanh không có nghĩa là đạo đức, tự chủ, nhân cách của con người cũng sẽ tiến lên mức độ đủ để chế ngự sức mạnh kỹ thuật. Và đó là thảm họa.
Khi các công ty muốn phổ biến sản phẩm của mình đến người tiêu thụ nên trả tiền quảng cáo cho các cá nhân loan tin trên mạng có nhiều người theo dõi. Vì tham lợi nên có những cá nhân sẵn sàng loan tin thất thiệt, nóng hổi để thu hút người theo dõi và kiếm tiền quảng cáo.
Trong khi các cơ quan truyền thông chịu trách nhiệm trước pháp luật và tòa án nếu bị kiện nên các vị chủ nhiệm, chủ bút phải kiểm soát các phóng viên, ký giả khi săn tin, đăng tin. Ngược lại, khi nhận tin trên mạng xã hội bạn sẽ không bao giờ biết người loan tin là ai, họ lấy tin từ đâu, trình độ hiểu biết và lý luận của họ ra sao để chọn và phổ biến các nguồn tin như vậy. Chính vì thế, các quốc gia thù địch của Mỹ đã xen vào gây rối loạn xã hội và các cuộc bầu cử.
Sự phân hóa trong các đảng chính trị qua các thủ đoạn phân chia địa hạt bầu cử, bổ nhiệm các quan tòa các cấp, cách thức vận động quốc hội, luật đóng góp tiền tranh cử... đã dẫn đến sự phân hóa trong giới truyền thông. Khi sự thiên lệch xảy ra trong tam quyền phân lập và đệ tứ quyền (truyền thông) thì nền dân chủ Mỹ bắt đầu lung lay. Chỉ còn các viện nghiên cứu (foundation, institution), đại học, các viên chức hồi hưu, quân đội là còn cố gắng duy trì sự trung thực để xây dựng dân chủ.
Khi sự nói láo, đe dọa, khiêu khích, phân chia, chụp mũ xảy ra nhiều hơn bao giờ trong sinh hoạt xã hội Mỹ mà sự khác biệt giàu nghèo lên cực độ sẽ dẫn đến các phản ứng quá khích.
Khi nền tảng dân chủ là đa số thắng thiểu số thì khi thiểu số dùng xảo thuật để nắm quyền thì đó là bạo quyền đi đến độc tài. Mà khi dân số Mỹ chuyển từ đa số trắng sang đa số đa đen và gốc Châu Mỹ La Tinh thì sự kỳ thị bộc phát dữ dội. Khác với thời 1960s là giữa Trắng-Đen (khi trắng còn đa số) thời đại 2000s với khủng hoảng di dân cùng với khủng hoảng kinh tế 2008 khiến giới nghèo càng nghèo. Sự bất công xã hội dễ gây bạo động khi có những phán quyết chính trị hay tin tức gây căm phẫn trong lòng người dân ít hiểu biết.
Phải chăng đó là sự quá độ mà giới truyền thông phải chịu trách nhiệm ?
Hay đó là do sự khiếm khuyết của một nền giáo dục không có triết học (lý luận) mà chỉ cổ võ giấc mơ làm giàu (American dream) ?
Hay đó là lỗ hổng của hiến pháp Mỹ chỉ cổ võ tự do (dân chủ), hạnh phúc mà không đặt một nền tảng cương thường để dẫn dắt tự do như thế nào để đi đến hạnh phúc ? Mà hạnh phúc là gì khi con người dễ sa ngã với những dục vọng hơn là tu dưỡng ? Khi con người tranh sống trong xã hội đã quên đi nền tảng (hiến pháp) để chú trọng vào đời sống cá nhân. Vì lợi mà quên nghĩa là chuyện thường tình.
Phải chăng khi hiến pháp phân định chính quyền và giáo quyền đã bỏ ngỏ phần "đạo đức, cương thường" cho phía tôn giáo ? Vậy khi tôn giáo biến chất thì chính quyền có thể làm gì được ?
Rồi khi đó "niềm tin" (in the God we trust) sẽ không còn là giềng mối của quốc gia nữa. Lúc đó các nhà làm luật sẽ giải quyết ra sao ?
Như vậy sự sụp đổ niềm tin tôn giáo sẽ chấm dứt nền dân chủ và dọn đường cho độc tài thống trị ?
Có người cho là truyền thông Mỹ thiên vị cá nhân XYZ nhưng hãy nhìn giới truyền thông quốc tế nói gì về chính trị Mỹ ? Chẳng có ai đủ thế lực để thống trị giới truyền thống quốc tế. Cũng như con số chết vì Covid-19, nếu bảo là các bệnh viện Mỹ khai quá sự thật thì hãy nhìn vào các nước khác : nơi nào dân không có kỷ luật, chống các biện pháp phòng ngừa thì số bệnh nhân tăng, số chết tăng. Nếu bảo là bác sĩ khai số người chết vì Covid-19 để lấy tiền tại sao các cơ quan điều tra không cứu xét ? Biết bao bác sĩ ăn gian Medicare/Medicaid bị phạt tù vì tham tiền nhưng trong cơn đại dịch thì ai tham tiền khi chính bác sĩ, y tá còn lây bệnh chết ?
Khi xã hội lâm cơn tai biến mà chính trị gia bất tài, gian lận, nói láo…. Các nhà lãnh đạo tôn giáo biến chất, hủ hóa. Giới truyền thông mất tự chủ thì người dân biết tin vào đâu ? Nền dân chủ đòi hỏi người dân phải luôn thức tỉnh để làm chủ vận mệnh mình. Xã hội tư bản đã tha hóa con người theo dục vọng thì phải chăng dân chủ phát triển tư bản và nay tư bản quay lại tiêu diệt dân chủ cũng vì quyền lợi. Con người làm ra lợi nhuận chứ lợi nhuận chẳng sinh ra con người. Ai kêu ca biện pháp phong tỏa bệnh dịch (lockdown) sẽ làm suy sụp nền kinh tế sẽ trả lời ra sao khi tiếp tục sinh hoạt sẽ làm bệnh dịch lan tràn. Và khi khách hàng chết thì ai mua hàng tại các cửa tiệm ? "Còn người, còn của" vì người làm ra của cải chứ của cải không làm ra con người.
Sự tệ hại phát sinh khi các chính trị gia kích động mâu thuẫn để thủ lợi và lôi kéo người dân mù quáng chạy theo. Trong khi biện pháp đơn giản là thử một quận "lockdown" trong 2 tuần, 3 tháng xem có chận đứng bệnh dịch hay không ? Nếu đúng thì phải theo, có gì phải cãi "tự do chọn lựa". Hãy nhìn các nước có kỷ luật như Đài Loan, Hàn Quốc, Tân Tây Lan… đã ngăn chận được bệnh dịch.
Vậy thì giới truyền thông Mỹ có thấy không ? Thấy nhưng tại sao họ không nói lên ?
Vì họ cũng như các chính trị gia đang chơi trò "ngư ông thủ lợi" và đó là mối đe dọa nền dân chủ Mỹ.
