Ai cũng biết cụ Ngô Đình Diệm xưa đã được chia một phần hai đất nước, có đất đai trù phú màu mỡ khí hậu tốt hơn, có hàng chục triệu quân dân. Rồi sau đó Việt Nam Cộng Hòa có phe tư bản, đứng đầu là Mỹ giúp hàng chục tỷ đôla, nhiều triệu tấn vũ khí hiện đại, có quân đội huấn luyện bài bản hơn... vậy mà không chống nổi quân của ông Hồ. Đảng cộng sản đã chiến thắng sau khi đưa quân vào ‘giải phóng’ miền Nam và sau đó áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn cõi Việt nam.
Chế độ Việt Nam Cộng Hòa trong 21 năm tồn tại, dù đã rất cố gắng mà vẫn không thể bảo vệ miền Nam. Sau năm 1975 đã có nhiều nhóm chống đối chính quyền nổi dậy bằng vũ trang nhưng tất cả đều thất bại. Điều đó là đương nhiên. Các nhóm vài chục, vài trăm, vài ngàn người muốn ‘khởi nghĩa’ lật đổ cả một nhà nước cộng sản 100 triệu dân từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, có hàng chục sư đoàn quân khu, có gần 7 triệu công an an ninh các loại và đang cầm thuế, cầm tài nguyên, cầm quyền... thì lật sao nổi. Các chế độ cộng sản là bạo lực và tàn khốc nhất rồi, làm gì có lực lượng nào bạo lực và tàn khốc hơn nhà nước cộng sản... mà đòi lật đổ họ. Các nhóm khủng bố nổi tiếng trên thế giới có dám bén mảng đến các nhà nước cộng sản đâu. Nhà nước cộng sản là ‘ông cố nội’ của khủng bố đấy.
Thế giới văn minh đã nói không với chủ nghĩa cộng sản, cực đoan, dân túy và khủng bố. Mọi hành vi bạo loạn và bạo lực đều bị lên án và phản đối.
Hơn nữa trong thời đại ngày nay, nhân loại đã xem ‘hòa bình’ thành một giá trị tiến bộ quan trọng nhất trong bang giao quốc tế. Thế giới không ủng hộ việc khởi nghĩa thoán đoạt quyền lực nữa. Nhân loại cổ súy việc thay đổi chế độ trong ôn hòa tổng tuyển cử, thuận theo lá phiếu của toàn dân bầu chọn. Các bà mẹ Việt Nam, nhân dân Việt Nam trải qua nhiều năm nội chiến tang thương quá nhiều nên đã chán việc khởi nghĩa đánh đấm thoán đoạt. Chóp bu đảng cộng sản từng nói "không ai, không thế lực nào lật đổ đảng ta cả, mà ta tự đánh ta rồi sụp đổ". Chóp bu đảng cộng sản đã nói đúng, tự họ đang đánh phá họ chứ không có thế lực thù địch nào làm được việc đó. Đảng cộng sản hiện nay là hiện thân cho cái cũ phải qua đi, đó là qui luật tất yếu của lịch sử.
Tại sao đảng cộng sản biết rõ một cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ và minh bạch để toàn dân lựa chọn bầu cử thì đảng cộng sản sẽ bốc hơi ? Đó là vì học thuyết Mác-Lê-Mao đã bị nhìn nhận như là tội ác chống lại nhân loại. Học thuyết đó không còn phù hợp với bất kỳ quốc gia nào nữa. Đảng cộng sản biết rõ dân chủ là tiến bộ nhân văn hợp thời, là xu thế tất yếu của thời đại. Nay đảng cộng sản chỉ cố tham lam, cố ôm độc tài độc quyền được ngày nào hay ngày đó, họ không muốn để hình thành các tổ chức đối lập dân chủ là vì thế. Đảng cộng sản biết rõ áp lực của lòng dân nên họ để 5% nghị viên quốc hội lâu lâu họp phát biểu phản biện, lên VTV xả áp cho dân. Tuyên giáo, công an cũng bố trí các dư luận viên ra vẻ phản biện chế độ hòng lôi kéo sự chú ý và xả áp cho dân.
Vậy làm thế nào để Việt Nam có dân chủ ? Cho dù đảng cộng sản bế tắc nội bộ oánh nhau rồi sụp đổ thì liệu Việt nam có dân chủ không ? Khi đảng cộng sản sụp rồi thì bạo động hay khởi nghĩa làm gì nữa ? Khi đó tổ chức nào sẽ đứng ra lãnh đạo và hướng dẫn cho người dân ? Hay là nội loạn chia phe cát cứ rồi vong quốc. Tại sao Liên Xô sụp đổ thì lại mọc ra phát xít Putin mà không phải là một chế độ dân chủ ?
Chế độ cộng sản đã và đang qua đi, tương lai của Việt Nam phải là một chế độ dân chủ. Bao nhiêu người Việt Nam đã hình dung được chế độ dân chủ đó ?
Nguyên nhân chính đó là vì thiếu sự ủng hộ của người dân, nhất là tầng lớp trí thức chính trị để các tổ chức dân chủ lớn mạnh. Cuộc cách mạng dân chủ bắt buộc phải do trí thức chính trị dẫn dắt và lãnh đạo. Không thể để bần cố nông vô học dẫn dắt như cuộc cách mạng vô sản trước đây. Vậy trí thức chính trị dân chủ đang ở đâu ? Có được mấy người trí thức khoa bảng can đảm rèn luyện theo tổ chức cho thành trí thức chính trị dân chủ ? Rõ ràng hiện tại ở Việt Nam, trong cũng như ngoài nước rất đông đúc trí thức khoa bảng, tại sao họ không chịu rèn luyện bản thân họ thành trí thức chính trị dân chủ để phục vụ và cống hiến cho tổ quốc và nhân dân ? Họ có đủ trí óc để làm mà !
Hiện nay đã rất cần kíp cho nên đồng bào chỉ cần hiểu khái niệm trí thức chính trị dân chủ như sau là tạm ổn : "Trí thức chính trị dân chủ là người có học thức hay tự học trên mức trung bình của xã hội, yêu tự do dân chủ, quan tâm đến vận mệnh đất nước, có am hiểu về chính trị Việt Nam và thế giới, can đảm thành lập hoặc tham gia vào một tổ chức chính trị để bảo vệ cái đúng và lẽ phải để đưa đất nước tiến tới một chế độ dân chủ".
Tư tưởng, văn hóa độc tài thì sinh ra chế độ độc tài. Tư tưởng, văn hóa tự do dân chủ đa nguyên sẽ sinh ra chế độ tự do dân chủ đa nguyên.
Do đó, vận động tư tưởng, văn hóa tự do dân chủ đa nguyên cho thấm vào xã hội Việt nam là một phần rất quan trọng trong cuộc đại cách mạng dân chủ. Không phải tự dưng mà ngôn từ, khái niệm về dân chủ đa nguyên xuất hiện và được đón nhận trong xã hội Việt Nam được. Ngôn ngữ và các khái niệm về chính trị phải đi trước thấm vào xã hội Việt Nam để người dân thấu hiểu. Nếu không, người dân vẫn nghĩ rằng chính trị là xấu xa nhơ bẩn, chính trị là trò lưu manh thủ đoạn tranh giành quyền lực... như hàng ngàn năm qua của lịch sử Việt Nam.
Phải làm sao để đa số người dân Việt Nam hiểu rằng ‘chính trị’ là tốt đẹp và cần thiết để mang lại cơm no áo ấm cho mọi người, là bảo vệ quyền làm người cho mọi người, là xây dựng một xã hội có tự do, liên đới, tiến bộ, nhân văn và hạnh phúc. Chỉ khi lá phiếu của toàn dân quyết định đảng nào sẽ là đảng cầm quyền thì khi đó đất nước mới là của toàn dân chứ không còn là của vua hay của đảng. Đất nước của dân thì mới gọi là quốc gia. Quốc gia là một phát minh mới, là tiến bộ của loài người. Nhà nước quốc gia mới do dân làm chủ thật sự qua lá phiếu bầu cử.
Bất cứ một tổ chức chính trị dân chủ nào cũng phải có một dự án chính trị để người dân Việt Nam biết được tổ chức đó muốn gì và đề nghị những gì ?
Muốn như thế thì ngay từ bây giờ, các đảng phái chính trị phải lo đào luyện đảng viên của đảng mình cho có đạo đức, lương thiện, có tâm có tầm... để người dân bầu chọn một cách minh bạch đàng hoàng với các đảng phái khác. Các đảng phái phải soạn ra một dự án chính trị tốt đẹp để người dân xêm xét và lựa chọn. Không làm được việc, không làm thăng tiến và mang lại hạnh phúc ấm no cho dân cho nước thì dân bầu cho dự án chính trị khác, của đảng khác. Như thế mới là làm chính trị thật sự và như thế chính trị là một lĩnh vực quan trọng, đòi hỏi sự trong sạch, lương thiện và tốt đẹp. Chính trị dân chủ không hề xấu xa nhơ bẩn như chúng ta từng biết từ trước tới nay.
Một lần nữa đề nghị trí thức khoa bảng hãy tự rèn luyện bản thân thành ‘trí thức chính trị dân chủ’ để dẫn dắt cuộc đại cách mạng dân chủ ôn hòa, nhân văn, tốt đẹp này nhằm đưa Việt nam thoát khỏi kỷ nguyên độc tài mà bước sang kỷ nguyên tự do, dân chủ đa nguyên, nhân bản, tiến bộ và hạnh phúc. Vậy mới hòng sánh vai với các cường quốc hạnh phúc năm châu một cách thực sự.
Khải Nguyên
(19/6/2024)
Giây phút lâm chung là giây phút rất đáng sợ của đa số mọi người. Đó là lúc cuộc đời chúng ta diễn lại như một cuốn phim, và chúng ta tự phán xét chính mình. Có một số người chết rất bất ngờ và khi họ ra đi thì cũng tương đối nhẹ nhàng.
Trong quá khứ, Mông Cổ là đất nước của các chiến binh trên lưng ngựa đã từng chinh phục một vùng lãnh thổ rộng lớn từ Trung Quốc đến tận Châu Âu. Ngày nay Mông Cổ chỉ là một quốc gia nhỏ bé với hơn 3 triệu dân.
Chúng ta bắt đầu với chế độ cộng sản Mông Cổ. Phút lâm chung của chế độ này diễn ra nhanh bất ngờ bằng cuộc cách mạng dân chủ 1990, và kết quả cũng bất ngờ. Một chế độ được thành lập nhờ vào Liên Xô, điều hành theo ý Liên Xô, việc quốc phòng phụ thuộc vào Liên Xô nhưng rồi chết trước Liên Xô và những người cộng sản Mông Cổ cũng đi theo một hướng khác hẳn người cộng sản Liên Xô. Mọi chuyện diễn ra một cách êm đẹp, giống như cách người Mông Cổ nhổ những căn lều ger, chất nó lên xe ngựa rồi di chuyển tới một chỗ ở mới vậy.
Khi chế độ này được thành lập thì Mông Cổ đang trong tình trạng lạc hậu cùng cực, dân số đang giảm, gần như toàn bộ người dân chỉ biết sống bằng chăn nuôi du mục. Sau nhiều thập niên cố gắng hiện đại hóa nền kinh tế, cùng với sự hỗ trợ của khối các nước cộng sản, tới thập niên 1980 Mông Cổ đã là một nước biết trồng trọt và có cả những trung tâm công nghiệp. Tuy nhiên những thay đổi này chỉ có thể thấy rõ ở thủ đô Ulan Bator (Ulaanbaatar), cũng là thành phố lớn nhất, những nơi khác nhìn chung vẫn còn sống theo lối du mục truyền thống, chính quyền cộng sản cũng không thể áp đặt được bao nhiêu hạn chế lên họ.
Chế độ chủ yếu hiện diện ở Ulan Bator và một vài thành phố. Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ cuộc đấu đá ở thành phố thủ đô. Trong tòa nhà trụ sở của đảng cộng sản phe tuyên giáo ngày càng mạnh hơn, nhưng họ vấp phải ông tổng bí thư già Tsedenbal. Trong những năm cai trị của mình nhà độc tài Tsedenbal đã thanh trừng rất nhiều người trong phe tuyên giáo, mọi người gọi ông ta là Stalin của Mông Cổ. Năm 1984 ở Liên Xô có thay đổi nhân sự, ban lãnh đạo mới nói chung không thích một người già bảo thủ được ví như Stalin. Một hôm Tsedenbal đang đi nghỉ ở Moscow thì Liên Xô tỏ thái độ, ngay lập tức Tsedenbal mất chức và ông được ở luôn bên Liên Xô cho tới lúc chết. Thật là hợp với ông ta bởi chính Tsedenbal từng đề xuất ý tưởng sáp nhập Mông Cổ vào Liên Xô.
Trong những năm cai trị của mình nhà độc tài Tsedenbal đã thanh trừng rất nhiều người trong phe tuyên giáo, mọi người gọi ông ta là Stalin của Mông Cổ.
Phe tuyên giáo đưa lên một tổng bí thư đến từ trường đảng - Batmonkh. Batmonkh là một người bảo thủ, ông miễn cưỡng làm theo những cải cách của Liên Xô.
Năm 1989 là năm định mệnh của khối cộng sản. Cách mạng bắt đầu từ Ba Lan rồi nhanh chóng lan ra khắp Đông Âu. Không khí cách mạng cũng ảnh hưởng tới Liên Xô. Một số trí thức trẻ, đặc biệt là những người đi du học về, đã thành lập Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ, nòng cốt ban đầu chỉ gồm 13 người mà sau này được gọi là 13 lãnh đạo của cách mạng dân chủ. Tổ chức mới lập này kêu gọi thực hiện đúng những cải cách của Gorbachev, đòi bầu cử tự do trong khuôn khổ "chủ nghĩa xã hội dân chủ nhân đạo" và yêu cầu Liên Xô rút quân khỏi Mông Cổ. Thực tế còn có những nhóm khác nữa, nhưng Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ là tổ chức đáng chú ý nhất và cũng là tổ chức khơi mào cuộc biểu tình đầu tiên vào cuối năm 1989. Lúc này ở Trung Quốc đã xảy ra vụ đàn áp các sinh viên ở Thiên An Môn, nhưng những sinh viên Mông Cổ này dường như mang theo tinh thần của các chiến binh du mục, họ không sợ hãi.
Từ năm 1993 Mông Cổ đã thay đổi và trở thành một nước dân chủ trong hòa bình.
Cuộc biểu tình lúc mới bắt đầu chỉ có khoảng 200 người, nhưng nó đã kéo dài được tới một tháng khi sang năm 1990 và số người tham gia lúc này là khoảng 1000. Số người ủng hộ ngày càng tăng, người ta bắt loa kêu gọi cải cách chính trị, người ta đình công, và người ta tuyệt thực. Tất nhiên các lãnh đạo cộng sản không thích cuộc biểu tình này và cũng không thích những người trẻ tuổi đang chỉ huy đám đông, những người mà họ xem là đám trẻ không biết điều, đám trẻ được chế độ của họ nâng đỡ mà nay lại phản bội họ. Sự thực là họ đã bàn tính chuyện đàn áp. Từ phía ban lãnh đạo đảng, người ta đã gọi điện cho tổng bí thư Batmonkh, người mà luôn tỏ thái độ cứng rắn và vạch ra lằn ranh rõ ràng giữa cải cách kiểu Gorbachev với Tây phương hóa. Họ muốn ông ký lệnh để làm một vụ Thiên An Môn ở Ulan Bator. Nhưng trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người, kể cả bà phu nhân tổng bí thư, Batmonkh đã hét vào điện thoại "Tôi sẽ không bao giờ ký cái này. Mấy người Mông Cổ chúng ta còn chưa tới mức phải đánh nhau chảy máu mũi".
