Đa số người Việt đều biết đến câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Phan Châu Trinh : ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh’. Trong ba mục tiêu đó có lẽ việc ‘khai dân trí’ là quan trọng nhất và tâm đắc nhất của ông.
Khai dân trí để đất nước Việt Nam trường tồn và xinh đẹp hơn
Hơn 90 năm sau ngày mất của ông người dân Việt Nam vẫn tiếp tục công cuộc khai dân trí vĩ đại đó. Có lẽ phải đến hơn 90% những người trí thức hoặc có hiểu biết tham gia trên mạng xã hội đều nói rằng họ đang làm tiếp công trình dang dở của Phan Chu Trinh.
Nếu nhìn vào cuộc sống hàng ngày hoặc theo dõi trên các mạng xã hội thì có người sẽ phân vân tự hỏi hình như là ‘dân trí’ của Việt Nam có vấn đề ? Các chủ đề chính trị liên quan trực tiếp đến muôn mặt của cuộc sống thì luôn bị tránh né trong khi những vấn đề ‘tào lao’ thì lại được đón nhận cuồng nhiệt.
Một lý luận được nhiều người chia sẻ và hưởng ứng đó là hãy tập trung ‘khai dân trí’ cho người dân trước, khi người dân khôn ra và hiểu biết hơn thì họ sẽ đứng lên để thay đổi xã hội ? Nếu điều này đúng thì có lẽ là Phan Châu Trinh đã thất bại. Ông đã thất bại lúc đương thời khi mà người dân Việt Nam không ‘chọn’ con đường canh tân đất nước ôn hòa của ông mà đã chọn con đường cách mạng bạo lực và vũ trang của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản. Giờ đây, sau gần một thế kỷ thì công cuộc ‘khai dân trí’ của ông vẫn không tiến triển được bao nhiêu vì không những chính quyền mà một bộ phận người dân Việt Nam cũng đều cho rằng ‘dân trí người Việt còn thấp nên chưa thể có dân chủ’, và thực tế là đến bây giờ Việt Nam vẫn chưa có dân chủ.
Vậy dân trí của người Việt là thấp hay cao ? Có cần tiếp tục khai dân trí nữa không ? Bao giờ Việt Nam mới có dân chủ ? Ai mới là người cần ‘khai trí’ ? Khai trí là khai cái gì ?
Khai dân trí có thể hiểu là ‘sự mở mang trí tuệ, đầu óc nhằm mang lại sự hiểu biết cho người dân’. Đã là trí tuệ và sự hiểu biết thì nội dung của chúng vô cùng rộng lớn, bao la và cần cập nhập thường xuyên. Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng và có thể xem ông như là ‘một nhà dân chủ đầu tiên của Việt Nam’. Mục đích chính của ông khi đưa ra đề nghị ‘khai dân trí’ là để mở mang sự hiểu biết về chính trị cho người dân và nhất là trí thức nho học thời đó nhằm thoát ra khỏi sự mê muội và tăm tối của tư tưởng Nho giáo (Khổng giáo) để đón nhận và học hỏi nền dân chủ và văn minh của phương Tây.
Bài viết này chỉ bàn về sự khai dân trí trong lãnh vực chính trị chứ không bao gồm các lĩnh vực khác như kiến thức xã hội hay văn hóa vì phạm vi của chúng quá lớn như đã trình bày, hơn nữa người viết cho rằng khai mở về ‘chính trị’ mới là mục đích lớn nhất của Phan Châu Trinh. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị thì các đối tượng cũng chia thành hai thành phần, thành phần dấn thân chính trị chuyên nghiệp (là một thiểu số nhỏ) bao gồm các nhà tư tưởng chính trị, các nhà cách mạng và các chính trị gia. Thành phần thứ hai là đa số người dân Việt Nam bao gồm những người có ‘thái độ chính trị’ rõ ràng và những người không quan tâm đến chính trị. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
1. Các nhà tư tưởng chính trị
Đây là những người quan trọng nhất để khơi nguồn và dẫn dắt cho nền văn minh và các cuộc cánh mạng của các dân tộc trên thế giới. Các nhà tư tưởng là những người uyên bác và viễn kiến. Trí tuệ của họ vượt qua thời gian và vượt lên trên đồng bào của mình. Họ là những người mở mang trí tuệ cho tầng lớp trí thức tinh hoa rồi từ tầng lớp trí thức tinh hoa đó sẽ lan tỏa ra đến mọi người. Không phải dân tộc nào cũng có các nhà tư tưởng chính trị. Có thể thấy các nhà tư tưởng đều ở Châu Âu và thế kỷ 18 là thời kỳ nở rộ các trào lưu tư tưởng với nhiều nhà tư tưởng kiệt xuất. Thế kỷ Ánh sáng đó đã tạo ra cuộc cách mạng Pháp 1789 và Cách mạng Mỹ 1775. Lịch sử thế giới cận đại thay đổi từ đó. Nhật bản may mắn có được một nhà tư tưởng vĩ đại là Fukuzawa Yukichi với tác phẩm bất hủ ‘Khuyến học’. Ông được người dân Nhật tôn vinh là ‘khai quốc công thần’ vì đã tạo nguồn cảm hứng và trí tuệ để nước Nhật hùng mạnh như ngày hôm nay. Việt Nam không có được may mắn đó. Văn hóa Khổng giáo được các triều đại phong kiến Việt Nam du nhập từ Trung Quốc và tiếp thu một cách máy móc rập khuôn nên đã triệt tiêu mọi sự tiếp cận với các luồng tư tưởng tiến bộ của khác.
Theo ý kiến chủ quan của người viết thì hiện nay Việt Nam đang có một nhà tư tưởng chính trị nổi bật là ông Nguyễn Gia Kiểng với tác phẩm ‘Tổ Quốc Ăn Năn’. Ông không chỉ uyên bác, viễn kiến mà có một cái nhìn và phân tích rất sâu sắc về chính trị mà không ai có được.
2. Các nhà cách mạng
Nếu không có các nhà cách mạng, là những người theo đuổi một tư tưởng chính trị và chủ trương thay đổi xã hội theo tư tưởng đó thì cũng không có các cuộc cách mạng. Thời nào cũng có rất nhiều các nhà cách mạng và họ có thể thành công hoặc không. Những người cách mạng thành công là do hiểu rõ thời thế và nắm bắt được xu thế của thời đại. Những nhà cách mạng cộng sản là trường hợp ngoại lệ vì họ không có tư tưởng tiến bộ mà chỉ khai thác các bất mãn xã hội đương thời để cướp chính quyền. Lê-nin, người sáng lập ra nhà nước cộng sản đầu tiên trên thế giới chỉ là một nhà cách mạng không có tư tưởng. Lê-nin đã vay mượn chủ nghĩa cộng sản của Marx và Engels (là hai triết gia hoang tưởng người Đức). Nếu không có Lê-nin thì chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể nằm trên giấy, trong các thư viện cũ ở Châu Âu. Các nước cộng sản tồn tại một thời gian ngắn rồi kết thúc vì tư tưởng dẫn đường của nó là độc hại, hoang tưởng và chống lại con người. Phan Châu Trinh là một nhà cách mạng vĩ đại của Việt Nam, rất tiếc là ông đã không vượt qua được bức tường tâm lý nô lệ của văn hóa Khổng giáo đã ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam.
3. Các chính trị gia
Là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp theo một tư tưởng hay đường lối nào đó. Họ có thể thuộc đảng cầm quyền hoặc có thể thuộc các đảng đối lập trong một quốc gia. Nhiệm vụ của họ là nắm vững tư tưởng của tổ chức để thuyết phục người dân ủng hộ các đề nghị về cách thức quản trị quốc gia mới mà đảng của họ đưa ra để dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử và cuối cùng là thực thi những lời hứa mà họ đã đề nghị trước đó. Chính trị gia là những người làm chính trị chuyên nghiệp thuộc một đảng chính trị nên cần có chuyên môn và sự hiểu biết cao hơn người dân thường, ngoài ra họ còn cần có khả năng hùng biện để thuyết phục người dân. Hiện tại Việt Nam rất thiếu tầng lớp này vì các đảng đối lập đang còn trong giai đoạn hình thành và phát triển còn quan chức của đảng cộng sản thì không phải là các chính trị gia mà chỉ là ‘những kẻ cai trị’. Kiến thức của họ còn tệ hơn cả dân thường, nói năng hàm hồ và thiếu trí tuệ.
4. Những người dân có thái độ chính trị rõ ràng
Đa số họ là những người có hiểu biết trên trung bình, quan tâm đến chính trị và ủng hộ cho một đảng chính trị nào đó. Họ đồng ý và chia sẻ với những đề nghị cụ thể và rõ ràng của một đảng chính trị mà họ tin là sẽ mang lại quyền lợi cho họ và cho đất nước. Họ không thể tham gia vào các tổ chức chính trị vì công việc và nghề nghiệp của họ đã chiếm hết thời gian. Đây là lực lượng dân chúng quyết định cho sự thành bại của các đảng chính trị. Thuyết phục được tầng lớp này thì cơ hội trở thành đảng cầm quyền gần như là chắc chắn.
5. Những người dân không quan tâm đến chính trị
Thành phần này chiếm đa số trong xã hội và có thể lên tới 50-60%. Đây là thực tế mà xã hội nào cũng có kể cả ở các nước dân chủ lâu đời ở Châu Âu. Ví dụ, tại nhiều quốc gia có qui định rằng một cuộc bầu cử chỉ hợp lệ khi số cử tri đi bầu trên 60% chẳng hạn. Những người này có nhiều lý do để không quan tâm đến chính trị, ví dụ như những người có tâm lý nổi loạn hay cực hữu, họ chống tất cả các đảng phái chính trị. Cũng có người vì không tin vào bất cứ chính trị gia nào nên không ủng hộ ai… Đó chính là hệ quả của tính đa nguyên trong mọi xã hội. Đừng quên rằng tại các quốc gia dân chủ và văn minh nhất trên thế giới như Mỹ, Nhật vẫn có đảng cộng sản tồn tại và hoạt động. Mọi cố gắng để ‘thuyết phục’ tầng lớp này đều vô ích và không cần thiết.
Nhìn vào 5 thành phần nói trên thì có thể thấy được rằng gần như mọi suy nghĩ của những người Việt Nam đang tranh đấu cho dân chủ cho rằng đối tượng cần ‘khai dân trí’ nhất là thành phần thứ 5, tức là những người không quan tâm đến chính trị. Đáng buồn thay, thành phần này lại là thành phần không cần ai khai trí cho họ cả vì họ không có nhu cầu đó. Từ lúc Phan Châu Trinh đưa ra lời kêu gọi ‘khai dân trí’ đến nay ngót ngét đã gần một thế kỷ mà thành phần này chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống. Ví dụ dễ thấy nhất là những câu chuyện tào lao trên mạng hay những câu phát biểu vu vơ của một ngôi sao nào đó thì có hàng trăm ngàn lượt thích (like) và chia sẻ trong khi những bài viết về thời sự hay chính trị quan trọng chỉ có vài chục người thích.
Không thể trách người dân vì rằng làm chính trị luôn là quan tâm của một thiểu số nhỏ.
Quay trở lại câu hỏi ‘dân trí người Việt cao hay thấp ?’, nếu chúng ta tạm không tính đến thành phần thứ năm (là những người hoàn toàn không quan tâm đến chính trị) thì có thể khẳng định rằng dân trí Việt Nam đủ cao để chuyển hóa Việt Nam về hướng dân chủ. Vậy tại sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ ? Có lẽ nguyên nhân là do chúng ta đã nhầm lẫn trong tư duy của mình. Thành phần cần ‘khai trí’ là tầng lớp ‘có hiểu biết’ chứ không phải thành phần ‘thiếu hiểu biết’. Thành phần đó gồm thành phần thứ 2 (các nhà cách mạng), thứ 3 (các chính trị gia) và 4 (những người dân có thái độ chính trị rõ ràng). Thành phần thứ nhất (các nhà tư tưởng) và thứ 5 (những người không quan tâm chính trị) không cần khai sáng.
Câu hỏi quan trọng nhất để kết thúc bài viết là ‘khai cái gì ?’ Vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất với Việt Nam trong lúc này là các vấn đề liên quan đến thể chế chính trị và vì thế chỉ có các giải pháp chính trị mới tạo ra được sự thay đổi. Việc cách chức ông Đinh La Thăng hay Nguyễn Xuân Anh không giải quyết được vấn đề gì. Chính trường cũng như thương trường, phải có sự cạnh tranh mới có sự tiến bộ. Phải có các đảng chính trị mới xuất hiện công khai để cạnh tranh với đảng cộng sản thì mới có thể tạo ra được sự thay đổi.
‘Khai trí’ quan trọng và cần thiết nhất trong lúc này là thuyết phục những người quan tâm đến chính trị thay đổi tư duy của mình bằng cách ủng hộ cho các đảng chính trị đã có hoặc thành lập ra các đảng chính trị mới để cùng nhau cạnh tranh với đảng cộng sản. Đấu tranh chính trị là phải có tổ chức và một tổ chức chính trị thì phải có ‘tư tưởng chính trị’ và ‘đội ngũ chính trị’.
Khi nào người Việt hiểu ra điều đó thì Việt Nam sẽ có sự thay đổi. Mọi đề nghị, yêu cầu hay tuyên bố này nọ đều vô ích vì sẽ bị chính quyền ném vào sọt rác. Không có lực lượng hậu thuẫn thì mọi kiến nghị đều vô ích và vô nghĩa.
Các nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 3 đến 3,5% dân chúng ủng hộ cho một cuộc cách mạng là cuộc cách mạng đó có thể thành công. Việt Nam có thừa những người khao khát dân chủ như vậy, tiếc rằng cách vận động và tiếp cận của chúng ta bấy lâu nay là chưa đúng hướng.
Tầng lớp trí thức tranh đấu và dấn thân cho dân chủ Việt Nam cần xác quyết với nhau rằng đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Vấn đề khai dân trí quan trọng nhất bây giờ là hãy đồng thuận và xác quyết với nhau rằng : Phải tranh đấu có tổ chức. Nếu có được một tổ chức chính trị dân chủ đối lập hùng mạnh thì chúng ta nhất định sẽ buộc được đảng cộng sản Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán để chuyển hướng Việt Nam về dân chủ.
Việt Hoàng
(06/10/2017)
"Nhóm lửa và đốt lò" làm cho lò nóng lên để củi tươi cho vào cũng phải cháy, một cách diễn đạt đầy quyết tâm của ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng về cuộc chiến chống tham nhũng.
Nhóm lửa và đốt lò chống tham nhũng - Ảnh minh họa
Cuộc chiến chống tham những mà ông Trọng và ban lãnh đạo đảng đang tiến hành sẽ đi về đâu ? Nhất là sau khi vụ việc liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đã không được giải quyết thấu đáo khiến quan hệ Việt-Đức tiếp tục xấu đi, khi Đức trục xuất thêm một quan chức ngoại giao và hạ thấp quan hệ ngoại giao hai nước ?
Sự việc chưa thể dừng lại ở đây. Hiệp ước thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EU) có thể sẽ đổ bể. Hậu quả trước mắt là các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam sẽ bị EU đóng cửa, dừng nhập khẩu các mặt hàng thủy hải sản vào thị trường tiềm năng này.
Nguyễn Xuân Anh, bí thư Đà Nẵng ngã ngựa với những cáo buộc hết sức sơ sài mà bất cứ một quan chức cấp huyện nào cũng có thể mắc phải như việc sở hữu xe, nhà của các doanh nghiệp biếu tặng... Trong khi chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ bị nhắc nhở nhẹ nhàng, mặc dù trước đó từng bị tố cáo có rất nhiều tài sản khủng.
Việc ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu giám đốc Oceanbank bị đề nghị án tử hình cũng rất khiên cưỡng, một mình ông ta không thể tự thò tay vào két lấy được chừng ấy tiền mà phải là sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống. Vai trò của Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính ở đâu trong vụ này ? Hơn nữa việc kết án tử hình một tội phạm kinh tế là không thuyết phục.
