Hôm qua đã vào tiết "Lập Đông", nắng Thu đã nhạt trên những hàng phong trơ xương lá, cái lạnh đã len qua áo khoác vào tận trong ngực. Tôi đi bộ qua cánh đồng bí đỏ. Cánh đồng đẫm sương, xơ xác vài quả bí còn sót lại, lăn lóc cô đơn lẫn trong đám lá nâu xậm dưới sương lạnh cuối thu. Cả khu vườn đang rã mục.
Người Anh gọi Bù Nhìn là : Straw man (người Rơm), là Fake (Giả) là Puppet (người Múa rối) vì bề ngoài giống chứ bên trong không phải thật.
Tôi co ro, cho hai tay vào túi áo, đi rảo bước cho người ấm lên, qua khúc rẽ, cánh đồng như rộng hẳn lên, Những trái bí bỏ lại nhiều hơn và đặc biệt nhiều "Người Rơm" hơn.
Ở Việt Nam gọi "Người Rơm" là Bù Nhìn. Nếu về một làng quê vào những ngày gieo mạ, hay bắt đầu rắc hạt giống trên những cánh đồng người ta hay đặt Bù Nhìn, để dọa chim chóc tới ăn hạt mầm vừa gieo xuống. Người Bù Nhìn này chỉ là hai cái gậy tre, cái dài làm thân, cái ngắn là hai tay dang ra, rồi đóng xuống đất, trên nóc chiếc gậy dài, được đội một chiếc nón rách, đeo thêm hai cái lon sắt vào hai cánh tay, để có thể phát ra tiếng động khi gió tới, thế là xong một anh "Bù Nhìn". Chim chóc cứ tưởng đó là một con người, không dám xà xuống ăn hạt mầm.
Ở nước Mỹ, nơi tôi sinh sống, người ta gọi người giả canh vườn này là Scare Crow. Tức là người dọa chim chóc vào vườn. Những anh Scare Crow này được bện bằng rơm và mặc những chiếc áo may bằng vải bố hoặc được mặc bộ quần áo cũ rách của một nhà nông (Farmer). Đôi khi có quần jean, có nón đội, có sơ mi cũ của chủ nhân ngôi vườn mặc cho, họ còn vẽ, hoặc gắn ngũ cốc lên mặt làm mắt mũi, nên trông rất dễ thương.
Những người Rơm trên cánh đồng bí đỏ tôi đang đi ngang qua thì đang xiêu vẹo đổ xuống vì đã hết mùa gặt hái. Người thì mất tay, người thì mất đầu, quần áo tơi tả, người thì nằm sõng soài trên mặt đất mục nát. Họ thật sự là Rơm, không có cái tên nào khác, khi thời tiết thay đổi thì họ sẽ rơi xuống những cánh đồng này.
Người Anh gọi Bù Nhìn là : Straw man (người Rơm), là Fake (Giả) là Puppet (người Múa rối) vì bề ngoài giống chứ bên trong không phải thật.
Cả 3 định nghĩa này cũng được thường dùng cho các tổ chức, chính phủ, con người, có hình thức bên ngoài như thật nhưng bên trong không thật.
Tôi đi qua cánh đồng bí đỏ cuối mùa thu nghĩ tới 39 người Việt Nam, nằm chồng chất cong queo chết trong cái thùng sắt ở bên nước Anh.
Những con người bằng xương, bằng thịt, được mẹ cha sinh ra, có gia đình có quê hương, có ngôn ngữ, bỗng một sáng một chiều, bước chân sang một phần đất khác chấp nhận cho người lạ lấy hết tất cả, xóa sổ đời mình, trở thành "Sống vô gia cư, chết vô địa táng".
Những người đã chấp nhận sống không quốc tịch, chết không được chôn, gửi đời mình vào cuộc xổ số tử sinh. Người Anh gọi những người đó là "Người Rơm" để phân biệt với "Người Thật" có quốc tịch, có ngày sinh tháng đẻ.
Ngoài những nạn nhân chúng ta mới biết đây, bao nhiêu người Rơm Việt Nam khác, chết trong những cánh rừng Âu Châu không được biết đến, vì họ không còn bất cứ một hình ảnh, giấy tờ nào chứng minh về xuất xứ của mình. Họ không được trở về dù trong những chiếc hòm sắt đông lạnh.