Batmonkh là người đã chỉ đạo việc nhượng bộ đối lập, sau đó ông từ chức. Thay đổi diễn ra nhanh như vó ngựa phi trên thảo nguyên. Đảng cộng sản họp một đại hội khẩn cấp và tuyên bố sẽ từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin vào năm sau, họ cũng tuyên bố sẽ từ bỏ quyền lãnh đạo đối với các lực lượng vũ trang. Để tỏ ra đảng sẽ thay đổi triệt để họ còn sửa chức vụ đứng đầu lại thành chủ tịch, sửa bộ chính trị thành đoàn chủ tịch, đánh dấu một giai đoạn mới. Sau đó, một cuộc đàm phán giữa người cộng sản và phe đối lập đã được truyền hình trực tiếp và hai bên thống nhất là sẽ có bầu cử tự do. Có vẻ như chiến thuật của người cộng sản là tổ chức bầu cử bất ngờ để đối lập không kịp chuẩn bị, tương tự ý đồ của chế độ cộng sản Ba Lan. Và họ đã thành công. Các tổ chức đối lập nhỏ bé vấp phải một vấn đề cơ bản : Họ không có đủ người để tranh cử tất cả những ghế trong Quốc hội. Người cộng sản đắc cử với một đa số áp đảo. Tuy vậy, nhìn chung mọi người đều hài lòng. Cuộc cách mạng ở Mông Cổ đã thành công mà không có bất kỳ ai phải chết, không có bất kỳ ai phải ngồi tù và thậm chí không có bất kỳ ai bị thương. Hai tháng sau người ta quyết định đổi tên chức vụ nguyên thủ từ Chủ tịch đoàn chủ tịch Đại Khural nhân dân thành Tổng thống.
Nhiều người, kể cả người thuộc phe đối lập, đánh giá cao vai trò của cựu tổng bí thư cộng sản Batmonkh, nhưng đó là chuyện của họ còn các đồng chí của ông lại nghĩ khác. Chỉ một ngày sau khi các đồng chí này đắc cử, một hội nghị trung ương được tổ chức. 7 thành viên của bộ chính trị cũ, kể cả chính Batmonkh, bị kết tội đồng lõa với chế độ độc tài của cựu tổng bí thư Tsedenbal. Tất cả họ đều bị khai trừ khỏi đảng.
Đảng đưa hầu hết mọi thành viên gia đình cựu tổng bí thư Batmonkh vào tình trạng thất nghiệp, bất chấp tình đồng chí. Vợ chồng cựu tổng bí thư phải làm bánh mì để kiếm tiền. Đương nhiên là ngài cựu tổng bí thư ghét và hay chỉ trích đảng cũ. Nhưng những lời chỉ trích đó có trọng lượng nào? Đảng cũ của ông bây giờ đã trở thành ‘một đảng cầm quyền được người dân bầu lên’. Batmonkh giờ chỉ là một nhà độc tài mất hết quyền lực, phải làm bánh mì để nuôi gia đình thì có tư cách gì chỉ trích một chính quyền do dân chọn ?
Batmonkh chỉ trích chính phủ mới, nhưng ông đặc biệt chỉ trích ông Punsalmaagiin Ochirbat. Ochirbat là người được đảng chọn để giữ chức Chủ tịch đoàn chủ tịch Đại Khural nhân dân, bây giờ được đổi tên thành chức Tổng thống. Tại sao Batmonkh đặc biệt nhắm vào cấp dưới cũ ? Có lẽ tổng thống Ochirbat đóng vai trò quan trọng trong việc đưa cựu tổng bí thư tới lò bánh mì. Không mấy người quan tâm tới chuyện này. Chỉ là một nhà độc tài mất quyền lực mắng ‘một vị tổng thống của chế độ dân chủ’ thôi mà. Mông Cổ đã trở thành nước dân chủ và chức nguyên thủ được đổi tên thành chức tổng thống nên Ochirbat tất nhiên là ‘tổng thống của chế độ dân chủ’ rồi.
Năm 1991 nhà độc tài Tsedenbal mất. Thi hài của ông được đưa về quê nhà để an táng nhưng có vẻ như người vợ của ông lại không được chào đón cho lắm: viện kiểm sát nhân dân gọi bà lên thẩm vấn như thể việc người phụ nữ này đi dự lễ tang của chồng có thể là một phần của âm mưu nào đó. ‘Đảng cầm quyền được người dân bầu lên’ chẳng hề đoái hoài gì đến người góa phụ của lãnh đạo cũ. Bà góa của Tsedenbal phải quay lại Nga và, rủi thay, bà lại không có tiền nên thường xuyên phải bán đồ đạc trong nhà để nuôi thân cho tới lúc chết.
Năm 1993 là lần đầu tiên chức tổng thống được cử tri bỏ phiếu bầu trực tiếp. Những người cựu cộng sản lại xảy ra tranh chấp. Đảng không muốn tổng thống đương nhiệm Ochirbat tiếp tục ngồi ghế nên đã đề cử một người khác ra tranh cử. Ochirbat bèn đi gặp Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ. Liên Hiệp Dân Chủ Mông Cổ đồng ý đề cử ông làm ứng viên tổng thống, mặc dù trên giấy tờ ông vẫn là đảng viên của đảng cầm quyền. Người dân bỏ phiếu, và Ochirbat đắc cử.
Thế là Mông Cổ được dân chủ, người cộng sản được tiếp tục ảnh hưởng lên nền chính trị, đối lập được chiến thắng, Ochirbat được ghế tổng thống và được cười vào mặt đồng chí, gia đình nhà độc tài Tsedenbal được ở đất mẹ Nga Xô trọn đời và cựu tổng bí thư Batmonkh được làm bánh mì. Cái kết không hẳn có hậu cho tất cả mọi người, nhưng ít ra thì nó cũng là một may mắn cho đảng cộng sản, phải không ?
Yến Vương
(3/6/2024)
Mặc dù cuộc chiến Nga - Ukraine còn đang tiếp tục, nhưng nhận định chung của chúng tôi vẫn không thay đổi, nước Nga sẽ phải chuyển mình về dân chủ nếu còn muốn có tương lai. Chính cuộc chiến của nhân dân Ukraine là tác nhân cho sự thay đổi này. Sự thắng lợi sau cùng của Ukraine là không thể đảo ngược. Nước Nga đã hoàn toàn thất bại trong những mục tiêu mà Putin đề ra, từ phi quân sự hóa Ukraine, trung lập hóa Ukraine và xóa bỏ "chủ nghĩa phát xít", cũng như bảo vệ người dân Ukraine nói tiếng Nga ở Donbass và bán đảo Crimea. Thay vào đó là một nước Ukraine mạnh mẽ, vươn mình đứng dậy, một thành trì bảo vệ nền độc lập cho chính mình và hòa bình cho Châu Âu và thế giới.
Nước Nga đã không thắng được Ukraine trong tuần đầu, có nghĩa là nước Nga không bao giờ thắng được nữa. Ban đầu Putin chỉ có một kế hoạch là chiến thắng ngay tức khắc vì những kẻ phản bội tại Ukraine cũng như các tướng lĩnh của Nga đã vỗ về Putin ảo tưởng được ôm vòng hoa và được ăn bánh mì với muối tại Kyiv. Putin thực sự sống trong ảo tưởng. Cú tát vỗ mặt của Zelensky và nhân dân Ukraine đã đem Putin về với thực tế. Điều đáng nói, Putin là một nhà độc tài đầy mặc cảm tự ti nên ông ta sẽ chiến đấu đến người Nga cuối cùng. Trên phương diện quốc tế tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương của Zelensky, người Ukraine chỉ bảo vệ những gì là của mình. Vì vậy không ai khác mà chính người Nga cần phải tự giải phóng cho người Nga. Cơ hội đã đến, tôi hi vọng những người Nga sẽ đứng lên lật đổ chế độ Putin để tiến về phía dân chủ.
Thế giới trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy nổi dậy
Sau chiến tranh lạnh, sự sụp đổ bất ngờ của Liên bang Xô Viết như một dấu chấm cuối cùng tạo ra cho thế giới một niềm hưng phấn chưa từng có. Chủ nghĩa phát xít chỉ còn là quá khứ của lịch sử, chủ nghĩa cộng sản đã tự gục ngã trên chính thành trì quê hương của nó. Cuộc chiến tranh ý thức hệ cộng sản – dân chủ đã kết thúc và ngày nay chỉ còn dân chủ tự do. Không ít người đã từng đặt vấn đề về sự tồn tại của khối NATO. Sự đầu tư vào quân sự của các nước dân chủ, trừ Mỹ, dường như chỉ còn là một phản xạ yếu ớt vì không biết để làm gì, chống ai ? Chủ trương tập trung mọi cố gắng và ưu tư để phát triển kinh tế của Bill Clinton đã đưa thế giới qua giai đoạn mới, không còn chiến tranh, không còn hận thù, chỉ có thành công về kinh tế mới quan trọng. Mọi người tin rằng kinh tế sẽ thay đổi nhận thức con người về mặt tư tưởng. Chính cơn men say làm giàu trước hết này dẫn thế giới qua một bước ngoặt mới với sự ích kỷ và chủ nghĩa dân túy lên ngôi. Nước Anh từ giã Liên Âu, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, Bolsonaro nắm chính quyền ở Brazil, v.v. từ đây thân ai người ấy lo.
Là một nước lớn trong năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc, đồng thời là một quốc gia sở hữu hàng đầu về nguyên tử, nhưng thay vì đóng góp và bảo vệ cho hòa bình thế giới, Nga đã đem quân đánh Chechnya, Gruzia (Georgia) và sát nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga… Thế giới đã gần như bỏ mặc để Nga muốn làm gì thì làm. Ngày 24/2/2022 nước Nga lại một lần nữa chà đạp lên công pháp quốc tế khi bất ngờ tấn công toàn diện vào một đất nước có chủ quyền là Ukraine. Cả thế giới đã nín thở chờ nước Nga thống trị Ukraine. Thế giới đã trải qua một giai đoạn đáng buồn khi để yên cho bạo lực lên ngôi, mặc cho kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu.
Zelensky và nhân dân Ukraine đã giúp thế giới thức tỉnh.
Zelensky và sự quật cường của Ukraine
Trong giây phút hiểm nghèo đó, Zelensky một nhà lãnh đạo xuất thân là một nghệ sĩ, một ‘anh hề’ mà trước đó chỉ còn hơn 20% tín nhiệm của dân chúng đã từ chối chuyến bay giải cứu của tổng thống Mỹ Biden và tổng thống Pháp Macron. Ông đã quyết định ở lại và cùng với nhân dân Ukraine đứng lên chống lại quân xâm lược Nga. Quyết tâm này đã làm thay đổi lịch sử. Từ nay thế giới sẽ biết đến Ukraine như là một đất nước quật cường, dám chống lại chủ nghĩa phát xít Nga với một đội quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Zelensky và nhân dân Ukraine đã giúp thế giới thức tỉnh.
Cuộc chiến của nhân dân Ukraine không còn là một cuộc chiến vệ quốc mà đây còn là cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít Nga, chống lại chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Ukraine đã đấu tranh cho quyền tự quyết của mỗi dân tộc và trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất. Ukraine đi vào lịch sử thế giới khi làm thay đổi dòng chảy của lịch sử. Ukraine đã đóng góp rất lớn cho Làn sóng dân chủ lần thứ tư. Chính vì thế mà Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ của tất cả các nước dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp, Ba Lan, cộng hòa Czech, Latvia và gần như cả cộng đồng thế giới.
Putin, một người điên của nhân loại
Liên bang Xô Viết sụp đổ để hình thành một Liên bang Nga không còn cộng sản. Ai cũng hy vọng với những bàn tay chìa ra từ Mỹ, Pháp, Đức, cộng đồng chung Châu Âu và các nước dân chủ thì nước Nga sẽ nhanh chóng tiến về dân chủ.
Đáng tiếc các lãnh đạo của nước Nga đều là những người được đào tạo dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa. Ông Yeltsin không có khái niệm gì về dân chủ, hoàn toàn bất lực, mất phương hướng và nát rượu. Nước Nga rơi vào tay của giới tài phiệt. Người đưa Putin lên nắm quyền, là một trong năm tỷ phú giàu nhất nước Nga lúc đó : Sergei Pugachev. Ông cũng chính là người muốn phong hàm tướng cho Putin, khi điều Putin về làm giám đốc KGB. Sau này khi bị Putin đàn áp và phải sống lưu vong, Pugachev cho hay ông đã nhầm lẫn về Putin bắt đầu từ khi Putin từ chối việc phong hàm tướng và bày tỏ nguyện vọng chỉ muốn nắm quyền 3-4 năm và sau đó chỉ là làm giàu. Chính vì sai lầm đó mà Pugachev và hàng loạt các tỷ phú như Andrey Illarionov, Boris Berezovsky, Khodorkovsky… đều phải bỏ nước ra đi. Và dù rằng họ đã ở nước ngoài nhưng ai cũng phải chứng kiến nhiều lần bị ám sát. Putin là một tay giết người, truy cùng đuổi tận nên nhiều tỉ phú và đối lập đã không thoát khỏi bàn tay thần chết của Putin. Nhiều người trong số họ đang kiện nước Nga về tội chiếm đoạt tài sản của họ.
Những kẻ tiểu nhân như Putin chỉ có tài duy nhất là bắt người khác thuần phục. Từ bộ trưởng Bộ an ninh liên bang đến hệ thống mật vụ chỉ điểm khắp nơi đều biến thành công cụ của Putin, giúp y có thể dập tắt bất kỳ mọi sự phản kháng. Trong thời kỳ Putin nắm quyền không biết bao nhiêu nhà báo đã bị giết chết. Nhiều người bất đồng chính kiến phải bỏ nước ra đi nhưng cũng bị Putin cho người ám sát. Người bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất với Putin là Nemsov bị bắn chết ngay gần điện Kremlin. Nhân vật đối lập Navalni may mắn thoát chết sau một vụ đầu độc và hiện đang ở trong tù. Putin đã dùng mọi thủ đoạn để duy trì chế độ toàn trị của mình. Putin đã nâng tầm ám sát và thủ tiêu các nhà đối lập lên một ‘nghệ thuật’ : Nghệ thuật giết người với những công cụ đặc biệt chưa từng có trên thế giới như tự bôi chất phóng xạ, tự té lầu, tự lấy dao cắt cổ mình... Những kẻ vây quanh Putin chỉ còn lại những kẻ vinh thân phì gia. Từ Zuganov, đảng trưởng Đảng cộng sản đến Medvedev, Patrusev, Lavrov, Shoigu... Tất cả những người này có chung một đặc điểm là thần phục Putin tuyệt đối.
Putin vươn bàn tay mình ra qua hệ thống KGB tới tất cả các nước và thao túng hệ thống chính trị của họ. Mọi sự xáo trộn ở Ukraine đều do bàn tay của Putin nhưng y luôn đổ vấy cho NATO và Mỹ. Tên trùm bắn tỉa Kirgin, trung tá FSB (cơ quan An ninh liên bang Nga), một tội phạm quốc tế đã có mặt tại Crimea giúp Aksyonov cướp chính quyền và sau đó tại Donbass rồi trở thành Bộ trưởng quốc phòng của nhà nước tự xưng do Nga hậu thuẫn tại Lugansk. Ngày nay với nhiều nguồn tin, chúng ta có thể khẳng định các vụ khủng bố để lấy lý do tấn công nước cộng hòa nhỏ bé thuộc liên bang Nga là Chechnya đều do Putin đặt hàng. Putin sẵn sàng dùng cái chết của những người cộng tác với mình và sau đó là bóp nghẹt thông tin để phục vụ cho mục đích của mình. Người Nga ở khắp thế giới đã nếm trải thảm cảnh được Putin ‘lo cho họ’ bằng cách phá tan cuộc sống bình yên của họ. Tội ác của Putin không thể nào kể hết. Tội phạm Putin phải đứng trước vành móng ngựa.
