Công cuộc phòng chống tham nhũng : "Lò vẫn cháy" (RFA, 26/06/2019)
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, những vụ án tham nhũng được ban tổng kết đến nay là 54 vụ với hơn 670 bị cáo. Trong số này có 10 người bị tuyên mức án tử hình, 21 người với mức án chung thân, 9 người bị tù 30 năm, 19 người bị tù 20 năm ; số từ 12 tháng đến 20 năm tù là hơn 570 người.
Cuộc gặp cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 26/6. Nguồn : truyenhinhnghean.vn
Thông tin vừa nêu do Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, Phó trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đưa ra tại cuộc gặp cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ông Phan Đình Trạc được truyền thông trong nước dẫn lời rằng những cán bộ bị kỷ luật về mặt đảng không có nghĩa được loại trừ xử lý về hình sự. Tuy nhiên kỷ luật đảng phải đi trước và tạo điều kiện, tạo thuận lợi cho cơ quan điều tra đi sâu xử lý tiếp theo.
Nguyên văn của Ông Phạm Đình Trạc được Báo Nghệ An dẫn lại là ‘lò vẫn cháy, củi tươi cũng cháy, củi ướt cũng cháy, chứ không chỉ củi khô’.
Hình ảnh ‘lò cháy’ biểu tượng cho công cuộc chống tham nhũng mà Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ xướng.
Cho đến nay một cựu ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên bí thư thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng đang phải thụ hai bản án tù tổng cộng 30 năm vì những sai phạm trong thời gian công tác về tội ‘cố ý làm trái qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.’Ông này cũng bị buộc phải bồi thường hơn 630 tỷ đồng.
*****************
Việt Nam cảnh cáo : 'Chớ quảng cáo trên các kênh YouTube có nội dung độc hại' (VOA, 26/06/2019)
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam chủ trì một buổi họp hôm thứ Ba 25/6, quy tụ các nhà quảng cáo hàng đầu và yêu cầu họ ngưng trả tiền đăng quảng cáo trên các kênh YouTube có chứa những "nội dung độc hại".
Logo của Google, Twitter, YouTube TV và Facebook. YouTube, Google và Twitter hàng ngày tải hàng hà sa số clip video, bình luận, chia sẻ nhiều tới mức không thể nào kiểm duyệt hết. (AP Photo)
Bản tin của Pháp Tấn xã được tải lại trên kênh truyền hình France24 của Pháp, cho biết có mặt tại cuộc họp có các nhà quảng cáo của 10 nhãn hàng lớn, trong đó có Yamaha, Grab, tập đoàn FLC và nhà bán lẻ Vincom.
Truyền thông nhà nước trước đó tường thuật rằng Việt Nam đã gửi lời cảnh cáo tới các tập đoàn khác như hãng sản xuất hàng điện tử Samsung, tập đoàn công nghệ Huawei, về những mục quảng cáo trên những trang web mà họ cho là "bất hợp pháp".
Trang mạng congthuong.vn tường thuật rằng hôm 10/6, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đã chính thức công bố 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn "đăng quảng cáo gắn với các clip xấu độc, phản động", trong đó có : Huawei, Samsung Việt Nam, FPT Shop, Công ty Yamaha Motor Vietnam, Grab, Sun Group, Shopee...
Một số công ty đã bắt đầu đáp ứng yêu cầu dừng quảng cáo của Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử vì lo ngại sẽ gặp rắc rối với pháp luật Việt Nam, theo AFP.
Bản tin dẫn lời ông Trần Tuấn Anh của nhà bán lẻ trên mạng Shopee, nói rằng công ty của ông đã ngưng đăng quảng cáo trên YouTube trong lúc này. Ông Trần Tuấn Anh được AFP trích lời, nói :
"Chúng tôi đang tái xét cẩn thận tất cả các kênh mà chúng tôi đang hoạt động để giảm nguy cơ trong tương lai".
Trước đó, các giới chức Việt Nam nói có khoảng 55,000 video clip trên YouTube có nội dung "xấu, độc hại" vi phạm pháp luật, trong đó 8000 clips đã bị YouTube xóa bỏ.
Trang web congthuong.com dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục Trưởng Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nói rằng trong 2 năm qua, Google đã tích cực hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông để ngăn chận, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của phía Việt Nam.
Cục Phát Thanh, Truyền hình khen ngợi sự hợp tác của Google là "tích cực hơn hẳn Facebook", tuy nhiên nói thêm rằng việc gỡ bỏ các video "vẫn chưa phát huy tác dụng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập".
Google và Facebook chưa trả lời yêu cầu phản hồi của Đài VOA.
Các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và bênh vực nhân quyền bày tỏ lo ngại về động thái này. Họ nói chính quyền Việt Nam thường dùng chữ "xấu, độc hại" để miêu tả những nội dung phản biện, "chỉ trích hoặc chống đối nhà nước Việt Nam", và thường nhắm tới các nhà báo độc lập, các blogger và giới bất đồng chính kiến.
Ông Daniel Bastard, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của Phóng viên Không Biên giới (RSF) ở Paris nói xu hướng đàn áp truyền thông độc lập đang mở rộng ở Việt Nam là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh tất cả các phương tiện truyền thông chính thức đều do nhà nước kiểm soát.
"Ở Việt Nam vì không thực sự có tranh luận trong giới truyền thông chính thức, cho nên tự do thông tin lẽ dĩ nhiên được thể hiện trên mạng, trên Facebook, qua các bloggers và các nhà báo công dân vv…cho nên chiến dịch đàn áp truyền thông lề trái đang được thực hiện trên quy mô lớn như vậy là điều rất đáng quan tâm".
Ông nói ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin mà Việt Nam cho là "xấu, độc hại", vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền trao đổi và nhận thông tin có ghi trong những công ước quốc tế về quyền công dân và nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.
*********************
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng : ‘Chi tiền cho cái xấu là giúp cái xấu phát triển’ (BBC, 226/06/2019)
Các doanh nghiệp cần phải chấm dứt việc đăng quảng cáo trên các kênh độc hại tại YouTube, Việt Nam tuyên bố hôm thứ Ba 25/6.
YouTube đang có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam
Các video clip bị coi là độc hại gồm cả các video 'bẩn' và các video có chứa nội dung 'độc hại' tuyên truyền chống nhà nước.
Chủ trì cuộc họp với các nhà quảng cáo hàng đầu Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các hãng chấm dứt việc trả tiền quảng cáo trên cáo kênh YouTube có nội dung 'xấu hoặc độc hại'.
Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát đối với các nội dung bất đồng chính kiến trên mạng, do giới chỉ trích quay sang dùng mạng xã hội để lên tiếng phản kháng.
Luật an ninh mạng gây nhiều tranh cãi đã được thông qua hồi năm ngoái.
Thông qua luật này, giới chức đòi các hãng công nghệ khổng lồ toàn cầu như Google và Facebook phải chặn các nội dung 'độc hại' trên các trang của mình, và trao nộp dữ liệu người dùng cho giới chức khi được yêu cầu.
"Chúng tôi [tính đến ngày 25/6] đã gửi công văn cảnh báo tới 100 nhãn hàng có quảng cáo đăng trên các video xấu, độc vi phạm luật Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử nói.
Trong số các hãng cử đại diện tham dự cuộc họp có Yamaha, Grab, tập đoàn phát triển bất động sản FLC Group, và tập đoàn Vincom, theo hãng tin AFP.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng : "Tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các doanh nghiệp chi tiền vào đâu"
Trước đó, truyền thông nhà nước nói Việt Nam đã gửi cảnh báo tới Samsung Electronics, Huawei Technologies về việc đăng quảng cáo trên các trang bất hợp pháp.
Một số hãng có mặt trong cuộc họp nói họ đã bắt đầu tuân thủ yêu cầu của giới chức.
"Chúng tôi đang rà soát cẩn thận các kênh đang hoạt động để giảm thiểu rủi ro trong tương lai", ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành hãng bán lẻ trực tuyến Shopee Việt Nam, là hãng đã dừng việc quảng cáo trên YouTube, nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nói hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật.
Với việc mảng truyền thông độc lập bị hạn chế và biểu tình dưới mọi hình thức đều không được cho phép, các nhà hoạt động chủ yếu chuyển sang các mạng xã hội để bày tỏ sự phản kháng, hoặc kêu gọi cải tổ chính trị.
Facebook là mạng xã hội rất đông người dùng ở Việt Nam, là dịch vụ quen thuộc với hơn nửa dân số 95 triệu người. Tuy nhiên, YouTube đang ngày càng được các nhà hoạt động sử dụng nhiều, cả ở trong và ngoài Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam nên quảng cáo trên nền tảng Việt Nam ?
Trong cuộc họp mới nhất này, Bộ Thông tin và truyền thông không chỉ nêu yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo trên các nền tảng của nước ngoài, mà còn yêu cầu tăng cường mua quảng cáo trên các nền tảng của Việt Nam.
"Chúng ta mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Ngược lại, nếu mua quảng cáo trên một nền tảng xấu độc là vô hình trung tiếp tay để hại đất nước mình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì thì người đó, cái đó sẽ phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu. Bởi vậy, tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các các doanh nghiệp chi tiền vào đâu, cần cân nhắc mỗi hành động của mình", Bộ trưởng chia sẻ.
