Vì sao việc lãnh đạo Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc chỉ là chuyện nhỏ ?
Tình trạng cán bộ nhà nước, kể cả các lãnh đạo Việt Nam, làm gián điệp cho Trung Quốc không phải là hiếm. Ngày 16/4/2018, tại Hà Nội, bị cáo Nguyễn Hoàng Dương – một cán bộ công an, bị đưa ra xét xử về hành vi "làm gián điệp cho Trung Quốc", là một ví dụ.
Ông Thái Hồng Công, cựu giám đốc Công An Tỉnh Lạng Sơn. (Hình : Lạng Sơn)
Mới nhất, vào ngày 8/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra thông báo, cựu Giám đốc Công an Lạng Sơn Thái Hồng Công, 58 tuổi, bị đề nghị kỷ luật. Lý do đưa ra rất chung chung "suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống", và "gây hậu quả rất nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị công tác, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật".
Đáng chú ý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật nguyên Giám đốc Công an Lạng Sơn Thái Hồng Công, nhưng lại lúng túng không công bố tội danh gì : Làm gián điệp cho Trung Quốc, hay tham gia bảo kê cho buôn lậu ? Đây là một vấn đề rất "nhạy cảm", vì liên quan đến an ninh quốc gia.
Thông tin kể trên hoàn toàn trùng khớp với tin mà thoibao.de đã đưa cách đây hơn 3 tháng, về vụ Ban Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn bị bắt. Theo đó, một loạt lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn, từ Giám đốc đến các phó giám đốc, và các trưởng phòng, cùng bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Vào tháng 5/2024, mạng xã hội rộ lên tin đồn kể trên, tiếp đó, Bộ Công an ra thông báo bổ sung nhân sự, điều động ông Vũ Như Hà – Phó Cục trưởng C03, về làm Giám đốc Công an Lạng sơn, thay cho ông Công, nhưng không cho biết lý do. Theo báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn công bố lý do chung chung, là ông Thái Hồng Công "có hành vi vi phạm pháp luật hình sự".
Công luận nhận định, chuyện làm gián điệp cho Trung Quốc của các cán bộ công an nói riêng, hay lãnh đạo các cấp của Việt Nam nói chung, không phải chuyện hiếm. Không phải ngẫu nhiên, đầu năm 2017, trong một clip lan truyền trên mạng xã hội, Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân, từng tiết lộ vấn đề trên.
Theo đó, trong một buổi nói chuyện nội bộ, Tướng Trương Giang Long tiết lộ về tình trạng Trung Quốc lôi kéo nhiều quan chức Việt Nam, nằm ngay trong bộ máy Đảng và chính quyền, tham gia hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, Tổng Trọng là một nhân vật thân Bắc Kinh, bị đánh giá là thái thú của Trung Quốc ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, trong 3 nhiệm kỳ Tổng bí thư, Việt Nam thực sự trở thành một bản sao của Trung Quốc.
Cụ thể, ông Trọng cóp nhặt nguyên bản từ Chủ tịch Tập Cận Bình, từ chuyện "đả hổ diệt ruồi", cho đến chuyện "nhốt quyền lực vào cái lồng". Hơn nữa, Tổng Trọng còn chủ trương đưa Việt Nam đi theo kế hoạch "Vành đai – Con đường" của Trung Quốc, để cùng Trung Quốc xây dựng cái gọi là "Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Việt Nam – Trung Quốc".
Theo học giả Trương Nhân Tuấn :
"Tư tưởng của ông Trọng, nếu có, là tư tưởng chư hầu. Chuyện ông Trọng đổ lệ khi đọc diễn văn trước mặt ông Tập, trong chuyến thăm Hà Nội tháng 12/2023, đã khiến người ta hoài nghi".
Điều này được chứng minh qua tấm hình bà Ngô Thị Mận – vợ ông Trọng, phủ phục trước sứ giả Trung Quốc Vương Hỗ Ninh, trong đám tang Tổng Trọng. Ông Trương Nhân Tuấn nhận xét "chỉ có chư hầu mới phủ phục trước thiên triều".
Đó là lý do vì sao, trên mạng xã hội có nhiều người cảm thán, Tổng Trọng – người đứng đầu hệ thống chính trị của Đảng và nhà nước Việt Nam, lúc sinh thời còn được mệnh danh là thái thú, thì chuyện các cán bộ cấp cao của Việt Nam làm gián điệp cho Trung Quốc, cũng chỉ là chuyện nhỏ.
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 11/08/2024
Thu Hằng, RFI, 26/12/2020
Trung Quốc sắp phê chuẩn một hiệp định dẫn độ với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi cư trú của đông đảo sắc dân thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo bị truy bức ở vùng Tân Cương, viễn tây Trung Quốc.
Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc có đợt họp trong tuần này, kết thúc hôm nay, 26/12/2020. Ngày 23/12, ông Trương Nghiệp Toại (Zhang Yesui), chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc, đã báo cáo về tiến độ đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiệp định dẫn độ được hai bên ký vào năm 2017 nhưng chưa được phê chuẩn. Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, theo thông lệ, Quốc hội Trung Quốc thường phê chuẩn các văn bản chính thức ít ngày sau báo cáo như trên.
Bắc Kinh rất mong muốn sớm thông qua Hiệp định này. Trong một cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua vac-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc mới đây, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại mong muốn của Bắc Kinh.