Putin là tội phạm nguy hiểm nhất trong thế kỷ 21.
Cuộc đấu tranh tiến về dân chủ của nhân dân Ukraine
Tôi là người đã sống ở Ukraine khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Tôi hoàn toàn hiểu những bước chuyển mình khó khăn của Ukraine trong bối cảnh đất nước nằm trong quĩ đạo của một người "anh" tàn bạo như nước Nga. Đã 3 lần người dân Ukraine bị nước Nga bức tử, với mục đích xóa bỏ căn cước Ukraine. Nhưng Ukraine năm 2022 không còn là đất nước của năm 2014 nữa. 8 năm đủ dài để người dân ý thức được cuộc sống tự do với cuộc sống dưới ách độc tài phát xít của Putin ở Luganck, Donbass hay Crimea. Người dân Ukraine không thể đổi cái quyền tự quyết, quyền xuống đường biểu tình, quyền thay đổi chính quyền bằng lá phiếu để lấy một chính quyền toàn trị, bách hại tất cả những người bất đồng chính kiến. Một chính quyền sợ cả người dân ra đường với tờ giấy trắng. 8 năm đã biến tất cả người dân Ukraine hiền lành trở thành những con người quả cảm. Chỉ có kẻ tâm thần mới cất quân đi tấn công một đất nước như vậy.
Cuộc binh biến của tay trùm Wagner, Prigozin đã làm rung chuyển nước Nga. Chỉ với đội quân 8 tới 9 nghìn người nhưng Prigozin đã làm cho cả hệ thống tê liệt. Một trùm tình báo KGB, một người từng đe dọa thế giới về thảm họa hạt nhân, thực ra là một kẻ đớn hèn, nhát chết, không biết phải làm gì. Quân đội, công an biên phòng, cảnh sát, đặc nhiệm Omon là hung thần đối với người dân trong suốt 24 năm qua đều bỏ chạy khi thấy quân Wagner kéo đến. Putin không còn ai bên cạnh để đối mặt với đám giang hồ thảo khấu. Thật kinh hoàng khi Putin phải gọi cầu cứu ngoại bang và cũng không ai đến cứu Putin ngoài Lukashenko, tổng thống Belarus. Trong hoảng loạn Putin phải rời Moscow. Putin phải trả giá cho chính cách hành xử bất minh của mình. Wagner là một đội quân đen, là một đám lính đánh thuê, nó hoàn toàn không có trong hiến pháp Nga, nó hoàn toàn không được đăng ký nhưng lại có quyền mở của nhà tù ân xá cho bất cứ ai nó cần, nó đứng trên cả pháp luật vì nó là đội quân riêng của Putin. Giang hồ cũng có võ của giang hồ. Trước giang hồ Prigozin, Putin đã phải muối mặt hủy bỏ mọi lệnh bắt và phải trả lại cho Prigozin không thiếu một đồng nào và không dám động vào Prigozin. Nước Nga hoàn toàn sụp đổ trong con mắt thế giới, toàn bộ sậu quanh Putin chỉ trần trụi là một đám trộm cướp.
Theo tôi Ukraine tấn công vào nước Nga dễ hơn nhiều so với giành đất, nhưng đó không phải là đường lối của Ukraine. Hi vọng người Nga tiến bộ, những người nhìn nhận họ có trách nhiệm trước đất nước Ukraine, cùng nhau giành lại nước Nga. Những người Nga tha hương đã thấm nhuần giá trị dân chủ và họ có quyết tâm xây dựng lại một nước Nga văn minh, hiền lành và thân thiện. Nên biết có hai loại người Nga cùng chung sống trên lãnh thổ Nga, một loại người văn minh, yêu dân chủ tự do như đa số người dân Châu Âu và một loại người thiếu hiểu biết, ngu dốt chỉ biết nhắm mắt đi theo Putin. Một nước Nga hậu Putin chắc chắn phải là một nước dân chủ nếu muốn hòa giải và hội nhập với thế giới. Vết thương mà Putin gây ra cho Ukraine quá lớn và rất khó hàn gắn. Một nước Nga dân chủ sẽ phải khiêm tốn và ăn năn may ra mới hàn gắn được những đổ vỡ đó.
Làn sóng dân chủ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 đang tăng tốc và sẽ đạt đến đỉnh điểm khi nước Nga thất bại và chế độ Putin sụp đổ. Làn sóng dân chủ này sẽ quét đi những nhà nước độc tài cuối cùng như Việt Nam, Triều Tiên, Trung Quốc, Cuba và những nhà nước thần quyền độc đoán ở Trung Đông. Người Việt chúng ta cần chuẩn bị để không lỡ hẹn với tương lai.
Đỗ Xuân Cang
(13/7/2023)
“Thầy bói xem voi” là một câu chuyện dân gian đã rất cũ, nhưng thực sự nếu chúng ta hiểu rõ được hàm ý sâu xa của nó thì có lẽ chúng ta sẽ tránh được rất nhiều mâu thuẫn và xung đột không đáng có trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là trong công cuộc đấu tranh vì dân chủ đa nguyên cho đất nước ngày nay.
Chuyện kể rằng, có năm ông thầy bói mù cùng ngồi nói chuyện với nhau thì nghe tin có một người quản trượng dắt voi đi qua. Cả năm vị thầy bói mù đều chưa từng biết đến con voi bao giờ nên họ cùng nhau góp tiền để trả cho người quản trượng, để họ có thể sờ xem con voi mà mình từng được nghe có hình thù như thế nào.
Thầy thứ nhất sờ vòi voi thì nói:
“Tưởng con voi thế nào, hoá ra nó cứ sun sun như con đỉa ấy.”
Thầy thứ hai, sau khi sờ cái tai voi, thì phản đối:
“Không phải! con voi như cái quạt nan cơ!”
“Tầm bậy! con voi giống như cái cột nhà hơn“, thầy thứ ba cãi lại, sau khi sờ được chân voi.
Thầy thứ tư, vừa sờ bụng voi xong, liền la lên:
“Ông cũng sai nốt! Con voi giống như cái lu nước!”
“Các ông đều chẳng đúng! Con voi giống như cái chổi xể thôi mà.”
Ông thầy bói thứ năm kết luận, sau khi sờ đuôi voi.
Và thế là không ai chịu ai, họ tranh cãi nhau rồi sau đó dùng gậy đánh nhau, ai cũng sứt đầu mẻ trán cả.
Thấy vậy, người quản trượng mới cười nói:
“Thân hình con voi có nhiều bộ phận khác nhau, đại thể như thế này:
Vòi dài giống con đỉa
Tai tựa cái quạt nan
Bụng chứa vừa một gian
Chân to tày cột cái
Mồm thì như cái vại
Ngà giống thanh kiếm dài
Sau đít có cái đuôi
Cứng khác nào chổi xể.
Nếu các thầy thấy hết, đâu đến nỗi phải cãi cọ nhau rồi đánh nhau ra nông nỗi này.”
Trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta thường nhìn nhận, phán xét và đánh giá một sự vật, hiện tượng hay sự kiện theo góc nhìn riêng của chúng ta. Góc nhìn của chúng ta được hình thành do những trải nghiệm, kinh nghiệm được tích lũy trong quá khứ và khả năng phân tích của não bộ của từng người. Nhưng chính khả năng phân tích và kết luận của não bộ cũng dựa trên những dữ kiện và kinh nghiệm có trong quá khứ, bao gồm cả ADN di truyền từ cha mẹ, ông bà…
Góc nhìn của riêng mỗi người trở thành định kiến, trở thành lăng kính riêng của người đó. Giống như người thầy bói mù thứ nhất, ông ta đã từng có kinh nghiệm, hiểu biết về con đỉa. Còn thầy bói mù thứ hai đã có trải nghiệm trước đó với cái quạt nan, tức là ông ấy đã biết đến cái quạt nan. Và, thầy bói mù thứ ba, thứ tư và thứ năm thì lần lượt có trải nghiệm và hiểu biết về cái cột nhà, cái lu nước và cây chổi xể.
Cho nên khi gặp con voi – một điều mà họ chưa biết – thì họ sẽ dựa vào trải nghiệm trước đó, tức là cái họ đã biết, để đưa ra nhận xét về con voi. Và như mọi người đã thấy, không có ai đưa ra nhận xét đúng về con voi cả. Ngay cả khi mỗi bộ phận của con voi được mô tả thì nó cũng chỉ là gần đúng. Gần đúng không có nghĩa là đúng. Cái vòi voi giống với con đỉa nhưng cái vòi voi không phải là con đỉa. Cái tai voi giống với cái quạt nan nhưng cái tai voi không phải là cái quạt nan. Cái chân voi giống cái cột nhà nhưng cái chân voi không phải là cái cột nhà. Cái bụng voi giống cái lu nước nhưng cái bụng voi không phải là cái lu nước. Cái đuôi voi giống với cái chổi xể nhưng cái đuôi voi không phải là cái chổi xể. Cho nên, chúng ta không thể dựa vào những điều đã biết để phán xét những điều chưa biết.
Những kinh nghiệm trong quá khứ, những kiến thức đã biết sẽ là sự ngăn trở cho con người tìm hiểu cái mới, cái chưa biết.
Không những thế, những kinh nghiệm trong quá khứ, những kiến thức đã biết sẽ là sự ngăn trở cho con người tìm hiểu cái mới, cái chưa biết. Những vị thầy bói đều là người mù, tức là những người không thể nhìn, vì vậy họ không thể chắc chắn mà chỉ “bói” thôi. Chỉ người quản trượng mới sáng mắt nên có thể nhìn, mới có thể biết rõ con voi là vậy. Mỗi chúng ta đều là những “thầy bói mù” ở trong đời, đều nhìn cuộc sống qua cái lăng kính riêng của chúng ta. Chúng ta thường nhìn những bông hoa đẹp qua một lớp kính rồi phán rằng những bông hoa kia bẩn mà không thấy rằng kính chúng ta đang đeo mới bị bẩn.
Không một người bình thường nào có thể nhìn thấy cuộc sống khách quan như nó vốn có, mà chúng ta chỉ nhìn thấy được một thực tế chủ quan theo góc nhìn, theo lăng kính của chúng ta. Có thể bạn nhìn thấy con số kia là số 6 nhưng tôi lại nhìn thấy nó là số 9. Có thể bạn nhìn thấy chữ kia là chữ m nhưng tôi lại thấy đó là chữ w, và một người nào khác họ có thể nhìn thấy đó là số 3, còn người thứ tư có thể thấy đó là chữ E. Tất cả phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người.
Nhưng vì sao các vị thầy bói mù lại cãi cọ nhau rồi dẫn đến đánh nhau sứt đầu mẻ trán? Lý giải hợp lý nhất là bởi vì tự họ cho chính mình là đúng nhưng lại bị kẻ khác cho rằng họ là sai. Và vì không chịu đựng được sự phủ định đó, họ liền thể hiện bản năng của loài vật là sử dụng bạo lực - cãi cọ và đánh nhau – để áp đặt người khác phải nghe theo mình. Đi sâu hơn vào bản chất tâm lý của mỗi người thầy bói, chúng ta thấy rằng họ quan trọng việc khẳng định bản thân mình là đúng hơn việc khám phá ra rốt cục con voi có hình thù như thế nào. Họ muốn thể hiện và khẳng định sự quan trọng của bản thân họ hơn việc tìm hiểu sự thật về con voi.
Nếu họ đề cao hơn việc khám phá sự thật về con voi thì có thể họ đã không đấu võ mồm rồi dẫn tới thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với nhau rồi. Thay vào đó, họ đã có thể ngồi lại và trao đổi với nhau để tổng hợp ý kiến hoặc họ cùng nhau nhờ người quản trượng xem xét và đánh giá nhận định của họ về con voi. Qua một trong hai cách đó, hoặc cả hai, họ có thể có cái “nhìn” tổng thể và chính xác hơn về con voi. Đằng này, họ đã bị định kiến che mờ lý trí và cũng mang nặng bản ngã, hay “cái tôi” quá cao, tự cho mình là quan trọng nhất, là đúng đắn nhất nên họ chẳng thèm lắng nghe ai, cũng sẵn sàng “sống chết” với những ai khác biệt với mình trong cách nhận xét về con voi. Vì vậy, họ đã tự mình đánh mất khả năng nhìn thấu được sự thật về con voi.
Mục đích ban đầu của họ, tức là khám phá sự thật về con voi, đã không đạt được. Tệ hơn nữa, họ đã gây ra tổn thương cho người khác và nhận lấy tổn thương cho chính bản thân mình. Và mối quan hệ của họ với những người khác cũng đã đổ vỡ sau khi cãi cọ và đánh nhau. Họ đã nhân việc khám phá sự thật để áp đặt tầm quan trọng của bản thân lên người khác. Cuộc sống vốn phức tạp hơn rất nhiều so với con voi. Và số lượng “thầy bói mù” nhiều lên đến hàng tỷ nên sẽ có hàng tỷ cách nhìn về cuộc sống.
Nhưng chúng ta cũng đã thấy rõ rằng: con người không thể nhìn thấy được một thực tế khách quan như nó vốn là, mà chỉ nhìn cuộc sống theo cách nhìn chủ quan của mình, dựa theo những gì mình có trong nhận thức. Hầu hết chúng ta, nhất là những người đọc bài viết này, đều nhìn thấy rõ ràng thực trạng tan nát một cách bi thảm của đất nước Việt Nam ngày nay. Việt Nam đang bị Đảng Cộng Sản Việt Nam độc quyền cai trị bằng bạo lực và các chính sách ngu dân. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang chà đạp, coi thường và cướp bóc của người dân Việt Nam không từ một cái gì.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang phá hoại đất nước Việt Nam và thần phục Trung Quốc – kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam – và dâng biển đảo của Tổ quốc cho ngoại bang. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tạo nên một đống đổ nát trên đất nước Việt Nam về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – sự tan tác và kiệt quệ trong lòng mỗi người con dân nước Việt, dù người đó ở trong nước hay đang ở hải ngoại. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã và đang biến dân tộc Việt Nam dần trở thành một giống loài đầy bệnh tật, bạc nhược, dối trá và suy đồi…chứ không phải là con người văn minh đầy hãnh tiến của thế kỷ hai mốt. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cưỡng bức dân tộc Việt Nam đi đến bờ vực của sự diệt vong!
Vâng, có lẽ tôi cũng chỉ là một “thầy bói mù” khi nhìn nhận và đánh giá tình hình ở Việt Nam. Mặc dù tôi đã sống hơn nửa đời trên đất nước này, đã chứng kiến hàng ngày bao nhiêu sự việc đau đớn đã và đang diễn ra trên dải đất chữ S này, đã mài mòn không biết bao nhiêu cái đũng quần trên ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa trong hơn mười bảy năm trời và cũng đã trăn trở về tình hình đất nước Việt Nam trong gần chục năm qua, tôi vẫn có thể nhìn nhận tình hình thiếu chính xác. Có thể lắm chứ!
Nhưng nếu bạn cũng nhìn thấy những điều mà tôi đang nhìn thấy, thì câu hỏi tiếp theo mà chúng ta cần đặt ra là: Chúng ta sẽ làm gì để cứu vãn tình trạng nguy kịch này? Nhiều người đã lên án Đảng Cộng Sản Việt Nam trong mấy chục năm qua. Nhưng có sự thay đổi khả quan nào xảy ra không? Không hề. Ngược lại, tình hình còn tệ hơn mỗi ngày.
Nhiều người đã gửi thư góp ý cho Đảng Cộng Sản Việt Nam trong thời gian qua. Và những người đó có được Đảng Cộng Sản lắng nghe hay không? Không hề. Tệ hơn, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đối xử với họ bằng những bản án tù đày kéo dài mấy chục năm trời. Nhiều người đã tổ chức biểu tình phản đối và đòi yêu sách. Rồi họ có được Đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp thu không? Không hề. Họ đã được đáp trả bằng nắm đấm, dùi cui, hơi cay và khủng bố.