Chiến dịch được cho là 'chống tham nhũng', 'chỉnh Đảng', còn được gọi là 'chiến dịch đốt lò' của Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành gồm hai giai đoạn, tính đến nay, đã có một số diễn tiến thu hút chú ý, nhưng cũng có các thời điểm bị trùng xuống khá 'khó hiểu', một nhà báo độc lập từ Sài Gòn nói với Bàn tròn của BBC Tiếng Việt.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được truyền thông ví như 'người đốt lò' trong cuộc chến 'chống tham nhũng', 'chỉnh đốn đảng' đang diễn ra ở Việt Nam.
Chống tham nhũng dường như tập trung vào thời kỳ hay nhiệm kỳ Ban lãnh đạo trước, mà không phải hiện nay và do đó có những kết quả thiếu cân đối giữa hai nhiệm kỳ trước và nay, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Năm, Phạm Chí Dũng nói.
Về phía hình thức, chiến dịch 'đốt lò' cũng có phát huy tác dụng nhất định, nhưng rõ ràng người dân mong muốn nó phát triển mạnh mẽ hơn 'không chừa nơi nào' và 'không có vùng cấm', nhưng trên thực tế, rõ ràng là 'đốt lò' chưa bắt tận gốc, chưa bắt tận rễ, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Luật sư Trần Quốc Thuận, chia sẻ với Bàn tròn thứ Năm từ London hôm 02/8/2018.
Dường như đang có một 'mê hồn trận' mà người dân rất khó nhận biết, sau cái vỏ ngo là 'đánh tham nhũng, chỉnh đảng hay đốt lò', và dường như đằng sau đó là có sự 'cạnh tranh, tranh đấu quyền lực' giữa các phe nhóm và nhìn như vậy sẽ giúp hiểu ra thực chất của 'đốt lò' là gì, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nêu quan điểm với Thảo luận của BBC.
'Lò có hai giai đoạn'
Trước hết, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng nêu nhận định với Bàn tròn thứ Năm do Quốc Phương điều hợp, điểm lại diễn biến chiến dịch 'đốt lò' theo trình tự thời gian :
"Đánh giá về chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng thì chúng ta cần nhìn lại điểm xuất phát của nó. Tôi cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã từng được kì vọng khá nhiều. Bắt đầu từ tháng 6/2016 là ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu đưa ra chủ trương về việc cần làm ngay, lúc đó đã hình dung ra một cái gì đó tương tự như cách đó 30 năm.
"Tức là vào năm 1986 là cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh cũng đã đưa ra những việc cần làm ngay, cái chủ trương của những việc cần làm ngay với những bài viết trong khoảng 30 bài viết cho tới năm 1989 chống bệnh quan liêu tham nhũng. Năm 2016 ông Nguyễn Phú Trọng cũng lặp lại cái việc đó và bắt đầu các việc cần làm ngay từ vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Ông Trịnh Xuân Thanh là mục tiêu mở đầu giai đoạn một 'những việc cần làm ngay' của Tổng Bí thư Trọng, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, trong toàn chiến dịch 'đốt lò'
"Giai đoạn I của chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, có lẽ tôi đã nghĩ đặt cái tên là "việc cần làm ngay" vì nó kéo dài từ tháng 6/2016 tới tháng 1/2017. Giai đoạn II của chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng thì có thể chính thức đặt tên là "đốt lò", bắt đầu từ tháng 12/2017 cho tới nay.
"Khởi sự của giai đoạn II chiến dịch chống tham nhũng, 'đốt lò' đó là vụ bắt Ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng. Vào thời điểm đó thì thực sự ra thế này, ông Nguyễn Phú Trọng đã có tên tuổi trên báo quốc tế rồi chứ không phải đến mức mà ông ta phải chỉ đạo cho Bộ Ngoại Giao đi 'quảng cáo' trên tờ Le Monde của Pháp khi đi tới Pháp vào tháng 3/2018 đâu.
"Lúc đó chính những tờ trong khu vực Đông Nam Á như Asia Times hay là một số tờ khác đã viết về chiến dịch 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng và thậm chí người ta còn nhắc lại biệt hiệu mà Đài Tiếng nói Việt Nam, có tác giả của đài Tiếng nói Việt Nam đặt cho ông Trọng là "Người đốt lò vĩ đại" và thậm chí là những biệt hiệu khác nữa chẳng hạn như là "Minh Quân" hay là "Sĩ phu Bắc Hà" hay là "Bậc trí nhân, thế Thiên hành Đạo" - những danh xưng có thể nói là ngút trời không văn tự.
"Thế thì tôi muốn nói là đã có một luồng dư luận, khá nhiều dư luận nhân dân có một sự hy vọng nhất định vào ông Nguyễn Phú Trọng trong khi là trước đó gần như chẳng còn hy vọng gì cả và đó là cái hy vọng còn nước còn tát, cho dù thực sự ra tình hình ở Việt Nam bây giờ quá là hỗn loạn rồi.
"Nhưng mà chiến dịch được cho là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có hai tên gọi thì cũng có hai giai đoạn mà tôi cho là đã bị trùng xuống một cách rất khó hiểu. Đó là sau Hội nghị Trung ương 5 vào tháng Sáu đến tháng Mười năm 2017 tự nhiên trùng xuống, mặc dù lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng đã phát ra câu là "Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy".
"Và khoảng thời gian thứ hai là khoảng thời gian gần tới Hội nghị trung ương 7 của Đảng Cộng Sản Việt Nam tức là tháng 5/2018. Có hai giai đoạn nó trùng xuống một cách hết sức khó hiểu và chúng ta thấy thực sự là ở Hội nghị trung ương 7 vào tháng 5/2018 là đã không có xử ở bất kỳ một quan chức nào cả, thậm chí là tệ hơn cả Hội nghị trung ương 6 vào tháng 10/2017.
"Hội nghị trung ương 6 còn 'xử' được Nguyễn Xuân Anh, được coi như là "ruồi". Nguyễn Xuân Anh lúc đó là bí thư của Đà Nẵng bị cắt chức Ủy viên Trung ương đảng. Thế thì đó là chiến dịch 'đốt lò' của ông Nguyễn Phú Trọng có hai tên gọi và cũng có hai giai đoạn bị trùng xuống một cách bất ngờ. Và cho tới giờ vẫn có những dấu hiệu trùng xuống".
Có vùng cấm trong lò ?
Những sai phạm của ông Đinh La Thăng đưa ra xét xử là ở nhiệm kì về trước, dưới khóa XI, chứ không phải phát sinh dưới khóa XII, và những người đưa ông Thăng vào Trung ương và vào các chức vụ cao phải ch trách nhiệm, theo Luật sư Trần Quốc Thuận
Cũng từ Sài Gòn, Luật sư Trần Quốc Thuận nói với Bàn tròn thứ Năm :
"Nhìn về phía hình thức công khai gọi là chiến dịch 'đốt lò' nó cũng có phát huy tác dụng nhưng mà rõ ràng trong chiến dịch 'đốt lò' này người ta mong muốn rằng nó phát triển mạnh mẽ hơn. Có nghĩa câu mà tôi nhắc đi nhắc lại là không có chừa nơi nào, không có vùng cấm, thế này thế kia.
"Nhưng mà thực tế, qua những vụ án vừa qua thì chúng ta thấy rõ ràng là chưa bắt tận gốc, chưa bắt tận rễ bởi vì như những vụ vừa qua như vụ Vũ Nhôm và Út Trọc thì không thể Vũ Nhôm và Út Trọc nó thần thánh gì mà làm được, họ chỉ là tay sai công cụ thôi, họ chạy cho mấy ông ấy thôi, còn mấy ông phía trên là thế nào và thu hồi chiếm đoạt tiền bạc tài sản như thế thì thế nào ? Cho nên phải truy nguồn gốc đó chứ.
"Và như tôi đã vừa nói, những gì mà được đề bạt lên tới Thượng tướng rồi lên tới Thứ trưởng thì phải qua quy trình của những người thẩm định, thẩm tra quá trình, vậy đó thì nó như thế nào ? Để lọt những người như thế, thì những người [để lọt] như thế là trách nhiệm sai.
"Hay là nói xa hơn như vụ ông Đinh La Thăng, thì với ông Đinh La Thăng, những sai phạm đưa ra xét xử là ở nhiệm kì về trước, dưới khóa XI, chứ không phải phát sinh dưới khóa XII. Khóa XI như vậy thì với lý lịch như thế, với bao nhiêu sai phạm như thế, thì tại sao ? Những người có trách nhiệm như thế nào ?
"Và tại sao khi thẩm định hồ sơ thì bảo là ông này không có vấn đề gì ? Kết luận là không có vấn đề gì thì đưa ra Đại hội người ta mới bầu. Còn nếu mà kết luận là có những vụ án như thế này, như thế kia thì làm sao người ta bầu được ?
Những người đề bạt, xét duyệt quan chức cao cấp tới chức Thứ trưởng, hàm Tướng ở ngành Công an mắc sai phạm nghiêm trọng trong vụ ông Vũ Nhôm bị xét xử cũng cần bị truy trách nhiệm, theo Luật sư Trần Quốc Thuận
"Vậy thì trách nhiệm của những cơ quan đó là như thế nào ? Tôi nói thẳng là những cơ quan mà thẩm định những hồ sơ mà qua đại hội đó, phải thẩm định qua Ủy ban kiểm tra, ban Bảo vệ Chính trị nội bộ, Ban Tổ chức, Ban Nội chính, rồi các bộ phận nhân sự họ duyệt xét, mà những hồ sơ của những người như thế đó nó vẫn đi qua một cách thong dong, và tôi cho rằng như vậy thì phải chăng nó có một cái gì ở đây ?