Trong khi các sai phạm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được cơ quan điều tra chiếu cố một cách nhiệt tình -với vụ bắt giữ mới nhất ông Lê Đình Mậu, kế toán trưởng của PVN- thì ngược lại, vụ điều tra về ông giám đốc sở Tài nguyên môi trường Yên Bái, nhờ bán chổi đót mà xây được biệt phủ nguy nga hàng triệu đô vẫn im lặng một cách ngạc nhiên, giống như vụ công ty dược VN Pharma nhập thuốc chống ung thư giả.
Ông Nguyễn Văn Oai thuộc nhóm Thanh niên Công giáo Nghệ An vừa bị bắt và kết án lần thứ hai (hôm 18/9) với tội danh "không chấp hành án và chống người thi hành công vụ" với 5 năm tù và 4 năm quản chế. Lần trước ông bị kết án vì tội "lật đổ chính quyền nhân dân" và vừa ra tù năm 2015.
Các trạm BOT bị phanh phui cho thấy rõ đây là một hình thức mãi lộ, trấn lột người dân một cách công khai và trắng trợn của các nhóm lợi ích, là sân sau của các quan chức, mà nổi tiếng nhất có lẽ là của "thứ phi" cựu vương Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm với BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ. Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch của đất nước vì vậy phải lấy ngân sách nhà nước để cải tạo, mở rộng và nâng cấp còn BOT chỉ áp dụng với các con đường nhỏ như tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ. (Nếu không có tiền thì lấy tiền ở các dự án xây tượng đài).
Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông lại tiếp tục trễ hẹn, không thể chạy thử vào đầu tháng 10/2017 vì Trung Quốc không giải ngân tiếp 250 triệu USD, dự án Metro ở Sài Gòn cũng vì không được giải ngân vốn đúng cam kết (lần này là do phía Việt Nam) nên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên không thể hoàn thành vào năm 2020. Dự án này theo tính toán ban đầu là hơn 1 tỉ USD nhưng được "điều chỉnh" lên 2,5 tỉ USD, trong đó gần 90% là vốn ODA của Nhật Bản, còn lại là từ ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 200 triệu USD).
Chúng ta có thể nhận thấy là gần đây báo chí Việt Nam bắt đầu công khai các khoản nợ của chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ như mới đây Bộ Tài chính cho biết là Việt Nam đang nợ nước ngoài 93 tỉ USD… Nhưng theo một tờ báo khác, dựa trên tính toán của tiến sĩ Vũ Quang Việt thì :
"Nợ của khoảng 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỷ đồng (231 tỷ USD), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỷ USD, bằng 158% GDP. Như vậy, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỷ USD, bằng 210% GDP".
Nợ công Việt Nam - Ảnh minh họa
Sỡ dĩ chính quyền ông Nguyễn Xuân Phúc công bố những thông tin mà trước đây luôn bị giấu kín, chắc hẳn không vì trách nhiệm và muốn minh bạch hóa, mà chỉ để cho công chúng biết rằng người gây ra những tai họa đó là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ trước. Ông Dũng là người "ăn ốc" nhưng ông Phúc không chịu làm người "đổ vỏ".
Việc xử lý mạnh tay các vụ án trọng điểm cũng vì mục đích đó. Một mũi tên trúng nhiều đích. Vừa trình diễn cho người dân xem quyết tâm chống tham nhũng của đảng, vừa cơ cấu và sắp xếp lại cán cân quyền lực trong đảng, loại bỏ những phe nhóm không cùng vây cánh, vừa thu hồi được tiền từ các nhóm "ăn ốc" trước đó, vừa lấy cớ để tăng dồn dập các loại thuế phí khác như thuế xăng, thuế VAT…
Theo dự đoán thì sắp tới đây sẽ còn rất nhiều "tai to mặt lớn" khác trong đảng cũng như các doanh nhân "có số má" phải lên thớt như ông Nguyễn Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản, Đà Nẵng…
Cuộc chiến trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam lần này sẽ rất khốc liệt và không thể khoan nhượng. Ngoài lý do đấu đá giữa các phe nhóm, ông Trọng cũng có thể muốn vực đảng cộng sản dậy để không bị suy sụp. Nhưng muốn là một chuyện, còn làm được hay không lại là chuyện khác.
Ông Trọng nếu thật lòng muốn cứu đảng cộng sản thì chắc chắn cũng là một điều vô ích vì một sự thật hiển nhiên, đó là không thể nào cải tiến và thay đổi được một chế độ tham nhũng đã ăn sâu bám rễ vào lục phủ ngũ tạng của cơ thể Việt Nam. Lịch sử thế giới chưa có một trường hợp nào làm được điều đó và cũng chưa có một chế độ cộng sản nào có thể cải tổ để trở thành một chế độ dân chủ. Các vụ bắt giữ liên quan đến tham nhũng đều có chọn lọc, vì một lý do giản dị, đúng như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói, đó là "nếu kỷ luật hết cán bộ có sai phạm thì lấy ai làm việc ?".
Một bằng chứng hùng hồn nữa là chính phủ của "ông Phúc, ông Trọng" đã và đang đàn áp khốc liệt và dã man các tiếng nói bất đồng chính kiến, với những bản án kinh hoàng : 10 năm tù cho Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và 9 năm tù cho Trần Thị Nga, hai người mẹ đơn thân đang nuôi con nhỏ hay Nguyễn Văn Túc và Nguyễn Văn Oai mới đây.
Tất cả đều có thể trở thành nạn nhân của ông Trọng từ quan chức cao cấp của chính phủ kể cả những người đã về hưu vài năm cho đến giới bất đồng chính kiến. Càng khủng hoảng nặng thì đàn áp càng lên ngôi, càng sợ hãi thì càng phải tăng cường trấn áp.
Việt Nam như con tàu sắp đắm, không ai tin là đảng có thể tồn tại "muôn năm" và không ai có thể làm được gì. Những người lãnh đạo như ông Trọng đang cố gắng trong tuyệt vọng để giữ cho con tàu không đắm quá nhanh nên sẽ không còn tinh thần để giải quyết bất cứ một sự việc gì nữa. Vụ Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ, không có ai đứng ra giải quyết việc này. Tập thể ban lãnh đạo chỉ còn là một hư cấu vì không thể lấy được bất cứ một quyết định quan trọng nào. Vụ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch gây áp lực buộc cả Bộ chính trị phải rút lui các giàn thăm dò dầu khí khỏi bãi Tư Chính dưới sự đe dọa của Trung Quốc là một ví dụ nữa…
Điều đáng nói hơn cả là, trong khi chính quyền bế tắc như vậy thì phong trào dân chủ Việt Nam đang ở đâu và đang làm gì ?
Chính quyền Việt Nam hành động bất chấp đạo đức và luật pháp nhưng không hề vấp phải một sự phản ứng nào từ dân chúng, nếu có thì cũng không đáng kể, đề kháng của người Việt đã không còn ? Thật ra các "phản ứng cá nhân" trên các trang mạng xã hội rất cao và rất nhiều, nhưng vì là những tiếng nói "cá nhân" nên chúng đã không gây ra được hiệu ứng gì và không tạo ra được áp lực nào. Trong khi đó, chỉ cần một 1.000 bloggers tập hợp lại với nhau trong một tổ chức và thống nhất với nhau trên cùng một lập trường và phát biểu trên cùng một "ngôn ngữ" thì câu chuyện có thể hoàn toàn khác.
Các mạng xã hội là những công cụ kết nối tuyệt vời, chúng có thể giúp chúng ta tạo ra các tổ chức gồm các thành viên ở trên khắp thế giới mà không cần gặp mặt hàng ngày. Chúng cũng là công cụ để chúng ta tương tác với nhau, học hỏi và trao đổi trực tiếp với nhau. Tóm lại, mạng xã hội có thể giúp chúng ta tập hợp và kết hợp lại với nhau thành một tổ chức đối lập lớn mạnh.
Rất tiếc là nhiều cá nhân tranh đấu lại dùng mạng xã hội để tranh đấu theo kiểu nhân sĩ, tức là hoạt động một mình bằng cách đánh bóng bản thân và hy vọng một ngày nào đó có được uy tín và sẽ được ai đó trọng dụng, hoặc trở thành "anh hùng dân tộc" trên mạng ? Đây là một ngộ nhận lớn, một ca sĩ cần có hàng vạn fan hâm mộ để mua vé và xem họ biểu diễn nhưng tranh đấu trong chính trị là để thay đổi xã hội và chiến thắng cộng sản, cái giá của nó rất cao mà người dân lại rất thực dụng. Họ chỉ tin và nghe theo một tổ chức hùng mạnh, có tầm vóc và có khả năng mang lại chiến thắng.
Đã đến lúc những người đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, nhất là các bạn trẻ phải thay đổi tư duy… tranh đấu. Chúng ta dấn thân là để thay đổi xã hội và mở ra một trang sử mới cho dân tộc chứ không phải đấu tranh để nổi tiếng, hay để trở thành các "ngôi sao" dân chủ…
Khi đã xác định tinh thần như vậy thì chúng ta phải khiêm tốn và bình tĩnh để nhìn nhận rõ mình là ai ? Khả năng của mình đến đâu ? Rồi từ đó có thể hòa mình vào một tổ chức, tập sống chung với "văn hóa tổ chức", học tập kiến thức về chính trị và cách làm việc chung với những người có cùng chính kiến và cả với những người không cùng chính kiến.
Chính trị là "làm việc cùng nhau" vì vậy nếu một người không thể tham gia và chịu đựng được văn hóa của một tổ chức thì không thể làm được chính trị và không đi được xa. Sau này khi đất nước có dân chủ hoặc trước khi có dân chủ, hoặc vào một thời điểm nào đó thì sẽ cần đến sự liên minh của các tổ chức chính trị. Để có được liên minh chính trị đó thì khả năng thỏa hiệp, bao dung và tương nhượng lẫn nhau là rất cần thiết và nếu không có tổ chức và không có "văn hóa tổ chức" thì không thể tạo ra được các liên minh đó.
Phải làm gì trong lúc này ? Phải hành động ra sao để chiến thắng cộng sản và mang lại dân chủ cho Việt Nam ?
Có lẽ câu trả lời đúng nhất và cần thiết nhất trong lúc này với những người còn ưu tư với đất nước là hãy tìm hiểu và ủng hộ cho các tổ chức chính trị đối lập dân chủ đứng đắn. Nếu không thể tham gia được vào các tổ chức chính trị thì hãy lên tiếng ủng hộ cho một tổ chức mà mình thấy là đứng đắn và có tương lai nhất.
Hãy nói "không" với các hoạt động cá nhân kiểu nhân sĩ và ngôi sao, vì chúng sẽ không đi đến đâu.
ừng mất thì giờ cho những việc mà bạn biết rõ là nó sẽ vô ích.
Đừng hành động nông nổi và thiếu suy nghĩ để tạo cớ cho chính quyền bắt bớ và đàn áp nhất là trong lúc họ đang tuyệt vọng.
Việt Hoàng (27/9/2017)
Vụ ông Trịnh Vĩnh Bình đưa đơn kiện chính quyền Việt Nam tại Tòa Trọng tài Quốc tế Paris với số tiền đòi bồi thường thiệt hại lên đến 1,25 tỉ USD đang làm xôn xao dư luận. Dù kết quả thế nào thì hình ảnh của Việt nam cũng sẽ xấu đi ít nhiều trong con mắt giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên sẽ không vì vụ kiện này mà các nhà đầu tư bỏ chạy khỏi Việt Nam. Ở đâu sinh ra lợi nhuận thì nơi đó sẽ có mặt các nhà đầu tư.
Ở đâu sinh ra lợi nhuận thì nơi đó sẽ có mặt các nhà đầu tư.
Hầu hết các nhà đầu tư vào Việt Nam đều biết rõ môi trường kinh doanh ở đây và họ sẽ ‘học hỏi’ rất nhanh qui trình hối lộ quan chức Việt Nam. Thay vì nộp thuế vào ngân sách thì họ nộp tô cho các quan chức Việt Nam và cuối cùng thì họ luôn thắng vì họ ở cửa trên. Kể cả những tên tuổi lớn như : Metro, Coca-cola, Toyota, Samsung…
Ông Trịnh Vĩnh Bình cũng là một trong số những nhà đầu tư đó, ông đầu tư vào Việt Nam để kiếm lợi nhuận chứ không hẳn là vì ‘yêu nước’, không ai trách ông ta vì điều đó. Trong cuộc chơi này, có lẽ vì do nguồn gốc Việt Nam và do ông phất lên nhanh quá mà không ‘lại quả’ hợp lý nên đã bị chính quyền cộng sản ‘lột sạch’ tài sản.
Theo Đài VOA thì ‘với số tiền gần 2,5 triệu đô la và 96 kg vàng mang về Việt Nam đầu tư, ông Trịnh Vĩnh Bình kinh doanh ở mọi lãnh vực : khách sạn, thủy sản, hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng…’ Nhưng chiến lược nhất, có lẽ là lãnh vực đất đai, vì theo như lời ông, "tôi có những bài toán lâu dài chứ không phải như Việt Nam nói là kinh doanh địa ốc”. Tuy nhiên cũng theo VOA trích từ ‘Báo Công An Nhân Dân ngày 6/6/2005 cho biết đến ngày ông Bình bị Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bắt giữ (5/12/1996), ông nắm trong tay 11 căn nhà, 114 nền nhà và 2.847.745 m2 đất’.
Nhiều người Việt trong và ngoài nước ra sức bênh vực cho ông Bình, trong đó không ít người tự nhận là phe ‘dân chủ’ đứng ra bảo vệ ‘chính nghĩa quốc gia’. Hài hước hơn khi có người đến tận tòa để phỏng vấn ‘phái đoàn cộng sản’ mà không hề biết mấy người đó là phe ông Bình và khi những người này không trả lời thì họ cho rằng ‘cộng sản không dám trả lời, không văn minh và cộng sản im lặng vì thua kiện v.v.’
Chúng ta cần biết rằng, không riêng gì ông Bình mà bất cứ một doanh nhân nước ngoài nào đang làm ăn tại Việt Nam, và tất cả các doanh nhân trong nước, đều không bao giờ lên tiếng ủng hộ cho phong trào dân chủ. Thứ nhất, họ là dân làm ăn và thứ hai, họ không dại gì lên tiếng để ảnh hưởng đến công việc làm ăn của họ.
Để sở hữu hơn 3 triệu mét vuông đất tại Việt Nam, ông Bình phải chấp nhận trả giá và đó là chuyện riêng của ông với chính quyền Việt Nam. Việc chính quyền cộng sản có lỗi đến mức nào và phải bồi thường cho ông Bình đến đâu là việc của tòa án quốc tế. Hãy chờ phán quyết cuối cùng của tòa. Chơi dao ắt có ngày đứt tay.
Việc ông Bình tìm kiếm hậu thuẫn của dư luận là đương nhiên, điều đáng nói là một số người Việt đã hùa vào vụ này vì ‘thấy người sang bắt quàng làm họ’ và tâm lý chống cộng ‘mọi lúc mọi nơi’, đây là thái độ thiếu lương thiện và hời hợt. Để ông Bình có được chừng ấy đất thì bao nhiêu người dân đen phải rời bỏ mảnh đất của cha ông và gia nhập vào đoàn dân oan hàng triệu người trên khắp đất nước Việt Nam ?
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có viết rằng "Đằng sau một tỉ phú bất động sản Việt Nam là hàng ngàn dân oan mất đất". Đành rằng ông Bình không trực tiếp đứng ra thu đất của dân nhưng sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nhân bất động sản là điều không ai có thể phủ nhận.