Vì sao lại như vậy? Bởi vì họ nhỏ nhoi, ít ỏi và đơn độc. Bởi vì Đảng Cộng Sản không phải là lãnh đạo của đất nước Việt Nam. Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tập đoàn chiếm đóng và cai trị Việt Nam chúng ta!
Đảng Cộng Sản Việt Nam là một tập đoàn chiếm đóng và cai trị Việt Nam chúng ta!
Cùng với sự phát triển của công nghệ trong hai mươi năm qua, mạng xã hội cũng đã hình thành và phát triển đến mức mà bất cứ ai, dù ở bất cứ đâu trên trái đất này, đều có thể học hỏi, trao đổi, trò chuyện, giao dịch, kết nối với nhau và kết nối với nguồn tri thức vô hạn của nhân loại. Vì vậy, nhiều người dân Việt Nam đã tiếp xúc được với kiến thức đúng đắn, hiểu rõ hơn về lịch sử và nắm rõ tình hình của đất nước hơn. Đặc biệt, họ đã biết rõ được nguyên nhân gốc rễ của thảm trạng bi đát hiện nay của dân tộc: Đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Và như một lẽ tự nhiên của những con người còn lương tâm - ở đâu có đàn áp thì ở đó có phản kháng – ngày một nhiều người cất lên tiếng nói của lương tri, góp phần vào công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nước nhà. Giống như mục đích ban đầu của năm ông thầy bói mù là khám phá ra sự thật về con voi, những người đấu tranh cho tự do, dân chủ, đa nguyên – những người đã nhìn thấy thảm trạng tồi tệ của đất nước Việt Nam - đều đồng ý với nhau là cần phải thay đổi, cần phải xoá bỏ chế độ cộng sản để xây dựng một thể chế dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập.
Nhưng, cũng như năm ông thầy bói mù, những người đấu tranh cho dân chủ đa nguyên hiện nay đều không thể cùng nhau, không thể tập hợp lại với nhau thành những tổ chức để đấu tranh cho mục đích tối hậu. Không những thế, họ còn đấu đá với nhau bằng việc phán xét, miệt thị và hạ bệ nhau. Sau đó, họ không thèm nhìn mặt nhau, rời bỏ tổ chức, từ bỏ mục tiêu, hoặc là đấu tranh theo lối nhân sỹ để mưu cầu danh tiếng, lợi ích cho bản thân.
Nhân danh việc khám phá sự thật về con voi, các thầy bói mù cãi cọ và đánh nhau. Thật lố bịch!
Nhân danh việc đấu tranh cho tự do dân chủ của đất nước, chúng ta phỉ báng và hạ bệ nhau. Thật đớn đau!
Thật đớn đau khi Đảng Cộng Sản đang vắt kiệt sức sống của dân tộc Việt Nam!
Thật xót xa khi cả trăm triệu con dân nước Việt đang quằn quại trong kiếp nô lệ, cô đơn và mờ mịt!
Thật xót xa khi những đứa con có điều kiện hơn, có hiểu biết hơn, có lương tâm hơn so với số còn lại của đất mẹ Việt Nam đang quay lưng với nhau và quay lưng với anh em, đồng bào đang rên xiết trong ngày tàn đêm đen để mưu cầu tư lợi hay vì sĩ diện cá nhân.
Chúng ta đều biết rõ là đấu tranh chính trị phải là đấu tranh có tổ chức. Không có tổ chức dân chủ đối lập với Đảng Cộng Sản Việt Nam thì không bao giờ có thành công. Tổ chức không đủ mạnh thì không thể đối lập được với Đảng Cộng Sản Việt Nam. Không đối lập được với Đảng Cộng Sản thì Việt Nam chúng ta sau 100 năm nữa cũng không có tự do, không có dân chủ. Mà liệu 100 năm nữa có còn “chúng ta” hay không?
Thông qua tìm hiểu quá khứ, việc chúng ta đã làm và làm rất kỹ, chúng ta hiểu vì sao có Việt Nam như lúc này. Thông qua những gì đang xảy ra, chúng ta có chắc chắn hậu thế của chúng ta sẽ còn gọi tên Việt Nam, hay rồi con cháu của chúng ta sẽ còn lại vài nhúm nhỏ lác đác khắp thế giới và còn không đủ rành rọt tiếng Việt để hát “Hận Đồ Bàn”, “Sài Gòn ơi vĩnh biệt” và “Sài Gòn niềm nhớ không tên” nữa?
Liệu rồi còn có nhạc sỹ nào đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan của con dân nước Việt mà sáng tác nên bài “Hận Việt Nam” hay không? Điều đó chắc chắn phụ thuộc vào việc làm hôm nay của tất cả chúng ta.
Bạn có thấy bực bội khi chạy xe giữa trời nắng nóng đầy bụi bặm và tranh giành từng mét đường khi tắc nghẽn giao thông?
Bạn có thấy rùng mình khi khắp phố phường ở tất cả tỉnh thành đều đầy rẫy những quán nhậu và chốn ăn chơi để phục vụ cho giới trẻ Việt Nam không?
Bạn có thấy nỗi buồn trào dâng lên khi nhìn thấy những em nhỏ phải lê la khắp phố để ăn xin hay bán vé số?
Bạn có thấy tội nghiệp cho những bà mẹ bồng con nhỏ đứng ở các giao lộ để cầu mong người khác rũ lòng thương xót?
Bạn có thấy cắn rứt lương tâm khi phải thoả hiệp với những thứ đê tiện, bần hàn và khốn nạn đang chực chờ bạn trong suốt cuộc sống hàng ngày?
Bạn có lo lắng khi nhìn thấy nền giáo dục hiện nay đang dần biến con cháu chúng ta thành những loài thú hoang hay không, trong khi học phí đang ngày càng tăng cao?
Bạn có đau đớn khi bước vào bệnh viện để chứng kiến số lượng người bệnh đang ngày càng nhiều và càng trầm trọng, trong khi hệ thống y tế sinh ra dường như chỉ để trục lợi và bóc lột chứ không phải phục vụ nhân dân?
Bạn có tức giận khi thấy nạn tham nhũng hoành hành ở tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước, ở tất cả các cấp và ở trong chính người dân Việt Nam?
Bạn có thấy đau nhói tim gan khi thấy hàng ngàn người dân Việt Nam bị cướp nhà, cướp đất phải rơi vào cảnh khốn cùng, màn trời chiếu đất?
Có thể bạn nói chúng ta còn nghèo.
Có thể bạn nói dân trí chúng ta còn thấp.
Có thể bạn sẽ đưa ra hàng trăm, hàng ngàn lý do để giải thích rằng chúng ta chưa thể có tự do và dân chủ đa nguyên.
Nhưng tất cả lý do đó, dù nghe có vẻ có lý hay vô lý, đều sẽ trì hoãn quá trình dân chủ hoá đất nước và sẽ kéo dài tình trạng bi đát hiện nay. Và vì vậy, tình trạng đó sẽ ngày một nặng hơn đến nỗi sẽ không thể cứu chữa được nữa. Và vì vậy, chúng ta đưa ra lý do để trì hoãn hoặc từ chối trách nhiệm và sứ mệnh mà mình phải gánh vác.
Chúng ta không thể như ông Vũ Đức Đam mà nói rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta không đòi được thì con cháu chúng ta sẽ đòi.” Chúng ta cũng không thể ăn mặn để rồi đời con, đời cháu chúng ta phải khát nước. Chúng ta lẽ nào lại đành lòng chối bỏ tình yêu thương đối với chính con cháu và hậu thế của mình ư? Chúng ta yêu thương con cháu và đồng bào mình bằng cách nào đây?
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã không còn mạnh nữa. Họ đã suy thoái và chia rẽ nội bộ rất nghiêm trọng. Mà vì chúng ta còn yếu. Chúng ta yếu: Vì chúng ta đứng một mình. Vì chúng ta thích đấu tranh theo kiểu nhân sĩ hơn là đoàn kết trong một tổ chức. Vì chúng ta thực sự chưa biết đau nỗi đau của con cháu chúng ta để có thể biến nỗi đau đó thành sức mạnh.
"Đoàn kết là sức mạnh" nhưng chúng ta không đoàn kết. Kẻ thù của chúng ta cũng không phải là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Kẻ thù của chúng ta chính là sự mất đoàn kết. Kẻ thù của chúng ta chính là bản ngã, là cái tôi của chúng ta! Kẻ thù của chúng ta chính là bản thân chúng ta! Nhưng con cháu của chúng ta rất cần chúng ta. Những người đồng bào của chúng ta rất cần chúng ta. Đất nước Việt Nam đang rất cần chúng ta.
Nền tự do dân chủ - một văn hóa tổ chức và một ý thức tiến hóa của nhân loại - cần được hiện thân chính nó qua hành động của chúng ta. Chúng ta cần phải đấu tranh để giành lại quyền làm người, dành lại tất cả những điều mà đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam xứng đáng phải có. Nhưng đấu tranh chính trị bắt buộc phải là đấu tranh có tổ chức.
Chúng ta cần phải tổ chức, tổ chức và tổ chức.
Chúng ta cần phải đoàn kết, đoàn kết và đoàn kết.
Tổ quốc đang gào thét, chúng ta cần phải “đáp lời sông núi.”
Chúng ta không thể sang sông với vài hay một bó tre rời rạc được. Nhưng nếu tổ chức bó tre đó lại thành một chiếc bè thì chúng ta sẽ qua được bờ bên kia mà không gặp mấy khó khăn.
Trên một chiếc ô tô có hơn hai trăm mác thép, mỗi tấm thép với một mác thép khác nhau (mác thép là đại lượng thể hiện độ chịu lực của thép) được gắn kết với nhau theo một cách hợp lý, đã góp phần tạo nên chiếc ô tô đưa con người đến những nơi mơ ước nhanh chóng và tiện lợi. Những tấm thép to nhỏ, dày mỏng khác nhau, có độ chịu lực khác nhau nhưng được tổ chức lại với nhau một cách khoa học đã tạo nên những con thuyền to lớn để đương đầu với phong ba bão táp và đưa con người vượt qua những đại dương bao la, đến những vùng đất mới mênh mông hơn, trù phú hơn.
Những người con dân nước Việt chúng ta, với những khả năng khác nhau, nhưng chỉ cần hàn gắn và kết nối lại với nhau thì chắc chắn sẽ tạo nên con thuyền vô cùng vững chắc để đưa đất nước Việt Nam qua khỏi vũng lầy đày đoạ này và mau chóng đến với bến bờ tự do, dân chủ và đa nguyên.
Xin được kết thúc bài viết với lời nhắn nhủ của nhạc sỹ Trần Đức Quang trong bài hát Cho Đồng Bào Tôi:
“Một địa cầu mới hãy mọc lên,
Một thế giới mới hãy ra đời,
Một nền hòa bình vĩnh viễn mau đến cùng người.
Một đoàn người mới hãy vùng lên,
Bài ca tranh đấu hãy vang rền,
Và người vì người hãy chủ động nuôi lớn quê hương.”
Trương Sỏi
(4/7/2023)
Các chương I và II và III của tài liệu ‘Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai’ đã phác họa một bức tranh tổng thể về bối cảnh thế giới và trong nước, trong dòng chảy của lịch sử. Điều quan trọng nhất của những chương này là đã minh định, mục đích tranh đấu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là rộng lớn hơn nhiều so với vấn đề Quốc – Cộng mới chỉ nảy sinh vài chục năm gần đây. Tất nhiên là với tầm nhìn sâu rộng đó, Tập Hợp sẽ có đầy đủ các câu trả lời cho các vấn đề cụ thể, nhưng vấn đề là ở chỗ, dùng một tầm nhìn sâu rộng để tranh luận với những người còn đang mắc kẹt trong một vấn đề hạn hẹp là một điều bất khả thi, một điều thường được mô tả bằng hình ảnh "không ở trên cùng một trang sách của cùng một quyển sách".
Những vấn đề hạn hẹp mà nhiều người còn đang mắc kẹt trong đó, nghiêm trọng nhất là vết thương hận thù Quốc - Cộng và vũng lầy những "giá trị" Nho giáo.
Sau khi đã phác họa một bức tranh tổng thể, tài liệu ‘Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai’ bắt đầu đi vào chi tiết bằng chương IV – Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ. Tập Hợp luôn đề cao tầm quan trọng của vấn đề tư tưởng.
"Đồng thuận căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gồm năm điểm sau đây :
1. đất nước phải được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới và một tương lai chung ;
2. thể chế chính trị cho Việt Nam là dân chủ đa nguyên ;
3. tinh thần chỉ đạo của cố gắng làm lại đất nước là hòa giải và hòa hợp dân tộc ;
4. tổ chức xã hội Việt Nam phải thể hiện một cách thật quả quyết những giá trị tiến bộ ;
5. cố gắng phát triển kinh tế phải đặt trên nền tảng kinh tế thị trường và sáng kiến cá nhân".
Trong năm điểm nói trên, có lẽ 4 điểm, 1 và 2 và 4 và 5, là không gây tranh cãi, bởi vì nếu không đứng trên căn bản Đất Nước, không muốn Dân Chủ Đa Nguyên, Tiến Bộ, Tự Do Cá Nhân, thì sẽ không còn cần gì để đối thoại thêm với nhau nữa. Chỉ có điểm 3, Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, bằng một cách nào đó đã gây ra nhiều tranh cãi.
Hãy bắt đầu từ góc độ Chính-tả : Trình tự đúng của các chữ là và phải là : Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc. Góc độ Chính-tả ở đây sẽ có những ý nghĩa như sau :
- Hòa-Giải diễn ra trước, sau đó mới có thể Hòa-Hợp.
- Hòa-Giải là để Hòa-Hợp, để cùng nhau xây dựng một tương lai chung.
- Hòa-Giải và Hòa-Hợp là vì tương lai của Dân-Tộc, do đó phải diễn ra trên bình diện Dân-Tộc.
Tiếp theo là góc độ Ngữ-pháp : Hòa-Giải và Hòa-Hợp có thể là những Danh-từ (Nouns), với Dân-Tộc là Tính-từ (Adjective) bổ nghĩa cho những Danh-từ đó, trong chừng mực đây là những mục tiêu mà Tập Hợp hướng tới, trước mắt và hy vọng là chỉ trong ngắn hạn (vì chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi phải đối mặt với vấn đề này ?).
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là những điều mà chúng ta sẽ làm : Hiện tại chúng ta nêu gương và tuyên truyền, khi tham chính chúng ta sẽ ban hành các chính sách.
"Do hoàn cảnh lịch sử, chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị tổn thương nặng nề. Những đổ vỡ đòi hỏi một thời gian hàn gắn rất lâu dài, do đó tinh thần căn bản của mọi chính sách cho nhiều thế hệ tới sẽ phải là Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc".
Vậy Hòa-Giải và Hòa-Hợp cũng có thể là, và nên là những Động-từ (Verbs), cũng vẫn với Dân-Tộc là Trạng-từ (Adverb) bổ nghĩa cho những Động-từ đó. Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là những điều mà chúng ta sẽ làm : Hiện tại chúng ta nêu gương và tuyên truyền, khi tham chính chúng ta sẽ ban hành các chính sách.
Lưu ý rằng, hàn gắn những đổ vỡ và làm lành những tổn thương, như những đổ vỡ và tổn thương mà đất nước của chúng ta đã từng phải chịu đựng, khó có thể là công việc có thể hoàn thành nhanh chóng trong một vài thế hệ. Nhưng điều đó chỉ để thấy rằng, đó quả thật là điều đáng để phấn đấu.
Năm 1802 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, và vua Gia Long cũng đã có gần đủ những tố chất để Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, ví dụ như tha thứ cho binh lính và trọng dụng nhân tài của kẻ thù cũ, cởi mở trong các mối quan hệ trong nước và quốc tế… Điều duy nhất ngăn cản cơ hội trở thành hiện thực là Nho giáo, điều mà vua Gia Long cho là cần thiết để củng cố thành quả của mình.