"Và như vậy phải chăng là những người đó mà đi qua được và được các phiếu bầu cao, ít nhất là phải quá 50% trở lên thì họ mới trúng cử vào chức vụ này chức vụ kia. Như vậy cái 50% mà đã bầu cử những người đó vào chức vụ này kia, họ là ai và họ đang làm gì, trách nhiệm những người đó như thế nào ?
"Đó là cái mà cần phải đánh giá thực chất và hiện bây giờ đó là cái mà người ta đang rất lo lắng, người ta mong muốn 'đốt lò' thì phải làm công khai và làm công khai thì phải làm sao tạo điều kiện cho báo chí và nhất là nhân dân phải tham gia vào, cho nên nhân dân người ta có quyền phản biện, có quyền giám sát, chỉ thông qua những tổ chức của đảng, Mặt trận Tổ quốc, thanh niên, phụ nữ thì giám sát làm sao được ?
Dân giám sát đốt lò ?
Bình luận về việc có nên để người dân tham gia giám sát việc chống tham nhũng hay không, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :
"Nhân dân người ta phải tham gia vào. Họ muốn có người dân tham gia vào thì phải có cơ chế, có luật pháp, có tạo điều kiện và phải đảm bảo sự an toàn cho mọi người tham gia. Chứ nếu không đánh giá tình hình của dân chúng thì nhiều quan chức phát biểu là có đánh giá khác nhau, chằng hạn như là cuộc biểu tình vừa qua đó, có người gọi là gây rối, có người gọi là thế này, thế kia.
"Nhưng mà tại Quốc hội thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi báo chí hỏi, ông bảo rằng vấn đề này 99 năm đặc khu thì không đặt ra được. Còn lòng dân mà như thế đó thì làm gì mà sợ mất nước. Bây giờ ông không ra thì lòng dân thì như nào, lòng dân mà tham gia biểu tình, lòng dân mà như thế thì làm gì mà sợ mất nước ?
"Nhưng mà sau đó Tổng bí thư tiếp xúc cử tri thì bảo rằng giờ chúng ta thấy rồi là cái chuyện này chuyện kia thì luật ba đặc khu thì đã bàn rồi, lâu rồi, những người biểu tình gây rối là ai thì bây giờ chúng ta cũng biết rồi.
"Thực chất lôi ra một số người có tiền xử tiền án gì đó thì đưa ra, những người đó bị đại diện, quy kết thì rõ ràng cưỡng chế, rồi bên Quốc hội thì phải tiếp thu ý kiến, nhân sự ý thức một cách đầy đủ trước khi xem xét thông qua.
"Rõ ràng có ý kiến bảo rằng những người phát biểu hình như là muốn gây rối, làm ồn ào, có những người đó, những thành phần đó là thế này thế kia. Rồi bên cạnh đó, thành phần đó là tiền án tiền sự còn có ý kiến thì phát biểu là : "À đó là lòng dân, đó là sự nhạy cảm yêu nước, có những người dân yêu nước".
"Cho nên nhìn nhận đánh giá thực sự vào xã hội Việt Nam thì nhìn nhận , đánh giá vào người dân thì rõ ràng những đánh giá tôi cho rằng có độ vênh giữa những người lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước này.
"Còn nếu vậy đến bây giờ có những người người ta như vậy thì còn có tin vào dân hay không hay là bắt dân phải tin vào minh thì đó là câu hỏi người ta nhắc đi nhắc lại mãi. Trong chiến tranh trong hoạt động phải tin vào dân mới tồn tại nhưng bây giờ còn tin vào dân không hay là dân phải tin vào mình ?" Luật sư Thuận nói
Kết quả 'đốt' thế nào ?
Vẫn từ Sài Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bình luận về kết quả, hiệu quả của việc 'đốt lò' qua hai giai đoạn theo cách nhìn của ông :
"Còn về mặt kết quả, tôi cho là thế này. Đánh giá thì đúng là ông Nguyễn Phú Trọng là người Tổng bí thư đầu tiên từ trước đến giờ trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam mà có thể xử quan chức tham nhũng nhiều đến thế trong một thời gian tương đối ngắn.
"Nhưng cũng có thể giải thích là thế này. Những đời Tổng bí thư trước tỉ lệ tham nhũng có lẽ chỉ bằng khoảng 1/10 cho tới 1/100 tình hình tham nhũng hiện nay ở Việt Nam mà thôi. Cho nên việc ông Nguyễn Phú Trọng bắt buộc phải xử tham nhũng không có gì là lạ cả.
"Ông ta muốn tồn tại thì ông ta phải gây dựng một cái cơ chế và một cái lý do tồn tại cho mình cũng giống như là Tập Cận Bình với chiến dịch "Đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc từ năm 2012 cho tới giờ và đã duy trì được cái thế độc tôn và thậm chí cũng không ai nhắc đến việc Tập Cận Bình cần phải từ chức nữa.
"Thứ hai nữa về mặt kết quả thì đánh giá là mặc dù có xử được một số quan chức tham nhũng, mặc dù cũng giống như Tập Cận Bình đánh vào khu vực công an, đánh vào khu vực quân đội, kể cả Quân Ủy trung ương nhưng mà dường như là có một sự bất xứng và thiên về các khu vực với nhau.
"Tôi muốn nói là thế này, tức là trong thời gian gần đây, người ta có những khái niệm là "củi rừng" và "củi nhà". Thế thì người ta cho rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng ông Nguyễn Phú Trọng thì ông được cho là đốt "củi rừng" hơn là đốt "củi nhà", nhiều hơn hẳn so với đốt "củi nhà".
"Và một nhân vật được cho là gần gũi với ông Nguyễn Phú Trọng đó là Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương thì vào khoảng tháng 11/2017 nói ra cái việc thế này, tức là chiến dịch chống tham nhũng chủ yếu là 'chống tham nhũng thời kỳ trước'. Điều đó vô tình làm lộ ra một yếu tố đó là thời kỳ trước là thời kỳ nào ?
"Và rất nhiều người nghĩ rằng hình dung ra rằng cái thời kỳ đó là thời kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chứ không phải thời nay, thời của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng".
Lò đốt bất cân xứng ?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bình luận tiếp : "Vậy chống tham nhũng chủ yếu là chống tham nhũng thời kỳ trước có nghĩa là thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng. Chúng ta vừa mới thấy có hàng loạt kết quả nó bất xứng với nhau có thể so sánh.
"Đầu tiên là vụ Đà Nẵng vào cuối năm 2017, trong khi ông Nguyễn Xuân Anh, một Bí thư Thành uỷ, bị khai ra khá nhiều tội, kể cả những cái tội liên quan đến bằng cấp này kia đầy rẫy và bị cách chức Ủy Viên trung ương Đảng, thì một ông Huỳnh Đức Thơ là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, mà được coi là trong cuộc chiến Huỳnh Đức Thơ - Nguyễn Xuân Anh "Hai cọp một rừng", thì vẫn bình chân như vại và chỉ nhận một cảnh cáo nhẹ nhàng từ phía Chính phủ.
"Và sau đó cho tới bây giờ thì ông Huỳnh Đức Thơ vẫn thản nhiên còn tồn tại ở Đà Nẵng mặc dù ông ta bị cho là có rất nhiều sai phạm về mặt đất đai. Đó là kết quả ở Đà Nẵng. Sau kết quả ở Đà Nẵng thì dẫn tới vào Sài Gòn.
"Sài Gòn cho tới giờ chúng ta thấy có ít nhất là hai, ba vụ. Thứ nhất là vụ vào quý I năm 2018, đó là một quan chức cao cấp của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Tất Thành Cang, là Phó Bí thư Thường trực đã cố ý làm trái, tôi cho là rất cố ý làm trái trong việc ký thông qua chủ trương bán đất công cho Quốc Cường Gia Lai, bán 32 hecta đất ở Nhà Bè.
"Không có sự phát hiện của cán bộ công nhân viên công ty Tân Thuận thì chắc chắn vụ bán đất đã xuôi lọt rồi, nhưng mà cho tới giờ ông Tất Thành Cang vẫn chưa hề bị xử lý kỉ luật, gần như vụ việc người ta cho là chìm hẳn xuống. Như vậy liệu ông Nguyễn Phú Trọng có biết chuyện này hay không ?
"Bên cạnh đó ở Sài Gòn còn một vụ lớn hơn nhiều, thậm chí là đẫm máu, đẫm nước mắt và đầy rẫy những cái chết tự treo cổ phẫn uất khi mà bị cưỡng chế, đó là cái vụ ở Thủ Thiêm. Và cho tới giờ chúng ta biết rằng, sau hai ba lần hứa hẹn vẫn không có bất kì kết luận thanh tra nào của Thanh tra Chính phủ công bố về vụ Thủ Thiêm.
"Rất nhiều người dân đang cho rằng, khi mà lần mò vào vụ Thủ Thiêm thì ông Nguyễn Phú Trọng thấy đụng nhiều quan chức quá và ông ta đang muốn làm ém nhẹm vụ này và làm cho chìm xuồng cái vụ này lại.