Theo ông Li Wei, một chuyên gia về chống khủng bố tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, được SCMP trích dẫn, "chống khủng bố sẽ là một phần quan trọng của hiệp định, vì cả hai nước phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố trong thời gian dài". Vẫn theo vị chuyên gia này, hiệp định sẽ "không chỉ đích danh một tổ chức hay một nhóm người cụ thể".
Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nếu được phê chuẩn, số phận người Duy Ngô Nhĩ tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gặp nguy hiểm. Ông Selcuk Colakoglu, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Ankara, đánh giá rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối mặt với "phản ứng dữ dội" của các đảng đối lập, thậm chí ngay trong nội bộ đảng cầm quyền, nếu dự thảo luật dẫn độ với Trung Quốc được đưa ra phê chuẩn ở Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên Hiệp Châu Âu cũng như Liên Hiệp Quốc đã liên tục cảnh báo tình trạng đàn áp nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, và việc chính quyền Bắc Kinh trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo.
Thu Hằng
*************************
Trọng Thành, RFI, 23/11/2020
Báo chí Ấn Độ hôm 25/12/2020, đồng loạt loan tin về vụ an ninh Afghanistan bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Người đứng đầu nhóm tình nghi gián điệp bị bắt từ ngày 10/12. Theo trang Hindustan Time, đích danh phó tổng thống Afghanistan, Amrullah Saleh, giám sát cuộc điều tra về vụ án này.
Theo phó tổng thống Afghanistan, nếu Bắc Kinh chính thức có lời xin lỗi, Kabul sẽ thả các nghi phạm. Chính quyền Kabul cũng thông báo với đại sứ Trung Quốc, nếu Bắc Kinh không xin lỗi, tư pháp Afghanistan sẽ tiến hành truy tố các can phạm. Đây là vụ bắt giữ nghi phạm gián điệp Trung Quốc đầu tiên từ nhiều năm nay.
Thông tín viên Sonia Ghezali tường trình từ Islamabad :
"Súng ống, đạn dược và thuốc nổ đã được tìm thấy tại nhà của nghi phạm Lý Dương Dương (Li Yangyang) ở Kabul. Kiều dân Trung Quốc sống tại Afghanistan từ mùa hè vừa qua này đã bị cơ quan phản gián Afghanistan bắt giữ cùng với 8 người khác, cũng mang quốc tịch Trung Quốc. Lý Dương Dương được coi là một trong hai chỉ huy của nhóm công dân Trung Quốc bị tình nghi làm gián điệp. Nhân vật này đã tiếp xúc với mạng lưới Haqqani, cánh vũ trang của phong trào Taliban.
Theo các cơ quan phản gián Afghanistan, Lý Dương Dương tìm kiếm thông tin về lực lượng khủng bố Al-Qaida, cũng như sự hiện diện có thể của người Duy Ngô Nhĩ, tại một số tỉnh miền đông Afghanistan. Người Duy Ngô Nhĩ là sắc tộc theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, miền viễn Tây Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, nhiều người Duy Ngô Nhĩ ngả theo con đường cực đoan hóa, đã tham gia vào hàng ngũ Al-Qaida. Họ đầu quân vào lực lượng mang tên ETIM, tức Phong trào Hồi giáo tranh đấu Đông Turkestan. Bốn năm về trước, ETIM tuyên bố ''thánh chiến'' chống lại chính quyền Trung Quốc, nhằm ''giải phóng vùng Tân Cương khỏi những kẻ chiếm đóng cộng sản''.
Mới đây, một số người Duy Ngô Nhĩ có thể đã tham gia chi nhánh của người Afghanistan thuộc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Afghanistan.
Chính quyền Afghanistan đã mở một cuộc điều tra sau vụ bắt giữ 10 nghi phạm gián điệp Trung Quốc. Vụ bắt giữ này là một đòn nặng nề không thể phủ nhận được đối với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia bạn hữu".
Theo giới bảo vệ nhân quyền, chính quyền Trung Quốc tiếp tục các đàn áp nhắm vào cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bất chấp các lên án của giới bản vệ nhân quyền. Theo nhiều nhà quan sát, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo trá hình tại đặc khu. Đòi hỏi cử quan sát viên đến Tân Cương của Liên Hiệp Châu Âu cho đến nay chưa được Bắc Kinh đáp ứng.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm Noel, 23/12, bộ trưởng phụ trách Ngoại Thương của Pháp, ông Franck Riester, khẳng định Paris sẽ không ủng hộ việc Liên Âu ký kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, dự kiến thông qua trước cuối năm, nếu Bắc Kinh không phê chuẩn Công ước cấm lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động Quốc tế. Theo Le Monde, một báo cáo công bố hôm 15/12, ước tính khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức tham gia vào việc thu hoạch bông tại Tân Cương.
Trọng Thành
Bộ trưởng Đức thảo luận về vai trò của Huawei trong mạng 5G (VOA, 06/02/2019)
Hai bộ trưởng Đức hôm 6/2 dự trù sẽ thảo luận về cách bảo vệ an ninh trong các mạng di động 5G tương lai.
Họp báo tại cuộc trưng bày giới thiệu sản phẩm mới 5G của Huawei tại Bắc Kinh, ngày 24/1/2019.
Hãng thông tấn Reuters dẫn hai nguồn tin của chính phủ cho biết như vậy trong lúc tranh luận gay gắt đang nổi lên về việc có nên loại công ty công nghệ Trung Quốc Huawei ra khỏi thị trường hay không.
Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố Đức cần đảm bảo rằng Huawei sẽ không cung cấp dữ liệu cho nhà nước Trung Quốc trước khi họ có thể tham gia xây dựng mạng điện toán thế hệ thứ năm có thể liên kết mọi thứ từ phương tiện giao thông đến nhà máy với một tốc độ lớn hơn nhiều.
Ông Dieter Kempf, người đứng đầu Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), ủng hộ quan điểm của bà Merkel. Ông nói rằng việc đảm bảo các công ty như Huawei đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cao sẽ khôn ngoan hơn lệnh cấm tổng quát đối với các công ty Trung Quốc.
"Một lệnh cấm chung chung sẽ kKhông có ý nghĩa gì", ông Kem nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn. "Điều đó sẽ thu hẹp sự lựa chọn các nhà cung cấp. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi phí. Quan trọng hơn, sẽ có hậu quả chính trị - Trung Quốc có thể trả đũa các công ty Đức".
Nhật báo Handelsblatt dẫn nguồn tin chính phủ cho biết cuộc họp sẽ tập trung vào việc liệu một danh mục bảo mật, được soạn thảo bởi cơ quan quản lý mạng liên bang (BNetzA) và cơ quan giám sát an ninh mạng (BSI), cùng với các quy tắc chứng nhận và hiệp ước không gián điệp với Trung Quốc, có đủ để làm cho mạng 5G an toàn.
Huawei, công ty cung cấp mạng hàng đầu thế giới với doanh thu hàng năm đạt hơn 100 tỷ đôla, đang bị quốc tế soi rọi về mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc và nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng công nghệ của công ty này để làm gián điệp, điều mà Huawei phủ nhận.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Ba rằng Washington coi Liên minh châu Âu là ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm thuyết phục các đồng minh không mua thiết bị của Huawei cho các mạng di động thế hệ tiếp theo vì lo ngại gián điệp.
********************
Nhiều nước Châu Âu cảnh giác với thiết bị Hoa Vi (RFI, 05/02/2019)
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, tại Châu Âu, ngày càng có nhiều nước cảnh giác với các thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Các trang thiết bị Hoa Vi bị nghi ngờ giúp tình báo Trung Quốc theo dõi đánh cắp thông tin ở những nước sử dụng.
Nhãn hiệu Hoa Vi bên ngoài một thương xá ở Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 29/01/2019. Reuters/Jason Lee
Trong bản báo cáo về các nguy cơ đối với an ninh quốc gia trong năm 2019 công bố hôm 04/02/2019, giám đốc tình báo Na Uy khẳng định có nhiều rủi ro khi sử dụng thiết bị viễn thông của Hoa Vi, vì luật của Trung Quốc buộc các tập đoàn có trụ sở tại Trung Quốc phải hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan tình báo nước này.
Trong khi đó, các công ty dịch vụ viễn thông chính của Na Uy đã sử dụng các thiết bị của Hoa Vi để khai thác mạng 4G. Quốc gia này đang tính đến việc ra các quy định nhằm giảm thiểu rủi ro đến an ninh quốc gia.
Cộng Hòa Séc thì đã có hành động cụ thể là loại tập đoàn Trung Quốc ra khỏi danh sách đấu thầu dự án xây dựng một mạng quản lý thuế trị giá 20 triệu euro.
Tại Ba Lan, chính quyền nước này đang đánh giá các nguy cơ sau vụ bắt giữ một lãnh đạo chi nhánh Hoa Vi cách đây hai tuần, vì nhân vật này bị tình nghi làm gián điệp cho Bắc Kinh.
Còn tại Pháp, tuần này, Thượng Viện sẽ thảo luận về việc sửa đổi một điều luật nhằm phòng chống các hoạt động gián điệp hay phá hoại trên mạng thông tin 5G. Đức cũng đang suy tính biện pháp hạn chế tập đoàn Trung Quốc tiếp cận thị trường 5G. Trong một tài liệu nội bộ mà hãng tin Bloomberg có được, tập đoàn viễn thông Đức Deutsche Telekom nhấn mạnh, Châu Âu có thể bị chậm hơn từ một đến hai năm so với Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu cứ để tập đoàn viễn thông Trung Quốc tự do tung hoành.
Anh Vũ
*************************
Trung Quốc đánh cắp bí mật hãng công nghệ Visma của Na Uy (VOA, 06/02/2019)
Theo các nhà điều tra của công ty an ninh mạng Recorded Future, vụ tấn công là một phần trong những gì mà các nước phương Tây cho biết hồi tháng 12 là một chiến dịch tấn công mạng toàn cầu của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc để đánh cắp tài sản trí tuệ và các bí mật công ty.
Tin tặc của tình báo Trung Quốc đã xâm nhập mạng lưới của công ty phần mềm Visma của Na Uy để đánh cắp bí mật từ các khách hàng của hãng này. Một giám đốc điều hành của Visma mô tả đó là một "cuộc tấn công thảm khốc".
Hãng thông tấn Reuters nói rằng Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc không mở kênh liên lạc công khai, còn Bộ Ngoại giao thì không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận mọi liên quan đến gián điệp trên mạng.
Visma đã quyết định công bố vụ tấn công mạng này để cảnh báo về chiến dịch tấn công mạng mang tên Cloudhopper nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và phần mềm để tiếp cận khách hàng của họ.