Năm 1945 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, sau một thời gian "Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời đại mới", trí thức Việt đang học hỏi và trưởng thành trên nhiều mặt, rồi Thế chiến II kết thúc để lại những khoảng trống… Đáng tiếc là mọi sự còn chưa chín muồi để có thể lấp đầy những khoảng trống đó một cách đúng đắn. Tệ hơn nữa, chỉ vì một chút xíu chưa trưởng thành đầy đủ đó mà đất nước, thay vì quẹo đúng đã quẹo sai đi vào thảm họa.
Năm 1975 đã có thể là một cơ hội của Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, nhưng nói cho cùng đó chỉ là tiếp nối của những gì đã bị bỏ lỡ, bị nhầm lẫn từ năm 1945, cộng thêm với việc tầng lớp trí thức Việt đã bị tiêu diệt hoàn toàn, cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. (Cũng có thể nói một cách khác rằng, từ năm 1954, đất nước có một nửa quẹo sai và một nửa quẹo đúng, nhưng tốc độ của cái sai nhanh hơn nhiều so với cái đúng, cho nên kết cục rồi cũng như đã thấy).
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc là điều không thể có được bằng sự cầu xin của kẻ yếu.
Những người chủ trương Dân-Chủ và Đa-Nguyên và Tiến-Bộ theo những cách khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, phải Hòa-Giải với nhau trước, để Hòa-Hợp cùng nhau thành một lực lượng đủ mạnh để khuất phục bạo quyền. Lực lượng mạnh mẽ này không phải được nuôi dưỡng bằng lòng hận thù, không bao giờ củng cố quyền lực bằng cách "nhổ cỏ tận gốc".
Khi Dân-Chủ, Đa-Nguyên và Tiến-Bộ đã đủ mạnh thì bạo quyền, và cả những mầm mống của bạo quyền, sẽ phải bị tiêu diệt, nhưng đó là theo nghĩa bóng, tức là những tư tưởng và thể chế nào đó tạo điều kiện cho bạo quyền sinh sôi nảy nở sẽ phải bị tiêu diệt, chứ không phải theo nghĩa đen là những kẻ xấu cụ thể nào đó. Số phận của những kẻ xấu cụ thể nào đó chỉ là những việc của cá nhân kẻ đó, sẽ phải trả lời trước một phiên tòa công bằng về những tội ác cụ thể của mình. Chính quyền của Dân-Chủ và Đa-Nguyên và Tiến-Bộ lúc đó sẽ thực thi mọi chính sách trên nền tảng Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc.
Hòa-Giải và Hòa-Hợp Dân-Tộc, khác với tất cả những biến đổi lịch sử từ trước tới nay vốn chỉ là "được ăn cả ngã về không", "được làm vua thua làm giặc", zero-sum… sẽ là giải pháp win-win cho tất cả các bên, mở lối thoát cho cả những trường hợp tuyệt vọng nhất để cuối cùng, mọi việc đều có thể được giải quyết một cách công bằng trong hòa bình.
Dòng Sông Việt
(17/05/2023)
1. Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về chính trị Mỹ
Những ai thường xuyên theo dõi các bài viết của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đều nhận thấy chúng tôi luôn có ý kiến và thái độ rất rõ ràng và minh bạch về các vấn đề chính trị của nước Mỹ. Đặc biệt chúng tôi luôn có ý kiến thẳng thắn về hai nhân vật gây tranh cãi là cựu tổng thống Donald Trump và đương kim tổng thống Joe Biden.
Có một số bạn đọc thắc mắc tại sao không lo cho dân chủ Việt Nam mà cứ quan tâm tới chính trị Mỹ. Rất đơn giản là vì chúng tôi đang xây dựng một dự án chính trị, tức là giải pháp cho Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi không thể thụ động sao chép mô hình chính trị của Mỹ, của Anh hay tệ hơn như của một số nhóm hội đoàn chủ trương tái lập Việt Nam Cộng Hòa. Theo dõi, nghiên cứu chính trị Mỹ cũng như các xu thế chính trị đang diễn ra trên thế giới là để xây dựng đường lối chính trị cho Việt Nam, đó là hoạt động hiển nhiên của các tổ chức chính trị. Cũng qua sự phân tích và đánh giá đó, chúng tôi cọ xát lý thuyết của tổ chức mình với thực tế. Chúng tôi cho rằng : Làm chính trị là hẹn hò với tương lai. Chúng tôi luôn ý thức rằng nền chính trị của một quốc gia phải độc lập nhưng phải song hành với tiến bộ của thời đại.
Có thể việc bênh hay chống một nhân vật nào đó rất dễ nhìn nhận như một cơn bệnh cuồng cá nhân. Điều đó có thể có ở những cá nhân thậm chí cả ở những tập thể nếu tập thể ấy thiếu vắng tư tưởng chính trị. Chắc chắn chúng tôi không có vấn đề này vì Tập Hợp có tư tưởng chính trị.
Tập Hợp thường đưa ra những ý kiến thẳng thắn về các tổng thống Mỹ và chính trị Mỹ.
2. Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về các vấn đề quốc tế
Việc chúng tôi ủng hộ hay phê phán một ai đó hay một vấn đề gì đó đều dựa trên những giá trị nền tảng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên theo đuổi. Là một tổ chức tranh đấu với chủ trương "hòa giải" hiển nhiên chúng tôi ủng hộ các thỏa ước tiến bộ, vì lợi ích chung. Đó là lý do khiến chúng tôi bất bình trước hành động của Trump như việc xé bỏ hàng loạt các thỏa ước mà các chính trị gia Mỹ đã đổ bao mồ hôi và đôi khi cả máu để đạt được. Chúng tôi hiển nhiên vui mừng việc tái xác lập sự hiện diện trở lại của Mỹ trong các vấn đề của thế giới từ chính phủ Joe Biden.
Chúng tôi làm sao có thể ủng hộ ông Trump khi ông xé bỏ hiệp định TPP, bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran, bỏ hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân với Nga, rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu...Người ta chỉ có thể bỏ thuốc chống cao huyết áp vì gây ra hiệu ứng phụ khi có một loại thuốc khác tránh được hiệu ứng đó. Ông Trump chỉ biết đập phá chứ không xây dựng được bất kỳ hiệp ước nào khác để thay thế cho những gì đã phá bỏ.
Rất dễ nhận thấy việc rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay trong đại dịch là hành vi ích kỷ, điều đó càng tệ hơn khi nước Mỹ là cường quốc số một. Bất cứ ai có hiểu biết trung bình cũng hiểu đại dịch Covid-19 là vấn nạn toàn cầu. Muốn chống Covid-19 hiệu quả, cần có những nỗ lực chung và sự chia sẻ chung. Rút ra khỏi WHO cho thấy sự hiểu biết của Trump rất thấp và là một người rất nhỏ nhen, ích kỷ. Sự lừa dối của Trump về nguy cơ đại dịch cũng như những chỉ dẫn tầm bậy trong việc chống ngừa Covid-19 phải nhìn nhận như là tội ác.
Cũng trên vấn đề này chúng tôi hoan nghênh cam kết của ông Joe Biden với WHO cùng với những hành động thiết thực và cụ thể. Tinh thần chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của các cường quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc dập dịch. Nhiều quốc gia như Đức, không chỉ giúp đỡ tài chính, trang thiết bị y tế trong nguy cấp mà còn sẵn sàng đón bệnh nhân từ quốc gia khác về để chữa trị.
Trong thế kỷ 20, nhân loại có ba luồng tư tưởng đối nghịch : dân chủ, cộng sản và phát xít (chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Các cuộc chiến ý thức hệ đã đẩy thế giới tới chiến tranh và vực thẳm. Những cuộc chiến kinh hoàng hay chạy đua vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt cả địa cầu.
Thế giới không còn chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chiến tranh.
3. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ra đi cùng chiến tranh thế giới II
Sau chiến tranh thế giới thứ II, chủ nghĩa cộng sản đã từng cao ngạo thách thức và đe dọa "đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản" nhưng cuối cùng các nước cộng sản Đông Âu đã sụp đổ cùng với Liên bang Xô Viết, cái nôi, là thành trì vững chắc của chủ nghĩa cộng sản. Những bóng ma còn lại như Việt Nam, Trung Quốc đành phải thay đổi để chung sống hòa bình với các nước dân chủ.
Dân chủ đã chở thành chủ thuyết duy nhất và áp đảo trên toàn thế giới. Đầu thế kỷ 21 phong trào dân túy bùng phát khắp nơi do các chế độ dân chủ ngủ quên trên chiến thắng. Chủ nghĩa dân túy không có gì mới, nó chỉ là sự kết hợp gượng gạo giữa chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, quá khích với sự mị dân. Các chính trị gia dân túy chỉ lợi dụng và khai thác sự phẫn nộ chính đáng của của người dân để giành chính quyền chứ không có giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.
Chủ nghĩa dân túy (Populist) là chủ đề chúng tôi thường xuyên thảo luận và cố gắng nhận diện chúng để báo động cho người dân Việt Nam. Nước Anh chia tay với EU là hậu quả của phong trào dân túy. Trump thắng cử năm 2016 là đỉnh điểm của phong trào dân túy. Nền dân chủ Mỹ xuống cấp và chao đảo cũng vì theo đuổi chủ nghĩa dân túy (tất cả chế độ theo mô hình tổng thống đều là dân túy)...
Ông Nguyễn Gia Kiểng và anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cho rằng "Tư tưởng phải đi trước hành động". Muốn làm một cuộc cách mạng thì cần phải có một tư tưởng cách mạng. Rất đáng buồn là sau hơn 45 năm đấu tranh của người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, với bao hy sinh và mất mát thì mục tiêu dân chủ hóa đất nước vẫn còn xa vời. Nguyên nhân là do những người tranh đấu đã coi nhẹ, thậm chí bỏ qua tư tưởng chính trị mà chỉ chú trọng đến các "hành động" bề nổi để gây chú ý và tiếng vang.
Đến nay, có lẽ, chỉ có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Đảng cộng sản là ý thức được sức mạnh của tư tưởng chính trị. Chính vì thế mà Ban tư tưởng văn hóa (tuyên giáo trung ương) của Đảng cộng sản luôn là cơ quan siêu quyền lực trong hệ thống chính trị, từ khi mới nắm quyền cho đến tận bây giờ. Đừng quên ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo tối cao hiện nay là người xuất thân từ công tác xây dựng đảng và phụ trách hệ thống lý luận của Đảng cộng sản. Cũng chính Ban tư tưởng văn hóa đã định hướng cho tất cả hoạt động của các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình của cả nước. Chính họ đã chủ trương cấm đoán các luồng tư tưởng tiến bộ khác, thậm chí không cả cho báo chí dùng chữ "đa nguyên".
Chương trình tranh cử của ông Joe Biden cho thấy ông hoàn toàn ý thức được nước Mỹ và thế giới đang chao đảo vì xa rời những giá trị dân chủ, nhân quyền. Ông hứa sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm đấu tranh với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa độc tài để bảo vệ dân chủ không chỉcho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới. Mọi quyết sách của ông đều có nền tảng tư tưởng dân chủ đa nguyên (*).
Muốn làm một cuộc cách mạng thì cần phải có một tư tưởng cách mạng.
4. Quan điểm về đối nội
Một tiêu chí quan trọng gắn liền với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập là không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Với gần 100 triệu dân, quỹ đất của chúng ta rất nhỏ nên phải ưu tiên bảo vệ môi trường sống. Chúng tôi tuyệt đối chống Boxit Tây Nguyên, các nhà máy điện than, Formosa... Chúng tôi ủng hộ ông Biden vì đã ưu tiên cho phát triển ngành năng lượng xanh.
Rút kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đồng thời cũng ý thức được sự đổ vỡ xã hội khi sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn, chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường sự liên đới và an sinh xã hội, không thể để kinh tế đi lên mà có những người bị bỏ rơi. Đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mọi công dân là nghĩa vụ của người làm chính trị.
Những gì ông Trump làm trong 4 năm qua đều đi ngược lại với quan điểm và các giá trị của chúng tôi. Gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD trong đại dịch Covid-19 và gói kích thích kinh tế hơn 2 ngàn tỉ USD mà ông Biden dự định đưa ra (bất chấp sự chống đối của đảng Cộng hòa) theo chúng tôi là cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Tính thực dụng và đời sống ổn định liên tục trong nhiều năm qua khiến một số người Mỹ không có thói quen tích trữ. Cả một năm kinh tế Mỹ ngừng trệ vì đại dịch chắc chắn đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn. Cũng như một người bị bệnh nặng, phải ưu tiên cấp cứu bằng những liều thuốc mạnh để giúp cơ thể hồi phục và ổn định. Gói cứu trợ đã đáp ứng nhu cầu cấp bách đó.
Những mục tiêu lớn thúc đẩy khoa học kỹ thuật, đầu tư cho giáo dục, phát triển năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là vấn đề giao thông của ông Biden đều là những định hướng mà chúng tôi có nói đến trong Dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015). Nước Mỹ đang cần những biện pháp cấp bách và những quyết sách lớn nhằm giữ vững vị thế siêu cường số 1 của thế giới. Để lấy được những quyết định lớn và táo bạo là rất khó khăn. Người lãnh đạo cần phải có viễn kiến và dũng cảm. Chúng tôi tin và chúc ông Biden thành công.
Đỗ Xuân Cang
Praha (8/4/2021)
------------------------
(*) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa cụm từ "dân chủ đa nguyên" vào ngôn ngữ tiếng Việt để nói về tinh thần hoạt động chính trị, đồng thời đó cũng là một "giải pháp dân chủ" thay thế cho giải pháp cộng sản mà chúng tôi muốn xây dựng cho Việt Nam trong tương lai.
"Lịch sử loài người có thể được nhìn như là cuộc hành trình của con người về tự do, để tự giải phóng khỏi sự ngu dốt, bệnh tật, đói khổ, nhọc nhằn và nhất là khỏi ách thống trị của các chế độ bạo quyền và vì dân chủ đã chứng tỏ là phương thức tổ chức xã hội hợp lý nhất để thực hiện tự do nên lịch sử thế giới cũng là cuộc hành trình của các dân tộc về dân chủ”.
(Chương 2, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Theo phân tích của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) thì đã có ba làn sóng dân chủ diễn ra trong lịch sử nhân loại và chúng ta đang ở trong làn sóng dân chủ thứ tư. Các chế độ dân chủ được hình thành theo các làn sóng dân chủ đó.
Làn sóng dân chủ lần thứ nhất diễn ra với cuộc Cách mạng Hoa kỳ năm 1776 và Cách mạng Pháp năm 1789 nhằm lật đổ các chế độ quân chủ dựa trên thần quyền. Một số quốc gia dân chủ non trẻ đã hình thành như Anh, Mỹ, Pháp, Hà Lan… Mỹ là quốc gia khá đặc biệt, ra đời khi chưa có lịch sử, với nhiều di sản văn hóa khác nhau và dân trí còn thấp tuy nhiên họ rất may mắn khi được các nhà cách mạng đồng thời cũng là các nhà tư tưởng chính trị lãnh đạo và dẫn dắt. Họ được gọi là những người Cha Lập Quốc (Founding Fathers).
Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ được thiết lập bởi những nhà cách mạng đồng thời cũng là các nhà tư tưởng chính trị…
Làn sóng dân chủ thứ hai bắt đầu với thế chiến Hai nhằm đánh đổ chủ nghĩa sô-vanh và chủ nghĩa dân tộc quá khích để khẳng định sự bình đẳng giữa những con người thuộc mọi chủng tộc và quyền tự quyết của các dân tộc. Các chế độ thực dân bắt buộc phải trả lại độc lập cho các nước thuộc địa, nhờ thế mà nhiều nước thuộc địa đã thiết lập được dân chủ.