"Như vậy cái vụ Thủ Thiêm là vụ liên quan đến quyền lợi của người dân vô cùng lớn, liên quan đến nước mắt xương máu của người dân vô cùng nhiều, nhưng mà tại sao cho tới giờ bị gần như chìm xuồng như vậy ? Và những thế lực nào đang muốn cho chìm xuồng như vậy ? Như thế, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng có công bằng hay không ?
Các ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út Trọc - trái) và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) ra tòa tại Việt Nam
"Cuối cùng tôi muốn nhắc đến trường hợp bất xứng của ông Đinh La Thăng và trường hợp Trương Minh Tuấn. Các ông Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đều bị Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng đánh giá là sai phạm 'rất nghiêm trọng', nhưng ông Đinh La Thăng thì đã lãnh hai cái án 31 năm tù giam, còn ông Trương Minh Tuấn lại làm Phó Trưởng ban Tuyên Giáo trung ương Đảng".
Bản chất 'ma trận' lò ?
Từ Hà Nội, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A tham gia ý kiến bình luận với Bàn tròn thứ Năm :
"Có một từ hai vị trước đây nói đến là vấn đề tham nhũng, tôi rất tránh cái chuyện đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng với chuyện tham nhũng. Về chuyện đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng, tôi nghĩ ông ấy đã khá là thành công trong việc đốt đối thủ hay những phe cánh của đối thủ. Nếu mà nhìn trong khuôn khổ là một bên là Đảng Cộng sản Việt Nam chống tham nhũng, minh bạch mọi thứ cho nhân dân, đấy là một cách nhìn, và tôi nghĩ cách nhìn ấy chưa chắc đã phải là đúng.
"Một cách nhìn thứ hai là như vậy trong chính quyền hay trong giới cầm quyền có hai phe, phe này triệt phe kia thì tôi nghĩ cũng chưa hoàn toàn đầy đủ. Không thể có một cái nhìn đầy đủ, nhưng theo cách nhìn của tôi, là trong giới cầm quyền có một số nhóm, hai ba nhóm, có thể là bốn nhóm gì đấy chẳng hạn.
"Và các nhóm ấy tranh giành quyền lực với nhau và ông Nguyễn Phú Trọng cùng với nhóm của ông ấy đã rất tích cực để củng cố quyền lực của nhóm ông ấy bằng cách triệt hạ các phe cánh khác. Nếu chúng ta để ý theo một khung khổ như thế thì chúng ta sẽ thấy rất nhất quán toàn bộ những sư diễn tiến mà gọi là chống tham nhũng, hay gọi là 'Đốt là' từ suốt cả ba, bốn năm nay.
"Có thể giải thích được dễ dàng kể từ những chuyện ông Đinh La Thăng, rồi cho đến chuyện Trịnh Xuân Thanh, cho đến chuyện Út Trọc và Vũ Nhôm, nó đều nằm trong một luồng như thế. Tức là tất cả những nhân vật ấy, trừ ông Đinh La Thăng là một người tương đối là to, việc xử ông Đinh La Thăng theo những tội như được nêu ra ở Tòa án, thì chẳng có nghĩa lý gì cả.
"Bởi vì nếu chỉ đúng những tội danh mà được nêu ở tại phiên tòa thì ông Đinh La Thăng phải được tha bổng ngay tại Tòa. Và tôi nghĩ chuyện thí dụ của ông Út Trọc chẳng hạn, nếu chúng ta nhìn thấy 12 năm tù của ông ấy, với những tội thực sự là lãng xẹt, nào là cố ý làm trái thế này, thế kia, rồi thì bằng cấp.
"Tất cả những cái ấy chỉ là bề nổi và nó có thể đánh lừa chúng ta, đánh lừa dư luận. Nhưng nếu mà mình xét rằng ở đằng sau đấy là có một thế lực này, và đằng sau vụ khác, nó là thế lực kia, các thế lực này chống đối với nhau, giành quyền lực với nhau.
"Và sự lên xuống lúc thì lạnh, lúc thì nóng nó phản ánh sự cân bằng, hay là sự chưa ngã ngũ về cân bằng quyền lực hay cái thế của những nhóm ấy chưa thực sự ngã ngũ.
"Ngay cả chuyện với ông Trương Minh Tuấn cũng như vậy. Với ông Tuấn, ông về làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thì phải chăng cũng lại giống như là ông Đinh La Thăng về làm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ?
"Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta chỉ xét theo bề nổi và cái mà người ta nói đây là một vụ chống tham nhũng không trừ ai cả, thì chúng ta sẽ rất dễ bị lạc vào một mê hồn trận mà không biết đâu mà lần ra.
"Nhưng nếu xét từ quan điểm là có những phe phái khác nhau, các phe phái này tranh giành với nhau, triệt hạ lẫn nhau, để nó củng cố quyền lực của phe đó, thì lúc đó chúng ta có thể hiểu, có thể giải thích một cách dễ hơn những hiện tượng xảy ra liên quan cái gọi là chống tham nhũng, cũng như là 'đốt lò', hay là các vụ án vừa rồi.
"Nó theo một khung khổ tương đối là nhất quán", Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A nói với BBC.
BBC, 05/08/2018
Cuối tháng 7 vừa qua, một loạt cán bộ cao cấp của ngành công an và quân đội bị đề nghị kỷ luật vì những vi phạm bị cho là rất nghiêm trọng. Trong số này nổi bật có hai nhân vật là nguyên Thứ trưởng và đương kim Thứ trưởng bộ Công An. Đó ông Trung tướng Bùi Văn Thành, Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an bị cáo buộc có những vi phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát tài sản nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân cũng bị xác định là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành (trái) và nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân. Courtesy of Soha.vn
Ngoài ra còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, bị cho là đã trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế không đúng quy định.
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên bí thư đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân, được nói mắc sai phạm trong việc duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội. Bên cạnh đó còn có hàng loạt quan chức thuộc Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV) và Ban thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không.
Ngay sau khi loạt cán bộ này bị đề nghị kỷ luật, hai nhân vật được cho từng ‘khét tiếng’ là ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) bên quân đội, và ông Vũ "nhôm" bên công an cũng bị xét xử với những mức án được nói là rất nghiêm túc. Út trọc chịu án 12 năm tù, còn Vũ "nhôm" lĩnh 9 năm tù giam.
Nhà báo độc lập– nhà bình luận chính trị Phạm Chí Dũng nhận định về chiến dịch chống tham nhũng trong hai ngành công an và quân đội của Việt Nam :
Thực ra chiến dịch chống tham nhũng này đã bắt đầu vào ngành công an khoảng tháng 8 năm 2017. Khi đó có những cuộc điều tra với tướng Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa của Cục phòng Chống tội phạm công nghệ cao. Và đến đầu năm 2018 khi bắt Vũ Nhôm là lúc đó đã chính thức lan sang ngành công an. Còn đối với quân đội vào khoảng tháng 5 năm 2018 tức khoảng 4 tháng sau ngành công an, là chính thức lan sang ngành quân đội, lúc đó là tướng Phương Minh Hòa và sau đó là một số tướng khác trong đó có Út trọc.
Nhưng về mức độ thì bên quận đội nhẹ nhàng hơn bên công an. Cho tới nay việc giáng chức, giáng quân hàm cũng như cách mọi chức vụ trong quân đội chưa xảy ra nhưng đã xảy ra ở bên công an. Ví dụ như tướng Bùi Văn Thành, thứ trưởng bộ Công an là cấp cao nhất tới giờ bị xử lý kỷ luật.
Trong một buổi gặp gỡ với cử tri Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận bên công an, quân đội nhiều lần xin xử lý tham nhũng nội bộ để không làm mất uy tín hai cơ quan này. Nhưng ông Trọng từ chối, nói rằng công khai là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương.
Nhà báo Nguyễn An Dân lại cho rằng các phe cánh trong Đảng tiếp tục đấu đá nhau, trong đó có những phe thuộc ngành công an, quân đội :
Thực ra trong Đảng ai cũng tham nhũng, đó là ông Trương Tấn Sang nói chứ không phải mình nói. Thành ra vấn đề bắt ai cũng có thể nói là chống tham nhũng. Nhưng tôi nghĩ vấn đề còn lại là những người đang bị bắt và đang bị xử lý như ông Vũ Nhôm hay Đinh Ngọc Hệ người ta đồn có đàn em, vây cánh của lãnh đạo này, lãnh đạo kia trong Đảng. Nó có sự trùng hợp như vậy, thành ra không chỉ tôi mà nhiều người nói rằng nó không chỉ là chống tham nhũng mà còn là vấn đề phe cánh.
Một minh chứng cho thấy sự đấu đá phe cánh mà nhà báo Nguyễn An Dân đưa ra đó là các vụ án lớn như Formosa hay Thủ Thiêm không bị xử lý :
Có những người sai phạm rất nhiều nhưng chưa thấy bị xử lý, ví dụ như ông nguyên bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chẳng hạn, thì dư luận phải đặt câu hỏi sao không xử lý ông này. Rồi có những thứ trưởng này, thứ trưởng kia trong các ngành khác có sai phạm nhưng không xử lý.