Các công ty an ninh mạng và chính phủ phương Tây đã cảnh báo về Cloudhopper nhiều lần kể từ năm 2017 nhưng không tiết lộ danh tính của các công ty bị ảnh hưởng.
Hồi tháng 12, Reuters loan tin rằng Hewlett Packard Enterprise Co và IBM là hai trong số các nạn nhân của chiến dịch Cloudhopper, và các quan chức phương Tây cho biết không chính thức rằng có nhiều nạn nhân hơn nữa.
Vào thời điểm đó, IBM cho biết họ không có bằng chứng các dữ liệu nhạy cảm của doanh nghiệp bị xâm phạm, và Hewlett Packard Enterprise cho biết họ không thể bình luận về chiến dịch Cloudhopper.
Visma báo cáo doanh thu toàn cầu đạt 1,3 tỷ đô la trong năm ngoái. Hãng công nghệ này chuyên cung cấp các sản phẩm phần mềm kinh doanh cho hơn 900.000 công ty trên khắp Scandinavia và một số khu vực khác của châu Âu.
Ông Espen Johansen, giám đốc đặc trách quản lý hoạt động và bảo mật của công ty, cho biết cuộc tấn công đã được phát hiện ngay sau khi tin tặc truy cập vào hệ thống của Visma và ông tin chắc rằng mạng máy khách hàng chưa bị xâm nhập.
****************
Ngôi mộ Karl Marx ở London ‘bị đập bằng búa’ (BBC, 05/02/2019)
Mộ của triết gia Đức Karl Marx ở nghĩa trang Highgate, London, vừa bị đập bằng búa.
Ban quản lý nghĩa trang nói "đây không phải là cách đối xử với di sản".
Trong vụ lần này, tấm biển cẩm thạch trắng bị búa đập
Được biết từ lâu nay, thỉnh thoảng vẫn có những vụ đập phá mộ Karl Marx.
Ví dụ năm 1970, có người định dùng bom ống làm nổ ngôi mộ. Hay có lúc, một người định dùng dây kéo đổ đầu Karl Marx.
Trong vụ lần này, tấm biển cẩm thạch trắng bị búa đập.
Nghĩa trang nói họ không biết vụ việc xảy ra khi nào, tuy có thể là trong mấy ngày vừa rồi.
Tượng Karl Marx được dựng trên ngôi mộ ở nghĩa trang Highgate, London
Karl Marx (1818-1883) được gọi là người cha của chủ nghĩa cộng sản qua các tác phẩm như Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, và Tư bản.
Sinh ra ở Trier, Vương quốc Phổ (nay thuộc Đức), ông Karl Marx sống ở nhiều nước trước khi sang London năm 1849.
Tại London, ông đã viết ra Tư bản (Das Kapital, The Capital, Le Capital), ấn hành năm 1867.
Ông qua đời năm 1883 và được chôn ở nghĩa trang Highgate, London.
Tại Việt Nam, hiện nay Đảng Cộng sản vẫn nói trung thành với tư tưởng Karl Marx, đồng thời lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
Gián điệp quốc tế và ám sát từ xưa vẫn là những công cụ của các quốc gia. Nhưng bất chấp những gì viết trong các tiểu thuyết gián điệp hoặc những lời đồn đoán của các nhà báo, các hoạt động này bao giờ cũng bị kiểm soát chặt chẽ, với những thỏa thuận bất thành văn, giết người ở mức độ tối thiểu, đặc biệt là tại nước ngoài.
Ông Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ), tổng giám đốc cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol, thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, bị chính quyền Bắc Kinh bắt để điều tra điều gọi là hành vi phạm pháp. (Hình : Roslan Rahman/AFP/Getty Images)
Nhưng sau một tuần mà ta thấy việc bắt cóc và có thể nói hầu như là chắc chắn giết một nhà báo Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, việc mất tích của một quan chức người Trung Quốc hiện đang đứng đầu tổ chức Hình Cảnh Quốc Tế (Interpol) và một bản tố cáo của phương Tây về các hoạt động của cơ quan tình báo quân sự Nga, có vẻ rằng những quy luật cũ về tình báo đang mau chóng thay đổi.
Nhưng chế độ độc tài chuyên chế – không phải chỉ có Nga mà Trung Quốc, Việt Nam, Saudi Arabia cũng như nhiều nước khác – đang siết chặt sự đàn áp của họ trong nước và triển khai các hành động gián điệp, bắt cóc và sát nhân ra nước ngoài một cách càng ngày càng công khai.
Sau một thời gian làm ngơ, các nước phương Tây nay đang tìm cách phản ứng. Tuần trước ta thấy việc công bố cùng một lúc – có vẻ đã được phối hợp trước – của các chính phủ Anh, Hòa Lan và Mỹ, các báo cáo về hoạt động tình báo và phá hoại của Nga tại phương Tây. Đặc biệt báo cáo của Hòa Lan, kể lại một cố gắng của bốn điệp viên Nga tìm cách xâm nhập Tổ Chức Chống Vũ Khí Hóa Học có rất nhiều chi tiết cụ thể kể cả việc công bố số xe họ sử dụng và các hồ sơ tên tuổi cá nhân của những người này.