Những cọng Rơm đáng thương đó có sinh quán, có xuất xứ chứ, nhưng các hộ chiếu, hình ảnh bị vứt ngay khi bước chân ra khỏi Việt Nam.
Giống như những người Bù Nhìn trên ruộng lúa Việt Nam, mục nát ngay dưới chân mình.
Sáng nay ngày 8 tháng 11 năm 2019, nước Anh đã đưa ra danh sách 39 Người Rơm chết đông lạnh trong hòm sắt. Người lớn tuổi nhất 44 và nhỏ nhất là một thiếu niên mới 15 tuổi.
Cái chết của những con người làm bằng những cọng rơm làm cả thế giới rùng mình.
Nước Việt Nam của tôi luôn luôn làm thế giới rùng mình vì những điều vượt qua trí tưởng tượng của lương tâm, đạo đức bình thường.
Trần Mộng Tú
Nguồn : VOA, 11/11/2019
Những tháng cuối năm của Seattle rất nhiều mưa. Thỉnh thoảng mới có một ngày nắng ấm. Nhìn mưa nhớ ra những người bạn ở xa sắp tới chơi nguyên cả tuần, gặp mưa như thế này sẽ ngại và chán lắm.
Một ví dụ cải tiến của ông Bùi Hiền. (Hình : M.Q. / trích từ website báo Thanh Niên)
Tôi phải có sẵn mấy câu thơ để hối lộ. Chắc là sẽ vừa ôm vai vừa đọc ngay cho bạn khi ra đón ở phi trường.
Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc
Anh có về gọi nắng đến cho em
Anh có về mang theo chút tình riêng
Em sưởi ấm trong những ngày mưa bụi.
(Gọi Nắng-Trần Mộng Thu)
Hy vọng những người bạn yêu thơ được dúi cho vào tay mảnh giấy có mấy câu thơ này chắc sẽ bao dung với đất trời.
Tôi ngồi vào bàn viết, mở máy tính ra gõ xuống câu thơ. Cái máy tính mới được "đổi mới" mấy hôm trước để dùng cho những thảo chương quá cũ cần thay đổi hay bỏ đi. Mấy câu thơ hiện ra trên cái màn ảnh nhỏ :
Nắq ở đây hiếm hoi n’ư hạn’ fúc
An’ có về gọi náq đến co em
An’ có về maq weo n’út tìn’ riêq
Em sưởi ấm troq n’ữq qày mưa bụi
Tôi dụi mắt đọc lại. Đọc mãi vẫn không hiểu mình đang đọc một câu thần chú gì.
Hình như tiếng Việt trong máy của tôi đã bị một mụ phù thủy phá phách. Cái mụ mặc áo choàng đen đội một cái mũ nhọn, nét mặt rất ác và có cái mũi khoằm, cưỡi trên một cái chổi bay ngang mái nhà thường xuất hiện vào ngày Halloween để dọa trẻ con.
Tôi hốt hoảng vào ngay Google tìm bài thơVang Vang Trời Vào Xuân của Thanh Tâm Tuyền.
Mặt cời hồq n’ư chăq
Wức lòq ta buổi sớm
Zó núi wổi rộn ràq
Gọi qe biển đậy sóq
Đọc hai ba lần cũng không tìm ra được câu thơ nguyên tác ngày cũ.
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng
(Thanh Tâm Tuyền)
Bài Thơ này là bài Thơ tôi quý nhất trong những bài Thơ sau 1975 của Thanh Tâm Tuyền.
Hay là tôi đi tìm thi sĩ Mai Thảo. Thi sĩ này đã đem hình mình đặt trong tận "miếu đền" chắc mụ phù thủy áo đen đó không dám rỡn mặt.
Tôi trích một đoạn trong bài thơ dài của ông :
Ta wấy hìn’ ta n’ữq miếu dền
Tượq thờ qìn bệ n’ữq côq viên
Sao xôq xói với hươq sùq ki’n’
Đều qát wơm từ huyệt lãq kuên
Đọc đi đọc lại bốn câu trên, tôi thấy thương thi sĩ quá, chắc khi nào xuống California tôi sẽ ghé qua nghĩa trang tạ tội cùng thi sĩ vì không đuổi được mụ phù thủy áo đen để mụ bay cả vào đền thi sĩ có hình trong đó. Tôi sẽ đọc lại câu thơ nguyên thủy trước mộ ông :
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
(Mai Thảo)
Tôi viết thư cho các bạn, lục lọi những trang báo trên mạng thì mới biết là tiếng Việt "Tiếng Nước Tôi" đang bị một ông Tiến sĩ muốn đổi mới.