(tháng 11/2020- Việt lịch 4899)
Trần Công Lân
Nguồn : quyenduocbiet, 24/01/2021
******************
Các nan giải của truyền thông xã hội
Phạm Phú Khải, VOA, 22/01/2021
Sau vụ nổi loạn tại Điện Capitol vào ngày 6 tháng Giêng năm 2021, một loạt các mạng xã hội, bao gồm cả Facebook và Twitter, đã hạn chế tương tác, thậm chí khóa tài khoản của ông Trump, có thể vĩnh viễn.
Twitter lẫn Facebook đều viện dẫn lý do khóa tài khoản ông Trump vì có đăng nội dung kích động bạo lực.
Twitter lẫnFacebook đều viện dẫn lý do khóa tài khoản ông Trump vì có đăng nội dung kích động bạo lực.
Quyết định này đã gây nhiều tranh cãi gay gắt về tự do ngôn luậntại Mỹ và khắp nơi, trong đó có người Việt.
Những người phản đối quyết định này cho rằng, Big Tech, tức những công ty công nghệ lớn như Twitter và Facebook, đã hành xử không khác gì bịt miệng ông Trump (1) ; đã kiểm duyệt và bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của ông. Họ còn cho rằng đây là sự vi phạm quyền tự do ngôn luận, được ghi trong Tu Chánh Án 1, của Hiến Pháp Mỹ (2).
Nhiều người theo đảng Cộng hòa, hay những người ủng hộ ông Trump, phần lớn có vẻ đồng tình với quan điểm này.
Những người ủng hộ quyết định của Facebook hay Twitter thì cho rằng, các công ty này có quyền hợp pháp để quyết định như thế. Họ biện luận : Tu Chánh Án 1 không cho phép một ai có quyền trên một diễn đàn nào đó, đặc biệt diễn đàn đó thuộc sở hữu của các thực thể tư nhân (private entities). Nó cũng bảo vệ các thực thể này trong việc chọn lựa họ muốn nói gì hay nghe gì v.v…
Nhiều người chống Trump, hay theo đảng Dân chủ, phần lớn đồng tình với quan điểm này.
Những người ủng hộ quan điểm này biện luận thêm rằng, đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết để ngăn ngừa những sự cực đoan, quá khích, nhất là các phần tử kích động bạo lực. Cuộc khủng bốbắn giết hàng loạt người tại Christchurch, New Zealand vào ngày 15 tháng Ba năm 2019 và được trình chiếu trực tuyến đã thay đổi chính sách và hành động của Facebook, và các mạng xã hội khác. Nhưng cáclời nói gây hận thù, kích động bạo lực, từ đó đến nay vẫn còn tiếp diễn. Từ Miến Điến, Ấn Độ, Ethiopia, các phát biểu hận thù (hate speech), nhất là từ những chính khách có ảnh hưởng, đã gây tác động đáng kể lên xã hội. Facebook hay Twitter trước đây vẫn ngần ngại trong quyết định xóa bỏ các bài này vì không muốn hạn chế tự do ngôn luận. Trong khi đó, Facebook lại nhượng bộ với các nhà nước chuyên chế xóa bỏ các bài có quan điểm đúng đắn, không hề sử dụng tin giả, nhưng lại phê bình chế độ cầm quyền, như tại Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Việt Nam, Phi, Brazil v.v…
Nói một cách khác, Facebook và các mạng truyền thông xã hội đã áp dụng tiêu chuẩn kép thay vì tôn trọng nguyên tắc bảo vệ tự do ngôn luận tối đa có thể. Facebook vẫn đối phó một cáchtùy tiện, như trường hợp tại Thái Lan mà tôi từng viết trước đây. Tất nhiên, đây là sân chơi mà Facebook sở hữu, và họ có quyền làm như thế dựa trên sự thỏa thuận giữa họ và người tiêu dùng. Tuy vậy, nếu Facebook không có chính sách rõ ràng, minh bạch và không công khai những hành động và báo cáo của họ, để áp dụng một cách đồng nhất, thì sẽ mất uy tín. Và mâu thuẫn. Facebook không chủ động để rồi đến sự kiện ông Trump xảy ra. Mark Zuckerberg công bố trên trang Facebook của mình rằng Facebook hành động như thế vì Trump "kích động nổi loạn bạo lực" đểchống lại một chính quyền được bầu chọn dân chủ. Cũng cần nhắc lại rằng trước khi quyết định ngăn tài khoản của Trump, đối với các trường hợp tương tự, Facebook có khi quyết định hành động, có khi hoàn toàn không, và khi hành động thì cũng quá muộn m àng, để rồi có những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Hành động ngăn cấm tài khoản của ông Trump là cơ hội để chúng ta đặt ra các câu hỏi kế tiếp. Một, liệu Facebook hay các mạng xã hội có một chính sách đồng nhất, trong đó sẽ đề cao và tôn trọng quyền tự do ngôn luận tối đa có thể, nhưng vẫn ngăn ngừa được những phát biểu cực đoan, gây hận thù, kích động bạo lực hay không ? Hai, nếu có một chính sách như thế, thì liệu Facebook và các mạng xã hội khác có khả năng áp dụng chính sách một cách đồng nhất như thế trong thể chế dân chủ, nửa dân chủ và độc tài hay không ? (Hơn 2.7 tỷ người dùng, 90% nằm ngoài Mỹ, lại dùng bao loại ngôn ngữ khác nhau, thì đây quả là một thách thức vừa về lý tưởng vừa về kỹ thuật (3)). Ba, nếu Facebook có quyền và có thể ngăn cấm quyền tự do ngôn luận, như đã làm với ông Trump, hay các lãnh đạo chính trị khác, thì liệu quyền lực này có phải đi quá giới hạn cho phép của họ không ? Hay họ có cần phải được quy định hóa (regulated), như các cơ quan truyền thông thông thường chịu sự quy định của pháp luật, nhằm buộc họ phải có trách nhiệm giải trình và nằm trong khuôn khổ pháp luật ?
Xin mở ngoặc ở đây để nói về vấn đề kiểm duyệt. Chắc chắn Facebook hay các mạng xã hội khác không muốn kiểm duyệt. Lý do ? Trong thể chế dân chủ, kiểm duyệt thật ra là công việc chẳng đặng đừng. Nó vừa trái nguyên tắc tự do ngôn luận, vừa tốn khá nhiều nhân, tài, lực để làm. Mà làm thì cũng không thể hoàn hảo. Và lại gây tranh cãi và chống đối. Nhưng các mạng xã hội không có sự chọn lựa gì khi người dùng đã lạm dụng nó để gây hận thù, kích động bạo lực, tuyên truyền thuyết âm mưu v.v… Với 2.7 tỷ tài khoản trên thế giới, và hàng tỷ bài đăng trên Facebook mỗi ngày, họ phải dùng đến thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence/AI) và hàng ngàn nhân viên khác nhau để kiểm duyệt. Nhưng cho dù như thế, họ cũng chỉkiểm soát được 90% nội dung, phần còn lại phụ thuộc vào báo cáo của người dùng. 10% thiếu kiểm soát hoàn toàn cũng gây lắm trắc trở, thử thách hoặc tai họa.