Vấn đề đặt ra là chúng ta có nên và có cần bênh vực Trịnh Vĩnh Bình không ? Chúng ta có thể lên án chính quyền cộng sản là thô bạo nhưng bênh vực ông Bình lại là một vấn đề khác. Chúng ta chỉ có lý do để bênh vực ông Bình nếu ông ta là một người lương thiện bị xúc phạm. Về điểm này thì phải nói rằng hầu hết giới kinh doanh bất sản, nhất là ở mức độ của ông Bình, chắc chắn phải là những người câu kết với quan chức cộng sản mới thành công được. Đó là một thực tế xã hội và ông Bình đã rất thành công.
Điều chắc chắn nữa là số tiền mà ông Bình, nếu được bồi hoàn sẽ lấy từ tiền đóng thuế của người dân chứ không phải từ quỹ của đảng cộng sản. Ông Bình từng đã được bồi thường 15 triệu USD. Đừng quên rằng, tại Việt Nam có hàng trăm nghìn người mất mát nhiều hơn, chịu đau khổ hơn, có khi mất cả tính mạng vì sự hung bạo, vô đạo đức và bất chấp công lý của đảng cộng sản. Thí dụ như Đinh Đăng Định, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Đan Quế, Cấn Thị Thêu, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các anh em trong Hội Anh Em Dân Chủ... Họ đáng bênh vực gấp ngàn lần, trong nhiều trường hợp gấp triệu lần Trịnh Vĩnh Bình.
Ông Bình có thể thắng kiện, nhưng để lấy được tiền thì còn… khuya và có khả năng là chính quyền cộng sản không phải trả cho ông Bình đồng nào, vì thời gian của vụ án còn kéo dài rất lâu với nhiều thủ tục rườm rà. Cũng không có chuyện ông Bình đòi 1,25 tỉ USD là chính quyền Việt Nam phải trả cho ông ta chừng đó.
Nên nhớ là Tòa chỉ mới kết thúc phần trình bày của đôi bên chứ chưa đưa ra bất kỳ một phán quyết nào.
***************
Trở lại với chủ đề chính của bài viết là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi ‘Khi nào thì thị trường bất động sản Việt Nam sụp đổ’ ?
Trái với hầu hết mọi dự đoán của nhiều chuyên gia bất động sản trong và ngoài nước (trong đó có cả người viết), thị trường bất động sản sẽ suy sụp vào một thời điểm nào đó nhưng bất động sản ở Việt Nam vẫn tăng giá đều đều và không hề có dấu hiệu dừng lại.
Tại sao lại như vậy ? Các chuyên gia đã sai ở chổ nào ? Sự thật thì thị trường bất động sản Việt Nam không giống ai và nằm ngoài mọi qui luật phát triển. Đến giờ này có thể khẳng định rằng thị trường bất động sản Việt Nam cũng như tỉ giá USD/VND hoàn toàn gắn chặt với sinh mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam. Nghĩa là thị trường Bất động sản chỉ sụp đổ khi chế độ sụp đổ.
Chúng ta có thể thấy được, trong danh sách 10 người giàu nhất Việt Nam năm 2016 thì có đến 7 người xuất thân từ bất động sản. Đó là Phạm Nhật Vượng (Vingoup), Trịnh Văn Quyết (FLC), Trần Đình Long (Hòa Phát), Bùi Cao Nhật Quân-Bùi Thành Nhơn (Novaland), Dương Công Minh, chủ dự án sân golf Tân Sơn Nhất (Công ty Cổ phần Him Lam), Phạm Thu Hương (Vingroup), Phạm Thúy Hằng (Vingroup)… (1).
Một lý do khiến bất động sản Việt Nam luôn tăng giá vì đó là kênh kiếm tiền nhanh nhất, hiệu quả nhất và hợp pháp nhất của giới quan chức Việt Nam. Ông Trịnh Xuân Thanh có lần nói rằng chỉ cần có thông tin về các dự án qui hoạch đất đai là ông ta có thể kiếm hàng trăm tỉ đồng bằng con đường đầu tư một cách hợp pháp. Dự án Ecopark Văn Giang, Hưng Yên là một ví dụ, tiền đền bù cho người nông dân chỉ 135.000 đồng m2 (là cao nhất và thấp nhất là 63.925 đồng m2) nhưng sau khi qui hoạch được chào bán từ 20 triệu đến 60 triệu đồng m2, nghĩa là hơn từ 150 đến 500%.
Lý do nữa khiến bất động sản Việt Nam tăng giá là do rửa tiền, hối lộ… Dư luận đồn rằng công ty dược VN Pharma đã hối lộ cho bà Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến căn biệt thự hơn 60 tỉ đồng để nhập lô thuốc chống ung thư giả đang làm xôn xao dư luận.
Rửa tiền bằng cách đầu tư vào bất động sản Việt Nam là dễ nhất vì các giao dịch luôn được trả tiền mặt và không có cơ quan chức năng nào của Việt Nam quan tâm nguồn gốc tiền đấy ở đâu ra.
Chính quyền Việt Nam đang có ý định đánh thuế vào những người sở hữu nhiều bất động sản, đây là việc làm cần thiết và hợp lý vì người giàu phải đóng thuế nhiều hơn người nghèo, tuy nhiên dự định này khó lòng thực hiện vì đa số đất đai thuộc sở hữu của thành phần con ông cháu cha và các đại gia có quan hệ chặt chẽ với chính quyền. Đây cũng là lãnh vực duy nhất có ‘tăng trưởng’ nên bằng mọi cách chính quyền phải duy trì sự tăng trưởng đó.
Không khó để nhận ra sự liên kết hay đúng hơn là sự cấu kết giữa chính quyền và các doanh nhân làm ăn bất chính trong việc thu hồi đất của người nông dân với giá rẻ mạt rồi sau đó bán lại với giá cao ngất ngưỡng. Tất nhiên là không ít người làm ăn chân chính cũng phất lên nhờ đầu tư vào bất động sản. Đây là sự ‘ăn may’ nhờ ăn theo các đại gia bất động sản và chính sách ‘ưu tiên’ của chính phủ trong lĩnh vực này.
Vấn đề đáng quan tâm nhất là bạn có giữ được tài sản của mình hay là do mải ‘lướt sóng’ cùng bất động sản hoặc găm hàng chờ giá lên… và rồi bị chìm lúc nào không biết. Những người ăn non sẽ thắng còn những người không biết điểm dừng sẽ có kết cục buồn khi thị trường bất động sản sụp đổ kéo theo sự trắng tay của người đầu tư.
Với xã hội Việt Nam hiện nay, muốn yên thân và không bị ‘làm thịt’ thì không nên quá giàu. Nếu tài sản của bạn dừng ở vài triệu USD thì không sao nhưng khi bạn có hàng chục, hàng trăm triệu USD thì bạn sẽ là con vịt béo trong mắt chính quyền và bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị ‘lên thớt’.
Nhiều doanh nhân Việt Nam đang tìm cách bỏ chạy khỏi Việt Nam, một người khá nổi tiếng trong số đó là cựu tổng giám đốc FPT Trương Đình Anh với quyết định đem cả nhà sang Mỹ định cư.
Một số doanh nhân không hiểu thời cuộc hoặc do chạy không kịp nên ‘thân tàn ma dại’ như Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi), Lý Xuân Hải (Cựu tổng giám đốc ACB), Trầm Bê… Tất nhiên là không kể những doanh nhân đảng viên là lãnh đạo những doanh nghiệp nhà nước đã đốt hàng nghìn tỉ của đất nước như Phạm Thanh Bình (Vinashin), Mai Văn Phúc-Dương Chí Dũng (Vinalines)… Hiện tại hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đều thua lỗ nặng, ví dụ Tập đoàn Than-Khoáng sản nợ gần 5 tỉ USD (2).
Nhiều người sẽ nói rằng, tôi vẫn đang đầu tư vào bất động sản Việt Nam và vẫn đang thắng lớn vậy cớ gì tôi phải nghe bạn ? Nên hay không nên đầu tư vào bất động sản ? Khi nào thì nên dừng ?...
Thật sự đó là những câu hỏi khó có câu trả lời. Tất cả đều tùy thuộc vào lòng tin của bạn vào sự tồn tại của chế độ. Nếu chế độ vẫn còn tồn tại thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn phát triển tốt đẹp và tăng giá đều đều. Sau đó sẽ là một sự đổ vỡ rất kinh khủng để thị trường bất động sản trở lại bình thường và chỉ khi đó mọi người Việt Nam mới có thể tiếp cận và sở hữu được một ngôi nhà mà mình mong ước trong khả năng của mình.
Việt Hoàng
(10/09/2017)
(1) http://www.techz.vn/top-10-dai-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-ho-la-nhung-ai-ylt52341.html
(2). https://kimdunghn.wordpress.com/2017/07/24/canh-bao-tinh-hinh-tai-chinh-tai-nhieu-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc/
Chính trường Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp và không biết sẽ đi về đâu. Tốt đẹp thì chắc chắn là không mà chỉ có thể là xấu, hoặc rất xấu. Một vấn đề mà ai cũng thấy được đó là sự bế tắc, không chỉ mỗi đảng cộng sản bế tắc mà ngay cả phong trào dân chủ Việt Nam cũng bế tắc.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cố gắng tìm hiểu và mổ xẻ nguyên nhân bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam để từ đó tìm kiếm một giải pháp chung cho tất cả mọi người.
Đáng lẽ ra với sự khủng hoảng ngày càng trầm trọng của đảng cộng sản thì phong trào dân chủ phải phát triển nhanh mạnh và sớm trở thành đối trọng ngồi vào bàn đàm phán với đảng cộng sản để dân chủ hóa đất nước như ở Ba Lan trước đây. Quyết định ly khai ‘đảng của Nguyễn Phú Trọng’ để trở về với đảng Lao động và tư tưởng Hồ Chí Minh của giáo sư Tương Lai là một ví dụ cho sự bế tắc của một bộ phận trí thức Việt Nam.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) luôn cố gắng tìm hiểu và mổ xẻ nguyên nhân bế tắc của phong trào dân chủ Việt Nam để từ đó tìm kiếm một giải pháp chung cho tất cả mọi người. Nhiều câu hỏi quan trọng vẫn chưa có câu trả lời : Chúng ta (phong trào dân chủ Việt Nam) đang ở đâu ? Chúng ta là ai ? Chúng ta muốn gì và cần làm gì ?...
Hôm nay chúng tôi cùng chia sẻ với độc giả năm vấn đề mà blogger Bùi Quang Minh đăng trên FB cá nhân (1) :
1. Đừng bao giờ cho địch tỏ ra có chính nghĩa hơn mình. Đó là phương pháp chiến thắng đầu tiên và lâu dài nhất.
Nói về chính nghĩa thì chắc chắn phần thắng nghiêng về phía chúng ta, những người đang dấn thân cho dân chủ. Đảng cộng sản đã ‘hoàn thành’ vai trò lịch sử của mình trong chiến tranh và bây giờ là công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Thời gian từ năm 1975 đến nay chứng minh rằng đảng cộng sản đã thất bại hoàn toàn trong công cuộc xây dựng đất nước. Họ chỉ ‘giỏi đánh nhau’ chứ không giỏi làm kinh tế. Trong thời đại mới thì tính chính danh của một đảng cầm quyền phải đến từ lá phiếu của người dân chứ không thể áp đặt hoặc nói khơi khơi rằng ‘chúng tôi có công giành độc lập nên chúng tôi phải cầm quyền suốt đời’.
Chúng ta cần khẳng định rằng tự do và dân chủ là nhu cầu tất yếu của người dân Việt Nam, mỗi người dân cần lên tiếng và đòi hỏi mạnh mẽ yêu cầu này. Phải có cạnh tranh chính trị lành mạnh, nếu đảng cộng sản chiến thắng một cách minh bạch và đàng hoàng trong các cuộc bầu cử công khai thì đảng cộng sản vẫn tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước. Không ai muốn và có đủ phương tiện hoặc vũ lực để lật đổ chế độ cộng sản. Tất cả mọi người chỉ muốn và yêu cầu đảng cộng sản chấp nhận luật chơi dân chủ trong môi trường đa đảng. Đất nước là của chung chứ không phải chiến lợi phẩm của người chiến thắng. Dân chọn đảng nào thì đảng ấy sẽ trở thành đảng cầm quyền.
2. Người ta chỉ chiến đấu hăng hái khi cảm thấy mình không đơn độc.
Nhiều người dấn thân tranh đấu cho dân chủ sau một thời gian thì bỏ cuộc và một trong những lý do quan trọng khiến họ bỏ cuộc đó chính là sự cô đơn. Muốn không cô đơn thì chỉ có mỗi cách là tham gia vào một tổ chức chính trị. Một câu nói mà ai cũng biết đó là ‘muốn đi nhanh thì nên đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhiều người’. Dấn thân cho dân chủ là một cuộc hành trình dài, buồn tẻ, mệt nhọc…như băng qua sa mạc, nếu không có đồng đội và sự động viên chia sẻ thì sớm muộn gì cũng bỏ cuộc. Đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Một cá nhân dù xuất chúng đến đâu mà không có tổ chức thì cũng chỉ là một nhân sĩ, cũng giống như một ngôi sao cô đơn hay một ông ‘tướng không quân’.
Đảng cộng sản không sợ người tài, người hùng mà chỉ sợ những người có tổ chức. Tổ chức là chổ dựa tinh thần và cả vật chất. ‘Mãnh hổ nan địch quần hổ’, một người có tổ chức sẽ vững tin hơn là người không có tổ chức. Có lẽ người Việt đã nhận ra sự cần thiết của tổ chức tuy nhiên để có thể tham gia vào trong tổ chức mà không bị thất vọng thì cũng cần có sự chuẩn bị, ít nhất là về mặt tâm lý. Cuộc sống độc thân khác với cuộc sống gia đình. Bao dung và chấp nhận các ý kiến khác biệt là nguyên tắc căn bản để mỗi người có thể ‘sống chung’ trong môi trường tổ chức.
3. Chiến đấu không lý tưởng là kẻ cuồng tín, ngông cuồng và điên dại.
Một trong những lý do khiến phong trào dân chủ Việt Nam không thể hình thành nên những tổ chức chính trị đủ lớn và có tầm vóc mà Tập Hợp nhiều lần nói đến đó là chúng ta không ý thức được sự quan trọng của ‘tư tưởng chính trị’. Không có Kinh thì không thể có Đạo. Không có ‘tư tưởng chính trị’ được cụ thể hóa bằng một ‘Dự án chính trị’ thì không thể có một tổ chức chính trị đúng nghĩa. Để hình thành nên một ‘tư tưởng chính trị’ mà mọi người có thể chấp nhận được cần rất nhiều thời gian, nó chiếm gần hết thời gian của một cuộc cách mạng. Có lẽ vì quá khó nên nhiều tổ chức chính trị của người Việt đã bỏ qua giai đoạn này vì thế các tổ chức đó không thể đi được xa.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều tổ chức ra đời một cách vội vã và tàn lụi cũng rất nhanh chóng. Nhiều cá nhân cũng vậy, sau một thời gian ngắn nổi đình nổi đám rồi lặng lẽ rút lui không kèn không trống. Nhiều người thì mất phương hướng nên lạc lối vào những chuyện cãi vã cá nhân tầm phào. Cũng có những người ban đầu rất hăng hái nhưng rồi dần dần mệt mỏi vì không biết nói gì, làm gì nữa…
4. Một khi người ta cảm nghĩ mình hy sinh chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng thì cuộc chiến đấu ấy chẳng còn sự hào hứng, ý nghĩa gì.