À hóa ra không phải là một mụ phù thủy như tôi tưởng. Đây là một ông Tiến sĩ thật (không phải tiến sĩ giấy) Phó giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, ông in thành sách đoàng hoàng và bài đã được đưa vào giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo về ngôn ngữ học tháng 9/2017, do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Đại học Quy Nhơn tổ chức.
Tôi tò mò tự hỏi : "Trong nước có bao nhiêu người hưởng ứng việc thay đổi cách viết mới này". Báo Tuổi Trẻ trong nước, đăng bài của ông lên và kêu gọi ý kiến của độc giả. Chưa bao giờ có một con số góp ý nhiều như thế : 535 lời bình.
Tôi đọc thử một vài lời mà không nhịn được cười : Xin trích ra đây vài câu đọc cho vui mùa Xuân :
- Giờ mới hiểu tại sao chúng ta cần thêm 9000 tiến sĩ
- Ông này muốn ghi danh vào lịch sử đây
- Thần Kinh
- Cái này em thấy nó giống ngôn ngữ của tuổi teen trao đổi với nhau, thí dụ như o thik (không thích), wá đc (quá được) v.v... Nếu "thứ tiêq Việt" này được dùng, "ông Google" cũng chẳng thể dịch nổi loại "chữ" này.
- Mất thời giờ, vô ích.
- Ngoài ra toàn bộ dữ liệu về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện tại (từ khi có chữ quốc ngữ) sẽ trở thành đồ bỏ đi do các thế hệ sau khi sửa đổi ngôn ngữ sẽ không ai khai thác được, nhiều công trình sẽ phải đục phá, sửa chữa, kinh phí thay đổi sẽ khổng lồ, quan hệ ngoại giao với các nước bị đình trệ.
- Ngày nay các nhà ngôn ngữ cấp tiến tại Trung Quốc cũng đã thừa nhận rằng việc dùng chữ giản thể đã khiến cho nhiều thế hệ cắt đứt với quá khứ, với văn hóa - lịch sử…
- Ông Tiến sĩ này có định xóa Lịch Sử Việt để dần dần đồng hóa với Tầu không đấy (Một ý kiến của độc giả trên mạng).
Thay đổi cách viết tiếng Việt theo như đề xuất của cá nhân ông Bùi Hiền sẽ đe dọa, gây nguy cơ xáo trộn và đứt gãy tổng thể... trong các hoạt động của đất nước và của dân chúng.
Giả dụ cải tiến của Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hiền thành hiện thực, không những Hiến pháp phải in lại, mà ngay cả đồng tiền, đơn xin việc, giấy kết hôn, thẻ căn cước, tên người, các danh từ riêng... đều phải sửa và in lại. (Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân)
Ở trong nước hiện nay số người có bằng Tiến sĩ rất cao và con số này mỗi năm một tăng. Tiến sĩ nhiều quá nên chắc các ngài phải nghĩ ra một điều gì rất lạ để đánh bóng học vị của mình và tìm đường vào văn học sử, hay chính những vị Tiến sĩ này muốn cho những thế hệ sau không còn đọc được Lịch Sử Việt Nam. Đi xa hơn nữa, nếu chẳng may ‘Dự án điên rồ" này được chấp thuận, một ngân quỹ tiền tỉ sẽ được đề nghị chi ra cho việc in lại sách. Bao nhiêu sách cũ được in lại trung thực ? Bao nhiêu tiền sẽ chi tiêu cho việc in sách và bao nhiêu tiền sẽ bốc hơi bay vào túi các ngài ? Chỉ có Trời biết.
Cuốn sách đã được in ra : Ngôn Ngữ ở Việt Nam- Hội Nhập và Phát Triển (tập 1) Sách dày 2,200 trang do Nhà xuất bản Dân Trí phát hành.