Thế nhưng mục tiêu của các hoạt động gián điệp này cũng đã bị thay đổi và mở rộng ra. Theo truyền thống, mục tiêu của các hoạt động gián điệp là nắm lấy các bí mật quốc gia của đối phương. Tuy rằng đây vẫn là một nguy cơ chính đặc biệt là với thế giới mạng hiện này, các cuộc tấn công qua mạng có thể lấy được của đối phương những khối lượng dữ liệu khổng lồ mà trước kia khó có thể tưởng tượng được, nhưng nay các cơ quan phản gián cũng càng ngày càng quan tâm đến việc làm méo mó tiến trình dân chủ qua việc tạo ra những câu chuyện chính trị giả đối có mục tiêu phá hoại.
Và đối với những điệp viên của các chế độ độc tài thì không có gì quan trọng hơn là bảo đảm cho chính quyền của họ có thể đạt tới, đe dọa và đôi khi giết những kẻ chống đối họ dù có tìm cách lánh nạn tại nước ngoài.
Và chính điều chót này có vẻ là hoạt động đang gia tăng nhanh nhất. Chứng tỏ cho người ta thấy tầm mức với xa của điện Kremlin và qua đó đe dọa những người Nga sống ở nước ngoài dù là tài phiệt, bất đồng chính kiến hay là cựu điệp viên được coi như là lý do chính cho việc dùng độc chất tấn công não bộ Novichok vào cựu điệp viên nhị trùng Sergei Skripal và con gái ông tại Salisbury vào đầu năm nay.
Vụ này theo sau một loạt các cái chết của những người Nga lưu vong mà môt số cái chết cũng bị nghi ngờ là do cơ quan tình báo Nga thực hiện. Moscow thì luôn luôn bác bỏ những tố giác này, nhưng tuy rằng ông Vladimir Putin vẫn còn là lãnh tụ bị quy trách nhiệm nhiều nhất về những cái chết hoặc mất tích đáng ngờ tại nước ngoài, những người khác cũng mau chóng đuổi cho kịp ông.
Các giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ tin rằng nhà báo Saudi Jamal Khashoggi bị giết vào hôm 2 tháng Mười bên trong tòa lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul do một tổ đặc nhiệm vốn bay vào Thổ trong ngày đó. Chính phủ Saudi thì phủ nhận mọi dính líu đến việc giết này, nhưng những đoạn phim thu được từ các máy quay phim theo dõi (CCTV) được các phương tiện truyền thông Thổ công bố cho thấy rõ ràng ông Khashoggi đi vào trong tòa lãnh sự và sau đó không ra nữa.
Vấn đề là càng ngày các quốc gia độc tài càng bất chấp thế giới, không thèm quan tâm đến những phủ nhận của họ có được tin hay không. Trái lại họ có vẻ còn muốn truyền bá ra cho mọi người cái thông điệp của họ rằng không ai có thể thoát được tầm tay của họ, đặc biệt là các công dân nước họ.
Điều đó không bắt buộc lúc nào cũng phải giết. Đôi khi đe dọa được thực hiện dưới một hình thức tế nhị hơn. Chính quyền Trung Công từ lâu vẫn tìm cách bịt miệng những người bất đồng chính kiến tại nước ngoài, đặc biệt là những người Hồi Giáo Uighur thiểu số qua việc đe dọa trả đũa gia đình họ tại Hoa Lục.
Mùa Hè năm nay một số người nước ngoài (không phải người Trung Quốc) hoạt động cho nhân quyền tại Hồng Kông cho biết gia đình họ tại Anh và nơi khác đã nhận được những thư nặc danh đe dọa. Bắc Kinh cũng tìm cách lấy sự hợp tác của chính phủ nước ngoài trong việc tịch thu tài sản tại nước ngoài của các quan chức và doanh gia bị tố cáo là tham nhũng.
Các quốc gia phương Tây hiện vẫn còn chưa dứt khoát biết mình phải làm gì để chống lại những hành động này. Nhiều biện pháp được nói là đang được xét đến, trong đó ít nhất có một biện pháp nhằm ngăn chặn việc rửa tiền của Trung Quốc, Nga và các nước độc tài khác qua các trung tâm tài chánh như Luân Đôn. Ngoài ra, các chính phủ Anh và Hòa Lan báo cáo về hoạt động gián điệp của Nga cho thấy có vẻ việc phổ biến cho mọi người biết các hoạt động bí mật của họ cũng được coi là một vũ khí lợi hại.
Liệu những biện pháp này có đủ mạnh để tạo ra một thay đổi trong cung cách hành xử của họ lại là một vấn đề khác. Vào lúc này, các quốc gia độc tài trên thế giới có vẻ biết một cách chính xác họ muốn gì : họ muốn cả thế giới biết khả năng đe dọa của họ.
Lê Mạnh Hùng
Nguồn : Người Việt, 24/10/2018
Mỹ bắt giữ cựu điệp viên "chỉ điểm" các đồng nghiệp tại Trung Quốc (RFI, 18/01/2018)
Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ trong đêm 16 rạng sáng 17/01/2018 thông báo bắt giữ một cựu nhân viên của CIA. Vụ bắt giữ xảy ra vào đầu tuần này. Từ nhiều năm qua, cơ quan tình báo Mỹ truy tìm kẻ nội gián "chỉ điểm" làm hàng chục cộng tác viên của Hoa Kỳ hoạt động tại Trung Quốc bị bắt giam và hành quyết.