Chính vì không có tư tưởng dẫn đường nên vẫn có người nghĩ rằng ‘mình chiến đấu cho kẻ khác thụ hưởng’. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng và xác quyết rằng, dân chủ hóa đất nước là bổn phận của tất cả mọi người Việt Nam còn ưu tư đến tương lai giống nòi. Tùy theo khả năng và điều kiện của mình mà mỗi người có một cách đóng góp khác nhau. Không có chuyện ai cũng có thể làm giống ai. Mỗi người, mỗi tổ chức có một phương pháp và sự chọn lựa khác nhau và đó là quyết định của mỗi người, mỗi tổ chức. Mọi sự hy sinh sẽ được người dân ghi nhận và không có sự hy sinh nào là vô ích. Chúng ta cũng không nên quá áy náy hay dằn vặt bản thân khi mình không làm được như người khác. Chỉ đáng trách nếu bạn không làm gì hay im lặng, mũ ni che tai. Phong trào dân chủ cũng như một đội quân chiến đấu bao gồm nhiều bộ phận khác nhau như chỉ huy, tham mưu, trinh sát, chiến đấu, tiếp viện, cứu thương, hậu cần…bộ phận nào cũng cần thiết và quan trọng.
Chúng ta cũng cần xác định rõ là sự dấn thân của chúng ta là vì chính bản thân chúng ta, vì gia đình chúng ta, vì tương lai con cháu chúng ta và sau cùng là vì tổ quốc của chúng ta, vì danh dự của chúng ta. Quan tâm và dấn thân cho dân chủ bằng cách tham gia vào chính trị luôn là quan tâm và ưu tư của một thiểu số nhỏ tinh hoa của đất nước. Vì vậy nếu bạn đã dấn thân tranh đấu thì đừng bao giờ nghĩ là ‘mình hy sinh cho người khác hưởng’, nếu tính toán thiệt hơn như vậy thì tốt nhất là không tham gia vì sớm muộn gì bạn cũng sẽ chán nản vì ‘mất hào hứng và ý nghĩa’.
5. Hãy nghĩ đến những thế hệ trước đã hy sinh cho mình. Bây giờ đến lượt mình phải hy sinh cho những thế hệ sau. Mọi người đều có một ý nghĩa ấy thì không một thứ giặc nào có thể áp đảo được ta.
Thế hệ chúng ta đã rất may mắn khi được thụ hưởng những thành quả tranh đấu không ngừng nghĩ của lớp cha ông đi trước. Không chỉ mỗi vật chất và phương tiện dồi dào mà tư duy chúng ta cũng đã được khai phóng rất nhiều. Thời phong kiến chỉ cần phạm húy (hay khi quân) là có thể mất mạng ngay lập tức.
Ngày nay thế giới đã thay đổi chóng mặt, với internet và mạng xã hội chúng ta có thể bày tỏ chính kiến của mình tự do mà không bị ai kiểm duyệt. Điều đáng nói là trong thế giới cởi mở đó thì dân tộc Việt Nam vẫn còn bị chế độ cộng sản kìm kẹp và ngăn cấm đủ thứ đặc biệt là ngăn cấm tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do bày tỏ quan điểm trái nghịch với chính quyền.
Vụ bắt giữ mới nhất một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ là Nguyễn Văn Túc nói lên một điều rất quan trọng là chính quyền cộng sản đã lấy quyết định đàn áp các tiếng nói bất đồng dù ôn hòa đến đâu đi chăng nữa. Đảng cộng sản nhất định không thay đổi. Nguyễn Văn Túc là người thực thà, thẳng thắn và khiêm tốn. Túc kiên trì tranh đấu dù sức khỏe kém và rất nghèo. Túc trước hết là một dân oan và chỉ quan tâm tới các đòi hỏi dân chủ sau khi nhận ra rằng công lý thực sự chỉ có thể có trong một chế độ dân chủ. Trước đây cũng chỉ vì thân với Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng) và vì muốn tiếp tay với anh em mà Túc bị xử bốn năm tù trong vụ rải truyền đơn và căng biểu ngữ. Túc hoàn toàn không âm mưu lật đổ chế độ và cũng không có lực lượng và phương tiện để làm việc đó. Túc chỉ nói lên tiếng nói phẫn nộ của lương tâm.
Chúng ta cần chấm dứt ý định ‘khuyên nhủ’ đảng cộng sản thay đổi vì nó sẽ vô ích mà làm mãi một việc biết chắc là vô ích thì rất là vô duyên và vô nghĩa.
*****************
Chúng ta nợ tiền nhân và con cháu rất nhiều. Để đất nước ra nông nỗi như ngày hôm nay, mỗi người trong chúng ta đều có lỗi. Chúng ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử của dân tộc, chọn lựa con đường nào để dấn thân là quyết định của mỗi người. Điều mà chúng tôi muốn chia sẻ nhiều nhất với mọi người đó là hãy tranh đấu có tổ chức và có lý tưởng. Nên đánh giá một người, một tổ chức bằng việc người đó, tổ chức đó đã làm được những gì để góp phần xây dựng nên các tổ chức chính trị dân chủ đối lập thật sự cho Việt Nam.
Một thân hữu của Tập Hợp vừa đưa ra ý kiến rằng ‘Tập Hợp chỉ mới tập trung đi sâu vào đường lối chính trị (tư tưởng chính trị) còn những vấn đề khác chưa được chú trọng đúng mức’. Những vấn đề khác đó là ‘chiến lược về nhân sự, tiếp thị, tài chính để đảm bảo bộ máy vận hành tốt và thực hiện thành công’ mục tiêu đề ra.
Thật ra là Tập Hợp vẫn tiến về phía trước, đành rằng Tập Hợp không tiến nhanh như nhiều người mong muốn và trông thấy.
Về nhân sự, tức là ‘xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt’ (bước thứ hai trong lộ trình năm bước của một cuộc cách mạng dân chủ mà Tập Hợp đề nghị trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai) thì Tập Hợp vẫn đang tiếp tục một cách bền bỉ trong cố gắng. Quá trình tìm kiếm và xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt của Tập Hợp rất cần thời gian và không thể ầm ĩ hay công khai. Những thành viên này đến với Tập Hợp vì muốn chia sẻ với lý tưởng của Tập Hợp và muốn làm tác nhân của lịch sử thay vì nạn nhân của lịch sử. Có thể tự tin để nói rằng trong Tập Hợp có nhiều người nắm vững tư tưởng của tổ chức và hiểu rõ về chính trị (Việt Nam cũng như thế giới) nhất so với các tổ chức khác.
Về tiếp thị, hiện tại Tập Hợp có ba cơ quan truyền thông chính là :
- Website Thông Luận (https://www.thongluan-rdp.org/)
- Blog Thông Luận (http://thongluan2016.blogspot.com)
- Fanpage Thông Luận (https://www.facebook.com/thong.luan.1/)
"Một nhận xét rất quan trọng là hai giai đoạn đầu, xây dựng một cơ sở tư tưởng và hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, chiếm gần hết thời giờ và công lao của một cuộc cách mạng. Phải vài thập niên mới có nổi một cơ sử tư tưởng đúng đắn, lành mạnh, được quần chúng chia sẻ và một đội ngũ cán bộ chừng vài trăm người với vài chục người là những cán bộ thực sự nòng cốt, nắm vững cơ sở tư tưởng, có bản lãnh, có quyết tâm, có kỹ thuật và kỷ luật đấu tranh. Nhưng một khi hai yếu tố này đã có, tổ chức có thể dựa vào một vận hội lịch sử mà phát triển rất nhanh chóng và giành được thế chủ động trong vòng vài năm, thậm chí vài tháng" (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2).
Thế nào là một ‘anh hùng bàn phím’ ?
Đó là những người (thường) giấu mặt, sử dụng bàn phím và mạng xã hội để bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân một cách cực đoan bất chấp mọi lý luận.
Anh hùng bàn phím là những người (thường) giấu mặt - Ảnh minh họa
Đặc điểm chung của các ‘anh hùng bàn phím’ là :
1. Giấu mặt.
Trên mạng xã hội thì các tài khoản cá nhân có thể lập ra mà không cần khai tên thật. Điều này có ưu điểm là để bảo vệ những tiếng nói trái chiều với chính quyền trong các nước độc tài. Mặt trái của việc giấu tên là rất nhiều kẻ ủng hộ chính quyền (thường được gọi là ‘dư luận viên’) và một thiểu số cực đoan tha hồ chửi bới, chụp mũ, lăng mạ những người bất đồng chính kiến. Những người có tên tuổi hẳn hoi thường kiềm chế, bình tĩnh và có trách nhiệm hơn trong việc phát ngôn.
Một số người hoạt động chính trị, có thể phải dùng bí danh để viết bài nhưng không thể xem đó là sự giấu mặt nếu họ tham gia vào một tổ chức chính trị nào đó.
2. Viết những điều tào lao, nhăng cuội, cực đoan nhằm gây phân tâm cho người khác.
Chính vì giấu mặt nên các ‘anh hùng bàn phím’ tha hồ nói, viết và đẩy những sự việc bình thường thành nghiêm trọng hoặc phiến diện khiến dư luận, nhất là những người thiếu thông tin bị hoang mang khiến họ bị phân tâm một cách tiêu cực. Ví dụ trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nhiều ‘anh hùng bàn phím’ vì bênh vực chính quyền Việt Nam nên đã lên mạng chửi bới nước Đức thậm tệ bất chấp sự thật, bất chấp những ảnh hưởng mà cộng đồng người Việt tại Đức phải gánh chịu.
3. Kích bác, chụp mũ và tấn công những người không cùng chính kiến.
Một đặc điểm để nhận ra các ‘anh hùng bàn phím’ là ngôn ngữ hằn học, chợ búa, tục tĩu, bất dung mà họ dành cho những người ‘bất đồng chính kiến’ đối với họ. Những người này không ngần ngại sử dụng ‘bạo lực ngôn ngữ’ để tấn công người khác thay vì tranh luận có tình có lý. Với họ khái niệm ‘tự do ngôn luận’ là mặc sức chửi bới người khác.
4. Đánh bóng bản thân để nổi tiếng, câu like, câu view…
Đặc điểm ít nguy hiểm nhất nhưng gây không ít khó chịu cho người khác của các ‘anh hùng bàn phím’ đó là thích nổ, tạo scandal, đưa tin giật gân để nổi tiếng. Các nghệ sĩ nửa mùa và các ‘nhân sĩ’ là hay dùng cách này nhất.
5. Ngụy biện.
Phương pháp thường dùng của các ‘anh hùng bàn phím’ là sự ngụy biện. Điều này không khó để nhận ra khi chúng ta bình tĩnh để đánh giá mục đích của bài viết. Nếu là để học hỏi, khai dân trí, mở mang kiến thức và góp phần vào sự nghiệp dân chủ hóa đất nước thì không sao, còn nếu họ cứ nằng nặc bênh vực chế độ, ca ngợi kẻ cầm quyền và đổ hết trách nhiệm cho người dân thì rõ ràng đấy là sự ngụy biện nhằm bao che cho chế độ.
Ngôn ngữ là công cụ để chuyên chở và truyền tải tư tưởng của con người. Cũng là nói, là viết nhưng nói cái gì, viết cái gì thì lại hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có thể nói, cũng có thể viết nhưng có người viết-nói ra thì bị chê cười nhưng có người nói ra, viết ra thì người khác có thể cảm nhận ngay được sự uyên bác và thông minh. Lý do ! Tư duy và trí tuệ của con người khác nhau. Luôn có người thông minh-người kém hiểu biết, người khôn-người dại, người sáng suốt-người tối dạ, người là tỉ phú-người bần hàn, người cao sang-người hèn kém…Sự chênh lệch về hiểu biết này luôn tồn tại trong mọi xã hội nhưng mức độ và sự khác biệt đó sẽ giảm thiểu đáng kể dưới các quốc gia cởi mở, dân chủ và tự do.
Có ý kiến cho rằng ‘nói thì dễ, ai nói cũng được, làm mới khó’, sự thực không phải lúc nào cũng vậy. Có những người suốt đời họ chỉ ‘nói và viết’ như các chính trị gia, luật sư, giáo viên, các chuyên gia tâm lý, tư vấn, các nhà nghiên cứu và khoa học, các tu sĩ…Chúng ta có thể nhớ lại việc ông Obama sau khi vừa rời nhà Trắng, được mời đến nói chuyện tại một cuộc hội thảo và tiền thù lao cho buổi nói chuyện đó lên đến 400.000 USD.
Trong lịch sử Trung Quốc cũng có những nhà thuyết khách nổi tiếng như Trương Lương, Tôn Tử, Gia Cát Lượng…Họ cũng chỉ dùng lời nói để chiến thắng kẻ thù, lưu danh thiên cổ và đạt được đỉnh cao quyền lực. Chuyện ‘chém gió’ sau bàn phím cũng như vậy, có người nhanh chóng nổi tiếng vì sự uyên bác của mình nhưng cũng có người phát ngôn để chọc cho thiên hạ chửi.
Chúng ta hay nghe câu ‘nói dễ, làm khó’ nhưng đã có bao giờ bạn thấy ông sếp trong các công ty hay các chính trị gia đụng tay đụng chân vào việc gì chưa ? Ông bà ta có câu ‘một người lo bằng cả kho người làm’. Người suy nghĩ và làm việc bằng đầu óc mới là giỏi và được trả lương cao nhất. Người công nhân và nông dân vất vả làm lụng suốt ngày nhưng thu nhấp luôn thấp nhất. Khả năng của con người là khác nhau vì thế mọi người sẽ làm công việc phù hợp nhất với bản thân để đem lại kết quả cuối cùng tốt nhất cho bản thân và xã hội. Không thể bắt một ông luật sư đi làm cửu vạn để ông cửu vạn đi làm luật sư.
Ngôn ngữ là sản phẩm của tư tưởng nên mới có câu ‘đọc văn biết người’. Tư tưởng của con người sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà chính trị nổi tiếng. Tư tưởng và trí tuệ của con người được khai phóng trong thế kỷ 18 đã tạo ra các cuộc cách mạng công nghệ khiến nền văn minh nhân loại thay đổi ngoạn mục. Loài người đã khám phá ra rằng tự do suy nghĩ, tự do diễn đạt và tự do ngôn luận là nhân tố tạo ra các phát minh và sáng kiến mới để thay đổi thế giới. Nhờ tự do suy nghĩ, tự do tư tưởng mà nước Mỹ đã sinh ra Bill Gate (Microsorf), Mark Zuckerberg (Facebook), Steve Jobs (Apple)…
Một nguyên nhân khiến Việt Nam thua thiệt và tụt hậu với thế giới là do người dân bị mất tự do dưới chế độ cộng sản, một chế độ độc quyền về tư tưởng, ngăn cấm và đàn áp các tiếng nói độc lập và bất đồng chính kiến. Cũng vì sống lâu dưới chế độ hà khắc đó mà người Việt cũng trở nên bất dung với những tiếng nói cổ vũ cho tự do và dân chủ. Lý do thứ hai khiến người Việt dị ứng với những tiếng nói bất đồng là thói quen tôn sùng bạo lực. Văn hóa tôn thờ bạo lực có nguồn gốc từ văn hóa Khổng giáo và được chế độ cộng sản đẩy lên đỉnh điểm. Xã hội Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng nề về văn hóa và đạo đức mà bạo lực là một biểu hiện nguy hiểm của nó. Bạo lực từ đường phố đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong cuộc sống của con người và tràn lên cả mạng xã hội bằng một thứ được gọi là ‘bạo lực ngôn ngữ’. Một bài phân tích khá đầy đủ về tình trạng bạo lực của người người Việt Nam mà độc giả có thể tham khảo là bài viết của tác giả Phạm Vũ Mai ‘Có những người Việt hung hãn, độc ác…’ (1).
‘Trung ngôn nghịch nhĩ’, những lời nói không đúng ý mình thường khó nghe. Không những chỉ mỗi đảng cộng sản khó chịu vì điều đó mà ngay cả một số trí thức Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Một số cựu quan chức cộng sản đã ly khai nhưng vẫn bày tỏ sự không đồng tình với những ý kiến chỉ trích giới trí thức Việt Nam vì theo họ, trí thức Việt Nam như thế là tốt, là tuyệt vời, là đã hoàn thành bổn phận của mình và không đáng bị chê trách, chỉ trích…Những người này quên mất câu ‘đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách’, trí thức luôn phải là bộ não, là tư tưởng, là sự phát ngôn của đất nước để dẫn đường chỉ lối cho người dân. Cách mạng Tháng 8 với việc lên ngôi, lãnh đạo và dẫn dắt của tầng lớp ‘bần cố nông’ đã gây ra một thảm kịch cho Việt Nam đến tận ngày hôm nay hình như vẫn chưa làm trí thức Việt Nam tỉnh thức để nhận lãnh trách nhiệm của mình.
Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng từng nói ‘Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước ? Chưa làm gì cả…’ Bà quên mất câu ‘Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra’ rồi chăng ? Mọi người dân đều có quyền chất vấn, chỉ trích chính phủ và chính phủ phải có trách nhiệm giải trình vì chính phủ ăn lương của dân để làm việc cho dân. Không hiểu bà Ngân muốn người dân và các tổ chức phải ‘làm gì ?’ Bạo động, biểu tình chăng ? Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức dân chủ đối lập là đấu tranh ôn hòa bằng cách đưa ra một ‘Dự án chính trị’ để làm ‘giải pháp thay thế’ cho ‘giải pháp cộng sản’ đã được thực tế chứng minh là thất bại hoàn toàn. Chúng tôi cố gắng để thuyết phục người dân và trí thức Việt Nam để họ chọn giải pháp của chúng tôi và chúng tôi sẽ làm đúng như những gì đã đề nghị trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai dưới sự giám sát của người dân thông qua báo chí và các đảng đối lập.
Quay trở lại chuyện các ‘anh hùng bàn phím’. Vậy ‘anh hùng bàn phím’ có nguy hiểm không ? Và nên đối phó với các ‘anh hùng bàn phím’ bằng cách nào ?
Ai cũng biết sự ra đời của internet và các trang mạng xã hội là một bước tiến vĩ đại của con người. Sản phẩm mới này đã cho phép con người tương tác và kết nối với nhau trên diện rộng, đồng thời giúp con người bày tỏ chính kiến của mình một cách ngay lập tức mà không bị ai kiểm duyệt. Tất nhiên cũng như mọi thứ trên đời, mạng xã hội cũng có hai mặt tốt và xấu. Có thể hình dung mạng xã hội giống như một cái chợ, thượng vàng hạ cám, tốt xấu, hay dở, văn minh-hủ lậu, trí tuệ-bất lương…tất tật đều có cả trong đó. Mỗi người vào chợ (cũng như vào mạng) để tìm thứ mình cần và trên mạng thì luôn có tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người. Cái xấu trên mạng không ít nhưng không thể vì thế mà ‘không họp chợ’ hay đóng cửa các trang mạng.
Các ‘anh hùng bàn phím’ trên mạng cũng giống như mấy tên say rượi mò vào chợ gây gỗ và chửi bậy. Tốt nhất là không cần tranh cãi với những kẻ cực đoan, bất chấp lý luận vì ‘nói với thằng say như vay không trả’. Mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu về xã hội để có thể nhận biết được đâu là thông tin đứng đắn, đâu là thông tin độc hại để không bị các thế lực hắc ám dẫn dắt và chi phối. Cũng như người đi chợ thông minh, nên biết mình cần cái gì, mua cái gì, chọn cái gì, mua ở đâu và mua của ai ? Thực tình thì mỗi người hay mỗi tổ chức đều có một cuộc sống cũng như một tương lai tương xứng với trí tuệ và hiểu biết của chính mình.
Việt Hoàng
(28/8/2017)
(1) https://www.thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/3378-co-nh-ng-ng-i-vi-t-hung-han-d-c-ac
Chúng ta cần nhớ về một sự kiện lịch sử xảy ra cách đây 72 năm và hậu quả của nó vẫn còn kéo dài đến tận ngày hôm nay : Cách mạng tháng 8 năm 1945.
Theo những gì mà chúng ta được biết thì đó là ngày Việt Nam giành được độc lập, kết thúc hơn 80 năm bị thực dân Pháp đô hộ và hai nghìn năm phong kiến. Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy và cướp được chính quyền từ tay ‘Đế quốc Việt Nam’ do ông Trần Trọng Kim làm thủ tướng dưới sự bảo hộ của Đế quốc Nhật Bản vừa bị quân đồng minh đánh bại trong Chiến tranh Thế giới lần Hai. Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn buộc phải thoái vị đánh dấu cho sự chấm hết của chế độ phong kiến tại Việt Nam.
Cách mạng tháng 8 đã diễn ra trong một khí thế hừng hực với lòng mong muốn độc lập-tự do của người dân Việt Nam dâng cao ngút trời. Đảng cộng sản (Việt Minh) dù lực lượng không lớn, chỉ vài trăm người với kiến thức thô sơ và rất ít vũ khí nhưng vì là lực lượng duy nhất có tổ chức vào lúc đó nên họ đã nhanh chóng áp đảo được các tổ chức khác và dành được chính quyền trong hòa bình.
Cách mạng tháng 8 năm 1945
Hơn 70 năm trôi qua, và đến giờ, có lẽ đa số người Việt Nam đã nhận ra rằng cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 đáng lẽ phải mở ra một thời kỳ độc lập và phát triển cho đất nước, Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các nước trong khu vực và không đến nỗi tụt hậu bi đát như bây giờ thì tiếc thay, một cơ hội lớn đã bị bỏ lỡ và một thảm kịch, một đại nạn chưa từng có trong lịch sử dân tộc đã bắt đầu từ ngày đó.
Nhìn vào chính trường Việt Nam ngày hôm nay chúng ta có thể cảm nhận một cơn giông bão đang vần vũ báo hiệu cho một cuộc cách mạng sẽ nổ ra, một sự thay đổi bắt buộc phải đến trước khi Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Cuộc cách mạng sắp đến sẽ như thế nào ? Nó sẽ mang đến một cơ hội, một vận hội mới cho đất nước hay tiếp tục mở ra một thảm kịch mới ? Phải làm gì để lịch sử đau thương không tái hiện ?
Một nhà nghiên cứu công phu và có chiều sâu về cuộc Cách mạng tháng 8/1945 chính là ông Nguyễn Gia Kiểng. Ông đã viết nhiều bài viết sâu sắc về chủ đề này và một trong số đó là bài ‘Rút kinh nghiệm từ hai cuộc Cách mạng’ (1). Với bản thân người viết thì cách giải thích của ông về sự kiện này là hoàn toàn thuyết phục. Ông đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi ‘Vì sao biến cố lịch sử đó đã xảy ra và đã xảy ra như thế ?’
Nguyên nhân lớn nhất khiến Cách mạng tháng 8 trở thành thảm kịch cho dân tộc Việt Nam đó là vì chúng ta thiếu hụt trầm trọng về ‘tư tưởng chính trị’, người dân và trí thức Việt Nam đã không chuẩn bị về tư tưởng, đội ngũ nhân sự chính trị để đón nhận sự thay đổi vì thế đảng cộng sản Việt Nam, với tư tưởng độc hại là chủ nghĩa Mác-Lênin đã cướp được chính quyền và độc chiếm Việt Nam từ đó đến nay.
Cách Mạng Tháng 8 sẽ mang đến một cơ hội, một vận hội mới cho đất nước hay tiếp tục mở ra một thảm kịch mới ?
‘Nhìn lại giai đoạn Cách Mạng Tháng 8, chúng ta không thấy một nhà tư tưởng nào và cũng không thấy một người nào chứng tỏ sự hiểu biết tạm được về những triển vọng và nguy cơ đang chờ đợi đất nước lúc đó. Chúng ta không hề thấy một dự án chính trị nào. Thanh niên hăm hở lên đường nhưng lên đường để đi đến đâu thì không biết, chỉ tin là "đi hiên ngang tới phương trời tươi sáng". Rất thơ mộng nhưng không phải giải đáp. Thanh niên thế hệ 1945 thực không may. Sự thiếu sót này đến nay hình như vẫn chưa ý thức đầy đủ. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng không cần lý thuyết, chỉ cần hành động, không cần nói mà chỉ cần làm. Vẫn còn rất nhiều người nghĩ rằng có thể tranh đấu mà không cần có tư tưởng. Vẫn có những người cho rằng họ có tư tưởng chỉ vì họ không hiểu thế nào là tư tưởng. Và quần chúng, kể cả quần chúng tốt nghiệp đại học, thì nhìn mọi người và mọi tổ chức như nhau’ (1).
Sự thất bại của đảng cộng sản trong việc quản trị đất nước đã quá rõ ràng trong mọi lĩnh vực. Chưa bao giờ quan chức và đảng cộng sản bị người dân coi thường, chế diễu và nhục mạ nặng nề đến như vậy, tuy nhiên để chuẩn bị cho một Việt Nam dân chủ hậu cộng sản thì không phải ai cũng ý thức được là cần làm những gì ? Cần chuẩn bị ra sao ? Đáng lo hơn khi một số người vẫn không biết, không hình dung ra được tương lai hậu cộng sản sẽ như thế nào ? Họ vẫn không thấy, không biết và không ủng hộ cho bất cứ một lực lượng hay một tổ chức chính trị dân chủ đối lập nào. Sự thiếu hụt trầm trọng về kiến thức và tư tưởng chính trị này dẫn đến hệ quả là đa số ngồi chờ…sung rụng.
Một số trí thức thì ủng hộ cho các phe phái trong đảng ‘đánh nhau’, người thì ủng hộ ông Trọng, người thì ủng hộ ông Dũng. Trong nhiều trường hợp sự ủng hộ đó rất hài hước, nông cạn và thô thiển. Lại có những người đặt câu hỏi rất ngô nghê rằng ngoài cộng sản ra họ không thấy có ai xứng đáng để lãnh đạo đất nước. Có người thì mong một Gorbachev (phiên bản Việt Nam) xuất hiện, có người thì mong đảng ‘tự thay đổi’…Rất ít người đặt niềm tin vào trí tuệ của người Việt, tin vào những người chưa có ‘thành tích khủng bố’ gì trong quá khứ như đảng cộng sản đã làm ! Có người vẫn cho rằng tư tưởng và lý thuyết không cần thiết, cần làm hơn cần nói nhưng làm gì thì họ không biết.
Việt Nam có thừa trí thức trong mọi lĩnh vực nhưng lại rất thiếu ‘trí thức chính trị’. Ai cũng cho rằng mình biết và hiểu rõ về chính trị nhưng thực tế là họ không biết ngay cả những điều cơ bản nhất. Ví dụ, đấu tranh chính trị luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chứ không phải giữa các cá nhân. Điều này dẫn đến việc thay vì thành lập, tham gia và ủng hộ cho các tổ chức chính trị thì nhiều người chọn con đường tranh đấu cá nhân. Cũng vì thiếu kiến thức, nên vẫn có người cho rằng có thể tranh đấu mà không cần tư tưởng, vì thế những người đấu tranh một mình sớm muộn cũng sẽ mất phương hướng, lạc lối, bỏ cuộc hoặc sa lầy vào những tranh chấp, cãi cọ cá nhân đời thường. Những người không biết đặt niềm tin vào ai hoặc các tổ chức đối lập dân chủ vì họ không hiểu rằng ai chiến thắng về tư tưởng thì người đó sẽ chiến thắng trong thực tế, một cuộc ‘vận động tư tưởng’ phải đi trước và dẫn đường cho một cuộc ‘cách mạng dân chủ’ trong tương lai.
‘Hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng’ luôn luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của giới trí thức tinh hoa trong mọi thời đại và trong bất kỳ thời điểm nào của lịch sử. ‘Trí thức bao giờ cũng phải là người phát ngôn của đất nước, tư tưởng của trí thức cũng là tư tưởng của quần chúng’. Rất tiếc là không ít trí thức Việt Nam, vì không có tư tưởng gì nên họ không biết ‘hướng dẫn’ người dân làm cái gì và không biết ‘phát ngôn’ cái gì ngoài việc khuyên nhủ, lên án và chửi bới đảng cộng sản.
Chủ nghĩa cộng sản do Mác và Ănghen chủ trương đã được thành lập rất sớm ở Châu Âu sau đó mới được du nhập vào Nga, Trung Quốc và Việt Nam (Đệ nhất Quốc tế được thành lập ngày 28/9/1864), tuy nhiên các đảng cộng sản ở Châu Âu chưa bao giờ dành được chính quyền ở bất cứ đâu bằng con đường danh chính ngôn thuận thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Lý do khiến các quốc gia ở Châu Âu (trừ nước Nga) đã tránh được thảm họa cộng sản là vì trí thức tại các nước đó đã làm tròn trách nhiệm của mình, họ đã phân tích và lên tiếng cảnh báo cho người dân thấy được sự vô lý, hoang tưởng và độc hại của chủ nghĩa cộng sản. Trong khi đó, tại Việt Nam, trước khi xảy ra Cách mạng tháng 8, thì ngay cả những triết gia nổi tiếng nhất được đào tạo tại Pháp như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường vẫn ủng hộ cộng sản thay vì ủng hộ con đường đấu tranh ôn hòa, bất bạo động của nhà dân chủ đầu tiên của Việt Nam, cụ Phan Chu Trinh.
Ngày hôm nay, sự thiếu hụt về tư tưởng trong giới trí thức Việt Nam vẫn còn đó. Không ít người vẫn ủng hộ chế độ cộng sản dù biết rõ là nó tai hại và đang hủy hoại con người lẫn đất nước Việt Nam. Trí thức Việt Nam vẫn chưa thực sự xem ‘tư tưởng chính trị’ là cần thiết và quan trọng như là kim chỉ nam dẫn đường và hướng dẫn cho một cuộc cách mạng dân chủ trong nay mai. Hay nói như nhà văn Tưởng Năng Tiến trong bài viết ‘Nó rớt rồi sao ?’ rằng người Việt Nam vẫn chưa chuẩn bị để đón nhận dân chủ :
‘Cứ theo ý của của ông nhà báo (Ngô Nhân Dụng) (khó tính, khó nết) này thì "lỡ" mai, hoặc mốt, đám lãnh đạo Hà Nội chịu đội nón ra đi thì đến ngày kia (hay ngày kìa) nước Việt vẫn chưa có dân chủ đâu. Còn lâu, lâu lắm, bởi người Việt chưa sẵn sàng để sống trong một thể chế tự do ! Mà cái gì chớ "chuẩn bị" thì e không hợp với cái tạng của một dân tộc vốn chỉ thích (mì) ăn liền.
Không tin, cứ thử đặt một câu hỏi nhỏ (cỡ con thỏ) xem : "Nếu tuần sau nó đổ thì tuần tới nữa hệ thống giáo dục ở Việt Nam có vẫn còn tiếp tục dùng những cuốn sách giáo khoa hiện nay không" ?
Mọi người (trong cũng như ngoài) đều sẽ đỏ mặt lên ngay vì chả ai có thể trả lời được câu hỏi giản dị thượng dẫn, trừ nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm. Ít nhất thì nhóm này cũng không đến nỗi ngượng ngập khi đáp rằng tuy ở vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng họ đã "làm việc thiện nguyện để xây dựng bộ sách giáo khoa làm mẫu theo định hướng hiện đại hóa nền Giáo dục Việt Nam".
Thế còn những nhóm khác ? Hàng tỉ bè nhóm, hội hè, đoàn thể, phe đảng (của những kẻ tị nạn chính trị, sống an ổn bên ngoài đất nước) thì làm gì – hơn bốn mươi năm qua – để chuẩn bị cho một Việt Nam mai hậu (2) ?’
Trong giáo dục, Việt Nam may mắn vì có nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm đã bỏ công sức ra để viết một bộ sách dạy học mới theo tiêu chuẩn hiện đại và khai phóng. Vậy còn trong lĩnh vực chính trị thì sao ? Ngoài Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với tên gọi ‘Khai Sáng kỷ Nguyên Thứ 2’ thì đã có một tổ chức chính trị nào có được một ‘Dự án chính trị’ nào khác không ? Đã có bao nhiêu trí thức Việt Nam lên tiếng ủng hộ cho Dự án Chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ? Những đề nghị trong dự án đó có đúng đắn và khả thi cho Việt Nam hay không ? Ai sẽ ‘thẩm định’ tính khả thi và đúng đắn của các dự án chính trị đó nếu không phải là trí thức Việt Nam ?