Tiến sĩ cũng cho chúng ta một bảng hướng dẫn để chúng ta đọc một chương dưới đây xem có hiểu gì không ?
Sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z.
Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể : C = Ch, Tr ; D = Đ ; G = G, Gh ; F = Ph ; K = C, Q, K ; Q = Ng, Ngh ; R = R ; S = S ; X = Kh ; W =Th ; Z = d, gi, r.
Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế nên trong bản trên tạm thời dùng kí tự ghép N' để biểu đạt.
Thử đọc một bài viết bằng ngôn ngữ mới xem "Hàn Lâm" đến thế nào ?
Tôi là người làm Thơ, tôi thật bối rối vô cùng. Nếu dùng loại ngôn ngữ "phù thủy" này chắc là trái tim tôi không cách nào theo kịp. Tôi nhớ lại cách đây hơn 20 năm, hồi tôi chưa dùng máy vi tính. Tôi viết tay một bài Thơ gửi đi, thư ký tòa báo sẽ đánh lại bỏ in.
Khi báo ra, câu Thơ của tôi chỉ sai một "dấu" đọc đã khác nghĩa rồi.
Câu thơ là : Trái tim tôi bi thương. Chữ "bi" in ra có dấu nặng thành "bị thương" Tôi mất ngủ ba đêm và thấy mình "bị thương" thật.
Bây giờ bắt tôi phải làm thơ với ngôn ngữ đổi mới này, chắc tôi phải thay nguyên tim, óc, mới và cả hai bàn tay mới. Tôi chắc ông Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền này không đọc thơ bao giờ và chắc chắn không làm thơ rồi. Nếu có, ông đã chẳng nỡ đối xử với chữ nghĩa tiếng Việt như thế.
Trần Mộng Tú
Nguồn : VOA, 28/11/2017
Thư gửi các bạn thời trẻ dại
(Trường Tiểu Học Thạnh Mỹ Tây II-Thị Nghè)
Một hình ảnh trong The Vietnam War.
Các bạn rất cũ. Lâu quá không gửi thư cho nhau, có lẽ cũng do chúng mình ở xa nhau quá, tuổi mỗi ngày một nặng thêm nên lười, rồi lúc nhớ lúc quên, cứ nói sẽ viết, tiếp theo là sẽ quên. Hôm nay bỗng nhớ đến các bạn, và thấy cần phải viết để chia sẻ với các bạn một điều mà chúng ta đã và vẫn chia chung. Cả hai tuần nay từ lúc bắt đầu chiếu phim về Chiến Tranh Việt Nam trên truyền hình, tôi nhận được rất nhiều bài viết, nhiều phản ứng về bộ phim này.
Đi ra từ chiến tranh, sống trong chiến tranh, rồi lại chạy ra khỏi chiến tranh
Chúng mình là bạn từ thời Tiểu Học 1954, theo cha mẹ chạy Cộng Sản vào Nam. Đi ra từ chiến tranh, sống trong chiến tranh, rồi lại chạy ra khỏi chiến tranh. Chặng đường hơn 20 năm thật quá dài, nhưng khi đã hết chiến tranh (ít nhất là với chúng mình), sống rải rác trên địa cầu hơn 40 năm thanh bình, vẫn chưa thoát ra khỏi hai chữ "chiến tranh".
Đọc những bài viết nhận định về bộ phim 10 kỳ liên tiếp này. Nhiều người phân tích rành rọt về Cộng Sản, về Quốc Gia, về Đồng Minh Mỹ rất chi tiết, rất tỉ mỉ. Dù phân tích đó rất nông cạn hay rất thuyết phục, nhưng cuối cùng còn lại hai chữ "Chiến Tranh", dù nhìn bằng góc cạnh nào chăng nữa cũng vẫn đau lòng.
Những con số người chết cho cuộc chiến này, con số trận đánh hai bên, con số những trận bom rải thảm. Con số người chết trong "Trại Cải Tạo", chết "Vượt Biên Giới", chết "Vượt Biển" và Đồng Minh chết cho đất nước bạn. Có cố nói thế nào, biện minh ra sao, thì cái phần đau đớn hậu quả đó không lấy bất cứ "lý lẽ" gì mà cứu vãn được. Chỉ có thể kết luận là "rùng mình" :
Cái hậu chiến tranh giống như khói hun vào phổi chúng ta, không thể nào lấy ra được. Chúng ta sống với buồng phổi đó cho đến lúc chết .