Cơ quan tình báo Mỹ CIA, Langley HallAFP
Người bị bắt tên là Jerry Chun Shing Lee. Hoa Kỳ cáo buộc người này chiếm hữu trái phép các tài liệu mật liên quan đến an ninh quốc gia. Theo tường thuật của báo chí Mỹ, kể từ đầu thập niên 1990, ông Jerry Chun Shing Lee được giao trọng trách tuyển dụng và quản lý nhân viên của CIA.
Nhưng đến năm 2007, người này đã từ nhiệm và đến định cư hẳn ở Hồng Kông với gia đình. Theo các cựu nhân viên, ông này cảm thấy bất mãn vì sự nghiệp không thăng tiến. Ba năm sau, mạng lưới gián điệp Mỹ tại Trung Quốc bị phá vỡ. Khoảng hai chục nhân viên đã bị bắt giữ hay bị hành quyết.
Hoa Kỳ từ nhiều năm qua tìm hiểu nguyên nhân : Họ là nạn nhân của tin tặc, hay có người "chỉ điểm" ? Và cái tên Jerry Chun Shing Lee bắt đầu xuất hiện. Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI bắt đầu chú ý đến người này bằng cách làm cho Lee lóa mắt với một hợp đồng mới với CIA.
Nhờ vậy FBI phát hiện tại hai trong số các phòng khách sạn của Jerry Chun Shing Lee những tập hồ sơ đầy các thông tin quốc phòng bảo mật. Đặc biệt là danh tính thật của các điệp viên Mỹ. Thế nhưng, Jerry Chun Shing Lee vẫn được tự do rời Mỹ vào năm 2013 sau khi bị thẩm vấn.
Trong một thông cáo công bố lệnh bắt giữ cựu nhân viên tình báo hôm thứ Hai, khi người này vừa đặt chân đến sân bay JFK tại New York, bộ Tư Pháp Mỹ không giải thích vì sao phải đợi đến 5 năm sau mới kết tội Jerry Chun Shing Lee. Về phía Bắc Kinh, ngoại trưởng Trung Quốc hôm qua khẳng định "không hay biết về vụ việc này".
Minh Anh
************************
Viện Khổng tử tại đại học Mỹ bị phản đối (VOA, 18/01/2018)
Chính phủ Trung Quốc điều hành viện này, một trong số hơn 90 viện đặt tại các trường đại học khắp cả nước Mỹ và ở nước ngoài. Website của trung tâm cho biết nhiệm vụ của họ là tạo điều kiện cho "giao lưu văn hóa phong phú giữa Mỹ và Trung Quốc trong sự hợp tác với các đối tác giáo dục ở Bắc Kinh".
Một nhóm bao gồm các sinh viên, giáo sư và cựu sinh viên Đại học Massachussetts đang chỉ trích Viện Khổng học của Trung Quốc đặt tại đây, cáo buộc viện này đẩy mạnh kiểm duyệt và làm suy yếu những chương trình về nhân quyền.
Những người phản đối hoạt động đang tiếp diễn của trung tâm tại trong khuôn viên của Đại học Massachussetts ở thành phố Boston lo ngại rằng một thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát đang hoạt động trong khuôn viên của trường và họ "sử dụng chỗ đứng của họ trong các cơ sở giáo dục có tiếng này để gây ảnh hưởng và định hướng luận đàm học thuật", theo một bức thư gửi đến hiệu trưởng lâm thời của trường.
Bức thư gửi cho Đại học Massachussetts nói rằng viện Khổng tử định hướng dư luận về những vấn đề gây tranh cãi như sự độc lập của Tây Tạng, mối quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan, và vụ thảm sát Thiên An Môn, theo The Boston Globe.
Tờ báo này đưa tin người tổ chức tập hợp những người chống đối nói rằng bà hy vọng sẽ thuyết phục được các trường đại học đóng cửa các viện Khổng Tử này.
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh các viện Khổng Tử, bao gồm cả một trường hợp đáng chú ý vào năm 2009 tại Đại học Bang North Carolina sau khi trường này hủy một buổi nói chuyện của Đức Dalai Lama, được cho là để tránh làm mất lòng Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đang điều hành hơn 513 viện khắp thế giới, cộng thêm 1.074 Lớp học Khổng Tử đặt trong các trường tiểu học và trung học.
***********************
Apple sắp xây thêm cơ sở mới (VOA, 18/01/2018)
Apple sẽ mở một khuôn viên mới như một phần trong kế hoạch đầu tư 5 năm trị giá 350 tỉ đôla ở Mỹ và sẽ thanh toán một lần khoản thuế trị giá 38 tỉ đôla đối với nguồn tiền ở nước ngoài của công ty này. Đây là một trong những kế hoạch chi tiêu lớn nhất của một công ty được công bố kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật cắt giảm thuế.
Apple vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Công ty công nghệ này vẫn đang chịu áp lực ngày càng lớn phải rót tiền đầu tư vào Mỹ kể từ chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016, khi ông Trump nhắm mục tiêu công kích vào nhà sản xuất điện thoại iPhone vì họ sản xuất các sản phẩm của mình tại các công xưởng ở Châu Á.
Mặc dù Apple chưa loan báo kế hoạch nào thay đổi hiện trạng này và các chuyên gia nói sẽ không khả thi về mặt kinh tế nếu iPhone được sản xuất ở Mỹ, song công ty đã bắt đầu nhấn mạnh đến tác động kinh tế của họ ở Mỹ, từ những nhà phát triển bán phần mềm trên App Store đến hàng chục tỉ đôla mỗi năm Apple chi cho các nhà cung cấp ở Mỹ.