Làn sóng dân chủ thứ ba nhằm bác bỏ chủ nghĩa cộng sản và các chế độ độc tài sản phẩm của chiến tranh lạnh. Nó bắt đầu từ năm 1974 với cuộc Cách mạng Hoa cẩm chướng lật đổ nhà độc tài Salazar tại Bồ Đào Nha. Làn sóng dân chủ này đã bị khựng lại từ giữa thập niên 1990 sau khi bức tường Berlin sụp đổ và chiến tranh lạnh chấm dứt. Chủ nghĩa thực tiễn lên ngôi ở Mỹ và các nước Phương Tây với việc đặt quyền lợi, nhất là quyền lợi kinh tế lên trên hết. Dân chủ và nhân quyền không còn là quan tâm hàng đầu của các chính quyền. Trung Quốc và các nước độc tài đều là đối tác của các nước phát triển nhất là Mỹ. Hậu quả là Trung Quốc trở nên hùng mạnh và trở thành mối đe dọa cho trật tự và hòa bình thế giới.
Làn sóng dân chủ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 nhằm vào các nước độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Bản chất của các chế độ này đơn thuần là cướp bóc chứ không hề có tư tưởng hay một dự án chính trị nào. Chúng tồn tại dựa trên sự đàn áp vì thế không thể tiếp tục.
Dựa trên các làn sóng dân chủ đó mà chúng tôi đưa ra vài nhận định về sự hình thành các chế độ dân chủ theo những cách khác nhau:
1. Do lực lượng bên ngoài áp đặt
Sau chiến tranh thế giới lần hai các nước thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan…buộc phải trả độc lập cho các nước thuộc địa như Ấn Độ, các nước Châu Á, Nam Mỹ và Châu Phi. Hai chế độ dân chủ tại Nhật và Đức cũng bị áp đặt dân chủ sau khi thua trận. Ấn Độ trở thành nước dân chủ sau khi được người Anh trao trả độc lập và nhờ sự kiên trì lẫn viễn kiến của Mahatma Gadhi. Các nước bị áp đặt dân chủ thường là thành công trong quá trình thiết lập dân chủ vì trước khi trao trả độc lập cho các nước đó, lực lượng chiếm đóng nước ngoài đã loại bỏ các thế lực độc tài và cực đoan. Họ ủng hộ cho các lực lượng dân chủ, là những người có uy tín trong dân chúng và không thù địch với họ.
Đức, Nhật đã trải qua một thảm kịch quốc gia rất kinh khủng do chế độ phát xít và quân phiệt gây ra nên sau đó họ đã nhanh chóng đạt được đồng thuận lớn giữa tầng lớp trí thức và dân chúng là đoạn tuyệt với các chế độ độc tài và lựa chọn dứt khoát thể chế dân chủ. Nhờ thế họ đã trỗi dậy một cách ngoạn mục và mạnh mẽ.
Ấn Độ đã thiết lập được dân chủ sau khi được Anh quốc trao trả độc lập nhờ sự sáng suốt của Mahatma Gandhi.
2. Các chế độ độc tài tự thay đổi
Có hai trường hợp, một là chính quyền thật tâm và thành thực chuyển đổi về dân chủ như trường hợp Đài Loan và Nam Phi. Tưởng Kinh Quốc, con trai Tưởng Giới Thạch (chủ tịch Quốc dân Đảng, đảng độc quyền lãnh đạo Đài Loan) đã chủ động dân chủ hóa đất nước bằng cách cho phép đối lập hoạt động và tranh cử tự do. Đảng Dân Tiến đối lập ra đời năm 1986 và chủ tịch đảng hiện tại là bà Thái Văn Anh. Lý do chính khiến Đài Loan thành thật và quyết tâm dân chủ hóa đất nước vì họ cần có dân chủ để đương đầu với Trung Quốc.
Nam Phi cũng thành công trong việc chuyển hóa về dân chủ khi chính quyền trả tự do và cho phép ông Nelson Mandela (1918-2013) được ra tranh cử và trở thành tổng thống đầu tiên bằng một cuộc bỏ phiếu tự do sau 27 năm bị cầm tù vì chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Trường hợp thứ hai là các chế độ độc tài dân chủ hóa một mình và thất bại như Liên Xô. Đối lập dân chủ vắng mặt và sự chấm dứt của chế độ độc tài đã nhường chỗ cho sự hỗn loạn và sau đó thay thế bằng một chế độ maphia.
3. Do đảo chính nội bộ
Khi các chế độ độc tài không còn lý do để tồn tại thì chúng phải bị đào thải ngay cả khi không có đối lập. Tuy nhiên vì không có lực lượng đối lập nên sự thay đổi đã đến bằng các cuộc đảo chính ngay trong nội bộ chính quyền. Sự chuyển hóa này mở ra một thời kỳ hỗn loạn và sự thiết lập dân chủ đã rất khó khăn sau đó. Rumania, các nước Châu Phi, Nam Mỹ hay Việt Nam Cộng Hòa là những ví dụ. Nạn nhân chính là các cựu quan chức của chế độ cũ vì các chính quyền mới muốn lấy lòng dân chúng. Bỏ tù và trừng phạt thật nặng các “đồng chí” của mình là cách mị dân tốt nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất.
4. Dưới áp lực của các cuộc cách mạng đường phố
Như một trái cây đã chín hay một đồng cỏ đã quá khô…chỉ cần một một cơn gió nhẹ hay mồi lửa nhỏ là trái chín phải rụng và đồng cỏ sẽ bốc cháy. Sự kiện một anh sinh viên bán hàng rong tự vẫn vì bị cảnh sát hành hạ tại Tunisia đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng với tên gọi Mùa Xuân Ả Rập tại các nước như Tunisia, Algeria, Ai Cập, Lybia…Người dân Ả Rập vùng dậy sau một biến cố. Chính quyền đàn áp nhưng không được vì khí thế và số lượng quần chúng tham gia quá lớn. Quân đội không ủng hộ chính quyền, giữ thái độ im lặng hoặc ủng hộ phong trào nổi dậy của quần chúng. Các lãnh đạo độc tài thất thế nên bỏ chạy và một chính quyền mới được lập nên.
Cũng như trường hợp thứ ba, vì không có đối lập dân chủ nên các quốc gia đó chỉ có thể thay thế chế độ độc tài bằng các chế độ dân chủ nửa vời, các quyền con người bị hạn chế đến mức tối đa.
5. Các chế độ độc tài chủ động đối thoại và thỏa hiệp với đối lập dân chủ
Đây là cách thiết lập dân chủ tại các nước Đông Âu sau khi bức tường Berlin sụp đổ như Ba Lan, Séc và mới đây là tại Myanmar. Các cuộc chuyển hóa về dân chủ theo phương thức này rất thành công và diễn ra trong hòa bình. Không có chuyện thanh trừng các quan chức chế độ cũ, không đổ máu và không gây ra những vết thương mới cho dân tộc. Đây cũng là cách thức thiết lập dân chủ mà Tập Hợp mong muốn cho Việt Nam.
Xin nhắc lại, cứu cánh (mục tiêu cuối cùng) của Tập Hợp là dân chủ hóa đất nước chứ không phải chỉ mỗi đánh bại đảng cộng sản. Nhiều người tranh đấu trong đó có những khuôn mặt khá nổi tiếng đều cho rằng chỉ cần đánh đổ cộng sản cái đã, mọi chuyện sau đó tính sau. Chính vì sự hời hợt và thiếu viễn kiến nên các nhân sĩ luôn cho rằng có thể đánh bại chế độ cộng sản mà không cần tổ chức. Họ chống cộng bằng sự phẫn nộ nên không có lộ trình hay một kế hoạch nào. Họ cũng không ủng hộ cho bất cứ một tổ chức nào. Thất bại và bế tắc là đương nhiên.
Câu hỏi đặt ra cho những người thật sự quan tâm đến đất nước là sau chế độ cộng sản sẽ là cái gì? Là sự hỗn loạn hay một đất nước chuyển tiếp thành công về dân chủ trong hòa bình và trật tự?
Đấu tranh thiết lập dân chủ là dự án lớn nhất của dân tộc ta từ xưa đến nay vì thế phải có lộ trình, phương pháp và tổ chức. Nếu chỉ để bày tỏ sự tức giận thì sẽ không đi đến đâu. Người dân cần được biết dự án chính trị của các tổ chức chính trị để biết tương lai và chỗ đứng của mỗi người trong đó. Thiết lập dân chủ không phải là trò chơi hay xổ số, không thể trông chờ vào sự may rủi mà phải tạo ra sự đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị được cụ thể bằng một dự án chính trị đúng đắn và khả thi. Xây dựng dân chủ chưa bao giờ là chuyện dễ dàng và muốn có được ngôi nhà tốt thì móng phải vững. Dự án chính trị chính là nền móng của ngôi nhà dân chủ đó.
Các nước Bắc Âu là mẫu mực thành công về dân chủ.
Các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland) là mẫu mực thành công của dân chủ vì họ quan niệm đúng đắn về chính trị và các hoạt động chính trị. Họ xem hoạt động chính trị là một sự hy sinh và cống hiến cho một lý tưởng quảng đại chứ không phải để tìm kiếm thành công cá nhân. Thủ tướng các nước Bắc Âu đi làm bằng xe đạp và có một cuộc sống cá nhân khá khiêm tốn. Chỉ số hạnh phúc ở Bắc Âu luôn đứng đầu thế giới. Ngoài GDP ra thì còn nhiều chỉ số khác để đánh giá một quốc gia hạnh phúc và phát triển đó là sức khỏe người dân, số người béo phì hay bị tâm thần, tuổi thọ người dân, tỉ lệ tội phạm, tỉ lệ li dị, tỉ lệ tốt nghiệp đại học, số người chết vì nghiện ngập, khả năng vươn lên của tầng lớp dưới…Để làm tốt những việc đó thì chính phủ phải gọn nhẹ, minh bạch, tôn trọng tự do, dân chủ, và đề cao sự liên đới xã hội. Không đâu mà liên đới xã hội cao như Bắc Âu và đó cũng là mô hình lý tưởng mà các nước đều muốn vươn tới kể cả Hoa Kỳ.
Việt Nam đã chín muồi cho sự thay đổi. Chuyển hóa về dân chủ là lựa chọn tất yếu và duy nhất cho Việt Nam. Dù vậy cách thức thiết lập chế độ dân chủ cho Việt Nam trong tương lai như thế nào thì lại rất phụ thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của đối lập dân chủ và các đảng viên đảng cộng sản còn ưu tư với đất nước. Nếu không chuẩn bị và bàn thảo về một giải pháp đúng đắn và khả thi cho đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Nhóm bỏ cuộc (hay bỏ chạy) khỏi Việt Nam của các quan chức cộng sản như đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc vừa bị tố cáo bỏ 2,5 triệu USD mua quốc tịch đảo Síp…luôn là một thiểu số rất ít vì không phải đảng viên cộng sản nào cũng giàu có đến như vậy. Đa số chúng ta đều gắn chặt cuộc đời và số phận với đất nước Việt Nam vì vậy phải có giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể luồn lách bằng các giải pháp cá nhân.
Việt Hoàng
(31/08/2020)
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu cho sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản thì cả thế giới thở phào nhẹ nhõm vì chiến tranh Lạnh đã kết thúc một cách có hậu. Một không khí phấn khởi, lạc quan bao trùm khắp thế giới. Tại Mỹ, Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) thất cử trong nhiệm kỳ hai và phải nhường chỗ cho Bill Clinton. Khẩu hiệu đưa Bill Clinton vào nhà Trắng là "Kinh tế là tất cả".
Từ đó trở đi không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới chỉ quan tâm đến việc "làm kinh tế". Chủ nghĩa thực tiễn (mà ông Nguyễn Gia Kiểng cảnh báo khi Bill Clinton đắc cử) thực sự lên ngôi. Hiểu một cách ngắn gọn thì chủ nghĩa thực tiễn luôn chọn và đặt quyền lợi kinh tế lên trên các giá trị dân chủ và đạo đức.
Chính nhờ vào chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và Châu Âu cộng thêm với phong trào ‘toàn cầu hóa’ từ trước đó mà bức tranh kinh tế thế giới thay đổi hẳn. Các quốc gia trở nên giàu có hơn và đặc biệt là sự trỗi dậy ngoạn mục của một quốc gia cộng sản : Trung Quốc. Cùng với Trung Quốc là sự hình thành và trỗi dậy của các thế lực mới, đó là các tập đoàn kinh tế mà tài sản của chúng còn lớn hơn nhiều quốc gia. Ý thức hệ từng chi phối thế giới trong thế kỷ 20 như chủ nghĩa cộng sản cũng bị dẹp sang một bên để làm kinh tế. Các nước toàn trị như Việt Nam, Trung Quốc (trừ mỗi Bắc Triều Tiên) sử dụng học thuyết Mác-Lê chỉ để duy trì tính chính danh cho chế độ chứ bản thân họ đều hăm hở lao vào kiếm tiềm và làm tiền. Các quan chức của Trung Quốc, Việt Nam giàu lên nhanh chóng nhờ vào sự "ưu đãi" của hệ thống chính trị lạc hậu mà chính họ đã tạo ra.
Không ai còn nhận ra Trung Quốc của 30 năm về trước.
Sự thực là trong hơn 30 năm qua kinh tế thế giới đã rất phát triển. Trung Quốc là một bức tranh kiểu mẫu và khá "hoàn hảo" để biện minh cho sự thành công của chủ nghĩa thực tiễn. Không ai còn nhận ra Trung Quốc của 30 năm về trước. Không chỉ ở Trung Quốc mà ngay tại Việt Nam thì các công trình xây dựng hoành tráng, các cao ốc hay đường xá rộng thênh thang xuất hiện khắp nơi. Các rì sọt (resort) 5-6 sao, thậm chí 7 sao mọc lên như nấm và danh sách các tỉ phú, triệu phú đô la Việt Nam ngày càng dài thêm. Các hãng hàng hiệu xa xỉ mà trước đây chỉ dành cho một bộ phận rất nhỏ giới giàu có tại Mỹ và Châu Âu nay đã có mặt khắp các thành phố lớn nhỏ tại các nước nghèo như Việt Nam.
Mọi chuyện vẫn "tốt đẹp" cho đến khi chủ nghĩa dân túy bùng nổ trên khắp thế giới mà đỉnh điểm của nó là đã đưa một người chưa từng hoạt động chính trị, không biết gì về chính trị như Donnald Trump lên làm tổng thống một cường quốc dân chủ. Đến giờ này thì có lẽ mọi người đều nhận ra lý do khiến người dân Mỹ bầu cho một người như Trump đó chính là sự giận dữ trước bất công xã hội ngày càng lớn tại Mỹ trong khi các chính trị gia truyền thống thì tránh né sự thực đó. Như đã trình bày trong bài "Nền dân chủ đang lạc lối ?", chưa bao giờ hố ngăn cách giàu nghèo tại Mỹ và thế giới lại lớn như bây giờ. 1% nhóm người giàu nhất nước nước Mỹ sở hữu hơn 30% của cải của toàn xã hội trong khi 50% nhóm người nghèo nhất chỉ chia nhau 10% số tài sản đó. Các nước dân chủ đã thế thì tại các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Việt Nam… thì tình trạng này chắc chắn là rất khủng khiếp. Hầu hết tài sản quốc gia nằm trong tay một thiểu số nhỏ quan chức chính quyền và các nhà tài phiệt có quan hệ mật thiết với họ. Người dân Việt Nam chỉ được biết một phần rất nhỏ trong khối băng ngầm khổng lồ này khi có một quan chức nào đó ngã ngựa và bị/được hé lộ ra khối tài sản khủng khiếp mà họ đang sở hữu. Vũ "nhôm" là một ví dụ.