Mai này người dân Việt Nam muốn chọn lựa một chế độ chính trị khác ngoài đảng cộng sản ra thì họ biết chọn ai ? Lực lượng hay tổ chức chính trị nào ? Ai sẽ hướng dẫn cho họ ? Làm sao để biết được tổ chức chính trị nào đó tốt hay xấu ? Có viễn kiến hay không ? Trí thức Việt Nam đang làm gì và đang ở đâu ? Bao giờ thì trí thức Việt Nam mới chịu thức tỉnh và lên tiếng ?
Việt Hoàng
(18/8/2017)
Vụ an ninh Việt Nam sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang còn nóng trong dư luận. Tuy nhiên các cuộc ‘tranh luận’ về chủ đề ‘chống tham nhũng’ của đảng cộng sản lại còn nóng hơn. Có những ý kiến cho rằng vụ bắt Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và vì thế họ ủng hộ cái giá mà Việt Nam phải trả.
Có những ý kiến cho rằng vụ bắt Trịnh Xuân Thanh chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và vì thế họ ủng hộ cái giá mà Việt Nam phải trả
Tham nhũng là một trong ba mối nguy của Việt Nam (cùng với ô nhiễm môi trường và sự lệ thuộc vào Trung Quốc). Sự tàn phá của tham nhũng vô cùng kinh khủng. Nó hủy hoại tất cả. Nó đặt những kẻ bất tài, độc ác vào những vị trí cần người có năng lực và tử tế. Nó làm tha hóa tất cả, nó biến đen thành trắng, biến người xấu thành tấm gương, biến cái ác thành sự bình thường, nó làm đảo lộn hoàn toàn mọi giá trị trong cuộc sống. Tham nhũng khiến ngân sách trống rỗng và để bù đắp vào sự thiếu hụt đó chính quyền chỉ còn cách móc túi người dân ngày càng trắng trợn và thô bạo. Tham nhũng hủy hoại niềm tin của con người vào đất nước và giữa con người với nhau. Tham nhũng khiến kinh tế trì trệ vì các doanh nghiệp chán nản và mệt mỏi khi phải bôi trơn và hối lộ thường xuyên các cơ quan công quyền. Tham nhũng khiến y tế và giáo dục trở nên đắt đỏ ngoài tầm tay với của đa số người dân nghèo.
Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai nhận định : "Cả nhân dân lẫn chính quyền đều đồng ý rằng tham nhũng là quốc nạn và là giặc nội xâm tàn phá đất nước nhưng có lẽ chúng ta chưa ý thức được một cách đầy đủ sự độc hại của nó và trong xã hội đang có khuynh hướng chấp nhận đành sống với nó như một định mệnh. Nó đang trở thành một luật chơi và một định chế. Nhưng tham nhũng không thể dung túng. Nó làm hư hỏng tất cả. Nó đưa những người bất xứng vào những chức vụ quan trọng, trao những dự án lớn cho những nhóm lợi ích gian trá. Nó làm hỏng quy luật thị trường, lưu manh hóa con người và biến quan hệ xã hội thành một cuộc thi đua bịp bợm. Nó loại bỏ kiến thức, nghiên cứu và sáng tạo. Nó khiến mọi dự án và kế hoạch công cũng như tư trở thành vô nghĩa và vô dụng. Nó tàn hại cả môi trường và cơ sở hạ tầng vì bao che những ô nhiễm và cho phép những thi công xây dựng và bảo trì gian trá. Một thí dụ là dự án Bô-xít Tây Nguyên và quyết định cho xây ồ ạt những lò điện hạt nhân ; cả hai dự án này đều phi kinh tế và còn đe dọa sinh mệnh đất nước nhưng vẫn được áp đặt vì có lợi lớn cho các cấp lãnh đạo tham ô. Một thí dụ khác là sự xuống cấp nhanh chóng của hệ thống cầu đường dù mới xây cách đây không lâu. Nó đe dọa cả an ninh quốc gia bởi vì nếu tiền mua được tất cả thì không có gì lạ nếu nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước trên thực tế là những nội ứng của nước ngoài. Ở mức độ hiện nay của nước ta nó vừa làm đất nước lụn bại, vừa đe dọa an ninh và chủ quyền, vừa khiến các ý niệm quốc gia, dân tộc mất hết ý nghĩa. Nếu không bị chặn đứng nó sẽ nhanh chóng hủy diệt đất nước”.
Câu hỏi quan trọng mà chúng ta cần phải có câu trả lời và đồng thuận với nhau đó là đảng cộng sản có thể chống được tham nhũng hay không ? Có lẽ là họ cũng muốn chống tham nhũng vì họ hiểu rằng tham nhũng đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên muốn là một chuyện còn làm được hay không lại là một chuyện khác.
Có những ý kiến về tham nhũng hoặc là quá dốt hoặc là cố tình bao biện cho chế độ khi nói rằng tham nhũng là vấn nạn chung, nước nào cũng có… Những người này cố tình không biết đến sự khác nhau rất lớn giữa 1% và 99%. Các nước dân chủ cũng có tham nhũng nhưng chỉ là một vài phần trăm, nó khác xa với Việt Nam với tỉ lệ tham nhũng là 99%. Tham nhũng ‘ổ bánh mì’ với tham nhũng trong những vụ đại án hàng tỉ đôla về bản chất là giống nhau những hậu quả hoàn toàn khác nhau. Tham sân si là bản chất của con người, ai cũng muốn vơ vét và trục lợi cho bản thân nếu có điều kiện và nếu không bị phát giác.
Tham nhũng gắn liền với quyền lực. Chỉ có những người có quyền lực mới có thể tham nhũng vì ‘tham nhũng là một vi phạm đạo đức bằng cách sử dụng công quyền cho lợi ích cá nhân’. Như vậy những kẻ tham nhũng đều là đảng viên có chức, có quyền. Những đảng viên thường thì cũng phải chịu chung số phận như 90 triệu người dân Việt Nam, có nghĩa là phải ‘chung chi, lót tay’ khi đến cửa quan. Lâu dần đút lót, hối lộ và phong bì đã trở thành ‘văn hóa’ của người Việt.
Những đảng viên có chức có quyền và có thể tham nhũng là ai ? Điều này ai cũng biết: tất cả họ đều là đồng chí của nhau và đều là đảng viên đảng cộng sản. Việt Nam không có dân chủ nên các cơ quan thuộc về lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chỉ là một, dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng cộng sản. Đã là đồng chí, cùng hội cùng thuyền và suốt ngày hội họp, ăn nhậu cùng nhau thì làm sao họ có thể xử nhau một cách nghiêm túc ? Ông Nguyễn Phú Trọng từng kết luận ‘chống tham nhũng rất khó vì ta chống ta’.
Biện pháp chống tham nhũng mà đảng cộng sản vẫn sử dụng suốt 70 qua là ‘phê bình và tự phê bình’ tức là cấp dưới thấy cấp trên sai thì phải phê bình và thấy mình sai thì phải tự phê bình mình cùng với đó là việc thường xuyên ‘học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’. Một câu chuyện bi hài về phê bình cấp trên trong một cuộc họp tổng kết cuối năm tại một cơ quan rằng, có ông bí thư chi bộ đứng lên phát biểu là ông muốn nghe những ý kiến phê bình của cấp dưới chứ không muốn nghe những lời tán dương vì ông đã chán ngán với những lời khen rồi. Ông động viên mãi cuối cùng mới có một người dũng cảm đứng lên phê bình ông rằng: ‘khuyết điểm lớn nhất và duy nhất của đồng chí bí thư suốt thời gian qua đó là đồng chí đã làm việc quá nhiều, đồng chí đã không quan tâm đúng mức đến sức khỏe của bản thân vì vậy tôi đề nghị đồng chí rút kinh nghiệm…’.
Với mức lương công bố năm 2016 thì lương của chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội là khoảng hơn 15 triệu đồng một tháng (1). Cấp tỉnh, huyện, xã chắc chắn phải thấp hơn. Tuy nhiên nhìn vào khối tài sản nổi (như nhà cửa, bất động sản) của các vị quan chức này thì ai cũng biết tiền đấy lấy từ đâu ra nếu không tham nhũng.
Văn hóa Khổng giáo đề cao ‘sự biết ơn’ một cách thái quá vào chính quyền, vào quá khứ vẫn đang còn ăn sâu trong tâm lý người Việt khiến cho chúng ta dễ thông cảm với việc tham nhũng và hậu quả là quan chức chính quyền xem việc tham nhũng như là một phần thưởng, một đặc ân mà nghiễm nhiên họ được hưởng. Đảng cộng sản luôn cho rằng họ đã có công đánh đuổi Pháp, Mỹ để giành độc lập nên họ có quyền lãnh đạo đất nước đến muôn năm, dù có sai sót gì thì từ từ họ sẽ sửa. Người dân Việt vẫn còn tâm lý đó khi chất vấn các tổ chức chính trị đối lập rằng ‘các ông bà đã có công trạng gì, đã làm được gì chưa mà đòi cầm quyền hay chia sẻ quyền lực với đảng cộng sản’… hay ‘ngoài đảng cộng sản ra chưa thấy có ai có khả năng lãnh đạo đất nước’… không ít người trong số này là trí thức có học vị rất cao như giáo sư, tiến sĩ… Những người này không hiểu rằng tính chính danh của chính quyền phải đến từ sự ủy quyền của người dân trong hiện tại, bốn năm một lần, thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch. Đất nước không phải là chiến lợi phẩm để chia chác và ban thưởng.
Khi người Việt vẫn còn xem đất nước Việt Nam là ‘chiến lợi phẩm’ mà đảng cộng sản đáng được hưởng thì việc trông chờ họ chống tham nhũng là chuyện viển vông. Trong bài viết ‘Một cách nhìn tham nhũng và chống tham nhũng’ ông Nguyễn Gia Kiểng đã đặt câu hỏi :
"Khi một nhóm người đã tự cho phép mình dùng bạo lực để khống chế cả một dân tộc, bất chấp mọi nguyện vọng và mọi lý luận, thì nhóm người đó trên thực tế đã hành xử như một bọn cướp võ trang uy hiếp con tin bằng họng súng. Một đảng cầm quyền như thế không có tư cách để nói đến chống tham nhũng. Kẻ đã cướp cả đất nước có tư cách gì để lên án những tên móc túi. Và khi đất nước đã bị chiếm đoạt làm của riêng cho một nhóm người thì làm sao còn có thể nói đến lòng yêu nước, nền tảng của đạo đức quốc gia ?" (2).
Theo ông thì "muốn chống tham nhũng thì phải có dân chủ và cũng phải có đội ngũ mạnh, nghĩa là phải có một tổ chức dân chủ thật gắn bó với đầy quyết tâm, của những người dân chủ thực sự và trong sạch thực sự, quyết tâm đánh bại độc tài, bạo lực và lòng tham dù phải chịu những hy sinh lớn".
Ông cho rằng ‘một chính quyền tham nhũng không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế’. Các chính quyền dân chủ (hậu Xô viết) như Gruzia hay Ukraine đã nhanh chóng thay thế hoàn toàn các cơ quan có khả năng tham nhũng nhất như cảnh sát giao thông, thuế vụ, viện kiểm sát, tòa án, hải quan… Muốn làm được điều đó thì phải có một chính quyền mới, đoạn tuyệt với những tư duy cũ, tư duy xem đất nước như là của riêng mình, đoạn tuyệt với quá khứ chiến tranh, bạo lực, đấu tố, độc tài, bất dung.
Một chính quyền mới đó chỉ có thể là một kết hợp giữa một tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến với các lực lượng tiến bộ trong đảng cộng sản.
Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ hiện nay do đảng cộng sản tiến hành chỉ là việc đấu đá, tranh dành quyền lực giữa các phe nhóm. Giả sử phe ông Nguyễn Phú Trọng chiến thắng trong việc loại bỏ hoàn toàn phe cánh của ông Nguyễn Tấn Dũng rồi thì sao ? Tham nhũng sẽ hết ? Dân chủ sẽ đến với Việt Nam ? Cuộc sống người dân Việt Nam sẽ được cải thiện ? Hoàn toàn không có chuyện đó mà là ngược lại. Tham nhũng và cướp bóc sẽ gia tăng khi phe chiến thắng tranh thủ vơ vét và hưởng thụ ‘thành quả cách mạng’. Phe thắng cuộc lại tiếp tục xem đất nước như là chiến lợi phẩm để ban phát cho nhau và thậm chí là còn thô bạo hơn vì họ đang độc quyền và chiến thắng.
Đất nước đang đứng trước những ngả rẽ nguy hiểm, việc hình thành một tổ chức dân chủ hùng mạnh và có tầm vóc để làm giải pháp thay thế cho giải pháp cộng sản đang là một đòi hỏi khẩn trương và cấp bách cho Việt Nam. Vai trò và trọng trách lịch sử này đặt trên vai tầng lớp trí thức chính trị Việt Nam.
Việt Hoàng
(13/8/2017)
(1) http://vtc.vn/luong-cua-chu-tich-nuoc-thu-tuong-chu-tich-quoc-hoi-la-bao-nhieu-d270961.html
(2) https://thongluan2016.blogspot.com/2016/12/mot-cach-nhin-tham-nhung-va-chong-tham.html
Chưa bao giờ chính trường Việt Nam lại có nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra liên tiếp như hiện nay.
Bộ chính trị có còn nguyên vẹn như sau Đại hội đảng lần thứ 12 ?
Bắt đầu từ vụ ‘kỷ luật’ vô tiền khoáng hậu đối với một đương kim ủy viên Bộ chính trị, bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng. Trước đó là cách chức ‘cựu bộ trưởng’ Bộ công thương Vũ Huy Hoàng và mới nhất là vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí.
Sau khi nhà tài phiệt ngân hàng Trầm Bê và 15 cộng sự bị bắt thì dư luận đồn đoán rằng người tiếp theo sẽ là cựu thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và mọi con đường cuối cùng sẽ dẫn đến con hổ to nhất : Nguyễn Tấn Dũng.
Nhân vật thứ 5 trong đảng, tức thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh, người có thể kế nhiệm chức tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, đã chính thức bị thay thế bởi Trần Quốc Vượng (trưởng ban kiểm tra trung ương) vì lý do sức khỏe. Trần Đại Quang lẫn Hoàng Trung Hải đều bặt âm vô tín.
Nội bộ đảng cộng sản đang lục đục và chia rẽ trầm trọng hơn bao giờ hết. Đỉnh điểm của nó là khi Bộ chính trị bỏ phiếu kín về việc tiếp tục hay dừng lại việc tìm kiếm và khai thác dầu khí tại mỏ Rồng Đỏ thuộc bãi Tư Chính, một khu vực hoàn toàn nằm trong thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc. Theo một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Carl Thayer, Bill Hayton thì Bộ chính trị đã họp và có hai người yêu cầu dừng thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính là ông Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch.
Lý do mà hai ông này đưa ra là Việt Nam không đủ sức chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc lên các đảo ở Trường Sa và nhất là tổng thống Mỹ Trump không còn quan tâm đến Biển Đông và không có ý định hậu thuẫn Việt Nam. Lý do này không thuyết phục dân chúng Việt Nam vì không phải bây giờ Trung Quốc mới có ý định xâm chiếm các đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Đảng cộng sản Việt Nam phải tiên liệu, chuẩn bị và có kế sách thích hợp kể cả nâng cấp quan hệ với Mỹ và tìm sự ủng hộ của dư luận thế giới. Mặt khác, Trung Quốc hù dọa và mua chuộc là chính, việc tấn công xâm lược một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ bị trả giá nặng nề. Trường hợp nước Nga xâm chiếm Ukraine bị cả thế giới cấm vận suốt 3 năm qua là một ví dụ.