Giữa kế hoạch chi tiêu, việc thuê 20.000 nhân công, các khoản thanh toán thuế và kinh doanh với các nhà cung cấp ở Mỹ, Apple hôm thứ Tư ước tính họ sẽ chi 350 tỉ đôla ở Mỹ trong năm năm tới.
Tuy nhiên, công ty không nói bao nhiêu phần trong kế hoạch này là mới hoặc bao nhiêu trong khoản tiền 252,3 tỉ đôla của họ ở nước ngoài, khoản tiền lớn nhất của bất kỳ công ty nào của Mỹ, sẽ được đưa về lại Mỹ. Ngoài khoản 38 tỉ đôla tiền thuế phải trả, Apple đã mua tới 97 tỉ đôla công trái của chính phủ Mỹ để trả cho những khoản mua lại cổ phần và cổ tức trước đó.
Loan báo chi tiêu ở Mỹ sẽ là một phần đáng kể trong tổng chi phí đầu tư của Apple. Trên toàn cầu, Apple đã chi 14,9 tỉ đôla trong năm 2017 và dự trù sẽ chi 16 tỉ đôla vào năm 2018, những con số bao gồm cả đầu tư ở Mỹ vào các trung tâm dữ liệu và các dự án khác và các khoản đầu tư ở Châu Á cho các nhà sản xuất ký hợp đồng với Apple.
*************
Nghi án Nga can thiệp bầu cử : Steve Bannon ra điều trần trước bồi thẩm đoàn (RFI, 17/01/2018)
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của tống thống Donald Trump hôm qua 16/01/2018 đã từ chối trả lời các câu hỏi của ủy ban tình báo Hạ Viện Mỹ, về công việc của ông tại Nhà Trắng trong khuôn khổ cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Steve Bannon, cựu cố vấn đặc biệt của tổng thống Donald Trump, tại Washington ngày 16/01/2018. Reuters/Joshua Roberts
Song song đó, ông Bannon còn bị triệu tập ra trước một bồi thẩm đoàn, trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào chiến dịch bầu cử Mỹ. Thông tin này được tờ New York Times đưa ra, và nếu là sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên một người thân cận của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ phải ra điều trần.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Theo tờ New York Times, trát tòa dành cho ông Steve Bannon có thể đơn thuần là chiến thuật của công tố viên. Ông Robert Mueller có thể hủy trát đòi đối với cựu cố vấn của ông Donald Trump, nếu ông này chấp nhận bị thẩm vấn riêng. Nói cách khác, nếu Bannon chịu hợp tác.
Trát tòa được gởi đi sau khi cuốn sách "Lửa và cuồng nộ" được phát hành, trong đó Steve Bannon tuyên bố cuộc họp giữa con trai tổng thống với những người Nga hồi tháng 6/2016 là hành động phản quốc. Cựu cố vấn Nhà Trắng còn nhận định rằng không có khả năng con trai Donald Trump không giới thiệu các khách mời Nga cho cha. Trong khi đó ông Donald Trump luôn chối rằng không biết đến cuộc gặp này.
Cho dù Steve Bannon sau đó nói rằng những phát ngôn của ông đã bị hiểu lầm, sự xuất hiện của cuốn "Lửa và cuồng nộ" đã làm ông bị xuống dốc. Đã bị loại khỏi Nhà Trắng, ông còn bị mất tất cả những người ủng hộ, kể cả chức vụ đứng đầu Breibart News, trang web thông tin cực hữu ở Mỹ.
Nhưng Steve Bannon là nhân vật chủ chốt trong chiến dịch tranh cử cũng như thời kỳ chuyển tiếp, có thể nắm trong tay những thông tin quan trọng về quan hệ giữa ê-kíp ông Trump với phía Nga. Ông cũng đã bị ủy ban tình báo Hạ Viện thẩm vấn hôm qua".
Thụy My
Nhà ngoại giao Mỹ 'cho gián điệp Trung Quốc tin tối mật' (BBC, 23/06/2017)
Một cựu quan chức ngoại giao Mỹ bị bắt và bị buộc tội cung cấp tài liệu tối mật cho một mật vụ Trung Quốc.
Kevin Mallory, cựu quan chức ngoại giao Mỹ bị bắt và bị buộc tội cung cấp tài liệu tối mật cho một mật vụ Trung Quốc
Theo lời khai có tuyên thệ, Kevin Mallory, 60 tuổi từ Virginia, được cho là đã tới Thượng Hải vào tháng Ba và tháng Tư 2017.
Ông đã không khai báo số tiền mặt 16.500 USD có trong hai kiện xách tay khi đi qua sân bay Chicago, theo hãng tin Associated Press.
Theo Đạo luật Gián điệp liên bang, ông có thể đối diện án tù chung thân.
FBI xác nhận ông được miễn bị kiểm tra an ninh khi còn làm việc cho chính phủ Mỹ.
Sau khi không còn là nhân viên nhà nước vào năm 2012, ông mất đi quyền hạn này và bắt đầu làm tư vấn tự do.
Washington Post nói theo hai quan chức chính phủ, ông Mallory từng được CIA tuyển dụng, nhưng thông tin này không được đưa ra tòa.