Lý do dẫn đến việc chủ nghĩa dân túy, một phiên bản gượng gạo của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi trỗi dậy là do các chính đảng truyền thống trên thế giới đã không lắng nghe và không dám xét lại tư tưởng chính trị vốn đã bộc lộ nhiều sai lầm và đang tụt hậu so với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, thậm chí còn bi đát hơn vì người dân và trí thức Việt Nam chưa dành cho chính trị một quan tâm cần thiết và đầy đủ. Lý do đầu tiên đó chính là vì chúng ta bị "văn hóa truyền thống" của Nho giáo chi phối rất nặng. Quan niệm sống của Khổng Tử là "thấy nước có loạn thì nên tránh" ăn sâu vào tiềm thức giới trí thức Trung Quốc và Việt Nam khiến họ luôn tránh né và không quan tâm đến chính trị. Chủ nghĩa cộng sản, một phiên bản của Nho giáo, có chút cải tiến về mặt ngôn từ còn bản chất thì giữ nguyên, nó không chỉ cấm đoán người dân tham gia vào việc nước, vào chính trị qua khẩu hiệu "mọi việc đã có đảng và nhà nước lo" mà còn trừng phạt nặng nề những người có quan điểm đối lập, bất đồng chính kiến. Những lời buộc tội và các bản án hết sức hồ đồ và ấu trĩ như "làm ra và tàng trữ các tài liệu nhằm chống phá chế độ"… Các vụ bắt giữ và kết án nặng nề những người bất đồng chính kiến gần đây như nhà báo tự do Phạm Chí Dũng là một ví dụ.
Lý do thứ hai và cũng là hệ quả của nguyên nhân thứ nhất đó là Việt Nam chưa có được một "tầng lớp trí thức chính trị" đúng nghĩa, là những người có kiến thức về chính trị, hiểu rõ những vấn đề đang đặt ra cho đất nước và sẵn sàng kết hợp cùng với những người khác để nhận lãnh trách nhiệm trước dân tộc. Việc tham gia và ủng hộ các tổ chức chính trị dân chủ là tiêu chí rõ ràng nhất để nhận diện tầng lớp trí thức chính trị này. Đấu tranh chính trị luôn là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Không có các tổ chức chính trị thì không thể có các chính trị gia đúng nghĩa vì tổ chức là nơi sản xuất ra các ý kiến và đào tạo ra nhân sự chính trị. Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi quan sát sinh hoạt chính trị trong các quốc gia theo mô hình đại nghị, là thể chế chính trị dựa trên các chính đảng. Dưới chế độ đại nghị sự ổn vững của quốc gia luôn cao hơn hẳn so với các nước theo mô hình tổng thống chế.
Những người hời hợt và thiếu kiến thức về chính trị luôn cho rằng không thể thành lập các tổ chức đối lập tại Việt Nam vì sẽ bị đảng cộng sản tiêu diệt ngay lập tức. Điều đó chỉ đúng một phần, phần lớn là mọi người không biết phải làm và cần làm những gì ngoài việc hô khẩu hiệu và ra các tuyên cáo này nọ rất kêu nhưng không có thực chất. Những tổ chức như vậy chỉ làm được mỗi một việc là khiêu khích chính quyền. Dễ thấy nhất là tại hải ngoại, nơi không bị chính quyền cộng sản đàn áp thì người Việt vẫn chưa có được các tổ chức chính trị thực sự có tầm vóc. Vậy thì nguyên nhân đến từ lý do khác và lý do đó là "văn hóa Khổng giáo", một thứ văn hóa nô lệ, ngăn cấm con người kết hợp lại với nhau và mặc định tầng lớp trí thức khoa bảng chỉ có bổn phận phục vụ giai cấp thống trị thay vì phụng sự quốc gia và dân tộc.
Lý do thứ ba khiến Việt Nam không thể thành lập các tổ chức chính trị đúng nghĩa vì việc đó… quá khó. Khó đến mức mà suốt trong dòng lịch sử của dân tộc, người Việt Nam chưa từng xây dựng được một tổ chức như vậy. Ngày xưa bị ngăn cấm đã đành, ngày nay mức độ tự do dù khá hơn và với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin thì nỗi sợ và sự lười biếng học hỏi về kiến thức chính trị vẫn còn chiếm ngự trong tâm hồn trí thức Việt Nam khiến họ không muốn học hỏi về chính trị nữa. Thiếu kiến thức nên khi đụng việc họ thấy quá sức mình và bỏ cuộc. Thực sự việc kết hợp và tham gia vào các tổ chức chính trị là quá khó nếu không thay đổi tư duy và văn hóa về hoạt động chính trị.
Lý do thứ tư đó là người Việt hiểu rất sai về chính trị và rất khác nhau. Do ảnh hưởng của Nho giáo mà đa số người Việt đều cho rằng làm chính trị chỉ là tranh giành quyền lực bằng mọi thủ đoạn xấu xa, nhơ bẩn… vì vậy ai lên cầm quyền cũng vậy, và đã là "người tốt" thì nên tránh xa chính trị. Đây là một sự "lừa dối vĩ đại" mà các chế độ phong kiến ngày xưa và chế độ cộng sản bây giờ đã rất thành công trong việc "tẩy não" người dân Việt Nam. Khi người tốt quay lưng với chính trị thì các thế lực hắc ám sẽ tha hồ làm mưa làm gió, múa gậy vườn hoang. Đây là một chủ đề khá lớn và quan trọng, xin hẹn với độc giả trong một dịp khác.
Lý do cuối cùng thì như đã nói ở phần đầu, một số trí thức có khả năng và hiểu biết đã nhanh nhạy hùa theo trào lưu toàn cầu hóa để làm giàu. Họ chọn ‘giải pháp cá nhân’. Điều đó không có gì sai cho cá nhân họ, nhưng sự cống hiến của họ trong lĩnh vực chính trị là con số không. Có thể ban đầu họ cũng chỉ muốn làm giàu đến một mức nào đó rồi sẽ nghỉ và sẽ dấn thân cho dân chủ… Tuy nhiên do tham gia vào quá sâu và ràng buộc quá chặt vào chính quyền nên họ không thể thoát ra được nữa. Nhiều người lầm tưởng là có tiền bạc sẽ có sức mạnh và có thể tác động lên chính quyền và sau đó làm thay đổi nhận thức xã hội của dân chúng. Điều này hoàn toàn sai. Càng giàu có họ càng phụ thuộc vào chính quyền và không những không tác động gì đến được chính quyền mà họ còn trở thành con tin của chính quyền. Bất cứ sự phản kháng nào, dù nhỏ và chính đáng đến đâu đều bị trả giá ngay lập tức. Không có sức mạnh kinh tế nào đương đầu được với súng đạn. Những gì xảy ra với doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (Bình Dương) là một ví dụ.
Sở dĩ thế giới nói chung và Việt Nam đang phải vật vã đối phó cuộc khủng hoảng lần này là vì đa số người dân đã không dành cho chính trị một sự quan tâm cần thiết. Ăn nhậu, du lịch, chơi bời… là ưu tiên chính, đặc biệt là người dân Việt Nam. Họ tranh thủ hưởng thụ những thành quả gặt hái được nhờ nền kinh tế thị trường mang lại, sau những năm tháng dài sống trong đói khổ. Chuyện chính trị phó mặc cho chính quyền. Khi quyền lực chính trị không bị giám sát và chế tài thì nó sẽ như con thú dữ xổng chuồng và quay lại cắn xé tất cả chúng ta. Đến một lúc nào đó mọi người sẽ nhận ra là mình đang sống trong những lâu đài bằng cát. Chỉ một con sóng nhỏ cũng đủ để quét sạch đi tất cả những gì chúng ta đang có.
Đã đến lúc người Việt Nam cần dành một quan tâm nghiêm túc cho chính trị, không thể để mọi chuyện "đảng và nhà nước lo" vì điều đó có nghĩa là "đảng và nhà nước muốn làm gì thì làm". Phải có các tổ chức chính trị và sự cạnh tranh trong chính trị thì người dân mới có thể lựa chọn và xã hội mới có thể phát triển và văn minh. Thời gian không còn nhiều và một tổ chức chính trị muốn chứng tỏ sự đứng đắn phải mất rất nhiều thời gian, ít cũng vài thập kỷ. Nên tìm hiểu các tổ chức chính trị đang có bằng cách đọc các dự án chính trị (tức là cương lĩnh chính trị) của các tổ chức để biết họ đề nghị những gì và đưa ra những giải pháp gì… Tiếp theo là cần quan sát đội ngũ nhân sự của các tổ chức đó để xem họ có phải là một tổ chức đúng nghĩa hay không vì một tổ chức chính trị thực sự phải có hai yếu tố căn bản là "tư tưởng chính trị" và một "đội ngũ chính trị".
Đảng cộng sản Việt Nam không thể nào trụ được sau làn sóng dân chủ lần này. Vậy sau đảng cộng sản sẽ là cái gì ? Đâu là giải pháp cho Việt Nam ? Câu trả lời đã có : Các tổ chức chính trị chính là giải pháp cho đất nước. Các tổ chức xã hội dân sự, các câu lạc bộ hay giảng đường đại học sẽ không bao giờ là giải pháp cho đất nước và không thể nào thay thế cho vai trò và chức năng của các tổ chức chính trị dân chủ đúng nghĩa.
Việt Hoàng
(1/12/2019)
Trước tiên, chúng ta cần thống nhất và khẳng định với nhau rằng đấu tranh chính trị là đấu tranh có tổ chức và chỉ có tổ chức mới có thể đấu tranh chính trị. Trong đấu tranh, một tổ chức chính trị có thể thắng có thể thua, nhưng nếu không có tổ chức thì chắc chắn thất bại. Muốn đấu tranh để thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam từ độc tài cộng sản sang dân chủ đa nguyên, người đấu tranh nhất quyết phải lựa chọn đứng vào một tổ chức chính trị dân chủ có sẵn hoặc tự thành lập tổ chức chính trị.
Công cuộc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên ở Việt Nam rơi vào bế tắc vì đa số người đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước không lựa chọn con đường đấu tranh chính trị có tổ chức mà lựa chọn phương pháp đấu tranh cá nhân.
Trong những năm qua đã có không ít tổ chức chính trị ra đời để đấu tranh với đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng, phần lớn, sau một thời gian ngắn, đã bị đánh phá hoặc tự tan rã. Công cuộc đấu tranh cho dân chủ đa nguyên ở Việt Nam rơi vào bế tắc vì đa số người đấu tranh dân chủ cả trong và ngoài nước không lựa chọn con đường đấu tranh chính trị có tổ chức mà lựa chọn phương pháp đấu tranh cá nhân.
Tại sao ?
Theo tôi, có ba nguyên nhân chính :
1. Không đủ kiến thức chính trị để hiểu đấu tranh chính trị phải cần có tổ chức.
2. Lúng túng không lựa chọn được cho bản thân một tổ chức chính trị tử tế.
3. Chịu ảnh hưởng dân tộc tính một cách vô thức nên còn nhiều thói tính xấu như : bảo thủ, độc tài, cá nhân ích kỷ, thiếu trách nhiệm, lười, vô kỷ luật… nên đặt cái tôi cao hơn đất nước. Do đó không thể làm việc trong một tổ chức mà chỉ có thể hành động riêng lẻ theo cung cách được chăng hay chớ, văn nghệ và thụ động trông chờ.
Giải pháp cho nguyên nhân thứ nhất : Các tổ chức chính trị, các trí thức, học giả cần viết nhiều bài viết về kiến thức chính trị, làm rõ các khái niệm với ngôn ngữ đơn giản, phổ cập để nhiều người đọc hiểu và học.
Giải pháp cho nguyên nhân thứ hai : Các tổ chức chính trị cần mạnh dạn hơn và hiệu quả hơn trong việc giới thiệu tổ chức mình cho quần chúng biết. Tiếp cận khéo léo với các thành phần trong xã hội thông qua các bài viết giới thiệu tư tưởng, dự án chính trị, phương hướng hoạt động ; đồng thời có những hoạt động thiết thực để quần chúng nhìn thấy, từ đó quần chúng có cơ sở để đặt niềm tin và lựa chọn.
Giải pháp cho nguyên nhân thứ ba : Các tổ chức chính trị, trí thức, học giả phải dẫn đạo tư duy, hướng dẫn quần chúng thông qua các bài viết và việc làm để xóa bỏ lối tư duy cũ, thay đổi thói xấu, tiếp cận học hỏi cách suy nghĩ và làm việc mới. Để làm được điều này, cần tinh thần bao dung, yêu thương, chia sẻ thay vì chỉ trích, xúc phạm và xa lánh quần chúng cũng như những người đấu tranh cá nhân.
Qua nguyên nhân và giải pháp, ta có thể thấy trong đó cách thức hòng nhận diện, đánh giá và lựa chọn cho mình một tổ chức tử tế để tham gia.
Cụ thể, một tổ chức chính trị tử tế có :
1. Có tư tưởng, dự án chính trị rõ ràng đặt trên nền tảng đạo đức
Bất kỳ ai cũng có thể kết hợp với những người khác để thành lập một tổ chức chính trị, nhưng không phải ai và tổ chức nào cũng có thể đưa ra tư tưởng, dự án chính trị, càng hiếm tổ chức đặt đạo đức chính trị lên hàng đầu để làm nền tảng. Có rất nhiều tổ chức lập ra không hề có dự án chính trị, không có cả kế hoạch cụ thể cho mỗi hoạt động. Chỉ tập trung vào các hoạt động tạo sự kiện truyền thông để lấy hình ảnh và tiếng vang. Không quan tâm đến đạo đức khi cứ hô hào mọi người tham gia nhưng không hề hướng dẫn kiến thức chính trị cho thành viên. Không chú trọng hướng dẫn thành viên cách thức để giữ an toàn trong bối cảnh đảng cộng sản luôn mạnh tay đàn áp. Đó là những tổ chức gây hại, không phải tổ chức tử tế.
Người Việt do thiếu kiến thức chính trị nên thường hiểu sai về khái niệm chính trị, từ đó cho rằng làm chính trị là phải gian xảo, lươn lẹo, quyến dụ, nói một đàng làm một ngã. Không phải vậy. Chính trị, đơn giản là tham gia vào việc chung của đất nước. Và để tham gia vào việc chung của đất nước thì phải có kiến thức chính trị, có trăn trở suy tư để làm cho việc chung tốt hơn. Người làm chính trị phải là người có đạo đức, sẵn sàng đặt lợi ích bản thân dưới lợi ích của đất nước, dân tộc.
Một tổ chức chính trị tử tế là một tập hợp gồm những con người có kiến thức chính trị, có ý thức tổ chức, có trách nhiệm, có đạo đức chính trị. Họ cùng nhau xây dựng và thực hiện một dự án chính trị đặt trên nền tảng đạo đức để thay đổi và xây dựng đất nước đem lại những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc.
2. Có những lời nói và hành động nhất quán với nhau
Một tổ chức chính trị tử tế không thể nói một đàng làm một ngã. Ta biết, nói lúc nào cũng hay nhưng thực hiện thì khó khăn hơn nhiều. Có không ít tổ chức đưa ra những tuyên bố, kêu gọi lật đổ đảng cộng sản với những lời lẽ đao to búa lớn nhưng trên thực tế họ chỉ có vài người ở tận Mỹ, live stream ăn nói ngông cuồng và không chịu bất cứ trách nhiệm nào đối với chính lời họ tuyên ngôn cũng như với người trong nước. Họ hứa hẹn đủ điều để khuyến dụ quần chúng nhưng họ không có một hành động cụ thể nào để chứng minh họ có thể thực hiện những lời hứa hẹn. Hãy tránh xa chúng ra.