Ngoài các vấn đề nêu trên, Facebook và các mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Sử dụng nó đúng đắn, nó sẽ cho ra kết quả tích cực. Nếu chăm sóc nó như căn nhà của mình, tôn trọng sự khác biệt, thảo luận trên tinh thần tương kính, kiểm chứng thông tin và phải vô cùng thận trọng để không tuyên truyền hay phát tán thuyết âm mưu, thì không khí thảo/tranh luận sẽ tích cực. Và sẽ có thể cùng nhau bảo vệ tự do ngôn luận. Sử dụng nó bừa bãi và thiếu trách nhiệm, và nếu không cảnh giác, thì sẽ bị tuyên truyền và chỉ tiếp tay làm lợi cho kẻ phá hoại. Hơn nữa còn bị sa lầy hoặc mắc mưu, trở thành một cái chợ cãi nhau và chửi vả. Nó sẽ trở thành một đống rác khổng lồ và dần dần mất đi những người đứng đắn theo dõi. Thành phần dư luận viên biết khai dụng điều này, đã đành. Nhưng vô số người Việt khác cũng rơi vào cái bẫy này.
Trở lại, Facebook và các mạng xã hội khác hành xử bất nhất như thế vì lý do lợi nhuận. Họ là một công ty thương mại không hơn không kém. Lý do họ có thể bẻ cong nguyên tắc và giá trị cũng vì quyền lợi.Thuật toán (algorithm) chính của Facebook, Twitter, Youtube v.v… là liên tục đưa ra những tin tức, hình ảnh, phim ảnh, quan điểm thích hợp với mỗi người dùng. Mỗi chúng ta đều được cung cấp tin tức (newsfeed) khác nhau dựa trên sở thích và đặc tính của từng người mà họ đã thu thập được qua thời gian. Người nào thích tin giựt gân, tin giả thì càng được cung cấp các loại tin như thế, chẳng hạn. Nó làm cho người khác có cảm tưởng nếu tin tức đầy dẫy như thế thì phải là tin thật thôi. Không những thế, nó còn làm cho người ta bị cuốn hút, bị "ghiền". Trên Google Search, Twitter, Youtube v.v… thì họ cũng dùng thuật toán tương tự. Bí mật này đã được phơi bày, và những ai muốn tìm hiểu thêm nên xem phim "The Social Dilemma" trên Netflix. Phim tài liệu này do chính những người từng giữ chức vụ quan trọng nhất trong các công ty này vạch trần về những tác hạ i khủng khiếp của nó. Bộ phim tài liệu "Thế nan giải xã hội" này đã góp phầngióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xâm nhập của công nghệ khai thác và thao túng dữ liệu vào đời sống xã hội của chúng ta và hơn thế nữa.
Chúng ta nhớ rằng, khi càng nhiều người xem và càng nhiều sự tương tác thì Facebook, và các mạng xã hội khác, càng có lợi về mặt quảng cáo. Người ta thích xem các tin tức giựt gân, đầy cảm tính hơn là những thông tin trung thực, đầy dữ liệu, nhưng lại nhàm chán. Con người dễ bị tuyên truyền là vậy. Nga, Trung Quốc,Epoch Times/Falun Gong, v.v… không xâm nhập (hack) Facebook, mà chỉ đơn thuần sử dụng các diễn đàn/phương tiện này để truyên truyền và tung tin giả. Giới tuyên truyền nói chung được hưởng lợi từ đó.
Các chế độ dân chủ lo ngại tác hại của truyền thông xã hội như là công cụ tuyên truyền để các thông tin sai lệch ngày càng làm người dân không thể phân biệt hư thật trong bầu cử, các vấn đề y tế/sức khỏe, giáo dục v.v…
Còn những chế độ chuyên chế thì vừa hưởng vừa lo. Với các thông tin trung thực gây sức ép lên chế độ, họ luôn tìm cách gây áp lực để Facebook phải kiểm duyệt, nếu không thì bị trừng phạt tiền hay bị dọa đóng cửa, như tại Thái Lan, Việt Nam và bao nước khác. Mặt khác, họ cũng được hưởng từ thông tin giả vì không ai giỏi hơn họ trong việc sử dụng nó để tuyên truyền và lung lạc sự hiểu biết của người dân.
Cũng vì các nguyên do này mà chính quyền khắp nơi, từ dân chủ đến độc tài, đều muốn quy định hóa/regularization, theo mục tiêu riêng của họ. Dân chủ thì muốn Facebook có trách nhiệm hơn, giảm thiểu tin giả, thuyết âm mưu hay các tiếng nói kích động hận thù, bạo lực. Chuyên chế thì muốn Facebook kiểm duyệt và ngăn ngừa để giảm thiểu các tiếng nói phê bình chế độ.
Quả là một thời đại vàng thau lẫn lộn. Cho nên nếu thiếu ý thức, quan tâm và chịu khó lắng nghe học hỏi, thì nhiều người sẽ trở thành nạn nhân của đám sương mù dối trá.
Nhưng vẫn còn có thể khai dụng các mạng truyền thông xã hội một cách tốt nhất có thể. Người sử dụng nênthể hiện tính cách đứng đắn đàng hoàng của mình, tôn trọng sự thật và tiếng nói khác biệt. Luôn cảnh giác các nguồn tin chưa kiểm chứng. Luôn nói không với các loại tin giả tin giựt gân, và dứt khoát không phát tán nó. Luôn tìm cách thảo luận và thuyết phục thay vì chửi rủa. Được như thế thì chúng ta sẽ cùng nhau tiến một bước trên mặt trận tự do ngôn luận. Nó là một trong những mục tiêu căn bản, nền tảng của dân chủ. Còn chuyện Facebook hay mạng xã hội khác thì cũng chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh.
Úc châu, 22/01/2021
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 22/01/2021
Chú thích :
1. Không thể ví điều này với việc bịt miệng ông Trump. Tổng thống có vô số các phương tiện khác nhau, qua họp báo hay các kênh truyền thông của Nhà Trắng mà ông có thể dùng. Quyết định này chỉ đơn thuần là ngăn chặn tiếng nói của ông Trump trên các diễn đàn/phương tiện này.
2. Tu Chánh Án số 1 : Tạm dịch "Quốc hội sẽ không đưa ra luật nào tôn trọng việc thành lập tôn giáo, hoặc cấm thực hiện tự do tôn giáo ; hoặc giới hạn quyền tự do ngôn luận, hoặc báo chí ; hoặc quyền của người dân được tụ họp một cách hòa bình, và kiến nghị chính phủ giải quyết những bất bình".
(Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof ; or abridging the freedom of speech, or of the press ; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the government for a redress of grievances.)
3. Facebook có ảnh hưởng lớn bởi vì số lượng người sử dụng nó nhiều hơn gấp bao lần các cơ quan truyền thông truyền thống.
Theo số liệu mới nhất thì Facebook hiện nay có đến2.7 tỷ người sử dụng, trong đó 223 triệu tại Mỹ.Twitter có 190 triệu người dùng mỗi ngày. Trong khi đó,Fox News chỉ có 3.78 triệu người xem lúc cao điểm, và CNN 2.37 triệu người. TheNew York Times có 7 triệu người đăng ký báo. TheEconomist thì chỉ có 1.7 triệu.
Số lượng sử dụng càng nhiều thì sức ảnh hưởng càng lớn.