Chiến tranh Nam - Bắc Việt Nam dù được suy diễn cách nào, dù đặt tên cuộc chiến là gì ta cũng thấy rõ ràng là "Huynh Đệ Tương Tàn". Những người lính sau một trận chiến, chết nằm úp mặt, lật lên máu đỏ da vàng, nếu còn thoi thóp sẽ nói cùng ngôn ngữ với ta. Cộng Sản hay Quốc Gia lúc đó chỉ còn trơ ra một hình hài "Việt Nam" khốn khổ. Ta chỉ còn biết thốt lên :
"Trời ơi những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai ?"
Tô Thùy Yên
Từ lúc nào chúng ta đã khóc cho chiến tranh và chúng ta sẽ lại phải khóc vì chiến tranh vào lúc nào nữa, trong khi thế giới càng ngày càng hoảng loạn, căng thẳng. Có thể chúng ta không còn cơ hội khóc nữa vì chúng ta đã quá già nua và sắp ra khỏi đời sống, nhưng con, cháu, chắt chúng ta liệu có bình yên mãi được không ?
Những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam
Tôi nhớ lại một bài Thơ khóc con của Rudyard Kipling, nhà văn, nhà Thơ người Anh nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết cho trẻ em, The Jungle Book (1894), con trai ông, Thiếu úy John Kipling của quân đội Anh đã tử trận trong Trận Loos, ở vùng Artois của Pháp trong Đệ I Thế Chiến và không tìm thấy xác. Ông không khóc riêng cho con trai mình, mà cho tất cả những người con đã hy sinh trong Đệ I Thế chiến (*) :
That flesh we had nursed from the first in all cleanness was given…
To be blanched or gay-painted by fumes – to be cindered by fires –
To be senselessly tossed and retossed in stale mutilation
From crater to crater. For this we shall take expiation.
But who shall return us our children ?
--------------------
Da thịt con tinh khiết
Cha mẹ nuôi ấu thơ
Khói đã nhuộm xám đen
Bom đốt thành tro bụi
Xác con ném qua lại
Trên những hố những hầm
Xác con đã nổ tung
Chúng ta sẽ đền bù
Những điều đã xẩy ra
Nhưng ai sẽ trả lại
Con thân yêu cho ta
(Trần Mộng Tú dịch)
Người chồng chết, người vợ trẻ còn đàn con nhỏ để tìm niềm an ủi trong vất vả hy sinh. Người con chết, cha mẹ không tìm ra điều gì thay thế vào được.
Có người nói "Bộ phim Vietnam War chỉ cốt chống chế cho thể diện của Mỹ hơn là sự trung thực cho cuộc chiến".
Người con chết, cha mẹ không tìm ra điều gì thay thế vào được
Hãy đọc một bài Thơ về sự trung thực trong cuộc chiến này của Kyle Schlicher (USMC 5/15/1968), một người lính trong quân đội Đồng Minh Mỹ.
They Didn't Know
he lay there
under the sun
dried blood on his lips.
the heat was oppressive.
his clothes were dusty,
dark blotches on them.
i could see the ants
moving,
entering him
and
exiting him.
how i hate this place!
how i hate the people
who are responsible
for all this unbelievable madness.
how i hate myself
for volunteering to be here!
i watched the ants crawling
over the body.
i wanted to hate them too!
but
they didn't know
and
the hating
had to stop somewhere.
Chúng Chẳng Biết Gì Đâu
chàng nằm đó
dưới mặt trời
máu khô trên môi
sức nóng nung người
quần áo chàng bẩn thỉu
bầm đen từng mảng
tôi thấy những con kiến
chuyển động
chúng vào trong chàng
rồi
ra khỏi chàng
sao tôi ghét nơi này thế
sao tôi ghét mấy người này thế
mấy người có trách nhiệm
cho những điên cuồng không tưởng
sao tôi ghét cả chính tôi thế
sao lại tự nguyện tới đây
tôi nhìn những con kiến bò
qua lại trên xác chàng
tôi muốn ghét luôn chúng nữa
nhưng
chúng chẳng biết gì đâu
và
cái sự ghét này
phải chấm dứt ở một nơi nào đó.