Mối đe dọa từ Trung Quốc luôn còn đó, đối sách thích hợp đối với Việt Nam là phải từ bỏ đường lối đối ngoại và quốc phòng ‘ba không’ (1) nhanh chóng thiết lập và ký kết các hiệp ước liên minh về quân sự-kinh tế với các cường quốc có chung lợi ích tại Biển Đông như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc… Và nhất là phải nhanh chóng dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có thể phát triển và hội nhập được với dòng chảy văn minh của nhân loại. Việt Nam chỉ có thể tự bảo vệ được mình khi đất nước phát triển và có các liên minh quân sự vững chắc như trường hợp Đài Loan.
Bỏ qua mọi hy vọng và trông chờ của người dân Việt Nam, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chọn cách thần phục ngoại bang, loại bỏ các phe nhóm không ăn cánh trong nội bộ đảng và đàn áp người dân.
Một vụ bắt giữ qui mô và rộng lớn chưa từng có đối với những người hoạt động dân sự và bất đồng chính kiến xảy ra tiếp ngay sau khi chính quyền vừa kết án rất nặng hai người phụ nữ là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga với bản án 9-10 năm tù giam, đó là các ông : Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và mới nhất là Nguyễn Trung Trực, 5 nhà hoạt động ôn hòa thuộc ‘Hội Anh em dân chủ’.
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày càng đúng : "Sẽ không thể có lối thoát cho đất nước dưới chế độ cộng sản này. Trong suốt quá trình tồn tại và cầm quyền nó đã chứng tỏ chỉ có ưu tư duy nhất là duy trì ách thống trị trên dân tộc bằng mọi giá, kể cả tàn phá đất nước, hy sinh lợi ích dân tộc và thần phục ngoại bang. Nó cũng là một chế độ cực kỳ tham nhũng, và lịch sử mọi dân tộc đều đã chứng tỏ rằng chỉ có thể thay thế chứ không thể cải thiện một chính quyền tham nhũng".
Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ mà đảng cộng sản đang tiến hành với đỉnh điểm là việc cho an ninh sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Hình ảnh và uy tín của Việt Nam bị tổn thương nặng và nhất là cuộc sống bình yên của cộng đồng người Việt tại Đức sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ việc này. Báo chí và các đảng đối lập sẽ gây áp lực mạnh lên chính quyền trước cuộc bầu cử vào tháng 9 năm nay. Các chính sách đối với cộng đồng người Việt tại Đức cũng như đối với Việt Nam sẽ bị chính quyền Đức xem xét lại một cách gay gắt. Tóm lại, trong cơn điên loạn nhân danh ‘chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm’ để đấu đá nội nộ, tranh giành quyền lực và sát phạt lẫn nhau một cách không khoan nhượng, các phe cánh trong chính quyền cộng sản Việt Nam sẵn sàng hành động bất chấp hậu quả.
"Đảng Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân" (trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Đất nước đang lâm nguy. Vậy người dân Việt Nam đặt biệt là tầng lớp trí thức phải làm gì ? Không lẽ cứ để hiện tại tiếp tục trôi dạt một cách bất định về tương lai ?
Không còn con đường nào khác ngoài việc trí thức Việt Nam trong và ngoài đảng nhanh chóng nhận thức rõ sự chia rẽ trầm trọng và sự bất lực đã hết thuốc chữa của ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ đang nắm giữ vận mệnh đất nước và của hơn 90 triệu người Việt trong đó có cả 4 triệu đảng viên.
Trí thức Việt Nam hãy thức tỉnh và đứng về phía nhân dân, hãy đoàn kết, cùng bày tỏ và xác quyết thái độ của mình trước hiện tình của đất nước. Hãy ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn và có viễn kiến để cùng tạo ra một lực lượng chính trị mới, dân chủ và văn minh để làm giải pháp thay thế cho chế độ cộng sản già nua và lạc hậu. Tương lai của chúng ta, của 90 triệu người Việt phải do chính chúng ta quyết định thay vì để một nhóm người bất lực định đoạt hộ.
Những cá nhân và các tổ chức đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ cho dù vẫn còn khác biệt nhưng phải đạt đến một tầm cao mới là tranh đấu có tổ chức. Phải xem việc kết nối và xây dựng tổ chức là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Phải có nhiều tổ chức có tầm vóc mới tạo thành một liên minh dân chủ rộng lớn và chỉ khi đó mới có thể động viên được quần chúng để gây sức ép buộc chính quyền cộng sản thay đổi về phía dân chủ.
Lực lượng trí thức đang còn ở trong bộ máy nhà nước, quân đội, công an sẽ đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Thay vì ngồi chờ để rồi có thể sẽ là nạn nhân của lịch sử thì hãy cùng ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ một cách hòa bình nhưng dứt khoát về hướng dân chủ. Cùng với các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến, chúng ta sẽ thay đổi được vận mệnh đất nước trong hòa bình và ít đổ vỡ nhất. Một đất nước Việt Nam Dân chủ Đa nguyên được xây dựng trên tinh thần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một ‘dự án chính trị’ vĩ đại mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đến toàn thể đồng bào Việt Nam.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ luôn sát cánh cùng các bạn dân chủ và luôn đồng hành cùng đất nước.
Việt Hoàng
(07/08/2017)
(1) Chính sách "ba không" là "không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia".
Các chế độ phong kiến, trên khắp thế giới, từng tồn tại hàng ngàn năm, rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Sỡ dĩ phải kết thúc vì chúng đã không theo kịp đà tiến hóa và phát triển của con người. Dù rất cố gắng để thay đổi nhưng đặc điểm dễ nhận thấy nhất của các chế độ phong kiến đó là ‘tính cai trị’. Vua và triều đình mặc nhiên xem đất nước là của riêng mình và toàn quyền quyết định mọi việc.
Chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay thực chất chỉ là một biến thái của chế độ phong kiến từ văn hóa Trung Hoa
Cai trị là gì ? Hiểu một cách giản dị đó là khi chế độ cầm quyền sử dụng mọi phương tiện, tài nguyên của đất nước để cai quản xã hội một cách áp đặt, chuyên quyền, độc đoán, không bình đẳng nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp hoặc thế lực cầm quyền thay vì phục vụ cho toàn thể dân chúng.
Chế độ cộng sản Việt Nam ngày nay thực chất chỉ là một biến thái của chế độ phong kiến trước đây. Nhà nước Việt Nam là một nhà nước cai trị. Càng ngày sự lúng túng và bất lực của đảng cộng sản càng hiện rõ trong việc quản lý và lãnh đạo đất nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ kinh tế, văn hóa cho đến chính trị. Trước năm 1975 ở miền Bắc và năm 1988 trên cả nước, khi đất nước vẫn còn khép kín với bên ngoài thì xã hội Việt Nam vẫn tạm ‘ổn định’ theo kiểu tất cả đều nghèo khổ như nhau. Chỉ có một số ít quan chức cấp cao là có cuộc sống khá giả hơn nhưng cũng không quá cách biệt với người dân như bây giờ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế trong giai đoạn 1979-1988 đạt đỉnh điểm khi chỉ số giá tiêu dùng tăng đến 874,7% trong năm 1986 khiến đại hội VI của đảng cộng sản Việt Nam lấy quyết định ‘đổi mới’ về kinh tế. Dù cuộc đổi mới này chỉ có giới hạn nhưng cũng làm thay đổi sâu sắc xã hội Việt Nam. 30 năm sau, cuộc đổi mới đó đã đạt đến hết giới hạn của nó và cần một cuộc đổi mới khác. Lần này cuộc đổi mới không còn giới hạn trong lĩnh vực kinh tế nữa mà cần phải đổi mới về chính trị bởi vì kinh tế và chính trị liên quan mật thiết với nhau như là đôi chân trên một cơ thể.
Càng ngày chính quyền Việt Nam càng ý thức được rằng cần phải thay đổi nhưng tư duy giáo điều và quán tính cai trị vẫn còn ngự trị và dẫn dắt cách hành xử của chính quyền. Thực sự là ban lãnh đạo cộng sản muốn thay đổi nhưng lại không muốn mất quyền lãnh đạo độc tôn. Cạnh tranh chính trị và thay đổi tư duy từ ‘nhà nước cai trị’ sang ‘nhà nước quản trị’ là những điều quá mới mẻ đối với họ. Đảng cộng sản lo sợ sẽ trở thành nạn nhân của sự thay đổi. Tuy nhiên nếu biết cách dân chủ hóa đất nước một cách thông minh và có viễn kiến thì sẽ không có bất cứ một sự đỗ vỡ nào. Sẽ không có ai là ‘nạn nhân’ của sự đổi mới. Muốn thế thì đảng cộng sản phải chủ động làm ‘tác nhân’ để thay đổi đất nước về hướng dân chủ.
Mọi nhà nước cai trị đều đã lỗi thời dù nó có tinh vi đến đâu đi nữa. Xã hội càng phát triển chừng nào thì sự quản lý xã hội càng khó khăn và phức tạp chừng đó chừng đó. Muốn hay không thì mọi nhà nước trên thế giới đều phải ‘chuyển hóa’ từ cai trị sang quản trị.
Quản trị nhà nước là gì ? Đó là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát các hoạt động của bộ máy nhà nước và sử dụng tất cả các nguồn lực của đất nước nhằm đạt được mục tiêu là mang lại sự phát triển kinh tế bền vững, sự thăng tiến và nhân phẩm cho toàn thể người dân.
Quản trị nhà nước, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), là “cách thức chính quyền nắm quyền lực và thực thi thẩm quyền để tạo ra các chính sách công, cũng như cung cấp các dịch vụ và sản phẩm công”. Theo Daniel Kaufmann và Aart Kraay - hai nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này, quản trị nhà nước là “tập hợp các quy trình để chọn, giám sát và thay thế chính quyền, năng lực của chính quyền trong việc vạch ra và thực hiện những chính sách ; và khung quản lý các tương tác giữa người dân và nhà nước”. (1)
Trong Dự án Chính trị Khai sáng Kỷ nguyên Thứ 2, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên quan niệm và định nghĩa về ‘nhà nước-quốc gia’ như sau :
Các nhà nước - quốc gia mạnh và có ích lợi lớn vì chúng đã được quan niệm một cách đúng đắn. Quốc gia là của mọi người và ở trên tất cả. Nhà nước, hay chính quyền, chỉ có sứ mệnh phục vụ quốc gia, do đó phải ở trong và ở dưới quốc gia. Nhà nước không phải là cứu cánh mà chỉ là công cụ và vì thế chỉ cần được tạo dựng và duy trì ở mức độ thực sự cần thiết. Quốc gia mới là cứu cánh, mà quốc gia trước hết là tập thể những người công dân tự do và bình đẳng.
Nhà nước không có quyền lợi của riêng mình mà chỉ biết quyền lợi của quốc gia, trong khi quyền lợi của quốc gia do toàn dân quy định sau một đúc kết đúng đắn những ý kiến cá nhân được bày tỏ một cách tự do. Về cơ bản nhà nước - quốc gia là dụng cụ để thực hiện đồng thuận xây dựng tương lai chung của những con người tự do. Chính vì thế mà nhà nước ấy một mặt động viên được sự đóng góp của mọi người và, mặt khác, bảo đảm để mọi người phát huy tối đa khả năng của mình và đóng góp tối đa vào phúc lợi chung’.
Vai trò, chức năng và nhiệm vụ của một ‘nhà nước dân chủ’ mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị như sau :
‘Trong một thể chế dân chủ đa nguyên, nhà nước không còn là người chỉ huy tuyệt đối. Vai trò của nhà nước là đảm nhiệm ba chức năng : trọng tài trong các quan hệ giữa các thành tố của xã hội, chế tài những vi phạm, và hòa giải những đòi hỏi mâu thuẫn của các thành phần dân tộc. Nhà nước hòa giải thay vì nhà nước chỉ huy là nét đậm của dân chủ đa nguyên. Nó phân biệt hẳn dân chủ đa nguyên với các chế độ chuyên chính, nhưng nó cũng khiến dân chủ đa nguyên khác với nhiều chế độ dân chủ trong đó chính quyền vẫn còn tham vọng định đoạt thay cho xã hội dân sự.
Chúng ta cần thay đổi xã hội và con người để có phát triển.
Chúng ta cần một xã hội dân chủ, quý trọng con người, đặt lòng tin ở con người, để cho con người tự do quyết định xây dựng đời mình. Chúng ta cần một nhà nước pháp trị, có luật pháp đầy đủ và không có quá nhiều thủ tục, chúng ta cần một cơ chế thị trường thay vì một kế hoạch áp đặt.
Chúng ta cần những con người tự do, trách nhiệm, lương thiện, gắn bó vào cộng đồng, cầu tiến và thi đua chứ không ghen tức và phá hoại. Chúng ta cần những con người ham thích kinh doanh, khao khát làm giàu một cách lương thiện.
Chúng ta cần một bộ máy kinh tế hoạt động không cưỡng chế. Nhà kinh doanh phải được phép tự do hành động theo các quy luật khách quan của kinh doanh và thị trường. Liên đới xã hội là một ưu tư thường trực của một chính quyền đứng đắn, nhưng liên đới xã hội phải được thực hiện ở khâu phân phối lợi tức quốc gia, qua thuế khóa, chứ không thể can thiệp trực tiếp vào sự điều hành hoạt động kinh doanh.
Chúng ta cũng cần một bối cảnh pháp lý, nghĩa là hiến pháp và pháp luật, ổn định để người dân có thể yên tâm xây dựng cuộc sống và lập ra những dự định cho tương lai mà không lo sợ một thay đổi luật chơi đột ngột làm hỏng dự án kinh doanh của mình.
Trong một chủ thuyết phát triển như thế, vai trò của nhà nước chủ yếu là gìn giữ hòa bình và trật tự an ninh, bảo đảm quốc phòng và công lý, tạo những quan hệ bang giao tốt với cộng đồng thế giới, hòa giải và trọng tài những tranh tụng của xã hội dân sự. Vai trò của nhà nước trong kinh tế sẽ được giới hạn trong ba phạm vi : thuế, chi tiêu công cộng và điều chỉnh khối lượng tiền tệ...
Một lần nữa, nhu cầu phát triển buộc ta phải có một nhà nước hòa giải và trọng tài để cho xã hội dân sự lo việc phát triển thay vì một nhà nước chỉ huy và định đoạt thay cho xã hội dân sự. Vai trò hòa giải và trọng tài trong sinh hoạt kinh tế buộc nhà nước phải từ bỏ mọi chức năng kinh doanh. Các công ty quốc doanh không nên có, hay nếu có thì cần được coi là những bó buộc chẳng đặng đừng trong một thời gian nhất định. Trong chủ thuyết phát triển của chúng ta, nhà nước không chen lấn với xã hội dân sự, mà tập trung mọi cố gắng để làm tròn và làm tốt chức năng thực sự của một nhà nước’.
Một ‘nhà nước nhẹ’, không can thiệp quá sâu vào đời sống người dân và không định đoạt thay cho xã hội dân sự là mô hình nhà nước quản trị thay vì cai trị mà Tập Hợp đề nghị. Quản trị nhà nước không bao giờ là chuyện dễ dàng. Đừng quên rằng ‘cách thức tổ chức xã hội’ là nguyên nhân chính để một quốc gia trở nên phồn vinh hay thất bại.