Ông Vũ Huy Hoàng là nguyên Bộ trưởng Công thương bị đưa ra kỷ luật vì các sai phạm nghiêm trọng xảy ra trong quá trình làm việc tại Bộ Công thương thời gian từ năm 2011 đến năm 2016. Theo đó ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian 2011 - 2016. Đây được nói là vụ việc gây đau đầu cho cơ quan pháp luật Việt Nam vì trước đây chưa từng có quy định của pháp luật hay tiền lệ việc xử lý kỷ luật một cán bộ cấp cao của Đảng khi đã về hưu. Mặc dù hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của ông Hoàng đã bị phanh phui nhưng đến giờ ông này vẫn "ung dung tại ngoại".
Một vị quan chức cao cấp khác mắc nhiều sai phạm trong vụ án Mobifone thuộc Bộ Thông tin- Truyền Thông nâng khống giá mua Công ty Truyền Hình An Viên AVG, gây thất thoát nhiều ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước là ông Trương Minh Tuấn. Tuy nhiên biện pháp kỷ luật đối với ông ngày bị cho là "nhẹ". Ông này bị ngưng chức Bộ trưởng Thông tin Truyền thông, và chuyển sang làm Phó chuyên trách Ban Tuyên giáo Trung ương.
Từ vụ việc ông Trương Minh Tuấn, nhà báo Phạm Chí Dũng cho rằng chiến dịch "lò nóng, củi tươi" của ông Trọng đang có dấu hiệu đi xuống :
Việc xử Trương Minh Tuấn một cách nhẹ nhàng như vậy đã làm cho chiến dịch chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng về mặt thực chất chỉ đốt củi rừng chứ không đốt củi nhà, và chỉ chống tham nhũng một bên. Và có lẽ trong tương lai gần chiến dịch này sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Đây cũng là quan điểm của nhà báo Nguyễn An Dân. Ông cho rằng trong tương lai sớm, "lò" của ông Trọng sẽ ngấm tắt :
Tôi nghĩ cuộc chiến này sẽ sớm dừng lại bởi vì bản chất không phải là cuộc chiến chống tham nhũng mà nó có mục tiêu chính trị. Khi mục tiêu chính trị đạt được rồi thì người ta sẽ dừng lại.
Chúng tôi ghi nhận nhiều nhà quan sát chính trị cũng nói rằng công cuộc chống tham nhũng của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đang ngày càng hạ nhiệt và để lộ ra bản chất các phe cánh diệt trừ lẫn nhau.
******************
‘Nút thắt’ quyền người lao động trong hiệp định thương mại Việt Nam-EU (VOA, 03/08/2018)
Tổ chức Lao động Quốc tế kêu gọi Việt Nam phê chuẩn những công ước lao động cốt lõi còn lại để hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu, mà Việt Nam mong đợi từ lâu, được thông qua.
Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã đàm phán một hiệp định thương mại tự do trong hơn 5 năm qua. Có ba công ước cốt lõi để đảm bảo quyền của người lao động chưa được Việt Nam thông qua trong hiệp định này.
Hiện tại Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhưng vẫn chưa phê chuẩn 3 công ước về chống lao động cưỡng bức, quyền thương lượng tập thể và tự do liên kết, vốn là những thành tố quan trọng trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), theo một thông báo trên trang web của ILO đăng tải hôm 30/7.
Nghị viện Châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.
Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu
Dự kiến, Việt Nam sẽ phải sửa đổi một số luật như Lao động, Công đoàn... Những luật này từng dự kiến được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khi TPP còn được hy vọng ký kết trước cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, muốn tham gia hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, một mục tiêu mà Hà nội đã nhắm tới và bắt đầu đàm phán từ hơn 5 năm nay, Việt Nam sẽ phải sớm thông qua ba công ước còn lại, và lồng ghép chúng vào hệ thống luật quốc gia,.
EVFTA là một "hiệp định dựa trên luật lệ", nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu được báo SGGP ở Thành phố Hồ Chí Minh trích lời nói với báo chí hôm 27/7.
Theo ông Lange, Nghị viện Châu Âu đòi hỏi các tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt trong lĩnh vực lao động khi thương thuyết các hiệp định thương mại tự do để đảm bảo các quyền lợi của người lao động phải được bảo vệ, một khi hiệp định được thực thi.
Đề nghị của Hà Nội để dẫn độ một sỹ quan tình báo với cáo buộc mang tài liệu bí mật sang Singapore và tìm cách đi qua Đức đe dọa nền ngoại giao
Chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam lại một lần nữa vượt ra khỏi biên giới của nước này và đe dọa sẽ biến thành một sự kiện gây tổn hại đến ngoại giao và vị thế quốc tế mà nước này đã nỗ lực cải thiện trong những năm gần đây.
Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng trong ngày cuối của Đại hội Đảng vào tháng Giêng năm 2016
Hà Nội hiện đang kêu gọi Singapore dẫn độ sỹ quan tình báo và là doanh nhân Phan Văn Anh Vũ, với cáo buộc tiết lộ bí mật quốc gia, một tội có mức án cao nhất là tử hình trong chế độ độc đảng của Việt Nam.
Vũ đã thuê một nhóm luật sư để phản đối việc dẫn độ về Việt Nam và ông này được cho là đang tìm kiếm đi sang Đức, nơi mà ông ta có thể sẽ xin tị nạn chính trị và có thể có được chấp nhận. Vũ và gia đình đã trốn khỏi Việt Nam khi cảnh sát khám nhà ông ta vào ngày 21 tháng 12.
Vũ đã bị bắt về những cáo buộc liên quan tới di dân vào ngày 28/12 trong khi cố gắng xuất cảnh khỏi Singapore để sang nước láng giềng Malaysia. Hiện chưa rõ rằng liệu Berlin có đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vụ việc tới Singapore, trong khi Singaporei chưa công bố công khai về vụ bắt giữ này.
Là một sỹ quan cao cấp của Tổng cục Tình báo Bộ Công an (Tổng cục 5), Vũ được cho là có thông tin chi tiết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cựu giám đốc của PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) vào năm trước ở một công viên ở Berlin, Đức. Trong khi Việt Nam tuyên bố Thanh tự trở về dể đầu thú thi phía Đức tin rằng ông này bị bắt cóc trong một điệp vụ bí mật.
Theo các báo cáo của Việt Nam, ông Vũ đã mang nhiều giấy tờ bí mật cùng ông sang Singapore để trình bày với cảnh sát Đức về chi tiết của vụ bắt cóc, bao gồm cả kế hoạch bắt cóc. Các báo cáo cho thấy rằng Vũ sẵn sàng làm nhân chứng ở Đức.
Thanh hiện đang bị buộc tội tham nhũng và quản lý kinh tế yếu kém với hình phạt có thể lên tới 20 năm thậm chí là tử hình. Viện Kiểm sát Tối cao cho biết Thanh không thành khẩn khai báo trong quá trình điều tra và có thể phải chịu mức án nặng nề.
Vụ việc của Thanh có liên quan đến 22 quan chức khác của PetroVietnam, trong đó có 9 người phải đối mặt với án tử hình nếu bị kết tội. Cựu uỷ viên Bộ chính trị Đinh La Thăng, người mà bản cáo trạng cuối cùng về những cáo buộc quản lý kém hiệu quả về kinh tế được công bố vào ngày 26 tháng 12, là một phần của cùng một vụ truy tố. Thắng từng được xem như một nhà lãnh đạo đảng trong tương lai.
Có rất nhiều quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng trong một cuộc đấu tranh nội bộ trong đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật chính trị mạnh mẽ nhất của đất nước này điều khiển.
Mặc dù cần phải dọn dẹp những thối rữa quá nặng nề trong số các quan chức Đảng, nhiều người vẫn nhìn thấy đây là một cuộc thanh trừng nội bộ nhằm giúp Trọng củng cố quyền lực chống lại phe đối nghịch. Nhưng bằng cách quốc tế hóa việc thanh trừng với cơ sở pháp lý không rõ ràng và sử dụng các chiến thuật bất hợp pháp, ông Trọng đang gây nguy hiểm với những lợi ích kinh tế và an ninh toàn cầu của Việt Nam.
Trịnh Xuân Thanh được đưa lên truyền hình quốc gia để "tự thú" vào ngày 03/8/2017
Nếu Vũ có thông tin cụ thể liên quan đến Trọng trong hoạt động bắt cóc, lãnh tụ đảng và nhà lãnh đạo quốc gia thực sự có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Đức. Các biện pháp trừng phạt rộng hơn, bao gồm các biện pháp trừng phạt thương mại, cũng là một khả năng, một số nhà phân tích gợi ý.
Một trong những luật sư của ông Vũ nói với Reuters rằng đơn xin của ông để đi du lịch đến Đức đã được thực hiện theo các quy định cho phép một người nước ngoài vào Đức để "bảo vệ lợi ích của Đức". Một luật sư khác của ông đã đề nghị ông có thể nhập cảnh Đức dựa trên lý do "nhân đạo".
Singapore không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, nhưng hai nước thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á có ngoại giao thân thiện và được mong đợi sẽ gần nhau hơn khi Singapore đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên của tổ chức khu vực này vào năm 2018. Hai quốc gia này được coi là những nước hoài nghi hàng đầu về chính sách Trung Quốc trong hiệp hội mà sự hoạt động dựa trên đồng thuận.