Hãy quan sát các tổ chức và thành viên của tổ chức để xem họ có nhất quán giữa lời nói và hành động không. Nếu họ nói "Chúng tôi tôn trọng dân chủ đa nguyên" nhưng ta thấy họ đánh phá các tổ chức chính trị tử tế khác thì hãy tránh xa họ ra. Nếu họ nói "Chúng tôi đấu tranh vì nước Việt" nhưng họ chửi dân ngu thì cái tuyên ngôn "đấu tranh vì nước Việt" là một lời dối trá. Nếu họ bảo, "Chúng tôi đấu tranh bất bạo động" nhưng hễ ai có quan điểm trái ý họ liền hăm dọa đòi giết, rủa xả..thì đó là tổ chức giả danh…
Một tổ chức chính trị có sự nhất quán giữa lời nói và hành động, giữa trước và sau là một tổ chức ta có thể hoàn toàn tin tưởng. Trước mắt, trong tình hình khó khăn, có thể tổ chức ấy còn yếu, còn va vấp, còn thiếu lực lượng ; hoặc cho dù có bị đánh phá, mất mát thành viên thì tổ chức ấy vẫn sẽ xây dựng lại được bởi họ có những thành viên trung thành, nhất quán với tư tưởng, triết lý và dự án chính trị của họ. Họ nhất định thành công. Hãy lựa chọn hoặc ít ra là ủng hộ họ.
3. Có sự đoàn kết gắn bó và tình yêu thương
Một tổ chức chính trị tử tế nhất định phải có tính đoàn kết gắn bó và yêu thương giữa các thành viên, giữa tổ chức với quần chúng.
Thiếu vắng tính đoàn kết gắn bó, tổ chức chỉ là cái vỏ của những con người chưa trưởng thành, còn đặt lợi ích cá nhân lên trên tổ chức và vì vậy họ không thể đạt được những mục tiêu lớn trong đấu tranh chính trị ; song song đó họ cũng không thể đặt lợi ích đất nước, dân tộc lên trên cá nhân hoặc tổ chức của họ. Họ chỉ lợi dụng danh nghĩa tổ chức để đạt mục đích cá nhân mà thôi.
Thiếu vắng tình yêu thương, tính nhân bản trong triết lý của tổ chức, trong mỗi thành viên thì tổ chức đó chỉ là tập hợp những kẻ cơ hội, thủ đoạn nhằm mục đích đem lại lợi ích cá nhân, nếu thành công họ sẽ là những kẻ gây hại lớn cho đất nước và dân tộc (như đảng cộng sản.)
Không khó để nhận diện một tổ chức dân chủ tử tế, chỉ cần quan sát kỹ bằng kiến thức chính trị là có thể đánh giá. Hãy cẩn trọng trong việc quan sát, đừng để tâm trạng nóng vội thúc đẩy đánh giá một tổ chức là yếu dở khi ta thấy họ chưa đạt được thành tựu nhất định. Hãy tìm hiểu triết lý, tư tưởng của tổ chức ; quan sát các yếu tố định hình tổ chức ; tham gia tranh luận, thảo luận để đánh giá các yếu tố. Khi đã nhận diện được đâu là tổ chức dân chủ tử tế và đâu là tổ chức không tử tế thì việc cần làm là bài trừ các tổ chức không tử tế và ủng hộ các tổ chức tử tế.
Một tổ chức chính trị tử tế không thể tự thân lớn mạnh nếu thiếu đi sự ủng hộ của trí thức, học giả, quần chúng. Khi quyết định tham gia vào một tổ chức chính trị, hãy tham gia với tinh thần đóng góp sức mình để tổ chức lớn mạnh hơn, không phải với tinh thần đòi hỏi tổ chức phải mạnh sẵn để đem lại điều gì đó cho mình và khi chưa nhận thấy thành quả thì quay ra chỉ trích.
Dù là thành viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức có dự án chính trị rõ ràng trên nền tảng tư tưởng đấu tranh bất bạo động, hòa giải hòa hợp dân tộc, nhưng tôi không đưa ra lời kêu gọi các anh chị hãy tham gia cùng tôi. Bài viết này là bài tham khảo, nhằm giúp các anh chị nhận diện như thế nào là một tổ chức dân chủ tử tế để lựa chọn tham gia hoặc ủng hộ. Dù anh chị lựa chọn tham gia, ủng hộ tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay một tổ chức chính trị tử tế nào khác thì đó cũng là điều đáng mừng, bởi anh chị đã thống nhất với chúng tôi một điểm quan trọng trên con đường đấu tranh dân chủ cho đất nước : Đấu tranh chính trị phải có tổ chức.
Công cuộc đấu tranh dân chủ đa nguyên cho đất nước có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào những lựa chọn của các anh chị ở thời điểm hiện tại. Chúng ta không còn nhiều thời gian để đấu tranh theo lối văn nghệ mãi được. Đã đến thời điểm mỗi người buộc phải trăn trở, suy tư và đưa ra quyết định lựa chọn tham gia vào các tổ chức chính trị tử tế vì chỉ có cách đó chúng ta mới thành công.
Việt Văn
(4/10/2019)
Trong triết học về chính trị, đa nguyên là sự công nhận và trân trọng tính đa diện trong một tập thể chính trị. Nhận thức này giúp mỗi công dân sống chung hoà bình với những ai có chính kiến và nếp sống khác với mình.
Dù có đầu óc cải cách hay bảo thủ, người có tinh thần đa nguyên thường có xu hướng dung hoà về chính trị. Họ tin rằng đối thoại với thiện chí là cách tốt nhất để đi đến đồng thuận.
Họ tin rằng nhận thức về lợi ích chung của tập thể là động lực khiến cho các xu hướng chính trị có thể thương thảo với nhau nhằm tìm ra một chiến lược chung để đạt lợi ích đó. Lợi ích này thay đổi tuỳ theo tiến hóa của xã hội.
Về mặt lý thuyết, ta thấy đó là một học thuyết có tính ưu việt, đặt trên nền tảng dân chủ, là điều kiện cần và đủ để xây dựng một thể chế, một thế giới, hòa bình và nhân bản. Các nước phương Tây đã áp dụng học thuyết này và đạt được những thành tựu tốt đẹp nhất định.
Việt Nam hiện nay đang là chế độ cộng sản với một đảng duy nhất nắm quyền. Thậm chí đảng cộng sản còn đưa vào hiến pháp để khẳng định vai trò nắm quyền tuyệt đối của đảng, triệt tiêu toàn bộ các đảng phái chính trị khác, không cho hoạt động. Về mặt chính trị Việt Nam hoàn toàn không có tính đa nguyên, dân chủ.
Về mặt lịch sử, đất nước Việt Nam từ xưa đến nay trải qua các giai đoạn phong kiến tập quyền, thuộc địa, cộng sản, chỉ có một giai đoạn ngắn miền Nam Việt Nam được tiệm cận với dân chủ, đa nguyên, rồi sụp đổ.
Về mặt văn hóa xã hội, người Việt ảnh hưởng nhiều từ Nho giáo, sau đó là nền giáo dục cộng sản, luôn bị kìm cặp trong tâm thức nô lệ, triệt tiêu phản biện và tư duy logic ngay từ trong gia đình cho đến nhà trường, xã hội.
Một bộ phận không nhỏ người Việt hiện đã và đang đấu tranh để thay đổi thể chế, thay đổi thực trạng xã hội với mục đích xây dựng một đất nước Việt Nam theo chủ thuyết dân chủ, đa nguyên. Cuộc đấu tranh diễn ra đã nhiều năm, lúc thăng lúc trầm nhưng chưa lúc nào có được sự đoàn kết cao giữa các tổ chức, hội nhóm, cá nhân. Chúng ta đã luôn vướng vào “một điều gì đó” làm cho bị cản trở, phân rã, rời rạc và kém hiệu quả. “Một điều gì đó” là cái gì?
Tôi khẳng định, đó là bởi người Việt nói chung không hiểu hoặc hiểu nhưng khó thể thực hành một cách đúng đắn, đầy đủ tinh thần đa nguyên trong chính trị cũng như mọi mặt đời sống.
Ta thấy chủ thuyết dân chủ đa nguyên ưu việt, ta mong muốn áp dụng, ta học, ta làm…nhưng ta vẫn là người Việt với một nền văn minh lúa nước, bị kìm cặp bởi Nho giáo nên không hề có tính phóng khoáng, cởi mở. Ta là sản phẩm của một nền văn hóa bảo thủ, trì trệ, co cụm và cảm tính. Cho dù tiếp nhận tinh thần dân chủ, đa nguyên nhưng tiềm thức ta vẫn là con người cũ: con người của văn hóa Nho giáo + cộng sản.
Trải qua rất nhiều thế hệ, trong gia đình, những đứa trẻ luôn bị áp chế bằng nhiều hình thức. Nhà trường, xã hội cũng luôn áp đặt và gò con người vào cái khuôn nô lệ để dễ bề dẫn dắt. Ta muốn đất nước đổi mới, thoát khỏi chế độ cộng sản, chuyển sang dân chủ đa nguyên thì ta phải tự giải thoát cho tâm thức của chính mình trước tiên. Chỉ khi giải thoát được cho chính mình, vứt bỏ tư duy cũ thì mới có thể tiếp nhận tư duy mới một cách đầy đủ và thấu suốt.
Ta luôn bắt gặp tình trạng những tổ chức, hội nhóm kèn cựa nhau, rất hiếm gặp việc các tổ chức, hội nhóm bắt tay hợp tác làm việc cùng nhau. Ta luôn bắt găp tình trạng chỉ trích ở trong các tổ chức, hội nhóm; giữa hội nhóm với các cá nhân bên ngoài, giữa các nhóm với nhau và cá nhân này với cá nhân khác. Tinh thần xây dựng là điều khó nhận thấy trong các hoạt động, tranh luận, trao đổi, thảo luận. Qua điều này, ta có thể nhận thấy rất rõ tinh thần dân chủ đa nguyên mới chỉ là cái vỏ mà chúng ta khoác lên người, nó chưa phải là con người ta, hơi thở ta, nhân sinh quan của ta.
Chúng ta không có lỗi vì chúng ta là những sản phẩm tồi dở của gia đình, xã hội. Nhưng chúng ta cần phải học để biết cách thay đổi bản thân. Nếu không học để thay đổi, chúng ta sẽ có tội với bản thân và con cháu-thế hệ tương lai.
Học và thực hành hằng ngày trong đời sống thông qua đối thoại trực tiếp lẫn gián tiếp. Thực hành trong gia đình, ngoài xã hội và nhất là trên mạng xã hội. Điều đầu tiên cần làm là phải loại bỏ thói chỉ trích và phán xét ẩu. Khi còn hai thói xấu này trong tư duy thì sẽ không thể nào thực hành được tinh thần dân chủ, đa nguyên, dù có muốn và dù có đặt nó làm nền tảng triết lý cho mình.
Điều đầu tiên cần làm là phải loại bỏ thói chỉ trích và phán xét ẩu.
Đa nguyên, suy cho cùng, không phải do loài người nghĩ ra. Tạo hóa đã ban cho trái đất sự đa nguyên, đa dạng, đa diện từ đầu. Bản chất các loài sinh sống, tồn tại trên trái đất là sự tương hỗ tác động qua lại lẫn nhau để cùng sinh tồn một cách hòa bình, yêu thương. Con người đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn tiến hóa và đồng thời bị tác động bởi các học thuyết, thế chế chính trị xã hội, văn hóa, lối sống…làm hủy hoại sự đa nguyên trong bản chất cho đến khi sực tỉnh, nhận thức được vấn đề và tìm lại được chính mình. Do đó, học và thực hành đa nguyên, dân chủ là hành trình tìm lại chính bản chất của mình, một bản chất tự nhiên và nguyên sơ nhất như nó vốn là.
Khi hiểu rõ điều này, ta sẽ tự thấy mình nhỏ bé, khiêm cung và chẳng có lý do gì để chỉ trích, phán xét, hành xử độc tài, bảo thủ. Triết lý đa nguyên sẽ đến, hay trở về, với ta, một cách tự nhiên như hơi thở. Khi nó đã trở thành hơi thở, thành một cái của riêng mình, trong mình, thì lúc đó ta mới đủ sức để giúp cho những người xung quanh nhận thức được đa nguyên là gì và thuyết phục họ thay đổi ra sao để thay đổi xã hội.
Các tổ chức khó và hầu như không thể thu hút được người tham gia, chưa thuyết phục được quần chúng tin tưởng vào con đường đấu tranh đem lại dân chủ đa nguyên cho đất nước là bởi các tổ chức, cá nhân chưa thể thuyết phục được chính bản thân mình. Hầu hết các tổ chức và cá nhân mới chỉ tiếp nhận tinh thần dân chủ, đa nguyên bởi thấy nó là điều hay ho và có lợi cho đất nước nên muốn áp dụng. Họ chưa thực sự thấm nhuần tinh thần đa nguyên, dân chủ nên họ luôn chỉ trích lẫn nhau, gây mất tình cảm và từ đó bài bác lẫn nhau, không thể kết hợp, thậm chí không thể phối hợp dù tất cả đều mong muốn dân chủ, đa nguyên cho đất nước.
Một người hiểu rõ bản chất của tự nhiên là đa nguyên: mỗi loài đều có những đặc tính riêng nhưng mỗi loài đều có vai trò riêng, như các mắt xích trong chuỗi tuần hoàn, nếu mất đi một mắt xích là mất cân bằng tự nhiên, là mất đi tính đa nguyên, đa dạng; thì người ấy sẽ phải hiểu rõ rằng đấu tranh bề nổi là một trong các hoạt động đơn giản nhất để người dân nhìn thấy, từ nhìn thấy mới dần tìm hiểu, từ tìm hiểu điều đơn giản sẽ tìm hiểu đến đấu tranh chính trị có chiều sâu. Vậy, những tổ chức đấu tranh có chiều sâu là những người hưởng lợi từ những hoạt động phong trào bề nổi. Những tổ chức hội nhóm đấu tranh phong trào bề nổi sẽ được hưởng lợi từ những tổ chức đấu tranh có chiều sâu vì được hỗ trợ về kiến thức chính trị, nền tảng triết lý, phương pháp đấu tranh…đó là đa nguyên, dân chủ, là kết hợp, phối hợp để đem lại hiệu quả nhất cho công việc: dân chủ, đa nguyên cho đất nước.
Chúng ta đã luôn chứng kiến những người đấu tranh chính trị có chiều sâu chỉ trích nhiếc móc những người đấu tranh phong trào bề nổi là hời hợt và chẳng được tích sự gì; những người đấu tranh phong trào bề nổi chửi mắng những người đấu tranh chính trị có chiều sâu là thành phần chính trị salon. Chúng ta đã tự triệt tiêu tính đa nguyên và do đó chính chúng ta đã tự làm mất đi sự tương hỗ qua lại vốn dĩ của nó.
Trong tranh luận, thảo luận, thay vì ghi nhận quan điểm của một người và tranh luận những vấn đề cần làm rõ trên tinh thần trao đổi học hỏi nhau thì ta lại thường chỉ trích và phán xét ngay lập tức, để từ đó đánh giá phẩm giá luôn một con người và xua họ ra xa khỏi mình. Ta không tôn trọng tính đa nguyên, không thấu suốt tinh thần đa nguyên trong chính hành động, lời nói của mình. Vì vậy, ta chẳng thuyết phục được ai.
Chúng ta đã lúng túng quá lâu và vướng mắc quá nhiều thứ nhỏ nhặt chỉ bởi chúng ta chưa thật sự thấu suốt triết lý đa nguyên. Chúng ta chấp nhận mất mát, chấp nhận hi sinh, chấp nhận gian khó; chúng ta không hề hèn nhát, không hề ngu dốt, không hề sợ hãi. Chúng ta chỉ bị vướng mắc trong và bởi lịch sử văn hóa và giáo dục, nên chúng ta chưa tiếp thu và thực hành tinh thần dân chủ đa nguyên một cách đúng, đủ và nhất quán. Nhận ra vấn đề là bước đầu tiên để thay đổi. Bạn nhận ra chưa? Nếu chưa, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận.
Nguồn: FB Nga Thi Bich Nguyen