Truyền thông qua mạng xã hội có sức thay đổi suy nghĩ một con người, đem lại sự ủng hộ cho một cá nhân, tạo nên một lực lượng đáng kể.
Thực tế đang cho thấy nhiều người Việt chẳng cần hiểu cách vận hành của một đất nước, chính trị gia làm gì, không nhất thiết phải đọc báo, với nhiều người thời nay chỉ cần xem, nghe các YouTuber, Facebooker nói như thế nào đã đủ, hoặc ít ra là người ta tin như vậy.
Cái radio của ba tôi
Mùa hè năm 1990, tôi 12 tuổi, sống ở làng quê tỉnh Quảng Nam, trong một lần đến sân hợp tác xã cách nhà chừng ba cây số để coi ti vi. Cái ti vi trắng đen cỡ 24 hay 28 inchs hằng đêm có người bưng để ở hiên hướng ra sân cho dân xem.
Một lần xem ti vi như thế tôi thấy ông Mikhail Gorbachov, về kể với ba. "Có phải ông người to con, đầu hói, trên trán có cái bớt không", ba hỏi lại.
Có lẽ ba tả được ông Gorbachov một cách chi tiết đến cái bớt trên trán là nhờ thông qua các chương trình phát thanh của đài BBC, đài Quốc tế Pháp – RFI (đài Pháp), đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) mà mấy ông gọi thân thuộc, "đài Hoa Kỳ".
Năm 1987, nhà tôi mua được cái radio. Đều đặn hằng đêm ba nghe các chương trình phát thanh Việt ngữ của đài BBC, đài Hoa Kỳ, đài Pháp trước khi đi ngủ. Buổi sáng việc nghe các đài này được lặp lại nếu ông không phải ra đồng trước giờ phát thanh.
Nhờ nghe các đài từ hải ngoại, ba có được thông tin về kinh tế, chính trị thế giới khá tốt. Không mấy tin tưởng vào "chế độ mới".
Cùng nằm trên phản với ba, hằng đêm tôi thường nghe ké những buổi phát thanh như thế trước khi chìm vào giấc ngủ.
Mấy ông trong xóm hay nghe đài, mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau dù phải ‘nhìn trước ngó sau’ vẫn nói về đài BBC, đài Hoa Kỳ, đài Pháp mấy hôm nay nói gì như sự hiểu biết, chờ đợi, hy vọng.
Đến năm 1994, gia đình tôi mua được ti vi trắng đen. Chương trình ba thích nhất là phần thời sự quốc tế của đài truyền hình Việt Nam. Ba vẫn nghe các chương trình phát thanh từ nước ngoài như một cách đối chiếu thông tin.
Cái ti vi đầu tiên bị hư, ba mua bằng ti vi màu. Hằng đêm ba nằm trên chỏng xem ti vi vừa nghe tiếng, thấy được cả hình. Các chương trình game show mới đầy hấp dẫn. Cái radio phương tiện nhìn ra thế giới không bị kiểm duyệt dần dần bị bỏ rơi.
Mấy ông trong xóm giờ ngồi lại với nhau không còn bàn về BBC, đài Hoa Kỳ, đài Pháp nói sao. Thay vào đó họ nói về trên ti vi có gì, chiếu phim nào. Cái tên Lại Văn Sâm chiếm sóng các nhiều chương trình giải trí ‘đinh’ được nhắc nhiều trong các lần giải mỏi buổi chiều, hoặc mỗi khi có dịp gặp nhau.
Việc nằm ngửa, gối cao xem ti vi đã chuyển hóa ba tôi trở thành như một cảm tình viên của Đảng cộng sản. Từ chỗ bảo vệ màu cờ tự do mà ông đã đổ máu trước năm 1975, ông lên án quá khứ trước đó.
Đã không ít lần ba và tôi tranh luận khá gay gắt về vấn đề này. Ba nói, "đảng, chính quyền làm tốt", tôi thì không cho là như vậy.
Những ‘đài tiếng nói Trump’
Tại ngôi nhà ở làng Khánh Lộc, xã Tam Thành, tỉnh Quảng Nam đường truyền internet chưa có, 4G chập chờn như ngọn đèn thờ trước bão. Ba tôi vẫn trung thành với các chương trình do đài nhà nước phát trên ti vi trong nhiều năm qua.
Nhiều người Việt cùng thời ba tôi giờ có cơ hội tiếp xúc với internet, mạng xã hội được cài đặt sẵn trên tivi, máy tính, điện thoại dễ dàng chọn lựa người nói hợp với mình.
Một ông chú ngoài 50 tuổi, sống ở Mỹ hơn 15 năm đã tự tin với tôi, "Con muốn nói chuyện chính trị khi nào đến nhà, chú phân tích cho mà nghe. Chú xem chính trị trên YouTube mỗi ngày".
Tôi vẫn chưa đến nhà chú, cũng không biết ông xem chương trình gì trên YouTube. Nhưng tôi biết khả năng ngôn ngữ khó cho phép ông hiểu được các chương trình tiếng Anh.
Nhiều người Việt ở Mỹ không quan tâm CNN, Fox News, The New York Times, NBC News… hay phần điểm tin của báo Người Việt nói gì.
Thay vào đó họ trông chờ vào các đài ủng hộ Donald Trump trên YouTube, Facebook. Đây là kênh tiếp nhận thông tin, liên hệ của họ với chính trị ở Mỹ.
Ba mẹ một người bạn tôi đến Mỹ hơn chục năm trước, khi tuổi không còn trẻ. Họ sống tại thành phố Tacoma, bang Washington. Ông làm nghề cắt tỉa sân vườn, bà làm nail. Từ chỗ không mấy quan tâm về chính trị, ông bà trở thành người nhiệt tình ủng hộ Donald Trump.
Lúc nấu ăn, trong bữa cơm ông bà luôn mở YouTube phát lên TV xem các nhân vật quen thuộc nói tiếng Việt, chứ không xem những kênh truyền thông đủ tin tưởng hơn. Ông bà thích xem các YouTuber, Facebooker này vì không đủ tiếng Anh để hiểu đài Mỹ.
Dễ dàng cảm nhận được nhiều YouTuber này nói bằng kiểu ngôn ngữ hơi chợ búa, có lúc miệt thị bên này, bên kia. Nói theo kiểu bênh vực, giành cảm tình, họ dùng lời lẽ bình dân, dễ hiểu. Cùng với cách thể hiện ngữ điệu hùng biện hơi hung hăng, quyết liệt, muốn đè bẹp người khác, từ sâu xa rất phù hợp với tâm tính của số đông người Việt.
Cha mẹ bạn tôi tin các YouTuber, Facebooker ủng hộ Tổng thống Donald Trump hơn sự phân tích đúng sai của con cái.
Họ đưa lý lẽ bảo vệ bằng việc ông tiến sĩ này, ca sĩ kia, doanh nhân nọ… là người hiểu biết đã ủng hộ ông Trump, thì dĩ nhiên họ không thể lầm.
Qua việc tiếp nhận thông tin từ những kênh YouTube, tài khoản Facebook nói và làm theo ông Trump, nên sau bầu cử ở Mỹ gần hai tháng, ông bà vẫn tin việc Trump thất bại do gian đối cướp đi chiến thắng.