Theo cảnh sát Việt Nam, họ đã thuyết phục chính quyền Singapore rằng ông Vũ có hộ chiếu giả mạo và đã đưa ra hồ sơ hình sự về ông Vũ khi yêu cầu dẫn độ ông, theo ông Bùi Thanh Hiếu, một blogger dưới bút danh Người Buôn Gió, một người có liên hệ trực tiếp với luật sư của Vũ.
Bằng chứng về sự tham gia ở cấp cao trong vụ bắt cóc cũng có thể gây nguy hiểm cho một hiệp định thương mại tự do của Liên minh Châu Âu - Việt Nam vào thời điểm Hà Nội đang cố gắng đa dạng hóa thương mại quốc tế nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc và sự mất mát khi Mỹ rời khỏi Hiệp ước Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Cũng có những câu hỏi về việc thanh trừng nội bộ có thể diễn ra như thế nào trước khi nó bắt đầu làm suy yếu sự ổn định của đảng bên trong.
Các nhà phân tích của Việt Nam cho rằng việc cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, người có liên hệ rõ ràng với Vũ, cũng có thể nhắm tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhân vật thứ 2 trong Đảng
Quang, nhân viên thứ hai của Đảng, trước đây từng là Bộ trưởng Bộ Công an, là người có thể thay thế Trọng trong vai trò lãnh đạo Đảng tại Đại hội Đảng vào năm 2021 - hoặc có lẽ sớm hơn như một số gợi ý rằng ông Trọng có thể về hưu ở độ tuổi 73.
Các nhà phân tích tin rằng ông Trọng sẽ thích người kế nhiệm mình phải là người của mình thay vì đến từ lực lượng công an, nơi mà trước đây Quang là Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương. Họ nghi ngờ Vũ có thể có thông tin liên quan đến Quang trong việc trốn đi nước ngoài của Vũ và Thanh trước đây.
Vũ cũng lãnh đạo các công ty bình phong của Tổng cục 5 mà một số người cho rằng có thể có vai trò của Quang trong cương vị là bộ trưởng công an và người đứng đầu của cảnh sát. Nếu những căng thẳng cấp cao này phát triển, hãy trông đợi những đấu đá mạnh hơn trong những tháng tới khi Trọng và Quang dốc sức vào cuộc chiến quyền lực và tồn tại.
Nguyên tác : Is Vietnam’s purge spinning out of control ? (AsiaTimes, Bangkok, 03/01/2018)
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 05/01/2018
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của chính phủ hôm 28/12 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng "được đẩy mạnh hơn bao giờ hết".
Cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) được ví như là chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải).
Truyền thông trong nướcnói đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của chính phủ.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói sự có mặt của ông Trọng tại cuộc họp chính phủ cho thấy chủ trương "Đảng lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo toàn diện" và "nhất thể hóa các chức danh Đảng và Nhà nước".
"Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được", nhà báo Dũng nhận định. "Điều đó cho thấy ông Trọng ngày càng tự tin và rất tự tin và có thể nói, không những thể hiện vai trò lãnh đạo độc tôn không những của Đảng mà của cả cá nhân ông Trọng".
Theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập, ông Trọng trở nên tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, về Việt Nam và "tự tin hơn nữa" sau khi bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ông Thăng và Thanh đều từng làm lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí PetroVietnam (PVN) và sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng sau.
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng là 2 trong số những lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam sẽ bị đưa ra xét xử trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh chụp từ VTV)
Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trọng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng, ông nói cuộc "đấu tranh phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ".
Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng phát động, theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trần Quốc Thuận với VOA, đã "đến hồi quyết liệt", đến giai đoạn "sống còn" nên cần được ủng hộ rộng rãi.
"Tổng bí thư đến họp chính phủ không những nhấn mạnh ý chí lãnh đạo của Đảng quyết đấu tranh chống tham nhũng mà cũng cần có sự tập hợp ủng hộ cả từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ ngành hữu quan", theo ông Thuận.
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến "những nơi nhạy cảm" từng được coi là "vùng cấm" với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.
Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị tống giam và truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là "đốt lò".
ZingNews trích lời ông Trọng nói tại hội nghị hôm 28/12 : "Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu".
Hơn 20 lãnh đạo của PVN bị điều tra, trong đó có ông Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. Ông Thăng, Thanh và các lãnh đạo khác của PVN sẽ được đưa ra xét xử bắt đầu từ ngày 8/1/2018.
Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hồi tháng 9 nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái từng thừa nhận rằng đạo đức trong Đảng đang xuống cấp, làm mất lòng tin của dân, và đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Nói với VnExpress, một nhà quan sát chính tình Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói mỗi vụ án tham nhũng được xử không những dựa trên thất thoát về tài chính, mà còn dựa trên mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định về chính trị. Theo nhận định của giáo sư Thayer trên tờ Asia Times, các vụ đại án được tiến hành và những mức án nặng được đưa ra là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam.
Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.
VOA tiếng Việt, 28/12/2017
Đằng sau chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay là gì ?
Việt Nam đang mở rộng chiến dịch chống tham nhũng nhằm vào nhiều quan chức cấp cao với việc bắt giữ hàng tá quan chức của Tập Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và ngành ngân hàng.
Cùng với việc làm sáng tỏ tình trạng tham nhũng, quản lý kém và chủ nghĩa gia đình trong các công ty nhà nước trong thời điểm cổ phần hóa đang gia tăng, các vụ bắt giữ cho thấy sự thành công của một phe bảo thủ hơn trong Đảng Cộng sản cầm quyền.
So sánh hoạt động kinh tế của một số công ty của PetroVietnam và PTT Thái Lan, một công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Thái Lan.
Tên các công ty theo thứ tự từ trên xuống trong chú thích : PTT của Thái Lan, Tổng Công ty Vận tải PetroVietnam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí
Ít nhất 51 quan chức và cựu quan chức của PetroVietnam và ngân hàng đã bị bắt. Một số đã bị đem ra xử và đã bị kết án. Nhân vật cao cấp nhất bị bắt giữ là cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đinh La Thăng. Ông là thành viên Bộ Chính trị đầu tiên trong hàng thập kỷ bị truy tố. Reuters không thể liên lạc với ông hoặc luật sưu của ông để bình luận. Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc một nghi phạm từ PetroVietnam, ông Trinh Xuân Thành. Hơn 100 quan chức khác cũng đang bị đe dọa truy tố hoặc đã bị kỷ luật hoặc sa thải.
PetroVietnam là gì ?
PetroVietnam là một doanh nghiệp lộn xộn quản lý trực tiếp 15 đơn vị, có 18 công ty con và có cổ phẩn ít hơn trong 46 công ty khác. Hàng trăm triệu đô la bị mất từ nhiều đơn vị khác nhau, từ ngân hàng cho đến nhiều công ty xây dựng, nhà máy điện và nhà máy dệt may.
Ít nhất đã có 51 quan chức và cựu quan chức của PetroVietnam và ngân hàng bị bắt.
Các vụ xì căng đan tại PetroVietnam được kết nối với ngành ngân hàng thông qua thỏa thuận, trong đó PetroVietnam đã thua lỗ 35 triệu đô la trong một khoản đầu tư vào Ocean Bank. Cựu tổng giám đốc điều hành của ngân hàng – người cũng là cựu chủ tịch PetroVietnam - đã bị kết án tử hình.
Chiến dịch chống tham có mang màu sắc chính trị ?
Chiến dịch này cho thấy một nỗ lực phối hợp nhằm kiềm chế tham nhũng quy mô lớn trong đó một số quan chức trở nên giàu có và làm xấu đi hình ảnh của đảng cầm quyền.
Nhưng chiến dịch cũng cho phép lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tăng cường quyền lực của mình sau khi thắng trong một cuộc đấu tranh quyền lực với cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm ngoái.
Cho dù việc bắt giữ có tiến tới những bước cao hơn hay không thì quyền lực tối cao của Trọng được đảm bảo cho đến hết nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2021 và phe của ông ta sẽ nắm quyền kiểm soát chính trị trong nước thậm chí sau đại hội đảng lần tới và sau đó.
Điều gì chia rẽ các nhóm khác nhau trong đảng cầm quyền ?
Mặc dù đảng thể hiện hình ảnh đoàn kết trước công chúng, nhưng có nhiều quan điểm về mọi thứ từ tốc độ và sự cởi mở của cải cách đến sự cân bằng ngoại giao của Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và các cường quốc khác.
Điều đặc trưng nhất cho vai trò lãnh đạo hiện nay là bảo thủ trong việc bảo vệ quyền lực tuyệt đối của đảng trong sự liên kết chặt chẽ với cơ quan an ninh.
Nó đánh dấu sự thay đổi phong cách từ sự lãnh đạo của ông Dũng và các đồng minh của ông, một số người nổi lên như những người sẵn sàng cho sự cởi mở hơn về chính trị.
Cùng với vụ bắt giữ quan chức tham nhũng, Việt Nam cũng đã bắt giữ nhiều blogger, nhà hoạt động và các nhà chỉ trích chế độ khác trong năm nay hơn bất cứ năm nào khác kể từ cuộc đàn áp năm 2011 đối với nhóm hoạt động thanh niên Công giáo.
Chiến dịch chống tham nhũng được nhìn nhận như thế nào ?