Trong cuộc phỏng vấn tự nguyện với các mật vụ FBI hồi tháng Năm, ông Mallory nói người ông từng gặp ở Thượng Hải nói ông ta làm việc cho một viện nghiên cứu của Trung Quốc là Học viện Khoa học Xã Hội Thượng Hải (SASS).
Kể từ 2014, FBI tin rằng gián điệp Trung Quốc dùng cái vỏ của viện SASS này để che giấu tên tuổi, theo Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Lời khai có tuyên thệ cũng cho thấy ông Mallory được cho là đã viết cho đối tượng Trung Quốc rằng "cái ông cần là thông tin và cái tôi cần là được trả tiền".
Ông Mallory, người nói thạo tiếng Trung, hiện diện đầu tiên trong phiên tòa hôm thứ Năm và sẽ quay lại phiên xử sơ bộ hôm thứ Sáu.
************************
Trung Quốc : Tố cáo gián điệp được thưởng 68.000 euro (RFI, 10/04/2017)
Sau tuyên truyền giờ đến dụ dỗ. Cảnh sát Bắc Kinh ngày 10/04/2017 thông báo có thể thưởng một món tiền lớn lên đến 500.000 nhân dân tệ (68.000 euro) cho những ai tố cáo các hoạt động gián điệp. Một món tiền được cho là quá béo bở so với mức lương trung bình tại Bắc Kinh là 85.000 tệ/năm.
Cảnh sát Trung Quốc treo thưởng lên đến 500.000 nhân dân tệ (68.000 euro) cho người tố cáo hoạt động gián điệp. Ảnh minh họa. CHINA-REFORM/VOLATILITY REUTERS/Petar Kujundzic
Theo thông báo đăng trên trang mạng của cảnh sát thủ đô, "công dân đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc điều tra chống gián điệp". Thông báo của cảnh sát cũng đảm bảo rằng người cung cấp thông tin có quyền giấu tên tuổi và được bảo vệ an ninh cho chính bản thân cũng như gia đình. Tuy nhiên, thông báo cũng cảnh cáo người cung cấp tin sai sẽ bị trừng phạt.
AFP nhắc lại, năm 2016, một mẫu truyện tranh đã được vẽ trên các bức tường tòa nhà công cộng, cảnh giác các cô gái Trung Quốc trước các chiêu tình cảm do nhiều người ngoại quốc sử dụng để moi tin tức. Câu chuyện mang tên "Những mối tình nguy hiểm" dựng cảnh một nữ công chức được đặt tên là Xiao Li. Cô Li xinh xắn đã ngã lòng một anh chàng ngoại quốc điển trai tên là David. Câu chuyện kết thúc với cảnh cặp đôi bị bắt khi cô Xiao Li trao cho David những tài liệu nội bộ liên quan đến cơ quan mình.
Theo AFP, chính quyền Trung Quốc thường xuyên đề cập đến mối đe dọa "các lực lượng ngoại bang thù nghịch" để biện minh cho việc sử dụng các biện pháp kiểm duyệt hay các hành động vi phạm nhân quyền.
Minh Anh
****************
Trung Quốc thưởng nửa triệu tệ cho tin về gián điệp ngoại quốc (BBC, 10/04/2017)
Chính phủ Trung Quốc sẽ treo thưởng bằng những khoản tiền mặt lớn để thu nhận thông tin về gián điệp nước ngoài, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
>
Tiền thưởng trả bằng tiền mặt sẽ là trong khoảng 10.000 tới 500.000 nhân dân tệ Trung Quốc
Người dân tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có thể nhận tới nửa triệu Nhân dân tệ, tương đương 72.000 đô la Mỹ khi cung cấp các tin tức giúp phát hiện gián điệp nước ngoài.
Các viên chức thành phố này nói người dân nên giúp "từ từ xây dựng một bức Vạn lý trường thành thép trong việc đấu tranh chống lại thế lực thù nghịch và bảo vệ chống lại gián điệp".
Giới chức trách tiến hành một chiến dịch nâng cao nhận thức từ hồi năm ngoái bao gồm những cảnh báo chống lại việc bị các gián điệp ngoại quốc dụ dỗ.
Quy định mới này được một chi nhánh an ninh của chính quyền thành phố Bắc Kinh đưa ra và nói rằng cư dân có thể cung cấp các tin tức mách bảo qua mạng lưới đường dây nóng được khai trương hồi năm ngoái, hay qua con đường trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Tiền thưởng là từ 10.000 tới 500.000 Nhân dân tệ, tùy thuộc các tin này có ích tới mức nào trong việc "phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tình báo, hay phá được các vụ gián điệp", theo một số cơ quan truyền thông nhà nước, trong đó có tờ Bắc Kinh Nhật báo.
Giới chức trách cho biết là trung tâm quản trị và sáng tạo của Trung Quốc, Bắc Kinh "là lựa chọn hàng đầu của các nhân viên tình báo ngoại quốc và những người đang quyết liệt tìm cách thực hiện các hoạt động xâm nhập, lật đổ, chia rẽ và ăn cắp".
Giới chức trách cho biết hồi tháng Giêng một nhóm các ngư dân ở tỉnh Giang Tô đã phát hiện một "vật không được xác định có khắc những từ ngoại quốc" trong khi đi đánh cá và đã nộp lại cho giới chức trách.
Vật thể này sau đó được xác định là "một thiết bị gián điệp đang thu thập dữ liệu về Trung Quốc".