Họ trao hy vọng thay đổi kết quả bầu cử theo từng vụ kiện, đến Tối cao Pháp viện, ngày đại cử tri bầu (14/12), chuẩn thuận của quốc hội vào 6/1 đến. Thậm chí hy vọng Trump thành công áp đặt thiết quân luật hủy bỏ kết quả để tiếp tục nắm quyền sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 như luật định.
Phải nói rằng đây cũng là hy vọng của rất nhiều khán giả Việt của các YouTuber, Facebooker ủng hộ Trump.
Một người quen khác đang sinh sống tại quận Cam, bang California. Từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến một năm trước, chính trị chưa bao giờ ‘phủ sóng’ đến chị. Nhưng chị trở thành người quan tâm đến chủ đề này, ủng hộ Trump nồng nhiệt thông qua đồng nghiệp làm nail.
Chị xem tôi như chưa hiểu gì, 5 – 6 tháng trước bầu cử, chị gởi cho tôi các kênh YouTube chị xem cùng lời nhắn, "Ánh xem đi để biết. Tổng thống Trump là người rất tốt, biết nghĩ cho dân, chống Trung Quốc".
Trong số nhiều người Việt ủng hộ Donald Trump có không ít những người ủng hộ ông thông qua các YouTuber, Facebooker đưa thông tin đề cao cho Tổng thống thứ 45 của Mỹ.
Cùng với đó, các "đài Trump" này không ngại tung tin bịa đặt, thuyết âm mưu, cáo buộc sai sự thật để hạ bệ Joe Biden mà không chịu bất cứ trách nhiệm gì.
Bị ‘tẩy não’ vì chọn xem đài không đáng tin
Không chỉ người Việt tại Mỹ, nhiều người bạn, người quen của tôi trong nước cũng tìm đến các kênh thông tin thân ông Trump.
Các YouTuber, Facebooker phát từ trong lòng nước Mỹ như cái passport củng cố thêm sự chứng thực, niềm tin cho người ở trong nước.
Không ít người Việt tại Việt Nam cũng có sự nghi ngờ, dùng ‘fact check’ bằng cách hỏi thăm người quen, bạn bè trên thực địa ở Mỹ để cũng cố niềm tin vốn cũng chỉ là khán giả của các đài ủng hộ Trump như họ.
Tôi đã giải thích cho không ít người trong nước khi được hỏi về chuyện nước Mỹ nhưng xem ra họ không mấy tin. Vì sau đó tôi thấy trên Facebook của họ vẫn đầy thông tin tiếp tục bảo vệ Trump bằng mọi giá và lên án cái ông cho là thổ tả, "Fake news".
Donald Trump đã rất thành công trong việc dùng sức mạnh của truyền thông để lôi kéo sự ngưỡng mộ, nói bất kể đúng sai, tốt xấu, nên hay không… Nhiều người Việt trở thành nạn nhân thông tin từ các YouTuber, Facebooker sống chết ủng hộ Trump.
Họ nói theo Trump để tăng lượt xem, thêm người theo dõi, trong khi người xem đến vì họ nói hợp khẩu vị. Nhiều người Việt bị kích động, bất chấp nguy hiểm của dịch bệnh, bị lôi kéo để góp tiền góp sức cho những trò lừa đảo, như lao vào canh bạc, cơn say ma tuý.
Truyền thông trong nước bị chính quyền kiểm soát đã đành, ở hải ngoại nhiều người Việt do hạn chế về ngôn ngữ đã bị áp đảo bởi các nguồn không đáng tin cậy cũng từ tiếng Việt.
Đáng tiếc, nhiều người vẫn đặt niềm tin vào các nguồn này như xây nhà trên cát.
Một mai họ nhận ra mình là nạn nhân của cuộc bịp bợm truyền thông thì kết quả sẽ ra sao ? Liệu những tin tức từ các cơ quan truyền thông có uy tín, nghiệp vụ, kinh nghiệm, trách nhiệm với thông tin có thể mang họ trở lại ?
Donald Trump đến rồi đi, nhưng hệ lụy của các đài ủng hộ Trump vẫn còn để lại trong người Việt như một thứ ma túy mà ảnh hưởng độc hại của nó sẽ còn kéo dài nhiều năm. Không ít người Việt chọn nghe các đài này đang ở trong cảnh tương tự như ba tôi, nghe đài của chính quyền Việt Nam dần dần bị định hướng theo ý đảng.
Võ Ngọc Ánh
(03/01/2021
Nữ ký giả kỳ cựu gốc Hoa Connie Chung vừa đưa lên đôi clip phim ngắn để vận động người gốc Á bỏ phiếu cho cựu Phó tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris hay cử tri nói chung. Thâm niên trong lãnh vực truyền thông, am hiểu chính trường và từng theo dõi, tường trình vấn đề từ Washington DC., bà bảo ông Binden là một người tử tế, thông minh và chân thật, thật sự quan tâm đến người Á Châu và người dân.
Nữ ký giả Connie Chung thời vàng son / CBS News - Ảnh minh họa
Đồng thời bà cũng gọi đích danh Tổng thống Donald Trump là người đã làm cộng đồng Á Châu phải trả một giá đắt cho sự kỳ thị tràn ngập lòng thù ghét, vì gián tiếp bị xem là nguyên nhân của dịch bệnh từ cách ông gọi tên nó, cũng như các chính sách đầy nguy hại mà ông gây ra cho người dân.
Quả thú vị khi gặp lại bà Connie Chung. Những ai thích theo dõi các chương trình bình luận chính trị, tin tức thế giới vào đầu thập niên 90 trước đây ắt vẫn còn nhớ đến bà. Connie là nữ ký giả truyền hình gốc Á đầu tiên đứng vào hàng những nhà bình luận nổi tiếng của các hệ thống truyền hình quốc gia như NBC, CBS, ABC, CNN... có những cuộc phỏng vấn khá sắc bén nhưng cũng gây nhiều tranh cãi cho công luận.
Bà từng làm chương trình chung với những tên tuổi truyền thông Hoa Kỳ, từ huyền thoại Walter Cronkite cho đến những cổ thụ truyền thông như Tom Brokaw, Dan Rather... sau này. Một kiểu Barbara Walter Châu Á của truyền thông Hoa Kỳ.
Rồi một tai nạn nghề nghiệp, hay đúng hơn một thái độ truyền thông bị xem là thiếu chuyên nghiệp mà sự nghiệp của bà Connie đã chấm dứt. Năm 1995, khi sự nghiệp cùng tên tuổi của bà đang tỏa sáng trên các hệ thống truyền hình quốc gia thì trong một cuộc phỏng vấn với bà Kathleen Gingrich - mẹ của dân biểu Newt Gingrich thuộc đảng Cộng hòa và là Chủ tịch Hạ Viện lúc bấy giờ. Bà Connie hỏi rằng "Con trai bà nghĩ gì về bà Hillary Clinton ?". Khi mẹ ông ta từ chối trả lời, Connie bảo, "hãy nói thầm tôi nghe, chỉ giữa tôi và bà". Nhưng khi bà Kathleen trả lời thì micro được phóng âm để khán giả nghe được mồn một câu trả lời. Đó là một câu nói đầy khiếm nhã, xúc phạm bà Hillary từ con trai của bà, tức Newt Gingrich.