Rất ít người thương xót cho những quan chức bị bắt vì cáo buộc tham nhũng, nhưng cũng có hoài nghi về động cơ thực sự của chiến dịch chống tham nhũng. Sự tham nhũng hàng ngày của các quan chức cấp thấp và cảnh sát vẫn là một yếu tố của cuộc sống Việt Nam.
Chiến dịch chống tham nhũng này có tác động gì đối với PetroVietnam ?
Lợi nhuận thuần của PetroVietnam trong năm 2016 là thấp nhất trong 7 năm vừa qua, chỉ hơn 7% so với hơn 15% trong năm 2009. Tập đoàn nói với Reuters rằng giá dầu thấp là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận, nhưng tập đoàn cũng cho biết các dự án thất bại, sai phạm của quan chức và các cuộc điều tra có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của tập đoàn.
Cổ phiếu của Petrolimex được niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng một số đơn vị của PetroVietnam kém hiệu quả hơn so với Công ty Dầu khí Thái Lan (PTT Thái Lan) từ năm 2009.
Chiến dịch chống tham nhũng có ý nghĩa gì đối với cải cách và tư nhân hóa ?
Mặc dù chiến dịch đàn áp cho thấy sự tăng cường chính trị của đảng, ban lãnh đạo đảng đưa ra ít dấu hiệu hơn về trì hoãn cải cách kinh tế hơn so với chính quyền trước đây.
Trước áp lực từ thâm hụt ngân sách, Chính phủ đã đẩy nhanh kế hoạch bán cổ phần chính trong những công ty hấp dẫn nhất - nhà máy bia Sài Gòn (Sabeco) và Vinamilk.
Nó cũng bán cổ phần tại ba đơn vị của PetroVietnam.
Một số nhà phân tích kinh tế và kinh doanh tin rằng sự sợ hãi bị gắn mác tham nhũng có thể làm cho quan chức ở các công ty nhà nước và các bộ giữ thái độ quan liêu.
Theo Reuters
Vũ Quốc Ngữ dịch
Nguồn : VNTB, 14/12/2017
TTXVN thừa nhận loan tin sai việc hai cựu lãnh đạo PVN bị khởi tố (VOA, 10/12/2017)
Trong một diễn biến hiếm hoi, Thông tấn xã Việt Nam tối ngày thứ Bảy thừa nhận đã loan tin sai khi phát đi một bản tin cho hay hai cựu tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố. Tin này đã được hàng loạt các trang tin điện tử khác đăng lại trước khi nhanh chóng bị gỡ xuống.
Hàng loạt các trang tin điện tử trong nước đã đăng lại bản tin mà TTXVN sau đó nói là không chính xác. Các bản tin này đã được gỡ xuống tối ngày 9 tháng 12, 2017.
Bộ Công an Việt Nam trước đó đã lên tiếng bác bỏ những thông tin trong các bản tin đó là không đúng sự thật, và "đề nghị kiểm tra, xử lý những cá nhân" chịu trách nhiệm đưa tin sai, theo một thông cáo đăng trên website của Bộ.
"Lúc 17 giờ 25 ngày 9/12, Thông tấn xã Việt Nam phát tin số TTN1209.031 với tiêu đề ‘Khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu.’ Tuy nhiên, do chưa thẩm định kỹ nguồn tin, thông tin trên là chưa chính xác", Thông tấn xã nói trong một thông cáo đính chính.
"Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi cùng Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an: cá nhân ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, cùng các khách hàng sử dụng thông tin".
Trong các bài viết bị gỡ xuống, một số trang tin điện tử dẫn các "nguồn tin" không nêu tên cho biết Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc PVN giai đoạn 2008-2010, trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần xây lặp dầu khí Việt Nam (PVC)
Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc PVN giai đoạn từ tháng 11 năm 2011 tới tháng 10 năm 2014, bị nói là "chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong thời gian nêu trên", theo bản tin của VnExpress đã bị gỡ bỏ.
Hình chụp một bài viết bị gỡ xuống
Việc các tờ báo đồng loạt rút bài đôi khi cũng xảy ra khi có những tin tức được coi là nhạy cảm, và được thực hiện theo chỉ thị của Ban Tuyên giáo trung ương, là cơ quan kiểm duyệt hàng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự việc này diễn ra một ngày sau khi truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin ông Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố và bị bắt tạm giam.
Ông Thăng, người từng giữ những chức vụ hàng đầu như bộ trưởng bộ giao thông vận tải, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và ủy viên Bộ Chính trị, hôm thứ Sáu bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Nhà của ông bị khám xét vào tối cùng ngày, truyền thông trong nước cho biết.
Em trai ông Thăng, Đinh Mạnh Thắng, sáng thứ Bảy cũng bị khởi tố và bị bắt để "điều tra hành vi tham ô tài sản". Ông là Bí thư đảng ủy, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và vận tải Sông Đà.
Ông Đinh La Thăng là quan chức cao cấp nhất tính tới giờ bị liên đới trong chiến dịch trấn áp những sai phạm trong ngành năng lượng và ngân hàng, vốn đã tăng tốc kể từ khi an ninh phái an ninh giành nhiều ảnh hưởng hơn trong đảng vào năm ngoái.
Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng kể từ ngày 8 tháng 12. Trước đó cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua hai nghị quyết cho thôi tư cách đại biểu quốc hội của ông.
Khởi tố một cựu ủy viên Bộ chính trị không phải là chưa có tiền lệ. Vào năm 1979, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản quốc sau khi đào thoát qua Trung Quốc.
*************************
Vụ PetroVietnam : Báo chí phải xin lỗi vì đăng tin "sai" của TTXVN (RFI, 10/12/2017)
Chiều ngày 09/12/2017, hầu như tất cả các báo có trang mạng tại Việt Nam đều nhất loạt đưa tin về việc bộ Công An Việt Nam đã quyết định "khởi tố bị can" đối với hai cựu tổng giám đốc Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam). Xuất xứ của thông tin là một bản tin chính thức của hãng tin Nhà Nước Thông Tấn Xã Việt Nam TTXVN. Thế nhưng vào buổi tối, mọi tờ báo đều đồng loạt cải chính thông tin này, xác nhận đó là tin sai lạc và xin lỗi độc giả cũng như hai nhân vật bị nêu tên.
Ảnh chụp màn hình trang mạng Vietnam+ ngày 10/12/2017, loan tin TTXVN cải chính tin tức về PetroVietnamBVN/RFI
Điểm đáng chú ý nhất là chính Thông Tấn Xã Việt Nam, trên nguyên tắc là cơ quan thông tin chính thức của Nhà Nước, và đưa những thông tin đã được kiểm chứng, lần này lại có động thái hiếm hoi là ra thông cáo cải chính bản tin mình đã đánh đi.
Nguyên văn bản cải chính của Thông Tấn Xã Việt Nam như sau :
"Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi. Lúc 17h25 ngày 9/12/2017, Thông tấn xã Việt Nam phát tin số TTN-1209.031 với tiêu đề "Khởi tố bị can đối với 2 nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu". Tuy nhiên, do chưa thẩm định kỹ nguồn tin, thông tin trên là chưa chính xác. Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi cùng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an : cá nhân ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, cùng các khách hàng sử dụng thông tin !".
Vấn đề đặt ra là bản tin mà TTXVN sau đó tự nhận là "chưa chính xác", đã được rất nhiều phương tiện truyền thông báo chí trong nước cũng như ngoài nước tin tưởng và đăng lại, ví dụ như hãng tin Anh Reuters, trong bản tin đánh đi lúc 15 giờ 20, giờ Paris hôm qua.
Còn ở trong nước, từ tờ Nhân Dân, trong bản tin truyền hình, cho đến Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ, và các tờ báo có uy tín khác, đều loan tin theo TTXVN.
Nội dung chính của thông tin là "Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố bị can về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu - nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ".
Thậm chí có những tờ báo đã đăng cả những bài tường trình dài, kể chi tiết về những sai phạm của hai ông Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu, và những biện pháp kỷ luật mà hai ông đã phải chịu trong thời gian qua. Một ví dụ là hai bài viết đăng trên trang mạng của tờ An Ninh Thủ Đô, báo mạng của Công An Hà Nội.
Hiện không có thông tin nào về nguyên nhân dẫn đến việc tất cả các cơ quan báo chí Việt Nam, từ TTXVN của Nhà Nước, cho đến báo của Đảng, của chính phủ, đồng loạt đưa tin sai rồi sau đó lại đồng loạt cải chính.
Tuy nhiên, căn cứ vào lời cải chính do một số tờ báo công bố, chính bộ Công An Việt Nam, vào buổi tối ngày 09/12 đã ra thông cáo khẳng định rằng tin tức được tiết lộ về việc khởi tố hai ông Đỗ Văn Hậu và Phùng Đình Thực "không đúng sự thật". Không những thế, thông báo được đăng trên cổng thông tin của Bộ Công An còn yêu cầu "kiểm tra, xử lý những cá nhân đã đưa tin không đúng sự thật".
Trọng Nghĩa
****************************
24 quan chức PVN bị khởi tố tạo 'chuyện không vui' ? (BBC, 10/12/2017)
Việc Bộ Công an đã khởi tố 24 lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có liên quan gì đến lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng tập đoàn này "có nhiều chuyện không vui" ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp về sự phát triển của ngành dầu khí hồi tháng Mười
Báo Việt Nam cho hay, tính đến ngày 8/12, đã có 24 người là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị khởi tố trong quá trình điều tra các sai phạm xảy ra tại tập đoàn này.