Một nhà nước dân chủ được đánh giá trên những điểm chính sau : Sự tham gia của người dân vào chính trị, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng, các thủ tục hành chính và các dịch vụ công. Một bài viết mới đây của tác giả Nguyễn Sĩ Dũng trên Tia Sáng đã đúc kết ra 7 chuẩn mực của quản trị nhà nước hiện đại :
- Pháp quyền (hay pháp trị hay Rule of Law)
- Trách nhiệm giải trình
- Minh bạch
- Sự tham gia của người dân
- Phản ứng tương thích và kịp thời
- Công bằng và không loại trừ
- Hiệu lực và hiệu quả (2)
Với những tiêu chí trên thì mô hình quản lý xã hội như hiện nay tại Việt Nam rõ ràng là không thích hợp. Mọi cố gắng để vá víu thay vì thay đổi tận gốc rễ đều sẽ sớm thất bại. “Tổ tư vấn kinh tế gồm 15 thành viên của thủ tướng” vừa được thành lập cũng sẽ nhanh chóng đi theo chân “Viện nghiên cứu Phát triển IDS” do ông Nguyễn Quang A đứng đầu (đã bị ông Nguyễn Tấn Dũng giải tán năm 2009). Thứ quan trọng nhất cần thay đổi là chính trị chứ không phải kinh tế. Mô hình tổ chức xã hội theo kiểu dân chủ Phương Tây (thực chất là trí tuệ của cả nhân loại) tuy không hoàn hảo nhưng vẫn đang là ưu việt nhất. Việt Nam không thể làm khác hay có thể tạo ra một con đường riêng cho mình. Thực tế đã chứng minh hùng hồn rằng lý tưởng và chủ thuyết cộng sản mà chính quyền Việt Nam theo đuổi suốt hơn 70 năm qua đã thất bại hoàn toàn. Không còn lý do gì để chần chừ và níu kéo.
Đảng cộng sản Việt Nam, có lẽ cũng rất muốn chuyển hóa từ một chế độ cai trị và khủng bố sang một chế độ cầm quyền và quản trị vì đó là dòng chảy tự nhiên của lịch sử tuy nhiên câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể chuyển hóa được không ? Câu trả lời chắc chắn là không. Lý do :
‘Đó là vì chuyển hóa từ một đảng khủng bố và tội ác sang một đảng cầm quyền và quản trị là một cuộc chuyển hóa cực kỳ khó khăn mà chưa một đảng cộng sản nào làm được. Cuộc chuyển hóa này đòi hỏi một thay đổi văn hóa. Phải thay văn hóa chiến tranh bằng văn hóa hòa bình, văn hóa căm thù bằng văn hóa anh em, văn hóa cướp bóc bằng văn hóa lương thiện, văn hóa khủng bố bằng văn hóa đối thoại và thoả hiệp, văn hóa phá hoại bằng văn hóa xây dựng. Và dĩ nhiên cũng cần thay những kiến thức cũ bằng những kiến thức mới. Đây là một cuộc cách mạng văn hóa to lớn và toàn diện, đòi hỏi những cấp lãnh đạo có văn hóa cao và tầm nhìn xa, những người mà đảng cộng sản hoàn toàn không có. Bộ máy khắc nghiệt của đảng đã loại bỏ khỏi vị trí lãnh đạo hầu hết những người lương thiện, có trí tuệ và nhân cách” (3).
Những suy tư, trăn trở và nhận định mà ông Nguyễn Gia Kiểng đặt ra cách đây 16 năm về trước vẫn còn nguyên tính thời sự :
“Giai đoạn chuyển tiếp này (do đảng cộng sản tiến hành) đã kéo dài quá lâu và đã gây thiệt hại quá nhiều. Nó phải chấm dứt nhưng sự cáo chung của nó chỉ có ý nghĩa và cũng chỉ đáng mong muốn nếu để mở ra một kỷ nguyên dân chủ. Và muốn thế chúng ta cần một cố gắng tư tưởng vĩ đại để đạt tới một văn hóa dân chủ. Không có một cuộc vận động chính trị nào thành công nếu không được chuẩn bị trước bởi một cuộc vận động văn hóa. Chúng ta đã làm cố gắng này chưa và đã làm tới đâu rồi ? Chúng ta đã có bao nhiêu người dân chủ chân chính ? Dân tộc Việt Nam chắc chắn là muốn dân chủ và cũng xứng đáng để có dân chủ không kém nhiều dân tộc khác, nhưng chính trị ở nước nào và thời nào cũng chỉ là quan tâm và hoạt động của thiểu số tích cực. Vào thời điểm này chưa thể nói chúng ta đã có một văn hóa dân chủ và một đội ngũ dân chủ mà đất nước đòi hỏi” (3).
Nhìn nhận và hợp tác với các tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn để mở ra một sinh lộ mới cho dân tộc Việt Nam là sự lựa chọn sáng suốt và duy nhất mà đảng cộng sản cần làm và nên làm. Đảng cộng sản Việt Nam biết và hiểu điều đó nhưng họ không thể làm được vì đối lập dân chủ Việt Nam vẫn chưa có được một đội ngũ nhân sự chính trị cần thiết, một tổ chức có tầm vóc và vẫn chưa đạt được đồng thuận với nhau về một lộ trình dân chủ.
Việt Hoàng
(31/07/2017)
(1) http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/20140415/quan-tri-nha-nuoc-phai-do-luong-duoc-de-cai-thien/602418.html
(2) http://thongluan2016.blogspot.com/2017/07/chuan-muc-cua-quan-tri-quoc-gia-hien-ai.html
(3) https://thongluan2016.blogspot.fr/2016/12/mot-cuoc-chuyen-hoa-khong-uoc-tl-148.html
Vụ việc các đan sĩ của Đan viện Thiên An, Huế bị côn đồ tấn công vào ngày 29/6/2017 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động xung quanh việc thu hồi, cưỡng chế đất đai của các tôn giáo tại Việt Nam.
Đan viện Thiên An
Sau năm 1975 rất nhiều cơ sở, tài sản cũng như đất đai của các tôn giáo đã bị nhà nước trưng thu bằng cách ép buộc ký vào các văn bản hiến tặng hoặc cho mượn…nhưng không bao giờ đòi lại được.
Đơn cử một vài trường hợp điển hình :
“Khu đất Tòa Khâm sứ cũ bị trưng dụng để xây dựng công viên hồi năm 2008, Nhà dòng nữ tu ở Vĩnh Long, thuộc Dòng thánh Phao Lồ bị tịch thu hơn 30 năm và đến năm 2008 nhà dòng bị mua bán để làm khu du lịch. Hay hai trường hợp mới nhất có thể kể đến gồm Chùa Liên Trì, ở quận 2, Sài Gòn bị cưỡng chế san bằng hồi đầu tháng 9 năm nay và tu viện Dòng Mến Thánh giá, giáo xứ Thủ Thiêm, được thành lập trên 177 năm, đứng trước nguy cơ bị giải tỏa và di dời do đề án xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm” (1).
Còn nhiều trường hợp thu hồi đất đai của tôn giáo với nhiều bạo lực và mờ ám như ở dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (Hà Nội), Tam Tòa (Quảng Bình), Cồn Dầu (Đà Nẵng), Đông Yên (Hà Tĩnh), Đồng Chiêm (Mỹ Đức, Hà Nội)…
Quyền sỡ hữu cá nhân về tài sản trong đó có đất đai là một trong những quyền căn bản và thiêng liêng của con người. Tuy nhiên chính quyền Việt Nam không thừa nhận điều đó. Hiến pháp Việt Nam qui định đất đai là ‘sỡ hữu của toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý’. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến việc chính quyền các cấp thu hồi và cưỡng chế đất đai của người dân một cách vô tội vạ. Hàng triệu dân oan mất nhà, mất đất sống vật vờ, nay đây mai đó với một tương lai bất định.
Các tôn giáo cũng chịu chung số phận với những người dân oan khi tài sản, cụ thể là đất đai của họ bị thu hồi bằng biện pháp cưỡng bức thay vì thỏa thuận đền bù theo giá thị trường. Trong trường hợp Đan viện Thiên An thì chính quyền Thừa Thiên-Huế cho rằng các tu sĩ đã ‘chiếm đất công’, nhưng linh mục Nguyễn Văn Đức đã bác bỏ vu cáo trên và khẳng định là Đan viện Thiên An có đầy đủ giấy tờ chứng minh quyền sỡ hữu 107 ha đất đai tại đồi Thiên An từ năm 1940.
Chúng tôi tin vào lời vị linh mục cai quản Đan viện Thiên An hơn là báo chí nhà nước. Nếu chính quyền Thừa Thiên-Huế chứng minh được các tu sĩ đã chiếm đất ở Thiên An thì cần khởi kiện họ ra tòa và để tòa xét xử một cách công khai theo đúng pháp luật. Chúng tôi phản đối và lên án mọi hành động bạo lực từ phía chính quyền gây ra cho các tu sĩ nơi đây.
Với chính quyền Việt Nam thì các tôn giáo luôn là những đối tượng chống đối và thù địch, nhất là những tôn giáo không chịu sự quản lý của nhà nước như Công giáo hay Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất… Cái tội duy nhất của các tôn giáo này là họ muốn độc lập để được tự do hành đạo.
Tư duy xem ‘những người không theo ta đều là kẻ thù’ của chính quyền Việt Nam đã đến lúc cần thay đổi. Các tôn giáo tồn tại được từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử cũng nhờ sự độc lập, tách rời khỏi chính trị, chỉ tập trung chăm lo cho phần hồn, tức là tinh thần của người dân.
Vai trò hướng dẫn tâm linh và bảo vệ các giá trị đạo đức, luân lý mà các tôn giáo đem lại cho dân tộc Việt Nam là vô cùng lớn vì tôn giáo nào cũng hướng con người đến chân thiện mỹ. Chính vì sự thiếu vắng của đức tin vào các tôn giáo mà đạo đức của người Việt hôm nay đã xuống dốc một cách không phanh.
Sở dĩ chính quyền cộng sản không ưa các tôn giáo là vì bản chất của cộng sản là độc quyền mọi thứ, trong đó có ‘độc quyền về tư tưởng’. Họ chỉ muốn người dân tin vào đảng. Câu ‘ơn đảng ơn bác’ được nhắc đến mỗi ngày và có mặt khắp mọi nơi. Tất nhiên những người tu hành chân chính cũng không ưa gì chế độ cộng sản vì họ muốn được tự do thờ phụng theo ý muốn.
Tư duy ‘độc quyền tư tưởng’ là một sự hoang tưởng vì mãi mãi sẽ không bao giờ có chuyện đó. Ngay cả các tôn giáo, là nơi đức tin được mặc định và không bàn cãi nhưng vẫn tồn tại nhiều hệ phái khác nhau. Cũng là tin vào Chúa nhưng không chỉ có mỗi Công giáo mà còn Tin Lành, Chính thống giáo... và ngay cả trong đạo Tin Lành lại chia ra nhiều phái khác nhau như Giáo Hội Trưởng lão, Luther, Methodist, Baptist, Cơ Đốc Phục Lâm… Phật giáo thì hiện đang có đến 11 tông phái đang hoàng pháp. Thiên chúa giáo tại Việt Nam có đến 22 dòng tu…
Chính vì sự hạn chế và cản trở từ chính quyền Việt Nam lên các hoạt động của các giáo hội dẫn đến việc người dân không tiếp cận hoặc hình dung được các hoạt động từ thiện của các tôn giáo. Trước năm 1975 các tôn giáo lớn như Công giáo hay Phật giáo Việt Nam có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như các cơ sở giáo dục như dạy học, hướng nghiệp, từ thiện… Sau năm 1975 các cơ sở này đều bị đóng cửa hoặc chuyển giao cho nhà nước quản lý. Trong một nỗ lực lớn lao, Ủy ban Bác ái Xã hội thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tái thành lập tổ chức “Caritas Việt Nam” vào năm 2008 tại Đồng Nai với sứ mệnh :
- Cứu trợ
- Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
- Khuyến học
- Hỗ trợ người nghèo tạm cư
- Phát triển cộng đồng
- Nông nghiệp bền vững (2)
Tất cả những ai đã từng đến khám chữa bệnh tại các cơ sở của các nhà Dòng Công giáo đều cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt tình, chu đáo với một sự cởi mở, chân tình của các sơ làm việc tại đây, thái độ đó không phải nơi nào cũng có.
Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tôn trọng tuyệt đối tự do tôn giáo tại Việt Nam. Trong Dự án Chính trị Khai sáng Kỷ nguyên Thứ 2, chúng tôi có đề nghị rằng xã hội Việt Nam sẽ được xây dựng trên nền tảng của các tổ chức xã hội dân sự :
“Dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v. được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự” (Chương IV : Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ).
Dưới chế độ cộng sản, các tôn giáo đã phải chịu đựng nhiều đắng cay, mất mát. Trong tương lai, một nhà nước dân chủ phải tìm mọi cách để hỗ trợ và nâng đỡ cho các tôn giáo cũng như đền bù cho những thiệt hại của họ bằng cách trả lại các cơ sở mà nhà nước đã trưng dụng trước đây. Tuyệt đối không được cưỡng chế hay thu hồi đất đai của các tôn giáo. Trong những trường hợp đặc biệt thì nhà nước phải thỏa thuận và đền bù theo giá thị trường và được các tôn giáo chấp nhận.
Có một sự thật buồn là các vị lãnh đạo của các tôn giáo lớn tại Việt Nam luôn tìm cách thỏa hiệp với chính quyền thay vì mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ lẽ phải, như trường hợp đặc biệt của Tổng giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt. Lịch sử đau thương của Giáo hội Công giáo, cộng với số lượng tín hữu không quá lớn, vào khoảng 8% dân số Việt Nam (với gần 7 triệu tín hữu) khiến cho các vị lãnh đạo công giáo luôn nhún nhường chính quyền.
Giáo hội Phật giáo (quốc doanh) về cơ bản, đã bị Mặt trận tổ quốc khống chế hoàn toàn chỉ còn lại Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Bản thân ông vẫn đang bị chính quyền kiểm soát một cách gắt gao. Chính vì bị giới hạn các hoạt động như từ thiện, khám chữa bệnh, giáo dục và truyền đạo nên các tôn giáo không gây được nhiều ảnh hưởng lên quần chúng Việt Nam.
Chính sách chia để trị của chính quyền cộng sản thay vì hàn gắn và hòa giải dân tộc lại càng khoét sâu hố ngăn cách giữa các tôn giáo với nhau và giữa các tôn giáo với người dân Việt Nam. Việc chính quyền Việt Nam tấn công, bôi nhọ và chụp mũ cho các linh mục đứng ra tổ chức khiếu kiện Formosa tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề từ thảm họa Formosa là một trong những ví dụ.
Dưới quan điểm của Tập Hợp thì các tôn giáo là thuộc về xã hội dân sự. Tôn giáo không phải là các tổ chức chính trị vì thế không thể tham gia các hoạt động chính trị, hay lãnh đạo phong trào dân chủ mà chỉ có thể bày tỏ ‘thái độ chính trị’ bằng cách ủng hộ hay không ủng hộ các tổ chức chính trị có khuynh hướng cổ vũ cho tự do tôn giáo. Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã nói rõ điều này trong chuyến công du Châu Âu hồi tháng trước. Việc chính quyền và một số người dân gán ghép cho các tôn giáo rằng họ ‘hoạt động chính trị’ là hoàn toàn bịa đặt và chụp mũ.
Mục tiêu của các tôn giáo là tự do hành đạo vì thế các tôn giáo cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác sẽ là những đồng minh quan trọng của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập đứng đắn. Dù bất cứ hoàn cảnh nào các tôn giáo cũng không thể thay thế cho vai trò lãnh đạo và dẫn dắt phong trào dân chủ Việt Nam. Đó là sứ mệnh của các tổ chức chính trị dân chủ đối lập.
Những kêu gọi các tôn giáo tại Việt Nam đứng lên ‘làm cách mạng’ cần phải lên án. Chúng vừa hèn nhát và thiếu hiểu biết vừa đặt các tôn giáo vào vị thế tạo cớ cho chính quyền đàn áp.
Việt Hoàng
(24/07/2017)
(1) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-grabs-from-churches-n-result-ha-06302017125701.html
(2) http://www.caritasvietnam.org/router_vni/tong-quan-ve-caritas-251.html