Hai đoạn của hai bài thơ tiếp theo, của người lính miền Nam và một của người miền Bắc.
Hình như cây súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không ?
Trước mặt con: những ngọn đồi cát máu
Đêm thì thầm cùng những nấm xương
Ôi, trái tim con mãi tôn thờ Má
Đã dạy con hai tiếng yêu thương.
Nguyễn Dương Quang
(Đêm cuối năm viết cho Má)
Buổi chiều sau chiến tranh
Ngày trở về
anh đi lệch một bên
Một ống quần
phất phơ trong gió...
Bà mẹ nghèo lẩy bẩy
Ra ngõ đón con
Con dìu mẹ, mẹ dìu con
Hai dấu chấm khép chiều nắng lửa...!
Trần Sĩ Tuấn
Các bạn của tôi ơi ! Ngày 23 tháng 10 này tôi sẽ nhận lời mời của Thư Viện Seattle đến nghe bà Lynn Novick nói về công việc làm một cuốn phim về chiến tranh thế nào. Tôi sẽ đọc một bài thơ về cảm nghĩ của mình khi xem phim về chiến tranh (Theo yêu cầu của Thư Viện).
Tôi sẽ không dự buổi bình luận về cuộc chiến trong phim, đó không thuộc khả năng hiểu biết của tôi, vì ngay cả Ken Burns và Lynn Novick những người hàng đầu về làm phim chiến tranh đều thừa nhận "Cuộc chiến Việt Nam" là chủ đề khó khăn và phức tạp nhất mà họ từng thực hiện khi có quá nhiều luồng quan điểm, quá nhiều cách nhìn nhận từ các đối tượng khác nhau. Khi được hỏi vì sao lựa chiến tranh Việt Nam, mở lại những hồi ức đau thương và tranh luận cay đắng không có hồi kết, hai đạo diễn cho rằng "Việt Nam" vẫn là công việc còn dang dở của nước Mỹ. Không có ai thực sự hiểu cuộc chiến đã xảy ra thế nào và những người trải qua nó phải chịu đựng ra sao.
(trích Nghiencuuquocte.net)
Đến bao giờ nước Mỹ mới hết những công việc dang dở này trên thế giới ?
Những người bạn thời "Tiểu Học" của tôi. Những: Nam,Giáo,Tâm, An, Hà 1, Hà 2, Bình, Hạnh, Giao ơi! Hãy yêu thương Việt Nam mình với trái tim của thời tuổi dại, hãy cố quên đi những người thân yêu trong gia đình mình, những người bạn của mình đã chết ở Bắc hay Nam, vì AK-47, vì B-40, hãy cố tha thứ và thương yêu như trong một câu Thơ của người góa phụ trẻ miền Nam đã viết :
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương
Trần Mộng Tú
(30/9/2017)
Nguồn : VOA, 02/10/2017
(*) Joshep Rudyard Kipling 1865-1936 - Nobel Văn Chương 1907
Buổi chiều bắt đầu xuống, bụi lau bên kia sông những thân lá đã nhòa vào nhau, bên này bờ sông của thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc, có người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi, khuôn mặt buồn buồn, hai con mắt long lanh sau cặp kính trắng như rớm lệ, ông ngồi như đang chờ một ai đó. Chốc chốc ông lại nghểnh cổ lên một chút như cố nhìn xem có chiếc thuyền nào đã vào con sông này chưa.
Hình minh họa.
Ông lang thang cả hai ba hôm nay rồi, cứ quanh quẩn ở đây và chờ đợi. Ông tuy không có hẹn chắc chắn với hai người bạn đó, nhưng ông nghĩ là họ sẽ đến. Nhất định họ sẽ đến tìm ông. Tuy thời gian cách nhau cả mấy chục năm nhưng họ là người cùng chí hướng thì thời gian không phải là điều đáng nói. Ông đang suy nghĩ không biết sẽ xưng hô thế nào. Nói về tuổi tác thì họ kém tuổi ông, nhưng về thời gian thì họ lại đi trước ông cả năm mươi năm (*).