Hồi tháng Mười, website Chính Phủ đăng bài dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi họp về sự phát triển của ngành dầu khí tại trụ sở Chính phủ : "Gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, PVN gặp nhiều khó khăn, "có nhiều chuyện không vui". Những vấn đề như vậy ảnh hưởng đến PetroVietnam, một tập đoàn lớn của đất nước, tạo tâm lý không tốt trong đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động".
"Tôi mong muốn PVN trong khó khăn, càng phải vững vàng".
Website này ghi nhận tại buổi họp ở thời điểm đó, ông Phúc "tiếp tục lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của tập đoàn về một số vấn đề liên quan để ngành dầu khí tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình đối với đất nước".
Cũng liên quan đến các cựu lãnh đạo tập đoàn PVN, Theo trang Vietnam Plus, lúc 17g25 ngày 9/12, Thông tấn xã Việt Nam phát tin số TTN1209.031 với tiêu đề "Khởi tố bị can đối với hai nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực và Đỗ Văn Hậu".
"Tuy nhiên, do chưa thẩm định kỹ nguồn tin, thông tin trên là chưa chính xác".Thông tấn xã Việt Nam thành thật cáo lỗi cùng Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an: cá nhân ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu, cùng các khách hàng sử dụng thông tin", báo VietnamPlus cho biết hôm 9/12/2017.
Theo Website Chính Phủ, ngành dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16-18% GDP trong các năm qua
Theo báo Zing hôm 8/12, ngoài ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN), có 22 cán bộ ngành dầu khí dính vòng lao lý trong năm 2016 và 2017. Trong số này có 17 người liên quan đến vụ án Trịnh Xuân Thanh, 5 người bị khởi tố trong vụ án Oceanbank.
Báo này còn mô tả ông Thăng "châm ngòi hàng loạt sai phạm" và "có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải: thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo tập đoàn".
Cùng thời điểm, báo VietnamNet tường thuật : "Cả hai ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan Công an đang điều tra. Trước đó, một chủ tịch dầu khí là ông Nguyễn Xuân Sơn đã bị kết án tử hình trong đại án sai phạm tại Oceanbank. Như vậy, tính đến nay, cả ba đời chủ tịch PVN đều dính vòng lao lý và bị bắt giam".
Theo Website Chính Phủ, công nghiệp dầu khí là "ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển của một số ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Ngành dầu khí đóng góp hơn 20% trong tổng thu ngân sách quốc gia, đóng góp 16-18% GDP trong các năm qua".
Đương kim ủy viên Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng bị kỷ luật, phải ra khỏi Bộ chính trị, chỉ sau vài ngày đầu của hội nghị ban chấp hành trung ương đảng lần thứ năm, khóa 12, diễn ra từ ngày 5 tháng 5 năm 2017.
Ủy viên Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam Đinh La Thăng (trái) đến tham dự lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20 tháng 10 năm 2016. AFP photo
Ông Thăng được cho là có nhiều sai phạm khi ông phụ trách Tổng công ty dầu khí Việt Nam, làm thất thoát rất nhiều tiền của. Nhiều nhân vật dưới quyền ông Thăng đã bị truy tố tội tham nhũng trước đó.
Đây được cho là kết quả của chiến dịch chống tham nhũng được đương kim Tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng hô hào từ khi ông lên nắm chức vụ này.
Công cuộc chống tham nhũng của đảng cộng sản và ông Tổng bí thư có hiệu quả ra sao ?
Chậm chạp trong quản lý và chống tham nhũng
Ngay trước khi hội nghị trung ương đảng lần thứ năm nhóm họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công cố cho báo chí quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của phiên họp đầu tiên, theo báo chí Việt Nam, ông Thăng bị 90% các ủy viên trung ương đồng ý không cho ông giữ vị trí ủy viên Bộ chính trị.
Báo mạng Vietnamnet ngày 8 tháng 5 trích lời một nguyên ủy viên trung ương đảng là trung tướng Nguyễn Quốc Thước ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng là đã qui tụ được ý chí toàn đảng toàn dân trong công cuộc chống tham nhũng, và theo ông thì với tỉ lệ 90% sự nhất trí trong đảng về chống tham nhũng rất cao.
Tuy nhiên, cũng theo VietnamNet, ông Thước có nói rằng vụ việc ở Tổng công ty Dầu khí đã được đưa ra hơn nửa năm, điều đó chứng tỏ có sự yếu kém của các cơ quan đảng và chính phủ.
Một nhà quan sát chính trị Việt Nam là giáo sư Vũ Tường, dạy khoa chính trị tại đại học Oregon Hoa Kỳ nói rằng vụ bê bối ở Tổng công ty Dầu khí Việt Nam còn có nguồn gốc lâu hơn nữa, từ năm 2011, thế nhưng người phụ trách nó là ông Đinh La Thăng lại được thăng tiến vào Bộ chính trị, và sau đại hội lần thứ 12 của đảng lại còn được giữ trọng trách Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Giáo sư Tường nói rằng :
"Điều đó là điều cho thấy đảng Cộng sản mất rất lâu và rất là không có hiệu quả trong việc điều hành nền kinh tế và chống lại tham nhũng".
Thắng lợi nhỏ bé
Ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư vào năm 2011, một năm sau ông Nguyễn Phú Trọng đã tái lập Ban Nội chính Trung ương với nhiệm vụ chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng cộng sản Việt Nam, đảng duy nhất cầm quyền của đất nước. Người đầu tiên đứng đầu ban này là ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đó đứng đầu thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng như là một người dám nghĩ dám làm.
Các thành viên Bộ Chính trị mới được bầu : ông Vương Đình Huệ (thứ hai từ trái) và ông Đinh La Thăng (thứ hai từ phải) tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28 tháng một năm 2016. AFP photo
Tuy nhiên ông Nguyễn Bá Thanh lại là người bị tai tiếng về tham nhũng đất đai tại thành phố Đà Nẵng trong các dự án mở rộng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố này, theo tố cáo của ông Đỗ Xuân Hiền, nguyên Trưởng Ban Kinh tế thành phố Đà Nẵng với đài RFA hồi năm 2009.
Ông Nguyễn Bá Thanh đột ngột qua đời vào năm 2015.
Trước đó vào năm 2012, trong một hội nghị trung ương đảng, người ta nói rằng bộ chính trị dưới quyền chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng, đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng chính phủ. Lý do là ông Dũng phải chịu trách nhiệm về những vụ tham nhũng lớn của các tổng công ty nhà nước, hoạt động yếu kém của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên các ủy viên trung ương đảng đã bác bỏ.
Thông tin này chưa bao giờ được chính thức công bố, nhưng sau đó, ông Trương Tấn Sang nói với báo chí rằng Trung ương đảng đã không kỷ luật được một đồng chí ủy viên Bộ chính trị. Và người ta đoán rằng đó là ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Nguyễn Tấn Dũng là người chủ trương thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Tập đoàn dầu khí.
Vào năm 2016, sau đại hội đảng lần thứ 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu. Nhưng trong Bộ chính trị và chính phủ còn nhiều nhân vật quan trọng do ông Dũng bổ nhiệm và cất nhắc như các ông Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải.
Ngay sau đại hội 12 đầu năm 2016, đảng cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành một việc chưa có tiền lệ là cách chức một người đã về hưu là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, được bổ nhiệm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và là cấp trên trực tiếp của Tập đoàn Dầu khí.
Trong cùng thời gian, đảng Cộng sản cũng bắt đầu điều tra ông Trịnh Xuân Thanh, cấp dưới của ông Đinh La Thăng ở Tập đoàn Dầu khí. Ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, và bị chính phủ Việt Nam truy nã về tội tham nhũng.
Điểm lại những gì đã làm cho tới nay trong chiến dịch chống tham nhũng của tổng bí thư đảng cộng sản, giáo sư Vũ Tường cho rằng :
"Tôi nghĩ đó là một thành công rất là bé nhỏ, vì vụ này có từ năm 2011 rồi, mà cho đến bây giờ mới được một mình ông Thăng và một vài người nữa như ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng công thương, tôi thấy chưa có cái gì là nghiêm trọng cả. Tất cả đều trốn thoát pháp luật và hạ cánh an toàn. Thành ra là tôi còn chờ xem họ có đưa ông Thăng và tay chân ông ấy ra pháp luật hay không. Nếu làm được điều đó thì mới có tiến bộ".
Trong diễn văn khai mạc hội nghị Trung ương đảng lần thứ năm, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến bốn vấn đề cần phải phân tích : chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tư nhân và chỉnh đốn đảng. Trong đó hai lần ông đề cập đến tham nhũng ở mục doanh nghiệp nhà nước và chỉnh đốn đảng.
Trong tất cả các văn bản liên quan đến việc kỷ luật ông Đinh La Thăng, không thấy đề cập đến chuyện tham nhũng, và người ta cũng chưa nói đến vị trí đương kim ủy viên Trung ương đảng của ông, cơ quan thực sự có cấu trúc như một quốc hội, có quyền quyết định nhiều chính sách của quốc gia.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 08/05/2017