Dù có thể tò mò muốn nghe câu trả lời nhưng thái độ và tình huống đặt bà Kathleen buộc miệng nói ra trước công luận một điều đầy tế nhị như vậy đã làm khán giả cùng giới truyền thông nổi giận. Cho dù họ không thích hay ủng hộ bà Hillary, cho dù họ thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ. Đơn giản là họ không chấp nhận một thái độ truyền thông bị xem thiếu chân thật và không chuyên nghiệp như vậy. Sự nghiệp truyền thông của bà Connie xem như chấm dứt từ sau đó. Dù có tham gia trở lại với vài đài truyền hình trong một vài năm sau nhưng bà đã bị mất đi sự theo dõi như xưa.
Nhắc lại Connie Chung nhân tình cờ xem các clip vận động bầu cử của bà và cũng để nhắc lại nền truyền thông của một thời mà sự chính trực, trung thực của nó được đặt lên hàng đầu. Nó được khán giả, độc giả ủng hộ với điều đúng đắn và phản đối nếu đi ngược lại các giá trị đó, không có đất cho những sai trái.
Tổng thống Donald Trump đã đảo lộn giá trị truyền thông này khi khoác lên nền truyền thông lâu đời của nước Mỹ cùng thế giới trở thành "kẻ thù của người dân", khi đưa những tường trình bất lợi đến ông ta bất kể các tường trình này dựa trên dữ liệu và chứng liệu thế nào. Ảnh minh họa
Khi Tổng thống Donald Trump đắc cử, ông đã đảo lộn giá trị truyền thông này bằng một loại truyền thông thời đại Trump. Bất kể lời nói nào, dẫu đúng sai của ông cũng được người ủng hộ tung hô và bảo vệ. Trump thành công khi khoác lên nền truyền thông lâu đời của nước Mỹ cùng thế giới bỗng trở thành những hệ thống "fake news" và "kẻ thù của người dân", một khi đưa những tường trình bất lợi đến ông ta cùng nội các, bất kể các tường trình này dựa trên dữ liệu và chứng liệu thế nào. Tấn công truyền thông, che giấu sự thật luôn là biện pháp đầu tiên của các thể chế độc tài.
Những kẻ làm truyền thông thời đại "Trump Era" này đã chụp ngay bài học và cơ hội này, cho dù họ ủng hộ Donald Trump có mục đích hay chỉ là thủ lợi tài chính. Những bài viết, mẩu tin, hình ảnh được cắt xén, sửa đổi, ngụy tạo. Những thuyết âm mưu bừa bãi, phi lý. Một số video của các youtuber gốc Việt lời lẽ dung tục, kém văn minh được đưa lên hàng ngày. Càng dối trá, càng phi lý, lại càng thu hút người nghe, người đọc. Và càng được tặng thưởng.
Khó lòng ngờ được có những trang tin hay kênh truyền hình mạng xã hội như vậy lại có hàng chục ngàn người theo dõi với đầy những những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật được diễn đạt bằng một loại ngôn từ hung bạo, kích động. Chúng tồn tại và phát triển mạnh bởi người xem chỉ cần điều họ muốn nghe, muốn đọc, bất kể nó là thế nào. Những mẩu tin hay hình ảnh bị các hãng truyền thông chính thống hay cá nhân khác kiểm chứng, vạch ra điểm bịa đặt, sai trái hay bị các mạng xã hội gắn nhãn là ngụy tạo, vẫn được họ tiếp tục nhắm mắt chia sẻ, lan truyền.
Không chỉ vậy, một số người quá khích còn tấn công vào những cơ quan truyền thông chỉ đóng vai trò truyền thông, đưa ra những thông tin, sự việc đang thật sự xảy ra như thế nào. Họ tấn công, xúc phạm các tác giả, vào tòa báo dưới mỗi bài viết, những phân tích có sự khác biệt trong nhìn nhận về chính sách cùng chính trường hiện nay. Họ tự tước đi cái quyền được tiếp nhận thông tin đa chiều, toàn diện để từ đó, tự mình nhận định hay kết luận.
Cho dù có đang nồng nhiệt ủng hộ ứng viên nào, khi để cảm xúc của mình bị chi phối bởi kẻ khác đang muốn dẫn dắt mình bằng thông tin sai lệch là một sự sỉ nhục vào trí tuệ của chính mình. Nhưng nếu vẫn tiếp tục thích thú, tặng thưởng cho một dạng truyền thông đầy tung hứng như vậy, thì những người này lẽ ra vẫn có thể bình tĩnh đọc thêm các thông tin, chứng liệu trên tinh thần báo chí và học thuật, khác với điều được nghe, được đọc và đã tin. Bởi điều này mang lại ích lợi cho chính họ trong vai trò những độc giả có hiểu biết, được thông tin đầy đủ từ một nền truyền thông đóng đúng vai trò thông tin và phản biện của nó trong thể chế dân chủ.
Hy vọng không chỉ cho một nền dân chủ cùng những giá trị của nước Mỹ sẽ được phục hồi, mà cả nền truyền thông thời đại Trump sẽ không còn đất sống để chỉ còn một nền truyền thông trách nhiệm, trung thực và tích cực như nó đã từng hiện diện từ lâu nay.
Nhã Duy
(06/10/2020
Chính quyền chỉ trích mạng xã hội ‘đưa thông tin xấu về Thủ Thiêm’ (VOA, 01/08/2019)
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7 lên án các trang mạng xã hội và một số nhà báo của Trung ương vì đã đưa thông tin xấu về vấn đề Thủ Thiêm, hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương.
Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu của ông Lê Văn Minh, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được đưa ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
"Hiện nay, hằng ngày, hằng giờ, một số trang mạng xã hội đưa thông tin không chính thống và xấu về vấn đề Thủ Thiêm", báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Văn Minh nói tại hội nghị.
Chính vì vậy, theo ông, các đơn vị "không nên né tránh hoặc đối đầu với báo chí. Thay vào đó, hãy gặp gỡ báo chí với tinh thần thiện chí cầu thị để trao đổi, cung cấp thông tin chính thống kịp thời", trích báo Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, ông Lê Văn Minh còn nêu lên tình trạng một số phóng viên báo chí thuộc các hội của Trung ương không có thẻ nhà báo mà chỉ có giấy giới thiệu của cơ quan đã "hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương", vẫn theo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 26/7, thông tin về việc lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh "vận động" Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giao đất để chính quyền làm đường ven sông đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến cho nhiều ý kiến trong công luận tỏ ra bất bình vì thái độ "tiền hậu bất nhất" và "nuốt lời hứa" của chính quyền. Hồi đầu năm nay, Bí thư Thành ủy tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo thành phố trong dịp đi thăm, chúc Tết Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hứa sẽ giữ lại hai cơ sở tôn giáo này.
Nói với VOA về động thái "vận động" của chính quyền, bà Trương Thị Yến, một trong số những người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà liên quan đến dự án Thủ Thiêm, nói bà không còn tin vào bất cứ lời hứa hay thông tin chính thức nào từ chính quyền sau khi đã bị bội tín hết lần này đến lần khác.