Cả hai bên bờ sông đã thực sự chìm vào bóng tối, gió thổi nhẹ trên đầu những khóm lau. Một chiếc thuyền nhỏ cập bờ, hai người trẻ, một nam, một nữ nhanh nhẹn nhảy lên bờ, sau khi buộc thuyền vào một chiếc cọc to có sẵn ở đó, họ tiến về phía ông, cả hai cúi đầu chào lễ phép :
- Thưa Anh
Ông vội vàng đứng phắt lên cúi đầu đáp lễ :
- Chết, xin đừng gọi tôi như vậy, tôi tuy lớn tuổi hơn nhưng lại là kẻ sinh sau. Đừng để tôi thất lễ.
Ba người, hay nói đúng hơn là ba chiếc bóng đúng chụm vào nhau cùng nhìn ra sông.
Người đàn ông của sông nước Liêu Ninh - Trung Quốc cất tiếng trước.
- Tôi được thả xuống đây mấy hôm rồi, cứ lang thang dọc theo bờ sông chờ hai bạn.
Hai người bạn đến từ Yên Bái- Việt Nam cùng nói :
- Chúng tôi biết trước là họ sẽ thả anh xuống đây, họ không dám giữ anh trên bờ, vì họ sợ dân chúng sẽ lập miếu thờ, rồi sẽ tụ tập, cúng vái, tưởng niệm anh.
Người đàn ông Trung Hoa nói :
- Chỉ tội nghiệp cho vợ tôi, nàng không còn gì để giữ lại ngay cả tàn tro. Không biết bây giờ nàng còn bị quản thúc ngay trong chính nhà mình hay không. Người ta chỉ cấm, chỉ bỏ tù được thân xác chứ không bỏ tù được tư tưởng. Ông thở dài, nói tiếp : chúng tôi không đòi người lãnh đạo điều gì quá đáng. Chúng tôi chỉ đòi tự do, đòi nhân quyền cho người dân ngay chính trên đất nước mình.
Người phụ nữ vấn tóc trong chiếc khăn nhiễu nâu non nói :
- Tôi rất yêu thích những câu Thơ anh viết trong tù, nhất là câu anh viết cho chị Hà : “Tình yêu của em là ánh mặt trời lên khỏi bức tường cao và rọi chiếu xuyên qua những song sắt cửa sổ nhà tù của anh, xúc chạm trên từng mảnh da, làm ấm áp từng tế bào thân xác anh, cho phép anh luôn luôn giữ được bình an, cởi mở, và tươi tắn trong tâm hồn, và làm đầy mỗi phút giây trong đời sống tù của anh với ý nghĩa.”
Người thanh niên có hàm râu quai nón và cặp lông mày lưỡi mác tiếp theo :
- Chúng tôi trong quá khứ cũng không chịu được sự đô hộ hà khắc của người Pháp nên phải đứng lên lãnh đạo một cuộc cách mạng cho dân tộc.
Người bạn Trung Hoa nhấc cặp kính xuống, lấy vạt áo lau lau, rồi lại đeo lên nhìn xa xăm tận cuối dòng sông, thở dài :
- Hai bạn ơi, đây lại chính là người lãnh đạo của nước mình tước đoạt quyền tự do nhân quyền của dân mình.
Thiếu phụ nhẹ nhàng nói :
Người đàn ông bên cạnh nàng tiếp theo :
- Tôi rất cũng thích đoạn thơ này của anh, nó nhắc nhở tôi thời tôi bị quân Pháp bắt khi làm cách mạng :
Giữa đêm khuya trước gian hàng thuốc lá
Mấy gã to con chèn ép tôi chặn đường
Tay tra còng bịt mắt miệng nhét giẻ
Quẳng xe tù chạy đi đâu chẳng biết(*)
Đất nước hiện tại của chúng tôi bây giờ không còn Pháp đô hộ nữa nhưng người dân vẫn phải tranh đấu từng ngày cho nhân quyền. Vẫn bị bỏ tù, vẫn bị bắt bớ có khác gì bên Trung Quốc. Cái cảnh tra còng tống lên xe chẳng lạ gì với người dân.
Người Phụ nữ nắm tay người đàn ông của mình, nói : Chị Lưu Hà yêu người anh hùng này vì ông còn là một thi sĩ nữa vì tình ông cho bà luôn được chuyển qua ngôn ngữ thơ. Cả hai con người trong ông đều làm bà cảm phục, em nhớ Bà viết trong một bức thư cho Hội Văn Bút Mỹ :
“Tôi cảm nhận Hiểu Ba đang dùng ý chí và cảm xúc như một nhà thơ để đẩy phong trào dân chủ tiến tới tại Trung Quốc. Anh ấy la hét như một nhà thơ “không, không, không” đối với những nhà độc tài. Trong chỗ riêng tư, anh ấy thì thầm với những tâm hồn chai điếng của ngày 4 tháng 6, những người, cho đến hôm nay, vẫn chưa nhận được công lý, cũng như với tôi và tất cả bạn bè của anh : “vâng, vâng.” (*)
Cả ba cùng im lặng một lúc. Người đàn ông Trung Hoa lại lên tiếng trước :
- Hai bạn có biết là nếu người dân mất Tự Do thì đất nước sẽ tụt hậu, sẽ đi giật lùi không ? Đây không phải là suy nghĩ của riêng tôi mà là lời phát biểu của nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh. Theo ông Trương :Sức sáng tạo là dựa vào sự tự do ! Sự tự do về tư tưởng và tự do về hành vi. Đặc điểm cơ bản của thể chế của Trung Quốc đã hạn chế sự tự do của người dân, nó đã bóp nghẹt tính sáng tạo, giết chết tinh thần của các nhà khởi nghiệp. Người Trung Quốc có sức sáng tạo nhất đó là vào thời Xuân Thu và thời Tống, đây không phải là ngẫu nhiên. Hai thời đại này cũng là thời đại người Trung Quốc tự do nhất (*).
Người đàn ông đến từ Yên Bái trả lời :
- Vâng, chúng tôi có biết, người dân của chúng tôi đang bị kiểm soát từ hành động đến tư tưởng. Thế giới đang đánh giá nhân quyền ở nước tôi theo số lượng những người tranh đấu bị mang ra tòa. Chúng tôi ước ao chúng tôi có thể trở lại tranh đấu cùng với người dân trong nước tôi bây giờ.
Người đàn ông Trung Hoa đưa cả hai tay mình ra nắm lấy hai bàn tay của hai người bạn mới, ngậm ngùi nói :
- Chúng ta là những người yêu nước, yêu dân tộc mình, yêu nhìn thấy đất nước mình thanh bình không chiến tranh khói lửa và luôn mong ước cho con người được hưởng trọn vẹn quyền làm người. Đó là “Nhân Quyền. Tôi rất cảm phục câu nói của anh trước khi bị quân Pháp chém đầu :
Chết vì tổ quốc chết vinh quang
Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng (*)
Hình như mặt trời vừa mọc trên bờ bên kia một cái quầng màu hồng nhạt. Một ngày mới đã bắt đầu. Những tiếng động trên con đường xa xa vọng tới. Họ bùi ngùi chia tay.
Nguyễn Thái Học và cô Giang lên thuyền quay về Yên Bái nước Việt. Lưu Hiểu Ba ở lại Liêu Ninh nước Hoa. Cả ba cùng hiểu rằng họ đã tranh đấu cho dân mình ngay trên đất nước mình đến hơi thở và giọt máu cuối cùng.
Lưu Hiểu Ba đứng nhìn cho đến khi con thuyền của hai người bạn khuất sau phía hàng lau bên kia bờ phía nước Nam. Trong trí của anh bỗng vang lên mấy câu thơ của Cô Giang trước khi tuẫn tiết.
Thân không giúp ích cho đời !
Thù không trả được cho người tình chung !
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao !(*)
Trần Mộng Tú
Nguồn : VOA, 7/30/2017
(*) Ngày mồng 1/7, nhà nghiên cứu kinh tế học Trung Quốc Trương Duy Nghênh phát biểu đại diện cho giáo viên với chủ đề “Tự do là một trách nhiệm”, tại Đại Học Bắc Kinh.
(*) Nguyễn Thái Học sinh năm 1904, mất năm 1930, khi 26 tuổi.
Cô Giang sinh năm 1906, mất năm 1930, khi 24 tuổi.
Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955, mất năm 2017, ở tuổi 61.
(*) Các câu Thơ, nguồn trên mạng.