"Tôi tin Facebook. Tôi không tin nhà báo nữa. Tất cả nhà báo từ chính quyền đều nói sai hết. Những bình luận (từ) người dân chân thật cái gì cũng thật tình. Cái gì sai nói sai, trái nói trái.."., bà Yến nói với VOA.
Người phụ nữ đã có "thâm niên" đi khiếu kiện hơn 20 năm nói bà nghi ngờ chính quyền lại lấy đất của hai cơ sở tôn giáo trên để "phân lô bán nền, chứ không có đường ven sông nào hết !", như đã từng làm với Chùa Liên Trì trước đây.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 2/2/2019
Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xem là hai di sản văn hóa của khu vực vì là những công trình kiến trúc tôn giáo đầu tiên ở Thủ Thiêm, được xây dựng từ những năm 1840 và 1859.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến từ các nhà chuyên môn và phản đối ôn hòa từ các tu sĩ và người dân, chính quyền thành phố nhiều lần tìm cách ép buộc các tu sĩ phải di dời và bàn giao cơ sở tôn giáo của họ cho nhà nước.
Sau khi phá dỡ một trong ba khu nhà của Trường tiểu học Thủ Thiêm, vốn thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5 năm ngoái ra quyết định đấu giá 9 lô "đất vàng", trong đó bao gồm cả Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Quyết định này mới đây lại được chính quyền nhắc đến, sau một thời gian tạm lắng xuống vì những phản đối, khiếu nại mạnh mẽ từ người dân và công luận, dẫn đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải "vào cuộc" để làm rõ những sai phạm của thành phố trong việc thu hồi và giao đất liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông tin trên báo chí vào ngày 26/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lập bản đồ hiện trang vị trí 15 lô đất trong khu vực này để đưa ra đấu giá.
Lý do là để giúp cho ngân sách không bị thất thoát và thu hút nhà đầu tư, sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ nói rằng chính quyền thành phố đã có nhiều sai phạm và yêu cầu phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định.
Riêng với khu đất thuộc khuôn viên Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chính quyền sẽ "vận động" đại diện hai công trình tôn giáo này để họ bàn giao đất cho thành phố thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bắt đầu được triển khai quy hoạch từ năm 1996, đã đẩy hàng trăm gia đình rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" suốt hơn 20 năm qua, sau khi chính quyền cưỡng chế giải tỏa nhà cửa của họ.
********************
Nhà báo độc lập phản bác chỉ trích của chương trình 'Đối diện' trên VTV (VOA, 01/08/2019)
Các nhà báo độc lập đã phản bác những chỉ trích của chương trình Đối diện trên kênh truyền hình quốc gia VTV hôm 31/7, nói về "các thế lực chống phá" giữa lúc các cơ quan chính phủ Việt Nam đang mạnh tay với truyền thông xã hội.
Trang Facebook của nhà báo độc lập Bùi Thanh Hiếu được VTV nêu trong chương trình Đối diện : Mặt trái của mạng xã hội ngày 31/7/2019. Chụp từ màn hình của VTV.
Chương trình Đối diện số đầu tiên của Đài truyền hình Trung ương VTV phát ngày 31/7/2019 với chủ đề "Mặt trái của truyền thông xã hội", tổng hợp các nội dung nhằm "lật tẩy" những ý đồ "kích động", "gây rối xã hội", "chống phá Nhà nước".
Từ Berlin, Đức, nhà báo độc lập Bùi Thanh Hiếu, còn được gọi là Blogger Người Buôn gió, nêu nhận định của ông với VOA về chương trình "Đối diện" số đầu tiên :
"Nhà cầm quyền Việt Nam cho mở chương trình này với lý do là trước đây họ gặp sự phản đối của cộng đồng người Việt nước ngoài, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ tự do ngôn luận đã lên án Việt Nam gây áp lực với Facebook, kêu gọi Facebook không hợp tác với sự kiểm duyệt của Việt Nam.
"Tiếp đến, Việt Nam cũng muốn mở một mạng xã hội khác để thay thế Facebook, nhưng họ chưa thành công. Trong khi có những bất lợi như thế thì họ tạo ra chương trình này để tạm thời đối phó với dư luận trên mạng xã hội (mạng xã hội)".
Trang mạng xã hội của Đài Á châu Tự do được VTV nêu trong chương trình 'Đối diện', ngày 31/7/2019.
Hôm 31/7, ông Bùi Thanh Hiếu viết trên Facebook : "Tên của chương trình này (Đối diện) cho thấy, chế độ cộng sản Việt Nam trước mắt không cấm được Facebook hoạt động tại Việt Nam, đành phải chọn phương án sử dụng truyền hình trung ương, nhà báo, quan chức, tướng lĩnh để đối chọi lại".
Ngoài việc "điểm mặt" trang Facebook cá nhân của ông Bùi Thanh Hiếu, VTV còn nêu các trang khác cũng có nội dung "chống phá" như các Facebook của nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, hay nhà báo độc lập Đường Văn Thái ở Thái Lan, blogger Nguyễn Thúy Hạnh…và cả trang VOA và RFA của Hoa Kỳ.
Trang Facebook của nhà báo độc lập Đường Văn Thái.
Ông Đường Văn Thái, cựu phóng viên của một tờ báo nhà nước đang tị nạn ở Bangkok, chia sẻ :
"Chương trình kéo dài 45 phút hôm 31/7 đã nêu tên của tôi, anh Phạm Chí Dũng, anh Bùi Thanh Hiếu cùng một số nhà hoạt động khác, trong đó họ vu khống trắng trợn".
Trang Facebook của nhà báo Lê Trung Khoa. Chụp từ màn hình của VTV.
Ông Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de, nói với VOA :
"Cả một kênh rất lớn là VTV1, lại phát vào giờ vàng trong một chương trình kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ về "Mặt trái của mạng xã hội" là một điều hay ! Bởi vì khi nhà nước không cấm được mạng xã hội thì buộc họ phải đối diện với mạng xã hội, chung sống với mạng xã hội.
"Tôi rất hoan nghênh những phản biện của họ, vì như vậy chúng tôi có điều kiện để nghe những nhận định của chính quyền, các cơ quan truyền thông của Việt Nam, để đi đến chân lý cuối cùng là phản ánh đúng sự thật".
Ông Khoa, người từng phổ biến những thông tin liên quan đến cáo buộc Hà Nội dùng mật vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin như truyền thông Đức phản ánh, và những nghi ngờ về chất lượng xe ôtô Vinfast, nói về những lý do khiến trang cá nhân của ông được nhiều người theo dõi và là vì sao chính quyền Việt Nam không hài lòng với trang này.
"Người dân trong nước không ngoại ngữ (tiếng Đức) và bị ngăn chặn tiếp cận đến những thông tin nêu lên sự thật, cho nên những thông tin chúng tôi đưa ra rất khác với những điều mà truyền thông trong nước đề cập, vì vậy trang của tôi có đông người xem.
"Cũng chính vì thế mà truyền thông nhà nước, có sự chỉ đạo của Đảng, họ không ưa điều này. Do đó, họ đưa ra chương trình này nhằm phản bác những thông tin chúng tôi nêu".
Ông Đường Văn Thái nói :
"Hiện giờ ở Việt Nam, các tờ báo chính thống đã bị lép vế so với mạng xã hội. Tôi rất bức xúc khi có những thông tin chúng tôi đưa ra có chứng cứ, phản ánh sự thật mà họ cho rằng mình đưa tin không đúng, sai lệch".
Ông Nguyễn Văn Giang. Chụp từ màn hình của VTV.
Trong chương trình Mặt trái của mạng xã hội, đài VTV1 dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh Mạng và Phòng, chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công An, nói :
"Các thông tin bịa đặt do các đối tượng đưa ra vào các thời điểm nhạy cảm như trước thềm đại hội Đảng các cấp, quá trình xử lý các vụ án tham nhũng… nhằm tăng hiệu ứng tâm lý đối với dư luận, họ bình luận các nội dung sai sự thật, bội nhọ hình ảnh, hạ uy tín lãnh đạo".
VTV nói rằng Đối diện là một chương trình chính luận, "có tính chiến đấu cao", "đề cập một cách tổng quan, toàn diện về các điểm nóng của xã hội", nhưng các nhà báo độc lập nói với VOA rằng chương trình này với số đầu tiên công kích mạng xã hội chỉ giúp công chúng trong nước càng thêm háo hức để đến với trang mạng cá nhân của họ.
Ông Bùi Thanh Hiếu nói :
"Tôi nghĩ họ chỉ đối phó tạm thời thôi. Khi mà họ đưa lên truyền hình trung ương như thế này thì cũng bất lợi cho họ, vì dân tình lại càng thắc mắc, họ tự hỏi rằng những người bị chương trình lên án đã viết những gì và họ lại càng vào tìm đọc, từ đó thành ra thông tin đa chiều, chứ chương trình này cũng không hoàn toàn bất lợi cho chúng tôi".
Nghe tin Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được cử làm quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông tôi nghĩ ông ắt phải khá hơn người tiền nhiệm Trương Minh Tuấn. Tôi từng xem vài video trong đó Tướng Hùng có những phát biểu khá ấn tượng. Trong lần phát biểu ở một sự kiện của Vingroup khi còn là tổng giám đốc Viettel, ông đã nói về tầm quan trọng của sự khác biệt : "Nếu mình không tìm ra được một cách tiếp cận khác biệt thì cương quyết không làm." Trong một video khác trên Facebook ông lại nói về chuyện Viettel có nhiều người giỏi vì tập đoàn hay làm những cái mới và khó nên ai dốt sẽ không thể làm được.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng. (Photo CAND)
Ngay sau khi về Bộ Thông tin Truyền thông, ông Hùng lập tức nói ông chỉ muốn thấy 10% tin xấu trên báo chí. Về lý thuyết mà nói, bộ của ông Hùng và những người phụ trách văn hoá tư tưởng của Đảng quản lý tất tần tật các cơ quan truyền thông nên ông muốn gì mà chẳng được. Nhưng nếu ta coi truyền thông như tấm gương phản chiếu xã hội thì chuyện hạn chế tin xấu chẳng khác nào muốn có một tấm gương thủng. Đa số người dân và lãnh đạo nhìn vào đó sẽ chỉ thấy phần nào hiện trạng xã hội. Tôi nói đa số chứ không phải tất cả vì nhiều lãnh đạo còn có các nguồn tin tham khảo khác, đôi khi được coi như tài liệu không phổ biến rộng rãi. Và nhiều người dân giờ cũng đã đủ thông minh để đa dạng hoá nguồn thông tin thay vì chỉ xem VTV và đọc các báo trong nước. Thực tế người ta đã nghe BBC, VOA… từ lâu nhưng giờ lại có thể đọc tin của các hãng quốc tế trên internet và mạng xã hội.
Nói lý thuyết có thể trừu tượng nên xin dẫn hai ví dụ về hai tin xảy ra trong tuần này để Tướng Hùng dễ hiểu. Tối 15/8 ca sỹ Nguyễn Tín cùng bạn bè hát phục vụ vài chục người trong một quán cà phê ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh như khán giảNguyễn Lân Thắng đã tường thuật trực tiếp. Một sự kiện văn hoá được những người yêu nghệ thuật trong đó có cả em nhỏ và người có tuổi tham dự cuối cùng đã bị phá hỏng. Đông đảo nhân viên an ninh và công an tới yêu cầu mọi người ra về một cách vô văn hoá sau khi đòi kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và thậm chí đã hành hung ba người trong đó có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, ca sỹ Nguyễn Tín và nhà tổ chức Nguyễn Đại, theo lời kể lại của hai Facebooker Lê Bảo Nhi và Võ Hồng Ly. Chắc hẳn đây là tin vô cùng xấu vì không thấy báo nào trong nước đưa tin. Nhưng nó lại có trên Facebook và trên các trang tin nước ngoài như RFA mà ca sỹ Nguyễn Tín dẫn lại với lời bình "đêm kinh hoàng". Đây là biểu hiện của sự lạm quyền của ngành công an mà đỉnh điểm của nó là vụ một loạt tướng công an bị xử lý gần đây. Nó cũng cho thấy xu hướng dùng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Nhưng chiếc gương truyền thông đã thủng lỗ chỗ từ trước khi Tướng Hùng về Bộ 4T tịnh không thấy đưa tin và chẳng có lý do gì để ông khoan thêm vài lỗ nữa.
Ví dụ thứ hai sẽ cho thấy không những gương truyền thông đã thủng mà có chỗ nó còn làm cho bộ mặt xã hội biến dạng, trông vậy mà chẳng phải vậy. Đó là vụ ông Lê Đình Lượng bị toà án ở thành phố Vinh tuyên án tới 20 năm tù giam vì "tội" lật đổ. Truyền thông trong nước nói là xử công khai, nhưng đâu phải ai muốn tới dự là được. Trên mạng xã hội đã có những cáo buộc về chuyện một số người tới dự bị bịt mặt đưa đi và bị đánh đập. Theo lời thuật lại của Luật sư Đặng Đình Mạnh, hai nhân chứng chống lại ông Lượng đều đã phản cung vì cho rằng bị ép cung và cũng không thể có mặt tại toà với lý do sức khoẻ. Và trong khi Viện Kiểm sát chỉ đề nghị tối đa là 18 năm tù giam, hội đồng xét xử đã kết án tới 20 năm. Phải chăng đây là một phần đòn trả thù cho việc ông Lê Đình Lượng là một trong những bị cáo quan trọng đầu tiên giữ quyền im lặng mà luật pháp Việt Nam đã công nhận ? Nếu chỉ theo dõi truyền thông trong nước không thôi người ta sẽ có cách hiểu khác về sự nghiêm minh của công lý ở Việt Nam mà nhiều người nói thực ra "chỉ là một vở hài kịch".
Tôi không kỳ vọng Tướng Hùng sẽ làm được gì nhiều để truyền thông Việt Nam trung thực hơn và có tính cạnh tranh hơn với truyền thông thế giới. Nhưng chính ông đã nói phải tìm sự khác biệt và phải làm cái gì mới. Chỉ mong ông thêm hai chữ ‘tử tế’ vào hai điều ông nói.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 17/08/2018